Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

«Yêu là cho đi tất cả» đã ở trong tay hàng trăm ngàn bạn trẻ

«Yêu là cho đi tất cả» đã ở trong tay hàng trăm ngàn bạn trẻ



cath.ch, Pierre Pistoletti, 2016-07-29
Phân phối «Yêu là cho đi tất cả» gần công viên Blonia, Krakow
Trong các ngày JMJ, 40 thiện nguyện viên đã được huy động để phân phối hơn 200’000 ấn bản của quyển sách “Yêu là cho đi tất cả”. Sau kinh nghiệm phi thường này, nhóm làm sách “được rũ sạch, nhưng hạnh phúc”.
“Những ngày này chúng tôi đã sống kinh nghiệm người gieo giống, xơ Anne-Véronique Rossi trong hội đồng xuất bản giải thích. Chúng tôi đã phân phối hàng ngàn ấn bản «Yêu là cho đi tất cả» ở công viên Blonia mênh mông. Chúng tôi cũng có mặt ở Đền thờ Lòng Thương xót Chúa». Bốn nhóm thiện nguyện được huy động để làm việc trong vòng bốn ngày từ 7h30 sáng đến 11 giờ khuya.
“Thần Khí hiện diện”
Tất cả không phải dễ để phân phối một triệu quyển như dự trù ở các ngày JMJ. Nhóm đã phải đối diện với vài trạng huống bất ngờ. “Tôi ở Krakow đã 8 ngày, xơ Anne-Véronique giải thích. Ngay từ đầu, ban tổ chức nói với chúng tôi họ không có chỗ để cất sách. Sau đó đến vấn đề phân phối. Trong tất cả các kinh nghiệm này, tôi giữ trong lòng kinh nghiệm Thần Khí hiện diện, xơ mỉm cười nói. Cứ cánh cửa này đóng thì cánh cửa kia mở. Như thế suốt cả tuần”.
Kết quả, nhóm đã phát tại chỗ 211’000 quyển. Các ấn bản tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Ukraina đều được phát. Chỉ còn tồn kho tiếng Ba Lan, Rumania, Đức và Nga. Tuần vừa qua, khoảng 650’000 ấn bản đã được giao đến các địa phận có đón nhận các bạn trẻ đi ngày JMJ.
Có bao nhiêu ơn gọi?
Cuộc phiêu lưu sẽ chấm dứt vào ngày 29 tháng 7 đối với nhóm thiện nguyện Thụy Sĩ. Họ sẽ không phát sách vào cuối tuần. Một hôm trước khi về Thụy Sĩ, các nhóm “được rủ sạch, nhưng hạnh phúc”. “Chúng tôi đã có những buổi gặp gỡ tuyệt vời. Tôi đặc biệt nghĩ đến các nữ tu người Syria, xơ Anne-Véronique cho biết. Họ đã trốn khỏi Liban và sẽ mang sách theo họ. Chúng tôi đã cũng đã gặp nhiều bạn trẻ và gia đình, với họ chúng tôi đã có những buổi trao đổi sâu đậm”.
Cuối cùng, sẽ có bao nhiêu ơn gọi qua việc phân phối này? “Tháng 9 năm ngoái, khi chúng tôi phân phối sách ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng đã nói: ‘Nếu phát 50 000 quyển sách mà có một ơn gọi thì cũng đã đủ.’ Quý vị biết đó, tôi nghĩ việc này không còn thuộc phần chúng tôi. Phần còn lại, là niềm vui đã tham dự vào một cuộc phiên lưu vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi”.
“Yêu là cho đi tất cả”
“Yêu là cho đi tất cả” là cả một phép lạ nhỏ của nhà in. Quyển sách đầu tiên hết chỉ là một tuyển tập về đời sống thánh hiến của các tu sĩ ở Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp, nhưng sau đó đã trở thành một dự án toàn cầu. Theo lời yêu cầu  riêng của Đức Phanxicô, tập sách nhỏ các chứng tá chỉ dày 224 trang đã trở thành phương tiện hiệp thông quan trọng nhất của Năm Thánh Hiến 2015. Hai triệu rưỡi ấn bản đã được in ở nhà in – trong đó 2 triệu quyển đã được in ở nhà in Saint-Paul ở Fribourg trong 16 thứ tiếng khác nhau.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Bánh mì lòng thương xót

Bánh mì lòng thương xót



zenit.org, Anita Bourdin, 2016-06-18
Bánh mỳ lòng thương xót
Một tuần bánh mì nóng: Đức Phanxicô cám ơn các tiệm bánh. Tuần này các tiệm bánh cung cấp 500 kí bánh nóng phát miễn phí mỗi ngày cho khách hành hương Năm Thánh.
Đức Phanxicô đã chào họ bằng tiếng Ý trong buổi tiếp kiến đặc biệt Năm Thánh của thứ bảy 18 tháng 6-2016.
«Tôi rất vui được tiếp đón các người làm bánh của hiệp hội Confesercenti, tôi cám ơn các tiệm bánh đã phân phối bánh cho khách hành hương đi Năm Thánh tuần này. Cám ơn, cám ơn… Trao bánh, bẻ bánh, đó là một trong những việc đẹp nhất đời. Cám ơn.»
Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, hiệp hội các người làm bánh mì và bánh ngọt Fiesa Assopanificatori đã có sáng kiến gọi là «Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày», để phân phối bánh nóng miễn phí cho khách hành hương Rôma tuần này. Một thông báo của hiệp hội ghi như sau: «Làng bánh» đã được thiết lập từ ngày 14 tháng 6, bắt đầu từ đường Conciliazione, quảng trường Thánh Gioan XXIII, nơi khởi đầu hành hương đi Cửa Thánh ở Đền thờ thánh Phêrô.
Hiệp hội Fiesa cho biết, hơn 50 tiệm bánh của những vùng khác nhau ở Ý – Émilie-Romagne, Marches, Abruzzes, Molise, Pouilles, Basilicate, Calabre – đã phân phối 500 kí bánh mỗi ngày.
Sáng kiến của các người làm bánh được Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cổ động tân phúc âm hóa, người phụ trách Năm Thánh  và ông Giuseppe Romanini, thành viên Ủy ban nông lâm Ý đưa ra và được thực hiện vào ngày thứ bảy 18 tháng 6, ngày tiếp kiến chung đặc biệt của Năm Thánh.
Radio Vatican cho biết, một phái đoàn đã tặng Đức Phanxicô một phiên bản tranh Đức Bà Crivelli. Các khách hành hương đã tự động tặng hiệp hội: số tiền tặng sẽ được dùng để xây một ngôi trường nông lâm ở Burkina Faso, một trong các công việc của lòng thương xót mà Đức Phanxicô muốn có cho Năm Thánh.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Tưòng thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC bên Ba Lan

Tưòng thut ngày ch ba chuyến công du ca ĐTC bên Ba Lan

ĐTC khích lệ các bạn trẻ trở thành những ngưởi gieo vãi niềm hy vọng 

Thứ sáu 29 tháng 7 hôm qua là ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Ba Lan nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 tại Cracovia. ĐTC đã có bốn sinh hoạt chính: viếng thăm hai trại tập trung đức quốc xã  là Auschwitz và Birkenau, nhà thương nhi đồng Prokocim, và vào ban chiều chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ tại bãi đất trống “Blonia (đọc là Buonie). Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

Lúc 7 giờ sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện toà Tổng Giám Mục Cracovia. Sau đó vào lúc 8 giờ 15 ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.

Đón tiếp ĐTC có ĐC Roman Pindel, GM Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.

