Trang

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Sự dị biệt giữa Chúa Giêsu và Muhammad



 

 

Sự dị biệt giữa Chúa Giêsu và Muhammad


Điều gì khác nhau giữa Chúa Giêsu và Muhammad?


Mặc dù có một số điểm tương tự giữa Chúa Giêsu và Muhammad – như lãnh đạo tôn giáo vĩ đại và ảnh hưởng thế giới, nhưng có những điểm rất khác nhau. Đó là khác nhau về lời tuyên bố, tính cách, quyền phép, ủy thác, quyền năng và sứ điệp. Chúng ta hãy cùng điểm qua các điểm dị biệt này.

Tuyên bố khác nhau


Muhammad nói ông chỉ là một con người; Còn Đức Giêsu tuên bố Ngài là Thiên Chúa. Thật vậy, Muhammad chưa hề tuyên bố ông là gì khác hơn một con người, một tiên tri của Đấng Allah. Lời cầu nguyện của ông chứng tỏ điều này: “Lạy Thánh Allah! Con chỉ là một con người” (Ahmed, Musnad, Vol. 6, tr. 103).

Mặc dù Đức Giêsu là một con người, cũng cảm thấy đau đớn, đói, khát, mệt mỏi, và cũng bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, đồng đẳng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài được nói trước là sẽ làm người, Ngài và Chúa Cha luôn hiện hữu là MỘT Thiên Chúa, đồng sáng tạo vũ trụ.

Vài lý thuyết phổ thông, như The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), cho rằng Giáo hội đã “phát minh” thần tính (divinity) của Chúa Giêsu, nhưng các chứng cớ lịch sử cho thấy các Kitô hữu đầu tiên đã tin rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Kitô giáo không như vậy nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không hoàn toàn tin Ngài là Thiên Chúa. Thuật ngữ “Con Thiên Chúa” (Son of God) không có nghĩa là “con ruột” (biological offspring, về phương diện sinh học) hoặc Chúa Giêsu “kém thua” Chúa Cha, mà chỉ phản ánh mối quan hệ lẫn nhau về tính thần thánh (godhead). Các chứng cớ đều cho thấy rõ rằng các môn đệ đã hoàn toàn tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Tính cách khác nhau


Là một con người, Muhammad cũng phạm tội và chết như chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu tuyệt đối không có tội: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi? Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” (Ga 8:46). Ngay cả các kẻ thù của Ngài cũng không thể kết tội Ngài đã phá bỏ các Điều răn của Thiên Chúa. Còn Muhammad nhận mình cũng sai lầm, và xin Đấng Allah tha thứ 3 lần (Sura al-Ghafir 40:55; 47:19 al-Fath 48:2).

Quyền phép khác nhau


Muhammad chưa bao giờ làm một phép lạ nào (Qur’an 29:50), nhưng Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền phép đối với thiên nhiên và con người bằng cách làm rất nhiều phép lạ: Chữa người què, mù, câm, điếc, làm sóng yên biển lặng, làm cho người chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, đuổi thần ô uế,...

Ủy thác khác nhau


Chúa Giêsu được các ngôn sứ tiên báo, còn Muhammad thì không. Muhammad không đưa ra các ủy thác nào ngoài sự tiết lộ (revelation). Gần 300 lời tiên tri trong Cựu ước với 61 chi tiết đặc biệt đã được Chúa Giêsu hoàn tất. Chỉ Thiên Chúa mới có thể ứng nghiệm đầy đủ từng chi tiết. Do đó, Chúa Giêsu đã phù hợp từng chi tiết. Thiên nhiệm của Chúa Giêsu được tiên báo bằng Lời Tiên Tri của Thiên Chúa.

Quyền năng khác nhau


Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã chứng tỏ thiên năng của Ngài, còn Muhammad đã chết và xương cốt vẫn ở ngôi mộ tại Medina. Mặt khác, Chúa Giêsu đã sống lại sau 3 ngày bị đóng đinh và đã được các lý hình xác nhận là Ngài đã tắt hơi thở. Cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài là các sự kiện lịch sử mà ngày nay người ta đã chứng minh cụ thể rõ ràng.

Sứ điệp khác nhau


Chúa Giêsu dạy yêu thương và dịu hiền, còn Muhammad dạy quy luật và phục tùng (submission). Muhammad dạy rằng chúng ta phải đạt được ơn cứu độ bằng cách trung thành với Ngũ Trụ Đức Tin Hồi Giáo (Islam’s Five Pillars of the Faith). Nói cách khác, ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta. Thậm chí người ta không bảo đảm được ơn tha thứ, và phải nhờ vào lòng thương xót của Đấng Allah để được tha thứ. Một số tín đồ Hồi giáo tin rằng kinh Koran (Qur’an) dạy phải tử đạo vì Đấng Allah thì sẽ được cứu độ và sẽ được thưởng công lên trời.

Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để thiết lập mối quan hệ với Ngài. Kế hoạch của Ngài là nuôi dưỡng chúng ta trong một thiên gia (heavenly family) với tư cách là những đứa con yêu dấu của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã phản nghịch Ngài và phá bỏ luật luân lý của Ngài. Kinh thánh gọi đó là tội lỗi. Sự bất tuân chống lại Thiên Chúa như vậy cần phải xét xử. Các hành vi tốt của chúng ta, tiền bạc, hoặc lời cầu nguyện cũng không thể chuộc lại tội lỗi của mình.

Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu và xót thương. Ngài đã “trả giá” cho chúng ta bằng chính giá máu của Đức Kitô qua cuộc khổ nạn đau thương và cái chết nhục nhã trên Thập giá. Thánh Phaolô nói: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2:1-5).

Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Chúa Giêsu dạy rằng ơn cứu độ là tặng phẩm phải được ấp ủ bằng việc tin vào chính Ngài, chứ không là những việtc làm của chúng ta. Sự chọn lựa của chúng ta là CHẤP NHẬN hoặc TỪ KHƯỚC ơn tha thứ của Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Y-Jesus.com)

 http://www.thanhlinh.net/node/29865

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 2

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 2
Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 2. Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông dể truyền giáo
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12)
Giáo xứ là Gia đình của Thiên Chúa bao gồm các gia đình là Hội thánh tại gia và truyền giáo. Nếu gia đình có sứ mệnh gìn giữ, biểu lộ, và thông truyền tình yêu Thiên Chúa, và từ đó phản chiếu cách sống động cũng như tham dự một cách huyền nhiệm vào tình yêu thần linh đó, thì giáo xứ (và rộng hơn là giáo phận) mang sứ mệnh cùng độ sâu ấy (thậm chí còn sâu hơn), cao và rộng hơn, trên cả bốn khía cạnh: duy nhất, thánh thiện, công giáo, và đặc biệt là tông truyền.
1. Hiệp thông: một tên gọi khác của Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
 Đức Giêsu đã làm mẫu gương cho tình yêu ấy biểu lộ đặc biệt qua hành động Người rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Ăn sau cùng, và qua cái Chết trên Thập giá như hành động hiến tế tự nguyện của Tình yêu cứu chuộc. Tình yêu tự hủy mình ra không (nihil) để kẻ được yêu hiện hữu, tức trở thành có (esse). Tham dự vào Tình yêu phong nhiêu ấy bằng cách sống tinh thần khiêm nhu, chia sẻ huynh đệ đến mức chia sẻ chính sự sống mình, thể hiện ở đỉnh cao là hành động phụng tự của Bữa Tiệc Vượt Qua hay Lễ Bẻ Bánh, chính là cử hành và sống mầu nhiệm Hiệp thông. Hiệp thông chính là tên gọi của Tình yêu, một Tình yêu tự hiến tác sinh nên sự sống mới. Bởi thế, Hiệp thông đã là truyền giáo. [1]
 Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Hiệp thông trước hết là trong đức tin, đức tin của Hội thánh được đón nhận từ các Tông đồ, là kho tàng của sự sống. Nhờ các bí tích, như các mối dây thánh thiêng, các tín hữu được kết hiệp với Đức Kitô và với nhau, đặc biệt là bí tích Rửa tội là cửa đón mọi người vào Hội thánh. Hiệp thông trong dân Thánh là hiệp thông nhờ các bí tích. Bí tích nào cũng tạo sự Hiệp thông, vì kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, nhưng bí tích Thánh Thể đưa ta vào sự hiệp thông trọn vẹn. Trong sự hiệp thông của Hội thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội thánh. [2] “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). [3]
“Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Kitô hữu thật sự coi tất cả những gì mình có như là của chung của mọi người, luôn mau mắn sẵn sàng làm nhẹ bớt gánh nặng cuộc sống của những kẻ khốn cùng. Họ là những người quản lý tài sản của Chúa (x. Lc 16,1-3). [4]
2. Giáo xứ là Cộng đoàn sống mầu nhiệm hiệp thông
 Như thế, đời sống trong Cộng đoàn hội thánh tại địa phương, mà đỉnh cao là Cộng đoàn Thánh Thể, là biểu hiện sự Hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, mang tính bí tích đó. Biểu hiện bí tích đó nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ơn Thông Hiệp, mà thành hiện thực cho cộng đoàn cử hành. Hiện thực Tình yêu đó vừa là hiệu quả của ân sủng vừa là do sự tham dự tự do của tín hữu. Hoa quả của ân sủng và lòng tin đó thể hiện qua thái độ sống thường nhật trong cộng đoàn giữa các thành viên và với người khác: đó là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; [...] tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
 Đời sống gia đình Kitô hữu đã là đời sống cộng đoàn hướng tới hiệp thông. Bàn ăn là nơi cả nhà vui vẻ sum vầy ăn chung trong thanh bình đầm ấm; và bàn thờ là nơi cả nhà cầu nguyện chung tạo nên giờ phút hồi tâm sau một ngày, hay một tuần, một tháng. Thế nhưng, giáo xứ mới là nơi các tín hữu có thể tập họp quanh Bàn tiệc Thánh Thể, là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cứu độ của Chúa Kitô, cho trẻ nhỏ và cho cha mẹ chúng, và là nơi thuận tiện cho việc thực thi bác ái, từ thiện và huynh đệ. [5] Như vậy, đời sống cộng đoàn giáo xứ hướng tới sự hiệp thông sâu hơn, cao hơn, rộng lớn hơn trong cộng đoàn nhỏ gia đình.
 “Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. [6]
3. Giáo xứ là Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo
 Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định. [...] Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”. [7]
 Mỗi Giáo hội địa phương phải được xây dựng trên những chứng từ của sự hiệp thông hội thánh, đó vốn là điều làm nên chính bản chất của Giáo hội. Giáo phận và giáo xứ là một sự Hiệp thông của các cộng đoàn, tập hợp xung quanh Vị Mục Tử, trong đó các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân “đối thoại trong cuộc sống và bằng con tim” được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trong giáo phận sự hiệp thông của các cộng đoàn này được thực hiện trước hết ngay giữa lòng các thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hoá. Sự hiệp thông hội thánh đó hàm nghĩa mỗi Giáo hội địa phương phải trở thành một “Giáo hội tham gia” (partipatory Church), có nghĩa là, một Giáo hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng sự “hiệp thông vì sứ vụ” và thực hiện “sứ vụ của hiệp thông”, đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy, và sử dụng cách hiệu quả. Cách riêng, cần để cho các giáo dân và tu sĩ tham gia sâu xa hơn nữa trong việc lên kế hoạch mục vụ và ra quyết định, thông qua các cơ chế tham gia như là Hội đồng Mục vụ hay các Công hội Giáo xứ. [8]
Câu hỏi thảo luận
1. Hiện tình của giáo xứ của anh chị em có những điểm nào cần đổi mới để trở thành một cộng đoàn giáo hội hiệp thông và tham gia?
2. Anh chị em có ý thức thường xuyên nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong gia đình, trong giáo xứ, cộng đoàn nhỏ của mình không? Các mục tử nên làm gì giúp dân Chúa sống ý thức truyền giáo này?
3. Giáo xứ (và các gia đình) của anh chị em đã và đang làm gì trong quan hệ đối thoại liên tôn, đối thoại với người không tin, đối thoại trong văn hoá, với người nghèo trong định hướng Loan báo Tin mừng?
––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Tertullian, Giáo phụ thế kỉ thứ II/III, nói: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các Kitô hữu” (Apologeticus).
[2] X. Lumen gentium, 12.
[3] GLHTCG, 949, 950, 951.
[4] GLHTCG, 952.
[5] X. GLHTCG, 2179; 2226.
[6] HĐGMVN, Thư Mục vụ 2014, số 4.
[7] X. Evangelii Gaudium, 28.
[8] ĐGH Gioan Phaolô II, TH. Ecclesia in Asia (06 / 11 / 1999) (EA), 25.
 

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
http://www.hdgmvietnam.org/%E2%80%9Choi-thanh-tai-gia%E2%80%9D-tap-san-cua-uy-ban-muc-vu-gia-dinh/5979.36.17.aspx

Sống khỏe mạnh theo Kinh Thánh

Sống khỏe mạnh theo Kinh Thánh



 Táo, nho, dầu ô-liu, mật ong, hành, cá, lựu,… hoặc các gia vị như gừng, tỏi,… đều được coi là “siêu thực phẩm”, đồng thời cũng được Kinh Thánh đề cập.

Hãy cố gắng tìm hiểu và sống khỏe mạnh như Chúa muốn!
141228008Ô-LIU
Dầu của lá ô-liu được dùng trong thời xưa để chữa lành các vết thương và được dùng làm chất khử trùng.
HẠT
Trái óc chó, trái hồ trăn và hạnh nhân có khả năng làm giảm cholesterol xấu. Chúng chứa nhiều protein, chất xơ, có thể duy trì thể trọng.
Ông Ít-ra-en bảo các con: “Các con cứ làm thế này: hãy đem trong bao bị một số đặc sản địa phương và đưa xuống làm quà cho ông ấy: ít nhũ hương, ít mật ong, nhựa thơm và mộc dược, đào lạc và hạnh nhân” (St 43:11).
LÚA MÌ
Lúa mì chứa nhiều protein, vitamin B2, đồng, chất xơ, và dễ tiêu hóa. Lúa mì giúp ngăn ngừa tiểu đường vì nó ít glycemic. Kinh Thánh nói: “Phần ngươi, ngươi hãy lấy lúa mì, lúa mạch, đậu tằm, đậu nâu, kê và lúa miến, rồi bỏ tất cả vào một cái vò mà làm bánh. Ngươi nằm nghiêng một bên bao nhiêu ngày – ba trăm chín mươi ngày -, thì trong bấy nhiêu ngày ngươi sẽ ăn bánh ấy” (Ed 4:9).
HÀNH
Hành cải thiện việc sản sinh vitamin C, làm giảm viêm nhiễm, điều chỉnh lượng đường máu, và ngăn ngừa một số chứng ung thư. Kinh Thánh cho biết rằng đám dân ô hợp sống giữa dân Ít-ra-en bắt đầu thèm ăn, cả con cái Ít-ra-en cũng khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi” (Ds 11:4-6).
GIẤM
Giấm tác dụng như chất khử trùng, làm sạch cơ thể, chứa các loại vitamin A, B1, B2 và B6. Giấm cũng có khả năng làm tăng chức năng nhận thức, làm giảm thèm ăn. Trong sách Rút có đề cập giấm: Đến bữa ăn, ông Bô-át nói với Rút: “Con lại gần đây, lấy bánh chấm vào nước dấm mà ăn” (Rút 2:14).
LỰU
Lựu có khả năng làm hạ huyết áp, làm giảm cholesterol, ngăn ngừa ung thư, và có lợi cho người bị trầm cảm.
ĐẬU
Kinh Thánh đề cập nhiều loại thực phẩm, trong đó có đậu : “Khi vua Đa-vít đến Ma-kha-na-gim, ông Sô-vi con ông Na-khát, từ thành Ráp-ba của con cái Am-mon, ông Ma-khia con ông Am-mi-ên, từ Lô Đơ-va, và ông Bác-di-lai người Ga-la-át, từ Rốc-lim, đem giường, chậu, bát đĩa, lúa mì, lúa mạch, bột, gié lúa rang, đậu tằm, đậu nâu, mật ong, sữa chua, chiên dê và bê sữa, đến dâng cho vua Đa-vít và dân ở với vua” (2 Sm 17:27-29). Đậu làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim và bệnh loãng xương. Có nhiều loại đậu vừa ngon vừa bổ dưỡng như đậu nành, đậu vằn, đậu trắng, đậu tây,…
Cuộc đời mỗi người khác nhau, có thể dài hoặc ngắn, thậm chí rất ngắn, nhưng vấn đề là sống đúng Thánh Ý Chúa. Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu” (Tv 90:12-15).
Mỗi ngày khởi đầu là một hành trình mới, chúng ta luôn cần sự hiện diện của Thiên Chúa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con” (Tv 90:17). Lòng thương xót của Thiên Chúa là “món ăn” bổ dưỡng nhất để chúng ta có thể sống khỏe mạnh đúng nghĩa – cả tâm linh và thể lý. Lòng Chúa thương xót chính là Thánh Thể, siêu thực phẩm chúng ta phải dùng hằng ngày.
TRẦM THIÊN THU (Viết theo Beliefnet.com)

