Trang

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

VIA DOLOROSA

VIA DOLOROSA




Trên Con Đường Thập Giá
Một ngày dài buồn đau
Giữa Gia-liêm lạnh giá
Tái tê kiếp con người

Trên Con Đường Thập Giá
Người người chen chúc nhau
Xem người bị án tử
Chết đỉnh Gôn-gô-tha

Hình hài Người đẫm máu
Lưng hằn đầy vết roi
Vương niệm bằng gai nhọn
Đường dài điểm máu rơi

Trên Con Đường Thập Giá
Người đến như Chiên Con
Âm thầm trong quạnh quẻ
Vâng phục lời Phụ Thân


Người là ai ? là ai ?

Là Đấng Mê-si-a
Là Kitô vinh hiển
Là thật Đấng Thiên Sai.

Trên Con Đường Thập Giá
Người bước đi lặng lẽ
Vì yêu tôi và bạn
Người lên Gôn-gô-tha

Dòng máu thánh tuôn chảy
Ngập tràn cả Gia-liêm
Tẩy sạch bao tội lỗi
Của một kiếp nhân trần

Trên Con Đường Thập Giá
Người đã chọn đi qua
Vì yêu tôi và bạn
Người lên Gôn-gô-tha


GB.NGUYỄN THÁI HÙNG

EM ƠI HÃY CẦU NGUYỆN

EM ƠI HÃY CẦU NGUYỆN






Em ơi hãy cầu nguyện
Khi chiều dần buông xuống
Bóng tối bao phủ che
Cám dỗ đang đong đầy.

Đường đi xa có Mẹ
Hãy nhớ luôn em nhé
Bên em, Mẹ gìn giữ
Thoát hết mọi hiểm nguy.

Đau khổ có gánh vác
Hãy với Mẹ sẻ chia
Thập giá xưa còn đó
Mẹ với Chúa hiệp dâng.

Thử thách nào ai thoát
Giữa cảnh đời mê say
Biết bao là tội lỗi
Của một kiếp lưu đầy.

Em ơi hãy cầu nguyện
Để bền chí vững tâm
Trên đường đời lữ thứ
Cầu nguyện nhé, em ơi !


GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
12.2015

BẢY LÁ THƯ TÌNH CỦA CHÚA GIÊSU VIẾT TỪ TRÊN THÁNH GIÁ

Tác giả: 
 Cát Minh

BẢY LÁ THƯ TÌNH CỦA CHÚA GIÊSU VIẾT TỪ TRÊN THÁNH GIÁ
(Suy niệm viết theo hình thức lá thư tình yêu dựa trên Bảy lời cuối của Chúa Giêsu trên Thánh giá)

Mùa Chay lại trở về và tiếng gọi Tình Yêu trên Thánh Giá như lại vọng lên trong tâm hồn người Kitô hữu. Sự mời gọi trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Thánhlinh.net trân trọng gởi tới Quí vị “Bảy lá thư tình của Chúa Giêsu viết từ trên Thánh Giá” dựa trên “Bảy lời cuối của Chúa Giêsu” trước giờ tử nạn trên đồi Golgotha được ghi trong Thánh Kinh, để có thể suy niệm và cầu nguyện trong suốt 40 ngày Mùa Chay.

Ước gì bảy lá thư tình hay nhất được viết từ trên Thánh Giá này, sẽ giúp Quí vị tìm được nguồn hạnh phúc và ân sủng dồi dào từ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã yêu nhân loại đến nỗi đã chịu chết cho Quí vị. Xin Quí vị dành chút thời gian thinh lặng lắng nghe bảy lá thư tình sau đây được gởi riêng cho Quí vị:

Lá thư tình yêu thứ nhất
Lời Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lc 23:34

Con yêu dấu của Thầy,
Lời thứ nhất trong bảy lời sau cùng của Thầy trên Thánh giá là Thầy xin Cha Thầy tha thứ cho những người đã đánh đòn và đóng đinh Thầy. Trong cơn đau đớn, quằn quại tột cùng trên thánh giá ấy, làm sao Thầy lại có thể nói lên điều đó với những quân lính đang đứng nhìn lên chế nhạo mình? Khó lắm con ơi, nếu như tình yêu của Thầy không mãnh liệt hơn sự chết, và nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thầy đã chẳng nói với các con rằng: “Đối với con người thì không, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.  Thế giới hôm nay dư thừa tội lỗi và tiền bạc, nhưng tình yêu và sự tha thứ lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Thiếu hụt đến nỗi người ta có thể chém giết nhau thay vì tha thứ cho nhau. Lời thứ nhất Thầy nói trên thánh giá chỉ là sự lập lại lời trong kinh Lạy Cha mà Thầy đã truyền dạy cho con là: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Luật xưa dậy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng Thầy mời gọi con hãy dùng tình yêu mà xoá bỏ mọi hận thù, ghen ghét. Vì yêu mến Thầy, con hãy tha thứ cho tha nhân. Một khi con tha thứ cho người khác, thì chính con cũng được Cha ở trên trời tha thứ mọi tội lỗi cho con. Khi làm điều đó, con không những đã nhổ đi một cái đinh đóng trên tay chân của Thầy, mà con còn nhổ đi một cái đinh đang đóng trên cuộc đời của con, để con được tự do. Con có bao giờ nhổ một cái đinh rỉ sét đóng trên một thanh gỗ chưa? Thật không dễ để nhổ trọn vẹn một cái đinh rỉ sét ra khỏi thanh gỗ. Nó thường bị gãy nơi phần rỉ sét, và để lại phần rỉ sét nằm in nơi thanh gỗ. Cho dù có nhổ được cái đinh ra đi nữa, thì nó vẫn để lại một lỗ đinh và vết vàng loang lỗ trên thanh gỗ.

Con ơi, sự không tha thứ chính là hình ảnh của một cái đinh rỉ sét đã bám chặt vào thanh gỗ. Bao lâu sự tha thứ chưa được giải thoát, thì bấy lâu nó sẽ như phần rỉ sét của cái đinh cắm sâu trong trái tim của con.

Trong Mùa Chay này, con hãy dành ít thời gian xem điều gì, hay người nào con cần tha thứ. Người ấy cũng có thể là chính con, cũng có thể là người đã khuất. Nếu mỗi ngày trong 40 ngày Mùa Chay, con tìm được một điều hay một người để tha thứ nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, thì Thầy bảo thật với con rằng, con đã được tái sinh trong đời sống mới và được phục sinh cùng với Thầy.

Để khởi sự thực hiện điều này, Thầy mời gọi con hãy viết trên miếng giấy tên của một người hay điều gì đó mà con cần tha thứ hay cần được giải thoát. Sau đó, con thắp nên một ngọn nến, cầu nguyện và xé bỏ miếng giấy ấy đi. Kế đến, con đem cây nến đang cháy đặt dưới chân Thánh Giá và dâng điều ấy hay người ấy cho Thầy.

Thầy sẽ ban cho con sức mạnh để có thể làm được điều đó, để rồi trong đêm lễ Phục Sinh, con sẽ nhận được một ngọn nến mới từ Thầy, ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng của tin yêu, bình an và hy vọng, và Thầy mong ánh sáng ấy được bừng sáng lên. Con được kêu gọi để trở nên ánh sáng của Thầy giữa thế giới hôm nay đầy bóng tối và hận thù đang lan tràn khắp nơi.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.


Lá thư tình yêu thứ hai                                       
Lời Chúa: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”. Lc 23:43

Con yêu dấu của Thầy,
Chỉ một lời nói thành tâm sám hối sau cùng của “người trộm lành”, mà anh được Thầy hứa ban Thiên đàng. Nếu một người trộm cướp vẫn có cơ hội vào thiên đàng và trở thành thánh, thì hỡi con, con còn có nhiều cơ hội hơn thế nữa. Đừng để cơ hội qua đi và đừng tiếc nói lời sám hối tội lỗi của mình. Thầy bảo thật với con, Thầy sẽ không từ chối bất cứ sự sám hối nào bất kể quá khứ của họ thế nào đi nữa.

Tội lỗi của con đã được trả với một giá rất mắc bằng giá máu cứu chuộc của Thầy, nhưng nước thiên đàng lại được sẵn sàng ban cho con với “một giá rất rẻ” không ngờ. Giá ấy là lòng thành tâm sám hối ăn năn. Như Thầy luôn đón nhận và cho con cơ hội sám hối trở về, thì Thầy cũng mong con hãy cho người khác có cơ hội trở về, và làm hoà với con. Bất chấp quá khứ và tội lỗi của người trộm lành, khi Thầy nói “hôm nay”, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta, là Thầy muốn nói đến giây phút hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai. Vậy Thầy cũng muốn nói với con rằng:
-      Hôm nay, con hãy sám hối và thành tâm trở về với Thầy.
-      Hôm nay, con hãy cầu nguyện và làm việc bác ái.
-      Hôm nay, con hãy dự lễ như là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời con.
-      Hôm nay, con hãy sống như là ngày cuối cùng của con trên trần gian này.
-      Hôm nay, con hãy chuẩn bị phần hồn của con như thể ngày mai sẽ là ngày tận thế…

Con không làm chủ thời gian và ngày ấy sẽ đến vào lúc con không ngờ. Năm cô trinh nữ khôn ngoan là năm cô trinh nữ  luôn có đèn và có dầu để khi Chàng Rể đến thì các cô đã sẵn sàng theo Ngài. Con hãy luôn mang trên mình đèn đức tin và dầu bác ái vì đó là điều đẹp lòng Thầy, vì đó là điều con sẽ mang theo khi từ giã cõi đời.

Để thực hiện điều này, hôm nay con hãy mang tâm tình của người con hoang đàng đứng dậy và đến quỳ dưới chân của Thầy. Con hãy thổ lộ mọi tâm tư, bày tỏ mọi ý định và ước vọng của con cho Thầy. Thầy sẽ lắng nghe như Thầy đã nghe Maria tâm sự, vì Thầy là Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm nhân, và biết cảm thông nỗi đau khổ của con người. Thầy không còn gọi con là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu của Thầy, vì con đã được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Thầy.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ ba
Lời Chúa: “Thưa Bà, này là con Bà, này con, đây là Mẹ con”. Gioan 19:27

Con yêu dấu của Thầy,
Điều cao quý nhất của Chúa Cha là ban tặng Người Con yêu dấu của Ngài cho nhân loại. Thế nhưng chưa đủ, Ngài còn ban cho con một Người Mẹ. Mẹ Maria là Mẹ của Thầy và cũng là Mẹ của con. Như Mẹ đã yêu thương, chăm sóc cho Thầy thế nào thì Mẹ cũng sẽ yêu thương và chăm sóc con như vậy. Con ơi, có Mẹ Maria là một diễm phúc lớn lao cho con. Khi Thầy sinh ra tại Bêlem vào đêm đông giá rét, thì Mẹ Maria tỏa hơi ấm từ mẫu sưởi ấm cho Thầy. Khi Hêrôđê muốn lấy mạng sống của Thầy thì Mẹ đã ẵm Thầy trốn sang Ai-cập. Khi lên Giêrusalem lạc mất Thầy thì Mẹ đã vội vã đi tìm lại Thầy. Phép lạ đầu tiên Thầy làm cho nước hóa nên rượu cũng là nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Mẹ đã theo Thầy trên con đường thập giá lên đồi Golgotha, và Mẹ đã đứng dưới chân Thánh Giá lúc Thầy tắt thở khi các môn đệ của Thầy bỏ trốn.

Hỡi con, con hãy nhớ rằng trong mọi biến cố của cuộc đời ngoài Thầy ra, con còn có Mẹ. Khi cuộc đời của con lạnh lẽo giá rét tình người, con hãy tìm đến trong cung lòng của Mẹ Maria. Khi ai đó muốn cướp đi cuộc sống của con, con hãy tìm đến ẩn náu nơi tà áo của Mẹ. Khi con lạc bước xa Thầy, con hãy tìm bước theo gót chân Mẹ. Khi cuộc đời con thiếu rượu, con hãy thành khẩn cầu xin với Mẹ. Khi con cảm thấy thập giá đè nặng trên đôi vai, con hãy xin Mẹ đồng hành với con. Và khi con sắp trút hơi thở cuối cùng, con hãy phó dâng hồn xác cho Mẹ. Những gì Mẹ nhận nơi con, Mẹ sẽ dâng lên cho Thầy. Thầy bảo thật con, không một điều gì Mẹ xin Thầy, mà Thầy lại từ chối không nhận lời Mẹ.

Con hãy học nơi Mẹ Maria sự khiêm nhường, xin vâng, tin theo thánh ý Chúa, và Mẹ luôn tin tưởng để Chúa thể hiện thánh ý của Ngài trên cuộc đời của Mẹ. Để thực hiện điều này, con hãy nhận một chục Kinh Mân Côi, và đọc với hết tấm lòng yêu mến trước tượng ảnh của Mẹ. Con hãy dâng hiến cuộc đời con cho Mẹ, để Mẹ sẽ dẫn dắt và phù hộ cho con trong mọi lúc.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ tư
Lời Chúa: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” Máccô 15:34

Con yêu dấu của Thầy,
Khi Abraham vung dao định sát tế con của mình, thì Cha Thầy đã sai sứ thần đến cản lưỡi dao của Abraham, vì Ngài không đành tâm để Abraham mất đi người con một của mình. Thế nhưng với Thầy là Con yêu dấu của Ngài vào giờ hấp hối trên thánh giá, thì Ngài đã lặng thinh, để chính Thầy phải thảm thiết kêu lên: “Cha ơi, sao Cha bỏ rơi Con”.

Thầy nói điều đó vì Thầy biết trong cuộc đời của con, sẽ có lúc con cũng kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?”. Phải chăng vào lúc đó Thầy đi vắng hay Thầy lánh mặt làm ngơ tiếng con kêu cầu? Không, Thầy minh xác với con là Thầy không bao giờ bỏ rơi con, vì nếu Thầy bỏ rơi con, thì cái chết của Thầy đã trở nên vô nghĩa đối với con. Như mặt trời rất cần thiết cho sự sống của cỏ cây. Thiếu ánh sáng cỏ cây sẽ chết, nhưng có lúc mặt trời cần được che khuất bởi những áng mây mù, để những cơn mưa kéo tới và tưới ướt mặt đất cho vạn vật được hồi sinh. Hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải tan biến đi thì nó mới sinh nhiều hoa trái, những lúc con đau khổ là lúc hoa trái của tình yêu đơm bông và kết trái ân sủng của Thiên Chúa. Khi có tình yêu thì đau khổ luôn ẩn chứa niềm hạnh phúc, tựa như người mẹ đau đớn khi sanh nở nhưng vui mừng sung sướng khi thấy con chào đời.  

Con đường của con đi sẽ có đau khổ và thập giá. Thầy có Thánh Giá của Thầy. Mẹ Maria có Thánh giá của Mẹ, nhưng Thầy và Mẹ Thầy đã đi hết đường Thánh giá của mình. Vậy hỡi con, con muốn theo Thầy thì hãy vác thập giá mình mà theo Thầy. Trong mọi hoàn cảnh, con hãy nhớ rằng Thiên Chúa không làm điều gì vô nghĩa cả và Thiên Chúa có thể biến sự dữ ra sự lành. Thánh giá của Thầy là một ô nhục đối với người Do-thái, nhưng với con lại là nguồn ơn cứu rỗi.

Để tỏ lòng tin vào Thầy, con hãy cầm cây Thánh Giá áp lên trái tim và nói với Thầy rằng: bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời. Con hãy tha thiết kêu cầu Danh “Giêsu”, vì Danh của Thầy có quyền năng chữa lành, xoa tan bóng đêm và sự dữ. Con hãy nói với Thầy về thánh giá của con đang có. Hãy xin Thầy cùng đồng hành vác thánh giá với con, như ông Simon đã cùng vác thánh giá với Thầy. Con đặt thánh giá xuống và viết tên con trên mảnh giấy hình trái tim để biết rằng trong trái tim của Thầy luôn có hình ảnh của con.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ năm
Lời Chúa: “Ta khát!” Gioan 19:28

Con yêu dấu của Thầy,
Lúc còn ở thế gian, Thầy đã chẳng nói với con rằng: ai khát hãy đến cùng Thầy, từ lòng Thầy sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống. Con người ở mọi thời đại, mọi giai cấp đều đói khát về tâm linh cho đến khi họ tìm được Đấng đã tạo dựng nên họ, cho đến khi họ nhận ra Người Cha trên trời. Họ chỉ được no thỏa trong tâm hồn khi tìm đến với Thầy và ở trong tình yêu của Thầy. Người phụ nữ Samari ngồi bên bờ giếng thế mà chị vẫn khát. Chị chỉ hết khát khi chị biết xin dòng nước từ nơi Thầy. Người Do-thái xưa kia khát mong một Vị cứu tinh đến giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ lầm than. Cha Thầy đã lắng nghe tiếng than khóc của họ và đã sai Thầy đến làm dịu mát cơn khát của họ. Thế nhưng, khi Thầy kêu lên: Ta khát, họ đã cho Thầy nếm giấm chua. Ôi, cho đến bao giờ Thầy mới khỏi khát vì sự bội bạc của con người?

Con thân mến, hôm nay cũng như hàng ngàn năm trước, Thầy vẫn còn cất cao tiếng kêu: Ta khát. Cái khát của Thầy đang biểu hiện trên những khuôn mặt của nạn nhân chiến tranh, bạo động và đàn áp; của bao nhiêu người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc; của những khuôn mặt trẻ thơ bị bán đi làm nô lệ tình dục; của những thai nhi không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời; của những khuôn mặt già nua bệnh tật trong viện dưỡng lão; của những người chưa biết đến Thầy là ai… Nỗi khát lớn lao nhất vẫn là khát tình người với Chúa và tình người với người. Thế giới hôm nay có rất nhiều Lazarô đang đói khát, nhưng cũng không thiếu gì những “người phú hộ” ăn ngon mặc đẹp, nhà sang xe xịn...

Con yêu, con có muốn là người được sai đi làm dịu cơn khát của Thầy không? Nếu con đã sẵn sàng, con hãy nếm thử một chút dấm chua mà Thầy đã nếm qua, và con hãy dành một ít phút thinh lặng nghĩ tới những khuôn mặt đang đói khát ở chung quanh con. Bắt đầu với những khuôn mặt rất gần với con như cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái. Họ là những người cha trao phó cho con, con hãy nhận ra họ đang đói khát điều gì? Có thể họ không thiếu cơm ăn áo mặc nhưng thiếu tình yêu, chung thủy, trách nhiệm, quan tâm của con dành cho họ. Nếu con muốn đi xa hơn nữa để làm dịu cơn khát của Thầy, con hãy nghĩ tới các ân nhân, họ hàng, bạn bè, người quen biết của con. Thầy chắc chắn rằng con sẽ tìm được một khuôn mặt đang đói khát vật chất hoặc tâm linh. Con hãy chia sẻ và cầu nguyện cho họ.

Con ơi, nếu không phải là con thì Thầy sẽ sai ai đi bây giờ? Nếu không phải ngay hôm nay thì đến bao giờ Thầy nới được dịu cơn khát. Thầy cám ơn con nhiều lắm. Thầy cho con biết, chỉ một chén nước lạnh con cho Thầy hôm nay, con sẽ được dư đầy nước trường sinh mai sau. 

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ sáu
Lời Chúa: “Mọi sự đã hoàn tất”. Gioan 19:30

Con yêu dấu của Thầy,
Để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha, Thầy đã phải đi qua 14 đàng Thánh Giá đau thương. Con thấy đó, đường thương khó của Thầy là đường lên đỉnh đồi, vì thế Thầy đã ngã lê bước và xuống đất nhiều lần, nhưng Thầy đã đứng dậy tiếp tục bước đi. Mỗi lần ngã xuống đất, Thầy lại nghĩ tới sự sa ngã của Adam - Evà, của vua Đavít, của Giuđa và cái ngã ngựa của Phaolô. Những cái ngã này đều khác nhau vì mỗi người có sự yếu đuối riêng của mình. Evà đã sa ngã vì trái táo kiêu ngạo. Đavít sa ngã vì sắc dục. Giuđa đã sa ngã vì tiền bạc. Phaolô ngã vì đi tìm bắt các Kitô hữu của Thầy. Đằng sau sự sa ngã chính là bản tính xác thịt yếu đuối, danh vọng thế gian và quyền lực của sự dữ. Mỗi lần ngã là mỗi lần đau, mỗi lần đau là mỗi bài học để đời cho bản thân mình.

Cuộc đời của mỗi người là một cuộc chạy đua. Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Con hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng không bao giờ hư nát. Là lực sĩ điền kinh, con phải kiêng cữ đủ điều để hoàn tất cuộc đua. Như Thầy, Thầy đã đạt tới đỉnh núi sọ. Thầy đã chiến thắng sự chết và thần dữ. Thầy đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại.

Con thân mến, con hãy dành dành ít thời gian nhìn lại cuộc đua của con xem, con đang chạy đua ở đua trường nào và mức độ sao?
- Nếu là tu sĩ thì con đang chạy đua để mang nhiều linh hồn về cho Thầy. Trong cuộc đua này con hãy đạt cho được đức Khiết Tịnh, Khó Nghèo, Vâng Phục. Không phải bao nhiêu thánh lễ, công trình con đã làm, nhưng bao nhiêu sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục con đã sống mới thật trân quý.
- Nều con là vợ chồng, thì con đang chạy đua để xây dựng một giáo hội nhỏ thánh thiện của Thầy nơi gia đình của con. Trong cuộc đua này con hãy đạt cho được sự chung thủy, yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
- Nếu con là bậc là con, thì con đang chạy đua để đạt cho được lòng thảo kính cha mẹ. Trong cuộc đua này hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Thầy, vì đó là điều phải đạo.
Con còn một cuộc đua khác nữa cũng không kém quan trọng, đó là chạy đua với chính mình. Con hãy chạy làm sao để thắng được xác thịt và cái tôi to lớn của mình. Thầy biết có lúc con sẽ sa ngã. Con hãy tìm sức mạnh nơi Thầy và hãy can đảm đứng lên. Hãy nhìn về phía trước vì Thầy đang đứng chờ đợi con ở cuối đường. Vì con đang ở trong cuộc đua, con cần kiêng cữ để có thể đạt tới đích. Con hãy quyết tâm kiêng cữ hay từ bỏ một điều xấu nào đó như là một dấu chỉ con đang xé lòng vì yêu mến Thầy.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

 
Lá thư tình yêu thứ bẩy
Lời Chúa: “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Luca 23:46

Con yêu dấu của Thầy,
Đây là Lá thư tình yêu cuối cùng trong bảy lá thư viết trên Thánh Giá mà Thầy viết cho con bằng tất cả tình yêu. Thầy đã viết cho con bằng Máu và Nước từ trái tim của Thầy. Thầy đã yêu con cho đến hơi thở cuối cùng. Dấu ấn tình yêu mà Thầy để lại cho con là chính Thịt và Máu của Thầy. Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Thầy chính là hạt lúa mì Cha Thầy gieo vào lòng đất đã chết đi để sinh hạt cứu rỗi cho con.

Con ơi, Thiên Chúa đã yêu thương con đến nỗi đã ban Con một của Ngài cho con. Nếu ngày hôm nay, Ngài muốn chứng tỏ tình yêu của Ngài dành cho con thêm một lần nữa, thì Ngài chẳng còn gì để cho con. Ngài đã cho con tất cả rồi, và chỉ cần cho một lần là đủ, là vĩnh viễn ngàn thu. Có được Người Con của Ngài là con có tất cả. Con thật quí giá biết bao vì con là con của Thiên Chúa, một Thiên Chúa uy quyền. Con hãy sống như một công chúa, một hoàng tử của nước trời. Hãy tung cánh bay cao như chim phượng hoàng về chân trời xanh thẳm bình yên, đừng sống cặm cụi như bầy gà trên mặt đất.

Thầy đi để dọn chỗ trên thiên đàng cho con. Hãy tin tưởng vào Lời của Thầy. Đừng sợ hãi, hỡi con, dù đường đời con đi có muôn ngàn gian khó và thử thách vì Thầy luôn ở cạnh con. Chén đắng cuộc đời con sẽ phải uống và thánh giá cuộc đời con sẽ phải mang.  Con hãy bền đỗ đến cùng để sẽ được phục sinh với Thầy.

Con thân mến, để chứng minh niềm tin của con nơi Thầy, con hãy thắp lên một ngọn nến và nhận một câu Lời Chúa. Con hãy cầu nguyện và sống câu Lời Chúa này. Thầy sẽ ở với con mọi ngày cho đến tận thế.

Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Cát Minh
1/2013

Lý thuyết ba thời kỳ, các chủ nghĩa toàn trị, và Tây Phương

Lý thuyết ba thời kỳ, các chủ nghĩa toàn trị, và Tây Phương

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Cách nay 25 năm, một trong các thần học gia Công Giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã qua đời tại Đường de Bretreuil ở Paris dưới sự săn sóc của Các Tiểu Muội Người Nghèo. Sinh năm 1896 giữa lúc Vụ Dreyfus đang xâu xé nước Pháp, và qua đời khi Liên Bang Xôviết sụp đổ năm 1991, Đức Hồng Y Henri de Lubac, Dòng Tên, đã tham dự một số các biến cố quan trọng nhất từng lên khuôn Giáo Hội Công Giáo giữa các triều giáo hoàng Lêô XIII và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Dù rất nổi tiếng vì công trình của ngài trong việc mở cửa gia tài trí thức phong phú của Giáo Hội và ảnh hưởng của ngài đối với các văn kiện chủ yếu của Vatican II, de Lubac không hề là một học giả trốn đời. Xuất thân từ một gia đình qúy tộc Pháp, rất sùng đạo Công Giáo, de Lubac không thể không ý thức các đứt đoạn sâu sắc giữa Giáo Hội và các lực lượng do Cách Mạng Pháp xổ lồng. Ngài cũng không sợ phải pha mình vào những tranh chấp có tính thời đại của thời ngài.

Khi phần lớn hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ và giáo dân ủng hộ chế độ Vichy sau cuộc bại trận nhục nhã của Pháp năm 1940, de Lubac nhanh chóng trở thành người hoạt động trong Phong Trào Kháng Chiến Pháp. Là một người chống Quốc Xã nhất quán trước và trong Thế Chiến II, de Lubac lớn tiếng chống chủ nghĩa Bài Do Thái vào một thời điểm khi tâm tình bài Do Thái khá phổ thông nơi nhiều người Công Giáo. Cũng thế, de Lubac chỉ trích lòng say mê chủ nghĩa Marx của một số người Công Giáo Pháp sau Thế Chiến II. Không như một số người cùng thời, de Lubac không bao giờ có bất cứ ảo tưởng nào đối với chủ nghĩa Cộng Sản.

Vượt lên trên các điểm đặc thù của một số phong trào, de Lubac hết sức ngỡ ngàng trước sự kiện: các ý thức hệ duy tục, từ chủ nghĩa Marx tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Phátxít, chủ nghĩa quốc gia, và các biểu thức đặc thù của chủ nghĩa duy tự do, tiếp tục kìm hãm trí tưởng tượng của người Tây Phương. De Lubac tự hỏi, tại sao quá nhiều người ở Tây Phương cứ tiếp tục bám lấy các ý tưởng từng dẫn tới hủy diệt và chết chóc suốt trong thế kỷ 20 nhân danh giai cấp vô sản, der Volk (nhân dân), hay tiến bộ? Ngài thắc mắc, làm thế nào những người hết sức thông minh lại có thể tin được rằng họ đang phát huy hạnh phúc của con người bằng việc ủng hộ các ý thức này?

Là một người miệt mài nghiên cứu lịch sử thần học, de Lubac hiểu rõ: các tiền thân của một số ý niệm qủy quyệt nhất của chính trị hiện đại ăn rễ rất sâu trong quá khứ. Thí dụ, năm 1942, ngay trước khi đi hầm trú tránh Gestapo, de Lubac đã đọc một diễn văn tại một thị trấn nhỏ là Pont-de-Claix về các gốc rễ tôn giáo của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Quốc Xã. De Lubac cũng nhìn nhận rằng nguồn gốc của những chủ nghĩa thay thế cho tôn giáo này đã có trước cả Phong Trào Ánh Sáng. Ngài biết rằng lạc giáo thời Trung Cổ thường tiên báo đường đi của những chế độ toàn trị hiện đại, hay bất cứ người nào định vị sự cứu rỗi trong tính viên mãn của nó ở đây và lúc này. Về phương diện này, de Lubac tin rằng một thần học gia Trung Cổ đã đóng một vai tuồng quan trọng.

Nhà huyền nhiệm, đan sĩ và thiên niên kỷ

Thời Trung Cổ không chỉ là thời các đại học đầu tiên của thế giới được thành lập, nghệ thuật và kiến trúc vĩ đại được sản sinh, và các nền kinh tế có tính tư bản chủ nghĩa rõ ràng xuất hiện. Nó còn chứng kiến việc khai triển ra các phong trào thiên niên kỷ cực đoan chuyên giảng dậy ngày chung cục (apocalypses) và hừng đông của thời lịch sử mới. Đây là một lý do giải thích tại sao tư tưởng của thần học gia Trung Cổ Joachim de Fiore (c.1135-1202) đã gây tranh cãi trong hai thế kỷ 13 và 14.

Là một công chứng viên, một nhà ẩn tu, một người hành hương Đất Thánh, Joachim được nhiều người thời ông biết đến nhờ lòng đạo đức, đời sống khổ hạnh và dấn thân cho học thuật của ông. Là một cố vấn cho các nhà cai trị phần đời và được các vị giáo hoàng kính nể, Joachim cuối cùng đã thành lập một đan viện, đó là đan viện San Giovanni di Fiore, năm 1198, để cổ vũ một lối sống đơn tu còn nhiệm nhặt hơn Dòng Xitô. Dù ông viết về nhiều đề tài, Joachim được biết đến nhờ đã hệ thống hóa điều được gọi là lý thuyết Ba Thời Kỳ.

Từ thời các giáo phụ, nhiều thần học gia đã tìm cách liên kết mỗi Ngôi trong Ba Ngôi với một thời kỳ lịch sử khác nhau. Theo Joachim, thời kỳ thứ nhất, thời của Chúa Cha, là thời Cựu Ước trong đó con người sợ hãi ngoan ngoãn vâng theo lề luật của Thiên Chúa. Thời kỳ thứ hai, thời của Chúa Con, là thời thống trị của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Thời kỳ thứ ba, thời của Chúa Thánh Thần được Joachim tiên đoán sẽ bắt đầu năm 1260. Thời này, thời được Joachim mô tả là tự do trong một xã hội hoàn hảo hơn là điều ông mô tả như triều đại công lý trong xã hội bất toàn trước đó, sẽ là thời trong đó các Giáo Hội phân ly của Tây và Đông sẽ tái hợp nhất, người Do Thái sẽ trở lại, và tinh thần Tin Mừng và hòa bình hoàn vũ sẽ thống trị. Joachim cho rằng Giáo Hội và trật tự bí tích của Giáo Hội chủ yếu sẽ biến mất và được thay thế bằng một loại trật tự đặc sủng dưới sự lãnh đạo của các đan sĩ.

Sau khi ông qua đời, một số đề xuất của Joachim liên quan tới Ba Ngôi bị Công Đồng Lateran thứ tư và Đức Giáo Hoàng Alexander IV kết án chính thức. Tuy nhiên, một số ý niệm khác của ông đã được một số phần tử quá khích trong các dòng khất thực, nhất là những người được gọi là thần khí (spiritual), mà phần đông thuộc Dòng Phanxicô. Một số các tu sĩ Phanxicô này, thường họp thành nhóm dưới danh xưng “Fraticelli,” coi Thánh Phanxicô Assidi và phong trào của ngài như là lực lượng đặc sủng mà Joachim từng tiên đoán. Vì lý do này và nhiều lý do khác, một số nhà thần khí tranh cãi nhau về thẩm quyền của Giáo Hội phẩm trật và, trong một số trường hợp, đã cổ vũ một thứ chủ nghĩa không tưởng vô chính phủ (anarchist utopianism). Đây rất có thể là lý do khiến Thánh Bonaventura, vốn là bề trên cả Dòng Phanxicô, cẩn trọng nghiên cứu và phê phán nền thần học lịch sử do các trước tác của Joachim phác thảo ra. Thánh Bonaventura còn đi xa hơn nữa bằng cách quả quyết rằng không có Giáo Hội nào bên ngoài Giáo Hội tông truyền có phẩm trật do Chúa Kitô mong muốn.

Hướng tới một thiên đường dưới thế

Phần lớn các phong trào thiên niên kỷ thời Trung Cổ đều tương đối chết yểu. Bị dẹp bỏ hoặc bởi Giáo Hội hoặc bởi thẩm quyền nhà nước, hay tự biến mất khi các lời tiên đoán của họ không được thể hiện. Nhưng như de Lubac minh tả trong bộ sách hai cuốn của ngài La Postérité spirituelle de Joachim de Fiore (1979-1981) (Hậu Duệ Thiêng Liêng của Joachim de Fiore), ý niệm Thời Chúa Thánh Thần của Joachim và viễn kiến lịch sử của nó đã tìm được đường đi vào toàn bộ nền văn hóa Tây Phương. Theo de Lubac, đóng góp có tính định mệnh tuy không cố ý của Joachim là mở cửa để ý niệm hy vọng vào Chúa Kitô của Kitô Giáo và tính viên mãn của sự sống được mạc khải dứt khoát nơi Người bị làm rỗng hoàn toàn và mô phỏng bởi các ý thức hệ có tính hầu như tôn giáo về tiến bộ và một thứ đức tin vào tương lai, bất luận tương lai này sẽ ra sao.

Theo de Lubac, các ý niệm trên không chỉ được phản ảnh trong viễn kiến kinh thành thiên giới của Phục Hưng. Theo nhận định của ngài, chủ thuyết Joachim giúp lên khuôn các phong trào từ chủ nghĩa lãng mạn Đức tới chủ nghĩa duy tâm của Hegel. De Lubac cho rằng trong các thế kỷ 17 và 18, các khuynh hướng theo Joachim tự biểu lộ qua việc một số nhà tư tưởng của Phong Trào Ánh Sáng hiểu dự án của họ như một cuộc ly khai khỏi đức tin nói chung và khỏi Giáo Hội Công Giáo nói riêng để đi theo một thời đại lịch sử mới của lý trí.

De Lubac cho rằng chủ nghĩa Joachim gây một ảnh hưởng lớn đối với suy nghĩ của những người như Henri de Saint-Simon, có thời duy tự do nhưng sau đó đã trở thành duy xã hội không tưởng, Alfred Rosenberg, nhà lý thuyết về sắc tộc của Quốc Xã, và trên hết, Karl Marx và các lý thuyết gia Mácxít như triết gia Đức Ernst Bloch. De Lubac cũng cho rằng bên dưới các ý niệm này, là một thứ chủ nghĩa duy thiên niên kỷ phi Giáo Hội vốn chở theo ý niệm này: một thời đại mới đang sắp sửa xuất hiện khi lịch sử tất yếu sẽ tiến về một thứ thế giới không tưởng ở đời này.

Tuy nhiên, có một cách biểu lộ nữa của viễn kiến Joachim: đó là ý tưởng cho rằng việc thế tục hóa không những là điều không thể tránh được mà nó còn tượng trưng cho một loại thành toàn của Kitô Giáo. De Lubac không hiểu chữ “thế tục” ở đây là lãnh vực trần gian hiện diện song song với lãnh vực đức tin. Sự phân biệt này luôn luôn là thành phần trong phương thức tiếp cận chính trị của Kitô Giáo, ngay trong các trường hợp tệ nhất của chủ trương coi quyền lực thế tục cao hơn quyền lực thiêng liêng của Giáo Hội (Caesaropapism). Thay vào đó, ngài coi việc thế tục hóa như là việc chuyển đổi ý niệm cứu rỗi của Kitô Giáo thành các ý thức hệ tiến bộ của con người xuyên qua lịch sử, một tiến bộ được hiểu như là sự tiến triển đều đặn của chủ nghĩa nhân đạo thế tục hậu Kitô Giáo nhằm chăm sóc các nhu cầu ở đây và ngay bây giờ của mọi người.

Bên trong Giáo Hội

Điều trên đem chúng ta tới một cách nữa trong đó, theo de Lubac, học thuyết của Joachim tiếp tục lên khuôn Tây Phương ngày nay. Trong cuốn Mémoires sur l’occasion de mes écrits (Các ký ức nhân dịp các trước tác của tôi), de Lubac viết:

“Dưới nhiều hình thức khác nhau của nó, tôi coi học thuyết của Joachim là một nguy cơ hiện nay vẫn còn và thậm chí thúc ép nữa. Tôi nhận ra nó trong diễn trình thế tục hóa, một diễn trình phản bội Tin Mừng, nhằm biến đổi việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa thành những không tưởng xã hội. Tôi thấy nó đang hành động trong điều có thể gọi một cách đúng đắn là “sự tự hủy của Giáo Hội” [sau Vatican II]. Tôi tin rằng nó chỉ có thể làm gia trọng nỗi thống khổ và tạo nên việc hạ giá nhân tính ta”.

Trên một bình diện, de Lubac thấy chủ thuyết của Joachim hiện diện trong cố gắng của một số người Công Giáo sau Vatican II nhằm để qua một bên điều họ gọi là Giáo Hội “định chế” và thay thế Giáo Hội này bằng một Giáo Hội của “Thần Khí”, một Thần Khí, một tinh thần, xem ra không hề khác chi với những lắng lo của hai thập niên 1960 và 1970 và là các lắng lo nhằm đúc kết Tin Mừng thành một với chủ thuyết tranh đấu chính trị, luôn tả khuynh. Điều cũng có thể là de Lubac chỉ lặp lại các quan tâm từng được một người cùng Dòng Tên và cùng tham gia Kháng Chiến phát biểu là Gaston Fessard, người nổi tiếng và đã công khai cảnh cáo người Công Giáo Pháp năm 1979 rằng tính toàn vẹn của Giáo Hội bị đe dọa bới việc ve vãn các ý tưởng Mácxít. Nói một cách rộng rãi hơn, các quan tâm của de Lubac cũng có thể bao gồm những người Công Giáo quan niệm công bằng xã hội không khác mấy so với quan niệm của phe tả thế tục nhưng vẫn phần nào gần gũi với phần đông các tín điều và học thuyết cót lõi của Giáo Hội.

Cũng khó mà không nghĩ tới những hình thức đặc thù của thần học giải phóng, nhất là những hình thức chịu ảnh hưởng Marx nhiều hơn cả, khi đánh giá tác động của học thuyết Joachim sau Vatican II. Huấn Thị về Một Số Khía Cạnh của “Thần Học Giải Phóng” năm 1984 của Bộ Giáo Lý Đức Tin, chẳng hạn, đã làm nổi bật xu hướng của nhiều nhà thần học giải phóng muốn giản lược đức tin Công Giáo thành “một chủ nghĩa xức dầu hoàn toàn trần tục” và “đồng hóa Nước Thiên Chúa và sự lớn mạnh của nó với phong trào giải phóng nhân bản”.

Thói quen phe Joachim hay tương đối hóa ý nghĩa của chính Giáo Hội và bắt nó phụ thuộc sự tiến bộ của lịch sử cũng khá hiển hiện trong một số bản văn của thần học giải phóng. Bộ Giáo Lý Đức Tin quả quyết rằng liên quan tới chính Giáo Hội, các trường phái đặc thù của tư tưởng thần học giải phóng “chỉ nhìn Giáo Hội như một thực tại thấp hơn lịch sử trong tính nội tại của nó”. Tương tự như thế, trong một số trước tác của thần học giải phóng, các bí tích cũng bị lột hết ý nghĩa bí tích và bị giản lược thành một “cử hành của nhân dân trong cuộc đấu tranh của họ”.

Chín năm sau khi phát hành cuốn thứ hai trong bộ sách của de Lubac viết về Joachim de Fiore, một số công trình lớn thiết lập bởi những người dấn thân cho giấc mơ Mácxít về một thời đại mới đã sụp đổ. Dù các hình thức triệt để của thần học giải phóng chưa mất dạng , chúng cũng đang lao đao để giữ vững tính khả tín. Như Đức Hồng Y Jorge Bergoglio từng viết trong lời nói đầu của một cuốn sách tựa là Una apuesta por America Latina (Một Dấn Thân Cho Mỹ Châu La Tinh) (2005), “Sau việc sụp đổ của ‘chủ nghĩa xã hội thực chất’, các trào lưu tư tưởng này đã lao đầu vào chỗ hỗn độn. Không có khả năng tái lên công thức triệt để cũng như tính sáng tạo mới, chúng sống còn nhờ tính trì trệ, dù cho có một số người ngày nay vẫn còn thích đề xuất nó một lần nữa, một cách lỗi thời”.

Nói thế rồi, ta vẫn thấy các khunh hướng theo Joachim khó có thể biến mất khỏi Tây Phương. Người ta vẫn có thể tìm thấy nó trong nhiều hình thức không tưởng kỹ thuật khác nhau; những hình thức này đang trình bầy cho ta viễn tượng đem tới một thứ niết bàn qua tiến bộ khoa học. Rồi lại còn các đề xuất nhằm biến đổi, theo nghĩa đen, chính bản chất con người, như phong trào biến đổi các điều kiện nhân bản (transhumanism) chủ trương. Một điển hình khác không lý thú bằng nhưng thông thường hơn là việc giản lược cứu rỗi vào chính trị. Hãy xem thói quen chán ngắt ở Tây Phương hay gán cho các chính trị gia những phẩm chất giống như Đấng Được Xức Dầu, hay niềm tin ngây thơ mà rất nhiều người thuộc giai cấp chính trị của Liên Hiệp Âu Châu đặt vào các định chế dân chủ xã hội siêu quốc gia sẽ đem lại một thứ gì đó giống như pacem in terries (hòa bình trên thế giới) theo nghĩa thế tục, những ảo tưởng liên tiếp đi ngược lại một số thực tại từng được Thánh Augustinô nhấn mạnh trong Kinh Thành Thiên Chúa của ngài, chưa kể các sự thật căn bản về thân phận con người từng được Kitô Giáo nêu bật.

Tuy nhiên, không điều gì như trên làm de Lubac ngạc nhiên, vì lý do đơn giản là ngài hiểu rằng người ta không thể loại trừ được sự thôi thúc của tôn giáo khỏi con người. Nó chỉ có thể bị làm cho trệch hướng, hoặc thành đồi trụy, khỏi mục tiêu tự nhiên của nó. Sự dai dẳng của vi khuẩn Joachim trong rất nhiều thế kỷ cho ta thấy, bất chấp họ tán dương chủ nghĩa duy tục ra sao, Tây Phương vẫn có đặc điểm tôn giáo sâu sắc của nó. Câu hỏi thực sự là tôn giáo nào cuối cùng sẽ thắng thế. Thiển nghĩ đó là sứ điệp chính trị của Cha de Lubac dành cho chúng ta ngày nay.

Viết theo Samuel Gregg, giám đốc nghiên cứu của Viện Acton.

VUI HỌC THÁNH KINH THÁNG 3


VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNG 3
KÍNH THÁNH GIU SE

Tin Mừng thánh Luca  2,41-51a






Trong Tháng 3,
Giáo Hội đặc biệt kính Thánh Giuse,
 thường gọi là Tháng Thánh Giuse
 với Lễ kính Thánh Giuse là  bạn Đức Trinh Nữ Maria
 vào ngày 19/3 hàng năm.





TIN MỪNG

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "49 Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.


51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.


12 Each year his parents went to Jerusalem for the feast of Passover,42 and when he was twelve years old, they went up according to festival custom.

43 After they had completed its days, as they were returning, the boy Jesus remained behind in Jerusalem, but his parents did not know it.

44 Thinking that he was in the caravan, they journeyed for a day and looked for him among their relatives and acquaintances,45 but not finding him, they returned to Jerusalem to look for him.

46 After three days they found him in the temple, sitting in the midst of the teachers, listening to them and asking them questions,47 and all who heard him were astounded at his understanding and his answers.

48 When his parents saw him, they were astonished, and his mother said to him, "Son, why have you done this to us? Your father and I have been looking for you with great anxiety."

49 And he said to them, "Why were you looking for me? Did you not know that I must be in my Father's house?" 1350 But they did not understand what he said to them.

51 He went down with them and came to Nazareth, and was obedient to them


I. HÌNH TÔ MÀU





* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Luca 2,41
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .



II. TRẮC NGHIỆM

01. Gia phả Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu, thân phụ của thánh Giuse tên là gì? (Mt 1,16)
a.  Ông Giacóp
b.  Ông Giôxếp
a.  Ông Gioan
a.  Ông Giaia

02. Vị hôn thê của thánh Giuse tên là gì? (Mt 1,16)
a. Cô Mácta
b. Cô Maria
c. Cô Gioanna
d. Cô Suzanna

03. Thánh Kinh gọi ông Giuse là người thế nào? (Mt 1,19)
a. Người tốt lành.
b. Người đạo đức.
c. Người công chính
d. Cả a, b và c đúng.

04. Khi có lệnh kiểm tra dân số, thánh Giuse đã đưa mẹ Maria về đâu để kê khai tên tuổi? (Lc 2,4)
a. Thành Giêrusalem
b. Thành Bêlem
c. Thành Caphácnaum
d. Thành Nadarét

05. Khi bị vua Hêrôđê lùng giết, thánh Giuse đã đưa Hài Nhi và mẹ người trốn sang đâu? (Mt 1,19)
a. Ai cập
b. Syria
c. Liban
d. Thỗ Nhĩ Kỳ.

06. Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con trẻ Giêsu lên Giêrusalem làm gì? (Lc 2,22)
a. Để tiến dâng cho Chúa
b. Để giới thiệu Hài Nhi Giêsu cho mọi người.
c. Để làm lễ Rửa tội.
d. Cả a, b và c đúng.

07. Dâng của lễ theo Luật Chúa truyền đó là gì? (Lc 2,24)
a. Một con chiên con.
b. Một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non
c. Một cân bạch ngọc.
d. Cả a, b và c đúng.

08. Khi vua Hêrôđê chết, thì ai lên kế vị? (Mt 2,22)
a. Vua Salem
b. Vua  Áckhêlao
c. Vua Hêrôđê Antipa.
d. Vua Acrippa.

09. Sau khi từ Ai Cập trở về, thánh Giuse đưa Hài Nhi và mẹ Ngài về định cư tại miền nào? (Mt 2,22)
a. Miền Galilê
b. Miền Samari
c. Miền Giuđê
d. Miền Thập Tỉnh

10. Thánh Giuse và Mẹ Maria lạc mất Chúa Giêsu năm ngài bao nhiêu tuổi? (Lc 2,41-50)
a. 8 tuổi
b. 10 tuổi
c. 12 tuổi
d. 14 tuổi

  
III. Ô CHỮ 


Những gợi ý

01. Hoàng đế nào ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ buộc thánh Giuse đưa bạn mình về quê quán khai tên tuổi? (Lc 2,1)

02. Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông Giuse và cho ông biết người con mà bà Maria cưu mang là do quyền năng của ai? (Mt 1,20)

03. Ông Giuse thuộc dòng dõi của vua nào? (Mt 1,20)

04. Sau khi từ Ai Cập trở về, thánh Giuse đưa Hài Nhi và mẹ Ngài về định cư tại thành nào?  (Mt 2,22)

05. Thánh Kinh gọi ông Giuse là người thế nào? (Mt 1,19)

06. Gia phả Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu, thân phụ của thánh Giuse tên là gì? (Mt 1,16)

07. Khi bị vua Hêrôđê lùng giết, thánh Giuse đã đưa Hài Nhi và mẹ người trốn sang đâu? (Mt 1,19)

08. Khi trở về từ thành Giêrusalem, Đức Giêsu có thái độ thế nào đối với cha mẹ Ngài? (Lc 2,51)

09. Sứ thần Chúa bảo ông Giuse đặt tên cho con trẻ là gì? (Mt 1,21)

10. Năm 12 tuổi, Đức Giêsu cùng cha mẹ ngài lên Giêrusalem tham dự lễ gì? (Lc 2,41)

11. Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên đâu để tiến dâng cho Chúa? (Lc 2,22)

12. Khi được lệnh truyền kiểm tra dân số thánh Giuse đưa bạn mình về đâu để kê khai tên tuổi? (Lc 2,1)



IV. THỬ TÀI.

01. Trong Cựu Ước có một nhân vật nổi tiếng tên là Giuse. Thân phụ của ông tên là gì? (St 30,22-24)

02. Mẹ của ông Giuse tên là gì? (St 30,22-24)

03. Vợ của ông Giuse tên là gì? (St 30,22-24)

04. Những người con của ông Giuse tên là gì?
(St 41,50-52)

05. Tại đất nước Ai cập, vua Pharaô phong ông Giuse làm gì?
(St 41,40)

06. Người em cùng mẹ với ông Giuse tên là gì? (St 35,24)

07. Những người con của ông Giacóp tên là gì ?
(St 35,23-26 &34,1).



V. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

Người đi xuống cùng với cha mẹ,
 trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.
Tin Mừng thánh Luca 2,51

NGUYỄN THÁI HÙNG




Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE


I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề :
Chúa Giêsu lên Đền.
* Câu Tin Mừng thánh Luca 2,41:

Hằng năm,
cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.


II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM

01. a.  Ông Giacóp (Mt 1,16)
02. b. Cô Maria (Mt 1,16)
03. c. Người công chính (Mt 1,19)
04. b. Thành Bêlem (Lc 2,4)
05. a. Ai cập (Mt 1,19)
06. a. Để tiến dâng cho Chúa (Lc 2,22)
07. b. Một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lc 2,24)
08. b. Vua  Áckhêlao (Mt 2,22)
09. a. Miền Galilê (Mt 2,22)
10. c. 12 tuổi (Lc 2,41-50)

III. Lời giải đáp Ô CHỮ 

01. Augúttô (Lc 2,1)
02. Thánh Thần (Mt 1,20)
03. Đavít (Mt 1,20)
04. Nadarét (Mt 2,22)
05. Công chính (Mt 1,19)
06. Giacóp (Mt 1,16)
07. Ai cập (Mt 1,19)
08. Vâng phục (Lc 2,51)
09. Giêsu (Mt 1,21)       
10. Lễ Vượt Qua (Lc 2,41)
11. Giêrusalem (Lc 2,22)
12. Bêlem (Lc 2,1)

Hàng dọc : Thánh cả Giuse

IV. Lời giải đáp THỬ TÀI.

01. Ông Giacóp. (St 30,22-24)
02. Bà Rakhen (St 30,22-24)
03. Bà Átnát (St 30,22-24)
04. Ông Mơnase và Épraim (St 41,50-52)
05. Tể tướng (St 41,40)
06. Ông Bengiamin (St 35,24)
07. Những người con của ông Giacóp : (St 35,23-26 &34,1).

  Ông Giacóp có 13 người con
                             (St 35,23-26 & 34,1)

* với bà Lêa :
Ông Rưuven, Ông Simeôn, Ông Lêvi, Ông Ông Giuđa, Ông Ítxakha, Ông Dơvulun và cô Đina.

* với bà Rakhen :
Ông Giuse, Ông Bengiamin
* với bà Binha :
Ông Đan, Ông Náptali
* với bà Dinpa :
Ông Gát, Ông Asê.


  NGUYỄN THÁI HÙNG
http://vuihocthanhkinh.blogspot.com/

1. Thánh Cả GIUSE
Thánh cả Giuse là vị thánh rất đặc biệt

Trong tất cả các vị thánh, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria là Nữ Vương các thánh, thì không có thánh nào sánh kịp với Thánh cả Giuse.

Thánh cả Giuse được sống bên cạnh Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa; được sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ của Con Đức Chúa Trời, trong gia đình thánh thất Nadarét, là thiên đàng trên trần gian nầy.

Thánh cả Giuse được chết trong tay Hai Đấng cao trọng: trong tay của  Con của Thiên Chúa và trong tay của Mẹ Thiên Chúa.

Thánh cả Giuse là vị thánh rất cao sang vì Ngài được làm cha nuôi của Chúa Giêsu.

Các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh nam nữ xưa và nay đều sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu, còn Thánh cả Giuse thì nuôi dưỡng Chúa Giêsu, nâng đỡ Chúa Giêsu, lo lắng cho Chúa Giêsu, bồng Chúa Giêsu trên tay, hôn kính Chúa Giêsu, nói chuyện với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu ăn, cho Chúa Giêsu mặc, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi muôn vàn nguy hiểm.

Ý Thiên Chúa quan phòng để cho Thánh cả Giuse làm Cha của Đấng Cứu Thế ở trước mặt người đời. Để thực hiện ý định nầy của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn vâng lời thánh cả Giuse từng li từng tí, tôn kính Ngài như một người con hết sức hiếu thảo.

Bởi thế, trừ ra chức làm Mẹ Thiên Chúa vô cùng cao sang của Đức Trinh Nữ Maria, thì trên trời dưới đất nầy, không có chức nào cao trọng cho bằng chức làm Cha nuôi của Thánh cả Giuse đối với Chúa Giêsu

Vì Chúa Giêsu chỉ có một mình Đức Mẹ Maria là Mẹ thật, nên Thánh cả Giuse được Thiên Chúa Cha giao cho toàn quyền lo lắng mọi sự cho Con Một mình trên trần gian nầy.

Thánh  Giuse rất cao sang vì Ngài được làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với Đức Trinh Nữ Maria, chức làm Mẹ Thiên Chúa là chức cao trọng vô cùng, thế mà Thánh cả Giuse lại được liên kết mật thiết với Đức Mẹ bằng giây liên lạc hôn nhân theo phép đạo.

Khi ban thánh cả Giuse làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa ban cho Thánh cả Giuse ba điều cao quý: một là, làm người bạn đường lo lắng, giúp đỡ Đức Trinh Nữ Maria; hai là, làm người chứng nhận sự trinh khiết tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria; ba là, ban cho Thánh cả Giuse ơn trọng đại tham gia vào phẩm chức cao cả làm Mẹ Đức Chúa Trời của Đức Trinh Nữ Maria.

Thánh cả Giuse là vị thánh được Giáo Hội tôn kính hết sức đặc biệt

Giáo Hội dành một tháng trong năm, tháng ba, để kính Thánh cả Giuse.

Giáo Hội đặt hai lễ trọng trong năm kính Thánh cả Giuse: Lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria (ngày 19.3 ) và Lễ Thánh Giuse Thợ (ngày 01.5).

Giáo Hội dành ngày thứ tư trong tuần để kính Thánh cả Giuse.

Giáo Hội soạn nhiều kinh đặc biết để cầu nguyện và ca ngợi Thánh cả Giuse như Kinh cầu Ông Thánh Giuse, kinh Thân lạy Ông Thánh Giuse.

Giáo Hội chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bàu chữa của mình. Khi chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bảo vệ, Gíao Hội quả quyết rằng: “Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất nầy không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh cả Giuse.” (ĐGH Piô IX, 08.12.1870).

Thánh Cả Giuse treo cao gương sống thánh thiện cho tất cả chúng ta : Ngài là đấng gồm no mọi nhân đức.

Gương yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự: Thánh Cả Giuse là Đấng dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời, là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.

Gương hết sức quý chuộng Đức Trinh Nữ Maria: Thánh Cả Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Chúa Trời, là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh.

Guơng trong sạch: Thánh Cả Giuse luôn cầm nhành huệ trắng nơi tay; Ngài là đấng cực thanh cực tịnh; ngài là đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.

Gương khôn ngoan theo Lời Chúa dạy: Thánh Cả Giuse cực khôn cực ngoan, được Thiên Chúa dùng để huớng dẫn Con của Ngài và Mẹ của Con Ngài.

Gương đức tin mạnh: Thánh Cả Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ. Ngài tin tất cả những Lời Chúa do thiên thần truyền, dầu những Lời nầy được truyền ra trong những hoàn cảnh rất khó khăn: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mátthêu 1,24) ; “Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mátthêu 2,14) ; “Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ixraen” (Mátthêu 2,21).

Gương vâng lời chóng vánh: Thánh Cả Giuse luôn nhanh chóng tuân theo lệnh Chúa truyền. Ngài là đấng vâng lời mọi đàng, chịu lụy mọi đàng.

Gương thành thật: Thánh Cả Giuse là đấng rất ngay chính thật thà.

Gương sống đời hiền lành, nhịn nhục: Thánh Cả Giuse là gương nhơn đức nhịn nhục.


Gương sống khó nghèo theo tinh thần Tám Mối Phước Thật: Thánh Cả Giuse là đấng yêu chuộng sự khó khăn.

Gương siêng năng làm việc: Thánh Cả Giuse là kiểu thức các tài công noi theo.

Gương điều khiển gia đình một cách thánh thiện: Thánh Cả Giuse là đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa ; ngài là Đấng làm cho sáng danh gia đạo.

Gương sống đời nội tâm, thinh lặng: Thánh Cả Giuse không bao giờ nói ra một lời vô ích, một lời ta thán; ngài nêu cao gương cho các linh hồn sống đời nội tâm sâu xa.

Gương hy sinh tận tụy: Thánh Cả Giuse lo từng miếng cơm manh áo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu, tuy không giàu sang lòe loẹt gì, nhưng cũng luôn luôn đầy đủ. Ngài bao bọc nuôi dưỡng gia đình bằng mồ hôi nước mắt của mình. Ngài thức khuya dậy sớm lo cho kịp công kịp việc để có tiền nuôi sống gia đình.

Thánh Cả Giuse là đấng đầy quyền thế trước mặt Thiên Chúa.

Ngài che chở kẻ giữ mình đồng trinh, nâng đỡ gia thất chúng ta, an ủi kẻ mắc gian nan. Ngài là nơi trông cậy cho kẻ đau ốm liệt lào. Ngài là bổn mạng kẻ mong sinh thì, kẻ hấp hối, sắp lìa đời. Ngài chiến thắng ma quỷ, làm cho quỷ thần kinh khiếp.Ngài là Quan Thầy bàu chữa Giáo Hội.
Thánh cả Giuse thật là một vị thánh siêu phàm, không thiên thần nào sánh kịp, không vị thánh nào so nổi.

Chúng ta hãy nghe những lời đầy trông cậy sau đây của thánh nữ Têrêxa Avila :

Tôi không thể nào quên được rằng cho đến ngày hôm nay, tôi xin Thánh cả Giuse điều gì thì được điều đó, và tôi không thể không lấy làm bỡ ngỡ khi thấy rằng, nhờ Thánh cả Giuse cầu bàu mà Chúa đã ban cho tôi nhiều ơn và đã cứu tôi khỏi những nguy hiểm phần hồn phần xác. Các thánh khác thì được Chúa ban ơn giúp chúng ta trong một vài trường hợp cần thiết, còn kinh nghiệm cho tôi biết rằng Thánh cả Giuse giúp chúng ta trong tất cả mọi trường hợp, như thể Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng: khi ở dưới thế nầy, Ngài đã vâng lời Thánh cả Giuse vì Thánh Cả Giuse là Cha nuôi mình, thì nay trên trời, Ngài cùng không từ chối Thánh cả Giuse điều gì.”
Linh mục Nguyễn Hài Đồng

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

2. Thánh Giuse gương mẫu cho người trưởng gia - Suy niệm lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria

Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.
Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa : Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn “ Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”. Chính Đức Giáo Hoàng Pio IX đã công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus (08.12.1870), nhận thánh Giuse làm quan thầy cả Hội Thánh, hàng năm dành riêng hai lễ kính ngài vào ngày 19 tháng 3 và mùng 01 tháng 5.

1. Bạn hiền Trinh Nữ

Tin Mừng ghi lại :  Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kính đáo (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.

Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

Những biến cố xảy ra trong cuộc đời thánh Giuse như: Mầu Nhiệm Nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huốn : cùng bạn mình đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa (Lc 2, 22) ; đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập (Mt 2,14 ) ; đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel (Mt 2, 20 ) ; cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Ngài thật xứng đáng là bạn hiền của Đức Nữ Trinh.

Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu”(Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

2. Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

Thánh Giuse là vị hôn phu của Ðức Maria, đấng đã cưu mang Chúa Giêsu, mà vẫn còn đồng trinh, do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng con trẻ Giêsu cũng là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (x. Lc 2, 27.41).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả : Đức Maria nói “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!  Nhưng Ngài đáp lại:  Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao? (Lc 2 , 48 - 49 ). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức  làm cha  của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là Cha con”, Chúa Giêsu tiết lộ sự thật về vai trò của Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Giuse thực sự là chồng của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu, như Đức Maria nói: Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”. Nhưng thánh Giuse là chồng và là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha và Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã đảm nhận thánh ý Chúa với lòng trung thành và ngưỡng mộ.

3. Gưỡng mẫu cho người trưởng gia

Ngày hôm nay có biết bao người đang vui mừng làm ông nội, ông ngoại, làm bố, và đang hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng, tức là sắp được làm bố, với bao trách nhiệm gia đình phải gánh vác. Họ không biết làm ông, làm bố thế nào cho phải cho nên. Xem ra họ phải chấp nhận mọi hy sinh vì điều thiện hảo cho gia đình của họ. Họ mong ước được người vợ và con cái chia sẻ tình thương để bù lại cho những mệt nhọc phải chịu. Thì thánh Giuse là mẫu gương sống động cho chính họ học đòi bắt chước, trong vai trò làm chồng cách quảng đại, làm cha gương mẫu và làm chủ gia đình cách tận tụy sáng suốt.

Kính xin thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho tất cả các người cha và bảo vệ những người làm cha trong gia đình. Ước chi mỗi người trong họ có thể phản chiếu tình thương dự phòng và trung tín của Thiên Chúa trong khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình.

Nguyện xin thánh Giuse và Mẹ Maria rất thánh, Nữ Vương các gia đình và là Mẹ của Giáo Hội, (nguyện xin hai Ðấng) cầu cùng Chúa cho chúng con được hồng ân chúng con xin. Amen.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
5. THÁNH GIUSE - MẪU GƯƠNG CHO GIA TRƯỞNG
Tin Mừng hôm nay đề cập đến câu chuyện Truyền tin cho Giuse.

Maria đã đính hôn với Giuse (Mt 1,18).Từ ngày hai bên nội ngoại làm lễ đính hôn cho Giuse và Maria, ai ai cũng vui mừng, chúc phúc cho đôi hôn nhân lý tưởng. Họ thương nhau không vì trai tài gái sắc, mà thương nhau vì cả hai đều nết na đức hạnh, cùng có một đức tin tinh tuyền từ gia đình đạo đức. Giuse là Người Công Chính. Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc. Đó là tổ ấm cao sang nhất trong lịch sử nhân loại.

Sau ngày làm lễ đính hôn, chỉ chờ lễ cưới.Maria và Giuse vẫn chỉ biết hướng về tương lai, chuẩn bị cho gia đình mới sắp thiết lập.

Điều bất ngờ xảy đến với cuộc tình duyên êm đẹp. Thiên Chúa đã can thiệp vào dự án tương lai của Maria và Giuse. Thiên Chúa muốn cả hai thành Đấng Bậc Đồng Trinh để Ngài trao gửi Con Một dấu yêu của mình. Cả hai trở nên cha mẹ của con trẻ Giêsu về pháp lý và Maria ban tặng bản tính nhân loại cho Đấng Cứu Thế.

Thiên Chúa đi từng bước một. Truyền tin cho Đức Maria rồi truyền tin cho Giuse. Giữa hai biến cố trọng đại là cuộc khủng hoảng đối với Giuse.

Thấy Maria có thai, Giuse phải đau khổ lắm. Người hôn thê đạo hạnh mà ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định: “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác: “vì là Người Công Chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (1,19). Thế rồi, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho ngài biết: “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (1,20); Thai nhi ấy không chỉ là một con người mà còn là Người Con của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, được sinh ra, không phải được tạo thành, vì Ngài đã có từ trước muôn thuở. Ngài là Con của Chúa Cha ở trên trời; đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm Người. Và Người Con sẽ sinh ra ấy được Thánh Giuse đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu Dân của Người khỏi tội. Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình” (1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về” (1,24).

Thiên Chúa đã đưa Thánh Giuse vào chương trình cứu độ của Ngài. Thánh Giuse đã tích cực góp phần thực hiện chương trình ấy. Ngài được Thiên Chúa chọn, trở thành người cha nuôi của Chúa Giêsu ở trần gian. Vì vai trò làm cha của Chúa Giêsu và làm bạn đời của Mẹ Maria, sống bên cạnh một người nữ trẻ tuổi xinh đẹp là Mẹ Maria, mà theo dự định của Thiên Chúa, sẽ trọn đời đồng trinh, nên các nghệ nhân thường có khuynh hướng hình dung Thánh Giuse như một cụ già. Điều đó không đúng! Thánh Giuse là một thanh niên trẻ trung và đầy sinh lực, có lẽ chỉ lớn hơn Mẹ Maria chừng năm bảy tuổi! Nhưng ngài là một người rất nhân đức, được Thiên Chúa chọn để đồng hành với Mẹ Maria đồng trinh trong cuộc đời dâng hiến của Mẹ. Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về người trần gian (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Thánh Giuse còn được sách Tin mừng gọi là “Người Công Chính”. Mà người công chính, theo lời Kinh thánh, là người sống bằng đức tin, hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người Công Chính, nói đơn giản, là người tốt, ngay thẳng, trung tín. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân.

Thánh Giuse là một con người bình thường như mọi người, được Thiên Chúa giao phó thực hiện “những điều cao trọng” trong cuộc đời thường, như làm “cha nuôi của Chúa Giêsu”, làm “bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria”. Ngài đã thực hiện đúng như ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố. Thiên Chúa bảo ngài cưới Mẹ Maria, đưa Mẹ về nhà mình, đưa Mẹ Maria sắp sinh nở về nguyên quán Bêlem để khai lý lịch, đưa Mẹ và hài nhi Giêsu chạy trốn sang Aicập, sau đó đưa gia đình về Nazarét vùng Galilê, Thánh Giuse luôn xin vâng theo Ý Chúa.
Thánh Giuse mạnh dạn đối diện với các vấn đề, đương đầu với các khó khăn, mà không bao giờ trách móc Thiên Chúa hay quy tội cho người khác. Ngài là một con người “đầy tinh thần trách nhiệm”, một con người nhiều sáng kiến trong bất cứ công việc gì được trao phó. Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn. Từ Nazarét qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ngài đi là ngài đi, bảo ngài về là ngài về, bảo ngài làm thế nào là ngài làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Để luôn hướng về Ý Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi ngài. Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững. Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình. Vì thế, nơi Thánh Giuse, con đường sống đạo là con đường tin cậy khiêm cung và tuyệt đối vào Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác và nguyện cầu tha thiết.

Ngày nay, Thánh Giuse vẫn đồng hành với chúng ta và che chở chúng ta, như đã đồng hành và che chở Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Với kinh nghiệm của mình, ngài xứng đáng là thầy dạy đời sống nội tâm cho mỗi người chúng ta: dạy cho ta biết Chúa Giêsu, gần gũi với Chúa, chia sẻ cuộc đời của Chúa. Ngài giúp ta ý thức mình là người nhà của Chúa, là thành viên của Giáo hội, Gia đình của Thiên Chúa tại trần gian.

Anh em Gia trưởng thân mến,

Thánh Giuse là một bài học khiết tịnh cho anh em. Không cần chờ tới tuổi già mới sống đời thanh tịnh. Sự thanh khiết của đôi bạn Giuse và Maria là do tình yêu. Sức mạnh và sự vui tươi của tuổi trẻ không là ngăn trở cho một tình yêu cao thượng. Khi cưới Mẹ Maria về, Thánh Giuse có một “trái tim trẻ trung” trong một thân xác trẻ trung. Khi được thiên thần báo mộng cho biết mầu nhiệm “Đức Maria là Mẹ Chúa Trời”, người đã sẵn sàng đón nhận Mẹ Maria, đồng hành với Mẹ, chăm sóc Mẹ, mà vẫn tôn trọng sự trinh nguyên của Mẹ. Mẹ Maria trở thành một niềm vui, một hồng ân cho Thánh Giuse.

Anh em là người cha người chồng trong gia đình. Anh em đừng bao giờ coi mình là ông chủ đầy quyền lực trong gia đình, muốn làm gì thì làm. Anh em phải biết tuân theo ý Chúa, phải bình tĩnh, biết quảng đại, hy sinh trong mọi khó khăn của gia đình theo gương Thánh Giuse.

Đứng trước những bối rối, đối diện với nghịch cảnh, gặp những thử thách, Thánh Giuse luôn chia sẽ nổi lòng với Đức Mẹ, ngài trăn trở những âu lo của Đức Mẹ, ngài chỉ muốn tìm giải pháp ưu việt cho nhất cho gia đình. Anh em gia trưởng cần có lòng tôn kính Thánh Giuse, thường xuyên xin ngài cố vấn cho các hoàn cảnh khó xử của mình. Ngài đã kinh qua tất cả nên ngài hiểu rõ hơn ai hết những nổi niềm của người Gia trưởng. Thánh Cả như một địa chỉ cần thiết, thân quen, anh em cần lui tới chuyện trò với ngài.

Hôn nhân là tổ ấm. Gia đình là chiếc nôi. Con cái đón nhận đời sống thể chất và tinh thần. Mỗi đứa con đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Giáo dục để chúng lớn lên trong ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa. Nhiệm vụ giáo dục con cái thật thiêng liêng và cao cả. Thiên Chúa trao cho các Gia trưởng.

Thánh Giuse làm cha. Con của ngài vừa là con người vừa là Con Thiên Chúa -Đấng Cứu Độ. Con cái của anh em được làm con Thiên Chúa. Cho nên nhiệm vụ nuôi nấng dưỡng dục con cái là sứ vụ cao cả và là hồng ân quý giá Thiên Chúa ban cho anh em.

Anh em cần phải biết yêu thương và tôn trọng con cái mình. Hãy trở nên gương mẫu đạo đức thánh thiện cho con cái. Hãy tránh mọi thứ gương mù gương xấu. Từ lời nói đến thái độ sống xấu sẽ là đại họa cho con cái. Tuổi thơ các em đơn sơ như tờ giấy trắng, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của cha mẹ đều ghi đậm nét trên tờ giấy trắng tâm hồn và in dấu suốt cuộc đời các em. Bởi đó, trách nhiệm của người Gia trưởng đối với các em vô cùng quan trọng. Các em là thánh hay là quỷ tùy vào sự giáo dục và cách ăn nết ở của cha mẹ. Con cái là hoa trái của tình yêu và là niềm hy vọng của cha mẹ. Nguyện xin Thánh Giuse phù trợ cho anh em được trở nên những Gia trưởng thánh thiện, gương mẫu để đem hạnh phúc đến cho gia đình và cho cả xã hội tương lai.

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho anh em Gia trưởng soi. Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã biến Thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An
++++++++++++++++++++++++++++++++++++

6. Cầu Nguyện Với Thánh Giuse

Chúng ta chỉ biết một chút ít về Giuse khi các tác giả Tin Mừng thuật lại những biến cố xảy ra trước và sau khi Đức Giêsu giáng lâm. Ta biết về gốc gác của Giuse, về hôn ước giữa ông và Maria, về những trằn trọc trăm mối tơ vò để tìm ra giải pháp tối ưu cho chuyện vị hôn thê sắp cưới của mình có mang, rồi chuyện truyền tin trong giấc mơ và những chuyến hành trình lắm chông gai và mệt mỏi.     Qua những tình tiết nhỏ nhặt đó, ta thấy Giuse hẳn phải là một người có tinh thần trách nhiệm như thế nào. Giuse đã không hành xử theo cảm tính hay chỉ làm mọi chuyện cho qua. Đã có lúc Giuse phân vân không biết rời bỏ Maria hay tiếp tục cuộc hôn nhân này. Nhưng khi nhận được lệnh của Chúa là hãy rước Maria về, ông đã thực thi mệnh lệnh ấy như thể đó là sứ mạng của mình, như là chọn lựa của mình, không một lời oán than hay một đòi hỏi xin giải thích.

Khi Maria lâm bồn, hẳn là ông đã phải chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm chỗ cho tươm tất. Khi không tìm thấy một nơi ấm êm và đường hoàng, hẳn là ông cũng buồn phiền lo lắng biết bao cho sức khỏe của vợ và hài nhi vừa mới sinh.

Giữa đêm khuya giá lạnh, đang tựa đầu để mong nghỉ ngơi một chút thì đã phải vội vàng thức giấc để đưa vợ và con băng đường dài, trốn đi tị nạn ở nơi xa.

Khi được lệnh trở về, ông cũng nghe ngóng tình hình, để quyết định xem nên cư trú ở đâu để vợ con có thể được an toàn, không bị những ganh ghét của thế lực trần gian làm hại. Và khi đã tìm được chỗ tốt nhất, ông tiếp tục hành nghề thợ mộc để kiếm cơm nuôi sống gia đình.

Giuse đã hoàn toàn dành hết tâm huyết để chăm lo cho gia đình nhỏ bé, cùng với vợ giáo dưỡng Giêsu, cả thể chất lẫn tinh thần, với hết tất cả tình yêu và trách nhiệm của một người đàn ông cột trụ nơi tổ ấm.

Giêsu càng lớn lên, bình an và khỏe mạnh thì hình ảnh của Giuse cũng dần dần mờ nhạt đi. Đến một lúc, ta chẳng còn thấy Tin Mừng nhắc gì đến ông nữa. Ông qua đời khi nào, khi bao nhiêu tuổi… ta cũng chẳng hay biết. Giuse đã hoàn toàn để cho Chúa lớn lên, bằng cách để mình nhỏ bé đi. Những gì làm cho Chúa, ông kể như chẳng là gì to tát. Có chăng là trọn một niềm hạnh phúc vì cảm thấy vinh dự được Chúa cho cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài mà thôi.

Chỉ cần nghĩ đến chuyện Giuse đã hy sinh thế nào cho Thiên Chúa và cho gia đình nhỏ bé của mình, cũng đủ để chúng ta mường tượng được công trạng của ngài to lớn trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Vậy cớ gì ngài không hô hào lên tiếng cho người ta biết về những hy sinh của mình? Làm như thế cũng đáng chứ, cũng là điều hợp tình hợp ý mà bấy lâu nay chúng ta vẫn hay làm đấy thôi. Nhưng dường như đối với Giuse, được phục vụ Chúa là một niềm vinh hạnh, được hy sinh cho người khác điều ta nên làm. Nó hiển nhiên như ta hít thở, chứ chẳng phải là điều gì đó ghê gớm đến độ đáng được nêu danh. Chính cái tính cách khoan khai, khiêm nhường và lặng lẽ ấy của Giuse đã giúp cho thánh nhân sống trọn một đời mà không đau khổ dằn dặt chi, không hụt hẫng, nhưng lúc nào cũng bình an, hạnh phúc.

Giuse không cần chi người ta biết đến và ca tụng, có lẽ bởi vì Giuse đã có được phần thường cho chính mình rồi. Ông là một trong những người đầu tiên thấy được tận mắt, sờ được bằng tay hình hài của Con Thiên Chúa. Một quãng thời gian dài, ông có Chúa kề bên, được tập cho Chúa nói, được mớm cho Chúa ăn, được vui cười với Chúa. Rồi bỗng một ngày, niềm hạnh phúc như ngập tràn khóe mắt khi tai ông nghe chính Thiên Chúa gọi mình hai chữ “bố ơi” thật ngọt ngào và êm ái. Ông là ai mà được diễm phúc trở thành người được Con Thiên Chúa gọi là cha? Cả một huyền nhiệm cao vời đang hiển lộ trước mặt ông: một Thiên Chúa làm người mà ông đang ẵm bồng đây, đang gặp gỡ từng giây phút đây, được ôm lấy từng ngày đây. Có Giêsu rồi, ông đâu cần tìm kiếm điều gì nữa. Có nguồn hạnh phúc ở đây rồi, cần gì phải theo đuổi điều gì nữa.

Giuse có lẽ đã tạ thế trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Ông không được nghe những lời giáo huấn vàng ngọc của người con yêu của mình dành cho dân chúng. Nhưng biết đâu, khi căn dặn các môn đệ hãy biết phó thác mọi sự cho Chúa Cha, hãy vác thập giá hằng ngày, hãy sống sống khiêm nhường nhỏ bé, Đức Giêsu đã nghĩ đến vị dưỡng phụ yêu quý của mình. Giuse đã biến cuộc đời mình thành một lời nguyện ca tuyệt vời dâng lên Chúa.

Hôm nay, chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện với Thánh Giuse. Chúng ta hãy xin ngài chuyển cầu cùng Đức Giêsu, con ngài, cho chúng ta cũng biết sống khiêm nhu, âm thầm và lặng lẽ, suốt cuộc đời chỉ đi tìm một mình Chúa mà thôi, và dám can đảm để Chúa lớn lên, để mình nhỏ lại. Ước gì đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời Kitô hữu của chúng ta.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