Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Bảy Tuần 7 TN2, Năm chẵn

Thứ Bảy Tuần VII Mùa Thường Niên Năm chẵn


BÀI ĐỌC I: Gc 5, 13-20
"Lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ai trong anh em buồn sầu, người đó hãy cầu nguyện. Còn ai hân hoan, người đó hãy ca hát thánh vịnh. Ai trong anh em ốm đau ư? Hãy mời các trưởng lão giáo hội đến, để các ngài cầu nguyện và nhân danh Chúa xức dầu cho người đó. Lời cầu nguyện phát xuất tự lòng tin sẽ cứu được bệnh nhân và Chúa sẽ cho người đó được bình phục; và nếu người đó mắc tội, thì sẽ được tha. Vậy anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả.
Anh em thân mến, nếu ai trong anh em lạc đường chân lý, và có kẻ làm cho người đó trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: kẻ làm cho người tội lỗi bỏ đường lầm lạc mà trở lại, sẽ cứu linh hồn người tội lỗi khỏi chết, và che lấp được nhiều tội lỗi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 140, 1-2. 3 và 8
Đáp: Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, xin mau chóng phù trợ con, nguyện nghe tiếng con, lúc con kêu cầu Chúa. Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm, tay con giơ lên thành như của lễ lúc chiều hôm. - Đáp.
2) Lạy Chúa, xin đặt quân gìn giữ miệng và lính canh gác gần cửa môi con. Ôi lạy Chúa, con mắt con hướng nhìn về Chúa, con tìm nương tựa nơi Ngài, xin đừng huỷ mạng sống con. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16
"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Thương yêu trẻ em
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Bài đọc: Jam 5:13-20; Mk 10:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.

Chúng ta lo lắng quá nhiều trong cuộc sống: bệnh tật, việc làm, gia đình, con cái; nhưng chúng ta có lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì cả, vì chúng ở ngoài tầm tay của chúng ta. Nhiều người lo lắng quá mất ngủ hay sinh bệnh tật; kẻ khác lo lắng quá nên tối ngày cằn nhằn người phối ngẫu hay con cái, làm mất cả hạnh phúc gia đình.

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa như trẻ thơ tin tưởng và phó thác cuộc đời trong tay cha mẹ của chúng. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu những điều cần làm trong khi vui cũng như lúc buồn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, nhất là biết cộng tác với Thiên Chúa trong việc đưa những người xa chân lý trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, các môn đệ vì quá lo lắng cho Chúa Giêsu không có giờ nghỉ ngơi, nên xua đuổi các trẻ khi chúng đến với Chúa Giêsu. Ngài bảo các ông hãy cứ để các trẻ nhỏ đến với Ngài, vì Nước Trời là của những ai biết cư xử giống như chúng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

1.1/ Những điều quan trọng người tín hữu cần làm: Thánh Giacôbê liệt kê 3 điều quan trọng người tín hữu cần làm.
(1) Cầu nguyện khi đau khổ và đau yếu: “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện... Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” Giáo Hội Công Giáo dựa vào câu này để lập phép Xức Dầu Thánh. Linh mục được mời sẽ xức dầu trên trán và hai tay của bệnh nhân, và cầu nguyện cho bệnh nhân được phục hồi sức khỏe. Dĩ nhiên, không phải cứ xức dầu là khỏi bệnh. Bệnh nhân phải biết tuân theo ý Chúa: nếu Ngài muốn để cho sống, Ngài sẽ cho phục hồi sức khỏe; nếu Ngài muốn cất về, xin cho được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến cả bệnh phần xác: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy,” và bệnh phần hồn: “Nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.”

(2) Hát thánh ca khi vui vẻ để tạ ơn Thiên Chúa: Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu nên hát thánh ca, thánh thi, cùng thánh vịnh (Eph 5:19; Col 3:16). Mục đích là để ngợi khen và cảm tạ những ơn lành đã nhận được từ Thiên Chúa.

(3) Thú tội với nhau: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” Dòng Đa-minh có giờ các tu sĩ thú tội và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Nếu được làm đúng cách và với tinh thần khiêm nhường, việc làm này sẽ giúp thăng tiến bản thân và cộng đoàn.

