Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Danh Thánh Chúa Giêsu

Danh Thánh Chúa Giêsu
Tên “Giê-su,” từ tiếng Do Thái là Gio-suê, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ.” Tên này được đặt theo lời thiên sứ Gáp-ri-en khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31). Phúc Âm theo thánh Mát-thêu trong trình thuật truyền tin cho Giu-se còn giải thích rõ ý nghĩa của tên này: “Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Trong Thánh Kinh cả Cựu Ước cũng như Tân Ước, còn nhiều danh xưng và tước hiệu khác được gán cho Chúa Giê-su.

Danh xưng và Tước hiệu

Tham chiếu

  • Con Thiên Chúa
Mc 1,1; Lc 27,70
  • Con Đấng Tối Cao
Lc 1,31
  • Chúa, Đức Chúa
1Cr 2,8; Ga 20,28
  • Con Người
Mt 8,20
  • Con Vua Đa-vít
Mt 15,22
  • Ngôi Lời
Ga 1,1
  • Chiên Thiên Chúa
Ga 1,29
  • Ki-tô hay Mê-si-a,nghĩa là Đấng Được Xức Dầu
Mt 16,16; Lc 2,11
  • Đấng Cứu Độ
Ga 4,14
  • Rabbi, Thầy
Ga 1,38; Mc 5,35
  • Đấng khơi nguồn sự sống
Cv 3,15
  • An-pha và Ô-mê-ga
Kh 1,8
  • Sư tử của Giu-đa
Kh 5,5
  • Vua các vua, Chúa các chúa
Kh 19,16
  • Sao Mai Ngời Sáng
Kh 22,16
  • Lời của Thiên Chúa
Kh 19,13
  • Đấng Thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa
Lc 1,35; Ga 6,69
  • Đấng Thánh và
    Đấng Công Chính
Cv 3,14
  • Đầu của Hội Thánh
Ep 5,23
  • Em-ma-nu-en
Is 7,14
  • Cố vấn kỳ diệu,
    Thần linh dũng mãnh,
    Người Cha muôn thuở,Thủ Lãnh hoà bình
Is 9,6

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 7



100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI  7

NÓI LỘNG NGÔN PHẠM THƯỢNG

Trích sách 2 Các Vua, ch. 18-19

Vua Ê-dê-kia, trị vì nước Yuđa, là ông vua rất đạo đức, luôn làm điều ngay chính trước mắt Thiên Chúa và giữ các điều răn; nên Thiên Chúa đã hộ phù ông, giúp ông thành công trong mọi việc ông làm. Ông đã khởi nghĩa chống lại vua As-sua, là Sê-na-kê-ríp, bẻ gẫy gông cùm nô lệ... Tức giận, Sê-na-kê-ríp sai sứ giả cao cấp đến cùng vua Ê-dê-kia ở Yêrusalem để trao tối hậu thư, bắt vua này phải đầu hàng. Sứ giả dùng những lời thách thức thoá mạ, và còn dám nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa:

- Hãy nhắn với vua Ê-dê-kia rằng: Đại Đế As-sua nói thế này: Ngươi cậy vào ai mà dám dấy loạn với ta? Hẳn ngươi sẽ nói: chúng tôi cậy vào Yavê Thiên Chúa của chúng tôi. Ta dám thách đố làm sao ngươi có thể đẩy lui được một viên tướng nhỏ nhất của ta đó.

Rồi sứ giả kia quay sang phía các quần thần vua Ê-dê-kia nói tiếp:

- Các ngươi đừng nghe theo vua các ngươi, vì nó phỉnh các ngươi mà rằng: Yavê sẽ cứu chúng ta. Kìa xem các nước chung quanh, có thần nào của họ đã cứu xứ mình khỏi tay ta đâu? Đừng hòng trông vào Yavê Thiên Chúa các ngươi cứu được Yêrusalem khỏi tay ta!