Bảo chứng của đức tin

Bảo chứng của đức tin


 “Ông Abraham  đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa,vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rom. 4: 20, 21).
141019002 “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. (1Ga 3: 18).
 “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 3: 24).
Mọi con cái của Chúa đều cần sự bảo đảm của đức tin: là sự xác tín đầy đủ rằng Thiên Chúa đã đón nhận và làm cho mình trở nên con cái của Ngài. Lời Kinh Thánh luôn luôn nói về những người Ki-tô hữu như là những người biết rằng họ được cứu độ, rằng bây giờ họ là con cái của Thiên Chúa, và họ sẽ nhận được sự sống đời đời (Dnl 26: 27, 28; Is 44: 45; Gal 4: 7; 1 Ga 5: 12). Làm sao một đứa trẻ có thể cầu xin, yêu thương và phục vụ cha của nó trong khi nó lại nghi ngờ không biếtngười cha đó có thực sự biết và coi nó là con hay không?
Kinh Thánh nhắc đến ba điều, nhờ đó chúng ta có sự bảo đảm của đức tin: trước hết, đức tin trong lời nói; sau đó, việc làm; và cùng với hai điều trên là Thánh Thần.
Trước hết, đức tin trong lời nói. Abraham đối với chúng ta là một mẫu gương tiêu biểu trong đời sống niềm tin, và đồng thời cũng là bảo đảm của niềm tin. Và sau đó Kinh Thánh đã nói gì về điều bảo đảm mà ông đã có được?  Ông đã tin chắc rằng những gì Thiên Chúa đã hứa thì Người có đủ quyền năng thực hiện. Niềm hy vọng duy nhất của ông là từ Đức Chúa và những gì mà Ngài đã hứa. Ông tựa nương vào Chúa và thi hành những điều Ngài phán dạy: lời hứa của Chúa đối với ông là duy nhất nhưng lại đầy sự bảo đảm. (Ga 3: 33, 5:24; Cv 27:25; Rm 4:21, 22; 1Ga 5:10,11).
Nhiều người Ki-tô hữu trẻ nghĩ rằng đức tin trong lời nói thì không thể mang lại sự bảo đảm đầy đủ:  họ đành tìm nhiều điều hơn nữa. Họ cho rằng sự bảo đảm, là một sự cảm nhận hay nột sự thâm tín tự bên trong, là cái gì đó được ban trên xuống hay ở ngoài đức tin [they imagine that assurance, a sure inward feeling or conviction, is what is given above or outside of faith]. Đây là một sai lầm. Khi tôi không cần gì hơn ngoài lời đáng tin cậy của một người mang lại cho tôi sự bảo đảm, thì Lời Chúa chắc hẵn sẽ là sự bảo đảm cho tôi. Con người phạm tội vì họ tìm kiếm điều gì đó trong chính con người của họ và trong chính suy nghĩ của họ. Không: toàn bộ ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa: linh hồn không phải được cư ngụ bởi chính nó hay các công việc của nó nhưng là chính Thiên Chúa: linh hồn phải quên đi chính mình để lắng nghe tiếng Chúa và để tin tưởng vào lời hứa của Ngài, là điều có giá trị bảo đảm chắc chắn (Ds 23:19; Tv 89:35). Linh hồn không được nghi ngờ lời hứa của Chúa nhưng phải vững tin vào Ngài, dâng lời tán tụng Ngài và xác tín đầy đủ rằng những gì Chúa đã hứa thì Ngài có khả năng thực hiện.
Rồi Kinh thánh cũng đề cập đến việc làm: bằng một tình yêu chân thành chúng ta tự hứa với lòng mình: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3: 18).Tuy nhiên, hãy cẩn thận ghi nhớ điều này: đầu tiên, sự bảo đảm bởi đức tin là trong lời hứa chứ không phải bằng việc làm. Ngay một người vô thần khi đón nhận ân ban cũng biết điều đó chỉ đến bởi lời [the godless man who receives grace knows this only from the word].  Nhưng rồi, sự bảo đảm đó sẽ được theo sau bởi việc làm. “Nhờ việc làm mà đức tin được nên hoàn hảo” (Ga 15: 10, 14; Gl 5:6; Jas 2: 22; 1Ga 3, 14). Một cây vừa được trồng trong “mãnh đất đức tin” thì dĩ nhiên nó chưa sinh hoa kết quả. Nhưng khi thời gian sinh hoa kết quả đã điểm mà nó vẫn trơ trơ thì thật đáng e ngại. Rõ ràng, khởi đầusự bảo đảm của đức tin thì chưa có việc làm, chỉ có lời nhưng dần dà chắc chắn việc làm phải được theo sau.
Và cả hai – sự bảo đảm nhờ tin và nhờ việc làm –phải được triển nở cùng với Thần Khí. Không phải chỉ nhờ lời, và cũng không phải bởi việc làm như là điều mà chính tôi tự có được nhưng lời như là khí cụ của Thần Khí và việc làm lại như là hoa quả của Thần Khí, nhờ đó con cái của Chúa mới có sự bảo chứng bởi trời là trở nên con cái Chúa (Ga 4: 13; Rm 8:13, 14; 1Ga 3, 24).
Hãy đặt niềm cậy trông vào Chúa Giêsu là cuộc sống của chúng ta và cư ngụ trong Người và sự bảo đảm của đức tin sẽ không tuột khỏi tầm tay của chúng ta.
Ôi lạy Cha, xin dạy con biết tìm kiếm sự bảo đảm của đức tin trong sự gắn kết với Ngài, trong sự tin cậy vững vàng vào lời hứa của Ngài, và trong sự vâng phục các huấn lệnh của Ngài. Xin dùng Thần Khí của Ngài mách bảo cho con biết rằng con chính là con thật của Cha. Amen.
1. Điều quan trọng của bảo chứng đức tin hệ tại ở chỗ, tôi không thể nào yêu hay phục vụ một Thiên Chúa trong khi tôi lại không biết liệu Người có yêu và công nhận tôi như là con của Người hay không.
2. Toàn bộ Kinh Thánh là một bảo chứng tuyệt vời cho đức tin. Bởi lẽ chính Kinh Thánh tự đề cập về mình chứ không phải được ai gán cho. Ab-ra-ham và Mô-sê đã  nhận thức một cách rõ ràng rằng Thiên Chúa đã đón nhận họ nếu không, biết đâu họ lại chẳng tin nhận và và phục vụ Người. Ít-ra-en biết rằng Thiên Chúa cứu độ họ: vì vậy họ đã phụng sự Người. Chẳng phải điều đó cũng quan trọng với hồng ân cứu độ lớn lao trong  Kinh Thánh Tân Ước đó sao?
3. Đức tin và sự vâng phục là hai điều bất khả phân ly, là cội rễ và hoa quả. Trước hết, cần phải có rễ và rễ phải có thời gian chờ đợi rồi mới đâm hoa kết trái: sự bảo đảm đầu tiên chưa có hoa quả bởi sống đức tin bằng lời; rồi sau đó, sự bảo đảm đi  xa hơn nữa là sinh hoa quả. Đó chính là cuộc sống với Đức Giê-su, trong Người sự bảo đảm đức tin được cũng cố vững chắc và không còn nghi ngại.
4. Sự bảo đảm đức tin được trợ giúp rất nhiều bởi sự hoán cải. Điều gì tôi thể hiện nổ lực của mình một cách thiện chí ắt tôi sẽ xác tín một cách sâu xa hơn.
5. Hãy quỳ dưới chân Chúa Giê-su, ngước trông lên Người với ánh nhìn đầy trìu mến, hãy lắng nghe những lời hứa thân thương của Người, chính trong mối tình thâm sâu với Đức Giê-su qua đời sống cầu nguyện, tất cả những lắng lo của Chúng ta sẽ tan mau. Hãy kiên vững bước đi và chúng ta sẽ đón nhận được sự bảo đảm của đức tin.
Rev. Andrew Murray
(Jos. Đồng Lạc chuyển ngữ từ tác phẩm The New Life)