1.2/ Cộng tác với Thiên Chúa để đưa anh em lạc xa chân lý trở về:Đây có lẽ là điều quan trọng thứ hai sau việc mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình. Thánh Giacôbê cho chúng ta một phần thưởng quan trọng của việc làm này: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” Tội lỗi ai cũng phạm; xưng thú tội lỗi sẽ được Thiên Chúa tha thứ; nhưng để đền bù các hậu quả của tội, chúng ta cần đưa nhiều anh/chị/em về với Ngài. Càng giúp đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa càng nhiều, chúng ta càng được giảm bớt các vạ do tội lỗi của chúng ta mang lại.

2/ Phúc Âm: Tin tưởng Thiên Chúa như trẻ thơ tin vào cha mẹ chúng.

2.1/ Vấn đề với con trẻ: Không phải chỉ có các môn đệ ngăn cản trẻ thơ đến với Chúa Giêsu; nhưng có rất nhiều các cặp vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3 con. Một số lý do họ nêu ra:

(1) Sợ con trẻ gây phiền hà: Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, họ sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.

(2) Sợ phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.

(3) Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.

Đàng sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo cho mình.

2.2/ Các đức tính của con trẻ: Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.
(1) Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng. Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”

(2) Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.

(3) Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.

(4) Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có. Thiên Chúa muốn chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ ban cho con người.

(5) Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng có giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Tất cả những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và sợ nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Mc 10,13-16

A. Hạt giống...
1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng ("đặt tay trên chúng").

2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người do thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.

3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.
4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

B.... nẩy mầm.

1. "Thấy vậy Ngài bất bình" : Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.

2. "Hãy để trẻ nhỏ đến với" : Tôi nên hiểu "trẻ nhỏ" theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người "nhỏ bé", tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.

3. "Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ". Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay…  Tôi đối với Chúa như thế nào ? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không ?

4. "Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ", đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết "Những bài học chúng ta  học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta  cần biết để sống hạnh phúc ; nếu tất cả chúng ta  đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loan như hiện nay." Những điều đó là gì ?

- Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.
- Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

- Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.
- Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH

LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH


Tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi. Niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo cũng nằm trong chu kỳ ấy.

Phụng vụ Giáo Hội cũng có bốn Mùa như : Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh qua đi, Mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, cao điểm là Tuần Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh. Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ? Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào ? Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay không trở nên nhàm chán và có ý nghĩa ?

Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ? 

Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Dothái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy các kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin. Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Dothái nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn : khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Xuất Hành Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ.

Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo Hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như : liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Dothái không ? Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua. Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua của người Dothái, trong khi đó, các kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển rời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân.

Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay « 40 ngày », tưởng nhớ 40 Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.

Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời thì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến. Sang kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần. Những dấu tích của Mùa Chay hay « 40 ngày » được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa. Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các người dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng Phục Sinh.

Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa Nhật. Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gôlơ, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu tuần trong Mùa Chay. Trong khi giữ chay, các kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn. Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước Mùa Chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay. Đồng thời, ba Chúa Nhật trước Mùa chay, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần. Việc giữ chay ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn chứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa. Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 giờ tức 9 chín giờ sáng, tiếp theo được ăn « bữa ăn nhẹ » vào buổi tối. Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và Giáo Hội cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ. Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.

Một cảnh chợ cá ngày Thứ Tư Lễ Tro

Từ năm 1949, Giáo Hội Công Giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết : ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng « ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi », nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Trong phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tim Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa. Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiên thịt và ăn chay trong toàn Giáo Hội. Chúa Nhật thứ năm được gọi là Chúa Nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.

Cảm tưởng chung là một bầu không khí « vui và buồn ». Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau. Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi. Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận đỉnh cao của núi đồi.

Niềm vui âm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hòa tấu Allêluia trong Đêm Vọng Phục Sinh.

Chúa Nhật lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục Sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh ? 

Từ « Mùa Chay » là một từ tương phản với từ gốc latinh là « quadragesima » có nghĩa là 40. Trong Kinh thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Dothái kéo dài 40 năm. Ông Môisen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (x. Xh 24,18; 34,28). Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (x. Ds 13, 25). Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (x. 1V 19,8). Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (x. Gn 3,4). Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (x. Mt 4,2).

Như vậy Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Dothái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuân tiện thích hợp cho các kitô hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa chay mang lại cho chúng ta điều gì?

Phần lớn người kitô hữu không thực hành việc ăn chay, nguyện ngắm, nên Mùa Chay không có ảnh hưởng tới đời sống của họ là bao? Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm. Đại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiêng ăn, kiêng uống giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đại đa số người kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống nhưng họ vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Đây là một nghi thức giầu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa. Vì nhiều khi con người quên đi thân phận yếu hèn, mỏng giòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ. Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra. Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết. Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó. Lịch sử cứ độ của Dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu. Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng, Dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hỗi, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.