Các quần thần về gặp vua Ê-dê-kia và kể lại các lời lẽ của sứ giả. Vừa nghe, vua xé áo, mặc lấy bao bị, tỏ dấu phẫn uất và tạ tội trước lời lộng ngôn ấy, rồi ông vào Đền Thờ của Chúa mà cầu nguyện rằng: - Lạy Yavê, Thiên Chúa của Israen, Đấng ngự trên các Vệ binh thần, chính Người mới là Thiên Chúa trên mọi nước trần gian. Xin Người hãy nghe lời vua As-sua, sai sứ thần đến thách đố và mạ lị Người. Đã hẳn, vua As-sua đã tàn phá các dân tộc và xứ sở của chúng và cho lửa thiêu các thần của chúng, vì đó không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là tượng gỗ, tượng đá do tay người phàm làm ra. Và bây giờ, xin Chúa cứu chúng tôi khỏi tay nó, để mọi nước trên trần nhận biết chính Người mới là Thiên Chúa thật!

Thiên Chúa sai tiên tri Ysaia đáp lại với vua thế này: - Ta đã nghe lời ngươi khẩn cầu nhân vụ vua As-sua. Đừng sợ trước những lời thách đố lộng ngôn của hắn. Này Ta sẽ cho hắn nghe một tin hung dữ, mà cấp tốc rút lui nhục nhã. Ta sẽ cho hắn bị ngã gục vì gươm đâm chính ở quê nhà... Còn Yêrusalem, Ta sẽ che  chở thoát bàn tay hắn!

Xảy ra là chính đêm ấy, Thần sứ Yavê từ trời xuống sát phạt trong doanh trại As-sua, làm 185.000 lính của hắn chết ngay tại chỗ. Tên sứ giả nói lộng ngôn trên kia cũng chết trong đám đó. Còn vua As-sua, thì dỡ trại rút lui hấp tấp về Ni-ni-vê. Và xảy ra là lúc ông đang cúng bái trong đền thờ thần Nít-rốc, thì hai con trai của ông dấy loạn, lẻn vào, rút gươm đâm ông gục chết, rồi bỏ trốn sang xứ khác.

* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Trong Tin Mừng Mt (5.22), Đức Giêsu nói: “...Ai mắng anh em là 'đồ ngốc' thì can án trước Công nghị, và ai nhiếc anh em là 'đồ khùng' thì can án hoả ngục lửa thiêu”. Như vậy, một lời nhục mạ phạm đến con người, còn phải phạt nặng như thế, huống chi lời lộng ngôn nhằm lăng nhục chính Thiên Chúa. Quả vậy, ngày xưa, theo luật Môsê, “ai nói xúc phạm đến Yavê đều phải chết, toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó “ (Lv 24.16; 1V 21.13). Lương dân, người vô tín ngưỡng, cách riêng các kẻ chống đối Thiên Chúa thường hay nói lộng ngôn, lăng nhục Thiên Chúa, như vua Sê-na-kê-ríp trên đây, hoặc như nhiều kẻ khác mà Kinh Thánh có thuật truyện lai, chẳng hạn: vua An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô (2M 8.4; 9.28; 10.34; Đn 7.8,25; 11.36). Sách Khải huyền nói đến các vua chúa ngoại đạo và bách hại đạo cũng thường nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa (Kh 13.5-6;...). Thiên Chúa xử thế nào?

Trước xúc phạm đến uy linh Người như thế, Người đích thân ra hình phạt cân xứng cho những hạng người đó. Như vua As-sua trong truyện trên đây chết gục dưới lưỡi gươm của 2 con ông, sau khi bị Chúa cho mắc ôn dịch một đêm chết 185 ngàn quân, phải rút lui nhục nhã. Còn An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô, Kinh Thánh kể rằng:

“Khi ông vừa thốt ra lời lộng ngôn xong, ruột ông quặn đau, nội tạng nhức nhối ghê sợ..., từ trên xe, ông ngã văng xuống đất quá mạnh làm mình mẩy ông nát bấy. Bởi tính huênh hoang, ông tưởng mình ra lịnh được cho ba đào biển cả và có thề rờ được tinh sao trên trời, thì nay đã nằm sóng sượt dưới đất và phải nhờ người ta chở cáng đem đi, đến nỗi từ mình ông dòi bọ ra nhung nhúc, đang sống mà thịt ông đã rữa và thối tha, hôi hám, làm cho cả đạo binh phải khó chịu... Như vậy đã chứng thực tỏ tường cho mọi người thấy quyền phép Thiên Chúa (2M 9.4-10).

