Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ NĂM B - LM. INHAXIO HỒ THÔNG

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ NĂM B - LM. INHAXIO HỒ THÔNG
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI TÔ

Phụng Vụ Lời Chúa của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô hôm nay nêu bật giá trị của Giao Ước được đóng ấn bằng máu tế vật.

Xh 24: 3-8
Sách Xuất Hành trình bày nghi thức Giao Ước được ký kết giữa Đức Chúa và dân Ngài. Giao Ước được đóng ấn bằng máu của tế vật, máu nầy được rảy trên hai phía ký kết: sự hiện diện của Đức Chúa được biểu tượng bởi bàn thờ, còn sự hiện diện của dân Thiên Chúa được biểu tượng bởi mười hai thạch trụ đối diện với bàn thờ.

Dt 9: 11-15
Thư gởi tín hữu Do thái cho thấy hy tế Đức Ki-tô cao vời khôn ví so với các hy tế Giao Ước Cũ, vì Đức Ki-tô đã hiến dâng chính máu của mình để đóng ấn Giao Ước Mới.

Mc 14: 12-16, 22-26
Tin Mừng Mác-cô tường thuật việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, hy tế Giao Ước Mới.

BÀI ĐỌC I (Xh 24: 3-8)
Sách Xuất Hành thuật lại không chỉ cuộc “xuất hành ra khỏi Ai-cập”, nhưng còn kinh nghiệm tôn giáo mà dân Do thái đã kinh qua trong hoang địa. Chắc chắn kinh nghiệm nầy xác minh kinh nghiệm mà tổ tiên xưa kia của họ đã được trải qua. Chính khởi đi từ giây phút nầy, dân Do thái đã không còn cảm thấy mình là một dân không có cội nguồn, nhưng ý thức mình là dân được chính Thiên Chúa đích thân phù trợ. Tất cả những người, sau khi kinh qua một mặc khải huyền nhiệm, sống mặc khải nầy trọn cuộc đời của mình như thế nào, thì dân Ít-ra-en luôn luôn quy chiếu đến những biến cố Xuất Hành để hiểu lịch sử của mình và những mối quan hệ ưu tiên của mình với Thiên Chúa như vậy.

Họ đã ghi lại những mối quan hệ nầy bằng thuật ngữ Giao Ước, theo cách thức mà con người ký kết ở giữa nhau: Thiên Chúa đề nghị che chỡ bảo vệ họ và đòi hỏi họ tuân giữ vài điều khoản của Ngài (những đòi hỏi của Thiên Chúa cốt yếu được chứa đựng trong Thập Giới). Về phần mình, họ phải cam kết tôn trọng những điều khoản nầy. Tất cả những truyền thống liên quan đến Giao Ước Xi-nai đều định vị Giao Ước trong bầu khí uy nghi và trình bày Giao Ước trong khung cảnh cử hành phụng vụ.

Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay tường thuật việc ký kết Giao Ước cách long trọng, theo một dị bản được khai triển nhiều nhất trong số những dị bản. Đây chính là dị bản mà Đức Giê-su sẽ quy chiếu khi thiết lập hy tế Giao Ước Mới. Dị bản nầy, thuộc truyền thống Ê-lô-hít (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên), được tường thuật ở Xh 24: 3-8. Một dị bản khác, thuộc truyền thống Gia-vít (thế kỷ thứ mười và thứ chín trước Công Nguyên), được tường thuật ở Xh 24: 1-2 và 9-11. Trong khi truyền thống Gia-vít gợi lên việc ký kết Giao Ước qua một bữa ăn thánh trên núi Xi-nai trước thánh nhan Đức Chúa cùng với ông Mô-sê, ông A-ha-ron, các con trai của ông A-ha-ron và bảy mươi kỳ mục của dân Ít-ra-en, thì truyền thống Ê-lô-hít được trích dẫn hôm nay nhấn mạnh nghi thức rẩy máu trên bàn thờ và trên dân. Diễn tiến của nghi thức nầy rất đáng chú ý: nó loan báo sơ đồ của việc cử hành Thánh Thể: trước tiên, phụng vụ Lời Chúa, đoạn, phụng vụ Hy Tế.

1.Phụng vụ Lời Chúa:

 Từ trên núi xuống, ông Mô-sê, phát ngôn nhân của Đức Chúa, tường thuật cho toàn thể con cái Ít-ra-en quy tụ ở dưới chân núi Xi-nai biết “mọi lời của Chúa và mọi giới luật”. Dân chúng đồng thanh cam kết: “Mọi lời Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”. Vì thế, “ông Mô-sê chép lại mọi lời của Chúa”.

“Mọi lời của Chúa” phải được hiểu là “Mười Lời” hay “Thập Giới”. Còn “mọi giới luật” chắc chắn quy chiếu đến các luật luân lý, xã hội và tế tự được trình bày trong các chương 20-23, được gọi dưới tên“Bộ Luật Giao Ước”, nhưng bộ luật nầy rõ ràng không được soạn thảo trong hoang địa nhưng thuộc về thời kỳ đầu tiên khi dân Do thái định cư ở đất Ca-na-an, sau này được tháp nhập vào Thập Giới và đem lại cho Thập Giới những áp dụng thực tiễn.

Như chúng ta đã biết rồi, ông Mô-sê đã lớn lên trong cung điện Pha-ra-on và đã được đào tạo thành các thư lại. Ấy vậy, một trong những chức năng của các thư lại là ghi chép những bản hiệp ước. Một cách nào đó, ông Mô-sê làm như vậy khi xác định bằng văn bản những khoản Giao Ước mà dân Ít-ra-en sẽ phải tôn trọng. Mọi hiệp ước ở Đông Phương xưa đều được viết bằng văn bản và phải được công bố theo định kỳ.

2.Phụng vụ Hy Tế:

Sáng hôm sau diễn ra hy lễ đóng ấn Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Thiên Chúa. Hai bên ký kết Giao Ước diện đối diện với nhau: sự hiện diện của Đức Chúa được biểu tượng bởi bàn thờ và sự hiện diện của dân Ít-ra-en, vừa hữu hình vừa biểu tượng bởi mười hai thạch trụ đại diện mười hai chi tộc Ít-ra-en.

Như vậy, những thạch trụ nầy sẽ là những chứng nhân muôn đời bền vững cho lời cam kết trung thành của dân Ít-ra-en. Cũng theo một cách như vậy, ở đại hội Si-khem, sau khi dân vào Đất Hứa, khi mà Giao Ước được long trọng cam kết lại, ông Giô-suê sẽ dựng một tảng đá lớn ghi nhớ muôn đời lời thề hứa trung thành của toàn thể con cái Ít-ra-en (Gs 24: 26-27).

“Rồi ông Mô-sê sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa”. Các thanh niên mà ông Mô-sê chỉ định thực hiện hai loại hy lễ:

-Trước hết, “hy lễ toàn thiêu”. Như thuật ngữ chỉ cho thấy, tế vật được hoàn toàn hỏa tế trọn vẹn dâng tiến Thiên Chúa. Đây là hình thức hy tế cổ xưa nhất ở Ít-ra-en, tự nguồn gốc, mang đặc tính tạ ơn. Sau nầy, hy tế nầy trở nên thông thường: ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, hy lễ toàn thiêu được dâng tiến Đức Chúa hằng ngày.

-Tiếp đó, “hy lễ hiệp thông”. Nét đặc trưng của hy lễ hiệp thông chính là tế vật được làm thành một bữa ăn và mọi người cùng tham dự bữa ăn trước thánh nhan Thiên Chúa. Loại hy tế nầy nhằm tái lập những mối giao hảo giữa Thiên Chúa và các tín hữu của Ngài.

3.Nghi thức rảy máu:

Nghi thức được mô tả theo sau là duy nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Những tế vật bị cắt tiết cho máu hoàn toàn chảy ra hết. Điều nầy rất phù hợp với phong tục đặc biệt của dân Ít-ra-en. Nhưng máu nầy, thay vì được dành riêng cho chỉ mình Thiên Chúa như trong tất cả những hy tế khác, lại được tách riêng thành hai phần, sau đó, được rảy trên hai bên ký kết giao ước. Trước hết, ông Mô-sê rảy phần nữa máu trên bàn thờ đại diện Đức Chúa, phần còn lại ông rảy trên dân chúng. Cuối cùng, ông lập lại lời hứa cam kết trung thành của dân: “Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời nầy”.