Oswiecim là một trong những thành phố lâu đài cổ xưa nhất Ba Lan, nằm gần sông Sola, có gốc gác hồi thế kỷ XII, và có biểu tượng là lâu đài trên đồi, ngày này là một viện bảo tàng. Lịch sử của thành phố này bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến. Tại đây quân đức quốc xã đã xây dựng trại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại: đó là trại tập trung Auschwwitz Birkenau, nơi có hơn một triệu một trăm ngàn người bị giết trong các năm 1940-1945. Ngày nay thành phố có hơn 40 ngàn dân cư, là trung tâm của nhiều sáng kiến hoà bình và nơi gặp gỡ của con người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau. Năm 1998 Liên Hiệp Quốc đã tặng nó tước hiệu “Sứ giả hoà bình”. Giáo phận Bielsko-Zywiec là một trong bốn giáo phận thuộc tổng giáo phận  Cracovia, có hơn 800 ngàn dân cư, 90% theo Công Giáo và 80 ngàn theo các tôn giáo khác. Giáo phận gồm 210 giáo xứ với 525 linh mục triều, 121 linh muc dòng, 136 tu huynh, 450 nữ tu và 69 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 32 học viện giáo dục và 11 trung tâm bác ái.

Lúc 9 giờ 20 phút ĐTC đi xe đến viện bảo tàng Auschwwitz cách đó 700 mét.

** Ngược dòng lịch sử ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939 quân đức quốc xã xâm lăng Ba Lan và đổi tên Oswiecim thành Auschwitz, và thành lập trại tâp trung gần thành phố. Mười bẩy ngày sau hồng quân Liên Xô tiến chiếm nửa còn lại của Ba Lan. Trại tập trung hoạt động từ ngày 14 tháng 6 năm 1940 đến ngày 27 tháng giêng năm 1945 và gồm ba phần: Auschwwitz I có các dẫy nhà bằng gỗ cũ kỹ, Birkenau hay Auschwwitz II và khoảng 40 trại phụ thuộc gần các nhà máy và các nông trại của Đức. Trong thời gian đầu quân đức quốc xã tàn sát 150.000 tù nhân chính trị gồm các thành phần ưu tú của xã hội Ba Lan. Với thời gian họ cũng bắt đầu gửi vào trại các tù nhân thuộc các nước khác  và từ mùa xuân năm 1942 quân đức quốc xã bắt đầu tàn sát hàng loạt người Do thái. Chính tại đây đã có hơn 1 triệu người Do thái bị giết, 23 ngàn người Rom, 15 ngàn tù nhân chiến tranh liên xô và hàng ngàn người thuộc các quốc tịch khác. Trong số các vị tử đạo tại Auschwitz có cha Massimiliano Maria Kolbe và thánh nữ Teresa Benedetta Thánh Giá Edith Stein, gốc do thái.

Ngày giải phóng trại tập trung Suschwitz 27 tháng giêng được Liên Hiệp  Quốc tuyên bố là Ngày Quốc Tế tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng. Ngày 27 tháng 7 năm 1947 chính quyền Ba Lan quyết định duy trì khu vực của trại tập trung và thành lập viện bảo tàng quốc gia Auschwwitz-Birkenau trên một vùng rộng 191 mẫu. Năm 1979 Liên Hiệp Quốc đưa nó vào trong danh sách của “Gia tài nhân loại”. Cho đến nay đã có hơn 30 triệu người viếng thăm viện bảo tàng này. Năm 2000 chính quyền Ba Lan đã cho thành lập Uỷ ban quốc tế gồm 22 thành viên thuộc nhiều nước khác nhau để bảo trợ các hoạt động kỷ niệm của khu vực này.
Vài tháng sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, có một nhóm cựu tù binh người Ba Lan bắt đầu phát động việc tưởng niệm các nạn nhân của trại tập trung Auschwitz. Vài người đến khu vực này thành lập một Hội đồng thường trực của trại tập trung Auschwitz và cung cấp sự trợ giúp cho hàng ngàn người hành hương kéo nhau đến đây để tìm dấu vết của các thân nhân, bạn bè bị sát hại, cầu nguyện và tưởng niệm những người đã bị giết tại các nơi này. Viện bảo tàng Auschwitz Birkenau bao gồm các khu vực của trại tập trung Auschwitz I tại Oswiecim và trại tập trung Birkenau Auschwitz II ở Brzezinka và tất cả những nơi khác bao gồm các dụng cụ tàn sát hàng loạt người Do thái và hơn 150 loại cơ cấu gồm các dinh thự và các nhà gỗ  cho tù nhân, nhà tiêu, dinh thự cho các nhân viên hành chánh và người chỉ huy trại tập trung, các nhà cho mật vụ đức quốc xã, bàn giấy ghi danh các tù nhân mới tới, các tháp canh, cổng trại tập trung, vài cây số hàng rào kẽm gai, các con đường bên trong trại và đường rầy xe lửa. Viện bảo tàng cũng bao gồm những hố chôn tập thể vài trăm tù nhân bị giết trước khi hồng quân liên xô vào trại tập trung, hay chết sau khi trại được giải phóng. Nghĩa là tất cả những chứng tích và các vật dụng tội phạm của Đức Quốc Xã, tiếp tục nghiên một cách khoa học các dấu tích ấy để trình bầy cho công chúng  kết qủa các nghiên cứu này. Nhưng trước hết trại tập trung Auschwitz Birkenau là một nghĩa trang  và một nơi tưởng niệm, một đài tưởng niệm, một trung tâm giáo dục và tìm hiểu tình trạng của những người đã bị sát hại tại đây. Từ khi được thành lập đã có hơn 30 triệu người thuộc hơn 100 quốc gia đến viếng thăm viện bảo tàng. Nơi tưởng niệm cũng bao gồm các sưu tầm lịch sử, văn khố và bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm nghệ thuật dành cho Auschwitz.

** ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm Auschwitz trong chuyến công du Ba Lan lần đầu tiên ngày mùng 7 tháng 6 năm 1979 và đã cầu nguyện trong căn phòng để đói, nơi thánh Massimiliano Maria Kolbe đã chết. Trong bài giảng thánh lễ cử hành bên ngoài trại tập trung hồi đó Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi không thể không đến đây như Giáo Hoàng…Tôi đến một lần nữa để nhìn vào mắt lý do của con người, cùng với anh chị em, một cách độc lập với niềm tin của anh chị em. Đặc biệt tôi cùng anh chị em, hỡi những người thân mến tham dự vào cuộc  gặp gỡ này, dừng lại trước tấm bia khắc tiếng Do thái. Bản khắc này gợi lên ký ức của dân tộc mà con cái bị chỉ định cho sự tiêu diệt hoàn toàn. Trước tấm bia này không ai được phép đi qua với sự thờ ơ. Auschwitz là một tính sổ với lương tâm nhân loại qua các bia khắc làm chứng cho các nạn nhân của các dân tộc, mà người ta không chỉ viếng thăm, mà cũng cần suy nghĩ với sự sợ hãi; suy nghĩ tới điều này là một trong các ranh giới của thù hận. Auschwitz là một chứng tá của chiến tranh. Chiến tranh đem theo mình một gia tăng không cân xứng của thù hận, huỷ hoại và tàn ác”.

