NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

22 tháng 7

Thánh Maria Mađalêna

Lễ nhớ Thánh Maria Mađalêna đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên thành Lễ kính vào ngày 3 tháng 6 năm 2016 trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Một phần của sắc lệnh ghi như sau: “Quyết định này được đặt trong bối cảnh Giáo hội hiện nay, vốn mời gọi chúng ta suy tư sâu xa hơn về phẩm giá của người phụ nữ, về công cuộc tân Phúc Âm hóa, và sự cao cả của mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,1-2. 11-18)

Maria Mađalêna và Thánh Gioan Phaolô II

Chính Thánh Gioan Phaolô II đã dành nhiều sự quan tâm, không chỉ đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong sứ mạng của chính Đức Kitô và của Giáo hội, mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đặc thù của Thánh Maria Mađalêna, như là nhân chứng đầu tiên đã thấy Đấng Phục sinh và là người loan báo đầu tiên về sự phục sinh của Chúa cho các Tông đồ (x. Mulieris dignitatem, số 16). Tầm quan trọng của người phụ nữ vẫn tiếp tục được thể hiện trong Giáo hội hôm nay. Điều này được biểu lộ qua sự dấn thân của Giáo hội trong công cuộc tân Phúc Âm hóa, nhằm đón nhận mọi người nam và nữ, không phân biệt, từ mọi sắc tộc, dân tộc, ngôn ngữ và quốc gia (x. Kh 5,9), để công bố Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, đồng hành với họ trên cuộc lữ hành trần thế và trao ban cho họ những kỳ công trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Maria Mađalêna là một gương mẫu đích thực và sống động của người loan báo Tin mừng, nghĩa là một người rao giảng sứ điệp Phục sinh đầy hoan lạc (x. Lời nguyện Nhập lễ và Kinh Tiền tụng mới trong Lễ kính Thánh Maria Mađalêna).

Maria Mađalêna và Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định nâng lễ nhớ Thánh Maria Mađalêna lên bậc lễ kính, chính trong bối cảnh Năm thánh Lòng Thương Xót, để nhấn mạnh tầm quan trọng của người phụ nữ này, người có một tình yêu lớn lao dành cho Đức Kitô, và cũng là người được Đức Kitô hết lòng yêu thương… Cũng cần lưu ý rằng, truyền thống Giáo hội tại phương Tây, đặc biệt sau thời Thánh Grêgôriô Cả, đã đồng nhất Maria Mađalêna với người phụ nữ đã lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc lau, tại nhà của ông Simôn biệt phái. Cách hiểu này đã tiếp tục ảnh hưởng trên các tác giả Giáo hội phương Tây, cũng như trên các nghệ sĩ và các bản văn phụng vụ liên quan đến vị thánh này.

Maria Mađalêna – chứng nhân đầu tiên của sự phục sinh

Chúng ta biết rằng Maria Mađalêna là một thành viên trong nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu. Chị đã theo Người đến tận chân thập giá và đến cả khu vườn nơi Người được mai táng. Thánh Grêgôriô nhắc nhớ rằng chị chính là testis divinae misericordiae – chứng nhân đầu tiên của Lòng Cúa Thương Xót. Tin mừng Thánh Gioan thuật lại rằng Maria Mađalêna đã khóc vì không tìm thấy thi hài của Chúa (x. Ga 20,11). Chúa Giêsu đã thương xót chị, cho chị nhận ra Người là “Rabbouni”, và biến những giọt lệ sầu của chị thành niềm vui Phục sinh.

Một đàng, chị được vinh dự trở thành prima testis – chứng nhân đầu tiên của sự phục sinh của Chúa, là người đầu tiên thấy mồ trống, và là người đầu tiên nghe biết sự thật về cuộc phục sinh của Người. Đức Kitô đã dành một sự quan tâm và lòng thương xót đặc biệt cho người phụ nữ này, người đã bày tỏ tình yêu lớn lao dành cho Người bằng cách tha thiết kiếm tìm Người trong khu vườn với biết bao đau khổ, bằng lacrimas humilitatis – những giọt lệ khiêm hạ, như Thánh Anselm đã gọi…

Hơn nữa, chính trong khu vườn phục sinh ấy, Chúa đã nói với Maria Mađalêna: “Đừng giữ Thầy lại”. Đây không chỉ là lời mời gọi dành cho riêng chị, mà còn dành cho toàn thể Hội thánh, để cùng bước vào một kinh nghiệm đức tin vượt qua mọi sự chiếm hữu vật chất hay hiểu biết nhân loại về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đó là một chiều kích mang tính Giáo hội! Và là bài học quý giá cho bất cứ môn đệ nào của Chúa Giêsu: Đừng tìm kiếm những bảo đảm trần thế hay danh phận con người, nhưng hãy tin vào Đức Kitô hằng sống và phục sinh!

Maria Mađalêna, vị tông đồ đầu tiên

Chính vì là người được thấy Đức Kitô Phục sinh bằng chính đôi mắt mình, nên Maria Mađalêna cũng là người đầu tiên làm chứng về sự phục sinh của Chúa trước các Tông đồ. Chị đã thi hành sứ mạng mà Đấng Phục sinh trao phó: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ… Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,17-18). Theo cách ấy, chị đã trở thành, như đã nói, một nhà loan báo Tin mừng, nghĩa là một sứ giả công bố Tin mừng về sự phục sinh của Chúa, hay như Rabanus Maurus và Thánh Tôma Aquinô gọi, là apostolorum apostola – tông đồ của các Tông đồ, vì chị loan báo cho các Tông đồ điều mà họ, đến lượt mình, sẽ rao giảng cho toàn thế giới. Thật đúng đắn khi Thánh Tôma Aquinô, vị Tiến sĩ Thiên thần, đã dùng danh hiệu ấy để nói về Maria Mađalêna. Chị là chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh, và loan báo Tin mừng Phục sinh, như chính các Tông đồ.

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News