Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2025

Rèn luyện Khả năng Phân định: Khởi sự từ Thiếu Nhi

 

Rèn luyện Khả năng Phân định: Khởi sự từ Thiếu Nhi


 

Phân định được Thánh I-nhã định nghĩa là “những quy tắc để cảm thấy và nhận biết cách nào đó những chuyển động khác nhau vốn gây ra trong linh hồn điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ” (Linh Thao, số 313). Các quy tắc này được trình bày cho nhiều đối tượng, nhưng phần lớn là các tu sĩ, đặc biệt là những người nắm vai trò quản trị và huấn luyện. 

 

Tuy vậy, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong tháng Bảy này là “cầu nguyện cho việc rèn luyện khả năng phân định,” thật chính đáng để gợi lên chút suy tư về khả năng rèn luyện sự phân định này bắt đầu từ các thiếu nhi và thanh thiếu niên, những “mầm non” trong Giáo hội và xã hội. Tuy là những mầm non, nhưng các em đã bắt đầu hình thành ý thức và bắt đầu tiến trình suy nghĩ và chọn lựa. Vậy làm cách nào để có thể rèn luyện khả năng phân định cho các em? Bài viết nêu lên một chút suy tư về khía cạnh này cho lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên, giai đoạn còn ngồi trên ghế nhà trường, tức tính từ lớp 12 trở xuống.

 

Có thể nói, những thuật ngữ trong định nghĩa của Thánh I-nhã đúng là xa lạ và khó tiếp cận với thiếu nhi. Nào là quy tắc, nào là các chuyển động, nào là linh hồn. Do vậy, có lẽ điều ưu tiên trên hết là làm cho các thuật ngữ này đến gần với các em hơn. Thật ra, những quy tắc phân định I-nhã cách nào đó đã được phát biểu trong các nền văn hoá, cách riêng ở Việt Nam dưới dạng các câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ. Điển hình trong số đó có thể kể đến câu “chọn bạn mà chơi,” hay “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Ý hướng của các câu này nhắm đến việc giúp các em biết quan sát, phân biệt và chọn lựa điều tốt, người tốt và từ chối cái xấu trong các môi trường, đặc biệt là nơi học đường. Khởi đi từ các yếu tố quen thuộc đó, các em sẽ dần làm quen việc phân định. Yếu tố tiếp theo và quan trọng trong phân định I-nhã là “những chuyển động.” Vậy thế nào là chuyển động và làm sao để nhận diện?

 

Như đã nói ở trên, thiếu nhi là lứa tuổi bắt đầu hình thành ý thức. Ý thức này lớn lên cùng với sự tác động của rất nhiều yếu tố ngoại cảnh và từ chính nội tâm các em. Đó là tiến trình dung nạp và học hỏi, nhận diện chính mình và rèn khả năng chọn lựa. Như vậy, cách nào đó tự nội tại các em đã có tiềm năng phân định, chỉ là tiến trình ấy cần sự đồng hành, hướng dẫn và bổ túc. Về căn bản, tiến trình hướng dẫn này gần như song song với việc huấn luyện lương tâm. Bởi lương tâm là tiếng nói của Chúa trong sâu thẳm con người. Và lương tâm khi trưởng thành sẽ giúp người ta nhận ra điều lành để làm và điều dữ để tránh. Theo nghĩa đó, việc giúp thiếu nhi nhận diện các chuyển động cũng đồng nghĩa với việc huấn luyện lương tâm. Cho đến khi các em có được một lương tâm lành mạnh và vững vàng, biết nhạy bén với những tác động bên ngoài và tiếng nói nội tâm, quen với những tác động của Thần Khí, và khi đó mới có thể giới thiệu thêm cho các em về những chuyển động an ủi hay sầu khổ, và chiến thuật của Satan. Có thể nói giai đoạn huấn luyện này là quan trọng nhất bởi là nền tảng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc huấn luyện phân định. Thiếu nhi, và cách chung là mỗi người không thể phân biệt, phán đoán và chọn lựa điều đúng nếu lương tâm còn mơ hồ hay sai lầm, lệch lạc (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1783, 526).

 

Cuối cùng, việc làm quen và rèn luyện khả năng phân định của thiếu nhi không thể thiếu yếu tố trải nghiệm. Cùng với những tác động bên ngoài, mỗi thiếu nhi cũng có tiến trình tự vận động, chọn lọc và quyết định. Tiến trình này không tránh khỏi những va vấp, thậm chí thất bại và sai lầm. Những va vấp ấy cách nào đó cũng là một phần trong tiến trình hình thành và lớn lên về khả năng phân định. Nói cách khác, phân định có liên hệ trực tiếp đến những kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại được tích lũy qua từng ngày sống. Trong tiến trình này, rất cần sự động viên, nâng đỡ, chỉ bảo, lắm khi phải rất kiên nhẫn để các em có thể nhận diện cái tốt và xấu và những tác động bên trong mà chọn lựa điều đúng, điều tốt. Một cách cụ thể, quý anh chị Giáo lý viên/Huynh trưởng có thể đồng hành với các em Thiếu nhi qua việc thực hiện Phút Hồi Tâm mỗi ngày, để qua việc nhận diện những niềm vui và nỗi buồn, giúp các em nhận ra cách thức Thiên Chúa tác động trong ngày sống của các em.

 

Việc theo sát tiến trình lớn lên và trưởng thành nhận thức của thiếu nhi có vai trò quan trọng. Bởi để có được sự nhạy bén với các chuyển động bên trong, vốn là yếu tố nền tảng để phân định, cách nào đó liên hệ đến tính cá vị của mỗi người đối với các tác động của Thần khí, như Thánh Gioan nói: “Anh em đừng có thần khí nào cũng tin” (1Ga 4,1). Trong tiến trình huấn luyện thiếu nhi, điều này không gì khác hơn là giúp các em có những chính kiến, lập trường dựa trên những kinh nghiệm, sự học hỏi và phân tích của mình. Nếu các em không rèn được tính tự lập, hay cá vị trong nhận thức, hoặc nếu các em chỉ biết chạy theo nhóm hay đám đông, rất khó để các em có được khả năng phân định. Xét như một linh mục, tôi tin rằng bài giảng là cơ hội để truyền tải các giá trị, đặt ra những tình huống, giới thiệu các khái niệm, kể về những câu chuyện, để qua đó đồng hành với các em trong việc huấn luyện phân định. Những bài học nhỏ bé qua bài giảng có thể là hạt mầm, hay hạt mưa thấm dần vào nhận thức của thiếu nhi, cùng với lời cầu nguyện, hy vọng các em được lớn lên cách cá vị và dần có được khả năng phân định.

 

Ước mong các em Thiếu nhi được đồng hành sát hơn trong việc huấn luyện khả năng phân định. Vì khả năng phân định là một ơn ban, nhưng cũng là một tiến trình tập luyện vốn cần nhiều sự đồng hành của rất nhiều thành phần, những người lo giáo dục đức tin và cả quý phụ huynh nữa.

 

Lm. Antôn Nguyễn Quang Huy, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét