Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Suy tư bài Văn Tế Các Đẳng của LM Gioakim Đặng Đức Tuấn

Suy tư bài Văn Tế Các Đẳng của LM Gioakim Đặng Đức Tuấn
Nguyễn Văn Nghệ10/30/2015



THÁNG MƯỜI MỘT CÙNG SUY TƯ BÀI VĂN TẾ CÁC ĐẲNG

Con người ta sau khi từ giã cõi trần, thân xác trả về lòng đất, hồn thiêng về với Chúa, nếu chết trong ơn nghĩa của Người. Nhưng thử hỏi mấy ai đặng “ cầm mình vẹn sạch trước mặt Chúa”? Bợn nhơ dầu nhỏ hơn hạt bụi cũng không được đưa vào Thiên Đường mà phải thanh luyện nơi chốn luyện hình cho đến khi tinh ròng . Lúc ấy không còn thì giờ lập công . Với tín điều các Thánh thông công, Thiên Chúa ban cho chúng ta- những người còn đang sống trên trần gian- được giúp đỡ các linh hồn ấy bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh. Kinh Nguyện Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ đều có lời cầu cho các tín hữu đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa và đặc biệt tháng 11 trong năm, Giáo Hội dành riêng để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Với tâm tình cầu cho các tín hữu đã qua đời, nhiều thế hệ đã sáng tác các bài văn tế. Trong tác phẩm “ Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” do Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã và Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ hợp trứ từ trang 339 – 342 có bài “Văn tế các đẳng”. Và theo tác giả là “bài văn tế do linh mục Đặng Đức Tuấn biên soạn cách đây hơn trăm năm”. Nội dung bài văn tế các đẳng ngoài việc thương xót những người đã chểnh mảng việc phần hồn và phải vào chốn luyện hình, tác giả còn có ước vọng khuyến cáo cảnh tỉnh những người đang còn sống nơi chốn dương gian.

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm Bính Dần (1806) và mất năm Giáp Tuất (1874), cho nên bài Văn tế các đẳng được sáng tác cách nay khoảng 150 năm . Trong bài Văn tế các đẳng dùng nhiều điển tích và dùng nhiều thổ ngữ vùng Bình Định. Bài Văn tế có tất cả 32 liên.

Nhân chi sơ tính bổn thiện.

Các đẳng cũng là con cái Thiên Chúa:

“Tay Chúa dựng hình,

Tính thiêng gởi xác.

Di luân tài mạng chịu thiên tư,

Lí dục thị phi đầy địa bộ”

Con người ta ai cùng đều “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng rồi “Thế gian vật dục hôn minh/ Tánh đạo lìa bỏ ,tư tình đắm sa” (Thế gian vật dục hôn minh: ở cõi trần thế, con người hay bị vật dục cám dỗ làm cho tối tăm cái trí sáng suốt mà trời đã phú cho mình).Những người không làm chủ được cái tâm của mình thường bỏ mất lương tri , lạc xa thiên lí :

“ Cũng bởi phui pha riêng nết, biển châu trần nhiều kẻ phải linh đinh,

Vì còn lặn lội cõi phàm, điều phải trái dễ ai không vương vít.

Dầu thấu lẽ tử sinh dạ đán, kiếp làm người là một giấc mơ màng,

Bởi đeo lòng tài sắc công danh, cơn xử thế mắc lắm điều bội bạc.”

Chúng sinh mải mê trong cuộc sống mưu sinh

Tác giả diễn tả cảnh sinh hoạt của Thập loại chúng sinh theo suy nghĩ của mình là các hạng người: Võ, văn, sĩ, nông, công, thương , y, tiều, ngư, mục. Thập loại chúng sinh cứ mãi mê dành trọn thời giờ vào việc mưu sinh, coi thế gian tạm bợ này là quê hương vĩnh cửu, họ không dành chút thời giờ để lo cho tâm hồn, để tạo cho họ con đường về thiên đường:

“Võ xôn xao trên đàng cung mã, lừng lẫy đền Lân ,trướng hổ, giặc tam cừu luống chịu chốn trường xu.

Văn ngâm nga dưới cuộc cầm thơ, xinh xoang cửa tướng sân triều, kinh Thập giới lại để mình thua thiệt.

Sĩ lóng nhóng dưới màn Đổng Tử, cặm cụi kinh Lân sử Mã, chữ kí quy không tỏ nghĩa mầu.

Nông tắc hò trên ruông Hữu Sằn, xung xăng cuốc nguyệt cày mây, đất phước địa biếng gieo giống tốt.

Công xăm xúi trổ rồng chạm phượng, lơ lửng quên rìu Tạo Hóa, mực tu thân còn lắm lúc quanh co.

Thương khắc khe bán quỉ mua hùm, lao xao tan chợ La Phù, của vô giá lại để mình thua sút.

Y lo lắng đầu thang án mạch, thóc thách cứu dân độ thế, bịnh lòng mê chứng tỏ thiệt hư.

Tiều lân la trên động dưới đèo, thẩn thơ bóng đá cội tùng, đàng rừng rậm ngỡ là nơi quê vức.

Ngư ngoi ngót sông Tần biển Sở, ao ước lòng tôm dạ cá, quên Bê lem gió sóc lạnh lùng.

Mục nghêu ngao cõi Thuấn trời Nghiêu, ngẩn ngơ dấu ngựa chân trâu, lửng máng cỏ đêm trường giá rét.”

Trai gái thì mãi vui chơi, chẳng còn nhớ Chúa , nhớ Cha đọc kinh cầu nguyện gì cả:

“ Trai nghề này nghiệp nọ ngơ ngao,

Gái nẻo nớ đàng tê tí tót.

Giòn giã tiếng cười, tiếng hát, vườn Giết xưa không nhớ giọt mồ hôi.

Trau tria nét mặc nét ăn, núi Ca nọ quên hình Thánh giá.

Cuộc sinh nhai nhiều lúc trở trăn,

Bề tâm tánh lại thêm điều mê muội.

Rượu nghĩa lộc say người đạo lí, xình xoàng nghiêng bầu hồng hữu, chén dấm chua nào nhớ khúc nôi

Trà tuyết mai hiệp khách đông tây, phui pha cạn chén châu tùng, thuở giờ ngọ biếng lời khao khát.

Trai trằn trọc người thanh kiểng tốt, vườn Kim Cốc mãng hẹn hò mai trước, hổ nhìn khoanh gai nhọn thấu đầu.

Gái vuốt ve sắc nước hương trời, kiểng Võ Lăng còn gắm ghé bướm ong, thẹn liếc ngọn roi tua đánh cật.”

Tuổi còn trẻ, đời còn dài vội gì tu tỉnh

Lắm người tỏ ra hời hợt, do dự biếng nhác đối với việc tu hành đạo đức, họ lần khân, trễ nãi, hẹn rày hẹn mai, rốt cuộc cái chết đến bất ngờ, họ đành thua thiệt, mất của quí giá là con đường trở về thiên quốc:

“ Sự gấp rút nay ba mai bốn, ngơ ngáo quên lời giảng, lời khuyên.

Lửa mến lòng tin nóng một lạnh mười, khấp khởi dựa câu kinh câu sách.

Nghe nói việc lập công đền tội, tính thờ ơ còn lỉnh lảng chưa thông.

Nghe đến điều ép xác hãm mình, lòng áy náy những sụt sùi chẳng quyết.

Cuộc vui chơi mong chớp cánh giương vi

Đàng đạo đức những dùn chơn ngại bước”

Cậy vào tuổi đang xuân ,sức đang khỏe nên hẹn rày hẹn mai rồi sẽ tu tỉnh:

“ Mới phàn nàn toan cải cách niềm xưa,

Lại lẩn khuất mà nghe theo lỗi trước.

Cũng đã biết đời sau can hệ, phỏng lúc vội vàng xảy đến, biết mượn ai giúp đỡ việc hồn,

Song lạ chi thế sự lao xao, gặp khi trắc trở không dè, vương đến lụy tại nề phần xác.

Trước chẳng phải sau cùng chẳng phải, những dần dà mà bóng xế hoa rơi,

Nay chưa xong mai vẫn chưa xong, còn thủng thỉnh để trăng tàn sao lạc!

Luống nghĩ tối qua sáng lại, lải rải rày mai sẽ tính, cõi người ta còn rộng rãi trăm năm,

Nào hay tháng hết năm cùng, phui pha trận gió vô tình, rung then máy bỗng tan tành một lát!”

Anh em hãy sẳn sàng (Mt 24, 44)

Chính Chúa Giê su nhắc nhở : “ anh em hãy sẳn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì con người sẽ đến”:

“ Cung đài xa mã, khói tả mây bay.

Tài sắc công danh, biển khô đá vỡ.

Một phen từ biệt cõi trần,

Muôn kiếp khôn trông trở lại!”

Thiên Chúa là vị thẩm phán chí công, tùy theo công trạng của mỗi người khi còn sống mà Ngài xét xử:

“Tòa thẩm phán, mảy lông thu chẳng lọt, thánh thần còn khép nép, người phàm trần khôn trông lẽ siêu thăng

Cân thăng bằng tra tội phước rất nghiêm, trời đất thảy kinh hoàng, ơn Cứu Thế mới khỏi phần vĩnh phạt!

Phải chi có lẽ thế cho, dầu bạc vàng ngàn cân không nỡ tiếc

Song bởi phép công đoán định, cậy đinh thương năm dấu để nhờ ơn”

Đã vào chốn luyện hình thì hết thế lập công, chỉ còn ngóng trông ơn Cứu độ của Thiên Chúa qua thánh lễ Mi sa và lời cầu bàu của Mẹ Maria cứu giúp “ Mẹ , Mẹ ơi! Hãy đoái thương, lòng từ bi hãy chiếu soi hết mọi linh hồn”:

“ Giọt nước mắt nhơn tình lau chẳng ráo, cám thương vì hết thế lập công,

Lễ Mi sa xin Chúa đoái công cao, thứ phần phạt về nơi tiêu sái.

Lạy Đức Mẹ muôn phần thương xót, cứu ra khỏi lửa nồng nàng,

Nước Thiên Đàng ngàn dặm cao xa, xin dắt tới cõi trời an lạc!”

Tháng 11 là tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời , chúng ta cùng hiệp lời cầu : “ Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Ki tô, và tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh Nguyện Thánh thể IV).

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Giáo phận Nha Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

DỤC VỌNG

DỤC VỌNG
  Dịch giả: Tiểu Thiện

 
Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”
Thiền sư đáp: “Dục vọng!”
Người đó lộ vẻ hoài nghi.
Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.

Truyện thứ nhất: Bạc vàng đáng sợ

Một vị tăng nhân hốt hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo gặp hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.
Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.
Hai người bạn, không nhịn được liền nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật không thể hiểu nổi!”.
Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia: “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.
Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.
Hai người kia gạt phăng, hùng hổ nói: “Chúng tôi không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.
Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.
Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trước mắt, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”. Người kia cũng gật đầu đồng tình.
(Ảnh theo NTDTV)

Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói: “Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến chúng ta mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.
Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.
Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng:“Bằng hữu ơi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.
Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.

Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Truyện thứ hai: Người nông dân mua đất

Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói một người ở vùng khác có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất nói với ông ta rằng:“Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là của ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.
Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như hôm nay ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, thì chẳng phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.
(Ảnh theo Epochtimes)

Mặt trời vừa mới nhô lên, ông ta liền cất bước thật dài đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.
Ông ta cứ thế tiếp tục đi về phía trước, đến khi mặt trời sắp lặn rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không về kịp thì một tấc đất cũng chẳng có. Thế là ông ta vội vàng trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.

Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

 

Truyện thứ ba: Phật và ma

Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho hòa thượng một số tiền lớn để làm người mẫu cho ông.
Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.
906241022141813

Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.
Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.
Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tìm hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.
Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.
Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.
Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”
Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.
Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.
Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.
Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.
Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.
Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.
Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.
 
 
NguyenDacSongPhuong <theo  VDKN >

Kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn của Công Đồng

Một nền tảng mới cho việc giảng dậy giáo lý Công Giáo
Bùi Hữu Thư10/30/2015

Kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn của Công Đồng


Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoan nghênh việc tạo dựng Fondation Gravissimum educationis với mục đích cổ võ cho việc giảng dậy giáo lý Công Giáo trên toàn cầu.

Ngài đã đề cập đến đề tài này trong một lá thư gửi cho Bộ Giáo Dục Công Giáo ngày thứ tư 28 tháng 10 vừa qua.

Fondation Gravissimum educationis mang tiêu đề của tuyên ngôn về giáo dục Công Giáo do Công Đồng Vatican II phổ biến ngày 28 tháng 10, 1965, năm mươi năm trước đây.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Fondation Gravissimum educationis có mục đích khoa học và văn hóa” và có sứ mệnh “cổ võ cho nền giáo dục Công Giáo trên toàn cầu. 

Ngài nhắc đến dẫn nhập của tuyên ngôn Gravissimum educationis năm 1965 và nhấn mạnh “tầm quan trọng tối cao của giáo dục trong đời sống con người và ảnh hưởng luôn luôn gia tăng của giáo dục đối với sự phát triển của xã hội tân thời.”

Lá thư của Đức Thánh Cha tiếp: “Sứ mệnh của giáo dục được liên kết mật thiết với việc thi hành ‘mệnh lệnh’ Giáo Hội đã tiếp nhận từ “Đấng Tạo Dựng thiêng liêng, là Đấng loan báo mầu nhiệm của sự cứu độ cho tất cả mọi người và thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô.”

Fondation Gravissimum Educationis đáp ứng được những đòi hỏi của Giáo Luật và Hình Luật của Thánh Đô Vatican và Toà Thánh là thẩm phán.


(vietcatholic)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

VIẾNG ĐẤT THÁNH


VIẾNG ĐẤT THÁNH





Dấu thánh giá
Hát kinh Chúa Thánh Thần
Kinh tin – cậy – mến
Kinh ăn năn tội
HÁT CẦU CHO CÁC LINH HỒN
Lời hướng dẫn
 
Kính thưa cộng đoàn, giờ đây chúng ta đang hiện diện tại nơi Đất thánh này, để tỏ lòng tôn kính các thánh trên trời, để bày tỏ mối hiệp thông với các linh hồn trong luyện ngục và cũng để nói lên lòng mong ước của chúng ta về trời cao, nơi Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta, nơi Đức Maria, đã được Chúa ân thưởng về trời cả hồn lẫn xác. Đó là niềm tin vững vàng cho chúng ta ngày sau cũng sẽ được chiêm ngưỡng Nhan thánh Chúa và cũng được chung hưởng Nước Trời như Đức Maria.

Trong niềm tin vào mầu nhiệm Các Thánh thông công, chúng ta dâng lên Chúa giờ thánh này để tôn thờ Chúa đã chiến thắng sự chết, để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và cũng để nói lên niềm tin của chúng ta về đời sống mai sau.

Kính mời cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa .

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
(Ga 11,17-27).

Khi ấy, đến Betania Chúa Giêsu thấy Ladarô đã chôn trong mồ được 4 ngày rồi, Betania cách Giêrusalem không đầy 3 cây số. Nhiều người do thái đến chia buồn với hai cô Mácta và Maria vì em các cô mới qua đời.

Vừa được tin Chúa Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Mácta thưa với Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết : bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.

Chúa Giêsu nói : “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mácta thưa : “Con biết, em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”.

Chúa Giêsu liền nói : “Chính Thầy là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?

Cô Mácta thưa : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Đó là Lời Chúa.

Lời hướng dẫn

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

Lời tuyên xưng vững vàng của cô Mácta vào Đức Kitô nói lên niềm tin vững chắc của mình, cho dẫu Ladarô đã chết, nhưng cô Mácta tin tưởng một khi có Chúa Kitô, thì em cô, Ladarô sẽ không phải chết. Niềm tin tưởng này không phải là hảo huyền, nhưng là một niềm tin phó thác hoàn toàn vào tình yêu của Thiên Chúa, Ngài luôn thương mến những người đã thuộc về Ngài, và ngày sau những người này sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Ngài.

Ladarô đã sống lại. Niềm tin của cô Mácta đã được tỏ hiện ngay ở đời này.

Trong giây phút này, trước mặt Đức Kitô, Đấng đã phục sinh, chúng ta cũng tin tưởng tuyên xưng đức tin của mình : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Tin tưởng rằng ngày sau tất cả những người đã thuộc về Chúa, những người đang hiện diện nơi Đất thánh này, và những người đã an nghỉ tại Đất thánh này cũng sẽ được chung hưởng Nước Trời với Chúa Kitô.

HÁT CẦU CHO CÁC LINH HỒN

Lời hướng dẫn Lần Hạt

Mầu nhiệm thứ 1
CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI (Lc 24,15):

Ngày thứ nhất trong tuần, trời vừa tảng sáng, nhóm phụ nữ đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Các bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi cửa mộ. Nhưng khi bước vào các bà không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Khi còn đang phân vân ngơ ngác, các bà bỗng thấy hai người đàn ông đứng cạnh mình, y phục sáng chói. Giữa lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà đến giữa kẻ chết mà tìm Đấng Hằng Sống?

*******
Biến cố phục sinh là tiếng sét kinh hoàng bên tai những kẻ kết án Chúa Giêsu. Mặc dầu đám lính canh nhận được chỉ thị của các Thượng Tế, phao tin môn đệ lấy xác Người, nhưng chẳng ai tin. Đền Thờ họ phá đi ngày thứ ba đã được tái thiết. Chúa Giêsu đã bị giết thảm hại như 1 tử tội, giờ đây Người đã sống lại. Người đích thật là Con Thiên Chúa .

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã mở cho chúng con một tương lai sáng ngời, khi đập tan xiềng xích tội lỗi, sự chết và dẫn đưa chúng con về với Cha trên trời. Xin giúp chúng con luôn sống trọn vẹn niềm hạnh phúc này.

Mầu nhiệm thứ 2
CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI (Cv 1,9-11) :

Nói xong, Người lên trời ngay trước mặt các ông, và các đám mây đến rước Người lên, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : “Này các bạn miền Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các bạn và được rước lên trời, cũng sẽ đến y như các bạn đã thấy Người lên trời.”

*******
Sau phục sinh 40 ngày, Chúa Giêsu đã lên trời trước mặt các môn đệ. Họ vui mừng khôn xiết, vì tuy không còn gặp Chúa Giêsu như xưa, nhưng họ tin chắc chắn vào Lời Người đã hứa trong Bữa Tiệc Ly : “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chân đạp đất, nhưng mắt luôn hướng về trời cao. Chúng con ngưỡng vọng về trời cao. Chúng con đang hướng về Chúa, bỡi chúng con luôn khao khát vui mừng được ở với Chúa. Chúng con ước muốn, chúng con kiếm tìm hạnh phúc vĩnh cửu nơi có Chúa ngự trị. Xin Chúa dẫn dắt chúng con theo với Ngài.

Mầu nhiệm thứ 3
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Ga 20,19b-22) :

Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông mà nói : “Bình an cho anh em!” Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

*******
Dấu hiệu rõ rệt nhất của người tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần là mang lấy tinh thần Chúa Kitô. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Và Chúa Giêsu đã từng hứa : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi… Người sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”(Ga 14,15-26).

Lạy Chúa Giêsu, như các tông đồ xưa, xin Ngài ban Thánh Thần cho chúng con, xin cho lòng chúng con tràn đầy ơn Thánh Thần. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ban cho chúng con thêm lòng yêu mến / và biết thực hành Lời Chúa Giêsu dạy / cùng cố gắng noi gương Chúa Giêsu và mang lấy tinh thần của Người. Có như vậy chúng con mới là người con yêu của Chúa.

Mầu nhiệm thứ 4
ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỨC BÀ LÊN TRỜI:

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(Mt 12, 50).

*******
Sau khi phục sinh, mọi quyền năng trên trời dưới đất được trao cho Chúa Giêsu, Người trở thành vị thẩm phán tối cao. Người đã hứa ban phần thưởng cho những ai tuân giữ lời Người, cho những ai đã cho những kẻ hèn mọn chỉ một chén nước lã vì Danh Người, chắc chắn người đó sẽ được thưởng bội hậu. Và Mẹ Maria là người đầu tiên được vinh dự này cả hồn lẫn xác.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đưa Mẹ về Trời, Chúa cũng muốn chúng con được chung hưởng Nước Trời với Chúa và Mẹ. Nhưng lạy Chúa, chúng con biết rằng chúng con sẽ được hạnh phúc đời đời hay thiên thu bất hạnh, là tuỳ thuộc mức độ chúng con liên kết và thuộc về Chúa, là tùy thuộc chúng con biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, để chúng con cũng được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời với Mẹ.

Mầu nhiệm thứ 5
ĐỨC CHÚA TRỜI THƯỞNG ĐỨC MẸ LÊN TRỜI.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,46-50).
*******
Thánh Phaolô viết : “Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người vì liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình; mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người”(1Cor 15,22-23). Sau khi lên trời, chắc chắn Chúa Giêsu  cũng muốn đưa Mẹ về trời với mình; bởi vì Mẹ là người thân cận gần gũi nhất của Chúa Giêsu. Và bởi vì Thiên Chúa hằng xót thương những ai kính sợ Người.

Lạy Chúa Giêsu, mọi việc chúng con làm diễn ra dưới ánh mắt của Chúa. Những gì chúng con làm trong cuộc sống hôm nay sẽ theo chúng con về đời sau. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, biết đáp lại ý định nhiệm mầu của Chúa. Xin cho chúng con mạnh dạn tuyên xưng Chúa và kiên trung phục vụ Chúa  nơi tha nhân, để khi từ giã cõi đời này, chúng con sẽ đến trước mặt Chúa với niềm hân hoan và lãnh nhận triều thiên công chính Chúa đã dành để cho chúng con từ thưở đời đời.

HÁT CẦU CHO CÁC LINH HỒN
Kính thưa cộng đoàn, Giáo Hội Mẹ yêu dấu luôn lo lắng cho phần rỗi của chúng ta. Chính ngay giây phút này, Giáo Hội sẽ ban cho chúng ta một ơn đại xá, có nghĩa là sẽ tha tất cả những hình phạt mà chúng ta còn mắc phải, chưa đền đủ ở đời này, cho những ai viếng nghĩa trang trong những ngày từ mồng 1  đến mồng 8 tháng 11 hằng năm với những điều kiện như thường lệ là : xưng tội, rước lễ, đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính và cầu nghuyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Song ơn đại xá này được dành cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Trong niềm hiệp thông giữa Các Thánh thông công, chúng ta làm giờ thánh này để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào sự sống mai sau, để biểu lộ tình yêu của chúng ta với những người thân yêu và cả những người bị bỏ rơi đang đau khổ trong luyện ngục và cũng là để thực hành lời Chúa dạy : anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Vì vậy, giờ thánh này là giây phút chúng ta sống trọn vẹn tình Chúa và tình người.

KINH   LẠY   CHA.

KINH TIN KÍNH

Tôi tin kính Đức Chúa Trời
là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô
là Con  Một  Đức Chúa Cha /
cùng là Chúa chúng tôi.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần
mà  Người xuống thai
sinh bởi Bà Maria  Đồng  Trinh.
Chịu nạn đời quan Phông-xi-ô  Phi-la-tô,
chịu đóng đinh trên cây thánh giá,
chết và táng xác, xuống ngục tổ tông,
ngày thứ ba bởi  trong kẻ chết mà sống lại.
Lên trời,
ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.
Ngày sau bởi  trời lại xuống /
 phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính  Đức Chúa Thánh Thần .
Tôi tin có Hội Thánh hằng có  ở khắp thế này,
các Thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy . Amen. 

KINH VỰC SÂU
Lạy Chúa con, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa con / xin Chúa con hãy thương nhậm lời con kêu van, hãy lắng nghe tiếng con cầu xin, nếu Chúa con chấp tội nào ai rỗi được, bởi Chúa con hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa con phán hứa, con đã trông cậy Chúa con, linh hồn  con cậy vì lời hứa ấy, vì đã trông cậy Chúa con. Những kẻ làm dân Đức Chúa Trời / đêm ngày hãy trông cậy Người cho liên. Vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng / sẽ tha hết mọi tội lỗi / kẻ làm dân Người thay thảy.

Lạy Chúa con ! Xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa con! Xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên. Amen.

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu! Chúa con đã phán dạy rằng: bây hãy xin thì bây sẽ được, vậy con xin Chúa con lòng lành vô cùng / thương đến các linh hồn nơi luyện ngục, xin Chúa con nghe lời con cầu xin kêu van / cho linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu con. Xin Chúa con mở cửa thiên đàng cho các linh hồn ấy vào, xin cho các linh hồn ấy được sự sáng vô cùng hằng soi cho liên. Amen.

KINH BỞI TRỜI

HÁT CẦU CHO CÁC LINH HỒN

Lời nguyện kết thúc:

Anh chị em thân mến,
mọi người được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều là chi thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, dù còn sống hay đã qua đời vẫn là thành phần của Giáo Hội. Trong mầu nhiệm các Thánh thông công và trong niềm hy vọng được cứu rỗi, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

01. Thánh Phaolô nói : “Như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha, mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế”. Xin cho các linh hồn đang an giấc ngàn thu, đã hưởng nhờ công đức cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô / được đưa vào vinh quang Nước Chúa cùng với thần thánh trên trời.

02. “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Xin cho các linh hồn bị người thân còn sống quên lãng và các linh hồn không còn người nhớ đến, được hưởng hạnh phúc Nước Trời nhờ lời Hội Thánh chuyển cầu.

03. Chúa Giêsu dạy : “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời”. Xin cho mọi người siêng năng rước Chúa, đã qua đời, được hưởng nhờ lời Chúa hứa.

04. Giới răn thứ tư dạy : Hãy thảo kính cha mẹ. Xin cho ông bà, cha me, anh chị em, bạn hữu và tất cả thân bằng quyến thuộc của chúng con đã qua đời nếu còn vướng mắc, được giảm bớt hình phạt trong luyện ngục, nhờ lời cầu khẩn tha thiết của chúng con.

Lạy Cha giàu lòng thương xót, Cha đã muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi. Xin lắng nghe lời chúng con tha thiết nguyện cầu mà ban cho các linh hồn chúng con cầu xin / được sớm hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen .

Hát kết thúc.

NGUYỄN THÁI HÙNG


Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Gđpv: Các ảnh tượng được tôn kính trong Thánh lễ như thế nào?

Giải đáp phụng vụ: Các ảnh tượng được tôn kính trong Thánh lễ như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Các ảnh tượng có thể được tôn kính (xông hương, hôn, vv) trong Thánh Lễ không? Liệu một ảnh tượng đặc biệt, chẳng hạn như ảnh tượng của vị thánh trong ngày, bổn mạng của Giáo Hội, vv, có thể được đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ không, và nó có thể được tôn kính công khai trong Thánh Lễ không? - M. P., Indianapolis, Indiana, Mỹ.


Đáp: Không có các quy định chi tiết về việc sử dụng ảnh tượng trong Thánh Lễ, nhưng Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 277, đã nói như sau về việc xông hương:

"277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, mặc dù không nói minh nhiên, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma tiên liệu khả năng "các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai” tại khu vực chung của cung thánh, để các ảnh tượng này có thể được xông hương một cách dễ dàng. Các ảnh tượng này có thể là thường xuyên, chẳng hạn như ảnh tượng Đức Mẹ, hoặc đặc biệt cho ngày lễ vị thánh, và do đó chỉ hiện diện trong ngày lễ mà thôi.

Địa điểm hợp lý cho các ảnh tượng tạm thời này có thể là nơi nào đó trong cung thánh, có thể gần giảng đài, ở vị trí thường dành cho cây nến Phục Sinh. Các ảnh tượng này không bao giờ được đặt trên bàn thờ tế lễ (xem Nghi lễ của Giám Mục, số 866 và 921), và cũng sẽ không thích hợp để đặt chúng ở phía trước bàn thờ.

Trong khi Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma cho phép việc đặt các ảnh tượng như vậy, các hướng dẫn của tài liệu "Built of Living Stones" của Hội Đồng Giám Mục Mỹ là kín đáo dè dặt hơn, mặc dầu không giải quyết cụ thể câu hỏi về sự hiện diện của ảnh tượng trong Thánh Lễ. Xin đọc:

"§ 137. Việc đặt các ảnh tượng có thể là một thách thức, đặc biệt khi một số truyền thống văn hóa là một phần của một cộng đồng giáo xứ, và mỗi truyền thống có cuộc sống đạo riêng và các sự thực hành riêng. Việc hạn chế về số lượng và sự nổi bật của các ảnh tượng là được khuyến khích, để giúp mọi người tập trung vào hành động phụng vụ được cử hành trong nhà thờ. Các hốc tường riêng cho các di tích và ảnh tượng có thể trưng bày nhiều kiểu ảnh tượng quanh năm. Một số giáo xứ dành một khu vực, như đền thờ cho một ảnh tượng được tôn kính vào một ngày nhất định hoặc cho một khoảng thời gian, chẳng hạn ảnh tượng của một vị thánh vào ngày lễ của Ngài.

"§ 138. Điều quan trọng là các ảnh tượng trong nhà thờ mô tả các thánh mà sự sùng mộ đang hiện hữu trong giáo xứ. Thật đặc biệt mong muốn rằng một ảnh tượng lớn của vị bổn mạng nhà thờ được trưng bày một cách thích hợp, cũng như ảnh tượng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là một sự sùng kính thích hợp cho vai trò duy nhất của Mẹ trong chương trình cứu độ. Khi thời gian trôi qua và kết quả thống kê thay đổi, các vị thánh từng là đối tượng của sự sùng kính bởi nhiều giáo hữu, có thể ở một thời điểm khác được tôn kính bởi chỉ một ít giáo hữu mà thôi. Khi điều này xảy ra, các ảnh tượng này có thể được cất đi, miễn là độ nhạy cảm được thể hiện đối với lòng đạo đức của các tín hữu và sự tác động vào nhà thờ".

Các hướng dẫn này là khá hợp lý cho tình hình tại Mỹ, nhưng chúng không loại trừ khả năng đặt một ảnh tượng của một vị thánh trong cung thánh. Tuy nhiên, một lựa chọn như thế thường sẽ được dành riêng cho các Thánh Lễ được cử hành ở mức trọng thể nào đó, chẳng hạn như ngày lễ bổn mạng của giáo xứ, giáo phận hay một quốc gia, hoặc một lời khẩn cầu Đức Mẹ (Guadalupe, Fatima, vv), hoặc một vị thánh mà giáo hữu của giáo xứ đặc biệt sùng kính.

Nó sẽ không áp dụng cho lễ các thánh khác, hay Thánh Lễ ít trang trọng.

Việc hôn kính các ảnh tượng ấy sẽ thường không tạo nên phần của việc cử hành Thánh Lễ, mặc dù ở một số nơi, sau khi Thánh lễ kết thúc, một di tích hoặc ảnh tượng có thể được đưa đến góc cung thánh, cho việc tôn kính cá nhân, chẳng hạn cho người ta hôn kính di tích. (Zenit.org 27-10-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Tâm sự với em, giáo lý viên của Chúa

Tâm sự với em, giáo lý viên của Chúa

Em thân mến !TÂM SỰ VỚI EM, GIÁO LÝ VIÊN CỦA CHÚA Kể đã được vài tháng, từ ngày anh rời xa giáo xứ nhỏ của em, nơi anh được chia sẻ với các em giáo lý viên vui vẻ và hòa nhã. Trong một giờ tĩnh tâm nọ, anh chợt nhớ đến em, giáo lý viên của Chúa. Song le, anh cũng ưu tư nhiều về tầm quan trọng của việc học giáo lý và vai trò của giáo lý viên hôm nay.
Em biết đó ! Giáo lý được xem như một “cẩm nang sống”, phác họa lại cách thiết thực Lời Chúa dạy. Vậy nên giáo lý và đời sống đức tin không thể tách rời nhau. Ngay từ nhỏ, anh được khai sáng đức tin rất nhiều nhờ việc học giáo lý. Tới khi vào Dòng, được học bài bản hơn, anh cảm thấy giáo lý thực sự quan trọng cho đời sống người Kitô hữu. Vì rằng qua giáo lý, anh hiểu hơn về đức tin của mình, giáo huấn của Hội Thánh và đáng quí là anh biết được Chúa muốn mình sống ra sao. Để rồi giữa những tăm tối của đường đời, anh còn biết chọn đâu là cách cư xử của một người theo đạo Công Giáo nữa. Em biết không? Là một người tín hữu, giáo lý cần được ăn sâu vào trong tâm trí họ, hướng dẫn và chi phối đời sống của họ. Vì thế mà Mẹ Giáo Hội muốn truyền đạt giáo lý Chúa Kitô cho con cái mình ngay từ tấm bé. Thế mà chớ chêu thay, nếu hiểu sai giáo lý, chúng ta có nguy cơ “sống lệch” với những gì Chúa đang mong ước nơi chúng ta. Cho nên, việc hiểu đúng và dạy đúng giáo lý lại là nhiệm vụ thiết yếu của giáo lý viên hôm nay.
Em mến ! Em không chỉ nhận công việc giảng dạy giáo lý từ giáo xứ đâu, nhưng chính Chúa trực tiếp trao cho em nhiệm vụ quan trọng này đó. Giáo lý viên nay cũng mang một sứ mạng như Chúa Giêsu xưa, rao giảng giáo huấn của Chúa Cha cho mọi người. Rao giảng bằng những giờ lên lớp, nhưng cũng còn rao giảng bằng đời sống chứng từ nữa. Wòa! đó hẳn là một sứ mạng quan trọng lắm phải không !? Anh biết, sứ mạng đó khiến em phải hi sinh rất nhiều: giờ học, giờ giải trí, hay giờ nghỉ ngơi; ôi chao! việc dạy giáo lý lại có đầy khó khăn chồng chất nữa. Thế nhưng mà Chúa Giêsu “rất sòng phẳng” nhé. Ngài không trao việc rồi bỏ đi đâu. Ngài luôn ở cùng em và ban đủ ơn thánh để em giảng dạy cũng như chu toàn các bổn phận khác. Hơn nữa, việc dạy giáo lý cũng là cách để em thể hiện lòng yêu mến Chúa và muốn được phục vụ Ngài. Còn gì vui hơn khi được nói về Thiên Chúa, Đấng Cao Cả và Thương Xót, cho mọi người em nhỉ !
Anh rất mong em sẽ trở nên một giáo lý viên yêu mến Chúa, nhiệt thành chỉ dẫn đời sống đức tin của các em nhỏ trong giáo xứ. Nhất là song song với việc giảng dạy, em biết tự huấn luyện bản thân để trở nên gương sáng về đời sống đạo. Đó mới đích thực là tư cách một giáo lý viên của Chúa. Trong mọi sự, hãy VÌ YÊU MẾN CHÚA mà giảng dạy em nhé! Vì nhờ đó, không gì có thể làm cho em lung lay mà từ bỏ sứ mạng cao quý này. Mến chúc em mỗi ngày đào sâu hơn về giáo lý đức tin để có thể truyền đạt về một Thiên Chúa chân thực đến với mọi người.
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn em trong sứ mạng của Chúa !
Người anh trong Chúa,
Bạch Quang

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

EM ƠI HÃY LẦN HẠT : NĂM SỰ THƯƠNG (Thơ)

EM ƠI HÃY LẦN HẠT : NĂM SỰ THƯƠNG (Thơ)


Em ơi hãy lần hạt
Dâng kính Mẹ Chúa Trời
Hiệp một lòng với Chúa
Cứu đời bao thương đau.

Như xưa trong Vườn Dầu
Chúa âm thầm cầu nguyện
Mong Cha thương đoái nhận
Cất bỏ những thương đau.


Nhưng nhìn đàn con nhỏ
Quằn quại trong vũng lầy
Tội lỗi và cái chết
Xin một lòng Cha thôi.

Những ngọn roi gian ác
Những vết hằn dã man
Thân thể Ngài tan nát
Thân Đấng cứu nhân trần.


Vòng gai nào sĩ nhục
Triều thiên nào yêu thương
Đầu Cha bao máu đỏ
Vẫn mãi yêu khôn lường.

Thập giá sao nặng trĩu
Trên thân thể nát nhừ
Người ơi có nhìn thấu
Con Chúa thế này ư !

Những dấu đinh tàn ác
Vọng vang bao hận thù
Trên đồi cao thập giá
Ngài một lòng thứ tha.

Em ơi hãy lần hạt
Hiệp một lòng với Chúa
Cứu đời bao khổ lụy
Lần hạt nhé, em ơi !


Nguyễn Thái Hùng
25.10.2015