Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Nhân 400 năm DT truyền giáo VN TỪ LINH ĐẠO I NHÃ đến PHONG CÁCH TRUYỀN GIÁO DÒNG TÊN

Nhân 400 năm DT truyền giáo VN

TỪ LINH ĐẠO I NHÃ đến PHONG CÁCH TRUYỀN GIÁO DÒNG TÊN

Hoành sơn
Ngày 18/1/2014, tại Vương cung thánh đường Saigon, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã long trọng cử hành nghi lễ khai mạc Năm thánh (18/1/2014-18/1/2015) kỷ niệm 400 năm Dòng Tên truyền giáo ở Việt Nam.
Trước 1615, ở đây đã có mấy thừa sai đến thử vận may và thu được một số kết quả đáng ghi nhớ. Nhưng sự liên tục và có nền tảng vững chắc ở cả Đàng trong và Đàng ngoài thì phải chờ đến công cuộc truyền giáo khởi sự từ 1615 do con cái thánh I Nhã. Khoảng 150 năm sau, tuy Dòng Chúa Giêsu vắng bóng vì bị giải thể năm 1773, nhưng khi ấy, vì nền móng đã chắc, và có nhiều dòng hội khác sang tiếp tay rồi, nên Hội thánh Việt nam vẫn đứng vững dù trải qua những cuộc bách hại tàn khốc.
Về việc truyền giáo của Dòng Tên, tại đây cũng như ở các vùng trời khác, các nhà viết giáo sử ghi nhận hai đặc điểm sau : sự hăng say như lửa của thánh Phan sinh Xavier, sự mềm dẻo để ứng phó vời hoàn cảnh và thời thế, nhất là ở Ấn Độ và Nam Mỹ, ở Trung Quốc và Việt Nam.
Riêng về nét đặc trưng thứ hai, nhiều sử gia thường quy cho trình độ học vấn, giúp những chiến sỹ ấy có được tầm nhìn xa thấy rộng. Bằng chứng là có những thừa sai biết đúc súng, sửa lịch, cai quản đài thiên văn, v.v.
Theo tôi, lý do trí thức không thể bỏ qua, nhưng lý do căn bản và chinh yếu phải tìm ở linh đạo I nhã, linh đạo mà linh hồn của nó nằm ở tập Linh thao, còn thể xác nằm ở bộ Hiến pháp Dòng, cả hai đều do thánh tổ trước tác trong trao đổi thân mật với Chúa.

Linh đạo I-nhã

st-ignatiusSau khi quay về với Chúa, suốt một năm chiêm niệm ở Manresa mà không ai hướng dẫn ngoài Chúa, I nhã đạt tới những huyền thị liên miên và cao siêu : huyền thị tuệ trí về Ba ngôi, về nhân tính Đức Kytô. I nhã quen ghi lại mọi kinh nghiệm thiêng liêng của mình, và từ những ghi chép Manresa, ngài soạn dần tập Linh thao nổi tiếng. Với tập Linh thao ấy, thánh nhân đã đào tạo sáu bạn sinh viên thành những bạn đường đầu tiên, trong đó có hai thánh : Phan sinh Xavier và Phêrô Favre. Thế rồi, cũng với tập Linh thao, Dòng sẽ tiếp tục đào tạo các thế hệ Giêsu-hữu (Jesuit) khác và dẫn dắt biết bao tu sỹ và giáo hữu đi vào con đường hoàn thiện. Chính do đó mà thánh I nhã được Giáo hội tôn phong làm Bổn mạng các cuộc tĩnh tâm.
Còn Hiến pháp Dòng?
Đây là kết quả của 16 năm cầu nguyện. Để có một ý tưởng về giá trị thiêng liêng của từng khoản luật trong đó, hãy lấy đoạn Nhật ký thiêng liêng 40 ngày của thánh nhân làm thí dụ. Đây thuộc hai tập vở cứu được từ lửa mà ngài không biết. Số là, biết mình sắp về cùng Chúa, thánh nhân bỏ hết đống nhật ký đồ sộ của mình vào lò sưởi, và may thay, một người bất chợt vô phòng đã cứu được mấy chục trang.
Trong 40 ngày nói trên, thánh nhân hỏi ý Chúa về một khoản luật duy nhất : các nhà thờ của Dòng có thể sống nhờ lợi tức hay không? Để phân định ý Chúa, mỗi ngày ngài dâng thánh lễ. Thánh lễ kéo dài trên một giờ, lại còn thêm hằng giờ cầu nguyện chuẩn bị trước và hằng giờ tạ ân sau. Trong suốt buổi sáng như thế, ngài được nhiều ơn “sa lệ”, kèm theo rất nhiều huyền thị về Thiên tính, về Ba Ngôi,v.v. Dẫu được vượng cảm đến thế khi muốn Dòng sống phó thác trong thanh bần tột độ, thánh nhân vẫn chưa dám chắc, và tiếp tục dâng lễ xin Chúa cho biết rõ hơn ý Ngài. Và phải chờ đến hết ngày 40, thật chắc chắn rồi, thánh nhân mới quyết định ngưng không hỏi Chúa thêm nữa.
Xem như thế, Hiến pháp Dòng Tên được soạn ra một cách cẩn thận đúng theo tinh thần Linh thao : chọn sống nghèo (và chịu sỉ nhục) với Chúa Giêsu nghèo hèn! (Linh thao : khiêm nhường bậc ba).
Vậy là thế nào linh đạo thoát thai từ Linh thao I nhã và Hiến pháp Dòng Tên?

Linh đạo I nhã : một linh đạo hành động

Linh đạo ấy tập trung vào Hành động tông đồ : Tất cả cho “Vinh danh Thiên Chúa hơn nữa”! (Ad Majorem Dei Gloriam, AMDG)
Vì Tất cả cho Hành động, và phải sao cho hành động đạt kết quả cao nhất, nên không thể từng lúc lại bỏ công việc mà quay về trú sở lấy sách thần tụng đọc chung với nhau. Cho nên Hiến pháp bãi bỏ Thần tụng đọc chung, và đây là điều làm “sởn tóc gáy” những người sống vào thế kỷ XVI. Đức Phaolô III, vì quý Dòng và tin vào I nhã, nên chấp thuận luôn. Chứ Đức Phao lô IV kế vị Ngài, vừa đăng quang đã buộc Dòng đưa khoản thần tụng đọc chung vô luật.
Phải chăng I nhã không mặn mà cho lắm với cầu nguyện? Ngược lại là khác. Cứ đọc Nhật ký thiêng liêng và Câu truyện Người hành hương đủ thấy I nhã chiêm niệm nhiều đến thế nào. Chẳng vậy mà ở Manresa, chỉ trong vòng một năm ngài có thể đạt tới những huyền thị cao sâu nhất. Như thánh Tiên sa Avila cho biết, trong huyền nghiệm, hành giả nhận được những vượng cảm (consolation) kỳ diệu, đến nỗi hạnh phúc quá, người ấy cảm thấy chỉ cần “một ý nghĩ hay lời nói nhắc cho biết chưa thể chết ngay (để về hưởng Chúa trọn vẹn), là cảm thấy, không hiểu do đâu, như một nhát (búa), một mũi tên lửa….Và vết thương đau ghê gớm…ở chỗ sâu, mật nhất của hồn, ở đó tia lửa dù chỉ thoáng qua, cũng biến thành tro bụi tất cả những gì nó gặp ở bản tính phàm trần của chúng ta” (Lâu đài, 6.11).
Dù chiêm niệm (thiên phú) mê ly đến thế, I nhã đã không bỏ đi tu ẩn hay vào đan viện để đêm ngày sống bên Chúa, mà vì muốn “giúp đỡ các linh hồn”, ngài sẵn sáng rời bỏ chiếc giường nệm êm của chiêm hưởng để lao mình vào công việc tông đồ. Thế rồi, vì vốn liếng giáo lý hạn chế, lại sống vào thời nhiễu nhương về đức tin, nên ngài bị cấm không được giảng đạo. Chính do đó mà I nhã tìm đến các đại học để lo trau dồi về thần học. Và tại đại học đường Paris, vừa học I Nhã vừa chinh phục cho Chúa những bạn đường đầu tiên, trong đó có thánh Phan sinh Xavier và thánh Phêrô Favre.
Vì Giêsu-hữu (Jesuit) sống để chuyên lo mở Nước Chúa, nên Hiến pháp không cho họ làm phương hại đến sức khỏe dù trong khổ chế. Còn để duy trì sức khỏe thiêng liêng, Hiến pháp buộc họ suy chiêm một giờ mỗi ngày, và mỗi ngày hai lần tự kiểm (xét mình). Ngoài ra hằng năm họ phải trải qua 8 ngày linh thao, với mỗi ngày 4-5 giờ suy niệm. Lại để được đào tạo thành những chiến binh kiên vững, họ phải trải qua ba năm tập, chứ không phải hai. Ba năm tập ấy diễn ra trong hai kỳ tập : hai năm cho kỳ tập thứ nhất khi bước chân vô dòng; một năm, gọi là Năm Ba, diễn ra sau khi học hành xong, và sau mấy năm làm việc để có kinh nghiệm đã. Trong mỗi kỳ tập như thế, mỗi người phải làm một tháng linh thao và trải qua mấy tập nghiệm (expériment) cam go, trong đó có một tháng hành hương (vừa đi bộ vừa ăn mày mà sống, còn ngủ thì gặp đâu ngủ đấy), và một tháng phục vụ bệnh nhân trong các trại tế bần (hospices) hay nhà thương sau này.
Vâng, không phải là I nhã không yêu chiêm niệm, nhưng vì muốn tận lực cho việc cứu giúp tha nhân, nên I nhã chọn một thứ chiêm niệm khác, cái mà khi giải thích linh đạo I nhã, Nadal gọi là “Chiêm trong hành động” (Contemplatio in actione), làm sao để trong khi bù đầu với công việc, người ta vẫn cảm nhận sự có mặt thân thương của Chúa, phần nào giống như trong trạng thái mà thánh Tiên sa Avila gọi là “Hôn nhân thiêng liêng” (Mariage spirituel) (Lâu đài, 7.1-4).
*
Sau khi đi Giêrusalem (để sống với kỷ niệm về Thầy chí thánh và để truyền giáo cho lính Thổ) không thành, nhóm bạn đường trờ về Rôma, đặt mình dưới sự sai phái của Đức Thánh Cha. Lập tức Ngài cử bảy vị MA (Master of Arts) ấy đến phục vụ ở nhiều chỗ. Riêng Phan sinh Xavier thì đi truyền giáo Châu Á. Tại đây, thấy hằng hà sa số dân chúng đang cần biết Đức Kytô, mà thiếu người giảng dạy, Xavier đã gửi về Bồ đào nha và La mã những bức thư nảy lửa, kêu gọi mọi người, nhất là giáo sư và sinh viên đại học Pari đến tiếp tay. Những bức thư ấy được sao chép và gửi đi khắp nơi, khiến nổi lên bên Âu châu một cao trào truyền giáo. Vâng, biết bao người trẻ trí thức đã bỏ tất cả xin vô dòng để được gửi đến những chân trời xa xăm nhất, nguy hiểm nhất, như Viễn dông và châu Mỹ. Tại đó, do sự nhạy bén với hoàn cảnh địa phương, họ đã có những hành động táo bạo mà lịch sử phải ghi nhận, như những khu Tập hợp (réduction) ở Paraguay, như tu theo kiểu Ấn giáo của Di Nobili ở Madurai, như cho phép thờ ông bà của nhóm Ricci bên Trung Quốc.

Phong cách truyền giáo của Dòng Tên

FrancisXavier1Giáo sử nói nhiều đến việc giảng đạo của Dòng mang tên Giêsu qua lửa truyền giáo của thánh Phan sinh Xavier, nhất là qua phương pháp hội nhập, thích nghi, ở Việt Nam cũng như Trung quốc, ở Ấn độ cũng như Châu Mỹ la tinh.
Năm 1492, Christophe Colomb khám phá Mỹ châu, và lập tức các đoàn tầu Tây ban nha, Bồ đào nha theo sang chiếm đất và khai thác. Để có nhân công trồng trọt, họ vác súng đi săn lùng thổ dân, biến họ thành những nông nô khốn khổ. Để bảo vệ người da đỏ và giảng đạo cho họ, đồng thời dạy họ kỹ thuật canh tác, dạy họ biết dành dụm để sống đến mùa sau, mấy tu sỹ Dòng Tên bèn tập hợp họ lại trong những khu có rào vây gợi là “Khu Thu hẹp (Réduction)”. Sau này, tại đất nước sẽ thành Brasil ngày nay, Dòng cũng tổ chức những làng xã, giúp người da đỏ tập hợp lại với nhau, đồng thời huấn luyện những thầy giảng để nhân thừa số người dạy giáo lý.
*
Khi Roberto Di Nobili tới Ấn độ, tại đây chỉ có số ít người theo đạo, và đó là những người thuộc ngoại tập cấp (outcaste), gọi là pariah. dalit, untouchable. Những người ấy theo đạo chỉ vì lấy lính Bồ, hay để được quân Bồ bảo vệ chống cướp biển Hồi giáo.
Để có thể truyền giáo cho giời trí thức vốn ở tập cấp (caste) cao, từ đó ảnh hưởng sâu đến dân chúng phía dưới, cha Di Nobili đã rời bỏ tất cả để đi vào lối tu khắc khổ kiểu Ấn, đồng thời học kỹ ngôn ngữ Sanskrit và Tamil văn học để đi vào kho tàng kinh thư và văn chương nước Ấn. Nhờ vậy cha đã lôi kéo được tập cấp bà la môn đến nghe cha giảng về Chúa Kytô, và một số theo đạo sau khi đã tranh luận nhiều lần với cha. Hậu quả là, dù Di Nobili bị vùi dập và bị cấm làm phép rửa mười năm, khi cha qua đời đã có 40.000 người tòng đạo. Sau cha, tuy sóng gió từng lúc vẫn nổi lên, nhưng con đường cha mở vẫn có nhiều thừa sai khác dấn thân vào, với những tên tuổi lớn, như Monchanin, Dom Le Saux,v.v.
*
Đang khi truyền giáo ở Nhật, hiểu ra rằng muốn Nhật và những nước Đông Á ùn ùn theo đạo, thì phải chinh phục đất nước có ảnh hưởng văn hóa nhất trong vùng là Trung quốc. Phan sinh Xavier bèn bỏ đến nằm chờ ở cửa ngõ nước này là Thượng Xuyên, và qua đời tại đó. Phải 30 năm sau, nhóm Matteo Ricci mới vô được Quảng Châu, rồi Bắc Kinh. Hiểu rằng, để quốc gia có một nền văn minh cao và lâu đời như thế chấp nhận theo đạo, thì phải trình bày Tin mừng từ những khái niệm căn bản của Nho giáo, nên nhóm đã bỏ ra nhiều năm để học tiếng quan thoại và Hán văn đỉnh cao, nhờ đó đi sâu vào Tứ thư ngũ kinh. Đồng thời bằng hán tự viết về thiên văn và toán học để được nho sỹ coi trọng như những học giả.
Mau chóng các nho sỹ nói trên đã tìm đến với họ, rồi nhà vua cũng tìm cách liên lạc với họ luôn. Đọc tập giáo lý Thiên chủ thực nghĩa do Ricci sáng tác, vua rất ưng ý và đã cho phép giảng đạo tự do trong cả nước. Giả như không có sự kiện cáo của các đoàn truyền giáo khác đến sau (kiện cáo vì đã không hiểu văn hóa Trung Quốc) khiến xảy ra vụ án Lễ phép Nước Ngô, thì biết đâu Trung Hoa và mấy nước như Nhật, Triều Tiên, Việt Nam,v.v. đã toàn tòng lâu rồi.
*
Cùng một cái nhìn chiên lược và khoáng đạt ấy khiến nhóm thừa sai Dòng Tên đến đất Việt vào năm 1615 đã lao mình vào học ngôn ngữ và tìm cách ghi âm bằng mẫu tự la tinh, nhờ đó sáng tạo nên chữ quốc ngữ tuyệt vời. Chữ quốc ngữ này, chỉ cần mấy tháng học là đọc và viết được. Chứ chữ Hán thì phải nhiều năm mới đọc nổi. Nói chi chữ Nôm, nó là hai chữ Hán kết hợp với nhau, một chữ chỉ nghĩa, một chữ gián tiếp chỉ âm tiếng Việt.
Nhờ quốc ngữ, cha Đắc Lộ soạn Từ điển Việt-Bồ-La giúp các thừa sai học tiếng cho mau, và sách giáo lý Phép giảng tám ngày để các thày giảng dùng dạy tân tòng.
Cha Đắc Lộ chỉ là người hoàn chỉnh chữ quốc ngữ mà mấy anh em đến trước đã làm nên. Công riêng của cha là thiết lập hàng thầy giảng, vừa để nhân thừa người dạy đạo, vừa để có người chăm sóc giáo hữu khi thừa sai vắng mặt hoặc bị trục xuất.
Tổ chức thầy giảng vì rất hữu ích, nên sau này khi Dòng Tên vắng mặt rồi, nhiều giáo phận vẫn duy trì  để họ phụ tá linh mục trong xứ đạo và dạy đạo trong các điểm truyền giáo mới. Giáo phận Bùi chu thời Đức cha Hồ Ngọc Cẩn còn thiết lập Trường thầy giảng để đào tạo tốt hơn. Đức cha cũng muốn biến họ thành một tu hội, nhưng không thành vì có nhiều giám mục không tán đồng[1].
Các thầy giảng rồi sẽ thành cơ sở từ đó những giáo phận như Thái bình và Bùi chu xây dựng Nhà Đức Chúa Trời, một tổ chức tốt đẹp có một không hai trên thế giới. Tại mỗi nhà xứ trong những giáo phận ấy, cha xứ, cha phó sống chung với mấy thầy giảng, gồm một thầy xứ (quản lý nhà xứ về kỷ luật và vật chất), một thầy quản (coi sóc nhà thờ và các đoàn hội). Cùng sống chung còn có một hai ông bõ, họ là những người già xin vào “tu” và giúp việc trong nhà xứ. Ngoài mấy thành phần nói trên, trong nhà xứ có thêm nghĩa tử của các cha : những Cậu hay thiếu niên được cha xứ hay cha phó nuôi cho ăn học và giúp lễ, rồi gửi về Trường Tập (Trường Thử), những Chú khi cậu ấy được chuyển sang Trường la tinh (hay Tiểu chủng viện), những Thầy khi họ học lên Đại chủng viện (có nơi gọi là Trường Lý đoán).
Việc sống chung ấy không thu hẹp ở nhà xứ và Nhà chung (tòa giám mục), mà còn phổ cập đến toàn giáo phận, khiến các cha, thầy, chú, cậu đi đến các nhà xứ khác đều có thể ăn ngủ ở đó như ở nhà xứ của mình vậy. Nói cách khác, toàn giáo phận sống giống như trong một dòng tu!
Cho đến cuối thế kỷ XX, Nhà Đức Chúa Trời còn tồn tại ở vài ba nơi, và một hai thầy giảng cuối cùng đã qua đời tại giáo xứ Dốc Mơ thuộc giáo phận Long Khánh.

Tìm về căn cội của phong cách truyền giáo Dòng Tên

Khi tới Nhật, thánh Phan sinh Xavier đã bắt đầu ăn vận như một nhà sư. Nhóm Ricci bên Tầu cũng làm thế, nhưng  đến khi hiểu rằng thống trị ở đây là Nho giáo, chứ không phải Phật giào, nhóm bèn cải sang mặc áo dài nho sỹ. Ai cũng nghĩ, thích nghi trong ăn mặc là chuyện chẳng có chi lạ đối với Dòng Tên, vì Dòng không có tu phục riêng. Thế nhưng phải hỏi do đâu mà I Nhã lại muốn con cái mình không có tu phục riêng, mà ăn mặc như các  tu sỹ khác ở mỗi vùng, để dễ hòa đồng với họ.
Dẫu sao, đấy chỉ là thích nghi bề mặt. Hội nhập theo chiều sâu mới tỏ rõ phong cách Dòng Tên. Tại đâu Dòng có được sự nhạy bén để nắm bắt tình hình địa phương, từ đó có những quyết định và hành động táo bạo hợp thời hợp cảnh, với các Khu tự quản ở Paraguay, với cách truyền giáo cách mạng của Di Nobili bên Ấn, với sự cho phép Thờ ông bà  của Ricci bên Trung Hoa, với chữ quốc ngữ và hàng thầy giảng của Đắc Lộ bên nước Việt?
Tầm nhìn xa thấy rộng ấy, nhiều sử gia đã quy cho trình độ trí thức của mấy thừa sai đó. Thế nhưng tại sao thánh I Nhã lại muốn cho con cái mình học cho cao về thần học, nhất là tại sao sau này một số Giêsu-hữu  còn chuyên sâu về các ngành khoa học khác, nhờ đó mới có người đủ khả năng sửa lịch và coi Khâm thiên giám (đài thiên văn) cho Trung hoa như cha Adam Shall, mới có người phát hiện hóa thạch Hán nhân như Teilhard de Chardin bên Tầu?
Quả là lý do sâu xa và chính yếu phải tìm ở chỗ khác. Theo tôi, đó là Linh đạo I Nhã, cũng là tinh thần của sách Linh thao.
Vâng, để nhập đề cho Cuộc chiến đấu thiêng liêng, ngay đầu sách Linh thao đó, thánh tổ đã đặt vững Nguyên tắc căn bản ( Principe de fondement) sau đây:
-“Con người được tạo nên để ca ngợi, kính tôn và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó cứu linh hồn mình…”
PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA-CỨU LINH HỒN MÌNH ư? Đó là điều sách bổn (giáo lý) đã nêu rõ rồi, chẳng có chi đặc biệt ở đây cả. Đặc biệt là ở quan điểm I Nhã về phương tiện cơ. Hãy nghe Nguyên tắc căn bản nói tiếp :
-“Còn tất cả những gì (khác) được tạo nên trên mặt đất là vì con người, giúp hắn theo đuổi mục đích ấy, mà vì mục đích ấy hắn được tạo nên.”
Vâng, tất cả. Tất cả đều là phương tiện, và chỉ là phương tiện thôi! Từ đó kết luận : “Phải dùng chúng bao nhiêu chúng giúp đạt cứu cánh, và bỏ không dùng bao nhiêu chúng cản trở đạt cứu cánh nói trên”. Vì thế phải bất thiên (indifférent, không nghiêng bên nào), không muốn khỏe hơn bệnh, giầu hơn nghèo, sống lâu hơn chết yểu, mà chỉ muốn đạt tới đích duy nhất ấy thôi.
Đích duy nhất của I Nhã, vừa là cứu linh hồn mình, vừa là cứu linh hồn người khác : con đường Phụng sự (Thiên Chúa) hai mặt của Dòng Tên! Để cứu linh hồn anh em, phải bỏ hết, dù là tu phục riêng hay thần tụng đọc chung ; phải làm hết,  dù đảo lộn thế giới này. Vâng, I Nhã muốn Dòng sử dụng mọi phương tiện có thể, dù là phương thế tự nhiên, cả những phương thế người khác khó chấp nhận.
Về cách làm MỌI PHƯƠNG TIỆN CÓ THỂ như thế, hãy đọc trong một bức thư thánh nhân viết mấy tháng trước lúc ly trần:
-“Nhìn nhận có Thiên Chúa trong tất cả…, và cho là sai lầm nếu đặt hết niềm tin và hi vọng…vào phương thế và tính toán loài người; cùng lúc cũng không cho là đi đúng nếu phó mặc hoàn toàn cho Chúa mà không dùng những gì Chúa ban cho tôi, – bởi lẽ xem ra trong Chúa tôi phải dùng mọi phương thế –, vì lý do đó, mong mỏi trong tất cả Chúa được vinh danh hơn nữa, tôi quyết định rằng…”
Chính con đường vừa TIN, vừa dùng MỌi PHƯƠNG THẾ ấy, một nhân vật đã diễn giải nó thành phương châm hành động sau đây:
-“Hãy Tin vào Thiên Chúa, như thể thành công tùy thuộc hết vào anh, chứ không vào Chúa. Thế nhưng hãy triển khai mọi phương thế, như thể chẳng việc gì đến anh, mà tất cả là việc Chúa thôi!”[2]
Nói cách khác, coi tất cả thành công trong tông vụ vừa là do Chúa, vừa là do các phương thế sử dụng! Do đó, nếu người khác chỉ dùng một số phương thế tự nhiên rồi phó mặc cho Chúa, thì Dòng Tên dùng mọi phương thế tự nhiên có thể trong lúc vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Chúa. Khác nhau là ở chỗ đó vậy.
Chính vì thế mà Giêsu-hữu phải học cho cao để chinh phục dễ nhất, học cả những khoa học đời để hỗ trợ thêm cho việc tông đồ của mình. Và cũng để đạo đi vào chiều sâu tâm hồn của một dân tộc, Giêsu-hữu sẵn sàng rời bỏ cách suy nghĩ quen thuộc của quê hương riêng, mà bỏ ra nhiều thời gian để học ngôn ngữ đỉnh cao và thấm lấy văn hóa của vùng trời họ được sai đến truyền giáo.

[1] Dẫu sao, thì thầy giảng cũng sống khiết tịnh giống như nhà tu.
[2] J-C. Dhôtel, La spiritualité ignatienne : points de repère, Vie chrétienne, tr.63.

KINH THÁNH VÀ GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI NÓI GÌ VỀ SỰ CÓ MẶT CỦA MA QUỈ, KẺ THÙ CỦA CON NGƯỜI?

Xin cha giải thích về sự có mặt của  ma quỉ  cám dỗ con người trên trần thế này.
Trả lời:
Nói về ma quỉ (devils, ghosts) chúng ta có thể phân biệt hai loại sau đây:
1- Trước hết là có những hiện tượng kinh dị mà nhiều người đã gặp thấy  và  tin đó là có hồn ma  hiện ra  để nhát đảm  người còn sống. Cụ thể ở Saigon trước năm 1975, người ta đồn rằng  có  một căn nhà ở đường Trương minh Giảng, thường có  ma hiện về  phá phách  ban đêm.  Nhà này là của một cặp vợ chồng kia bất hòa sao đó, khiến người chồng bắn vợ chết, sau đó cũng tự sát. Từ đó, ai dọn đến ở đều gặp hồn ma hiện về phá phách khiến không ai dám ở trong căn nhà đó nữa. Đây là điển hình cho những chuyện người ta đồn nhau ở khắp nơi về điều được gọi là  có ma quỉ  hiện ra  quấy phá người sống.
Ở Mỹ cũng có hiện tượng tương tự. vì  có những nhà  được gọi là “Haunted houses” (có ma ám ảnh) không ai dám ở vì tin là có ma hiện ra nhát người sống. Bản thân tôi, khi còn làm phó xứ ở một giáo xứ kia, có một giáo dân người Mễ-Tây Cơ  một hôm đã đến xin tôi làm phép nhà cho bà ta vì bà nói đêm đêm có tiếng la hét trong phòng tắm kế bên phòng ngủ,  mặc dù  trong nhà chỉ có hai vợ chồng già và không ai sử dụng phòng tắm về đêm! Tôi đã đến làm phép nhà cho bà và sau đó  không thấy bà nói gì về việc sợ hãi kia nữa.
Như vậy, chắc chắn có những “hiện tượng bất thường” xảy ra mà người ta gán cho là có ma quỷ  xuất hiện dưới nhiều hình thức  để nhát đảm hay quấy phá người sống. Giáo Hội không đưa ra một giải thích rõ nào về những hiện tượng này, mặc dù  tin có chuyện ma quỷ ám hại con người  nên cho đến nay, Giáo Hội vẫn sử dụng phép  “trừ   quỷ, trừ tà”  (Exorcism) được Giáo Quyền địa phương trao cho một linh mục nào thi hành khi cần đến.
Xưa kia, khi còn đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần “trừ quỉ” nhập vào làm khổ nhiều người. Điển hình là trường hợp có người kia đã bị một lũ quỷ nhập và hành hạ rất khốn đốn. Chúa đã trừ chúng ra khỏi nạn nhân và  cho chúng nhập vào đàn heo và lao xuống vực thẳm chết.hết. (Lc 8: 26-31). Lại nữa, “các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: Ông là Con Thiên Chúa. Nhưng Người đã cấm ngặt  chúng không được không được tiết lộ Người là ai.” (Mc 3:  11-12).
Quỷ la lên khi bị Chúa trừ ra khỏi các nạn nhân của chúng và không cho phép chúng nói Người là ai (Lc  4: 40-41).Tin Mừng Thánh Matthêu cũng thuật lại trường hợp một người bị quỷ ám khiến cho  mù  lòa  và câm. Chúa đã trừ quỷ ra khỏi anh ta khiến anh lại  được trông thấy và nói được. (Mt 12: 22-23). Đặc biệt, Chúa đã trừ 7 quỷ ám hại một phụ nữ tên là  Maria Ma-đa-la. (Lc 8 : 2) . Bà này sau đó đã đi theo Chúa cho đến khi Người chết trên thánh giá. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên đã đến viếng Mộ Chúa sáng ngày thứ nhất trong tuần và đã được gặp Chúa hiện ra và bảo đi loan báo tin mừng Chúa Phục Sinh cho các môn đệ Người. (Mt 28:  1-10; Ga 20: 11-18)
Thánh Phaolô cũng nhân danh Chúa Kitô để trừ  quỷ nhập vào một phụ nữ chuyên nghề bói toán, đồng bóng:
Nhân danh Đức Giêsu-Kitô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này. Ngay lúc ấy quỷ thần liền xuất.ra” (Cv  16: 18)
Nhưng  phải nói ngay là, những trường hợp quỷ nhập và ám hại người sống nói trên, kể cả  những chuyện  ma quỷ  hiện hình  để quấy phá  người sống, tất cả  chỉ  có tác dụng làm cho người  ta sợ hãi, khốn khổ về thể xác mà thôi, chứ không có gì phải lo sợ về phần hồn.
 Điều đáng lo sợ về phần hồn, hay phần rỗi của mọi người chúng ta là có  loại ma quỷ  không hiện hình để phá phách, hay ám hại ai  về thể xác,  nhưng  vô hình cám dỗ con người với nhiều chiến lược tinh xảo  khiến  cho rất nhiều người  đã và đang ngã theo chúng để làm những sự dữ, sự tội như chúng ta thấy rõ bộ mặt của chúng trong cách sống của biết bao người ở khắp nơi xưa và nay.
2- Đó là  Quỷ Satan và bè lũ:
Loại  “ma quỷ”  này không  hiện ra để  làm  cho ai phải khiếp sợ, nhưng lai vô hình ám hại con người cách đáng sợ hơn,với những mưu chước  cám dỗ  rất tinh vi và thâm độc để mong lôi kéo con người ra khỏi  tình yêu của Thiên Chúa, làm nô lệ cho chúng để mất hy vọng được cứu rỗi.
Đây là thứ quỷ mà   Kinh Thánh và  Giáo lý của Giáo Hội  nói về “một Thiên Thần đã sa ngã để trở thành quỷ Satan” và kéo theo các Thiên Thần khác  nổi lên chống lại Thiên Chúa. Chúng  không hề ăn năn xin tha thứ để vĩnh viễn là những kẻ phản loạn, muốn lôi kéo con người đi theo chúng để chống lại Thiên Chúa là tình yêu, công minh và thánh thiện. (x. SGLGHCG số 391-394)
Thánh Gioan, trong Sách Khải Huyền, đã gọi loại ma quỷ hay Sa-tan này  là Con Mãng  xà, tức Con Rắn xưa:
“Bấy giờ tôi thấy một Thiên Thần từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn. Người bắt lấy Con Mảng Xà, tức là Con Rấn xưa, cũng là ma quỷ hay Sa-tan, và xích nó lại một ngàn năm.” (Kh 20: 1-20)
Nói rõ hơn, loại ma quỷ này được xem như “những Thiên Thần đã sa ngã” vì đã kiêu căng chống lại Thiên Chúa và  đã  bị đạo quân thiên quốc của Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e  đánh bại.
Đây mới là loại “ ma quỉ” mà chúng ta phải  khiếp sợ và đề phòng để không sa vào cạm bẫy của chúng  như Thánh Phêrô đã ân cần nhắc nhở  chúng ta sau  đây:
Anh  em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh  em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr  5: 8)
Như sư tử đói rảo quanh tìm mồi ăn sống nuốt tươi  thế nào, thì ma quỷ cũng ngày đêm rình rập để cướp lấy linh hồn chúng ta bằng  mọi mưu chước cảm dỗ như vậy.
Như thế, loại ma quỷ này  mới  chính là  kẻ thù nguy hiểm nhất mà chúng ta phải tỉnh thức đề phòng, và  nương nhờ ơn Chúa  để chống lại  hầu  được sống trong tình thương của Chúa và có hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Quỷ Satan và bè lũ “rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây”  như chính Satan đã trả lời Thiên Chúa khi nó muốn thách đố Thiên Chúa về lòng tin và yêu mến của ông Gióp trong cơn thử thách nặng nề. Chúa cho phép nó được  đụng chạm đến của cải, tài sản của ông Gióp nhưng không được đụng đến mạng sống của ông. (Gióp 1: 9: 12)
Chính vì mục đích của chúng là lôi kéo con người ra khỏi tình thân với Chúa nên Quỷ Satan và bè lũ đã và đang xô đẩy  quá  nhiều người xuống vực thẳm hư mất đời đời, vì  đã dại dột  nghe theo chúng để phạm những tội ghê gớm như giết người hàng loạt, phá thai không  gớm  tay, hận thù, trộm cướp, ham mê khoái lạc (Hedonism) và dâm ô thác loan, chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ tiền bạc và của cải  vật chất, buôn bán phụ ữ và trẻ nữ để bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn, và tội  lỗi, trong khi  dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của biết bao người không may mắn ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biết ở các quốc gia độc đảng, độc tài, tham quyền cố vị  để vơ vết của cải, làm giầu cho bản thân và phe nhóm, trong khi nhắm mắt bịt tai trước những bất công xã hội và suy thoái nặng nề về  luân thường đạo lý. Tắt một lời: thế giới đang sống với văn hóa của sự chết vì Satan đang thống trị  quá nhiều  người ở khắp nơi trên thế gian tục hóa, vô luân vô đạo  ngày nay.
Từ thuở đầu tiên, chính quỷ Satan, trong hình thù  con Rắn,  đã cám dỗ bà Eva ăn trái cấm trong Vườn  Địa Đàng, khiến con người đã mất tình thân với Thiên Chúa và mang sự chết vào trần gian như ta đọc thấy trong Sách Sáng Thế., và Thư Rôma của Thánh Phaolô. ( x. St 3: 1-6; Rm  5: 12 )
Sau này, cũng chinh quỷ Satan  đã dám đến cám dỗ Chúa Giêsu ba lần trong rừng vắng, nơi Chúa ăn chay cầu nguyện. Chúa đã đánh bại và quát mắng nó: “ Satan kia xéo đi.” (Mt 4 : 10)
Chúa  đã đánh bại Satan với Thần khí của Thiên Chúa như lời Người  đã nói với  dân chúng chứng kiến việc Người trừ quỷ ra khỏi một nạn nhân bị nó làm cho câm và mù mắt:
...còn nếu Tôi dựa vào Thần Khí  Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. (Mt 13: 28)
Sau này, cũng  Satan đã “nhập vào Giuđa” sau khi  môn đệ này ăn miếng bánh Chúa trao cho trong đêm Tiệc Ly cuối cùng.  Và y đã ra đi trong đêm tối để thi hành việc trao nộp Chúa cho bọn Thượng tế và kỳ mục Do Thái. (Ga 13 : 27)
Trước đó, Chúa cũng đã nói với Phêrô  về  hiểm họa cám dỗ của Satan như sau:
Si-mon, Si-mon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh  em như người ta sàng gạo.” (Lc  22: 31)
Sàng  như sàng gạo, nghĩa là cám dỗ mãnh liệt cho ta sa ngã. Vì thế, Chúa đã nhắc thêm cho Phêrô và các môn đệ Người  phải luôn  tỉnh thức mà cầu nguyện:
Anh  em hãy canh thức mà cầu nguyện  kẻo sa chước cám  dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Lc 14: 38 )
Chúa  phải nhắc các môn đệ Người và tất vả chúng ta như vậy vì  Người biết rằng Satan  và  bè lũ luôn rình rập từng giây từng phút  để cám dỗ con người phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa như chúng luôn thù nghich Thiên Chúa và không muốn cho ai thuộc về Thiên Chúa nữa.
Tóm lại, ma quỷ là một thực thể không thể chối cãi được. Chúng có mặt cách vô hình trên trần gian, sau khi đã phản nghịch cùng Thiên Chúa và bị trục xuất ra khỏi Thiên Đàng  như  Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội  dạy. Chúng quả thực là kẻ thù đáng sợ cho mọi người tín hữu chúng ta, vì âm mưu thâm độc của chúng muốn lôi kéo chúng ta ra khỏi tình thương và  tình thân với Chúa, khiến ta mất hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Do đó, muốn được  cứu rỗi, muốn thuộc vể Chúa  để hưởng Thánh Nhan  Người trên cõi vĩnh hằng, chúng ta không thể coi thường sự có mặt của ma quỉ hằng tỉnh thức và rình rập bên ta ngày đêm để cám dỗ ta làm những gì trái nghích với tình thương, công bình và thánh thiện của Thiên Chúa là  Cha cực tốt cực lành; Đấng giầu yêu thương nhưng gớm ghét mọi tội lỗi, vì tội lỗi là do ma quỷ  gây ra  như  Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy dưới đây:
            “Ai phạm tội thì là người của  ma quỷ  
              Vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi  đầu
              Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện
              Là để phá hủy công việc của ma quỷ.” 
(1 Ga  3: 8)
Vậy chúng ta phải luôn tỉnh thức, luôn cầu nguyện  và đề phòng để không sa chước cám dỗ của ma quỷ, là kẻ triệt để  khai thác sự yếu đuối của bản tính con người và gương xấu của thế gian, của  môi trường xã hội để mong  xô chúng ta xuống vực thẳm  hư mất đời đời. cùng với chúng.. Cho nên, muốn được cứu rỗi để vào Nước Thiên Chúa mai sau, tất cả chúng ta , những người may mắn có  được đức tin, phải cương quyết chống lại Satan và bè lũ để  không phạm tội và mất hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

GĐPV : Sự thay thế Thánh thi trong Các Giờ Kinh Phụng vụ là được phép, nhưng phần lời cầu không được bỏ qua.

Giải đáp phụng vụ: Sự thay thế Thánh thi trong Các Giờ Kinh Phụng vụ là được phép, nhưng phần lời cầu không được bỏ qua.


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Chúng ta có thể thay thế thánh thi giờ Kinh Sáng bằng bài thánh ca khác chưa được chuẩn thuận không? Có được phép bỏ qua phần lời cầu cách tự tiện, hoặc do thiếu thời giờ trong giờ Kinh Sáng không? Có hướng dẫn nào cho thay thế các thánh vịnh bằng các thánh thi hay thánh ca không liên quan không? - P. F., Mumbai, Ấn Độ.

Hỏi 2: Con luôn hiểu rằng "Vinh tụng ca, Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, Glory Be to the Father" cần được đọc cuối mỗi bài thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng vụ. Liệu hiện nay có được phép, khi bài thánh vịnh được chia thành ba phần, như trong giờ Kinh Trưa, để bỏ qua “Vinh tụng ca” không, thưa cha? - L. B., Turin, Ý.

Đáp: Vì cả hai bộ câu hỏi đều liên quan đến Các Giờ Kinh Phụng Vụ , tôi sẽ trả lời chúng chung với nhau.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết, tiền đề phải là rõ ràng. Các Giờ Kinh Phụng vụ là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và Hội Thánh của Người, chứ không phải là sự cầu nguyện riêng tư của bất kỳ nhóm hay cá nhân nào. Do đó, ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ khẳng định:

"20. Việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng vụ, cũng như các việc phụng vụ khác, không phải là một hoạt động riêng tư, nhưng có liên hệ đến Nhiệm Thể Hội Thánh, biểu lộ Nhiệm Thể đó và có ảnh hưởng đến toàn thể Hội Thánh. Việc cử hành đó sẽ biểu lộ được “những nét đặc thù của Hội Thánh” một cách rõ rệt nhất - và đó chính là điều phải hết sức cổ võ - là khi có cả giám mục lẫn linh mục đoàn của một Giáo phận - trong đó Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thật sự - cùng nhau cử hành. Cả khi không có giám mục, mà chỉ có kinh sĩ hội hay linh mục đoàn, thì cũng phải liệu sao cho việc cử hành đó phù hợp với giờ thực sự trong ngày, và mỗi khi có thể được, có cả giáo dân tham dự. Các cộng đoàn kinh sĩ các nhà thờ lớn cũng có thể làm như vậy.

"21. Các cộng đoàn giáo dân khác, đặc biệt là các giáo xứ, tức những tiểu tổ của giáo phận được thiết lập tại địa phương, dưới quyền một mục tử thay mặt giám mục, những cộng đoàn đó “một phần nào đại diện cho Hội Thánh hữu hình rải rác trên khắp hoàn cầu”, nếu có thể được, nên đọc chung những giờ kinh chính trong nhà thờ.

"22. Vậy, khi giáo dân được triệu tập và họp nhau lại, hợp lòng chung tiếng để cử hành Các Giờ Kinh Phụng vụ, thì họ tỏ cho thiên hạ thấy Hội Thánh đang cử hành mầu nhiệm Đức Kitô” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Do đó, tính cách phụng vụ của kinh nhật tụng nghĩa là nó không thể được thay đổi theo ý thích, nhưng phải tuân thủ một cách trung thực. Tuy nhiên, ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ cho phép một mức độ thích đáng về nhu cầu và hoàn cảnh của địa phương, trong khi vẫn tôn trọng cấu trúc tổng thể của nghi thức.

Như vậy, về các thánh thi, ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ nói rằng:

"173. Từ rất xa xưa và bây giờ cũng thế, thánh thi vẫn được dùng trong kinh nhật tụng. Quả vậy, không những nhờ bản chất dạt dào tình cảm, rất thích hợp để ca tụng Thiên Chúa, mà còn vì được dân chúng ưa chuộng, lại biểu lộ được đặc tính của mỗi giờ kinh và mỗi ngày lễ hơn những phần khác trong kinh nhật tụng, nên thánh thi có sức lôi kéo và thúc đẩy ta cử hành sốt sắng các giờ kinh. Nét văn vẻ của Thánh thi cũng thường giúp phần tăng thêm công hiệu này. Hơn nữa, đó còn là yếu tố thơ quan trọng nhất trong kinh nhật tụng do Hội Thánh sáng tác.

"178. Khi đọc bằng tiếng bản quốc, các Hội Đồng Giám Mục có quyền thích nghi các thánh thi Latinh cho hợp với đặc tính riêng của tiếng nước mình, cũng như cho phép đọc những bài mới sáng tác, miễn là phù hợp với tinh thần giờ kinh, mùa phụng vụ và ngày lễ. Hơn nữa, phải cẩn thận canh chừng không được cho hát những bài thánh ca bỉnh dân, chẳng có chút giá trị nghệ thuật nảo, và không xứng hợp với vẻ trang trọng của phụng vụ" (Bản dịch, như trên).

Do đó, tất cả các thánh thi được sử dụng trong Kinh nhật tụng phải được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận vì mục đích này. Tôi nghĩ rằng Kinh nhật tụng cho phép sự linh hoạt đủ, để sử dụng một bài thánh thi phù hợp, được một Hội Đồng Giám Mục chấp thuận trong một vùng lãnh thổ khác. Thí dụ, các phiên bản khác nhau của các sách Nhật tụng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cung cấp các lựa chọn khác nhau của thánh thi. Sách Nhật tụng tiếng Anh cũng thêm phụ lục của thi ca tôn giáo. Tôi xin nói rằng bất kỳ bài thánh thi nào được phê chuẩn cũng có thể thay thế bài thánh thi được quy định, "miễn là phù hợp với tinh thần giờ kinh, mùa phụng vụ và ngày lễ”.

Về các lời cầu, ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ nói:

"179. Đã hẳn, trong Các Giờ Kinh Phụng vụ, chúng ta dâng lên Chúa những lời ca tụng. Nhưng truyền thống Do Thái cũng như Kitô giáo không tách biệt lời nguyện xin với lời ca tụng, và thường khi còn nhân việc ca tụng mà xin ơn. Thánh Phaolô Tông Đồ nhắn nhủ ta: “Khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, cảm tạ cho hết mọi người: cho vua chúa quan quyền, để chúng ta được sống bình an, đạo đức và xứng đáng. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Người muốn cho ai nấy đều được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2: 1-4). Các Giáo Phụ đã giải thích lời nhắn nhủ này theo nghĩa là sáng, chiều phải đọc kinh chuyển cầu cho mọi ngưởi.

"180. Trong Thánh Lễ, theo Nghi thức Rôma, đã tái lập những lời nguyện cho mọi người, thì trong Kinh Chiều cũng thế, nhưng dưới một hình thức khác như sẽ nói dưới đây.

"181. Đàng khác theo truyền thống cầu nguyện, thì buổi sáng, vẫn quen dâng trọn ngày cho Chúa, nên bây giờ lúc đọc Kinh Sáng, chúng ta cũng dâng những lời cầu để phú dâng hoặc thánh hiến trọn ngày cho Người.

"182. Những lời chuyển cầu trong giờ Kinh Chiều cũng như nhửng lời cầu xin trong giờ Kinh Sáng để dâng ngày cho Chúa, đều gọi chung là những lời cầu.

"183. Để thay đổi và nhất là để bày tỏ rõ hơn các nhu cầu của Hội Thánh cũng như của loài người, tùy hoàn cảnh, tùy thời, tùy nơi, tùy người, tùy bậc thì mỗi ngày đều có những công thức cầu nguyện khác nhau, cho phù hợp với các mùa trong năm phụng vụ và một số các lễ trọng.

"184. Ngoài ra, Hội Đồng Giám Mục có quyền thay đổi các công thức đề nghị trong sách Các Giờ Kinh Phụng vụ, cũng như chấp nhận các công thức mới, nhưng phải giữ các luật (sau đây)...

"188. Cũng được thêm các ý cầu nguyện riêng trong giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều.

"193. Vì thế, có thể áp dụng nhiều cách: hoặc linh mục hay thừa tác viên đọc cả hai phần, rồi cộng đoàn đáp lại bằng một câu như nhau từ đầu chí cuối; hoặc giữ im lặng trong giây lát sau mỗi ý nguyện; hoặc linh mục hay thừa tác viên đọc phần thứ nhất thôi, rồi cộng đoàn đọc phần thứ hai” (Bản dịch, như trên).

Như vậy, một lần nữa có sự linh hoạt đối với nhu cầu của địa phương, nhưng không đề cập đến bất cứ khả năng nào cho việc bỏ qua các lời cầu, vốn tạo thành một phần không tách rời của giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Vào các ngày trong tuần, nếu giờ Kinh Sáng được kết hợp với Thánh Lễ, các lời cầu có thể thay thế cho lời nguyện của tín hữu. Nhưng điều này không được phép vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng.

Câu hỏi thứ ba đề cập đến thánh vịnh. Một lần nữa ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ minh hoạ tầm quan trọng của chúng trong một chương về thánh vịnh, và mối liên hệ của chúng với kinh nguyện Kitô giáo:

"100. Trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hội Thánh dùng một phần lớn các bài ca tuyệt diệu của Cựu Ước mà cầu nguyện. Những bài ca này đã do các tác giả được Chúa Thánh Thần linh hứng sáng tác ra. Thật vậy, chính nhờ phát sinh từ nguồn gốc thần linh này, mà các bài thơ ấy có sức nâng tâm hồn con người lên cùng Thiên Chúa, khơi động nơi họ những tâm tình đạo đức thánh thiện, và đặc biệt giúp họ biết tạ ơn, khi gặp điều may mắn, cũng như đem lại cho họ niềm an ủi và sức mạnh tinh thần khi gặp điều rủi ro.

"101. Nhưng, thánh vịnh mới chỉ phác họa thời kỳ viên mãn được thể hiện nơi Chúa Kitô, thời kỳ mà Hội Thánh cầu nguyện một cách thật mãnh liệt hữu hiệu. Vậy, chẳng nên lấy làm lạ, nếu người Kitô hữu tuy hết lòng quý chuộng các thánh vịnh, nhưng đôi khi cũng gặp các khó khăn, khi muốn dùng những bài thơ quý hóa này làm lời kinh dâng lên Thiên Chúa.

"102. Nhưng, Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho các tác giả thánh vịnh soạn ra những bài thơ đó, lúc nào cũng ban ơn hộ giúp cho các tín hữu biết lấy thiện chí mà hát hay đọc những bài thơ này. Vả lại, mỗi người tùy theo sức mình cần phải “tìm hiểu Kinh Thánh kỹ hơn, nhất là các thánh vịnh”, và học cho biết cách cầu nguyện nên, khi đọc những bài đó.

"107. Nếu theo sát ý nghĩa của thánh vịnh, chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của chúng, đối với đời sống của tín hữu, xét về phương diện con ngưởi. Quả vậy, mỗi thánh vịnh đã được soạn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt. Các tiêu đề của mỗi thánh vịnh bản Hipri nhằm gợi lại cho ta những hoàn cảnh đó. Ngoài nguồn gốc lịch sử ra, mỗi thánh vịnh còn có một nghĩa đen mà ngay cả thời bây giở, chúng ta vẫn không được phép coi thường. Và dù những bài thơ này đã được sáng tác ở Đông Phương từ bao thế kỷ nay, chúng vẫn diễn tả được những nỗi đau khổ, niềm hy vọng, cảnh khốn cùng và lòng trông cậy của con người ở mọi thời và mọi nơi, và nhất là ca ngợi niềm tin tưởng vào Chúa cũng như ơn mặc khải và công trình cứu chuộc loài người.

"108. Khi đọc các thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô và có thể nói là đại diện cho chính Chúa Kitô nữa. Nếu nhớ như vậy, thì các khó khăn sẽ tan biến, khi thấy rằng những tâm tình sâu xa thầm kín của ta, lúc đọc thánh vịnh không trùng hợp với những tâm tình diễn tả trong thánh vịnh; thí dụ, đang âu sầu, ảo não, lại gặp một thánh vịnh vui tươi, đang phấn khởi, lại gặp một thánh vịnh âu sầu. Khi đọc riêng một mình thì dễ tránh những điều bất tiện này, vì được tự do chọn thánh vịnh thích hợp với tâm tình riêng. Nhưng khi đọc kinh nhật tụng, ta không đọc nhân danh cá nhân, nhưng nhân danh Hội Thánh, dù khi đọc một giờ kinh nào đó, chỉ có một mình thôi. Nếu đọc thánh vịnh nhân danh Hội Thánh, lúc nào ta cũng có thể tìm được lý do để vui hay buồn, vì trong vấn đề này, lời của thánh Tông đồ vẫn còn hiệu lực: “Vui với người vui, khóc với kẻ khóc” (Rm 12: 15). Như vậy, con người, vốn yếu hèn vì lòng vị kỷ, được đức bác ái chữa lành khi tâm tình bên trong hòa hợp với lời kinh tiếng hát.

"109. Đọc thánh vịnh nhân danh Hội Thánh thì phải theo sát đầy đủ các ý nghĩa (sensus plenus) của thánh vịnh, nhất là phải hiểu rằng các thánh vịnh đó đặc biệt nói về Đức Giêsu, là Đấng Mêsia. Chính vì thế mà Hội Thánh đã chấp nhận cuốn thánh vịnh. Ý nghĩa này thật rõ ràng đầy đủ trong Tân Ước vì chính Chúa Kitô đã nói với các tông đồ: "Tất cả những gì sách luật Môsê, các sách ngôn sứ và các thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24:44). Về điểm này, thí dụ điển hình nhất là cuộc đối thoại trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu nói về Đấng Mêsia: vừa là con vừa là Chúa của vua Đavít. Trong đoạn Tin Mừng này, thánh vịnh 109 được hiểu về Đấng Mêsia. Trong sách Công Vụ Tông Đồ và các thánh thư còn nhiều thí dụ giống như thế.

"Theo đường lối đó, các thánh Giáo Phụ đã đón nhận và giải thích toàn bộ thánh vịnh như lời sấm về Chúa Kitô và Hội Thánh. Cũng vì thế, Hội Thánh đã chọn thánh vịnh để dùng trong phụng vụ. Dù đôi khi, có một vài lối giải thích gò ép, nhưng nói chung, các Giáo phụ cũng như phụng vụ đã hiểu một cách chí lý rằng trong các thánh vịnh, chính Chúa Kitô kêu cầu cùng Chúa Cha, và Chúa Cha đáp lại lời Người. Thậm chí các ngài lại còn nhìn nhận đó là tiếng của Hội Thánh, của các tông đồ hay các thánh tử đạo. Phương pháp giải thích này vẫn còn thịnh hành ở thời Trung cổ. Quả vậy, vào thời ấy, trong nhiều bộ thánh vịnh chép tay, đầu mỗi thánh vịnh đều nêu ý nghĩa quy về Chúa Kitô. Lời giải thích quy về Chúa Kitô không những chỉ áp dụng trong các thánh vịnh được coi là đặc biệt nói về Đấng Mêsia, mà còn bao hàm nhiều thánh vịnh khác, tuy có người cho đó chỉ là những lời giải thích có tính cách gượng ép, nhưng vẫn được Hội Thánh xưa nay khuyến khích.

“Nhất là trong các ngày lễ kính, nhiều thánh vịnh đã được chọn, vì chúng có ý nghĩa xa gần quy về Chúa Kitô, nên thường lấy các câu đáp ca ngay trong những thánh vịnh đó” (Bản dịch, như trên).

Vì "Khi đọc các thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô và có thể nói là đại diện cho chính Chúa Kitô nữa”, thì các thánh vịnh và các thánh ca Kinh Thánh không thể được thay thế bằng bất kỳ bản văn nào hay thánh ca nào khác.

Cuối cùng, về câu hỏi kỹ thuật thứ hai liên quan đến "Vinh tụng ca", ‘Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ’ giải thích:

"124. Thánh vịnh nào quá dài, thường chia làm nhiều đọan, như có ghi sẵn. Việc phân chia đó cho thấy rõ mỗi giờ kinh đều gồm ba thánh vịnh hoặc ba đoạn thánh vịnh, nhưng ý nghĩa của mỗi thánh vịnh vẫn không thay đổi. Nên giữ cách phân chia đó, nhất là khi cử hành chung bằng tiếng Latinh, và thêm ‘Vinh tụng ca’ vào cuối mỗi đoạn. Nhưng, được phép đọc theo lối cổ truyền hay ngừng lại đôi chút giữa các phần trong cùng một thánh vịnh, hoặc đọc cả thánh vịnh cùng với điệp ca luôn một lúc tử đầu đến cuối.

"125. Ngoài ra, tùy thể văn, có thể chia thánh vịnh thành nhiều triệt, để sau mỗi triệt có thể lặp lại điệp ca, nhất lả khi hát bằng tiếng bản xứ. Trong trường hợp này, chỉ cần đọc ‘Vinh tụng ca’ ở cuối thánh vịnh” (Bản dịch, như trên). (Zenit.org 13-6-2017)


Nguyễn Trọng Đa

Lòng Nhân Ái có hậu ngay ở đời này

Lòng Nhân Ái có hậu ngay ở đời này



Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
Người ta kể chuyện là có thời ông Gandhi đi một chuyến xe lửa. Khi xe bắt đầu chuyển bánh thời ông nhảy vội vã lên tàu khiến cho một chiếc giày của ông rơi xuống đường. Ông không thể nào nhảy xuống để nhặt lại chiếc giày trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Ông bèn tháo luôn chiếc giày còn lại trong chân và ném về phía chiếc giày kia ở dưới đường. Hành khách trên tàu tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thế và lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông.
Gandhi mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi.”
Chúng ta ít khi nghĩ đến các người khác mà thông thường chỉ nghĩ về chính bản thân mình mà thôi. Khi bị mất mát thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình. Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
Gandhi đã có một hành động thật cao quý vì trong khi bản thân mình bị mất mát như thế, ông vẫn để tâm nghĩ đến người khác. Hành động này chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tâm tưởng và nguyên tắc sống của ông.
Nếu trong những lúc mà chúng ta được sống an bình và thành công mà chúng ta còn không quan tâm tới những kẻ bị bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp gian khó, mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không? Trong xã hội, xung quanh chúng ta hàng ngày có biết bao nhiêu người thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ. Những gì họ cần đến không nhất thiết phải luôn luôn là vật chất, nhiều khi họ chỉ cần một lời động viên an ủi. Cõi ta bà này sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi chúng sinh không chỉ chăm lo cho lợi ích riêng mình mà còn chăm lo cho lợi ích của người khác nữa.

*
Câu chuyện thứ hai liên quan tới vị danh tướng Dwight Eisenhower. Ông là một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 từ năm 1953 đến 1961. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, ông phục vụ với tư cách là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại Châu Âu, có trách nhiệm lập kế hoạch và giám sát cuộc tiến công xâm chiếm thành công vào nước Pháp và Đức năm 1944–45 từ mặt trận phía Tây.
Vào thời xa xưa đó, một hôm ông Eisenhower cùng với đoàn tùy tùng của ông vội vã lái xe về tổng hành dinh quân đội ở Pháp để tham dự một cuộc họp khẩn cấp. Lúc đó trời đang mùa đông lạnh buốt lại thêm mưa tuyết rơi phủ đầy khắp nơi. Xe đang chạy thì ông bất ngờ để ý nhìn thấy có hai vợ chồng già người Pháp ngồi ở bên lề đường đang run rẩy vì cái lạnh giá buốt. Ông lập tức ra lệnh cho đoàn tùy tùng ngừng lại và muốn phái một thông dịch viên tiếng Pháp tới hỏi thăm cặp vợ chồng này. Một viên tham mưu nhắc nhở ông là nên để cho nhân viên công lực tại địa phương lo chuyện này, phái đoàn phải đi nhanh lên vì sợ trễ cuộc họp. Ông nói nếu đợi cảnh sát địa phương tới thì sợ là quá muộn và hai người này sẽ chết cóng.
Sau khi hỏi thăm, ông Eisenhower biết được là họ đang muốn tới Paris để gặp con trai nhưng xe của họ bị chết máy giữa đường. Ông bảo hai vợ chồng già mau lên xe của ông. Ông không hề quan tâm đến chức phận của ông và không hề tỏ thái độ gì trước hai kẻ đang gặp nạn này. Ông chỉ theo bản tính lương thiện vốn sẵn có của ông là luôn luôn muốn giúp đỡ người hoạn nạn mà thôi. Ông liền ra lệnh thay đổi lộ trình, đưa cặp vợ chồng tới Paris trước, rồi ông và đoàn tùy tùng mới lái xe tới tổng hành dinh để dự cuộc họp.
Không ngờ chính sự chuyển hướng đi thình lình ngoài kế hoạch này đã cứu mạng ông! Quân Quốc Xã có tin tình báo nên biết chính xác hành trình của ông và đã bố trí sẵn các tay súng bắn tỉa nấp rình tại các ngã tư. Nếu ông tới thì sẽ bị hạ sát ngay chỗ đó. Nhưng hóa ra chỉ nhờ vào cái tâm lương thiện, cái lòng từ bi đã giúp ông đổi lộ trình và tránh thoát cuộc mưu sát này. Quả là tự cứu mình bằng cách giúp người khác.

*
Câu chuyện thứ ba kể về một cậu bé nhà nghèo tên là Howard Kelly. Quá nghèo nên hàng ngày cậu thường phải đến gõ cửa từng nhà để bán báo trên đường đi tới trường học của mình.
Một hôm cơn đói nổi lên thình lình, cậu thò tay vào túi thì thấy chỉ có một đồng duy nhất cuối cùng. Đồng tiền này cậu định dành lại để mua thức ăn cho mấy đứa em ở nhà. Sau vài giây phút lưỡng lự cậu quyết định đi tới ngôi nhà ở phía trước để xin chút đồ ăn. Nhưng người mở cửa cho cậu lại là một cô bé xinh đẹp và dễ thương. Cậu tỏ ra bối rối và ngại ngần, nên cậu chỉ dám mở miệng xin một cốc nước để uống mà thôi.
Cô bé trông thấy cậu có vẻ nghèo nàn và đang mệt lả đi vì đói nên thay vì mang nước cô lại đem cho cậu một cốc sữa lớn. Cậu từ từ uống một cách ngon lành rồi mới rụt rè khẽ hỏi cô gái: “Tôi nợ cô bao nhiêu?” Cô gái trả lời: “Bạn không nợ nần gì tôi cả. Mẹ tôi đã dạy là không bao giờ làm điều tốt mà còn chờ được trả công.” Cậu cảm động nói: “Tôi thành thực biết ơn cô.
Sau khi rời khỏi ngôi nhà cô bé tốt bụng đó, cậu Howard Kelly không chỉ cảm thấy cơ thể khỏe khoắn trở lại mà cậu còn có lòng tin tưởng hơn vào từ tâm của con người. Điều này giúp ý chí cậu mạnh mẽ thêm lên và không chịu khuất phục số phận hẩm hiu của mình.
Nhiều năm sau đó, cô gái trẻ nói trên mắc phải một căn bệnh rất hiểm nghèo. Các bác sỹ tại địa phương đã cố gắng nhưng đành bó tay, không thể làm thuyên giảm bệnh. Cuối cùng họ quyết định chuyển cô lên bệnh viện thành phố nơi có nhiều chuyên gia mong chữa khỏi bệnh cho cô.
Trong số các bác sỹ được mời tới hội chẩn có một người tên là Howard Kelly. Khi nghe tới cái tên nơi quê quán của cô gái, một tia sáng chợt lóe lên trong ký ức của Kelly. Kelly vội đứng dậy, chạy xuống phòng cô gái. Bước tới gần giường bệnh ngay lập tức Kelly đã nhận ra đó chính là cô gái cho mình sữa ngày xa xưa. Kelly quay trở lại phòng hội chẩn và đề nghị được là người phụ trách ca bệnh đó.
Kelly làm hết sức mình với một sự quan tâm đặc biệt để chữa bệnh cho cô gái. Sau một thời gian chống chọi bệnh tình cô thuyên giảm và cuối cùng là khỏi bệnh hoàn toàn. 
Trước ngày cô gái xuất viện, bác sỹ Kelly đã yêu cầu nhân viên quầy thu ngân chuyển hóa đơn tới bàn giấy của mình. Kelly viết ít chữ lên trên hóa đơn trước khi nó được gởi tới phòng bệnh để trao cho cô gái.
Khi mở ra đọc cô gái thầm nghĩ rằng có lẽ cô sẽ phải ra sức làm việc cả đời mới trả hết món tiền này. Nhưng cô thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy trên phần đầu hóa đơn đã ghi sẵn dòng chữ: “Hóa đơn đã được thanh toán bằng một ly sữa”. Và người ký tên là: “Bác Sỹ Howard Kelly.”

*
Câu chuyện thứ tư xảy ra tại Đại học Stanford vào năm 1892.Thời đó có một học sinh 18 tuổi gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Là một trẻ mồ côi anh ta không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền, anh bèn nảy ra một sáng kiến. Anh cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.
Họ đến mời Ignacy J Paderewski, một nghệ sĩ dương cầm đại tài. Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản tiền là $2000 cho buổi biểu diễn. Sau khi họ thỏa thuận xong, hai người sinh viên bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị buổi trình diễn. Ngày ấy cuối cùng đã đến. Paderewski đã tới biểu diễn tại Stanford. Nhưng không may là vé không bán được hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé họ chỉ có được $1600. Họ thất vọng, đến để trình bày hoàn cảnh của mình với Paderewski. Họ đưa cho ông toàn bộ số tiền bán vé, cùng với một check nợ $400 và hứa rằng họ sẽ cố gắng trả số nợ ấy thật sớm.
Không ngờ Paderewski lại xé bỏ tờ check, trả lại số tiền cho hai chàng thanh niên và nói: “Hãy giữ lấy 1600 đô này, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu nữa thì mới đưa cho tôi.” Hai chàng thanh niên vô cùng bất ngờ, xúc động nói lời cảm ơn…
Đây chỉ là một việc nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách tuyệt vời của Paderewski. Ông giúp hai người mà ông ấy không hề quen biết. Trong cuộc sống hầu hết chúng ta đều nghĩ: “Nếu giúp họ, chúng ta sẽ được gì?” Nhưng những người vĩ đại lại nghĩ khác: “Nếu mình không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp gian khó này?” Người có từ tâm giúp ai không mong đợi sự đền đáp và chỉ nghĩ đó là việc nên làm mà thôi.

Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski nói trên sau này trở thành Thủ Tướng của nước Ba Lan. Ông là một vị lãnh đạo tài năng. Không may chiến tranh thế giới bùng nổ và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề. Hơn một triệu rưỡi người dân đang bị chết đói. Chính phủ của ông không còn tiền. Không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ ông bèn đến Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ trợ giúp.
Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover, người sau này trở thành Tổng Thống thứ 31 của Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy. Cuối cùng thì thảm họa cũng đã được ngăn chặn.
Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy thoải mái. Ông bèn quyết định đi sang Hoa Kỳ để tự mình cảm ơn ông Hoover. Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhưng vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy.” 

*
Thế giới này quả là một nơi tuyệt vời. Bạn cho đi thứ gì thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp đáp lại! (The world is a wonderful place. What goes around comes around!).
Người ta cũng còn nhớ ông Winston Churchill từng nói đại ý rằng chúng ta sinh sống bằng những gì chúng ta kiếm được, nhưng chúng ta tạo lập đời mình bằng chính những gì mà chúng ta bố thí. Sống trên đời phải có một chút gì cho đi. Một chút đó chính là cái mình cố gắng (We make a living by what we get, but we make a life by what we give.)  

S.T.