Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG TÂN ƯỚC

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG TÂN ƯỚC


Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có rất nhiều chứng từ cho thấy Lời Chúa trong bản văn được linh hứng có một hiệu năng đặc biệt mà không lời người phàm nào so sánh được, đó là Lời Chúa mang theo ân sủng cứu độ. Xin đọc Is 55,10-11; Gr 23,29; St 1,11 tt; Rm 1,16; Cv 14,3; Pl 2,16; Hr 4,12-13; Gc 1,18.21… Thật vậy, Lời Chúa là lời hữu hiệu, thực thi điều mình loan báo. Đó là tính cách thực hiện (performative) của chính Lời. Quả vậy, trong lịch sử cứu độ, không có sự tách biệt giữa điều Thiên Chúa nói và điều Thiên Chúa làm; chính Lời của Người luôn sống động và hữu hiệu (x. Hr 4,12), như từ “davar” trong tiếng Hípri diễn tả rõ ràng.[1]

Các tác giả Tân Ước, cũng như các tác giả Cựu Ước, đều tin rằng Thiên Chúa phán cùng dân Người để ban ơn sủng và sức mạnh cho họ. Nhưng trong Tân Ước, Thiên Chúa đã thay đổi cách thức phán lời (công thức các ngôn sứ sử dụng trong Cựu Ước rất ít khi xuất hiện trong Tân Ước). Tân Ước, thay vì tập trung vào việc Thiên Chúa phán, thì lại tập trung vào lời của Thiên Chúa phán ngang qua con người Đức Giêsu Kitô (quyền giảng dạy của Đức Giêsu), và lời của Thiên Chúa về Đức Giêsu (Tin Mừng rao giảng về công trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nhờ Đức Kitô). Nơi con người và công trình của Người, Đức Giêsu đã trở thành hình thái tối cao cùng tận về sự thông tri (communication) của Thiên Chúa, như tác giả thư Hípri nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Hr 1,1-2a).[2]

Lời giảng dạy của chính Đức Giêsu

Dù không sử dụng những công thức cũ của các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhưng lời giảng dạy của Đức Giêsu cũng được các môn đệ tin rằng bắt nguồn từ Thiên Chúa và có thẩm quyền tối thượng. Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa (Mt 4,17; Mc 1,15; Lc 4,43), và ai nghe lời Người là nghe Thiên Chúa (Lc 5,1; 8,11.21; 11,28). Tương quan độc nhất vô nhị của Đức Giêsu với Thiên Chúa, trong tư cách là Con Một Thiên Chúa, đã làm cho Người khác hẳn các ngôn sứ (Ga 14,10b; 17,8). Người cho thấy lời giảng của Người có thẩm quyền tối thượng và các phép lạ Người làm chứng thực điều đó (Mt 7,28-29; Mc 1,22.27; Lc 4,32.36). Những câu “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng … còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (Mt 5,21-48; x. 19,8-9) cho thấy thẩm quyền tối cao của Đức Giêsu. Kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Người khẳng định số phận của con người ra sao tùy thuộc vào cách thức họ ứng đáp với lời Người rao giảng (Mt 7,24-27; x. Lc 6,46-49).

Đức Giêsu diễn tả ý thức của Người về thẩm quyền tối cao đó qua công thức Người thường sử dụng: “Quả thật, tôi nói cho các ông biết” (50 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm, 25 lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan mà luôn luôn là nhân đôi “Quả thật, quả thật»). Những ai xấu hổ vì Đức Giêsu và lời Người thì sẽ phải chịu hậu quả nặng nề (Mc 8,38; Ga 12,48), còn những ai giữ lời Người thì sẽ không bao giờ phải thấy cái chết (Ga 8,51). Lời giảng dạy của Người tồn tại mãi mãi dù cho trời đất có qua đi (Mt 24,35; Mc 13,31; Lc 21,33; x. Mt 5,18).

