Trang

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA MÙA VỌNG

 Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA MÙA VỌNG
I. Nguyên nghĩa của chữ ''Adventus''

Giáo Hội dịch danh từ Hylạp παρουσία (''parousia'' có nghĩa là ''ĐẾN'') sang chữ Latinh là ''Adventus'' do động từ ''advenire: đến'' (1) có quá khứ phân từ (past participle) là ''adventum'': ĐÃ ĐẾN! Người Đức và Anh bỏ âm /us/ của ''adventus'' để có danh từ ''Advent, advent''. Người Pháp cũng vậy, còn bỏ mẫu tự ''d'' để có chữ ''avent''. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lại mẫu tự ấy trong câu tục ngữ ''Advienne que pourra'' và cách nói thông dụng ''quoiqu'il advienne'' (dù xảy ĐẾN thế nào chăng nữa) như trong bài ca ''Oui Devant Dieu'' (Ngày Thành Hôn). Sau này, trong tiếng Pháp, có chữ ''avenir'' là lược từ (ellipse) của thành ngữ ''temps à venir'' là tương lai: futur.

Bài Thánh Ca ''Il est né le divin Enfant'' có câu: ''Chantons tous son avènement!'', xin tạm dịch: ''Tất cả chúng ta hãy ca khen việc Ngài ĐẾN, giáng thế, giáng trần, lên ngôi vua!'' như lời Thiên Sứ báo cho Trinh Nữ: ''Ngài sẽ ngự trị trên nhà Giacob đến muôn đời và vương quyền của Ngài sẽ vô tận.'' (Luca 1,33) Danh từ ''avènement'' do động từ cổ ''avenir'' đồng nghĩa với ''venir'': ĐẾN.

II. Ý nghĩa chữ VỌNG trong tiếng Việt giúp hiểu thêm Mầu Nhiệm của Mùa Vọng

''Vọng'' là ''nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, TRÔNG CHỜ''. Ví dụ: danh vọng (2) viễn vọng kính; vọng về quê cũ; bài ca vọng cổ; Hòn Vọng Phu; thờ vọng Đức Thánh Trần; Nhiều làng ''vọng tế'' vị thần...; đền thờ vọng Liễu Hạnh ở Hà Nội; đặt hy vọng vào tuổi trẻ là rường cột của Quốc Gia; hy vọng có ngày gặp lại nhau; hết hy vọng rồi!...Chữ ''vọng'' còn có nghĩa ''ĐẾN từ xa, từ nơi khác'', chẳng hạn: Tiếng chày giã gạo từ đầu thôn vọng lại; Đứng ngoài sân, nói vọng vào.

III. Ý nghĩa MÙA VỌNG của Giáo Hội

Là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu và là Hiền Mẫu noi gương MẸ của Chúa Cứu Thế, để luôn sống các Mầu Nhiệm của Ngài mà Đỉnh Cao là Phục Sinh, Giáo Hội gọi Mùa Vọng là ''khởi điểm'' của Năm Phụng Vụ. Mùa Vọng 2012 bắt đầu vào Chúa Nhật, 02.12. Đức Giáo Hoàng nêu lên ý nghĩa của Mùa Vọng là: sự HIỆN DIỆN, VIẾNG THĂM, TRÔNG ĐỢI. Mùa Vọng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn Ở ĐÓ, Ngài không rời bỏ khỏi thế gian, mà Ngài ĐẾN VIẾNG THĂM chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta, dù đang bận rộn bởi bao sinh hoạt, được Mùa Vọng mời gọi tạm dừng lại trong thinh lặng để NHẬN BIẾT rõ ràng sự HIỆN DIỆN của Thiên Chúa.''

IV. Suy gẫm về lời dạy của Vị Cha Chung

A. Sự hiện diện
Thiên Chúa Ngôi Hai đã ĐẾN trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Ngài lại Ở GIỮA CHÚNG TA (EMMANUEL) như lời xác tín của Thánh Gioan: ''Ngài đã ĐẾN nơi nhà của Ngài, nhưng (và) người nhà đã không tiếp nhận Ngài... Lời đã trở thành xác phàm và CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TÔI và chúng tôi được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một từ nơi Cha...''

B. Sự hiện diện của Ngài hôm nay

Đức Thánh Cha xác tín: ''Thiên Chúa vẫn Ở ĐÓ!'' Thật vậy, như đã hứa trước khi về Trời, Ngài ''ở lại'' với chúng ta mọi ngày, trong Thánh Lễ, nơi Nhà Tạm, bằng Tình Yêu Quan Phòng, qua Vũ Trụ chứng minh có Ngài là Lời Vĩnh Hằng dựng nên mọi sự như lời chúc tụng trong Thánh Lễ: ''Trời và đất đầy vinh quang Chúa!'' (Pleni sunt caeli et terra gloria tua!)

C. Sự hiện diện của Ngài trong nhân loại

Con người được dựng nên theo Hình Ảnh của Thiên Chúa! (Sáng Thế Ký 1,26) Chính vì thế, Thánh Phaolô dạy: ''Adam thứ nhất được dựng nên bởi ADAM THỨ HAI, từ Ngài ông ta NHẬN được linh hồn mà sống.'' Là Kitô hữu, tôi MẶC LẤY Chúa Kitô như Thánh Phaolô cũng đã xác tín: ''Tôi sống vì Chúa sống trong tôi.'' Khi xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, tôi có Ngài HIỆN DIỆN trong lòng là điều hết sức cảm động như Linh Mục Nguyễn Văn Thích viết nhạc: ''Chúa Thiên Đàng NGỰ GIỮA lòng tôi! Phước phận này sao đáng, Chúa ôi! Kìa chín trời còn đang chật hẹp, huống chi nữa chút phận bèo trôi!'' Ngoài ra, Chúa Giêsu còn HIỆN DIỆN sống động trong những ''NGƯỜI- KHỐN-KHỔ-NHƯ-NGÀI'' bởi Ngài đã phán: ''Vì xưa Ta đói, mà các con đã cho Ta ăn, Ta khát, mà các con đã cho Ta uống...'' (Matth. 25,35)

D. Sự viếng thăm

Trong Cựu Ước, ''Thiên Chúa vô hình'' VIẾNG THĂM dân Ngài để nhìn thấy cảnh khổ cực của họ ở Aicập... Còn trong Tân Ước, Thiên Chúa là ''Lời nhập Thể và nhập Thế'' ngõ hầu được GẦN GŨI nhân loại và diễn nghĩa sống động của TÌNH YÊU CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA như trong Tin Mừng theo Thánh Luca 7,16: ''Mọi người kinh hãi và tôn vinh Thiên Chúa: Một ngôn sứ vĩ đại đã XUẤT HIỆN giữa chúng ta vì Thiên Chúa đã VIẾNG THĂM dân Ngài." Chúa Giêsu cũng phán: ''Ta ở tù, mà các con đã VIẾNG THĂM Ta.'' Sau Thiên-Chúa-Tình-Yêu, Mẹ Maria là Gương Mẫu của Đức ''thương người''! Thật vậy, được Thiên Sứ VIẾNG THĂM theo lệnh Thiên Chúa, sau khi hiểu rõ lý do là CỨU DÂN, Trinh Nữ liền ''xin vâng'' để, nơi Nàng, thành sự Giao Ước Mới, qua đó, Thiên Chúa Ba Ngôi đã VIẾNG THĂM Nàng như trong Luca 1,35. Vừa được cưu mang Thai Nhi Giêsu, Trinh Nữ đã nhanh chân lặn lội lên miền sơn cước, ''đem'' CHÚA ĐẾN THĂM bà Êlidabet và Gioan Tiền Hô mới được sáu tháng trong bụng bà ấy. Mẹ tạo cơ hội cho CHÚA Ở ĐÓ chừng ba tháng! Trong hang chiên lừa, Mẹ và Dưỡng Phụ Giuse tiếp đón mục đồng và ba nhà chiêm tinh ĐẾN THỜ LẠY Chúa Hài Nhi. Cuộc đời Chúa Cứu Thế là ngày, tháng, năm dài của sự VIẾNG THĂM biết bao nhiêu người qua những lần Ngài TIẾP XÚC với họ. Như thế, Mẹ Maria là Đấng Cộng Tác vào Kế Hoạch Cứu Rỗi của Thiên Chúa bởi vì Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng Chúa Giêsu.

E. Sự trông đợi

Trinh Nữ là ''Gạch Nối'' giữa Tân Ước và Cựu Ước vì Mẹ là Gương Mẫu của sự TRÔNG ĐỢI CHÚA ĐẾN. Chẳng những TRÔNG ĐỢI, Mẹ còn là CUNG ĐIỆN HỒNG ÂN để Thiên Chúa NGỰ ĐẾN. ''Có Mẹ, nhờ Mẹ, cùng Mẹ'' trong đời như ở tiệc cưới Cana, bên Thánh Giá và trên ''Lầu TRÔNG ĐỢI Thánh Linh'', hôm nay, Giáo Hội dạy người tin: ''ĐẾN với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria.'' (AD IESUM PER MARIAM)

Tân Ước không ghi lại 30 năm Chúa Giêsu sống với Mẹ, mà chỉ kể sơ lược, vỏn vẹn vài sự kiện, chẳng hạn việc Chúa sinh ra, Mẹ dâng Ngài vào Đền Thánh, hai Ông Bà lạc mất Ngài. Tuy nhiên, Tân Ước cũng nhắc tới sự TRÔNG ĐỢI của Tiên Tri Ximêon và của nữ Tiên Tri Anna. Hai Vị này là biểu tượng cho Dân Chúa trong Cựu Ước và Dân Mới của Ngài là Giáo Hội hôm nay. Hơn thế nữa, theo Lời Chúa trối: ''Này là Mẹ con! Này là con Bà!'', Mẹ được Thánh Gioan RƯỚC VỀ nhà của Ông, tức Bà là Mẹ của Giáo Hội. Cho nên, trong suốt 40 ngày TRÔNG ĐỢI Thánh Linh, Mẹ đã cận kề bên CON CỦA MẸ là GIÁO HỘI TIÊN KHỞI để, ''qua Mẹ, với Mẹ, bên Mẹ'', họ thấy vững tâm ''trong lúc TRÔNG ĐỢI Chúa Thánh Thần ĐẾN''!

V. Kết luận

Sống Mùa Vọng là thực hành các Đức: Tin, Cậy, Mến như câu đọc trong Thánh Lễ: ''Con tuyên xưng: Chúa đã chết đi. Con tuyên xưng: Ngài đã sống lại. Trong VINH QUANG, mai Ngài lại ĐẾN, đón chúng con lên Trời, về với Chúa Cha.'' Không chỉ là trông chờ Mùa Giáng Sinh, mà trong từng ''lúc, ngày, đêm'' và cả đời xin Chúa ''Ở LẠI trong tôi, ĐẾN với người khác'' trước khi Ngài ĐẾN LẠI để xét xử toàn thể nhân loại. Giờ chết sẽ ĐẾN nên tôi phải năng ĐẾN với Chúa vì Ngài cũng chờ tôi ĐẾN. Venite adoremus Dominum: Hãy ĐẾN thờ lạy Chúa.
Đaminh Phan văn Phước

1. Ad (tại, nơi, ở, đến) được dùng làm ''tiếp đầu ngữ'' (prefix). Nó còn biến âm sang tiếng Pháp là ''à'' và tiếng Anh là ''at''. Cả hai là giới từ (prepositions) dùng trước danh từ chỉ nơi chốn, chẳng hạn: arriver à l'aéroport; arrive at the airport: đến (tại) phi trường.

2. Kinh cầu trong Mùa Giáng Sinh có câu: ''Hài Đồng là Danh Vọng Đức Mẹ.'' Chữ ''vọng'' có nghĩa: ''được người ta ngửa mặt trông lên'' vì danh giá của mình.
 
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

MẦU NHIỆM LÀ GÌ?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC li-category MẦU NHIỆM LÀ GÌ?
Trong các bài giảng, các cha thường nói tới các mầu nhiệm của đạo công giáo. Mầu nhiệm là cái gì? Có bao nhiêu mầu nhiệm?

Thực ra không phải chỉ có trong các bài giảng, chúng ta mới nghe nói tới các mầu nhiệm (= MN). Đôi khi trong kinh nguyện chúng ta cũng thấy xuất hiện tiếng MN, thí dụ như các MN Kinh Mân côi. Và rồi trong cuộc nói chuyện hằng ngày, cũng có người buộc miệng thốt lên “thật là mầu nhiệm” để nói rằng: thật là khó hiểu, bí ẩn. Không rõ tiếng MN đã xuất hiện từ lúc nào trong ngôn ngữ Việt Nam, nhưng chắc chắn là trước khi Kitô giáo đến nước ta. Tuy rằng các tôn giáo khác không hay nói tới các MN, nhưng chúng ta cũng thấy những từ tương tự, thí dụ như là: phép mầu, nhiệm mầu, nhiệm lạ, huyền bí, huyền nhiệm, bí nhiệm, vv. Tất cả những từ đó đều có liên hệ với nhau. Riêng tiếng “MN” thì được sử dụng trong các sách thần học và giáo lý để dịch chữ mysterium tiếng La-tinh, hay mystère tiếng Pháp. Bởi thế thay vì đi truy nguyên các từ điển Hán việt để xem “mầu” là gì, “nhiệm” là gì, chúng ta hãy đi thẳng vào nội dung của tiếng “mysterium”. Có thể nói được là cho tới công đồng Vaticano II, hầu hết các sách thần học và giáo lý đều hiểu từ “mysterium” (MN) trong lãnh vực của đức tin, theo nghĩa là những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ con người, sức con người không tài nào hiểu nổi. Chúng ta chỉ biết chấp nhận bằng đức tin dựa trên lời Chúa chân thật. Thí dụ mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi: tại sao Cha, Con, Thánh Thần đều là Thiên Chúa, nhưng không phải là Ba Chúa mà chỉ là một Chúa? Một thí dụ khác là mầu nhiệm nhập thể: tại sao ông Giêsu là con người mà lại là Chúa được? Tại sao Thiên Chúa lại có thể xuống thế làm người được? Những điều đó vượt quá khả năng hiểu biết và suy luận của chúng ta. Sở dĩ chúng ta biết được những điều đó là do chính Chúa mặc khải; vì thế chúng ta chấp nhận những điều đó vì dựa vào chính uy tín của Chúa, tin rằng Chúa không sai lầm và cũng không lường gạt chúng ta. Chúng ta thú nhận rằng lý trí chúng ta không phải là tiêu chuẩn tối cao của chân lý; sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn cũng như chính thân phận con người của chúng ta cũng giới hạn; còn có rất nhiều thực tại cao xa hơn tầm trí của con người. Nói tóm lại, thì các MN áp dụng vào lãnh vực chân lý đức tin, về những thực tại thần thiêng vượt quá thế giới hữu hình của chúng ta (hoặc là về bản tính của Thiên Chúa, hoặc là đường lối khôn dò của Chúa: MN đau khổ, MN sự chết). Thế rồi từ đó, người ta nới rộng ra những điều thuộc lãnh vực khác nữa, nghĩa là cái gì không hiểu nổi thì cũng coi là MN hết.

Như cha đã nói, đó là ý nghĩa của tiếng “mầu nhiệm” dùng trong các sách thần học và giáo lý cho tới công đồng Vaticano II. Thế còn từ công đồng trở đi thì sao? Không lẽ công đồng đã sửa sai hết các sách thần học giáo lý? 

Công đồng Vaticanô II không nói rằng các sách giáo lý và thần học đã hiểu sai tiếng MN; nhưng công đồng đã mở rộng nhãn giới của tiếng đó ra. Như vừa nói, trước đây, MN có nghĩa là điều vượt quá sự hiểu biết của mình; cho nên đụng tới MN thì miệng lưỡi chúng ta tịt luôn, hết chỗ nói. Tuy nhiên, hiểu tiếng MN như vậy thì thật quá nghèo nàn. Thực vậy khi mở Tân ước, chúng ta thấy từ MN mang một ý nghĩa súc tích hơn nhiều. Theo thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chương 3, thì MN không ám chỉ một chân lý vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, cho bằng ám chỉ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch này được gọi là MN bởi vì trước đây giấu kín không ai biết đến, và bây giờ thì mới tỏ lộ nhờ đức Kitô mặc khải. Chính nhờ đức Kitô mà chúng ta biết được ý định của Thiên Chúa muốn quy tụ hết muôn dân muôn nước thành một gia đình; hơn thế nữa chính đức Kitô là dụng cụ môi giới thực hiện cuộc hoà giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nói tóm lại, theo thánh Phaolô, mầu nhiệm chính là kế hoạch hoà giải của Thiên Chúa nơi đức Kitô; vì vậy mà thánh tông đồ cũng gọi là ”mầu nhiệm đức Kitô”.

Mầu nhiệm đức Kitô có ảnh hưởng gì đến chúng ta hay không?

Có ảnh hưởng rất nhiều. Trên đây, chúng ta đã thấy rằng trước kia trong các sách giáo lý và thần học, tiếng MN được hiểu là điều gì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta; vì thế mỗi lần nghe nói tới MN là chúng ta tự thú là mình mù tịt chẳng hiểu ất giáp gì. Còn khi nói đến MN của đức Kitô theo nghĩa của thánh Phaolô thì nhãn giới sẽ khác hẳn. Mầu nhiệm của đức Kitô bao gồm hết những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi đức Kitô vì phần rỗi của chúng ta, thí dụ việc Ngài đã nhập thể ở với chúng ta, tất cả những lời nói hành vi để tỏ bày tình yêu của Chúa, đặc biệt là qua biến cố Thập giá và Phục sinh. Do đó mầu nhiệm của đức Kitô không phải chỉ gồm những chân lý về bản thân đức Kitô nhưng còn gồm hết các việc làm và cuộc đời của Ngài, nhằm thông ban cho ta tình yêu của Chúa.

Thế thì tại sao gọi đó là “mầu nhiệm”?

Thánh Phaolô gọi là MN bởi vì những điều đó trước đây được giấu kín không ai biết; mãi nhờ đức Kitô chúng ta mới biết được. Dĩ nhiên, khi tán giải ra tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu MN như là cái gì “tuyệt vời, diệu huyền, nhiệm mầu”, chứ không phải theo nghĩa là tối tăm khó hiểu. Dù sao, thì chúng ta cần phải ghi nhận thêm một nghĩa thứ ba của tiếng MN nữa, áp dụng trong lãnh vực phụng tự cầu nguyện. MN theo thánh Phaolo bao gồm kế hoạch yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa được mặc khải và thực hiện nơi đức Kitô. Nhờ đức Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ hoà giải của Thiên Chúa. Tuy nhiên những hồng ơn đó không những chỉ được ban cho nhân loại trong cuộc đời tại thế của đức Kitô, nhưng vẫn còn được tiếp tục ban cho chúng ta qua các bí tích. Trong tiếng Việt, tiếng “bí tích” chẳng thấy có dính dáng gì với tiếng MN hết; thế nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp, các bí tích được gọi là “mysterion”, và tiếng La-tinh khi thì dịch là “sacramentum” khi thì chuyển âm là “mysterium”. Có điều là các dịch giả ở Việt Nam hình như không để ý, vì vậy mà ở đầu Thánh lễ, chúng ta thường được nghe vị chủ tế mời gọi như sau: “Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh”. Mầu nhiệm thánh là gì? Thưa chính là bí tích Thánh Thể. Chính qua dấu hiệu của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu đức Kitô, mà chúng ta tiếp xúc với đức Kitô và nhận lãnh những hồng ân cứu độ. Nói cách khác, MN ở đây đồng nghĩa với bí tích (hay có người dịch là nhiệm tích), có nghĩa là những lễ nghi, nhờ những dấu hiệu hữu hình, đưa chúng ta tiếp xúc với đức Kitô. Trong các bí tích dẫn đưa chúng ta tiếp xúc với đức Kitô thì nổi bật hơn cả là Thánh Thể; vì thế Sách lễ gọi Thánh lễ là “mầu nhiệm thánh”. Như thế, chúng ta đã có ba nghĩa của mầu nhiệm: (1) thứ nhất, MN là một chân lý do Chúa mặc khải, vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ và chúng ta chấp nhận bằng đức tin; (2) thứ hai, MN là chính đức Kitô, vì nơi Ngài Thiên Chúa đã bộc lộc kế hoạch cứu rỗi; (3) thứ ba, MN là bí tích đưa chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi của đức Kitô. Nghĩa thứ ba cũng có thể áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh được gọi là MN bởi vì qua các dấu chỉ hữu hình của HT (lời giảng, bí tích, cộng đoàn), mà ơn thánh Chúa được ban cho ta.

Khi lần chuỗi Mân côi, chúng ta suy gẫm các mầu nhiệm. Thế thì ở đây “mầu nhiệm” hiểu theo nghĩa nào?

Chúng ta biết rằng kinh Mân côi gồm có 15 mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng; nhưng chung quy chỉ xoay quanh cuộc đời của Chúa Kitô từ lúc Nhập thể cho tới Phục sinh, và sẽ hoàn tất ở cánh chung. Như thế, các mầu nhiệm trong kinh Mân côi chính là mầu nhiệm của đức Kitô, hiểu theo nghĩa của thánh Phaolô. Chúng ta suy niệm những chặng đường trong cuộc đời của đức Kitô, tưởng nhớ lại những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua mỗi chặng ấy, để từ đó bày tỏ lòng biết ơn yêu mến Chúa, đồng thời chúng ta cũng muốn hoạ lại cuộc đời của đức Kitô ra chính cuộc sống của chúng ta bằng việc thực hành các nhân đức. Như vậy, các mầu nhiệm không phải là cái gì bí ẩn, tối tăm khó hiểu; nhưng là những việc huyền diệu mà tình yêu Chúa đã thực hiện; chúng ta muốn chiêm ngắm và hoạ lại trong đời, để đáp lại tình yêu đó. Việc cầu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm các mầu nhiệm của đức Kitô dần dần đưa chúng ta tới sự kết hiệp thân mật với Ngài, gọi là kết hợp thần bí (hay huyền nhiệm: mystique).

Nói tới mầu nhiệm, chúng ta liên tưởng tới các nhiệm tích, bí tích. Thế còn “nhiệm cục” là gì?

Nếu tôi không lầm, “nhiệm cục” dịch bởi tiếng La-tinh economia (hay: économie tiếng Pháp). Nếu lật từ điển, chúng ta sẽ thấy “économie” có nghĩa là “kinh tế” hay là sự “tiết kiệm”. Tuy nhiên không thể nào dịch “économie du salut” là “kinh tế cứu rỗi”. Thực ra, ở trong nguyên ngữ Hy-lạp, oikonomia có nghĩa là sự quản lý nhà cửa (oikos là nhà; và nêmô: xếp đặt phân phát). Trong thư gửi Êphêsô 3,2 thánh Phaolo đã áp dụng từ oikonomia vào chính mầu nhiệm cứu rỗi, khi Thiên Chúa bày tỏ những điều trước đây giấu kín và phân phát các hồng ân trong đức Kitô. Vì vậy oikonomia được dịch ra La-tinh là “dispensatio”, vừa mang nghĩa là bày tỏ kế hoạch, vừa có nghĩa là ban phát hồng ân. Từ đó có người dịch là ”Nhiệm cục cứu rỗi” hiểu theo nghĩa là: chương trình, kế hoạch. Thế nhưng khi áp dụng vào khía cạnh ơn thánh, thiết tưởng phải dịch là sự “phân phát thông ban” (communication) thì mới đúng, như sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo đã giải thích ở số 1076: économie sacramentelle có nghĩa là thông chuyển những công ơn cứu chuộc của đức Kitô. Ngoài ra cũng nên biết là đôi khi thần học Đông phương không giới hạn economia vào mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của đức Kitô, nhưng còn bao hàm tất cả các công trình của Thiên Chúa thực hiện từ lúc tạo dựng vũ trụ để thông ban tình yêu. Oikonomia đối lại với Theologia (dành đời sống nội tại của Thiên Chúa). Tuy nhiên đây chỉ là từ ngữ của thần học Giáo hội đông phương mà sách GLHTCG nói tới ở các số 236; 685 và 1066.

 
Giuse Phan Tấn Thành, OP
Nguồn: daminhvn.net

AI ĐÃ CHIA KINH THÁNH THÀNH CHƯƠNG VÀ CÂU

AI ĐÃ CHIA KINH THÁNH THÀNH CHƯƠNG VÀ CÂU
x
Billy Ryan 

Kinh Thánh là cuốn sách được biết đến nhiều nhất trên thế giới, được hàng tỷ người đọc trong suốt dòng lịch sử và vươn xa đến mọi chân trời góc biển.Đây cũng là cuốn sách số 1 trong những sách bán chạy nhất (best seller), với hơn 5 tỷ ấn bản được bán và phân phối. Đây là cuốn sách thường gặp trong đời sống người Công giáo chúng ta. Chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà, trong Thánh Lễ, học hỏi Kinh Thánh. Vì quá thông dụng nên có lẽ ít khi chúng ta đặt câu hỏi rằng ai đã phân chia Kinh Thánh thành các chương và câu?

Thời khai sinh Giáo Hội, Tân Ước dần được phát triển khi các giáo phụ chấp nhận những bản văn nào trong suốt quá trình quy điển hóa. Tuy nhiên, trong quá trình này, các ngài chỉ quyết định sách nào được kể là quy điển chứ không chuẩn hóa bằng cách phân chia chương và câu. Kinh Thánh không được phân chia thành chương mãi cho đến thế kỷ XIII. Trước đó, những bản cuộn Kinh Thánh đơn giản được phân chia bằng những khoảng trống ở giữa hoặc cuối bản văn để đánh dấu kết thúc của một phần đặc biệt.

Vào thế kỷ XIII, Tổng giám mục Langton và Hồng y Hugh Saint-Cher đã độc lập phát triển sự phân chia có hệ thống bản Kinh Thánh phổ thông bằng tiếng Latinh. Hệ thống của họ dựa trên các khoảng trống trong bản văn tiếng Hípri, được gọi là petuhoth hoặc setumoth, tiếng Hípri có nghĩa là “mở” và “đóng”. Cuối cùng, hệ thống của Langton trở nên phổ biến và được đưa vào trong các bản chép tay mới của Kinh Thánh như chúng ta thấy các chương hiện nay.

Những năm đầu thế kỷ XVI, người đầu tiên đưa các câu vào trong bản in Kinh Thánh là Santes Pagnino, học giả Kinh Thánh Dòng Đaminh, nhà giảng thuyết cho Đức giáo hoàng Lêô X.  Tuy nhiên, hệ thống này không được chấp nhận rộng rãi. Vào năm 1551, Robert Estienne, nhà in và là học giả Kinh Thánh, đã sáng tạo nên một hệ thống câu khác khi xuất bản cuốn Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của mình. Hai năm sau, ông dùng cùng một hệ thống cho bản in Kinh Thánh tiếng Pháp. Đầu tiên, số câu được ghi ở bên lề sách. Tuy nhiên, vào năm in 1555, ông là người đầu tiên đưa số câu trực tiếp vào trong bản văn khi in bản Kinh Thánh phổ thông tiếng Latinh (Bản Vulgate).

5 năm sau, bản Kinh Thánh Geneva, cuốn Kinh Thánh trọn bộ bằng tiếng Anh được xuất bản với các câu. Ngày nay, chúng ta vẫn dùng hệ thống phân chia chương và câu này đã được sáng tạo suốt hơn 400 năm qua.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: gpquinhon.org

 

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG - NĂM B


Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 1 Mùa Vọng - Năm B
(Mc 13,33-37)
Lời Chúa:
33"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!".

Học hỏi:

1. Đoạn Lời Chúa hôm nay nằm ở cuối chương 13 của Phúc âm theo thánh Máccô. Đọc chương 13 và cho biết chủ đề chính của chương này gì?

2. Lời mời gọi nào được nhắc đi nhắc lại trong bài Phúc âm này?

3. Tại sao phải canh thức hay tỉnh thức luôn luôn? Đọc các câu 33, 35-36. Chúa có “ác” không, khi Ngài đến lúc tận thế mà không báo trước?

4. Đọc Mc 13,32. Chỗ đứng của Đức Giêsu trong câu này có cao không? Đức Giêsu có biết lúc nào tận thế không? Tại sao Ngài không biết? Đọc Pl 2,6-8. 

5. Qua bài Phúc âm này, Đức Giêsu nhắc nhở ai phải canh thức? Đọc Mc 13, 1-4.35.37.

6. “Ngủ” nghĩa là gì? Đọc Ep 5,14; 1 Tx 5,6-7.

7/ Đọc Mc 13,34.36. “Canh thức” nghĩa là gì? Đọc thêm Mt 25,1-13; Lc 12,35-37.

8. Đọc Mc 14, 32-42. Có bao nhiêu động từ “canh thức” và “ngủ” trong đoạn Phúc âm trên đây? Theo bạn, các môn đệ thức với Chúa có dễ không?

9. Tại sao Giáo hội cho chúng ta đọc bài Phúc âm này trong Mùa Vọng?

10. Đức Giêsu mời mọi kitô hữu tỉnh thức và canh thức. Những điều gì làm tôi dễ mê ngủ trong thời buổi hôm nay?

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Ngu
ồn: tgpsaigon.net

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Ngày đầu chuyến viếng thăm Miến Điện của Đức Phanxicô

Ngày đu chuyến viếng thăm Miến Đin ca Đc Phanxicô
Vũ Văn An

 

Hãng Associated Press cung cấp bản tin ghi nhanh ngày 27 tháng 11 về chuyến viếng thăm Miến Điện của Đức Phanxicô:

12 giờ 30 trưa

Hàng ngàn người Công Giáo khắp Miến Điện đã tới thành phố lớn nhất của xứ sở là Yangon để nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới viếng thăm.

Đức Giáo Hoàng sẽ tới đây vào buổi chiều thứ Hai. Chuyến viếng thăm của ngài sẽ bao gồm các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Miến Điện trước khi qua Bangladesh.

Cha Brang Htoi, từ tiểu bang Kachin tới đây, với 1,600 người Công Giáo để nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại phi trường. Ngài nói: “chúng tôi rất phấn chấn được nghinh đón ngài”.

Người Công Giáo chỉ là một trong các nhóm tôn giáo thiểu số tại Miến Điện với hơn 660,000 người, chỉ hơn 1 phần trăm tổng số 52 triệu người dân.

1 giờ 30 chiều

Đức Giáo Hoàng đã tới Yangon trong chuyến viếng thăm để khuyến khích các cộng đồng Công Giáo bé nhỏ ở Miến Điện và Bangladesh.

Tại phi trường vào buổi chiếu, ngài đã được nghinh đón bởi các viên chức Công Giáo địa phương. Hàng ngàn người Công Giáo từ khắp nước đã dồn về Yangon, nhiều người vẫy cờ khi thấy xe ngài băng qua lộ trình, chơi các bản nhạc cổ truyền và mặc các trang phục thuộc sắc tộc của họ.

Đức Phanxicô sẽ gặp riêng nhà lãnh đạo dân sự, Aung San Suu Kyi, tư lệnh quân đội nhiều quyền hành và các tu sĩ Phật Giáo khi ở thăm Miến Điện.

2 giờ 00 chiều

Người Hồi Giáo Rohingya bị giới hạn ở một trại sơ tán ở Miến Điện nói rằng họ hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gọi tên họ như trước đây ngài đã làm lúc cầu nguyện cho người Rohingya như anh chị em.

Giáo Hội Công Giáo địa phương, trái lại, công khai khẩn khoản xin ngài đừng dùng tên gọi trên, là tên được dân chúng địa phương tránh dùng, vì người Rohingya không được thừa nhận là một thiểu số sắc tộc trong xứ sở.

Hơn 600,000 người Rohingya đã chạy trốn qua Bangladesh, nhưng hơn 100,000 người bị giới hạn trong các trung tâm sơ tán trông giống như trại tập trung tại thủ phủ Sittwe, tiểu bang Rakhine từ năm 2012.

Faizel, một người Rohingya 27 tuổi ở trại Sittwe, nói rằng các cư dân hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại các hiệu quả tích cực. Nhưng anh sợ Đức Giáo Hoàng có thể không sử dụng danh xưng Rohingya vì bị áp lực.

Faizel nói: “Mọi người Rohingya đơn giản chỉ muốn được đối xử y hết các con người nhân bản khác mà thôi”.

7 giờ 00 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ Tướng Tư Lệnh Quân Đồi nhiều quyền lực và nói về “trách nhiệm lớn lao” của các nhà cầm quyền trong thời gian chuyển tiếp của Miến Điện.

Vatican nói rằng cuộc hội kiến với Tướng Min Aung Hlaing và 3 sĩ quan cao cấp của Phòng Hành Quân Đặc Biệt Miến Điện diễn ra tối thứ Hai tại tòa Tổng Giám Mục Yangon và kéo dài 15 phút.

Phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, không cung cấp các chi tiết của cuộc hội kiến riêng này, chỉ cho biết “các vị nói tới trách nhiệm lớn lao của các nhà cầm quyền đất nước vào giờ phút chuyển tiếp này”.

Tướng Min Aung Hlaing chịu trách nhiệm các cuộc hành quân tại tiểu bang Rakhine, nơi các lực lượng an ninh đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ chống lại người Hồi Giáo Rohingya, một chiến dịch từng khiến hơn 600,000 người chạy qua lân bang Bangladesh trong điều Liên Hiệp Quốc gọi là chiến dịch “thanh trừng sắc tộc”.



Phục hồi Khoa Học Gia Linh Mục Teilhard de Chardin

Phục hồi Khoa Học Gia Linh Mục Teilhard de Chardin

§ Vũ Văn An
Cho đến nay, Đức Phanxicô đã được người ta gọi bằng nhiều tên hiệu: “Giáo Hoàng của Người Dân”, “Giáo Hoàng của Người Nghèo”, “Giáo Hoàng của các Vùng Ngoại Biên” và “Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”. Ký giả John Allen Jr. muốn thêm cho ngài tên hiệu “Giáo Hoàng của Phục Hồi”, vì ngài đã phục hồi nhiều nhân vật trước đây từng bị nghi ngờ, có vấn đề hay thất sủng. Trong số này, Allen cho rằng có các nhà thần học giải phóng, các nữ tu Hoa Kỳ, các Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras và Walter Kasper của Đức.
Và nếu Đức Giáo Hoàng tiếp nhận khuyến cáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, thì ta có thể thêm trường hợp của linh mục khoa học gia kiêm triết gia và thần học gia người Pháp, Pierre Teilhard de Chardin, Dòng Tên, vào số những người được ngài phục hồi.
Thực vậy, trong Hội Nghị Toàn Thể hôm thứ bẩy tuần trước, tại Vatican, Hội Đồng Văn Hóa đã bỏ phiếu đề nghị Đức Phanxicô hủy bỏ lệnh cấm chính thức (monitum) năm 1962 của Thánh Bộ Văn Phòng Thánh, tiền thân của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hiên nay, đối với các trước tác của Cha Chardin. Lệnh cấm này đã được Tòa Thánh tái xác nhận năm 1981, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cha.
Hội Nghị tuyên bố rằng “chúng tôi tin rằng một hành vi như thế [hủy bỏ monitum] không những phục hồi sức mạnh chân chính của vị tu sĩ Dòng Tên đạo hạnh trong cố gắng của ngài nhằm hoà giải viễn kiến khoa học về vũ trụ với nền cánh chung học Kitô Giáo, mà còn đại diện cho một sự kích thích lớn lao đối với mô hình nhân học Kitô Giáo, là mô hình, theo chân các định mức của thông điệp Laudato Si’, tự nhiện sẽ tự định vị mình với câu truyện tuyệt diệu của vũ trụ”.
Cha Teilhard de Chardin, qua đời năm 1955 lúc 73 tuổi, là một linh mục Dòng Tên người Pháp; ngài vốn nghiên cứu về cổ sinh vật và tham dự vào việc khám phá ra “Người Bắc Kinh” ở Trung Hoa thập niên 1920, một khám phá đã củng cố việc phát triển từ từ của chủng người.
Dựa trên công trình khoa học của mình, Cha Teilhard đã khai triển một nền thần học biến hóa, một nền thần học quả quyết rằng mọi sáng thế đều phát triển hướng tới một “Điểm Omega” vốn chính là Chúa Kitô trong tư cách Logos, nghĩa là “Lời” của Thiên Chúa.
Theo chiều hướng này, Cha Teilhard mở rộng ý niệm lịch sử cứu rỗi để bao gồm không những các con người cá thể và nền văn hóa nhân bản mà còn toàn bộ vũ trụ nữa. Nói nhanh gọn, tư tưởng của Teilhard đã trở thành khởi điểm bắt buộc đối với bất cứ việc xử lý nào của Công Giáo đối với môi trường.
Các phát biểu tích cực của Công Giáo
Tuy nhiên, nói cho cùng, đến một mức nào đó, danh tiếng của Teilhard không cần được phục hồi, vì nó vốn được phục hồi từ lâu. Theo Allen, năm 1966, chỉ 4 năm sau lệnh cấm, Chân Phúc Phaolô VI đã đọc một bài diễn văn trong đó, ngài cho rằng Teilhard là một nhà khoa học “khi lục lọi vật chất, đã biết phải tìm thiêng liêng như thế nào”, và là người đề nghị “một lối giải thích vũ trụ có thể mạc khải sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong đó, các dấu vết của nguyên lý và đấng hóa công thông minh”.
Năm 1981, Đức Hồng Y Casaroli, người Ý và lúc đó là Quốc Vụ Khanh của Đức Gioan Phaolô II, có đăng một bài báo trên tờ
L’Osservatore Romano, nhật báo của Tòa Thánh, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cha Teilhard. Trong bài báo này, Đức Hồng Y Casaroli ca ngợi “âm hưởng kỳ diệu trong việc tìm tòi của ngài, cũng như sự chói sáng trong nhân cách của ngài, và sự phong phú trong suy tư của ngài”.
Đức Hồng Y còn cho rằng Cha Teilhard đã dự ứng lời kêu gọi “Đừng Sợ” phải ôm lấy “văn hóa, văn minh và tiến bộ” của Đức Gioan Phaolô II.
Chính Đức Bênêđíctô XVI, năm 2009, cũng đã công khai ca ngợi ý niệm của Cha Teilhard về vũ trụ, coi nó như “bánh thánh sống động”. Lúc ấy, phát ngôn viên Tòa Thánh, Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi, nói rằng “Đến nay, không ai còn mơ màng nói rằng [Cha Teilhard] là một tác giả dị giáo mà ta không nên nghiên cứu”.
Còn đối với Đức Phanxicô, ngài trích dẫn Cha Teilhard một cách đắc ý ở ghi chú số 53 trong thông điệp Laudato Si’, cho thấy, trong nền tảng, ngài cảm phục di sản của Cha.
Nói cho ngay, vấn đề của Cha Teilhard với giáo quyền thực sự không phải là chính công trình của ngài cho bằng cách người ta sử dụng nó.
Trong một lời nhận định đã rất lâu về buổi họp kết thúc của Công Đồng Vatican II (1962-65), linh mục trẻ tuổi Joseph Ratzinger, người sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, có phàn nàn rằng Gaudium et Spes, tức Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, coi nhẹ thực tại tội lỗi vì một ảnh hưởng “Pháp” rõ ràng, nhất là của “Teilhard”.
Sau Vatican II, Ratzinger và nhiều đồng nghiệp của ngài cảm thấy rằng một số nhà thần học Pháp, được viễn kiến Teilhard gợi hứng, đã mang những cặp kính tô hồng, mà lãng quên tín lý nguyên tội và tác dụng của tội lỗi đối với thế giới sa ngã.
Sau này, một số thần học gia Công Giáo gây tranh cãi và những muốn vượt giới hạn (envelope-pushing) ở cuối thế kỷ 20, như Cha Diarmuid O’Murchu, Cha Thomas Berry, cựu linh mục Dòng Đa Minh Matthew Fox, Rosemary Radford Ruether và Brian Swimme, tất cả đều cho mình chịu ảnh hưởng của Teilhard, đã làm cho các tư tưởng gia bảo thủ cũng như cơ quan giám sát trong Giáo Hội đắng môi đắng miệng.
Tuy nhiên, không ai trong số họ thực sự đã làm giảm cảm tình nồng hậu đối với Cha Teilhard của rất nhiều người nắm giữ các địa vị then chốt trong Giáo Hội.
Năm 2007, chẳng hạn, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, người Ý và là Quan Sát ViênThường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc và nay là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng ở Nga, cho báo chí hay: mỗi lần tới New York, ngài đều tới viếng mộ Cha Teilhard ở Poughkeepsie và cầu nguyện theo viễn kiến “Kitô hóa” toàn thể vũ trụ của Cha.
(Điều nghịch lý là địa điểm chôn cha Teilhard, bao gồm nghĩa trang của các tu sĩ Dòng Tên trước đây vốn là một phần của nhà tập, nay được sở hữu bởi Viện Bếp Núc Hoa Kỳ).
Thành thử, Đức Phanxicô có tiếp nhận khuyến cáo hủy bỏ lệnh cấm năm 1962 đối với Cha Teilhard hay không, có lẽ không quan trọng bao nhiêu, vì thực ra, các tác phẩm của Cha vốn đã và đang được đọc một cách rộng rãi trong các giới Công Giáo rồi.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ vẫn có thể có giá trị tượng trưng quan trọng. Nó có thể cho mọi người thấy rõ: bất kể sự dè dặt dễ hiểu trong việc bảo vệ kho tàng đức tin, cuối cùng công lý cũng đã được thực hiện cho những nhà tư tưởng từng phục vụ Giáo Hội. Nó cũng có thể nói lên tính cởi mở của Giáo Hội đối với thế giới khoa học, và chắc chắn sẽ được đánh giá cao bởi các nhà khoa học luôn nghĩ Teilhard là một người trong số họ.
Vũ Văn An

Hiệp nhất chứ không đồng nhất

Hiệp nhất chứ không đồng nhất


Vatican Insider | Andrea Tornielli | 28-11-2017
“Nếu có tranh luận, thì phải tranh luận như anh chị em với nhau.”
Đây là lời của Đức Phanxicô trong buổi gặp không chính thức lúc 10h sáng ngày 28-11, tại Tòa Tổng giám mục Yangon. Buổi gặp kéo dài khoảng 40 phút.
Sau lời giới thiệu của giám mục Hohn Hsane Hgyi, thì đến lời phát biểu của đại diện Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Do Thái giáo, Anh giáo và Công giáo.
Đến lượt mình, Đức Giáo hoàng nói tự phát, rằng
“Khi lắng nghe các lời phát biểu, tôi nhớ lại một lời kinh mà chúng ta thường đọc, trích trong Thánh vịnh. Vui mừng tốt đẹp lắm thay, anh em sum họp vui vầy bên nhau. Chúng ta hiệp nhất với nhau, nhưng không có nghĩa là đồng nhất. Hiệp nhất không phải là đồng nhất. Ai cũng có các giá trị của riêng mình, có sự phong phú riêng, và cả những lỗi lầm riêng. Chúng ta khác nhau và mỗi niềm tin có sự phong phú riêng, truyền thống riêng để chia sẻ cho nhau. Và chỉ có thể chia sẻ nếu chúng ta chung sống hòa bình. Mà hòa bình được xây dựng trên những sự khác biệt.
Với sự khác biệt, chúng ta làm nên hiệp nhất. Tôi đã nghe anh chị em dùng từ “hòa hợp” ba lần. Hòa bình, hòa hợp. Và trong thời nay, chúng ta đang trải qua một xu thế toàn cầu hướng đến sự đồng nhất, mọi thứ như một. Làm thế là giết chết nhân loại. Làm thế là thực dân hóa văn hóa. Và chúng ta phải hiểu rằng từ sự phong phú trong những khác biệt của chúng ta, về sắc tộc, tôn giáo, dân tộc, từ những khác biệt đó mà nảy sinh đối thoại. Và từ những khác biệt của nhau, chúng ta giúp nhau xây dựng đất nước này, một đất nước rất phong phú và đa dạng.
Bản chất của Myanmar rất phong phú về những khác biệt. Chúng ta không sợ sự khác biệt. Chúng ta có cùng một Cha. Chúng ta là anh chị em với nhau. Thì phải yêu thương nhau như anh chị em. Và nếu phải tranh luận, thì hãy tranh luận như anh chị em với nhau. Phải yêu thương nhau như anh chị em. Tôi tin rằng đây là cách duy nhất để chúng ta xây dựng được hòa bình.
Rồi Đức Giáo hoàng cảm ơn các đại diện tôn giáo “đã đến thăm hỏi tôi. Tôi là người đến đây thăm các vị mà. Và tôi muốn đây là một chuyến thăm của người anh em. Xin cảm ơn. Hãy xây dựng hòa bình. Đừng để thực dân văn hóa làm đồng hóa anh chị em. Sự hòa hợp đích thực được thực hiện qua những khác biệt. Sự khác biệt là sự phong phú cho hòa bình.
Xin cảm ơn nhiều, và tôi mong được cầu nguyện một lời, lời cầu nguyện của người anh em dành cho người anh em, “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!”  (Ds 6, 24-26).”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Lòng Thương Xót của Chúa đối với những con người tự tử

Lòng Thương Xót của Chúa đối với những con người tự tử
Lm. Chris Alar, MIC
Chuyển dịch: Lm. Martin Nguyễn Thanh Tuyền, O.P

Bà tôi đã phải vật lộn với cuộc sống. Kết cuộc bà đã tự tử...
Thế nhưng, vẫn còn đó niềm hy vọng!
Ai ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến ai đó đã kết liễu đời mình, hoặc cuộc đời của người nào đó bị tác động khi có người thân yêu tự tử. Thật không đơn giản để mà đương đầu với thực tại ấy, chính vì vậy người ta thường rơi vào tình thái tuyệt vọng. Trước những trường hợp tự tử, nhiều người đã trở nên không còn hy vọng gì nữa vì họ cho rằng những người tự tử đã bị mất linh hồn!

Tuy nhiên, từ bây giờ trở đi, tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Tôi sẽ cầu nguyện. Tôi sẽ cho các bạn biết vì sao:

Tôi là một kỹ sư có bằng cấp. Tôi có bằng thạc sĩ của trường Đại Học Michigan và từng làm việc với tư cách kỹ sư trong xưởng chế tạo xe hơi kỳ cựu tại bang Detroit, Hoa Kỳ. Bấy giờ tôi làm ra rất nhiều tiền, tôi đam mê công việc ấy, và tôi yêu thích nơi tôi làm việc. Xét về mặt lý thuyết, Chúa đã ban tặng cho tôi rất nhiều thứ mà người trẻ nào cũng luôn mơ ước. Thế mà, như có cái gì đó vẫn thiêu thiếu trong tôi.

Tôi quyết định di chuyển chỗ ở đến thành phố lớn Charlotte, thuộc Bắc Carolina. Nơi đây tôi khởi sự nghề kinh doanh tư nhân. Chẳng bao lâu kinh doanh của tôi trở nên khấm khá. Tôi sắm nào là nhà cửa, con thuyền, và dự tính cưới một cô vợ trẻ đẹp tại chính địa phương ấy. Thế nhưng, vẫn lại có gì đó thiêu thiếu trong tôi.

Tôi là tín hữu Công Giáo “gốc,” nhưng chẳng bao giờ thực sự sống đạo cả. Thế rồi, tôi quyết định sẽ đi Lễ trở lại và tôi đã tìm được 1 nhà thờ ở Bắc Carolina mà tôi gọi là nhà của Thánh Mác-cô, tại phố Huntersville. Người ta thường nói đùa nhà thờ này là nhà thờ “Đức Mẹ ngõ hẻm,” vì ban đầu nhà thờ này chỉ bao gồm vỏn vẹn 12 gia đình trong một ngõ hẻm nhỏ, thế mà chỉ trong vòng 6 năm nhà thờ đã có được 15.000 gia đình. Tôi bắt đầu đến đây để Chầu Thánh Thể. Cuối cùng, tôi đã làm một điều mà tôi muốn đề nghị hết thảy các bạn là: tôi đã đi xưng tội cách trọn.

Xưng tội cách trọn có nghĩa là trong tâm trí, bạn sẽ phải rà soát lại từng ngóc ngách chi tiết cuộc sống quá khứ bạn, rồi cứ thế, mà xưng thú ra tất cả, không bỏ một chi tiết nào cả.

Xưng tội cách trọn như thế đã giúp tôi rất rất nhiều, khởi từ những tội lỗi từ thời ấu thơ cắp sách đến trường, xuyên qua sự nghiệp làm ăn và kinh doanh. Tôi bắt đầu cảm giác bao nhiêu gánh nặng trên vai như dần dần rơi rụng.

Đó là vào năm 2003, đang khi tôi đang xưng thú tất cả mọi tội lỗi đời tôi, tôi đã dừng lại biến cố vào năm 1993. Tôi nói với vị linh mục giải tội: “Thưa cha, biến cố xảy đến cho con vào năm 1993 cứ đeo đuổi mãi trong con. Đó là cái chết của bà nội con.”

Bà của tôi đã tự tử
Bà nội Mary Alar của tôi là một người phụ nữ đặc biệt. Cha tôi kể cho tôi nhiều câu chuyện về bà, từ khi gia đình buộc bà phải bỏ dở lớp sáu hầu có thể ra ngoài đời đi làm người giúp việc phụ giúp kinh tế gia đình bấy giờ. Trước đám cưới 2 ngày, hôn phu của bà đột nhiên qua đời trong tai nạn giao thông. Sau đó, bà gặp ông nội tôi, nhưng cuộc sống bà vẫn vô cùng trầy trụa. Vào năm 1993, bà đau khổ lắm - trên bình diện thể lý, tình cảm, và tâm linh.  Càng ngày bà tôi không thể chịu được nỗi thống khổ ấy. Bấy giờ, tôi vừa hoàn tất chương trình đại học, vẫn chẳng hay biết gì bà tôi đang phải chịu đau đớn đến mức nào. Chợt tôi nhận một tin sốc vô cùng, đó là bà tôi đã tự tử đúng vào ngày Quốc Tế Người Cha. Trong thời gian ấy tôi không nhận ra mình vô tâm đến mức nào. 10 năm sau, tôi đã thuật lại cho cha giải tội rằng suốt thời gian ấy tôi không “có mặt ở đó với bà.” – thậm chí ngay vào lúc an táng bà. Ý tôi muốn nói, tất nhiên tôi có ở đó theo bình diện thể lý, nhưng tôi không có mặt với bà theo bình diện tình cảm và tâm linh, vì tôi đã dành hết sức để chuyên tâm đến bằng cấp, công việc, căn nhà mới, và cô bạn gái, thậm chí tôi chẳng nhớ để cầu nguyện cho bà tôi nữa.

Tôi kể cho vị linh mục ấy rằng biến cố đau thương ấy đã đeo đuổi tôi mãi, làm tôi không khi nào yên, vì cho rằng Chúa đã xét xử bà tôi rồi, cũng như tôi đã không tận dụng cơ hội để cầu nguyện và giúp đỡ bà. Điều mà tôi sợ nhất khi nghĩ đến, đó là, tôi đã từng nghe Luật Giáo Hội cho rằng nếu ai tự tử, người ấy mặc nhiên sẽ xuống hỏa ngục ngay lập tức.

Thế là, vị linh mục ấy của tôi đã nói một điều mà làm cho cả cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Cha nói: “Tối nay về nhà, con hãy đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót để xin Chúa cứu linh hồn bà của con. Đó là lời cầu nguyện vô cùng hiệu quả.” Thật lòng tôi chưa từng bao giờ nghe đến Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót. Tôi đáp lại: “Ủa, nhưng thưa cha, bà của con đã bị xét xử rồi mà, nên không còn kịp nữa. Bà đã chết cách đây 10 năm rồi! Nên một là bà đã lên Thiên Đàng (tôi mong rằng như thế), hoặc đã xuống hỏa ngục (tôi mong là đừng). Cùng lắm những lời cầu nguyện của tôi có chăng là làm giảm bớt thời gian thiêu đốt của bà nơi Luyện Ngục nếu như số bà được Chúa thương, nhưng không, tôi cho rằng số phận đời đời kiếp kiếp của bà đã được định đoạt. Nên giờ đây chẳng thể nào có thể cứu vãn được nữa.”

Cha nói tiếp: “Này, Thiên Chúa vượt lên trên thời gian. Đối với Ngài chẳng có không gian cũng chẳng có thời gian, nhưng chỉ có hiện tại vĩnh cửu bao trùm. Ngài nhìn thấy mọi sự chỉ trong nháy mắt. Từ khởi thủy cho đến tận cùng của thế giới này, Ngài biết rõ tất cả chỉ trong tích tắc mà không cần nại đến ý muốn của con người. Theo con, bằng cách nào mà Đức Mẹ Maria mang thai mà vẫn tinh khiết vẹn tuyền?” Tôi trả lời: “Bằng cuộc Khổ Nạn, cái Chết, và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.” Vị linh mục tiếp lời: “Đúng là nhờ vào công nghiệp ấy của Chúa Giêsu. Thế nhưng bằng cách nào mà Mẹ có thể thụ thai khi con trẻ Giêsu lúc bấy giờ còn chưa được sinh ra? Đó là vì Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian. Cũng vậy, những lời cầu nguyện của con sẽ mang tính vĩnh cửu, và qua những lời nguyện cầu ấy của con, Thiên Chúa sẽ đổ xuống muôn vàn ân sủng, vì Ngài là Đấng không bị giới hạn bởi thời gian không gian. Ngài có thể đi khắp mọi hướng: quá khứ, hiện tại và tương lai. Hy lễ của Đức Kitô trước Dung Nhan Chúa Cha mãi mãi vẫn hiện tại (eternally present), cho nên những lời cầu nguyện của chúng ta cũng y như thế nếu chúng ta biết nối kết tất cả mọi sự vào Thánh Giá Chúa Kitô.”

Tôi ngồi đó, lắc đầu, thốt lên: “Ồ, thưa cha, quá tuyệt vời!” Thực lòng, tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu ý tưởng ấy cho lắm, vì nghe quá tuyệt đến nỗi khó mà tin đó là sự thật. Cha tiếp tục giảng giải: “Chris con, giờ hãy nghĩ thế này. Vào năm 1993 bấy giờ, Thiên Chúa đã biết con ngồi tại đây hôm nay, là năm 2003, và Ngài cũng biết tối nay con sẽ đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót để cầu nguyện cho linh hồn bà nội con. Vì Thiên Chúa là Đấng thương xót và yêu thương vô tận, Ngài sẽ đặt tất cả lời cầu nguyện của con vào lòng bàn tay Mẹ Maria, là Đấng Trung Gian chuyển giao mọi Ơn Thánh. Thế rồi, những lời nguyện cầu của con trong bàn tay Mẹ Maria, kể từ ngày hôm nay, lại sẽ được Thiên Chúa múc lấy để đổ tràn xuống cho linh hồn bà vào thời điểm năm 1993 trước kia, là thời điểm bà ra trước Tòa Chúa chịu xét xử, hầu cứu giúp linh hồn bà.”

Cha nói tiếp: “Con thấy đó, tự tử là một tội trọng, vì vậy giờ đây bà đang rất cần bất kỳ sự trợ giúp nào có thể. Thế nên với ân sủng Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của con, bà mới có thể đạt đến tình trạng khá hơn để thưa ‘xin vâng’ với Chúa.” (Đây là lý do tại sao thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi mỗi người chúng ta lànhững tiểu đồng công cứu độ – vì mỗi người chúng ta đều cùng chia sẻ công cuộc cứu độ của Đức Kitô).

Vị linh mục tiếp tục: “Trong cuốn Nhật Ký của chị thánh Faustina, chị có ghi chép lại việc Chúa Giêsu đã đến thăm một linh hồn đang trong tình trạng tuyệt vọng khủng khiếp, hầu mong cứu linh hồn ấy khỏi lửa hỏa ngục đời đời (Nhật ký, số 1486), cho nên chúng ta có thể suy ra được rằng, các linh hồn của những người thân yêu chúng ta vẫn có cơ hội để ăn năn, để thưa ‘xin vâng’ với Thiên Chúa, và vì thế sẽ được cứu vớt.”

Tôi thốt lên: “Thưa cha, vậy thì tốt quá, vì chắc chắn không còn gì mà bà nội con sẽ không còn thưa ‘xin vâng’ với Chúa Giêsu nữa khi bà nhìn thấy được Chúa Giêsu. Điều này tuyệt vời quá đỗi! Cảm ơn cha nhiều, thưa cha. Con chúc cha một ngày tốt lành.”

Tội lỗi làm ta mù lòa
Chợt cha ngắt lời tôi: “Hãy khoan. Nhưng còn một vấn đề nữa. Con có nói là khi còn sống, bà của con đã rời bỏ Giáo Hội. Vậy con có biết là bà bao giờ rước Lễ không?”

Tôi trả lời: “Con cũng chẳng biết nữa.”

Cha nói: “Vấn đề là ở chỗ, có thể những lý do nào đó để làm cho bà của con quay trở về với Chúa nhưng bà lại không chịu quay về. Nếu có vấn đề như thế, thì khi Chúa Giêsu đến với bà thì bà cũng chẳng nhận ra Người được.”

Tôi chưng hửng: “Trời đất, con nghĩ mọi sự đã tốt đẹp rồi chứ, nhưng giờ thì con lại lo là bà sẽ bị mất linh hồn vì bà không nhận ra được Chúa Giêsu, vì vậy bà cũng chẳng thể nào thưa ‘xin vâng’ với Người được!”

Cha nói: “Con chẳng để cha nói hết ý gì cả. Bà sẽ không thể nhận ra Chúa nếu không nhờ vào lời cầu nguyện của con. Với lời cầu nguyện của con, Chúa sẽ tuôn đổ nhiều ân sủng xuống cho bà hơn. Đó là lời cầu thay nguyện giúp được Lòng thương xót Thiên Chúa chấp nhận. Vì thế tại sao tại Fatima, Mẹ Maria cho biết rằng, có vô số những người bị mất linh hồn trong lửa hỏa ngục… vì chẳng có một ai cầu nguyện cho họ! nên lời cầu nguyện của con sẽ ví như là hàng loạt máy bay dội bom xối xả xuống dưới, bắt đầu từ năm 2003, hầu giải thoát linh hồn bà đang ở trong cuộc chiến gay go của năm 1993. Lời cầu nguyện ấy sẽ đi vào lòng bàn tay Mẹ Maria, rồi sẽ chuyển đến bà nội trong suốt quá trình bà chịu xét xử riêng (xin nhắc lại, Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian). Những ân sủng từ những chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót mà con dùng để cầu cho bà có thể sẽ đủ ơn phúc để đưa bà nội quay trở lại và thưa ‘xin vâng’ với Chúa. Ngược lại, nếu không có ai cầu nguyện cho bà, thì bà của con sẽ không thể nào có thể quay trở lại và thưa ‘xin vâng’ được.”

Cha nói tiếp: “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta phạm tội, quay lưng lại với Chúa? Đó là, chúng ta tạo nên một bức màn che giữa Chúa và bản thân chúng ta, làm cái nhìn chúng ta vào Chúa mờ hẳn đi. Thế nhưng, những lời cầu nguyện của con sẽ vén bức màn ấy lên để rồi bà sẽ nhìn thấy Chúa rõ nét hơn. Bà sẽ có cơ hội tốt hơn để nhận ra Dung Nhan Chúa như Ta là Đấng Ta là. Nhưng con hãy nhớ rằng, bà cần phải thưa ‘xin vâng’ – con không thể thưa ‘xin vâng’ thay cho bà được. Nhưng có một điều chắc chắn, là con có thể giúp bà rất nhiều. Đây chính là ý nghĩa của lời cầu thay nguyện giúp (intercessory prayer).”

Cha giải tội tiếp tục cho biết: “Bà của con giờ đây giống như một tên lính bị thương, đang nằm bẹp tại chiến trường mà tự mình chẳng giúp gì được cho mình. Tính mạng của người lính này đang trong tình trạng nguy ngập. Lời cầu nguyện của con sẽ xuất hiện như người lính bạn, đến để nâng vác bà ấy lên vai, rồi đưa bà đến chỗ an toàn. Nên giờ đây, bà phải cộng tác với con, để con có thể giúp đỡ bà, nhưng bà cần phải có ước muốn sự sống đời đời cơ. Nên tùy vào sự chọn lựa của bà. Nhưng này Chris con ơi, những lời cầu nguyện của con có thể giúp bà ngay trong thời điểm bà bị xét xử riêng, là thời điểm định đoạt linh hồn sẽ được hay không được cứu vớt – ý nghĩa ơn cứu độ là thế.”
Tôi nói: “Thưa cha, quả là tuyệt vời.”

Niềm hy vọng cho những ai đã tự tử
Tôi nói: “Con nghe nói Giáo Hội dạy rằng, những ai mà tự tử sẽ bị kết án trầm luân trong lửa hỏa ngục và mất linh hồn đời đời.” Cha trả lời tôi: “Giáo Hội không bao giờ dạy như thế cả.” Giáo Hội nói gì về vấn đề tự tử? Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết rằng: “Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm. Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết. Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.” (Sách GLHTCG, số 2282, 2283). Cha nói tiếp: “Thế nên, vẫn còn hy vọng! Giáo Hội cho biết rằng, chúng ta hãy phó thác những con người ấy vào Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Vì vậy, cho dù những lời cầu của con vào lúc này đây, có trễ đi 10 năm, cũng có thể tạo nên sự khác biệt rất to lớn con ạ. Chính vì thế, chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót là một trong những lời kinh cầu hiệu quả nhất mà con có thể dâng tặng cho những ai đang cần đến Lòng Thương Xót của Chúa nhất.”

https://www.sign.org/wp-content/uploads/2017/09/Screen-Shot-2017-09-13-at-12.07.24-PM.png
Sau đó, chúng tôi cùng nói chuyện với nhau về một người thân trong gia đình của tôi đã qua đời. Trước khi người ấy qua đời, gia đình của chúng tôi đã cầu nguyện cho người ấy quay về với Chúa, trong suốt 20 năm trời. Thế mà người ấy vẫn không hề hối cải, cũng không quay về với các bí tích của Giáo Hội. Tôi kể với vị linh mục này rằng cha tôi đã nói: “Trời, thế là 20 năm cầu nguyện đã tiêu diêu!”

Có thật là như thế không?  Không đâu! Một lần nữa, vị linh mục này đề cập đến Nhật Ký của chị thánh Faustina, và ý tưởng này đã hoàn toàn đánh bật gốc rễ lối sống quá khứ tôi. Từ giờ cho đến mãi mãi, tôi đã thay đổi.

Thánh nữ Faustina viết: “Đôi khi, lòng thương xót của Thiên Chúa chạm vào tội nhân một cách lạ lùng và mầu nhiệm vào giây phút cuối đời. Bề ngoài, mọi sự tưởng chừng như đã hư mất (cũng như cái nhìn vô vọng của tôi trước kia về cái chết của bà tôi). Nhưng kỳ thật không phải như vậy. Linh hồn, sẽ được soi sáng nhờ hồng ân dũng lực sau cùng mà Thiên Chúa ban, đã trở về với Người trong giây phút cuối cùng bằng sức mạnh của tình yêu, và ngay tức thì họ được nhận lãnh ơn Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt, trong khi bề ngoài chúng ta không thấy họ tỏ dấu hiệu ăn năn hoặc sám hối, bởi vì các linh hồn [vào giai đoạn ấy] không còn phản ứng lại với thế giới bên ngoài nữa. Ôi! lòng thương xót Thiên Chúa vượt quá mọi trí hiểu con người! … Mặc dù họ đang trong phút giây lâm tử, nhưng Thiên Chúa hay thương xót vẫn cho linh hồn ấy một giây phút thật sáng suốt trong sâu thẳm nội tâm, để mong ước sao, nếu họ sẵn lòng, thì vẫn còn có khả năng quay trở về với Ngài (Nhật Ký, số 1698).

Hãy chia sẻ Lòng Chúa Thương Xót
Thế là sự cứng lòng tin của tôi như bị đập vỡ vụn. Tôi nói: “Cha ạ, chúng ta có một vị Thiên Chúa vô cùng thương xót, yêu thương, quảng đại, thì chắc chắn Ngài sẽ cho bà của con một cơ hội để đạt được ơn cứu độ chứ phải không? Và Ngài sẽ cho con giúp đỡ bà dù con đã bỏ quên không cầu nguyện cho bà cách đây nhiều năm rồi?”

Cha trả lời: “Đúng vậy, chuỗi Lòng Chúa Thương Xót chính là sức mạnh, nhất là cho những ai đã tự kết liễu đời mình, hoặc cho những ai đã chết cách đây hàng nhiều năm.”

Vị linh mục ấy đã nhấn mạnh rõ rằng: Tự thân một mình, không có một linh hồn nào có thể được giải thoát khi đã trầm luân trong lửa hỏa ngục – đây chính là Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, ý cha ấy muốn nói, đó là, như những chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, chúng ta có thể trợ giúp cho ơn cứu độ của nhau thông qua những lời cầu nguyện của chúng ta. Như Chúa Giêsu nói với thánh Faustina, “Hãy giúp Ta, hỡi con của Ta, để cứu các linh hồn. Hãy để cho nỗi đau khổ của chính con được nối kết vào Khổ Đau của Ta, để rồi chúng ta cùng trao dâng lên cho Cha trên trời hầu cứu lấy các tội nhân” (Nhật Ký, số 1032).

Tôi nói: “Cha ạ, con muốn dâng hết quãng đời còn lại của con để rao truyền thông điệp Lòng Chúa Thương Xót này.”

Giờ đây, thông điệp này chính là nền tảng thiên chức linh mục của tôi.

Vậy, nếu bạn biết ai đó tưởng như đã mất linh hồn, đặc biệt là những người tự tử, xin bạn đừng đầu hàng! Vẫn còn đó sự hy vọng! Bạn có thể giúp, tất cả các bạn đều có thể cứu giúp các linh hồn, vì hết thảy chúng ta đều là những chi thể trong một Nhiệm Thể Đức Kitô.

Cầu nguyện cho người đã khuất!
Vì vậy, tôi xin tất cả các bạn hãy cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta, cho dù những người ấy đã ra đi cách đây 10 năm, 20 năm, hoặc 50 năm đi nữa. Chúng ta đừng  bao giờ kết luận bất kỳ một linh hồn nào đã hư mất đời đời. Như Chúa Giêsu nói với thánh nữ Faustina, “Có những khoảng khắc và có những huyền nhiệm nơi lòng thương xót Chúa mà đến các tầng trời cũng phải ngỡ ngàng. Gi7o2 đây chúng ta hãy thôi xin đừng xét đoán về các linh hồn nữa, vì rằng, lòng thương xót của Chúa dành cho họ thật diệu vợi”(Nhật Ký, số 1684).

Nguồn: https://www.sign.org/articles/divine-mercy-suicide