Trang

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Suy Niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng - năm B (2011)




Suy Niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng - năm B (2011)


Cả ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng đều được định vị trong viễn cảnh của việc Thiên Chúa can thiệp vào trong Lịch Sử loài người.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Is 40: 1-5, 9-11
Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ I-sai-a đệ nhị hãy an ủi dân Ngài trong cảnh cùng khốn và loan báo cuộc giải thoát gần kề.
2Pr 3: 8-14
Thánh Phê-rô nhắc nhở rằng không phải Thiên Chúa lỗi hẹn, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài trì hoản để chúng ta có đủ thời giờ lập công tích đức trong khi chờ đợi trời mới và đất mới mà Chúa đã hứa cho chúng ta.
Mc 1: 1-8
Gioan Tẩy Giả, vị sứ giả được Thiên Chúa sai đi để dọn đường cho Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I (Is 40: 1-5, 9-11)
Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã đọc bản văn của ngôn sứ I-sai-a thời hậu lưu đày, được gọi là I-sai-a đệ tam: dân Do thái đã được cứu thoát khỏi cảnh lưu đày, đã trở về quê cha đất tổ và đang nổ lực tái thiết đất nước. Trong Chúa Nhật nầy, bài đọc I, được trích từ tác phẩm của ngôn sứ thời lưu đày. Bản văn này đưa chúng ta đi ngược về quá khứ: thời kỳ dân Do thái vẫn còn bị lưu đày ở Ba-by-lon vào những năm 550-539, cuộc giải thoát chưa xảy đến.
Vị ngôn sứ thời lưu đày nầy không ngừng đem đến những lời an ủi lớn lao cho đồng bào của mình. Thế nên, tác phẩm của ông được gọi “sách An Ủi” (Is 40-55). Chúng ta không biết gì về vị ngôn sứ thời lưu đày nầy. Ông thường hằng ẩn mình sau sứ điệp của mình, như bản văn hôm nay cho thấy. Ngay từ đầu, vị ngôn sứ ẩn mình trong “lời Thiên Chúa phán”; đoạn, trong “một tiếng kêu” mà không xác định; và sau cùng, trong “một sứ giả báo tin mừng”. Vị ngôn sứ nầy thường được gọi I-sai-a đệ nhị, vì ông thuộc vào hàng những môn đệ đầu tiên của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất, và tác phẩm của ông đã được tập hợp chung với tác phẩm của thầy mình.
1. “Hãy an ủi dân Ta”:
“Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”, đó là lệnh truyền mà Thiên Chúa gởi đến cho vị ngôn sứ của Ngài trong khi dân Do thái đang sống kiếp lưu đày vô vọng.
“Dân Ta”, lời khẳng định nầy chắc chắn đã làm ấm lòng của những người lưu đày, họ nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài đến số phận bi thương của họ. Không, họ luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia được Thiên Chúa nâng niu chiều chuộng. Cung giọng đầy trìu mến được cất lên ở cuối bài thơ trong hình ảnh người mục tử tận tình săn sóc đàn chiên của mình, nhất là những con chiên bé bỏng.
“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Dân thành đã bị trừng phạt vì tội bất trung lâu dài của mình, đây là lần đầu tiên được Thiên Chúa loan báo là Ngài thứ tha tội vạ của dân và cho họ được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Sứ điệp tràn đầy hy vọng.
2. Thời kỳ Thiên Chúa tha thứ:
“Thời phục dịch của thành đã mãn”. Chúng ta gặp lại hình ảnh nầy trong các đoạn văn Cựu Ước khác như G 7: 1: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?” . Hình ảnh này được dùng ở đây để diễn tả thời kỳ gian khổ cùng cực.
“Thành đã bị tay Chúa giáng phạt gấp hai so với tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu diễn ngữ “gấp hai” nếu chúng ta khảo sát hai thử thách lớn lao mà dân phải gánh chịu: một mặt, cuộc lưu đày ở Ba-by-lon và mặt khác, cuộc tàn phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng diễn ngữ nầy đơn giản muốn nói đến muôn vàn khổ đau mà dân phải chịu.
Ghi nhận quan trọng nầy sẽ xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị và gợi lên nguồn cảm hứng cho các bài thơ về “Người Tôi Tớ đau khổ”. Dân Chúa chọn, người tôi tớ Thiên Chúa, đã kinh qua một sự thử thách thanh tẩy. Quả thật, sự tha thứ của Thiên Chúa thì nhưng không. Tuy nhiên, qua những đau khổ dài lâu mà dân phải chịu, cũng như qua việc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài bằng việc cứu thoát dân, những người lưu đày sẽ bày tỏ cho muôn dân thấy “Thiên Chúa phán như thế nào, Ngài sẽ thực hiện đúng như vậy”.
Đó là ơn gọi của dân Ít-ra-en, với tư cách là người tôi tớ Đức Chúa: chuẩn bị những nẻo đường cứu độ cho muôn dân. Chúng ta thoáng thấy ươm mầm ý tưởng về giá trị của những đau khổ mà những người công chính, nhóm kiên trung còn sót lại phải chịu để công chính hóa mọi người. Nhóm còn sót lại này, một ngày kia sẽ là “Người Tôi Tớ hoàn hảo”, chính là Đức Ki tô.
3. “Hãy mở một con đường cho Chúa”:
Để trở về quê cha đất tổ, đoàn người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ ở bên cạnh dân Ngài và đích thân dẫn dắt dân Ngài. Sứ giả hô lớn: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Chúa; giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Chúa chúng ta”.
Cuộc hành trình băng qua hoang địa dưới sự che chỡ và hướng dẫn của Thiên Chúa, viễn cảnh nầy gợi lên rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho những tù nhân Ba-by-lon, như xưa kia Ngài đã thực hiện cho cha ông họ: giải thoát họ ra khỏi cảnh đời nô dịch ở bên Ai-cập và dẫn đưa họ về miền Đất Hứa. Cuộc Tân Xuất Hành này sẽ bày tỏ vinh quang Thiên Chúa, qua đó muôn dân sẽ hiểu rằng “chính miệng Thiên Chúa đã phán như vậy”, nghĩa là Thiên Chúa trung thành với những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện những dự định của Ngài. Dân Ít-ra-en sẽ là chứng nhân về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “Mọi người phàm sẽ cùng được thấy”.
4. “Loan tin mừng”:
“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao…”. Chính ở nơi bản văn nầy mà những Ki-tô hữu tiên khởi đã mượn thuật ngữ “Tin Mừng” để chỉ Mặc Khải Đức Giê-su Ki-tô mang đến. Vì thế, chúng ta ở tận nguồn của thần học về “Tin Mừng” .
Ấy vậy, “Tin Mừng” nầy phải được lớn tiếng công bố từ trên đỉnh non cao để khắp các thành xứ Giu-đa có thể nghe được là gì? Đó là Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm, dẫn đưa họ về quê hương đích thật của mình. Ngài không còn dung thứ những điều gian ác mà dân Ngài phải chịu. 
Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn. Nhưng ông tô đậm chân dung vị lãnh đạo toàn thắng qua hình ảnh người mục tử ân cần trìu mến đối với đàn chiên của mình. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài trở về miền Đất Hứa trước hết là vị Thiên Chúa Tình Yêu.
Đó là hình thức đầu tiên của Tin Mừng, tiên báo một cuộc giải thoát khác, một sự tha thứ có tính quyết định hơn và phổ quát hơn, và cũng tiên báo một đám rước khải hoàn khác: đám rước của những người được tuyển chọn về thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
BÀI ĐỌC II (2Pr 3: 8-14)
Ngay đầu thư, thánh Phê-rô tự giới thiệu mình: “Tôi là Si-mê-ôn Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô…”. Bức thư chắc chắn chứa đựng những lời căn dặn sau cùng của thánh nhân (ngài gợi lên cái chết gần kề của mình). Tuy nhiên, xem ra đây là một di cảo, được một trong số các môn đệ của thánh nhân biên soạn lại và bổ sung để đương đầu với những hoàn cảnh mới.
Quả thật, những đề tài được đề cập đến trong đoạn trích hôm nay sẽ được hiểu tốt hơn, nếu như chúng được đặt vào trong bối cảnh muộn thời hơn. Thế hệ của các Tông Đồ và của những môn đệ truyền chân đã qua. Ấy vậy, Đức Ki tô đã hứa là Ngài sẽ trở lại, nhưng thế hệ Ki-tô hữu hậu Tông Đồ chờ mãi vẫn không thấy ngày Chúa trở lại. Vì thế, họ ngạc nhiên, phản kháng và ngờ vực.
Để trả lời cho vấn nạn nầy, một cộng tác viên của thánh Phê-rô đưa ra ba luận chứng:
1. Khái niệm thời gian:
Thời gian là của Chúa chứ không của chúng ta. Tác giả trích dẫn thích đáng Tv 90: “Đối với Chúa, một ngày như thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”.
2. Thiên Chúa trì hoãn vì lòng xót thương:
Đức Ki-tô đến chậm vì để cho mọi người có thời gian ăn năn hối cải. Chúng ta cũng gặp lại suy tư nầy của thánh Phao-lô trong thư gởi các tín hữu Rô-ma (11: 25)
3. Thiên Chúa trung tín với những gì Ngài đã hứa:
Việc Ngài trở lại là điều chắc chắn. Nhưng lúc đó là ngày tận cùng của thế giới (tại sao phải hối thúc chứ?). Tác giả bức thư gợi lên ngày ấy bằng những hình ảnh quen thuộc của truyền thống khải huyền.
Đoạn ông khéo léo kết luận: bởi vì Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự cho những ai được Ngài tuyển chọn, thế nên, “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải nên tinh tuyền, không gì đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa”.
TIN MỪNG (Mc 1: 1-8)
Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần mở đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô được cấu trúc như sau:
1. Nhan đề (1: 1)
2. Sứ mạng Gioan Tẩy Giả (1: 2-8)
2.1- Chứng từ của các ngôn sứ (1: 2-3)
2.2- Hoạt động và lối sống của Gioan Tẩy giả (1: 4-6)
2.3- Chứng từ của Gioan Tẩy giả (1: 7-8).
1. Nhan đề (1: 1).
Sách Tin Mừng Mác-cô không mở đầu với Tựa Ngôn như sách Tin Mừng Gioan, cũng không cuộc đời Thơ Ấu của Đức Giê-su như sách Tin Mừng Mát-thêu và sách Tin Mừng Lu-ca, nhưng với một nhan đề: “Khởi đầu Tin Mừng về Đức Giê-su, Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa”. Với nhan đề nầy, ngay từ đầu, thánh Mác-cô loan báo sách được chia thành hai phần:
- Phần thứ nhất (1: 2-8: 30): Đức Giê-su dần dần vén mở sứ mạng của mình: Ngài là “Đấng Ki-tô”. “Đấng Ki-tô” được phiên âm từ từ Hy lạp “Christos”, xuất xứ từ nguyên ngữ Do thái “Đấng Mê-si-a”, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và đặc phái đến để thiết lập Vương Quốc của Ngài vào thời cánh chung. Như vậy, trong phần thứ nhất, thánh Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình cùng với thánh Phê-rô và các môn đệ đến chỗ nhận biết và tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô” (8: 29). Nhưng vào thời Đức Giê-su, tước hiệu “Đấng Ki-tô” rất dể ngộ nhận. Dân Do thái sau một thời gian dài bị đế quốc nầy đến đế quốc khác thống trị và áp bức, nên mong chờ một vị vua trần thế được Thiên Chúa ban quyền năng để đánh đông dẹp tây, mở rộng vương quyền và đem lại cảnh thái bình thịnh trị cho dân tộc mình.
- Phần hai (8: 31-16: 20): Đấng Ki-tô bày tỏ cho các môn đệ chân tính của Ngài là “Con Thiên Chúa”. Danh xưng nầy cũng là một trong những tước hiệu của Đấng Mê-si-a. Các vua Phương Đông thời xưa cũng thường tự xưng mình là “thiên tử”. Nhưng Đức Giê-su dần dần bộc lộ cho thấy mối tương quan thân tình đặc biệt và độc nhất vô nhị với Thiên Chúa, mà Ngài gọi là Cha của mình. Chính Ngài công bố long trọng tước hiệu này trước vị thượng tế (14: 61-62). Các môn đệ phải qua một thời gian dài mới khám phá ra nơi bản thân Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa đến sống giữa con người và nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của mình, Ngài giải thoát loài người khỏi quyền lực Sự Dữ và Cái Chết. Trong phần thứ hai nầy, Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình tới lời tuyên xưng đức tin sâu sắc hơn, được thốt ra từ miệng viên sĩ quan Rô-ma, dưới chân thập giá: “Quả thật, người nầy là Con Thiên Chúa” (15: 39).
Như vậy, với nhan đề nầy cho toàn bộ sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô xác định rất rõ rằng sách không kể cho chúng ta “tiểu sử cuộc đời” của Đức Giê-su, nhưng là một “Tin Mừng” về ơn cứu độ loài người được thể hiện cách độc đáo nơi bản thân Đức Giê-su quê Na-da-rét, Ngài là “Đấng Ki-tô” và là “Con Thiên Chúa” qua cái mâu thuẫn của thập giá. Chính Đức Giê-su là “Chúa” đến viếng thăm dân Ngài, không phải trong quyền uy xét xử, nhưng trong cái yếu hèn của một tình yêu được trao tặng.
2. Sứ vụ của Gioan Tẩy giả (1: 2-8):
Nhưng đây cũng là nhan đề cho phần dẫn nhập (1: 1-15) được phân định bởi cách thức đóng khung rất quen thuộc của lối hành văn Do thái, bắt đầu với chữ “Tin Mừng” ở câu 1 và kết thúc với chữ “Tin Mừng” ở câu 15. Thuật ngữ “Tin Mừng” xuất xứ từ sách I-sai-a (Is 40: 9; 52: 7; 61: 1..) được dùng ở đây để loan báo một biến cố vui mừng có một tầm mức quan trọng bậc nhất, đó là Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa.
Trong phần dẫn nhập nầy, sứ vụ của Gioan Tẩy giả, người đi trước dọn đường cho Đức Giê-su. Theo cách thức nầy, Tin Mừng Mác-cô trung thành với sơ đồ của lời rao giảng tông đồ như được gặp thấy trong sách Công Vụ (1: 21t; 10: 37; 13: 24). Trong bộ Kinh Thánh, sách Sáng Thế cũng mở đầu với diễn ngữ: “Khởi đầu”. Gioan Tẩy Giả loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa, Ngài đến để đánh dấu một khởi đầu tận căn, một khởi nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ.
2.1- Chứng từ của các ngôn sứ (1: 2):
Ngay từ những hàng đầu tiên, thánh Mác-cô nêu bật hai điểm khác biệt với các thánh ký khác. Trước tiên, các thánh ký nầy cũng đều trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a: “Có một tiếng kêu trong hoang địa…” nhưng sau khi đã nêu lên sứ vụ của Gioan Tẩy giả (x. Mt 3: 3; Lc 3: 4; Ga 1: 23). Thứ đến, trước khi trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a, thánh Mác-cô trích dẫn một sấm ngôn khác: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con đến”, sấm ngôn này được đúc kết bởi hai bản văn Cựu Ước khác nhau: Xh 23: 20 và Ml 3: 1.
Trong Xh 23: 20, Thiên Chúa nói với ông Mô-sê: “Nầy Ta sai sứ thần đi trước con, để gìn giữ con khi đi đường…”. Ngôn sứ Ma-la-khi lập lại lời nầy nhưng với một ‎ý nghĩa mới: “Nầy Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta”. Trong sấm ngôn của Ml 3: 1, Thiên Chúa sai “sứ giả” của Ngài đến trước dọn đường để “Ngài đích thân đến với dân Ngài”. Thật ra, thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca cũng trích dẫn sấm ngôn nầy, nhưng trong một bối cảnh khác và được đặt trên môi miệng của Đức Giê-su (Mt 11: 10; Lc 7: 27).
Vị sứ giả trong sấm ngôn nầy là ai? Chúng ta gặp thấy căn tính của vị sứ giả nầy ở Ml 3: 23 sau đó: “Nầy Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và huy hoàng”. Trong 2V 2: 11, ngôn sứ Ê-li-a không chết nhưng được rước về trời trong một cỗ xe đỏ như lửa với những con ngựa kéo cũng đỏ như lửa. Vì thế, theo truyền thống Do thái mãi cho đến thời Chúa Giê-su, vị sứ giả Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến..
Sấm ngôn thứ hai được trích dẫn từ Is 40: 3 (bài đọc I): “Có một tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Vị ngôn sứ loan báo cho những những người lưu đày ở Ba-by-lon biết rằng Thiên Chúa sắp can thiệp để giải thoát họ khỏi kiếp sống tù đày. Các tác giả Tin Mừng cũng đã thấy ở nơi “tiếng hô nầy” tiên báo Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giê-su, ông có sứ mạng đến trước để dọn đường cho Đức Giê-su đến. Ở nơi lệnh truyền nầy: thung lũng sẽ được lấp đầy, núi đồi sẽ phải bạt xuống, chúng ta gặp thấy cũng một lời dạy như Gioan Tẩy Giả: phải thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc tâm hồn thành miền đất thấm đẩm thiên ân, hủy bỏ những quanh co uốn khúc của sự gian tà.
Theo phương cách trích dẫn phổ biến vào thời đó, thánh Mác-cô gán toàn bộ lời trích dẫn nầy cho ngôn sứ I-sai-a, bởi vì chúng có chung một đề tài: “dọn đường để đón tiếp Thiên Chúa”. Như vậy, khi khai mạc sứ vụ của Gioan Tẩy giả bằng lời trích dẫn nầy, thánh Mác-cô muốn cho thấy rằng việc Đức Giê-su đến đã được Cha Ngài chuẩn bị trước đó rồi và ơn gọi của Gioan Tẩy giả, vị Tiền Hô của Con Ngài, được dự kiến lâu lắm rồi trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Gioan Tẩy giả là ngôn sứ Ê-li-a, mà truyền thống Do thái mong đợi, trở lại để dọn đường cho Chúa và việc ông xuất hiện cho thấy Thiên Chúa vẫn trung thành với những gì Ngài đã hứa. Thời gian đã đến hồi viên mãn.
2.2- Hoạt động và lối sống của Gioan Tẩy giả (1: 3-6).
Chúng ta lưu ý rằng khi trích dẫn sấm ngôn I-sai-a, thánh Mác-cô đã tự ý ngắt câu cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Gioan Tẩy Giả. Thay vì “Có tiếng hô: Trong sa mạc…”, thánh ký đổi thành “Có tiếng người hô trong hoang địa…”. Quả thật, Gioan Tẩy giả đã ẩn cư trong hoang địa ngay từ thuở thanh xuân để chuẩn bị sứ mạng của mình trong thinh lặng và chiêm niệm cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en (Lc 1: 80), như Đức Giê-su sẽ rút vào trong sa mạc trước khi khởi đầu sứ mạng của mình.
Đây là sa mạc Giu-đa có dòng sông Gio-đan chảy băng qua và đổ vào Biển Chết. Phải chăng thánh Gioan thuộc vào cộng đoàn Kum-ran, có mặt ở trong miền nầy và sống trong sự chờ đợi Đấng Mê-si-a? Hay đơn giản ông có giao tiếp với cộng đoàn nầy? Phải nói rằng có rất nhiều điểm giống nhau giữa linh đạo của các nhà khổ hạnh Kum-ran và linh đạo của thánh nhân, nhưng cũng có rất nhiều điểm dị biệt.
Dù thế nào, sa mạc là nơi ẩn cư quen thuộc của những nhà thần bí vĩ đại thời Cựu Ước và là nơi ưu tiên cho những cuộc gặp gở với Thiên Chúa, như Mô-sê, Ê-li-a vân vân. Cũng như chính trong sa mạc mà dân Ít-ra-en đã trải qua những kinh nghiệm tôn giáo hình thành nên những mốc điểm lịch sử của dân tộc mình.
Lời kêu gọi sám hối là đề tài thường hằng của truyền thống ngôn sứ. Gioan Tẩy giả là vị ngôn sứ cuối cùng tiếp tục truyền thống nầy, nhưng ông thêm vào đây phép rửa. Không phải trong sa mạc mà nước mặc lấy tất cả giá trị và ý nghĩa tròn đầy của nó sao? Nước đem lại sự sống và biểu tượng ơn cứu độ.
Gioan Tẩy giả sống theo lối sống khổ hạnh: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt đai lưng bằng da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Qua việc mô tả cách ăn mặc của Gioan giống như ngôn sứ Ê-li-a (1V 1: 8), thánh Mác-cô muốn thông báo rằng Gioan Tẩy giả chính là ngôn sứ Ê-li-a tái xuất hiện mà mọi người đang mong đợi. Ngoài ra, qua việc mô tả tỉ mĩ cách sống khổ hạnh của Gioan tẩy giả trong hoang địa cô tịch, thánh Mác-cô ngầm trình bày hình ảnh tương phản với Đức Giê-su: Ngài giao tiếp gần gũi với đủ hạng người ở ngoài xã hội, cùng ăn cùng uống, cùng chia sẻ cuộc sống vui, buồn, sướng khổ với họ. Quả thật, Tin Mừng Mác-cô cống hiến cho chúng ta hình ảnh rất là người của Đức Giê-su: Ngài ngủ say giữa cơn giông tố (4: 38), Ngài ngạc nhiên về việc các người đồng hương của Ngài thiếu niềm tin (6: 6), Ngài không có thì giờ ăn uống (6: 31), Ngài không biết khi nào ngày Thế Mạc sẽ đến (13: 32), nhất là Ngài chết như một kẻ tuyệt vọng (15: 34). Nhưng chính ở nơi tính chất rất là người nầy, thánh Mác-cô có ý định dẫn đưa người đọc vào mầu nhiệm của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa.
2.3- Chứng từ của Gioan Tẩy giả (1: 7-8).
Chứng từ của Gioan Tẩy giả về Đức Giê-su là cao điểm của đoạn Tin Mừng hôm nay. Sứ điệp của ông làm xáo động lòng người. Uy tín của ông quá lớn đến độ dân chúng khắp nơi tuôn đến với ông. Tuy nhiên, ông ý thức sâu xa về sự cao vời khôn ví của Thiên Chúa. Ông công bố quyền năng vượt bậc của Đấng mà ông có sứ mạng chuẩn bị cho việc Ngài đến khi sử dụng hình ảnh rất tương phản để diễn tả sự bất xứng của mình như tên nô lệ trước mặt chủ, cả đến việc cúi xuống cởi dép cho Ngài ông cũng chẳng xứng đáng nữa: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cỏi dép cho Người”.
Nhất là ông nhận biết sự khác biệt căn bản giữa phép rửa của ông và phép rửa của Đức Giê-su: ông chỉ rửa trong nước, còn Đức Giê-su thì rửa trong Thánh Thần. Điều làm cho Đức Giê-su trổi vượt hẳn vị Tiền Hô của Ngài, đó là Ngài là Đấng sở hữu Thánh Thần (x. 1: 10).
Danh tiếng của Gioan Tẩy giả vào thời đó không thể nào chối cải. Sách Công Vụ nói với chúng ta rằng ngay cả sau khi ông đã qua đời rất lâu sau đó, các cộng đoàn môn đệ của ông vẫn tồn tại (Cv 18: 24-25; 19: 1-7). Họ đề cao ông là “Đấng Mê-si-a” (Ga 1: 19-34). Như thế ngay từ trang đầu tiên Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô đã đặt Gioan Tẩy giả vào đúng vị thế của ông: sứ mạng của ông chỉ là loan báo và chuẩn bị cho việc Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, đến. Chính Đức Giê-su mới là Tin Mừng mà Gioan có sứ mạng loan báo cho hết mọi người.
Nguồn: kinhthanh.org

Những nghịch lý của cuộc sống




Những nghịch lý của cuộc sống

Có những điều hiển nhiên đến nỗi bạn không bao giờ bận tâm về nó. Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt và bạn đã không làm từ rất lâu vì nhiều lý do.

Hãy bình tâm ngồi lại, bạn sẽ thấy những điều hiển nhiên ấy, những điều nhỏ nhặt ấy có rất nhiều điều để bạn suy ngẫm lại bản thân.

Chúng ta có ít nhưng xài nhiều, chúng ta mua nhiều nhưng sử dụng ít.

Chúng ta có nhà rộng với mái ấm hẹp; có tiện nghi nhưng ít thời gian.

Chúng ta có nhiều bằng cấp nhưng lại có ít tri thức.

Chúng ta có nhiều kiến thức nhưng lại thiếu sự suy xét.

Chúng ta làm ra những thứ lớn hơn nhưng chưa chắc chất lượng hơn.

Chúng ta làm giàu tài sản nhưng lại làm nghèo giá trị bản thân.

Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít và thường hay ghét người.

Chúng ta kéo dài tuổi thọ nhưng không sống đúng ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Chúng ta chinh phục không gian vũ trụ nhưng lại bỏ trống không gian tâm hồn.

Chúng ta cố làm sạch không khí nhưng lại làm vẫn đục tâm hồn.

Chúng ta biết đường đến mặt trăng nhưng lại quên đường đến nhà người hàng xóm.

Chúng ta xây nhà cao hơn nhưng lại hạ thấp tâm tính; xây đường rộng hơn nhưng lại thu hẹp tầm nhìn.

Chúng ta uống quá nhiều, hút quá nhiều, xài tiền không toán tinh, cười quá ít, lái xe quá nhanh, hay cáu giận; thức khuya để rồi uể oải dậy sớm; đọc quá ít và coi TV quá nhiều.
Chúng ta được học cách phải tiến nhanh về phía trước mà chưa học cách chờ đợi.

Chúng ta được dạy cách kiếm sống chứ không phải cách sống.

Đây là thời đại của thức ăn nhanh và tiêu hoá chậm; của những con người to hơn nhưng nhân cách nhỏ hơn; tài sản rất sâu nhưng tình thương lại cạn.

Đây là thời đại công nghệ có thể đem những điều này đến với bạn, thời đại mà bạn có thể đọc hoặc dễ dàng vứt nó đi.

Hãy nhớ, dành nhiều thời gian hơn cho những người yêu thương bởi vì không chắc rằng họ sẽ ở bên bạn mãi mãi.

Hãy nhớ, nói một lời dịu dàng đối với những người kính trọng bạn bởi vì con người nhỏ bé đó một ngày nào đó sẽ lớn, lớn hơn cả bạn.

SƯU TẦM

Luật được - mất trong Tin Mừng




Luật được - mất trong Tin Mừng

Cuộc sống vốn tuân thủ nhiều quy luật, một trong các qui luật được phổ biến “Cái gì muốn được cũng có giá của nó”.

Một vận động viên muốn có huy chương trong một cuộc tranh tài, thì trước đó phải trả giá bằng nhiều mồ hôi, công sức kể cả các chấn thương, nhất là các võ sĩ. Huy chương nhận được từ các cuộc tranh tài ở cấp càng cao, càng rộng lớn thì cái giá phải trả trước đó càng nhiều. Tóm lại, muốn được cao thì phải mất nhiều.

Tương tự như thế, phần thưởng đời sau mà Thiên Chúa hứa ban tặng cũng có những cái giá mà con cái đời này cần phải trả tương xứng. Luật này viết một cách tóm tắt: Luật Thập giá. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã sống đúng luật này, đã trả giá một cách xứng đáng để vinh dự nhận các phần thưởng mà Thiên Chúa đã thưởng công mà thánh Matthêu 5,10 có ghi:

a. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

b. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Thật ra, để nhận các hồng phúc ấy, còn vài phương sách khác mà Tin Mừng Matthêu 5,3 cũng trình bày:

c. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

d. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

e. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

f. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

g. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

h. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

i. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Trong đó, các hồng phúc e, g có kết quả nhẹ hơn so với các hồng phúc khác.

Chúng ta có thể kể các chân phúc này tương ứng với vài Thánh nổi tiếng:

* Thánh Phanxicô Asissi với các chân phúc đặc trưng: d, g, i.

* Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu với các chân phúc đặc trưng: c, f, g, h.

* Chân phước Têrêsa Calcutta với các chân phúc đặc trưng: c, d, g.

* Thánh Monica với các chân phúc đặc trưng: d, e.

Nhìn các mối phúc mà Thiên Chúa hứa, ta thấy chúng có cùng đặc trưng, là con người phải chấp nhận những mất mát lớn lao những quyền lợi ở đời này: nghèo khổ, hiền lành, sầu bi, tâm hồn trong sạch, bị sỉ vả và bị bách hại. Chúng là những đặc trưng của thập giá cuộc sống thế tục.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nói các điều nghiêm khắc khác,được ghi trong Phúc âm Luca (14,17), (14,27) và (14,33):

* Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 

* Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

* Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Lạy Chúa, con biết rằng cuộc đời này là một trận đấu. Muốn có huy chương chúng con phải chiến thắng chính mình. Một trận đấu mà muốn có kết quả vinh quang, chúng con phải vui vẻ chọn con đường thập giá, một con đường duy nhất.



G. Tuấn Anh

Nguồn: truyenthongconggiao

40giayloichua : Chúa Nhật II Mùa Vọng - B




Nguồn: 40giayloichua.net


Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Vua Hêrôđê





Vua Hêrôđê

Phải chăng chỉ có một “vua Hêrôđê” ?

 Thân gửi ban biên tập

Trong bài khảo cổ về mộ của vua Hêrôđê, bản dịch chú thích sống trước CN 37, chết năm thứ 4 sau CN. Thực ra, tới lúc Chúa Gìêsu bị khổ hình, vua Hêrôđê vẫn còn sống.

Xin cho biết để khỏi nghi ngờ

Cám ơn
KP (<khongphong2002@ ...>)

---------------------------------------------
Thưa bạn,

Xin trả lời bạn.

- Vua Hêrôđê cai trị từ năm 37 trước CN cho đến năm 4 sau CN được gọi là Hêrôđê Cả.

Chính vị vua này đã tìm cách giết Đức Giêsu khi ra lệnh tàn sát các trẻ em ở Bê-lem
(x. Mt 2,1-18).

- Còn vua Hêrôđê đã gặp Đức Giêsu khi Người bị điệu đi xử (x. Lc 23,8-12) là con của
Hêrôđê Cả, cũng được gọi là Hêrôđê Antipa, là tiểu vương miền Galilê và Pêrê (x. Lc 3,1).

Chính ông này đã cướp vợ của anh mình là bà Hêrôđia (x. Mt 14,1.3-6; Mc 6,14tt).

Xin nói thêm về dòng họ Hêrôđê:

- Hêrôđê Philíp I, hay tên chính xác là Hêrôđê Boethos, là con của Vua Hêrôđê Cả (với bà Mariamne II), chồng bà Hêrôđia (x. Mt 14,3; Mc 6,17).

- Áckhêlaô, con của Hêrôđê Cả (với bà Manthakhê), anh của Hêrôđê Antipa, cai trị miền Giuđê, Samari (x. Mt 2,22).

- Hêrôđê Philíp II, con của Hêrôđê Cả (với bà Cléopâtre), chồng của bà Salômê, tiểu vương miền Iturê và Trakhônít (x. Lc 3,1).

- Hêrôđê Agrippa I, cháu của Hêrôđê Cả, đã bách hại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên
(x. Cv 12,1023).

- Hêrôđê Agrippa II, con của Hêrôđê Agrippa I, đã gặp thánh Phaolô (x. Cv 26,1tt).



Xin Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa chúc lành cho bạn.

 

Nguồn: kinhthanh.org

''Tin mừng'' trong ''sách Tin Mừng'' Mác-cô


''Tin mừng'' trong ''sách Tin Mừng'' Mác-cô




Chúng ta cùng tìm hiểu với cha G. Lê Minh Thông: “Tin mừng” trong “sách Tin Mừng” Mác-cô.
Trong bốn sách Tin Mừng, danh từ “tin mừng” (euaggelion) xuất hiện 8 lần trong sách Tin Mừng Mác-cô (1,1.14.15; 8,35; 10,29; 13,10; 14,9; 16,15), xuất hiện4 lần trong Mát-thêu (Mt 4,23; 9,25; 24,14; 26,13) và không xuất hiện trong Tin Mừng Lu-ca và Tin Mừng Gio-an. Với số lần xuất hiện vượt trội so với các Tin Mừng khác, có thể “tin mừng” là đề tài quan trọng và đặc thù của Tin Mừng Mác-cô. Để tránh lầm lẫn, chúng tôi dùng thuật ngữ “Tin Mừng” (viết hoa) để chỉ bốn “sách Tin Mừng”). Từ “Tin Mừng” trong các kiểu nói “đọc Tin Mừng”, “học hỏi Tin Mừng”... được hiểu là bốn sách Tin Mừng (Mt, Mc, Lc, Ga). Ngoài nghĩa “sách Tin Mừng”, từ “tin mừng” còn có nghĩa khác; chúng tôi dùng từ “tin mừng” (viết thường) khi từ này không chỉ các sách Tin Mừng. Quan sát 8 lần từ “tin mừng” xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô có thể nói đến bốn nghĩa sau đây của danh từ “euaggelion”. (Các trích dẫn bản văn Mác-cô lấy trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.)
1) Tin mừng của Đức Giê-su
Tác giả mở đầu sách Tin Mừng Mác-cô qua lời giới thiệu: “Khởi đầu tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô [Con Thiên Chúa]” (Mc 1,1). Như thế, “tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô (to euaggelion Iêsou Khistou)” là tin mừng do chính Đức Giê-su rao giảng. Nội dung tin mừng ấy bao gồm lời nói, việc làm, cách sống, cách xử sự của Đức Giê-su.
Trong bốn sách Tin Mừng, kiểu nói “vì Đức Giê-su và vì tin mừng” chỉ xuất hiện 2 lần trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 8,35; 10,29). Bối cảnh của hai lời này khác nhau. Mc 8,35 là một lời giáo huấn của Đức Giê-su mang tính phổ quát: “Ai muốn cứu mạng sống của mình, sẽ mất nó; nhưng ai sẽ mất mạng sống của mình vì Tôi, và vì tin mừng, sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Ở Mc 10,29, Đức Giê-su hứa với các môn đệ: “29 A-men, Thầy nói cho anh em: Không ai bỏ nhà cửa, hay anh em, chị em, mẹ, cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì tin mừng, 30 mà không nhận được gấp trăm, bây giờ, trong thời gian này, nhà cửa và anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời trong thời đang đến” (Mc 10,29-30). Kiểu nói “vì Đức Giê-su” (“vì Tôi”, “vì Thầy”) ám chỉ hành động “tin vào Đức Giê-su” và “trung tín với Người” cho đến cùng. Cụm từ tiếp theo “vì tin mừng” có thể hiểu là “vì tuân giữ giáo huấn của Đức Giê-su”, nghĩa là “vì sống theo tin mừng Đức Giê-su rao giảng” mà các môn đệ có thể bị bách hại, bị ngược đãi, bị mất mạng sống.
Tóm lại, nghĩa đầu tiên của từ tin mừng và cũng là nghĩa quan trọng trong Tin Mừng Mác-cô: “tin mừng” là “tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô”, là “tin mừng Đức Giê-su rao giảng”.    
2) Tin mừng của Thiên Chúa
Lời tựa Tin Mừng Mác-cô cho biết nội dung lời rao giảng của Đức Giê-su như sau: “Sau khi Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến Ga-li-lê rao giảng tin mừng của Thiên Chúa (to euaggelion tou theou)” (1,14). Tin mừng của Thiên Chúa là tin mừng cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại qua biến cố Đức Giê-su đến thế gian giải thoát con người khỏi ách tội lỗi và sự chết.
3) Tin mừng của các môn đệ
Cụm từ “tin mừng của các môn đệ” hiểu theo nghĩa “tin mừng các môn đệ rao giảng”. Đức Giê-su nói về sứ vụ của các môn đệ như sau: “9 Phần anh em, anh em hãy coi chừng, người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn và sẽ phải đứng trước quan quyền và vua chúa vì Thầy để làm chứng trước mặt họ. 10 Và tin mừng phải được rao giảng trước tiên cho mọi dân tộc” (13,9-10). Cho dù trong hoàn cảnh khó khăn bách hại, tin mừng vẫn được rao giảng. Mc 16,15 (phần kết dài của sách Tin Mừng Mác-cô) nói rõ sứ vụ của các môn đệ là “rao giảng tin mừng”. Đức Giê-su nói với họ: “Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi thụ tạo” (16,15).
Trong trình thuật người phụ nữ xức dầu thơm cho Đức Giê-su tại nhà ông Si-mon Cùi (Mc 14,3-9) Đức Giê-su nói với những kẻ gắt gỏng với cô ấy như sau: “8 Điều cô ấy có, cô ấy đã làm, cô ấy đã xức dầu thơm thân thể Tôi trước để chuẩn bị mai táng.9 A-men, Tôi nói cho các ông: Tin mừng được loan báo ở đâu trong khắp thế gian, thì điều cô ấy vừa làm sẽ được kể lại để nhớ tới cô ấy” (14,8-9). Kiểu nói “tin mừng được loan báo ở đâu trong khắp thế gian” ám chỉ đến sứ vụ rao giảng tin mừng của các môn đệ thời Đức Giê-su; cũng như sứ vụ rao giảng tin mừng của Hội Thánh và của từng người tin qua mọi thời đại.
Tóm lại, như Đức Giê-su đã rao giảng tin mừng, các môn đệ cũng được Người trao phó sứ vụ rao giảng tin mừng. Các môn đệ rao giảng về cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su. Nhờ các môn đệ (13,10) tin mừng được rao giảng cho mọi loài thọ tạo (16,15) và tin mừng sẽ lan rộng khắp nơi qua dòng thời gian (14,9). Cụ thể lời rao giảng tin mừng của các môn đệ được thuật lại trong sách Công Vụ, trong các thư Phao-lô và trong một số sách khác của Tân Ước.
4) Tin mừng là chính Đức Giê-su
Người thuật chuyện kết thúc Lời tựa sách Tin Mừng Mác-cô (1,1-15) bằng cách thuật lại lời rao giảng của Đức Giê-su: “14 Sau khi Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến Ga-li-lê rao giảng tin mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói rằng: “Thời gian đã viên mãn, và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và hãy tin vào tin mừng” (Mc 1,14-15). Lời mời gọi “hãy sám hối và hãy tin vào tin mừng” tóm kết mục đích toàn bộ sách Tin Mừng Mác-cô. “Tin” là đề tài chính của sách Tin Mừng, mục đích giáo huấn của Đức Giê-su là để thính giả và độc giả “Tin vào Đức Giê-su” để được sống. Vì thế, kiểu nói “tin vào tin mừng” có thể hiểu là “tin vào Đức Giê-su”. Do đó, song song với 1,14, có thể hiểu “Đức Giê-su là tin mừng”. Chính Đức Giê-su là “tin mừng của Thiên Chúa” (1,14) dành cho nhân loại.
Kết luận
Những quan sát trên cho thấy danh từ “tin mừng” (euaggelion) xuất hiện 8 lần trong Mác-cô là đề tài quan trọng và hàm ẩn nhiều ý nghĩa phong phú và độc đáo. Tin Mừng Mác-cô dùng từ “tin mừng” (euaggelion) để nói đến bốn ý nghĩa: (1) “Tin mừng của Đức Giê-su”, (2) “Tin mừng của Thiên Chúa”, (3) “Tin mừng của các môn đệ”, (4) “Tin mừng là chính Đức Giê-su”. Từ “tin mừng” được dùng để nói về nhiều thực tại khác nhau, nhưng chỉ có một “tin mừng” duy nhất, đó là “TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA” (1,14), tin mừng đó chính là Đức Giê-su (1,15), đó là tin mừng Đức Giê-su rao giảng (1,1). Khi các môn đệ rao giảng tin mừng của Đức Giê-su cũng là rao giảng tin mừng của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Nội dung các sách Tin Mừng là thuật lại tin mừng của Thiên Chúa được trình bày qua Đức Giê-su. Hội Thánh không ngừng nỗ lực sống tin mừng và rao giảng tin mừng cho nhân loại. Như thế, có thể nói đến năm nghĩa của từ “tin mừng” (euaggelion): bốn nghĩa trong Tin Mừng Mác-cô như đã phân tích trên đây và nghĩa thứ năm là các sách “Tin Mừng”./.
Ngày 27 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/11/tin-mung-trong-sach-tin-mung-mac-co.html
email: josleminhthong@gmail.com
Nguồn: kinhthanh.org

Điều quan trọng



Điều quan trọng

Một câu trích dẫn được treo trong phòng làm việc của Albert Einstein đó là: “Không phải mọi thứ quan trọng được xem là quan trọng, và không phải mọi thứ được xem quan trọng lại là quan trọng”. Nói cách khác, có rất nhiều việc chúng ta làm trong ngày hoặc trong tuần có thể không được xem là “quan trọng” - đó không phải là những việc nằm trong danh sách công việc của bạn - tuy nhiên, chúng chính là những khoảnh khắc quan trọng và quyết định.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng tình yêu chính là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta không có tình yêu, thì tất cả những gì chúng ta hoàn thành được, tất cả những thành tựu to lớn của chúng ta đều sẽ chẳng có ích gì (x. 1 Cr 13,3).

Ưu tiên số một chính là và sẽ luôn là tình yêu! Nếu mỗi đêm khi đi ngủ, bạn đều biết rằng mình đã thể hiện tình yêu thương, như thế, bạn có thể yên giấc, bạn biết rằng mình đã hoàn thành điều gì đó thật sự lớn lao.
Thiên Ân

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B



VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B

Tin Mừng thánh Gioan 1,6-8.19
TIN MỪNG
Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "


I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Gioan 1,7
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


II. TRẮC NGHIỆM
 


01. Có 1 người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về ánh sáng là ai? (Ga 1,6-7)
a. Đức Giêsu.
b. Ông Môsê.
c. Ông Ápraham.
d. Ông Gioan.
02. Ông Gioan được Thiên Chúa sai đến để làm gì? (Ga 1,7)
a. Làm chứng về ánh sáng.
b. Rao giảng Nước Trời.
c. Kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
d. Chỉ a và c đúng.
03. Ông Gioan đến và làm chứng về ánh sáng để mọi người làm gì? (Ga 1,7)
a. Sám hối mà được cứu rỗi.
b. Nhờ ông mà tin.
c. Mọi người tin vào Nước Thiên Chúa đang hiển hiện.
d. Siêng năng cầu nguyện.
04. Đây là những người từ Giêrusalem được cử đến để hỏi ông Gioan? (Ga 1,19)
a. Các thượng tế.
b. Các thầy lêvi.
c. Các tư tế.
d. Chỉ b và c đúng.
05. Ông Gioan đã làm phép rửa tại đâu? (Ga 1,28)
a. Biển hồ Tibêria.
b. Sông Giođan.
c. Giếng Giacóp.
d. Hồ silôác.


III. Ô CHỮ


Những gợi ý
01. Vị ngôn sứ được nhắc đến tên là gì? (Ga 1,21) 
02. Người được Thiên Chúa sai đến tên là gì? (Ga 1,6) 
03. Ông Gioan được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về điều gì? (Ga 1,7) 
04. “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Đây là lời của ngôn sứ nào? (Ga 1,23)

05. Ông Gioan đã làm phép rửa tại đâu? (Ga 1,28) 
06. Ai đã sai ông Gioan đến để làm chứng về ánh sáng? (Ga 1,6)
07. Ông Gioan tuyên bố ngài không phải là ai? (Ga 1,20)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH GHI NHỚ VÀ HỌC THUỘC LÒNG


Ông đến để làm chứng,
và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.

Tin Mừng thánh Gioan 1,7.


Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm B


Niềm Vui

(Is 61,1-2a.10-11; 1Thes 5,16-24; Gioan 1,6-8.19-28)
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B:
(Is 61,1-2a.10-11; 1Thes 5,16-24; Gioan 1,6-8.19-28)
Suy niệm: Niềm Vui
"Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Ðức Kitô.
Anh em đứng dập tắt tác động của Thánh Thần" (1Thes 5,16-17).
Lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalônikê ngày xưa, hôm nay Giáo hội lại công bố với chúng ta trong ngày Chúa nhật thứ III mùa Vọng này.
Trong lúc chờ đợi Ðức Kitô đến, chúng ta phải tỉnh thức, phải lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi. Chính tiếng Người đem lại niềm vui cho ta, như Yoan Tẩy giả đã làm chứng, khi ông nói về vai trò tiền hô của mình đối với Ðấng Cứu thế.
"Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài.
Niềm vui của tôi đã sung mãn.
Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi"
(Gioan 3,29-30)
1. Giáo Hội Kêu Gọi Chúng Ta Vui Lên. Nhưng Thế Nào Là Vui?
Theo kinh nghiệm thông thường, vui là khi một ước vọng của ta được toại nguyện; khi ta thành công trong một nỗ lực hoặc một dự tính; khi quyền lợi của ta bị tước đoạt mà nay được phục hồi; và vui nhất là khi ta được gặp lại những người thân yêu sau một thời gian xa vắng. Tắt một lời, ta vui khi lòng ta đang trống mà được lấp đầy.
2. Niềm Vui, Theo Nghĩa Thánh Kinh, Chính Trị Là Trạng Thái Của Con Người Ðược Thiên Chúa Ðổ Ðầy Thánh Thần
Bài sách Isaia hôm nay (Is 61,1-2a.10-11) phác họa cho ta hình ảnh Ðấng Thiên Sai được Thánh Thần xức cho dầu hoan lạc:
"Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi... Ngài sai tôi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".
Năm hồng ân trong Cựu Ước - mà Năm Thánh là điệp ảnh - quả là một sáng kiến độc đáo Thiên Chúa đề ra cho Dân Ngài. Nó là khoảng thời gian đặc biệt nhắc cho mọi người nhớ rằng: tất cả những gì mình có đều là do Thiên Chúa ban, và mọi người phải nghĩ đến quyền lợi của kẻ khác: bởi vì mọi người đều có quyền sống tự do và hưởng dùng tài nguyên trên mặt đất. Năm hồng ân làm nổi bật, nguyên tắc công bằng và quyền bình đẳng của mọi người trước mặt Thiên Chúa (Lêvi 25,1-55).
Mở đầu cuộc đời công khai, Ðức Yêsu đã đọc cho mọi người nghe đoạn sách Isaia trên đây trong hội đường Nadarét. Và Ngài kết luận: "Hôm nay, đoạn sách thánh ấy đã thực sự ứng nghiệm cho anh em" (Lc 4,16-21). Và như thế, Ngài nhận lấy sứ mạng "loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ, băng bó vết thương cho những tấm lòng tan nát, công bố ân xá cho những kẻ bị tù đày, trả tự do cho những người bị áp bức" (Is 61,1-2; cf Lc 4,18-19).
Ðó là những quyền căn bản của con người: quyền được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và được tôn trọng, quyền được hưởng niềm vui làm người tự do và bình đẳng.
Nhưng hơn thế nữa, sứ mạng cứu thế của Ðức Yêsu Kitô còn nhằm biến đổi mọi người trở thành con cái Thiên Chúa. Ðiều quan trọng hơn cả trong Tin Mừng Ngài mang đến cho chúng ta là Thiên Chúa muốn sống giữa loài người liên đới với nhau như một cộng đoàn hợp nhất, thánh thiện và hòa bình. Sứ điệp đó thúc đẩy chúng ta nỗ lực xây dựng Nước Trời trong một xã hội công bình và huynh đệ, ở đó mọi thành phần đều được Thần Khí thánh hóa và quy tụ quanh Ðức Yêsu Kitô, để cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha (Gal 3,16; Rm 8,14-17). Bài sách Isaia loan báo Thiên Chúa sẽ khoác cho dân Ngài một áo choàng công chính và cứu độ (Is 61,10) mà thánh Phaolô họa lại bằng lời nguyện cầu "xin Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em" (1Thes 5,23).
Niềm vui Ðức Yêsu Kitô mang tới cho ta, chính là niềm vui của người tự do được làm con Thiên Chúa.
3. Sứ Ðiệp Tin Mừng Là Thế - Sứ Ðiệp Ðấng Thiên Sai Là Thế
Nhưng người Kitô hữu chúng ta phải làm gì để nhận được niềm vui đó? Thánh Phaolô trả lời: "Anh em đừng dập tắt tác động của Thánh Linh" (1Thes 5,19) vì chính Thánh Thần làm nảy sinh mọi sự tốt đẹp, mọi hoa quả nhân đức "bác ái, hoan lạc, bình an, cao thượng, tận tâm, nhân từ, tín thác, hiền lành, tự chủ" (Gal 5,22-23), và "đâu có Thánh Thần, đấy có tự do" (2Co 3,7). Ðặc điểm của thời đại Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa phủ đầy Thần Khí trên nhân loại, làm cho mọi tâm hồn chan chứa niềm vui: niềm vui được Thiên Chúa viếng thăm, được Ngài chúc phúc và ban ơn cứu độ.
Nhưng hạng người được Thiên Chúa ưu tiên viếng thăm là những người nghèo (xem Lc 2,24). Họ được, Ngài chúc lành (Lc 6,20; Mt 5,3) và Tin Mừng cũng được loan báo trước tiên cho họ (Lc 4,18). Họ được Thiên Chúa ban đầy hồng ân, vì lòng họ sẵn sàng và khiêm tốn đón nhận. Những người tiếp xúc với Ðức Yêsu thuở Ngài còn thơ ấu; cũng như khi Ngài hoạt động công khai đều là những con người nghèo hèn bé mọn của Yavê: Yacaria, Isave, Maria, Yuse, đám mục đồng, Simêon, Anna, Yoan Tiền hô, nhóm môn đệ và đoàn dân nghèo theo Ngài để đi giảng. Ðó là một xã hội nghèo của Ngài và từ đó phải trở thành Giáo hội của người nghèo; một Giáo hội nhẹ lòng với của cải trần gian, ít bận tâm về những điều vật chất, để được thanh thoát và mở rộng tâm hồn đón nhận tác động của Thần Khí Thiên Chúa biến đổi họ thành những con người tự do.
Hai tâm hồn tiêu biểu nhất trong mùa Vọng là Trinh Nữ Maria và Yoan Tẩy giả. Họ đều nghèo nhưng cả hai đều tràn đầy Thánh Thần và vì thế, lòng các ngài chan chứa niềm vui. Riêng niềm vui của Ðấng Tiền hô thật là sung mãn: bởi đã nghe tiếng Chúa Cứu Thế, được làm người dọn đường cho Ngài, để chỉ Ngài cho thiên hạ thấy, rồi vui vẻ rút lui vào bóng tối; chấp nhận nhỏ dần đi để Ngài được lớn lên (Gioan 3,29-30).
Người Kitô hữu cũng phải mang đầy niềm vui như Yoan Tiền hô, một niềm vui thâm thúy của con người ý thức trách nhiệm, trung thành chu toàn sứ mạng, đúng như ơn gọi Thiên Chúa đã dành cho.
Mà ơn gọi và sứ mạng đều phát xuất từ Thiên Chúa. Nhưng để sống đến cùng những đòi hỏi của ơn gọi mình, người Kitô hữu cũng phải như Ðức Trinh Nữ Maria kết hiệp mật thiết với Ðấng Cứu Thế. Bởi vậy, khi kêu gọi ta vui lên, thánh Phaolô cũng nói thêm: "Anh em hãy cầu nguyện không ngừng" (1Thes 5,16).
Ðó là điều kiện cần thiết mang lại niềm vui sâu xa cho tâm hồn con người tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa. Và ai có những lần đã thực sự cầu nguyện, thì cũng đã cảm nghiệm được niềm vui thiêng liêng, niềm vui của người Kitô hữu.
Bài Giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
Thấy Yoan xuất hiện, dân Dothái ngày xưa đã hân hoan rồi. Nhưng khi nghe Yoan tuyên bố: sắp có Ðấng cao trọng hơn ông đến, họ còn vui mừng hơn nữa. Vì thế, Chúa nhật thứ ba mùa Vọng là Chúa nhật hân hoan vui mừng.
Chúng ta hãy vui mừng, không phải chỉ vì đang được nghe lại tiếng kêu của Yoan. Ngày xưa dân Dothái đã hân hoan khi thấy Yoan xuất hiện. Tên ông đã gợi lên niềm tin rồi, vì Yoan có nghĩa là "Thiên Chúa đoái thương". Ngài không còn ngoảnh mặt đi nữa, nhưng đã bắt đầu nhìn lại Dân Ngài, để ra tay cứu độ. Và quả thật, đang có nhiều hy vọng vươn lên. Người ta tuôn đến nghe Yoan giảng; người ta chen nhau lội xuống nước, thú nhận tội mình, để được ông rửa cho. Yoan này thật là vị tiên tri vĩ đại. Chúa gửi người đến cho dân, để sửa soạn gì đây. Dân Chúa cảm thấy phấn khởi vì sự hiện diện của Yoan Tẩy giả, với phong trào đạo đức mà ông đang khơi động.
Ngày nay chúng ta cũng có thể phần nào vui lên như thế. Ở trong Giáo hội toàn cầu cũng như ở nơi Giáo hội Việt Nam đang nổi lên biết bao phong trào đạo đức. Người ta đi lễ nhiều hơn trước, rước lễ đông hơn trước, say sưa học giáo lý và dường như thấy rõ niềm tin lúc này là nguồn an ủi sâu xa hơn khi nào khác. Ở nhiều nơi, người ta còn được chứng kiến nhiều buổi cầu nguyện Thánh Linh nữa. Các phong trào đạo đức đó như đang làm cho bộ mặt Giáo hội sáng ngời lên, khiến nhiều người có thể hân hoan nghĩ rằng: tất cả những gì đang xảy ra có thể là cơ hội thanh tẩy Giáo hội và giúp Giáo hội vươn lên trong sự công chính và thánh thiện thật.
Nhưng cũng như dân Dothái ngày xưa, chúng ta đừng chỉ vui với chừng ấy. Ngày xưa khi thấy Yoan xuất hiện, dân Chúa như đã muốn vui luôn trong ánh sáng của người. Nhưng Phúc Âm hôm nay cho ta thấy: Yoan bảo dân chúng phải nhìn xa hơn nữa. Ông chỉ rửa trong nước thôi; sắp có Ðấng đến sau để rửa dân trong Thánh Thần. Chính Ngài mới là Ðấng Kitô Cứu Thế và ông không đáng cởi dây giày cho Ngài... Chúng ta ngày nay cũng phải cẩn thận, đừng dừng lại ở những hiện tượng lạc quan như trên đã nói. Phải đi sâu hơn, xa hơn. Phải vượt qua mọi hình thức, cho dù rất đạo đức, để tìm gặp chính Chúa Kitô. Nhiều người trong ta có lẽ còn giống nhóm Biệt phái và Dothái. Các nhóm này, ngày xưa, chỉ muốn dừng lại ở Yoan, ngưỡng mộ ông và coi ông như Cứu Thế. Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng thường chỉ muốn dừng lại ở những cái thấy được, ở các buổi phụng vụ sốt sắng và các buổi cầu nguyện sầm uất. Học giáo lý để thuộc chứa không để sống! Rước lễ để sốt sắng trong nhà thờ chứ không để thêm sức sống đạo ở giữa đời! Hôm nay, phụng vụ của Giáo hội thúc giục ta phải đi xa hơn, vượt qua những hành vi và tổ chức đạo đức, để gặp Chúa Kitô và sống với Ngài.
Chúa Kitô, theo bài đọc I hôm nay, là sứ giả của Thiên Chúa sai xuống trần gian. Ngài được xức dầu Thánh Thần, rồi được sai đem Tin Mừng cho người nghèo khó; và công bố khắp nơi năm hồng ân của Thiên Chúa... Ngày nay, Chúa cũng đang muốn tìm được những sứ giả như vậy ở giữa chúng ta. Ngài muốn cho cả Giáo hội của Ngài được xức dầu hoan lạc để luôn luôn công bố cho mọi người biết Tin Mừng Chúa đến cứu độ trần gian. Ngài muốn cứu mọi người từ tận căn, tận rễ, từ những người đang nghèo khổ, bất cứ về phương diện nào, để đời sống trở thành như năm hồng ân của Thiên Chúa.
Như vậy, tinh thần của ngày Chúa nhật hôm nay, đòi ta phải lột bỏ mọi vẻ mặt sầu bi, thiểu não. Phải đuổi xa mọi tâm tư hắc ám và buồn nản. Phải giải tỏa mọi nỗi lòng đau khổ và tội lỗi. Xưng tội từ hôm nay để tham dự vào mầu nhiệm Giáng sinh không phải là quá sớm đâu. Phải như mặc lấy áo phần rỗi và công chính để hoan hỷ đem tin vui đến cho mọi người.
Và tin vui của Ðức Kitô là gì?
Như lời sách Isaia viết: Ngài muốn "đem hân hoan đến cho người nghèo, băng bó những tâm hồn đang đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ lưu đày". Ngài muốn nhờ ta bây giờ làm những công việc ấy, để khắp nơi nổi lên một bầu khí hân hoan như được hồng ân của Chúa viếng thăm.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng vạch ra cho ta con đường thực tế để sống đạo theo tinh thần nói trên. Ngài bảo ta trước hết phải lạc quan: "Anh em hãy vui mừng luôn". Rồi hãy có tinh thần cầu nguyện để nhìn thấy thánh ý Chúa trong mọi việc. Ðừng dập tắt Thánh Thần của Chúa, đừng làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa hằng vang lên trong mọi sự xảy đến hằng ngày cho ta, hãy duyệt lại tất cả: bỏ cái xấu đi, và giữ lấy cùng phát triển mọi điều tốt gặp được.
Như vậy chúng ta sẽ đi vào đường lối của Ðức Kitô, sẽ sống như Ngài trong cuộc đời trần gian: Ngài đã mặc lấy thân phận y hệt như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra, gạt bỏ điều xấu, xây dựng điều lành. Ngài cứ nhìn vào những người nghèo khó và khổ sở ở đời để tìm cách kéo gỡ họ ra khỏi thân phận đau thương. Chính vì vậy Ngài đã trở thành Cứu thế và ban ơn Cứu độ.
Giờ đây trên bàn thờ Ngài muốn cử hành mầu nhiệm cứu độ đó ở trước mắt chúng ta, để kêu gọi chúng ta đi vào, dâng mình kết hợp với Ngài, hầu Ngài có thể ngự vào lòng ta để tiếp tục làm những hành vi cứu độ trong đời sống và qua đời sống của ta. Ta hãy nhiệt tâm đi vào mầu nhiệm thánh lễ này.
Ðức Yêsu Là Người Thực
Tôi dám nói rằng: Nếu tôi không nhận biết Chúa Kitô thì đối với tôi, "Thượng đế" sẽ là một danh từ vô nghĩa. Nếu không có ơn rất đặc biệt tôi sẽ không thể mường tượng một hữu thể vô hạn. Thiên Chúa của các triết gia và những nhà bác học sẽ không giữ vai trò nào trong đời sống luân lý của tôi. Thiên Chúa đã phải hạ mình xuống trong nhân loại, và trong một giờ khắc rõ rệt của lịch sử, tại một địa điểm xác định trên địa cầu, một người được tạo nên bằng huyết nhục, đã phải tuyên bố mấy lời và làm một vài cử chỉ thì tôi mới quỳ gối thờ lạy. Nếu Chúa Kitô đã không phán: "Lạy Cha chúng con..." thì không bao giờ tự mình tôi có ý niệm về tình nghĩa tử này. Lời kêu cầu ấy đã không khi nào tự đáy lòng tôi thốt ra trên môi. Tôi chỉ tin cái gì tôi đụng chạm và nom thấy, cái gì sát nhập vào bản thể tôi. Và chính vì thế, tôi đã tin Chúa Kitô. Tất cả những khuynh hướng muốn giảm bớt thân phận con người nơi Chúa Kitô sẽ đi ngược với một ý hướng sâu thẳm nhất của tôi. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn không thích nhìn dung nhan Chúa Kitô Vua và Ðấng Thiên Sai toàn thắng bằng hình ảnh khiêm tốn và tiều tụy của Con Người mà qua việc bẻ bánh trong quán trọ làng Emmau các lữ khách đã nhận ra. Người là người anh mang đầy thương tích và là Thiên Chúa của chúng ta.
Francois Mauriac Vie De Jésus
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B
Tin Mừng thánh Gioan 1,6-8.19
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề :
Ông Gioan Tẩy Giả
* Tin Mừng thánh Gioan 1,7
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
II. Lời giải đáp trắc nghiệm
01. d. Ông Gioan (Ga 1,6-7).
02. a. Làm chứng về ánh sáng (Ga 1,7).
03. b. Nhờ ông mà tin (Ga 1,7).
04. d. Chỉ b và c đúng (Ga 1,19).
05. b. Sông Giođan (Ga 1,28).
III. Lời giải đáp ô chữ
01. Ngôn sứ Êlia (Ga 1,21).
02. Ông Gioan (Ga 1,6)
03. Ánh sáng (Ga 1,7).
04. Ngôn sứ Isaia  (Ga 1,23)
05. Sông Giođan (Ga 1,28).
06. Thiên Chúa (Ga 1,6).
07. Đấng Kitô (Ga 1,20).
Hàng dọc: Ánh Sáng.