Sứ điệp Tin Mừng do các Tông Đồ rao giảng

Sách Công Vụ Tông Đồ và các thư trong Tân Ước đều cho thấy có một sự dịch chuyển trọng tâm : từ lời Thiên Chúa phán ngang qua Đức Giêsu thành lời của Thiên Chúa về Đức Giêsu. Các thành ngữ hạn như «lời Chúa», «lời Thiên Chúa», hoặc đơn giản là “lời”, đều được sử dụng để chỉ về Tin Mừng, nghĩa là lời rao giảng về công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô (Cv 1,8; 2 – 4; 8,14; 11,1; 10,34-43; 13,44-49). “Lời” cũng còn được gọi là “lời rao giảng về ơn cứu độ” (Cv 13,26), “lời Tin Mừng” (Cv 15,7), “lời ân sủng” (Cv 14,3; 20,32), “lời đức tin mà chúng tôi rao giảng” (Rm 10,8; x. 10,9-17), “lời rao giảng về thập giá” (1Cr 1,18; x. 2,2), “lời sự thật, Tin Mừng ơn cứu độ” (Ep 1,13; x. Cl 1,5), “lời sự sống” (Pl 2,16). “Lời” được đồng hóa với Tin Mừng cũng được tìm thấy trong các thư Gc 1,18.21 và 1Pr 1,23-25.

Như vậy, nhìn chung là có hai cấp độ: thứ nhất là chính Tin Mừng, và hai là lời rao giảng về Tin Mừng đó nhờ các sứ giả của Thiên Chúa ; cả hai cấp độ này đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (2Cr 5,18-21; x. Rm 1,1-4; Tt 1,1-3).

Vì Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa nên mang năng quyền và hiệu năng cao cả để cứu độ thế giới (Rm 1,16; 1Cr 1,18; 1Tx 2,13). Khác với bói toán ma thuật, “Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu”, không phải do bởi chính bản thân của lời, nhưng vì Thiên Chúa hằng tác sinh tác phúc ngang qua những lời đó (Hr 4,12-13).

Đức Giêsu là Lời (logos)

Chúng ta thấy rằng trong Tân Ước, thành ngữ “lời Thiên Chúa” thường được sử dụng để chỉ về lời giảng dạy của Đức Giêsu hoặc lời rao giảng về Đức Giêsu. Đôi khi, “lời” (Hy-lạp: logos), hoặc “lời Thiên Chúa”, cũng được dùng như một danh xưng cho chính con người Đức Giêsu (Ga 1,1.14; Kh 19,13). Cần lưu ý ngắn gọn rằng thánh Gioan đã sử dụng hạn từ logos theo truyền thống đức tin của người Do-thái, hơn là theo não trạng người Hy-lạp.

Trước hết và quan trọng nhất, thánh Gioan dùng hạn từ logos (Lời) để gọi Đức Giêsu là nhằm diễn tả mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Tin Mừng Ga, ngay từ đầu và xuyên suốt Tin Mừng, đã cho thấy điều này (1,1.14.18; 3,16.18; 5,17-21; 10,30; 14,11.20; 17,11…, đặc biệt là lời tuyên xưng của ông Tôma ở 20,28 và 20,30-31). Thư gửi tín hữu Hípri cũng khẳng định tương tự (Hr 1,1-4).

Hai, thánh Gioan gọi Đức Giêsu là Lời (logos) để cho thấy mối tương quan giữa Đức Giêsu với thế giới tạo thành. Thánh Gioan ghi rằng Đức Giêsu đã hiện hữu trước khi thế giới được tạo thành (Ga 1,1-2 ; đây là một ám chỉ đến sách Sáng thế 1,1 là Lời Chúa về lúc khởi đầu của thế giới). Đức Giêsu cao cả tách biệt khỏi tạo thành và cùng hiện diện khi Thiên Chúa sáng tạo muôn vật (Ga 1,3). Lời mạc khải này rõ ràng dựa trên các sách Kinh Thánh Cựu Ước nói về việc sáng tạo thế giới (St 1,3.9.11 ; Tv 33,6.9 ; 104,5-7), cũng như nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan như cùng với Thiên Chúa sáng tạo và duy trì vạn vật (Cn 8,22-31 ; x. Gv 24,1-9 ; Dc 7,22-28), nhưng dù vậy thánh Gioan cũng nâng cao và phát triển thêm các ý tưởng này của Cựu Ước.

Sau cùng, thánh Gioan gọi Đức Giêsu là Lời (logos) để diễn tả mối tương quan của Đức Giêsu với loài người (Ga 1,4.14). Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa nhưng đã trở thành con người để mang lại cho con người sa ngã sự sống đời đời. Câu Kinh Thánh này đặt nền tảng trên các sách Cựu Ước nói về Lời Chúa được Chúa sai đi như một năng lực tác sinh tác phúc cho con người (Đnl 32,46-47 ; Tv 107,20 ; Is 55,11), nhưng trong Tin Mừng Gioan, Lời này không chỉ được nhân cách hóa, nhưng còn đi hẳn vào hiện sinh của kiếp người, để mang lại cho con người sự sống đời đời. Vì vậy, sách Khải huyền thật có lý khi diễn tả Chúa Kitô được tôn vinh trong hình ảnh « Lời của Chúa », khi Người trở lại trong vinh quang, vào lúc lịch sử chấm dứt (Kh 19,13). Sau cùng, trong thư 1Ga 1,1-2, thành ngữ « Lời sự sống » không còn trực tiếp chỉ về con người Đức Giêsu, nhưng ám chỉ đến lời rao giảng về Người cũng như sự sống mà Người ban cho những ai tin vào Người. Từ chính kinh nghiệm thiết thân của mình, thánh Gioan hoàn toàn làm chứng cho đức tin này.  

LM. JM. Mười Một, CSsR






[1] Tông huấn Verbum Domini, 53.  
[2] Bài này được viết theo mục “Word” trong một quyển sách tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra tựa sách. Đây cũng là bài thứ 53 trong loạt bài “Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh”.  

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG CỰU ƯỚC

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG CỰU ƯỚC



Kinh Thánh nhạo cười các thần linh giả dối của dân ngoại là “có miệng mà không biết nói” (Tv 115,5; Br 6,7), đó là các “ngẫu tượng câm” (1Cr 12,2). Trái lại, một đặc tính quan trọng của Thiên Chúa hằng sống là “nói”. Vì vậy, khi dạy Kinh Thánh các Soeur, tôi nói vui rằng người ta nói con gái nói nhiều thì đó là một lời khen đấy, vì như thế là giống Thiên Chúa, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa: Chúa sáng tạo vũ trụ bằng lời nói, mạc khải chính mình cho dân Israel bằng lời nói, đặc biệt nhất là Mười Lời (Mười Giới Răn), Chúa nói qua các ngôn sứ, và sau cùng là qua chính Lời của Người là Đức Chúa Giêsu Kitô nhập thể làm người.

Chúng ta cùng tìm hiểu Lời Chúa trong Cựu Ước.[1]

I. CỰU ƯỚC

Các ngôn sứ

Sấm ngôn là một trong những yếu tố căn bản của Cựu Ước; Thiên Chúa ngỏ lời với những kẻ được Người tuyển chọn, những người này có sứ mạng rao truyền Lời Chúa. Theo nghĩa rộng của từ, đây là các ngôn sứ. Thiên Chúa ngỏ lời với họ theo nhiều cách khác nhau: bằng “giấc mộng và thị kiến” (Ds 12,6; x. 1V 22,13-17), bằng một sự linh hứng bên trong (2V 3,15…; Gr 1,4;…), còn với ông Môsê thì “diện đối diện” (Ds 12,8). Tất cả các ngôn sứ đều ý thức rõ ràng Thiên Chúa nói với họ, Lời Chúa đi vào trong họ cách nào đó, gần như kiểu bạo lực (Am 7,15; x. 3,8; Gr 20,7 tt). Đối với họ, Lời Chúa là điều chính yếu quyết định hướng đi của cuộc đời. Cách thức lạ thường mà Lời Chúa khuấy động lên trong họ khiến họ nghĩ đến nguồn gốc khởi phát là Thần Khí Thiên Chúa. Tuy vậy, trong các trường hợp khác, Lời Chúa cũng đến với họ theo cách thức bí nhiệm hơn, thường thì phù hợp với tâm lý chung hơn. Đây là những cách thức mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa vay mượn để ngỏ lời với con người (Cn 8,1-21.32-36; Kn 7 – 8), hoặc để dạy con người cách sống, hoặc bộc lộ những bí nhiệm siêu nhiên (Đn 5,11 tt; x. St 41,39).

Nhưng Lời Chúa không được giữ kín mà phải được trao đi, không phải chỉ cho một nhóm nhỏ, nhưng là toàn thể dân Chúa; chính Thiên Chúa muốn nói chuyện với dân Người ngang qua các ngôn sứ. Như vậy, không chỉ các ngôn sứ nhưng là toàn thể dân Israel được mời gọi nhìn nhận rằng chính Thiên Chúa đã nói với họ ngang qua các sứ giả của Người.

Các khía cạnh của Lời Chúa

Lời Chúa có hai khía cạnh, dù khác biệt nhưng không tách biệt: mạc khải và hành động.

1. Thiên Chúa mạc khải bằng lời nói

Để đặt tư tưởng của con người vào trong sự thông tri (communication) với Người, Thiên Chúa nói. Rồi sau đó, Lời Người – Luật và quy luật sống – lại trở thành mạc khải về ý nghĩa của những sự kiện và sự vật, cũng như lời hứa và lời báo trước về tương lai.

a. Khái niệm về Lời như Luật và quy luật sống xuất hiện ngay từ khởi đầu của dân Israel. Tại thời điểm Giao ước Sinai, ông Môsê đã trao cho dân, nhân danh Thiên Chúa, một hiến chương tôn giáo và luân lý được tóm gọn trong mười “lời”, Thập Giới (Xh 20,1-17; Đnl 5,6-22; x. Xh 34,28; Đnl 4,13; 10,4). Những tuyên bố này của Thiên Chúa, cùng với những đòi buộc thiết yếu của Người, chính là một trong những sự việc đầu tiên cho phép dân Israel nhận thức được “Chúa nói”. Một vài bản văn Kinh Thánh còn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa nói trực tiếp với dân từ giữa đám mây (Xh 20,1 tt; Đnl 4,12). Vậy, Luật được ban cho dân Israel nhân danh Lời Chúa. Chính vì vậy, các hiền nhân và tác giả Thánh vịnh đã coi Luật như nguồn hạnh phúc (Cn 18,13; 16,20; Tv 119).

b. Ngay từ ban đầu đã có một sự nối kết giữa Luật Thiên Chúa với mạc khải về Người và hoạt động của Người: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đây thật sự là chân lý nền tảng thiết lập nên thẩm quyền của Luật. Nếu dân Israel là một dân độc thần, thì đó không phải là do lý trí con người suy ra, nhưng chính là vì Thiên Chúa đã nói với các tổ phụ của họ, rồi sau đó với ông Môsê, để mạc khải cho dân biết rằng Người là “Thiên Chúa độc nhất” (Xh 3,13-15; x. Đnl 6,4). Hơn nữa, như dòng lịch sử thánh dần dần cho thấy, chính Lời Chúa đã soi sáng cho dân hiểu ý nghĩa ẩn giấu của lịch sử đó. Trong mỗi biến cố trọng đại của dân tộc, chính Lời mạc khải mục đích ẩn giấu của Thiên Chúa (Gs 24,2-13). Không có gì còn thuần túy là phàm tục, nhưng tất cả là kế hoạch của Thiên Chúa. Kiến thức kiểu ngôn sứ lại được đào sâu thêm nhờ văn chương khôn ngoan (Kn 10 – 19). Nói chung, tất cả xuất phát từ Lời Chúa.

c. Sau cùng, Lời Chúa có khả năng vượt quá những giới hạn của thời gian và vén mở tương lai. Từng bước một, Lời Chúa soi sáng cho dân Israel thấy giai đoạn kế tiếp trong kế hoạch của Thiên Chúa (St 15,13-16; Xh 3,7-10; Gs 1,1-5,…) Ngoài tương lai gần, thường được mô tả cách nhẹ nhàng, Lời Chúa còn mạc khải những gì sẽ xảy ra trong “những ngày sau hết”, khi Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn kế hoạch của Người. Đó là đối tượng của nền cánh chung ngôn sứ. Luật, mạc khải và lời hứa: đây là ba khía cạnh của Lời Chúa, có tương quan hỗ tương với nhau, trải dài suốt Cựu Ước.

