Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Thánh kinh do thái

Thánh kinh Do thái




Daniel L. Smith-Christopher
Bằng cách nào chúng ta có thể mô tả tính thống nhất được ghi nhận giữa 39 quyển sách khác nhau được viết qua một giai đoạn xấp xỉ 850 năm? Có lẽ câu trả lời nằm trong sự kiện rằng bộ sách này mô tả một mối quan hệ kéo dài trong thời gian. Thật vậy, có thể nói rằng Thánh Kinh Do Thái mô tả một chuyện tình đầy sóng gió giữa những người bạn tình “lì lợm”.D
Mặc dù việc ví von với một chuyện tình xem ra có vẻ lạ lùng, song đây quả thật là một chuyện tình. Ngôn sứ Hôsê vào thế kỷ 8 trước công nguyên đã sử dụng ẩn dụ này một cách tuyệt vời, đặt tương phản giữa một bên là tình yêu đích thực của Giavê đối với dân Do Thái và bên kia là “sự thèm khát rẻ tiền” của chính đám dân ấy khi họ thờ phượng những vị thần nông nghiệp của địa phương – bởi họ tin rằng những vị thần ấy có thể bảo đảm cho họ được mùa màng phong phú. (Hs 2).
Mô tả về mối quan hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa, đó là một chủ đề lớn nối kết những quyển sách có nhiều nét khác nhau thành một tổng thể mạch lạc chặt chẽ. Tất cả các chủ đề thần học quan trọng xuyên suốt Thánh Kinh Do Thái như “lịch sử cứu độ”, “giao ước”, “Vương Quốc của Thiên Chúa”… đều có thể coi như là thứ yếu so với chủ đề số một là mối quan hệ căn bản giữa Thiên Chúa và dân của Ngài.
Mối quan hệ này được mô tả bởi các văn sĩ Do Thái khác nhau bằng chính những kiểu nói của con người (thường được ví vớimối quan hệ giữa hai người yêu nhau, song cũng có khi được ví với cha và con – x. Hs 11), qua đó họ cố gắng diễn tả cảm nhận của họ về Thiên Chúa, Đức “Giavê”. Giống như mọi mối quan hệ khác, mối quan hệ này giữa Thiên Chúa và con người được mô tả trong Thánh Kinh Do Thái cũng có những tình tiết kịch tính như giận, ghen, thất vọng… nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong đức tin của người Do Thái vẫn là một tình yêu, một lòng trắc ẩn và sự tha thứ đầy cảm kích. Sức thu hút của Thánh Kinh Do Thái đối với những ai tìm hiểu bộ sách này vì thế có thể sánh với sự quyến luyến đối với một người yêu – những nét kỳ diệu mới mẻ nơi người ta yêu sẽ đem lại cho ta những ngạc nhiên thích thú, những thất vọng, và xuyên qua tất cả là niềm vui chất ngất. Vì thế, không lạ gì khi việc tìm hiểu Thánh Kinh có thể được so sánh với tình yêu sự Khôn Ngoan (Cn 3,13-18). Để phục vụ cho công cuộc nghiên cứu thần học hiện đại, và để phục vụ cho mối quan hệ của chính chúng ta hôm nay với Thiên Chúa, việc chúng ta đọc lại những ngôn từ xưa cũng cần thiết không kém chi việc cố gắng tìm ra những ngôn từ mới để lên lời và những kỹ năng mới để lắng nghe Thiên Chúa nói hôm nay. Nói tóm, rất cần thiết phải trở về nguồn.
NGUỒN DO THÁI
Đầu tiên, chúng ta cần ghi nhận rằng, ở đây, nói “Thánh Kinh Do Thái” thì đúng hơn là nói “Cựu Ước”. “Thánh Kinh Do Thái” nhắc cho chúng ta về ngôn ngữ và văn hóa gốc của nó (ngôn ngữ sêmít, văn hóa cận đông thời xưa) và nhắc ta nhớ rằng những bản văn này là “thánh” đối với cả các tín đồ Do Thái giáo lẫn Kitô giáo – một điều mà chúng ta không nên coi thường. Tiếng Do Thái là một ngôn ngữ sêmít, có quan hệ với những ngôn ngữ sêmít cổ cũng như hiện đại khác, chẳng hạn tiếng Ả rập.
Thánh Kinh Do Thái là một bộ sách được viết qua gần một ngàn năm, xấp xỉ giữa năm 1000 và năm 150 trước công nguyên. Các sách Samuen, Các Vua và Sử Biên Niên được tính là hai quyển cho mỗi tiêu đề, thì tổng cộng có 39 quyển – được viết chủ yếu bằng tiếng Do Thái. Tuy nhiên, Giáo Hội Kitô giáo sơ khai không đồng ý với Do Thái giáo thời sơ khai trong việc ấn định qui điển (tức bộ sách có thẩm quyền làm nên Thánh Kinh của chúng ta), và đã quyết định bao gồm cả một số sách phần lớn được viết vào thời sau này (sau năm 250 trước công nguyên) và bằng tiếng Hi Lạp. Bộ tuyển này được gọi là “Apocrypha” (ngụy thư, tên gọi được sử dụng bởi những người Tin Lành – là những người không nhìn nhận chúng như thành phần của qui điển Thánh Kinh), hay được gọi là “Qui Điển đệ nhị” (tên gọi được sử dụng bởi Công Giáo Rôma – là những người chấp nhận chúng). Thêm vào đó, có nhiều sách đã sống còn được tới ngày nay, phần lớn từ thời Văn Hóa Hi Lạp (từ năm 330 trước công nguyên cho đến khoảng năm 250 sau công nguyên), gọi là “Pseudepigrapha” (mạo thư). Những sách này có tính lịch sử, văn chương và tôn giáo giúp cho việc nghiên cứu về dân Do Thái, nhưng chúng không trực tiếp giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Do Thái trước thời hoàng kim của văn hóa Hi Lạp.
Theo truyền thống, các sách của qui điển Do Thái được phân làm 3 phần phân biệt nhau: các sách Torah (“Lề Luật” hay “Chỉ Dẫn”), các sách Tiên Tri và Các Sách Khác:
Torah: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật.
Tiên Tri: Giosuê, Thẩm Phán, 1&2 Samuen, 1&2 các Vua, Isaia, Giêrêmia, Eâdêkien, Nahum, Habacuc, Amốt, Hôsê, Giôen, Mika, Malaki, Khácgai, Dacaria, Sôphônia, Obadia, và Giôna.
Các Sách Khác: Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Diễm Ca, Ai Ca, Gióp, Eùt-te, Giảng Viên, Et-ra-Nêhêmia, Sử Biên Niên, Rút, và Đanien.
Các sách “Deutero-Canonical” (Qui điển đệ nhị): Huấn Ca, Khôn Ngoan, Tôbia, Giuđít, 1&2 Macabê, và Barúc.
Để hiểu những quyển sách này, rất cần phải nắm vững một số kiến thức căn bản về lịch sử Do Thái cổ thời, như chúng ta sẽ phác họa sau đây, trước khi có một tìm hiểu ngắn về các văn liệu, và cuối cùng sẽ có một giới thiệu về các phương pháp phân tích Thánh Kinh.
LỊCH SỬ DO THÁI THỜI CỔ ĐẠI
Muời hai niên biểu sau đây đánh dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân Do Thái và cung cấp một định hướng căn bản cho phép chúng ta liên hệ mỗi cuốn sách với những biến cố chuyên biệt và với các thời kỳ nhất định. Nên nhớ rằng những niên biểu này thường chỉ có tính ước lượng, nhất là đối với các niên biểu xa xưa.
1280 trước CN: Cuộc Xuất Hành của đám người Do Thái nô lệ
ra khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Môsê.
1020 trước CN: Bắt đầu thời quân chủ sau giai đoạn các thẩm
phán: Saolê, Đavít và Salômôn.
922 trước CN: Salômôn qua đời và đất nước bị chia đôi:
Giuđa miền nam và It-ra-en miền bắc.
722 trước CN: Sự sụp đổ của vương quốc phía bắc do sự chiếm
đóng của người Assiri đến từ Mêsôpôtamia phía
tây bắc.
640 trước CN: Vua Giôsia. “Những Cải cách Đệ Nhị Luật” và
các văn phẩm lịch sử, từ Giôsuê đến 2 Các Vua.
587 trước CN: Giuđa hoàn toàn bị đánh bại bởi dân Babylon và
nhiều người Giuđa bị trục xuất. Đền thờ Giê-ru-
sa-lem bị tàn phá.
539 trước CN: Cyprô của Batư đánh bại Babylon và cho phép
những người lưu đày trở về quê hương.
520 trước CN: Có lẽ là thời điểm tái thiết Đền Thờ bị tàn phá ở
Giê-ru-sa-lem.
450 trước CN: Sứ mạng của Nêhêmia và Eùt-ra
333 trước CN: Alexandre Đại Đế thôn tính Palestine và Cận
Đông; bắt đầu ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp.
167 trước CN: Antiôkhô IV (Eâpiphane) cố gắng thống nhất lãnh
thổ của mình bằng cách áp đặt văn hóa Hi Lạp.
Đàn áp Do Thái. Macabê bắt đầu kháng chiến.
64 trước CN: Palestine bị Rôma kiểm soát.
*** (Đức Giêsu sinh ra) ***
70 sau CN: Người Rôma tàn phá ngôi Đền Thờ thứ hai.
Thật không khôn ngoan nếu tách biệt Thánh Kinh Do Thái khỏi dân tộc đã sản xuất ra nó và mảnh đất mà dân tộc này đã sống. Giới nghiên cứu gần đây đã bắt đầu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của sự xuất hiện liên bang It-ra-en vào các thế kỷ 13 và 12 trước công nguyên. Đất Canaan vào lúc đó vốn đã là một vùng đất tranh chấp lâu dài, đóng vai trò như một cầu nối giữa người Ai Cập ở phía nam , người Hít-ti chủ yếu tập trung ở Tiểu Á, và các cường quốc đang nổi lên ở Mêsôpôtamia phía đông (x. bản đồ số 1 ở cuối sách). Như vậy, lịch sử Thánh Kinh diễn ra trong một “Khu Vực Trung Tâm” của cổ thời.
Các tư liệu của người Ai Cập cho biết rằng dường như đất Canaan được cư trú bởi “những người dân của một lãnh địa độc lập”, được điều khiển bởi một bậc vị vọng địa phương; họ sống nhờ vào lương thực được cung cấp bởi các nông dân trồng ngũ cốc trên miền bình nguyên và canh tác những vườn cây trái trên các đồi dốc (ôliu, vả và nho). Ý thức hệ nâng đỡ hệ thống này là một tôn giáo đặt nền trên sự bảo đảm mùa màng phong phú và con người sinh sôi nảy nở, đồng thời tôn trọng trật tự hay quyền bính đã được thiết lập dựa trên sự cúng tế hy lễ cho chư thần. Các vị thần chính yếu là: thần giông tố Baal, nữ thần Asherah, và thần El. Tôn giáo Canaan được hậu thuẫn bởi một giới tư tế phụ trách các đền thờ và các trung tâm thờ cúng khác nhau. Đây chính là tình hình ở Canaan khi đám dân Do Thái nô lệ từ Ai Cập kéo đến.
Căn cứ vào các truyền thống Thánh Kinh thì thật khó xác định những dữ kiện chính xác của cuộc “Xuất Hành”. Chẳng hạn, Xh 10,28-29 kết thúc truyền thống cho đó là một “cuộc trốn thoát” khỏi Ai Cập, trong khi Xh 11-12 thì trình bày biến cố đó như “một sự trục xuất” người Do Thái sau nạn dịch thứ 10, và cũng là cuối cùng, giết chết tất cả con đầu lòng của người Ai Cập. Sách Xuất Hành pha trộn hai truyền thống này bằng cách nêu sự kiện Pharaô đổi ý và đuổi theo người Do Thái, tạo ra những truyền thống về sự giải thoát dân Do Thái tại Biển Đỏ. Nhưng, một lần nữa, ở đây lại có hai truyền thống, một truyền thống mô tả người Do Thái trốn thoát ngang qua những vùng trũng hơi lầy lội (làm cho xa mã của người Ai Cập trở thành vô dụng), còn truyền thống kia, muộn hơn, chuyển tình tiết ấy thành hiện tượng nước biển rẽ ra một cách kỳ diệu, rõ ràng nhằm nêu bật tầm quan trọng thần học của việc Thiên Chúa cứu giúp dân Do Thái trong những khi họ lâm vào cảnh khốn cùng.
Dù trường hợp nào, thì chúng ta cũng ghi nhận một nhóm người vốn là nô lệ ở Ai Cập đã đến Canaan vào khoảng năm 1250 trước công nguyên, với một tôn giáo hướng về một Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tôn giáo này, trong hình thức sơ khai của nó, gắn bó chặt chẽ với Môsê. Đức tin thuở phôi thai của It-ra-en được đặt nền trên những kỳ vọng luân lý căn bản (“Lề Luật”), trên việc thực hành phụng tự trong một cái miếu thờ hay chiếc lều di động, và trên việc tôn thờ một Thiên Chúa được gọi là “Giavê”. Tuy nhiên, yếu tố chính của tôn giáo này, dưới cái nhìn của giới nông dân Canaan đương thời, là sự kiện rằng vị Thiên Chúa Giavê này là một vị thần giải phóng những người nô lệ, và do đó Ngài là một vị thần có liên can tới hoàn cảnh sống của họ. Tôn giáo này, khi đến Canaan, đã gây một ảnh hưởng “bùng nổ”, và đại đa số những người làm nên “mười hai chi tộc It-ra-en” chính là những người Canaan đã cải giáo để theo tôn giáo mới này.
Nhưng việc cải giáo để theo tôn giáo của Giavê này không trơn tru, và đã không ngừng xảy ra tình trạng các ý niệm của tôn giáo Canaan và tôn giáo Giavê pha trộn lẫn nhau tạo thành một vấn đề kéo dài suốt thời đại các Vua của It-ra-en và Giuđa, từ khoảng năm 1000 trước công nguyên cho đến thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật khoảng năm 640-609 trước công nguyên. Đã có nhiều khám phá mới đây của khoa khảo cổ cho thấy mức độ của tình trạng hổ lốn này (nghĩa là, sự pha trộn của hai hay nhiều truyền thống tôn giáo). Chẳng hạn, các kinh nguyện được ghi trên những miếng đất sét được tìm thấy trong một điện thờ nhỏ gần sa mạc Sinai có nói đến “Giavê” và “vợ là Asherah”. Một kinh nguyện như thế là chứng cứ cho thấy rằng người ta đã pha trộn các yếu tố của tôn giáo It-ra-en và tôn giáo Canaan. Lời tố cáo của Thánh Kinh dành cho nhiều vị vua của It-ra-en và Giuđa bỏ việc phụng thờ chân chính đối với Giavê cho thấy rằng các vua ấy thường nghiêng chiều về tính thủ cựu của tôn giáo Canaan hơn là tính cách tân của lòng nhiệt thành phụng thờ Giavê. Các vị vua ấy bị phê phán kịch liệt bởi những người triệt để ủng hộ sự phụng thờ Giavê – tức là các ngôn sứ.
Như vậy, dường như sự phụng thờ Giavê đã bắt đầu trong tư cách là một tôn giáo của “thiểu số” nơi những người trước kia là nô lệ ở Ai Cập và những người Canaan cải giáo, và rồi về sau có được uy thế lớn hơn trong thời quân chủ (nhất là dưới triều vua Giôsia). Tuy nhiên, lúc bấy giờ, số phận của các quốc gia It-ra-en độc lập bị định đoạt bởi sự nổi lên của các đế quốc ở Mêsôpôtamia, và việc phụng thờ Giavê sẽ dần phát triển thành Do Thái giáo nơi một dân tộc lụy thuộc các đế quốc ấy về chính trị và kinh tế. Nói cách khác, căn tính “con cái It-ra-en” đang nổi lên đã đi vào một bước quặt quan trọng, rứt ra khỏi một căn tính chính trị khi những đế quốc to lớn này (đầu tiên là Assiri, rồi đến Babylon, sau đó là Ba tư) bắt đầu bành trướng ảnh hưởng về phía tây, tiến vào vùng duyên hải Palestine.
Thời đại quân chủ It-ra-en bắt đầu khoảng năm 1000 trước công nguyên. Đavít là vị lãnh đạo nổi bật nhất; ông đã thành công trong việc thống nhất các dân Do Thái và Canaan thành một mối để chống lại sự đe dọa đang ập đến từ những kẻ xâm lăng ở vùng duyên hải gọi là Philitinh. Đavít cũng thiết lập một thủ đô là Giê-ru-sa-lem, và mở rộng ảnh hưởng chính trị của It-ra-en qua bên kia sông Giođan, đi vào các vùng đất Ammon, Moab, Êđom và tràn lên Syria phía bắc (x. bản đồ số 2 ở cuối sách).
Con trai của Đavít là Salômôn nối nghiệp cha, tiến hành thêm những hoạt động củng cố mối thống nhất, bao gồm việc xây dựng một Đền Thờ cho cả quốc gia, thiết kế theo mẫu đền thờ của người Canaan. Nhưng dù Salômôn rất nổi tiếng về hoạt động ngọai giao và sự “khôn ngoan”, những công việc xây dựng của ông – huy động nhiều sức người sức của – đã bị xem là bóc lột, nhất là tại vùng lãnh thổ phía bắc (1V 9,22, nhưng nên xem thêm 1V 5,27; 11,28 và 1V 12).
Palestine/Canaan vốn không phải là một môi trường thuần nhất, và những sắc thái nông nghiệp khác nhau dẫn đến những sắc thái xã hội khác nhau, tình hình càng phức tạp hơn nữa do bởi các đòi hỏi đóng góp vào công cuộc xây dựng của Salômôn bằng lao động và thuế má. Khi Salômôn qua đời, các dân phía bắc (gồm 10 trong 12 chi tộc) ly khai ra khỏi triều đình Giê-ru-sa-lem, và thiết lập một nước It-ra-en mới vào năm 922 trước công nguyên. Vì thế, Thánh Kinh Do Thái gọi quốc gia phía bắc là “It-ra-en”, và quốc gia phía nam là “Giuđa”. Nước Giuđa duy trì triều đại của dòng tộc Đavít, trong khi It-ra-en được cai trị bởi một loạt nối tiếp các vua, không vị nào trong đó rốt cục có thể thiết lập một vương triều khả dĩ vững chãi. Vì thế quốc gia phía bắc xem ra bất ổn hơn. Ở phía bắc, các ngôn sứ thỉnh thoảng dấy lên những cuộc cách mạng bằng cách công bố rằng Thiên Chúa đã chọn một vị vua mới trong khi ông vua tại vị vẫn còn đang ngồi trên ngai!
Trong nửa sau thế kỷ 8 trước công nguyên, quốc gia phía bắc tham gia vào một khối liên minh các quốc gia nhằm cố gắng chống lại áp lực ngày càng tăng của đế quốc Assiri. Khi vị vua của quốc gia phía nam, vua Ahaz, từ chối tham gia vào liên minh này, các thành viên của liên minh quyết định gây áp lực đối với Ahaz, và phát động một cuộc chiến tranh. Để ứng phó, vua Ahaz kêu gọi sự hỗ trợ của người Assiri – thế là người Assiri bắt đầu xâm lăng về phía tây. Năm 722 trước công nguyên, liên minh nói trên bị tiêu diệt bởi những người Assiri xâm lăng, trong đó có cả quốc gia It-ra-en phía bắc.
Đế quốc Assiri sử dụng một đường lối quân sự, nhằm bảo đảm sao cho các vùng bị chinh phục không thể có khả năng tập hợp sức đề kháng. Điều này liên quan đến việc trục xuất những bộ phận lớn dân chúng tại các vùng mới chinh phục, và thay vào đó bằng một nhóm người được đưa đến từ một vùng khác của đế quốc. Nhưng đế quốc Assiri cuối cùng bị lật đổ bởi một thế lực hùng mạnh mới nổi lên của người Mêsôpôtamia ở phía nam vùng lòng chảo hai con sông Tigre và Euphrate – đó là những người Babylon.
Giữa những năm 640 và 609, nghĩa là, giữa cuộc suy tàn của đế quốc Assiri và sự bành trướng thanh thế của người Babylon, vua Giôsia cai trị ở Giê-ru-sa-lem. Vua Giôsia được nhìn nhận là có công phát động một cuộc cải cách quan trọng, tập trung mọi việc phụng tự về Giê-ru-sa-lem (nghĩa là chấm dứt việc phụng tự trong các đền thờ địa phương, tránh hiện tượng pha tạp với các thực hành tôn giáo của người Canaan), đồng thời phục hồi một hình thức phụng tự Giavê cách tinh ròng hơn, có lẽ để hưởng ứng lời kêu gọi của một số ngôn sứ. Công cuộc của vua Giôsia đặt cơ sở trên Lề Luật được chứa đựng trong Sách Đệ Nhị Luật, và vì thế được gọi là “Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật”. Phong trào này cũng gợi cảm hứng thêm cho việc trước tác văn chương. Sau cái chết bi thảm của Giôsia trong một chiến dịch chốâng lại người Ai Cập (609 trước công nguyên), “Lịch Sử Đệ Nhị Luật” được biên soạn, bắt đầu với Giôsuê và tiếp tục tới cuộc xâm chiếm của người Babylon như được mô tả ở cuối sách 2 Các Vua.
Người Babylon, cuối cùng, đã có thể đánh bại các đạo binh Assiri vào năm 609 trước công nguyên. Sau khi lên ngôi, vua Nabucôđônôso đã đưa người Babylon đi xa hơn về phía nam trên vùng duyên hải Canaan, củng cố quyền kiểm soát của mình đối với khu vực như một trái độn với người Ai Cập. Năm 597, vua trẻ Jehoiachin thần phục Nabucôdônôso, và Nabucôdônôso nhận Giuđa làm một nước chư hầu, đặt một nhà cai trị do chính ông chọn để làm một “tay sai” ở Giê-ru-sa-lem. Nabucôdônôso đặt tên cho vị vua mới này là “Zedekiah” (sự thay đổi tên thường tượng trưng cho quyền kiểm soát chính trị), đặt vua ấy lên ngai, rồi trở về Babylon với một nhóm người đi đày – trong đó có cả vị vua trẻ Jehoiachin. Đây là khởi đầu của cuộc Lưu Đày, và rõ ràng chỉ liên quan đến giới “thượng lưu của xã hội Giuđa” tức những kẻ có thể trực tiếp đe dọa đến sự cai trị của Babylon.
Zedekiah làm vua chư hầu trong 10 năm, nhưng suốt trong thời gian này ông đã nuôi tham vọng cai trị Giuđa như một quốc gia độc lập. Có lẽ hành động mạo hiểm ấy của ông đã được khích lệ do bởi những hứa hẹn giúp đỡ từ phía người Ai Cập, (như chúng ta có thể ghi nhận các ngôn sứ như Giêrêmia đã gay gắt tố cáo ý tưởng cho rằng Ai Cập sẽ cung cấp sự trợ giúp đáng tin cậy để vãn hồi nền độc lập). Khi Zedekiah ngừng triều cống người Babyon, thì hành động này của ông có ý nghĩa như một tuyên bố độc lập, và rồi chẳng bao lâu sau đó Nabucôdônôso một lần nữa kéo binh mã làm cuộc tây tiến để lập lại quyền kiểm soát. Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 587-576, sau một cuộc vây hãm kéo dài, và các con của Zedekiah bị hạ sát. Chính Zedekiah cũng bị tra tấn và bị đưa đi Babylon. Đền thờ bị tàn phá, các đồ đạc trong Đền Thờ bị “tịch thu và đem đi” cùng với phần lớn dân chúng. Cuộc lưu đày này có tầm vóc lớn hơn nhiều so với mười năm trước đó, và liên quan tới một con số rất đông đảo dân chúng. Con số người bị đi đày được ước lượng từ 20 ngàn tới 70 ngàn – rõ ràng đây là một tỉ lệ rất cao.