Sự thỏa thuận của hai phía được đóng ấn bằng máu: máu là biểu tượng của sự sống, chung chung được dành riêng cho chỉ mình Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống, đem lại cho sự cam kết này một hình thức trang trọng nhất, cực thánh nhất mà người ta có thể tưởng tượng được.

Việc Đức Giê-su ban chính máu của mình để đóng ấn Giao Ước Mới mặc lấy một sự trang trọng còn lớn lao hơn nhiều, vì Đức Giê-su không chỉ đóng vai trò trung gian giao ước như ông Mô-sê, nhưng Ngài còn là tế vật nữa. Không có một sự cam kết nào về phía Thiên Chúa đối với nhân loại lại triệt để tận mức đến như thế. Không một nghi thức hiệp thông nào giữa Thiên Chúa và nhân loại lớn lao hơn nghi thức của Giao Ước Mới được hiện thực trong Bàn Tiệc Thánh Thể.

BÀI ĐỌC II (Dt 9: 11-15)

Thư gởi tín hữu Do thái là bản văn Tân Ước duy nhất giới thiệu Đức Ki-tô là Thượng Tế đích thật. Ngài là Thượng Tế nhưng cũng là tế vật. Vào ngày lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô nầy, Phụng Vụ dâng hiến cho chúng ta một đoạn trích thư gởi tín hữu Do thái, ở đó tác giả cho thấy máu của Đức Ki-tô cao vời khôn ví so với máu của tế vật dưới thời Giao Ước Cũ. Nhưng còn hơn nữa, tác giả nhấn mạnh rằng hy tế của Đức Ki-tô thuộc bản chất khác: một của lễ tự nguyện hiến dâng thuộc vào trật tự thần thiêng và tính hiệu lực thần thiêng của nó.

Chúng ta không biết tác giả của bức thư này là ai và ai là người nhận bức thư này (nhan đề: “Thư gởi tín hữu Do thái” được thêm vào sau này). Tuy nhiên, chắc chắn ông là một môn đệ hay một cộng tác viên của thánh Phao-lô; và người nhận phải là những Ki-tô hữu gốc Do thái, kỳ cựu trong đức tin, nhưng mất can đảm bởi những bách hại mà họ đang phải chịu. Dường như họ vẫn ôm ấp những hoài niệm về những nghi lễ uy nghi và trang trọng trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đối với họ, nghi lễ Thánh Thể xem ra quá đơn giản.

1.Đức Ki tô, vị Thượng Tế của Giao Ước Mới:

Tác giả đối chiếu chức tư tế của vị Thượng Tế Cựu Ước với chức tư tế của Đức Ki-tô. Những so sánh của ông cốt yếu được vay mượn ở nơi nghi thức lễ Toàn Xá diễn ra một năm một lần. Chỉ một năm một lần vào ngày đại lễ này, vị Thượng Tế bước vào nơi cực thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và với máu của tế vật ông tiến hành các nghi thức xá tội để cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chính mình và của toàn dân.

So sánh với sứ vụ của vị Thượng Tế nầy, sứ vụ của Đức Ki-tô thật sự là cao vời khôn sánh, vì Đức Ki-tô là “vị Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai”. Qua những mô tả, tác giả sắp cho thấy những phúc lộc của thế giới tương lai nầy mà Đức Kitô đã đạt được như thế nào: đó là những phúc lộc muôn đời bền vững, đã được hứa ban và từ nay đã đạt được một lần thay cho tất cả; tức là những phúc lộc thần thiêng chứ không vật chất và bên ngoài.

Sự cao cả của sứ vụ Đức Kitô được nêu bật ngay từ đầu bởi sự cao cả của cung thánh. Trái với vị Thượng Tế Giao Ước Cũ, để gặp gỡ Thiên Chúa, Đức Ki-tô không đi qua một đền thờ “do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo nầy”.

Dường như tác giả nhắm đến Thân Thể vinh quang của Đức Ki-tô. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa như vậy là vĩnh viễn, không cần lập đi lập lại mỗi năm một lần. Đức Kitô đã khai mở chỉ một lần là đủ con đường dẫn đến Chúa Cha, như tác giả viết sau nầy: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10: 10).

Máu mà Vị Thượng Tế Giao Ước Cũ rảy trên bàn thờ không phải máu của chính ông nhưng máu của những tế vật thụ động. Trái lại, Đức Ki-tô đã tự nguyện dâng hiến chính máu của mình trong một hiến lễ. Vị Thượng Tế Giao Ước Cũ chỉ đạt được ơn tha thứ tội lỗi tạm thời, trong khi Đức Ki-tô đạt được ơn giải thoát vĩnh viễn.

Những tế vật phải là vô tì vết; ấy vậy, Đức Ki-tô là tế vật vẹn toàn, tuyệt mức tinh tuyền và tuyệt đối thánh thiện; vì thế, hy tế của Ngài cũng tác sinh tính hiệu lực vô cùng tận. Việc rảy máu tế vật đem lại sự thanh sạch nghi thức, trong khi máu của Đức Ki-tô đem lại sự thanh sạch nội tâm.

2.Tính hiệu lực của hy tế Đức Ki tô.

Tại sao hy tế của Đức Ki-tô lại cao vời khôn ví như vậy? Tại sao hy tế của Ngài đem lại tính hiệu lực như vậy? Vì ở nơi Đức Ki-tô có Chúa Thánh Thần. Tác giả nói đến “Thánh Thần hằng hữu” nhằm làm nổi bật sự tương phản đáng kinh ngạc: cái chết của Đức Giê-su đạt được những phúc lộc vĩnh viễn.

Với tư cách là hiến lễ thần linh, hiến lễ thuộc Thánh Thần, hy tế của Đức Giê-su tái sinh nền tảng của đời sống nội tâm. Những ai đã được thanh tẩy như thế mới có thể dâng tiến Thiên Chúa lễ tế xứng với Người.

Hiến lễ của Đức Kitô được gợi lên ở đây không chỉ là hiến lễ đẫm máu trên Thập Giá, nhưng còn là hiến lễ của toàn bộ cuộc sống trần thế của Ngài kể từ khi nhập thể. Tác giả đã áp dụng cho Đức Giê-su Thánh Vịnh 40: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10: 5-7).

Tác giả thư gởi tín hữu Do thái gợi lên những nghi lễ Đền Thờ hiện nay, như một nền phụng vụ vẫn còn sống động (điều nầy khiến nghĩ rằng ông viết thư nầy trước năm 70, năm đánh dấu Đền Thờ bị phá hủy). Khi ngỏ lời với người Ki-tô hữu gốc Do thái, ông muốn cho họ thấy rằng những nghi thức Giao Ước Cũ chỉ là tiên trưng; chúng chỉ có giá trị tương đối. Thực tế, chính hy tế của Đức Kitô đã xóa hết “tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ”. Những ai đã nhận lời hứa ban phúc lộc đời đời, từ nay họ đã đạt được nhờ Giao Ước Mới.

TIN MỪNG (Mc 14: 12-16, 22-26)

Đoạn Tin Mừng Mác-cô nầy, được trích dẫn cho chúng ta vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô năm B, gồm có hai phần: chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (14: 12-16) và thiết lập bàn tiệc Thánh Thể (14: 22-26).

1.Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (14: 12-16):

 “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua”. Hai ngày đại lễ nầy: lễ Bánh Không Men và lễ Vượt Qua, từ lâu được cử hành thành một cặp song đối với nhau: lễ Vượt Qua là lễ của những người chăn nuôi theo đó họ giết một con chiên tơ; còn lễ Bánh Không Men là lễ của những người trồng trọt theo đó họ tiến dâng những sản phẩm đầu mùa và bánh không men được làm bằng những hạt lúa mạch đầu tiên. Việc hiệp nhất hai lễ nầy đã trở nên dễ dàng hơn vì bữa ăn Vượt Qua cũng bao gồm bánh không men.

Lễ Vượt Qua buộc phải được cử hành ở Giê-ru-sa-lem; bữa ăn con chiên bị sát tế “phải được ăn ở trong thành”. Điều nầy khiến các môn đệ lo lắng. Đức Giê-su là một bậc tôn sư lưu động không nơi cố định; hơn nữa, Ngài là người thuộc miền Ga-li-lê; ngoài ra, theo sơ đồ của các sách Tin Mừng Nhất Lãm, đây là lần đầu tiên Thầy trò lên Giê-ru-sa-lem. Vì thế, họ hỏi Ngài: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

Hoạt cảnh theo sau giống đến kỳ lạ với hoạt cảnh trước đó khi Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a: Đức Giê-su sai hai môn đệ đi trước, họ sẽ gặp thấy mọi việc diễn tiến như Ngài đã mô tả cho họ. Trong trường hợp thứ nhất: một con lừa con đang cột sẳn ở đó; còn ở đây, một người mang vò nước đến gặp hai ông. Trong cả hai lần, những sự việc xảy ra đúng như Chúa Giê-su đã tiên liệu: người ta để cho hai ông dắt con lừa đi; người mang vò nước dẫn hai môn đệ vào nhà và chỉ cho hai ông một phòng đã được chuẩn bị sẳn sàng cho Ngài cùng các môn đệ cử hành lễ Vượt Qua. Qua đó, thánh ký muốn nói rằng Đức Giê-su đã dự liệu tất cả, chính Ngài tổ chức lễ Vượt Qua sau cùng nầy như trước đây Ngài đã tổ chức cuộc khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem.

2.Thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể (14: 22-26): 

Lễ Vượt Qua Do Thái giáo, mà Đức Giê-su cùng các môn đệ cử hành, biến thành lễ Vượt Qua Ki-tô giáo qua việc Chúa Giê-su thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể: vừa nối tiếp vừa đoạn tuyệt, vừa  song đối sâu xa nhưng cũng mới mẻ tận căn giữa hai lễ Vượt Qua này.

Lễ Vượt Qua Do Thái giáo tưởng niệm cuộc giải phóng dân Ít-ra-en khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, nhờ vào máu con chiên được bôi trên cửa nhà của người Do-thái. Nhờ dấu hiệu nầy, Thiên Chúa đã nhận ra dân của Người nên đã tha chết cho họ.

Đức Giê-su loan báo cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ tội lỗi nhờ máu Ngài “đổ ra vì muôn người”. Về phương diện lịch sử, cuộc giải phóng khỏi Ai-cập đã làm dân Ít-ra-en thành dân Thiên Chúa và ơn tuyển chọn này đã được hiến thánh trên núi thánh Xi-nai bởi Giao Ước Cũ.

Nhờ Mình và Máu Thánh của Ngài, được chia sẻ ở giữa mọi người, Đức Giê-su thiết lập một dân Thiên Chúa mới bởi Giao Ước Mới được đóng dấu bằng máu của Ngài. Ở nơi bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

Nếu khung cảnh lễ Vượt Qua Do Thái giáo soi sáng sự biến đổi kỳ diệu của việc cử hành xưa như thế nào, thì khung cảnh bữa ăn Vượt Qua Ki-tô giáo mặc khải tất cả khía cạnh thống thiết của nó như vậy: Đức Giê-su sắp từ biệt các môn đệ của mình, những người mà Ngài yêu thương đến cùng, những người mà Ngài trao phó sứ mạng thông truyền sứ điệp của Ngài; Ngài không muốn để họ lại một mình; vì thế, Ngài gặp thấy phương tiện để ở lại với họ bằng cách thiết lập quà tặng kỳ diệu này, quà tặng của chính bản thân Ngài, nhờ đó các Tông Đồ cũng như những người kế nghiệp các ngài có thể lưu truyền mãi mãi cách thế hiện diện của Ngài. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể vừa ra đi vừa ở lại.
Thánh Mác-cô cũng nhấn mạnh “giá trị cánh chung” của “bàn tiệc Thánh Thể”. Bàn tiệc này tham dự trước bàn tiệc Thiên Quốc: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Trong nhiều sấm ngôn, cuộc sống tương lai thường được biểu thị như bàn tiệc thời Thiên Sai, còn rượu nho như một trong những dấu chỉ của “niềm vui thời Mê-si-a”, niềm vui muôn đời của thế giới sắp đến. Đây đã là một trong những ý nghĩa của dấu lạ tiệc cưới Ca-na, tự nó là khúc dạo đầu của dấu lạ bàn tiệc Thánh Thể: nước biến thành rượu ở tiệc cưới Ca-na tương ứng với rượu biến thành máu của Ngài ở bàn tiệc Vượt Qua.

Đoạn văn này chứa đựng một chi tiết quý báu: “Hát Thánh vịnh xong…”. Đây chính là thánh thi tạ ơn được gọi “Hallel”, được hát để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Bài thánh thi tạ ơn này được trích từ các thánh vịnh 113-118; như vậy, bữa Tiệc Ly của Đức Giê-su theo Tin Mừng Gioan đích thực là bữa ăn Vượt Qua của Đức Giê-su theo các Tin Mừng Nhất Lãm.

GĐPV : Khi nào linh mục bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin’ ?

Giải đáp phụng vụ: Khi nào linh mục bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin’ ?
Nguyễn Trọng Đa

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Ngày 14-11-2006, cha đã đưa ra ý kiến cá nhân của cha đối với các cử chỉ của một linh mục cử hành Thánh lễ một mình. Trong bài viết đó, cha đã giải thích rằng không có chỉ thị tổng quát rõ ràng nào, nhưng người ta phải giải thích nguyên tắc chung rằng các lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn được bỏ đọc. Con cho rằng các lời cổ xưa như lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ - thực ra, trong nhiều thế kỷ là thành phần của phần truyền phép - là còn quan trọng hơn một lời mời gọi trực tiếp hướng tới cộng đoàn. - J. M., Belleville, Illinois, Hoa Kỳ
.

Đáp: Mặc dù bài báo gốc ngày 14-11-2006 của tôi có chứa một số yếu tố giải thích cá nhân, nhưng chỉ thị về việc bỏ đọc ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không nằm trong số giải thích ấy. Chỉ dẫn này là lần đầu tiên được tìm thấy trong một câu trả lời cho một nghi ngờ được công bố trong Notitiae vào năm 1969. Nó đã được đưa vào trong chữ đỏ cho Thánh lễ đồng tế, mà nhiều Hội Đồng Giám Mục đã công bố. Gần đây nhất, theo sự hiểu biết của tôi, là tập sách thánh lễ đồng tế rất chi tiết, được xuất bản bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vào năm 2017; sách này cũng hướng dẫn các vị đồng tế không tham gia với cộng đoàn trong việc đọc lời tung hô.

Câu hỏi và câu trả lời gốc trong Notitiae là:

“3. Khi không có tín hữu nào diện diện để có thể đọc lời tung hô sau truyền phép, linh mục có xướng lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’ không?

“Đáp: Không. Lời ‘Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei’, vốn được lấy từ bối cảnh của lời Chúa và được đặt sau khi truyền phép, ‘là như một lời giới thiệu cho việc các tín hữu đọc lời tung hô’ (Xem Const. Missale Romanum). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, không ai có mặt để đáp lời, linh mục bỏ qua lời này, như được thực hiện trong Thánh Lễ mà, do sự cấp thiết, được cử hành không có người giúp lễ, và trong đó lời chào và ban phép lành cuối Thánh lễ cũng được bỏ qua (Inst. gen., số 211). Điều tương tự cũng là đúng cho một Thánh lễ đồng tế mà không có giáo dân nào có mặt. (Notitiae: 5 (1969), 324-325, số 3)”.

Để gỉai thích bối cảnh của chữ đỏ này, chúng tôi phải nhắc lại những gì chúng tôi đã viết trong bài ngày 7-10-2014.

“Trong phụng vụ tiền Công đồng, và do đó cũng trong hình thức ngoại thường, các từ ngữ này được tìm thấy trong nghi thức làm phép Chén thánh. Xin đọc:

“Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: là mầu nhiệm Đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

“Mọi người đều thừa nhận rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không có trong Kinh Thánh, và được bổ sung vào công thức Truyền phép trước thế kỷ VI. Một số tác giả nói một cách đáng tin cậy rằng cụm từ này đã Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461) dùng để chống lại bè rối Manikê, vì bè này phủ nhận sự tốt lành của các vật chất. Bằng cách này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hồng ân cứu độ đến nhờ việc đổ máu thân thể của Chúa Kitô, cũng như nhờ sự tham dự trong bánh và rượu được dùng để Truyền phép, vốn làm cho hy lễ của Chúa Kitô hiện diện ở đây và ngay bây giờ.

“Cụm từ trên đã được rút khỏi nghi thức Truyền phép, sau một loạt cuộc tranh luận lâu dài, bởi các chuyên viên soạn thảo nghi thức Thánh lễ mới. Lúc đầu người ta đã không có ý định giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể mới, nhưng chỉ đơn giản thực hiện một số sửa đổi nhỏ cho Lễ Quy Rôma. Tuy nhiên, các chuyên viên, khi họ không làm như thế, đã vội bị kẹt vào các đề xuất ngược lại. Sau đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định sẽ thôi sử dụng Lễ Quy cũ, khi sự đề nghị soạn thảo các Kinh nguyện Thánh Thể được chấp thuận.

“Không Kinh nguyện Thánh Thể mới nào đề xuất cụm từ không có nguồn gốc Kinh thánh “Đây là mầu nhiệm Đức tin” cả, và các hình thức Truyền phép đều là hơi khác nhau trong các Kinh nguyện Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phaolô VI một lần nữa can thiệp và bắt buộc rằng hình thức Truyền phép phải là như nhau trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể, và rằng cụm từ “Đây là mầu nhiệm Đức tin”, mà sự hiện diện của cụm từ trong Lễ Quy đã là linh thiêng trong nhiều thế kỷ, cần được duy trì, không phải trong công thức Truyền phép, nhưng như sự mở đầu cho lời tung hô của cộng đoàn.

“Sự tung hô sau Truyền phép là một điều mới mẻ cho nghi lễ Rôma, mặc dầu nó là khá phổ biến trong một số nghi lễ xưa khác, chẳng hạn như nghi lễ Alexandria.

“Về ý nghĩa của cụm từ, chúng tôi có thể nói như sau. Bối cảnh lịch sử có thể có của bè rối Manikê, như được nêu ra ở trên, là có ít liên quan cho ngày nay. Tôi tin rằng chìa khóa tốt nhất để giải thích ý nghĩa phụng vụ hiện tại của cụm từ đến từ các bản văn của việc các tín hữu tung hô:

“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

“hoặc:

“Lạy Chúa , mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.

“hoặc:

“Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

“Cả ba lời tung hô cho thấy rằng cụm từ "Đây là mầu nhiệm Đức tin” là không giới hạn vào sự Hiện diện Thực sự, nhưng đúng hơn là vào toàn thể mầu nhiệm của sự cứu độ nhờ cái chết, sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Kitô, vì mầu nhiệm này đang hiện diện trong việc cử hành Hy tế Tạ ơn.

“Ở Ireland, các Giám mục nhận được sự phê duyệt cho một lựa chọn thứ tư của lời tung hô, đó là "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thật là một sự tò mò rằng trong một bản ghi chép của mình, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gợi ý rằng lời rao truyền đặc biệt này là không thích hợp cho việc tung hô, bởi vì trong khi nó thể hiện một chân lý Đức tin, nó dường như tập trung sự chú ý chủ yếu vào sự Hiện diện Thực sự, hơn là vào toàn bộ Hy tế Tạ ơn.

“Có lẽ nếu người ta quan tâm đến bối cảnh Kinh thánh của lời tung hô của thánh Tôma Tông đồ về thần tính của Chúa Kitô, một khi đã chết và phục sinh, thì lời này cũng bao trùm toàn bộ mầu nhiệm”.

Như tôi đã đề cập trước đây, trong một số nghi lễ Công Giáo, các lời tung hô như vậy là một phần không thể thiếu trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Thí dụ, trong Qurbana (Thánh Lễ) của nghi lễ Syro-Malabar, họ sử dụng Kinh tiến hiến (anaphora) hoặc Kinh nguyện Thánh Thể Addai và Mari, một trong các bản văn cổ xưa nhất được biết đến, có lẽ có niên đại từ thế kỷ III.

Trong bản văn này, lời cầu nguyện gần như tương ứng với câu “Xin Chúa chấp nhận lễ vật của chúng ta…” được tìm thấy trong Kinh nguyện Thánh Thể sau phần tương đương với “Thánh, Thánh, Thánh, Sanctus”:

“Xướng: Lạy Chúa, xin chúc lành cho con!

“Chủ tế hướng về cộng đoàn và nói:

“Anh chị em thân mến, xin cầu nguyện cho tôi để cho Qurbana (Thánh lễ) này được hoàn thành qua bàn tay tôi.

“Rồi ngài quay về bàn thờ

“Đáp (Cộng đoàn): Xin Chúa Kitô nghe lời cầu nguyện của cha và nhận Thánh lễ (Qurbana) của cha. Xin Ngài tôn vinh chức linh mục của cha trên Nước Trời, và hài lòng với hy lễ này mà chính cha dâng hiến, cho chính cha, cho chúng con và cho cả thế giới, đang hy vọng chờ đợi ân sủng và lòng thương xót của Ngài đến muôn đời. Amen”.

“Sau đó, là trình thuật lập Bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn thưa Amen sau truyền phép Mình Thánh Chúa Kitô, và một lần nữa sau truyền phép Máu Thánh Chúa Kitô.

“Kế đó, trong kinh nguyện chuyển cầu, có các khoảnh khắc khác mà cộng đoàn có thể đáp lời. Thí dụ:

“Cầu cho Đức Giáo Hoàng, Mar (Tên), Giám Mục Rôma, người đứng đầu và cai trị mọi Giáo Hội của Chúa; cầu cho Đức Tổng Giám Mục Cả, Mar (Tên), người đứng đầu và cha của Giáo Hội chúng con; cầu cho Đức Tổng Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con; cầu cho Đức Giám Mục, Mar (Tên) của chúng con, hiện đang lãnh đạo dân của Ngài; cầu cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo thánh thiện; cầu cho các linh mục, các vị lãnh đạo và các vị có thẩm quyền. Lạy Chúa tối cao, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]

“Xướng: Vì danh dự của tất cả các vị ngôn sứ, tông đồ, tử đạo, các thánh hiển tu, và vì tất cả các Giáo phụ công chính và thánh thiện đã tìm thấy sự ưu ái trước mặt Chúa. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]

“Xướng: Cầu cho mọi người than khóc và đau khổ, cầu cho người nghèo và người bị áp bức, cầu cho người bệnh và người tật nguyền, cầu cho tất cả những người đã ra đi giữa chúng con trong Thánh Danh Cha; và cầu cho cộng đoàn này đang tìm kiếm và chờ đợi lòng thương xót của Cha; và cầu cho chính bản thân con yếu đuối, tội lỗi và bất xứng. Lạy Chúa, xin đón nhận Qurbana này!

“Đáp: Amen. [Hoặc: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!]”.

Vì vậy, trong khi sự tung hô của cộng đoàn tín hữu là tương đối mới trong phụng vụ Rôma, nó là một phần phổ biến và đáng kính của các truyền thống phụng vụ khác. (Zenit.org 22-5-2018)


Thông diễn và vấn đề thần học bản vị hoá

Thông diễn và vấn đề thần học bản vị hoá

Ảnh từ Internet
Tác giả: Vũ Kim Chính, S.J.
I. Nhập đề
Công Ðồng Vatican II, để canh tân Giáo Hội, đã vạch ra hai tiêu chuẩn căn bản: trở về nguồn Mặc Khải và nhận ra dấu hiện của thời đại, nhờ đó Giáo Hội một đàng tái khám phá lại những căn tính của Kitô Giáo và đồng thời nhận ra những nhu cầu thế giới hiện nay để có thể cập nhật hoá Tin Mừng. Một đàng khác, Công Ðồng cũng xác tín Tin Mừng này chỉ có thể cụ thể hoá trong những môi trường sống đặc biệt. Do đó, Giáo Hội quan tâm tới vấn đề diễn đạt Tin Mừng Mặc Khải để mỗi Giáo Hội địa phương hiểu và sống Tin Mừng. Trong nỗi băn khoăn khắc khoải này, một vấn đề thần học căn bản được đặt ra và được lồng vào một quan niệm mới, đó là “Inculturation” (bản vị hóa), một hướng đi thần học thách đố mỗi Giáo Hội địa phương phải nỗ lực tìm ra cho mình một cách thế làm chứng nhân trung thực với sứ điệp Kitô giáo. Trước khi bàn luận về thần học Inculturation (bản vị hoá), chúng ta cần nêu ra một số điểm chân tính của nó: 
  1. Là người Kitô hữu, chúng ta xác tín Tin Mừng mà Ðức Kitô mặc khải là chân lý hằng tồn và là chuẩn tắc để toàn thiện hoá nhân bản ở mọi nơi và trong mọi thời đại.
  2. Tin Mừng mặc khải này đến với con người để con người học hỏi khám phá ra tính bản chân của nó; nhưng con người trong giới hạn của mình không thể hoàn toàn thấu triệt và cũng chẳng bao giờ diễn đạt chân tính Tin Mừng một cách viên mãn được. Chính vì vậy, Giáo Hội nhận ra mình là Giáo Hội đang hành hương, không những là trong hướng độ thời gian, nhưng cũng đang hình thành trong những nền văn hoá khác nhau để dậy men nhân bản và để soi chiếu vào mọi lĩnh vực con nguời.
  3. Chính vì vậy, dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đang nỗ lực nhận xét, thông diễn và phán đoán giá trị văn hoá mình đang sống, để tìm ra sự liên quan tới nguồn mạch siêu nhiên của nó. 
Theo những điểm xác định trên, thần học Inculturation (bản vị hóa) không thể chỉ có nhiệm vụ hiểu minh bạch, xác tín rõ ràng những căn bản Tin Mừng Kitô giáo, để phiên dịch đúng, thích ứng thỏa đáng, hay khám phá ra các bảng giá trị của nó; nhưng quan trọng hơn cả là chủ thể ý thức được chỗ đứng đặc thù của mình làm khởi điểm để xây dựng thần học inculturation (bản vị hoá) này. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ, tại sao Công Ðồng lại nhấn mạnh tới địa vị của mỗi Giáo Hội địa phương cũng như đề cao vai trò của mỗi giám mục. Theo quan điểm này, chúng ta thấy rõ sự phân biệt giữa hai quan niệm “thích ứng” để “hội nhập” văn hóa và “bản vị hóa”. Thực vậy, “hội nhập văn hóa” hiểu theo cách thông thường và cổ điển, thì chủ thể là các nhà truyền giáo ngoại quốc, họ tới một nền văn hoá xa lạ nên buộc mình phải thích nghi với hoàn cảnh mới, từ khí hậu, nhà ở, tới cách ăn mặc, đồng thời, họ phải học tiếng để hiểu và giao tiếp với người địa phương cũng như học biết những tư tưởng, phong tục, tập quán mới để hy vọng có thể dễ dàng thông truyền quan điểm của mình. Ðó là giai đoạn mà mỗi người bất kể ai, trong nền văn hóa nào, khi dời bỏ văn hóa mình để “hội nhập” vào một nền văn hóa khác, ít nhiều đều gặp phải. Ðó là lẽ đương nhiên của con người.
Ðàng khác, theo quan điểm “bản vị hoá”, thì chủ thể khẳng định chỗ đứng của mình như là một phần tử đương nhiên của một xã hội, văn hóa và họ tiếp thu những kiến thức mới để phong phú hóa hay tinh luyện, thăng hoa giá trị văn hóa, xã hội của mình. Áp dụng vào thần học bản vị hóa, Giáo Hội địa phương, dù muốn dù không, phải nhận mình thuộc về và sinh tồn như một phần tử đương nhiên của một nền văn hóa, một xã hội cụ thể: như những thành phần khác, họ đang sống chung trên “một con thuyền”, chấp nhận, phê phán hay thanh lọc những giá trị truyền thống? để xây dựng một nền văn hoá trong một mạch sống không ngừng thay đổi và biến chuyển. Như vậy, thần học “bản vị hóa” không những tiếp tục quá trình nội tại hóa chính nền văn hóa mình, mà đồng thời còn phải học hỏi, tiếp giao với các nền văn hóa khác để đào sâu giá trị nhân bản, qua đó nỗ lực thăng hoa những giá trị văn hoá mình đang sống, để cuộc sống được sung mãn hơn. Tóm lại, một thần học bản vị hoá đứng trên nền tảng căn bản Việt Nam không ngừng phát hiện, phiên dịch, thông diễn những tư tưởng thần học mới để hấp thụ thêm những tinh anh của Giáo Hội hoàn vũ hay Giáo Hội địa phương khác, đồng thời hòa hợp thành sức sống phát huy để văn hoá địa phương có một nhân sinh quan càng nhân bản hơn, một vũ trụ quan càng hoà hợp hơn và một thần quan càng tiếp cận với chân lý mặc khải hơn.
Trong bài tiểu luận này, chúng ta thử đi nhận diện một nền thần học bản vị hoá Việt Nam, một nền thần học phân tán trong những kinh nghiệm lịch sử truyền giáo phức tạp và đa đoan, hay còn ẩn nấp trong môi trường sống khó khăn mà tới nay nhiều dấu hiệu khuyến khích chúng ta lưu tâm học hỏi hầu nhận ra mạch văn hoá Việt Nam ẩn dấu những tính chất hay giá trị của Tin Mừng Kitô giáo. Trước tiên, chúng ta thử duyệt xét lại vài nét chính trong vấn đề “hội nhập văn hóa” và qua đó nhận diện chiều sâu của vấn đề phức tạp: phải chăng sự xung khắc những quan điểm, như cuộc “tranh chấp lễ nghi”, có thể nhìn qua góc độ khách quan của một phương pháp, để tránh việc đổ lỗi cho nhau, thoát khỏi những tiền kiến dựa trên phe phái mù quáng? Như vậy, phải chăng một phương pháp thông diễn thích đáng sẽ giúp một đàng tái cấu hệ tư tưởng như một quá trình lịch sử; đàng khác có thể dung nạp những chiều kích khác nhau hay hơn nữa đối nghịch nhau thành một trương lực hỗ tương để hoàn bị hóa nhau. Qua quá trình thông diễn đối thoại này, hy vọng một nền thần học Việt Nam sẽ dần dần hình thành, phát huy sứ điệp Kitô giáo như là men, là muối trong một nền văn hoá Việt Nam đã ăn rễ sâu xa từ lâu đời, nhưng đồng thời còn đang biến chuyển và hình thành. 
II. “Tranh chấp lễ nghi” hay vấn đề “thông diễn”
Lịch sử “tranh chấp lễ nghi” là quá trình mà các nhà truyền giáo Tây Phương tới Á Châu bắt đầu tiếp xúc với nền văn hóa cổ kính, khác lạ nên vấp phải những vấn đề “hội nhập văn hoá”. Vấn đề nan giải đầu tiên là vấn đề phiên dịch. Thoạt tiên, những nhà truyền giáo tiên khởi vì dò dẫm dùng những âm từ địa phương để phiên dịch những từ ngữ căn bản của Kitô giáo. Tỉ dụ Thánh Phaxicô đã dùng âm từ tiếng Nhật để phát âm tiếng Latin Deus Pater, Deus Filius và Deus Spiritus Sanctus là “Deusu Patere”, “Deusu Hiriruo” và “Deusu Spiritusu Santa”. Có khoảng 50 ngữ vựng căn bản như thế. Nhưng cách phiên dịch âm từ này đã gặp những khó khăn rất lớn, vì âm từ “Deusu” tự nó không thể diễn đạt một công năng ngôn ngữ nguyên thuỷ “Deus”, mà chỉ là một ký âm mới, nên nhiều Phật đồ Nhật đã liên tưởng tới một âm tương tự thông dụng của tiếng Nhật là “daiuso”, có nghĩa là “nói dối đại tài”, vì thế âm từ “Deusu” đã trở thành trò hề cho nhiều người Nhật. Ở Việt Nam cũng không tránh được thảm kịch này, khi các nhà truyền giáo, muốn hỏi con có muốn theo đạo không, nhưng đã dùng “con có muốn vào lòng Hoà Lang không?”. Thực ra giai đoạn này là biểu lộ những chấn động văn hóa xung đột mãnh liệt, khiến cả hai bên hiểu lầm nhau, làm tổn thương nhau không ít! Các vị truyền giáo kế tiếp như Valignano, Noboli, De Rhodes, Rici,? thấy cách tiếp cận “phiên âm” không ổn, nên đã thôi thúc các giáo sĩ dồn hết tâm lực vào việc học hỏi ngôn ngữ địa phương, cố gắng tìm hiểu cách ăn mặc, tập quán, tư tưởng để thích nghi và hội nhập vào các nền văn hoá này. Cuộc tranh chấp lễ nghi thực ra là sự xung đột giữa mức thông hiểu những quan niệm văn hoá địa phương và tầm nhận định những ý nghĩa đích thực của các hiện tượng (tôn giáo, xã hội, văn hóa). Ðây mới là vấn đề chính yếu của thông diễn.
Trước tiên, chúng ta bàn tới vấn đề liên hệ giữa hai chữ Deus và Thiên Chúa như là một vấn đề của phương pháp thông diễn, nghĩa là vừa nắm vững bản chất quan niệm trong mạch sống hai văn hóa, vừa hiểu biết cho chính xác và thông giải cho thích đáng. Nói cách chung, các nhà truyền giáo dấn thân trong vụ tranh chấp này, không mấy ai phản đối dùng chữ “Thiên Chúa” để dịch chữ Deus, nhưng giải thích chữ Thiên Chúa như thế nào, đó mới là vấn đề nan giải. Có người cho rằng chữ “Thiên Chúa” phải hiểu hoàn toàn độc lập, khác biệt với mọi quan niệm đã có sẵn trong kinh điển truyền thống Trung Hoa hay Việt Nam. Ðối với họ, người ta không thể dùng những quan niệm như “Thiên”, “Thượng đế”, “Thượng Thiên” hay “Hoàng Thiên” vân vân? để hình dung, loại suy hay giải thích chữ “Thiên Chúa” của Kitô giáo được. Nói rõ hơn nữa, theo lối suy tư này, bất cứ một từ ngữ nào đều có hạn, thì làm sao diễn đạt được thực tại vô hạn đây?! Xét cho cùng, họ đã đứng trên lập trường cực đoan của phương pháp phủ nhận (via negationis) để mong giữ được tính cách “thuần tuý” của Kitô giáo. Chính vì thế, ngôn ngữ “mặc khải” và các ngôn ngữ khác dễ nhìn thấy tương khắc chứ khó có thể nhận thấy tương giao được.
Cũng rập theo chiều hướng này, vấn đề hiểu cách diễn đạt nghi lễ cũng trở thành một vấn nạn lớn: nếu coi lễ nghi đối với tổ tiên là nghi thức “tôn thờ” theo “đạo Ông Bà”, thì làm sao vừa tôn thờ Ông Bà, vừa tôn thờ Thiên Chúa được? Từ tiền đề này, họ nhìn và giải thích những hiện tượng tôn giáo theo luận điệu nhất quán: nghi lễ tôn thờ này được cử hành trong những nơi nhất định (chủ đường, tông đường hay bàn thờ gia tiên), có những qui định riêng (thành văn hay bất thành văn) và đối tượng tôn thờ là “Bài vị”, nơi các hồn người quá cố “cư ngụ”. Có người đi xa hơn nữa, cho rằng việc tôn thờ tổ tiên ở Việt Nam, Trung Hoa giống hệt như việc tôn thờ thần Manes xưa ở Hy Lạp hay La Mã: “Theo lịch xưa của người La Mã khi thời thờ Âu thần còn hiển trị, có nhắc tới một dịp lễ gọi là “Feralia” bắt đầu từ ngày 20 tháng 2 kéo dài tới cuối tháng 2, lễ này là dịp tôn thờ các thần Manes. Dân ngoại đem thịt đặt trên mộ những người quá cố để họ hưởng”. Sự so sánh này hàm chứa một mục đích rõ ràng: nếu xưa Giáo Hội đã hủy bỏ phong tục thờ tà thần Manes, thì tại sao bây giờ lại có thể cho phép tôn thờ Ðạo Ông Bà?
Từ thái độ phản đối việc tôn thờ Ông Bà tới việc phản đối những nghi lễ đối với Khổng Tử và các “thánh nhân”, chỉ là một kết luận tất yếu của một lối suy tư luận lý: tôn thờ Ông Bà là tôn giáo được Nho giáo hưng khởi và bảo tồn, vậy Khổng Tử và thánh nhân trong Nho giáo cũng được tôn thờ như vậy. Nếu đó là những nghi lễ “Khổng giáo”, thì không thể đồng tồn với nghi lễ Thiên Chúa giáo được.
Trên đây là một sự kiện lịch sử, một bi kịch trong lịch trình truyền giáo, làm đề tài để chúng ta suy tư tìm ra căn tính của thần học “bản vị hoá”. Trước tiên, đó là một khiếm khuyết mà theo khoa thông diễn thời nay chúng ta có thể nhận ra rõ ràng được. Ðể hiểu một văn bản, việc tiên quyết là phải hiểu biết ngôn ngữ của bản văn đó, nếu không chỉ là “nghe nói” và đoán mò. Chính vì thế, mà khoa chú giải Kinh Thánh cổ điển coi trọng học nhiều ngôn ngữ, nhất là nguyên ngữ. Dầu vậy, mục đích không hệ tại ngôn ngữ, nhưng tại “minh bạch ý nghĩa”. Ý nghĩa mỗi chữ, mỗi câu lại tuỳ thuộc mạch văn của văn bản. Từ thế kỷ 19 với sự góp mặt của F. Schleiermacher và của W. Dilthey, (ở đây chúng ta chỉ nhắc tới hai người tiêu biểu), khoa thông diễn nhìn ra vai trò quan trọng của tâm lý học và sử học. Tìm hiểu một văn kiện, chúng ta không thể không biết tới tác giả, những dữ kiện quan trọng liên quan tới cuộc sống riêng tư hay môi trường xã hội, văn hóa. Tiếp theo đó, sự đóng góp của M. Heidegger và của triết-thần học hiện sinh đã bắt chúng ta chú ý tới quan điểm của người thông diễn. R. Bultmann chiếu theo quan điểm lấy chủ quan tại thế để giải thích Kinh Thánh đã mang lại việc đọc Kinh Thánh đầy ý nghỉa hiện sinh. Ông chủ trương một hiện tượng, một dữ kiện hay một kinh điển có ý nghĩa, khi nó hiện tỏ cho độc giả. Quan điểm thông diễn này giả định người giải thích và đối tượng được giải thích nằm trong một hệ thống tư tưởng của một hiện hữu tại thế. Với H.G. Gadamer, khoa thông diễn đã được cân bằng hóa hai lập trường và quan điểm của đối tượng và chủ thể thông diễn: thông diễn thành công là khi hai kiến vực khách và chủ thể dung hòa với nhau được. Với J. Habermas và P. Ricoeur, khoa thông diễn lại phát triển mạnh mẽ, nhất là việc khám phá và phê phán ý thức hệ.
Lượt xét qua những khía cạnh thông diễn kể trên, chúng ta không khó nhận ra những nguyên nhân làm cho công cuộc hội nhập văn hóa không thành công, đưa tới bi kịch tranh chấp lễ nghi: ngôn ngữ không thông xuất, thiếu kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa và thất bại trong việc dung nạp và hòa hợp giữa hai kiến vực khách thể và chủ thể. Chính vì thế, thay vì tìm hiểu trong đối thoại, lại rơi vào cuộc xung đột giữa những ý thức hệ.
Ðối với một Kitô hữu, sự kiện Hy Lạp hóa, La Mã hóa Tin Mừng Kitô giáo là một sự kiện hội nhập văn hoá tương đối thành công và hình như đã trở thành một mẫu mực mà các nhà thần học bản vị hóa nhắm theo. Dầu vậy, chúng ta làm sao có thể quên được sự khó khăn của các Thánh Phụ Hy La đã phải nỗ lực lắm mới có thể chuyển biến kinh nghiệm đau thương của Thánh Phao-Lô khi rao truyền Tin Mừng ở thành Athena, thành một kinh nghiệm tích cực xây dựng nền thần học Âu Châu: họ đã chuyển vị thế từ “hội nhập văn hóa” tới “bản vị hóa”. Thật vậy, phần đông các Giáo phụ này là những học giả thông đạt tư tưởng Hy La trước khi học hỏi Tin Mừng Kitô giáo. Tỉ dụ thánh Justinus không những coi triết lý logos của Hy Lạp hòa nhập vào Logos mà thánh sử Gioan đã trình bầy trong chương nhất của Phúc âm thứ tư: Ðức Kitô là Ngôi Lời nhập thể, là hiện thân của Thiên Chúa mặc khải, là căn nguyên của Lý Trí và Sự Sống, mà còn đi xa hơn nữa, coi sự khôn ngoan của con người mọi thời đều tham dự vào sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mặc khải qua và trong Ðức Kitô. Chính vì thế, Justinus đã dám coi những nhà hiền triết Hy Lạp xưa như Socrates, Platon, và cả Heraclitus nữa là những “Kitô Hữu” vì họ đã nhận lãnh những hạt nhân logos mà Thiên Chúa gieo vào loài người và đã được qui tụ, hoàn thành nơi Logos là Ðức Kitô.
Thánh Justinus hay các Giáo phụ trong Giáo Hội sơ khai đã thành công, vì các ngài đã hiểu biết rõ ràng cả hai nền văn hoá Hy Lạp và Do thái giáo, để rồi có thể “dung nạp” (fusion) hai kiến vực lại, hòa đồng với nhau, như H.G.Gadamer đã nhấn mạnh trong khoa học thông diễn. Ðó là điều mà một số nhà truyền giáo ngoại quốc Tây Phương trong những thế kỷ trước đã không làm được và vì thế chỉ có thể nhìn hiện tượng tôn giáo theo sự hiểu biết của mình, hay nhiều vị còn đi xa hơn thế nữa, đã tuyệt đối hoá quan điểm mình thay vì tiếp cận với văn hoá khác, chứ chưa nói tới việc nỗ lực muốn hội nhập vào một văn hoá mới. Phải chăng ở đây một ý thức hệ khó ý thức hóa đã khống chế quan điểm, cách sống và cả tín ngưỡng của con người? Khác hẳn với họ, thánh Justinus đã đứng trên quan điểm văn hoá Hy Lạp để bản vị hoá Kitô giáo và đó là khởi điểm của nền văn hoá Kitô giáo Tây phương. Phải chăng đây là kinh nghiệm quí báu đáng cho chúng ta lưu ý?
Nếu các nhà truyền giáo phản đối nghi lễ (đối với ông bà tổ tiên và đối với Khổng Tử) biết tôn trọng và đối thoại với quan điểm của Vua Khang Hy, một nhân vật đại biểu của nền văn hóa Trung Hoa lúc đó (ông cũng là một người có thiện cảm với Kitô giáo, ít nhất là những lúc ban đầu) thì chắc việc truyền giáo ở Trung Hoa nói riêng và ở Viễn Ðông nói chung, đã có những khúc quanh khác và do đó chắc chắn đã phát triển khác hơn là lịch sử đã xảy ra. Mặt khác, chúng ta không thể coi cuộc Tranh Chấp Lễ Nghi là điều tiên thiên và tất yếu không thể tránh được trong cảnh đụng độ giữa hai nền văn hóa Ðông-Tây hay giữa Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác. Thật vậy, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra những lời chỉ dẫn khôn ngoan mang đầy viễn ảnh hy vọng của Thánh Bộ Truyền Giáo cho các Giám mục truyền giáo đầu tiên ở Ðông Nam Á. Họ được khuyên bảo để tôn trọng bốn nguyên tắc truyền giáo sau đây:
  • hình thành hàng giáo sĩ địa phương (huấn luyện linh mục và cả giám mục bản xứ);
  • giữ mối liên hệ mật thiết với La Mã;
  • tránh kết bè kết đảng với những lực lượng chính trị (thực dân) quốc gia;
  • tôn trọng văn hóa, phong tục địa phương, dùng thái độ khôn ngoan, sáng xuất để thích nghi. 
Xem như thế, chúng ta hiểu rõ bi kịch “Tranh Chấp Lễ Nghi” không gì khác hơn là hậu quả của một quá trình đặt trọng tâm “thích ứng” không đúng chỗ: thay vì thích ứng văn hóa, tập quán? địa phương, họ lại bắt bản xứ thích ứng “mẫu quốc”, do đó đã đi không đúng hướng “hội nhập văn hóa”. Kinh nghiệm này giúp chúng ta ý thức tìm cách đặt đúng căn bản của thần học “bản vị hóa” Việt Nam.

Câu hỏi 48: Các cuộc hiện ra của Đức Maria là gì?

Câu hỏi 48: Các cuộc hiện ra của Đức Maria là gì?

Một cuộc hiện ra có thể là một cuộc tỏ hiện của Chúa Giêsu, Đức Maria hay các thánh. Các cuộc hiện ra thì hoàn toàn khác với mạc khải thần linh. Mạc khải công là cuộc mạc khải về Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người. Mạc khải công diễn ra với vị Tông đồ sau cùng là thánh Gioan, người được Chúa yêu. Sau cái chết của ngài, mạc khải công chấm dứt. Sau đó, chỉ có sự giải thích được huấn quyền chính thức của Giáo Hội thực hiện vì Giáo Hội được xem như thầy dạy. Mạc khải công là một phần của kho tàng đức tin thánh được chứa đựng trong Truyền Thống thánh thiện được lưu truyền bằng cách viết lại hay truyền khẩu. Chúng được biết đến như những giáo thuyết và tín điều, và sự xác tín trong đức tin phải là sự đáp trả của chúng ta với các điều ấy.
Các cuộc hiện ra thuộc về mạc khải tư, và người ta có thể chọn lựa tin hoặc từ chối chúng. Ngay cả khi Giáo Hội xác nhận một cuộc hiện ra nào đó của Chúa Giêsu, Đức Maria hay các thánh một cách chắc chắn, người ta cũng không buộc phải chấp nhận nó. Khi Giáo Hội tuyên bố một cuộc hiện ra một cách chắc chắn như thế, thì phép lạ ấy nhằm để phân biệt với các lời tiên đoán sai lầm và, kết quả là, để nhắm đến các Kitô hữu trong hành trình đức tin của họ
Có những cách nói khác nhau về các cuộc hiện ra. Các cuộc hiện ra là những hình ảnh vốn đóng dấu ấn quan trọng về giác quan, hay những mệnh lệnh bằng lời nói từ thị kiến. Không phải mọi người có thể nhìn hoặc nghe thấy các cuộc hiện ra hoặc hiển dung. Trong hầu hết các cuộc hiện ra của Đức Maria, có một thông điệp về Ơn Đồng Trinh để cầu nguyện với Con của Mẹ và để được sám hối. Các cuộc hiện ra cũng xảy ra qua hàng thế kỷ để khuyến khích sự trung tín, để duy trì  sự gần gũi với Con của Mẹ và với Giáo Hội. Đôi khi các cuộc hiện ra gặt hái được thành quả là khai mở một sự sốt sắng mới.
Chẳng hạn, Đức Mẹ hiện ra với sơ Catarina Laboure thuộc Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn tại Pháp ở thế kỷ 19. Mẹ đã dạy nữ tu này cách thực hiện một medal mới, một mề-đai phép lạ với dòng chữ: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.” [Mỗi khi kêu cầu với Mẹ Maria như thế, người Công giáo biểu lộ lòng yêu mến với Đức Trinh Nữ Maria].
Tại Fatima, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ là Giaxinta, Phanxico và Lucia. Mẹ yêu cầu việc tận hiến hoàn toàn cho trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, để cầu nguyện cho cuộc hoán cải của các tội nhân và đẩy lùi chiến tranh, và để chấm dứt chế độ cộng sản. Sự tận hiến đó bắt đầu 5 ngày thứ Bảy đầu tiên để sùng kính sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.
Thật đáng lưu ý ở đây là có một số cuộc hiện ra hoặc lời minh chứng rằng đó là chân thực. (Nhiều người đã thực hiện những tuyên bố hoặc là sai lầm hoặc là lừa dối với những lời tồi tệ nhất.) Giáo Hội tuyên bố một cuộc hiện ra chỉ sau khi đã thực hiện các cuộc khảo sát cách rất khắt khe. Dù vậy, sau cùng, tất cả chúng ta cần biết rằng để có thể đạt được thiên đàng thì những mạc khải công đã hoàn thành nơi các tông đồ rồi và điều ấy đã được Giáo Hội xác định.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 66-67.

Câu hỏi 46: Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác nghĩa là gì?

Câu hỏi 46: Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác nghĩa là gì?

Đức Mẹ Lên Trời
(Ảnh từ Internet)
Có hai tín điều quan trọng liên quan đến Đức Mẹ Maria, đã được Đức Giáo hoàng tuyên tính cách chính thức trên ngai toà [thánh Phêrô] trong 150 năm qua. Những điều tuyên tín ấy không thể sai lầm của Đức Giáo hoàng. Trước hết là tín điều về Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria vào năm 1854, thứ đến là tín điều Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác vào năm 1950. Tín điều ấy thường được xác định cách long trọng trong tư cách Tông Toà thánh Phêrô với ơn bất khả ngộ bởi vì tín điều ấy đang bị phủ nhận, bị trình bày cách sai lạc hoặc bị tấn công. Ơn bất khả ngộ ám chỉ đến khả năng vô ngộ của Đức Giáo hoàng trong những vấn đề của đức tin và luân lý. Ơn bất khả ngộ được Chúa Thánh Thần ban cho Đức Giáo hoàng để đề cao ngai toà thánh Phêrô. Cathedra nghĩa là “ngồi,” sau đó được diễn nghĩa thành“từ ngai toà thánh Phêrô.”
Trong hai ví dụ này, niềm tin vào Sự Vô Nhiêm Nguyên Tội của Đức Maria và việc Lên Trời của Mẹ đã không bị tấn công, cách chung, những điều ấy được tin và được dạy từ thời các tông đồ. Tuy nhiên, khi Đức Giáo hoàng Piô IX định tín Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, một cách tự nhiên, tín điều ấy kéo theo vấn đề Lên Trời của Đức Mẹ cũng phải được định tín.
Trong sách Khải huyền 12,1 chúng ta đọc thấy: “Một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” Với những lời này, Đức Giáo hoàng Piô IX xác đinh cách long trọng về Sự Thăng Thiên của Mẹ một lần cho tất cả. Trong văn kiện này, Đức Giáo hoàng nói rằng bởi vì Đức Maria không có tội nguyên tổ do bởi ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, Mẹ cũng không phải chịu đựng sự suy tàn, mục nát của thế gian. Thay vào đó, Đức Giêsu Con Mẹ, đưa cả hồn lẫn xác của Mẹ lên trời. Thăng Thiên thì khác với việc Mẹ Lên Trời. Thăng Thiên nói đến việc Đức Giêsu nhấc mình lên để vào thiên quốc bởi quyền năng của chính Ngài, bởi vì Ngài là Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh. Lên Trời cả hồn lẫn xác nói về một sự kiện một ai đó được đưa vào thiên đàng; nói cách khác, mẹ không thể tự làm được điều này. Tất nhiên, người có thể làm điều này là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.
Việc Lên Trời của Đức Maria cũng là một ngày lễ kính về niềm hy vọng của mọi thành viên Giáo hội chiến đấu- gìn giữ trung thành đức tin trong trận đấu của thiện và ác. Việc Lên Trời của Mẹ tiên báo Sự Phục Sinh thân xác của chúng ta vào ngày sau hết và sau đó là vào hưởng thiên đàng khi thế giới kết thúc. Hãy nhớ rằng, tội nguyên tổ đã mang đến cái chết và sự phân rẽ. Vì thế, sự an ủi các thành viên của Giáo hội vẫn còn kiên định trong niềm tin và không mệt mỏi trong việc phục vụ Thiên Chúa, như Đức Maria đã làm, để chúng ta cũng có thể tận hương niềm vui, hạnh phúc miên viễn trên thiên đàng.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 64-65.

Câu hỏi 45: Có phải Đức Mẹ Maria đã chết?

Câu hỏi 45: Có phải Đức Mẹ Maria đã chết?

Ảnh từ Internet
Có hai quan điểm thần học quan trọng về câu hỏi này. Nhiều Giáo phụ Tây phương có khuynh hướng tin rằng Đức Trinh Nữ Maria đã trải qua cái chết thể lý thực sự, trái lại, các Giáo phụ Đông phương đề xuất rằng Đức Maria “rơi vào giấc ngủ” (gọi là giấc ngủ thánh) nhưng đã không thực sự chết trước khi rời bỏ trần gian. Dù được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ từ trong lòng mẹ là bà thánh Anna, qua ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, dù sao, Đức Maria chết bởi thế giới đã mất đi quà tặng siêu nhiên khi Sa ngã. Khi Adam và Eva phạm tội, họ đã đánh mất những quà tặng chắc chắn được ban tặng một cách hào phóng cho nhân loại. Những quà tặng này gồm có trí thông minh, sức khoẻ (không ai phải đau bệnh hoặc trở nên già nua), sự nhanh nhẹn lanh lợi (không phải khổ sở trong lao động và đau đớn khi sinh con), sự quân bình hoàn hảo trong bản tính, và không bao giờ phải chết. Những quà tặng này không còn thích hợp với chúng ta. Thân xác của chúng ta thiên về bệnh tật và đau ốm, vì thế khi những quà tặng này mất đi, chúng ta bị mất đi điều tốt lành.
Đức Maria thuộc về nhân loại. Dù Mẹ được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ trong cách thức hoàn hảo nhất, mẹ vẫn trải nghiệm một thế giới với hệ quả của tội- chẳng hạn, sự mất quân bình trong thiên nhiên; bão táp, lạnh giá, và sự nóng bức; thân xác trở nên bệnh tạt, trí khôn mù tối; và nhu cầu học hành. Vì thế, có thể hiểu được rằng vào cuối đời của Mẹ, Mẹ cũng chết và trải qua sự phục sinh của thân xác và được cho rằng Mẹ đã được Con của Mẹ, là Đức Giêsu Kitô đưa vào thiên quốc. Trong kinh Tin Kính Công đồng Nicéa, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự phục sinh của thân xác, điều ấy có nghĩa là sau khi chúng ta chết và thế giới đi đến chung cục, thân xác chúng ta sẽ sống lại trong tình trạng vinh quang của chúng sau Đấng Cứu Độ chúng ta và Mẹ của Người, Đức Maria, và thân xác vinh quang ấy sẽ được hợp nhất với linh hồn của chúng ta. Giáo lý về Đức Mẹ Lên Trời có nghĩa là sự phục sinh xảy ra với Đức Mẹ cách ngay tức khắc; Mẹ không phải chờ đợi cho tới ngày tận thế, vì chưng, việc chờ đợi ấy là dành cho những ai phải chịu hình phạt do tội nguyên tổ, mà  Mẹ đã được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ [nên Mẹ được hưởng thiên đang ngay lập tức].
Giáo hội Đông phương, chẳng hạn như Giáo hội Công Giáo Byzantine (trong sự hiệp nhất với Rôma) và Chính Thống (Hy Lạp, Nga, và một số Giáo hội vốn không hiệp nhất với Rôma), tuyên xưng niềm tin vào biến cố Đức Mẹ Lên Trời (nghĩa là “rơi vào giấc ngủ”) của Đức Maria,” điều này xác định cách đơn giản là bởi vì Đức Maria được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ, thậm chí Mẹ không phải chết. Đúng hơn, vào lúc cuối đời sống trần thế, Mẹ đã rơi vào giấc ngủ cách nhẹ nhàng và vì thế Mẹ được cho rằng đã vào trong thiên quốc bởi quyền năng của Con của Mẹ. Tại Giêrusalem, có những lăng mộ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời tuyệt đẹp.
Cả hai cách nhìn có thể được chấp nhận để tin một cách trọn vẹn. Điều quan trọng trong luận điểm có tính thần học là sự thật rằng Đức Maria đã không phải chịu đau khổ vốn là hậu quả của tội nguyên tổ bởi vì Mẹ được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi thụ thai [trong lòng bà thánh Anna], và vì thế Mẹ được trị vì trên thiên quốc như nữ vương của thiêng đàng và trần gian.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 63-64.