2. Thiên Chúa hành động bằng lời nói

Lời Chúa không phải chỉ là một sứ điệp thuộc trí hướng đến con người. Đó là một thực tại sống động đầy quyền năng, thực hiện cách hiệu quả những gì Chúa muốn (Gs 21,45; 23,14; 1V 8,56). Thiên Chúa sai Lời Người đi như một sứ giả sống động (Is 9,7; Tv 107,20; 147,15), và Lời tác động trên con người (Xp 1,6). Thiên Chúa để mắt trông cho Lời thành toàn (Gr 1,12), và thật ra, Lời Chúa luôn hoàn tất điều được công bố (Ds 23,19; Is 55,10 tt), dù đó là về những sự kiện lịch sử, thực tại vũ trụ hoặc cùng đích của kế hoạch cứu độ.

a. Khái niệm năng động này của Lời Chúa không phải là không tìm thấy tại phương Đông cổ xưa, ở đó nó được xem giống như pháp thuật. Còn trong Cựu Ước, trước hết, nó được áp dụng cho lời các ngôn sứ: khi Thiên Chúa bộc lộ trước các kế hoạch của Người, thì chắc chắn sau đó Người sẽ thực hiện. Lịch sử luôn là một sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa (Đnl 9,5; 1V 2,4; Gr 11,5). Sự việc xảy ra khi Thiên Chúa phán (Is 44,7 tt). Vào thời Xuất hành, “Chúa vừa phán, ruồi muỗi từng đàn ào tới khắp nơi trên lãnh thổ” (Tv 105,31.34). Vào cuối thời lưu đày ở Babylon, “Ta nói về Giêrusalem: “Cho nó có dân cư!”, và về thành thị Giuđa: “Cho nó được tái thiết” (Is 44,26.28).

b. Với niềm tin đó, dân Chúa quả quyết toàn thể tạo thành đều đầu phục trước Lời Chúa. Thật vậy, công trình sáng tạo đã được gắn liền với Lời: Người phán và liền có (Tv 33,6-9; St 1; Ac 3,37; Gđt 16,14; Kn 9,1; Hc 42,15). Kể từ đó, cùng một Lời đó vẫn tiếp tục hoạt động trong vũ trụ, cai quản tinh tú (Is 40,26), những mạch nước ngầm (Is 44,27), cũng như tất cả hiện tượng tự nhiên (Tv 107,25; 147,15-18; G 37,5-13; Hc 39,17.31). Hơn hẳn lương thực trần gian, chính Lời này, như manna từ trời, gìn giữ cưu mang những người tin vào Thiên Chúa (Kn 16,26; x. Đnl 8,3 LXX).

c. Với đầy hiệu năng như thế trong lịch sử tạo thành và tiếp tục sau đó, Lời chắc chắn cũng quan trọng trong “những ngày sau hết”. Thật vậy, “Lời Chúa bền vững đến muôn đời” (Is 40,8). Chính vì vậy, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, dân Chúa luôn thành kính gìn giữ những lời loan báo về tương lai.

II. THÁI ĐỘ CON NGƯỜI TRƯỚC LỜI CHÚA

Lời Chúa như vậy là một sức mạnh không cho phép con người được ù lỳ mãi, nhưng trái lại, thách thức và chất vấn con người. Những ai mang Lời Chúa thì thi hành một sứ vụ với trách nhiệm nặng nề. Còn những người nghe Lời Chúa thì nhận ra rằng mình được kêu gọi để có một lập trường liên quan đến cùng đích cuộc đời.

1. Sứ vụ Lời Chúa

Những người này được Cựu Ước mô tả không phải luôn được hưởng niềm vui nhờ phục vụ Lời Chúa. Trái lại, mọi ngôn sứ đều bị chống đối, thậm chí là bách hại. Chắc chắn, khi đặt Lời vào miệng các ngôn sứ thì Thiên Chúa cũng ban cho các ngài đủ sức mạnh để can đảm rao truyền sứ điệp đã trao cho họ (Gr 1,6-10). Nhưng các ngôn sứ vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chúa về sứ vụ này mà số phận con người tùy thuộc vào đó (Ed 3,16-21; 33,1-9). Thật ra, nếu ngôn sứ cố trốn chạy khỏi sứ vụ thì Thiên Chúa vẫn có thể dùng sức mạnh lôi họ trở về, như câu truyện ngôn sứ Giôna cho thấy (Gn 1,3). Rất thường xảy ra là ngôn sứ chấp nhận sứ vụ và phải đánh đổi bằng sự an bình, thậm chí là cả mạng sống mình; và chính lòng trung thành đến mức anh hùng đó gây ra đau khổ cho họ (Gr 15,16 tt). Đây quả là một công việc khó khăn mà phần thưởng không thấy ngay trước mặt (1V 19,14).

2. Đón nhận Lời Chúa

Đối với những người nghe Lời Chúa, họ cần phải có thái độ đón nhận cách ngoan ngùy và tin tưởng. Trong khía cạnh là mạc khải và quy luật sống, Lời Chúa trở thành ánh sáng cho người nghe (Tv 119,105). Trong khía cạnh là những lời hứa, Lời Chúa trở thành đảm bảo vững chắc cho tương lai. Người ta cần phải lắng nghe những ai được Chúa chọn để rao truyền mạc khải, hạn như ông Môsê và các ngôn sứ (Đnl 6,3; Is 1,10; Gr 11,3.6), hoặc “ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6,6; 30,14) và đem ra thực hành (Đnl 6,3; Tv 119,9.17.101), hoặc tin tưởng và hy vọng vào Lời Chúa (Tv 119,42.74.81; v.v; 130,5). Thái độ ứng đáp của con người trước Lời Chúa tác động đến toàn diện đời sống nội tâm của họ, đó là đức tin – bởi vì Lời Chúa là một mạc khải về Thiên Chúa hằng sống và kế hoạch của Người; đức cậy (hy vọng) – vì đó là lời hứa của Thiên Chúa về cuộc sống Người ban; và đức mến – vì đó là quy luật sống cho con người (x. Đnl 6,4 tt).

III. NGÔI VỊ HÓA LỜI CHÚA

Lời Chúa đã trở thành một ngôi vị, tương tự như Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thiên Chúa, để mạc khải (Tv 119,89), và nhất là thi hành ý Thiên Chúa (Tv 147,15; 107,20; Is 55,11; Kn 18,14 tt). 
   
LM. JM. Mười Một, CSsR




[1] Bài này được viết theo mục “Word” trong một quyển sách tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra tựa sách. Đây cũng là bài thứ 52 trong loạt bài “Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh”.  

KHÁM PHÁ SỰ PHONG PHÚ CỦA LỜI CHÚA

KHÁM PHÁ SỰ PHONG PHÚ CỦA LỜI CHÚA


Khi đi dạy Kinh Thánh hoặc giảng tĩnh tâm ở các Dòng tu hoặc giáo xứ, tôi thường “bị” hỏi làm sao để đọc Kinh Thánh không chán, đúng hơn là làm sao để có thể say mê đọc Kinh Thánh, vui sướng khám phá ra mình cũng được Chúa Giêsu chúc phúc như cô Maria quê làng Bêtania năm xưa: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42); được Chúa Giêsu chúc phúc vì có niềm tin tưởng vào giá trị và thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh trong đời sống đức tin và phong hóa của Hội Thánh cũng như của chính bản thân mình.

Thiên Chúa nói với con người nơi và qua bản văn Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, các tín hữu bước vào một cuộc đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Họ “lắng nghe” Lời Chúa bằng cách xác định tính cách hoặc văn thể của đoạn Kinh Thánh, và “đáp lại” Lời Chúa bằng cách có tâm tình cũng như lối sống phù hợp.[1]

1. Thể văn trình thuật: Bộ Kinh Thánh (gồm 73 quyển: 46 trong Cựu Ước và 27 trong Tân Ước) có nhiều chỗ được viết bằng thể văn trình thuật, cách riêng là các sách từ Sáng Thế đến Étte, các sách Tin Mừng và Công Vụ. Thể văn trình thuật cho thấy Kinh Thánh như những chứng từ đức tin của Dân Chúa, dân Israel thời Cựu Ước cũng như Hội Thánh thời Tân Ước. Một số người coi Kinh Thánh như một “câu truyện tình” giữa Thiên Chúa và loài người. Câu truyện này mời gọi các tín hữu mọi thời hãy tin tưởng rằng những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người trong quá khứ thì cũng làm cho họ. Vì vậy, các tín hữu hãy vững lòng tin tưởng nơi Chúa. 

Thể văn trình thuật thường chuyển tải những chân lý nền tảng của đức tin và thái độ các tín hữu cần có đó là đồng ý, tin tưởng và vâng phục. Nhưng những chân lý này không chỉ giới hạn vào những diễn từ mà còn ngang qua những sự kiện lịch sử, vì Thiên Chúa không chỉ nói mà còn dùng cả những sự kiện lịch sử để hướng dẫn Dân Người, ví dụ: các sự kiện trong sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua.

2. Thể văn giáo huấn: Ví dụ Mười Giới Răn, các giới luật trong sách Lêvi, các giáo huấn trong các sách thuộc văn chương khôn ngoan, các lệnh truyền trong Bài Giảng Trên Núi, lời dạy của các Tông Đồ trong các thư. Các tín hữu cần có thái độ hoàn toàn vâng phục khi đọc những trang Kinh Thánh này.

Thể văn giáo huấn cho thấy Kinh Thánh như một quy điển có thẩm quyền trên cách ăn nết ở của các tín hữu và đòi buộc họ bước trên những con đường đó.

3. Thể văn ngôn sứ: Cụ thể là các sách ngôn sứ. Ngang qua các ngôn sứ, Thiên Chúa nói với con người (x. Hr 1,1). Các ngôn sứ kinh nghiệm tác động của Thần Khí Thiên Chúa khiến họ nói lời Thiên Chúa (x. 2Pr 1,21). Ơn linh hứng đảm bảo cho lời Chúa nói với người đọc hoặc người nghe theo những cách thức thích hợp. Đoạn 2Tm 3,16 khẳng định tất cả sách thánh (Cựu Ước) được linh hứng.

Thể văn ngôn sứ cho thấy Kinh Thánh như những lời được Chúa Thánh Thần linh hứng để dạy con người chân lý mang lại sự sống đời đời. Vì vậy, thái độ của các tín hữu là kính cẩn lắng nghe Lời Chúa và quyết tâm sống theo Lời Chúa.

4. Thể văn lời hứa: Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều lời hứa của Thiên Chúa, như một cách thế cho thấy sự dấn thân của Người vào trong từng sự kiện lịch sử loài người. Qua các lời hứa, Thiên Chúa đảm bảo sự hiện diện cũng như tình thương cứu độ của Người. Khi đọc những trang Kinh Thánh này, các tín hữu cần tin tưởng tín thác tuyệt đối. Thiên Chúa không thất hứa, không bỏ rơi chúng ta bao giờ.

4. Thể văn diễn tả kinh nghiệm: Hạn như sách Thánh Vịnh, các thánh thi, thánh ca, than vãn,… Thể văn này cho thấy Kinh Thánh như một mạc khải gần gũi với những kinh nghiệm của con người, cả những gì cao thượng tốt đẹp cũng như tội lỗi xấu xa. Thái độ các tín hữu cần có đó là nương tâm hồn theo những tâm tình mời gọi trong từng trang Sách Thánh đó, để cùng chia sẻ cũng như tham dự vào lời ứng đáp gương mẫu trong các sách đó, nhờ vậy, các tín hữu có thái độ ứng đáp phù hợp với mạc khải và vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải thì Thiên Chúa đã thương dạy bảo chúng ta. Chỉ bằng cách đó lời cầu nguyện của chúng ta mới đẹp lòng Chúa.

5. Những khó khăn trở ngại: Thiên Chúa nói với chúng ta trong và qua Kinh Thánh, nhưng một số yếu tố khó khăn, tạm gọi là “tiếng ồn”, có thể cản trở chúng ta lắng nghe Lời Người.

“Tiếng ồn” căn bản thường là những đoạn Kinh Thánh khó hiểu về khoa học lịch sử. Có người chỉ công nhận thẩm quyền Kinh Thánh dạy chân lý trong các lãnh vực đức tin và phong hóa, còn trong lãnh vực khoa học lịch sử thì có những sai lầm. Lập trường này không đúng vì tách biệt đức tin khỏi các lãnh vực khác của cuộc sống, thậm chí coi chúng đối kháng nhau. Thật ra, đức tin của Dân Chúa gắn liền với mọi lãnh vực cuộc sống hằng ngày. Nếu Kinh Thánh thật sự là lời mạc khải của Thiên Chúa được ghi chép thành văn thì không thể tách biệt thẩm quyền của Kinh Thánh khỏi cuộc sống. Có một sự duy nhất trong mạc khải của Thiên Chúa. Nhấn mạnh thẩm quyền thì không có gì sai hoặc phi lý, vì nhìn nhận mình giới hạn cũng như nhìn nhận người khác có sự hiểu biết tốt hơn thì vẫn là điều rất hợp lý.   

“Tiếng ồn” thứ hai đó là những khác biệt về văn hóa xã hội, ví dụ lễ toàn thiêu thú vật, luật hôn nhân buộc anh hay em của người chết phải cưới người vợ góa, ăn thịt cúng…. Nhưng vì Thiên Chúa đã tự mạc khải chính Người trong lịch sử, nên để có thể hiểu đúng Kinh Thánh, cần tìm hiểu kỹ những bối cảnh lịch sử đó.   

“Tiếng ồn” thứ ba là việc giải thích Kinh Thánh. Niềm tin vào tính trung thực của Kinh Thánh không đương nhiên làm cho các tín hữu hiểu đúng Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, con người rất có thể giải thích không đúng ý nghĩa. Vì vậy đã có nhiều cuộc tranh cãi về ý nghĩa của một số đoạn Kinh Thánh ít nhiều quan trọng.

Sau cùng, dường như có chỗ Kinh Thánh tự mâu thuẫn nhau, khiến cho có người không nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Chúa. Thật ra, Kinh Thánh là một bộ sưu tập nhiều quyển sách khác nhau đã được viết bởi nhiều tác giả và trải dài trong nhiều thế kỷ, nên có sự khác biệt là bình thường. Nhưng những khác biệt đó càng làm sáng tỏ sự phát tiển tiệm tiến cũng như tính duy nhất trong mạc khải của Thiên Chúa, để sau cùng đạt đến mạc khải tột đỉnh và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, Lời duy nhất của Thiên Chúa.   

Kết luận

Các thể văn trên chỉ có thể khái quát Kinh Thánh mà thôi, vì nếu chúng ta phân tích chi tiết thì sẽ thấy trong Kinh Thánh còn nhiều thể văn khác nữa, ví dụ gia phả, dụ ngôn, thư, bài giảng,… Hiểu các thể văn giúp bạn đọc Kinh Thánh tốt hơn không? Loại “tiếng ồn” nào ảnh hưởng việc đọc Kinh Thánh của bạn nhiều nhất?

LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] Bài này được viết theo mục “Scripture” trong một quyển sách tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra tựa sách. Đây cũng là bài thứ 51 trong loạt bài “Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh”.