Ngày 28 tháng 5 năm 2006 ĐTC Biển Đức XVI cũng đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau vào cuối chuyến tông du Ba Lan. Phát biểu trong dịp này ngài nói: “Lên tiếng tại nơi của sự kinh hoàng, của tội phạm chồng chất chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, chưa từng thấy trong lịch sử, hầu như là điều không thể làm được. Và nó đặc biệt khó khăn và đè nén đối với một kitô hữu, một Giáo Hoàng đến từ nước Đức. Trong một nơi như nơi này các lời nói giảm đi, nói cho cùng chỉ còn có một sự thinh lặng kinh hoàng – một sự thinh lặng là một tiếng kêu nội tâm lên Thiên Chúa: Lậy Chúa, tại sao Ngài lại thinh lặng? Tại sao Ngài lại đã có thể khoan nhượng với tất cả điều này? Chính trong thái độ thinh lặng này mà chúng ta cúi đầu sâu thẳm trong thầm kín trước hàng hàng lớp lớp những người đã khổ đau và bị giết: tuy nhiên, sự thinh lặng này sau đó lớn tiếng trở thành lời xin tha lỗi, hòa giải, một tiếng kêu lên Thiên Chúa hằng sống xin đừng bao giờ cho phép một điều như vậy xảy ra nữa. Đức Gioan Phaolô II đã đến đây như là người con của dân tộc bên cạnh dân tộc Do thái đã phải khổ đau hơn tại nơi này, nói chung, trong thời chiến tranh… Hôm nay tôi đến đây như người con của dân tộc Đức, và chính vì thế tôi phải và có thể nói như ngài: Tôi đã không thể không tới. Tôi đã phải tới. Nó đã và đang là một bổn phận trước sự thật và quyền lợi của những người đã khổ đau, một bổn phận trước mặt Thiên Chúa”.

** Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi. Xe chở ĐTC đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động khiến tự do”. ĐTC đã được ông giám đốc Viện bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ  chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến sân Gọi, tên là sân nhỏ nơi mật vụ đức quốc treo cổ các tù nhân, ĐTC đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình. Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp ĐTC trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. ĐTC đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho  trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân đức quốc xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong hai năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua trại tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, ĐTC vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân đức quốc xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18.  ĐTC được cha Bề trên tổng quyền và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11 ĐTC đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lậy Chúa xin thuơng xót dân Ngài, Lậy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”. Tiếp đến ĐTC đi xe sang thăm trại tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại  tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân đức quốc xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau quân đức quốc xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân. Có khoảng 300 dẫy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944 số tù nhân tại Birkenau lên tới 100.000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời đệ nhị thế chiến đã có 1.000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do thái. Các nữ tu đã cho người Do thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939 số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18.000. Hàng giáo sĩ bị quân đức quốc xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4.000 vị và 6 Giám Mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2.800 vị đã chết.

** Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1.000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ ĐTC. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân đức quốc xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945”.

Sau khi đi bộ qua cổng chính, ĐTC đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi do thái hát thánh vịnh 130, sau đó ĐTC đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.

Sau khi thăm đài tưởng niệm ĐTC đã tặng tràng hạt mân côi  cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu. Tiếp đến ngài đi xe tới sân trực thăng bay  về Balice cách đó 45 cây số, rồi về toà tổng giám mục Cracovia để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi đi thăm nhà thương nhi đồng Prokocim vào ban chiều.

** Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ  Dehoniani điều khiển, hàng năm chữa trị cho khoảng 30.000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200.000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống bên Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua nhà thương đã chữa trị cho 900.000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.

Đức Gioan Phaolô II  cũng đã thăm nhà thương ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. Hàng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.

 Lúc 4 giời rưỡi chiều ĐTC đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.

Đáp lời chào của bà thủ tướng ĐTC nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:

Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc. Và cầu nguyện.

Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các kitô hữu tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hóa “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.
Tiếp tục bài phát biểu ĐTC nói:

Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hóa tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.

Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.
Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

ĐTC đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: thánh Phêrô và các tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bầy theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.

ĐTC đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của nhà thương đại học. Tiếp đó ngài lên nhà nguyện và được linh mục tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.

Lúc 17 giờ 30  ĐTC đi xe đến cánh đồng Blonia cách đó 10 cây số để chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ.
Ba giờ trước khi ĐTC tới, hơn 1 triệu bạn trẻ đã tham dự chương trình gặp gỡ gồm các màn trình diễn nhạc cảnh, chiếu phim, chia sẻ các chứng từ, cầu nguyện và hát thánh ca. Các bạn trẻ được xem các phim video nối liền với các cử hành tại nhiều nơi khác liên quan tới lòng thương xót trong thành phố Cracovia.

** Buổi đi đàng Thánh Giá được cử hành bằng 5 thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Ở mỗi chặng, thánh giá được các bạn trẻ thuộc 14 hiệp hội và phong trào khác nhau vác theo thứ tự gồm: chặng thứ I cộng đồng thánh Egidio; chặng thứ II Hiệp hội trợ giúp các người vô gia cư thánh Alberto Chmielowski; chặng thứ III Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ; chặng thứ IV Nhà bà mẹ cô đơn “Cửa sổ của sự sống”; chặng thứ V Cộng đoàn Con tầu; chặng thứ VI Hiệp hội trợ giúp nhau “Con tầu” tái hội nhập các tù nhân, trợ giúp người thất nghiệp và vô gia cư; chặng thứ VII Chương trình “Madalena” của các nữ tu dòng Đức Bà Thương Xót, tức dòng của thánh nữ Faustina Kowalska, gồm nhà tiếp đón các bà mẹ trẻ và các bà mẹ cô đơn; chặng thứ VIII “Trạm ngừng Giêsu” là phong trào rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ sống xa Chúa; chặng thứ IX Cộng đoàn “Nhà Tiệc Ly” chuyên giúp tái hội nhập các người nghiện ma tuý; chặng thứ X Hiêp hội trợ giúp của cha thánh Pio giúp đỡ vật chất, tâm lý, tinh thần và tư pháp với hai trung tâm và 7 nhà tại Cracovia; chặng thứ XI các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta; chặng thứ XII Cộng đoàn “Bánh sự sống” chuyên trợ giứp trẻ em, người nghèo và người tàn tật cũng như cấp học bổng cho trẻ em nghèo với 7 nhà cho người già và vô gia cư gồm 1000 người; chặng thứ XIII “Nhà thương tại gia” là phong trào chống tệ nạn mại dâm và các hình thức phổ biến cuộc sống tính dục tháo thứ trong xã hội; chặng thứ XIV “Nhà thánh Ladarô” trợ giúp các bệnh nhân nan y cuối đời.

Mỗi chặng đều có hoạt cảnh minh họa, một đoạn Phúc Âm, và phần suy niệm quy chiếu cuộc sống ngày nay.

Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC trích lại lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." 

Các lời này của Chúa Giêsu gặp gỡ câu hỏi nhiều lần vang lên trong con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?. Thiên Chúa ở đâu, nếu trong thế giới có sự dữ, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, các người di cư tỵ nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi các người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi bệnh tật không thương xót bẻ gẫy các mối dây của sự sống và yêu thương? Hay khi các trẻ em  bị khai thác bóc lột, bị hạ nhục và khổ đau vì các bệnh tật? Thiên Chúa ở đâu trước nỗi âu lo của những người nghi ngờ và các thống khổ của tâm hồn? Có các vấn nạn mà con người không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là đây: “Thiên Chúa ở trong họ” Chúa Giêsu ở trong họ, tự đồng hoá một cách sâu xa với từng người. Ngài kết hiệp với họ như thể làm thành “một thân thể duy nhất” với họ.

