Trang

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Lá thư tình yêu thứ ba Lời Chúa: “Thưa Bà, này là con Bà, này con, đây là Mẹ con”.


Lá thư tình yêu thứ ba
Lời Chúa: “Thưa Bà, này là con Bà, này con, đây là Mẹ con”. Gioan 19:27

Con yêu dấu của Thầy,
Điều cao quý nhất của Chúa Cha là ban tặng Người Con yêu dấu của Ngài cho nhân loại. Thế nhưng chưa đủ, Ngài còn ban cho con một Người Mẹ. Mẹ Maria là Mẹ của Thầy và cũng là Mẹ của con. Như Mẹ đã yêu thương, chăm sóc cho Thầy thế nào thì Mẹ cũng sẽ yêu thương và chăm sóc con như vậy. Con ơi, có Mẹ Maria là một diễm phúc lớn lao cho con. Khi Thầy sinh ra tại Bêlem vào đêm đông giá rét, thì Mẹ Maria tỏa hơi ấm từ mẫu sưởi ấm cho Thầy. Khi Hêrôđê muốn lấy mạng sống của Thầy thì Mẹ đã ẵm Thầy trốn sang Ai-cập. Khi lên Giêrusalem lạc mất Thầy thì Mẹ đã vội vã đi tìm lại Thầy. Phép lạ đầu tiên Thầy làm cho nước hóa nên rượu cũng là nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Mẹ đã theo Thầy trên con đường thập giá lên đồi Golgotha, và Mẹ đã đứng dưới chân Thánh Giá lúc Thầy tắt thở khi các môn đệ của Thầy bỏ trốn.

Hỡi con, con hãy nhớ rằng trong mọi biến cố của cuộc đời ngoài Thầy ra, con còn có Mẹ. Khi cuộc đời của con lạnh lẽo giá rét tình người, con hãy tìm đến trong cung lòng của Mẹ Maria. Khi ai đó muốn cướp đi cuộc sống của con, con hãy tìm đến ẩn náu nơi tà áo của Mẹ. Khi con lạc bước xa Thầy, con hãy tìm bước theo gót chân Mẹ. Khi cuộc đời con thiếu rượu, con hãy thành khẩn cầu xin với Mẹ. Khi con cảm thấy thập giá đè nặng trên đôi vai, con hãy xin Mẹ đồng hành với con. Và khi con sắp trút hơi thở cuối cùng, con hãy phó dâng hồn xác cho Mẹ. Những gì Mẹ nhận nơi con, Mẹ sẽ dâng lên cho Thầy. Thầy bảo thật con, không một điều gì Mẹ xin Thầy, mà Thầy lại từ chối không nhận lời Mẹ.

Con hãy học nơi Mẹ Maria sự khiêm nhường, xin vâng, tin theo thánh ý Chúa, và Mẹ luôn tin tưởng để Chúa thể hiện thánh ý của Ngài trên cuộc đời của Mẹ. Để thực hiện điều này, con hãy nhận một chục Kinh Mân Côi, và đọc với hết tấm lòng yêu mến trước tượng ảnh của Mẹ. Con hãy dâng hiến cuộc đời con cho Mẹ, để Mẹ sẽ dẫn dắt và phù hộ cho con trong mọi lúc.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.


http://thanhlinh.net/node/41660

Lá thư tình yêu thứ hai Lời Chúa: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”



Lá thư tình yêu thứ hai                                       
Lời Chúa: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”. Lc 23:43

Con yêu dấu của Thầy,
Chỉ một lời nói thành tâm sám hối sau cùng của “người trộm lành”, mà anh được Thầy hứa ban Thiên đàng. Nếu một người trộm cướp vẫn có cơ hội vào thiên đàng và trở thành thánh, thì hỡi con, con còn có nhiều cơ hội hơn thế nữa. Đừng để cơ hội qua đi và đừng tiếc nói lời sám hối tội lỗi của mình. Thầy bảo thật với con, Thầy sẽ không từ chối bất cứ sự sám hối nào bất kể quá khứ của họ thế nào đi nữa.

Tội lỗi của con đã được trả với một giá rất mắc bằng giá máu cứu chuộc của Thầy, nhưng nước thiên đàng lại được sẵn sàng ban cho con với “một giá rất rẻ” không ngờ. Giá ấy là lòng thành tâm sám hối ăn năn. Như Thầy luôn đón nhận và cho con cơ hội sám hối trở về, thì Thầy cũng mong con hãy cho người khác có cơ hội trở về, và làm hoà với con. Bất chấp quá khứ và tội lỗi của người trộm lành, khi Thầy nói “hôm nay”, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta, là Thầy muốn nói đến giây phút hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai. Vậy Thầy cũng muốn nói với con rằng:
-      Hôm nay, con hãy sám hối và thành tâm trở về với Thầy.
-      Hôm nay, con hãy cầu nguyện và làm việc bác ái.
-      Hôm nay, con hãy dự lễ như là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời con.
-      Hôm nay, con hãy sống như là ngày cuối cùng của con trên trần gian này.
-      Hôm nay, con hãy chuẩn bị phần hồn của con như thể ngày mai sẽ là ngày tận thế…

Con không làm chủ thời gian và ngày ấy sẽ đến vào lúc con không ngờ. Năm cô trinh nữ khôn ngoan là năm cô trinh nữ  luôn có đèn và có dầu để khi Chàng Rể đến thì các cô đã sẵn sàng theo Ngài. Con hãy luôn mang trên mình đèn đức tin và dầu bác ái vì đó là điều đẹp lòng Thầy, vì đó là điều con sẽ mang theo khi từ giã cõi đời.

Để thực hiện điều này, hôm nay con hãy mang tâm tình của người con hoang đàng đứng dậy và đến quỳ dưới chân của Thầy. Con hãy thổ lộ mọi tâm tư, bày tỏ mọi ý định và ước vọng của con cho Thầy. Thầy sẽ lắng nghe như Thầy đã nghe Maria tâm sự, vì Thầy là Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm nhân, và biết cảm thông nỗi đau khổ của con người. Thầy không còn gọi con là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu của Thầy, vì con đã được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Thầy.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.


http://thanhlinh.net/node/41660

Lá thư tình yêu thứ nhất Lời Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lc 23:34


Tác giả: 
 Cát Minh

BẢY LÁ THƯ TÌNH CỦA CHÚA GIÊSU VIẾT TỪ TRÊN THÁNH GIÁ
(Suy niệm viết theo hình thức lá thư tình yêu dựa trên Bảy lời cuối của Chúa Giêsu trên Thánh giá)

Mùa Chay lại trở về và tiếng gọi Tình Yêu trên Thánh Giá như lại vọng lên trong tâm hồn người Kitô hữu. Sự mời gọi trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Thánhlinh.net trân trọng gởi tới Quí vị “Bảy lá thư tình của Chúa Giêsu viết từ trên Thánh Giá” dựa trên “Bảy lời cuối của Chúa Giêsu” trước giờ tử nạn trên đồi Golgotha được ghi trong Thánh Kinh, để có thể suy niệm và cầu nguyện trong suốt 40 ngày Mùa Chay.

Ước gì bảy lá thư tình hay nhất được viết từ trên Thánh Giá này, sẽ giúp Quí vị tìm được nguồn hạnh phúc và ân sủng dồi dào từ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã yêu nhân loại đến nỗi đã chịu chết cho Quí vị. Xin Quí vị dành chút thời gian thinh lặng lắng nghe bảy lá thư tình sau đây được gởi riêng cho Quí vị:

Lá thư tình yêu thứ nhất
Lời Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lc 23:34

Con yêu dấu của Thầy,
Lời thứ nhất trong bảy lời sau cùng của Thầy trên Thánh giá là Thầy xin Cha Thầy tha thứ cho những người đã đánh đòn và đóng đinh Thầy. Trong cơn đau đớn, quằn quại tột cùng trên thánh giá ấy, làm sao Thầy lại có thể nói lên điều đó với những quân lính đang đứng nhìn lên chế nhạo mình? Khó lắm con ơi, nếu như tình yêu của Thầy không mãnh liệt hơn sự chết, và nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thầy đã chẳng nói với các con rằng: “Đối với con người thì không, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.  Thế giới hôm nay dư thừa tội lỗi và tiền bạc, nhưng tình yêu và sự tha thứ lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Thiếu hụt đến nỗi người ta có thể chém giết nhau thay vì tha thứ cho nhau. Lời thứ nhất Thầy nói trên thánh giá chỉ là sự lập lại lời trong kinh Lạy Cha mà Thầy đã truyền dạy cho con là: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Luật xưa dậy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng Thầy mời gọi con hãy dùng tình yêu mà xoá bỏ mọi hận thù, ghen ghét. Vì yêu mến Thầy, con hãy tha thứ cho tha nhân. Một khi con tha thứ cho người khác, thì chính con cũng được Cha ở trên trời tha thứ mọi tội lỗi cho con. Khi làm điều đó, con không những đã nhổ đi một cái đinh đóng trên tay chân của Thầy, mà con còn nhổ đi một cái đinh đang đóng trên cuộc đời của con, để con được tự do. Con có bao giờ nhổ một cái đinh rỉ sét đóng trên một thanh gỗ chưa? Thật không dễ để nhổ trọn vẹn một cái đinh rỉ sét ra khỏi thanh gỗ. Nó thường bị gãy nơi phần rỉ sét, và để lại phần rỉ sét nằm in nơi thanh gỗ. Cho dù có nhổ được cái đinh ra đi nữa, thì nó vẫn để lại một lỗ đinh và vết vàng loang lỗ trên thanh gỗ.

