Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Có bao nhiêu Thánh Anh hài đã bị giết bởi vua Hêrôđê?


Có bao nhiêu Thánh Anh hài đã bị giết bởi vua Hêrôđê?


Con số chắc chắn sẽ làm bạn ngạc nhiên.

Từ thế kỷ thứ 5, Giáo Hội đã có một ngày lễ riêng để kính các trẻ em bị vua Hêrôđê giết sau khi Chúa giáng sinh. Tin Mừng Mátthêu là sử liệu duy nhất ghi nhận sự kiện này, các thông tin đều khá nghèo nàn.

Hành động giết người vô nhân tính thế này chính là đặc trưng của vua Hêrôđê. Ông ta đã từng giết vợ và hai con trai ruột của mình trong thời gian làm vua. Phản ứng của ông ta với những ai đối nghịch mình chính là trừ khử họ ngay lập tức.

Đoạn Kinh Thánh này thường được gọi tên là "cuộc tàn sát" để nhấn mạnh sự đổ máu trẻ em vô tội cách tàn nhẫn. Đó là một hành vi khủng khiếp, tuy so với nạn giết trẻ em thời hiện đại này - thậm chí cả trẻ em chưa lọt lòng mẹ - thì có lẽ cũng chẳng thấm vào đâu.

Theo Bách Khoa Công Giáo thì "Lễ điển Hy Lạp khẳng định Hêrôđê đã giết 14.000 hài nhi, Syria thì nói rằng 64.000, trong khi nhiều nguồn khác thời trung cổ cho là con số lên đến 144.000." Tuy nhiên, những con số này đã phóng đại quá mức dân số Bêlem và các vùng lân cận thời Chúa Giêsu.

Chuyên gia Willim F. Albright ước tính tổng dân số toàn Bêlem thời Chúa Giêsu sinh ra là khoảng 300 người. Số các trẻ nam sơ sinh từ hai tuổi trở xuống vì thế chắc chắn chỉ vào khoảng 6 đến 7 mà thôi. Như vậy, cả Bêlem và các vùng lân cận chỉ có tối đa 20 bé trai dưới hai tuổi vào lúc đó, tức là con số các Thánh Anh hài ở mức 10-20 vị.

Con số người bị giết ít như vậy là lý do tại sao không tồn tại một nguồn sử liệu nào khác nói về cuộc tàn sát của Hêrôđê. Nói trắng ra thì chẳng sử gia nào để ý đến chuyện "một vài đứa trẻ bị giết bởi một ông vua đã quen giết chóc."

Dù sao đi nữa, bất kể số hài nhi bị bách hại là bao nhiêu, cái chết của các vị cũng vẫn là minh chứng của một sự hung ác khủng khiếp, mà Chúa Giêsu có lẽ cũng đã ở trong số đó nếu Thánh Giuse không dậy sớm đem Người và Mẹ Người đi trốn.

Ngày lễ kính của Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ sự sống mỗi người đều là thánh thiêng. Giáo Hội không muốn nhấn mạnh có bao nhiêu trẻ em đã bị giết, dù là 1 hay 100, 1000, nhưng nhấn mạnh rằng sự sống là rất quý giá, dù là một trẻ nhỏ chưa làm được gì hay suốt đời cũng sẽ không làm được gì như các trẻ em bệnh tật, bại não, vì mọi sự sống đều là tác phẩm kỳ diệu do chính tay Thiên Chúa dựng nên.

Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn lược dịch

ĐTC gặp gỡ các nhà thần học Italia: “Cần phải trung thành một cách sáng tạo để đương đầu với những thách đố hiện tại”

Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà thần học Italia: “Cần phải trung thành một cách sáng tạo để đương đầu với những thách đố hiện tại”






Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà thần học Italia: “Cần phải trung thành một cách sáng tạo để đương đầu với những thách đố hiện tại”
WHĐ (1.1.2018) – Hôm thứ Sáu 29-12-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các nhà thần học Italia  tại Vatican nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Thần học Italia (ATI - Associazione Teologica Italiana) trong năm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn các nhà thần học vì nghiên cứu của họ tại trung tâm của Giáo hội ở Italia.
Ngỏ lời với các nhà thần học, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng suy tư thần học đòi hỏi phải trung thành cách sáng tạo, hiệp thông, và phải có đôi mắt đức tin để đương đầu với những thách đố mà nhân loại ngày nay đang phải đối mặt.
Ngài khẳng định, thế giới cần một nền thần học có khả năng giúp các Kitô hữu loan báo “Khuôn mặt cứu độ của Thiên Chúa Thương xót”.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh -theo Đức Thánh Cha -, là lễ cung cấp nền tảng cho “mọi suy tư thần học Kitô giáo”.
Mầu nhiệm Nhập Thể như nền tảng cho thần học
Ngài nói, “Trong những ngày này, chúng ta chìm đắm trong niềm vui chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã liên đới với chúng ta và mặc lấy nhân tính nghèo nàn của chúng ta khi sai Con Ngài đến mang lấy thân xác mỏng giòn của chúng ta”. Vì thế “mầu nhiệm Nhập Thể là khởi điểm cho suy tư thần học”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: thần học “sẽ không bao giờ cạn kiệt nguồn suối sự sống của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đã để cho con người chạm đến, ngắm nhìn, và tận hưởng trong máng cỏ tại Bêlem.”
Suy tư thần học và Công đồng Vatican II
Đức Thánh Cha mời gọi họ “trung thành cách sáng tạo” trong những suy tư, vì ATI được thành lập “trong tinh thần phục vụ và hiệp thông được Công đồng Vatican II chỉ dẫn”.
“Xin anh chị em tiếp tục trung thành và gắn bó với Công đồng trong công việc thần học của anh chị em và với khả năng qua đó Giáo Hội chứng tỏ mình được thúc đẩy nhờ sự mới mẻ luôn mãi của Tin Mừng”.
‘Cùng nhau làm thần học’
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: những nỗ lực của Hiệp hội “cùng nhau làm thần học... đã diễn tả một yếu tố cơ bản của Chân lý, mà thần học là để phục vụ Chân lý ấy”.
“Thật vậy, không thể tưởng tượng được rằng việc phục vụ Chân lý của Thiên Chúa – Đấng là tình yêu và sự hiệp thông vĩnh cửu giữa Cha, Con và Thánh Thần, và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa chính xác là kế hoạch kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa và với nhau – lại mang một cung cách cá nhân hay đặc thù, hoặc tệ hơn, trong thứ lôgíc của cạnh tranh”.
Do đó, nghiên cứu thần học chắc chắn là công việc của cá nhân, nhưng được thực hiện bởi “những người đắm mình vào một cộng đoàn thần học.”
“Đôi mắt đức tin”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: Trong khi người tín hữu không đòi hỏi phải được huấn luyện về thần học, nhưng toàn thể Dân Thiên Chúa luôn có “cảm thức về những thực tại đức tin”. Đó là “con mắt đức tin”. “Chính trong đức tin sống động này của đoàn dân thánh trung tín của Thiên Chúa mà mọi nhà thần học phải đắm mình vào và nhờ đó họ được nâng đỡ, được biến đổi và đón nhận”.
Những thách đố hiện đại đối với thần học
Đề cập đến những thách đố mà nền thần học ngày nay phải đương đầu, Đức Thánh Cha kể ra: nạn khủng hoảng sinh thái, biến đổi gen di truyền DNA nơi người, bất bình đẳng trong xã hội, di dân hàng loạt, và chủ nghĩa tương đối lý thuyết cũng như thực hành.
Ngài nói rằng cần có một nền thần học để đương đầu với những thực tại hiện đại này, nền thần học được xây dựng bởi “các Kitô hữu không chỉ tìm cách thảo luận với nhau nhưng họ ý thức mình đang phục vụ các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau và phục vụ Giáo hội”.
Đức Thánh Cha kết luận, Hiệp hội Thần học Italia đang đáp ứng những thách đố này.
(Theo Vatican News) 

Giuse Tuấn

2 Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018:Bài 2: Lời hứa kết hôn


 



Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Đồng hành với các gia đình trẻ
Bài 2: LỜI HỨA KẾT HÔN



Vợ chồng mới cưới ước mong yêu thương nhau hết mực và mãi mãi. Đôi bạn những tưởng họ sẽ có thể khác mọi người giữ được tình yêu lãng mạn sống mãi. Thuở ban đầu lưu luyến ấy đôi bạn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng cuộc sống hôn nhân có khi đòi hỏi họ quá sức. Các “vấn đề” khó khăn, rắc rối bắt đầu lần lượt xuất hiện dọc con đường của họ. Người này đôi khi bất bình vì thái độ hay hành động của người kia. Họ cảm thấy tài chánh của họ không đủ cho nhu cầu cuộc sống gia đình. Hai người ngày càng dành ít giờ vui thú, thậm chí gần gũi vợ chồng, bên nhau. Họ cũng có khi nhận thấy gia đình “bên kia” xâm nhập vào đời sống riêng tư của họ nhiều quá và nhiều lúc bực bội. Rồi hai người bắt đầu tranh luận, tranh cãi, cãi vã nhau lắm lúc cũng chỉ về những chuyện cũ ấy. Vì những xung đột, cãi vã thường gây bất hòa ấy khiến người này hay người kia có thể nghĩ họ không còn yêu nhau nữa. Có thể ngày nào đó ‘xấu trời’ một trong hai người tuyên bố hôn nhân của họ đã ra tồi tệ, tốt hơn là nên chia tay, mỗi người mỗi ngả.
Thế rồi họ hỏi Chúa tại sao hôn nhân của họ thất bại dù đã kết hôn với lời chúc lành của Chúa qua linh mục trong Hội Thánh.
Họ không hiểu được hôn nhân là một bí tích, một huyền nhiệm thánh thiêng, là con đường nên thánh. Hôn nhân của họ thánh thiêng không phải vì đôi bạn là thánh, mà vì Thiên Chúa Đấng kết hợp hai người nam và nữ ấy là Đấng Thánh. Đó là một bí tích vì đôi bạn được mời gọi cùng nhau bước đi trên con đường nên thánh. Nhưng dù là thánh thiêng, hôn nhân vẫn không khỏi bị sự dữ tấn công. Kết hôn trong Hội Thánh không làm cho đôi bạn được miễn nhiễm trước các cám dỗ. Ma quỷ là đối thủ của Thiên Chúa, luôn cố phá hủy những gì Thiên Chúa xây dựng. Là kẻ lừa dối, nó luôn làm méo mó sự việc bằng cách trình bày sự ác thành như sự thiện. Nó muốn chia rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Đôi vợ chồng phải đứng vững mà chuẩn bị và đón đợi những chuyện bất trắc, bất ngờ xảy đến, dù muốn dù không, như lời cầu nguyện trong lễ cưới: Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con.
– Ma quỷ có thật. Chiến thuật của ma quỷ ngày nay trước hết là làm cho con người tin rằng chúng không có, Thiên Chúa cũng không có hay đã chết, chỉ duy con người làm chủ thế giới này có mà thôi. Thật ra, chúng hoạt động trong thế gian để gây xung đột và chia rẽ giữa con người với nhau. Ma quỷ cám dỗ, xúi giục người nam người nữ phạm tội. Khi phạm tội, người nam hay người nữ không những sinh ra căng thẳng trong quan hệ hôn phối của họ, mà còn trong quan hệ với Chúa. Điều quan trọng cần làm ngay là đôi bạn phải quay lưng lại với tội lỗi và tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa:
Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,10-12).
– Căng thẳng, xung đột trong đời sống hôn nhân gia đình là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi. Nhưng xung đột do ma quỷ khiêu khích thì khác. Nó làm cho vợ, chồng thất vọng không còn muốn đối thoại với nhau nữa. Trước khi phạm tội, vợ chồng nhìn nhận nhau, kính trọng nhau, chân thành và cởi mở với nhau. Đối thoại giúp hai người nhận biết họ khác nhau: khác tính tình, khác sở thích, khác thói quen, tính cách, khác quan điểm… và nhận ra những cái cản trở họ yêu thương hiệp nhất, nên một. Ma quỷ tìm cách ngăn chặn trực tiếp cái khả năng đối thoại này giữa hai vợ chồng. Khi phạm tội, người ta không chọn chính tội lỗi, đúng hơn, người ta thấy một điều gì đó tốt và ra tay hành động, rồi thì cảm nghiệm các hệ lụy tai ác của việc làm đó của mình. Sau đó, ta nhận ra cái tưởng là tốt đẹp ấy thật ra là sự dữ, là ác hại. Khoái cảm do phạm tội làm cho tội nhân giữ im lặng. Im lặng càng làm thương tổn nặng nề đến quan hệ vợ chồng cho dẫu người bạn đời của mình không biết. Tội lỗi là ở chỗ khi cả hai người không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Người này cảm thấy khó khăn hay khó chịu khi nói chuyện, bộc bạch chia sẻ với người kia. Họ cảm thấy dễ nhất là cứ giấu nhẹm đi “chuyện đó” nhất là khi người kia có quyền được biết. Giữ kín bí mật của mình không chia sẻ được với nhau càng làm suy yếu hay tiêu diệt quan hệ hôn phối của họ, nhất là khi bí mật bị phát hiện.
Dẫu thật khó để nghe sự thật, trong yêu thương tin tưởng vợ chồng vẫn nên chia sẻ cho nhau những nút thắt của cuộc sống.
– Trong hôn nhân, vợ với chồng là một. Họ luôn nghĩ về mình đồng thời quy chiếu về người phối ngẫu kia, không bao giờ hình dung mình là một thực thể biệt lập. Họ xem thành công của người này cũng là thành công của người kia, thất bại của người này cũng là thất bại của người kia. Họ cùng sống và chung sống với nhau, cả hai đã hứa thuộc về nhau và không còn chỉ thuộc về cá nhân mình nữa. Họ cùng nghĩ và hành động thống nhất. Trách nhiệm đầu tiên của họ là duy trì và bảo vệ sự hợp nhất và thống nhất trong suy nghĩ, lời nói, và việc làm như một đôi vợ chồng sống trong ơn nghĩa của Chúa.
Sau khi sa ngã, con người cảm thấy xấu hổ vì mình trần truồng và đi trốn. Thiên Chúa tìm hỏi “Ađam, ngươi ở đâu? [..] Ai nói với ngươi là ngươi trần truồng?” Thiên Chúa dò thấu lương tâm con người và cái cảm giác xấu hổ, lo sợ vì “trần truồng”, tìm phát hiện ra ai hay cái gì là nguyên do cho nỗi sợ hãi ấy. Chất vấn ấy của Thiên Chúa đã dẫn Ađam đến tận gốc rễ của đổ vỡ quan hệ. Con người thật sự không biết trả lời, không bao giờ nhận ra chính mình là nguyên nhân gây ra chính tình trạng mất sức sống này. Con người không thấy vì một kẻ ích kỉ thì khó nhận ra tội lỗi của mình, tội lỗi nơi mình. Họ quên điều cốt yếu của hôn nhân là nên một. Trong hôn nhân, vợ chồng phải biết rõ hơn rằng cả hai người đều mỏng manh, yếu đuối, họ cần nhau, nhất là trong những lúc hoang mang hay thất vọng. Người này cảm thấy mình thiếu thốn khi không có người kia. Chỉ khi phó mình cho nhau họ mới cảm thấy trọn vẹn. Chăm sóc cho cái “chúng ta” là cách biểu lộ thương thân cách vị tha.
– Thiên Chúa muốn vợ và chồng nhận biết không những trách nhiệm cá nhân , mà còn cùng chung trách nhiệm đối với những việc cá nhân từng người làm. Cả hai người đều góp phần làm thăng tiến hay làm giảm thiểu mối dây hôn phối của họ. Họ chỉ cần nhận thấy điều gì sai hay không ổn trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau giải quyết nó mà không phàn nàn hay trách cứ ai. Tình yêu đích thực “luôn khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi để được gần nhau” và luôn thể hiện bằng việc làm cụ thể. Nếu vấn đề, xung khắc được giải quyết bằng sợi dây tình yêu vô hình, hôn nhân sẽ được tăng lực.
– Đôi bạn phải biết rằng hôn nhân luôn đòi hỏi ta phải cố gắng mỗi ngày điều chỉnh chính mình trong khi sống chung với nhau, phải hiểu rằng kết hôn là sống và yêu nhau cho đến chết. Đó là điều họ phải cam kết làm suốt cuộc đời, không bao giờ mỏi mệt. Đó là cuộc sống chung cho đến khi một hoặc cả hai người lìa đời bằng cái chết. 

Câu hỏi để suy tư và thảo luận:

1. Đâu là những mảng cuộc sống của anh/chị cần được cải thiện hay thay đổi để cho hôn nhân của anh chị được hài hòa?
2. Xin anh/chị thử nghĩ xem mình có thể vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân trong khi mâu thuẫn, xung đột giữa vợ chồng cứ thường xuyên xảy ra hay không?
3. Trong những hoàn cảnh nào anh chị nên đối thoại với nhau để giải quyết vấn đề hôn nhân của mình?

Văn phòng HĐGMVN

Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 51 (năm 2018) của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 51 (năm 2018) của Đức Thánh Cha Phanxicô





Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 51 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Ngày tháng Giêng 2018
Người di dân và người tị nạn: những người tìm kiếm hoà bình
1. Lời chúc bình an
Nguyện chúc bình an cho mọi người và mọi dân tộc trên trái đất! Bình an mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng trong đêm Giáng sinh, [1] là một khát vọng sâu thẳm của mọi người và mọi dân tộcnhất là những ai đang khốn khổ nhiều nhất vì thiếu vắng bình an. Trong số những người mà tôi luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi muốn nhắc đến hơn 250 triệu người di dân trên thế giới, trong đó 22,5 triệu người là những người tị nạn. Về người tị nạn, vị tiền nhiệm kính yêu của tôi là Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng“đó là những người nam và người nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và những người già cả đang tìm kiếm một nơi để sống trong hoà bình [2]. Để tìm được nơi ấy, nhiều người trong số họ sẵn sàng liều mạng dấn thân vào một hành trình mà đa phần vừa lâu dài vừa đầy nguy hiểm; họ sẵn sàng chịu đựng nhọc nhằn gian khổ, đối mặt với những hàng rào kẽm gai và những bức tường được dựng lên để ngăn không cho họ đến.

Với lòng thương xót, chúng ta ôm lấy tất cả những người phải trốn chạy chiến tranh và đói khát hoặc những người buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bị phân biệt đối xử, khủng bố, nghèo đói và nạn suy thoái môi trường.

Chúng ta biết rằng chỉ mở lòng ra trước sự đau khổ của người khác thì  không đủ. Còn nhiều việc phải làm trước khi anh chị em của chúng ta có thể bắt đầu lại cuộc sống bình an trong một ngôi nhà an toàn. Đón tiếp người khác đòi hỏi một sự dấn thân cụ thể, nhiều trợ giúp và từ tâm, một sự quan tâm chu đáo và toàn diện, việc quản lý có trách nhiệm những tình huống phức tạp mới mà đôi khi thêm vào vô số những vấn đề khác đã có, cũng như các nguồn lực luôn giới hạn. Nếu thận trọng, các chính phủ sẽ biết đón tiếp, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập [người nhập cư]bằng cách đặt ra những quy định thực tế, “sao cho phù hợp với lợi ích thực sự của người dân của họ. [3] Họ có trách nhiệm rõ ràng đối với cộng đồng của họ, mà họ phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hài hoà của cộng đồng ấyđể đừng giống như người thợ xây không biết lo xa, vụng tính nên không hoàn thành được toà tháp mà mình đã khởi công[4]

2. Tại sao có quá nhiều người tị nạn và người di dân?

Dịp Đại Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm từ khi các thiên thần loan báo tin hoà bình ở Bêlem, Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng sở dĩ ngày càng có nhiều người tị nạn vì thế kỷ XX liên tiếp xảy ra những cuộc “chiến tranh, xung đột, diệt chủng, thanh lọc sắc tộckinh hoàng không dứt [5]. Thế kỷ mới vẫn chưa có được một bước chuyển biến thực sự: các cuộc xung đột vũ trang và các hình thức bạo lực có tổ chức khác vẫn tiếp tục diễn ra khiến cho người dân phải ra đi, ở trong nước cũng như sang nước khác.

Nhưng người ta còn di cư vì những lý do khác, nhất là vì “muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên không hiếm khi họ thử bỏ lại nỗi “thất vọng” về một tương lai chẳng hứa hẹn”. [6] Có những người ra đi để đoàn tụ gia đình, để tìm cơ hội làm việc hay học tập: đó là những người không được hưởng các quyền này nên không sống trong bình an. Hơn nữa, như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp Laudato si’, “việc ngày càng có thêm người di dân trốn chạy nỗi khốn khổ chồng chất vì môi trường suy thoái, thật là bi thảm” [7].

Đa số người di dân ra đi theo lối thông thường, trong khi có những người dùng những cách khác, chủ yếu là vì tuyệt vọng, khi đất nước họ không bảo đảm cho họ có được an ninh cũng như những cơ hội và mọi con đường hợp pháp xem ra đều không khả thi, bị ngăn chặn hoặc quá chậm trễ.

Tại nhiều quốc gia nơi người di dân đến, phổ biến một kiểu nói hoa mỹ nhấn mạnh những nguy cơ đối với nền an ninh quốc gia hoặc các gánh nặng tài chính nếu phải đón tiếp những người mới đếnnhư thế là coi thường nhân phẩm vốn phải được công nhận đối với mọi người, như con cái Chúa. Những kẻ, đôi khi vì mục đích chính trị, gây ra nỗi sợ hãi cho những người di cư thay vì xây dựng hoà bình, là những kẻ gieo rắc bạo lực, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đó là những mối bận tâm lớn đối với tất cả những ai luôn lo lắng bảo vệ từng con người. [8]

Tất cả các yếu tố của cộng đồng quốc tế hiện nay cho thấy vấn đề di cư toàn cầu sẽ tiếp tục là đặc điểm của tương lai chúng ta. Có người coi đó là mối đe dọa. Trái lại, tôi mời anh chị em nhìn vào đó với cái nhìn đầy tự tin, như cơ hội để xây dựng một tương lai hoà bình.

3. Với một cái nhìn chiêm ngưỡng

Sự khôn ngoan của đức tin nuôi dưỡng cái nhìn này, cái nhìn có khả năng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều thuộc về “một gia đình duy nhất, những người nhập cư và những người dân địa phương đón tiếp họ, và tất cả đều dược quyền thụ hưởng của cải của trái đất, vốn dành cho mọi người, như học thuyết xã hội của Giáo hội đã dạy. Đây chính là nền tảng của tình liên đới và sự chia sẻ”. [9] Những lời này gợi lại cho chúng ta hình ảnh của thành Jerusalem mới. Sách tiên tri Isaia (chương 60) và sách Khải huyền (chương 21) mô tả thành ấy như một thành phố luôn mở cửa, để mọi người thuộc mọi dân tộc đi vào, họ chiêm ngưỡng thành và làm cho thành nên giàu có. Hoà bình là vị vua lãnh đạo và công lý là nguyên lý cai trị cuộc sống chung của mọi người trong thành.

Chúng ta cũng phải nhìn thành phố nơi chúng ta sống bằng ánh nhìn chiêm ngắm này, “tức là cái nhìn đức tin, khám phá ra Thiên Chúa đang sống trong những căn nhà của họ, trên những đường phố và công viên của họ [... bằng cách cổ võ] tình liên đới, mong ước điều thiện, chân lý và công bằng” [10]; nói cách khác, bằng cách thực hiện lời hứa về hoà bình.

Khi xem xét tình cảnh người nhập cư và tị nạn, cái nhìn này sẽ nhận ra họ không đến với bàn tay không, mà mang theo cả một hành trang: lòng can đảm, khả năng, nhiệt huyết và khát vọng, chưa kể đến bản sắc văn hoá của mình. Như vậy, họ làm phong phú cuộc sống của các quốc gia đón nhận họ. Ánh nhìn này cũng sẽ nhận ra sự linh hoạt, lòng nhẫn nại và tinh thần hy sinh của biết bao con người, gia đình và cộng đồng trên khắp thế giới đang mở cửa và mở lòng đón người di dân và tị nạn, dù mình cũng chẳng dư dả gì.

Cuối cùng, cái nhìn chiêm ngưỡng này sẽ hướng dẫn những người có trách nhiệm lo cho công ích biết phân định, để đưa ra những chính sách đón nhận đến mức tối đa “tương ứng với phúc lợi hiện có của dân mình”, [11] nghĩa là tính đến những nhu cầu mà mọi người trong gia đình nhân loại duy nhất đều có và lợi ích của từng người.

Những ai mang tầm nhìn này đều có thể nhận ra hạt giống hoà bình đã nảy mầm và cần được chăm sóc để mầm ấy phát triển. Như vậy họ sẽ làm cho những thành phố của chúng ta vẫn thường bị các cuộc xung đột gây phân hoá và phân cực, liên quan đến sự có mặt của người di dân và tị nạn, trở thành những công trường kiến tạo hoà bình.

4. Bốn nền tảng cho hành động

Để mang lại cho những người xin cư trú, tị nạn, di dân và nạn nhân của những vụ buôn người khả năng gặp được bình an họ đang kiếm tìm, đòi phải có một chiến lược kết hợp cả bốn hành động: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. [12]

Hành động “đón tiếp” nhắc lại sự cần thiết mở rộng những khả năng nhập cảnh hợp pháp, không được đưa người tị nạn và di dân về lại những nơi đang sẵn sàng ra tay bách hại và đối xử bạo lực, đồng thời cân bằng giữa mối quan tâm về an ninh quốc gia với việc bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng quên lòng hiếu khách, vì nhờ đó, có những người không ngờ đã được tiếp đón các thiên thần ngay tại nhà mình”. [13]

Hành động “bảo vệ” nhắc lại bổn phận phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của những người đang trốn chạy mối hiểm nguy đang xảy ra mà tìm nơi nương náu an toàn, và ngăn không để họ bị bóc lột. Đặc biệt, tôi nghĩ đến các phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình cảnh đầy đe dọa và rất dễ bị lạm dụng dẫn đến cảnh làm nô lệ. Thiên Chúa không phân biệt đối xử: “Chúa che chở khách ngụ cư, Người nâng đỡ quả phụ và cô nhi” [14]

Hành động “thăng tiến” muốn nói đến sự trợ giúp nhằm mang lại sự phát triển con người về mọi mặt đối với người di dân và tị nạn. Trong số rất nhiều phương thế thực thi nhiệm vụ này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo đảm cho thiếu nhi và người trẻ được tiếp cận với mọi cấp học; nhờ đó, không những các em được trau dồi và phát triển khả năng của mình, mà còn có thể gặp gỡ mọi người, vun xới tinh thần đối thoại, chứ không phải thái độ khép kín và đối đầu. Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chúa yêu mến khách lạ, cho họ cơm ăn áo mặc”; vì thế, khuyến khích chúng ta: “Hãy yêu mến người ngụ cư, vì các ngươi đã từng ngụ cư trên đất Ai Cập”. [15]

Cuối cùng là “hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di dân được tham gia đầy đủ vào cuộc sống xã hội đón nhận họ, làm cho nhau được thêm phong phú, cộng tác với nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người tại các cộng đồng địa phương. Như Thánh Phaolô đã viết: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ, là khách ngụ cư, mà là đồng hương với các thánh, là người nhà của Thiên Chúa”. [16]

5. Một đề nghị về hai Hiệp ước quốc tế

Tôi thành tâm mong rằng tinh thần này sẽ thuc đẩy tiến trình, trong suốt năm 2018, dẫn đến việc Liên hiệp quốc soạn thảo và thông qua hai hiệp ước toàn cầu: một Hiệp ước về vấn đề di dân an toàn, trật tự và hợp pháp, và một Hiệp ước về người tị nạn.

Cũng như các thoả thuận ở cấp toàn cầu, các hiệp ước này sẽ đề ra một khuôn khổ mang tính tham khảo để thúc đẩy việc xây dựng các chính sách và thi hành các biện pháp thực tiễn. Vì thế điều quan trọng là các Hiệp ước này cần lấy cảm hứng từ lòng thương xót, việc nhìn xa trông rộng và lòng dũng cảm để nắm bắt mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hoà bình: đó là điều kiện để óc thực tế cần thiết cho chính sách quốc tế không bị khuất phục trước thái độ trơ trẽn và thói thờ ơ toàn cầu.

Quả vậy, đối thoại và phối hợp là một nhu cầu và nghĩa vụ cụ thể của cộng đồng quốc tế. Ngoài biên giới quốc gia, các quốc gia ít giàu có hơn cũng có thể đón tiếp nhiều người tị nạn hơn hoặc giúp đỡ họ cách tốt hơn, nếu sự hợp tác quốc tế bảo đảm cho các quốc gia ấy các khoản tiền cần thiết.

Phân bộ Người Di dân và Tị nạn của Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện đã đề nghị 20 điểm hành động [17] có thể được dùng như những hướng cụ thể để áp dụng bốn hành động trên đây trong các chính sách công, cũng như thái độ và hành động của các cộng đồng Kitô hữu. Những đóng góp này, cũng như những đóng góp khác, nhằm thể hiện mối quan tâm của Giáo hội Công giáo đối với tiến trình dẫn tới việc thông qua các hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc. Mối quan tâm này khẳng định một mối quan tâm mục vụ tổng quát hơn, từ khi Giáo hội được thành lập và vẫn tiếp tục qua nhiều hoạt động cho đến ngày nay.

6. Cho ngôi nhà chung của chúng ta

Những lời này của Thánh Gioan Phaolô II gợi hứng cho chúng taNếu ‘giấc mơ’ về một thế giới hoà bình được nhiều người chia sẻ, nếu những đóng góp của người di dân và người tị nạn được trân trọngthì nhân loại sẽ ngày càng trở nên gia đình của mọi người và trái đất trở nên một ngôi nhà chung thật sự [18]. Trong lịch sử, nhiều người đã tin vào giấc mơ này và những người sống điều ấy làm chứng rằng đó không phải là một điều không tưởng không thực hiện được.

Trong số những người ấy, chúng ta phải nói đến Thánh Phanxicô-Xavier Cabrini, mà trong năm 2017 chúng ta mừng sinh nhật thứ 100 của ngài trên trời. Hôm nay, ngày 13 tháng Mười Một, nhiều cộng đoàn giáo hội cử hành lễ nhớ thánh nữ. Người phụ nữ nhỏ bé mà cao cả này, người đã hiến đời mình để phục vụ người di dânrổi trở thành thánh bổn mạng của họ ở trên trời, đã dạy chúng ta cách đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những anh chị em của chúng ta. Nhờ lời ngài chuyển cầu, xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được rằng “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình” [19].

Vatican, ngày 13 tháng Mười Một 2017

Lễ Thánh Françoise-Xavier Cabrini, bổn mạng người di dân
Phanxicô
––––––––––––––––––––––––
[1] Lc 2,14.
[2] Bênêđictô XVI, Kinh Truyền tin, 15/1/2012.
[3] Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, s. 106.
[4] x. Lc 14, 28-30.
[5] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hoà bình thế giới năm 2000, s. 3.
[6] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2013.
[7] Laudato si’, s. 25.
[8] x. Huấn từ cho các Giám đốc quốc gia đặc trách mục vụ di dân tham gia cuộc gặp gỡ do CCEE tổ chức, 22/9/2017.
[9] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2011.
[10] Tông huấn Evangelii gaudium, s. 71.
[11] Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, s. 106.
[12] Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2018, 15/8/ 2017.
[13] Dt 13, 2.
[14] Tv 146, 9.
[15] Đnl 10, 18-19.
[16] Ep 2, 19.
[17] 20 Điểm hành động mục vụ và 20 Điểm hành động cho các Hiệp ước Thế giới (2017), cũng xem Tài liệu Liên hiệp quốc A/72/528.
[18] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2004, s. 6.
[19] Gc 3, 18.
Đức Thành chuyển ngữ

ĐGH Phanxicô

Lý do thật sự của việc "hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ"

Lý do thật sự của việc "hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ"

Câu chuyện Chúa Giáng Sinh đã trở nên rất quen thuộc với mỗi chúng ta, nhưng nhấn mạnh một hình ảnh nào đó trong chuyện đó có thể làm sai lệch cái nhìn của chúng ta với thực tế đã xảy ra hơn 2000 năm trước. Trong đó đặc biệt là mô tả của chúng ta về việc Thánh Giuse cố gắng đi gõ cửa các nhà trọ để tìm nơi cho Đức Maria sinh Chúa Giêsu và luôn bị từ chối.
"Ông chủ nhà trọ thứ 6 đóng sầm cửa trước mặt Thánh Giuse và nói "hết chỗ rồi". Sau đó Giuse phải tìm một cái chuồng nhốt thú vật và đem Đức Maria vào ngay khi Đức Bà sắp sinh."

Đó là câu chuyện thường được kể, nhưng nó không đúng với tường thuật của Kinh Thánh và bản gốc Hy Lạp. Tin Mừng Luca viết: "Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ" (Lc 2,7). Từ "nhà trọ" là từ dẫn đến những câu chuyện như trên, nhưng từ ngữ của chúng ta không dịch chính xác từ gốc của Kinh Thánh.

Phòng khách
Từ được sử dụng trong bản văn Kinh Thánh là kataluma và có nghĩa đen là phòng khách, không phải là phòng trọ cá nhân cho lữ khách như ngày nay. Nếu nói về phòng cho lữ khách, Kinh Thánh dùng từ pandokheion. Thêm vào đó, Bêlem là quê gốc của Thánh Giuse, chắc chắn ngài có một số bà con ở đây để trú nhờ.

Vậy điều xảy ra chính là không ai muốn sinh con trong một phòng khách công cộng. Thời đó, phòng trọ tư mang tai tiếng rất tệ, và Đức Maria hẳn mong muốn một chỗ kín đáo hơn cho một sự kiện riêng tư. Hơn nữa, Kinh Thánh cho biết Thánh Giuse và Đức Mẹ đã ở Bêlem được vài ngày trước khi Mẹ sinh con: "Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa" (Lc 2,6).

Theo Luca, đôi vợ chồng thánh đã ở Bêlem trước khi Đức Mẹ đến ngày sinh. Nói cách khác, không phải đến đêm Giáng Sinh thì hai người mới tốc tả đi tìm chỗ ở, mà thực ra là các Ngài đi tìm một chỗ khác thích hợp hơn để sinh con. Bởi vì cuộc điều tra dân số khiến Bêlem trở nên đông đúc, "nhà trọ" hay "phòng khách" có đông người, Đức Mẹ và Thánh Cả không thể tiếp tục ở đó được.

Nhà nông dân thường có một cái chuồng
Các nhà khảo cổ có thể giúp đưa ra một bức tranh đúng đắn hơn về một ngôi nhà ở Bêlem, là nơi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu: "Nhà ở Bêlem và các vùng lân cận thường có một cái hang phía sau nhà để nhốt những con bò hoặc những con vật chở đồ khác mà họ rất quý để tránh bị trộm. Phòng khách nằm ở trước cửa, và nơi ở của động vật ở phía sau."

Như vậy, thay vì mời tất cả những người khác trong phòng khách ra khỏi nhà để sinh con, Đức Mẹ chọn cách đến một nơi riêng tư hơn, chính là nơi nhốt động vật, và đặt Chúa Giêsu vào máng cỏ ở đó.

Cách giải thích Kinh Thánh này khá khác biệt với những gì ta quen nghĩ từ nhỏ đến lớn, nhưng nó không làm thay đổi sự khiêm tốn của sự kiện Chúa Kitô giáng sinh. Người đã được sinh ra trong nơi nuôi nhốt động vật, trong một hang đá nghèo khó của nông dân ở Bêlem. Đó vẫn là một hình ảnh tuyệt đẹp đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới.

Theo Aleteia.org
Gioakim Nguyễn lược dịch

3 Tản mạn chuyện ly dị: Ly dị không phải là một tội trọng

Tn mn chuyn ly d: Ly d không phi là mt ti trng
Vũ Văn An

 

Ly dị không phải là một tội trọng

Dù thế, như trên đã nói, với Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, ly dị được giáo huấn giáo hoàng nhìn dưới một ánh sáng tích cực hơn: ít nhất nó không còn là một tội trọng nữa.

Đã đành, nói chung, người ly dị và tái hôn mà không có án vô hiệu vẫn không được rước lễ. Nhưng không phải vì những người này có tội trọng.

Giáo lý đó đã được Niềm Vui Yêu Thương dựa vào điều 1735 Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo mà đưa ra. Điều này nói về việc qui lỗi hay trách nhiệm đối với một hành động: trách nhiệm này có thể giảm đi hay ngay cả triệt tiêu do việc dốt nát, sợ hãi, thói quen, hay các nhân tố tâm lý và xã hội khác. Tông huấn nói tới việc “lượng giá một hoàn cảnh khách quan phải dẫn tới một phán đoán về tính qui lỗi chủ quan’. Ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội là “hoàn cảnh khách quan” (sai lạc). Tuy nhiên điều này, về “phương diện chủ quan” không nhất thiết biến cặp này thành những kẻ phạm tội trọng.

Phải nhấn mạnh ngay lúc này rằng Đức Hồng Y Caffara, một trong bốn vị Hồng Y “dubia” cật vấn Đức Phanxicô về khả thể cho phép những người này rước lễ, cũng đã đồng quan điểm như trên. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, ngài nói: “Lý do tại sao Giáo Hội không cho phép người ly dị tái hôn rước lễ không phải vì Giáo Hội tự động cho rằng những người này đều ở trong trạng thái mắc tội trọng cả. Chúa, Đấng biết lòng người ta, mới biết lương tâm chủ quan của những con người này”.

Lỗ tai của trái tim

Về phần Đức Phanxicô, trong diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng Thường Lệ về Gia Đình năm 2015, ngài nói rằng Thượng Hội Đồng “đã bóc trần những trái tim đóng kín, những trái tim thường ẩn ngay phía sau các giáo huấn của Giáo Hội hay các ý tốt, hầu ngồi trên ghế Môsê mà phán xét, đôi khi một cách tự tôn và hời hợt, những vụ xử khó khăn và các gia đình bị thương tổn”.

Trong điều 232 của Tông Huấn, ngài đưa ra thái độ ngược hẳn lại: “Mỗi cuộc khủng hoảng đều có một bài học để dạy chúng ta; chúng ta cần học cách biết lắng nghe để nhận ra nó bằng lỗ tai của trái tim”.

Lỗ tai của trái tim không trước nhất phản ứng khủng hoảng bằng phòng ngự vì cách này vô ích (điều 233), trái lại, phải cùng nhau đương đầu theo cách “lòng nói với lòng” (điều 234), theo từng giai đoạn (điều 235), với sự giúp đỡ của ơn thánh, của thân nhân bằng hữu (điều 236), biết chấp nhận các thay đổi (237), ý thức rằng không ai làm ta thỏa mãn hoàn toàn (238), vì họ có những thương tích cũ (239), vì liên hệ gia đình (240).

Và khi không thể cứu vãn, ly thân không những không thể tránh mà còn cần thiết nữa, tuy phải bị coi là biện pháp cuối cùng (241). Đây là lúc Giáo Hội phải áp dụng một sự chăm sóc mục vụ đặc biệt. “Tỏ lòng kính trọng trước sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công hay những người, vì chồng hay vợ đối xử tệ bạc, mà buộc phải ngưng cuộc sống chung”, hòa giải, làm trung gian, đồng hành với họ (242).

Đối với những người ly dị tái hôn, phải làm họ “cảm nhận rằng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội”. “Họ không bị tuyệt thông” (243). Đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu (244). Đặt lên hàng đầu phúc lợi con cái (245).

Phúc lợi con cái ở hàng đầu

Dường như thần học mục vụ về hôn nhân của Đức Phanxicô đã trở về với viễn tượng của Thánh Augustinô ngày xưa: con cái là raison d’être cho sự hợp pháp của tính dục, nhất là trong trường hợp ly dị và tái hôn dân sự, dù chính ngài chỉ trích chủ trương chỉ chú trọng tới khía cạnh sinh sản trong hôn nhân.

Trước khi bàn tới khía cạnh đó, ở đây, ở số 245 này, tưởng nên đọc lời kêu gọi thống thiết của Đức Phanxicô khi nói tới con cái: “Tôi xin ngỏ với các cha mẹ đã ly thân lời kêu gọi này: Anh chị em đừng bao giờ bắt con cái làm con tin! Anh chị em ly thân vì nhiều vấn đề và lý do. Đời sống đem lại cho anh chị em thử thách này, nhưng con cái anh chị em không nên phải gánh cái gánh nặng ly thân này hay bị dùng làm con tin chống người phối ngẫu kia. Chúng nên được lớn lên mà tai thì được nghe mẹ chúng nói tốt cho cha chúng, cho dù họ không còn ở với nhau nữa, và cha chúng nói tốt cho mẹ chúng. Quả là vô trách nhiệm khi làm mất uy tín của cha mẹ kia như phương thế chiếm tình âu yếm của con cái, hay để trả thù hoặc tự biện minh cho mình. Làm thế sẽ ảnh hưởng tới sự thanh tĩnh nội tâm của con cái và gây nên những vết thương khó lành”.

Sở dĩ có lời kêu gọi thống tiết ấy là vì theo Đức Phanxicô, “có phải chúng ta đang trở nên tê cóng đối với các thương tích trong linh hồn các trẻ em” trên hay không, mà quên, không “cảm nhận được gánh nặng tâm lý mênh mông của các trẻ em trong các gia đình” đổ vỡ. Chính vì thế, “các cộng đồng Kitô hữu không nên bỏ rơi các cha mẹ ly dị đã bước vào cuộc kết hợp mới, nhưng nên bao gồm và nâng đỡ họ trong cố gắng dưỡng nuôi con cái của họ. Làm thế nào ta có thể khuyến khích các cha mẹ này làm mọi sự có thể làm để dưỡng dục con cái họ trong đời sống Kitô hữu, làm gương cho chúng về một đức tin có cam kết và thực tiễn, nếu ta giữ họ ở một khoảng cách xa đời sống cộng đồng, như thể họ bị tuyệt thông cách nào đó? Ta phải từ bỏ việc hành xử theo cách chất thêm gánh nặng mà trẻ em trong các hoàn cảnh này vốn đã phải vác rồi!” (246).

Cốt lõi khả thể rước lễ

Thiển nghĩ đấy chính là cốt lõi của khả thể cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ.

Trước nhất, theo Đức Phanxicô, vì cứ nghĩ rằng mọi sự đều trắng và đen, nên đôi khi ta chặn đường ơn thánh và phát triển. “Nên nhớ một bước nhỏ giữa nhiều giới hạn lớn lao của con người có thể làm Thiên Chúa vui lòng hơn một đời sống bề ngoài xem ra đàng hoàng nhưng với ngày tháng trôi qua không hề phải đối phó với các khó khăn lớn lao”.

Đức Phanxicô cho rằng những người thuộc loại đầu quả có tham dự vào đời sống Giáo Hội dù “một cách bất toàn, vì nhìn nhận rằng ơn Chúa cũng hoạt động trong đời họ bằng cách ban cho họ lòng can đảm để làm điều tốt, săn sóc lẫn nhau trong yêu thương và phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc” (số 291). Họ thể hiện lý tưởng hôn nhân Kitô Giáo “ít nhất từng phần và theo phương thức loại suy. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng Giáo Hội không coi thường các yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn tương hợp với giáo huấn về hôn nhân của mình nữa” (292).

Các yếu tố đó là việc “đạt được một sự ổn định đặc thù, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một lòng âu yếm sâu đậm và có trách nhiệm đối với con cái, và chứng tỏ có khả năng vượt qua thử thách”. Các yếu tố này “có thể dẫn đến sự cởi mở lớn hơn đối với Tin Mừng hôn nhân trong tính viên mãn của nó” (293), theo “luật tiệm tiến” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “con người nhân bản “biết, yêu và thực hiện điều tốt về luân lý theo các giai đoạn tăng trưởng khác nhau”, mà ngài tin là nhờ ơn thánh (294).

Đó là chủ trương của Giáo Hội ngay từ đầu: không loại bỏ mà phục hồi, “tuôn đổ dầu thơm thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai kêu xin với một tâm hồn thành thực” (296).

Nói đến những người ly dị tái hôn, Đức Phanxicô cho rằng họ thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà ta cần biện phân, nhưng kể cả những người coi thường giáo huấn của Giáo Hội, “cũng vẫn có cách nào đó để tham dự vào đời sống cộng đồng, hoặc trong dịch vụ xã hội, các buổi tụ tập để cầu nguyện hay một cách khác do sáng kiến riêng của họ gợi ý, với sự biện phân của linh mục quản xứ” (297).

Các hoàn cảnh ly dị và tái hôn khác nhau là a) hoàn cảnh trong đó, “cuộc kết hợp thứ hai được củng cố với thời gian, có những đứa con mới, được chứng thực là trung thành, hiến thân quảng đại, có cam kết Kitô Giáo, ý thức tính bất hợp lệ của nó và cả sự khó khăn lớn lao này là nếu trở lại chắc chắn lương tâm sẽ cảm thấy có lỗi”; b) hoàn cảnh “trong đó, vì các lý do nghiêm túc, như việc dưỡng dục con cái chẳng hạn, người đàn ông và người đàn bà không thể thỏa mãn nghĩa vụ phải ly thân”; c) trường hợp trong đó, “tuy cố gắng hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân đầu của họ nhưng vẫn bị bỏ rơi một cách bất công”; d) “những người đã bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lý do dưỡng dục con cái, và đôi khi chủ quan tin chắc trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân đầu, đã bị tan vỡ không thể cứu chữa, chưa bao giờ thành sự cả”. Những hoàn cảnh này khác hẳn với “chuyện khác là cuộc kết hợp mới, phát sinh từ cuộc ly dị mới đây, với tất cả mọi đau khổ và bối rối có thể gây ra cho con cái và mọi gia đình, hay trường hợp một người liên lỉ không chu toàn các nghĩa vụ của mình đối với gia đình” (298).

Đức Phanxicô nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng rằng những người ly dị tái hôn “nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo… không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy. Họ là người đã rửa tội, họ là anh chị em, Chúa Thánh Thần tuôn đổ các ơn phúc và đặc sủng vào trong họ để sinh ích cho mọi người”. Nhất là vì điều này “cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn phải được coi là quan trọng nhất” (299).

Tóm lại, con cái được Đức Phanxicô đặc biệt chú ý trong các cuộc hôn nhân gặp khủng hoảng, tan vỡ và bất hợp lệ, chúng là một trong những yếu tố giảm khinh khiến có khả thể những cuộc hôn nhân bất hợp lệ không còn là trở ngại đối với việc lãnh nhận các bí tích.

Giảm khinh và lương tâm

Về các yếu tố giảm khinh, Đức Phanxicô cho biết một số khía cạnh: “Một chủ thể rất có thể biết đầy đủ về qui luật, thế nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ ‘các giá trị cố hữu của nó’ hay rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không giúp họ hành động khác đi và quyết định cách khác mà không phạm tội thêm” (301). Ngoài ý kiến của các nghị phụ (Relatio Finalis 2015, 51) ra, Đức Phanxicô còn dựa vào Thánh Tôma Aquinô (Summa Theologiae I-II, q. 65, art. 3 ad 2; De Malo, 2, art. 2.) và cả Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo (No. 1735) nữa để minh giải sự giảm khinh.

Như đã thấy, Sách Giáo Lý liệt kê các nhân tố giảm khinh sau đây: không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác. Các nhân tố khác này, theo Sách (số 2352), có thể là “sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến”.

Thiển nghĩ, đến đây, các quan điểm tích cực của Đức Phanxicô đối với những hoàn cảnh hôn nhân “bất hợp lệ nhất” là ly dị và tái hôn không gây thắc mắc bao nhiêu ngay đối với các vị Hồng Y “dubia” nhưng khi ngài nói đến lương tâm ở số 303, thì hình như cung giọng trở nên cảm kích một cách lạ thường khiến nhiều người lo âu.

Ngài viết: “lương tâm không những có thể thừa nhận rằng một hoàn cảnh nhất định nào đó không tương ứng một cách khách quan với các đòi hỏi tổng quát của Tin Mừng. Nó còn có thể thành thực và trung thực nhìn nhận rằng đối với hiện nay, đây là đáp ứng quảng đại nhất có thể có đối với Thiên Chúa, và tiến tới chỗ nhìn thấy một cách khá chắc chắn rằng về phương diện luân lý thì đây là điều chính Thiên Chúa đòi hỏi giữa tính phức tạp cụ thể trong các giới hạn của họ, dù nó chưa trọn vẹn là lý tưởng khách quan”.

Với những nhân tố như trên, Đức Phanxicô cho rằng: “Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này” (305).

Chính ở đây, có ghi chú thời danh 351 gây tranh cãi không thể nào nguôi: “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích. Do đó, ‘tôi muốn nhắc nhở các linh mục điều này: không được coi tòa giải tội như phòng tra tấn, mà đúng hơn là nơi gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa’ (Tông Huấn Evangelii Gaudium [24-11-2013], 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Phép Thánh Thể ‘không phải là một phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là một món thuốc và món ăn mạnh mẽ cho người yếu đuối’ (Như trên, 47: 1039)”.

Con đường đức ái

Dù những điều trên có thể gây tranh cãi, nhưng không ai bác bỏ được điều này: chúng cho thấy người ly dị tái hôn quả chiếm một chỗ rất quan yếu trong trái tim Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới lòng thương xót ngay trong khẩu hiệu của mình và từ những ngày đầu tiên của triều giáo hoàng.

Chính vì thế, ngài nhấn mạnh đến via caritatis (con đường đức ái): nó là qui luật đầu tiên của Kitô hữu, nó che phủ rất nhiều tội lỗi (số 306). Luận lý học của ngài như sau: Giáo Hội không ngừng đề cao lý tưởng hôn nhân, làm ngược lại là “không trung thành với Tin Mừng”, ưu tiên vì thế là củng cố các cuộc hôn nhân (số 307). Nhưng “dù không sao lãng lý tưởng Tin Mừng, ta vẫn cần phải đồng hành một cách đầy thương xót và nhẫn nại với các giai đoạn có thể có trong việc tăng trưởng bản thân khi chúng xuất hiện từ từ”, chừa chỗ cho “lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót thúc đẩy ta cố gắng hết sức”. Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho mơ hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, “vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố”. Khi đề xuất với tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, các mục tử của Giáo Hội cũng phải giúp họ cư xử với những người yếu đuối một cách cảm thương, tránh làm bực mình hay phán đoán khắc nghiệt hoặc hấp tấp thái quá” (số 308).

Tóm lại, Đức Phanxicô cố gắng hết sức trong việc vận động toàn thể Giáo Hội giảm mắt luật lệ tăng mắt đức ái trong cách tiếp cận với những người “bất hợp lệ nhất”, tức những người Công Giáo ly dị và tái hôn. Ngược, lại, ngài mong những người này tích cực đáp ứng: “Tôi khuyến khích các tín hữu đang rơi vào các hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng nói chuyện với các mục tử của mình hay với các tín hữu có đời sống dấn thân cho Chúa. Có thể không phải lúc nào họ cũng tìm được nơi các tín hữu này sự xác nhận đối với các ý nghĩ hay ước vọng của họ, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một chút ánh sáng nào đó giúp họ hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ và tìm ra nẻo đường tăng trưởng bản thân” (số 312).

Kỳ sau: Con cái của ly dị