** Chính Chúa Giêsu dã lựa chọn tự đồng hóa với các anh chị em này, bị thử thách bởi khổ đau và âu lo, bằng cách chấp nhận bước đi trên con đường khổ nạn tiến lên núi sọ. Khi chết trên thập giá, Ngài phó thác mình trong tay của Thiên Chúa Cha, và vác lên mình và trong mình với tình yêu thương trao ban, các vết thương thể lý, luân lý và tinh thần của toàn nhân loại. Khi ôm lấy gỗ của thập giá, Chúa Giêsu ôm lấy sự trần trụi, đói khát và cô đơn, khổ đau và cái chết của con người thuộc mọi thời đại. Chiều hôm nay, Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với Ngài, ôm lấy với tình yêu đặc biệt các anh chị em Siri, trốn chạy chiến tranh. Chúng ta chào đón họ và tiếp nhận họ với tình yêu thương huynh đệ và thiện cảm.

Khi bước đi trở lại Con đường Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng của việc tự đồng hóa với Ngài, qua 14 việc làm của lòng thương xót. Chúng giúp chúng ta rộng mở cho lòng xót thương của Thiên Chúa, xin ơn hiểu rằng không có lòng thương xót con người không thể làm được gì, không có lòng thương xót bạn, tôi, chúng ta tất cả không thể làm được gì hết. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào 7 công việc thương xót thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần trụi áo quần để mặc, cho khách hành hương đỗ nhà, thăm viếng kẻ yếu đau, người tù tội, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được một cách nhưng không, chúng ta hãy cho đi một cách nhưng không. Chúng ta được mời gọi phục vụ Chúa Giêsu bị đóng đinh trong mọi người  bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sờ mó thịt xác của Ngài được chúc phúc nơi người bị loại trừ, đói khát, trần truồng, bị tù đầy, đau yếu, thất nghiệp, bị bách hại, di cư tỵ nạn. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên  Chúa của chúng ta, chúng ta đụng chạm tới Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này, khi giải thích đâu sẽ là cung cách dựa trên đó chúng ta sẽ bị phán xử: mỗi lần chúng ta đã làm điều này cho các anh em bé nhỏ nhất của Ngài là chúng ta đã làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46).

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Thêm vào các việc thương xót phần xác là các việc thương xót tinh thần: cố vấn cho người nghi hoặc, dậy dỗ kẻ dốt nát, cảnh cáo người tội lỗi, an ủi kẻ ưu phiền, tha thứ các xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng các người sách nhiễu, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Tính cách đáng tin cậy của chúng ta như là kitô hữu là ở nơi việc tiếp đón người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội bị thương tích trên thân xác, và ở nơi việc tiếp đón kẻ có tội bị thương tích trong tâm hồn.

** Ngày nay nhân loại cần đến những người nam nữ, và một cách đặc biệt người trẻ như các bạn, những người không muốn sống cuộc đời mình “một nửa”, những người trẻ sẵn sàng tiêu hao cuộc đời trong việc phục vụ các anh chị em nghèo túng và yếu đuối nhất, noi gương Chúa Kitô , là Đấng đã trao ban tất cả chính mình cho sự cứu rỗi của chúng ta. Truớc sự dữ , khổ đau và tội lỗi, câu trả lời duy nhất có thể có đối với người môn đệ Chúa Giêsu là trao ban chính mình, cả cuộc sống, theo gương Chúa Kitô; đó là thái độ phục vụ. Nếu một người nói mình là kitô hữu – mà không sống để phục vụ, thì không ích lợi để sống. Với cuộc sống của mình họ khước từ Chúa Giêsu.

Các bạn trẻ thân mến, chiều nay Chúa canh tân lời mời gọi các bạn trở thành các tác nhân trong việc phục vụ; Ngài muốn làm cho các bạn trở thành một câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu và các khổ đau của nhân loại; Ngài muốn rằng các bạn là một dấu chỉ tình yêu thương xót của Ngài cho thời đại chúng ta! Để chu toàn sứ mệnh này Ngài chỉ cho các bạn con đường dấn thân cá nhân và hy sinh chính mình: đó là Con đường thập giá. Con đường thập giá là con đường của hạnh phúc theo Chúa Kitô cho tới cùng, trong các hoàn cảnh thường khi thê thảm của cuộc sống thường ngày; đó là con đường không sợ hãi các thất bại, các gạt bỏ ngoài lề, hay các cô đơn, bởi vì nó làm tràn đầy trái tim con người với sự tràn đầy của Chúa Giêsu. Con đường thập giá là con đường  của cuộc sống và kiểu của Thiên  Chúa, mà Chúa Giêsu đã đi, cả qua các lối đi của một xã hội đôi khi chia rẽ, bất công và thối nát.

Con đường thập giá là con đường duy nhất đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, bởi vì nó đổ vào ánh sáng rạng ngời của sự sống lại, bằng cách mở ra các chân trời của cuộc sống mới tràn đầy. Đó là Con đường của niềm hy vọng và của tương lai. Ai buớc đi trên nó với lòng quảng đại và niềm tin, thì trao ban hy gọng và tương lại cho nhân loại. Tôi muốn các bạn trở thành những người gieo vãi hy vọng.

Các ban trẻ thân mến, trong Ngày Thứ Sáu ấy nhiều môn đệ đã buồn bã trở về nhà họ, những người khác thì thích về căn nhà ở đồng quê để quên đi thập giá. Tôi xin hỏi các bạn: chiều nay các bạn muốn trở về nhà mình, về chỗ mình trọ như thế nào? Chiều nay các bạn muốn trở về để gặp gỡ chính mình như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời trong tim cho thách đố của câu hỏi này.”

Sau khi ban phép lành toà thánh cho các bạn trẻ ĐTC lên xe trở về toà Tổng Giám Mục cách đó 2 cây số, để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan.

Thứ bẩy hôm nay ĐTC sẽ kính viếng đền thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki, ban bí tích Hoà giải cho vài bạn trẻ, rổi cử hành thánh lễ với các linih mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh gần đền thánh Gioan Phaolô II. Vào ban chiều ngài sẽ cũng 5 bạn trẻ bước qua Cửa Thánh và chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với thánh Gioan Phaolô II tại “Cánh đồng thương xót” bên ngoài thành phố Cracovia. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi lễ chào đón ngài tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi lễ chào đón ngài tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
J.B. Đặng Minh An dịch7/28/2016


Chào các bạn, chúc một buổi chiều tốt lành!

Cuối cùng chúng ta cũng ở bên nhau! Cảm ơn các con đã chào đón nồng nhiệt cha! Cha cám ơn Đức Hồng Y Dziwisz, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và những người đã đi cùng chúng con. Cha cũng biết ơn tất cả những người đã giúp tổ chức cuộc họp ngày hôm nay của chúng ta ở đây, những người đã “đi những thêm nhiều dặm đường” để chúng ta có thể cử hành niềm tin của mình.

Trong miền đất này, nơi sinh quán của ngài, cha đặc biệt muốn cảm ơn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về những cuộc gặp gỡ này và tạo ra những đông lực cho những cuộc gặp gỡ như thế. Từ trên thiên đàng, ngài đang hiện diện với chúng ta và ngài nhìn thấy tất cả các bạn: rất nhiều người trẻ tuổi từ một loạt các quốc gia, các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau nhưng với cùng một mục tiêu, đó là vui mừng vì Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta. Nói rằng Chúa Giêsu đang sống động có nghĩa là nhen nhóm trở lại nhiệt tình của chúng ta muốn được theo Ngài, và canh tân mong muốn mãnh liệt của chúng ta muốn trở thành môn đệ của Ngài. Còn cơ hội nào tốt hơn để canh tân tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu cho bằng việc xây dựng tình bạn giữa các con với nhau! Còn cách nào tốt hơn để xây dựng tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu hơn là chia sẻ tình bạn ấy với người khác! Còn cách nào tốt hơn để trải nghiệm những niềm vui lan tỏa của Tin Mừng cho bằng làm mọi cách để đem Tin Mừng đến cho tất cả những tình huống thương đau và khó khăn!

Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới Thứ Ba Mươi Mốt này. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Phúc thay ai có lòng xót thương, vì người ấy sẽ được thương xót (Mt 5: 7). Thực là phúc cho những ai có thể tha thứ, có thể thông cảm chân thành, và có thể trao ban những gì là tốt nhất của mình cho người khác.

Các bạn trẻ thân mến, trong những ngày này Ba Lan sống trong một bầu khí lễ hội; Ba Lan trong những ngày này muốn trở thành gương mặt luôn trẻ trung của lòng thương xót. Từ vùng đất này, cùng với các bạn và tất cả những người trẻ, kể cả những người không thể có mặt ngày nay nhưng tham gia với chúng ta qua các phương tiện truyền thông khác nhau, chúng ta sẽ làm cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới trở thành một Lễ Hội đích thực.

Trong những năm làm giám mục, cha đã học được một điều. Không có gì đẹp hơn là được nhìn thấy nhiệt tình, tâm huyết, lòng nhiệt thành và năng lượng của nhiều người trẻ trong cuộc sống của họ. Khi Chúa Giêsu chạm đến trái tim của một người trẻ, người ấy trở nên có khả năng tạo ra những điều thực sự tuyệt vời. Thật là thú vị để lắng nghe các con chia sẻ những ước mơ của mình, những băn khoăn và sự thiếu kiên nhẫn của chúng con với những người nói rằng đó là những điều không thể thay đổi. Đối với cha, thật là một ân sủng của Thiên Chúa khi được nhìn thấy đông đảo các con, với tất cả các câu hỏi, và những cố gắng để tạo ra một sự khác biệt. Thật là đẹp và ấm áp được thấy tất cả những bồn chồn! Hôm nay Giáo Hội nhìn đến chúng con và muốn học hỏi từ các con, để được yên tâm rằng Lòng Thương Xót của Chúa Cha luôn có một khuôn mặt luôn tươi trẻ, và không ngừng mời gọi chúng ta là một phần trong vương quốc của Ngài.

Cha biết các con có lòng nhiệt thành truyền giáo, vì thế cha lặp lại: lòng thương xót luôn có một khuôn mặt trẻ trung! Bởi vì một trái tim nhân hậu luôn được thúc đẩy để tiến ra ngoài vùng thoải mái của nó. Một trái tim nhân hậu có thể đi ra ngoài và gặp gỡ những người khác; nó đã sẵn sàng để đón nhận tất cả mọi người. Một trái tim nhân hậu có thể là một nơi ẩn náu cho những ai vô gia cư hoặc đã bị mất đi mái nhà của mình; nó có thể xây dựng một ngôi nhà và một gia đình cho những người bị buộc phải di cư; nó biết thế nào là dịu dàng và từ bi. Một trái tim nhân hậu có thể chia sẻ cơm bánh của mình với những người tị nạn và người di cư đang đói khát và chào đón họ. Nói chữ “thương xót” cùng với trọn con người các con là nói về những cơ hội, về tương lai, sự dấn thân, tin tưởng, cởi mở, hiếu khách, lòng từ bi và những giấc mơ.

Hãy để cha nói với các con một điều cha đã học được trong những năm này. Cha thật đau khổ khi gặp gỡ những người trẻ, những người dường như đã chọn việc “nghỉ hưu sớm”. Cha lo lắng khi nhìn thấy những người trẻ, những người đã chịu thua cả trước khi trận đấu bắt đầu, những người đang bị đánh bại ngay cả trước khi họ bắt đầu chơi, những người đi lòng vòng rầu rĩ như thể cuộc sống không có ý nghĩa. Từ sâu thẳm, những người trẻ tuổi như thế đang chán ... và nhàm chán! Nhưng cũng thật là khó khăn, và buồn phiền, khi chứng kiến những người trẻ tuổi lãng phí cuộc sống của họ trong việc tìm kiếm những cảm giác mạnh hoặc săn tìm cái cảm giác cho rằng mình đang rất là sống động bằng cách lần theo những nẻo đường đen tối và cuối cùng phải trả giá cho điều đó ... và phải trả giá đắt. Thật là buồn khi chứng kiến những người trẻ lãng phí những năm tháng đẹp nhất trong đời, lãng phí năng lượng của họ khi chạy theo những kẻ rao bán các ảo tưởng ngây thơ (ở quê cha, người ta gọi những con người ấy là “các nhà buôn khói”), là những người cướp đi từ các con những gì là tốt nhất.

Chúng ta đang tập hợp nơi đây để giúp đỡ lẫn nhau, bởi vì chúng ta không muốn bị cướp đi những gì là tốt nhất của mình. Chúng ta không muốn bị cướp đi năng lượng, niềm vui, những giấc mơ của chúng ta cho những ảo tưởng ngây thơ.

Vì vậy, cha hỏi các con: Các con đang tìm kiếm những xúc cảm trống rỗng trong cuộc sống mình, hay các con muốn cảm nhận được một sức mạnh có thể mang đến cho các con một cảm giác lâu dài của sự viên mãn trong cuộc sống? Các con đang tìm kiếm những xúc động trống rỗng, hoặc sức mạnh của ân sủng? Để tìm sự viên mãn, để đạt được sức mạnh mới, có một cách. Đó không phải là một thứ gì hay một vật gì, nhưng là một người, một người đang sống. Tên của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu có thể mang đến cho các con một niềm đam mê đích thực cho cuộc sống. Chúa Giêsu có thể truyền cảm hứng cho chúng ta không chấp nhận những gì là kém thua, nhưng những gì là tốt nhất. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta, thúc đẩy chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục cố gắng bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ từ bỏ. Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta nhìn lên và mơ ước những điều tuyệt vời.

Trong Phúc Âm, chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu, trên đường lên Giêrusalem, đã dừng lại ở một ngôi nhà – ngôi nhà của Martha, Maria và Lazarô – và Người được họ chào đón. Ngài dừng lại, đi vào và dành thời gian cho họ. Hai người phụ nữ chào đón Ngài bởi vì họ biết Ngài là người cởi mở và chu đáo. Bận rộn với nhiều công việc và trách nhiệm khiến chúng ta có một chút như Martha: bận rộn, phân tán, không ngừng chạy từ nơi này đến nơi khác ... nhưng chúng ta cũng có thể giống như Maria: bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy một cảnh quan đẹp, hoặc nhìn vào một video từ một người bạn trên điện thoại di động của chúng ta, chúng ta có thể dừng lại và suy nghĩ, dừng lại và lắng nghe ... Trong những ngày này, Chúa Giêsu muốn dừng lại và vào nhà của chúng ta. Ngài sẽ nhìn thấy chúng ta vội vã tất bật với tất cả các mối quan tâm của chúng ta, như Chúa đã thấy nơi Martha ... và Ngài sẽ chờ đợi chúng ta lắng nghe Ngài, như Maria đã tạo không gian cho Ngài trong bối cảnh của những nhộn nhịp. Cầu xin ngày này có thể được phó thác cho Chúa Giêsu và cho việc lắng nghe nhau. Xin cho những ngày này có thể giúp chúng ta đón nhận Chúa Giêsu nơi tất cả những ai chúng ta chia sẻ cùng một ngôi nhà, trong các khu dân cư, trong các nhóm và trường học của chúng ta.