Trong đời sống người kitô hữu, nhiều khi lắng nghe lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi. Thư thánh Phaolô nói với chúng ta : « Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ» (2 Cr 6,2). Đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 9-12

"Kìa quan toà đã đứng trước cửa".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 1-12
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Mối giây bất khả phân ly
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.
Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.
Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 7 TN2
Bài đọc: Jam 5:9-12; Mk 10:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn và trung thành giữ lời hứa.

Càng ngày chúng ta càng chứng kiến những cảnh con người bất trung với Thiên Chúa và phản bội lẫn nhau nhiều hơn: bỏ đạo, không thực hành đạo, hồi tục, ly dị, ly thân, cha mẹ giết con, từ con, con cái giết cha mẹ. Có rất nhiều lý do đưa đến những thảm cảnh này, nhưng hai lý do nổi bật là con người ngày nay không còn biết kính sợ Thiên Chúa và hy sinh chịu đựng đau khổ.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do đưa tới sự phản bội và những đức tính cần thiết để trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê nhấn mạnh tới đức tính kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ để có thể sống chung với nhau trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Chịu đựng đau khổ là phương thức cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau. Trong Phúc Âm, những người Pharisees muốn thử xem Chúa Giêsu có dạy khác với luật của Moses về vấn đề ly dị. Chúa thẳng thắn trả lời họ Luật không được ly dị là Luật bất khả phân ly của Thiên Chúa ngay từ đầu. Lý do ông Moses cho phép ly dị là vì lòng chai dạ đá của con người, chứ không phải trong ý định của Thiên Chúa. Nếu con người biết kính sợ Thiên Chúa, họ không bao giờ dám làm chuyện này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

1.1/ Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Thánh Giacôbê dùng ví dụ của nhà nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt kê những điều cần thiết phải làm:

(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công. Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa."

(2) Noi gương các ngôn sứ: "Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa." Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa, con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.

1.2/ Mục đích của đau khổ: Tác giả nhắc lại câu truyện ông Job. Thiên Chúa để Satan hành hạ ông mọi cách để xem ông có trung thành tin tưởng và yêu thương Ngài không. Ông Job đã chiến thắng mưu kế của Satan và trung thành với Thiên Chúa. Ngài đã thưởng công cho ông xứng đáng với lòng kiên trì. Hơn nữa, theo thánh Giacôbê (1:2-4) và Phaolô (Rom 5:3-4), đau khổ còn rèn luyện con người quen chịu đựng để trở nên thập toàn; không gì có thể làm lung lay đức tin của người đã quen chịu đựng đau khổ.
Về việc thề hứa, Giacôbê lặp lại những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ (Mt 5:33-37). Chúa Giêsu có cấm con người không được thề dưới bất cứ hoàn cảnh nào không? Theo văn mạch, Ngài không cấm điều đó, nhưng nhấn mạnh tới việc con người phải nói sự thật: Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không;" thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỉ mà ra. Vì thế, khi con người nói “có” với Thiên Chúa hay với tha nhân, con người phải giữ lời cho dẫu có phải hy sinh, và ngay cả thiệt hại tới tính mạng. Với một người luôn trung tín với những gì mình nói, thề hứa là chuyện dư thừa. Với những kẻ không trung tín với những gì mình nói, thề hứa cũng là chuyện dư thừa, vì họ nói mà không làm.

2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị

2.1/ Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.

(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: "Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.''

(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa?Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người.

2.2/ Những lý do để Giáo Hội dùng tháo gỡ dây Hôn Phối: Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là con người không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:

- Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. 

Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.

- Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp "lack of form," có nghĩa: không kết hôn theo Lề Luật của Giáo Hội; vì thế, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.

- Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: Lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.

- Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?

- Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì chúng là phương tiện để chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

- Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, Ngài biết chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các bí-tích.

- Nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa, Ngài sẽ trung thành với chúng ta; nhưng nếu chúng ta phản bội Ngài, Ngài cũng sẽ không nhận chúng ta trong Ngày sau hết.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM

Mc 10,1-12


A. Hạt giống...
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.

Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được li dị : "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li".
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân : phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng tâm nhất trí ("nên một huyết nhục") với nhau.

B.... nẩy mầm.

1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.

Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.

2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân :
- dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ
- bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể
- vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