Nghe các truyện trên, có người mỉm cười nghĩ rằng: ngày nay, biết bao kẻ nói lộng ngôn mà có thấy Thiên Chúa phạt đâu? Chúng vẫn sống phây phây, càng nên béo tốt, làm ăn khấm khá, giàu có thêm mãi... Xin đáp rằng: Họ chưa bị phạt thì không phải họ sẽ không bao giờ bị phạt. Hình phạt là điều chắc chắn, nếu họ không hối cải và xin Thiên Chúa tha thứ. Không hình phạt đời này thì hình phạt đời sau. Thiên Chúa tuy nhân từ, chờ đợi họ ăn năn hối lỗi, song cũng là Đấng Uy linh và công bình vô cùng, không thể coi tội đó dường như thể vô can được.

Tội gì còn dễ dung thứ, chứ tội lộng ngôn phạm thượng là tội rất lớn, khó được tha thứ, không bởi lòng Chúa hẹp lượng, những bởi lòng chai đá và tự ái kiêu căng của họ không mềm ra được mà thống hối xin tha. Thậm chí, Đức Giêsu còn nói tội “lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần" thì không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau, nghĩa là không bao giờ được tha thứ, tại sao vậy? Lý do cũng như trên đã nói. Các tội khác người ta phạm, thường vì yếu đuối, do bị cám dỗ, thèm muốn quá mà sa ngã. Cho nên Thiên Chúa cũng dễ xót thương, tha thứ. Còn tội lộng ngôn là do kiêu căng mà đâm ghét Thiên Chúa, căm thù trực tiếp đối với chính mình Thiên Chúa, có thể nói: nếu họ giết được Thiên Chúa thì họ cũng giết, mà vì không giết được thì họ mạ lị, lăng nhục cho hả giận. Như vậy, tội lộng ngôn tố cáo kẻ ấy vô đạo đến tột độ!

Vậy gia đình chúng ta hôm nay:

1. Thứ nhất dâng giờ đền tạ này để đền bồi thay cho những kẻ đã lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa.

2. Sau là, không chỉ đền tạ suông, mà ta phải dốc lòng tránh làm cớ cho kẻ ngoại đạo, kẻ vô tín ngưỡng, kẻ vô đạo phỉ báng danh Thiên Chúa (Rm 2.24; 1Tm 6.1; Tt 2,5): tức là sửa đổi cách ăn nết ở của ta đầy tham ô, dục vọng, nào tham lam hà tiện, ăn gian nói dối, trộm cắp, cãi cọ đánh lộn, chửi tục, vợ nọ con kia, trai gái, rượu chè, nhậu nhẹt say sưa tốt ngày, cờ bạc, mê tín dị đoan, vv... Thấy chúng ta là những người tin thờ Chúa mà cứ làm những điều như thế, họ sẽ lăng nhục Chúa mà nói: “Cái ông Chúa tụi bay thờ có hơn gì bụt, thần, tà ma ngoại đạo..., vì các ngươi làm mọi sự xấu xa như bao người khác... Các ông cha của tụi bay giảng dạy cái gì mà tụi bay làm như thế?" 3. Rồi cuối cùng, ta phải tránh không bao giờ được nói lời xúc phạm, lộng ngôn đến Chúa, đến các người thay mặt Chúa, đến các thánh, nói chung đến các sự thuộc về Chúa. Có một tội, không hắn là lộng ngôn nhưng nhiều tín hữu, ngay cả người được tiếng là đạo đức cũng hay mắc phải, đó là tội phàn nàn, oán trách Chúa. Có người nói: “Tại sao Chúa để tôi phải khổ thế này?". Người khác, khi con bị tai nạn hay tử trận, vì quá thương con nên trách Chúa: “Tại sao Chúa bắt con tôi phải chết?”. Có người bị bệnh lâu ngày cũng trách: “Tôi có tội gì đâu mà Chúa bắt tôi phải đau ốm, cực khổ lâu dài?”. Còn nhiều lời oán trách khác giống vậy...