Con ơi, sự không tha thứ chính là hình ảnh của một cái đinh rỉ sét đã bám chặt vào thanh gỗ. Bao lâu sự tha thứ chưa được giải thoát, thì bấy lâu nó sẽ như phần rỉ sét của cái đinh cắm sâu trong trái tim của con.

Trong Mùa Chay này, con hãy dành ít thời gian xem điều gì, hay người nào con cần tha thứ. Người ấy cũng có thể là chính con, cũng có thể là người đã khuất. Nếu mỗi ngày trong 40 ngày Mùa Chay, con tìm được một điều hay một người để tha thứ nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, thì Thầy bảo thật với con rằng, con đã được tái sinh trong đời sống mới và được phục sinh cùng với Thầy.

Để khởi sự thực hiện điều này, Thầy mời gọi con hãy viết trên miếng giấy tên của một người hay điều gì đó mà con cần tha thứ hay cần được giải thoát. Sau đó, con thắp nên một ngọn nến, cầu nguyện và xé bỏ miếng giấy ấy đi. Kế đến, con đem cây nến đang cháy đặt dưới chân Thánh Giá và dâng điều ấy hay người ấy cho Thầy.

Thầy sẽ ban cho con sức mạnh để có thể làm được điều đó, để rồi trong đêm lễ Phục Sinh, con sẽ nhận được một ngọn nến mới từ Thầy, ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng của tin yêu, bình an và hy vọng, và Thầy mong ánh sáng ấy được bừng sáng lên. Con được kêu gọi để trở nên ánh sáng của Thầy giữa thế giới hôm nay đầy bóng tối và hận thù đang lan tràn khắp nơi.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

http://thanhlinh.net/node/41660

LỜI CHÚA MỖI NGÀY THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY






Suy Niệm : Nước Thiên Chúa Sẽ Cất Khỏi Các Ông

 Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về sự phản bội của một số người trong dân Chúa chọn, trước lời mời gọi: "Hãy làm cho hồng ân Chúa ban được trổ sinh nhiều hoa trái". Thiên Chúa cho ai nhiều, thì sẽ đòi nhiều. Chúa ban cho con một đời sống, Ngài cũng ban tự do để con chọn lựa sống một đời sống thánh thiện, cao đẹp, bổ ích hay phá tán thành một đời sống cằn cỗi, phản bội, độc hại, đê hèn. Phải! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng Ngài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu không có sự cộng tác của chúng ta.

Với tự do, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thưa không đối với chương trình của Chúa. Nhưng lúc đó người bị thiệt hại không phải là Thiên Chúa, mà kẻ thiệt hại chính là chúng ta. Lúc đó, chúng ta làm cho cuộc sống mình trở thành cằn cỗi, phản bội, độc hại và đê hèn.

Anh chị em thân mến!

Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này trước biến cố khổ nạn xảy ra cho Ngài. Sau khi mầu nhiệm vượt qua được hoàn tất, đó là việc Chúa đã chịu chết và Phục Sinh để hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Chúng ta nghe lại dụ ngôn này và lĩnh hội thấm thía hơn ý nghĩa của nó. Vì tình yêu đối với con người, Thiên Chúa có sáng kiến thực hiện chương trình cứu độ, nhưng con người đã sử dụng tự do của mình để chống lại chương trình của Ngài, không cộng tác với chương trình của Thiên Chúa.

Thật tệ hại hơn nữa là đã và đang còn có những người dám lộng ngôn tuyên bố Thiên Chúa đã chết, và nếu Ngài chưa chết thì họ dám hành động giết Ngài. Nói thế hay làm thế, họ tưởng rằng mình có thể phá đổ được chương trình của Ngài. Nhưng thực sự thì họ đã làm hư hỏng cuộc đời của họ và gây thiệt hại cho anh em xung quanh.

Ðã 2,000 năm qua, nước Thiên Chúa vẫn tiếp tục lan rộng, Giáo hội Chúa vẫn tiếp tục phát triển cách lớn mạnh. Chúa Giêsu Kitô vẫn còn gặp được những tâm hồn chân thành yêu mến Ngài, và kiên trì dấn thân làm lợi những hồng ân lãnh nhận từ tình yêu Chúa để phục vụ anh em đồng loại.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" chia sẻ những suy tư của mình như sau: Nhiều người Công giáo khoán việc cứu rỗi trần gian cho Chúa. Họ ý thức rằng, Chúa trao việc cứu rỗi trần gian cho họ cộng tác. Giáo dân là người mến yêu sự cứu rỗi trần thế của mình, là người tin rằng Chúa trao cho mình trần gian để đưa họ đến sự cứu rỗi vĩnh cửu. Là người xác tín rằng, Chúa ban sự cứu rỗi, nhưng Chúa đòi việc cộng tác của con người.

Có những người Công giáo đợi chờ, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có những người Công giáo thụ động, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến, và nhìn quanh để chia sẻ gánh vác cho nhau. Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ không hay. Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh mệt nhọc, tránh hy sinh. Họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một thiên đàng dành riêng cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn.

Chúng ta không cần nói nhiều đến thái độ của kẻ khác trước ơn cứu rỗi Chúa ban cho, nhưng mỗi người chúng ta cần nhìn đến chính cuộc sống của mình. Tôi đã cộng tác với ơn Chúa ban như thế nào? Tôi có thể nói được như Thánh Phaolô không: "Nhờ ơn Chúa, tôi được như thế này", và ơn Chúa đã không trở nên vô ích đối với tôi.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con biết quí trọng ơn Chúa ban cho chúng con. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con kiên trì chu toàn trách nhiệm của mình, bằng cách can đảm, quảng đại, kiên trì sống với những gì mà chúng con đã cam kết, đã lãnh nhận từ trong bàn tay yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết trung thành làm tôi Chúa và phụng sự Ngài cách trọn vẹn vĩnh viễn. Amen.

(Veritas Asia)




                

Vì sao bút chì có cục tẩy?





Vì sao bút chì có cục tẩy?
Bút chì cần cục tẩy, mỗi người cần Bí Tích Hòa Giải.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Câu trả lời thật rõ ràng: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!

Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì. Bởi vì, bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nguệch ngoạc, sai từ này đến từ khác. Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để xóa đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình.

Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lầm vấp ngã hay mắc sai lầm! Vì thế, trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình. Cục tẩy giúp xóa đi những sai lầm vấp váp của chính bản thân. Có lúc chúng ta không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc bởi những dòng gạch và xóa.

Cần biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống. Cục tẩy là để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác. Cục tẩy phải mòn dần theo năm tháng, nếu nó cứ mới mãi như ngày xuất xưởng sẽ không ý nghĩa gì cả. Không sử dụng cục tẩy, cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm. Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không? Hãy để cuộc đời là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, những quyết tâm và cả lòng bao dung tha thứ nữa.

Bút chì có cục tẩy cũng giống như đời sống con người cần có Bí Tích Hòa Giải. Mùa Chay và Tuần Thánh, các Giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội.Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua Bí tích Hòa Giải (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8). Nhờ đó, hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

1. Hiệu quả của Bí Tích Hòa Giải

- Xưng Tội là để được tha tội, nhằm giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Tội lỗi nào cũng là một vết thương, một sự cắt đứt mối giao hảo nối liền chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em. Tội trước hết là xúc phạm tới Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và người đồng loại. Được sạch tội là tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người, và quyền ấy cũng được Chúa Kitô chuyển giao cho Hội Thánh để nhân danh Người mà tha tội (Ga 20,21.23). Đây là một trong những chân lý quan trọng nhất của Kitô giáo : “Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. ‘Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối’. Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người, muốn rằng : mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại” (GLHTCG # 982).

Những thế kỷ đầu, Hội Thánh rất ít ban bí tích này và đòi hối nhân phải chịu một hình thức kỷ luật công khai rất khắt khe. Sang đến thế kỷ VII, với ‘hình thức thống hối riêng tư ’mở đường cho việc năng nhận Bí tích Giải Tội. Việc tha tội đặt nền tảng trên hai yếu tố chính là những hành vi thống hối của con người, và tác động tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Linh mục vừa là đại diện Chúa Kitô, Đấng giải hoà chúng ta với Thiên Chúa; vừa là đại diện Hội Thánh để tha thứ tội lỗi và đón nhận chúng ta trở lại với cộng đồng. Hối nhân cần trung thực cởi mở cõi lòng với linh mục, và cũng nên biết rằng mình đang đối thoại với một tội nhân khác. Linh mục cũng là người, nghĩa là cũng được Chúa Kitô tha tội như những người khác. Vì thế với đức tin, chúng ta nhìn nhận linh mục trong toà giải tội như vị đại diện Chúa Kitô, nhưng cũng như một người anh em và là bạn hữu của các tội nhân.

- Bí tích Hòa Giải còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

“Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả. Mục đích và hiệu quả của Bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận Bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng’. Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người” (GLHTCG # 1468)

2. Diễn tiến giao hoà

- Xét mình là nhìn lại đời sống của mình trong ba tương quan (3 bổn phận) với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình. Không thể giao hòa cùng Thiên Chúa và Hội Thánh mà trước đó lại không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình.

- Lòng thống hối ăn năn rất cần thiết để nhận được ơn tha tội. Bí tích Giải Tội chỉ có hiệu lực đối với những ai thực tình thống hối tội lỗi của mình và quyết tâm hối cải những tội mình đã phạm và chiến đấu chống trả tội lỗi. Thói quen thống hối thường hay đọc kèm kinh Thú Nhận, kinh Ăn năn tội.

- Xưng tội vừa có ý nghĩa nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và đồng thời thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Toà giải tội không phải là diễn đàn để khoe mình, cũng không phải là ‘toà án’ để tự biện hộ cho mình hay cáo tội người khác. Đơn sơ và khiêm tốn trình bày những lỗi lầm của mình, cả về số lần phạm tội, để linh mục, thầy thuốc tâm hồn, có thể khuyên bảo cách thích hợp và hữu ích. Không thể khuyên bảo cùng một cách cho những người nhiều năm không giữ đạo, giống với những người vẫn Xưng Tội đều đặn hàng tháng; vì làm như vậy, ơn trở lại của họ bị giới hạn rất nhiều.

Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Nhân danh Chúa Kitô, linh mục đón nhận hối nhân, chuyển đạt cho họ tình thương của Chúa Cha, và nghe họ thố lộ những bí mật của lương tâm. Giáo Luật điều 983 $1 buộc nhặt linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những gì mà hối nhân đã xưng thú. Đây là ‘Ấn tín Bí tích’, vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được Bí tích ‘niêm ấn’Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (GLHTCG # 1467).

- Xá giải là tháo cởi, giải thoát tội nhân khỏi những xiềng xích ràng buộc của tội lỗi. Nhờ ơn Thiên Chúa, xá giải là sự tha thứ trọn vẹn các tội được xưng thú và thiếu sót không cố ý. Linh mục giơ tay hoặc đặt tay trên đầu hối nhân và đọc lời xá giải (giơ tay là một cử chỉ biến thể của nghi thức đặt tay vì tha tội cũng là ơn của Thánh Thần). Hối nhân quỳ hay đứng cúi đầu, im lặng lắng nghe lời xá giải và thưa : “Amen”, chứ không phải là đọc kinh Ăn năn tội (sám hối là việc phải làm trước khi vào tòa xưng tội). Lời xá giải là lời cầu khẩn hơn là một án lệnh.

- Đền tội là tạ ơn lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả phạm nhân bị toà án phân xử đều phải nhận một hình phạt tương xứng với tội của họ. Trong Bí tích Giải tội, việc này không nhằm đền tội đã phạm cho bằng giúp hối nhân tạ ơn và quyết tâm sống cuộc đời mới, giúp cải thiện tương quan với tha nhân vì ‘tình yêu có thể che lấp mọi tội lỗi’ (1 Pr 4,8).

3. Nghi thức giao hòa

Sách nghi thức Bí tích Hòa giải có nhiều mẫu nghi thức :

- Nghi thức Giao Hòa từng hối nhân bao gồm cả phần đón tiếp hối nhân, đọc Lời Chúa (hối nhân nghe hoặc tự đọc), hướng dẫn cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lời khuyên của linh mục, nhận việc đền tội, cầu nguyện xin ơn tha thứ, linh mục xá giải, lời nguyện tạ ơn trước khi ra về. Nếu có nhiều người lãnh nhận cùng lúc, có thể đọc chung cho nhiều người, tuy nhiên việc đọc Kinh Thánh này cũng không bắt buộc, và tùy nghi đơn giản các diễn tiến.

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng xưng tội và giải tội từng người để nhấn mạnh tính cộng đoàn vì sự liên đới trong tội của nhiều người. Tội không chỉ là hành vi cá nhân mà nhiều khi còn là hệ quả của sự đồng lõa nên cũng cần giúp nhau sám hối.

“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn : tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình ; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLHTCG #1482).

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội chung, còn gọi là Giải Tội tập thể. Trong trường hợp nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, linh mục có thể cử hành Bí tích Giải Tội tập thể, nghĩa là xưng tội chung và tha tội chung, nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng.

- Nghi thức thống hối cộng đồng mà không Xưng Tội nhằm gợi lên tinh thần sám hối để dọn mình Xưng Tội vào một dịp thuận tiện khác.

Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt mỗi tối trước khi ngủ nên đọc kinh tối, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

4. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu làm nên hạnh phúc

Trong Bí Tích Hòa Giải, Chúa và con người gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hoà ấm cúng trong lòng người. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Bút chì cần cục tẩy, mỗi người cần Bí Tích Hòa Giải. Mỗi lần được tẩy xóa tội lỗi chúng ta lại có một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhờ được chìm sâu trong Trái Tim Nhân Lành của Thiên Chúa Tình Yêu.

http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=6846

Thức tỉnh lương tâm





Thức tỉnh lương tâm
Kính gửi bài “Thức tỉnh lương tâm” của tác giả Trung Dũng, để quý độc giả cùng nghiền ngẫm trong Mùa Chay này
Những năm qua, xu hướng toàn cầu hóa đã đem lại cho Thế giới nhiều biến đổi tích cực. Trong bối cảnh đó Việt Nam cũng được hưởng nhiều lợi ích từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên mặt trái của nó là lợi nhuận được chọn làm tiêu chuẩn hàng đầu. Lựa chọn này dẫn đến sự dấn thân tìm kiếm vật chất, vốn được coi là đam mê trong xã hội tiêu thụ, hưởng thụ hiện nay. Lợi nhuận, tiêu thụ, hưởng thụ, kéo theo sự đam mê quyền lực, địa vị,… Tại Việt Nam, những tác động tiêu cực của xã hội tiêu thụ còn bộc lộ rõ nét qua “bệnh thành tích”. Bệnh này là sự khác nhau giữa thật và giả, là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và thực dụng.