Bất cứ ai chào đón Chúa Giêsu, đều học cách yêu thương như Người. Vì thế, Ngài hỏi chúng ta xem liệu chúng ta có ao ước một cuộc sống tròn đầy không? Các con có muốn có một cuộc sống viên mãn không? Hãy bắt đầu bằng cách để cho mình được cởi mở và chu đáo! Bởi vì hạnh phúc được gieo và nở hoa nơi lòng thương xót. Đó là câu trả lời của Ngài, là đề nghị và là thách thức của Ngài, cuộc phiêu lưu của Ngài là lòng thương xót. Lòng Thương Xót luôn có một khuôn mặt trẻ trung. Giống như của Maria làng Bêtania, người ngồi như một môn đệ bên chân Chúa Giêsu và vui vẻ lắng nghe lời Ngài, vì cô biết rằng ở đó cô sẽ tìm được bình an. Cũng giống như Đức Maria thành Nazareth, với lời xin vâng táo bạo đã bước vào một cuộc phiêu lưu của lòng thương xót. Tất cả các thế hệ sẽ gọi Mẹ là có phước; với tất cả chúng ta Mẹ là “Mẹ của Lòng Thương Xót”.

Cùng nhau, chúng ta sẽ xin Chúa: “Xin khởi động nơi chúng con một cuộc phiêu lưu của lòng thương xót! Xin khởi động nơi chúng con cuộc phiêu lưu trong việc xây dựng những chiếc cầu và xô đổ những bức tường, những hàng rào và dây thép gai. Xin khởi động nơi chúng con cuộc phiêu lưu giúp đỡ người nghèo. Những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, hoặc không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Xin hãy cho chúng con biết lắng nghe, như Maria làng Bêtania, những người chúng con không hiểu, những nền văn hóa và các dân tộc khác, cho dù chúng con sợ hãi hay coi như một mối đe dọa. Xin hãy cho chúng con biết lắng nghe những người cao niên, như Đức Maria thành Nazareth đã lắng nghe bà Elizabeth, để học hỏi từ sự khôn ngoan của họ.

Lạy Chúa, này chúng con đây. Xin hãy sai chúng con đi chia sẻ tình yêu thương xót của Chúa. Chúng con muốn chào đón Chúa ở giữa chúng con trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Chúng con muốn khẳng định rằng cuộc sống của chúng con được viên mãn khi được hình thành bởi lòng thương xót, vì đó là phần tốt hơn, và sẽ không bao giờ bị lấy đi khỏi chúng con.


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kỷ niệm 1050 năm Ba Lan chịu phép rửa

Bài ging ca Đc Thánh Cha trong thánh l k nim 1050 năm Ba Lan chu phép ra
J.B. Đng Minh An dch


Từ các bài đọc của buổi cử hành Phụng Vụ này một sợi chỉ thánh xuất hiện, một sợi chỉ trải dài trong lịch sử nhân loại và dệt nên lịch sử cứu độ.

Tông Đồ Phaolô nói cho chúng ta về kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4:4). Nhưng lịch sử cho chúng ta biết rằng khi “thời viên mãn này đến”, lúc Thiên Chúa trở thành con người, thì nhân loại vẫn chưa sẵn sàng một cách đặc biệt, thậm chí lúc đó cũng chưa có một giai đoạn ổn định và hoà bình: không có “Thời Vàng Son”. Khung cảnh của thế giới này không chào đón sự ngự đến của Thiên Chúa; thực vậy, “gia nhân chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1:11). Sự viên mãn của thời gian, vì thế, là một hồng ân trong đó Thiên Chúa lấp đầy thời gian của chúng ta với sự dư dật của lòng thương xót Ngài. Vì một tình yêu tuyệt đối Ngài đã khai mở thời viên mãn.

Cách Thiên Chúa ngự đến trong lịch sử thật đáng xúc động: Ngài đã được “sinh ra bởi một người phụ nữ”. Không có một sự khải hoàn tiến vào, cũng chẳng có một cuộc hiện đến đầy ấn tượng của Đấng Quyền Năng. Ngài không tỏ mình như là một mặt trời đang mọc lên rực rỡ, nhưng đi vào thế giới trong cách thế đơn giản nhất, như là một đứa trẻ được sinh từ người mẹ của mình, bằng “phong cách” mà Kinh Thánh gọi là một cơn mưa tưới gội xuống đất khô (x. Is 55:10), như những hạt giống nhỏ bé nhất nảy mầm và trổ sinh (x. Mt 4:31-32). Do đó, trái với những mong đợi của chúng ta và có lẽ thậm chí cả với những mong muốn của chúng ta, nước Thiên Chúa, thỉnh thoảng, “không đến trong một cách thế gây chú ý” (Lc 17:20), nhưng trái lại trong sự nhỏ bé, khiêm nhường.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sợi chỉ thánh này len lỏi một cách tinh tế qua lịch sử: từ sự viên mãn của thời gian đến “ngày thứ ba” trong sứ mạng của Chúa Giêsu (x. Ga 2:1) và việc loan báo “giờ” của ơn cứu độ (xem câu 4). Khi thời gian đến gần, Thiên Chúa luôn mạc khải chính Ngài trong sự nhỏ bé. Và vì thế chúng ta đến với “dấu lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện” (xem câu 11), tại làng Cana miền Galilê.

Không có một hành động gây kinh ngạc nào được thực hiện trước đám đông, hoặc thậm chí không có cả một lời nói nhằm trấn an các vấn đề chính trị nóng bỏng chẳng hạn như việc tùng phục của người dân vào quyền bính của La Mã. Thay vào đó, trong một ngôi làng nhỏ, một phép lạ đơn giản diễn ra và mang lại niềm vui cho đám cưới của một đôi bạn trẻ hoàn toàn là một gia đình vô danh. Đồng thời, nước trở thành rượu tại bữa tiệc cưới ấy là một dấu chỉ lớn lao, vì nó cho chúng ta thấy diện mạo chàng rể của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Đấng ngồi đồng bàn cùng chúng ta, Đấng mơ ước và giữ tình hiệp thông với chúng ta. Điều đó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không giữ khoảng cách, nhưng gần gũi và chân thực. Ngài đang ở giữa chúng ta và Ngài lo lắng cho chúng ta, nhưng không đưa ra những quyết định thay chúng ta và không làm rắc rối cho chính bản thân Ngài với những vấn đề về quyền bính. Ngài thích để cho chính bản thân Ngài được chứa đựng trong những điều bé nhỏ, chứ không giống như chúng ta, là những người luôn muốn chiếm hữu một điều gì đó lớn lao hơn. Bị lôi cuốn bởi quyền lực, bởi sự vĩ đại, bởi vẻ bề ngoài, là bi kịch của nhân loại. Đó là một cơn cám dỗ luôn cố gắng để nhân ra chính nó ở khắp mọi nơi. Nhưng trao ban chính bản thân mình cho người khác, xoá bỏ khoảng cách, sống trong sự bé nhỏ và sống thực tại của mình mỗi ngày là điều thánh thiêng đặc biệt.

Thiên Chúa cứu chúng ta, bằng việc làm cho chính Ngài trở nên nhỏ bé, gần gũi và hiện thực. Trước hết, Thiên Chúa làm cho chính Ngài trở nên bé nhỏ. Thiên Chúa, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29), đặc biệt yêu thương những người bé mọn, những người mà nước Thiên Chúa được mạc khải cho (Mt 11:25); họ vĩ đại trong đôi mắt của Ngài và Ngài nhìn đến họ (x. Is 66:2). Ngài đặc biệt yêu mến họ vì họ đi ngược lại với “sự kiêu hãnh cuộc sống” vốn thuộc về thế gian (x. 1 Ga 2:16). Những người bé mọn nói ngôn ngữ của Ngài, là ngôn ngữ của tình yêu khiêm nhường mang lại sự tự do. Vì thế, Ngài gọi người đơn sơ và biết đón nhận là những phát ngôn viên của Ngài; Ngài trao phó cho họ việc mạc khải danh Ngài và những bí ẩn trong trái tim Ngài. Tư tưởng của chúng ta giờ đây hướng đến cơ man những người con nam nữ của dân tộc anh chị em, chẳng hạn như các vị tử đạo đã làm cho sức mạnh vô phương tự vệ của Tin Mừng được chiếu toả, hay những người bình thường nhưng là những chứng nhân đầy ấn tượng cho tình yêu của Thiên Chúa ở giữa những truân chuyên, và những người là những sứ giả hiền lành và mạnh mẽ của lòng thương xót như Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Faustina. Ngang qua những “kênh” này của tình yêu Ngài, Thiên Chúa đã trao ban những món quà vô giá cho toàn thể Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Thật là đầy ý nghĩa khi dịp kỷ niệm phép rửa của dân tộc các bạn diễn ra trùng hợp với Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Thiên Chúa cũng gần gũi, nước Ngài đang ở giữa chúng ta (x. Mc 1:15). Thiên Chúa không muốn người ta sợ hãi Ngài như sợ một thẩm quyền tối cao đầy uy lực và lạnh lùng. Ngài không muốn ngự trên ngai nơi thiên quốc hay trong các sử sách, nhưng yêu thương đi xuống với những vấn đề hằng ngày của chúng ta, và đồng hành cùng chúng ta. Khi chúng ta nghĩ về hồng ân một thiên niên kỷ tràn đầy niềm tin, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa hơn tất cả những ai khác vì Chúa đã bước đi cùng với dân tộc anh chị em, đã nắm lấy tay anh chị em và đồng hành với anh chị em trong quá nhiều hoàn cảnh. Đó là điều mà cả chúng ta nữa, trong Giáo Hội, luôn được mời gọi để thực hiện: đó là lắng nghe, dự phần và trở nên người thân cận, chia sẻ niềm vui và những vất vả của người dân, để Tin Mừng có thể lan toả nhất quán hơn và sinh hoa trái hơn khi chiếu toả sự tốt lành thông qua sự minh bạch của đời sống chúng ta.

Sau cùng, Thiên Chúa là chân thực. Các bài đọc hôm nay làm rõ rằng mọi thứ về đường lối hành động của Thiên Chúa đều là thực và cụ thể. Sự khôn ngoan thánh thiện “giống như người thợ cả” và như “những vui chơi” (x. Cn 8:30). Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, được sinh ra bởi một người mẹ, được sinh ra dưới lề luật (x. Gl 4:4), có bạn hữu và tới lui một buổi tiệc. Đấng Vĩnh Cửu giao tiếp với con người bằng việc dành thời gian cho họ trong những hoàn cảnh cụ thể. Lịch sử của anh chị em, được hình thành bởi Tin Mừng, Thập Giá và sự trung thành với Giáo Hội, đã là một sức mạnh lan toả của một niềm tin chân thực, được truyền từ gia đình này đến gia đình kia, từ cha đến con và trên hết từ những người mẹ và các bà ngoại, những người mà chúng ta cần phải cám ơn rất nhiều. Đặc biệt, với chính đôi tay của mình, anh chị em có thể chạm đến sự dịu dàng thật sự và quan phòng của Mẹ, Đấng mà tôi đến đây trong tư cách là một khách hành hương để tôn kính; và là Đấng mà chúng ta đã loan báo trong Thánh Vịnh như là “niềm tự hào lớn lao của dân tộc chúng ta” (Jud 15:9).

Chính là Mẹ Maria, mà chúng ta, những người đang qui tụ ở đây, giờ đây đang hướng về. Ở nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy một sự tùng phục hoàn hảo trước Thiên Chúa. Trong suốt dòng lịch sử, được đan bởi sợi chỉ thánh này, cũng là một “sợi chỉ Maria”. Nếu có bất kì một vinh quang con người nào, bất kì một công đức nào của chúng ta trong sự viên mãn của thời gian, thì đó chính là Mẹ. Đức Maria là không gian, được dành riêng không vấn vương tội lỗi, nơi Thiên Chúa chọn để phản chiếu chính Ngài. Mẹ là bậc thang mà Thiên Chúa chọn để đi xuống và đến gần với chúng ta. Mẹ là dấu chỉ rõ ràng nhất của sự viên mãn của thời gian.

Trong cuộc sống của Mẹ Maria chúng ta cảm phục sự nhỏ bé mà Thiên Chúa yêu thương, vì Ngài “nhìn đến phận hèn tôi tớ Ngài”, và “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:48, 52). Ngài hài lòng với Mẹ đến nỗi đã để cho xác thịt của Ngài được dệt từ xác thịt của Mẹ, để Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như một bài ca cổ xưa, đã hát hàng nhiều thế kỷ, loan báo. Với anh chị em là những người không ngừng chạy đến cùng Mẹ, qui tụ từ khắp mọi nơi về đây, thủ đô tinh thần của đất nước này, xin Mẹ tiếp tục chỉ đường. Xin Mẹ giúp anh chị em dệt trong cuộc sống của mình sợi chỉ khiêm nhường và đơn sơ của Tin Mừng.

Tại Cana, cũng như ở đây tại Jasna Góra này, Mẹ Maria mang lại cho chúng ta sự gần gũi của Mẹ và giúp chúng ta khám phá ra điều mà chúng ta cần phải sống để có một cuộc sống viên mãn. Thỉnh thoảng, Mẹ thực hiện điều này bằng một tình yêu từ mẫu, bằng sự hiện diện và an ủi của Mẹ, dạy dỗ chúng ta biết tránh những quyết định nông nổi và gây bất bình trong cộng đoàn của chúng ta. Là một Người Mẹ của một gia đình, Mẹ muốn giữ chúng ta lại với nhau. Nhờ sự hiệp nhất, hành trình của dân tộc anh chị em đã vượt qua hết mọi kinh nghiệm khắc nghiệt. Xin Mẹ, Đấng đứng vững dưới chân Thập Giá và vẫn duy trì lời cầu nguyện cùng các môn đệ trong khi đợi chờ Chúa Thánh Thần đến, ban cho anh chị em ước muốn từ bỏ hết mọi lỗi lầm và bỏ lại phía sau mọi vết thương trong quá khứ, và xây dựng tình bằng hữu với hết mọi người, mà không bị rơi vào cơn cám dỗ để thoái lui hay thống trị.