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Vấn đề luân lý (8): Cho vay nặng lãi và bài bạc có tội không?

Vấn đề luân lý (8): Cho vay nặng lãi và bài bạc có tội không?

đánh bàiCâu hỏi: Cho vay nặng lãi và bài bạc có tội không? Tại sao? Tôi không thấy Giáo Lý nói gì về điều này.
Trả lời:
Trước hết, xin nói về việc cho vay nặng lãi. Đúng là Giáo Lý không nói cách rõ ràng về điều này. Nhưng chỉ là không nói “rõ ràng” thôi, chứ không phải là không nói. Cho vay nặng lãi là việc trục lợi từ một khoảng cho người khác vay với một tỷ lệ làm lời không công bằng, vượt quá mức cần thiết. Về điều này, Công Đồng Laterano V (1515) đã nói rằng đây là một điều sai vì “người ta làm lời từ việc sử dụng một điều không tự sinh ra thêm, không có sức lao động, không có phí tổn, và không có sự đánh liều nào của người cho vay.”
Việc cho vay nặng lãi có chút dính dáng đến điều răn thứ Bảy, được sách GLHTCG nói đến như những hành vi không hợp pháp trong số 2409, và không nằm trong những hợp đồng công bằng với mức lợi hợp lý nói đến trong số 2410. Vì thế, cho vay với một mức lời theo tỷ giá thị trường chung là hợp lẽ công bằng. Trục lợi từ người khác bằng cách tự quy định một mức cao hơn không hợp lý là sai vì nó đã xếp vị trí của con người xuống thấp hơn lợi ích vật chất, trong khi điều ngược lại [con người cao hơn vật chất] mới là điều đúng.
Về chuyện bài bạc, sách GLHTCG, số 2413 có nói rằng những trò chơi may rủi hay đánh bài/cá cược tự nó không trái với lẽ công bằng. Chúng chỉ trở nên không thể chấp nhận được về mặt luân lý khi nó lấy đi khỏi người ta những gì cần thiết để chu cấp cho nhu cầu của mình và của người khác. Đam mê bài bạc sẽ biến người ta thành nô lệ. Gian lận trong bài bạc sẽ trở thành một vấn đề lớn, trừ trường hợp những tác hại do nó mang lại quá nhỏ đến độ người bị hại coi nó chẳng đáng là gì. Nếu nó không gây ra thiệt hại lớn thì chính sự gian lận cũng đã là một điều sai trái rồi.
Như vậy, điều làm nên tội trong việc đánh bài/cá độ là việc ta bị cuốn hút đến độ đánh mất chính mình, không còn làm chủ mình, khiến mình trở thành nô lệ của nó, mình bị mất đi những điều kiện để chăm sóc cho chính mình và cho những ai mà mình có trách nhiệm. Đánh bài/cá độ một cách thái quá sẽ rất dễ dẫn đến chuyện hơn thua, gian lận, bất chấp tất cả. Bởi thế, tự bản thân việc tham gia những trò chơi may rủi không vi phạm về mặt luân lý, nhưng nó sẽ rất dễ dẫn người chơi đến những hậu quả không tốt hay đến những hành vi khác là những hành vi vi phạm luân lý.