Tất cả những yếu tố trên đã ít nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ, chọn lựa của con người. Do vậy, có nhiều người sẵn sàng chạy theo những giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần, đạp bằng giá trị thần thiêng, giá trị luân lý, lương tâm… Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội.

Sỡ dĩ, tình trạng này diễn ra phổ biến vì người ta không còn để ý đến “tiếng nói” chân thật của lương tâm, của luân lý. Vậy để giúp con người ý thức và nghe theo tiếng nói đó, trong bài này, chúng ta lần lượt tìm hiểu một sốt vấn đề và giải pháp:
Lương tâm là gì? Giải pháp thức tỉnh lương tâm: Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, mục đích đời con người, nếu chọn hạnh phúc trần gian, con người có tính xã hội và sau hết là huấn Luyện Lương Tâm.
Lương tâm là gì?

Lương tâm là khả năng mang tính tự giác của con người, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình một nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội và bản thân [1]

Theo Khổng Tử: Lương tâm là đạo đức “lập đạo của trời nói âm dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa”. Giáo Hội Công giáo đã đưa ra nhiều định nghĩa về lương tâm với các khía cạnh khác nhau như sau:“Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.”(HCMV số 16).Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.”(GLCG số 1778). Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng…” (GLCG số 1778).

Tóm lại, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn, thúc giục con người biết làm điều thiện, tránh điều ác.

Sách sáng thế cho ta biết: Cain sau khi giết em mình là Abel ngoài đồng vắng, dù đi tới chân trời góc biển xa lạ nào chăng nữa cũng không thoát khỏi cái nhìn của Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta nhận ra đây là tiếng nói của Thiên Chúa. Trong thư Do Thái: “Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Dt 8,10). Nếu do con người đặt ra thì họ cũng có quyền xóa bỏ. Hơn nữa, lẽ tự nhiên, ai cũng muốn đặt lợi lộc của mình lên trên và khi gặp những thiệt hại thì không muốn tuân giữ.

Trong phạm vi luân lý, dù tôi có thể ăn cắp một cách tài tình, kín đáo nhưng cũng không được phép làm. Vì đó là một hành động xấu. Luật tự nhiên này cũng không do xã hội. Vì nếu xã hội làm thì mỗi khi xã hội thay đổi, chúng sẽ bị thây đổi theo. Trong đó, chúng ta thấy chính xã hội cũng phải tuân giữ, bởi xã hội cũng phải thể hiện sự công bằng và bình đẳng. Vì thế, luật tự nhiên chế ngự cá nhân đến xã hội, có giá trị ở mọi nơi, mọi lúc.

Lương tâm cũng chính là tiếng nói xuất phát từ cõi lòng, giúp chúng ta nhìn rõ và đánh giá đúng mức những sự việc chung quanh và thôi thúc ta có quyết định dứt khoát: Làm lành, lánh dữ. Trước mỗi hành vi, lương tâm sẽ lên tiếng báo động cho ta biết: đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, đâu là việc nên hay không nên làm… Sau mỗi hành vi, lương tâm đóng vai trò thẩm phán để xét xử. Nếu đã làm điều tốt, chúng ta sẽ vui mừng, còn nếu làm điều xấu, sẽ bị dày vò, cắn rứt. Tiếng nói này ảnh hưởng, chi phối và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người, xã hội, vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo.... Không ai có thể dập tắt tiếng lương tâm. Dù khi ta lẫn tránh, chìm ngập trong men rượu, trong vui thú để quê đi những gì mình đã làm nhưng vô ích, rồi những giây phút đó sẽ trôi qua và có lúc chúng ta cũng phải đối diện với bản thân trong thinh lặng, lúc đó lương tâm sẽ lên tiếng như lời Kinh Thánh đã ghi: “ác nhân trốn chạy dù không ai đuổi bắt, còn chính nhân đứng vững tựa sư tử con” (Cn 28,1).

Tuy nhiên thực tế cho thấy, con người thời nay như không còn quan tâm tới luân thường, đạo lý. Nên tình trạng mua gian, bán lậu và các tệ nạn xã hội khác xẩy ra tràn lan. Vậy giải pháp nào để giúp họ biến đổi suy nghĩ, lối sống và nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các điều luật luân lý.
Giải pháp thức tỉnh lương tâm

Trước tiên, nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay

Thực vậy, qua các phương tiện truyền thông, ta không còn xa lạ với những thông tin về buôn gian, bán lậu, cướp giật, giết người và dùng mọi chiêu bài để che mắt thiên hạ. Thật giả như bị đảo lộn, để rồi “chân lý” cũng như “chân giò”. Thực trạng này làm cho “con người là lang sói của nhau” như triết học định nghĩa. Khi lương tâm, luân lý không được tôn trọng, nhân phẩm, giá trị con người bị xem nhẹ… thì người này trở thành “miếng mồi béo bở” của người khác. Người ta sẵn sàng đạp bằng mọi sự, miễn sao đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn như trong thời gian vừa qua, mọi người kinh hoàng bởi vụ án Lê Văn Luyện. Hắn xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại tỉnh Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc tẩu thoát, phi tang hiện vật, phủi tay coi như không có gì xảy ra. Khi bị bắt, hắn lại không tỏ ra ăn năn hối lỗi. Rồi vụ án Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Việt Lâm và ông Chủ tịch Tỉnh Hà Giang, Nguyễn Trường Tô mua dâm học sinh nữ, đã làm hoen ố cho cả một thế hệ. Chưa hết, tệ nạn xã hội xẩy ra khắp nơi, trong nhiều lãnh vực như: mại dâm, nạo phá thai, buôn bán người, tự tử, mẹ bán con (http://congly.com.vn/ số ra ngày 27/11/2012 đưa tin hai bà mẹ tàn nhẫn rủ nhau bán con lấy 10 triệu đồng), con giết mẹ… Tất cả những điều này cho thấy, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chủ nghĩa tương đối như “lên ngôi”, trong khi lương tâm lại là điều gì xa lạ với họ. Tình trạng suy đôi luân lý đã để lại hậu quả khủng khiếp thế nào.
Mục đích đời con người.

Theo “lý trí đánh cuộc” của Passcal, ông cược rằng: ‘Nếu tôi tin có Thiên Đàng, mà có thực thì tôi được tất cả, nếu không có thì cũng không sao mà cuộc đời lại tốt đẹp. Nếu không tin có Thiên Đàng mà quả thực là có, thì tôi thiệt hại vô cùng’. Đúng vậy, nếu so sánh thời gian hiện hữu của một đời người với thời gian của trái đất, thì đời người chỉ tính bằng giây mà thôi. Cuộc sống con người mong manh, chóng tàn. Chưa hết, dù được sống trong một thời gian ngắn ngủi ấy nhưng ta phải đối diện với muôn vào khó khăn, khổ cực.

Chẳng lễ cuộc đời lại mong manh, vô nghĩa như vậy? Câu hỏi này sẽ giúp ta suy nghĩ về mục đích ý nghĩa cuộc đời của mình. Ta sẽ nhận ra rằng: cuộc sống con người không chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc ngắn ngủi ở trần gian, nhưng còn hơn thế như ông bà ta thường nói: “Sống ký, tử quy”. Theo Nguyễn Du: “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Thân xác (thể phách), sau khi chết, linh hồn vẫn còn (còn là tinh anh). Linh hồn là phần tinh anh của thế xác. Với người công giáo, chết không phải là hết mà bước vào cuộc sống mới. Nếu đời này sống tốt, ta sẽ được hưởng sự sống viên mãn trên Thiên Đàng, nếu ăn ở gian ác thì chịu luận phạt. Vì thế những giá trị cuộc sống như: ăn ngay, ở lành, sống theo các giá trị luân lý là cái giá giúp ta đạt hạnh phúc viên mãn sau này.
Con người có tính xã hội

Con người sống là sống cùng, sống với. Không ai là một hòn đảo như triết học định nghĩa: "con người có tính xã hội”. Vì thế nếu sống giả dối, lừa lọc, chỉ biết nghĩ cho mình, chắc chắn chúng ta sẽ bị cô đơn, sẽ phải lãnh hậu quả. Khi đó, ta sẽ nhìn mọi người với ánh mắt thù địch, lúc nào cũng bị căng thẳng, phải cảnh giác và không được bình an… Ngược lại, nếu sống thật, biết quan tâm giúp đỡ tha nhân, ta sẽ thấy đời rất đẹp, mọi người thật đáng yêu và đời người có ý nghĩa.

Nếu chọn hạnh phúc trần gian

Như đã nói ở trên, cuộc sống trần gian như một làn gió thoảng qua. Điều này giải thích tại sao, người ta lại tranh thủ mọi phương thế để được vui thú, thỏa mãn mọi ước vọng. Có người tận hưởng niềm vui trong rượu chè, trai gái, hút chích. Có người tìm niềm vui trong công việc … Nhưng liệu những niềm vui đó có thể thỏa mãn hạnh phúc? Chắc chắn là không. Vì sau nhưng giây phút đó, có lúc họ sẽ rơi vào cảnh cô đơn, sầu lặng, buồn chán và có người đã giải thoát cuộc đời bằng cách tìm đến cái chết. Như thế ở trần gian con người không thể thỏa mãn hạnh phúc. Hơn nữa chúng ta sẽ không tìm được lời giải đáp cho những vấn nạn: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống để làm gì? Tại sao phải đau khổ? Tại sao phải chết? Sau khi chết, tôi đi đâu?... Rồi ta sẽ thấy cuộc đời thật vô nghĩa, chán ngán, bởi công thức cuộc sống cứ lặp đi lặp lại: ăn, uống, ngủ nghỉ, làm việc, cơm gạo áo tiền …
Cái chết của con người

Nếu ta đã từng một lần đưa tiễn người thân, bạn bè hay một ai đó thân thiết, chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi xúc động, nhớ thương. Lúc đó chúng ta dễ dàng suy gẫm về kiếp nhân sinh. Một ngày kia chúng ta cũng phải rời cõi thế. Người giàu sang, kẻ nghèo khó cũng đồng số phận. Tuy nhiên ta chết như thế nào? Một câu danh ngôn đã khuyên ta: "khi sinh ra, bạn khóc người khác cười, nhưng phải sống làm sao để khi ra đi, người khác khóc thương bạn". Thực tế cho thấy, có người chết đã để lại bao nỗi tiếc thương, nhưng cũng không thiếu những người khi chết lại là niềm vui cho người khác. Vì cuộc sống của họ đầy giả dối, lừa đảo, bởi những việc làm quái ác…

Vậy ta phải sống thế nào cho xứng với nhân phẩm con người để "khi mình chết, người khác khóc". Đó chính là sống theo các giá trị luân lý tự nhiên là làm lành, lãnh dữ. Với người công giáo đó là nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa và Giáo Hội.
Huấn Luyện Lương Tâm.

Như chúng ta đã trình bày về tầm quan trọng của lương tâm, sự mong manh của kiếp người, sự chết, mục đích, ý nghĩa của cuộc sống, sẽ phần nào giúp con người thay đổi suy nghĩ, lối sống và nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các điều luật luân lý. Tuy nhiên, lương tâm có thể sai lầm và có khi trở thành mù quáng, không biết phải trái, lành dữ nếu không được huấn luyện. Vì thế việc huấn luyện lương tâm là rất cần thiết và phải theo đuổi suốt đời: Hội Thánh khẳng định rằng: “Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức.” (GLCG số 1783).

Việc giáo dục lương tâm thực hiện theo hai cách: Tự nhiên và siêu nhiên[2]:

1/ Tự nhiên: Một người cần được hấp thụ một nền giáo dục tốt ngay từ bé từ môi trường gia đình, học đường, giáo xứ…

2/ Siêu Nhiên: Vì lương tâm có liên hệ chặt chẽ với các nhân đức: Tin – Cậy – Mến. Nên việc đào tạo lương tâm phải lấy tinh thần Kitô giáo làm chuẩn mục:

- Cầu nguyện: Cầu nguyện là giờ phút linh thiêng, cá nhân con người gặp gỡ Chúa. Vì thế, hằng ngày, khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tác động và “sửa lại mọi sự trong ngoài,” thì lương tâm chúng ta sẽ trở nên ngay chính. Vì thế cầu nguyệnlà phương thế tốt nhất để đào tạo lương tâm. Đặc biệt nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hương dẫn của Hội Thánhphải trở thành kim chỉ nam soi dẫn cuộc đời ta.“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)

- Trung thành chiến đấu với các đam mê.

- Năng lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Giải Tội.

- Khiêm nhường lắng nghe lời chỉ dẫn của cha linh hướng và những người đạo đức, khôn ngoan.
Kết luận

Tóm lại, để có thể đi ngược lại chủ nghĩa tương đối, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, biết lắng nghe tiếng lương tâm, sống theo các giá trị luân lý, đạo đức xứng với nhân phẩm, thì chúng ta cần phải được giáo dục từ bé trong môi trường tốt của gia đình, học đường, xã hội và là một việc làm thường xuyên.

Với người công giáo, cách riêng là anh em chủng sinh, thì nghe theo tiếng lương tâm, sống đúng luân lý lại phải được áp dụng cách nhiệm nhặt hơn trong bối cảnh hiện nay. Và nhất là trong Năm Đức Tin này, Giáo Hội mời gọi mọi người đào sâu Đức Tin, học hỏi giáo lý và sống các giá trị Tin Mừng, hầu trở thành men, thành muối cho đời. Vì chúng ta được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong việc thánh hóa Thế giới. Hầu giúp mọi người có thể đạt tới hạnh phúc thật trên Thiêng Đàng. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của những người theo Chúa.
Trung Dũng
ĐCV Vinh Thanh
Tài liệu tham khảo:
1. Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Luân Lý Căn Bản, Tr 109-138
2. Hương Việt: Tôi tin có một Thiên Chúa, Quyển II,( Hà nội: Nxb Tôn Giáo, 2006)
3. Điển ngữ thần học
4. Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo, (Huế: Nxb Thuận Hóa)
5. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012)
6. Lm Giuse Hoàng Kim Đại. “Lương Tâm Con Người”,http://xuanbichvietnam.wordpress.com/. Truy cập ngày 17/12/2012


http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=6843