Cuộc “Lưu Đày Babylon” này là một trong những biến cố rất hệ trọng trong vận mệnh của dân Do Thái; nhưng nhóm người lưu đày đã sống còn và đã tái lập đức tin của họ. Khi rốt cục người Ba tư đánh bại Babylon vào năm 539, hoàng đế Kyrô đã cho phép người Do Thái trở về Palestine. Dù một nhóm khá đông những người Do Thái vẫn còn ở lại Babylon, song “những cuộc hồi hương” khác nhau của người Do Thái (như được mô tả trong Et-ra) đã cho phép tái lập lại đức tin, cộng đoàn, và ngay cả việc phụng tự Đền Thờ.
Chúng ta không biết nhiều về xã hội Giuđa thời hậu lưu đày. Chỉ có một vài cuốn sách được gán cho thời này, chẳng hạn sách Hacgai, Dacaria, Malaki, và Etra-Nêhêmia. Tình trạng thiếu thông tin này tiếp tục cho tới giai đoạn Hi Lạp (sau năm 333 trước công nguyên) là giai đoạn mà chúng ta lại bắt đầu có những nguồn văn chương/lịch sử như các sách ngụy thư (Apocryphal) và nhiều tác phẩm mạo thư (Pseudepigraphic) khác nhau. Điều mà chúng ta có thể giả đoán, đó là cộng đoàn Do Thái đã hình thành một căn tính và đức tin cộng đoàn mạnh mẽ duới sự lãnh đạo của các tư tế, là những người xuất hiện như những vị lãnh đạo chủ yếu thay cho vương triều Đavít. Niềm hy vọng về việc khôi phục một quân vương thuộc dòng tộc Đavít đã trở thành căn bản cho một thời đại trong tương lai; niềm hy vọng này đôi khi dấy lên những hoạt động có tính dân tộc chủ nghĩa nơi những người Do Thái ở Palestine. Nhưng vào thời này, nhiều người Do Thái vẫn đang sống trong một “Diaspora” (nghĩa là, tại những nơi không phải là Palestine/It-ra-en) trải rộng từ Ai Cập tới xa bên phía đông qua khỏi lãnh thổ Babylon và Ba tư . Đối với họ, đức tin không còn có nghĩa là sự tồn vong của đất nước, nhưng là căn tính thuộc chiều kích tinh thần cũng như sự đề kháng lại tình trạng đồng hóa về mặt văn hóa. Từ những cộng đoàn này chúng ta có những câu chuyện về những người Do Thái trung kiên sống ở nước ngoài, chẳng hạn Đanien và Esther.
Từ thời lưu đày cho đến thế kỷ 20, với chỉ một thời gian tương đối ngắn trước cuộc chiếm đóng của người Rôma vào năm 64 trước công nguyên, dân Do Thái vẫn phải lụy thuộc về chính trị và kinh tế vào những người không phải là Do Thái. Vì thế, Do Thái giáo và Kitô giáo là những tôn giáo có gốc rễ được tìm thấy nơi những con người “bị xâm lăng” về chính trị. Đức Giavê, một vị Thiên Chúa của những người nô lệ được giải phóng, vì thế trở thành vị Thiên Chúa của những người bất lực và là vị Thiên Chúa của sự phán xử đối với những kẻ áp bức, những người giàu có và những người nắm quyền lực.
Nếu chúng ta không quên rằng hầu như tất cả Thánh Kinh Do Thái đều được biên tập và sắp xếp (nếu như không phải được viết trọn vẹn) bởi một dân tộc bất lực về chính trị, thì các bài thánh ca của Thánh Kinh nói với một “Thiên Chúa của chinh chiến” sẽ – một cách nào đó – mang những âm hưởng khác. Những ý niệm như thế sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác (và không có tính Thánh Kinh) khi được những người nắm quyền lực trích dẫn nhằm phục vụ cho ích lợi của họ, hay khi được sử dụng để trang trí cho các đại sảnh của Ngũ Giác Đài – biểu tượng của quyền lực thế giới hiện đại. Còn ở đây, tất cả những nhận thức ấy lại đến với chúng ta từ các loại văn khác nhau trong Thánh Kinh Do Thái, mỗi loại đóng góp những nhãn giới riêng. Chúng ta hãy tìm hiểu vắn tắt một số trong các loại ấy và đồng thời tìm hiểu một số vấn đề bật lên từ việc nghiên cứu những cuốn sách này ngày nay.
CÁC SÁCH CỦA THÁNH KINH DO THÁI
Ngũ Thư Và Lịch Sử Đệ Nhị Luật:
Lịch Sử Và Luật
Lịch sử It-ra-en được tiêu biểu bởi nền luân lý rõ ràng của nó. Nếu quả thật rằng việc viết sử không bao giờ chỉ có nghĩa là mô tả các biến cố, thì thuật chép sử của Do Thái đúng là một minh họa tuyệt vời cho thấy lịch sử được viết ra với một động cơ và mục tiêu được xác định rõ ràng trong tâm trí.
Công việc chính của các nhà viết sử của It-ra-en cổ thời là minh họa sự nhận hiểu của họ về Thiên Chúa, và cách thế mà Thiên Chúa dính líu vào đời sống của họ. Nói tóm, nó là văn chương có tính tôn giáo chứ không phải là văn thư lưu trữ của triều đình hay những tập ghi chép biên niên về lịch sử. Nắm vững nhãn quan này, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những hiểu lầm không cần thiết. Chẳng hạn, việc nghiên cứu lịch sử ban sơ trong Sách Sáng Thế (chương 1-11) sẽ rất bổ ích nếu các sinh viên nhận ra rằng những câu chuyện này phải được đọc chủ yếu như là sự chỉ dẫn căn bản về triết học và tôn giáo, chứ không phải như là những chỉ nam “khoa học” về nguồn gốc của các loài. Như vậy, xem ra thái độ đúng đắn đối với các trình thuật về sáng tạo hay lụt hồng thủy trong Sách Sáng Thế phải là một sự trân trọng các bài học tôn giáo về trách nhiệm luân lý, về việc Thiên Chúa bênh vực người chính trực, về việc Thiên Chúa can dự vào và quan tâm đối với con người, và về sự cố chấp chống cưỡng của con người. Tham gia một đoàn thám hiểm để tìm kiếm “các mảnh còn lại của con tàu Nôe” trên ngọn núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó không phải là thái độ thích đáng nhất để hưởng ứng các bản văn Thánh Kinh, bởi vì làm như vậy là chúng ta bỏ qua sứ điệp cốt lõi của các bản văn ấy và làm cho chúng trở thành một cái gì đó không còn là chúng nữa. Các sinh viên hiện đại cần phải biết cách để đọc, để hiểu và để trân trọng Thánh Kinh Do Thái. Lịch sử thuở ban sơ cho chúng ta biết nhận thức của người Do Thái cổ thời về bản tính ngông cuồng của con người, về tình yêu và sự quan tâm bền bỉ của Thiên Chúa.
Lịch sử thuở ban sơ được nối tiếp bởi các câu chuyện về “các Tổ Phụ”của It-ra-en cổ: Abraham và Sara, Isaac và Rêbecca, Giacóp và các con trai, Giuse bên Ai Cập. Mới cách đây khoảng 30 – 50 năm, các học giả đã bắt đầu tin tưởng hơn vào sử tính của các câu chuyện các tổ phụ, nhưng những công trình gần đây trong lãnh vực khảo cổ và phân tích nguyên bản đã khơi lên mối băn khoăn rằng phải chăng bất cứ tư liệu nào trong Sách Sáng Thế cũng có thể được dùng để tái lập lại lịch sử cổ thời một cách khả dĩ có ý nghĩa. Dường như tốt nhất là nên coi Sách Sáng Thế như một câu chuyện với động cơ tôn giáo kể về nguồn gốc của dân Do Thái và về việc dân này phân bổ thành thành các “chi tộc” được đặt tên theo những nhân vật được nhắc đến trong các câu chuyện của Sách Sáng Thế (ví dụ, “mười hai chi tộc” ứng với mười hai người con trai của Giacóp). Sự việc này đã cung ứng một lịch sử thống nhất cho các dân tộc của Canaan trong khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 10 trước công nguyên – đây là những người đã cải giáo để phụng thờ Giavê. Các câu chuyện tổ phụ cũng nói lên mối quan tâm trung thành của Thiên Chúa, bất chấp những gãy đổ thường xuyên của con người như được ghi nhận trong các câu chuyện này.
Tuy nhiên, nét nổi bật của năm quyển đầu tiên trong bộ Thánh Kinh không phải ở chỗ đó là những bản văn viết sử mà là những bản văn ghi luật. Hầu như tất cả các luật tôn giáo, luật dân sự, và các nguyên tắc luân lý của It-ra-en cổ thời đều được hệ thống hóa nơi ba bộ sưu tập chứa đựng trong năm quyển sách đầu tiên. Bộ sưu tập xa xưa nhất được gọi là “Bộ Luật Giao Ước”, được tìm thấy trong Sách Xuât Hành (x. chương 19-24). Bộ sưu tập này được bổ sung ít nhất hai lần, bởi một bộ sưu tập chính thức về luật từ cuối thế kỷ 7 trong Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy – tên gọi này vốn có nghĩa là “bộ luật thứ hai”) và có tên là “Bộ Luật Đệ Nhị Luật”. Bộ sưu tập cuối cùng về luật bao gồm chủ yếu là các luật tư tế hay tôn giáo (mặc dù không phải là không pha phôi các luật khác). Bộ sưu tập này được thêm vào bởi các tư tế trong thời hậu lưu đày. Những luật này có thể được tìm thấy trong Xuất Hành 25 -31, nhưng cũng xuất hiện suốt trong Sách Lêvi nữa. Lớp cổ nhất của luật tư tế có lẽ là Lêvi 17-26 (được gọi là “Luật Thánh”, do bởi câu nói lặp đi lặp lại: “các ngươi hãy nên thánh…”), nhưng được chen vào bởi những luật có tính chú giải và bổ sung sau này trong sách Lêvi và Dân Số.
Sự nhắc lại thường xuyên các luật và các chủ đề về luật (ví dụ, sự kiện “Thập Giới” được gặp thấy hai lần) được giải thích bởi việc bổ sung sau này, trong đó các tư liệu luật của các giai đoạn khác nhau được thêm vào cho các bộ luật. Thật thú vị, việc bổ sung các bản văn như vậy cho phép các sinh viên hiện đại làm công việc đối chiếu, chẳng hạn như đối chiếu về tình trạng của phụ nữ và nô lệ trong luật của It-ra-en qua các thời khác nhau. Từ lâu, khi đối chiếu giữa Bộ Luật Giao Ước (Xh 21) với Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 15,12-18), các học giả đã ghi nhận “tính nhân đạo” ngày càng tăng đối với tình trạng của các nô lệ. Chẳng hạn, bộ luật sau qui định rõ những thứ phải cung ứng khi phóng thích nô lệ, và hơn nữa cấm việc giao trả các nô lệ đã trốn thoát về cho chủ (Đnl 23,16), vv… Có lẽ ấn tượng nhất là mối kỳ vọng có vẻ không tưởng về công bằng xã hội được đưa ra bởi các tư tế trong Lêvi 25, qui định rằng “Năm Toàn Xá” phải được cử hành để hoàn trả tất cả những thửa đất đã mua về cho các chủ nhân ban đầu, như vậy có thể phòng tránh sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách phân phối lại đất đai sau mỗi 50 năm! Ở It-ra-en cổ, rõ ràng luật vừa có tính chuẩn mực vừa có tính ứng dụng.
Các Ngôn Sứ
Thật rất tiếc rằng khi nói đến các ngôn sứ, người ta thường có khuynh hướng tập chú vào ý niệm rằng đó là những người “nói trước về tương lai”. Quả thật, hoạt động chính yếu của các ngôn sứ là (1) làm một sứ giả của Thiên Chúa, trao sứ điệp của Thiên Chúa cho người ta – giống như công việc của một sứ giả triều đình hay một giao liên, và (2) làm một “công tố viên” của Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa và nhân danh luật của Ngài để đưa ra những phán xử về các hành vi tội lỗi, và (3) làm cho người ta biết ý của Thiên Chúa, hoặc khi được thăm hỏi ý kiến về một điều gì đó cụ thể, hoặc khi tự ý phát biểu tại những diễn đàn công khai, chẳng hạn tại các cổng thành. Bất cứ ý tưởng nào về các biến cố tương lai cũng luôn luôn nằm trong bối cảnh ưu tiên là các hoạt động chính yếu kể trên. Lời của các ngôn sứ được nhắm đến cho chính thời của các ngài, và cho thấy rằng Thiên Chúa không ngừng can dự vào lịch sử. Nếu cho rằng các lời của các ngôn sứ nhắm đến một tương lai xa xăm nào đó, thì đó là chúng ta không chỉ tách các ngôn sứ ra khỏi lịch sử (qua đó ta đánh mất điểm chính yếu là Thiên Chúa can dự vào lịch sử của dân Ngài), mà còn tự đặt mình trước cái bẫy cố gắng “giải thích” lời ngôn sứ “cho thời hiện đại” như thể đó là các lời tiên tri bí ẩn. Thật vậy, nói theo ngôn ngữ của Mark Twain, người ta sợ lời của các ngôn sứ không phải vì chúng là những thông điệp bí ẩn khó hiểu về tương lai, nhưng bởi vì chúng được hiểu quá rõ và chúng nói về những biến cố thực tế trong đời sống của các vua chúa và dân chúng là những thính giả trực tiếp nghe các lời ấy.
Các ngôn sứ của It-ra-en cổ thời là những con người kỳ lạ và đầy lôi cuốn; người ta vừa sợ vừa kính nể các ngài. Rải rác trong 1 & 2 Samuen, dường như lời ngôn sứ có các nguồn gốc của chúng nơi những nhóm đặc sủng đi đây đi đó, phát biểu trong một tình trạng ám thị, giống như xuất thần (1Sm 10,9tt). Song, dần dần các ngôn sứ lớn đã được ghi nhận một cách cá nhân, các vị này sẽ tập hợp các truyền thống và những truyền thuyết – cũng như những nhóm môn đệ – xung quanh mình. Tiêu biểu nhất của sự phát triển này là các câu chuyện về Eâlia và Eâlisha trong Lịch Sử Đệ Nhị Luật (1V 17-21; 2V 2-13), và cả các Sách Isaia và Giêrêmia nữa.
Mỗi trong các vị ngôn sứ kể trên đều là một khuôn mặt độc đáo với một sự khác biệt thú vị trong nhãn quan, mặc dù đối với một số sách quá ngắn người ta không dễ xác định một nhãn quan dựa trên tư liệu quá ít ỏi (sách Obadiah chỉ dài có 21 câu; sách Nahum và Malaki chỉ có 3 chương). Có lẽ chúng ta có được các bản văn ngôn sứ là nhờ ở các môn đệ (hay trong trường hợp của sách Giêrêmia thì đó là nhờ một bạn đồng hành làm công việc của một ký lục) – các môn đệ này lặp đi lặp lại, tìm hiểu và chú giải các truyền thống của thầy mình.
Vị ngôn sứ đầu tiên mà chúng ta có các bản văn là Amốt. Ông là một con người có vẻ kỳ lạ; các lời tiên tri của ông chứa đựng phán quyết hết sức gay gắt nhắm đến nhiều quốc gia, chứ không chỉ nhắm đến It-ra-en và Giuđa mà thôi. Một số học giả tin rằng dăm câu cuối cùng – nêu lên một niềm hy vọng nào đó – chắc hẳn không phải là của Amốt!
Nguợc lại với Amốt, Hôsê sử dụng những hình ảnh thân mật và lãng mạn để nói về Thiên Chúa như người tình hay người cha của dân It-ra-en, qua đó diễn tả nỗi buồn của ông trước sự cứng đầu của It-ra-en (mà ông so sánh với hành vi ngoại tình hay hành vi hất hủi cha mẹ). Hôsê thậm chí đẩy sứ điệp của mình tới chỗ đặt cho các con của ông những cái tên có tính biểu tượng cho cơn giận của Thiên Chúa đối với dân Ngài (ví dụ, Lo-Ammi có nghĩa rằng “ngươi không phải là dân của Ta”).
Không lâu sau khi Hôsê và Amốt hoạt động ở phía bắc, các truyền thống vây quanh ngôn sứ Isaia đã xuất hiện ở phía nam. Sách Isaia là một điển hình về truyền thống có thể được khai mở bởi các ngôn sứ lớn và sau đó được tiếp tục. Vị ngôn sứ này hoạt động từ khoảng năm 740 trước công nguyên, và các lời của ông chủ yếu được ghi lại trong các chương 1-39 của Sách Isaia hiện nay. Trong khi đó, các chương 40-55 đến từ một vị ngôn sứ khuyết danh hoạt động vào khoảng cuối thời lưu đày ở Babylon (ước đoán như vậy bởi vì có những qui chiếu đến vua Kyrô của Ba tư , x. Is 45,1). Những nét tương đồng với các chương Isaia 1-39 đã làm cho các học giả nghĩ đến sự tồn tại của một “truyền thống” Isaia trong đó có vị ngôn sứ khuyết danh này.
Yếu tố thú vị nhất của vị ngôn sứ này – mà các học giả gọi là “Isaia Đệ Nhị” – là việc sử dụng hình ảnh “người tôi tớ đau khổ”. Hình ảnh này hầu chắc là một qui chiếu tập thể đến đám dân It-ra-en lưu đày, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến các Kitôhữu đầu tiên khi họ cố gắng tìm cách giải thích các biến cố và ý nghĩa của cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu (x. Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9 và 52,13-53,12). Như vậy, hình ảnh đau khổ vì sự công chính và về ân phúc nhận được do sự đau khổ ấy là một ý niệm tiên tri của Do Thái giáo chứ không chỉ là của Kitô giáo. Những chương cuối cùng, chương 56-66, thường được gọi là “Isaia Đệ Tam”, là những sưu tập các lời nói có lẽ bởi các môn đệ của Ngôn sứ Isaia Đệ Nhị. Đồng thời, dường như những niềm hy vọng hòa bình của sưu tập thứ ba này đã ảnh hưởng đến việc biên tập các bản văn của phần thứ nhất, như có thể nhận thấy ở các chương Isaia 2,4,9,11 và có lẽ ảnh hưởng đến nhãn quan hòa bình ấn tượng nhất trong toàn bộ Thánh Kinh: phần sau của Isaia 19.
Giêrêmia có liên quan trực tiếp đến bầu khí chính trị xung quanh cuộc cải cách Đệ Nhị Luật và cuộc sụp đổ của quốc gia phía nam rơi vào tay người Babylon. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất ở sự kiện ông xác tín cách lạ lùng rằng cuộc chinh phục của người Babylon là do ý Thiên Chúa muốn, và rằng vì thế dân Giuđa phải “gập cổ” vác lấy cái ách Babylon trong một thời gian. Rõ ràng Giêrêmia chia sẻ nhãn quan chung của trường phái Đệ Nhị Luật rằng các biến cố lưu đày là hình phạt do giai đoạn khước từ lề luật của Thiên Chúa trước đó. Sách Giêrêmia được biên soạn thành hai phần chính, phần những lời nói theo thể thi ca của chính Giêrêmia và những đoạn văn xuôi kể lại cuộc đời và thân thế của ông. Cả hai phần đều được thực hiện do Barúc, là ký lục và bạn đồng hành của Giêrêmia.
Êdêkien, đàng khác, hoạt động giữa đám dân lưu đày tại Babylon. Ông thường có những màn diễn đôi khi rất kỳ lạ trước công chúng để minh họa các sứ điệp tiên tri của ông. Mối quan tâm chính yếu của ông là sự lành mạnh tâm linh của những người dân lưu đày, nhưng ông cũng quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ của họ với đời sống tôn giáo mà họ đã bỏ lại sau lưng ở Palestine khi đi lưu đày.
Các sách ngôn sứ còn tiếp tục được viết ra trong cộng đoàn sau thời lưu đày. Chẳng hạn, Hácgai chủ yếu quan tâm đến việc phục hồi đời sống tôn giáo trong cộng đoàn hậu lưu đày, nhất là nhấn mạnh đến việc xây dựng lại Đền Thờ. Cũng vậy, Dacaria tập chú đến các vấn đề đức tin và thực hành trong cộng đoàn sau thời lưu đày.
Như vậy, các Sách ngôn sứ là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta hiểu biết tôn giáo Do Thái cổ thời, nhưng chúng ta không nên quên rằng các ngôn sứ cũng là những kẻ gây chống đối và bị loại bỏ. Các ngôn sứ, vì thế, được trân trọng bởi các thế hệ sau này nhiều hơn là bởi chính những người đương thời của các vị. Các ngôn sứ trở thành yếu tố quan trọng để nhận thức đức tin Do Thái, và đó là lý do vì sao người ta gìn giữ và tiếp tục tìm hiểu các sứ điệp của các ngôn sứ.
Văn Chương Khải Huyền
Và Mối Quan Hệ Của Nó Với Các Lời Ngôn Sứ
Một vấn đề lôi cuốn sự chú ý cả của các sinh viên lẫn học giả, đó là cuối cùng hoạt động ngôn sứ đi về đâu. Phải chăng các sấm ngôn cuối cùng cũng lụi tàn? Hay là nó tiến hóa thành một cái gì đó khác? Gần đây các học giả đã nghiên cứu những lý thuyết khác nhau nối kết những thay đổi trong hoạt động cuối thời ngôn sứ với sự xuất hiện của các thị kiến khải huyền.
Một cách đặc trưng, văn chương khải huyền chứa đựng sự mô tả về một (hay những) thị kiến có tính biểu tượng cao và có tầm vóc rộng. Các thị kiến thường được mô tả một cách đầy hình ảnh, thường với những chi tiết kỳ dị và được kèm theo bởi sự tường thuật của một thiên thần hay một nhân vật đáng kính nào đó. Văn chương khải huyền trở thành rất phổ biến vào giai đoạn của người Hi Lạp, và tiếp tục có ảnh hưởng cả nơi người Do Thái giáo lẫn các Kitôhữu sơ khai vào thời lệ thuộc Rôma. Mặc dù chúng ta chỉ có hai minh họa chính về nền văn chương khải huyền trong Thánh Kinh (Đn 7-12 trong Thánh Kinh Do Thái và Sách Khải Huyền trong Thánh Kinh Tân Ước), song nhiều ví dụ khác về các bản văn khải huyền phi Thánh Kinh của giai đoạn nói trên vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay. Dường như hoạt động ngôn sứ được thay thế bởi các nhà thị kiến khải huyền, đó là những người – bằng các thị kiến đầy tính biểu tượng – mô tả những điều liên quan đến cuộc phán xử đang xảy đến đối với các nhà cầm quyền áp bức và mô tả các biến cố của thời đại mình.
Văn chương khải huyền vẫn còn liên quan sâu sắc với các biến cố hiện nay. Qua việc mường tượng sự can thiệp của Thiên Chúa nhằm ủng hộ những người bị áp bức, các văn sĩ khải huyền Do Thái kêu gọi một hoạt động phản kháng lại nền văn hóa và sự cai trị của Hi Lạp và Rôma. Đặc biệt, các thị kiến của Đanien được gắn chặt với những câu chuyện về các nhân vật Do Thái tại các tòa án ngoại quốc. Những nhân vật này được làm chứng là đúng đắn trong sự kiên trung – hay nói cách khác: trong sự phản kháng – của mình. Thật vậy, sau ba tháng đọc Thánh Kinh trong một nhà tù ở Nam Phi, Mahatma Gandhi đã tuyên bố rằng Đanien là “một trong những người phản kháng vĩ đại nhất lịch sử bằng con đường phi bạo lực”. Vì thế, văn chương khải huyền minh họa một mối quan tâm chủ yếu của đức tin Do Thái thời hậu lưu đày, khẳng định đức tin và căn tính trong những tình cảnh bất lực hay thậm chí bị đàn áp.