Một cách nào đó, những lời ấy là lời lộng ngôn phạm thượng. Những lời ấy diễn tả cái lòng ta bực tức Chúa, song chưa dám lăng nhục, mạ lị Chúa đó thôi. Các tội khác như vợ nọ con kia, rối rắm,... thậm chí giết người, tuy cũng là tội trọng, nhưng xét cho cùng, vẫn còn nhẹ hơn, và dễ được Chúa tha thứ hơn; vì các tội này ta phạm do yếu đuối, do xác thịt đam mê, chứ không bởi tức giận Chúa. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu: một đứa con vì ham chơi lén trốn nhà, trốn việc, lỗi lệnh cha mẹ, so với một đứa khác vì tức giận cha mẹ mà trách mắng, nhiếc nhóc: “Ba là người ác! Má là người đàn bà độc!” thì đứa nào làm cha mẹ đau lòng hơn? Tội phàn nàn, oán trách Chúa của ta cũng vậy.

Tích truyện
Cây thông đâu cần học giáo lý

Câu chuyện này xảy ra ở xứ Ét-scơ (Escles), nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ 19. Một hôm cha sở gặp bà nọ và bảo:


- Bà nhớ cho mấy cháu nhỏ đi học giáo lý, để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe! - Cho hay không cũng chằng quan hệ gì! - Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông - Cha xem! Cây thông đâu cần học giáo lý, mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó! - Ờ... Vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà? Sau đó một thời gian lâu, vào năm 1910, cả xứ Ét-scơ, miền Vơsges, xôn xao trước hung tin cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ, vì bà ta không đưa tiền cho nó đi nhậu nhẹt, ăn xài... Mạng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử cho nó sau mấy ngày.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 6

ĐIỀU RĂN THỨ HAI:
CHỚ KÊU TÊN CHÚA VÔ CỚ

Hôm nay, ta nghe Chúa dạy về điều răn thứ hai: “Chớ kêu tên Chúa vô cớ". Đúng ra, phải dịch thế này: chớ nêu danh Chúa cách hư từ (Xh 20.7), nghĩa là nêu danh, hoặc lấy tên Chúa mà dùng trong những chuyện hư từ, thề thốt bừa bãi, chứ không phải chỉ kêu tên Chúa vô ý vô tứ mà thôi đâu, như khi động một tí là ta kêu: Giêsu! Maria! Điều răn này gồm cả những điều cấm khác như: chớ thề gian, làm chứng gian, hứa bừa bãi, nói lộng ngôn, sử dụng danh Chúa làm phù phép, vv...

Trong Thánh vịnh 15 có câu như sau:
“Lỡ thề, nếu có thiệt thòi,
Thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay".
Đó là đầu đề của bài sách thánh hôm nay.

Trích Sách Yô-sua, 9.3tt

Thành Yê-ri-kô đã bị hạ, dân cư bị quân Israen giết sạch. Một thị trấn bên cạnh là Ga-ba-ô sợ quá, biết không thể địch nổi dân riêng của Chúa, họ bè dùng mưu. Họ gửi một phái đoàn, dùng lừa chở lương thực trong những bị cũ rích, những bì rượu lủng vá chằng chịt, chân mang dép cũ mòn, mình mặc áo xống rách tả tơi, bánh ăn đi đường đã cứng khô rời thành vụn. Phái đoàn đến gặp ông Yô- sua, đại tướng, và các tướng lãnh của ông tại Gin-gan mà nói:

- Chúng tôi từ phương rất xa đến để xin cầu hoà với các ông, vì chúng tôi đã được nghe đồn về các việc oai hùng Thiên Chúa các ông đã làm ở Ai Cập, và tiêu diệt bao vua chúa ở các nước quanh đây. Hàng kỳ mục chúng tôi đã sai chúng tôi đến xin các ông kết ước giao hảo với chúng tôi. Xin các ông miễn chấp cách ăn mặc không đàng hoàng của chúng tôi, khi ra mắt các ông. Số là khi bỏ nhà ra đi, bánh chúng tôi rỡ còn nóng hổi, bây giờ đã khô queo, vỡ thành vụn. Này bì rượu khi chúng tối đổ đầy rượu vào thì còn mới, mà nay chúng đã lủng cả. Này áo xống và giày dép chúng tôi đã ra cũ rách, vì đường xa dặm thẳm. Đủ biết chúng tôi từ rất xa mà đến.
Kỳ thực, họ từ Ga-ba-ô đến, một thị trấn ngay bên cạnh. Thiên Chúa có ra lệnh cho dân Israen phải đánh lấy các thành gần chung quanh mình, và triệt hạ hết, để lấy làm đất định cư cho họ, đất không còn có dân ngoại nào sống chung trà trộn, sợ họ sẽ lôi kéo, cám dỗ dân riêng Chúa, mà thờ các tà thần của họ. Yô-sua và các tướng lãnh liền tin lời phái đoàn nọ, lại quên không thỉnh vấn Thiên Chúa, đã vội làm hoà và kết ước với họ bằng một lời thề long trọng, là sẽ bảo đảm sinh mạng của họ.

Sung sướng vì thấy mưu cơ thành công, phái đoàn nọ đã trở về xứ, mang theo lời thề của Yô-sua. Ba ngày sau, khi quân Israen tràn đến Ga-ba-ô, họ hết sức kinh ngạc gặp lại những người trong phái đoàn hôm trước ở đó. Té ra, họ bị gạt mà tưởng rằng chúng là dân ở một thành rất xa. Tức giận, quân Israen muốn tuốt gươm tàn sát hết cả dân Ga-ba-ô ấy, nhưng Yô-sua và các tướng lãnh ngăn cản:

- Chúng tôi đã lấy danh Yavê Thiên Chúa của Israen mà thề với chúng, và bây giờ, chúng tôi không thể đụng đến mạng sống chúng được. Chúng tôi sẽ xử với chúng thế này: tha cho chúng sống, ngõ hầu thịnh nộ Thiên Chúa không giáng xuống trên ta vì đã bội thề; nhưng từ nay, bắt chúng làm phu chẻ củi, gánh nước cho công hội và cho việc tế tự ở Đền Thờ Thiên Chúa.

Nghe vậy, dân Israen vẫn còn hậm hực, và họ trách các ông nhiều lắm, nhưng đã lỡ thề, biết làm sao...
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Thật họ đã làm đúng câu Thánh vịnh trên kia đã nói: “lỡ thề, nếu có thiệt thòi; thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay". Họ nghĩ: đã lấy Danh Chúa mà thề, thì lỗi thề là xúc phạm đến Chúa; vì lấy Danh Chúa làm chứng cho một sự dối gian, như vậy sẽ kéo cơn thịnh nộ Chúa giáng trên họ. Thế là hết, song tại sao lại vội thề làm chi? Kinh Thánh cho biết lý do: sở dĩ các ông thề vội, thề khi không biết sự thật, là vì các ông không thỉnh vấn ý Thiên Chúa trước. Nói cách khác, các ông không cầu nguyện để biết Thánh ý Chúa.

Vậy, ta rút bài học này: trước khi thề hứa hay khấn điều gì, cách riêng điều quan trọng, hãy cầu nguyện cho biết ý Chúa trước, hãy tìm đến các người đại diện Chúa, ít ra các bậc khôn ngoan, hiểu biết đường lối Chúa chỉ vẽ cho...

Rồi, khi đã thề, đã hứa với ai, nhất là với Chúa, thì chớ bội thề (x Dân số 30.3; Thứ Luật 23-22-24; vv...). Có người khấn hứa với Chúa, với Đức Mẹ: nếu Chúa và Mẹ thương ban cho họ được điều này, điều nọ, thì họ sẽ làm việc này, việc kia để lò lòng biết ơn. Thế rồi, làm được vài lần, họ bỏ lơ..., quên dần... Thế là có lỗi nặng với Chúa. Đành rằng, có lúc ta thấy không làm nổi lời đã hứa với Chúa. Lúc ấy, hãy đến trình bày với linh mục đại diện Chúa tại toà hoà giải, xin ngài cứu xét và thay đổi việc khác vừa sức cho ta hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao lần ta hứa với người khác rồi lỗi lời. Lấy ví dụ một việc hay thấy xảy ra: Ta hứa bán hoặc nhường lại món hàng cho người kia với giá bao nhiêu đó. Về nhà, nghĩ lui nghĩ tới, hoặc nghe ai nói, ta cho là đã hớ; tiếc của, ta tìm cách tháo lui không bán nữa, lấy cớ thế này, thế nọ... Thế là lỗi lời! Ta có lỗi trước ra Chúa và trước mặt người đồng loại.

Ngay cả khi trót hứa với con cái, hoặc người trong nhà, cho nó cái nọ, cái kia, ta hãy thực hiện lời đã hứa. Vì lời ta nói là trọng. Nếu ta không tự trọng mình bằng cách giữ lời đã hứa, làm sao bắt người khác tôn trọng ta được? Đừng nghĩ nó là con nít, hứa đại rồi bỏ lơ cũng không hề gì...

Một lời thề hứa trọng đại mà phần đông chúng ta ai cũng thề và sẽ thề, đó là thề hứa trong lễ cưới giữa vợ chồng, trước mặt Chúa, ta sẽ yêu thương nhau suốt đời, khi vui lúc buồn, khi thịnh lúc suy, khi khoẻ mạnh cũng như lúc già yếu, xấu xí... Chúng ta có giữ lời thề hứa long trọng mà ta đã cam kết trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh, trước mặt các chứng nhân và họ hàng hai bên đó không?

Đến đây, chúng ta thấy Đức Chúa Giêsu có một lời dạy đi xa hơn lời thề hứa. Ngài nói: "Các ngươi đã nghe bảo người xưa: chớ bội thề, hãy trọn lời thề với Chúa. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Đừng thế thốt chi cả! Nhưng lời của các ngươi phải là: có (thì nói) có, không (thì nói) không, kỳ dư là tự ác tà (ma quỉ) mà ra cả” (Mt 5.33-37).

Chúa dạy: không chỉ giữ lời thề, mà còn “đừng thề thốt chi cả", tức là bỏ đừng đùng lời thề nào nữa. Tại sao? Vì thề cốt để người ta khỏi nghi ngờ lòng thành thực của mình, lời quả quyết của mình. Mà chúng ta, từ khi chịu phép Rửa tội, được vào sống trong Nước Thiên Chúa, giữa anh chị em trong Hội Thánh, cùng là con cái Thiên Chúa với nhau, tất nhiên tất cả chúng ta đều đã chấp nhận Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chân thật và thuỷ chung, làm Cha của mình, và chấp nhận sống kính cẩn, tôn trọng và yêu thương anh chị em mình, thì - con giống cha là nhà có phúc - ta phải làm sao để mọi sự đều là thành thực với nhau, đến nỗi chẳng cần lời thề nào nữa để bảo đảm. Có thì nói có, không thì nói không, không thêm bớt, không trí trá, không lươn lẹo. Vì Chúa bảo: mọi cái thêm bớt, lươn lẹo, cong queo, gian trá đều do tà ma xui khiến, nghĩa là do ảnh hưởng của ma quỉ, nó là cha của sự gian dối, láo khoét, như Chúa nói trong Tin Mừng Gioan (8.44), hoặc do ảnh hưởng của sự dữ đang cai trị cả thế gian này. Nó xui khiến người này dối trá, lừa bịp người kia, làm liểng xiểng sự tín nhiệm giữa con người. Chính vì cái nạn đó mà người ta phải bày ra đủ thứ luật pháp, phải cần đến lời thề..., mà nếu thề đã là quá rồi, lại còn nuốt lời thề nữa, thì hết nước nói.

Đã đành, nói như trên, không phải Chúa cấm các tín hữu tuyệt đối không được sử dụng lời thề. Trong vài trường hợp đặc biệt có thể dùng (tỉ dụ T. Phaolô cũng dùng vài lần: Rm 1.9; 2Cr 1.13; Ph 1.8; vv...), nhưng đó là vì xã hội mà tín hữu đang sống đòi buộc - nhất là xã hội ngoại giáo - là nơi loài người không tin nhau, không chấp nhận Thiên Chúa chân thật là Cha mình, họ đầy gian dối, lừa gạt, do ảnh hưởng sự dữ, và ma quỉ đang ngự trị cả thế gian tội lỗi; do đó, họ không tin ta có thể thành thật, nếu không có lời thề bảo đảm.

Vậy hôm nay, gia đình ta xin đền tạ Chúa, xin Chúa tha thứ bao lẩn ta đã thế thốt hư từ, đã khấn hứa mà chằng giữ lời. Rồi từ nay dốc lòng quyết chí không làm như thế nữa. Cách riêng, xin lưu ý tránh những lời thề bừa bãi như: “Tôi nói điêu tôi chết”, “Nếu tôi nói sai xe cán chết", hoặc "chết bỏ chồng bỏ con”...; nhất là các cô các cậu thanh niên và các em nhỏ, tránh bắt chước người lương chửi thề những câu như “đù má"... Tất cả các lời ấy nay là thói quen khó chữa thật, song cũng là lời bất xứng, có lỗi trước mặt Chúa, như lời Kinh Thánh dạy: “Đừng có lời hư từ nào lọt khỏi miệng anh em, nhưng lời lẽ phải lương thiện, có tính cách xây dựng, hầu sinh ích cho người nghe" (Ep 4.29). "Và những điều thô tục, chuyện nhảm nhí hay trò cợt nhả, đều là những điều chẳng xứng" (5.4).


Tích truyện

Thày Tử Lộ, là học trò Đức Khổng Tử, một hôm, ông từ ngoài ngõ về nhà, thấy vợ ẵm con khóc, dỗ mãi không nín. Bà vợ mới trỏ con heo đang ăn ngoài sân mà nói:

- Thôi con nín đi! Chốc nữa bố về, mẹ bảo bố giết heo cho con ăn Nhé!

Đứa bé nghe bùi tai, thôi khóc. Thấy lừa được con hết khóc, bà coi như xong chuyện, không còn nghĩ gì đến lời hứa. Đến trưa, thày Tử Lộ thấy vậy, gọi vợ đến trách rằng:

- Con nó còn nhỏ, nó tin vào lời cha mẹ là nói thật, tại sao bà hứa giết heo cho con ăn, mà không giữ lời. Như thế, lớn lên nó sẽ không tin vào cha mẹ nữa. Đàng khác, bà đã làm nó bắt chước nói dối, hứa mà không giữ lời.


Trách vợ xong, ông ra ngoài sân, bắt heo, làm thịt cho con ăn.

Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ ngoài cuộc đời

Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ ngoài cuộc đời


Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo.  Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh.  Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng.  Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.
 
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc.  Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc?  Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.
 
*****
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa.  Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích.  Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.

Ta hãy lưu ý hai điểm:

1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ.  Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau.  Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc.  Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường.  Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.

2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau.  Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.

Tại sao có sự trùng hợp thế?  Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực.  Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.

• Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.

• Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.

• Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.

• Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhục, roi đòn, đóng đinh.

Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời.  Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình.  Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích.  Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người.  Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị.  Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.
  ♦♦♦

Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét?  Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn?  Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?
 
Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.  Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ.  Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời.  Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.
 
Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.

***
Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống.  Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời.  Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em.  Amen!