Trang

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P1)

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P1)


Tại Việt Nam, mỗi khi tổ chức cuộc rước dâng lễ vật (phải gọi là cuộc rước chuẩn bị lễ vật thì đúng hơn vì dâng lễ thực sự diễn ra sau đó trong Kinh nguyện Thánh Thể),[1] chúng ta đều thấy có mang theo cả hoa và nến. Đây là thực hành đã tồn tại từ nhiều chục năm nay mà không ai thắc mắc gì khiến đa số tưởng như vậy là ổn. Do vậy, người ta thường chỉ đặt ra câu hỏi là: thứ tự của cuộc rước thế nào, người mang hoa và nến đi trước hay đi sau người mang bánh-rượu? Thực ra, khi nhìn lại thực hành này dưới khía cạnh lịch sử, luật pháp, thần học và mục vụ, việc đem hoa và nến đang cháy trong đoàn rước chuẩn bị lễ vật là dư thừa và không cần thiết. Như thế, không còn cần phải giải đáp hoa và nến đi trước hay sau bánh - rượu nữa vì hoa và nến không nên có trong đoàn rước này.  

Vài nét lịch sử về cuộc rước

Từ ban đầu, các tín hữu đưa bánh rượu đặt trên bàn vị chủ sự để cử hành Bữa tối của Chúa, như họ thường gọi, hay cử hành Eucharistia.[2]

Khi Bữa ăn Huynh đệ (Agape) không còn nữa, các tín hữu vẫn tiếp tục đưa của lễ đến để tham dự thánh lễ. Trong những của lễ này, vào thế kỷ II- III, các phó tế tiếp nhận lễ phẩm bánh và rượu và trình bày chúng cho Đức Giám mục để ngài cử hành Hy tế Thánh Thể nên chúng được coi như là oblatio (hiến vật) nghĩa là đồ vật thánh thiêng. Trong thể kỷ III, lý do Giáo hội khuyến khích các tín hữu đem dâng bánh rượu và các hoa mầu ruộng đất khi tham dự thánh lễ là nhằm giúp các tín hữu biết trân trọng các đối tượng vật chất và nhằm chống lại phái Ngộ đạo thuyết vốn chủ trương thuyết nhị nguyên bài vũ trụ, chấp nhận hai nguyên lý tốt xấu trong vũ trụ. Họ cho rằng sự ác nằm trong thế giới vật chất xấu xa nên những gì thuộc vật chất phải loại trừ.[3] Cũng trong thế kỷ III, thánh Cyprianô khuyến khích các tín hữu mang lễ vật của họ đến nhà thờ.[4]

Sang thế kỷ IV, theo tường thuật của thánh Giêrônimô, các tín hữu đem theo lễ phẩm cũng như ý nguyện của mình khi đến tham dự thánh lễ. Họ rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện trước Thánh lễ [trên những chiếc bàn nhỏ ở gian ngang của nhà thờ Rôma]. Sau Phụng vụ Lời Chúa, thầy phó tế sẽ đưa các lễ phẩm này đến cho Giám mục. Ngoài của lễ là bánh và rượu, sách Truyền thống Tông đồ cho biết, các tín hữu còn mang lúa mì, dầu, nến, đèn, hương, vải, trái cây (nho, sung, lựu, táo, lê, đào, dâu, sơri, mận…), bánh sữa, mật ong... và nhiều thứ khác nữa (thỉnh thoảng có hoa đặc biệt là hoa hồng và hoa huệ) không những làm của lễ dâng tiến mà còn nhằm mục đích bác ái: nuôi dưỡng các giáo sĩ, lo cho các công việc của Giáo hội và giúp những người nghèo.[5] Nhiều Công đồng địa phương đã tìm cách hạn chế một số loại của lễ, và sách Hiến chế các Tông đồ (năm 380) liệt kê những thứ được phép là bánh, rượu, hương, hạt lúa, trái nho, trái ôliu và nến sáp.[6] Rượu được đựng trong bình lớn có quai, bánh mì đặt trên bàn rồi dùng tấm khăn lớn phủ lại cho khỏi bụi, còn các của lễ khác thì đặt bên cạnh bàn thờ. [7]    

Ở Tây phương, cuộc rước lễ phẩm sa sút dần dần suốt thời kỳ tiền Trung cổ. Lý do là vì bánh có men thông thường không thích hợp cho cử hành Thánh Thể nữa; mặt khác, số người tham dự thánh lễ và lên hiệp lễ ngày càng ít ỏi đi. Cuộc rước dâng của lễ kể như biến mất khi người ta thay đổi lễ vật tiến dâng từ sản phẩm nông nghiệp sang dâng cúng tiền bạc. Từ đó, quyên góp tiền bằng những thùng hay giỏ tiền trở thành một thực hành phổ biến trong Giáo hội.[8]   
Việc các tín hữu đến dâng lễ mang của lễ đi theo đã được ghi lại trong nhiều bút tích của các giáo phụ. Khoảng thế kỷ II, một tân Kitô hữu thường phải mang lễ vật của họ lần đầu tiên khi họ đến tham dự nghi thức Khai tâm Kitô giáo vào đêm Vọng Phục sinh [9]. Năm 155, thánh Justinô đã đề cập đến tập tục mang bánh và rượu đến cho vị tư tế sau khi kết thúc những Lời Chuyển cầu (Apol LXVII, 5) [10]. Thánh Hippôlytô (năm 225) cũng ghi nhận thực hành này. Trong thời gian đó, Tertulianô (199) cũng nói về dân chúng mang lễ vật của họ đến với thánh lễ như một “hiến lễ” dâng lên Thiên Chúa. Giữa thế kỷ III, đang khi đề cập đến việc các tín hữu trình bày lễ phẩm của họ, thánh Cyprianô thành Carthage (210-258) đã khiển trách một bà giàu có dám tớí dự thánh lễ mà không mang theo lễ vật [11].

Thánh Augustinô quả quyết rằng mẹ ngài không ngày nào không mang của lễ tới bàn thờ (Confessions, V, 9, 17). Công đồng Mâcon (585) truyền cho đàn ông đàn bà khi đi dâng lễ phải mang của lễ đi theo. Nhiều Công đồng khác cũng nhắc lại lệnh này, tuy càng ngày nó càng mất hiệu lực.[12]
Vào thời Trung cổ, sau khi phụng vụ Rôma truyền qua Pháp, bị ảnh hưởng ngôn ngữ và khuynh hướng thần học tại đây, thánh lễ dần dần trở nên xa lạ với giáo dân. Trong phần Dâng lễ, họ không còn tích cực tham dự như trước. Chắc chắn từ ban đầu, bánh được đem dâng tiến là những ổ bánh mì, vì vậy, việc bẻ bánh ra những phần nhỏ đem phân phát cho nhiều người tham dự là điều cần thiết trong suốt thời gian dài trong Giáo hội thời cổ.
(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
___________________________________________
1 Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL) [2002], số 79f.
2 Xc. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (USA: Liguori Publications, 2011), 9.
3 Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),105.
4 CCL 3a:64-65, trích lại từ Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 50.
5 Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 91.
6 Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),179.
7 Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003),  61.
8 Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 65.
9 Bulletin 51, Christian Initiation, 281-283.
10 Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1345.
11 Cypriano, Liber de opere et eleemosinis, 15 = PL 4:612-613 trích lại trong Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications”, ed. Foley, Edward, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 222.
12 Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 92.


(theo Báo Công giáo và Dân tộc)

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Anh chị em có chơi với con cái mình không?

Anh chị em có chơi với con cái mình không?



Aleteia, Elisabeth de Baudoüin, 9-7-2014
Đức Phanxicô hay hỏi: Quý vị có hay chơi với con cái mình không? Theo Đức Phanxicô, chơi với con cái không phải là mất thì giờ nhưng là một việc khôn ngoan.
Vị giáo hoàng đến từ cuối chân trời này không ngớt làm cho mọi người ngạc nhiên. Ngày thứ bảy 5 tháng 7 vừa qua, ngài đến thăm thành phố Campobasso (Molise, Ý), thêm một lần nữa, ngài làm mọi người ngạc nhiên khi ngài mời gọi các cha mẹ cùng chơi với con cái trong gia đình.  Trong tư cách là mục tử, ngài thố lộ cho biết, điều then chốt là cha mẹ phải chơi với con cái, không chơi là có tội với con cái: “Tôi xin nói với quý vị một chuyện: khi tôi ngồi tòa ở trong địa phận của tôi (cha xem Rôma là địa phận của cha), khi có người cha hoặc người mẹ còn trẻ vào xưng tội, tôi thường hay hỏi: con có bao nhiêu đứa con? Sau đó khi nào tôi cũng hỏi: ‘Con nói cho cha biết, con có chơi với các con của con không? Đa số trả lời: Con xin lỗi cha, xin cha lặp lại câu hỏi.’ ‘Con, con có chơi à, con mất thì giờ với các con của con à?’”
Phúc Âm không nói thánh Giuse hay Đức Mẹ có chơi với Chúa Giêsu không. Đức giáo hoàng cũng không nói câu trả lời của cha mẹ, nhưng chúng ta có thể hình dung được vì ngài nói tiếp: “Chúng ta đang mất loại khôn ngoan này, khôn ngoan chơi với con cái. Tình trạng kinh tế đẩy chúng ta vào con đường này, chúng ta mất sự khôn ngoan này…”. Ngài kết thúc buổi gặp gỡ nói về lao động bằng cách xin các cha mẹ bỏ thì giờ ra để chơi với con cái, nhất là vào ngày chúa nhật, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nghỉ ngơi vào ngày chúa nhật.
Từ đâu mà Đức Phanxicô có xác quyết xem việc chơi là một việc nghiêm túc không thể thiếu trong đời sống gia đình? Có thể nơi các tu sĩ dòng Salê đã ghi dấu ấn mạnh trong tuổi thơ ấu và vị thành niên của ngài. Cha Don Bosco, nhà sáng lập dòng đã dành một chỗ quan trọng cho việc chơi, nói rộng ra là các giải trí, chúng có một vai trò thiết yếu trong việc giáo dục trẻ em: trò chơi tập thể như đá banh và các môn thể thao khác cũng như kịch nghệ và âm nhạc. Đối với nhà giáo danh tiếng Don Bosco, các bộ môn này là những giây phút rất hữu ích trong việc xây dựng nhân cách.
Khi được làm linh mục, cha Bergoglio muốn, đến lượt mình, tổ chức theo kiểu Don Bosco cho các trẻ em thiếu may mắn trong các khu phố   nghèo của Buenos Aires; điều này làm cho cha bị cho là “Salê-hóa” Dòng Tên!
Tốt cho cả con cái lẫn cha mẹ
Đối với ông Giuseppe de Rita, nhà xã hội học Ý, Công giáo, người có 8 đứa con và 14 cháu, khi được báo Vatican Insider phỏng vấn về các lời nói của Đức Phanxicô, ông cho rằng, “đây là lời nói khôn ngoan của một người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lãnh vực này. Nó rất hữu ích nhất là với các cha mẹ trong thời buổi bối rối hiện nay (…) thời buổi mà người ta chạy từ sáng đến tối, để rồi quan hệ với con cái bị hạn chế”. Nhà xã hội học tiếc là đã không chơi nhiều hơn với các con, ông cho biết việc chơi tưởng như là mất thì giờ nhưng thật sự nó rất tốt cho cả con cái lẫn cha mẹ.
Nếu việc chơi này không nằm trong danh sách các câu hỏi thường dùng để xưng tội thì câu hỏi của Đức Phanxicô cũng là dịp để cho cha mẹ ý thức lại: “Tôi có chơi với con cái không? Khi nào? Chơi gì?” Với những người chơi với con cái, đây cũng là dịp để họ nói lên các điều tốt lành của việc chơi với con cái trong đời sống gia đình.
Marta An Nguyễn dịch

Lòng mộ đạo bình dân, nét đặc biệt của Châu Mỹ La Tinh

Lòng mộ đạo bình dân, nét đặc biệt của Châu Mỹ La Tinh




Trích sách Thế giới theo Phanxicô, Bernadette Sauvaget
Hàng năm cứ đến ngày 7 tháng 8, trong thời gian còn làm Tổng giám mục địa phận Buenos Aires, Đức Bergoglio đều đến Đền thánh San Cayetano (thánh Gaétan), ở khu vực Liniers phía Tây Buenos Aires để cử hành lễ bổn mạng “Bánh mì và Việc làm”. Đây là một trong những nơi hành hương quan trọng nhất của Argentina. Vào ngày lễ thánh, có hàng triệu giáo dân ở khắp nước đổ dồn về và sắp hàng hàng giờ để sờ một chút vào bình cầu thủy tinh tròn bao bọc tượng thánh. Sờ để được ơn, ơn có được việc làm thích đáng để nuôi sống gia đình. Mỗi năm. Trong bài giảng của mình, Tổng giám mục địa phận kêu gọi đoàn kết xứ sở, một trong những chủ đề chính của ngài và phẫn nộ trước sự bất công của nạn thất nghiệp. Năm 2013, vì đã là giáo hoàng, ngài không thể ở gần giáo dân đi hành hương nên đã gởi thông điệp của mình  qua vidéo.
Giống như toàn Châu Mỹ La Tinh, Argentina là mãnh đất của lòng mộ đạo bình dân. Lòng mộ đạo này bắt nguồn từ Thánh Expedito ở Ba Tây, thánh nhân nổi tiếng là người lính La Mã trong thời Dioclétien, ngài trở lại đạo Kitô giáo và là một trong những hình ảnh tiêu biểu của thời đó, ngài đến cứu giúp những ai đang sống trong cảnh tuyệt vọng. Năm 2006, trong bài diễn văn tưởng niệm linh mục Rafael Tello (1917-2002), Đức Bergoglio giải thích: “Châu Mỹ La Tinh được đánh dấu bởi hai thực tại lớn, đạo Kitô giáo và nạn nghèo đói, có rất nhiều người nghèo và có rất nhiều tín hữu Kitô. Trên đất nước chúng ta, điều đó làm cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô có những nét đặc biệt, các cuộc rước kiệu, các lễ tôn kính các thánh, một tấm lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt và nhiều cách biểu lộ lòng mộ đạo bình dân khác, một chứng tá hùng hậu (…). Đây không những là lòng mộ đạo bình dân mà chúng ta phải có lòng bao dung, mà đây đích thực là con đường thiêng liêng bình dân được vững mạnh bởi chính con đường riêng của mình. Lòng mộ đạo bình dân là biểu hiệu ký ức của một dân tộc.”
Theo thần học của giáo dân, có một sự rao giảng Tin Mừng thích ứng theo từng văn hóa địa phương, chủ đề này là chủ đề  rất quan trọng đối với Dòng Tên. Nét đặc biệt của Châu Mỹ La Tinh như Đức Bergoglio đã nhấn mạnh trong bài diễn văn là sức sống của lòng mộ đạo bình dân, phải tôn trọng lòng mộ đạo này và tôn giá trị của nó lên, phải ‘thương” với tấm lòng của một mục tử nhân hậu, ngài nói. Chính xác ngài nói, đó là một “đặc nét lịch sử văn hóa” của dân tộc. Nhưng nhất là, vì được cảm nghiệm, lòng mộ đạo bình dân này, chính nó đã mang tiềm năng Phúc Âm hóa rất lớn. Tiếp cận này cắt đứt hẳn với thái độ được ghi nhận ở Âu châu, nhất là ở Pháp và Đức, đối với họ, các nghi thức mộ đạo này bị nghi là dị đoan, sống bên lề nếu không muốn nói là sống ngoài tinh thần Kitô giáo.
Các thần học gia của trường phái thần học Buenos Aires đã tiếp tục suy tư trong chiều hướng này về hành động mục vụ tại địa phương. Năm 1975, linh mục Rafael Tello tổ chức một cuộc hành hương cho giới trẻ ở Đền thờ Đức Mẹ Lujân ở Buenos Aires, cách trung tâm thủ đô 60 cây số. Bốn mươi năm sau, cuộc hành hương này được rất nhiều người tham dự: một triệu rưỡi người đi hành hương, rất nhiều người sống trong các khu phố  nghèo, họ đến từ đầu tháng mười, ngày lễ chính thức là ngày thứ bảy đầu tháng mười. Đức Mẹ Lujân cũng là quan thầy của nước Argentina. Tượng Đức Mẹ Lujân có mặt khắp nơi cả ở những công thự quốc gia như Nghị viện hay ở Bộ Kinh tế. Lòng sùng kính Đức Mẹ ở Châu Mỹ La Tinh mang dấu ấn rất mạnh của tầm mức dính với căn tính quốc gia này.
Vì thế Đức Tổng giám mục địa phận Buenos Aires, Bergoglio không bao giờ quên buổi lễ này, giảng lễ, cầu nguyện, kết nối đức tin và dấn thân với xã hội. “Chúng ta cầu xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sức mạnh để làm việc cho công chính”, ngài giảng trong lần cuối cùng ngài đi hành hương ở đây, ngày 6 tháng 10 năm 2012. Rất kín đáo, vào dịp này ngài thường ở trong nhà thờ để giải tội. Ngày nay, ở Lujân, chiếc mũ trắng Đức Bergoglio đội ngày tấn phong giáo hoàng được để trong một bình cầu thủy tinh.
Ngoài tượng Đức Mẹ ở Đền thờ San Expedito, Buenos Aires còn có một bức tượng khác cũng rất được sùng mộ, đó là tượng “Đức Bà tháo gỡ nút thắt”. Chính Đức Bergoglio đã đem tượng này từ Đức về. Năm 1986, sau những ngày tháng sống khó khăn ở Đức trở về, ngài mang theo bức ảnh Đức Bà tháo gỡ nút thắt về Argentina. Đứng trước bức tranh có từ thế kỷ XVII của họa sĩ  Johann Georg Melchior ở trong nhà thờ Sankt-Peter-am-Perlach, Augsbourg, ngài nghiệm ra lòng mộ đạo này đã đánh động đến mình rất nhiều, đã giúp ngài đi qua được những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Trong các thư từ liên lạc của ngài, ngài có thói quen viết vài hàng trên  tấm ảnh này. Ngài đã gởi rất nhiều tấm ảnh và cũng đã phân phát rất nhiều ảnh Đức Bà tháo gỡ nút thắt này”, linh mục giáo sư tiến sĩ thần học Carlos Galli kể lại, cha cũng là một trong những người nhận thiệp này của Đức Phanxicô.
Trong nhà thờ San José del Tallar ở Buenos Aires, có một bức sao lại bức tranh ở Đức được thiết đặt vào năm 1996. Từ đó có hàng ngàn tín hữu đến viếng, nơi này đã trở thành nơi hành hương. Các giáo xứ khác của thủ đô cũng cho chưng bức tranh sao này. “Đức Bergoglio cảm nhận các tân hình thức mộ đạo ở thành phố có một nét gì liên hệ với các xung đột tâm lý và thiêng liêng, với lo âu, với tình trạng cô đơn, với các vấn đề của gia đình…”, giáo sư Carlos Galli giải thích.
Đối với Tổng giám mục Buenos Aires, điều này cũng ở trong chiến thuật mục vụ. Thành phố khổng lồ đang trên đường thế tục hóa và các nhà thờ mới của Giáo phái Hiện xuống cho đến ít nhất đầu những năm 2000 mang một sức hấp dẫn nào đó với những người thuộc thành phần kém may mắn nhất. “Phải thánh hóa, hồng y nói với các giáo xứ”, linh mục Pepe, cha xứ của giáo xứ trong khu vực nghèo giải thích. Vì tinh thần Công giáo bình dân vẫn có sức sống rất mạnh trong các ngày lễ bổn mạng, các ngày lễ kính các thánh.
Marta An Nguyễn dịch

Bối cảnh chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô

Bối cảnh chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Về mặt chính thức, lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Ai Cập xuất phát từ Tổng Thống nước này và vị Chủ Tịch của cả Đền Thờ lẫn Đại Học lâu đời nhất thế giới Hồi Giáo là Al-Azhar.

Đền thờ và Đại Học Al-Azhar

Tên của Đền Thờ và Đại Học nói trên đặt theo tên của Fatima Az-Zahraa, con gái cưng của Muhammad, người mà triều đại Fatimid tự hào coi là tổ tiên.

Đền thờ này được xây dựng trong hai năm bắt đầu từ năm 971 Công Nguyên, bởi Caliph Al-Mu'izz li-Din Allah. Đây là đền thờ đầu tiên xây dựng tại Cairo, một thành phố, từ đó, có tên là “kinh thành của ngàn ngọn tháp”. Trường thần học (madrassa) liên hê với Đền Thờ được thiết lập năm 988 như một trường của phái Ismai Shia, nhưng không bao lâu sau, trở thành trường của phái Sunni cho tới nay. Nó tự coi mình là đại học Hồi Giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng điều này bị Đền Thờ Kairaouine ở Fes, Marốc, tranh cãi.

Trong hơn một thiên niên kỷ qua, sinh hoạt học thuật cốt lõi tại Al-Azhar vẫn là một: các sinh viên học Kinh Kôrăng và luật Hồi Giáo trong chi tiết, cùng với luận lý học, văn phạm, tu từ học, và cách tính các giai đoạn của chu kỳ mặt trăng. Phần lớn việc học hỏi này diễn ra bằng cách ngồi quanh (halqa) một vị thầy (sheik), lắng nghe ông ta và học thuộc lòng. Khi đã học lên cao hơn, sinh viên có thể tham gia cuộc tranh luận kiểu Sôcrát với các thầy dạy của mình và giảng dạy các lớp đàn em.

Al-Azhar không thu nhận các sinh viên không thực hành Hồi Giáo nhưng cung cấp việc huấn luyện các nghề thế tục; bởi thế, nó là một phối hợp độc đáo giữa một chủng viện thần học và một đại học thông thường, với việc thiết lập các phân khoa y khoa và kỹ sư vào năm 1961. Sĩ số hiện nay vào khoảng 90,000 sinh viên.

Al-Azhar được phần lớn người Hồi Giáo Sunni coi như trường luật Hồi Giáo nổi tiếng nhất, và các học giả của nó được coi như các học giả trổi vượt nhất trong thế giới Hồi Giáo. Mục đích công khai của nó luôn là truyền bá văn hóa Hồi Giáo và ngôn ngữ Ả Rập.

Để đạt mục đích trên, nó duy trì một ủy ban các ulemas (học giả) để phán quyết các vấn đề cá thể thuộc Hồi Giáo, một cơ quan in ấn để in Kinh Kôrăng, và huấn luyện các vị giảng thuyết về nghệ thuật giảng đạo và truyến bá đức tin Hồi Giáo. Al-Azhar được quản trị bởi một Hội Đồng Tối Cao; Hội Đồng này có nhiệm vụ ấn định chính sách tổng quát, đứng đầu bởi một Đại Imam gọi là "Sheikh Al-Azhar".

Từ năm 1929, Al-Azhar ấn hành một tập san nhằm mục đích phổ biến các luật lệ tôn giáo, các đề tài liên quan tới việc truyền bá văn chương Hồi Giáo, và các pháp chế (sharia) căn bản, bao gồm các phân bộ lịch sử, địa dư, các bản dịch thuật và tin tức liên quan tới thế giới Hồi Giáo.

Vị Đại Imam hiện nay của Al-Azhar từng tuyên bố rằng những kẻ chủ mưu cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 (vào tòa Tháp Đôi New York) và các cuộc ném bom tự sát đều là những kẻ không đi theo con đường chân chính của Hồi Giáo. Trong một hội nghị mới đây ở Indonesia, vị này yêu cầu “mọi tín hữu đích thực” bác bỏ việc các diễn giả sai lạc đầy bạo động của Hồi Giáo lên tiếng tại các đền thờ, nhằm ngăn chặn việc lan tràn các ý thức hệ bạo lực.

Đại giáo trưởng Ahmed el-Tayeb

Tên vị Đại Imam nói trên chính là Ahmed el-Tayeb. Ông được nguyên Tổng Thống Hosni Mubarak bổ nhiệm năm 2010 và được coi là một trong các giáo sĩ ôn hòa nhất của phái Sunni Ai Cập. Đậu tiến sĩ triết học Hồi Giáo tại Đại Học Sorbonne, Paris, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại Học Al-Azhar từ năm 2003.

Nói đến tính ôn hòa, phải kể đến đại hội quốc tế năm 2016 tại Chechnya, với sự tham dự của hơn 100 tư tưởng gia Sunni. Hội nghị này nhằm đưa ra “một chủ trương không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa khủng bố takfiri (tuyên bố ai đó lạc giáo) ngày một gia tăng đang gây họa khắp thế giới”. Đại Imam el-Tayeb có tham dự đại hội này.

Trong một bài báo đăng ngay sau khi ông được cử đứng đầu Đại Học Al-Azhar, Đại Imam được mô tả là “một người trung thành của chế độ và là thành viên của Đảng Dân Chủ Quốc Gia đang cầm quyền của Ông Mubarak, một thành viên có chủ trương cương quyết chống lại nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood)". Ông được trích dẫn đã nói rằng Al-Azhar sẽ “không bao giờ là lãnh địa mở cửa cho Huynh Đệ Hồi Giáo”.

Bởi thế, ông ủng hộ cuộc đảo chánh truất phế Tổng Thống Mohamed Morsi, một lãnh tụ của Huynh Đệ Hồi Giáo.

Ông cũng là người cực lực lên án ISIS, cho rằng nó hành động “dưới chiêu bài tôn giáo thánh thiêng và tự gán cho mình danh hiệu ‘Nhà Nước Duy Hồi Giáo’ trong mưu toan xuất cảng thứ Hồi Giáo Giả Mạo của chúng”.

Có điều, ông không bao giờ minh nhiên coi bọn ISIS là lạc giáo. Vì theo trường phái Ash’ari của ông, ta không được gọi một tín đồ Hồi Giáo là người bỏ đạo, như phái chủ trương takfiri (tuyên bố ai lạc giáo) thường làm.

Trung dung giữa duy cực đoan và duy hiện đại

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với nhật báo Al-Masry Al-Youm năm 2015, Đại Imam Ahmed el-Tayeb giải thích lập trường của Al-Azhar liên quan tới lời kêu gọi của Tổng Thống el-Sisi muốn cổ vũ một viễn tượng thông sáng hơn bên trong Hồi Giáo. Một cách đặc biệt, Đại Imam đề cập tới các sai lạc đầy tính bạo động của một số phần tử tự coi mình là Hồi Giáo, và vai trò thực sự của Al-Azhar trong cộng đồng Hồi Giáo.

Thực vậy, dịp kỷ niệm 4 năm cuộc Cách Mạng Ai Cập, Tổng Thống Abdel Fattah el-Sisi lên tiếng kêu gọi các vị hữu trách Hồi Giáo ‘bước ra khỏi’ luồng tư tưởng tôn giáo bị phần lớn nhân loại coi là đe dọa, ngõ hầu đem lại một viễn tượng ‘thông sáng” hơn. Cuối lời kêu gọi, ông quay qua Đại Imam mà nói rằng: “Ngài có trách nhiệm lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Toàn thế giới đang mong đợi lời lẽ của ngài”.

Đáp ứng của Đại Imam diễn ra ngay sau đó, trong cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng Giêng năm 2015. Trong cuộc phỏng vấn này, ông đề cập tới nhiều vấn đề: vai trò của Al-Azhar, chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, việc huấn luyện các Imam, giáo huấn tôn giáo, cuộc tấn công tờ Charlie Hebdo ở Paris, và các mối tương quan với Huynh Đệ Hồi Giáo và Nhà Nước Ai Cập.

Đại Imam cho rằng sứ mệnh của Al-Azhar là trình bày phía trung dung, khoan thứ của Hồi Giáo […]. Al-Azhar hiểu trọn vẹn sự kiện này: chúng ta đang ở trong một biến động mãnh liệt gây ra bởi các thay đổi lớn lao và các cuộc tranh chấp chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, và tôn giáo là một trong những quân bài mà những người tranh chấp đang cố gắng chơi trong cuộc tranh chấp này […] Al-Azhar cố gắng ngày đêm chống lại biến động này […], nhưng sẽ không làm một mình; việc này là trách nhiệm của Nhà Nước song song với Bộ Giáo Dục.

Mặt khác, Đại Imam cho rằng “không ai có thể nói rằng chủ nghĩa cực đoan sẽ dễ dàng hay nhanh chóng bị tận diệt khỏi xã hội. Chúng ta đang đương đầu với một hiện tượng xã hội bén rể cả một thập niên qua”.

Về việc huấn luyện để các imam (giáo sĩ) Hồi Giáo thuyết giảng tại các đền thờ, Đại Imam đồng ý với quyết định của chính phủ Ai Cập đòi các giáo sĩ này phải có bằng cấp tốt nghiệp của Al-Azhar, cho rằng đây là “bước tiến đúng hướng” vì đã đến lúc không thể “để các bục giảng trong trạng thái hỗn loạn như trước đây”.

Trước các phê phán về phương pháp huấn luyện của Al-Azhar, Đại Imam cho rằng “ngoại trừ một trường hợp riêng rẽ ra, không một người ý thức hệ cực đoan và quá khích nào khắp thế giới đã tốt nghiệp từ Al-Azhar […] và do đó, quả là đáng tiếc khi Al-Azhar không ngừng bị tố cáo phải chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa khủng bố”.

Đối với cuộc tấn công ở Paris, Đại Imam tuyên bố rằng “không thể dùng việc giết người và thảm sát dã man để bảo vệ Hồi Giáo và Đấng Tiên Tri và cái giá của việc này đang được người Hồi Giáo khắp thế giới trả. Ông kêu gọi người Hồi Giáo khắp nơi “lên án và công khai bác bỏ các hành vi tội ác như các cuộc tấn công ở Paris”. Tuy nhiên, Đại Imam, một lần nữa, không kết án lạc giáo cho những tên khủng bố này, coi chúng chỉ là những người tội lỗi, chứ không phải là kẻ không tin. Lập trường này, Đại Imam cho rằng đã có từ thế kỷ thứ tám.

Cuối cùng, nói về vai trò của Al-Azhar, Đại Imam cho rằng các ý kiến của Al-Azhar không có tính bó buộc, “chúng tôi không phải là ngành tư pháp ban hành các bản án, cũng không phải là cơ quan hành pháp ban hành các sắc lệnh. Chúng tôi không khua gậy trừng phạt những ai không phù hợp với ý kiến của mình. […] Chúng tôi không thực hiện bất cứ sự bảo hộ nào, và cũng không phải là một thế lực tôn giáo”.

Nói chung, Đại Imam không bác bỏ việc đền thờ có nhiều vấn đề, nhưng cương quyết bác bỏ các mưu toan tô vẽ nó như người xúi bẩy bạo lực vốn là phần bệnh hoạn của thế giới Hồi Giáo ngày nay.

Các nhà bình luận cho rằng lời lẽ của el-Tayeb đại diện cho một nền văn hóa tôn giáo có lẽ khá phổ biến trong các xã hội Hồi Giáo hiện nay; nền văn hóa này lên án bạo lực nhân danh Thiên Chúa, nhưng gặp khó khăn lớn, không tích cực đương đầu với các vấn đề của xã hội đương thời cũng như các khát vọng mà các cuộc cách mạng Ả Rập đã đem lại dù một cách thoáng qua. Đây cũng là một lập trường lúng túng, kẹt cứng giữa hai luận bác. Một đàng có luận bác duy Hồi Giáo cho rằng cả về lượng lẫn về phẩm, sự hiện diện của Hồi Giáo trong xã hội không bao giờ đủ cả. Một đàng là lập trường duy hiện đại, muốn Hồi Giáo hoà giải với lý trí và khoa học, và có khả năng để lại sau lưng một truyền thống sẵn sàng sát hại người bỏ đạo, phân biệt đối xử giữa người Hồi Giáo và người không theo Hồi Giáo, khuất phục phụ nữ, như nhà phân tích Adil Numaan nhận định trên cùng nhật báo đã đăng bài phỏng vấn Đại Imam.

Đức Phanxicô, với thái độ hết sức cởi mở không những đối với các hệ phái Kitô Giáo và các tôn giáo hoàn cầu, mà còn đối với xã hội và văn hóa nói chung, có thể là một chất xúc tác để el-Tayeb mạnh dạn hơn trong các dấn thân của ông.

Kỳ sau: Chính Thống Giáo Ai Cập

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Tại sao linh mục kết hôn lại không thực sự khắc phục sự thiếu hụt?

Tại sao linh mục kết hôn lại không thực sự khắc phục sự thiếu hụt?
Các chủng sinh
Năm 1970, mỗi linh mục phục vụ cho 800 người Công giáo ở Hoa Kỳ. Ngày nay, số đó đã tăng hơn gấp đôi, với một linh mục cho mỗi 1.800 người Công giáo. Trên phương diện toàn cầu, tình hình còn tồi tệ hơn. Số người Công giáo cho mỗi linh mục tăng từ 1.895 năm 1980 lên 3.126 người vào năm 2012, theo một báo cáo của CARA tại Đại học Georgetown. Giáo hội Công giáo ở nhiều nơi trên thế giới đang trải qua những gì được gọi là "thiếu linh mục" hoặc "cuộc khủng hoảng linh mục".

Tháng trước, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời câu hỏi về sự thiếu hụt linh mục trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 8 tháng 3 được đăng trong tuần báo Die Zeit của Đức. Phần tiêu đề, tất nhiên, là về các linh mục đã kết hôn. "Đức Giáo hoàng Phanxicô mở ngỏ việc cho phép các linh mục đã kết hôn trong Giáo hội Công giáo" là một tiêu đề trên báo UAS Today (Hoa Kỳ ngày nay). "Đức giáo hoàng báo hiệu rằng ngài sẵn sàng đón nhận những người Công giáo kết hôn trở thành linh mục. Nhưng mọi thứ dường như không là như vậy. Đọc bản tin kỹ hơn một chút, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không nói rằng Cha A tại giáo xứ B có thể bỏ tình trạng độc thân và đi tìm một người vợ. Điều Đức Thánh Cha nói là ngài sẵn lòng khám phá khả năng những người đàn ông được chuẩn thuận ('viri probati'), những người đã kết hôn, được truyền chức linh mục. Hiện nay, những người như vậy thường trên 35 tuổi, đủ điều kiện được phong chức Phó tế vĩnh viễn, nhưng không phải là hàng linh mục. Tuy nhiên, hôn nhân không phải là giải pháp đầu tiên cho sự thiếu hụt linh mục mà Đức Thánh cha Phanxicô đề xuất. Trên thực tế, đó là giải pháp cuối cùng.

Nhấn mạnh đặc biệt về việc linh mục lập gia đình, Đức giáo hoàng nói: "Việc chọn đời sống độc thân được thảo luận, trên hết đó là việc cần thiết của các linh mục. Nhưng việc chọn độc thân không phải là giải pháp". Trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô cho thấy sự cởi mở hơn về khả năng những linh mục đã kết hôn trong những hoàn cảnh đặc biệt, sự ngần ngại của ngài về việc mở rộng vần đề đang lan rộng về việc linh mục đã lập gia đình phù hợp với những vị tiền nhiệm gần đây là Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng như truyền thống lâu đời của Giáo hội Công giáo La Mã.

Thế thì tại sao Giáo Hội ở phương Tây, ngay cả khi phải đối mặt với sự thiếu hụt linh mục đáng kể, lại thiếu kiên nhẫn nhằm thoát khỏi truyền thống linh mục độc thân, nếu điều đó có khả năng cản trở các ứng viên cho hàng linh mục?

Tại sao độc thân là tiêu chuẩn của Giáo hội phương Tây?

Cha Gary Selin là linh mục Công giáo La Mã và giáo sư tại Chủng viện Thánh John Vianney ở Denver. Tác phẩm của ngài "Sự Độc Thân Linh mục: Cơ sở Thần học" được cơ quan báo chí CUA xuất bản năm ngoái. Trong khi cuộc tranh luận về độc thân thường bị giảm đi theo lối sống thực tế - sự khó khăn trong việc trả lương thêm cho các linh mục đã kết hôn, câu hỏi về sự sẵn sàng trọn vẹn của họ - điều này bỏ qua nền tảng thần học phong phú của truyền thống độc thân. Một trong những lý do chính cho truyền thống 2.000 năm này là Kitô học, bởi vì nó dựa trên vị linh mục độc thân đầu tiên - Chúa Jêsus. "Chính Chúa Giêsu Kitô đã không bao giờ lập gia đình, và có điều gì đó về việc chúng ta bắt chước trọn vẹn cuộc sống của Chúa Giêsu rất hấp dẫn. Thật thú vị, Chúa Jêsus không bao giờ được đề cập như là lý do cho độc thân. Lần sau nếu bạn đọc các tài liệu về việc độc thân, hãy thử xem liệu chúng có nhắc đến Chúa của chúng ta hay không; Đôi khi Người bị bỏ ra khỏi toàn bối cảnh".

Đời sống độc thân của Chúa Kitô, mặc dù phù hợp với sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Người, nhưng không phù hợp với hôn nhân, bởi vì "ngài đã rời nhà cửa và gia đình của mình ở Nazareth để sống như một nhà truyền giáo lưu động, có ý thức từ bỏ một nơi ở vĩnh viễn: "Con Người không có chỗ gối đầu" (Mt. 8:20). Nhiều lần trong Tân Ước, Chúa Kitô ca ngợi tình trạng độc thân. Trong Matthêu 19: 11-12, Ngài trả lời câu hỏi của các môn đệ về hôn nhân, và nói rằng những người vì nước Trời mà từ bỏ hôn ước và quan hệ tình dục thì nên làm như vậy.

Cha Selin giải thích "Trong ba cách thức mà người ta không có khả năng hoạt động tình dục, thì cách thứ ba là tự nguyện: Những hoạn quan đã làm cho họ trở thành thái giám. Những người này làm như vậy vì nước thiên đàng, đó là, vì vương quốc mà Chúa Giêsu đã tuyên bố và khởi sự". Tuy nhiên, phải mất một thời gian cho "văn hoá độc thân" bắt kịp trong Giáo Hội sơ khai.

Chúa Kitô đến trần gian giữa dân tộc dân Do Thái với nền văn hoá đã được dạy dỗ từ nguyên tổ Adam và Eva "đã đơm bông và nhân rộng" (Sáng Thế 1:28, 9: 7) và được hứa rằng con cháu của họ sẽ "Như những vì sao trên trời và như cát trên bờ biển"(Sáng Thế 22:17). Là người chưa lập gia đình hoặc vô sinh thì bị loại trừ cho cả hai lý do thực tế và tôn giáo, và được xem như là một lời nguyền, hoặc ít nhất là thiếu sự ủng hộ của Thiên Chúa.

Các tông đồ cũng là những người Do thái, những người sẽ là một phần của nền văn hoá này. Được biết trong số đó, ít nhất Thánh Phêrô đã có vợ trong một thời gian, vì Kinh thánh đề cập đến mẹ vợ (Mt 8: 14-15). Thánh Gioan được các giáo phụ nghĩ là một trong số 12 tông đồ độc thân, đó là lý do tại sao Chúa Kitô có một tình yêu đặc biệt đối với vị tông đồ này. Một số tông đồ khác có thể đã kết hôn, phù hợp với phong tục Do Thái, nhưng cho rằng các vị đã thực hành sự kiên trì vĩnh cửu (lựa chọn kiêng cữ quan hệ tình dục) khi họ trở thành các tông đồ trong suốt cuộc đời còn lại của họ. Thánh Phaolô Tông Đồ khai mở rộng tình trạng độc thân, mà ngài cũng tuân thủ, trong I Côrintô 7: 7-8.

Vì hôn nhân là một phần không thể tách rời của nền văn hoá Do thái, thậm chí đối với các tông đồ, giáo sĩ của Giáo Hội sơ khai thường, nhưng không phải lúc nào cũng kết hôn. Tuy nhiên, những bằng chứng cho thấy các linh mục này được yêu cầu thực hành sự khôn ngoan hoàn hảo khi họ đã được phong chức. Các linh mục sau khi thụ phong mà có vợ mang thai thậm chí có thể bị trừng phạt bằng cách đình chỉ. Ngay từ đầu trong Giáo Hội, các giám mục được lựa chọn từ các linh mục độc thân, một truyền thống bắt buộc phải là linh mục độc thân. Ngay cả ngày nay, các Giáo hội Công giáo Nghi lễ Đông Phương, hầu hết cho phép các linh mục kết hôn, đã chọn các giám mục từ các linh mục độc thân. Khi "văn hoá độc thân" trở nên vững chãi, ngày càng trở thành tiêu chuẩn trong Giáo hội, cho đến khi những người đàn ông đã lập gia đình nộp đơn xin tấn phong thỉnh cầu lên Đức Giáo Hoàng để xin phép đặc biệt.

Hồi thế kỷ 11, Thánh Giáo hoàng Gregory VII ban hành một nghị định yêu cầu tất cả các linh mục phải độc thân và yêu cầu các giám mục thực hiện việc này. Độc thân đã trở thành một chuẩn mực kể từ thời Nghi Lễ Latinh, với những trường hợp ngoại lệ đặc biệt dành cho một số người theo đạo Anh giáo và Tin Lành chuyển đổi sang đạo Công giáo.

Dấu hiệu của vương quốc

Cha Selin giải thích rằng, một lý do khác mà chức linh mục độc thân có giá trị trong Giáo Hội là vì nó làm chứng nhân cho một điều gì đó lớn hơn thế giới này. Đức Bênêđictô XVI đã từng nói với các linh mục rằng độc thân kích động thế giới vì đó là dấu hiệu của vương quốc sẽ đến. "Thật đúng là đối với thế giới vô tri vô giác, thế giới mà trong đó Thiên Chúa không bước vào, thì độc thân là một vụ bê bối lớn, bởi vì nó cho thấy chính xác rằng Thiên Chúa được coi là và kinh nghiệm như hiện thực. Với chiều kích cánh chung của độc thân, thế giới tương lai của Thiên Chúa sẽ bước vào hiện thực của thời đại chúng ta. Và nếu điều này biến mất?", Đức Bênêđictô XVI nói hồi năm 2010.

Chính Chúa Kitô đã nói rằng không ai có thể kết hôn hoặc được kết hôn trên thiên đàng, và vì vậy độc thân là dấu hiệu của thị kiến ​​chân thật (xem Mt 22: 30-32). Cha Selin nói rằng "Cuộc sống hôn nhân sẽ qua đi khi chúng ta đối mặt với Thiên Chúa và tất cả chúng ta trở thành một phần của Giáo Hội hiền thê. Người độc thân là một biểu tượng trực tiếp của điều này".

Một giá trị khác của độc thân là nó cho phép các linh mục gần gũi hơn với Chúa Kitô trong việc bắt chước Người đầy đủ hơn. "Linh mục được truyền chức là Chúa Jêsus cho người khác, vì vậy linh mục có thể cống hiến hết thân xác và linh hồn cho chính Thiên Chúa, và từ sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, linh mục có thể phục vụ Giáo hội. Chúng ta không thể đảo ngược điều này". Thông thường, tình trạng độc thân được trình bày vì lý do thực tế về tiền bạc và thời gian, nhưng không đủ lý do là để duy trì truyền thống. Điều đó không đủ và điều đó không làm tràn ngập trái tim của một người độc thân, bởi vì trước hết linh mục độc thân muốn có sự thân mật với Thiên Chúa. Độc thân trước hết là một sự gần gũi tuyệt vời, sâu sắc với Chúa Kitô"

Quan điểm của linh mục đã kết hôn: Đừng thay tình trạng Linh mục độc thân

Cha Douglas Grandon là một trong những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi đó - một linh mục Công giáo đã kết hôn. Ông là linh mục thuộc giáo phái Episcopalian đã kết hôn khi ông và gia đình quyết định vào Giáo hội Công giáo cách nay 14 năm và được sự cho phép của Đức Bênêđictô XVI để trở thành linh mục Công giáo. Dù vậy Cha Grandon thừa nhận sự thiếu hụt linh mục, việc mở ngỏ cho linh mục lập gia đình sẽ không giải quyết vấn đề gốc của sự thiếu hụt này. "Theo tôi, chìa khóa để giải quyết sự thiếu hụt linh mục là cam kết nhiều hơn đối với những gì mà George Weigel gọi là Công giáo truyền giáo. Dù bạn là người Tin lành hay Công giáo, ơn gọi đến từ một cam kết rất mạnh mẽ đối với những mệnh lệnh cơ bản của Chúa Giêsu để rao giảng Phúc Âm và làm môn đệ. Bất cứ nơi nào có sự cam kết mạnh mẽ của Tin Mừng, bất cứ nơi nào các linh mục cam kết làm phong phú thêm đức tin cho con người và làm cho họ thành những môn đồ nghiêm chỉnh, thì bạn có ơn gọi. Đó thực sự là chìa khoá".

Ông cũng nói rằng mặc dù ông "hết lòng biết ơn" Thánh Gioan Phaolô II cho phép ngoại lệ được nhận lãnh chức linh mục độc thân vào năm 1980 - cho phép các mục sư Tin Lành trở thành linh mục - ông cũng thấy giá trị của việc linh mục độc thân và không bênh vực để loại bỏ nó. "... Chúng tôi thực sự tin rằng ơn gọi độc thân là một điều tuyệt vời đáng trân trọng, và chúng tôi không muốn bất cứ điều gì phá hoại nơi đặc biệt này của chức linh mục độc thân. Chúa Giêsu độc thân, Phaolô độc thân, một số trong số 12 tông đồ độc thân, vì vậy đó là một món quà đặc biệt mà Thiên
Chúa ban cho Giáo hội Công giáo".

Cha Joshua J. Whitfield, một linh mục khác đã kết hôn, cư trú tại Dallas và là một nhà bình luận cho Thông tấn xã The Dallas Morning News gần đây đã viết về kinh nghiệm của mình là một linh mục đã lập gia đình, nhưng cũng nói rằng ông sẽ không muốn Giáo hội thay đổi chuẩn mực cuộc sống độc thân. "Những gì chúng ta cần là một Lễ Hiện Xuống mới. Đó là cách đầu tiên giải quyết sự 'thiếu hụt'. Mười hai tông đồ đợi Chúa Thánh Thần, và Người đã đến. "Nhìn thấy cuộc khủng hoảng này theo tinh thần là điều thực tế. Và đó là cách duy nhất chúng ta sẽ giải quyết đúng cách... Tôi đơn giản không tin rằng kinh tế (linh mục kết hôn) sẽ tăng trưởng trong hàng giáo sĩ hoặc Giáo hội".

Một cái nhìn về sự thiếu hụt linh mục ở Hoa Kỳ

Tổng giáo phận Los Angeles là giáo phận lớn nhất ở Hoa Kỳ, với số lượng người Công giáo 4.029.336, theo Niên giám Công giáo Kenedy và Sons. Với tổng cộng 1.051 linh mục triều và dòng, tổng giáo phận có tỉ lệ một linh mục cho mỗi 3.833 người Công giáo - gấp đôi tỷ lệ quốc gia. Mặc dù dân số Công giáo lớn, là "một phước lành vĩ đại và cũng là một thử thách lớn lao", Cha Samuel Ward, phó giám đốc của Tổng Giáo phận về ơn gọi, nói với CNA rằng ngài không hy vọng hoặc không lường trước được bất kỳ thay đổi lớn nào trong việc thực hiện tình trạng độc thân linh mục. Cha nói "Tôi tin tưởng vào giá trị độc thân tuyệt vời của chức linh mục Công giáo La Mã". Cha cũng thấy lý do tuyệt vời cho hy vọng. Những thành tựu gần đây về số lượng chủng sinh và thanh niên xem xét chức linh mục dường như đang tạo đà tích cực cho ơn gọi trong các thế hệ tương lai. Xu hướng này cũng mang tính quốc gia - CARA báo cáo rằng thêm khoảng 100 người được phong chức linh mục vào năm 2016 so với năm 2010. Trong khoảng từ năm 2005 đến năm 2010, chỉ khác biệt có 4 người.

Trong Tổng Giáo phận New York, giáo phận lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, có dân số Công giáo là 2.642.740 và 1.198 linh mục triều và dòng, có nghĩa là một linh mục cho mỗi 2.205 người Công giáo. "Tôi nghĩ chúng ta có lẽ giống như hầu hết các giáo phận khác ở trong nước, vì trong 40-50 năm qua, số người được truyền chức không theo kịp số linh mục nghỉ hưu hay qua đời". Joseph Zwilling, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận cho biết. Đó là một phần lý do tại sao gần đây họ đã trải qua một quá trình tái tổ chức rộng rãi, bao gồm việc đóng cửa và tái hợp nhiều giáo xứ, trong
đó nhiều người đã thấy họ không có cha sở trong những năm gần đây. Zwilling cho biết: "Thay vì chờ đợi cho khủng hoảng xảy ra, chúng tôi muốn thận trọng và lên kế hoạch cho tương lai sẽ như thế nào trong Tổng Giáo Phận New York.

Đức ông Peter Finn là linh mục ở New York trong 52 năm, và là hiệu trưởng Chủng viện Thánh Giuse trong 6 năm đầu những năm 2000, ngài đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo linh mục. Mặc dù thừa nhận có một sự thiếu hụt, ngài không tin rằng việc loại bỏ tình trạng độc thân sẽ giải quyết được bất cứ điều gì. "Sau 52 năm làm linh mục, tôi thực sự không chắc việc đó (độc thân) sẽ tạo ra sự khác biệt lớn". Vì cuộc khủng hoảng không phải là điều duy nhất đối với ơn gọi linh mục, vấn đề rộng hơn là thiếu sự cam kết - không chỉ đối với đời sống linh mục mà cả về ơn gọi hôn nhân và những ơn gọi khác của đời sống tận hiến.

Cha Selin cũng phản ảnh những cảm xúc đó. "Nó sâu hơn, nó đi sâu vào khủng hoảng đức tin, một chủ nghĩa duy vật tràn lan, và đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Vì vậy, nếu hôn nhân không giải quyết được vấn đề, điều gì sẽ giải quyết?

Trường học, chủng viện, và một nền văn hoá ơn gọi

Mặt khác, Tổng Giáo phận St. Louis đã không bị thiếu hụt nghiêm trọng như vậy. Khi so sánh với các giáo phận lớn khác (Những giáo phận có 300.000 người Công Giáo trở lên), Tổng Giáo phận St. Louis có nhiều linh mục nhất tính trên đầu người: chỉ có 959 người Công giáo cho mỗi linh mục hồi năm 2014.

John Schwob, giám đốc kế hoạch mục vụ cho tổng giáo phận, nói rằng điều này có thể được quy cho một số điều - Những trường học Công giáo lớn và năng động, chủng viện địa phương, và các tổng giám mục làm cho ơn gọi trở thành mục tiêu hàng đầu. "... trở lại lúc khai sinh giáo phận của chúng ta vào năm 1826, các vị giám mục đầu tiên đã thực hiện nhiều chuyến đi đến châu Âu để mang về các linh mục dòng và triều và các tu sĩ là những người đã xây dựng các giáo xứ và trường học Công giáo cách mạnh mẽ. Điều đó đã tạo ra khí thế tiếp tục gần 200 năm."

Ba điều này cũng đúng với Giáo phận Lincoln, nơi có dân số nhỏ hơn và tỷ lệ: một linh mục cho 577 người Công giáo, ít hơn một phần ba tỷ lệ quốc gia. Giống như ở St. Louis, giám đốc ơn gọi của Lincoln Cha Robert Matya ghi nhận nhiều ơn gọi của giáo phận là từ các trường Công giáo có các linh mục và nữ tu.

"Phần lớn ơn gọi của chúng tôi đến từ những đứa trẻ trong hệ thống trường học Công giáo của chúng tôi", Cha Matya nói. "Điều duy nhất về Lincoln là các lớp học về tôn giáo trong tất cả các trường trung học Công giáo được các linh mục hay nữ tu dạy, và đó thường không phải là trường hợp... các học sinh chỉ tiếp xúc nhiều với các linh mục và nữ tu hơn là một đứa trẻ học trung học ở một nơi khác không có linh mục dạy cho họ hoặc không có sự tương tác với một linh mục hay một nữ tu". Giáo phận cũng có hai Dòng nữ - Dòng Mến Thánh Linh (Holy Spirit Adoration - hay còn gọi là các Nữ tu Áo Hồng) và Dòng Kín - những người cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục và ơn gọi.

Đức Ông Timothy Thorburn, Chưởng Ấn Tòa giám mục Giáo phận Lincoln, nói rằng khi các nữ tu Carmelite chuyển đến giáo phận vào cuối những năm 90, hai chủng viện địa phương mọc lên "gần như qua đêm" - một chủng viện nhỏ của giáo phận và một chủng viện cho Huynh đệ đoàn Chư hầu của Thánh Phêrô. "Bất cứ khi nào các linh mục được đào tạo, ma quỷ sẽ làm việc, và tu sĩ Dòng Kín là những gì chúng ta coi như các quân nhân thủy quân lục chiến trong cuộc chiến đấu chống lại quyền năng của bóng tối, các nữ tu là những người trên tuyến đầu. Vì vậy, ngay giữa lúc thành lập hai chủng viện này, các nữ tu Carmelite... hỏi họ có thể được xem xét để xây dựng một tu viện trong giáo phận chúng tôi".

Một cam kết về giáo huấn Công giáo tông truyền và chính thống cũng rất quan trọng đối với ơn gọi, Đức ông Thorburn lưu ý. "Tôi lớn lên trong những năm 60, 70 và 80, và nhiều người trong Giáo hội nghĩ rằng nếu chúng ta trở nên hiền hơn, những người trẻ tuổi sẽ bị thu hút bởi đời sống giáo sĩ và tu sĩ... và điều ngược lại xảy ra. Những người trẻ tuổi đã bị đẩy lùi bởi điều đó. Chúng muốn làm một cam kết, họ muốn được dạy dỗ chính xác Công giáo, đức tin Công giáo đích thực, họ không muốn nửa vời, một phiên bản đức tin được tưới gội; nó không hấp dẫn đối với họ chút nào cả. Và tôi nói sự thật cũng như vậy ngày nay. Chức linh mục sẽ không trở nên hấp dẫn hơn nếu vì cách nào đó Giáo Hội nói rằng những người kết hôn có thể được thụ phong."

Các giải pháp của ĐGH Phanxicô: Cầu nguyện, bồi dưỡng ơn gọi và tỉ lệ sinh sản

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không tin rằng việc linh mục kết hôn là giải pháp cho sự thiếu hụt linh mục. Trước khi ngài nhắc đến việc những người kết hôn cho chức linh mục với hãng tin Die Zeit, Đức Giáo hoàng đã nói về cầu nguyện. "Giải quyết đầu tiên - bởi vì tôi nói như một người tin Chúa - Chúa đã bảo chúng ta hãy cầu nguyện. Cầu nguyện, cầu nguyện đã bị mất tích", ngài nói với tờ báo.

Rose Sullivan, Giám đốc Hội nghị Quốc gia của các Giám đốc Ơn gọi Giáo phận, và là mẹ của một chủng sinh sắp sửa được thụ phong linh mục, đồng ý với Đức Giáo hoàng. "Chúng ta sẽ không đề cập đến nó như là 'thiếu hụt linh mục' hay 'khủng hoảng ơn gọi'. Chúng ta sẽ đề cập đến nó là cuộc khủng hoảng cầu nguyện. Thiên Chúa đã không ngừng gọi mọi người đáp lại tiếng gọi của họ, chúng ta đã ngừng lắng nghe; Tiếng ồn của nền văn hoá đã xoán chỗ. Kinh Thánh nói: 'Lạy Chúa xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe.' Vậy câu hỏi sẽ là, chúng ta đang lắng nghe không? Và tôi nói chúng ta có thể làm được nhiều việc tốt hơn khi biết lắng nghe."

Một giải pháp khác do ĐGH Phanxicô đề xuất: tăng tỉ lệ sinh, vốn đã giảm mạnh ở nhiều nơi của Giáo hội, đặc biệt ở Phương Tây. Ở một số nước Châu Âu, vốn là cái nôi của Công giáo thế giới, tỉ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp đến mức các chính phủ đang lên kế hoạch độc đáo để khuyến khích sinh em bé. "Nếu không có thanh niên, không thể có linh mục", Đức Giáo hoàng nói. Ơn gọi hôn nhân và linh mục do đó liên quan đến nhau. "Chúng hỗ tương nhau, và phụ thuộc vào nhau. Nếu chúng ta không lập gia đình, chúng ta không có gì để đào tạo linh mục, và các gia đình cần các linh mục để rao giảng và ban các bí tích."

Giải pháp thứ ba do Đức Giáo hoàng Phanxicô đề xuất đã kích hoạt những bạn trẻ và nói trực tiếp với họ về ơn gọi. Nhiều linh mục có thể lần theo bước đường ơn gọi của họ khởi đầu với lời mời cá nhân, thường được thực hiện bởi một linh mục, cũng như chứng nhân của các linh mục thánh thiện và tốt lành đã là một phần quan trọng trong cuộc đời của họ.

Một cựu giám đốc ơn gọi đã tiến hành một cuộc thăm dò không chính thức, và ông ta hỏi, "Các bạn nghĩ gì về chức linh mục?" Và hầu hết họ nói "vì cha sở đã tiếp cận tôi. Đó là điều tương tự đối với tôi. Khi linh mục sống chức tư tế của mình với niềm vui và lòng trung thành lớn lao, ông là người quảng bá hiệu quả nhất cho ơn gọi, bởi vì một người trẻ có thể nhìn thấy mình trong vị linh mục đó". Đức ông Thorburn nói thêm: "Không có việc thiếu hụt ơn gọi. Thiên Chúa gọi đủ số người trong Giáo hội phương Tây, theo truyền thống của chúng ta, Ngài ban cho một món quà độc thân bằng ơn gọi. Chúng ta chỉ phải tạo ra chỗ cho những hạt giống đó rơi trên đất màu mỡ."

 

Trung Nguyên

Những manh mối cho biết chính xác ngày và giờ Chúa Giêsu chịu chết

Những manh mối cho biết chính xác ngày và giờ Chúa Giêsu chịu chết
Chúa Giêsu đứng trước Philatô
(TT) - Trên trang web http://www.ncregister.com có bài phân tích của Jimmy Akin khá thú vị cho biết chính xác ngày giờ Chúa Giêsu chịu chết. Điều tối quan trọng là mỗi Kitô hữu cần tin vào Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội. Những phân tích chỉ cho chúng ta thấy sự thật lịch sử về cái chết và sống lại của Chúa Kitô, hầu tăng thêm và củng cố đức tin của chúng ta. "Phúc cho ai đã không thấy mà tin!"

Chúng ta vừa cử hành Lễ Phục Sinh và Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ tưởng niệm hằng năm về cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đều biết rằng điều này đã xảy ra ở Giêrusalem trong thế kỷ thứ nhất. Đây là 7 manh mối cho chúng ta biết chính xác khi Chúa Giêsu qua đời (năm, tháng, ngày và giờ được hé lộ). Chúng ta có thể cụ thể về cái chết của Chúa Giêsu? Chúng ta có thể xác định ngày chính xác không? Chúng ta có thể. Và đây là những manh mối đáng chú ý:

Manh mối 1: Thầy Cả Thượng phẩm Caipha

Các Phúc Âm chỉ ra rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá do sự báo thù của thầy cả thượng phẩm hồi thế kỷ thứ nhất là Caiaphas (Mt 26,3-4; Ga 11,49-53). Chúng ta biết từ những nguồn tài liệu khác là ông đã làm Thầy Cả Thượng phẩm từ năm 18 đến năm 36, thế nên cái chết của Chúa Giêsu xảy ra trong khung thời gian đó. Nhưng chúng ta có thể cụ thể hơn. Nhiều hơn nữa.

Manh mối 2: Tổng trấn Phongxiô Philatô

Cả bốn Phúc Âm đều đồng ý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh theo mệnh lệnh của Phongxiô Philatô (Mt 27,24-26; Mc 15,15; Lc 23,24; Ga 19,15-16). Từ những nguồn tài liệu khác cho chúng ta biết Philatô làm Tổng trấn Judea từ năm 26 đến năm 36 sau Công Nguyên, vì vậy chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách được vài năm. Nhưng làm thế nào chúng ta đưa đến kết luận cụ thể vào một ngày và năm nào?

Manh mối 3: "Năm thứ mười lăm của Hoàng đế Tiberius Caesar"

Phúc Âm Luca cho chúng ta biết sứ vụ của Gioan Tẩy Giả bắt đầu: Vào năm thứ 15 của triều đại Tiberius Caesar... Lời của Đức Chúa đã đến cùng Gioan, con của Giacaria ở đồng vắng (Lc 3,1-2). Sự kiện này đưa ra một năm cụ thể: 29. Vì tất cả bốn sách Tin Mừng mô tả sứ vụ của Chúa Kitô bắt đầu sau khi sứ vụ của Gioan được khởi sự (Mt 3; Mc 1; Lc 3; Ga 1), nghĩa là chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách thêm ít năm nữa. Cái chết của Chúa Kitô phải nằm trong khoảng 7 năm: từ năm 29 đến năm 36.

Manh mối 4: Bị đóng đinh vào Thứ Sáu

Cả bốn Phúc Âm đều đồng ý rằng Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào ngày thứ Sáu (Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Ga 19,42), ngay trước ngày Sabát, là ngày trước ngày đầu tuần (Mt 28,1; Mc 16,2; Lc 24,1; Ga 20,1). Chúng ta biết rằng đó là Thứ Sáu vì nó được gọi là "ngày chuẩn bị" - nghĩa là ngày mà người Do Thái chuẩn bị cho ngày Sabát, vì họ không thể làm bất cứ công việc nào vào ngày đó. Vì vậy, họ phải nấu chín thực phẩm trước và thực hiện các chế phẩm cần thiết khác. Bách khoa toàn thư Do Thái (The Jewish Encyclopedia) minh định rằng: Thứ Sáu, là ngày đi trước ngày Shabbat, được gọi là "Ereb Shabbat" (Ngày vọng của ngày Sabát). Thuật ngữ "ereb" có hai ý nghĩa: "buổi tối" và "phụ gia" (x. xii 38); và "Ereb Shabbat" định nghĩa là ngày mà buổi tối ngày Sabát bắt đầu, hoặc ngày mà thức ăn được chuẩn bị cho cả ngày hôm nay và những ngày sau sau đó, tức là ngày Sabát. Ý tưởng về sự chuẩn bị được diễn tả trong tiếng Hy Lạp paraskeué, được Josephus nêu ra ("Ant." xvi.6, § 2) cho ngày hôm đó (so sánh với Mc 15,42; Lc 23,54; Mt 27,62; Ga 19,42). Theo Yer. Pesaḥim Bộ IV.1, ngày này được gọi là "Yoma da-'Arubta", Ngày Chuẩn bị (Jewish Encyclopedia, s.v., Lịch Do Thái). Điều này loại bỏ 6 ngày khác trong tuần, nhưng vẫn còn một số ngày thứ sáu giữa năm 29 và 36. Chúng ta có thể tìm ra thứ sáu nào đây?

Manh mối 5: Một ngày Thứ Sáu Lễ Vượt Qua

Các Phúc Âm cũng đồng ý rằng việc Đức Chúa Giêsu bị đóng đinh nối kết với Lễ Vượt Qua hằng năm (Mt 26,2; Mc 14,1; Lc 22,1; Ga 18,39). Ở đây chúng ta gặp phải một trở ngại tạm thời, bởi vì Matthêu, Maccô và Luca mô tả Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh như bữa ăn Lễ Vượt Qua (Mt 26,19; Mc 14,14; Lc 22,15). Điều đó có thể gợi ý rằng Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày sau Lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, khi miêu tả sáng Thứ Sáu Tuần Thánh, Gioan cho biết rằng các quan chức Do Thái chưa ăn Lễ Vượt Qua: Rồi họ dẫn Chúa Giêsu ra khỏi nhà Caipha đến Cung Praetorium (nghĩa là, Dinh Tổng trấn Philatô). Lúc ấy trời còn sớm nên họ không vào Praetorium, để họ không bị ô uế, nhưng có thể ăn Lễ Vượt qua. Vì vậy, Philatô đến với họ (Ga 18,28-29a). Điều đó cho thấy Lễ Vượt Qua đã bắt đầu vào chiều ngày Thứ Sáu.

Có một số cách giải quyết vấn đề này. Ví dụ, một số người đã gợi ý rằng Chúa Giêsu và các tông đồ đã sử dụng một lịch khác với các nhà nước Do Thái và chúng ta biết rằng có những lịch khác nhau được sử dụng trong Do Thái giáo vào thế kỷ I. Cũng có thể là Chúa Giêsu và các tông đồ ăn Lễ Vượt Qua sớm hơn. Vì các vị đã biết Người là Đấng Messia và Con của Chúa Trời. Nếu Người nói "chúng ta ăn mừng Lễ Vượt Qua hôm nay", và đó là một ngày sớm hơn những người khác, họ chỉ theo ý định đó (lưu ý rằng Người đã làm những thay đổi khác cho buổi lễ, chẳng hạn trong đó có việc thiết lập Bí tích Thánh Thể). Và có những giải pháp khác nữa.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn nhận lời tuyên bố của Gioan về những kẻ bắt bớ Chúa Giêsu như một dấu hiệu cho thấy chính quyền Do Thái hay người Do Thái thực hành chủ đạo là: Họ mừng Lễ Vượt Qua bắt đầu vào ngày mà chúng ta gọi là chiều tối Thứ Sáu. Điều đó cho phép chúng ta thu hẹp phạm vi còn lại ít ngày. Đây là danh sách đầy đủ những ngày thứ Sáu (Dothái) giữa năm 29 và 36 mà buổi tối Lễ Vượt Qua bắt đầu:

Thứ hai, ngày 18 tháng 4 năm 29 
Thứ sáu, ngày 7 tháng 4 năm 30
Thứ ba, ngày 27 tháng 3 năm 31
Thứ hai, ngày 14 tháng 4 năm 32
Thứ sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33
Thứ tư, Ngày 24 tháng 3 năm 34
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 35
Thứ bảy, ngày 31 tháng 3 năm 36

Như vậy, chúng ta chỉ còn 2 ngày rơi vào Thứ Sáu: Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào ngày 7 tháng 4 năm 30 hoặc ngày 3 tháng 4 năm 33. Đó là ngày nào? Theo truyền thống thì ngày đó xảy ra vào năm 33. Một số người lại ủng hộ ngày đó xảy ra vào năm 30. Kinh Thánh có cho chúng ta quyết định ngày nào trong 2 ngày đó chăng?

Manh mối 6: 3 Lễ Vượt Qua theo Gioan


Phúc âm của Gioan ghi lại 3 Lễ Vượt Qua khác nhau trong sứ vụ của Chúa Giêsu:

Lễ Vượt Qua 1: Được ghi lại trong Gioan 2,13, lúc bắt đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.
Lễ Vượt Qua 2: Được ghi lại trong Gioan 6,4, ở giữa sứ vụ của Chúa Giêsu.
Lễ Vượt Qua 3: Được ghi lại trong Gioan 11,55 (và sau này thường được nhắc đến) vào cuối sứ vụ của Chúa Giêsu.

Điều này có nghĩa là sứ vụ của Chúa Giêsu đã phải trải qua hơn 2 năm. Một cuộc điều tra đầy đủ hơn tiết lộ rằng sứ vụ này kéo dài khoảng 3 năm rưỡi, nhưng ngay cả khi chúng ta giả định sứ vụ bắt đầu ngay Lễ Vượt Qua 1, thì việc có thêm 2 Lễ Vượt Qua nữa cho thấy rằng sứ vụ đã tối thiểu kéo dài hơn 2 năm. Điều đó có nghĩa là ngày Thứ Sáu vào năm 30 bị loại vì không có đủ thời gian giữa năm thứ 15 của Triều đại Hoàng đế Tiberius Caesar (29 A.D) và Lễ Vượt Qua năm sau thích hợp với khoảng thời gian sứ vụ ít nhất là hai năm. Do đó, ngày truyền thống về cái chết của Chúa Giêsu - Thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33 - phải được coi là đúng.

Liệu chúng ta có thể chính xác hơn được không?

Manh mối 7: "Giờ thứ chín"


Matthêu, Maccô và Luca từng ghi rằng Chúa Giêsu chết khoảng "giờ thứ chín" (Mt 27,45-50; Mc 15,34-37; Lc 23,44-46). "Giờ thứ chín" là giờ ngày nay là 3 giờ chiều. Điều này cho phép chúng ta thu hẹp thời gian Chúa Giêsu chết vào một thời điểm rất cụ thể trong lịch sử: khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33. Tất nhiên, có rất nhiều tranh luận chi tiết mà chúng ta không thể giải quyết ở đây. Nhưng đó là sự kiện đã xảy ra.

Trung Nguyên

Hai vị hồng y đáng đọc

Hai vị hồng y đáng đọc
Vũ Văn An4/23/2017

Trong thời bị nhiều người coi là hỗn độn mơ hồ và gần như tự mâu thuẫn này, điều rất may là chúng ta vẫn còn hai vị Hồng Y xuất sắc cầm đầu hai thánh bộ quan trọng. Đó là Đức Hồng Y người Guinea, Robert Sarah, cầm đầu Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, và Đức Hồng Y người Đức, Gerhard Müller, cầm đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cũng rất may là Nhà Xuất Bản Ignatius của Hoa Kỳ, gần đây, liên tiếp cho xuất bản hai cuốn sách của hai vị Hồng Y này.


Đức Hồng Y Sarah, sẽ 72 tuổi vào trung tuần tháng Sáu này, đã trở thành tiếng nói dẫn đầu việc canh tân phụng vụ, một cuộc canh tân ngài hy vọng sẽ nhấn mạnh tới việc bị làm quá, để ta có thể trở nên ý thức hơn và mở lòng ra đón nhận sự hiện diện của Chúa. Một nhà báo Pháp, Nicolas Diat, đã cộng tác với Đức Hồng Y Sarah trong việc lên khuôn cho bản văn của hai cuốn sách nhằm biểu lộ các tầm nhìn thấu suốt của Đức Hồng Y về nhiều vấn đề chủ chốt trong đời sống thiêng liêng. Cuốn đầu tựa là Thiên Chúa hay Hư Vô: Cuộc Đàm Đạo về Đức Tin (God or Nothing: A Conversation on Faith), xuất bản vào Mùa Thu năm 2015. Cuốn thứ hai, vừa được phát hành bằng tiếng Anh, tựa là The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise (Sức Mạnh của Im Lặng: Chống Lại Nền Độc Tài của Ồn Ào).

Trong 5 chương sách, cuốn The Power of Silence suy niệm về sự im lặng của Thiên Chúa, một sự im lặng nói với mỗi người chúng ta trong thẳm sâu linh hồn mình, và cũng về sự im lặng mà chúng ta phải vun sới trong chính chúng ta ngõ hầu trở thành người tiếp nhận. Cuốn sách kết cấu rộng rãi quanh sự tương phản giữa im lặng và thế giới, mầu nhiệm im lặng trong điều thánh thiêng, và cả sự im lặng của Thiên Chúa trước sự ác nữa. Điều quá thông thường là chúng ta hay để Thiên Chúa ở bên ngoài để tự dìm mình vào sự ồn ào của thế giới. Điều có thể nguy hiểm ở đây là việc phát triển một đời sống nội tâm đầy ơn thánh.


“Tương lai của chúng ta ở trong tay Thiên Chúa chứ không ở trong cảnh giao động ồn ào của các cuộc thương thảo của con người, cho dù các cuộc thương thảo này xem ra hữu dụng đến đâu. Cả ngày nay nữa, các chiến lược mục vụ của ta mà không có đòi hỏi, không kêu gọi hồi tâm, không triệt để quay về với Thiên Chúa, chỉ là những nẻo đường không dẫn tới đâu. Chúng là các trò chơi chính xác về chính trị không thể dẫn ta tới Thiên Chúa bị đóng đinh, Đấng Giải Phóng đích thực của chúng ta” (#34).

Hay, như Đức Hồng Y Sarah đã nhắc tới trong cuốn sách đầu tiên của ngài: “Con người phải chọn lựa: Thiên Chúa hay hư vô, im lặng hay ồn ào” (#111).

Cuốn sách đầy những viên ngọc qúy, không phải chỉ của Đức Hồng Y Sarah mà còn của Dom Dysmas de Lassus, Bề Trên Cả Dòng Xitô, người tham gia cuộc thảo luận ở chương cuối, và thỉnh thoảng của cả Nicolas Diat nữa; vai trò ông này phần lớn là đưa ra các nhận xét và câu hỏi để hướng dẫn cuộc thảo luận. Xét về mặt chủ yếu, Đức Hồng Y Sarah hiểu rằng “những người sống trong ồn ào giống như bụi bặm bị gió cuốn đi” (#110), trong khi “im lặng chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa, đem đến cho con người những lúc dừng lại để nhìn vào chính mình” (#115).

Ngoài cuộc sống hàng ngày của chúng ta ra, Đức Hồng Y áp dụng cái hiểu im lặng trên vào phụng vụ, và thậm chí vào sứ mệnh của Giáo Hội như một toàn thể, nhất là chống lại cơn cám dỗ hiện chúng ta đang đối diện nhằm giản lược mầu nhiệm Chúa Kitô vào việc chỉ giải quyết các vấn đề xã hội. Ta hãy đọc:

“Trong một thế giới duy tục, suy đồi, nếu Giáo Hội tự để mình bị quyến rũ bởi những mỹ nhân ngư duy vật, ưa truyền thông và duy tương đối, thì Giáo Hội có nguy cơ biến cái chết của Chúa Kitô trên Thập Giá để cứu chuộc các linh hồn trở thành vô ích. Sứ mệnh của Giáo Hội không phải là giải quyết mọi vấn đề xã hội của thế giới; Giáo Hội phải không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại những lời đầu tiên của Chúa Giêsu ở buổi đầu thừa tác vụ công khai của Người ở Galilê: ‘thời đã đến và Nước Thiên Chúa đang gần kề; hãy ăn năn, và tin vào tin mừng’ (Mc 1:15)” [#305].

The Power of Silence không chỉ có ý hướng tốt mà còn là một sách đọc thiêng liêng nữa.

Phúc Trình Müller


Để nhắc nhớ ấn phẩm nổi tiếng của mình trước đây tựa là Phúc Trình Ratzinger (The Ratzinger Report), Nhà Xuất Bản Ignatius Press của Hoa Kỳ đặt tựa cho cuộc phỏng vấn vị cầm đầu hiện nay của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là The Cardinal Müller Report: An Exclusive interview on the State of the Church (Phúc Trình Đức Hồng Y Müller: Cuộc Phỏng Vấn Độc Quyền về Tình Trạng Giáo Hội), xuất bản đầu năm nay. Quả thực, Đức Hồng Y Gerhard Müller, 69 tuổi, nhắc người ta nhớ tới Đức Hồng Y Ratzinger (tức Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI). Ngài đề cập tới các vấn đề phức tạp với cùng một cách cũng uyên bác, đầy suy tư, có tính tâm linh sâu sắc và hoàn toàn chính xác như vậy.

Không như The Power of Silence, là cuốn trình bầy các suy niệm dài phân thành các đoạn có đánh số, nhằm trả lời các câu hỏi khá khái quát, các câu hỏi do Cha Carlos Granados nêu ra với Đức Hồng Müller thì nhiều hơn và nhận được các câu trả lời ngắn hơn nhưng vẫn sắc sảo. Tuy nhiên, các câu hỏi chuyên biệt được tổ chức thành các đầu đề bao quát. Chủ đề của mỗi chương là “chúng ta có thể hy vọng điều gì”, từ Chúa Kitô, từ Giáo Hội, từ gia đình và từ xã hội. Kết luận trình bầy các suy nghĩ của Đức Hồng Y Müller về “chìa khóa để hiểu lòng thương xót”.

Cha Granados là Tổng Giám Đốc của Biblioteca de Autores Cristianos [Tủ Sách Các Tác Giả Kitô Giáo] ở Madrid, có bằng tiến sĩ về Thánh Kinh. Vì Đức Hồng Y Müller rất thông thạo tiếng Tây Ban Nha, nên việc hợp tác giữa hai vị tiến triển rất thuận lợi. Đức Hồng Y Müller cũng cho thấy một sự quân bình về thần học rất hiếm trong Giáo Hội ngày nay, không bao giờ ngài quá đơn giản hóa các chủ trương của những người ngài bất đồng, và luôn có khả năng giải thích sự thật bằng những giải đáp hữu hiệu cho các câu hỏi và các nghi vấn được thời nay nêu ra.

Chúng tôi thiết tưởng nên chứng minh nhận định trên qua một số câu hỏi của Cha Granados và các câu trả lời của Đức Hồng Y:

Hỏi: Đâu là mối tương quan giữa tín lý và đời sống? Có hay chăng điều này: một tín lý mà lại không liên hệ gì tới một cuộc gặp gỡ bản thân, tới một đời sống? Và, đàng khác, có hay chăng điều này là một cuộc gặp gỡ bản thân hay một đời sống mà lại không can dự hay không bao hàm một tín lý?

Đức Hồng Y Müller: nhị phân này [giữa tín lý và cuộc sống Kitô hữu] vô giá trị, và nó tạo ra nhiều mơ hồ. Tín lý Kitô Giáo không phải là một lý thuyết, một thứ hệ thống nào đó do thuyết duy tâm hay cả ý thức hệ đưa ra… Qua điều này, tôi muốn nói rằng không hề có yếu tố tín lý nào nằm ngoài cuộc gặp gỡ bản thân [với Chúa Kitô], và ngược lại…

Ơn cứu chuộc tùy thuộc tính chính thống, hiểu như quan niệm chính xác về sự sống đời đời: tính chính thống không phải là một học thuyết về Thiên Chúa, mà là vấn đề liên hệ có tính bản vị của Thiên Chúa với tôi. Vì lý do này, lạc giáo luôn ánh hưởng tới mối tương quan bản thân này, vì nó tách biệt Thiên Chúa, Đấng là sự thật, ra khỏi việc mạc khải cùng một sự thật ấy (các trang 97-98).

Hỏi: Há chúng ta không có “quyền” được tôn trọng ý muốn và được hành động theo ý muốn đó sao?

Đức Hồng Y Müller: Các nhân quyền đặt căn bản trên bản tính nhân loại, chứ không đặt căn bản trên ý muốn của các cá nhân. Chỉ nơi nào phẩm giá chân chính của con người nhân bản được duy trì mới có các quyền lợi và nghĩa vụ, vì đây là cách duy nhất để phẩm giá này thể hiện tính viên mãn của nó. Đây không phải là vấn đề bác bỏ các ý muốn, vì các ý muốn là điều chủ yếu đối với kinh nghiệm của ta rằng ta có nhu cầu bẩm sinh đối với thể vô cùng; đúng hơn, đây là vấn đề đánh giá tính hợp lý mà các ý muốn này đem theo. Thí dụ, ý muốn sống mà không làm việc, có lẽ nhờ sử dụng tiền bạc của người khác, không bao giờ nên là một quyền lợi… Đó không phải là ý muốn hợp lý, chỉ vì đối tượng của nó không phải là một điều tốt làm trọn vẹn cuộc sống…

Các công dân có trách nhiệm… không bao giờ nên nhượng bộ áp lực không thể chịu đựng nổi của ý thức hệ… vốn lẫn lộn ý muốn với quyền chủ quan và do đó, nên chống lại bất cứ luận điểm nào như thế, trước khi quá trễ… [các trang 139-140].

Hỏi: Ta hãy trở lại với gia đình. Có thể nói gia đình là một lý tưởng chăng?

Đức Hồng Y Müller: Các phạm trù lý tưởng và hiện thực đã có từ rất lâu… Tuy nhiên, trong hình thức hiện nay, chúng phát xuất từ chủ nghĩa nhị nguyên của triết học Descartes và từ chủ nghĩa nhị nguyên duy tâm và duy vật…

Đối với chúng ta, các thứ thuyết nhị nguyên này không có giá trị gì cả. Thiên Chúa luôn hiện thực hơn sáng thế của Người, và các tạo vật của Người nhận được mức độ hiện thực của họ như một ơn phúc của Người, vì Người thể hiện ý tưởng của Người trong sáng thế này. Mọi sáng thế đều phản ảnh Ngôi Lời Thiên Chúa, nên hôn nhân không phải là một “lý tưởng” mà con người tưởng tượng ra. Lý tưởng là phản ảnh các ý muốn của tôi, như đứa trẻ muốn làm phi hành gia hay ngôi sao túc cầu… Quả tình, ý niệm thường là một điều khó đạt tới…

Tuy nhiên, hôn nhân không phải là một lý tưởng hay một ý niệm của con người, nhưng là một thực tại do Thiên Chúa ban bố… Cách Thiên Chúa yêu thương là thước đo tình yêu của con người, vì Thiên Chúa không đòi hỏi sự bất khả…

Thiên Chúa có thể buộc ta phải yêu thương, vì Người yêu thương ta trước và, thêm vào đó, Người còn hứa với ta rằng ơn thánh của Người sẽ nâng đỡ ta. Bất cứ ai hiểu hôn nhân không hơn một hành vi xã hội của cưới xin và các hậu quả luật pháp từ đó phát sinh chắc chắn sẽ thấy tình yêu của họ héo khô. Nhưng không phải vì thiếu ơn thánh: mà là thiếu lòng khiêm nhường cần thiết để xin Thiên Chúa ban ơn thánh này [các trang 151-2].

Hỏi: Chúng ta đồng hóa lòng thương xót với tha thứ nhiều hơn, và chúng ta hiểu tha thứ là vượt quá sự trừng phạt mà công lý đáng phải đưa ra đối với người tội lỗi.

Đức Hồng Y Müller: Ngày nay, sự hiểu lầm cuối cùng hệ ở việc giản lược lòng thương xót vào việc tha thứ tội lỗi. Giống như một cuộc bán rẻ cuối mùa, miễn chước khỏi lề luật Thiên Chúa: đương đầu với thực tại kinh niên của khốn cùng và tội lỗi, lòng thương xót trở thành chỉ còn là việc hạ thấp tấm chắn đường mà Mười Giới Răn vốn đặt ra.

Tôi tin rằng Thiên Chúa… luôn nghiêm túc đối với chúng ta. Trong tình yêu tận đáy lòng đối với sáng thế của Người, và đặc biệt đối với chúng ta, các con cái của Người, Người đã giúp chúng ta có khả năng sống phù hợp với các bí tích và đời sống luân lý xây dựng trên chúng. Bằng cách ban lòng thương xót cho ta, Người đã nâng ta dậy, và nhờ nâng ta dậy, Người đã hoàn toàn biến đổi hiện sinh ta: một con người biết Chúa Kitô, thực sự ôm lấy Người, thay đổi các thói quen của mình, các mối tương quan của mình, trọn cách xử lý với thực tại của mình. Và khi người này bước qua trải nghiệm thanh tẩy và tha thứ, họ sẽ cảm thấy được gợi hứng để sống cách nào đó trên bình diện của Thiên Chúa…

Trong nền thần học Công Giáo có cơ sở, việc tha thứ tội lỗi chân chính dựa vào việc người có tội từ trạng thái tội lỗi và chống đối Thiên Chúa, từ cuộc sống tối tăm không có Thiên Chúa, bước vào trạng thái sáng láng của ơn thánh hóa, bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Người… Tuy nhiên, một hành vi như thế không tự động được thực hiện mà không dựa vào tự do của con người. Đạo Công Giáo không thừa nhận một đời sống ơn thánh mà lại không có sự tham dự của người có tội, mà lại không có ý chí canh tân cuộc sống của họ [các trang 209-10].

Hai cuốn sách trên quả nói lên đức tin, trí thông minh và lòng sung kính của hai nhà lãnh đạo Công Giáo vĩ đại hiện sống và hoạt động ngày nay.