Các Sách Khác
Phần chủ yếu cuối cùng của Thánh Kinh Do Thái là một phạm trù rộng bao hàm rất nhiều bản văn được xếp thành các nhóm. Thường được gọi là “Các Sách Khác”, phần này có các bản văn thi ca tôn giáo, các câu chuyện, và các bản văn thuộc nền văn chương khôn ngoan.
Thi ca
Phần thi ca tôn giáo lớn nhất trong Thánh Kinh là các Thánh Vịnh. Trong tư cách là văn chương đạo đức, các Thánh Vịnh đã được viết qua một giai đoạn dài trong lịch sử Do Thái. Thi ca Do Thái là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, người ta tranh cãi về vấn đề thi ca Do Thái có hay không có qui cách rõ ràng, và nếu không có một qui cách như vậy thì đâu là những yếu tố đặc trưng cho thể loại và cơ cấu của nó. Dù sao, cũng có thể khái quát được vài điều về thi ca Do Thái ngay cả qua bản văn Anh ngữ. Thi ca Do Thái, giống như thi ca Canaan, được đặc trưng bởi yếu tố song đối. Sự song đối chỉ có nghĩa rằng dòng thứ nhất của bài thơ (“A”) một cách nào đó được vọng lại nơi dòng thứ hai (“B”) và, đôi khi, cả nơi dòng thứ ba nữa (“C”). Người ta đã cố gắng phân biệt các loại song đối khác nhau, khi các phạm trù mô tả được tăng thêm. Nhưng giá trị của việc giải thích phức tạp như thế là điều còn bị đặt vấn đề. Đối với sinh viên ở giai đoạn nhập môn, chỉ cần chú ý đến mối liên hệ giữa dòng thứ hai (hay đôi khi dòng thứ ba) với dòng thứ nhất – để có một khái niệm về song đối.
Đối với nội dung của các Thánh Vịnh, cần ghi nhận rằng có nhiều loại Thánh Vịnh khác nhau liên quan với những chủ đề khác nhau. Thánh Vịnh 29 và các Thánh Vịnh khác cho thấy rất nhiều những nét tương đồng về văn chương và ngôn ngữ so với văn chương Canaan đến nỗi các học giả tin rằng có vẻ như đó là một bài thánh thi Canaan dâng lên thần Baal được vận dụng và thay đổi chút ít để trở thành một bài thánh thi dâng Đức Giavê. Các Thánh Vịnh khác có nguồn gốc nơi các nghi lễ phong vương và những cử hành mừng năm mới (Tv 72, 89, 2, 100). Các Thánh Vịnh khác nữa rõ ràng qui chiếu đến các biến cố lưu đày, cho thấy một gốc tích muộn hơn nhiều (Tv 126, 137).
Đa số các học giả tin rằng các Thánh Vịnh vốn là 5 bộ sưu tập khác nhau, được biên tập lại với nhau. Điều này sẽ không chỉ giải thích hiện tượng một Thánh Vịnh đôi khi được lặp lại, nhưng cũng giúp giải thích cả sự kiện rằng ở cuối mỗi trong năm quyển vốn được cho là rời nhau ấy đều có một vinh tụng ca được cách điệu hóa: “Amen, Amen” (x. phần kết của Tv 41, 72, 89, 106, 150).
Việc tìm hiểu các Thánh Vịnh – xét như một phần của việc tìm hiểu tôn giáo It-ra-en – có một khía cạnh dễ gây chán nản, đó là chúng ta chỉ có được một ý niệm mù mờ về cách thức mà việc phụng tự đã thực tế diễn ra tại It-ra-en cổ. Chẳng hạn, các học giả giả đoán rằng những sự thay đổi giữa ngôi thứ nhất số ít và số nhiều trong các Thánh Vịnh có thể cho thấy thể xướng đối trong phụng tự, hoặc giả các Thánh Vịnh ấy là những lời cầu nguyện cá nhân và chủ yếu được dùng bởi cá nhân; nhưng đây chỉ là giả đoán mà thôi. Rất tiếc, không có “sách nghi thức” mô tả phụng tự trong Đền Thờ cổ thời, và chúng ta chỉ có một chút ý niệm sơ sài về việc phụng tự trong Đền Thờ thứ hai. Tuy nhiên, có một điều thật rõ: việc áp dụng các Thánh Vịnh cho cả phụng tự tập thể lẫn cá nhân là đặc điểm nổi bật nhất của quyển sách này.
Văn Chương Khôn Ngoan
Văn chương khôn ngoan – gồm những sách như Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan không phải là nét độc đáo riêng của It-ra-en. Tại nhiều nơi ở Cận Đông cổ thời, chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ về những bộ sưu tập các câu nói khôn ngoan thường được viết như thể một vị cha già đang khuyên nhủ đứa con mình hay một vị thầy đang chỉ dạy học trò mình. Thật vậy, một phần của Sách Châm Ngôn, quyển chính yếu của chúng ta về nền văn chương khôn ngoan, được lấy trực tiếp từ văn chương khôn ngoan Ai Cập (Cn 22,17-24,12). Đây chắc hẳn do bởi các chủ đề chính của văn chương khôn ngoan: các mối quan hệ, khiếu giao tiếp, sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tiền bạc và sự cần kiệm, những mối nguy hiểm của việc ngoại tình hay việc ăn uống say sưa, sự cần thiết của việc thu thập thêm kiến thức,… là những vấn đề căn bản của con người. Thật vậy, người ta đã lập luận rằng văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, quả là một nền văn chương thế tục. Hầu chắc đó là văn chương phát xuất từ giới thượng lưu trong xã hội. Điều này càng được thấy rõ nơi cái nhìn của văn chương khôn ngoan về của cải như một dấu hiệu cho thấy sự chúc phúc của Thiên Chúa – trong khi đó văn chương ngôn sứ lại lên án giới giàu có như là những người không được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhưng nền văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, cũng là căn bản cho tư tưởng duy lý và nhất là cho cách suy nghĩ của khoa học.Văn chương khôn ngoan, chẳng hạn Sách Giảng Viên, cực lực chốâng lại niềm hy vọng trống rỗng hay chủ nghĩa duy tâm sai lầm, và nghiêng về cái thực tế vốn thường đáng buồn của thế giới khả giác này và của con người trong đó. Vì thế, thật đáng ghi nhận rằng văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Do Thái có lẽ cho thấy rằng tất cả suy tưởng của con người đều nằm trong thực tại đức tin. Nhưng văn chương khôn ngoan vẫn có lực kình chống nó ngay trong Thánh Kinh. Quyển sách Gióp thường được mô tả như là văn chương “phản khôn ngoan” bởi vì sự khôn ngoan không thể cung cấp các câu trả lời cho những vấn nạn nhức nhối của Gióp về lý do tại sao người công chính phải chịu đau khổ (cũng như sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta vẫn tiếp tục bế tắc trước vấn nạn này!).
Cuối cùng, có những câu chuyện nhỏ có ý nghĩa quan trọng trong Thánh Kinh, như Sách Eùt-te và Sách Giona. Mỗi trong những sách này thể hiện một loại văn chương Do Thái vốn cũng được nhận thấy trong các sách khác (Giuse trong Sách Sáng Thế, Đn 1-6), ngày nay chúng ta gọi là “những câu chuyện Diaspora”. Đây là những câu chuyện quan trọng phản ảnh hoàn cảnh của người Do Thái trong các cộng đoàn sau thời lưu đày ở Palestine và bên ngoài Palestine. Mục đích chính của chúng là dạy người ta trung thành với đức tin trong những giai đoạn khó khăn và lệ thuộc về chính trị.
Dĩ nhiên, còn có thể nói nhiều điều nữa về các sắc thái đa dạng của văn chương Thánh Kinh Do Thái. Chúng ta đã lược qua một số loại văn chương và các sách có tính tiêu biểu, và đã ghi nhận một số vấn đề nổi bật nhất liên quan tới mỗi loại. Nhưng việc nghiên cứu Thánh Kinh chỉ thật sự thú vị khi các sinh viên bắt đầu học các công cụ, các phương pháp và các kỹ năng phân tích để có thể tự mình đi vào khám phá bản văn. Chúng ta hãy xem xét một số hình thức căn bản phân tích Thánh Kinh Do Thái, đồng thời cũng ghi nhận các loại vấn đề cần phải được đặt ra.
NGHIÊN CỨU THÁNH KINH
Sau khi đã tìm hiểu ba phần chính của Thánh Kinh, chúng ta cần khảo sát một số vấn đề liên quan đến việc phân tích Thánh Kinh. Một ví dụ tốt về việc phân tích Thánh Kinh là việc tìm hiểu năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh, và lý thuyết được hình thành trong công cuộc nghiên cứu này gọi là “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”.
Giả Thuyết Theo Chứng Liệu
Đọc sách Sáng Thế, ngay cả những độc giả vô tình nhất cũng cảm thấy lúng túng bởi một loạt những hiện tượng văn chương thú vị. Chẳng hạn, có hai câu chuyện khác nhau về sáng tạo, đáng kể là sự khác biệt trong mô tả về thứ tự của tiến trình sáng tạo (cây cối, thú vật, rồi đến con người trong 1,1 – 2,4a; con người, cây cỏ, rồi đến thú vật trong 2,4b – 3, 24). Có những câu chuyện khác, chẳng hạn câu chuyện “Mối Đe Dọa Đối Với Vợ Của Tổ Phụ” được lặp lại không dưới ba lần trong bản văn (12,10-20; 20; 26,1-11), và những câu chuyện khác được kể hai lần (sự xua đuổi nàng Hagar trong chương 16 và một lần nữa ở chương 21). Hồi thế kỷ 18, các học giả đã chú ý đến tính không nhất quán giữa những cặp chuyện khác nhau này. Chẳng hạn, một trong hai bản của các câu chuyện được lặp lại sử dụng từ “Elohim” cho Thiên Chúa, trong khi bản kia cứ dùng từ “Yahweh”. Một trong hai bản sẽ trình bày Thiên Chúa có tính nhân cách hóa hơn (nghĩa là Thiên Chúa trong dạng một con người, Ngài đi lại và nói với con người), trong khi bản kia vẫn giữ một cái nhìn về Thiên Chúa uy linh, tách biệt khỏi con người và nói với con người từ trời hay từ trong những giấc mơ.
Những ghi nhận ấy đã dẫn tới “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”. Những đặc điểm căn bản của giả thuyết này thì khá đơn giản, và cho dù giả thuyết này thường xuyên bị chất vấn, nó vẫn là một cơ sở nền tảng để phân tích năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh.
Theo Giả Thuyết Theo Chứng Liệu, một sưu tập thuở ban đầu về luật và những truyền thống truyền khẩu được tập hợp lại vào thời Salômôn để cung cấp một căn bản lịch sử cho đường lối cai trị. Những hệ thống này, vốn nhất quán sử dụng tên “Yahweh”, đã hình thành một sưu tập mạch lạc các tư liệu từ khởi đầu sáng tạo cho tới thời quân chủ. Sưu tập ban đầu này được gọi là truyền thống “J”. Các học giả chuyên về “phê bình văn loại” cố gắng nhận ra và tách riêng những bản văn hay những mẩu chuyện nhỏ vốn có khả năng phát xuất từ truyền thống truyền khẩu. Có lẽ một ít dòng thơ ca, hay hình thức tiền văn tự của câu chuyện, có thể được nhận ra, và từ đây, chúng ta có thể xác định bằng cách nào truyền thống hay bản văn đó đã được sử dụng và trau chuốt qua thời gian. Chẳng hạn, khi chú ý kỹ đến các hình thức của truyền thống văn học dân gian, người ta có thể nhận thấy bằng cách nào một số câu chuyện về các tổ phụ, vốn nguyên thủy là những câu chuyện truyền khẩu, mãi sau này mới được các ký lục của Salômôn tập hợp lại trong sưu tập của họ. Hơn nữa, một ý niệm nào đó về hình thức nguyên thủy của chúng có thể cho chúng ta thấy cách mà các ký lục đã thay đổi những câu chuyện, hoặc cách mà họ sử dụng những truyền thống truyền khẩu thời trước cho các mục đích của họ.
Sau khi quốc gia quân chủ thống nhất bị phân chia (922 trước công nguyên), vương quốc phía bắc có lẽ lập lịch sử riêng cho mình, sử dụng từ “Eâlohim“ cho Thiên Chúa, và những tư liệu này vì thế được gọi tên là “E”. Một lần nữa, khoa phê bình văn loại có thể chỉ ra cho chúng ta “văn loại” của những tư liệu mà các văn sĩ “E” đưa vào bản văn, và họ nhắm mục đích gì qua bản văn của họ.
Rồi các văn liệu J và E được bổ sung thêm trong thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật (sau 640 trước công nguyên) bởi việc tăng cường quyển Đệ Nhị Luật (gọi là “D”). Hơn nữa, các nhà biên tập này đã viết một phần chú giải rộng rãi về lịch sử It-ra-en từ nhãn quan của các luật thuộc Đệ Nhị Luật. Lịch sử này được viết từ thời chinh phục (Giôsuê) cho đến thời lưu đày Babylon (cuối quyển 2 Các Vua), và quan tâm chủ yếu đến các bài học luân lý của Đệ Nhị Luật bằng cách minh họa các vua quái gở của It-ra-en và Giuđa – là những vị vua bướng bỉnh phớt lơ Lề Luật của Môsê.
Cuối cùng, trong và sau thời lưu đày, quyền lãnh đạo dân Do Thái chuyển từ độc quyền của hoàng gia thành một thể chế cai trị kết hợp giữa hoàng tộc và giới tư tế, để rồi rốt cục quyền cai trị chỉ thuộc về tư tế mà thôi. Trong thời này, giới lãnh đạo tư tế đã thực hiện một cuộc tập hợp và biên tập lần cuối cùng các tư liệu Thánh Kinh. Những tư liệu mà họ thêm vào năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh vì thế được đặt tên là “P”. Tư liệu P có thể được tìm thấy rải rác trong suốt năm quyển sách đầu tiên ấy, bắt đầu với câu chuyện sáng tạo thứ nhất (là câu chuyện mang đặc điểm của truyền thống tư tế, nêu bật tầm quan trọng của ngày Sabát, đến độ nói rằng Thiên Chúa “nghỉ ngơi”). Các biên tập viên “P” dường như muốn cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề và những chi tiết tôn giáo trong nhiều điểm khác nhau, và đưa thêm vào rất nhiều tư liệu cho Sách Lêvi và Sách Dân Số. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng hiện nay chúng ta đọc năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh trong tư cách là một đơn vị là do bởi công việc của các tư tế. Chẳng hạn, bằng cách tách Đệ Nhị Luật ra khỏi Giôsuê, các biên tập viên tư tế đã đặt Môsê (ở chỗ ngưỡng cửa bước vào Đất Hứa) vào cuối bộ sách sưu tập thánh thiêng nhất, tức bộ Torah này. Phải chăng những điều này là do ảnh hưởng của hoàn cảnh lưu đày, hoàn cảnh mà trong đó chính họ cũng sống niềm hy vọng được nhìn thấy Đất Hứa một lần nữa?
Ghi nhận một phác họa tổng quát như thế về Giả Thuyết Theo Chứng Liệu [(J + E + D) + P], chúng ta thấy rõ rằng bất cứ sự phân tích nghiêm chỉnh nào đối với bất cứ đoạn văn nào của Ngũ Thư , và thật ra là của sử gia Đệ Nhị Luật, thì cũng đều phải bắt đầu với một sự định vị xem đoạn văn ấy thuộc “nguồn” nào. Quá trình này gọi là “phê bình nguồn văn”.
Một khi chúng ta đã nhận ra “nguồn” của một bản văn, thật là thú vị việc xem thử bằng cách nào các biên tập viên đã kết hợp các nguồn lại với nhau. Hình thức phê bình này được gọi là phê bình “biên soạn” (redaction trong tiếng Đức). Hãy xem việc bổ sung câu chuyện sáng tạo thứ nhất (bởi các văn sĩ P) ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta đọc bản thứ hai bắt đầu từ 2,4b. Ta có thể nhận ra rằng bấy giờ câu chuyện thứ hai đóng vai trò như thể một chú giải cho câu chuyện thứ nhất, đến nỗi nhiều sinh viên – khi chưa xem xét kỹ lưỡng – thậm chí không hề nhận ra rằng đó là hai câu chuyện khác nhau!
Nghiên cứu Thánh Kinh là một công việc thích thú ở chỗ nó luôn luôn có tính mới mẻ, do bởi các câu hỏi mới không ngừng được nêu ra. Mới đây, các sinh viên và các học giả đã bắt đầu mượn các câu hỏi và các phương pháp từ các môn khác để áp dụng vào việc nghiên cứu Thánh Kinh. Chẳng hạn, phương pháp phân tích của khoa nhân học có thể giúp chúng ta hiểu cấu trúc tương tự hàm chứa trong các câu chuyện về các tổ phụ hay không? Nếu có, có lẽ chúng ta sẽ học biết thêm nhiều điều về những người đã viết ra các câu chuyện đó. Phương pháp phân tích của khoa xã hội học có thể giúp chúng ta hiểu về hệ thống kinh tế xã hội được giả định cho các câu chuyện tổ phụ hay không? (Đời sống du cư? Đổi chác hàng hóa hay mua bán bằng tiền tệ? Tài sản được tích lũy và được chuyển giao như thế nào?) Nếu có, chúng ta có thể thậm chí có được nhiều manh mối hơn để xác định thời gian mà những câu chuyện này được viết ra. Cuối cùng, những hình thức phê bình văn chương mới có thể giúp chúng ta hiểu hơn về kết cấu của những câu chuyện ấy hay không? Và trong tư cách là độc giả chúng ta sẽ cảm nhận gì về cách mà những câu chuyện ấy đã được viết? Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta sẽ càng có thêm lý do để trân trọng các văn sĩ ấy và các sứ điệp của họ.
Để bắt đầu việc nghiên cứu, các sinh viên cần có một bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Anh (12) tương đối mới và chính xác. Không nên dùng bất cứ bản dịch nào trước năm 1950 (ít nhất bởi vì sự kiện rằng các Cuộn Biển Chết được khám phá vào năm 1948). Tốt nhất là nên dùng một bản New American Bible (NAB) hay một bản New Revised Standard Version (NRSV) hoặc New Jerusalem Bible Study Edition. Bản New International Version cũng được, nhưng các sinh viên mới nhập môn nên tránh bất cứ bản quảng diễn Thánh Kinh nào, chẳng hạn bản Phillips, bản Living Bible, hay bản Good News Bible, vv…
Khi đọc qua một bản văn, các sinh viên nên chú ý sử dụng các từ điển Thánh Kinh để nắm chắc rằng một thuật ngữ Thánh Kinh có đúng ý nghĩa mà một độc giả hiện đại giả định. Sau khi mọi thuật ngữ đã được nhận hiểu, mọi nơi chốn đã được định vị trên bản đồ, thì điều quan trọng là bắt đầu phân tích bản văn. Công việc này sẽ đòi phải liên hệ đến nhiều sự chú giải hiện đại cho các sách khác nhau của Thánh Kinh. Các sinh viên sẽ tìm thấy rằng trong những chú giải này có nhiều phương pháp mà các học giả đã phát triển cho công việc phân tích một bản văn, mỗi phương pháp sẽ nêu những câu hỏi hơi khác nhau về bản văn. Với lòng kiên trì bền bỉ, những câu hỏi và những hình thức phân tích này sẽ trở nên vừa thích thú vừa đem lại nhiều ích lợi. Ở đây bật lên điểm cuối cùng trong công việc dẫn nhập của chúng ta vào Thánh Kinh Do Thái, đó là mối quan hệ của Thánh Kinh Do Thái với đời sống tôn giáo hiện đại.
Đức Tin
Và Thánh Kinh Do Thái
Câu hỏi cuối cùng cần xem xét: đâu là mối quan hệ giữa một bên là các vấn đề chú giải có tính lịch sử và phê bình đối với các sách khác nhau, và bên kia là ý nghĩa của Thánh Kinh Do Thái đối với đức tin thời hiện đại? Đây không hề là một câu hỏi dễ dàng, vì chỉ cần nghĩ thêm một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng việc nghiên cứu bản văn có thể không dính líu gì đến một thái độ dấn thân hay một định hướng đặc biệt nào về tôn giáo cả. Tuy nhiên, từ một quan điểm đức tin, ta sẽ thấy chính những phương pháp này có thể hữu ích cho việc xây dựng thần học hiện đại. Khả năng giải quyết những câu hỏi gay go được nêu lên bởi khoa phân tích phê bình là một dấu cho thấy một niềm tin trưởng thành vào Thiên Chúa, ngay cả dù nó có nghĩa rằng mình phải sống với những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, không nhất thiết phải tin vào một con người lịch sử có tên là Abraham để có được một đức tin sâu xa và vững vàng rằng Thiên Chúa không ngừng truyền đạt cho chúng ta qua các câu chuyện về Abraham. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu bản văn vẫn là việc rất quan trọng.
Một thần học đích thực Kitô giáo không thể được xây dựng tách rời khỏi việc lắng nghe kỹ lưỡng những bản văn này. Thánh Kinh Do Thái vẫn là nguồn chủ yếu cho đức tin của con người hiện đại, và các Kitôhữu hiện đại có thể bắt đầu xây dựng thần học của riêng mình bằng cách nghiêm túc tham chiếu đến vị Thiên Chúa đã giải phóng các nô lệ, lật đổ các vua chúa, ngỏ lời qua các ngôn sứ, và hành động trong lịch sử.
Cuối cùng, vì quả thật việc phân tích Thánh Kinh cách nghiêm túc sẽ thay đổi bản chất đức tin của bất cứ sinh viên nào, nên có lẽ đây là lý do thuyết phục nhất mời gọi tất cả chúng ta bắt đầu tìm hiểu Thánh Kinh một cách nghiêm chỉnh. Sự cố gắng của chúng ta có thể giúp chúng ta nhận ra rằng những lời ấy không bỏ mặc một mình chúng ta loay hoay, và cùng với ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta sẽ thú nhận:
Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.””
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn… (Gr 20).

DO THÁI: HÀNH TRÌNH CỦA MỘT DÂN TỘC

DO THÁI: HÀNH TRÌNH CỦA MỘT DÂN TỘC
Nguyễn Ước

Chúa là mục tử tôi, tôi không mong muốn gì hơn,
Ngài khiến tôi nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh,
Ngài dẫn tôi đi bên mặt nước yên tĩnh
Ngài khôi phục linh hồn tôi

Ngài dẫn tôi đi trên đường công chính vì danh ngài

Dù có bước qua thung lũng bóng tối sự chết
tôi cũng không sợ cái ác vì ngài đang ở với tôi.


Những câu thơ ấy trong một bài Thánh vịnh của David cách đây ba ngàn năm đã đi theo dân tộc Do Thái khắp mọi nẻo đường thế giới. Chúng được cất lên trong nhà riêng, nơi hội đường, trên đồng cỏ, trong tiếng gươm dáo chiến trận hay hoan ca lễ hội, trong các đợt bị bách hại và giữa các trại tập trung chết chóc nhất. Chúng là niềm trông cậy, nỗi hy vọng và sức mạnh tâm linh, cốt lõi của một dân tộc lưu lạc.
Cuộc hành trình của dân tộc Do Thái phải chăng cũng biểu tượng cho cuộc lữ hành của loài người nơi trần thế, với những kiên định và dao động, trí tuệ và vô minh, thuần khiết và pha tạp, thực tiễn và thăng hoa, ngã gục và hồi phục, v.v. tới độ khó có thể trả lời câu hỏi ai quả thật là người Do Thái, cũng như kẻ nào quả thật là con người chân chính.

Giao ước với Abraham

Trận lụt Đại hồng thủy vừa dứt. Đất đai vừa khô ráo. Con thuyền Noah hạ xuống trên đỉnh núi Ararat với ba người con trai của ông, trong đó có Sem, kẻ sau này đứng đầu chủng tộc Semite bao gồm Do Thái, A Rập, Assyria, Phoenicia. Abraham là hậu duệ trực hệ đời thứ mười tính từ Noah, qua Sem, với tên nguyên thủy là Abram. Ông sống vào khoảng 4.000 trước đây.
Từ Ur, một thành phố ở gần tháp Baben và thờ nữ thần mặt trăng Nanna, (ngày nay thuộc lãnh thổ Iraq), Abram với vợ là Sarah theo thân phụ là Terah với em là Nahor, đi dọc theo sông Euphrates, dự tính vào Canaan nhưng rồi lại trở qua phương bắc, định cư ở một nơi có tên là Haran trong khu vực Padan-aram. Tại đây, năm 75 tuổi, Abram nghe tiếng Thượng đế gọi mình: "Này Abram, hãy đi khỏi xứ này, khỏi họ hàng của ngươi và nhà của cha ngươi. Hãy tới một vùng đất sẽ được ta chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và làm cho tên của ngươi trở thành lớn lao. Qua ngươi, hết thảy các dân tộc trên thế gian sẽ được chúc phúc".
Không chút ngần ngại, Abram lại mang theo vợ Sarah và cháu trai Lot cùng toàn thể gia nhân và súc vật lên đường đi Canaan, một vùng đất từ bờ sông Jordan tới biển Địa trung hải. Theo Kinh thánh, đó là một vùng đất đầy sữa và mật ong. Ngày nay, nhìn qua phim ảnh và so sánh với đất đai màu mỡ của Việt Nam, ta chỉ thấy miền đất hứa ấy phần nhiều là đồng khô cỏ cháy, hoang mạc với các bụi lùm thưa thớt chỉ cao ngang đầu gối, ít cây cao bóng cả và thiếu các nguồn nước. Nhưng có lẽ đối với dân du mục, thì đây là vùng đất phì nhiêu bát ngát! Hoặc giả, với điều kiện sinh thái của bốn ngàn năm trước, đây từng là vùng đất tốt tươi như thế.
Tới năm Abram 90 tuổi, Thượng đế còn nói với ông thêm lần nữa: "Ta là Thiên Chúa toàn năng, và ta lập giao ước với ngươi. Ngươi là kẻ trung thành và hết sức phục vụ ta; và ngươi sẽ là cha của nhiều dân tộc. Từ con cái của ngươi và của con cái ngươi sẽ xuất hiện những người vĩ đại và những vua vĩ đại, và hết thảy đất Canaan sẽ mãi mãi là của chúng." Cùng với giao ước đó, Thượng đế đưa ra một dấu hiệu: các con trai trong dòng tộc Abraham phải chịu cắt da qui đầu, tức phép cắt bì, tám ngày sau khi chào đời, như một cách tỏ cho thấy bản thân chúng chấp nhận giao kèo.
Kể từ lúc đó, Abram (người cha tôn quí), mang tên mới là Abraham (người cha của hằng hà sa số), tuyệt đối đi theo Đấng Thiêng liêng. Ngài là Thượng đế duy nhất, độc nhất, tối cao và đại đồng. Một Thượng đế tạo dựng vạn vật và chúa tể vũ trụ. Ngài là khởi nguyên và cùng đích của lịch sử. Trong cuộc sáng tạo đang tiếp diễn ngày càng tốt đẹp do ngài và vì ngài, mọi sự phát xuất từ ngài và trở về trong ngài. Ngài là tác nhân và điều hướng mọi biến cố. Một Thượng đế rất nghiêm khắc khi con người bất tuân lời ngài và rất nhân từ khi con người vâng theo mệnh lệnh ngài.
Bước đầu tiên Thượng đế thể hiện giao ước là ban cho Abraham đứa con trai dòng chính là Isaac khi Sarah đã 90 tuổi và Abraham 100 tuổi. Trước đó, ngài còn ban cho Abraham một đứa con trai với nữ tì Ai Cập Haggar, tên là Ishmael. Về sau Haggar không chịu nổi sự hà khắc của Sarah nên bồng con ra ở vùng sa mạc, và Ishmael trở thành tổ phụ của người A Rập mạnh bạo kiên cường.

Ý nghĩa của giao ước

Thời cổ đại, tại Lưỡng hà địa (Mesopotamia), có nhiều tín ngưỡng của con người, tin vào các thần linh mang tính thiên nhiên như mưa gió sấm sét tinh tú hay phồn thực của mùa màng và sinh nở, mang hình thức bái lạy ngẫu tượng. Bên cạnh đó còn có những người có niềm tin độc thần, nhưng đối với Abraham, ông xem tín ngưỡng mình đang theo không phải là tôn giáo của con người lập nên, mà là tôn giáo của Thượng đế ban cho. Thượng đế của Abraham và giao ước của ngài đưa ra cho ông có tính độc nhất vô nhị, và nó hình thành tư duy trong suốt lịch sử mấy nghìn năm sau đó của những người xem ông là tổ phụ. Ba đặc điểm đó là:
1Phẩm cách của con người.  Nếu Thượng đế tự nguyện tiến hành giao ước này với loài người thì chắc chắn ngài đánh giá loài người rất cao. Thái độ này được biểu lộ trong câu chuyện Abraham đương đầu với dự tính của Thượng đế qua lời tuyên bố của thiên sứ về dự tính hủy diệt thành phố bại hoại Sodom. Khi Abraham lập luận rằng không phải mọi người ở Sodom đều xấu xa, Thượng đế lắng nghe, như thế rõ ràng ngài đánh giá cao dân ngài đã chọn.
2. Trung thành với giao ước. Dân Israel sắp duy trì lòng trung thành tuyệt đối với giao ước. Thượng đế ra lệnh cho Abraham hiến tế con trai Isaac của ông để làm của lễ. Ông chấp hành không chút thắc mắc. Nhưng đúng phút giây ông khai đao, lấy tính mạng đứa con yêu dấu của mình thì vang lên tiếng từ trời cao bảo dừng tay, và xuất hiện con cừu đực chưa thiến trong bụi cây gần đó, để ông tiến dâng thay vào. Lòng tựï nguyện của Abraham dâng lên Thượng đế núm ruột ông yêu quí nhất là một kiểu mẫu của lòng trung thành triệt để mà dân Israel sẽ liều chết noi theo.
3. Thượng đế sắp đặt các biến cố. Thượng đế cho thấy và lặp đi lặp lại nhiều lần việc ngài là đấng hình thành và sắp xếp các biến cố để bảo đảm sự liên tục của dân ngài chọn và để hoàn thành các mục đích của ngài. Thí dụ Thượng đế bảo vệ Josef, con trai của Jacob, bị anh em đem bán sang làm nô lệ ở Ai Cập. Cuối cùng, ngài nâng Josef lên địa vịï cao trọng để ông có khả năng cứu vớt toàn gia đình mình, đầu nguồn của 12 bộ tộc Hebrew.

Tổ phụ Abraham

Thời Abraham, dân Israel chỉ mới được gọi là Hebrew (Híp-ri), nhưng sau Adam, ông được xem là Đại tổ phụ, vì ít nhất bốn lý do. Thứ nhất, ông trực tiếp nhận được giao ước của Thượng đế cho con người, như một định mệnh được an bài cho dòng họ ông sau này thành dân tộc Israel, hiểu như đại biểu cho loài người. Thứ đến, với giao ước đó, ông và hậu duệ có quan hệ rất riêng tư với Thượng đế. Thứ ba, lòng tin tưởng Thượng đế của ông tuyệt đối, qua việc ông không ngần ngại hiến tế đứa con thừa tự độc nhất là Isaac theo yêu cầu của ngài. Thứ tư, lòng yêu thương loài người của ông vô bờ bến khi ông tha thiết và buồn bã cầu khẩn Thượng đế đừng trừng phat hai thành Sodom và Gomorrah. Bốn đặc tính đó đem lại địa vị Tổ phụ cho Abraham trong Do Thái giáo, Kitô giáo và cả trong đạo Islam (Hồi giáo) với tên gọi trong Thiên kinh Qur'an là Ibrahim.

Cuộc lưu đày ở Ai Cập

Sau Isaac, Abraham còn có sáu người con trai khác nhưng giao ước của Thượng đế chỉ với dòng tộc của Isaac. Sau khi cha qua đời lúc 175 tuổi, Isaac sinh đôi Esau và Jacob, nhưng rồi quyền trưởng nam về tay Jacob. Trải qua một đêm Jacob vật lộn với một người lạ, và kế đó, chính kẻ lạ ấy - hình bóng của Thượng đế - chúc phúc và đặt cho ông cái tên Israel, có nghĩa là "Kẻ chiến đấu với Thượng đế". Và kể từ ông, người Hebrew được gọi là dân Israel. Jacob sinh được mười hai con trai, trong đó có đứa con áp út là Josef, như có đề cập ở trên, lưu lạc sang Ai Cập rồi làm tể tướng.
Đất Ai Cập với phù sa sông Nil là vựa lúa của vùng Điạ trung hải và là nơi các dân tộc quanh đó tìm đến khi gặp đói kém, hoạn nạn. Đối với gia tộc Israel cũng thế, gặp lúc đất Canaan mất mùa, thiếu ăn, toàn thể gia tộc kéo sang Ai Cập, với nhân số khoảng 70 người tính luôn cả cha già Jacob, dưới sự bảo trợ của Josef, rồi ở lại theo lời mời của Pharaoh. Trong các tộc trưởng đó, ngoài Josef, mười một người con trai còn lại là Reuven, Simon, Levi, Yhuda, Yissahar, Zevulem, Dan, Gad, Naftali, Asher và Benjamin.
Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ một đôi vụ mùa, đâu ngờ kéo dài tới 400 năm. Mười hai anh em thành 12 chi tộc sống ở Goshen, vùng đất phì nhiêu của Ai Cập, thuận tiện cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng thời thế đổi thay, từ 70 người di dân nay phát triển thành hàng trăm ngàn người, quá đông đúc gây thành mối lo ngại nội tại cho người Ai Cập. Về sau, các Pharaoh ngày càng ngược đãi người Israel, bằng nhiều hình thức, bắt họ làm thợ xây cất đền đài cung điện dưới sự đốc công của người Ai Cập, và độc ác nhất là ra lệnh giết con trai vừa lọt lòng của họ để kềm hãm đà gia tăng dân số Israel.
Một bé trai mới lọt lòng từ chi tộc Levi được một công chúa Ai Cập cứu thoát trong thúng điên điển do mẹ nó thả bên bờ sông Nil, có tên là Moses. Hoàng tử Moses lớn lên nơi hoàng cung và dĩ nhiên được giáo dục chu đáo. Trong một lần ông ra ngoài dạo chơi, vì cứu một phu xây dựng người Do Thái nên lỡ tay giết chết tên đốc công Ai Cập. Trở lại làm người Israel và trong khi trốn ở hoang mạc xa ngút ngàn, làm kẻ chăn cừu, Moses nhận được lệnh của Thượng đế phải quay về Ai Cập giải thoát dân Israel đang bị câu thúc. Ông vâng lời. Trong thời gian Moses thuyết phục Pharaoh để cho dân ông lên đường, Thượng đế giáng mười tai hoạ xuống dân Ai Cập mà cái sau cùng là giết chết trưởng nam cũng như những con vật đầu lòng của người Ai Cập, Pharaoh mới chịu để cho dân Israel ra đi. Biến cố vượt thoát ly kỳ này được ghi lại trong Kinh thánh (sách Vượt qua), mang người Israel trực chỉ miền đất Canaan mà Thượng đế đã hứa cho họ từ thời Abraham.

Bốn mươi năm trong hoang mạc

Cuộc lên đường gay cấn của bốn chục vạn người diễn ra trong khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên. Ngày nay, nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy thay vì đi thẳng, đoàn người Israel đã đánh một vòng quanh hoang mạc rồi quanh lui quẩn tới mất đến 40 năm. Thượng đế đích thân hướng dẫn họ khi đi, khi dừng lại, bằng cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm. Sự giáng lâm hữu hình Shekinah ấy còn ở Nơi Cực thánh trong Lều Trướng mà mỗi khi cần thiết, Moses có thể trò chuyện trực tiếp tuy không thấy mặt ngài. Như vậy, lãnh đạo là đích thân Thượng đế, còn Moses chỉ là kẻ điều động.
Bốn mươi năm hành trình là thời kỳ tôi luyện dân Israel. Làm sao một dân tộc quen sống trong cảnh sung túc rồi nô lệ hàng trăm năm có đủ tính cách và bản lãnh để có thể chinh phục vùng đất trước mặt và xây dựng một quốc gia hùng mạnh trong tương lai. Làm sao lời giao ước của Thượng đế, vốn thuần túy là những hứa hẹn, được pháp chế hóa thành luật lệ và thiêng liêng hóa trong ràng buộc mang tính tôn giáo. Để có khả năng tiếp nhận miền đất hứa và xứng đáng làm người chủ của nó, dân Israel phải trải qua cuộc thanh tẩy trong đạo đức cùng thao luyện trong gian khổ. Quả thật, tường trình về chuyến băng ngang sa mạc ghi nhận đầy đủ những tin tưởng và phản bội, trông cậy và sa ngã, chiến đấu và thất bại, v.v. Đối với một số học giả, đó là lời giải thích cho cuộc đi vòng quanh và lẩn quẩn quá dài ngày mà thoạt trông tưởng là lạc lối.

Giao ước với toàn thể dân tộc

Trước đây, Thượng đế giao ước riêng với Abraham còn lần này, ngài giao ước với toàn thể dân tộc Israel qua những lần Moses lên đỉnh núi Sinai để trực tiếp gặp ngài. Từ đỉnh núi trở xuống, Moses chuyển giao cho dân tộc Israel các huấn thị của Thượng đế. Thượng đế lúc này tỏ lộ danh xưng là YHWH, nghĩa là "Ta là kẻ ta là", gọi là Gia-vê (có nơi phiên âm lầm thành Giê-hô-va), vì việc kêu lên Thánh Danh ngài là điều cấm ky nên có thể gọi ngài là Elohim, Thiên Chúa, Thượng đế, v.v. Còn về khuôn mặt thì không một ai thấy ngài mà sống sót, thậm chí cả Moses cũng chỉ thấy được bóng lưng ngài. Và đặc điểm của giao ước lần này cũng rất cụ thể, đó là chừng nào dân ngài chọn còn vâng lời ngài, chừng đó nó còn được ngài che chở. Ngài còn nói rõ, ta là Thượng đế của các ngươi, đấng Thượng đế ghen tương.
Trong lần tái xác nhận và giao ước với Israel này, Thượng đế truyền Mười giới răn, khắc sẵn trong hai tấm bia đá và trao cho Moses. Có thể rút gọn chúng như sau:
1. Ta là Thiên Chúa của các ngươi, đấng mang các ngươi ra khỏi Ai Cập,
và ra khỏi cảnh câu thúc;
2. Ngươi sẽ không có các thần nào khác ngoài ta ra;
3. Ngươi không được vô cớ kêu tên của Thiên Chúa;
4. Hãy nhớ ngày Sabbath và giữ nó làm ngày lễ nghỉ;
5. Ngươi hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi;
6. Ngươi sẽ không giết người;
7. Ngươi sẽ không phạm tội ngoại tình;
8. Ngươi sẽ không ăn cắp;
9. Ngươi sẽ không làm chứng gian dối chống lại người bên cạnh;
10. Ngươi sẽ không tham muốn vợ của người bên cạnh
hay bất cứ cái gì khác của người bên cạnh.
Cùng với Mười giới răn là vô số huấn thị khác của Thượng đế, làm thành bộ kinh Torah (gồm năm cuốn đầu của Kinh thánh, gọi là Ngũ kinh, Pentateuch) mà người Do Thái tin rằng tác giả của nó là Moses; ông nhận được từ Thượng đế qua ngôn từ trực tiếp và khải thị thiêng liêng. Ngoại trừ phần tường tình về Sáng thế, bộ kinh Torah đưa ra qui định lề luật từ việc nhỏ nhất về vệ sinh thân thể tới cúng tế, từ hôn nhân tới ăn uống kiêng khem (kosher), các lễ lạc từ ngày Sabbath hàng tuần tới các ngày lễ trọng thể và bán trọng thể quanh năm, v.v
Tất cả gồm 613 giới luật với chỉ dẫn chi tiết về cách phải làm và cách không được làm. 613 giới luật đó bao gồm 248 phát biểu tích cực về cách phải làm tương ứng với 248 bộ phận của thân thể. Và 365 lời phát biểu về không nên làm, tương ứng với 365 ngày một năm theo lịch Do Thái trên cơ sở âm lịch. Vậng lời Thượng đế tức là tuân giữ lề luật của ngài. Người Do Thái còn tin rằng bên cạnh kinh Torah được Moses công khai truyền cho dân Israel, còn có kinh Torah được Moses truyền riêng cho các đệ tử thân tín, và đó chính là phần huyền học, hay gọi bí pháp Kabbalah.

Thượng đế, kinh Torah và Israel

Kể từ đó, Thượng đế, kinh Torah và Israel là ba thành tố bất phân ly trong đời sống của người Do Thái.
Trên đường lữ thứ nơi hoang mạc, cứ mỗi thời kỳ dừng chân, dân Israel dựng Lều Trướng. Tại Nơi Cực thánh, họ đặt Hòm Giao ước trong đó đựng hai bia đá ghi Mười giới răn. Lều Trướng bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, chung quanh là lều trại của 12 bộ tộc. Thượng đế hiện thân thành Shekinah, trong đám mây, cột lửa dẫn đường đi hay dừng, và quầng sáng trên Lều Trướng. Trên đường đoàn người tìm lại miền đất hứa, Thượng đế ban thức ăn, nước uống, thẳng tay trừng trị khi có người phạm tội hay khi dân chúng dao động, đồng thời phù hộ khi phải giao chiến với các bộ tộc bản địa thù nghịch.
Lều Trướng là tiền thân của Đền thánh Jerusalem mà sau này, Thượng đế cũng ngự ở Nơi Cực thánh, căn phòng nội điện mà mỗi năm thượng tế chỉ được vào một lần và chỉ được gọi Thánh Danh ngài một lần. Hai ngàn năm sau, khi định chế hội đường thành tâm điểm của sinh hoạt cộng đoàn Do Thái giáo, hội đường nào cũng có một Hòm thánh trong đó đựng cuộn kinh Torah viết trên giấy da. Và tuần nào cũng lấy ra đọc một trích đoạn cho cộng đoàn nghe trong ngày Sabbath.

Vào miền đất hứa

Suốt bốn mươi năm ấy, không phải đoàn người lữ thứ hoàn toàn quanh quẩn mịt mù trong sa mạc. Đã có lần họ tới được bên rìa miền đất hứa Canaan, nhìn thấy nó, và Moses cử một đoàn thám sát vào thăm dò nó. Nhưng lần đó, dân Israel mới chỉ như con người thoáng thấy chân lý rồi lại bị trôi giạt giữa dòng đời. Sau những gian nan khi tiến khi lùi gần như bất tận, đoàn người lên tới khoảng sáu chục vạn người và chuyển sang một thế hệ mới, với não trạng mới và tính cách mới. Họ trở nên kỷ luật hơn, thiện chiến hơn, đạo đức hơn, và chỉ thế hệ mới này mới đủ tiêu chuẩn vào miền đất hứa. Thậm chí bản thân Moses cũng chỉ được lên núi cao đưa mắt nhìn nó trước khi nhục thể phải nằm lại tại Moab, dưới một nấm mồ không bia mộ ở thung lũng giáp ranh với Canaan.
Mang theo Lều Trướng và Hòm bia Giao ước trong đó đựng Mười giới răn, và mang theo lời truyền khẩu về Lề luật mà ba trăm năm sau ghi lại thành bộ kinh Torah, đoàn người vượt sông Jordan vào vùng đất hứa Canaan. Trong khi vùng đất chung quanh có vua chúa, thờ phượng nhiều thần linh bản địa bằng ngẫu tượng, theo tôn giáo tự nhiên, thì chỉ một mình dân Israel thờ phượng Thượng đế, biến niềm tin thành giới luật và thoát ra ngoài sự sùng bái quỉ thần, mê tín dị đoan.
Miền đất hứa ấy được chia vùng cho 12 bộ tộc sinh sống, còn Lều Trướng với Hòm bia Giao ước đặt tại Shiloh. Từ khoảng năm 1200 cho tới năm 1047, các bộ tộc Israel sống canh nông và chăn nuôi, không có chính quyền trung ường và được phân xử bởi các thủ lãnh, còn gọi là thẩm phán. Thủ lãnh là người được lấy từ các kỳ mục vị vọng, có trách nhiệm đặc biệt phân xử về đất đai, hôn nhân và các sự việc liên quan tới lề luật. Đồng thời, họ còn lãnh đạo những cuộc hành quân phối hợp giữa các bộ tộc trong những trận đánh với các dân tộc chung quanh, đặc biệt với quân Philistine, tiền thân của người Palestine sau này. Người sau cùng và nổi tiếng nhất là thủ lãnh Samson, thuộc bộ tộc Dan, nhà dũng sĩ vô địch đã dùng cái chết để chuộc tội sa ngã nữ sắc của mình. Thời kỳ này được ghi lại trong sách Thủ lãnh (còn được dịch sang tiếng Việt là Thẩm phán).

Thời kỳ của hoàng đế

Tình trạng tranh chấp và chia rẽ giữa các bộ tộc cùng với xung đột với các dân tộc bản địa chung quanh dần dà vượt ngoài tầm giải quyết của thủ lãnh. Đã tới lúc người Israel đòi phải có vua, bất chấp lời cảnh cáo của Thượng tế và Ngôn sứ Samuel về một tương lai sẽ đánh mất quyền làm chủ sinh mạng và của cải vào tay đức vua, đồng thời sẽ than khóc vì mình đã chọn loại thủ lãnh đó. Cuối cùng Thượng đế đành để cho Samuel chọn Saul, người thuộc bộ tộc Benjamin lên làm vua.
Saul là một hoàng đế dũng mãnh, bảo vệ được dân chúng và đặt nền móng cho công cuộc lập quốc. Nhưng quyền lực trần thế biến ông thành người điên loạn. Ông hãm hại kẻ trung lương là David, ân nhân của ông và cũng là người được thiên định kế vị ông. Cực điểm hư hoại của Saul là đánh mất niềm tin vào Thượng đế, vi phạm điều ngài cấm triệt để bằng việc nhờ đồng bóng triệu hồn Samuel để ông hỏi về hậu vận của mình. Cuối cùng, Saul tự sát ngoài chiến trường khi phải đối đầu với quân Philistine. Saul làm vua từ năm 1047 tới 1010 trước CN.
Kế tục Saul là David, thuộc bộ tộc Judah và xuất thân mục đồng, là vị vua vĩ đại nhất lịch sử Israel. Qua David, Thượng đế hoàn thành lời hứa với Abraham, biến Israel thành một dân tộc vĩ đại. Làm vua Judah năm 1010 và hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước Israel năm 1.003, David là vị vua anh hùng, mở đầu cho Nhà David với Ngôi sao David biểu tượng cho dân tộc Do Thái, gồm hai hình tam giác đều đặt ngược nhau và đồng tâm; nối các điểm tiếp giáp thì sẽ cùng với các mũi nhọn làm thành 12 tam giác nhỏ, tiêu biểu cho 12 bộ tộc. Thêm nữa, David được qui là tác giả của sách Thánh vịnh, dùng làm cốt lõi cho kinh nguyện Do Thái giáo suốt mấy ngàn năm nay. Đặt Zadok làm Thượng tế, nhà vua bắt đầu chuẩn bị xây đựng Đền thờ Jerusalem, thay thế Lều Trướng để làm tâm điểm cho Do Thái giáo và biến kinh đô Jerusalem thành Thánh thánh của dân tộc hay còn gọi là Thành David.
David qua đời năm 970 trước CN, nối ngôi là hoàng tử Solomon, kẻ tiêu biểu cho minh triết Israel và được Thượng đế ban cho đầy đủ khôn ngoan. Thời đại Salomon thịnh trị, thu phục được lòng tin của lân bang, mở rộng ngoại thương tới các xứ xa. Về mặt kinh điển, kinh Torah được ghi thành văn bản dưới triều Solomon. Về mặt cơ sở phụng vụ, Solomon nối tiếp ý nguyện của phụ hoàng, năm 960 khởi công xây lên Đền thờ Jerusalem, và rồi nó được xem là kỳ quan đệ nhất của thế giới thuở đó.
Đền thờ Jerusalem là một quần thể mà tòa nhà chính dài khoảng 28 thước, rộng 9 thước, cao 13 thước với các cột đồng khổng lồ được trang trí tinh xảo bằng hoa văn cây thạch lựu và hoa huệ; những hành lang cao và rộng bọc quanh toà nhà chính; các bức tường khổng lồ bằng gỗ cây bách hương hùng vĩ của Lebanon, tất cả đều dát vàng lóng lánh. Cây bách hương không có mắt gỗ, không bị mọt và không mục, thường được nói đến trong Kinh thánh, là loại gỗ xây dựng tốt nhất.
Tòa nhà lộng lẫy ấy, nơi thờ tự đầu tiên của một dân tộc du mục đã chuyển qua lối sống định cư mang lại uy danh mới cho vương quốc, hẳn phải phản ánh khả năng kiến trúc của những dân tộc có nhiều kinh nghiệm xây dựng hơn dân Do Thái thuở ấy. Thợ khắc gỗ người Phoenicia, tài cán nhất đương thời, được thuê sang để thực hiện các phù điêu. Thợ chuyên môn từ thành phố Tir đẽo các khuôn đúc vật bằng đồng. Thêm vào đó là các thợ thủ công và sự tiếp tay của lực lượng lao động gồm ít nhất ba chục ngàn người Israel. Công trình vô tiền khoáng hậu ấy cần thời gian tới bảy năm mới hoàn tất.
Bằng sự phong phú vật liệu hơn là tính cách riêng biệt của mô hình, Solomon ra sức ganh đua với những gì hoành tráng nhất trong đền đài ở các xứ khác. Những con cừu, vật chứa hương trầm, kẹp gắp lửa, chảo nấu và những đồ dùng trong lễ thượng hiến tế vật đều được làm bằng vàng. "Biển" nước kỳ bí làm bằng đồng nguyên chất dùng cho nghi lễ tẩy uế, chứa gần 40.000 lít nước và cân nặng khoảng 30 tấn. Bên trong Nơi hậu tẩm Cực Thánh mà duy nhất vị thượng tế được vào chỉ một ngày trong năm, có hai thần phẩm có cánh Cherubim to lớn, làm bằng gỗ ô-liu và thếp vàng, đứng canh giữ Hòm bia Giao ước.
Đối với các tín đồ, vẻ nguy nga và lộng lẫy của Đền thờ và nỗ lực tối thượng xây lên một tòa nhà như thế không nhằm làm bằng chứng cho vinh quang trần thế của dân tộc mình mà chỉ để tương xứng với sự hiện diện của Thượng đế, Đấng Chúa tể Vũ trụ, Đấng đã đem dân ngài chọn vào đất hứa và đã giúp họ đánh bại các kẻ thù. Cho tới mấy ngàn năm sau, Đền thánh của Solomon vẫn sáng lung linh trong tâm tưởng và Thành thánh Jerusalem vẫn là linh địa của người Thiên Chúa giáo.
Thế nhưng, cuối cùng, quyền lực vẫn làm băng hoại được Solomon. Ông mất bảy năm xây cất Jerusalem nhưng mất 30 năm để xây dựng các cung điện của mình. Dân chúng phải chịu sưu cao thuế năng cho những phí tổn của quốc gia. Nhà vua có một hậu cung với 700 hoàng hậu, 300 phi tần trong đó nhiều phụ nữ ngoại giáo, và ông dựng các tế đàn ở vùng đồi núi để họ cúng các thần ngoại giáo của họ.
Solomon vị vua uy hùng cuối cùng của Israel, qua đời năm 931 tr.CN, trao lại vương quyền cho con là Rehoboam với vương quốc trên đà hổn loạn. Nói chung, thời đại David-Salomon là thời kỳ huy hoàng nhất của Israel. Nó là đối tượng vĩnh viễn của hoài niệm đầy tự hào và mơ ước nóng bỏng của dân Do Thái từ mấy ngàn năm nay. Và kể từ ngày đất nước chia đôi rồi dân chúng bị lưu đày, nó củng cố thêm hình ảnh Đấng Cứu thế được trông đợi sẽ xuất hiện từ Nhà David để khôi phục vương quyền, cứu độ dân tộc và đem Israel trở lại thời hoàng kim đó.

Chia thành hai vương quốc

Năm 930, Jeroboam, người không thuộc hoàng tộc David, lãnh đạo cuộc nổi loạn của mười bộ tộc phương bắc làm thành nước Israel. Chỉ còn lại hai bộ tộc Judah và Benjamin trung thành với Nhà David làm thành nước Judah ở phương nam, trong đó có Đền thờ Jerusalem.
Đặt kinh đô tại Samari, Jeroboam muốn xây dựng tại nước Israel của mình một đền thờ ở Bethel thay cho Jerusalem, nhưng với một số biểu tượng ngoại đạo. Và cùng với chúng là các vị vua hậu duệ của ông bái lạy thần linh ngẫu tượng. Đây là thời của các ngôn sứ như Đại ngôn sứ Elijah và vị kế thừa là Elisha, cùng với các ngôn sứ khác như Amos, Hosea, và Jonah.
Tuổi thọ của vương quốc Israel phương bắc chỉ được khoảng 200 năm. Tới năm 720, Israel bị xâm chiếm bởi Đế quốc Assyria, một cường quốc ở vùng Lưỡng hà, tọa lạc tại thượng nguồn sông Tigris với thủ đô là Niniveh. Mười bộ tộc phương bắc bị lưu đày tứ tán, trở thành mười bộ tộc thất lạc đâu đó mà có lẽ sẽ không bao giờ quay về đất Canaan, nay là Palestine. Có ít nhất bốn nhóm dân tộc ở Ấn Độ, và các dân tộc ở châu Phi, Trung Á, xưng mình là hậu duệ của 10 bộ tộc này. Trong đó có cả người Khương sống ở Cam Túc, Thanh Hải, từng nổi loạn chống lại nhà Đông Hán năm 110 s sau CN, và một số người Hoa tại Khai Phong ở Hồ Nam.
Vương quốc miền nam Judah kéo dài tuổi thọ tới năm 587 rồi cũng bị xâm chiếm bởi Babylon, một đế quốc mới, phát xuất từ vùng Lưỡng Hà địa (nay là Iraq). Đền thờ Jerusalem sau bao nhiêu lần bị các vua Judah phương nam rút tỉa đề cống nạp, và bị các toán quân Assyria cướp phá khi mượn đường hành quân, cuối cùng nó bị san thành bình địa bởi đạo quân xâm lăng người Babylon. Tại miền nam, đây cũng là thời kỳ của các ngôn sứ như Isaiah, Jeremiah, Zechariah, Habbakkuk, Joel, Micah, Obadiah và Zephaniah .
Có thể nói đây là thời đại của các ngôn sứ. Trong hoàn cảnh dân tộc Israel phân hóa, đất nước chia đôi, các vua tiếp theo Solomon, cả nam lẫn bắc, đánh mất sự tôn trọng của dân chúng thì tiếng nói của các ngôn sứ cất lên dõng dạc. Các ngôn sứ trở thành thủ lãnh thật sự của dân chúng. Họ tạo niềm hứng khởi và nếu cần thì cảnh giác, phê phán dân chúng. Thậm chí nhiều ngôn sứ chỉ trích nhà vua, và họ sẵn sàng chấp nhận hậu quả nguy hiểm của hành động đó. Ngôn sứ nói lên tiếng nói của Thượng đế, tố cáo sự dữ, báo trước thảm hoạ sắp xảy ra, và sẵn sàng đổ máu mình để làm chứng cho lời mình nói.
Đây cũng là thời kỳ Elijah với ngọn lửa nhiệt tình, trấn áp việc thờ phượng tà thần, và cứu khổn phò nguy cho người bị thiên tai lẫn nhân tai. Theo gót ông là ngôn sứ được ông chân truyền Elisha. Ngôn sứ Isaiah mô tả kỹ lưỡng về Đấng Cứu thế, xuất thân từ Nhà David, sẽ giáng lâm để giải phóng dân tộc Israel, đoàn kết các dân tộc trên thế giới trong hòa bình, và sẽ phân xử trong công bằng và chính đáng cho đến muôn đời.

Cuộc lưu đày và hồi hương

Khi các đế quốc lần lượt nổi lên thì vùng đất Israel là địa điểm chiến lược. Nó trở thành một hành lang nằm giữa biển và sa mạc, cung cấp cho đoàn thương buôn và đạo quân chinh phục một con đường độc nhất có sinh khí xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh giáp ranh nó. Thế kỷ này nối tiếp thế kỷ kia, hàng ngàn năm này sang ngàn năm khác, những cuộc diễn binh lũ lượt đi qua nó: các binh đội của vua Ai Cập, những đoàn bộ hành A Rập; xe trận từ Assyria và kỵ binh từ Babylon, sau này người Ba Tư với Cyrus, Macedonia với Đại đế Alexander và rồi tới lượt người Hi Lạp, La Mã, Parthia.
Nhưng những đợt sóng quét dân tộc Israel một phần sẽ dâng lên về sau. Lúc này, và có lẽ cũng giống như mọi thời, muốn tiêu diệt một dân tộc, phải phá hoại tôn giáo, cái làm thành sức mạnh tâm linh và định chuẩn đạo đức của nó. Vì chỉ những người đạo cao đức trọng, tâm linh phong phú mới có khả năng làm anh hùng liệt nữ, và một dân tộc dù khốn khó mà có đạo nghĩa vẫn giữ được bản lãnh quật cường. Trường hợp này tuyệt đối đúng với người Do Thái. Đền thờ Jerusalem bị phá hủy. Toàn thể dân chúng, kể cả vua của Judah, bị bắt sang sống lưu đày ở kinh đô Babylon. Và kể từ đó, họ được gọi là người Judah (Jew/Do Thái), để phân biệt với các sắc dân khác cũng ở trong Đế quốc Babylon mênh mông.
Cuộc lưu đày này tuy chỉ kéo chưa tới năm chục năm, nhưng để lại những dấu ấn sâu xa trong tâm hồn Do Thái tha hương và trong văn học của họ. Ta đọc thấy những lời như sau:
Cô đơn biết bao ngồi chốn thành đô một thuở đông người
Giống biết mấy quả phụ kia, thuở cao vời giữa các dân tộc
Và công chúa giữa các tỉnh thành
Nàng hôm nay tên lệ thuộc
Đêm về thảm thiết khóc than nước mắt đẫm má
Chẳng ai an ủi nàng
Trong những kẻ nàng yêu.
Và họ cũng hát lên những bài ca ai oán cho thân phận mình cam chịu cảnh lưu đày giữa chốn kinh thành hoa lệ Babylon:
Bên những dòng sông Babylon
Nơi tôi ngồi xuống, ôi tôi khóc
Khi nhớ về Zion.
Nhưng Hoàng đế Nebuchadnezzar (k. 634 - 562 tr.CN) cũng không phải là người hoàn toàn khe khắt với người Do Thái. Và có lẽ trong thời gian này bắt đầu xuất hiện hình thức Hội đường - trung tâm thờ phượng và sinh hoạt tinh thần của cộng đoàn Do Thái giáo. Một khuôn mặt lưu đày hàng đầu là Ngôn sứ Ezechiel với những tiên báo về sự hủy diệt kẻ thù của Judah bằng lửa và động đất, việc hồi hương Israel và bằng giọng nói mang tính cứu thế, về sự tái lâm của vua David và sự phục hưng vương quốc.

Về từ chốn giam cầm

Rồi gió thịnh suy trần gian cũng phải đổi chiều. Bánh xe trận của đế quốc Ba Tư nghiền nát đế quốc Babylon. Năm 539 trước CN, Đại đế Cyrus của Ba Tư cho người Do Thái hồi hương. Đoàn người mà phần nhiều là người nghèo, vượt sa mạc trở về một quê hương đang nằm điêu tàn quá bờ bên kia. Người giàu ở lại Babylon mà về sau sẽ tiếp nhận thêm một đợt lưu vong mới và có những đóng góp lớn lao về giáo thuyết.
Công trình đầu tiên khi về lại quê cũ là xây dựng lại Đền thánh Jerusalem vì từ những ngày bên bờ sông Babylon, họ đã đau đáu với nỗi niềm "Ta mà quên ngươi, hỡi Jerusalem, thì tay phải ta cũng hãy quên ta." Viên đá đầu tiên được đặt xuống cùng với sự yễm trợ tinh thần lẫn vật chất của Hoàng đế Ba Tư. Hiện nay, ta không còn giữ được sự mô tả cụ thể về Đền thờ thứ hai này, nhưng chắc chắn nó không hoành tráng bằng Đền thờ thứ nhất. Và năm trăm năm sau, nó bị Đại đế Herod phá để xây dựng Đền thờ Jerusalem thứ ba mà theo cao vọng của vị vua cải giáo là phải làm sao cho nguy nga hơn Đền thờ của Solomon.
Thế nhưng chính những sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong Đền thờ mới quan trọng. Việc cúng tế mỗi ngày một con cừu vẫn diễn ra hằøng ngày, suốt hơn năm trăm năm, kể cả trong thời gian Đại đế Herod xây dựng Đền thờ thứ ba. Quanh năm, lễ Vượt qua và lễ Ngũ Tuần vẫn tấp nập người hành hương. Đền thờ vẫn là tâm điểm của dân tộc Do Thái với cuộc sống kính sợ Thượng đế, từ tâm với người có nhu cầu và nghiêm ngặt giữ cho hết các lề luật chi li và nhiêu khê được qui định trong kinh Torah. Kinh này cũng được Ngôn sứ Ezra san định lại, với nội dung có lẽ hoàn toàn giống với bản ngày nay chúng ta đang có.
Sinh hoạt Đền thờ và tôn giáo cũng làm vững thêm tư thế của giới tư tế, có tính kế tục mà bây giờ được gọi là Sadducee, hậu duệ của Thượng tế Zadok thời David. Qua hình ảnh của Thượng tế cùng với hệ thống một tập đoàn tư tế đông đúc trên khắp đất nước, họ là những người lãnh đạo dân tộc. Vào thế kỷ cuối trước Công nguyên, trong một lễ hội như Vượt qua, tại Đền thờ Jerusalem có khoảng 17.000 tư tế và người Levi lo phục dịch Đền thờ. Bên cạnh Thượng tế và khoảng 200 chánh tư tế, có khoảng 7.200 tư tế thường và 9.600 người Levi. Quanh năm, các tư tế ở khắp nước đều theo từng lộ mà được cắt cử luân phiên về phụ trách việc tế lễ hằng ngày tại Đền thờ.
Sinh hoạt tôn giáo thường nhật và kinh sách làm sản sinh người Pharisee (nghĩa là kẻ chống đối) gồm các học giả, các thầy cả mà ngày càng đối lập với người Sadducee, giới tư tế có quan điểm bảo thủ và là đầu mối của các bất hòa tôn giáo và xung khắc trong các vấn đề nội bộ của người Do Thái. Vào đầu Công nguyên, tại Jerusalem có hai trường phái Pharisee nổi tiếng, một là của Đại thầy cả Shammai, hai là của Đại thầy cả Hillel. Bên cạnh, còn có người Essene khổ hạnh tại tu viện Qu'ram, mà gần hai ngàn năm sau, lôi cuốn sự chú ý của giới học giả nhờ các tài liệu Kinh thánh của họ để lại trong các hủ gốm, mãi tới năm 1947 mới tình cờ phát hiện, gọi là Các cuộn sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls).

Lệ thuộc các đế quốc

Kể cả thời hoàng kim của Nhà David, Israel chưa bao giờ có một quân đội hùng mạnh đủ sức khống chế lân bang. Từ Ba Tư trở về, vùng đất Judea, mà về sau gọi là Palestine (đất của người Philistine), trở thành thuộc địa và hành lang chiến trận cho các đế quốc. Nền cai trị của Ba Tư sụp đổ khi bánh xe trận của Alexander Đại đế lăn qua Palestine năm 332, và mang theo tôn giáo cùng văn hóa Hi Lạp và mở đường cho nền văn hóa ấy phát triển rực rỡ với các thành phố mang sắc thái của nó mọc lên khắp Địa trung hải. Sau cái chết của vị Đại đế trẻ tuổi ấy, Judea lệ thuộc một cận tướng của ông là Ptolemy, lúc này xưng vương tại Ai Cập. Còn cận thần thứ hai là Seleucus cũng xưng vương tại Syria.
Trong khung cảnh đó, mỗi xứ sở thuộc địa được cho một phạm vi quyền hành tự quản rộng rãi. Do đó tại Judea - tức là xứ Palestine lúc ấy - vị Thượng tế hành xử như một ông vua bình thường. Ngoài nhiệm vụ làm thủ lãnh tôn giáo của dân tộc mình, ông còn là chủ tịch của Hội đồng Công nghị gồm các trưởng lão (kỳ mục) và là người giám sát các vấn đề an ninh, cung cấp nước và thu thuế. Người Do Thái được hưởng quyền tự do thờ phượng và quyền tuân giữ lề luật của tổ tiên khi thích hợp.
Dù trực thuộc Ptolemy ở Ai Cập hay tổng trấn ở Syria và rồi vua Syria, có lẽ người Do Thái cũng chỉ muốn được bình yên để thờ phượng và sinh sống. Họ chỉ có phản ứng mạnh khi tín ngưỡng Do Thái giáo và đặc biệt Đền thờ Jerusalem bị xâm phạm hay làm ô uế.

Sách nhiễu tôn giáo và nổi lọan

Căn cứ trên nền tảng Do Thái giáo gọi là kosher thì có loại thịt và cá bị cấm ăn, Thí dụ thịt heo và loài giáp xác (động vật không có xương sống, có vỏ cứng ở ngoài cơ thể, thở bằng mang như tôm, cua, vv.), bị coi là "không tinh khiết". Cũng thế, không phải bất cứ con vật nào cũng có thể bị giết, chủ yếu chỉ để ăn thịt. Và cấm toàn bộ máu, vì như đã phát biểu trong sách Đệ nhị luật 12:33 rằng "Máu là sự sống", và phải được coi là thiêng liêng, dù ở trong loài vật. Thậm chí bát dĩa nồi niêu soong chão cũng chưa từng đựng các thực phẩm bị cấm.
Khi người Syria ra lệnh cấm người Do Thái học kinh Torah, cấm giữ ngày Sabbath và cắt bì, bắt ăn thị heo và dùng máu heo rắc lên Đền thờ Jerusalem, và hơn nữa, còn dùng nơi đó để tế thần Zeus, người Do Thái thà chết còn hơn chấp nhận. Năm 167 tr.CN, tại tây bắc Jerusalem, lính của nhà vua Xyria tập trung dân chúng lại yêu cầu tư tế Mattathias làm lễ cúng một con heo. Sự việc ấy đưa tới vụ khởi nghĩa của dòng họ Maccabea. Nghĩa binh chiếm được và tẩy uế Đền thờ Jerusalem năm 164, mở đầu triều đại Hasmonea thái bình thịnh trị, kéo dài tới 80 năm.
Khi tướng Pompey (106-48 tr.CN) đánh bại Nhà Maccabea vào năm 63 tr.CN, ông nổi tính hiếu kỳ, đi cùng tùy tùng vào Nơi Cực thánh mà chỉ có Thượng tế mỗi năm mới được vào một lần. Pompey không thấy gì hết ngoài các bức tường trống rỗng. Tuy sau đó, ông cho phép các tư tế tẩy uế, nhưng với người Do Thái, đó là sự sỉ nhục tột độ và từ đó, tên của Pompey đi liền với sự báng bổ cực kỳ.
Dưới thời cai trị của Tổng trấn La Mã Gessius Florus, năm 66 sau CN, người Hi Lạp cử hành lễ cúng tế tà giáo trên lối vào của một hội đường khiến một số người Do Thái phản đối rồi bị bắt giữ. Tiếp đến, Florus đột nhập Đền thờ Jerusalem lấy đi một số tiền rất lớn. Tới khi người Do Thái phản đối, ông cho lính tàn sát làm số người tử nạn lên tới khoảng 3.600 người. Từ đó bùng lên cuộc khởi nghĩa toàn quốc của người Do Thái.
Cuộc khởi nghĩa kéo dài bốn năm. Tới năm 70 sau CN, 25.000 nghĩa quân trấn thủ Jerusalem thất trận. Đền thờ thứ ba do Đại đế Herod xây lên bị đốt cháy và san bằng. Toàn kinh thành cũng bị san bằng "không một hòn đá nào còn nằm trên hòn đá nào". Kết thúc là cái chết bi tráng của 960 đàn ông đàn bà và trẻ con tự sát ở pháo đài Masada, năm 73 sau CN, sau mấy năm tử thủ.

Cuộc lưu lạc của người Do Thái

Trong hơn 2.700 năm, dân Do Thái có nhiều cuộc lưu vong và tản mác. Có thể liệt kê tuần tự như sau:
1. Cuộc lưu đày
Đây là lần tản mác thứ nhất, mang tính lưu vong, sau cuộc thất thủ của vương quốc Israel đưa tới sự thất lạc của mười bộ tộc phương bắc. Kế đó là vương quốc phương nam Judah bị xóa sổ, dân chúng thuộc hai bộ tộc còn lại, bị lưu đày sang Babylon và họ cùng hậu duệ làm thành dân Do Thái cho tới ngày nay. Mười bộ lạc thất lạc để lại nhiều sắc dân sống rải rác ở châu Phi, Ấn và Bắc Trung Hoa; tuy có nơi tự nhận là hậu duệ Do Thái nhưng đã đánh mất bản sắc Do Thái giáo. Hơn bốn vạn người Judah hồi hương, tái thiết Jerusalem để lại một bộ phận ở Babylon, còn có thêm nhiều người ở Ba Tư, tức là Iran ngày nay, mà ta đọc thấy Esther, một sách của Kinh thánh.
2. Vùng tản mác
Thời lệ thuộc Ai Cập, Syria rồi La Mã và các thế kỷ trước và sau Công nguyên, rất đông người Do Thái di dân và sống tản mác tại các thành phố Hi La vùng quanh Địa trung hải. Các cộng đoàn đông đảo nhâát của họ ở Alexandria, Corinth, Ephesus, Antioch, Thessaloniki, Damascus, Philippi, Cyprus, Cyrene, v.v. Những nơi sống đông dân Do Thái nhất là Babylon và Syria, cách riêng tại Antioch và Damascus, với khoảng từ 10.000 tới 18.000 người Do Thái bị tàn sát sau cuộc nổi loạn ở Jerusalem. Tại Ai Cập có khoảng một triệu người Do Thái. Tại thành phố hải cảng Alexandria, họ chiếm một phần tám dân số
Thuở đó, số người Do Thái sống tản mác ở hải ngoại còn đông hơn ở chính quốc. Hằng năm, vào các dịp hành hương cố quốc, đặc biệt vào dịp lễ Ngũ tuầøn, lễ Vượt qua, Thành thánh và Đền thánh Jerusalem tấp nập người Do Thái tứ xứ kéo về. Họ là nguồn tài chính lớn nhất của Jerusalem vì rất hào phóng khi cúng tế và hằng năm mỗi người nam Do Thái dù đang ở xứ nào, cũng phải đóng cho Đền thờ một nửa đồng sekel bạc. Theo Phúc âm Luca, một người Cyrene khi về hành hương đã bị lính La Mã bắt vác cây xà ngang thập tự cho Đức Giêsu Kitô.
Tại Alexandria, vào khoảng thế kỷ 2-3 tr.CN, 72 học giả Do Thái đã hoàn thành cuốn Kinh thánh bằng tiếng Hi Lạp, gọi là bản Bảy mươi (Septuagint). Về sau, trong triết học, nổi bật khuôn mặt của triết gia Philo (20 trCN-50 sCN).
3. Tản mác hai ngàn năm
Đây là cuộc tản mác lớn nhất, đi khắùp thế giới và thê thảm nhất. Không kể số người sống ở ngoài Palestine, khi Jerusalem bị san bằng, theo sử gia Flavius Josephus (37-k.100 s.CN), họ có khoảng 1.100.000 người trong đó có 97.000 người bị bán làm nô lệ. Cho đến nay, người Do Thái trên khắp thế giới có khoảng 16 triệu người, sống ở hơn 50 quốc gia, trong đó Israel chiếm khoảng hơn 6 triệu người. Thật không dễ trong chốc lát trình bày hết những nét chính của cuộc tản mác đại trà suốt 2.000 năm lịch sử này, được gọi là thời Talmud này, nhưng chúng tôi cố gắng đưa ra một số nét chính. Nói chung, đây là hai ngàn năm bị trục xuất rồi lang thang vô tổ quốc khắp thế giới, nên kinh Torah, lề luật được triển khai thêm trong sách Talmud, phong tục tập quán cùng ký ức dân tộc trong văn học dân gian trở thành phương cách quan trọng để lưu giữ bản sắc Do Thái của mình.

Sách Talmud Palestine

Đền thánh Jerusalem bị người La Mã san bằng, kéo theo sự sụp đổ của giới tư tế Saduccee và biến tu viện Qu'ram của người Essene thành nơi hoang phế, nhưng đặc biệt, biến cố ấy làm nổi bật vai trò của hội đường và người Pharisee trong sinh mệnh của Do Thái giáo từ đó cho tới ngày nay. Thoạt đầu, tại Jerusalem, người Do Thái bị cấm rao giảng và thực hành phụng vu, đặc biệt không được giữ ngày Sabbath. Trung tâm tín ngưỡng từ Jerusalem chuyển lên Galilee phương bắc. Tại đây, uy tín của các thầy cả, các nhà thông thái tăng cao, trở nên tâm linh hơn, bác học hơn, và họ thật sự là những nhà lãnh đạo tinh thần cùng là đối tượng cho dân tộc ngưỡng vọng.
Kinh Torah suốt ngàn năm qua được giảng dạy với những bài bình giải, những ý kiến và các thí dụ minh hoạ truyền miệng. Thế nên công việc trước mắt, trong thời buổi trầm luận, là phải ghi những thuyết giảng đó thành văn. Thành quả sưu tập những gì liên quan tới các đề mục vừa kể, đặt nặng phần bình giải lề luật, làm thành Mishnah. Tiếp đến là những minh họa, dụ ngôn, chuyện kể, v.v. làm thành Gemara. Cả hai bộ phận đó hợp lại thành sách Talmud Jerusalem, hay đúng hơn, sách Talmud Palestine. Bên cạnh đó, còn phần văn học dân gian được gom chung với cái tên midrash, trong đó có những mẫu chuyện, lời bàn nhằm triển khai hay bổ sung những chỗ chưa được nói rõ hay triển khai trong kinh Torah.

Sách Talmud Babylonia

Cuộc khởi nghĩa của Bar Kokba (132-135) thất bại đưa tới thiệt hại nghiêm trọng và khôn lường cho người Do Thái ở Palestine. Cùng bị xử tử với thủ lãnh Bar Kokba là nhiều nhà thông thái, trong đó có Đại thầy cả Akiba ben Yosef (Rabbi Akiva), người được xem là kẻ đứng đầu các nhà thông thái và có công đầu trong việc chuẩn bị tập đại thành bản sách Talmud Palestine.
Khoảng nửa triệu người Do Thái bị giết. Dân số người Do Thái ở Judea giảm hẳn. Người Do Thái bị trục xuất khỏi đất quê hương mình, bị bắt đem bán làm nô lệ khắp đế quốc La Mã. Jerusalem bị đổi tên thành Aetolia Capiotina, một thành phố hoàn toàn ngoại đạo và thuộc điạ trực tiếp của La Mã. Chỉ có người Kitô giáo còn lai vãng, người Do Thái giáo nào héo lánh tới mà bị bắt được, sẽ chịu xử tử.
Một số học giả Do Thái chạy sang Babylon, cùng làm việc với các học giả ở đó trong thời buổi đồng bào họ càng ngày càng sống tản mác và áp lực của Kitô giáo trong vùng đất Đế quốc La Mã mỗi lúc một tăng mạnh. Sang thế kỷ thứ 5 sau CN, bộ sách Talmud Babylonia ra đời với hơn 2 triệu chữ, trở thành sách kinh điển, được mến chuộng và thông dụng hơn bản Talmud Palestine. Nó cũng gồm hai phần: Mishnah và Gemara, bên cạnh đó là phần văn học dân gian midrash.
Bản Talmud Babylonia mang tính cách văn học tổng thể gồm các bình giải về luật lệ, thần học, khoa học, văn học dân gian và các ngành tri thức khác. Chính nó, trong bàn tay các thầy cả và luân lưu trong các cộng đoàn Do Thái, cùng với kinh Torah nơi hội đường, là chủ lực duy trì Do Thái giáo và là nguyên tắc hướng dẫn người Do Thái để sống, phương tiện để họ vững tin, chi phối sự hiệp nhất, tính cố kết và đàn hồi suốt 15 thế kỷ trước mặt.

Hồi giáo và Giáo hoàng La Mã

Truyền bá từ những thập niên đầu của thế kỷ 7, đạo Islam độc thần hàm chứa những yếu tố tương tự với Do Thái giáo như cuộc sáng thế, các tổ phụ từ Abraham (Ibrahim) tới David (Dâwid), Solomon (Suleyman) và các luật về chay tịnh, cầu nguyện, hành hương, v.v.
Ban đầu, Ngôn sứ Muhammad (k.570-632) muốn thu phục người Do Thái, rồi sau khi bị họ từ khước, ông muốn xúc tiến việc tiêu diệt và đuổi họ ra khỏi Ai Cập. Thế nhưng những thủ lãnh Hồi giáo tại các nước Hồi giáo là Sultan (vua Hồi) hay Caliph kế thừa ông xem luật ấy của Muhammad chỉ có tính danh nghĩa; họ đặt người Do Thái làm công dân loại hai, và tận dụng khả năng ngôn ngữ, tài chánh cùng y thuật của những người lưu vong này.
Tại các thành thị Hồi giáo, người Do Thái giáo sống trong những khu phố biệt lập nhưng không bị cô lập, kể cả tại Morocco dù có tường cao vây quanh. Ngay cả khi người Hồi giáo xâm chiếm châu Âu vào thế kỷ 7, cai trị Tây Ban Nha thì tình trạng của người Do Thái ở đó được cải thiện hẳn. Dưới sự cai trị của người Hồi giáo tại Tây Ban Nha, kéo dài cho tới thế kỷ 11, người Do Thái có được một Thời đại Hoàng kim (Golden Age) về văn hóa tại Tây Ban Nha, Morocco và các xứ sở khác ở Trung Đông. Người Do Thái giáo, người Kitô giáo và người Hồi giáo sống bình đẳng với nhau. Các học giả Do Thái và A Rập chia sẻ tình yêu toán học, y dược, văn chương, triết học Aristotle. Thời kỳ này kết tinh thành các nhà đại tư tưởng như Judah Halevi (c.1075-1141), Shlomo ben Yitschak (1040-1105), Mose Maimonides (1138-1204), v.v. Mãi tới thời hiện đại, người Do Thái mới tìm lại được không khí này.
Giáo hoàng La Mã tuy không lên án các chính sách bách hại người Do Thái nhưng ban đầu tương đối có thái độ khoan nhượng với họ, dung chứa họ, không dùng vũ lực với họ. Khi chạy trốn các cuộc thảm sát, họ thường tìm về nước Ý, và dĩ nhiên ở đó họ cũng bị giới cai trị thế tục phân biệt đối xử. Giáo hoàng làm đủ mọi cách bất bạo động để ngăn chận ảnh hưởng của Do Thái giáo lên những vùng dân cư hoặc tư tưởng Kitô giáo, dứt phép thông công những ai có quan hệ với Do Thái giáo, cấm người Do Thái giảng dạy, tịch thu kinh sách và thúc đẩy cải giáo, v.v. Tuy thế, tại Rome, người Do Thái không bị tàn sát hoặc trục xuất. Và hiện thời vẫn còn cộng đồng Do Thái liên tục sinh hoạt suốt 2.000 năm nay.

Tại các nước châu Âu

Khởi thủy, người Do Thái có mặt khắp nơi tại các thành phố lớn của Đế quốc La Mã. Về sau, tại các nước châu Âu, chữ dùng chính xác cho chính sách đương thời của nhà cầm quyền đối với người Do Thái là bách hại, nghĩa là nếu cần thì tàn sát. Trong bối cảnh văn hóa thời đó, người Kitô giáo nói chung xem Do Thái là một dân tộc bị nguyền rủa vì tội giết Đức Giêsu Kitô, thuộc loại người đáng nghi ngờ, và duy trì nhiều thành kiến xấu về họ, thí dụ cho rằng vào dịp lễ Vượt qua, người Do Thái thường làm bánh không men bằng máu của người Kitô giáo và Hồi giáo, v.v. Người Do Thái có mặt tại Tây Ban Nha từ đầu thế kỷ 4 và sau đó là tới các vùng đất sông Rhine.
Trong chỉ dụ của các hoàng đế Kitô giáo đầu tiên, hình ảnh của Do Thái giáo bị thay đổi từ tôn giáo đáng chú ý và hợp pháp rõ ràng, sang tới giáo phái bất chính, và rồi những cuộc tụ tập báng bổ, pháp thuật. Giữ cho người Do Thái ở vị trí thấp kém, còn hơn công dân loại hai, nhà cầm quyền ngăn chận sự xâm nhập của Do Thái giáo bằng cách không cho tín đồ của nó tham gia chính quyền, cô lập các quan hệ xã hội của họ. Vào thế kỷ 5, Hoàng đế La Mã Theodosius ra chiếu chỉ cấm người Do Thái không được làm chủ nô lệ, không được xây hội đường, không được làm viên chức và không được kết hôn với người không phải Do Thái. Giai đoạn ngược đãi trầm trọng trọng này chấm dứt năm 681 khi các đạo binh Hồi giáo có mặt ở châu Âu.
Sau Thời đại Hoàng kim, khi châu Âu thành Kitô giáo và A rập thành Hồi giáo, người Do Thái không chỉ bị xem là "người ngoại cuộc" mà còn là người ngoại cuộc theo một tôn giáo khác. Số phận của họ biến đổi theo thái độ của các vua chúa vốn nắm sinh mạng của thần dân trong tay. Suốt nhiều thế kỷ, người Do Thái không có sức mạnh chính trị, kinh tế tôn giáo nào, và phải sống bằng tháo vát cùng tư duy nhạy bén của mình.
Sang tới thời Trung Cổ, với các cuộc Thập tự viễn chinh của người Kitô giáo nhằm đánh chiếm Jerusalem, trong khi người Do Thái ở quê nhà tiếp tay phòng thủ Palestine thì người Do Thái ở châu Âu lại bị tàn sát để tạo khí thế xuất quân hay báo thù rửa hận. Năm 1290, Anh trục xuất 16 ngàn người Do Thái. Pháp năm 1306, trục xuất mười vạn người. Đặc biệt tới cuối thế kỷ 15, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trục xuất khoảng 20 vạn người. Đối tượng của các vụ trục xuất thường là tín đồ Do Thái giáo không chịu cải sang Kitô giáo. Tại Bồ Đào Nha kể từ năm 1497, trẻ em Do Thái bị buộc phải ở lại khiến nhiều bậc cha mẹ cũng phải cải giáo để được sống với con. Nhiều nơi, trẻ em Do Thái bị bắt cóc để chịu phép thanh tẩy làm người Kitô giáo. Đợt bách hại này nằm trong chiến dịch khủng bố của Toà án Dị giáo vốn bắt đầu tung hoành từ năm 1478, có nơi xem một số người Do Thái là phù thủy, pháp sư. Tại Đức cũng có bách hại nhưng ít hơn.
Giã từ các nước Tây Âu, người Do Thái một số chạy về phương Đông, một số chạy sang Ý và nhất là chạy tới Đông Âu, đặc biệt Ba Lan. Một số chạy sang lập các cộng đồng ở Pháp, vì dưới thời Napoléon, tình hình khá hơn. Thực tế, khi người Do Thái bị Tây Ban Nha và Bồ đào Nha trục xuất trong các năm 1492-1496, trong số các nước châu Âu chỉ có Hà Lan mở cửa đón nhận và cấp cho họ đầy đủ quyền công dân. Quốc gia này có một mạng lưới thương mại lớn rộng với nhiều tàu buôn và thủy thủ đi khắp thế giới. Một số người Do Thái cũng trở thành thương gia, một số làm các ngành nghề mới phát minh như thợ khóa, kính đeo mắt, ống nhòm, v.v.
Bên cạnh đó, còn có các cộng đồng Do Thái mới lập ở Anh, Đức và vùng Moravia, nơi có cộng đồng Do Thái vốn đông đúc sẵn ở Nga, và Ukraine, Lithuania, Hungary, Nam Tư, Tiệp Khắc, Roumania, v.v. Chỉ riêng tại Ba Lan năm 1764, số người Do Thái đã lên tới con số 750.000 người, đủ để khởi động Phong trào Hasid của Đại tôn sư Baal Shem Tov (1698-1760) rồi lan khắp Đông Âu. Tại Nga vào giữa thế kỷ 19, số người Do Thái lên tới 2 triệu.
Suốt nhiều thế kỷ, nhiều xứ sở không cho người Do Thái làm chủ đất đai hoặc có ruộng nương vì họ bị xem là "người ngoại cuộc". Họ cũng bị cấm vào đại học, vì thế phải tìm đủ cách để kiếm sống. Một số trở thành thợ may, thợ đóng giày, thợ kim hoàn, v.v. Triết gia Spinoza sống bằng nghề mài tròng kính. Người không làm thợ thì đi buôn và trở thành thương gia. Các ngành nghề nói chung đều lưu động. Một số làm chủ tiệm trong khi những người khác mang hàng hóa và tiền bạc đi từ thành phố này tới thành phố khác, chỉ biết trông cậy vào trí khôn để tự bảo vệ.
Do đó, không lạ khi thấy người Do Thái có mặt rất sớm trong các phong trào di dân đi châu Mỹ, từ năm 1654 để tránh Tòa án Dị giáo ở Bồ Đào Nha. Tất cả di dân Do Thái chia thành năm đợt, đầu tiên là tới New York, thành phố bấy giờ là thuộc địa của Hà Lan. Năm 1881, vì Nga ban hành luật chống Do Thái nền từ nằm đó tới năm 1928 người Do Thái ở Nga ồ ạt di dân sang Mỹ là 1.749.000 người. Hiện nay, dân số Do Thái tại Hoa Kỳ khoảng 6 triệu người, và thành phố New York có đông dân Do Thái nhất.

Khu biệt cư ghetto

Phong trào Phục hưng tại châu Âu khiến người ta nghi ngờ nó chịu ảnh hưởng của Do Thái giáo. Giáo hoàng Paul IV (1476-1555-1559) ra chỉ dụ Cum nimis absuundum năm 1555, thành lập Khu biệt cư ghetto ở La Mã, người Do Thái muốn đi ra ngoài biệt cư phải đeo thẻ màu vàng. Kiểu mẫu này lấy từ ghetto Venice và về sau lan khắp châu Âu và Trung Đông.
Ghetto nói chung là một khu vực dành cho người Do Thái sống biệt lập với nhau, có vòng rào bao quanh. Ban đêm, khóa mọi cổng, ban ngày, người Do Thái ra ngoài phải đeo thẻ màu vàng, nhiều nơi, thẻ có hình Ngôi sao David. Trong ghetto, dân chúng cử lên hội đồng quản trị mà các quyết định của hội đồng đều qua tay xét duyệt của thầy cả.
Dựa vào luật lệ Do Thái giáo, có tòa án gồm thẩm phán là thầy cả và các kỳ mục. Ghetto tự thu lấy thuế, lo cho trường học và trả lương cho thầy cả, các viên chức y tế, giáo dục, các quĩ xã hội, v.v. Và nếu cần, các chức việc hội đường như ông từ, người xướng kinh, người giết mỗ súc vật đúng luật kosher. Ghetto còn cử người có quan hệ với chính quyền địa phương. Dân sống trong ghetto thường nghèo túng vì bị hạn chế việc đi lại, mua bán, sinh kế, v.v.
Ghetto Do Thái xuất hiện vì người Do Thái bị xem là người lạ trong các xứ sở Kitô giáo hay Hồi giáo. Các cổng của ghetto khép chặt vào những đợt có đụng độ sắc tộc hay khủng bố người Do Thái, xảy ra bắt cóc trẻ con Do Thái hay vào các ngày lễ lớn của Do Thái như lễ Vượt qua, Ngũ tuần, v.v.

Hai con dê và một cuốn sách

Thuở còn Đền thờ Jerusalem, vào ngày thứ mười của tháng thứ nhất đầu năm lịch Do Thái, trong nghi thức ngày Đền tội (Yom Kippur) khi Thượng tế bắt thăm chọn lấy hai con dê, một con tế thần và một con gánh tội, có lẽ ông không ngờ tới một ngày nào đó, dân Do Thái hậu duệ của ông sẽ bị trong một lúc mang lấy thân phận của cả hai con dê ấy.
Tiền tài, quyền lực và danh vọng là những giá trị trần thế. Nếu sử dụng khôn ngoan, chúng sẽ là phương tiện hữu ích để phục vụ con người. Nếu bị xem là cứu cánh, chúng trở thành phương tiện tuyệt vời để phục vụ tà thần, mà tiêu biểu là con bò vàng nghi ngút khói hương dưới chân núi Sinai hơn 3.300 năm trước, một hình ảnh ô uế của ngẫu tượng được người Israel cùng tư tế Aaron, em ruột của Moses bái lạy, trong tâm trạng dao động. Vào bất cứ thời nào, cũng có những kẻ mưu đồ vị kỷ nhân danh chính trị hay tôn giáo để phục vụ sự dữ của mình nằm trong cái ác muôn đời. Tiêu biểu hơn cả là những cá nhân hay tập đoàn độc tài chuyên chế thường củng cố quyền lực của mình bằng hai chân, một chân dân túy chủ nghĩa và một chân dân tộc chủ nghĩa, hay độc tôn tôn giáo. Cả hai thứ chủ nghĩa đó tạo ra những cơn si dại đồng bóng của quần chúng, đưa tới hoang tưởng và bài xích mang tính hủy diệt dân tộc khác hay tôn giáo khác.
Người Do Thái là một sắc dân tha hương, với lối sinh hoạt tôn giáo nghiêm ngặt và lối sống cá biệt cộng thêm với sức sống những cá nhân có dân tộc nhưng mất chính quyền và lãnh thổ. Vì thế, khi là thiểu số trong cộng đồng của một dân tộc khác, họ dễ bị các thủ lãnh giả mạo của tôn giáo hay chính trị dùng làm con dê cúng tế thần linh ngẫu tượng của cơ chế. Và đồng thời dùng họ làm con dê gánh tội để đổ lên mình nó những bất lực và xấu xa của cấp lãnh đạo nhằm xoa dịu quần chúng.
Những cuộc bách hại người Do Thái không chỉ xuất hiện trong bối cảnh cổ đại và trung cổ mà ngay trong thời hiện đại. Năm 1903, tại Nga xuất hiện cuốn The Protocols of the (Learned) Elders of Zion, nói về những âm mưu nham hiểm của các Trưởng lão Do Thái nhằm khống chế thế giới. Tuy cuốn sách được phóng tác từ chất liệu ăn cắp của các tác phẩm trào phúng chính trị trước đó, nhưng chẳng may có nhiều người tin rằng các âm mưu ghê tởm ấy có thật.
Sau đó cuốn sách được dịch sang tiếng Anh, và đặc biệt tiếng Đức. Rồi nó rơi vào tay Đảng Quốc xã Đức trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng thập niên 30 của thế kỷ 20. Lập tức, qua bàn tay xảo quyệt của những kẻ tà đạo, cuốn sách trở thành chứng cớ để phát động một phong trào bài Do Thái, đặc biệt nhắm vào những đối tượng đang hoạt động trong lãnh vực tài chánh và thương mại, và giới trưởng lão học giả ở châu Âu.
Dĩ nhiên, những khổ nạn tàn mạt của người Do Thái vào nửa đầu thế kỷ 20 không chỉ do bởi một cuốn sách, nhưngProtocols of (Learned) Elders of Zion cho thấy ảnh hưởng sách báo độc hại của những cây bút bất lương, sự dễ tin của quần chúng và lòng dạ hiểm ác của những thủ lãnh giả mạo, nghĩa là cho thấy sức mạnh của cái ác, của quỉ dữ cùng đường biến thiên của nó. Và hiện nay, trên khắp thế giới, vẫn có vô số sách báo, nhiều trang web thuộc loại hư ngụy và độc dữ như thế, chống lại những nỗ lực của con người trong công cuộc hiệp nhất loài người, vượt qua những dị biệt tôn giáo, chủng tộc và dân tộc.

Holocaust 1939-1945

Holocaust phát xuất từ một từ ngữ Hebrew là Shoah, nghĩa là thảm họa mang tính chất hủy diệt; nói chung, và nó được dùng riêng cho cuộc Đại tàn sát người Do Thái vào nửa đầu thập niên 40 của thế kỷ vừa qua tại châu Âu. Cho đến nay, rõ ràng chánh phạm là Adolf Hitler với guồng máy Nazi Đức Quốc xã, những kẻ đã xem Holocaust là "Giải pháp sau cùng cho người Do Thái." Tuy thế, nhiều học giả đề nghị mở rông đối tượng của Holocaust vì trong tổng số 11 triệu nạn nhân của nó, người Do Thái chiếm khoảng 5.9T, số còn lại là các tù binh Liên Sô (2-3T), các sắc tộc thiểu số Ba Lan 1.8T, và số còn lại là người các nước khác, kể cả người Đức, thuộc diện tàn tật, đồng tính, tín đồ Nhân chứng Jehovah và các thành phần đối lập chính trị,
Nạn nhân chủ yếu là người Do Thái với một âm mưu có hệ thống và thực hiện có kế hoạch của Đức Quốc xã nhằm diệt chủng Do Thái, sau khi đã biến họ vừa làm nguyên cớ biện minh vừa làm con dê chịu tôi cho những sai lầm trong các sách lược xã hội, kinh tế và nhất là quân sự của Adolf Hitler và tập đoàn. Nó đi đúng với sách vở chính trị học, trong khi các thủ lãnh dân chủ cần nêu cao lý tưởng để phục vụ thì ngược lại, các nhà cai trị độc tài cần vẽ vời kẻ thù để trấn áp. Từ giữa thập niên 1930, âm mưu diệt chủng Do Thái ấy được tiến hành theo hai giai đoạn: lập cơ sở pháp chế bằng những đạo luật tách người Do Thái ra khỏi xã hội dân sự, và tiếp đó, đưa họ vào cái chết bằng nhiều hình thức, trong đó kinh khiếp nhất là các trại tập trung có phòng hơi ngạt và lò thiêu.
Địa bàn tàn phá của Holocaust không chỉ ở nước Đức mà còn tại các xứ sở bị quân Đức chiếm đóng như Ba Lan, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Pháp, Nam Tư, Hungary, Romani, Bulgary, Phần Lan. Hãy lấy Ba Lan làm hình ảnh tiêu biểu. Trước hết, Đức Quốc xã lập Warsaw Ghetto, cô lập khoảng 380.000 người Do Thái, sau đó di chuyển họ đi nơi khác. Tại những xứ sở khác, ban đầu người Do Thái ra đường phải mang huy hiệu có hình Ngôi sao David, kế đó, bị phân tán gia đình theo nam nữ và bị vận chuyển bằng phương tiện cơ giới, thường là các toa tàu chở súc vật, xuyên quốc gia để tới các trại tập trung. Và vào những tháng đầu năm 1945, khi các đạo binh Nga băng qua Ba Lan, càng ngày càng tiến gần tới mục tiêu Bá Linh, thì tốc độ tàn sát tù nhân càng lúc càng nhanh khủng khiếp.
Ngày nay, người ta dễ tìm thấy tài liệu về các khổ nạn tại hơn 15 trại tập trung của Đức Quốc xã cùng những hồi ký về cuộc sống lẫn trốn bên ngoài nó như của Anne Frank, chờ chết bên trong nó như của Elie Wiesel và vô số tác giả khác. Chỉ xin nêu ra ở đây một ít con số. Tổng số người chết: 11T. Số người Do Thái 5.9 T (Ghi nhận cụ thể và chưa đầy đủ: chết trong các ghetto và nhà tù 800.000 người; bị các đội hành quyết bắn ngoài trời 1.400.000 người; trong các trại tập trung 2.900.000). Tổng số người chết trong ba trại có số lượng cao nhất là Auschwitz 1.400.000 người; Belzec 600.000 người và Chemno 600.000 người.
Liệu loại tội ác diệt chủng như thế có thể tái diễn dưới hình thức khác không? Không biết. Vì bao lâu con người chưa tích cực pháp chế hóa các giá trị đạo đức, chưa xiển dương cao độ cái thiện của mình để chế ngự cái ác trong mỗi người hoặc chủ động được đường tiến hóa của dân tộc, thì vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy tới cho mình và cho người khác, cho dân tộc và cho loài người.

Con đường phục quốc của người Do Thái

Những khổ nạn của người Do Thái vừa được đề cập sơ lược ở trên không còn là vấn đề tranh luận. Các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả và các sử gia cùng hồi ký của các nhà văn và tiếng nói của những nạn nhân sống sót đã làm chúng ngày càng hiện nguyên hình với đầy đủ vẻ kinh tởm và tàn mạt ngoài sức tưởng tượng. Ngày nay, cái tên Đảng Tân Quốc xã (Neo-Nazi) và những lời phủ nhận Holocaust trở thành ngọn roi quất vào lương tâm loài người và là sự sỉ nhục con người ở mức cao nhất.
Thảm trạng của Holocaust cũng âm vang trong tiếng nói đầy ân hận sâu xa của Giáo hội Công giáo La Mã. Ngày 16 tháng Ba năm 1998, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân danh toàn thể cộng đồng Công giáo La Mã đưa ra lời xin lỗi vì trong Thế chiến Hai, Giáo hội đã không phát biểu công khai chống lại cuộc Đại tàn sát Holocaust của Đức Quốc xã; trong thư xin lỗi ấy, Giáo hoàng còn nói Holocaust vẫn mãi mãi là vết nhơ nhuốc không tẩy xóa được trong thế kỷ 20. Hai năm sau, ngày 12 tháng Ba năm 2000, cũng chính Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra lời xin lỗi rộng rãi về những tội lỗi mà Giáo hội Công giáo đã phạm suốt các thời đại trong đó có những hành động chống lại người Do Thái.
Trước đó 140 năm, đã có những tiếng nói vận động phục quốc và phác họa hình ảnh một nước Israel. Năm 1862. Moses Hess (1812-1875), một người cộng sự với Karl Marx (mà thân phụ, Henrich Marx, là một luật sư Do Thái cải giáo sang Tin lành), viết cuốn Rome and Jesusalem, The Last National Question (La Mã và Jerusalem, vấn đề cuối cùng mang tính dân tộc) nhằm kêu gọi người Do Thái thành lập một nước xã hội chủ nghĩa lại Palestine như một phương cách giải quyết vấn đề Do Thái. Năm 1882, sau những đợt đụng độ đẫm máu giữa thủy thủ Hi Lạp và thanh thiếu niên Do Thái tại hải cảng ở Odessa (Ukraine), Bác sĩ Judah Leib Pinsker (1821-1891) đã viết trong một tờ kêu gọi ủng hộ công cuộc phục quốc, trong đó ông phân tích khuynh hướng của người châu Âu xem người Do Thái là người lạ, và ông cay đắng nhận xét rằng:
"Vì người Do Thái không có nơi đâu là nhà, không có nơi đâu là quê mẹ, nên ở khắp nơi hắn vẫn là người lạ. Tới độ bản thân hắn và tổ tiên hắn dù được sinh ra trong một xứ sở cũng chẳng mảy may biến đổi được thực tế đó... ...đối với sự sống, người Do Thái là xác chết, đối với nơi chôn nhau cắt rốn hắn là người nước ngoài, đối với quê nhà cố định hắn là kẻ rày đây mai đó, đối với quyền sở hữu hắn là gã hành khất, đối với người nghèo hắn là kẻ bóc lột và tên triệu phú, đối với người yêu nước hắn là kẻ không có xứ sở, và đối với tất cả, hắn là kẻ kình địch bị căm ghét."
Từ năm 1882, người Do Thái đã bắt đầu háo hức di cư về Palestine, trong đó có 45.000 người từ Nga. Họ thành lập một số địa điểm định cư canh tác nông nghiệp với sự giúp đỡ tài chính của những người hảo tâm ở Tây Âu. Sang tới thập niên 1890, Theodor Herzl (1860-1904), một ký giả Áo-Hung vận động cho mạnh mẽ cho việc phục quốc và là cha đẻ của phong trào chính trị phục quốc Do Thái hiện đại (Zionism). Đệ nhất Nghị hội Phục quốc (First Zionist Congress) họp tại Basel, Thụy Sĩ năm 1897 thành lập Tổ chức Phục quốc Thế giới (World Zionist Organization).
Thế nhưng thời đó, không phải mọi người Do Thái đều đồng ý với giải pháp Phục quốc Do Thái. Một số người Do Thái Chính thống đánh giá nỗ lực của Phong trào Zion là hấp tấp nông nổi, như một hành động vi phạm lề luật của Thượng đế. Nhiều người Do Thái Cải cách chống đối Phong trào Zion, xem nó là hành động đi ngược lại trào lưu lịch sử trong một thế giới đang hướng tới hoà bình và tình huynh đệ. Một số người cho rằng phong trào mang tính dân tộc chủ nghĩa ấy đối nghịch với khái niệm cho rằng Do Thái giáo chỉ là một tôn giáo.
Thế rồi vụ Holocaust xảy ra, giải quyết mọi tranh luận và hoá giải các quan điểm đối nghịch. Hai ngàn năm trôi dạt với cao điểm là cuộc Đại tàn sát Holocaust, dân tộc tự hào mình được Thượng đế chọn và có sự hiệp thông riêng tư với Thượng đế đó, cuối cùng thấy mình là đoàn người tả tơi sống sót trước sân lò sát sinh của đủ thứ đồ tể. Chọn lựa tốt nhất là xây dựng cho mình một quê hương, để vừa có đất sống, vừa có chỗ hướng về và biến thành hiện thực câu chúc nhau hằng năm trong bữa ăn seder mừng lễ Vượt qua: Sang năm ta về Jerusalem!
Sau bao nhiêu gian nan, nước Israel được thành lập vào ngày 14 tháng Năm 1948, trên vùng đất Palestine với diện tích 20 ngàn cây số vuông (bằng 1/16 diện tích nước Việt Nam). Dân số tính tới tháng Năm năm 2010 là 7.602.400 người, trong đó người Do Thái chiếm 6.051.000 người. Số còn lại gồm người Hồi giáo, Kitô giáo, Samaria và Duze. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hebrew, và lịch sử kinh thánh được dạy cho trẻ em như là câu chuyện trường thiên của dân tộc.

Ai là người Do Thái?

Đó là một câu hỏi xót xa và rất khó trả lời cho một dân tộc sống chung với hàng chục dân tộc khác suốt hai ngàn năm nay. Với hơn 10 triệu người Do Thái đang sống bên ngoài lãnh thổ Israel, thì cuộc sống chung đó có vẻ kéo dài tới vô tận vì con người thời nay ngày càng mang tính hoàn cầu. Ngày nay câu hỏi thực tế nhất là người Do Thái ấy xuất thân từ cộng đồng nước nào. Người Do Thái hôm nay không còn thuần chủng. Hậu quả chung đụng qua cả trăm thế hệ làm người Do Thái nói chung tương tự với kiểu mẫu thể lý của dân chúng bản địa.
Người Khương ở Hoa Bắc và người gốc Do Thái ở Hồ Nam trông giống với Hán tộc. Người Do Thái ở Ethiopia trông giống với người Ethiopia không phải Do Thái, có màu da đen và một số đặc điểm của người Caucase cùng người vùng Thượng Sahara. Người Do Thái giáo Yemen và người Hồi giáo Yemen chẳng khác gì nhau, đều có nước da sậm màu ô-liu, vóc người nhỏ, đầu hơi dài. Chủng tộc duy nhất mà người Do Thái ít bị đồng hóa là Bắc Âu bản địa. Thí dụ so với ngươi Do Thái Đức, thì người Đức không Do Thái nước da tương đối sáng hơn, mắt xanh, đầu dài và cao hơn. Đó chỉ mới vài thí dụ trong số hàng chục loại người Do Thái sống với các dân tộc bản địa khác.
Tới đầu thế kỷ 20, người Do Thái sống ở Đông và Tây Âu cùng Nam và Bắc Mỹ được gọi là người Do Thái Ashkenazi. Trước đó, từ sau năm 1492, người Do Thái rời Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tới sống trong thế giới A Rập - trải rộng từ Bắùc Phi ra khắp Trung Đông tới Ấn Độ - được gọi là người Do Thái Sephardic. Tuy nhiên, tại nhiều nước ở Trung Đông, gồm có Yemen, Iraq, Iran và Ethiopia, người Do Thái được gọi với tên khác. Tại Iraq và Iran, họ được gọi là người Do Thái Babylon. Người Do Thái ở phương Đông được gọi là Edor HaMizrakh.
Ngày nay, danh xưng Sepharnic trở thành tiếng chỉ chung những người Do Thái không phải là Ashkenazi. Vì tình trạng đa nguyên của người Do Thái nên họ có các phong tục, truyền thống, tên họ, y phục, thức ăn và văn hóa dân gian (kể cả truyện dân gian) khác nhau trong nhiều khía cạnh. May mắn là những dị biệt văn hóa ấy được vượt qua nhờ các giá trị và các chủ đề mang tính Do Thái nhất định.
Khi nước Israel thành lập năm 1948, ban đầu có một số người tinh nguyện trở về từ Mỹ và Canada. Rồi tới lượt các nạn nhân Holocaust sống sót ở châu Âu. Kế đó, lũ lượt người Do Thái sống tại các nước A Rập; nhiều người rời nơi mình từng sinh sống suốt 2.000 năm nay. Ngày nay, cả hai nền văn hoá của người Do Thái Ashkenazi và người Do Thái Sephanic cùng nhau hình thành bản sắc của nước Israel.
Và như thế, để giải quyết câu hỏi "Ai là người Do Thái", người ta cho rằng người Do Thái bao gồm ba nhóm. Thứ nhất những người sinh ra trong gia đình Do Thái dù họ theo hoặc không theo Do Thái giáo. Thứ hai, những kẻ có bối cảnh tổ tiên hoặc có dòng dõi Do Thái dù không nghiêm nhặt về mẫu hệ như được qui định theo Lề luật. Thứ ba, những kẻ có bối cảnh tổ tiên hay dòng họ tuy không là Do Thái nhưng đã cải sang Do Thái giáo và nay họ đang là tín đồ của đạo đó, thí dụ trường hợp trước đây của Đại đế Herod.

Sống với thế giới ngày nay

Cuộc tiến hóa đang chuyển biến chóng mặt, từ khoa học tới văn hóa. Để chứng minh mình là người Do Thái, một cầu thủ da đen trong đội tuyển Brasil không cầøn ôm theo chồng gia phả, mà chỉ rút từ ngực áo ra bản xét nghiệm gen di truyền. Cũng thế, hàm râu rậm rạp không còn được xem như có sức sống nội tâm phong phú và ân sủng dồi dào của Thượng đế. Con người thời nay hiện đại hóa và toàn cầu hóa, và đối với họ, có lẽ như một truyện dân gian trong sách này: Lề luật không ở trên trời. Ấy là chưa kể những kẻ nhiệt thành của phong trào hậu hiện đại, chuyên tìm cách bóc vỏ hoặc gây nhiễu các đại tự sự, tiểu tự sự của các nền văn hoá và tín ngưỡng, chính trị, v.v.
Cuộc sống hiệp nhất và hợp thành một thể thống nhất của Do Thái giáo dưới quyền dẫn đạo của thầy cả hầu như đã thất lạc đâu đó trong thời hiện đại. Tự do của con người hôm nay mang lại sự chấp nhận thực trạng dị biệt và đa nguyên chủ nghĩa. Không còn tình trạng hết thảy tín hữu Do Thái giáo cất lên tiếng nói đồng nhất về thẩm quyền ràng buộc của kinh Torah. Tuy tín hữu theo khuynh hướng chính thống vẫn quả quyết rằng ý chí của Thượng đế hiện thể trong kinh Torah và sách Talmud, nhưng giờ đây họ thấy rằng sự hiện thể đó phải được thông giải một cách có thẩm quyền bởi các nhóm thầy cả cá biệt theo từng thế hệ.
Thế nhưng một số người Do Thái khác vẫn khẳng định rằng Kinh thánh từ những khởi hứng thiêng liêng của nó, vẫn là lời giải đáp đầy nhân tính cho sự có mặt của một Thượng đế đang chỉ huy mọi biến cố. Cũng có nhiều người Do Thái không xem mình là người tôn giáo, không thuộc về một hội đường nào tuy vẫn tự hào về di sản của dân tộc. Họ ca ngợi các chiều kích luân lý và văn hóa của Do Thái giáo và bày tỏ niềm hi vọng rằng con cháu họ vẫn tự hào về dân tộc Do Thái cùng các giá trị và lịch sử của nó.

Thầy cả thời đại đại mới

Còn hơn tình trạng phân rẽ giới Pharisee hai ngàn năm trước thành hai trường phái của hai Đại thầy cả Shammai và Hillel, Do Thái giáo ngày nay mang những khuynh hướng khác nhau trong thông giải kinh sách và thực hành thường nhật. Ta có Do Thái giáo ở Bắc Mỹ thực tiễn và năng động, bên cạnh Do Thái giáo Bắc Âu uyển chuyển và phóng khoáng, nằm kề với Do Thái giáo Đông Âu và Nga vẫn đậm màu bảo thủ, ảnh hưởng lên các cộng đồng di dân của họ ở Mỹ và Canada.
Tình trạng dị biệt đó sẽ còn kéo dài vì như đã thấy, tín đồ Do Thái giáo không có cơ chế trung ương tập quyền như Công giáo La Mã hay Chính thống giáo. Ta có Do Thái giáo phái Hasid với những sinh hoạt bình dân, rộn ràng nhưng vẫn đượm không khí thần bí. Do Thái giáo Cải cách muốn tái phát biểu đức tin vào thuở bình minh của thời đại ngôn sứ với lời hứa "sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc" của con người thời đại. Phong trào Do Thái giáo Bảo thủ khẳng định rằng biến đổi của sự tuân giữ lễ nghi Do Thái giáo phải tăng trưởng trong quan hệ hữu cơ với trải nghiệm cuộc sống của tín hữu. Các thầy cả của phái này vẫn duy trì chiếc khăn phủ đầu khi cầu nguyện và khẳng định tầm quan trọng của luật chay tịnh. Khuynh hướng Do Thái giáo Chính thống vẫn nhất quyết giữ vững ngày Sabbath và việc phân chia riêng rẽ chỗ ngồi của nam và nữ trong hội đường.
Sự khác biệt của cả ba khuynh hướng đó tiếp tục đưa tới các quan điểm khác biệt về thẩm quyền của thầy cả. Người Chính thống và người Bảo thủ quả quyết rằng chỉ có hàng ngũ thầy cả được cơ chế hóa mới có thẩm quyền thông giải kinh Torah. Ngược là, người Cải cách cho rằng thầy cả đóng vai trò người hướng dẫn hơn là thẩm quyền tối hậu.
Thêm nữa, sự lớn mạnh của phong trào nữ quyền trên khắp thế giới cũng tác động sâu xa lên Do Thái giáo. Rất đông nữ tín đồ nhấn mạnh rằng văn bản Kinh thánh cũng như lề luật và các kinh nguyện phụng vụ đã quá chú trọng tới nam giới, để cho nữ giới hầu như đứng bên lề hoặc chỉ là đối tượng phụ. Tình trạng bất bình đẳng đó phải được chấm dứt trong một thế giới mà nữ giớiõ không còn bị thẩm định giá trị dựa trên khả năng sinh sản hay đảm đang nội trợ như thuở xưa, và nam giới không là kẻ duy nhất bôn ba ngoài xã hội.
Nhiều phụ nữ Do Thái đòi phải thông giải lại giao ước của Thượng đế dành cho loài người, cả nam lẫn nữ, bổ túc cho những bình giải trong Talmud và văn học dân gian midrash, cũng như tìm cách ghi lại các thông điệp trong Kinh thánh một cách phi giới tính, thí dụ tại sao Thượng đế chỉ luôn luôn mang hình ảnh đàn ông, và tiêu biểu bằng đại danh từ giống đực. Trong thực hành cũng thế, có khuynh hướng làm lễ điểm đạo, hay lễ trưởng thành cho thiếu niên 13 tuổi, cả nam lẫn nữ; nhân số mười người hợp qui cách cho một buổi cầu nguyện phải tính luôn cả nam lẫn nữ, các qui định về hôn ước, li thân li dị, quyền gia trưởng, v.v. phải đặt trên sự bình đẳng giới tính.
Thậm chí một số định chế Do Thái còn tiến hành việc phong thầy cả cho người nữ. Như nữ thầy cả Sally Priesand (1946 - ), thuộc Đại học Hiệp nhất Do Thái Cải cách (Reform Hebrew Union College), kẻ đầu tiên được tấn phong vào năm 1972 ở Hoa Kỳ.
Thế nhưng nữ thầy cả đầu tiên là Regina Jonas được tấn phong bí mật vào năm 1935 tại Bá Linh; bà chào đời năm 1902 và tới năm 1944 thì bị giết trong trại tập trung Auschwitz. Trước đó, tại Hoa Kỳ có Paula Ackerman (1893-1989) phục vụ cộng đoàn với năng lực của một thầy cả nhưng bà không bao giờ được phong chức.
Năm 1985, Chủng viện Thần học Do Thái Bảo thủ tại Hoa Kỳ (Jewish Theological Seminary of America) cũng tấn phong Amy Eilberg (1954- ) làm thầy cả. Tính tới năm 2004, Chủng viện này đã tấn phong hơn 150 nữ thầy cả, còn Học viện Thầy cả Ziegler (Ziegler School of Rabbinic Studies), cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ, đã tấn phong khoảng 30 người.


*
* *
Từ lời ca của David trong đoạn Thánh vinh mở đầu bài này đến nay đã ba ngàn năm. Qua bao nhiêu gian khổ và chuyển biến, người Do Thái vẫn mang trong mình hình ảnh Thượng đế giữa cuộc lữ thứ trần thế. Đấng giao ước ấy, dù được thông giải ra sao theo ngôn ngữ thời nay, vẫn là niềm hy vọng nỗi cậy trông và bến đỗ cho thuyền đời lạc loài. Và khi con người bí lối hay cô đơn nhất, vẫn có thể cảm thấy nguôi ngoai nếu có một hình bóng bên cạnh hay trên đám mây trước mặt. Cũng thế, ngày nay, tiếng hát có hình bóng ấy hẳn không còn ở nơi đồng cỏ xanh tươi với đàn súc vật, hay chỉ ở hội đường mà còn trên sân khấu với hàng chục ngàn khán giả đang ngây ngất vươn tay lượn mình và nhiều khi hòa điệu hát theo.
Ofra Haza, nữ ca sĩ Do Thái, là người thấm đẫm nguồn cảm hứng thiêng liêng ấy. Cô chào đời năm 1957 tại khu phố Hativak ở Tel Aviv, trong một gia đình nghèo gồm chín anh em. Nhạc và lời do chính cô viết và hát, khởi hứng từ tình yêu văn hóa Israel và niềm tin vào Thượng đế, lan khắp Trung Đông, các xứ A Rập cùng châu Âu và Bắc Mỹ. Tiếng hát của Haza cất cao theo thể điệu nhạc pop hiện đại mang lại cho cô nhiều dĩa vàng và dĩa bạch kim cùng nhiều giải thưởng trên khắp thế giới. Năm cô qua đời (2000) vừa khép lại một ngàn năm cũ, nhưng tiếng hát của cô vẫn vang lên dạt dào trong thiên niên kỷ mới. Và tôi xin mượn một bài hát của cô như lời nguyện cầu của kẻ cô đơn lạc loài nơi trần thế, để làm lời kết cho bài này:


Trái tim tôi
Những chiếc cổng trời cao mở ra cho nước mắt tôi
Những chiếc cổng trời cao mở ra cho nước mắt tôi
Thượng đế ơi, xin xót thương tôi.
Thượng đế ơi, xin xót thương tôi
Và đây cơn nhức buốt trong trái tim tôi
Và đây cơn nhức buốt trong trái tim tôi
Ôi tình yêu, làm sao tôi có được?
Ôi tình yêu, làm sao tôi có được?


Người còn biết chăng tôi hiện hữu nơi này?
Làm sao tôi tìm thấy lối đi xuyên qua
tình yêu của người?
Trái tim tôi chỉ khát khao tự do
Không ai có thể khiến tôi yêu cái khác
Chỉ khi tình yêu ấy hiểu nỗi khổ đau này
và tới bên tôi
Ai nguyên nhân của đau đớn không thể tin này
Ai kẻ chẳng biết chút nào sự hiện hữu của tôi? 

 

Tác giả Nguyễn Ước
http://www.erct.com/2-ThoVan/NguyenUoc/DoThai-HanhTrinhcuamotDanToc.htm