Tại Cana, Mẹ đã thể hiện một hiện thực lớn lao. Mẹ là một Người Mẹ đón nhận các vấn đề của con người vào tim mình và hành động. Mẹ nhận biết những thời điểm khó khăn và giải quyết chúng cách kín đáo, hiệu năng và quyết đoán. Mẹ không cưỡng chế cũng không làm phiền, nhưng là một Người Mẹ và một nữ tỳ. Chúng ta hãy xin ân sủng để noi gương sự nhạy cảm của Mẹ và sự sáng tạo của Mẹ trong việc phục vụ những người cần giúp đỡ, và nhận ra thật tuyệt vời biết bao khi sống cuộc sống của chúng ta trong sự phục vụ người khác, mà không có những ưu tiên hay khoảng cách. Xin Mẹ Maria, là nguồn mạch niềm vui của chúng ta, là Đấng mang lại sự bình an giữa biết bao tội lỗi và những hỗn loạn của lịch sử, giúp chúng ta nhận được sự tuôn đổ của Thần Khí, và giúp chúng ta trở thành những tôi tớ tốt lành và trung tín.

Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, xin cho sự viên mãn của thời gian cũng đến với chúng ta. Sự chuyển tiếp từ trước và sau Đức Kitô có rất ít ý nghĩa nếu nó cứ vẫn mãi chỉ là một ngày trong biên niên sử. Xin cho mỗi người chúng ta biết thực hiện một cuộc vượt qua nội tâm, một Lễ Vượt Qua của tâm hồn, hướng đến “phong cách” thánh đã được Mẹ Maria cưu mang. Xin cho chúng ta biết làm mọi sự trong sự đơn sơ nhỏ bé, và đồng hành với người khác đang cận kề, với một tâm hồn đơn sơ và cởi mở.

Em ơi hãy lần hạt : Năm Sự Vui

EM ƠI HÃY LẦN HẠT
Năm Sự Vui



Em ơi hãy lần hạt
Cùng Mẹ Chúa Kitô
Hiệp lời với Thiên Chúa
Trong hiến lễ cứu đời.

Tại thành Nadarét
Lời sứ thần truyền tin
Tình yêu và phó thác
Xin dâng Cha mọi đàng.

Đường xa dẫu vạn dặm
Yêu mến vẫn một lòng
Đem niềm vui chia sẻ
Vời người chị thân thương.

Đêm đông sao lạnh lẻo
Lòng người những chờ mong
Hang lừa bao nhỏ bé
Đấng cứu độ giáng trần.

Thiên Thần vang câu hát
‘Vinh danh Chúa trên trời
Bình an cho người thế
Cả vạn người Chúa thương’.

Gia-liêm ngày lễ hội
Toàn dân mừng Vượt Qua
Nhiệm vụ Cha trao phó
Nguyện một lòng thiết tha.

Ba ngày lạc xa Chúa
Lòng bao nỗi sầu thương
Gia -liêm vui trở lại
Con giữa cõi cửu trùng.

Lời ‘Xin vâng’ ngày ấy
Theo Mẹ suốt cuộc đời
Em ơi hãy lần hạt
Hiệp với Mẹ thương yêu.

Những lời kinh vàng ngọc
Dâng lên Mẹ Chúa Trời
Cuộc đời bao khổ lụy
Lần hạt nhé em ơi.

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
25.10.2015


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Những người trẻ công giáo, cánh hữu và Đức Giáo hoàng

Những người trẻ công giáo, cánh hữu và Đức Giáo hoàng



lavie.fr, Jean-Pierre Denis, chủ biên, 2016-07-06
Các người trẻ công giáo không nhất thiết phải yêu Đức Phanxicô. Nhưng họ yêu. Đó là một trong các nghịch lý mà cuộc thăm dò của báo Đời Sống với các người tham dự Ngày Thế Giới Trẻ ở Cracovia cho thấy.
REUTERS913274_Articolo
Tại sao họ không nhất thiết (hoàn toàn) phải yêu Đức Phanxicô. Bởi vì, về mặt xã hội và chính trị, họ cảm thấy gần với đường hướng của Đức Bênêđictô XVI hơn, cứ cho rằng thế. Một cách theo cơ cấu, và hàng loạt, các người trẻ công giáo khẳng định mình ở cánh hữu. Đương nhiên, một phần ba trong số họ từ chối không đứng vào một trục chính trị, phản ảnh dị ứng của thế hệ họ đối với quan điểm cổ điển. Cũng lại đương nhiên, so với cuộc thăm dò đầu tiên của chúng tôi năm 2011, họ ít gắn bó với cánh hữu đang lên hơn là loại bỏ cánh tả đang có chỗ. Các con số thì rõ ràng. Bây giờ họ 10 lần đông hơn cho mình ở cánh hữu, chứ không ở cánh tả. Nếu chúng ta để ý đến môi trường xã hội và tôn giáo của họ, chúng ta sẽ thấy trước tiên hết, họ ở trong thành phần thúc bách nhất với việc bầu chọn Đức Jorge Bergoglio, giáo hoàng mà báo chí quốc tế dễ dàng cho là «giáo hoàng cánh tả» – điều mà ngài luôn khước từ.
Làm sao họ yêu (rất nhiều) Đức Phanxicô. Trước tiên hết, giả định là phải dè chừng. Dù sao cuộc thăm dò cũng đặt lại vấn đề này. Người ta có thể đặt giả thuyết rằng, có vẻ người trẻ theo «bergoglio» nhiều hơn là người lớn tuổi của họ, hoặc họ dễ dàng chấp nhận để Đức Phanxicô thúc đẩy họ. Vậy thì đúng, họ yêu Đức Phanxicô nhiều như đại đa số người công giáo, trẻ hay không trẻ trên thế giới. 41% cho rằng lời nói, hành vi, bài viết của ngài có một ảnh hưởng trong đời sống đức tin và nghề nghiệp của họ. 45% có ý kiến tích cực hơn về Giáo hội kể từ ngày giáo hoàng Argentina kế vị giáo hoàng Đức. Chỉ có 3% có ý kiến ít tích cực hơn.
Ngoài phía con người, còn phía ý tưởng. 62% cảm thấy gần hoặc rất gần với quan điểm của Giáo hội về việc đón nhận người di dân và người tị nạn, một chủ đề chính của triều giáo hoàng hiện nay, 73% về các chủ đề của Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato Si) và các quan điểm của Giáo hội về môi sinh. Các điểm họ gần với giáo điều của Giáo hội như việc bảo vệ sự sống (72%) hay về tính dục (70%), hai chủ đề được phát triển lâu dài từ thời triều Đức Gioan-Phaolô II. Các chi tiết cho thấy, những người nói gắn dính «rất gần» trên các vấn đề di dân chỉ 25%, ngược với 52% về vấn đề bảo vệ sự sống. Như thế cơ cấu gắn dính cũng không vững chắc, và đó là hợp lý cho một thế hệ ở bên phía cực hữu. Ngược lại, sứ điệp của Đức Giáo hoàng muốn «xây cầu chứ không xây tường» có vẻ như là cái thắng rất mạnh so với các tư tưởng cực hữu, khá yếu nơi những người tham dự Ngày Thế Giới Trẻ.
Nghịch lý này có thể che một nghịch lý khác. Trên quan điểm đối với các tôn giáo khác, các người trẻ có vẻ gần với đường hướng của Đức Bênêđictô XVI, chống chủ nghĩa tương đối hóa, hơn là gần với đường hướng gần gũi với tất cả các tôn giáo. 55% trong số họ tuyên xưng chỉ có một tôn giáo đích thực (trong đó có  44% cho rằng các tôn giáo khác cũng có những sự thật căn bản). Như thế có 10 điểm hơn năm 2011. Ở đây các giá trị căn tính tiến triển mặc cho các giá trị của khác biệt. Các người trẻ «công giáo ++» khẳng định mình hơn trong sự gắn dính với chân lý đức tin kitô giáo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch