Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Giêsu hỡi, Ngài là ai?

Giêsu hỡi, Ngài là ai?


 
Tác giả: 
 Mai Tá


Giêsu hỡi, Ngài là ai?

Nay xin giải-đáp các thắc-mắc của bạn đọc về Đức Giêsu lịch-sử.

Người giải-đáp: John Dominic Crossan
& Richard G. Watts


Sách này, tạo thành-quả tuyệt-vời của một đời học hỏi nay gửi đến các bậc thức-giả không chuyên nhưng vẫn muốn tìm về với Đức Giêsu lịch-sử. Học-giả Kinh-thánh ở đây là cựu linh-mục John Dominic Crossan hiện đang hợp-lực với Mục-sư Richard G Watts quyết khám-phá ra cuộc sống, công việc và sứ-điệp của Người Con từng sống ở xứ miền Galilê yêu dấu ấy.

Tác-giả, nay diễn-giải về bản-chất con người và lời dạy của Đức Giêsu bằng giòng chảy trong sáng vốn đặt nặng tài-liệu lịch-sử rất thực và tầm hiểu-biết rất chính-xác về phong-thái con người của Đức Giêsu, về loại-hình thế-giới trong đó Ngài từng sống và về sự cống-hiến các huấn-dụ Ngài gửi đến cho nhân-loại.

Bằng vào cung-cách đáp-trả một loạt các vấn-nạn dậy lên từ khắp nơi trên thế-giới, tác-giả John D Crossan đưa ra các vấn-đề nổi cộm vây quanh nhân-vật Giêsu qua nhiều thế-kỷ, như: các phép lạ Ngài làm, sự-kiện thanh-tẩy Ngài lĩnh-nhận và sự sống lại cùng nhiều sự việc khác, đã diễn ra. Tác-giả John D Crossan và Richard G Watts đã giúp ta hiểu rõ sự sống và cái chết của Đức Giêsu theo phương-cách vượt qua Tin Mừng và các truyền-thuyết lưu lại đến hôm nay.

Cựu linh-mục John D Crossan, là giáo-sư danh-dự về Kinh Thánh tại Đại-học De Paul ở Chicago, Hoa Kỳ. Ông từng viết rất nhiều bộ sách tham-khảo trải dài nhiều năm tháng, trong đó có các cuốn nổi-bật như: The historical Jesus, The Birth of Christianity; Jesus: A Revolutionary Biography và Who Killed Jesus?...

Richard G Watts, là mục-sư thuộc Cộng-đoàn Giao-Ước mới ở Normal, bang Illinois Hoa Kỳ, một tu-hội thuộc Hội-thánh Đức Kitô (tức nhóm Môn-đệ Chúa), Hội-thánh Presbyterian (Hoa Kỳ) và Giáo-hội Hợp-nhất Đức Kitô.   
  
*********

Lời Nói Đầu

Sao lại cho in cuốn sách này?

“Học-giả kinh-điển khích-bác Chúa.”

Tiêu-đề này xuất-hiện trên báo nọ ở địa-phương, đề-cập đến buổi nói chyện của tôi với sinh-viên đại-học vùng Trung Tây, Hoa Kỳ. Đề-tài và câu chuyện tiếp sau đó, đã khơi-mào ngọn lửa dấy lên một tranh-cãi khá gay-go qua thư-từ, suốt 6 tuần liền. Ý của người viết trong các thư gửi đến lại tập-trung vào những chuyện như thể bảo: “Giờ này, mà ông ấy vẫn giữ lập-trường báng-bổ chống Giáo-hội, kể cũng lạ! Thật tôi không thể tin là: thời này, mà lại có học-giả cho mình là Kitô-hữu thế sao?” Ngược lại, nhiều độc-giả khác lại cứ coi những điều tôi viết chỉ cốt làm cho Tin Mừng ở thế-kỷ 21 được phong-phú tốt đẹp thêm lên, mà thôi.

Nếu thế, ta gọi sự-việc này là thế nào? Có phải để kiếm tìm một Đức Giêsu lịch-sử lâu nay tôi từng cổ-vũ không? Mặt khác, lại có người cũng từng hỏi: liệu điều đó, có làm suy-giảm niềm tin đi Đạo, không? Chuyện ông làm, có khiến cho niềm tin của mọi người thêm vững mạnh, hầu giúp đỡ họ sống thực điều Chúa dạy không đấy?

Thật ra, người viết bài hôm ấy đã phạm phải sai lầm không nhỏ, là bởi những gì tôi đề-cập ở buổi nói chuyện với sinh-viên hôm trước, chỉ cốt để mọi người hiểu Đức Giêsu hơn, chứ tôi không có ý đả-phá Kinh thánh hoặc chê-trách ai hết. Ngay từ đầu, tôi thường tự hỏi: “Mình học được điều gì sau 35 năm kiếm tìm Đức Giêsu Lịch-sử?” Chỉ mỗi thế. Và, đây chính là mục-tiêu tôi đặt ra cho sách này.

Ở đây, tôi mời bạn đọc hãy cùng tôi lập hành-trình trở về thời xưa/cũ, xem Đức Giêsu chủ-trương ra sao, vào lúc đầu, ở vùng đất mẹ nơi Ngài sinh sống? Nhưng trước hết, xin hãy cho tôi để ra vài phút ngắn-ngủi nói về cái-tôi-mọn-hèn-này, sau đó bà con sẽ thấy việc tôi tham-gia tìm kiếm ấy như thế nào.                      

Tôi lớn lên tại một thị-trấn nhỏ, ở Ái-Nhĩ-Lan.

1950, là năm tôi mới 16 tuổi, đã gia-nhập Hội dòng khắc-kỷ thuộc Giáo-hội Công giáo La Mã. Dòng thánh tôi sống, được lập ra từ thế-kỷ thứ 13, nhưng từ đó đến nay vẫn bình lặng, vắng vẻ. Và hôm ấy, một ngày trùng-hợp với sự-kiện thánh Tôma Akinô tự điều-phối học-thuyết Aristotle với thần-học Công-giáo một cách thiếu sót đến độ ông chẳng cần xem hai ngành này có chống-chỏi hoặc phản lại nhau không? Nhiều chỗ cho thấy: ông cứ nghĩ: hai ngành này là món ‘quà song sinh’ do Chúa tặng, nên không có chuyện xung-đột ngược-ngạo nhau, trừ phi ta hiểu sai một phía hoặc lẫn lộn cả hai bên.

Niềm xác tín này, ăn sâu vào người tôi tận đáy lòng, cho đến một ngày kia, tôi lại có thêm nhiều trải-nghiệm sau 6 năm trời miệt-mài với triết-học và thần-học dầy đặc những chữ là chữ. Cuối cùng, tôi cũng bước lên bàn thánh với chức linh-mục thực-thụ. Năm ấy là 1957. Cuộc sống trầm lặng/êm ả của tôi, phần lớn là ở thư-viện gồm toàn sách báo, hơn là ở giáo-xứ chỉ việc lo mỗi việc mục-vụ. Thêm vào đó, tôi cũng trải qua nhiều năm miệt mài kinh-sử ở Học-Viện Kinh-thánh Rôma và ở trường Khảo-cổ do người Pháp lập tại Giêrusalem. Xem thế thì, với tư-cách linh-mục, tôi cũng đã trải qua nhiều năm dạy-dỗ tại các trường trung-học, đại-học cũng như Đại-chủng-viện Chicago và vùng phụ cận.

Năm 1969, vì đổi ý, nên tôi đã nạp đơn xin được rời chức linh-mục và Hội dòng mà lâu nay tôi phục vụ cách hăng-say. Tôi rời đời tu, trước nhất là để lập gia-đình; và sau đến, để tránh mọi xung-khắc giữa việc trung-thành với đời tu và duy-trì tính lương-thiện với ngành học mà tôi đeo đuổi. Thư chuẩn-miễn do Toà Thánh gửi vào ngày 4 tháng 7 là ngày có ý-nghĩa đậm nét đối với riêng tôi. Nếu ai hỏi: làm thế, tôi có hối-hận hoặc giận-dỗi Hội-thánh điều gì không? Thì, xin thưa là: Không! Hoàn-toàn không có gì. Không giận-hờn, ghét ghen điều gì. Thời-gian sống trong dòng, với chức linh-mục, tôi mãn-nguyện không ít với cả hai trách-vụ. Và, khi thấy mình không còn sống hạnh-phúc với đời tu-trì nữa, tôi nguyện sẽ rời bỏ cuộc sống ấy. Đơn-giản chỉ mỗi thế. Có vị, lại cứ thấy đau buồn khi gặp sự thể như thế. Nhưng với tôi, lại không có vấn-đề gì như thế hết.

Những năm còn sống trong Dòng thánh sinh-hoạt theo kiểu Trung cổ, tôi đã tạo cho mình ít nhất 3 món quà của người xua. Thứ nhất, là tên gọi do cha mẹ đặt, tức: đơn-giản chỉ mỗi chữ “Gioan”. Thứ đến, là tên đệm do hội Dòng tặng, khi có tuyển-sinh nào đó trong Dòng tuyên-khấn sống hy-sinh tận-tụy. Và, thêm vào đó, là điều tôi vẫn xác-tín rằng: niềm tin và sự việc này khác xảy đến, như: vấn-đề mặc-khải và lý-luận mình có, không tương-phản hoặc chống phá nhau điều gì hết, trừ phi đầu óc mình bị lệch một bên; hoặc lẫn lộn cả hai phía. Món quà thứ ba tôi có được, là: tình yêu tôi dành cho Thanh-Nhạc, tức thứ âm-nhạc Grêgôriên thanh-thoát, cho dù tôi hát dở đến độ đã phá tan ban hợp-xướng nổi tiếng của Dòng, nên thoạt lúc tôi ra đi, các đấng-bậc ở lại đều mở cờ trong bụng, do bởi các vị sẽ có cơ-hội phục-vụ Thanh-nhạc đúng mức hơn.

Rời chức linh-mục năm 1969, tôi gia-nhập Đại-học De Paul ở Chicago; và phục-vụ tại đó mãi đến ngày về hưu với tước-vị Giáo-sư Danh-dự, từ năm 1995. Do tôi là người vẫn cứ tạo tranh cãi về tín-lý và tu-đức, nên việc để cho tôi dạy nhiều năm như thế, là cốt đề-cao lòng trung-kiên dũng-cảm mà Đại-học này muốn chứng-tỏ với người của mình.

Gia-nhập Đại-học De Paul, tôi lại đã tập-trung mọi sự vào công-trình nghiên-cứu, nên khi về lại chủng-viện với tư-cách thày dạy thực-thụ, tôi quen dần với lối tổ chức các lớp thần-học về dụ-ngôn Đức Giêsu kể và cả về sự Sống lại nữa. Nên từ đó, tôi quyết đi sâu/đi sát vào chủ-đề Đức Giêsu lịch-sử hơn nữa. Và cứ thế, ngày này qua tháng nọ, tôi lại đã nghiên-cứu và cho in các khía-cạnh đặc-trưng về Đức Giêsu, như nhiều người từng nhận thấy bối-cảnh lịch-sử, ở thời Ngài. Có lẽ, khi ấy, chỉ mình tôi trên thế-giới, là dám đem đời mình ra tìm kiếm một Đức Giêsu lịch-sử, mà thôi. Dĩ nhiên, điều này không phải để chứng-minh rằng: tôi là người có lý-do để làm việc đó. Và, điều đó cũng chứng-tỏ rằng: lập-trường tôi nêu ra, đáng cho mọi người để tâm xem xét.

Năm 1985, tôi cùng với Gs Robert Funk, một thần-học-gia thâm-niên vừa nạp đơn giã-từ Đại-học Montana để thiết-lập buổi hội-luận về Đức Giêsu do nhóm học-giả kinh-điển gốc Kitô-hữu có tên là Nhóm “Chuyên-đề về Đức Giêsu” thực-hiện.

Thông thường, nhóm này gồm khoảng 40 hoặc 50 vị chuyên phụ-trách các buổi hội-luận trong 4 ngày liền. Và mỗi năm, nhóm này đứng ra tổ chức các buổi như thế, chỉ hai lần mà thôi. Nhưng, những gì khiến đồng bào trong đạo chú ý nhiều, không chỉ mỗi chuyện được học-giả kinh-điển bàn-thảo, mà là quyết-tâm của mọi người cứ muốn tiếp-tục can-dự vào những chuyện như thế. Chẳng hạn như, đề tài họp bàn gồm các vấn-đề chuyên-môn như “Vương Quốc Nước Trời” qua lời lẽ được coi như do miệng Đức Giêsu nói ra.

Sau nhiều ngày bàn-thảo các đề-tài như thế, các vị đi đến quyết-định bỏ phiếu kín trong thinh lặng, bằng cách dùng hạt đậu có mầu sắc khác nhau, để bày tỏ lập-trường của mình là: lời nào đúng là lời Đức Giêsu nói, lời nào không. Như: hạt mầu đỏ, có nghĩa: lời ấy “rất” giống với điều Ngài từng nói. Hạt mầu hồng, chỉ có ý bảo: lời này “khá” giống lời Ngài nói. Và, hạt mầu xám lại bảo: lời nói ở đây “không mấy” giống lời Ngài phát biểu. Và, hạt mầu đen, có nghĩa: câu nói này chẳng giống chút nào với lời Ngài nói hết.

Bầu phiếu như thế, lại cũng thu hút sự chú-ý của giới truyền-thông vào dạo đó rất nhiều. Nhưng, có khẳng-định như thế cũng chẳng có gì là bất thường. Thật sự, cũng tựa hồ như việc ta mua Kinh thánh về để trưng trong nhà chẳng hạn. Thường thì, đó là Tân Ước, tức loại sách có chú thích ở cuối trang để diễn-giải các câu nói có tính đặc-trưng/đặc-thù như thể bảo: “Các ấn-bản thời cổ lại ghi là…”  Điều đó có nghĩa: học-giả ấy, khi xem xét ấn-bản viết tay vào thời cổ là: không bản nào giống bản nào, nên đã bỏ phiếu xác-quyết bản nào xác đáng nhất. Và, thủ-tục này giống hệt cung-cách làm việc của chúng tôi, trong nhóm “Chuyên Đề Về Đức Giêsu”

Điều làm cho nhóm “Chuyên Đề” nổi tiếng là do ở điểm: chúng tôi thực-hiện công-tác tham-khảo ý-kiến một cách cởi mở để mọi người được thấy rõ. Đồng thời, chúng tôi lại cũng mời giới truyền-thông chú ý đến công việc chúng tôi làm một cách tự do đối với bất cứ ai ưa-thích lối làm việc cũng như các kết-luận do chúng tôi đúc kết. Chúng tôi chẳng giấu việc mình làm trên tờ trình mang tính học-hỏi nghiên-cứu, nên vẫn viết thư cho nhau. Chúng tôi muốn để quần-chúng biết việc chúng tôi vẫn làm và mời họ tham gia đối-thoại về các vấn-đề tìm hiểu cũng như nghiên-cứu rất “chuyên đề” về Đức Giêsu
.
Suốt thập niên 1980, ngoài việc hợp-tác với nhóm “Chuyên Đề” ra, bản thân tôi, đã tiếp tục xuất bản các thành-quả nghiên-cứu của mình, chủ-yếu là để chuyển đến học giả khác khám phá của mình. Tuy nhiên, khi ấy lại thấy sự việc tuyệt-vời khác cũng xảy ra. Đó là: vào năm 1991, khi tôi cho xuất-bản cuốn “Đức Giêsu Lịch sử, cuộc sống của một nông-dân Do-thái vùng Địa Trung Hải”, chuyên vào việc tóm kết công-cuộc nghiên-cứu của tôi về cuộc sống và hoạt-động của Đức Giêsu, tôi cứ nghĩ rằng: chỉ có các học-giả kinh-điển mới đọc cuốn này, còn quảng-đại quần-chúng sẽ không bao giờ nghe biết chuyện ấy. Nhưng khi ấy, ký-giả Peter Steifels thuộc tờ The New York Times đã đề-cập đến vấn-đề ấy trong bài viết của ông trên trang đầu tờ báo, vào dịp Giáng Sinh.

Và, câu chuyện ông đề-cập, đã được nhiều nhật-báo khác đua nhau góp ý. Mãi đến tháng 6 năm đó, tôi ngạc-nhiên khi thấy sách mình viết đã đứng đầu các sách về tôn-giáo bán chạy nhất theo tờ tuần-báo do các nhà xuất-bản chủ-trương. Một ấn-bản ngắn mang đầu đề: “Đức Giêsu: một tiểu-sử cách-mạng” lại cũng đứng đầu danh-sách 10 cuốn bán chạy nhất trong vòng 8 tháng năm 1994. Lúc ấy, sách của tôi lại đã bị “chìm xuồng” do có sự xuất-hiện của cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Sở dĩ sách được in là để chứng-tỏ rằng Thiên-Chúa cũng có tính hài-hước của Ngài nữa đấy! Việc các sách này nổi tiếng một cách không ngờ, đã cho thấy là quảng-đại quần-chúng cũng đã chú ý đến nhân-vật Giêsu rất đậm nét.

Từ đó, lại đem ta về với câu hỏi: “Sao lại cho in cuốn sách của tôi?

Trả lời câu hỏi này, ít nhất cũng nên tóm gọn vào 4 phần, như sau:      

Trước nhất, là hiện giờ đang có nhu-cầu cần giới-thiệu cho ta một cách vắn-tắt và dễ đọc về các câu hỏi như ở trên; và nhất là việc đúc-kết nền-tảng được rút tỉa từ công-cuộc điều-nghiên về Đức Giêsu lịch-sử cho người đọc, nói chung. Bởi lẽ, không phải người đọc nào cũng có cơ-sở để đào sâu ngang qua lập-luận cô-đọng dầy đặc của các học-giả kinh-điển. Sách tôi viết về Đức Giêsu đây, được lược-thảo để quý độc-giả dễ tiếp-cận cả khi quý vị chưa từng hoặc/biết Kinh thánh hoặc chẳng bao giờ dự khoá-học nào về nguồn-gốc của Kitô-hữu. Tôi cố-gắng tìm cách đúc-kết quá-trình học-hỏi suốt gần một đời người để giúp các độc-giả tuy không chuyên vẫn có thể gặp gỡ Đức Giêsu lịch sử như ý muốn. 

Hai nữa, những năm gần đây, tôi đã tham-gia cả trăm buổi hội-thoại truyền-thanh và đã dự cũng chừng ấy buổi phỏng-vấn trên báo. Và từ các sự-kiện thư thế, tôi học được rất nhiều điều xuất hiện nơi đầu óc dân chúng. Thế nên, sách này được viết theo kiểu hỏi/đáp, tuy không chỉ để bẻ bài viết trong sách thành các mẩu vụn suy-tư thuộc tầm cỡ li ti như các chấm đen trong hình. Nhưng, như thế cũng đủ để tôi có cơ hội đáp trả các vấn-nạn tiêu-biểu, ít xảy ra.

Thứ ba, là: lâu nay, tôi nhận được cả trăm lá thư gửi từ 38 tiểu bang và 20 quốc gia khác nhau, trong đó độc-giả từng đọc sách do tôi viết hoặc nghe chuyện tôi nói hoặc xem xét lời bình về việc tôi làm, trên truyền thông. Nên, sách này không chỉ giúp tôi có cơ hội trả lời câu hỏi của các vị mà thôi; nhưng còn tạo cho độc-giả là những người đang đọc giòng chữ này, có dịp thấy được người khác đang suy-nghĩ những gì và nói thế nào về mọi chuyện. Dù sao thì, trong lúc tôi ngỡ là sẽ có nhiều bức thư nói về tôi một cách tiêu-cực thì thực tế lại trái ngược điều đó; bởi, hầu hết các thư tôi nhận được đều là những thư trần-tình tích-cực đến độ sửng sốt. Thực sự, thì chỉ một số rất ít thư-từ lên án tôi là người phản-bội niềm tin Kitô-hữu, trong khi đó tôi lại đã nhận đến 4, 5 thư tỏ lòng biết ơn tôi đã giúp người viết sách/viết bài có cơ-hội nối-kết Đức Giêsu lịch-sử với niềm tin Công-giáo.

Thứ tư, nữa là: sách tôi viết được tâm-niệm từ các trao-đổi khác thường giữa các học-giả kinh-điển và giáo xứ ở nhiều nơi. Khởi sự, từ khoảng hơn hai chục vị sống đạo tại Cộng-đoàn có tên là: Giao-Ước Mới, tức: Giáo xứ Normal, bang Illinois là những người lâu nay vẫn đeo đuổi tìm hiểu về sách tôi viết, vào dạo trước. Khi sự thể diễn ra một cách gay-go, thì vị mục-tử ở giáo-xứ này là Mục sư Dick Watts, có đề-nghị xin tôi cho ông hợp-tác “chuyển-dịch” công việc mang tính học-thuật này bằng ngôn-ngữ của đời thường sử-dụng hằng ngày. Nên, có thể nói rằng: sách “Giêsu hỡi, Ngài là Ai?”  là thành-phẩm cuối trong công-cuộc hợp-tác rất ý-nghĩa.

Xin chuyển đến quý độc-giả và mọi người niềm xác-tín rằng: các vị sẽ thấy sách này đây cũng hữu-ích rất rõ. Bởi, nó lớn lên từ sự phấn-đấu của những “con người đích-thực” muốn kết-nối với Đức Giêsu bằng việc gặp gỡ Ngài trong khuôn khổ của thế-giới Ngài từng sống vào thế-kỷ đầu đời, mỗi thế thôi.   
       
  (còn tiếp)   

     John D. Crossan
     Mai Tá lược dịch
 http://www.thanhlinh.net/node/85146

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 05)

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 05)


 

  • Vì họ không biết việc họ làm.

Đó là vế thứ hai của lời cầu nguyện đầu tiên. Nhưng làm sao Chúa Giê-su lại có thể nói họ không biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết chết Con Một của Thiên Chúa.

Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử hình, Chúa Giê-su đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn La Mã đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Chúa ơi, Chúa lại nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su ơi. Trong một tâm hồn tan nát và tràn đầy khổ đau, Chúa lại có thể kiếm được ở đâu một chỗ, để có thể thốt lên những lời đó? Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su ơi. Chúa yêu thương kẻ thù của Chúa. Chúa phó thác kẻ thù vào cho Cha trên trời. Chúa cầu nguyện cho họ. Ôi, Chúa ơi, con có ngớ ngẩn để nói rằng: Chúa xin lỗi dùm cho họ, bởi vì họ không biết việc họ đã làm. Thất cả bọn họ đã biết, chỉ là họ không muốn biết đến điều họ đã làm thôi. Thật vậy, nếu người ta không muốn biết, thì người ta lại biết rõ hơn hết trong sâu thẳm tăm tối của căn hầm tâm hồn. Nhưng người ta đã ghét bỏ điều đó, vì thế họ không muốn để cho điều đó tỏ lộ ra bên ngoài trong ý thức. Và Chúa nói rằng, họ không biết việc họ làm. Một điều chắc chắn họ đã thực sự không biết: Tình yêu của Chúa dành cho họ. Vì tình yêu này người ta chỉ có thể nhận ra, khi người ta yêu mến Chúa. Vì chỉ có người yêu thương mới nhận ra được tình yêu đã được ban cho.
Xin Chúa hãy nói lời tha thứ của tình yêu không thể dò thấu được với tội lỗi của con.  Xin hãy cầu bầu với Cha trên trời cho con: Xin tha thứ cho nó, vì nó không biết việc nó làm. Dù rằng con đã biết mọi sự. Chỉ có một điều con chưa biết. Đó là tình yêu Chúa.
Xin cũng giúp con biết suy đi nghĩ lại, khi con cầu nguyện và xác quyết với lời Kinh Lạy Cha cách vô cẩn: Như con cũng tha cho những người có lỗi với con. Ôi lạy Chúa trên Thánh Giá của tình yêu: Con cũng không biết có ai thực sự lầm lỗi với con, để con tha thứ cho họ. Nhưng sức mạnh của Chúa cần thiết biết bao, để thật sự từ trái tim, con có thể tha thứ cho những người mà con cho rằng đó là kẻ thù của con”.[i] Qua lời suy niệm này, nhà thần học lỗi lạc Karl Rahner đã thú nhận không thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô diễn tả và sống động.

Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. “Đúng vậy, ngay trong đống tro bụi của sự dữ, một chút than hồng của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục âm ỉ cháy trong trái tim của chúng ta. Sự tha thứ sẽ thổi bay đi những tro bụi kia, và sự tha thứ thổi cho tia lửa tình yêu gần tàn kia bùng lên, để ngọn lửa bùng cháy với sức mạnh mới”.[ii]

Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng đã suy niệm lời họ không biết việc họ làm như sau: “Thực ra, theo lời Người, thì những kẻ đóng đinh Người ‘không biết việc chúng làm’ (Lc 23,34). Người đặt sự thiếu hiểu biết, sự ‘vô minh’ của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp những lời mà viên đại đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giê-su: ‘Người này thật sự là người công chính!’ (câu 47). Người này là Con Thiên Chúa. Vẫn là một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ không thực sự biết Người, những lý hình của Người, và trong trường hợp những kẻ biết, những kẻ kết án Người, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải”.[iii]

Ngoài ra, lời này của Chúa Giê-su cũng nhắc chúng ta nhớ lại lời rao giảng của Thánh Phê-rô, sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, và sau sự kiện Thánh Phê-rô chữa người què ở Đền Thờ.  Trước hết, Thánh Phê-rô nói cùng đám đông dân chúng đang tụ họp ở đó: Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. (CVTĐ 3, 14-15).  Sau sự nhắc nhớ nhức nhối này, Thánh Phê-rô tiếp tục: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em”. (CVTĐ 3, 17).
Sự thiếu hiểu biết cũng được Thánh Phao-lô nhắc đến trong sự liên hệ đến chính tiểu sử và ơn gọi của ngài:“Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin”. (1Tm 1,13). Khi thú nhận như thế, thánh Phao-lô rất can đảm, vì ngày xưa trong tư cách là một người luôn sống ý thức về mọi việc mình làm, và luôn tuân thủ lề luật, nên ngài mới đi bắt bớ các người Ki-tô hữu. Khi ngài được Chúa kêu gọi trở lại, ngài đã thành thật nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình, sự nông cạn của ngài khi chưa có niềm tin. Theo Đức Thánh Cha Benedicto XVI,[iv] ngay tại điểm thiếu hiểu biết này, mà thánh Phao-lô đã được cứu, được biến đổi và đến với Chúa, và nhận được sự tha thứ của Chúa. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nêu bật sự song đôi của hai điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ: một bên là sự hiểu biết qua việc học hỏi, bên kia là sự thiếu hiểu biết. Ở đây, có thể xảy ra vấn đề của sự hiểu biết. Đó là người hiểu biết đứng trước một sự nguy hiểm tự kiêu, khi tự nâng cao mình lên, tự vinh danh mình, tự cho mình là biết tất cả mọi sự, đến nỗi không còn nhìn ra chân lý và đạt được chân lý có sức biến đổi cuộc sống của con người. Một lần nữa, trong một cách thức khác, vấn đề hiểu biết và không hiểu biết được lộ rõ, khi chúng ta lật lại những trang đầu tiên của Tin Mừng về việc Giáng Sinh của Chúa. Các Thượng Tế và Kinh Sư biết rõ ràng nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Những người hiểu biết đã bị mù tối. (x. Mt 2, 4-6).

Một cách rõ ràng, sự song đôi của sự hiểu biết và sự thiếu hiểu biết trong ý nghĩa này luôn tồn tại trong mọi thời đại. Vì thế, Đức Thánh Cha BenedictoXVI mời gọi chúng ta chúng ta luôn tự hỏi bản thân: Chúng ta đang là những con người hiểu biết nhưng thực sự là mù tối? Chúng ta đang sống trong tình trạng hiểu biết, nhưng lại không có khả năng để nhận ra chân lý và sự thật có thể biến đổi chúng ta?

Viết những dòng suy niệm này trong bối cảnh Giáo Hội vừa có vị chủ chăn mới, kế vị Đức Benedicto XVI. Đó là Đức Thánh Cha Phanxico, vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội. Trong bài giảng đầu tiên trên tư cách là đấng kế vị Thánh Phê-rô, Ngài đã nói rằng: “Tin Mừng này tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Thánh Phê-rô, người đã tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.[v]

Như thế, trong đời sống của người Ki-tô hữu, dù ở trong cương vị nào đi nữa, và dù có thông hiểu nhiều đến đâu, theo Chúa sát đến mấy, xả thân hoạt động và xây dựng hết cỡ, cũng như mở hết volume để tuyên xưng Chúa, mà lại không có Thánh Giá Chúa, không có Chúa trong tâm hồn, không có Chân Lý là chính Chúa ngự trị, thì thật nguy hiểm biết bao, vì như thế chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa. Như vậy, sự hiểu biết của những nhà thông thái, kinh sư, thượng đế ở kế bên Thánh Giá Chúa chỉ là sự khôn ngoan của con người, sự khôn ngoan của họ thiếu bóng dáng của Thánh Giá Chúa. Khoa học Thánh Giá họ chưa hiểu được, thì làm sao họ có thể hiểu được Chân Lý là gì. Hơn nữa, cái hiểu đâu phải là tất cả cuộc sống của con người. Cái hiểu đó cần phải đi vào trái tim, thấm nhuần toàn thể con người, để cả cuộc đời con người gắn liền với Chân Lý, với Thiên Chúa, với Thánh Giá của Đức Ki-tô. Xin Chúa cho chúng ta, trong đời sống đức tin theo Chúa, đứng gần Thánh Giá Chúa, nhưng không bao giờ mù tối đến nỗi không hiểu Thánh Giá Chúa là gì, ngược lại thấu hiểu, cảm nhận và giang đôi tay, mở rộng tâm hồn đón nhận Thánh Giá Chúa vào đời mình, vì Thánh Giá Chúa chính là Chân Lý, là khoa học của tình yêu mà Đấng Cứu Thế đã ban tặng cho nhân loại.

Tóm lại, sự thiếu hiểu biết và nông cạn về niềm tin mà Thánh Phê-rô nhắc đến, và thánh Phao-lô thú nhận nơi ngài, có thể làm cho tội lỗi chúng ta được nhẹ hơn, và có thể mở ra một con đường hoán cải trở về. Trở về để xin Chúa mở mắt tâm hồn, xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng của Ngài, để có thể nhìn ra Thánh Giá Chúa là khoa học của tình yêu, là Chân Lý mà chúng ta cần mở lòng và giang đôi tay đón nhận, và luôn sống với Chúa trên đường Thánh Giá trên từng nẻo đường chúng ta đi. Có như thế, Chân Lý sẽ nở hoa và sinh trái trên đời sống của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cũng cảm tạ Chúa về lòng nhân từ bao dung của Chúa giành cho chúng ta, những người thiếu hiểu biết. Đó là một sự an ủi lớn lao. Cũng xin Chúa giúp chúng ta, khi đã hiểu được tinh thần tha thứ của Chúa, thì cố gắng sống theo Ngài, như Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên, đã theo gương và thực hiện.

  • Thánh Tê-pha-nô, mẫu gương sống tinh thần tha thứ.

Đọc lại câu chuyện thánh Tê-pha-nô bị ném đá, với sự hiện diện của Sao-lô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của thánh nhân: Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ”. (CVTĐ 7, 59-60).
ĐTC Benedicto XVI đã suy niệm biến cố này như sau: “Đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giê-su với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Tê-pha-nô thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông - một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ ‘tội này’. Trên Thánh Giá Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra”.[vi]
ĐHY Fulton cũng đã chia sẻ về mẫu gương tha thứ của thánh Tê-pha-nô: “Tôi từ chối ghét bạn. Nếu tôi ghét bạn, tôi sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu tôi không ghét bạn, tôi sẽ giết chết lòng thù hận của bạn và tôi sẽ xóa nó khỏi mặt đất. Tôi yêu quí bạn. Đó là đường lối thánh Tê-pha-nô chinh phục những ai thù ghét ông, giết chết ông. Thánh nhân đã cầu nguyện: ‘Lạy Chúa xin đừng chấp tội họ về việc này’ (CVTĐ 7,59). Nói chính xác hơn, ông đã lập lại lời của Chúa Giê-su trên thập giá. Lời của ông đã chiến thắng được tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi tên là Sao-lô, hắn đứng bên cạnh trông coi y phục cho những lý hình ném đá Tê-pha-nô và đồng ý với cái chết của thánh nhân. Nếu như Tê-pha-nô nguyền rủa Sao-lô, có lẽ người thanh niên này chẳng bao giờ trở thành thánh Phaolô, một mất mát quá to lớn. Nhưng thù oán đã thất bại, vì Tê-pha-nô tha thứ”.[vii]
Ngoài ra, thánh Âu-tinh đã diễn tả rất hay về mẫu gương tha thứ của thánh Tê-pha-nô, và ngài khuyên bảo mọi người nhìn vào tấm gương thánh nhân, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.[viii]
Lời của thánh Âu-tinh là một lời nhắc nhớ chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Ki-tô: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. (Mt 5, 48). Hoàn thiện là một con đường dài của đời người, cũng thế tha thứ là bài tập cho cả cuộc đời.

  • Tha thứ, bài tập cho cả cuộc đời.

Là những người có niềm tin, chúng ta từ thuở nhỏ ai cũng thuộc làu làu Kinh Lạy Cha.  Trong đó có một lời cầu nguyện: xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Lời cầu nguyện này thật đặc biệt, vì nó đưa chúng ta đi vào thực tế đời sống hằng ngày, với biết bao đụng chạm, với biết bao bực dọc, cũng như không thiếu tức tối, ghen ghét và hận thù. Có những người đã chia sẻ rằng, càng đọc lời kinh này, thì càng nhức nhối, vì thật là khó để tha thứ, đặc biệt tha thứ cho những người đã gây ra biết bao đau khổ cho cuộc đời mình. Đó là một thực tế không ai chối cãi được. Tuy nhiên, dù thế nào Chúa vẫn mong chờ chúng ta cố gắng sống sao, để lời cầu nguyện này có thể nở hoa sinh trái trong đời sống thực tế. Vì vậy, tha thứ thật sự là một bài tập cho cả cuộc đời. Đúng thế, khó thì mới tập, mà càng khó thì càng phải nỗ lực tập mỗi ngày. Một tâm tình có thể giúp chúng ta tập sống tinh thần tha thứ, là chúng ta nên nhớ lại sự tha thứ của Chúa giành cho chúng ta như thế nào. Biết bao lần lầm lỡ, biết bao tội lỗi chúng ta gây ra, làm thương tổn người khác, làm thương tổn đến chính bản thân mình, và làm xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa đều tha thứ tất cả. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi, Ngài đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với mỗi người chúng ta, thì lời xin vâng đó có giá trị đời đời. Sự tha thứ của Chúa luôn có chỗ trong cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có được đón nhận sự tha thứ này hay không, còn tuỳ thuộc vào cuộc sống và hành động của chúng ta. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6, 14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống Đức Tin. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim, “giết chết” lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống Ki-tô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Ki-tô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài.[ix]
Khi tha thứ, là chúng ta đang xây tựng tinh thần hoà bình trong cuộc sống của mình và của người lầm lỗi với chúng ta. Nói khác đi, tinh thần tha thứ luôn là cánh cửa mở ra một chân trời mới, một tương lai mới cho cả hai bên, như Simon Weil đã nói: “Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ, chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và chưa bị vẩn đục”.[x] Tương lai của cuộc sống chúng ta cần được gìn giữ và phát triển trên nền tảng của tình yêu thương. Nhưng đụng chạm, căng thẳng, giận hờn và đôi khi hận thù không được phép ảnh hưởng mạnh mẽ trên tương lai của chúng ta. Trong chiều sâu của tâm hồn, ai ai cũng muốn có được bình an. Bình an luôn có với những tâm hồn nhân ái và dễ dàng thứ tha.
Ngoài ra, ĐHY Fulton chia sẻ về tinh thần tha thứ mà chúng ta cần phải noi gương Chúa Giê-su Thánh Giá dựa trên ba điều. Thứ nhất, Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta những tội lớn hơn tội thiên hạ. Thứ hai, chỉ bằng tha thứ mà thế giới không còn hận thù. Thứ ba, sự tha thứ của chúng ta là điều kiện để mình được tha lỗi. Cụ thể hơn, Fulton giải thích từng điều một:
“Thứ nhất, chúng ta buộc phải tha thứ tha nhân bởi lẽ Chúa đã tha thứ cho mình. Chẳng có sự xúc phạm nào mà thiên hạ làm cho mình, có thể lớn hơn sự xúc phạm chúng ta chống lại Thiên Chúa do tội lỗi mình. Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn người đầy tớ ác độc không tha thứ cho bạn mình để giải thích điểm này (Mt 18,21). Trong dụ ngôn, ông chủ tha thứ món nợ mười ngàn nén vàng, ra ngoài lập tức hắn bóp cổ người bạn chỉ nợ y có một trăm nén bạc. Số nợ mà chủ tha cho y 1.250.000 lần lớn hơn món nợ bạn y mắc nợ. Sự chênh lệch biểu lộ chúng ta mắc nợ Thiên Chúa vì tội lỗi, lớn lao hơn người khác xúc phạm đến mình, cho nên phải tha thứ cho thù địch là lẽ đương nhiên, vì lý do Chúa đã tha thứ cho chúng ta gấp nhiều lần hơn về tội đối xử với Ngài như kẻ thù…Người ta từ chối nhận mình có lỗi với Thiên Chúa, cho nên chẳng bao giờ nghĩ mình cần được thứ tha! Họ nghĩ mình không cần tha thứ, cho nên họ nghĩ thiên hạ cũng vậy. Người mà không biết mình có tội với Thiên Chúa, thì ít có khuynh hướng tha tội cho người khác… Người ý thức mình cần phép giải tội nhất sẽ là kẻ khoan dung nhất đối với tha nhân... Bởi vì người ta thời nay quên bẵng tội lỗi của mình, cho nên thói xấu thù hận trở nên cay đắng và sâu sắc hơn. Con người dễ dàng bóp cổ nhau vì vài đồng xu nho nhỏ. Họ quên Thiên Chúa đã tha thứ cho mình tới mười ngàn nén vàng. Xin hãy khuyến khích họ nhớ lại đã được Thiên Chúa thương xót thế nào, họ sẽ khởi sự ăn ở tốt lành với đồng loại.
Lý do thứ hai để tha thứ những kẻ xúc phạm đến chúng ta, là vì nếu chúng ta không tha thứ, thì hận thù ngày càng chồng chất, đến độ sẽ làm nổ tung thế giới vì ghen ghét. Thù hận luôn là mảnh đất màu mỡ, nếu không bị dập tắt, thì nó tự phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhiều phe đảng lợi dụng tính chất này của hận thù, nên đã không ngừng gieo rắc nó. Họ biết rằng hận thù phá đổ xã hội nhanh hơn là các đạo binh, nên không khi nào nói về bái ái. Cứ để hận thù phá hoại lẫn nhau và sẽ đạt tới mục tiêu dễ dàng. Lịch sử hai cuộc thế chiến chứng minh điều này là đúng. Làm thế nào ngăn cản hận thù khi người ta vả má lẫn nhau? Chỉ có con đường duy nhất là đưa má khác cho người ta vả tiếp! Tôi muốn nói tha thứ…
Cuối cùng, chúng ta phải tha thứ người khác, bởi chẳng còn điều kiện nào nữa để tội lỗi chúng ta được thứ tha. Thực tế, xét theo nguyên tắc luân lý thì xem ra vô phương để Thiên Chúa tha tội cho chúng ta trừ phi chúng ta có lòng thứ tha. Ngài đã nói: ‘Phúc cho kẻ có lòng xót thương vì họ sẽ đuợc thương xót’ (Mt, 5,7).‘Tha thứ và ngươi sẽ được thứ tha. Hãy cho và ngươi sẽ được cho lại... Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy’. (Lc 6,37-38).
Có một thứ luật hiển nhiên, không ai có thể thoát được. Bạn không thể gặt, nếu không gieo trước. Nếu bạn không gieo lòng thương xót nơi đồng loại, Thiên Chúa sẽ chẳng xót thương bạn. Như trong dụ ngôn trên, người chủ nợ từ chối tha nợ cho đầy tớ độc ác, bởi lẽ hắn không thương xót tha cho bạn mình món nợ nhỏ xíu. ‘Ấy vậy Cha Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35). Nếu cái hộp đựng đầy muối, nó không thể chứa gì được nữa. Nếu tấm lòng chúng ta đựng đầy hận thù hàng xóm, làm sao Thiên Chúa đổ tình thương của Ngài vào được? Đơn giản đến như vậy mà chúng ta không hiểu? Nếu chúng ta không có đầy lòng thương xót, chúng ta sẽ chẳng được Thiên Chúa xót thương. Như vậy, thử thách thực sự của người Kitô hữu là yêu mến kẻ thù thế nào? Chứ không phải thương yêu bạn bè ra sao? Lệnh truyền của Thiên Chúa quá rõ: ‘Hãy yêu mến kẻ thù ngươi, làm tốt cho những ai oán ghét anh em, và cầu nguyện cho những ai bách hại và nói xấu anh em, ngõ hầu anh em là con cái Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời soi sáng người lành kẻ dữ và làm mưa rơi xuống người công chính cũng như kẻ bất lương’ Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em có công chi? Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm chi lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại không làm như thế sao? (Mt 5,44-47). Cho nên ta phải tha thứ ngay cả đến bảy mươi lần bảy”.[xi]

Ở đây, chúng ta nhớ lại câu hỏi về sự tha thứ của Phê-rô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18, 21). Phê-rô hỏi Chúa và cứ tưởng rằng ông đã hiểu thấu câu trả lời. Thực tế, ông chẳng hiểu gì, cho đến khi ông phản bội Chúa đến ba lần và rồi được Chúa nhìn đến khi gà vừa gáy xong. Đôi mắt nhân từ của Chúa nhìn ông đã giúp cho hiểu được tình yêu bao la của Chúa dành cho ông. Tình yêu đem lại sự tha thứ và giúp ông ý thức sám hối ăn năn về tội lỗi chối Thầy của ông.[xii]

Trở về với câu hỏi về sự tha thứ mà Phê-rô đặt ra. Chúa Giê-su đáp thế nào? “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. (Mt 18, 22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Ki-tô! Nếu chúng ta làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Thật vậy, tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không quen số lượng và không biết đến chấm hết. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.[xiii] Và khi sống tinh thần tha thứ, chúng ta đang cố gắng sống như Chúa Giê-su, là cảm thông, nâng đỡ, cầu nguyện cho họ, và không trách cứ những chuyện họ làm, vì có thể họ làm những điều đó, nhưng lại không ý thức và biết rõ về hành động và hậu quả xấu mà hành động đó để lại.

Anselm Gruen còn đi xa thêm một bước trong tinh thần tha thứ. Đó là không chỉ tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, mà cần phải tha thứ cho chính bản thân mình.[xiv] Điều này thuộc về phương diện tâm lý cũng cần chú ý. Thật vậy, những ai có lòng nhân từ với chính bản thân, thì đang sống tình yêu thương mà Chúa dạy. Nghĩa là chúng ta cần tập sống yêu thương mình trong ý nghĩa tích cực. Đó là chân nhận những yếu đuối và lầm lỗi của bản thân với một hướng tích cực. Nghĩa là người đó có cảm thức về tội lỗi của bản thân, nhưng không rơi vào tình trạng mặc cảm tội lỗi, đến nỗi rơi vào trong vòng quỷ quyệt đầy tiêu cực, luôn coi mình là kẻ bất xứng, là kẻ có tội, và cuối cùng rơi vào tình trạng depression, mặc cảm với mọi người, sợ hãi mọi người và đánh mất đi niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống. Vì vậy, tha thứ cho chính mình là điều cần phải tập. Bí tích Hoà Giải mà Chúa Giê-su lập ra chính là món quà quý báu, để chúng ta có thể tập sống tha thứ cho chính bản thân mình và tha thứ cho người khác, qua tâm tình chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Chúa từ nhân trong lòng Giáo Hội.

  • Bài tập sống sứ điệp đầu tiên của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

-       Đứng trước Thánh Giá và hướng mắt lên Thánh Giá Chúa. Ngắm nhìn Chúa Giê-su đang gục đầu xuống như hướng nhìn về bạn. Hãy mờ lòng bạn, mở đôi mắt của bạn và mở đôi tay của bạn để đón nhận Chúa. Bạn có thể giang đôi tay mình ra như cử chỉ đón mời Chúa.
-       Vẫn ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá. Giờ đây chú ý lắng nghe Ngài đang nói với bạn lời tha thứ từ Thánh Giá. Hãy để lời này từ từ thấm sâu vào lòng bạn. Nhắm mắt lại bạn hãy nhẩm đi nhắc lại âm thầm lời này, như là Chúa đang cầu nguyện riêng cho bạn: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm.Bạn cảm nhận lời này như thế nào? Có điều gì làm bạn chú ý?
-       Qua lời tha thứ của Chúa, bạn suy gẫm và xác tín rằng, Chúa yêu thương bạn. Không có gì lầm lỡ trong tâm hồn và trong con người bạn là không thể tha thứ được. Bạn chỉ cần phải khiêm tốn sám hối và ăn năn với Chúa.
-       Để đi sâu hơn, bạn nhớ lại một lầm lỡ và tội lỗi của bản thân. Khiêm tốn và thật tâm sám hối bạn nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện với Cha trên trời và với Chúa Giê-su: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì con không biết việc con làm; vì con không biết những hậu quả của việc con đã làm. Mỗi lần nhẩm đi nhắc lại một lời cầu nguyện này. Bạn dừng lại trong thinh lặng giây lát, và trong sâu thẳm của tâm hồn bạn hướng về Thiên Chúa từ nhân để cầu xin lòng thương xót nhân hậu của Chúa.
-       Ngoài ra, bạn có thể tự hỏi, lúc này có ai là người có lỗi với tôi không? Nếu có ai thì bạn mường tượng khuôn mặt của người đó, đặt họ trước Thánh Giá Chúa. Bạn nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giê-su:Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm. Cuối cùng bạn xin Chúa giúp bạn mở lòng để tha thứ cho người có lỗi với bạn.
Kết thúc bài tập và phần suy niệm này, bạn có thể đọc Kinh Lạy Cha thật chú tâm. Đặc biệt chú ý đến tinh thần tha thứ trong Kinh Lạy Cha.

Mong sao lòng nhân từ của Chúa và sự an ủi này giúp chúng ta mở cánh cửa, để bước vào con đường hoán cải trở về với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Đấng giàu lòng thương xót, như anh trộm lành bị đóng đinh và bị treo trên thập giá đã hướng nhìn đến Chúa Ki-tô.


[i] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.53-54.
[ii] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.24.
[iii] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
[iv] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t. 230-232.
[v] ĐTC Phanxico, Bài Huấn Từ đầu tiên trong Thánh Lễ với các Hồng Y, tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>
[vi] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
[vii] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[viii] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995, t.63-64.
[ix] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, t. 139-140.
[x] WEIL S., Attente de Dieu, La Colombe, Paris 1950, t.219.
[xi] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[xii] X. PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.22
[xiii] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, t. 142.
[xiv] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần Das erste Wort Jesu am Kreuz.

Tại sao đi Đàng Thánh Giá?

Tác giả: 
 Trầm Thiên Thu
Tại sao đi Đàng Thánh Giá?

Đi Đàng Thánh Giá là truyền thống cổ xưa của Giáo hội Công giáo có từ thế kỷ IV, khi các tín hữu hành hương tới Thánh Địa.

Cũng như các truyền thống khác của Công giáo, Đàng Thánh Giá có ý nghĩa sâu sắc và phong phú, nhưng có thể chúng ta không nhận ra tầm quan trọng và không biết cách liên kết với cuộc sống hàng ngày. Đây là 8 lý do chúng ta nên đi Đàng Thánh Giá.

1. Đàng Thánh Giá giúp chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu

Thập Giá của Đức Kitô chứa đầy tình yêu Thiên Chúa. Qua Thập Giá, chúng ta thấy lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa Giêsu, hãy tận hiến cho Ngài, vì Ngài không bao giờ làm cho ai thất vọng! Chúng ta chỉ có thể tìm thấy Ơn Cứu Độ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.

2. Đàng Thánh Giá đưa chúng ta vào lịch sử

Bạn muốn nên giống Philatô, Simôn Kyrênê, Phêrô, Maria Mácđala? Chúa Giêsu đang âu yếm nhìn bạn và hỏi bạn: “Con có muốn vác thập giá lên Can-vê với Ta không?”. Có khó trả lời không? Và bạn trả lời Ngài thế nào?

3. Đàng Thánh Giá nhắc chúng ta nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vì chúng ta

Thập Giá của Đức Kitô trĩu nặng vì tội lỗi của nhân loại, trong đó có phần tội lỗi của bạn. Chúa Giêsu chấp nhận vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta. Ngài đang nói với chúng ta: “Hãy can đảm lên! Con không vác thập giá một mình đâu. Ta vác với con mà. Ta đã chiến thắng tử thần, và Ta cho con cả niềm hy vọng và sự sống”.

4. Đàng Thánh Giá thúc giục chúng ta hành động

Thập Giá mời gọi chúng ta từ bỏ mình vì yêu mến Đức Kitô, dạy chúng ta chấp nhận người khác với lòng yêu thương và sự cảm thông – nhất là đối với những người đau khổ, nghèo khó, cô đơn, bị ruồng bỏ,... kể cả kẻ thù.

5. Đàng Thánh Giá giúp chúng ta quyết định

Thập Giá cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu bị xét xử oan sai vì yêu thương chúng ta. Hãy nhớ điều này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng Ngài cũng sẽ xét xử chúng ta. Chúng ta được cứu độ hay không, đó là lỗi của chính chúng ta, Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn cứu thoát chúng ta chứ Ngài không kết án chúng ta.

6. Đàng Thánh Giá mặc khải cách phản ứng của Thiên Chúa

Thập Giá là lời đáp lại với sự dữ trên thế gian. Đôi khi có vẻ như Thiên Chúa im lặng, làm ngơ, không phản ứng với điều ác. Tuy nhiên, Ngài vẫn nói, Ngài vẫn phản ứng, và câu trả lời là Thập Giá của Đức Kitô: Hãy yêu thương và tha thứ.

7. Đàng Thánh Giá cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta

Thiên Chúa trao gì cho những người nhìn lên Thánh Giá và chạm vào Thánh Giá? Thập Giá để lại gì nơi mỗi chúng ta? Một kho tàng vô giá: Lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

8. Đàng Thánh Giá đưa chúng ta từ Thập Giá tới Sự Phục Sinh

Chúa Giêsu đưa chúng ta từ thất bại tới thành công, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ nhục nhã tới vinh quang, từ sự chết tới sự sống. Thập Giá dạy chúng ta biết rằng sự dữ không là lời cuối cùng, mà là yêu thương và tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp chúng con luôn biết chấp nhận đau khổ, can đảm chịu đóng đinh với Ngài, chịu chết với Ngài, và chịu mai táng với Ngài, vì chỉ có như vậy thì chúng con mới hy vọng được phục sinh vinh quang với Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Focus.org)

Canh tân phụng vụ để giúp các tín hữu tham dự tích cực và có ý thức hơn

Canh tân phụng vụ để giúp các tín hữu tham dự tích cực và có ý thức hơn


WHĐ (27.02.2015) – Cuộc canh tân phụng vụ đã giúp cho các tín hữu tham dự “đầy đủ, tích cực và có ý thức” hơn vào các cử hành phụng vụ: đó là xác tín của những người tổ chức Hội nghị chuyên đề “Hiệp nhất trong lễ tạ ơn”, được tổ chức tại Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thánh lễ đầu tiên bằng tiếng Ý do Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI cử hành. Hội nghị vui mừng về “thay đổi lịch sử” đã đánh dấu “một bước ngoặt” này.

Trong bài giảng Thánh lễ hôm ấy, ngày 07-03-1965, chính Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Hôm nay mở đầu hình thức mới của phụng vụ ở tất cả các giáo xứ và nhà thờ trên thế giới, trong tất cả các Thánh lễ có giáo dân tham dự. Đây là một sự kiện lớn, mà chúng ta phải nhớ đến như là nguyên lý làm cho đời sống thiêng liêng thêm phong phú, như một nỗ lực mới để đáp lại cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người.”

Đúng ngày này năm mươi năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại cùng nhà thờ ấy của giáo xứ “Các Thánh” ở đường Appia Nuova, vào lúc 18g00 ngày thứ Bảy 07-03-2015.

Để đánh dấu kỷ niệm này, một Hội nghị chuyên đề do Văn phòng Phụng vụ của Giáo phận Roma, Hiệp hội Don Orione và Học viện Giáo hoàng Phụng vụ Roma tổ chức vào thứ Sáu 27-02 tại Hội trường Orione.

Hội nghị muốn “giúp hiện tại hoá những lý do của việc canh tân phụng vụ trước đây và sự tham gia của cộng đoàn phụng vụ ngày nay”, Cha Flavio Peloso, Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Quan Phòng, giải thích. Cha sẽ chủ toạ Hội nghị này với cùng với Đức cha Giuseppe Marciante, Giám mục Phụ tá miền Đông Roma.

Cha Giuseppe Midili, Giám đốc Văn phòng Phụng vụ giáo phận, nhấn mạnh: “Một trong những mục tiêu chính của canh tân phụng vụ là sự tham dự đầy đủ, tích cực và ý thức vào các cử hành phụng vụ, để các tín hữu ra khỏi thái độ của những khán giả câm lặng và xa lạ. Theo ý nghĩa này, đó là thay đổi lịch sử và đánh dấu một bước ngoặt.”

Đức cha Francesco Pio Tamburrino, nguyên Tổng Giám mục Foggia-Bovino, sẽ nói về “Truyền thống và đổi mới trong chương 23 của Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium”. Đức Tổng Giám mục Piero Marini, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đại hội Thánh Thể Quốc tế, sẽ trình bày về “Ngôn ngữ, công cụ của sự hiệp thông trong đối thoại của cộng đoàn phụng vụ”.

Tiếp theo, Cha Francesco Mazzitelli, chính xứ Giáo xứ Các Thánh, sẽ nói về “Huấn luyện phụng vụ cho giáo dân”. Kết thúc là tham luận của Cha Jordi Piqué, Giám đốc Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ, và một tham luận khác của Cha Giuseppe Midili.
(Zenit)
 
Minh Đức
Nguồn: R

Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Chay

Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Chay

WHĐ (28.02.2015) – Trong Mùa Chay, người Công giáo luôn được khuyến khích đến với bí tích Giải tội. Để giúp các tín hữu xét mình chuẩn bị xưng tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số gợi ý.

Sau khi giải thích ngắn gọn về lý do tại sao cần phải xưng tội –“bởi vì chúng ta đều là những người tội lỗi”– Đức Thánh Cha đặt 30 câu hỏi cho việc xét mình để có thể xưng tội “cách tốt nhất”.

Bản hướng dẫn xét mình này là một phần của tập sách 28 trang bằng tiếng Ý do nhà xuất bản Vatican phát hành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 50.000 tập sách cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 22 tháng Hai vừa quaChúa nhật thứ nhất Mùa Chay.

Tập sách có nhan đề “Hãy bảo vệ tâm hồn”nhằm giúp các tín hữu có thêm sức mạnh bước vào cuộc chiến đấu chống lại sự dữ và chọn sự lành.

Tập sách gồm những điều căn bản trong đạo: Kinh Tin Kính, các ơn Chúa Thánh Thần, Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Sách cũng giải thích về bảy bí tích và lectio divina –một cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh để nghe được rõ hơn Chúa muốn nói gì với chúng ta và để chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi.

Nhan đề của cuốn sách lấy ý từ một bài giảng trong Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha, trong đó ngài nói rằngngười Kitô hữu phải gìn giữ và bảo vệ tâm hồn mìnhcũng giống như bảo vệ ngôi nhà - bằng một ổ khóa”.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Những tư tưởng xấu, những ý định xấu, những ganh tị và thèm muốn có hay vào nhà chúng ta không? Ai mở cửa cho chúng? Làm cách nào chúng vào được?

Bài giảng trong Thánh lễ hôm 10-10-2014, cũng được trích in trong tập sách này, nói rằng cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn là xét mình mỗi ngày, để xem mình đã làm điều gì xấu, đã thiếu sót điều gì tốt đối với Chúa, với tha nhân và vớichính mình.

Một số câu hỏi gợi ý trong bản hướng dẫn xét mình như sau:
– Tôi có trở về với Chúa khi tôi gặp khốn khó không?
– Tôi  tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?
– Tôi có cầu nguyện sáng tối không?
– Tôi có hổ thẹn khi tỏ mình là người Kitô hữu không?
– Tôi có đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa không?
– Tôi có ganh tị, nóng nảy, thiên kiến không?
– Tôi có trung thực và công bằng với mọi người hay tôi cổ võ cho “nền văn hóa vứt bỏ” ?
– Trong các mối tương quan hôn nhân và gia đình, tôi có sống đạo đức như Phúc Âm đã dạy không?
– Tôi có kính trọng cha mẹ không?
– Tôi có chối bỏ cuộc sống mới được tượng thai không? Tôi có tiêu huỷ hồng ân sự sống không? Tôi có cộng tác vào việc ấy không?
– Tôi có tôn trọng môi trường không?
– Tôi có vừa theo Chúa vừa theo thế gian không?
– Tôi có quá độ trong việc ăn uống, hút thuốc và giải trí không?
– Tôi có lo lắng quá mức về đời sống vật chất và của cải không?
– Tôi sử dụng thời giờ như thế nào? Tôi có lười biếng không?
– Tôi có đòi người khác phải phục vụ mình không?
– Tôi có mong muốn báo thù, nuôi dưỡng thù hận không?
– Tôi có hiền lành, khiêm tốn và xây dựng hòa bình không?
Đức Thánh Cha nói, người Công giáo cần phải xưng tội, bởi vì ai cũng cần được tha thứ tội lỗi, tha thứ những cáchchúng ta suy nghĩ và hành động trái với Phúc Âm”.
Ai bảo mình vô tội thì người ấy là kẻ nói dối hoặc bị .
Xưng tội chính là lúc hoán cải chân thành, là lúc bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng sẵn sàng tha thứ cho con cái mình và giúp chúng quay về con đường theo bước Chúa Giêsu.
(CNS)


Minh Đức