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 241-246)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Vấn đề luân lý (7): Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là “sự dữ ít hơn” việc phá thai không?

Vấn đề luân lý (7): Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là “sự dữ ít hơn” việc phá thai không?

184438_4Câu hỏi: Giữa hai sự dữ, chúng ta nên chọn “sự dữ ít hơn”. Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là “sự dữ ít hơn” việc phá thai không?
Trả lời:
Trước tiên, chúng ta hãy nói về vấn đề “sự dữ ít hơn”. Nhà thần học Germain Grisez cho rằng chỉ có thể được phép khuyên một người thực hiện một “điều dữ ít hơn” khi người đưa ra lời khuyên cố gắng thuyết phục người kia làm điều ít thiệt hại hơn, chứ không phải khuyên một người làm một điều xấu, vì khuyên một người làm một điều xấu, dù là xấu nhiều hay xấu ít, đều sai cả.
Cha Ludovico Bender, OP, nói rằng một sự dữ không thể trở thành tốt bởi vì nó ít xấu hơn một điều xấu lớn hơn. Do đó, Bender cho rằng việc khuyên một người phạm một tội ít nặng hơn một tội khác là điều không được. Tuy nhiên, khuyên một người từ bỏ một phần trong toàn bộ điều xấu mà người đó đã hoạch định thì là một điều tốt. Ví dụ, một tên trộm muốn giết chủ nhà và cướp tài sản, sẽ là điều tốt nếu khuyên người này chỉ lấy tài sản thôi chứ đừng giết người. Đây là việc khuyên chống việc-giết-người, chứ không phải, khuyên tên trộm. Như vậy, có một sự khác biệt giữa khuyên làm một điều xấu ít hơn với can ngăn chống lại một phần của một kế hoạch xấu đã có.
Giáo lý cũng dạy rằng các tội có tính nặng nhẹ khác nhau: giết người thì nặng hơn ăn trộm, bạo lực chống lại cha mẹ thì tự bản thân nó nặng hơn chống lại người lạ. Quả thực là giết người thì nặng hơn ăn trộm. Nhưng ăn trộm, dù là nặng hay nhẹ, thì không bao giờ là “tốt”. Nó chỉ là “điều xấu ít hơn” khi so sánh với điều xấu hơn mà thôi. Nhưng đây là một kiểu so sánh không đúng về mặt luân lý.
Một sự so sánh đúng đắn về mặt luân lý phải có liên hệ với nhau trong cùng một loại và phải dựa trên nền tảng tự do của điều trái ngược: được làm hay không được làm trong cùng một điều trong cùng một hoàn cảnh. Ví dụ: có được ăn cắp 1000 USD từ một người cụ thể này không. So sánh điều này với loại khác thì không đúng. Ví dụ, không thể so sánh việc ăn cắp 1000 USD của người này với ăn cắp 1000 USD của một ông chủ giàu có, hay một công ty lớn hay so sánh giữa việc ăn cắp với việc giết người là một những kiểu so sánh khập khiễng, vì nó không cùng nằm trên một bình diện.
Như vậy, thay vì để dẫn đến hậu quả phá thai hay gia đình tan vỡ, mình có nên cho phép ngừa thai như là một “sự dữ ít hơn” không?
Đức Gioan Phaolo II đã nói đến vấn đề này trong thông điệp Evangelium Vitae rằng nhiều người cố gắng biện minh cho việc ngừa thai, xem nó như một việc phương pháp chống phá thai, nhưng đây chỉ là 1 sự ảo tưởng. Việc ngừa thai chẳng những không làm giảm tỷ lệ phá thai, nhưng thực tế cho thấy xã hội nào cho phép ngừa thai thì tỷ lệ phá thai càng cao.
Dù việc ngừa thai và phá thai khác nhau về bản chất và tính nặng nhẹ luân lý (phá thai là tiêu hủy một sự sống – vi phạm điều răn thứ 5, ngừa thai chống lại nhân đức khiết tịnh trong hôn nhân – vi phạm điều răn thứ 6,) nhưng cả hai đều có mối liên hệ gần gũi với nhau. Chúng cho thấy một não trạng chống lại sự sống, từ chối đón nhận trách nhiệm trong vấn đề tính dục, và một quan niệm ích kỷ, xem sự sống con người như rào cản cho sự kiện toàn cá nhân. Những hành vi tự bản chất là xấu như ngừa thai và phá thai thì không thể trở thành “tốt” nên không bao giờ được phép làm với ý hướng mang đến điều tốt hay ít xấu hơn. Tự bản chất, những hành vi xấu, xét cho cùng, là đối tượng của chọn lựa con người, vốn tự bản chất “không thể giúp hướng về Chúa vì chúng mâu thuẫn hoàn toàn với điều tốt của con người là loài được dựng nên giống hình ảnh của Người” (Veritatis Splendor, số 79, 80)
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 142)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ



http://dongten.net/noidung/44003

Vấn đề luân lý (6): Như thế nào được xem là “nghiêm trọng” để được thực hành phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên?

Vấn đề luân lý (6): Như thế nào được xem là “nghiêm trọng” để được thực hành phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên?

hp-66d26Câu hỏi: Như thế nào được xem là “nghiêm trọng” để được thực hành phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên? Một số người gọi đây là cách tránh thai theo kiểu Công Giáo. Người khác thì nói ngược lại. Có giáo huấn nào trực tiếp trả lời câu hỏi này không?
Trả lời: Trước hết cần phải hiểu rằng chúng ta đang nói về kế hoạch hóa gia đình theo phương cách tự nhiên chứ không phải bất cứ loại tránh thai nào giúp quan hệ tình dục mà không có con.
Một số người gọi mình là “người theo thuyết tin rằng sự quan phòng của Chúa” khi cho rằng Chúa đã cho mình bao nhiêu con mà Ngài muốn. Dĩ nhiên, các đôi vợ chồng (và tất cả những Kitô hữu) nên tin vào sự quan phòng của Chúa. Nhưng như Germain Grisez nói, “sự quan phòng ấy cho các đôi vợ chồng Công Giáo lý trí được đức tin soi dẫn và khả năng để hành động theo nó.” Mộ đạo không được lầm lẫn với suy đoán.
Thông điệp Casti Connubii của Đức Pius XI không đề cập chính xác điểm này nhưng chỉ nói về “nhân đức tiết dục mà luật Kitô giáo cho phép trong hôn nhân khi cả hai vơ chồng cùng đồng ý.” Chính Đức Pius XI cũng nói đến nghĩa vụ phải lan truyền sự sống, ngoại trừ bốn trường hợp có “động cơ nghiêm trọng”: y tế, ưu sinh, kinh tế và xã hội. Như thế, theo Đức Pius XII, chọn lựa trì hoãn việc sinh con sẽ được chấp nhận với điều kiện hợp lý và chính đáng. Không có những điều kiện hợp lý và chính đáng này thì việc không muốn có con sẽ đi ngược với sự sống và luật luân lý.
Công Đồng Vatican cũng dạy rằng: “Hôn nhân và tình yêu đôi lứa, tự bản chất, phải hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái. Con cái thực sự là món quà cao vời nhất của hôn nhân và góp phần vào sự phong phú của cha mẹ.” (Gaudium et Spes, số 50). Cùng với Giáo Luật 1055, triệt 1, và GLGHCG số 1601, Công Đồng nói đến những yếu tố mà các cặp vợ chồng phải cân nhắc: hạnh phúc của mình và con cái (đã có hoặc chưa có); những điều kiện vật chất và tinh thần; thậm chí là những lợi ích của nhóm gia đình, xã hội lúc này và của chính Giáo Hội. Công Đồng dạy rằng: “Chính cha mẹ phải suy xét điều này trước mặt Chúa” (GS, số 50). Đây không thể là một quyết định võ đoán tùy tiện nhưng là một phán đoán của lương tâm, phù hợp với luật của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội là nơi giải thích luật ấy dưới ánh sáng của Tin Mừng.
Trong vấn đề hòa hợp giữa tình yêu lứa đôi với sự sống con người, Công Đồng dạy rằng phương diện luân lý của chọn lựa ở đây “không chỉ phụ thuộc vào ý hướng chân thành” (chỉ động cơ), nhưng còn vào những chuẩn mực khách quan “dựa trên bản tính của con người và hành vi của người ấy trong việc bảo tồn ý nghĩa trọn vẹn của sự trao ban lẫn nhau và sinh sản trong bối cảnh của một tình yêu thực sự” (GS, số 51).
Tiếp đến, Đức Phaolo VI trong Humanae Vitae,  số 10 và 16, tiếp tục giáo huấn của Đức Pius XII và Công Đồng, khi nói rằng: “Các cặp vợ chồng có thể cân nhắc dựa trên những điều kiện về thể lý, kinh tế, sinh lý và xã hội để quyết định cách sáng suốt và quảng đại là có thêm con hay không, và với những ai quyết định không có thêm con trong một thời gian không xác định nào đó thì phải có những lý do nghiêm trọng và tôn trọng những quy định luân lý.”
Huấn dụ của Đức Gioan Phaolo II, Familiaris Consortio, lại chẳng đề cập gì đến “những lý do” để thực hiện việc kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp tự nhiên. Tuy nhiên, trong một quyển sách tổng hợp các loạt bài nói chuyện của ngài có tựa đề Những suy tư vầ Humanae Vitae (1984), ngài có nói đến vấn đề này rất cụ thể. Ngài nói rằng phương pháp tránh thai tự nhiên có thể sẽ bị lạm dụng nếu sử dụng vì “những lý do không đáng”. Do đó, cần phải suy xét kỹ, không chỉ vì lợi ích của gia đình, nhưng còn sức khỏe và khả năng của vợ chồng, nhưng còn vì thiện ích cho xã hội và Giáo Hội.
Cuối cùng, trong Thông Điệp Evangelium Vitae, trong phần dành để nói về việc xây dựng một “văn hóa sự sống” mới, Đức Gioan Phaolo II cũng nói về việc huấn luyện, đào tạo các cặp vợ chồng trong việc sinh sản có trách nhiệm: “Điều này xảy ra khi gia đình quảng đại mở ra với những mầm sống mới, và khi vợ chồng có một thái độ cởi mở và phục vụ sự sống, cho dù, vì những lý do nghiêm trọng và trong sự tôn trọng luật tự nhiên, họ có thể tránh có con trong một khoảng thời gian hay mãi mãi”.
Quan điểm Công Giáo mời gọi sự quảng đại của các đôi vợ chồng, nhưng cũng nhận ra là có khi vì những lý do nghiêm trọng, họ không thể có thêm con cái. Điều quan trọng là khi làm việc này, họ phải tự vấn mình là họ có đáp lại lời mời gọi của Chúa để quảng đại phục vụ sự sống hay không.
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 130)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

