Trang

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Thánh Anphong Liguori



Thánh Anphong Liguori

(1696-1787)
T
ông Ðồng Vatican II xác định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.
Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.
Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.
Sự canh tân mục vụ lớn lao của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.
Ngài được tấn phong giám mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính.
Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.
Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

Lời Bàn

Trên hết tất cả, Thánh Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật thiết với Ðức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.
Kính màu Thánh Anphong quỳ trước Thánh Thể, Nhà Thờ Chánh Tòa Carlow, Ái nhĩ lan.

Lời Trích

Khi Thánh Anphong làm giám mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói, "Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Ðây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình."

LỜI CHÚA MỖI NGÀY THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Jer 15:10, 16-21; Mt 13:44-46
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Làm mọi sự để đạt tới nước trời.
Để biết quí trọng điều gì, một người trước tiên cần biết điều đó làm gì cho mình. Nếu không biết giá trị của nó, người đó sẽ không quí trọng và không bỏ thời giờ cũng như công sức để tìm điều đó. Ví dụ, ngọc quí đặt trước miệng con heo, hay những khám phá về các văn bản cổ của Kinh Thánh đặt trước kẻ vô thần.
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh tới việc con người phải có cặp mắt tinh đời để nhận ra sự quí trọng của Lời Chúa và của Nước Trời. Hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau: Lời Chúa soi dẫn cho con người đạt tới Nước Trời. Trong bài đọc I, khi ngôn sứ Jeremiah gặp được Lời Chúa, ông đã vui mừng “nuốt” vào; nhưng cũng vì Lời Chúa, ông bị mọi người chống đối và chê bỏ đến nỗi ông nghi ngờ ngay cả về sự hiện hữu của mình trong cuộc đời. Thiên Chúa đã đến để củng cố tinh thần cho ông. Ngài hứa nếu ông trung thành với sứ vụ ngôn sứ, Ngài sẽ làm cho ông trở nên như một thành đồng vững chắc, sẽ giải thoát ông khỏi tay mọi kẻ thù hung ác, và sẽ ban ơn cứu độ cho ông. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như một kho tàng giấu trong ruộng hay như một viên ngọc quí đến nỗi khi một người tìm được, người đó sẽ vui mừng về nhà bán hết mọi sự ông có để mua cho được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa cung cấp hy vọng cho ngôn sứ Jeremiah khi ông chịu đau khổ.

1.1/ Sự nghịch lý của Lời Chúa: Đối với ngôn sứ, Lời Chúa là lý do cho sứ vụ của ông. Nếu không nói Lời Chúa, ông không còn là ngôn sứ của Thiên Chúa. Người ngôn sứ vui mừng khi nhận được Lời Chúa như Jeremiah xác tín trong trình thuật hôm nay: “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài,
lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh.” Tác giả Sách Khải Huyền diễn tả cách khác: “Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Rev 10:10).
Ngôn sứ Jeremiah cũng cảm thấy sự cay đắng của Lời Chúa khi ông thi hành sứ vụ, đến nỗi đã phải thốt lên: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con? Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa.” Ông bị chống đối và nguyền rủa vì ông nói những lời mà thiên hạ không thích nghe. Họ muốn hòa bình trong khi ông cứ tiên đoán chiến tranh, họ muốn thịnh vượng mà ông cứ tiên đoán điêu tàn đổ vỡ...
Ngôn sứ phải nói và sống theo sự thật trong khi dân chúng ưa chuộng sự hời hợt và giả dối bên ngoài. Đó là lý do nhiều khi ngôn sứ thấy mình sống cách biệt khỏi mọi người, ông “không ngồi chung vui với phường giễu cợt... phải ngồi riêng một mình.” Không những thế, ông còn bị mọi người xa lánh như tránh một điều gì ghê tởm. Chính Jeremiah cũng bị người ta ném xuống giếng. Ngồi trên bùn, ông băn khoăn tự hỏi hiệu quả của Lời Chúa cho con người!

1.2/ Thiên Chúa củng cố niềm tin cho ngôn sứ Jeremiah.
Trước tiên, Thiên Chúa muốn Jeremiah hiểu ngôn sứ là “miệng” của Thiên Chúa, ông không thể nói khác hơn những gì Thiên Chúa muốn ông nói. Nếu ông không chịu nói hay nói những gì khác với những điều Thiên Chúa truyền, ông không còn là ngôn sứ của Ngài.
Thứ đến, dân chúng phải lắng nghe và thi hành Lời Chúa nói qua các ngôn sứ; chứ không phải ngôn sứ thay đổi Lời Chúa cho phù hợp với lối sống và nguyện vọng của dân. Ngài nhắc nhở Jeremiah: “Chính họ sẽ quay về với ngươi chứ không phải ngươi quay về với họ.”
Tiếp đến, chống đối và đau khổ không thể nào tránh được trên bước đường thi hành sứ vụ của ngôn sứ, vì tự bản chất sứ vụ của ngôn sứ bao gồm điều này. Vì dân chúng lạc hướng xa Thiên Chúa, nên ông phải chiến đấu chống lại ma quỉ, thế gian, và yếu đuối xác thịt để đưa họ trở về. Chống lại ba thù là điều không dễ dàng; nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa, ông có thể làm được. Thiên Chúa hứa với Jeremiah: “Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối với dân này. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được.”
Sau cùng, ngôn sứ sẽ chiến thắng mọi trở ngại và được lãnh phần thưởng vinh quang. Ngôn sứ của Thiên Chúa không thể thất bại vì ông không chiến đấu một mình, nhưng chiến đấu cùng với Thiên Chúa các đạo binh. Ngài sẽ ban phần thưởng chiến thắng sau cùng cho ông.

2/ Phúc Âm: Ông vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

2.1/ Cần biết giá trị của Nước Trời: Chúa Giêsu mặc khải rõ ràng ý định của Thiên Chúa cho con người là Ngài muốn cho con người về hưởng hạnh phúc với Ngài trên trời (Jn 6:39-40). Như vậy,
mục đích của cuộc đời là chiếm cho được Nước Trời, chứ không phải bất cứ điều gì khác, như: làm nhiều tiền, có quyền cao chức trọng, có vợ đẹp con khôn...
Tại sao Nước Trời quan trọng hơn mọi giá trị của trần thế? Có rất nhiều so sánh về hai giá trị của Nước Trời và của trần thế, chúng ta chỉ vắn tắt ở đây. Giá trị của Nước Trời vĩnh cửu, hoàn hảo, mang lại hạnh phúc, không ai có thể tước đoạt; trong khi giá trị của trần thế chỉ tạm thời, bất toàn, không đem lại hạnh phúc đích thực, và có thể bị mất dễ dàng.

2.2/ Dám hy sinh mọi sự để đạt tới Nước Trời: Làm sao để đạt được Nước Trời? Chúa Giêsu trả lời: phải về nhà gom góp mọi sự và bán hết!
Trước tiên, cám dỗ của con người là muốn cả hai: vừa muốn Nước Trời vừa muốn hưởng thụ theo tiêu chuẩn của người đời. Nguy hiểm của việc bắt cá hai tay: nếu không bán hết, những gì chúng ta giữ lại sẽ làm cho chúng ta chia trí; rồi thay vì mua lấy Nước Trời, chúng ta lại bằng lòng với cuộc sống của nước trần thế này.
Nếu muốn đạt được Nước Trời, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải lằng nghe và thi hành Lời Chúa dạy. Những điều này không dễ dàng thi hành vì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa rất khác với tư tưởng và đường lối của con người. Sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, chúng ta phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, chống đối, và ngay cả cái chết.
Nhưng chúng ta không chiến đấu một mình, Thiên Chúa sẽ chiến đấu với chúng ta qua sức mạnh của ơn thánh. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại, và hứa ban chiến thắng cho những người trung thành bước theo Ngài. Kinh nghiệm cho thấy: sống theo tiêu chuẩn Nước Trời không chỉ mang lại cho chúng ta nguồn vui vĩnh cửu mai sau mà còn đem lại niềm vui và bình an trong cuộc sống hiện tại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải hiểu rõ và xác tín sự quan trọng của Nước Trời; nếu không, chúng ta sẽ không dám hy sinh những gì mình đang có.
- Bán của cải vật chất đã khó, nhưng khi phải hy sinh từ bỏ ý riêng và vác thánh giá theo Chúa còn khó hơn bội phần. Chúng ta cần cầu xin sức mạnh của Thiên Chúa.
- Những gì khó với con người, nhưng mọi sự đều có thể và không khó với Thiên Chúa. Chúng ta cần tin tưởng những lời Người hứa với tiên tri Jeremiah: Ta sẽ ở với ngươi để cứu độ và giải thoát ngươi khỏi tay kẻ thù.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II



LỜI CHÚA MỖI NGÀY

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọcJer 14:17-22; Mt 13:36-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những hành động mình làm.

Không có một hành động nào con người làm mà không gây ra hậu quả cho cá nhân người đó, cho gia đình, và cho xã hội. Nhiều khi con người nghĩ hành động đó có đáng gì đâu, nhưng nếu họ có thể nhìn thấu suốt tương lai, họ sẽ rùng mình về những hậu quả do hành động đó gây ra. Vì thế, mỗi khi quyết định làm một việc gì, con người cần suy nghĩ khôn ngoan và chín chắn, để đừng gây ra những thiệt hại cho bản thân và cho tha nhân.
Các bài đọc hôm nay muốn cho con người nhìn thấy những thiệt hại do những hành động quá khứ của con người gây ra. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah muốn cho chúng ta học bài học lịch sử. Vì con cái Israel khinh thường Lề Luật và Lời Chúa được phán qua các ngôn sứ, họ đã phải chịu hậu quả là nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, và toàn dân bị đem đi lưu đày. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những sự thiện vào lòng con người để hướng dẫn họ làm điều tốt. Ma quỉ, ngược lại, luôn gieo những sự ác vào lòng con người để thúc đẩy họ làm điều dối trá sai lầm. Con người có tự do chọn lựa để làm theo những gì Thiên Chúa dạy hoặc ma quỉ thúc giục; nhưng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ trong Ngày Phán Xét.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc ICon cái Israel nhận ra tội lỗi của họ khi phải chịu đau khổ.
1.1/ Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết!
Trình thuật hôm nay giả sử chiến tranh đã bùng nổ trên toàn cõi Judah đúng như lời các ngôn sứ Micah và Isaiah loan báo. Ngôn sứ Jeremiah được coi là ngôn sứ của thời lưu đày. Ông đã chứng kiến mọi sự xảy ra như một ứng nghiệm lời Đức Chúa đã tuyên phán qua các ngôn sứ. Toàn thể Judah được ông nhân cách hóa như một cô gái bị đánh nhừ đòn, chỉ còn thoi thóp chờ chết.
Họ phải đương đầu một lúc với hai tai họa kinh khủng là chiến tranh và đói khát: “Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả.” Khi phải đương đầu với những đau khổ, họ nhận ra Thiên Chúa đã thực sự lìa bỏ họ. Trước đây, họ không nghĩ là Thiên Chúa sẽ bỏ họ, sẽ để cho quân thù phương Bắc tới hủy diệt Đền Thờ là nơi cực thánh Ngài cư ngụ; nhưng nay mọi lời các ngôn sứ loan báo đã thành sự thật. Những lời của ngôn sứ Jeremiah trong trình thuật hôm nay chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa đã nói trước qua các ngôn sứ: “Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Judah? Phải chăng Sion khiến lòng Ngài ghê tởm? Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy? Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết! Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”
1.2/ Con cái Israel bắt đầu nhận ra sự thật.
(1) Họ nhận ra tội lỗi của mình: Trước đây, họ nghĩ Thiên Chúa chỉ dọa chứ không làm, họ nghĩ họ sẽ không phải gánh chịu những thiệt hại của những hành động thất nhân ác đức của họ; nhưng giờ đây họ cảm nghiệm thấy hậu quả của mọi tội lỗi, và của những lời Thiên Chúa phán. Họ nhận tội với Ngài: “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!”
Tuy nhiên, họ nhận ra họ vẫn còn hy vọng vào lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ và các ngôn sứ: Thiên Chúa sẽ bảo vệ và chúc lành, nếu họ biết ăn năn trở lại. Vì thế, họ kêu cầu lên Thiên Chúa: “Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con, đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài. Dám xin Ngài nhớ lại, đừng huỷ bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con.”
(2) Nhận ra quyền năng của Thiên Chúa: Câu này giả sử vương quốc Judah bị hạn hán. Giống như thời ngôn sứ Elijah, khi con cái Israel giàu có và sung túc vì được mủa, họ không nghĩ tới Thiên Chúa đã chúc lành bằng cách ban mưa thuận gió hòa cho mùa màng của họ. Họ nghĩ là thần Baal đã ban cho hay nhờ sức lực cố gắng mà họ được như thế. Để mở mắt cho con cái Israel, Elijah truyền lệnh đóng cửa trời trong 3 năm, không mưa và cũng chẳng có sương rơi xuống. Hậu quả là mùa màng thất thoát, súc vật lăn ra chết vì không có cỏ, con người cũng bị chết vì đói và khát. Jeremiah cũng tuyên nhận quyền năng của Thiên Chúa khi dân chúng phải đương đầu với đói khát, họ phải nhận ra: “Trong số chư thần của các dân tộc, có thần nào làm được mưa chăng?
Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con? Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”

2/ Phúc ÂmBấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.
2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng:
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến:
Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
(2) Số phận của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động chúng ta làm. Đừng khinh thường bất kỳ một hành động nào, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa.
- Nhìn lại lịch sử của nhân loại, của gia đình, và của mỗi người thường xuyên, sẽ giúp chúng ta biết cẩn thận trong việc làm những quyết định. Đừng bao giờ quyết định cách mù quáng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên - năm B (2012)




Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên - năm B (2012)
Trong bốn Chúa Nhật liên tiếp, từ Chúa Nhật XVIII đến Chúa Nhật XXI, Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một trong những bản văn chính yếu của Tin Mừng Gioan: bài diễn từ của Đức Giê-su về “Bánh Hằng Sống”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Xh 16: 2-4, 12-15
Tất cả các bài đọc I của bốn Chúa Nhật liên tiếp đều được chọn theo viễn cảnh nầy. Như vậy, vào Chúa Nhật XVIII nầy, chúng ta đọc đoạn trích sách Xuất Hành tường thuật bánh man-na, “bánh bởi trời” nầy giứp dân Do thái sống còn trong hoang địa.
Ep 4: 17, 20-24
Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô mời gọi người Ki-tô hữu đổi đời triệt để để trở nên một con người mới, được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.
Ga 6: 24-35
Tin Mừng dâng hiến cho chúng ta phần đầu của bài diễn từ bánh ban sự sống, vào ngày hôm sau của phép lạ bánh hóa nhiều.
BÀI ĐỌC I (Xh 16: 2-4, 12-15)
Sách Xuất Hành không chỉ là chuyện tích về cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập và cuộc hành trình trong hoang địa, nhưng còn là bản phác thảo lộ trình tâm linh. Chính hoang địa đã là nơi ưu tiên Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân, nhưng cũng còn là nơi thử thách nữa.
1. Nơi thử thách:
Để đến được Đất Hứa, ông Mô-sê đã có thể dẫn dân Do thái đi theo một lộ trình ngắn nhất, tức là con đường chạy dọc theo Địa Trung Hải (thật ra con đường nầy đã được quân đội Ai-cập xây dựng những đồn lủy để chận đứng mọi cuộc xâm nhập của ngoại bang), ấy vậy, ông luôn luôn chọn con đường băng qua hoang địa đầy gian khổ và khó khăn.
Một tháng đã trôi qua kể từ lúc ra khỏi đất Ai-cập: dân Do thái vừa mới đóng trại trong ốc đảo trù phú mà sách Dân Số nói có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là (Ds 33: 9); bây giờ họ đi sâu vào trong sa mạc Xin trên đường tiến về sa mạc Xi-nai, ở đây họ lâm vào cảnh đói và khát. Đây là lần đầu tiên, nhưng không là lần cuối cùng trong suốt cuộc hành trình dài lâu nầy, toàn thể “cộng đồng” con cái Ít-ra-en kêu trách: khi còn ở Ai-cập, chúng tôi đâu có thiếu thịt và bánh.
Dù dân kêu ca trách cứ, Thiên Chúa đáp trả bằng tấm lòng nhân hậu của Ngài; tuy nhiên, Ngài đòi hỏi họ phải tin tưởng vào Ngài: “Các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Chúa các ngươi”.
2. Chim cút và bánh man-na.
Đoạn trích sách Xuất Hành nầy tập hợp hai biến cố cho thấy Thiên Chúa ân cần chăm sóc dân Ngài như thế nào: chim cút bay đến rợp cả trại và bánh man-na rơi xuống đầy trên mặt đất. Thật ra hai biến cố nầy đã không xảy ra cùng một ngày. Ít ra sách Dân Số trong cùng một câu chuyện cho thấy điều nầy (Ds 11 cho thấy hai truyền thống được trộn lẫn với nhau, trong đó truyền thống Gia-vít chỉ kể ra hiện tượng bánh man-na).
Hiện tượng chim cút bay đến rợp cả trại xem ra là cuộc thiên di của đàn chim, chúng bay từ lục địa Phi-Châu vượt qua Địa trung Hải, và khi đến hoang địa thì kiệt sức sà cánh xuống mặt đất, nên rất dể bị tóm bắt. Man-na có thể do từ nhựa cây liễu bách tiết ra khi bị những côn trùng châm vào; khi đêm xuống khí trời lạnh, nhựa đông cứng lại và rơi trên mặt đất thành những hạt nho nhỏ mịn màng có vị mật ngọt. Theo sách Dân Số, “man-na như hạt ngò và trông nó như nhựa hương. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. Đêm về sương rơi trên doanh trại, thì manna cũng rơi xuống” (Ds 11: 7-9).
Chúng ta không thể tin rằng trong hoang địa dân Do thái được nuôi dưỡng chỉ bằng bánh man-na; họ còn sống bằng những sản phẩm từ đàn vật của họ và từ những ốc đảo. Nhưng bánh man-na đã là lương thực phụ thêm trong suốt cuộc lữ hành nầy.
Với tư cách là thiên ân, bánh man-na cũng là dịp thử thách: “Ta muốn thử thách chúng xem chúng có tuân theo luật pháp của Ta hay không”. Đức Chúa phối hợp thiên ân với sự thử thách qua lời căn dặn rõ ràng: “Dân sẽ ra mà lượm lấy khẩu phần từng ngày một”, mỗi người tùy theo nhu cầu của mình. Không được tích trữ. Không được bận lòng đến ngày mai, nghĩa là hoàn toàn tin tưởng vào Lời của Chúa (từ đó một mối giây liên kết chặc chẽ hầu như cho đến mức đồng hóa, giữa bánh man-na và Lời Chúa).
Đó cũng là bài học Đức Giê-su ban cho các môn đệ Ngài khi dạy họ kinh “Lạy Cha”: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
3. Bánh bởi trời.
Cho đến lúc đó, đối với dân Do thái, đây là lương thực bất ngờ và lạ thường được xảy đến vào thời điểm khó khăn. Vì thế, truyền thống đã lý tưởng hóa và thần thánh hóa bánh man-na được xem như “bánh bởi trời”. Rồi, nhà biên soạn sách Xuất Hành nói rằng “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn”. Theo sách Đệ Nhị Luật, Đức Chúa “đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông của anh em đã chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời Đức Chúa phán ra” (8: 3). Thánh Vịnh 78: 25 gợi lên bánh man-na là “bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi đã chuyển dịch thành “bánh thiên thần”. Sách Khôn Ngoan ca ngợi bánh man-na là lương thực bởi trời, “bánh có muôn hương vị, thỏa mãn mọi sở thích” (16: 20-29). Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh man-na sẽ là lương thực của thời đại thiên sai, khúc dạo đầu cho bàn tiệc cánh chung. Theo cùng cách thức giải thích của truyền thống Cựu Ước, thánh Phao-lô xem bánh man-na là “thức ăn linh thiêng” (1Cr 10: 3).
Chính ở nơi truyền thống Cựu Ước nầy mà Đức Giê-su quy chiếu, dù minh nhiên hay mặc nhiên, trong bài diễn từ của Ngài về bánh ban sự sống.
BÀI ĐỌC II (Ep 4: 17, 20-24)
Sau phần đạo lý (ch. 1-3), thánh Phao-lô đưa ra những lời khuyên luân lý: trước hết ngài kêu gọi mọi người Ki-tô hữu hãy hiệp nhất với nhau (chủ đề của đoạn trích thư Chúa Nhật vừa qua) và sống một cuộc sống mới trong Đức Ki-tô, đó là chủ đề của đoạn trích thư Chúa Nhật hôm nay.
Để là một người Ki-tô hữu đích thật, thánh Phao-lô đưa ra ba chỉ thị tổng quát: trước hết, đừng ăn ở như dân ngoại, tiếp đó, học biết Đức Giê-su để mà sống như Ngài đã sống, và sau cùng, đổi đời tận căn và mặc lấy con người mới.
1. Đừng ăn ở như dân ngoại.
Thánh Phao-lô ngỏ lời với các Ki-tô hữu thuộc các cộng đoàn Tiểu Á, đa số họ xuất thân từ lương dân; nhưng lời khuyên bảo của thánh nhân cũng có giá trị đối với những Ki-tô hữu gốc Do thái giáo. Cả thư gởi các tín hữu Rô-ma lẫn thư gởi các tín hữu Cô-lô-sê cũng đều chứa đựng những cảnh giác tương tự. Trước khi tiếp tục đề cập đến những cảnh giác, thánh nhân nêu lên phẩm chất của người Ki-tô hữu, chính phẩm chất này đòi buộc phải thay đổi đời sống.
2. Học biết Đức Giê-su để mà sống như vậy.
Thánh nhân nhắc nhở giáo huấn mà họ đã lãnh nhận khi họ “học biết Đức Giê-su”. Cách dùng động từ “học biết” với túc từ chỉ người thì hiếm, nhưng ý nghĩa thật là đặc biệt: là người Ki-tô hữu, không là gắn bó với một thứ đạo lý trừu tượng, nhưng với một con người, con người ấy chính là Đức Ki-tô, “Sự Thật hiện thân”.
3. Đổi đời tận căn và mặc lấy con người mới.
Thánh Phao-lô khai triển tư tưởng của mình với mệnh lệnh: trước tiên, phải cỡi bỏ con người cũ với nếp sống xưa; tiếp đó, phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em; và sau cùng, phải mặc lấy con người mới.
Đây là chương trình giáo lý về Phép Rửa. Ý tưởng chủ đạo là đổi mới triệt để đời sống Ki-tô hữu. Trước tiên, phải cỡi bỏ con người cũ, con người trước đây phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Tiếp đó, chính nhờ Chúa Thánh Thần khai lòng mở trí mà người Ki-tô hữu đổi mới cuộc đời mình, chủ đề mà thánh Phao-lô chủ ý lấy lại để minh chứng rằng Ki-tô giáo mở ra về phía sự khôn ngoan cao vời. Và cuối cùng, người Ki tô hữu là một con người mới, mà Phép Rửa đã tái sinh, đã tái tạo, đã phục hồi trong tình trạng ban đầu “theo hình ảnh Thiên Chúa để sống theo sự công chính và thánh thiện đích thật”.
TIN MỪNG (Ga 6: 24-35)
Với đoạn trích Tin Mừng nầy, chúng ta bắt đầu bài diễn từ của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống mà thánh Gioan định vị vào ngày hôm sau phép lạ bánh hóa nhiều.
Việc định vị diễn từ Bánh Hằng Sống vào biến cố này thật là quan trọng; phép lạ bánh hóa nhiều đánh dấu đỉnh cao sứ vụ của Chúa Giê-su ở Ga-li-lê. Khởi đi từ đó, thế đôi ngã đòi hỏi phải chọn lựa sắp được nêu lên càng lúc càng quyết liệt hơn: tin vào Đức Giê-su hay từ chối Ngài. Diễn từ Bánh Hằng Sống là một trắc nghiệm có tính quyết định: nó mở ra một giai đoạn: hoặc từ chối tin vào Ngài mà ra đi hay khẳng định niềm tin vào Ngài. Vì thế Đức Giê-su sắp nhấn mạnh, tiên vàn phải “tin” vào Ngài.
Bài diễn từ này bắt đầu ở “bên kia Biển Hồ” (6: 25) và chấm dứt ở “trong hội đường Ca-phác-na-um” (6: 59).
1. Bối cảnh.
Vào buổi chiều phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su đã buộc các môn đệ lên thuyền trở lại thành Ca-phác-na-um. Còn Ngài thì lánh mặt đám đông cuồng nhiệt nầy mà đi lên núi một mình, đoạn, giữa đêm Ngài đã đi trên Biển Hồ sóng to gió lớn mà đến với các ông. Đám đông đã thấy các môn đệ ra khơi một mình trong khi Đức Giê-su không xuống thuyền cùng với các môn đệ (thánh Gioan xác định ở đó chỉ có một con thuyền: 6: 22). Sáng hôm sau, mọi người nhận thấy rằng Đức Giê-su không còn ở trên bờ Biển Hồ nữa; họ quyết định quá giang những thuyền đến từ Ti-bê-ri-a mà trở về Ca-phác-na-um để tìm Ngài (6: 23).
Khi đến thành Ca-phác-nu-um, họ gặp thấy Đức Giê-su ở đây: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”. Câu hỏi của họ mang đến một lời chứng gián tiếp về việc Đức Giê-su đi trên mặt biển.
Đức Giê-su không trả lời câu hỏi này; Ngài nói thẳng ra ý định nào thôi thúc đám đông mong được gặp lại Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Trong Tin Mừng Gioan, lời khẳng định đặc trưng nầy: “Thật, tôi bảo thật”, đem lại một cung giọng trang trọng cho những lời nói theo sau: Đức Giê-su quở trách tâm trí của những người Ga-li-lê nầy quá trần tục: họ chỉ thấy Ngài là một người phép thuật thần thông đã cho họ ăn no nê. Lúc đó cuộc đối thoại sắp được thiết lập mà tuyến phát triển của câu chuyện rõ ràng cùng một tuyến phát triển như cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri.
2. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với đám đông dân chúng.
Trước tiên, Chúa Giê-su muốn họ biết rằng Ngài là một con người mầu nhiệm, Ngài có khả năng ban cho nhân loại những thiện hảo còn hơn cả bánh vật chất nữa.
Với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã hẳn ban cho chị nước hằng sống” (4: 10).
Với những người Ga-li-lê, Đức Giê-su nói: “Các ông hãy ra công làm việc không phải lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.
Những lời nầy gây ấn tượng mạnh trên họ, vì thế vài người đặt ra cho Đức Giê-su một câu hỏi, có thể với ý định ngay thẳng, nhưng cũng có thể với mục đích làm cho Ngài lúng túng: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Chúa Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Đức Giê-su không muốn giản lược việc Thiên Chúa muốn họ làm là chỉ việc “tin vào Ngài”, nhưng những lời mà Ngài sắp công bố quá mạnh mẽ đến mức khó mà hiểu được, nếu trước hết những người đối thoại với Ngài không có niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Đức tin phải là thái độ đầu tiên mà Ngài đòi hỏi ở nơi họ.
Nhưng ngay lập tức dân chúng tỏ thái độ nghi ngờ Ngài và bắt bẻ Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. Ở nơi lời bắt bẻ nầy, chúng ta gặp lại cũng một lời bắt bẻ của người phụ nữ xứ Sa-ma-ri trong cuộc đối thoại với Ngài: “Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lại lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng nước nầy? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy” (4: 11).
Với từ “tổ tiên chúng tôi” trong lời bắt bẻ của những người Ga-li-lê nầy, Đức Giê-su đáp lại bởi “Cha tôi”, bằng cách đồng hóa “Cha tôi” với “Cha trên trời”, Đấng đã cho họ bánh bởi trời đích thật và bằng cách đồng hóa bản thân của Ngài với Bánh Hằng Sống. Chúng ta lưu ý rằng Đức Giê-su nói về “bánh bởi trời ban sự sống cho thế gian”, trong khi bánh man-na trong sa mạc “nuôi sống chỉ một mình dân Ít-ra-en”. Nói cách khác Ngài là Mô-sê mới nhưng cao vời vô tận trổi vượt trên ông Mô-sê.
Lúc đó, những người Ga-li-lê thốt lên: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh nầy”; cũng như người phụ nữ xứ Sa-ma-ri đã thưa: “Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy , để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4: 15).
3. Phải mở tâm trí ra trước mầu nhiệm.
Lúc đó, Đức Giê-su vén mở thêm chút nữa bức màn mầu nhiệm của Ngài: “Chính tôi là bánh ban sự sống”.
Trong Tin Mừng Gioan đây là lần thứ ba xuất hiện biểu thức: “Chính tôi là” (Ego eimi).  Lần thứ nhất, Đức Giê-su tỏ mình ra với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri khi chị gợi lên việc Đấng Mê-si-a đến: “Đấng ấy chính là tôi” (theo sát nghĩa văn tự: “Ego eimi”: 4: 26) và lần thứ hai Đức Giê-su tỏ mình ra với các môn đệ của Ngài, họ kinh khiếp khi thấy một người đi trên mặt nước: “Thầy đây mà, đừng sợ” (theo nghĩa văn tự: “Ego eimi”: 6: 20).
Biểu thức: “Chính tôi là bánh ban sự sống” nầy khai mạc một loạt “tôi là” đi theo với thuộc từ: “tôi là đường, là sự thật và là sự sống”, “tôi là mục tử nhân lành”, vân vân (những lời khẳng định luôn luôn được liên kết với viễn cảnh của ơn cứu độ).
“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Ở đây cốt là cái đói và cái khát thần thiêng. Cách nói nầy quy chiếu đến Kinh Thánh, chính xác là đến bản văn của sách Huấn Ca. Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa lời của sách Huấn Ca và lời của Chúa Giê-su. Lời mà Sách Huấn ca áp dụng cho Đức Khôn Ngoan theo hình thức khẳng định: “Hỡi những ai khao khát Ta, nào hãy đến…Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24: 19-21). Qua hình thức khẳng định, hiền nhân nầy muốn nói rằng ai đã nếm lương thực mà Đức Khôn Ngoan ban thì người ấy ước muốn được nếm mãi không thôi. Trái lại, Đức Giê-su lập lại lời của sách Khôn Ngoan và áp dụng vào chính mình theo hình thức phủ định, nghĩa là, những thiện hảo siêu nhiên mà Ngài hứa ban làm no thỏa hết mọi nhu cầu của cái đói và cái khát tâm linh, từ đây những ai đã nếm lương thực mà Ngài ban sẽ chẳng còn đói và khát Thiên Chúa bao giờ.

Nguồn: kinhthanh.org

TÔI LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG (Gioan 6,24-35 – CN XVIII TN - B)




TÔI LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG (Gioan 6,24-35 – CN XVIII TN - B)
Sự sống Đức Giêsu ban là sự sống vĩnh cửu, chứ không chỉ là sự sống trần gian giới hạn. Người mạnh hơn cái chết, Người muốn đưa chúng ta đi sang bên kia cái chết. Nhưng chúng ta phải chạy đến với Người, phải tin vào Người.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh
Xem tại phần trình bày Ga 6,1-15.
Bài Diễn từ về Bánh trường sinh là phân đoạn 6,22-59, có cấu trúc như sau, gồm sáu cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và những người đối thoại:
a- cc. 22-27: Dẫn nhập: Caphácnaum, các yếu tố Thánh Thể
b- cc. 28-29: Cần có đức tin (như là “công việc” của con người và Thiên Chúa)
c- cc. 30-33: Bánh bởi trời
c’- cc. 34-40: Bánh bởi trời
b’- cc. 41-51: Cần có đức tin (như là “công việc” của con người và Thiên Chúa)
a’- cc. 52-59: Kết luận: Caphácnaum, các yếu tố Thánh Thể
Như thế, c. 35, “Tôi là bánh trường sinh” nằm tại trung tâm của bài diễn từ và của chương, tại đầu vấn nạn hoặc lời trao đổi thứ tư giữa Đức Giêsu và các thính giả.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Vấn nạn thứ nhất: đi tìm bánh (6,24-27);
2) Vấn nạn thứ hai: làm việc Thiên Chúa muốn (6,28-29);
3) Vấn nạn thứ ba: hỏi về dấu lạ Đức Giêsu làm (6,30-33);
4) Vấn nạn thứ tư: xin bánh ban sự sống (6,34-35).

3.- Vài điểm chú giải
- Thật, tôi bảo thật các ông (26): Kiểu nói này, với từ amên lặp lại 2 lần (amên amên legô hymin) là đặc điểm riêng của TM IV (25 lần. Xem chẳng hạn 1,51; 5,19.24.25; 6,26.32.47.53...). Amên do từ Hípri ’âmên có nghĩa là “vững vàng, chắc chắn”. Kinh nguyện Kitô giáo dùng công thức amên này để kết lời cầu, với ước mong là các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Các kinh sư Do Thái dùng từ amên để diễn tả một lời tuyên thệ, sự đồng ý hay xác nhận, nhưng không bao giờ liên kết amên với “tôi bảo các ông”. Trong các TMNL, Đức Giêsu nói: “Amen, tôi bảo các ông” (dùng 1 lần “amen”).  Kiểu nói đặc biệt của Đức Giêsu có thể bao hàm ba khía cạnh: (1) Đức Giêsu bảo đảm tính xác thực của những lời Người nói (x. Ga 8,24); (2) Đức Giêsu muốn đồng hóa mình với “Amen”, nghĩa là với “sự thật”, với “chân lý” (x. Ga 14,6; Kh 3,14) (3) Đức Giêsu nhấn mạnh đến những gì đã nói hay những gì sẽ nói để người nghe chú ý; như thế amên mở đầu cho những mạc khải quan trọng.
- Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận (27): Có những nhà chú giải nghĩ rằng câu này nhắc đến phép rửa của Đức Giêsu. Nhưng có lẽ nghĩa đơn giản và rõ ràng hơn là: Con Người từ trời đến và các dấu lạ Người làm là những hành vi qua đó Thiên Chúa đảm bảo cho tính xác thực của sứ mạng của Người (3,33) cũng như đảm bảo rằng loài người có thể nhờ Người mà đạt được sự sống đời đời.
- chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn (28): Người Do Thái  nghĩ là họ có thể tự mình đạt được sự sống đời đời, với điều kiện là hoàn tất một số việc buộc. Số nhiều của “những việc Thiên Chúa muốn” có ý nhắm đến các điều khoản bó buộc trong nền luân lý của họ (Mt 19,16; 22,34-40).
- việc Thiên Chúa muốn … là tin vào Đấng Người đã sai đến (29): Đây là đòi hỏi đơn giản nhất nhưng cũng căn bản nhất gồm tóm mọi quy định của Lề Luật: tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến; trong các hành vi Đức Giêsu làm, phải nhìn thấy các công việc của Thiên Chúa thời cánh chung. Tác giả Ga đã sửa lại một chút một công thức của  Phaolô (Rm 3,28) và tập trung tất cả lối sống Kitô hữu vào việc tin vào Đấng Thiên Chúa sai phái.   
- tin (29.30): Các TMNL và các Thư Phaolô thường dùng danh từ “đức tin (pistis)”, TM Ga lại thường xuyên dùng động từ “[hành vi] tin” (pisteuô): công thức “tin vào” (pisteuô eis) được dùng 36 lần trong TM IV (kể chung pisteuô là 98 lần), 3 lần trong các Thư Gioan, và chỉ 8 lần trong phần còn lại của Tân Ước.
- Người đã cho họ ăn bánh bởi trời (31): Man-na được ban hằng ngày trong sa mạc được nhiều kinh sư coi như là việc diệu kỳ lớn lao nhất của thời Xuất Hành. Có bốn bản văn Cựu Ước có thể là nền tảng cho Ga 6,31: Xh 16,4; Xh 16,15; Nkm 9,15 và Tv 78 (77),24.
(a) Trong Xh 16,4, không có động từ “ban/cho” và chủ thể đang nói là Thiên Chúa. Đối tượng ở số phức. Không chắc bản văn này đã ảnh hưởng lên Ga 6,31.
(b) Xh 16,15 cũng vậy: dạng ngữ pháp là dạng của các lời Môsê ngỏ với con cái Israel. Ở đầu, ta gặp đại từ chỉ định houtos ho artos (bánh ấy). Tất cả những điểm này không có ở Ga 6,31.
(c) Nkm 9,15 có dạng một lời ngỏ: con cái Israel đang quay về cầu nguyện với Thiên Chúa.
(d) Bản văn gần nhất với Ga 6,31 là Tv 78 (77),24.
- bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống (33): Trong hy-ngữ, “bánh” (artos) ở giống đực, nên có thể dịch câu này hai cách: “bánh Thiên Chúa ban là sự gì (cái gì) từ trời xuống” (xem NTT); “bánh Thiên Chúa ban là Đấng từ trời xuống”. Cách dịch thứ nhất thì xuôi tai hơn, nhưng cách dịch thứ hai thì tốt hơn, bởi vì Đức Giêsu đang muốn đưa người ta chuyển đi từ man-na và bánh sang bản thân Người.
- Tôi là (egô eimi, 35): TM IV nói đến công thức này nhiều lần. Trong tình trạng tuyệt đối, các công thức “Tôi là” (Ga 8,24.28.58; 13,19) được trực tiếp cảm hứng từ các công thức mà Thiên Chúa của Cựu Ước đã dùng để giúp người ta biết Người (Xh 3,14; Hs 1,9; …). Khi nói “Tôi là”, Đức Giêsu khẳng định Người là nội dung mà chính Thiên Chúa đã mạc khải ra về chính Ngài cho dân Do Thái . Các khẳng định “Tôi là” giới thiệu Đức Giêsu như là giá trị sống vĩnh viễn. Ở đây, Người muốn nói rằng Người là thứ bánh vĩnh viễn, bánh cánh chung, bánh duy nhất quan trọng. Người chính là bánh đích thật ban sự sống viên mãn.
Trong diễn từ về Bánh ban sự sống ở Ga 6, có ba công thức “Tôi là” (cc. 35.48-50.51). Cả ba câu đều có kèm theo một lời mời tin vào Đức Giêsu, mời đến với Người hoặc đến ăn thứ bánh thiên giới này là chính bản thân Người. Những câu này giống với các phần triển khai của sách Châm ngôn ch. 8–9 và sách Huấn ca ch. 24, trong đó sự Khôn Ngoan thần linh tự giới thiệu mình và mời người ta lắng nghe mình, đến với mình, ăn mình (x. Cn 8,32; Hc 24,18). Trong Ga 6, động từ “đến với” được nhắc lại nhiều lần: cc. 35.37.44.65; x. cả c. 67.  
4.- Ý nghĩa của bản văn
Khi thấy Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, đám đông cho rằng Người “là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (c. 14; x. Đnl 18,15; Ga 1,21). Họ muốn “tôn Người làm vua”, nhưng Đức Giêsu “lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (c. 15).
Hôm sau, họ lại đi tìm Người. Và xảy ra một cuộc đối thoại.
* Vấn nạn thứ nhất: đi tìm bánh (24-27)
Dường như Đức Giêsu không trả lời đúng câu hỏi của người Do Thái. Trong thực tế, câu trả lời của Người nhắm đến thái độ mà câu hỏi của họ đã tố giác. Họ đã thấy dấu lạ nhiều lần (6,2; 2,23-25), nhưng họ đã không quan tâm và đã không hiểu các dấu lạ ấy. Họ chỉ hoàn toàn quan tâm đến bánh, đến việc ăn no về vật chất thôi (c. 12). Phép lạ đã không cung cấp cho họ ánh sáng về bản thân Đức Giêsu (12,9). Bởi vì bánh (cũng như rượu ở Cana và nước trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari) tự nó không có giá trị; nó chỉ là một phương tiện để vén mở cho thấy mầu nhiệm bản thân Người.
  
* Vấn nạn thứ hai: làm việc Thiên Chúa muốn (28-29)
Người Do Thái hiểu sai ý nghĩa của động từ “làm việc”. Họ lẫn lộn giữa các công việc của Thiên Chúa với các công việc họ làm nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Câu hỏi này cho thấy họ không hiểu gì cả. Họ nghĩ rằng họ có thể đạt được sự sống đời đời bằng sức lực riêng, miễn là họ chu toàn một số điều khoản Luật buộc. Tức khắc Đức Giêsu đưa các điều khoản ấy ra, đây là đòi hỏi đơn giản nhất nhưng cũng triệt để nhất: tin vào Đấng Thiên Chúa sai phái và nhìn thấy các hành vi Đức Giêsu làm là những công trình Thiên Chúa thực hiện vào thời cánh chung. Công việc duy nhất họ phải làm cũng là công việc duy nhất Đức Giêsu vẫn làm: chu toàn công việc của Chúa Cha.
Bằng cách dùng thường xuyên động từ “[hành vi] tin” thay vì danh từ “đức tin” (trừu tượng), tác giả Ga cho thấy rằng, thay vì đề cập đến đức tin trừu tượng, ngài nghĩ đến việc dấn thân người Kitô hữu phải thực hiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu. Đây là một quyết định mang tất cả niềm tin tưởng đăt nơi Đức Giêsu.
* Vấn nạn thứ ba: hỏi về dấu lạ Đức Giêsu làm (30-33)
Người Do Thái hiểu là Đức Giêsu đang tự đặt mình trước mặt họ như là vị Sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng vì cứ ham các bằng cớ nắm bắt được, họ hỏi tiếp: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?” (c. 30). Ở đây, thay vì nói đến hành tin tưởng bắt họ dấn thân trọn vẹn (pisteuô eis), họ lại đặt vấn đề về uy tín của Đức Giêsu (pisteuô + tặng cách). Ít ra Người phải cho thấy Người ngang bằng Môsê là người đã nuôi dưỡng dân Do Thái  suốt 40 năm (Xh 16,35).
          
Yêu cầu này không có câu trả lời, vì không thể có câu trả lời nào cả cho thứ yêu cầu như thế. Không có một dấu lạ nào có thể chứng minh rằng Đức Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa. Các dấu lạ bên ngoài có thể dẫn đưa người ta đến tận ngưỡng cửa đức tin (Ga 15,24; x. 10,25; 12,37t), nhưng tự chúng không đủ. Trước tiên, bởi vì nếu bị liên kết với các lý do duy lý, đức tin sẽ không đi xa hơn lý trí; kế đó, bởi vì đức tin sẽ chịu ảnh hưởng các ấn tượng (x. 4,48). TM IV, với truyện Tôma ở ch. 20, sẽ cho thấy rằng những dấu chỉ ấy không cần thiết cho hành vi tin (20,29).
Câu “Không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu” (c. 32) có thể là một phủ nhạn về Môsê (không phải là Môsê, mà là Thiên Chúa) hoặc về bánh bởi trời (thứ bánh bởi trời ấy không phải là man-na). Trong thực tế, câu này là một phủ nhận về bánh: những gì Môsê đã ban cho tổ tiên các ông thì đúng là từ trời rơi xuống, nhưng không phải là bánh đích thực bởi trời. Bánh đích thực, bánh hoàn hảo, bây giờ Chúa Cha đang ban tặng, còn man-na chỉ là một tiền vị của thứ bánh ấy thôi.
Đức Giêsu là bánh của Thiên Chúa, bởi vì Người không đến từ một trung gian nhân loại, nhưng đến trực tiếp từ Thiên Chúa. Hình ảnh bị đẩy ra sau, nay tác giả nhấn mạnh trên các phẩm chất của bánh này của Thiên Chúa: từ trời xuống, ban sự sống vĩnh cửu.      
* Vấn nạn thứ tư: xin bánh ban sự sống  (34-35)
Giữa vấn nạn thứ ba (cc. 30-33) và vấn nạn thứ tư (cc. 34-40), có một sự tiến triển. Các câu đầu nói đến bánh bởi trời do Thiên Chúa hoặc Môsê ban cho. Người Do Thái liền xin Đức Giêsu một dấu lạ như dấu lạ ông Môsê đã thực hiện trong sa mạc khi ban cho họ bánh bởi trời (có lẽ quy chiếu về Tv 78,24). Nhưng Đức Giêsu lại loan báo một thứ bánh từ trời xuống, là “bánh đích thực”, bây giờ được Chúa Cha ban. Sang cc. 34-40, bản chất của bánh ấy được làm sáng tỏ.
Như chúng ta vẫn thấy, người Do Thái lại hiểu lầm về ý nghĩa của những lời nói ấy của Đức Giêsu. Họ chẳng quan tâm gì đến bản thân Con Người. Họ cứ tiếp tục mơ một thứ bánh vật chất từ trời rơi xuống cho họ. Như bà Samari (4,15) và như họ đã làm trong những hoàn cảnh tương tự, họ xin Đức Giêsu cứ ban cho họ đều đặn và liên tục, thứ bánh không tốn tiền ấy. Phần Đức Giêsu, Người lại công bố rằng chính Người mới là “bánh trường sinh”. Điều mà Người ban, thì ban một lần cho mãi mãi. Người không ban một điều gì khác, mà là ban tặng chính mình. Người là thứ bánh vĩnh viễn, bánh cánh chung, bánh duy nhất quan trọng. Người chính là bánh đích thực ban sự sống viên mãn, trong khi man-na không giải thoát người ta khỏi sự chết (6,49). Mọi người được mời gọi đến với Người, vì giống như sự Khôn Ngoan trong sách Cn và Hc, Người có thể thỏa mãn mọi khát vọng tôn giáo của họ.
+ Kết luận
Bữa ăn lạ lùng sẽ phải được giải thích như là một dấu chỉ. Đấy là một sự kiện thực hữu, Đức Giêsu đã thực sự cho một đám đông ăn no; nhưng biến cố này tự nó không có ý nghĩa. Đức Giêsu không muốn chứng minh rằng người ta có thể nhận được bánh từ nơi Người mà không cần phải mệt nhọc và được nhận ê hề; Người không muốn thay thế các ông thợ làm bánh mì để rồi các ông này phải thất nghiệp mà bị đói. Bữa ăn lạ lùng nhắm đến một thực tại khác. Sự kiện Đức Giêsu có thể ban bánh và cho ăn no nê theo nghĩa trần thế phải cho thấy rằng bản thân Người chính là bánh ban sự sống và có thể ban sự sống vĩnh cửu, không bao giờ tàn lụi. Ở bên Người, chúng ta không được tìm kiếm bánh trần thế; trái lại, chúng ta phải nhìn nhận rằng Người có thể và muốn ban cho chúng ta một thứ vô cùng lớn lao hơn. Chúng ta cần phải để ý đến điều này và đón nhận quà tặng của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Nếu không có bánh, chúng ta sẽ chết. Cơm bánh có khả năng duy trì sự sống cho chúng ta nhưng đó là một khả năng giới hạn. Khi nói “Tôi là bánh ban sự sống”, Đức Giêsu cho hiểu là tương quan giữa bản thân Người với loài người cùng một kiểu như tương quan giữa cơm bánh và chúng ta, nhưng sự sống Người ban là sự sống vĩnh cửu, chứ không chỉ là sự sống trần gian giới hạn. Người mạnh hơn cái chết, Người muốn đưa chúng ta đi sang bên kia cái chết. Nhưng chúng ta phải chạy đến với Người, phải tin vào Người.
2. Tôi tin vào Đức Giêsu khi tôi tự liên kết hoàn toàn với Người và để cho Người hoàn toàn quy định đời sống tôi. Đức tin có thể là như một dây liên kết mong manh và yếu kém; còn nếu một dây liên kết quan trọng, vững chắc và thiết yếu  đối với cuộc sống, thì nó được diễn tả ra bằng một tình bạn chân thật hoặc một cuộc hôn nhân đích thực. Khi tin vào Đức Giêsu, dây liên kết ta có với Người sẽ có sức mạnh và có khả năng ban sự sống tối đa.
3. Chúng ta ngại để cho Thiên Chúa đi vào trong cuộc sống chúng ta và làm việc ở đó. Để biện minh cho việc chúng ta lùi lại trước đòi hỏi của Người, chúng ta vận dụng một chiến thuật khác để “câu giờ”, chúng ta đặt ra một điều kiện: “Ông đã làm dấu lạ nào… ? Ông đã làm gì?” (c. 30). Chúng ta đã thấy hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta vẫn tìm cách từ chối tin vào Người. Thiên Chúa lại chỉ thích nói với con tim chúng ta bằng những dấu chỉ kín đáo hầu chúng ta vẫn còn tự do mà từ khước tiếng gọi của Người. Thiên Chúa muốn được yêu mến bởi những người con tự do, chứ không phải được tôn thờ bởi những tên nô lệ khiếp nhược.
Nguồn: kinhthanh.org

Thiên Chúa có hiện hữu ?



Thiên Chúa có hiện hữu ?
Nhìn vào một số sự kiện, người ta có thể kết luận: Thiên Chúa yêu thương thực sự hiện hữu, có thể cảm nhận theo cách riêng và mật thiết.
Tác giả Marilyn Adamson

Có khi nào bạn thắc mắc: Thiên Chúa có hiện hữu? Đây là 6 lý do để chúng ta tin Thiên Chúa thực sự hiện hữu.
Đã có lần bạn không thích vì ai đó không thể đưa ra chứng cớ về sự hiện hữu của Thiên Chúa? Đừng nóng vội! Tôi không bắt bạn phải tin mà chỉ thật thà đưa ra vài chứng cớ về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Trước tiên, hãy cân nhắc điều này. Nếu ai đó phản đối sự khả dĩ có một Thiên Chúa thì không có chứng cớ nào có thể được hợp lý hóa hoặc được giải thích. Điều đó như thể nếu ai đó không tin mình có thể đi bộ trên mặt trăng, không có thông tin nào thay đổi cách nghĩ của họ. Hình ảnh các phi hành gia đi bộ trên mặt trăng, các cuộc phỏng vấn các phi hành gia, những viên đá trên mặt trăng,… Tất cả chứng cớ đó đều vô ích vì người kia vẫn kết luận rằng người ta không thể lên mặt trăng.
Kinh Thánh nói rằng có những người đã thấy đủ chứng cớ nhưng lại bóp méo sự thật về Thiên Chúa (1). Mặt khác, với những người muốn biết Thiên Chúa có hiện hữu hay không, Ngài nói: “Bạn tìm tôi thì sẽ thấy tôi. Khi bạn tìm tôi với cả tâm hồn, bạn sẽ thấy tôi” (2). Trước khi nhìn vào các sự kiện về sự hiện hữu của Thiên Chúa, bạn hãy tự vấn: “Nếu Thiên Chúa hiện hữu, tôi có muốn biết Ngài?”. Đây là vài lý do để bạn cân nhắc.
1. Thiên Chúa có hiện hữu? Tính phức tạp của hành tinh chúng ta cho thấy Tạo Hóa không chỉ tạo dựng vũ trụ mà còn duy trì vũ trụ. Nhiều ví dụ cho thấy ý định của Thiên Chúa đã sắp sẵn, có thể vô tận. Nhưng đây là vài điều cụ thể:
TRÁI ĐẤT. Kích cỡ trái đất hoàn hảo. Kích cỡ và trọng lực thích hợp đủ giữ một lớp mỏng khí nitrogen và oxygen, dày khoảng 1,6 km tính từ mặt đất. Nếu trái đất nhỏ hơn, tầng khí quyển sẽ không có – như sao Thủy vậy. Nếu trái đất lớn hơn, tầng khí quyển sẽ có hydrogen tự do – như sao Mộc vậy (3). Trái đất là hành tinh duy nhất có tầng khí quyển chứa các chất khí thích hợp để bảo vệ thảo mộc, động vật và con người.
Trái đất được định vị với khoảng cách hợp lý với mặt trời, nhiệt độ khoảng từ -1,1oC đến +49oC. Nếu trái đất xa mặt trời hơn, chúng ta sẽ lạnh cóng. Nếu trái đất gần mặt trời hơn, chúng ta sẽ chết cháy. Ngay cả một sai lệch rất nhỏ về vị trí trái đất đối với mặt trời cũng đủ làm cho sự sống trên trái đất thành không thể. Trái đất vẫn duy trì khoảng cách hoàn hảo này đối với mặt trời khi nó xoay quanh mặt trời với vận tốc xấp xỉ 67.000 dặm/giờ (107,2 km/giờ). Nó cũng xoay trên trục của nó, cho phép bề mặt trái đất ấm và mát đúng mức hằng ngày.
Mặt trăng cũng có kích cỡ hoàn hảo và khoảng cách hợp lý với trọng lực của nó. Mặt trăng tạo nên thủy triều quan trọng và chuyển động lên xuống để nước biển không tù đọng hoặc tràn lên đết liền (4).
NƯỚC. Nước không màu, không mùi và không vị, nhưng không sinh vật nào có thể sống nếu thiếu nước. Thảo mộc, động vật và con người. Đây là lý do mà các đặc tính của nước thích hợp với sự sống:
– Nước có điểm sôi và điểm đông cao. Nước cho phép chúng ta sống trong môi trường biến đổi nhiệt độ nhưng vẫn giữ cơ thể chúng ta ổn định khoảng 37oC.
– Nước là một dung môi phổ biến. Đặc tính của nước chứa hằng ngàn hóa chất, khoáng chất và dưỡng chất có thể được đưa vào cơ thể và những mạch máu nhỏ nhất (5).
– Nước có tính trung hòa hóa học. Nước làm cho thực phẩm, thuốc và khoáng chất được hấp thụ vào cơ thể.
– Nước có mức căng bề mặt độc đáo. Nước trong thảo mộc có thể chay ngược lên mà không ảnh hưởng trọng lực để có thể đưa nước và dưỡng chất lên ngọn cây cao nhất.
– Nước đông từ trên xuống dưới và nổi, do đó cá có thể sống vào mùa Đông.
99% nước của trái đất chứa trong đại dương. Nhưng trên trái đất có hệ thống lọc muối và phân phối nước đi khắp địa cầu. Sự bốc hơi làm mất nước biển, để lại muối và tạo thành mây. Gió đưa mây đi phân phối nước khắp trái đất cho thảo mộc, động vật và con người. Đó là hệ thống tinh lọc và cung cấp có thể bảo vệ sự sống trên trái đất, một hệ thống tái chế nước và tái sư dụng kỳ diệu (6).
NÃO BỘ. Não bộ xử lý cùng lúc rất nhiều thông tin. Não tiếp nhận các màu sắc và các vật mà bạn thấy, nhiệt độ xung quanh bạn, áp suất chân đạp trên đất, âm thanh xung quanh bạn, độ khô của miệng và độ bóng mịn của vật. Não giữ lại và xử lý các cảm xúc, tư tưởng và ký ức. Cùng một lúc não theo dõi các chức năng của cơ thể như hít thở, chuyển động của mắt, đói hoặc khát, chuyển động của cơ bắp,…
Não xử lý hơn 1 triệu thông tin mỗi giây (7). Não cân nhắc tầm quan trọng của các dữ liệu, chọn lọc các dữ liệu tương đối quan trọng. Chức năng “quét hình” này cho phép bạn tập trung và hoạt động hiệu quả trong thế giới riêng bạn. Não hoạt động khác các cơ phận khác. Não có sự thông minh, khả năng lý luận, khả năng sản sinh cảm xúc, khả năng mơ ước và hoạch định, khả năng hành động và khả năng giao tiếp.
ĐÔI MẮT. Mắt có thể phân biệt khoảng 7 triệu màu sắc. Mắt có khả năng tập trung tự động và xử lý 1,5 triệu tín hiệu cùng một lúc (8). Sự tiến hóa tập trung vào sự đột biến và thay đổi của các sinh vật. Nhưng chỉ có sự tiến hóa thì không thể giải thích đầy đủ nguồn ban đầu của mắt hoặc não – khởi đầu của các sinh vật từ hư vô.
2. Thiên Chúa có hiện hữu? Vũ trụ có khởi đầu. Cái gì làm nó khởi đầu?
Các khoa học gia tin rằng vũ trụ khởi đầu bằng một vụ nổ lớn của năng lượng và ánh sáng, gọi là Big Bang. Đây là khởi đầu đơn giản đối với mọi vật hiện hữu: Sự khởi đầu của vũ trụ, không gian và thậm chí là thời gian.
Nhà vật lý thiên văn Robert Jastrow, người theo thuyết bất khả tri (agnostic), nói: “Hạt giống của mọi vật xảy ra trong vũ trụ được gieo trồng trong khoảnh khắc đó. Mỗi ngôi sao, mỗi hành tinh và mỗi sinh vật trong vũ trụ đã hình thành như hệ quả của các sự kiện được vận hành trong khoảnh khắc nổ đó của vũ trụ. Vũ trụ hình thành trong nháy mắt và chúng ta không thể tìm ra cái gì khiến điều đó xảy ra” (9).
Steven Weinberg, khoa học gia đoạt giải Nobel về vật lý, nói về khoảnh khắc nổ này: “Vũ trụ nóng hằng triệu độ C và đầy ánh sáng” (10). Vũ trụ không luôn luôn hiện hữu, nó có một khởi đầu. Vậy cái gì làm nó khởi đầu? Các khoa học gia không có giải thích nào về vụ nổ của ánh sáng và vật chất.
3. Thiên Chúa có hiện hữu? Vũ trụ vận hành bằng định luật đồng nhất của thiên nhiên. Tại sao?
Nhiều sự sống có thể có vẻ không chắc chắn, nhưng hãy nhìn vào những gì chúng ta khả dĩ tính đếm từng ngày: Trọng lực vẫn bất biến, tách cà-phê sẽ nguội, trái đất xoay đều trong mỗi 24 giờ, và tốc độ ánh sáng không thay đổi – trên trái đất hoặc ở các giải ngân hà rất xa chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể xác định luật thiên nhiên bất biến? Tại sao vũ trụ quá trật tự và đáng tin cậy như vậy?
Các khoa học gia danh tiếng nhất cũng không hiểu sao lại kỳ lạ vậy. Không có sự hợp lý cần thiết nào để vũ trụ tuân thủ các quy luật, cứ để nó tuân thủ quy luật toán học. Điều ngạc nhiên này xuất phát từ nhận thức rằng vũ trụ không cần xử sự theo cách này. Dễ dàng tưởng tượng ra một vũ trụ mà các điều kiện thay đổi bất thường, hoặc một vũ trụ mà các vật lúc có lúc không |(12).
Richard Feynman, người đoạt giải Nobel về động lực điện tử lượng tử, nói: “Lý do thiên nhiên có tính toán học là điều bí ẩn… Thật ra có nhiều quy luật là dạng mầu nhiệm” (13).
4. Thiên Chúa có hiện hữu? Mã DNA cho biết và lập trình cách xử sự của tế bào.
Tất cả cách hướng dẫn, giáo huấn, và đào tạo đều có chủ ý. Người ta viết sách hướng dẫn với mục đích riêng. Bạn có biết trong mỗi tế bào của cơ thể đều có mã hướng dẫn rất chi tiết, giống như chương trình vi tính? Như bạn có thể biết, một chương trinh vi tính được lập trình bằng những số 1 và 0, như thế này: 110010101011000. Cách chúng sắp xếp cho biết chương trình vi tính phải làm gì. Mã DNA trong mỗi tế bào cũng rất giống. Nó được tạo bởi 4 hóa chất mà các khoa học gia gọi tắt là A, T, G và C. Chúng được sắp xếp trong tế bào như thế này: CGTGTGACTCGCTCCTGAT… Có khoảng 3 tỷ mẫu tự này trong mỗi tế bào.
Cũng như bạn có thể lập trình điện thoại để nó kêu cho các lý do riêng, DNA hướng dẫn tế bào. DNA là chương trình gồm 3 tỷ mẫu tự cho tế bào biết hoạt động theo cách riêng. Đó là cẩm nang hướng dẫn đầy đủ (14).
Tại sao kỳ diệu vậy? Thông tin này tác dụng thế nào ở mỗi tế bào? Chúng không chỉ là hóa chất. Các hóa chất này hướng dẫn, mã hóa theo một cách rất chi tiết đúng như cách cơ thể phát triển vậy.
Các nguyên nhân sinh học tự nhiên hoàn toàn không có cách giải thích khi không thể tin cách lập trình có liên quan. Người ta không thể tìm ra cách hướng dẫn, thông tin chính xác như thế này nếu không có người tạo ra.
5. Thiên Chúa có hiện hữu? Chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện hữu vì Ngài dõi theo chúng ta. Ngài luôn tìm kiếm và chấp nhận chúng ta để chúng ta đến với Ngài.
Trước đây tôi là người vô thần. Cũng như đa số những người khác không có niềm tin tôn giáo, vấn đề người ta tin Thiên Chúa đã “làm phiền” tôi nhiều. Đó là gì mà chúng ta mất nhiều thời gian, sự chú ý và nghị lực để bác bẻ điều chúng ta không tin? Tại sao chúng ta làm vậy? Khi tôi là người vô thần, tôi không có ý quan tâm những người ảo tưởng tội nghiệp đó… để giúp họ nhận ra rằng niềm hy vọng của họ được thiết lập là yếu kém hoàn toàn. Thú thật, tôi có động cơ khác. Khi tôi thử thách những người tin Thiên Chúa, tôi rất tò mò xem họ có thuyết phục tôi cách khác hay không. Một phần yêu cầu của tôi là không còn thắc mắc về Thiên Chúa. Nếu tôi có thể chứng tỏ với các tín đồ rằng họ sai thì vấn đề không còn nữa, và tôi thanh thản sống.
Tôi đã nhận ra rằng vấn đề Thiên Chúa luôn ám ảnh tôi, vì Thiên Chúa thôi thúc tôi. Tôi thấy Thiên Chúa luôn muốn người ta nhận biết Ngài. Ngài đã tạo dựng chúng ta với ý định là chúng ta sẽ biết Ngài. Ngài vây quanh chúng ta với chứng cớ là chính Ngài và giữ vấn đề Ngài hiện hữu trước mặt chúng ta. Điều đó như thể tôi không thể không nghĩ về tính khả dĩ của Thiên Chúa. Thật vậy, ngày tôi nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, tôi mở đầu lời cầu nguyện thế này: “Vâng, Ngài thắng rồi…” (OK, you win…). Có thể lý do tiềm ẩn mà người vô thần bị ám ảnh bởi những người tin vào Thiên Chúa là vì Thiên Chúa chủ động dõi theo họ.
Tôi không là người duy nhất có kinh nghiệm này. Malcolm Muggeridge, tác giả xã hội học và triết học, viết: “Ngoài sự thắc mắc, tôi có một khái niệm rằng tôi đang bị dõi theo”. C.S.Lewis nói rằng ông đã nhớ “…đêm này qua đêm khác, luôn cảm thấy tâm trí tôi được nâng lên khỏi công việc trong một lúc, cách vững bền của Đấng mà tôi muốn gặp. Tôi đầu hàng và chấp nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, rồi tôi quỳ xuống và cầu nguyện: Có thể đêm nay những người buồn bã nhất và miễn cưỡng nhất cũng trở lại đạo ở cả nước Anh”.
Lewis tiếp tục viết cuốn Surprised By Joy (Ngạc nhiên vì Vui mừng) do kết quả của việc nhận biết Thiên Chúa. Tôi không mong gì hơn là chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Sau vài tháng, tôi ngạc nhiên bởi tình yêu Ngài dành cho tôi.
6. Thiên Chúa có hiện hữu? Không giống bất kỳ sự mạc khải nào khác của Thiên Chúa, Đức Kitô là hình ảnh đặc biệt nhất và rõ ràng nhất của Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta.
Tại sao là Chúa Giêsu? Nhìn vào các tôn giáo lớn trên thế giới, bạn thấy có Phật Thích Ca, Muhammad, Khổng Tử và Môisê là các thầy dạy hoặc tiên tri. Không ai trong họ tuyên bố ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng lạ thay, Chúa Giêsu đã tuyên bố vậy. Đó là điều làm Chúa Giêsu khác với những người khác. Ngài nói rằng Thiên Chúa hiện hữu và bạn đang nhìn Ngài. Dù Ngài nói về Cha trên trời, không phải từ vị trí tách rời mà là sự kết hiệp mật thiết, khác thường với loài người. Chúa Giêsu nói rằng ai thấy Ngài là thấy Cha, ai tin Ngài là tin Cha.
Ngài nói: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng sự sống” (15). Ngài tuyên bố quyền hành chỉ thuộc về Thiên Chúa: Có thể tha tội và giải thoát người ta khỏi tội, cho người ta sự sống dồi dào và sự sống đới đời trên trời. Không như các thầy dạy khác làm người ta chú ý tới lời dạy của họ, Chúa Giêsu cho biết chính Ngài. Ngài không nói “hãy theo lời dạy của Tôi thì sẽ tìm thấy chân lý” nhưng Ngài nói “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Tôi” (16).
Chúa Giêsu đưa ra chứng cớ nào để tuyên bố là Thiên Chúa? Ngài làm những gì người ta không thể làm. Ngài làm các phép lạ: chữa khỏi người mù, què, điếc, thậm chí là cho 2 người chết sống lại. Ngài có quyền hành trên tất cả, biến ra thực phẩm cho hơn 5.000 người ăn. Ngài đi trên nước, ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Chỗ nào cũng có người theo Ngài vì Ngài luôn thỏa mãn nhu cầu của họ và làm những điều kỳ diệu. Ngài nói rằng nếu bạn không muốn tin những gì Ngài nói thì ít ra cũng nên tin Ngài vì các phép lạ mà bạn thấy (17).
Đức Kitô cho thấy Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, hiểu biết tính ích kỷ và khiếm khuyết của chúng ta, nhưng Ngài vẫn muốn quan hệ với chúng ta. Ngài mạc khải rằng dù Thiên Chúa coi chúng ta là tội nhân, đáng bị trừng phạt, tình yêu Ngài dành cho chúng ta vẫn mạnh, và Thiên Chúa có kế hoạch khac. Chính Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và nhận hình phạt vì tội chúng ta thay cho chúng ta. Nghe chừng ngốc nghếch? Có thể lắm. Nhưng nếu được thì nhiều người cha yêu thương vẫn sẵn sàng “đổi chỗ” cho đứa con bị ung thư. Kinh thánh nói rằng lý do chúng ta yêu Thiên Chúa là vì Ngài yêu chúng ta trước.
Chúa Giêsu chết thay chúng ta để chúng ta được tha thứ. Trong các tôn giáo được nhân loại biết đến, chỉ qua Chúa Giêsu mà bạn thấy Thiên Chúa đến với nhân loại, cung cấp cách thức để chúng ta có mối quan hệ với Ngài. Chúa Giêsu chứng tỏ một trái tiim yêu thương, thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, và kéo chúng ta đến với Ngài. Vì cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, Ngài cho chúng ta sự sống mới hôm nay. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ, được chấp nhận hoàn toàn và được yêu thương thục sự. Ngài nói: “Tôi yêu bạn bằng tình yêu vĩnh cửu, do đó tôi tiếp tục lòng chung thủy với bạn” (18). Đây là Thiên Chúa hành động.
Thiên Chúa có hiện hữu? Nếu bạn muốn biết, hãy tìm hiểu Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta biết rằng “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để ai tin Con Ngài thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (19).
Thiên Chúa không ép buộc chúng ta tin Ngài, dù Ngài có thể làm vậy. Nhưng Ngài đã đưa ra đủ bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài để chúng ta tự nguyện đáp lại. Khoảng cách hoàn hảo từ trái đất đến mặt trời, các hóa chất độc đáo trong nước, não bộ con người, DNA, số người chịu nhận biết Ngài, sự ám ảnh trong tâm trí chúng ta muốn xác định Thiên Chúa có hiện hữu hay không, sự sẵn sàng để Thiên Chúa được nhận biết qua Đức Kitô,… đủ để bạn tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa?
Nếu muốn, bạn có thể khởi đầu mối quan hệ với Thiên Chúa ngay bây giờ. Đó là quyền tự do của bạn, không ai bắt buộc. Nhưng nếu bạn muốn được Thiên Chúa tha thứ và muốn kết hiệp với Ngài, bạn có thể hành động ngay bằng cách xin Ngài tha thứ và bước vào cuộc đời bạn. Chúa Giêsu nói: “Này, Tôi đứng ở cửa và gõ cửa. Ai nghe tiếng Tôi và mở cửa, Tôi sẽ vào” (20). Nếu bạn muốn làm vậy nhưng không biết nói thế nào, điều này khả dĩ hữu ích: “Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Ngài đã chết vì tội con. Chúa biết cuộc đời con và biết con cần được tha thứ. Xin Chúa tha thứ cho con ngay bây giờ và đến sống trong con. Con thật lòng muốn biết Chúa, xin đến với con bây giờ. Cảm tạ Chúa muốn kết hiệp với con. Amen”.
Thiên Chúa luôn nhìn rõ mối quan hệ của bạn. Đối với những người không tin Ngài, Đức Kitô nói về chúng ta: “Tôi biết họ, và họ theo tôi. Tôi cho họ sự sống đời đời, họ sẽ không hư mất, và không ai cướp mất họ khỏi tay tôi” (21).
Vậy Thiên Chúa có hiện hữu? Nhìn vào các sự kiện này, người ta khả dĩ kết luận: Thiên Chúa yêu thương thực sự hiện hữu, có thể cảm nhận theo cách riêng và mật thiết.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ in.com)
(1) Romans 1:19-21
(2) Jeremiah 29:13-14
(3) R.E.D. Clark, Creation (London: Tyndale Press, 1946), p. 20
(4) The Wonders of God's Creation, Moody Institute of Science (Chicago, IL)
(5) Ibid.
(6) Ibid.
(7) Ibid.
(8) Hugh Davson, Physiology of the Eye, 5th ed (New York: McGraw Hill, 1991)
(9) Robert Jastrow; "Message from Professor Robert Jastrow"; LeaderU.com; 2002.
(10) Steven Weinberg; The First Three Minutes: A Modern View of the Origin of the Universe;
(Basic Books,1988); p 5.
(11) omitted
(12) Dinesh D'Souza, What's So Great about Christianity; (Regnery Publishing, Inc, 2007, chapter 11).
(13) Richard Feynman, The Meaning of It All: Thoughts of a Citizen-Scientist (New York: Basic Books, 1998), 43.
(14) Francis S. Collins, director of the Human Genome Project, and author of The Language of God, (Free Press, New York, NY), 2006
(15) John 8:12
(16) John 14:6
(17) John 14:11
(18) Jeremiah 31:3
(19) John 3:16
(20) Revelation 3:20
Nguồn: kinhthanh.org