Trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Thông điệp Mense Maio của ĐGH Phaolô VI về việc cầu nguyện trong Tháng Năm cho sự duy trì nền hoà bình


Thông điệp Mense Maio 
của ĐGH Phaolô VI 
về việc cầu nguyện trong Tháng Năm cho sự duy trì nền hoà bình

Gửi anh em đáng kính: Thượng phụ, Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục, và Thường quyền Địa phương đang có mối hoà bình và hiệp thông với Toà Thánh.

Xin chúc anh em sức khoẻ và phép lành Toà Thánh.

1. Tháng Năm dường như đã đến đây rồi, một tháng mà lòng đạo đức bình dân từ lâu đã dành dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trái tim Tôi vui mừng khi nghĩ đến cánh cửa đức tin và tình yêu thương đang chuyển biến; đức tin và tình yêu thương phải sớm được dành cho Nữ Vương Thiên Đàng tại khắp mọi miền trên trái đất. Vì đây là tháng mà các Kitô hữu, tại các nhà thờ cũng như tại tư gia, dâng lên Mẹ Đồng Trinh những hành vi kính trọng và tôn sùng yêu mến và sốt sắng hơn; và đây cũng là tháng mà Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta biết bao nhiêu hồng ân lớn lao hơn từ ngai toà của Mẹ chúng ta.

2. Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính Đức Trinh Nữ và mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì một cách đúng đắn, Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể không gặp gỡ Đức Kitô như vậy. Vì lý do nào khác mà chúng ta lại không tiếp tục trở về với Đức Maria để tìm kiếm Đức Kitô trong cánh tay của Mẹ, tìm gặp Đấng Cứu Độ chúng ta trong, qua và với Mẹ? Con người cần phải trở về với Đức Kitô trong thế giới đầy lo âu và nguy hiểm, thôi thúc bởi trách nhiệm và nhu cầu cấp bách của trái tim con người hầu tìm thấy một nơi ẩn trú an toàn và một mạch nước sự sống siêu việt.


Một thời gian đặc biệt cho việc cầu nguyện

3. Bởi vì Tháng Năm là một động lực mạnh mẽ cho việc cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng hơn, và bởi vì những lời khẩn cầu của chúng ta sẽ dễ dàng chạm đến trái tim từ ái của Đức Maria trong suốt Tháng Năm này, đó là một thói quen rất được ưa chuộng mà các vị tiền nhiệm của Tôi chọn tháng này dâng kính Đức Maria, nhằm thôi thúc dân Kitô giáo dâng những lời nguyện chung với nhau bất kỳ lúc nào nhu cầu của Giáo Hội đòi hỏi hoặc khi có những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe doạ nhân loại. Năm này, thưa anh em đáng kính, Tôi cảm thấy thôi thúc mời gọi dâng lên những lời nguyện như thế từ khắp Thế giới Công giáo. Nhìn vào các nhu cầu hiện tại của Giáo Hội và tình hình hoà bình thế giới, Tôi có những lý do để tin rằng thời khắc hiện tại đang rất nghiêm trọng và cần có một lời kêu gọi cầu nguyện được nối kết lại trên một phần của tất cả các Kitô hữu, đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu.

NHU CẦU CỦA CÔNG ĐỒNG

4. Lý do đầu tiên liên quan đến thời điểm lịch sử hiện tại trong đời sống của Giáo Hội, đó là việc cử hành Công đồng Vatican II. Sự kiện đáng nhớ này đang đặt Giáo Hội trước một nhiệm vụ nặng nề: phải tự thích nghi một cách phù hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta. Trong thời gian sắp tới, tương lai của hiền thê Chúa Kitô và số phận của nhiều linh hồn sẽ phụ thuộc vào thành công của cố gắng này. Đây thực sự là thời kỳ quan trọng mà Thiên Chúa cho thấm nhuần vào đời sống của Giáo Hội và lịch sử của thế giới.

Công việc ở phía trước

5. Mặc dù một khối lượng lớn công việc của Công đồng đã hoàn tất, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cho anh em cần phải làm, trong khoá họp tới, cũng sẽ là khoá họp cuối cùng, thưa anh em đáng kính. Thời điểm tiếp sau khoá họp đó cũng quan trọng. Lúc đó, các quyết nghị của Công đồng sẽ phải được đưa ra thi hành. Các linh mục và mọi người được mời gọi nỗ lực phối hợp để đưa những hạt giống đã được gieo trong suốt Công đồng có thể sinh hoa kết quả cứu độ và có thể thấy được. Và cũng vậy, để đạt được ơn soi sáng cần thiết và phúc lành của Thiên Chúa cho việc hoàn thành số lượng công việc lớn lao này, Tôi đặt hy vọng của mình vào Đức Maria, Đấng mà Tôi đã vui mừng tuyên bố là Mẹ Giáo Hội khi kết thúc khoá họp cuối cùng. Từ khi mới bắt đầu Công đồng, Đức Maria đã ban cho chúng ta sự trợ giúp đầy tình yêu thương, và chắc chắn Mẹ cũng sẽ ở với chúng ta cho đến khi nhiệm vụ được hoàn thành.

HOÀ BÌNH ĐANG BỊ ĐE DOẠ

6. Lý do thứ hai cho lời mời gọi của Tôi bắt nguồn từ tình hình hiện tại của các vấn đề mang tính quốc tế, mà, như anh em đều biết rõ, thưa anh em đáng kính, cực kỳ khó khăn và không chắc chắn. Lợi ích tối cao của hoà bình một lần nữa đang đặt trong tình trạng bị đe doạ. Ngày nay, chúng ta thấy những căng thẳng đang ngày càng xấu đi nghiêm trọng giữa các quốc gia tại một số nơi trên thế giới, cứ như thể không có bài học nào được rút ra từ những kinh nghiệm cay đắng của hai cuộc chiến tranh thế giới đã gây ra biết bao nhiêu xương máu trong nửa đầu của thế kỷ này. Một lần nữa chúng ta lại thấy con người đang có nguy cơ cậy dựa vào vũ khí thay vì thương lượng để thiết lập những cuộc bàn thảo giữa các bên đối lập. Vì vậy, các cư dân của toàn thể các dân tộc đang phải chịu những đau khổ không kể xiết gây ra do các cuộc nổi dậy, chiến tranh bí mật và nguy hiểm, và những trận đánh bất ngờ. Những hoạt động này ngày càng trở nên thường xuyên hơn và ngày càng trở nên cay đắng hơn, và có thể đến một lúc nào đó, châm ngòi cho một cuộc chiến mới và khủng khiếp.

Lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới

7. Nhận thức về những mối hiểm nguy trầm trọng đang đe doạ nhân loại, và ý thức về nhiệm vụ của Tôi là Mục tử Tối cao, Tôi thấy cần thiết phải lên tiếng. Tôi lo lắng và e sợ rằng những căng thẳng này có thể biến thành một cuộc chiến đẫm máu. Tôi kêu gọi tất cả những ai đang mang trách nhiệm của cơ quan công quyền đừng bỏ qua những ước muốn đồng tâm hiệp ý của nhân loại nhằm đạt được hoà bình. Quý vị hãy cố gắng làm hết sức mình trong quyền hạn để duy trì hoà bình mà bây giờ đang bị đe doạ. Quý vị hãy tiếp tục cổ võ những cuộc bàn thảo và thương lượng vào mỗi dịp thuận tiện và giữa mọi tầng lớp, để họ có thể ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm và những bất hạnh khủng khiếp gây hậu quả cho những giá trị vật chất, tinh thần và luân lý. Theo những con đường đã được luật pháp vạch ra, xin quý vị hãy nhất trí nỗ lực tìm kiếm công lý và hoà bình; quý vị hãy khuyến khích những cuộc tìm kiếm như thế và làm cho chúng thành công; quý vị hãy tin tưởng vào mỗi người thành tâm thiện chí, để căn nguyên đáng ca ngợi của trật tự đúng đắn có thể chiếm ưu thế hơn sự rối loạn và huỷ hoại.

Những hành vi tội ác đáng lên án

8. Than ôi, trong tình hình thương tâm của những vấn đề này, Tôi buồn bã lưu ý rằng thường xuyên không có sự tôn trọng đối với giá trị thánh thiêng và bất khả vi phạm của sự sống con người; có những hành động và phương pháp được sử dụng để phô trương một cách công khai những sự tình cảm đạo đức tế nhị và phong tục của con người văn minh. Trong phạm vi này, Tôi không thể không lên tiếng bảo vệ nhân phẩm và nền văn minh Kitô giáo; lên án cuộc chiến bí mật và nguy hiểm, các hoạt động khủng bố, việc bắt con tin, và việc trả thù man rợ chống lại những người không có trang bị vũ khí. Đây là những tội ác làm suy giảm nhận thức của con người về lẽ phải và tính nhân đạo, và hơn nữa là làm tổn thương tâm hồn các chiến sĩ. Những tội ác này có thể đóng kín những con đường còn mở ra cho niềm tin tưởng lẫn nhau; hoặc ít ra là họ có thể đặt những khó khăn hơn vào con đường thương lượng, nếu được thực hiện với lòng chân thành và trung thực, có thể dẫn đến một giải pháp hợp lý.

Mối quan tâm vì mọi dân tộc

9. Như anh em đều biết, thưa anh em đáng kính, mối bận tâm sâu xa của Tôi trước tình hình này là không được quyết định bởi bất kỳ lợi ích hẹp hòi nào. Mong muốn duy nhất của Tôi là bảo vệ những người đang phải gánh chịu bất hạnh và cổ võ phúc lợi đích thực của mọi dân tộc. Và Tôi nuôi dưỡng mối hy vọng rằng sự nhận thức về trách nhiệm mà họ gánh vác trước mặt Thiên Chúa và con người sẽ có đủ để lãnh đạo nhà nước tiếp tục nỗ lực quảng đại duy trì hoà bình; nhằm cố gắng hết sức ngăn chặn, bao nhiêu có thể, những rào cản đặt ra cho sự đồng thuận an toàn, chân thành bởi loạt sự kiện hoặc những thái độ nhân đạo.

Hoà bình, quà tặng từ Thiên Chúa

10. Thưa anh em đáng kính, nhưng hoà bình không chỉ là công việc của con người, mà trên hết còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Hoà bình đến từ trời. Hoà bình đó thực sự sẽ ngự trị giữa con người, nếu chúng ta chứng tỏ là xứng đáng để đón nhận món quà này từ Thiên Chúa Toàn Năng. Bởi vì hạnh phúc và vận mệnh của các dân tộc nằm trong quyền năng của Thiên Chúa như thế nào, thì trái tim con người cũng nằm trong quyền năng của Ngài như thế. Và như vậy, chúng ta sẽ đạt được phúc lợi cao cả này bằng cách cầu xin Thiên Chúa; bằng việc cầu nguyện kiên trì và cậy trông, như Giáo Hội đã thực hiện ngay từ thời sơ khai; bằng việc cầu nguyện, đặc biệt là nhờ sự can thiệp và bảo trợ của Đức Thánh Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hoà Bình.

11. Vì thế, thưa anh em đáng kính, trong suốt Tháng Năm này, chúng ta hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa những lời khẩn cầu với lòng sùng kính và tin tưởng lớn hơn, để chúng ta có thể đạt được lòng ưu ái và phúc lành của Mẹ. Thậm chí khi con người phạm tội nghiêm trọng kích động đến đức công bình của Thiên Chúa và đáng chịu những hình phạt đích đáng, thì chúng ta cũng không nên quên rằng Ngài là “Cha của lòng thương xót, và là Thiên Chúa của mọi sự an ủi” (xc. 2 Cr 1,3.1), Ngài đã đặt Đức Maria rất thánh làm người quản lý quảng đại những quà tặng đầy lòng thương xót của Ngài.

Khẩn cầu Đức Maria cứu giúp

12. Đức Maria là người đã trải qua những mối lo âu và vất vả của cuộc sống trần gian, những mệt mỏi của công việc nặng nhọc hằng ngày, những gian khổ và thử thách của kiếp nghèo, và những nỗi buồn sầu trên đồi Calvê; nguyện xin Mẹ đến cứu giúp những nhu cầu của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại. Nguyện xin Mẹ lắng tai dịu dàng nghe lời khẩn cầu tha thiết của những người khắp hoàn cầu đang kêu xin Mẹ ban ơn bình an. Xin Mẹ chiếu sáng tâm trí của những người đang lãnh đạo các quốc gia. Và cuối cùng, nguyện xin Mẹ khẩn cầu Thiên Chúa, Đấng làm chủ gió bão, dẹp yên những dông tố trong những con tim gây hấn của con người và ban cho chúng ta hoà bình trong thời đại này. Điều chúng ta đang tìm kiếm là nền hoà bình đích thực dựa trên những nền tảng vững chắc về công lý và tình thương- dựa trên một nền công lý thừa nhận những quyền lợi hợp pháp của những người yếu thế cũng như của những người mạnh thế; dựa trên một tình thương gìn giữ con người khỏi rơi vào sai lầm xuyên qua mối ưu tư thái quá cho những lợi ích riêng của bản thân họ. Vì vậy, quyền lợi của người này có thể được đảm bảo, trong khi quyền lợi của những người khác lại bị lãng quên hoặc bị xúc phạm.


Lời mời gọi cầu nguyện đặc biệt

13. Thưa anh em đáng kính, Tôi xin anh em hãy làm cho người ta biết đến mong muốn cũng như lời kêu gọi khẩn thiết của Tôi gửi đến người tín hữu được giao phó cho anh em chăm sóc, bằng bất cứ cách nào mà anh em cảm thấy phù hợp nhất. Tôi cũng đề nghị anh em hãy trù liệu để có những lời cầu nguyện đặc biệt trong mỗi giáo phận và giáo xứ trong suốt Tháng Năm; nhất là vào ngày lễ Đức Maria Nữ Vương, hãy để cho dân chúng cầu nguyện chung một cách long trọng cho những sáng kiến mà Tôi đã đề cập tới.

14. Anh em nên biết rằng Tôi đặc biệt cậy trông vào lời cầu nguyện của các trẻ em và những người đang chịu đau khổ, vì lời cầu xin của họ có một sức mạnh đặc biệt chạm đến thiên đàng và làm dịu đi sự công thẳng của Thiên Chúa. Bởi vì đây là một dịp tuyệt vời, đừng bỏ lỡ mà không nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại đến việc lần hạt Mân Côi, lời kinh làm vui lòng Đức Mẹ và thường cũng được Toà Thánh khuyến khích. Lời kinh này mang lại cho người tín hữu một phương tiện tuyệt diệu của việc tuân giữ một cách hiệu quả và làm hài lòng mệnh lệnh của Thầy chúng ta: “Hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm, thì sẽ thấy; hãy gõ cửa, thì sẽ được mở ra cho” (Mt 7,7).

15. Vui mừng với những tình cảm từ tâm và hy vọng đầy tin tưởng rằng tất cả mọi người sẽ đáp lại lời mời gọi của Tôi với sự nhanh chóng và sẵn sàng, Tôi ưu ái ban phép lành Toà Thánh cho anh em, thưa anh em đáng kính, và cho tất cả những ai được giao phó cho anh em chăm sóc.

Làm tại Rôma, Đền thánh Phêrô, ngày 29/04/1965, vào năm thứ hai triều đại của Tôi.
+ PHAOLÔ VI

(FX. Trần Kim Ngọc, OP. chuyển ngữ)

Những vấn đề khoa học và đức tin (vấn đề 5)



Những vấn đề khoa học và đức tin (vấn đề 5)
Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh không đối lập hay phản khoa học.

THÁNH KINH VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VẠN VẬT
VẤN ĐỀ 05: Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh đều sai lạc và phản khoa học. Khoa học ngày nay đã khám phá ra nguồn gốc vũ trụ ngược hẳn với những điều ghi chép trong sách Thánh Kinh.

I. TRẢ LỜI
1. Ngày nay khi đọc 2 chương đầu của sách Sáng Thế Ký thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước, nói về việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ (St 1,1-31; 2,1-4) và tạo dựng con người (St 2,4-25) nhiều người bất mãn, vì xem ra Thánh Kinh nói nhiều điều vô lý và phản khoa học. Chẳng hạn:
- Thiên Chúa thiêng liêng vô hình lấy đâu ra miệng lưỡi để nói ? Lấy tay đâu để nặn đât sét thành hình người rồi thổi hơi vào ? Không có xác thì sao lại phải nghỉ mệt ngày Thứ Bảy ?
- Trong ba ngày đầu tiên, khi chưa có mặt trời thì dựa vào đâu để xác định thời gian: “ Thế là hết một buổi chiều và một buổi sáng ?”
- Thiên Chúa lại làm những việc ngược đời, phản khoa học như: Dựng nên ánh sang trước khi sáng tạo nên mặt trời, vậy thì ánh sang ấy từ đâu phát ra ? Dựng nên cây cối trước khi dựng nên mặt trời, thì cây cối ấy làm sao sống được ? Thánh Kinh còn nói Thiên Chúa tạo dựng tất cả trong thời gian 6 ngày, đang khi khoa học khám phá ra vũ trụ được hình thành trong thời gian mấy tỷ năm !
Các vấn nạn sẽ chồng chất lên mãi nếu người ta cứ hiểu bản văn hoàn toàn theo nghĩa đen như trên…Vậy ý nghĩa đích thực mà tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả trong mấy chương đầu sách Sáng Thế Ký như thế nào ?
2. Thực ra, Thánh Kinh không vô lý và phản khoa học vì những lý do sau:
1) Trước hết, Thánh Kinh là sách dạy tôn giáo chứ không nhằm dạy khoa học cho lòai người. Khi viết hai chương đầu trong sách Sáng Thế Ký, tác giả Sách Thánh chỉ muốn ghi sâu vào tâm trí loài ngưới những chân lý Đức Tin như sau:
- Vũ trụ vạn vật không tự nhiên xuất hiện như có người lầm tưởng, nhưng đã doThiên Chúa tạo thành từ hư không (St 1,1). Công việc Ngài làm rất tốt đẹp, và loài người có bổn phận phải nhận biết, tỏ lòng biết ơn bằng sự tôn thờ yêu mến và cầu xin Ngài (St 1,4.12.25.31; 2,3).
- Trong số các tạo vật của Thiên Chúa, loài người có giá trị nhất vì được tạo dựng cuối cùng, được Thiên Chúa trực tiếp thổi hơi phú ban cho có linh hồn thiêng liêng bất tử “giống hình ảnh Thiên Chúa” và còn được trao quyền cộng tác với Chúa để làm chủ vũ trụ nữa (St 1,26).
Người nữ không phải là tôi tớ của người nam như quan niệm của dân ngoại thời bấy giờ, nhưng là bạn ngang hàngcó cùng một bản tính người ngang hàng vớingười nam. Tư tưởng này được diễn tả qua việc Thiên Chúa lấy xương sườn của A-đam làm thành E-và, rồi liên kết hai người thành vợ chồng “một xương một thịt” (St 2,18-24).
- Để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, loài người phải dành trọn ngày cuối trong một tuần lễ để nghỉ các việc làm ăn thường lệ và dành thì giờ làm việc phụng thờ Ngài. Đó là ngày Thứ Bảy “Sa-bát” (St 2,2-3).
2)Những chân lý ấy vì được nói trước tiên với người Do Thái đương thời, là những người có trình độ văn minh thấp kém, nên tác giả Thánh Kinh đã phải dùng lối văn kể chuyện cụ thể dễ hiểu, phải sử dụng những kiểu nói bình dân, phù hợp với những điềumắt thấy tai nghe. Giả sử tác giả trình bày việc hình thành vũ trụ theo cách nói của các nhà khoa học ngày nay, thì chắc chắn sẽ làm rối trí khán giả cách vô ích, và khó lòng thuyết phục họ chấp nhận tin thờ Thiên Chúa. Ngày nay, dù đang sống giữa thời đại văn minh khoa học, thế mà trong câu chuyện thường ngày, người ta vẫn thường dùng kiểu nói như: “Mặt trời mọc ở phương Đông vào mỗi buổi sáng và lặn ở phương Tây vào mỗi buổi chiều. Bầu trời hôm nay thật trong xanh… Mà không thấy ai lên tiếng phê bình phản đối. Thế thì tại sao một số người lại dựa vào môt vài kiểu nói bình dân trong Thánh Kinh để cho rằng Thánh Kinh nói những điều vô lý và phản khoa học được ?
TÓM LẠI: Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh không đối lập hay phản khoa học, vì Sách Thánh không nhằm dạy khoa học về nguồn gốc vũ trụ thiên nhiên, nhưng chỉ muốn trình bày những chân lý Đức Tin tôn giáo cho loài người. Tuy nhiên, vì được nói trước tiên với người xưa, nên tác giả Kinh Thánh đã phải sử dụng lối văn kể chuyện sao cho dễ hiểu, phù hợp với kiến thức và trình độ hiểu biết khoa học của người đương thời, để họ dễ dàng mở lòng đón nhận đức tin. Hồng y LIÉNART đã nói: “Thực là sai lầm nếu có ai muốn đối chiếu trực tiếp Kinh Thánh và khoa học, vì họ đã không nhận ra rằng: Kinh Thánh và khoa học không đứng trên cùng một bình diện và không đồng một thể loại. Kinh Thánh theo đuổi một mục đích khác với mục đích của khoa học. Không khoa nào có thể phủ nhận khoa nào”.
II. TƯỜNG THUẬT CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO THEO SÁCH SÁNG THỂ (St 1,1-2,3):
Vì nhằm mục đích dạy loài người chân lý: “Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa và là Chúa tể của vũ trụ vạn vật”, nên tác giả Thánh Kinh đã trình bày công việc sáng tạo theo một thứ tự riêng, phù hợp với mục đích dạy đức tin. Tác giả đã chia công trình tạo dựng vũ trụ vạn vật thành 7 giai đoạn:
Đầu tiên là những vật vô tri bất động và tiếp đến là những vật có sự sống rồi những động vật có giác quan mà quan trọng nhất là loài người có linh hồn thiêng liêng bất tử. Cuối cùng tác giả kết luận: “Tất cả vạn vật đều do Thiên Chúa tạo dựng” và lòai người được nhận làm nghĩa tử vì được dựng nên cuối cùng, giống như bà mẹ trước khi sinh con đã chuẩn bị sẵn nhà cửa và các đồ dùng quần áo cho con, Thiên Chúa cũng sáng tạo nên vũ trụ vạn vật trước khi dùng bùn đất làm ra lòai người. Lòai người phải thánh hóa nghỉ việc xác ngày Thứ Bảy để dành làm việc thờ phượng Chúa như Ngài đã nêu gương.
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được tác giả Sách Thánh trinh bày theo thứ tự phân biệt và trang điểm như sau:
1) Ngày thứ Nhất Thiên Chúa dựng lên ánh sáng và phân biệt ánh sáng với bóng tối. Ánh sáng được gọi là ngày và bóng tối được gọi là đêm (x. St 1,3-5).
2) Ngày thứ Hai Thiên Chúa dựng nên cái vòm giữa khối nước. Ngài phân biệt nước phía dưới vòm với nước phía trên làm thành bầu trời (x. St 1,6-8).
3) Ngày thứ Ba Thiên Chúa truyền cho nước phía dưới trời tụ lại, làm cho chỗ cạn nhô lên. Ngài gọi chỗ cạn là “đất” phân biệt với khối nước tụ lại là “biển”. Ngài cho đất phát sinh thảo mộc hoa trái (x. St 1,9-13).
4) Ngày thứ Tư Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Nhất: Ngài dựng nên hai vầng sáng giúp phân biệt ngày và năm tháng. Ngài gọi vầng sáng lớn là mặt trời chiếu sáng ban ngày và vầng sáng nhỏ là mặt trăng soi chiếu ban đêm. Ngài cũng dựng nên các vì tinh tú (x. St 1,14-19).
5) Ngày thứ Năm Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Hai: Ngài dựng nên chim bay trên bầu trời và dựng nên cá lội dưới lòng biển (x. St 1,20-23).
6) Ngày thứ Sáu Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Ba: Ngài dựng nên các loài thú vật và cuối cùng dựng nên lòai người và trao cho họ quyền làm chủ trái đất (x. St 1,24-31).
7) Ngày Thứ Bảy Thiên Chúa nghỉ việc để nêu gương cho lòai người cũng phải nghỉ việc để thánh hóa ngày này (St 2,1-3).
III. LỜI CẦU:
- Lời Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia”(Tv 18).
- Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Cha đã sáng tạo nên vũ trụ van vật “vì và cho” loai người chúng con. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Cha để không ngừng ngợi khen cảm tạ Cha. Xin cho chúng con biết cộng tác với Cha để làm chủ và kiện tòan thiên nhiên theo thánh ý Cha hầu mang lại cơm no áo ấm cho chúng con. Xin cho chúng con biết làm cho môi trường sống ngày thêm sạch đẹp, hầu làm sáng danh Cha và mang lại hạnh phúc muôn đời cho chúng con. AMEN.
LM ĐAN VINH

Đức Giêsu, con người lữ hành



Đức Giêsu, con người lữ hành
(Tin Mừng theo Thánh Marcô)

Xuyên qua Tin Mừng theo Marcô, chúng ta có khả năng thấy được con người lịch sử Giêsu Kitô tương đối trung thực hơn các Tin Mừng khác. Thật vậy, vì muốn ghi lại một cách trung thành với lời rao giảng của Phêrô, nên Marcô đã vẽ lại, bằng những nét chấm phá, con người Giêsu Kitô. Đức Giêsu được ghi lại trên bức tranh Tin Mừng bằng một số nét độc đáo, chấm phá. Nếu nhìn và phân tích từng nét của bức tranh, ta khó khám phá ra khuôn mặt thật của Đức Giêsu, vì các nét ấy khô khan, rời rạc. Còn nếu quan sát, chiêm ngắm toàn diện bức tranh, chúng ta sẽ thấy và hiểu được Đức Giêsu là ai: Ngài vừa là một người như mọi người: là một người thợ, sống tại một làng nhỏ, có vui, buồn, giận, bỡ ngỡ, thương xót, yêu thương...; nhưng đồng thời lại là một con người bí ẩn, khó hiểu, sâu xa... khiến ai tiếp xúc với Ngài cũng phải thắc mắc để đi đến một thái độ lựa chọn nào đó.

Marcô đã dùng lối văn nhát gừng (chấm phá) để làm sống lại con người Giêsu. Đó chính là hướng thần học của Marcô.

Chúng ta có thể xem tiêu đề “Đức Giêsu, con người lữ hành” như tựa đề cho bức tranh Tin Mừng mà Marcô đã đem hết tấm chân tình để vẽ lại khuôn mặt Đức Giêsu. Con người lữ hành Giêsu được thể hiện qua những nét sau đây:

CON NGƯỜI TA GẶP GIỮA MỌI NGƯỜI

Hãy nhìn Đức Giêsu đang đứng bên bờ biển! Có lớp người hâm mộ bao quanh Ngài, lắng tai đón nhận lời Ngài. Số người hâm mộ, tò mò kéo đến càng lúc càng đông, đến nỗi Ngài phải lên thuyền, rời ra xa một chút (4,1-2).

Rồi, Ngài dùng thuyền qua bên kia bờ. Trên đường đi chợt bão tố nổi lên, sóng gió mỗi lúc một mạnh, nước ào vào thuyền. Các môn đệ, vì quen nghề chài lưới, đã gắng sức chèo chống, vất vả để giữ cho thuyền khỏi đắm...; còn Ngài, Ngài vẫn nằm ngủ “tỉnh bơ” ở đầu lái (4,35-38).

Rồi, Ngài cùng các môn đệ vào một thành nọ. Có người chạy đến bên Ngài xin Ngài thương chữa cô con gái của ông sắp chết. Ngài đến nhà. Cô bé đã chết. Trong nhà bật lên tiếng khóc than, thương tiếc. Đức Giêsu đến bên, lên tiếng: “Em bé không chết! Nó ngủ đó thôi”. Ngài đánh thức nó dậy. Mọi người kinh ngạc, sửng sốt, ngẩn cả người ra. Còn Ngài, Ngài nhắc gia đình nhớ cho cô bé ăn (5,21-43).

Những hoạt cảnh như thế, chúng ta bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm của Marcô. Với lối tả chân đó, Marcô có dụng tâm cho ta thấy Đức Giêsu quả là một con người sống như mọi người, một con người ta gặp thường ngày ở giữa mọi người... Nhưng con người đó lại bí ẩn, khó hiểu (1,44; 5,40-43; 7,33-36). Ngài làm việc gì, nói lời nào, hình như đều bị các môn đệ hiểu sai ý, khiến đôi khi Ngài phải quở trách họ (6,52; 8,14-21). Quả là một con người ở giữa mọi người! Nhưng là một con người bí ẩn, khó hiểu, dễ bị người khác hiểu lầm (ý này rất quan trọng, nhờ đó ta bắt gặp được chủ ý của Marcô khi trình bày nét “bí ẩn về Đấng Cứu Thế” trong thần học của Marcô về mầu nhiệm Giêsu Kitô).

CON NGƯỜI TA GẶP TRÊN ĐƯỜNG ĐI

Nếu như Luca và Matthêu, trong khi ghi lại những đòi hỏi của Đức Giêsu đối với những ai muốn làm môn đệ, muốn đi theo Người, đã nhắc chúng ta về câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu: “Chồn có hang, chim trời có tổ, chứ Con Người không có chỗ ngả đầu” (x. Lc 9,57-58; Mt 8,18-20); thì Marcô - tuy không ghi lại câu đó - nhưng đã trình bày Đức Giêsu thật sự là con người ta gặp trên đường đi. Nói cách khác, Đức Giêsu luôn di động. Đi đến tìm gặp con người, chứ không phải Người ở một chỗ, để con người phải nghe tiếng, tìm tới gặp Người. Mà vì thế, những ai muốn gặp Đức Giêsu, hãy rời khỏi nhà của mình, hãy rời khỏi con người của mình (theo gương Tổ phụ Abraham), để gặp người trên đường đi (Ecclesia - Ek-kalein: gọi ra khỏi > Hội Thánh). (x. Mc 1,9: Đức Giêsu bỏ Nazareth; 1,14: đến xứ Galilê; 1,16: đi dọc theo bờ biển... đi xa hơn một chút... 1,21: vào Capharnaum; 1, 35: sáng sớm tinh sương, Ngài trỗi dậy ra đi...).

Marcô hầu như đồng hóa con người lữ hành Giêsu với con đường đi. Đức Giêsu là đường. Đường đi về đâu? Cứ đến gặp Ngài và đi theo Ngài thì sẽ biết.

CON NGƯỜI ĐI QUA MÀ KHÔNG BAO GIỜ DỪNG LẠI

Trên đường Đức Giêsu đi qua, không một ai, không một nơi nào, không một biến cố nào - dầu thành công hay thất bại có thể cầm chân được con người lữ hành Giêsu.

Tại Capharnaum, trong một ngày Hưu Lễ, Đức Giêsu giảng thuyết thành công. Người trở nên nổi tiếng. Tất cả mọi người đều chú ý đến Người. Họ tìm cách giữ Người lại cho mình. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? - Đang đêm, Người trỗi dậy đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình (1,21-35). Simon Phêrô tìm được Người: “Thưa Thầy, mọi người đang kiếm Thầy”. Đức Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi” (1,36-38).

Những hình ảnh như thế được Marcô chú ý và ghi lại cẩn thận trong tác phẩm của mình. Vì thế, Marcô có dụng tâm cho chúng ta gặp thấy nơi Đức Giêsu hình ảnh của Vị Truyền Giáo di động: Người luôn tìm đến các đám đông; Người là con người của đám đông (x. 6,30-45 ; 4,35). Nhưng Người không chiều theo thị hiếu của đám đông. Người không lệ thuộc họ. Người không mị dân (x. 6,45 ; 8,9-10.11-13). Người luôn đi qua mà không dừng lại, vì Người là con người lữ hành rao giảng Tin Mừng.

CON NGƯỜI ĐI TRƯỚC MỌI NGƯỜI

Đức Giêsu đi trước mọi người trên mọi chặng đường của cuộc đời. Nhìn vào Tin Mừng, chúng ta sẽ ngạc nhiên, vì không lúc nào Đức Giêsu xuất hiện mà vắng bóng các môn đệ. Và ngay trong những trường hợp đó, Người luôn luôn đi trước các môn đệ. Người gọi các môn đệ để họ luôn luôn đi sau Người (x. 1,18.20; 2,14; 8,33; 10,52).

Các môn đệ hiểu thế, vì họ không bao giờ đi trước mặt Thầy mình. Câu chuyện sau đây giữa Đức Giêsu và Phêrô thật điển hình:

... Tại Kaisaria của Philip, Phêrô thay lời cho Nhóm 12 tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (8,27-30). Đáp lại, Người cho các môn đệ biết sự thật về Người: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại” (8,31). Phêrô không chấp nhận nổi ý tưởng đó, ông thương Thầy, “kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách Ngài” (8,32). Trước tình yêu và tâm tình chân thành của Phêrô, Đức Giêsu đã nói gì? - “Quay lại, và nhìn các môn đồ, Ngài mắng Phêrô: “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”“ (8,33). (Theo quan niệm của Kinh Thánh, Satan là tên để chỉ một nhân vật hay sức mạnh đi ngược và dụ dỗ con người đi ngược chương trình cứu độ của Thiên Chúa).

Ngoài ra, Marcô còn ghi lại một hình ảnh thật cảm động trên đường tiến về Giêrusalem: “Họ đang đi dọc đàng để lên Giêrusalem, và Đức Giêsu dẫn đầu đi trước họ, còn những kẻ theo sau thì sợ hãi” (10,32).

Rồi sau khi sống lại, chính Người cũng lên Galilê trước để đợi các môn đệ ở đây (16,7).

CON NGƯỜI RA KHỎI MỌI RANH GIỚI

Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng tại Galilê (1,14). Và cũng tại Galilê, Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (16,15). Đức Giêsu xem vùng đất Galilê là nơi lý tưởng để rao giảng Tin Mừng.

Như vậy, vai trò của Giêrusalem thì sao? - Đó là nơi đã chối từ Đức Giêsu (3,22); đó là nơi các thủ lãnh của Dân Chúa đã kết án Người (14,64); đó là nơi họ đã giao nộp Người cho dân ngoại xử tử (15,1). Giêrusalem đã khép kín tâm hồn lại với Đấng Cứu Thế. Họ đã chối bỏ Người. Vì thế, Đức Giêsu cũng rời bỏ Giêrusalem - nơi từ trước đến nay vẫn là trung tâm tôn giáo - (13,1-2). Có chăng, Người chỉ lưu lại đó một dấu vết: ngôi mộ trống (16,6). Vì thế, nếu muốn tìm Người tại Giêrusalem người ta chỉ gặp được ngôi mộ trống. Người không còn đó nữa! Muốn thấy lại Người, chính các môn đệ cũng phải quay trở về Galilê (16,1-8).

Vậy, đối với Marcô, vùng đất Galilê có đặc điểm gì để trở nên nơi lý tưởng cho việc rao giảng Tin Mừng?

– Galilê là vùng đất không có ranh giới.

Đấy là nhãn quan thần học của Marcô. Lý do là, từ Galilê người ta tiếp xúc dễ dàng với dân ngoại, mà tiêu biểu trong Tin Mừng theo Marcô là vùng đất Tyrô, Siđôn (3,8; 7,24.31), hoặc Kaisaria của Philip (8,27)...

Khi chọn Galilê làm nơi để rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã chủ tâm xóa bỏ mọi ranh giới ngăn cách Do Thái với lương dân. Từ nay, không được thu kín Tin Mừng lại một nơi nào nữa - như Giêrusalem chẳng hạn. Nhưng Tin Mừng phải được công bố đi khắp nơi và cho mọi người.

Người môn đệ của Đức Giêsu phải ghi khắc trong tâm khảm của mình chân lý đó.

Như vậy, trong tâm tình của người môn đệ, độc giả Tin Mừng theo Marcô có bổn phận làm sống lại hình ảnh vị Thầy của mình là Đức Giêsu trong cuộc sống thường nhật của mình: Đức Giêsu, con người lữ hành. Lữ hành để rao giảng Tin Mừng.

Bởi thế con người lữ hành của Tin Mừng (người môn đệ) phải là con người sống giữa mọi người, nhưng đi mãi, không bao giờ dừng lại, đi trước mọi người và vượt ra ngoài mọi ranh giới của con người.

Đó chính là mầu nhiệm của người môn đệ của Đức Kitô, sống “trong trần gian, nhưng không thuộc về trần gian”.


Gm. Giuse Võ Đức Minh
Nguồn: WHĐ

VUI HỌC THÁNH KINH LỄ THÁNH GIUSE THỢ





VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ THÁNH GIUSE THỢ
Ngày 1/5
Tin Mừng thánh Mátthêu 13,54-58

Tin Mừng

Đức Giê-su về thăm Na-da-rét
(Mc 6:1-6; Lc 4:16 -30 )

53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? "57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi."58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.









53 When Jesus finished these parables, he went away from there.

54 27 He came to his native place and taught the people in their synagogue. They were astonished 28 and said, "Where did this man get such wisdom and mighty deeds?55 Is he not the carpenter's son? Is not his mother named Mary and his brothers James, Joseph, Simon, and Judas?56 Are not his sisters all with us? Where did this man get all this?"

57 And they took offense at him. But Jesus said to them, "A prophet is not without honor except in his native place and in his own house."

58 And he did not work many mighty deeds there because of their lack of faith.



  

I. HÌNH TÔ MÀU




* Chủ đề của hình ảnh này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
*Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Mátthêu 13,55

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .





II. TRẮC NGHIỆM

A.
a1. Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong các hội đường của họ và họ có thái độ thế nào? (Mt 13,54)
a. Vui mừng
b. Sửng sốt
c. Lo sợ
d. Hoang mang

a2. Khi nghe những lời dạy dỗ của Đức Giêsu, họ nghĩ gì về Người? (Mt 13,5)
a. Người đầy khôn ngoan
b. Làm nhiều phép lạ
c. Là vua Ítraen
d. Chỉ a và b đúng

a3. Khi nghe những lời khôn ngoan của Đức Giêsu, dân làng Nadarét nói gì? (Mt 13,55-56)
a. Ông không phải là con bác thợ mộc sao?
b. Mẹ ông không phải là bà maria sao?
c. Chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?
d. Cả a, b và c đúng

a4. “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. Đây là lời của ai? (Mt 13, 57)
a. Ngôn sứ Êlia
b. Ông Môsê
c. Ông Gioan tẩy giả
d. Đức Giêsu

a5. Tại sao Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ tại Nadarét? (Mt 13,58)
a. Vì họ không tin
b. Vì họ xua đuổi Người
c. Vì giờ của Người chưa tới
d.Chỉ a và b đúng

B.
b1. Ngày 1 tháng 5 là ngày Quốc tế Lao động; trong Giáo Hội Công Giáo đó là ngày lễ gì?
a. Lễ kính thánh Gioan
b. Lễ Chúa Giêsu phục sinh
c. Lễ Mẹ Maria thăm viếng bà Êlisabét
d. Lễ thánh Giuse Thợ

b2. Đức Giáo Hoàng nào đã lập lễ thánh Giuse thợ?
a. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII
b. Đức Giáo Hoàng Piô X
c. Đức Giáo Hoàng Piô XII
d. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

b3. Lễ thánh Giuse thợ được lập ra nhằm đề cao điều gì?
a. Giá trị của lao động và của công nhân
b. Để cầu nguyện cho tất cả mọi người lao động.
c. Để bênh vực những người lao động nghèo khổ
d. Chỉ có a và b đúng.

b4. Lễ thánh Giuse thợ được lập ra năm nào?
a. Năm 1950
b. Năm 1955
c. Năm 1965
d. Năm 1980

b5. Công việc của thánh Giuse giúp cho chúng ta hiểu biết những giá trị nào về việc làm lao động của con nguời?
a. Can đảm, lương thiện,
b. lương tâm nghề nghiệp, đoàn kết,
c. phục vụ tốt cho xã hội và gia đình,
d. Cả a, b và c đúng.




III. Ô CHỮ 




Những gợi ý

01. Tại Nadarét, Đức Giêsu không làm được nhiều điều gì? (Mt 13,58)

02. Điều người ta nhận xét về những lời của Đức Giêsu thế nào? (Mt 13,54)

03. Tại nơi này ngôn sứ bị rẻ rúng. (Mt 13,57)

04. “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. Đây là lời của ai? (Mt 13, 57)

05. Dân làng nghĩ Đức Giêsu là con của ai? (Mt 13,55)

06. Đây là mẹ của Đức Giêsu. (Mt 13,55)

07. Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ tại Nadarét vì họ thế nào? (Mt 13,58)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?



IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

"Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình
và trong gia đình mình mà thôi."
Tin Mừng thánh Mátthêu 13,57



NGUYỄN THÁI HÙNG


                   
THÁNH GIUSE THỢ

Lm Nguyễn Hồng Giáo


Ngày 1 tháng 5 là ngày Quốc tế Lao động; trong Giáo Hội Công Giáo đó là ngày kính thánh Giu-se Thợ, thánh Giu-se người lao động. Lễ này được Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XII lập ra năm 1955 nhằm đề cao giá trị của lao động và của công nhân, và để cầu nguyện cho tất cả mọi người lao động.

Có người cho rằng Giáo Hội Công Giáo thành lập một số lễ trùng với những dịp kỷ niệm hoặc lễ lớn của xã hội là có một ý đồ xấu. Ví dụ trong cuốn tiểu thuyết Ngày Phán Xét của Bá Dũng (Hà Nội 1985), tác giả viết rằng lễ thánh Giu-se ngày 1/5 hoặc lễ Gia đình Na-gia-rét (nhằm ngày 19/8, ngày Cách mạng Tháng 8 thành công) v.v. là để "buộc chân con chiên" trong nhà thờ, không cho họ tham dự mít tinh kỷ niệm (tr.17).

Ðiều quả quyết này hoàn toàn sai. Trước hết không có lễ Gia đình Na-gia-rét nào vào ngày 19/8 cả. Còn lễ thánh Giu-se Công nhân chỉ là một lễ thường, không bắt buộc giáo dân phải tham dự, thì chẳng buộc tay buộc chân ai được. Quả quyết như trên là do không hiểu rõ hoặc do ác cảm.

Thật ra, việc lập một số lễ nhằm vào một số kỷ niệm nào đó về phần đời là một cách nhìn nhận giá trị của chính biến cố phần đời đó. Ðây là một nguyên tắc hành động của Giáo Hội, tức là nhìn nhận, lấy lại, nâng cao, thánh hóa tất cả mọi giá trị "tự nhiên" của nhân loại và mọi tục lệ tốt lành trong các nền văn hoá. Trong tiếng chuyên môn của thần học, người ta gọi nguyên tắc đó là "hội nhập văn hoá".

Trở lại mục đích của ngày lễ thánh Giu-se Công nhân. Lao động là một giá trị căn bản của loài người. Hơn nữa, lao động còn mang một giá trị tôn giáo cao cả. Xã hội đề cao lao động và người lao động, thì Giáo Hội càng vui mừng vì lao động nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, và hơn nữa chính Con Thiên Chúa khi làm người đã muốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình lao động nghèo và tự tay mình làm việc để sinh sống như mọi người bình thường. Vậy chẳng có lý do gì để Giáo Hội phải cạnh tranh với xã hội cả.

Công Ðồng Va-ti-can II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (số 33-34) đã nhắc lại:

"Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống mình bằng việc làm và tài năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, con người đã và đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên... Ngày nay con người đã dùng sức cần lao để tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh." Vậy đâu là giá trị và ý nghĩa của hoạt động cần lao ấy? Công Ðồng tiếp: "Ðối với các tín hữu, chắc chắn họat động cá nhân và tập thể của loài người, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đã nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa phải chinh phục trái đất và cai quản vũ trụ... Những điều nói đây cũng áp dụng cho công việc đơn sơ thường nhật. Thực vậy, khi mưu sinh cho mình và cho gia đình mình, tất cả những người hoạt động để phục vụ xã hội đều có lý để tin rằng nhờ lao động của mình, họ nối tiếp công trình của Ðấng Tạo Hoá, phục vụ anh em, đóng góp vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử. Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng Thiên Chúa, không coi con người là địch thủ của Tạo Hoá mà còn xác tín rằng các thắng lợi của nhân loai là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Người".

Ðó là giáo lý rõ ràng của Giáo Hội dựa trên Kinh Thánh.

Tuy nhiên, cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội cũng đã có lúc không đi sát với giáo lý Kinh Thánh, nhưng để cho những lý thuyết xa lạ ảnh hưởng trên thái độ của mình đối với lao động, nhất là lao động tay chân. Có một thời Giáo Hội cũng đã coi lao động tay chân là lao động của người nô lệ, chỉ lao động trí óc, lao động tinh thần mới xứng với người tự do. Vì thế trong ngày Chúa nhật, Giáo Hội cấm làm việc tay chân, nhưng làm việc trí óc vẫn được phép. Qui định này, đúng ra, bao hàm quan niệm của Hy-lạp, không phải của Kitô giáo, về lao động. Và có lẽ cũng là quan niệm Việt Nam ta thời trước: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, Nhất nông nhì sĩ!

Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng nhiều khi Giáo Hội đã không tích cực tham gia vào những phong trào đấu tranh gian khổ để bênh vực quyền lợi của người lao động. Không biết từ bao giờ, người Công giáo đã thường nhìn các phong trào công nhân, các nghiệp đoàn và những cuộc đình công, bãi thị với con mắt e dè và ngờ vực nếu không phải là tiêu cực. Mình phần lớn cũng là dân nghèo, Chúa của mình xuất thân cũng là một người lao động tay chân nghèo khó, thế nhưng hễ nghe nói tới đấu tranh cho người nghèo, người lao động thì cứ vẫn dửng dưng, nhiều khi lại còn lo sợ hoặc nghi ngờ! Tôi biết rồi, những người đầu tiên đấu tranh có tổ chức cho giới công nhân ở thế kỷ XIX bên Phương Tây phần nhiều cũng chống lại Giáo Hội vì cho rằng Giáo Hội tiên thiên đứng về phía giai cấp bóc lột, đàng khác lắm khi họ dùng việc đấu tranh cho công nhân như một phương thế để lật đổ trật tự xã hội hiện hành, thiết lập một chính quyền mới của giai cấp công nhân. Ðiều đó vẫn còn đúng mãi về sau, cho đến gần hết thế kỷ XX. Tuyên ngôn Cộng sản của Mác và Ăng-ghen (một tuyên ngôn cho giới công nhân là nạn nhân của chế độ tư bản man rợ thời đầu) đã ra đời năm 1848, nhưng mãi đến năm 1891 Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII mới ban hành Thông điệp Tân Sự, là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo Hội. Một sự nhập cuộc muộn màng, dù rằng rất cần thiết và hữu ích. Giáo Hội đành phải ngậm ngùi mà ghi nhận rằng Giáo Hội thế kỷ XIX đã đánh mất giai cấp công nhân!

Ngày nay vị trí và vai trò của Giáo Hội đối với các vấn đề của thế giới nói chung và của giới lao động nói riêng đã rất khác so với thời Ðức Lê-ô XIII và ngay cả thời Ðức Piô XII. Lịch sử đã cho thấy rằng rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho giới lao động đã không được các ý thức hệ lớn thực hiện. Chủ nghĩa Duy kinh tế và chủ nghĩa Tiêu thụ đã chứng tỏ là không phục vụ lợi ích thực sự và bền vững của con người; cả hai đều bao hàm một quan niệm sai sót về con người. Các nhà nghiên cứu nói rằng thời kỳ của các ý thức hệ đã chấm dứt. Trong tình hình mới, tiếng nói của Giáo Hội ngày càng thêm uy tín. Giáo Hội luôn luôn khẳng định rằng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa chỉ có lý do tồn tại trong sự phục vụ con người và là con người toàn diện, con người trong mọi chiều kích của nó, cá nhân và xã hội, thể xác và tinh thần, "tự nhiên" và siêu việt.

Thánh Lô-ren-sô Tử đạo nguyên là một thày Phó tế của Ðức Giáo Hoàng Xit-tô II, thế kỷ thứ III, và là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rô-ma. Khi biết mình sắp được phúc tử đạo, ngài đã bán nhiều tài sản của Giáo Hội và phân phát cho người nghèo. Thật ra, thường ngày Giáo Hội đã phải nuôi khoảng 1.500 người nghèo rồi. Thị trưởng Rô-ma nghe tin, liền ra lệnh cho ngài phải nộp các của cải Giáo Hội cho Hoàng đế. Lô-ren-sô xin khất ba ngày để gom đủ tài sản, kỳ thực thì trong thời gian đó ngài qui tụ một đám thật đông những người mù loà, tàn tật, đau yếu, cô nhi…, rồi đến ngày hẹn, ngài dẫn cả đám người khốn khổ ấy đến dinh thị trưởng và nói: "Ðây là tài sản của Giáo Hội chúng tôi".

Ưu thế của Giáo Hội xưa nay khi bàn đến các vấn đề xã hội vẫn chỉ là Con Người và mối ưu tiên dành cho người nghèo.

http://tinmung.net/TRANGTHANHGIUSE/ThanhGiuseINDEX.htm




Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ THÁNH GIUSE THỢ


I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Xưởng Mộc Nadarét
* Câu Tin Mừng thánh Mátthêu 13,55

Ông không phải là con bác thợ sao?

II. TRẮC NGHIỆM

A.
a1. b. Sửng sốt
a2. d. Chỉ a và b đúng
a3. d. Cả a, b và c đúng
a4. d. Đức Giêsu
a5. a. Vì họ không tin

B.
b1. d. Lễ thánh Giuse Thợ
b2. c. Đức Giáo Hoàng Piô XII
b3. d. Chỉ có a và b đúng.
b4. b. Năm 1955
b5. d. Cả a, b và c đúng

III. Ô CHỮ 

III. Lời giải đáp Ô CHỮ 

01. Phép lạ (Mt 13,58)
02. Khôn ngoan (Mt 13,54)
03. Gia đình (Mt 13,57)
04. Đức Giêsu (Mt 13, 57)
05. Bác thợ (Mt 13,55)
06. Maria (Mt 13,55)

Hàng dọc : Lòng Tin

NGUYỄN THÁI HÙNG
http://vuihocthanhkinh.blogspot.com/