http://dongten.net/noidung/43702
 

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2015

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2015

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23, ĐTC mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những đau khổ của bệnh nhân, phục vụ, tháp tùng, ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ.

Ngày thế giới các bệnh nhân do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng thiết lập và sẽ được cử hành lần thứ 23 vào ngày 11-2-2015, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là một câu trích từ sách Ông Gióp: ”Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15).

Trong sứ điệp công bố hôm 30-12-2014, ĐTC quảng diễn chủ đề này và trình bày những hoa trái của sự khôn ngoan tâm hồn. Đây không phải là một kiến thức lý thuyết trừu tượng, nhưng là ”một thái độ được Thánh Linh phú vào trong tâm trí của người biết cởi mở đối với đau khổ của anh chị em mình và nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ”.

ĐTC lần lượt nói đến:

Sự khôn ngoan của tâm hồn là phục vụ anh chị em. ”Bao nhiêu Kitô hữu ngày nay đang làm chứng tá, - không phải bằng lời nói, nhưng bằng cuộc sống của họ được ăn rễ trong một đức tin chân thành, - là 'đôi mắt cho người mù' và là 'đôi chân của người què!'. Họ là những người gần gũi các bệnh nhân đang cần được giúp đỡ liên tục, giúp đỡ để tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống. Việc phục vụ này, nhất là khi nó kéo dài trong thời gian, có thể trở thành vất vả và nặng nề. Phục vụ vài ngày thì dễ, nhưng thật khó chăm sóc một người kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, cả khi người ấy không còn khả năng cám ơn nữa. Nhưng đó thực là một con đường lớn để thánh hóa! Trong lúc ấy ta có thể cậy trông đặc biệt vào sự gần gũi của Chúa, và là một nâng đỡ đặc biệt cho sứ mạng của Giáo Hội”.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là ở với người anh em. Thời gian trải qua cạnh người bệnh là một thời gian thánh. Là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiế mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28)

Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Thánh Linh ban cho chúng ta ơn hiểu được giá trị của sự tháp tùng, nhiều khi trong thinh lặng, khiến chúng ta dành thời giờ cho các anh chị em, nhờ sự gần gũi và phục vụ của chúng ta, họ cảm thấy được yêu thương và an ủi hơn. Trái lại, thật là một sự dối trá lớn lao khi nấp đằng sau những kiểu nói nhấn mạnh rất nhiều về ”chất lượng đời sống”, để làm cho người ta tin rằng những mạng sống bị tổn thương nặng nề vì bệnh tật thì không đáng sống!”

Sự khôn ngoan của tâm hồn là ra khỏi chính mình để đi tới người anh em. Thế giới chúng ta nhiều khi quên giá trị đặc biệt của thời gian ở bên giường người bệnh, vì người ta bị vây bủa vì sự vội vã, miệt mài làm việc, sản xuất, mà quên đi chiều kích nhưng không, chăm sóc tha nhân.
Sự khôn ngoan của tâm hồn cũng là thái độ liên đới với người anh em mà không xét đoán họ. ”Đức bác ái cần thời gian. Thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để viếng thăm họ... Đức bác ái chân thành là chia sẻ mà không xét đoán, không chủ trương hoán cải người khác; đức bác ái không có sự khiêm nhường giả tạo, ngấm ngầm tình kiếm sự ủng hộ và hài lòng vì điều thiện đã làm.”

ĐTC cũng khẳng định rằng ”cả khi bệnh tật, cô đơn và tật nguyền thắng thế trong đời sống hiến thân của chúng ta, kinh nghiệm về sự đau khổ có thể trở thành nơi ưu tiên để thông truyền ơn thánh và là nguồn mạch để thủ đắc và củng cố sự khôn ngoan của tâm hồn.”

Sau cùng, ĐTC phó thác Ngày Thế giới các bệnh nhân cho sự bảo trợ của Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận Đấng Khôn ngoan nhập thể là Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Mẹ. Ngài cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn ngoan cho tất cả các bệnh nhân và những người săn sóc họ (SD 30-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP