Trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

3 Những tầm nhìn thông sáng về sự chết

 Những tầm nhìn thông sáng về sự chết, tiếp theo và hết

Vu Van An
 

14.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen về sự chết và hấp hối

Ngày 19 tháng 2 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen về sự chết và hấp hối:

Đấng Đáng kính Fulton J. Sheen là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Công Giáo Mỹ thời hậu chiến, đặc biệt là trên truyền hình, nơi chương trình Life is Worth Living [Cuộc sống đáng sống] ở thập niên 50 của ngài đã thu hút tới 30 triệu người xem. Thậm chí, ngài còn giành được giải Emmy với tư cách là nhân vật nổi bật nhất trên truyền hình.

Ngài không viết nhiều về trải nghiệm bản thân đối với sự hấp hối và cái chết. Nhưng ngài thường nói về cái chết, Đức Tổng Giám Mục Edward O’Meara cho biết như thế, trong bài giảng lễ an táng ngài vào ngày 13 tháng 12 năm 1979. Đức Tổng Giám Mục Sheen vốn nói: “Không phải là tôi không yêu cuộc sống; Tôi yêu nó. Chính là vì tôi muốn gặp Thiên Chúa. Tôi đã dành hàng giờ trước nhan Người trong Thánh Thể. Tôi đã nói chuyện với Người trong khi cầu nguyện, và nói về Người với tất cả những ai muốn lắng nghe, và bây giờ tôi muốn gặp Người mặt đối mặt”. Những câu trích dẫn này được lấy từ cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Sheen, Peace of Soul [Sự bình yên của Linh hồn].




Nỗi sợ hãi của người ngoại giáo và Kitô giáo về sự chết

Người ngoại giáo sợ mất thân xác và của cải; các tín hữu sợ mất linh hồn. Tín hữu kính sợ Thiên Chúa với lòng kính sợ hiếu thảo như người con tận tụy đối với người cha yêu thương; những người ngoại giáo sợ hãi, không phải Thiên Chúa, mà là đồng loại của họ, những người dường như đang đe dọa họ... Đối với người không tin, thay vì là một sự kiện thực nghiệm, đã trở thành một nỗi lo siêu hình. Như Franz Werfel đã nhận xét sâu sắc về chủ đề này: “Người hoài nghi không tin gì khác hơn là cái chết; tín hữu không tin vào điều gì ít hơn. Vì thế giới đối với họ là sự sáng tạo của tinh thần và tình yêu, nên họ không thể bị đe dọa bởi sự hủy diệt vĩnh viễn trong hữu thể thiết yếu của mình như là một tạo vật của thế giới”...

Vì chúng ta đang phải đối diện với sự kiện không thể tránh khỏi này, nên chúng ta sẽ đáp ứng nó ra sao? Người ngoại giáo và người Kitô hữu có cách đáp ứng khác nhau. Người ngoại giáo, khi sống, tiến dần đến cái chết; Kitô hữu di chuyển ngược lại. Người ngoại giáo cố gắng phớt lờ cái chết, nhưng mỗi tích tắc của đồng hồ lại đưa họ đến gần nó hơn qua sợ hãi và lo lắng. Người Kitô hữu bắt đầu cuộc sống của mình bằng việc chiêm ngắm cái chết của mình; biết rằng mình sẽ chết, họ lập kế hoạch cho cuộc đời mình sao cho phù hợp để vui hưởng sự sống đời đời. Có hai giai đoạn trong kinh nghiệm của người ngoại giáo, sự sống của con người và sự chết của con người. Trong kinh nghiệm của Kitô hữu, có ba giai đoạn, sự sống con người, sự chết con người, vốn là cánh cổng dẫn đến giai đoạn thứ ba, Sự sống thần linh.

Chiêm niệm sự chết

Kitô giáo luôn khuyến khích việc chiêm niệm sự chết như một sự khích lệ để có một cuộc sống tốt đẹp; và điều này thực sự hữu hiệu, vì mặc dù chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta có thể tiến trước thời gian. Do đó, một người có thể tự nhủ: “Điều tôi đang sống cho ngày hôm nay, tôi sẽ chết cho ngày mai”.

Chinh phục sự chết

Nguyên tắc chiến thắng cái chết của Kitô giáo có hai mặt: (1) Nghĩ về sự chết. (2) Luyện tập cho nó bằng cách sống nhiệm nhặt ngay bây giờ. Mục đích của việc chiêm niệm là để chiến thắng nỗi sợ hãi và tính cưỡng bách của sự chết bằng cách tự nguyện đối đầu với nó. Qua việc dự ứng kết thúc cuối cùng, chúng ta có thể chiêm niệm những khởi đầu mới. Chúa diễm phúc của chúng ta đã sống từ cuối cuộc đời trở ngược lại phía sau: “Ta đến hiến mạng sống Ta để cứu chuộc thế giới”. Chiên Con được hình dung là “bị giết từ thuở sáng thế”...

Nguyên tắc thiêng liêng căn bản là thế này, sự chết phải bị khuất phục trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động bằng sự khẳng định về vĩnh cửu. Các tác giả linh đạo khuyên chúng ta rằng mọi việc nên được thực hiện như thể ta sẽ chết trong giây phút tiếp theo. Nếu chúng ta đối xử với người sống như thể họ đang chết, thì cũng thế, điều tốt đẹp trong họ sẽ lộ ra. Hãy đối xử với người chết như thể họ còn sống, và những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ theo họ; như thế, niềm tin vào trạng thái thanh tẩy sau khi chết cho phép chúng ta chuộc lỗi vì đã thiếu tình yêu khi bạn bè của chúng ta vẫn còn trên trái đất. Sự thất bại trong việc giúp đỡ thể xác của họ giờ đây có thể được cân bằng nhờ sự trợ giúp thiêng liêng của chúng ta đối với linh hồn của họ qua lời cầu nguyện.

Thực hành sự chết

Sự chết có thể mất đi nỗi sợ hãi lớn nhất của nó nếu chúng ta thực hành cho nó. Kitô giáo khuyên ta nên sống nhiệm nhặt, đền tội và siêu thoát như một cuộc tập dượt cho biến cố trọng đại. Vì mỗi cái chết phải là một kiệt tác vĩ đại, và giống như tất cả các kiệt tác, nó không thể hoàn thành trong một ngày. Một nhà điêu khắc muốn chạm khắc một hình người từ một khối cẩm thạch sử dụng cái đục của mình, đầu tiên cắt bỏ những khối đá cẩm thạch lớn, sau đó là những mảnh nhỏ hơn, cho đến khi cuối cùng ông đạt đến điểm mà chỉ cần một bàn tay là có thể cho thấy khuôn dạng. Cùng một cách như thế, linh hồn phải trải qua những cuộc hành xác khủng khiếp lúc đầu, và sau đó là những sự siêu thoát tinh tế hơn, cho đến khi cuối cùng hình ảnh thần linh của nó được biểu lộ.

Bởi vì hành xác được công nhận là một việc thực hành sự chết, nên có một văn bia phù hợp được ghi trên lăng mộ của Duns Scotus, Bis Mortmis; Semel Sepultus (2 lần chết nhưng chỉ chôn 1 lần). Khi chúng ta chết đi một điều gì đó, một điều gì đó trở nên sống động bên trong chúng ta. Nếu chúng ta chết cho cái tôi, đức ái sẽ sống động; nếu chúng ta chết cho tính kiêu ngạo, sự phục vụ sẽ sống động; nếu chúng ta chết cho dục vọng, sự tôn kính nhân cách sẽ sống động; nếu chúng ta chết cho giận dữ, tình yêu sẽ sống động.

Sự chết là sự ra đời thật sự của chúng ta

Sự chết có nghĩa là sự ra đời thực sự của chúng ta, sự khởi đầu của chúng ta. Kitô giáo... luôn chúc lành cho sự ra đời thiêng liêng của con cái mình vào cõi vĩnh hằng; trong phụng vụ, ngày mà một vị thánh qua đời được gọi là natilitia, hay ngày sinh nhật của ngài. Thế giới kỷ niệm một sinh nhật vào ngày một người được sinh ra trong cuộc sống thể lý; Giáo hội cử hành nó khi một người được sinh ra cho cuộc sống vĩnh cửu.

15.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Philip Neri về sự chết và hấp hối

Ngày 16 tháng 11 năm 2017, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Pilip Neri về sự chết và hấp hối:

Những điều sau đây được lấy từ Những câu nói và Châm ngôn của Thánh Philip Neri, được các đệ tử của ngài thu thập và sắp xếp mỗi ngày một câu sau khi ngài qua đời.



Sống một cách biết mình sẽ chết

Chúng ta không được chậm trễ trong việc làm điều tốt, vì cái chết sẽ không chậm trễ.

Những thứ thuộc thế giới này không ở mãi với chúng ta. Nếu chúng ta không rời bỏ chúng trước khi chúng ta thực sự chết, tất cả chúng ta sẽ chết trắng tay như khi chúng ta đến.

Cách tốt nhất để chuẩn bị cho sự chết là sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng.

Sự chết của chúng ta

Ngôn ngữ loài người không thể diễn tả vẻ đẹp của một linh hồn chết trong tình trạng ân sủng.

Chúng ta phải chấp nhận sự chết của chính mình và của những người thân của chúng ta khi Thiên Chúa gửi nó đến cho chúng ta, và không mong muốn nó vào bất cứ lúc nào khác. Đôi khi cần thiết nó phải xảy ra vào một thời điểm đặc thù nào đó vì lợi ích của chính chúng ta và linh hồn của họ.

Hiện diện với người sắp chết

Khi thăm viếng những người hấp hối, chúng ta không nên nói nhiều lời với họ, mà nên giúp đỡ họ bằng cách cầu nguyện cho họ.

Sống Hướng Đến Sự Vĩnh Cửu

Chúng ta không có thời gian để đi ngủ ở đây, vì Thiên đàng không được tạo ra cho những người nhát gan.

Tôi tớ thật của Thiên Chúa không thừa nhận nước nào khác ngoài thiên đàng.

Ai không xuống hỏa ngục khi còn sống, sẽ rất có nguy cơ xuống hỏa ngục sau khi chết.

Các tôi tớ thật của Thiên Chúa chịu đựng sự sống và mong muốn cái chết.

Trên Thiên đường và dưới Hỏa ngục

Chúng ta hãy học dưới đây để dâng lên Thiên Chúa lời tuyên xưng ngợi khen mà chúng ta nên hy vọng dâng lên Người trên Thiên Đàng.

Kẻ nào tiếp tục giận dữ, xung đột và tinh thần cay đắng, là nếm mùi không khí Hỏa Ngục.

Nếu một linh hồn có thể hoàn toàn xa lánh các tội nhẹ, thì nỗi đau lớn nhất linh hồn này phải gánh chịu là bị giam cầm ở đời này, và ước muốn lớn lao nhất của linh hồn đó là được kết hợp với Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghĩ về một điều ngọt ngào và dễ dàng khi ở trên Thiên Đàng, đó là luôn nói “Sanctus, Sanctus, Sanctus” [thánh, thánh, thánh] với các thiên thần và các thánh.

16.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Dorothy Day về sự chết và hấp hối

Ngày 28 tháng 9 năm 2017, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Dorothy Day về sự chết và hấp hối:

Dorothy Day là người sáng lập phong trào Công nhân Công Giáo. Bà đã viết một cuốn tự truyện, The Long Loneliness [Sự cô đơn kéo dài]; Loaves and Fishes [Các Ổ bánh và Những Con cá], lịch sử phong trào Công nhân Công Giáo của bà; Thérèse, cuộc đời của Thánh Têrêsa thành Lisieux; và những cuốn sách khác. Đức Hồng Y John O’Connor đã mở hồ sơ phong thánh cho bà vào năm 2000 và các giám mục Hoa Kỳ đã nhất trí ủng hộ vào năm 2012. Những suy nghĩ của bà về cái chết được lấy từ nhật ký của bà, được xuất bản với tựa đề The Duty of Delight.



Mẹ tôi thường nói khi bà hấp hối... “Con có thực sự tin rằng chúng ta sẽ thấy những người chúng ta đã biết trong cuộc sống - cha của con chẳng hạn không?” Và khi tôi nói có, tôi thực sự tin, mẹ tôi nói thế một cách nôn nóng và gần như hờn dỗi, "mẹ không biết liệu mẹ có muốn gặp lại cha con hay không".

Tôi cười thích thú trước sự thẳng thắn của bà. Tôi nói với bà, “Mẹ sẽ biết ngài như lần đầu tiên mẹ biết ngài, và mẹ sẽ yêu ngài như mẹ đã yêu ngài lúc đó”. Bảo đảm như thế! Nhưng tôi không cảm thấy xấu hổ với giả định này. Tôi chắc chắn.

—29 tháng 4 năm 1968

Điều mắt chưa thấy, tai chưa nghe, điều Thiên Chúa đã sắm sẵn cho những người yêu mến Người”. Nhưng tôi có yêu Người không? Thử nghiệm duy nhất là tôi có sẵn sàng hy sinh hạnh phúc hiện tại và tình yêu hiện tại cho Người không.

—Thứ Năm Hiển Linh, 1966

Luôn luôn khi tôi thức dậy vào buổi sáng, là tình trạng sống dở chết dở, tiếng rên rỉ trong từng đốt xương, sự vô hồn, cảm giác trước cái chết, cảm thức “kinh hoàng thầm lặng” ám ảnh tất cả chúng ta. Một cảm thức về sự phù phiếm của cuộc sống và sự vô giá trị của tất cả những nỗ lực của chúng ta. Như một trong những bậc thầy tĩnh tâm của chúng ta đã nói, nó giống như thể chúng ta chèo một chiếc vỏ cây mỏng manh ở đầu thác Niagara và tất cả những nỗ lực của chúng ta là để không sa xuống vực sâu bên dưới.

Tôi tuyệt vọng quay sang việc cầu nguyện. “Ôi lạy Chúa, xin mau mau đến giúp con. Xin đừng lấy Thánh thần Ngài khỏi con”. Và luôn luôn có Giờ Kinh Ban mai hay Giờ Kinh sáng, những thánh vịnh tuyệt vời đó, lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội, những lời cầu nguyện mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người đọc mỗi buổi sáng trên khắp thế giới. Và tôi đã được cứu.

- 14 tháng 4 năm 1968

Hôm nay nghĩ về cảnh cô đơn của sự chết, tôi đột nhiên nghĩ khi tôi đi du lịch một cách khá sợ hãi qua những đám mây trong chuyến bay đầu tiên của mình, tôi không cô đơn. Thật quá hồi hộp được ở trên những đám mây, dưới ánh sáng mặt trời.

Tôi nghĩ đến những người tôi đã bỏ lại phía sau, cũng như những người tôi sẽ gặp, và khi chết cũng vậy. Tôi sẽ mong được gặp lại những gia đình và bạn bè đã đi trước tôi, bên cạnh vô số người khác, các vị thánh, các nhà văn như C. S. Lewis, v.v. Chúng ta sẽ biết và được biết đến.

- 15 tháng 8 năm 1968

Một trong năm tầm nhìn sâu sắc là của người khác. Một thẻ cầu nguyện được đưa vào nhật ký cuối cùng của bà:

Lạy Chúa và là chủ nhân của cuộc đời con, xin hãy cất khỏi con tinh thần lười biếng, ham muốn quyền lực và nói năng vu vơ. Nhưng xin ban cho tôi tớ Chúa tinh thần khiết tịnh, khiêm nhường, kiên nhẫn và yêu thương. Vâng, lạy Đức Chúa và Đức Vua, xin cho con nhìn thấy lỗi lầm của mình chứ đừng phán xét anh em con, vì Chúa được ngợi khen từ đời này sang đời nọ. Amen.

- Lời cầu nguyện sám hối của Thánh Ephraim người Syria

17.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Cha Ronald Knox về sự chết và hấp hối

Ngày 20 tháng 7 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Cha Ronald Knox về sự chết và hấp hối:

Là một trong những người trở lại đạo nổi tiếng nhất vào đầu thế kỷ 20, Ronald Knox lớn lên trong giới lãnh đạo cao nhất của Anh và được nhiều người cho là nhà lãnh đạo tương lai của Giáo hội Anh. Thay vào đó, ngài đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và trở thành một trong những phát ngôn viên thông minh và sống động nhất trước công chúng, đồng thời là một nhà giáo và nhà thần học sâu sắc và hóm hỉnh. Cuốn sách của ngài về các phong trào cực kỳ siêu nhiên [ultra-supernaturalist], Enthusiasm,[Sự nhiệt tình], đã trở thành một tác phẩm kinh điển, cuốn Belief of Catholics[Niềm tin của người Công Giáo], một cuốn có thể coi như cuốn Mere Christianity của C. S. Lewis, và bản dịch Kinh thánh của ngài là một kho báu bị bỏ quên.



Bạn không thể không có ấn tượng trước mối bận tâm đặc biệt của bà [Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu] đối với các giá trị vĩnh cửu. Từ thuở thơ ấu, khi bà cầu nguyện cho mẹ mình chết đi và được hưởng niềm vui Thiên đàng, cho đến khi lâm bệnh lần cuối, khi bà vui mừng chào đón mọi triệu chứng của bệnh tật, như một bước tiến tới sự viên mãn của chính mình, bà coi sự chết như thể đó chỉ là việc vén tấm màn lên.

— Trích từ The Belief of Catholics [Niềm tin của người Công Giáo]

Hai người yêu nhau tự nhiên nghĩ về thời điểm đó, và nói với vẻ xúc động về thời điểm khi Thần chết sẽ chia lìa họ. Không ai nghĩ đến thời điểm khi Thần chết sẽ chia tay anh ta với nha sĩ của mình. Điều tàn ác, tàn bạo là khi bạn nhìn nó bị tước hết các phụ tùng lỉnh kỉnh của thảm kịch.

— Trích từ Other Eyes Than Ours [Đôi mắt khác với đôi mắt chúng ta]

Mọi hành vi và mọi đau khổ của đời bà [Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu] luôn được nhìn trong mối liên hệ với vĩnh cửu; một sự khước từ hoặc hành xác nhỏ nhất cũng giống như “dấm trộn salad” - toàn bộ các giá trị của cuộc sống dường như bị đảo ngược, nhưng không có gì gượng ép, không có gì cưỡng ép, không có gì không tự nhiên về các thuật ngữ mà cuốn tự truyện dùng để mô tả cảm xúc của bà. Siêu nhiên đã trở thành bản chất thứ hai đối với bà.

Cũng không phải chỉ do tu luyện cả đời mà thái độ quen thuộc với thế giới bên kia đã thành hình; bạn cũng sẽ tìm thấy nó trong các câu chuyện về việc tử vì đạo. Tôi nghĩ đó là một trong những vị tử đạo thời Elizabeth, người đã mong đợi trên đoạn đầu đài một bữa tối cay đắng, nhưng một bữa tối dễ chịu, và thái độ tương tự của Thánh Thomas More đã khét tiếng trong lịch sử. Trong tất cả những điều này, đều có cùng một bản năng quen thuộc, coi việc chuyển đổi từ thế giới này sang thế giới khác là một điều đương nhiên.

— Trích từ The belief of Catholics [Niềm tin của người Công Giáo]

Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều sống trong một phòng giam bị kết án. Lệnh truy nã cái chết của họ sẽ được ban hành vào thời điểm không do họ lựa chọn.

- Trích từ Occasional Sermons [Các bài giảng theo mùa]

Chỉ biết, như một mệnh đề thần học, rằng chúng ta đang trong thời gian thử thách ở đây là chưa đủ; chúng ta phải áp dụng kiến thức đó và sống dưới ánh sáng của nó. Có quá nhiều điều khác phải làm trên thế giới này, quá nhiều tiếng vang làm chúng ta điếc tai, đến nỗi chúng ta dễ quên đi nguyên tắc đầu tiên trong thời gian thử thách của mình, đó là: khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, khoảnh khắc xung quanh đó tất cả phần còn lại của cuộc đời chúng ta nên được gom lại thành trung tâm và đỉnh cao của nó, là thời điểm chúng ta rời bỏ nó.

- trích Pastoral Sermons [Các Bài giảng Mục vụ]

18.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Gioan Vianey về sự chết và hấp hối

Trang mạng http://www.hourofourdeath.org (Giờ chết của chúng ta) cũng đã đăng tải bài sau đây về Năm tầm nhìn thông sáng của Thánh Gioan Vianey về sự chết và hấp hối:

Là quan thầy của các cha xứ, Thánh Gioan Vianney lớn lên trong cuộc đàn áp chống Công Giáo của cách mạng Pháp. Ngài bắt đầu học tập khi Giáo hội được hợp pháp hóa vào năm 1802, nhưng việc học tập này bị gián đoạn vào năm 1809 khi ngài bị đi quân dịch trong quân đội của Napoléon, quân đội mà ngài đã đào ngũ. Cuối cùng, ngài được thụ phong linh mục vào năm 1815, ở tuổi ba mươi mốt.

Ngài trở thành cha xứ Ars vào năm 1818. Ngài có thể dành nửa ngày hoặc hơn trong tòa giải tội. Quan tâm đến cuộc sống trần tục của giáo dân mình, ngài rất nghiêm khắc trong lúc tha tội. Chẳng hạn, ngài đã không chịu tha tội cho những người không từ bỏ khiêu vũ. Danh tiếng và năng khiếu của ngài trong tư cách cha giải tội đã đưa 20,000 người hành hương đến làng. Thánh Gioan cũng là bạn của người nghèo.

Ngài phục vụ với tư cách cha sở xứ Ars cho đến khi qua đời vào năm 1859, mặc dù ngài đã thử bỏ đi bốn lần để trở thành một đan sĩ. Ngài được phong hiển thánh năm 1925. Lễ kính ngài được cử hành vào ngày 4 tháng 8.




Sự sống và sự chết

Sự sống được ban cho chúng ta để chúng ta có thể học cách chết một cách tốt đẹp.

Lúc chết

Một ngày sẽ đến, có lẽ không còn xa nữa, khi chúng ta phải từ biệt cuộc sống, từ biệt thế giới, từ biệt những người thân của chúng ta, từ biệt những người bạn của chúng ta. Các con của tôi, khi nào chúng ta sẽ trở lại? Không bao giờ. Chúng ta xuất hiện trên trái đất này, chúng ta biến mất, và chúng ta không trở lại nữa; thân xác tội nghiệp mà chúng ta chăm sóc, sẽ tan thành cát bụi, và linh hồn chúng ta, tất cả run rẩy, sắp ra mắt Thiên Chúa nhân lành.

Cuộc sống trước khi chết

Có người cả đời không nghĩ đến cái chết. Nó đến, và kìa! họ không có gì; đức tin, đức cậy và đức ái, tất cả đều đã chết trong họ. Khi cái chết đến với chúng ta, ba phần tư cuộc đời của chúng ta sẽ có ích lợi gì cho chúng ta? Phần lớn thời gian của mình, chúng ta bận bịu với điều gì? Chúng ta có đang nghĩ đến Thiên Chúa nhân lành, đến ơn cứu độ, đến linh hồn của chúng ta không?

Ý tưởng cho rằng người ta có thể sống trong tội lỗi và một ngày nào đó sẽ từ bỏ chúng tất cả là một trong những cái bẫy của Ma quỷ sẽ khiến anh chị đánh mất linh hồn của mình cũng như nó đã khiến rất nhiều người khác đánh mất linh hồn của họ.

Tên Trộm Lành

Thiên Chúa nhân lành không muốn chúng ta tuyệt vọng. Người cho chúng ta thấy người trộm lành cảm động ăn năn, chết gần Người trên thập giá.

Chết lành

Các con của tôi, các con hãy xem, để chết lành, chúng ta phải sống tốt; để sống tốt, chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm bản thân: mỗi tối hãy nghĩ lại những gì chúng ta đã làm trong ngày; cuối mỗi tuần xem lại mình đã làm được gì trong tuần; cuối mỗi tháng xem lại mình đã làm được gì trong tháng; vào cuối năm, những gì chúng ta đã làm trong năm. Bằng cách này, hỡi các con của tôi, chúng ta sẽ sửa được mình, và trở thành những Kitô hữu nhiệt thành trong một thời gian ngắn. Rồi, khi sự chết đến, chúng ta hoàn toàn sẵn sàng; chúng ta sung sướng được lên Thiên Đàng.

19.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Hilaire Belloc về sự chết và hấp hối

Trang mạng http://www.hourofourdeath.org (Giờ chết của chúng ta) cũng đã đăng tải bài sau đây về Năm Tầm nhìn thông sáng của của Hilaire Belloc về sự chết và hấp hối:

Nổi tiếng nhất bên ngoài Giáo hội vì đường lối của ông “và luôn giữ người y tá, vì sợ phát hiện ra điều gì đó tồi tệ hơn,” Hilaire Belloc đã viết hàng chục cuốn sách về lịch sử, hồi ký, thần học, du lịch và hành hương, và chính trị, cũng như nhiều tiểu thuyết và bài thơ. Ông cũng đã phục vụ trong Quốc hội một thời gian ngắn. Ông sinh ra ở Pháp vào năm 1870 (người mẹ mới góa bụa của ông chuyển cả gia đình đến Anh khi ông mới 5 tuổi) và mất năm 1953.

Cùng với người bạn G. K. Chesterton, ông là một trong những trí thức đại chúng lớn vào thời của mình. Trong số những thành tựu vĩ đại nhất của ông là việc phá hủy tác phẩm giả tưởng cấp tiến của H. G. Wells, cuốn sách bán chạy nhất Outline of History. Cùng với Chesterton, ông đã phát triển một hệ thống kinh tế và chính trị đặc biệt mà họ gọi là Chủ nghĩa phân phối [Distributism], không phải xã hội chủ nghĩa cũng không phải tư bản chủ nghĩa, và muốn có việc sở hữu tài sản rộng rãi.

Dòng đầu tiên trích từ câu chuyện “Jim, người chạy trốn khỏi y tá của mình và bị một con sư tử ăn thịt” trong cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng Cautionary Tales của ông. Những lời dưới đây trích từ Letters From Hilaire Belloc.




Gửi người lớn tuổi hơn đã mất anh trai của mình

Trong cuộc sống này, bạn biết tất cả những gì cần biết về sự chết. Vì tất cả những gì cần biết là nền tảng của tín lý Kitô giáo mà tôi biết bạn nắm giữ và chỉ có điều đó mới làm ta có thể viết được. Người ta thường cho rằng tín lý đó mục đích để an ủi. Giá trị của nó không hệ ở điều này mà ở tính chân thực của nó. Và những con người ngày nay, những con người mà người ta không thể viết cho vì thiếu cơ sở chung, đã đánh mất thực tại do việc đánh mất đức tin. Theo tín lý, chúng ta có thể cầu nguyện cho người chết của mình và thậm chí, theo một cách lờ mờ nào đó, hiệp thông với họ. Chắc chắn chúng ta có thể phục vụ họ. Đối với riêng chúng ta, những người chấp nhận truyền thống duy nhất về cuộc sống, người chết của chúng ta vẫn còn vì tất cả những gì đã mất sẽ trở lại. Vì đó cũng là một tín lý

Gửi người bạn cũng đang về già

Sau một thời gian nhất định và trải nghiệm tất cả cuộc sống là hồi tưởng và bổn phận. Người ta phải giữ lấy vì lợi ích của người khác và người ta không được làm cho bất cứ điều trần tục nào trở thành một điều cần thiết. Phần cuối của cuộc đời, phần sau, là một cuộc thanh lý nhưng tất nhiên nếu sau đó người ta không tưởng thưởng cho chúng ta thì đó sẽ là một vụ Mua Bán Chết Tiệt. Bông Hoa Nhỏ nói, “Tôi tin tưởng vào Công Lý của Thiên Chúa cũng như vào Lòng Thương Xót của Người”.

Gửi người phụ nữ mất cha

Tôi xin chị đừng quá đau buồn. Ưu điểm của Đức tin trong thử thách chính của cuộc đời này là ưu điểm này: Đức tin là thực tại có thực, và nhờ đó tất cả mọi sự đều được giải thích trong một quan điểm đúng đắn. Đó không phải là niềm an ủi - an ủi mà thôi là ma túy và đáng khinh bỉ - đó là sức mạnh của sự thật. Chúng ta biết nói dối quan trọng như thế nào (và không ai biết điều đó ngoài Đức tin) nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta bất tử và những người chúng ta yêu thương cũng bất tử, và điều kiện cần thiết, trước sự vĩnh cửu, là sự mất mát và thay đổi, và chúng ta có thể xem xét chúng dưới ánh sáng mạc khải cuối cùng của chúng và của sự tái hợp nhất với những gì chúng ta yêu thương.

Tôi không nói điều này vì tôi muốn làm giảm bớt mức độ lớn lao của những cú đánh này. Tôi biết chúng như bất cứ ai và tôi quay cuồng theo chúng. Nhưng với Đức tin, chúng có thể chịu đựng được. Chúng nhận đúng giá trị của chúng. Chúng không phải là cuối cùng. Tôi sẽ đi dự một Thánh lễ cho cha của chị ngay bây giờ... Chúa chúc lành cho chị, chị thân mến, và giữ cho chị khỏe mạnh và an toàn trong công việc của thế giới đáng buồn này cho đến khi chị cũng đạt được hạnh phúc mãi mãi.

Về việc về già

Mặc dù chúng ta không biết, nhưng tôi nghĩ rằng cùng với tuổi tác, tâm trí đạt được chiều sâu hơn và sự cô lập thiết yếu của cuộc sống là điều hiển nhiên đối với nó. Nó giống như nhìn thấy những ngôi sao vào ban đêm mà bạn không thể nhìn thấy vào ban ngày. Đó không phải là một suy nghĩ dễ chịu, nhưng mặt khác, tất cả đều gắn kết với nhau vì một người không đánh giá cao sự thiếu sót thấp hèn của thế giới này cho đến khi người ta gần như đã kết thúc với nó.

Về những người chết đã đi trước

Tôi đã đến một giai đoạn trong cuộc đời mà cái chết của một số ít bạn bè còn lại là điều có thể xảy ra, nhưng theo một cách nào đó, nó đau buồn hơn so với cuộc sống trước đó, cả vì số lượng giảm dần trở nên quá nhỏ và vì trí tưởng tượng ít sinh động hơn. Mặt khác, cùng với tuổi đời, triết lý ngày càng vững chắc hơn, và người ta chắc chắn một cách dứt khoát hơn rằng mọi rắc rối là dành cho chúng ta, nos qui vivimus [chúng ta những người đã sống], và mọi ơn ích dành cho người chết. Tôi có cảm giác này, nhiều hơn tôi từng có, là họ đã trở nên sống động trong khi chúng ta chỉ sống động một nửa. Điều này đặc biệt đúng với cái chết của những người đặc biệt tốt lành.
 
Vkietcatholic News

Niềm an ủi đích thực : Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân

 Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Niềm an ủi đích thực

Vu Van An
 

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 30 tháng 11, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến sự an ủi đích thực. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục suy tư về sự biện phân, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “sự an ủi”, mà chúng ta đã nói vào Thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực? Đây là một câu hỏi rất quan trọng để có sự biện phân tốt, để không bị nhầm lẫn trong việc tìm kiếm điều thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một số tiêu chuẩn trong một đoạn của Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Thánh Inhaxiô nói, "Nếu trong các suy nghĩ, mọi sự đều tốt từ phần đầu, phần giữa và phần cuối, và nếu mọi sự đều hướng về điều thiện, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt lành. Mặt khác, có thể trong dòng suy nghĩ, một điều gì đó xấu xa hoặc làm ta chia trí hoặc ít tốt hơn những gì linh hồn đã định làm trước đó, hoặc điều gì đó làm suy yếu linh hồn, khiến nó bồn chồn, đặt nó vào thế bồn chồn và lấy đi sự bình yên, lấy đi của nó sự thanh tĩnh và yên tĩnh nó vốn có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các suy nghĩ này phát xuất từ một tinh thần xấu xa" (n. 333). Vì đó đúng là sự thật: có những niềm an ủi chân thật, nhưng cũng có những niềm an ủi không chân thật. Và vì thế, chúng ta phải hiểu rõ con đường an ủi: nó đi như thế nào và nó dẫn tôi đến đâu? Nếu nó đưa tôi đến một điều gì đó không ổn, không tốt, thì niềm an ủi này không có thật, là "giả mạo" chúng ta hãy nói vậy.

Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng được nhận định ngắn gọn. Điều đó có nghĩa gì khi nguyên tắc hướng tới điều tốt, như Thánh Inhaxiô nói về một niềm an ủi tốt? Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và người lân cận, nó mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên tắc tốt. Thay vào đó, có thể nảy sinh ý nghĩ trốn tránh một công việc hoặc một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa bát đĩa hoặc dọn dẹp nhà cửa, tôi rất muốn bắt đầu cầu nguyện! Điều này xảy ra trong tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh bổn phận của mình, trái lại, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về nguyên tắc.

Sau đó là các phương tiện: Thánh Inhaxiô nói rằng phần đầu, phần giữa và phần cuối phải tốt. Nguyên tắc như sau: tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa bát: hãy đi rửa bát đi đã rồi hãy cầu nguyện. Sau đó là phần giữa, tức là điều đến sau, điều theo sau ý nghĩ này. Tiếp tục với thí dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có xu hướng tự mãn và coi thường người khác, có thể với một trái tim hiềm thù và chua chát, thì đây chính là những dấu hiệu cho thấy tinh thần ma quái đã sử dụng suy nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện và những lời của người Biệt phái khét tiếng hiện ra trong tâm trí tôi - "Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cầu nguyện, tôi không giống như những người khác không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện" - ở đây, lời cầu nguyện này quả kết thúc một cách tồi tệ. Sự an ủi của lời cầu nguyện này là cảm thấy mình giống như một con công dương dương tự đắc trước mặt Thiên Chúa, và đó là một phương tiện không đi đến đâu.

Và sau đó là phần cuối: phần đầu, phần giữa và phần cuối. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã gặp, đó là: một ý nghĩ dẫn tôi đến đâu? Thí dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu. Thí dụ, ở đây có thể xảy ra việc tôi làm việc chăm chỉ vì một công việc cao đẹp và xứng đáng, nhưng nó thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa, vì tôi bận nhiều việc quá, tôi thấy mình ngày càng gây hấn và nhiều thói hư hơn, tôi tin rằng mọi sự đều phụ thuộc vào tôi, đến mức mất niềm tin vào Thiên Chúa, đây rõ ràng là hành động của tinh thần xấu xa. Tôi bắt đầu cầu nguyện, sau đó trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy toàn năng, mọi sự phải nằm trong tay tôi vì tôi là người duy nhất biết cách tiến hành công việc: rõ ràng là không có tinh thần tốt lành ở đó. Chúng ta phải xem xét cẩn thận con đường cảm xúc của chúng ta, con đường cảm xúc tốt, con đường an ủi, khi chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nào là phần đầu, thế nào là phần giữa và thế nào là phần cuối.

Phong cách của kẻ thù – khi chúng ta nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, hắn tồn tại! – phong cách của hắn, như chúng ta biết, là trình bầy bản thân một cách tinh vi, trá hình: hắn bắt đầu từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta rồi lôi kéo chúng ta đến với hắn, từng chút một: cái ác thâm nhập một cách giấu diếm mà chúng ta không hề hay biết. Và với thời gian, sự mềm mại trở thành sự cứng rắn: suy nghĩ này tự bộc lộ như nó là trên thực tế.

Do đó, điều quan trọng là phải xem xét một cách kiên nhẫn nhưng không thể thiếu nguồn gốc và sự thật của các suy nghĩ của mình; đây là lời mời gọi học hỏi từ các kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp lại những sai lầm tương tự. Càng tự biết mình, chúng ta càng hiểu rõ nơi ma quỷ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, cửa vào trái tim chúng ta, đó là những điểm mà ở đó chúng ta nhạy cảm nhất, để chú ý đến chúng cho tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm nhất, những điểm yếu nhất trong nhân cách của chính mình: và từ đó tinh thần xấu xa len lỏi vào dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lầm lạc, hoặc đưa chúng ta xa rời con đường chân thiện. Tôi đi cầu nguyện nhưng điều đó làm tôi xa rời việc cầu nguyện.

Các thí dụ có thể được nhân thừa theo ý muốn, phản ảnh thời đại của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hàng ngày là điều rất quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, anh chị em hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Trái tim tôi có lưu ý không? Nó có lớn ra không? Có phải đó là con đường đã đi qua mọi sự mà tôi không hề hay biết? Điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Và sự kiểm điểm này rất quan trọng, nó là nỗ lực quý giá để đọc lại trải nghiệm từ một quan điểm đặc thù. Nhận ra những gì đang xảy ra là điều quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không đơn độc: chính Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy xem sự việc diễn ra như thế nào.

Niềm an ủi đích thực là một kiểu xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, nghĩa là trên con đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Trên thực tế, sự biện phân không chỉ tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt cho tôi ở đây và bây giờ: Tôi được kêu gọi lớn lên ở đấy, bằng cách đặt giới hạn cho những đề xuất quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp thực sự.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu, tiến lên trong việc thấu hiểu những gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần kiểm điểm lương tâm, để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi tức giận, tôi không làm việc này việc nọ…”: nhưng tại sao? Vượt trên lý do tại sao là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. “Nhưng, hôm nay tôi hài lòng nhưng tôi thấy nhàm chán vì phải giúp đỡ những người này, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy hài lòng, hài lòng với việc giúp đỡ này”: và có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy học cách đọc trong cuốn sách trái tim chúng ta những gì đã xảy ra trong ngày. Anh chị em làm điều đó đi, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ rất tốt cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.
 
Vietcatholic News

Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn của tờ America

 Trả lời phỏng vấn của tờ America, Đức Phanxicô nói tới phân cực, kỳ thị chủng tộc trong Giáo hội, chiến tranh Ukraine, liên hê Trung Quốc, phong chức nữ giới...

Vu Van An
 

Theo tạp chí America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 11 năm 2022, năm đại diện của America Media đã phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cư sở của ngài ở Santa Marta, Vatican. Cha Matt Malone, S.J., tổng biên tập sắp rời nhiệm sở của tạp chí này, cùng với Cha Sam Sawyer, S.J., tổng biên tập sắp tới; biên tập viên điều hành Kerry Weber; Gerard O’Connell, thông tín viên Vatican của Tạp chí; và Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast”. Họ đã thảo luận về nhiều chủ đề với Đức Giáo Hoàng, bao gồm sự phân cực trong Giáo hội Hoa Kỳ, phân biệt chủng tộc, chiến tranh ở Ukraine, liên hệ của Vatican với Trung Quốc và giáo huấn của Giáo hội về việc truyền chức cho phụ nữ. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha với sự hỗ trợ của phiên dịch viên Elisabetta Piqué.



Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:

Đức Phanxicô: Cảm ơn các anh chị em đã đến đây!

Matt Malone, S.J.: Thưa Đức Thánh Cha, Tạp chí America được thành lập bởi Dòng Tên vào năm 1909, và chúng con đã liên tục xuất bản kể từ đó. Đây là cơ hội đầu tiên của chúng con được nói chuyện trực tiếp với một vị giáo hoàng, và chúng con rất biết ơn. Điều đầu tiên trong tâm trí độc giả của chúng con, điều khiến họ ngạc nhiên, đó là Đức Thánh Cha luôn tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc, ngay cả khi gặp khủng hoảng và khó khăn. Điều gì khiến Đức Thánh Cha vui vẻ, bình an và hạnh phúc trong chức vụ của mình?

Đức Phanxicô: Tôi không biết tôi luôn như vậy đó. Tôi vui vẻ khi ở bên người ta — luôn luôn như vậy. Một trong những điều tôi thấy khó khăn nhất trong tư cách giáo hoàng là không thể đi bộ trên đường phố với người ta, bởi vì ở đây người ta không thể ra ngoài; không thể đi bộ trên đường phố. Nhưng tôi sẽ không nói tôi hạnh phúc vì tôi khỏe mạnh, hay vì tôi ăn ngon, ngủ ngon, hay vì tôi cầu nguyện nhiều. Tôi hạnh phúc vì tôi cảm thấy hạnh phúc, Chúa làm cho tôi hạnh phúc. Tôi không có gì để đổ lỗi cho Chúa, ngay cả khi những điều tồi tệ xảy đến với tôi. Không điều gì cả. Trong suốt cuộc đời tôi, Người luôn hướng dẫn tôi trên con đường của Người, đôi khi trong những thời điểm khó khăn, nhưng luôn có sự bảo đảm rằng người ta không bước đi một mình. Tôi có sự bảo đảm đó. Người luôn ở bên cạnh tôi. Người ta có lỗi lầm của người ta, cả tội lỗi nữa; Tôi đi xưng tội mỗi 15 ngày– tôi không biết nữa, tôi là thế đấy.

Sam Sawyer, S.J.: Thưa Đức Thánh Cha, trong bài phát biểu của ngài trước Quốc hội Hoa Kỳ cách đây bảy năm, ngài đã cảnh cáo chống lại “chủ nghĩa giản lược ngây thơ chỉ nhìn thấy điều thiện và điều ác, người công chính và tội nhân” và ngài cũng kêu gọi “một tinh thần huynh đệ đổi mới và liên đới, hợp tác quảng đại vì lợi ích chung.” Tuy nhiên, kể từ bài phát biểu của ngài trước Quốc hội, chúng con thấy không những sự phân cực chính trị ngày càng sâu xa hơn, mà cả sự phân cực trong đời sống của Giáo Hội nữa. Làm thế nào Giáo Hội có thể đáp ứng với sự phân cực trong chính cuộc sống của mình và giúp đáp ứng với sự phân cực trong xã hội?

Đức Phanxicô: Phân cực không phải là Công Giáo. Một người Công Giáo không thể suy nghĩ hoặc/ hoặc (aut-aut) và giản lược mọi sự vào phân cực. Bản chất của Công Giáo là và/và (et-et). Người Công Giáo kết hợp điều tốt và điều không tốt. Chỉ có một dân tộc của Thiên Chúa. Khi có sự phân cực, não trạng chia rẽ nảy sinh, mang lại đặc quyền cho một số người và bỏ mặc những người khác. Người Công Giáo luôn dung hòa những khác biệt. Ước gì chúng ta thấy cách Chúa Thánh Thần hành động; thoạt đầu, cách ấy gây ra sự hỗn loạn: Hãy nghĩ tới buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, và sự lộn xộn và hỗn độn (lío) nó tạo ra ở đó, và sau đó nó mang lại sự hài hòa. Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội không giản lược mọi sự xuống chỉ còn một giá trị; đúng hơn, Người dung hòa những khác biệt đối lập nhau. Đó là tinh thần Công Giáo. Càng có sự hòa hợp giữa những khác biệt và đối lập thì càng Công Giáo. Càng phân cực thì càng đánh mất tinh thần Công Giáo và rơi vào tinh thần bè phái. [Câu nói] này không phải của tôi, nhưng tôi xin nhắc lại: Công Giáo không phải là hoặc/hoặc, mà là và/và, kết hợp những khác biệt. Và đây là cách chúng ta hiểu cách Công Giáo đối phó với tội lỗi, không theo kiểu thanh giáo: thánh nhân và tội nhân, cả hai với nhau.

Điều đáng lưu ý là tìm kiếm gốc rễ của việc Công Giáo là gì trong các lựa chọn mà Chúa Giêsu đã đưa ra. Chúa Giêsu có bốn khả thể: hoặc là người Biệt phái, hoặc là người Sađuchê, hoặc là người Essene, hoặc là người Nhiệt thành. Đây là bốn phe đảng, bốn phương thức vào thời điểm đó. Và Chúa Giêsu không phải là người Biệt phái, cũng không phải là người Sađuchê, người Essene, cũng không phải người Nhiệt thành. Người là một điều gì đó khác biệt. Và nếu chúng ta nhìn vào những sai lệch trong lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể thấy rằng người ta luôn đứng về phía người Biệt phái, người Sađuchê, người Essenes hoặc người Nhiệt thành. Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả những điều này bằng cách đề xướng các Mối phúc, cũng là một điều gì đó khác biệt.

Sự cám dỗ trong Giáo Hội là luôn đi theo bốn con đường này. Tại Hoa Kỳ, anh chị em có một đạo Công Giáo đặc thù đối với Hoa Kỳ—điều đó là bình thường. Nhưng anh chị em cũng có một số nhóm Công Giáo có ý thức hệ.

Kerry Weber: Thưa Đức Thánh Cha, vào năm 2021, chúng con đã thực hiện một cuộc thăm dò, yêu cầu những người Công Giáo [ở Hoa Kỳ] rằng họ tin tưởng chọn ai làm người lãnh đạo và hướng dẫn họ về các vấn đề đức tin và luân lý. Trong các nhóm chúng con liệt kê, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ được cho là ít đáng tin cậy nhất; chỉ 20 phần trăm nhận thấy Hội đồng “rất đáng tin cậy”. Người Công Giáo xếp hạng giám mục địa phương của họ cao hơn; khoảng 29 phần trăm mô tả các ngài là “rất đáng tin cậy.” Nhưng đa số người Công Giáo dường như đã mất niềm tin vào khả năng đưa ra những hướng dẫn về mặt đạo đức của hội đồng giám mục. Làm thế nào các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ có thể lấy lại lòng tin của người Công Giáo Hoa Kỳ?

Đức Phanxicô: Câu hỏi hay vì nó nói về các giám mục. Nhưng tôi nghĩ thật sai lầm khi nói về mối liên hệ giữa người Công Giáo và hội đồng giám mục. Hội đồng giám mục không phải là mục tử; mục tử là giám mục. Vì vậy, người ta có nguy cơ làm giảm thẩm quyền của giám mục khi bạn chỉ nhìn vào hội đồng giám mục. Hội đồng giám mục có mặt để tập hợp các giám mục lại với nhau, cùng nhau làm việc, thảo luận các vấn đề, lập kế hoạch mục vụ. Nhưng mỗi giám mục là một mục tử. Chúng ta đừng làm loãng quyền lực của giám mục bằng cách biến nó thành quyền lực của hội đồng giám mục. Bởi vì ở cấp độ đó, các khuynh hướng này cạnh tranh nhau, bên hữu nhiều hơn, bên tả nhiều hơn, bên này nhiều hơn bên kia, và dù sao thì [hội đồng giám mục] cũng không có trách nhiệm xương máu như trách nhiệm của một giám mục với giáo dân của mình, của một mục tử với giáo dân của mình.

Chúa Giêsu không tạo ra các hội đồng giám mục. Chúa Giêsu tạo ra các giám mục, và mỗi giám mục là mục tử của dân mình. Về điều này, tôi nhớ lại một tác giả ở thế kỷ thứ năm, theo đánh giá của tôi, đã viết tốt nhất về dung mạo của một giám mục. Đó là Thánh Augustinô trong chuyên luận “De Pastoribus”.

Do đó, câu hỏi đặt ra là: mối liên hệ của giám mục với giáo dân của mình là gì? Cho phép tôi được đề cập đến một giám mục mà tôi không biết ngài bảo thủ hay cấp tiến, ngài thuộc cánh hữu hay cánh tả, nhưng ngài là một mục tử tốt: [Mark] Seitz, [giám mục của El Paso,] trên biên giới với Mexico. Ngài là một con người nắm bắt được tất cả những mâu thuẫn của nơi đó và đưa chúng về phía trước với tư cách là một mục tử. Tôi không nói những vị khác không tốt, nhưng đây là một điều tôi biết. Anh chị em có một số giám mục tốt thiên về cánh hữu, một số giám mục tốt thiên về cánh tả, nhưng họ là những giám mục hơn là những nhà ý thức hệ; họ là những mục tử hơn là những nhà ý thức hệ. Đó là chìa khóa.

Câu trả lời cho câu hỏi của cô là: Hội đồng giám mục là một tổ chức nhằm hỗ trợ và hợp nhất, một biểu tượng của sự hiệp nhất. Nhưng ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở trong mối tương quan giữa giám mục và giáo dân của mình, giáo phận của mình.

Gloria Purvis: Thưa Đức Thánh Cha, phá thai là một vấn đề bị chính trị hóa nặng nề tại Hoa Kỳ. Chúng con biết điều đó là sai. Và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ gần đây đã phán quyết rằng không có quyền phá thai hợp hiến. Tuy nhiên, dường như nó vẫn ám ảnh Giáo Hội theo nghĩa nó chia rẽ chúng con. Các giám mục có nên coi vấn đề phá thai ưu tiên hơn các vấn đề công bằng xã hội khác không?

Đức Phanxicô: Về vấn đề phá thai, tôi có thể nói với cô những điều này, điều mà tôi đã nói trước đây. Trong bất cứ cuốn sách nào về phôi học đều nói rằng ngay trước một tháng sau khi thụ thai, các cơ quan và DNA đã được phác họa trong bào thai nhỏ bé, thậm chí trước cả khi người mẹ nhận thức được. Do đó, đã có một hữu thể nhân bản sống động. Tôi không nói một ngôi vị, bởi vì điều này đang được tranh luận, mà là một hữu thể nhân bản sống động. Và tôi đặt ra hai câu hỏi: Loại bỏ một hữu thể nhân bản để giải quyết một vấn đề có đúng không? Câu hỏi thứ hai: Thuê một “sát thủ” để giải quyết vấn đề có đúng không? Vấn đề nảy sinh khi thực tại giết người này được biến thành một vấn đề chính trị, hoặc khi một mục tử của Giáo Hội sử dụng các phạm trù chính trị.

Mỗi khi một vấn đề mất đi chiều kích mục vụ (pastoralidad), vấn đề đó trở thành một vấn đề chính trị và trở nên mang tính chính trị hơn là mục vụ. Ý tôi là, đừng để ai chiếm đoạt sự thật phổ quát này. Nó không thuộc về bên này hay bên kia. Nó là phổ quát. Khi tôi thấy một vấn đề như vấn đề này, một vấn đề vốn là một tội ác, trở nên chính trị một cách mạnh mẽ, sâu xa, thì có một sự thất bại trong việc chăm sóc mục vụ trong việc tiếp cận vấn đề này. Trong cả vấn đề phá thai này, hay trong các vấn đề khác, người ta không thể bỏ qua chiều kích mục vụ: Giám mục là mục tử, giáo phận là dân thánh của Chúa cùng với mục tử của họ. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề [phá thai] như thể đó chỉ là một vấn đề dân sự.

Gerard O’Connell: Câu hỏi đặt ra là liệu hội đồng giám mục có nên coi cuộc chiến chống phá thai là vấn đề số một, trong khi tất cả những vấn đề còn lại chỉ là vấn đề thứ yếu.

Đức Phanxicô: Câu trả lời của tôi là đây là một vấn đề mà hội đồng giám mục phải tự giải quyết. Điều làm tôi quan tâm là mối liên hệ của giám mục với người dân, đó là mối liên hệ mang tính bí tích. [Vấn đề] còn lại là tổ chức, và các hội đồng giám mục đôi khi hiểu sai (mơ hồ). Chỉ cần nhìn vào Thế chiến thứ hai và một số lựa chọn mà một số hội đồng giám mục đã đưa ra, vốn sai lầm từ quan điểm chính trị hoặc xã hội. Đôi khi đa số thắng, nhưng có thể đa số không đúng.

Nói cách khác, hãy làm rõ điều này: Thông thường, một hội đồng giám mục phải đưa ra ý kiến của mình về đức tin và truyền thống, nhưng trên hết là về việc cai quản giáo phận và v.v. Phần bí tích của thừa tác mục vụ nằm trong mối tương quan giữa cha xứ và dân Chúa, giữa giám mục và dân của ngài. Và điều này không thể được ủy thác cho hội đồng giám mục. Hội nghị giúp tổ chức các cuộc họp, và những cuộc họp này rất quan trọng; nhưng đối với một giám mục, [làm] mục tử là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất, tôi muốn nói thiết yếu là bí tích. Rõ ràng, mỗi giám mục phải tìm kiếm tình huynh đệ với các giám mục khác, đó là điều quan trọng. Nhưng điều cốt yếu là mối liên hệ với giáo dân của mình.

Sam Sawyer, S.J.: Thưa Đức Thánh Cha, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã gây thiệt hại nặng nề cho uy tín của Giáo hội cũng như nỗ lực truyền giáo của Giáo hội. Những tiết lộ gần đây về hành vi lạm dụng của các giám mục, những người đã được phép nghỉ hưu trong yên lặng, đã làm gia tăng mối lo ngại về tính minh bạch của Giáo hội trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng, đặc biệt là khi liên quan đến các giám mục. Vatican có thể làm gì hơn nữa để cải thiện khía cạnh minh bạch này?

Đức Phanxicô : Một chút lịch sử. Cho đến cuộc khủng hoảng Boston, khi mọi chuyện bị phanh phui, Giáo Hội đã hành động bằng cách chuyển một kẻ lạm dụng khỏi chỗ ở của ông ta; bao che, như vẫn thường xảy ra trong các gia đình hiện nay. Vấn đề lạm dụng tình dục cực kỳ nghiêm trọng trong xã hội. Khi tôi tổ chức cuộc họp của các chủ tịch hội đồng giám mục cách đây ba năm rưỡi, tôi đã yêu cầu các số liệu thống kê chính thức và [tôi được biết rằng] 42 phần trăm đến 46 phần trăm các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hoặc trong khu phố. Sau đó, tỷ lệ phổ biến là thế giới thể thao, sau đó là giáo dục và 3 phần trăm [những kẻ lạm dụng] là linh mục Công Giáo. Người ta thường nói, “Thật tốt, chúng ta chỉ là số ít” Không! Nếu chỉ có một trường hợp, nó cũng rất quái dị. Lạm dụng vị thành niên là một trong những điều quái dị nhất. Thông lệ vẫn còn được duy trì trong một số gia đình và cơ sở ngày nay là che đậy nó. Giáo Hội đã quyết định không che đậy [nữa]. Từ đó tiến bộ đã được thực hiện trong các thủ tục tư pháp, việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

Ở đây, một [điển hình] tuyệt vời là Đức Hồng Y [Seán] O’Malley của Boston, người có ý tưởng định chế hóa [việc bảo vệ vị thành niên] trong Giáo Hội. Khi những người trung thực nhìn thấy cách Giáo Hội lãnh trách nhiệm về sự quái dị này, họ hiểu rằng Giáo Hội là một chuyện còn những kẻ lạm dụng đang bị Giáo Hội trừng phạt là một chuyện khác. Người đi đầu trong việc đưa ra những quyết định này là Đức Bênêđictô XVI. Đó là một vấn đề “mới” trong biểu hiện của nó, nhưng vĩnh cửu ở chỗ nó luôn tồn tại. Trong thế giới ngoại giáo, họ thường sử dụng trẻ em để mua vui. Một trong những điều khiến tôi lo lắng nhất là nội dung khiêu dâm trẻ em. Chúng được quay phim trực tiếp. Những bộ phim này được sản xuất ở nước nào? Chính quyền của các quốc gia này đang làm gì để cho phép điều này xảy ra? Đó là tội phạm. Tội phạm!

Giáo hội chịu trách nhiệm về tội lỗi của chính mình, và chúng ta, những tội nhân, tiến lên, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Khi tôi đi du lịch, tôi thường tiếp một đoàn gồm các nạn nhân bị lạm dụng. Một giai thoại về điều này: Khi tôi ở Ái Nhĩ Lan, những người bị lạm dụng đã yêu cầu được diện kiến. Có sáu hoặc bảy người trong số họ. Lúc đầu, họ có một chút tức giận, và họ đúng. Tôi nói với họ: “Hãy xem, liệu chúng ta có làm được điều gì không. Ngày mai, tôi phải giảng trong thánh lễ; tại sao chúng ta không cùng nhau chuẩn bị bài giảng này?” Và điều đó đã dẫn đến một hiện tượng tuyệt vời bởi vì những gì đã bắt đầu như một cuộc phản đối đã được chuyển thành một điều gì đó tích cực và cùng nhau, tất cả chúng tôi đã tạo ra bài giảng cho ngày hôm sau. Đó là một điều tích cực [đã xảy ra] ở Ái Nhĩ Lan, một trong những tình huống nóng bỏng nhất mà tôi phải đối đầu. Vậy thì Giáo Hội nên làm gì? Tiếp tục tiến về phía trước với sự nghiêm túc và xấu hổ. Tôi đã trả lời câu hỏi của cha chưa nhỉ?



Sam Sawyer, S.J.: Một điều mà con muốn theo dõi là: Giáo hội Hoa Kỳ đã có một bước tiến lớn trong việc giải quyết các vụ lạm dụng xảy ra với các linh mục. Tuy nhiên, dường như có ít minh bạch hơn khi một giám mục bị tố cáo, và điều đó thật đáng lo ngại.

Đức Phanxicô: Vâng, và ở đây tôi tin rằng chúng ta phải tiến lên với sự minh bạch như nhau. Nếu ít minh bạch, đó là một sai lầm.

Gerard O'Connell: Thưa Đức Thánh Cha, về Ukraine: Nhiều người ở Hoa Kỳ đã bối rối trước việc ngài dường như không sẵn lòng chỉ trích trực tiếp Nga về hành vi xâm lược Ukraine, thay vào đó muốn nói một cách chung chung hơn về sự cần thiết phải chấm dứt chiến tranh, chấm dứt hoạt động đánh thuê hơn là các cuộc tấn công của Nga, và buôn bán vũ khí. Đức Thánh Cha sẽ giải thích chủ trương của Đức Thánh Cha về cuộc chiến này như thế nào với người Ukraine, hoặc người Mỹ và những người khác ủng hộ Ukraine?

Đức Phanxicô : Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về một dân tộc tử vì đạo. Nếu bạn có một người tử vì đạo, bạn có một người tử đạo họ. Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về sự tàn ác bởi vì tôi có nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội tiến vào. Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, Buryati, v.v. Chắc chắn kẻ xâm lược là nhà nước Nga. Điều này rất rõ ràng. Đôi khi tôi cố gắng không nói rõ để không xúc phạm và thay vào đó lên án chung chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải đặt tên riêng và tên họ.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đến đại sứ quán Nga [bên cạnh Tòa thánh], một cử chỉ bất thường vì giáo hoàng không bao giờ đến một đại sứ quán. Và ở đó, tôi đã nói với đại sứ hãy nói với [Vladimir] Putin rằng tôi sẵn sàng đi công du với điều kiện ông ấy cho tôi một cửa sổ nhỏ để đàm phán. [Sergey] Lavrov, bộ trưởng ngoại giao cấp cao, đã trả lời bằng một lá thư rất hay mà tôi hiểu rằng vào thời điểm hiện tại thì điều đó không cần thiết.

Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Zelensky ba lần qua điện thoại. Và nói chung, tôi làm việc với việc nhận danh sách tù nhân, cả tù nhân dân sự và tù nhân quân sự, và tôi đã gửi những danh sách này cho chính phủ Nga, và phản hồi luôn rất tích cực.

Tôi cũng nghĩ đến việc đi du lịch, nhưng tôi đã quyết định: Nếu tôi đi du lịch, tôi sẽ đến Moscow và Kiev, đến cả hai nơi chứ không chỉ đến một nơi. Và tôi chưa bao giờ tạo ấn tượng rằng tôi đang che đậy hành vi gây hấn. Tôi đã tiếp ở đây, trong hội trường này, ba hoặc bốn lần, một phái đoàn từ chính phủ Ukraine. Và chúng tôi làm việc cùng nhau.

Tại sao tôi không nêu tên Putin? Bởi vì nó không cần thiết; nó đã được biết đến. Tuy nhiên, đôi khi mọi người bám vào một chi tiết. Mọi người đều biết lập trường của tôi, dù có Putin hay không có Putin, không cần nêu tên ông ấy.

Một số Hồng Y đã đến Ukraine: Hồng Y Czerny đã đi hai lần; [Tổng giám mục] Gallagher, người chịu trách nhiệm về [liên hệ với] các quốc gia, đã ở Ukraine bốn ngày, và tôi đã nhận được báo cáo về những gì ngài thấy ở đấy; và Hồng Y Krajewski đã đi bốn lần. Ngài đi cùng chiếc xe vận tải nhỏ chất đầy đồ đạc và trải qua Tuần Thánh cuối cùng ở Ukraine. Ý tôi là sự hiện diện của Tòa thánh qua các Hồng Y là rất mạnh mẽ, và tôi liên tục liên lạc với những người có trách nhiệm.

Và tôi muốn đề cập điều này: trong những ngày này có lễ kỷ niệm Holodomor, tội ác diệt chủng mà Stalin đã thực hiện đối với người Ukraine [năm 1932-33]. Tôi tin rằng việc đề cập đến nó như một tiền lệ lịch sử của cuộc xung đột [hiện tại] là phù hợp.

Lập trường của Tòa thánh là tìm kiếm hòa bình và tìm kiếm sự hiểu biết. Ngoại giao của Tòa thánh đang đi theo hướng này và tất nhiên, luôn sẵn sàng làm trung gian.

Gloria Purvis: Trong lịch sử của Giáo Hội Hoa Kỳ, người Công Giáo da đen phần lớn đã bị lãng quên. Đó là kinh nghiệm của chúng con trong Giáo Hội, nhưng chúng con ở lại vì chúng con tin tưởng. Bây giờ, một cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy một số lượng lớn người Công Giáo da đen đang rời bỏ Giáo Hội. Phân biệt chủng tộc là quan trọng đối với chúng con, nhưng những người Công Giáo khác không coi đó là ưu tiên hàng đầu. Sau cái chết của George Floyd, nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội vì sự thờ ơ trong Giáo Hội xung quanh chủ đề phân biệt chủng tộc. Bây giờ Đức Thánh Cha sẽ nói gì với những người Công Giáo da đen ở Hoa Kỳ, những người đã trải qua nạn phân biệt chủng tộc và đồng thời tính điếc đai trong Giáo Hội trước những lời kêu gọi đòi bình đẳng chủng tộc? Làm thế nào Đức Thánh Cha có thể khuyến khích họ?

Đức Phanxicô :Tôi sẽ nói với họ rằng tôi gần gũi với nỗi đau khổ mà họ đang trải qua, đó là nỗi đau khổ về chủng tộc. Và [trong tình huống này], những người nên gần gũi với họ theo một cách nào đó là các giám mục địa phương. Giáo Hội có các giám mục người Mỹ gốc Phi.

Gloria Purvis: Vâng, nhưng hầu hết chúng ta đến các giáo xứ nơi các linh mục không phải là người Mỹ gốc Phi, và hầu hết những người khác không phải là người Mỹ gốc Phi, và họ dường như không nhạy cảm với sự đau khổ của chúng con. Nhiều khi họ phớt lờ nỗi khổ của chúng con. Vậy làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích người Công Giáo da đen ở lại?

Đức Phanxicô : Tôi tin rằng điều quan trọng ở đây là sự phát triển mục vụ, dù là của các giám mục hay của giáo dân, một sự phát triển mục vụ trưởng thành. Vâng, chúng ta thấy sự phân biệt đối xử, và tôi hiểu rằng họ không muốn đi. Đôi khi ở các quốc gia khác, điều tương tự cũng xảy ra trong những tình huống như thế này. Nhưng điều này có một lịch sử rất cổ xưa, lâu đời hơn nhiều so với lịch sử của cô [ở Hoa Kỳ], và nó vẫn chưa được giải quyết. Các giám mục và các nhân viên mục vụ phải giúp giải quyết vấn đề này theo đường lối Tin Mừng.

Tôi muốn nói với những người Công Giáo người Mỹ gốc Phi rằng Đức Giáo Hoàng nhận thức được nỗi đau khổ của họ, rằng ngài rất yêu thương họ, và họ nên kháng cự và không bỏ đi. Phân biệt chủng tộc là một tội lỗi không thể dung thứ đối với Thiên Chúa. Giáo hội, các mục tử và giáo dân phải tiếp tục chiến đấu để xóa bỏ nó và vì một thế giới công bằng hơn.

Nhân cơ hội này, tôi muốn nói rằng tôi cũng rất yêu quý các dân tộc bản địa của Hoa Kỳ. Và tôi không quên những người gốc Mỹ Latinh, hiện có rất nhiều người ở đó.

Kerry Weber: Thưa Đức Thánh Cha, như Đức Thánh Cha biết, phụ nữ đã đóng góp và có thể đóng góp nhiều cho đời sống của Giáo hội. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nhiều phụ nữ tại Vatican, điều đó thật tuyệt. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cảm thấy đau đớn vì không được thụ phong linh mục. Đức Thánh Cha sẽ nói gì với một phụ nữ đã phục vụ trong đời sống của Giáo Hội, nhưng vẫn cảm thấy được kêu gọi làm linh mục?

Đức Phanxicô : Đó là một vấn đề thần học. Tôi nghĩ rằng chúng ta cắt cụt hữu thể của Giáo Hội nếu chúng ta chỉ xem xét chiều kích thừa tác vụ (ministerialidad) của đời sống giáo hội. Con đường của chúng ta không phải chỉ là thừa tác vụ [thụ phong]. Giáo Hội vốn là phụ nữ. Giáo Hội vốn là một người phối ngẫu. Chúng ta chưa khai triển một nền thần học về phụ nữ có thể phản ảnh điều này. Chúng ta có thể nói rằng chiều kích thừa tác vụ là chiều kích của Giáo hội Phêrô. Tôi đang sử dụng một phạm trù của các nhà thần học. Nguyên tắc Phêrô là nguyên tắc của thừa tác vụ. Nhưng có một nguyên tắc khác còn quan trọng hơn, mà chúng tôi không nói đến, đó là nguyên tắc Thánh Mẫu, đó là nguyên tắc nữ tính (femineidad) trong Giáo Hội, nguyên tắc phụ nữ trong Giáo Hội, nơi Giáo Hội thấy gương của chính mình bởi vì Giáo Hội là một người phụ nữ và một người phối ngẫu. Một giáo hội chỉ có nguyên tắc Phêrô sẽ là một giáo hội mà người ta sẽ nghĩ là bị giản lược vào chiều kích thừa tác vụ của nó, không có gì khác. Nhưng Giáo Hội không chỉ là một thừa tác vụ. Mà là toàn thể dân Chúa. Giáo Hội là phụ nữ. Giáo Hội là một người phối ngẫu. Vì vậy, phẩm giá của phụ nữ được phản ảnh theo cách này.

Có một cách thứ ba: cách hành chính. Cách thức thừa tác vụ, cách thức giáo hội, có thể nói, cách thức Maria, và cách thức hành chính, không phải là một điều thần học, nó là một điều gì đó của việc quản lý bình thường. Và, ở khía cạnh này, tôi tin chúng ta phải dành nhiều không gian hơn cho phụ nữ. Ở đây, ở Vatican này, những chỗ được chúng tôi đặt phụ nữ vào, đang hoạt động tốt hơn. Thí dụ, trong Hội đồng Kinh tế, nơi có sáu Hồng Y và sáu giáo dân. Hai năm trước, tôi đã bổ nhiệm năm phụ nữ trong số sáu giáo dân, và đó là một cuộc cách mạng. Phó thống đốc Vatican là một phụ nữ. Khi một người phụ nữ tham gia chính trị hoặc quản lý mọi thứ, nhìn chung họ sẽ làm tốt hơn. Nhiều nhà kinh tế là phụ nữ, và họ đang đổi mới nền kinh tế một cách xây dựng.

Vì vậy, có ba nguyên tắc, hai thần học và một hành chính. Nguyên tắc Phêrô, là chiều kích thừa tác vụ, nhưng Giáo hội không thể chỉ hoạt động với chiều kích ấy. Nguyên tắc Thánh Mẫu, đó là nguyên tắc của giáo hội phối ngẫu, giáo hội như người phối ngẫu, giáo hội như phụ nữ. Và nguyên tắc quản trị, không phải là thần học, mà đúng hơn là nguyên tắc quản trị, về những gì người ta làm.

Còn tại sao một người phụ nữ không thể tham gia thánh chức? Đó là bởi vì nguyên tắc Phêrô không có chỗ cho điều đó. Vâng, người ta phải tuân theo nguyên tắc Thánh Mẫu, điều này quan trọng hơn. Người phụ nữ tốt hơn, họ giống Giáo Hội hơn, vốn là mẹ và người phối ngẫu. Tôi tin rằng chúng ta đã quá thường xuyên thất bại trong việc dạy giáo lý khi giải thích những điều này. Chúng ta đã dựa quá nhiều vào nguyên tắc hành chính để giải thích, điều này về lâu dài không có tác dụng.

Đây là một lời giải thích ngắn gọn, nhưng tôi muốn làm nổi bật hai nguyên tắc thần học; nguyên tắc Phêrô và nguyên tắc Maria tạo nên Giáo Hội. Vì vậy, việc người phụ nữ không bước vào đời sống thánh chức không phải là một sự tước đoạt. Không. Vị trí của cô là điều gì quan trọng hơn và điều gì cần chúng ta khai triển, đó là giáo lý về phụ nữ theo nguyên tắc Thánh Mẫu.

Và về điều này, về đặc sủng của phụ nữ, cho phép tôi [chia sẻ] một kinh nghiệm bản thân. Để truyền chức linh mục, người ta yêu cầu thông tin từ những người biết ứng viên. Thông tin tốt nhất mà tôi đã nhận được, thông tin chính xác, là từ hiền đệ phụ tá [giám mục] của tôi, hoặc anh em giáo dân không phải là linh mục, hoặc từ phụ nữ. Họ có khứu giác (olfato), cảm thức giáo hội để thấy người đàn ông này có phù hợp với chức linh mục hay không.

Một giai thoại khác: một lần tôi hỏi thông tin về một ứng viên rất sáng giá để chịu chức linh mục. Tôi đã hỏi các giáo sư, các bạn đồng hành và cả những người trong giáo xứ nơi anh lui tới. Và [những người vừa kể] đã đưa cho tôi một bản báo cáo rất tiêu cực, do một người phụ nữ viết, nói rằng, “Anh ta là một mối nguy hiểm, chàng trai trẻ này sẽ không ra gì đâu”. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho bà ấy và nói: “Tại sao bà lại nói như vậy?” Và bà ấy nói: “con không biết tại sao, nhưng nếu nó là con trai con, con sẽ không để nó thụ phong; anh ấy thiếu một điều gì đó”. Vì vậy, tôi đã làm theo lời khuyên của bà ấy và nói với ứng viên: “Này con, năm nay con sẽ không được thụ phong. Hãy chờ thêm”. Ba tháng sau, người đàn ông này gặp khủng hoảng và bỏ đi. Người phụ nữ là một người mẹ và nhìn thấy mầu nhiệm của giáo hội rõ ràng hơn đàn ông chúng tôi. Vì lý do này, lời khuyên của một người phụ nữ là rất quan trọng, và quyết định của một người phụ nữ sẽ tốt hơn.

Matt Malone, S.J.: Ở Hoa Kỳ, có những người diễn giải những lời chỉ trích của Đức Thánh Cha đối với chủ nghĩa tư bản thị trường là những lời chỉ trích đối với Hoa Kỳ. Thậm chí có một số người nghĩ rằng Đức Thánh Cha có thể là người theo chủ nghĩa xã hội, hoặc họ gọi Đức Thánh Cha là người cộng sản, hoặc họ gọi Đức Thánh Cha là người theo chủ nghĩa Mác. Tất nhiên, Đức Thánh Cha luôn nói rằng Đức Thánh Cha theo Tin Mừng. Nhưng Đức Thánh Cha trả lời ra sao những người nói rằng những gì Giáo Hội và Đức Thánh Cha phải nói về kinh tế không quan trọng.

Đức Phanxicô :Tôi luôn tự hỏi mình, việc dán nhãn hiệu này đến từ đâu? Thí dụ, khi chúng tôi đang trên máy bay trở về từ Ái Nhĩ Lan, một lá thư từ một vị giám mục người Mỹ xuất hiện, nói đủ điều về tôi. Tôi cố gắng theo Tin Mừng. Tôi được soi sáng nhiều nhờ các Mối phúc, nhưng trên hết là nhờ tiêu chuẩn mà chúng ta sẽ được phán xét: Mátthêu 25. “Ta khát, các ngươi đã cho ta uống. Ta ở trong tù, và các ngươi đã đến thăm ta. Ta bị bệnh và các ngươi chăm sóc ta”. Vậy Chúa Giêsu có phải là người cộng sản không? Vấn đề đằng sau điều này, mà cha đã đề cập rất đúng, là việc giản lược sứ điệp Tin Mừng vào phương diện chính trị xã hội. Nếu tôi chỉ nhìn Tin Mừng theo phương diện xã hội, vâng, tôi là người cộng sản, và Chúa Giêsu cũng vậy. Đằng sau những Mối Phúc này và Mátthêu 25, có một thông điệp thuộc riêng Chúa Giêsu. Và đó là trở thành Kitô hữu. Những người cộng sản đã đánh cắp một số giá trị Kitô giáo của chúng ta. [Cười]. Một số người khác, họ đã tạo ra một thảm họa từ các giá trị này.

Gerard O’Connell: Nói về chủ nghĩa cộng sản, Đức Thánh Cha đã bị chỉ trích về Trung Quốc. Đức Thánh Cha đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục. Một số người, và bản thân Đức Thánh Cha, đã nói rằng kết quả không tuyệt vời, nhưng nó là một kết quả. Một số người trong Giáo Hội và trong giới chính trị nói rằng Đức Thánh Cha đang phải trả giá đắt cho việc giữ im lặng về nhân quyền [ở Trung Quốc].

Đức Phanxicô: Đó không phải là vấn đề lên tiếng hay im lặng. Đó không phải là thực tại. Thực tại là đối thoại hay không đối thoại. Và một cuộc đối thoại đến mức có thể.

Đối với tôi, hình mẫu vĩ đại nhất mà tôi tìm thấy trong thời kỳ hiện đại của Giáo hội là Đức Hồng Y Casaroli. Có một cuốn sách tên là The Martyrdom of Patience nói về công việc ngài đã làm ở Đông Âu. Các vị giáo hoàng – ý tôi là Đức Phaolô VI và Đức Gioan XXIII – trước hết đã cử ngài đến các quốc gia Trung Âu để cố gắng tái lập liên hệ trong thời kỳ cộng sản, trong Chiến tranh Lạnh. Và con người này đã đối thoại với các chính phủ một cách chậm rãi, và ngài đã làm những gì có thể và dần dần có thể thiết lập lại phẩm trật Công Giáo ở các quốc gia đó. Thí dụ - tôi nghĩ về một trường hợp - không phải lúc nào cũng có thể bổ nhiệm người giỏi nhất làm tổng giám mục ở thủ đô, mà thay vào đó là người khả thể theo nhận định của chính phủ.

Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung Quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Nó chậm chạp, nó có những thất bại của nó, nó có những thành công của nó, nhưng tôi không thể tìm ra cách nào khác. Và tôi muốn nhấn mạnh điều này: Người Trung Quốc là một dân tộc có trí tuệ tuyệt vời và xứng đáng được tôi tôn trọng và ngưỡng mộ. Tôi ngả mũ trước họ. Và vì lý do này, tôi cố gắng đối thoại, bởi vì không phải là chúng ta sẽ chinh phục mọi người. Không! Có những Kitô hữu ở đó. Họ phải được chăm sóc, để họ có thể trở thành những người Trung Quốc tốt và những Kitô hữu tốt.

Có một câu chuyện hay khác về cách thức Giáo Hội thực hiện việc tông đồ này. Đó là lần cuối cùng [lúc đó là Tổng Giám mục] Casaroli được diện kiến Đức Gioan XXIII. Ngài đã trình một bản báo cáo về các cuộc đàm phán đã diễn ra như thế nào ở các quốc gia này. Casaroli thường đến nhà tù dành cho các vị thành niên ở Casal del Marmo vào cuối tuần để thăm những người trẻ tuổi. Trong buổi yết kiến Đức Gioan XXIII, họ đã nói về vấn đề của quốc gia này, của quốc gia nọ. Thí dụ, những quyết định khó khăn đã được đưa ra để đưa [Hồng Y József] Mindszenty đến Rome; khi đó vị này đang ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Budapest. Đó là một vấn đề, một quyết định khó khăn, nhưng Casaroli đã chuẩn bị [việc chuyển giao]. Và khi ngài chuẩn bị ra về, Đức Gioan XXIII hỏi ngài: “thưa Đức Hồng Y, một vấn đề nhỏ: Cuối tuần Đức Hồng Y vẫn đến nhà tù dành cho trẻ vị thành niên này chứ?” [Khi Casaroli trả lời,] ‘có’, [Đức Giáo Hoàng nói], “Tôi gửi lời chào đến các em và đừng bỏ rơi các em!” Trong trái tim của hai vĩ nhân này, việc đến nhà tù và thăm những người trẻ tuổi ở đó cũng quan trọng như việc thiết lập liên hệ với Praha, Budapest hoặc với Vienna. Đây là những điều tuyệt vời. Điều này cho ta một bức tranh đầy đủ về họ.

Gerard O’Connell: Câu hỏi cuối cùng. Bây giờ Đức Thánh Cha đã là giáo hoàng được 10 năm.

Đức Phanxicô: Đúng! [Cười].

Gerard O’Connell: Nếu Đức Thánh Cha nhìn lại, liệu có ba điều Đức Thánh Cha sẽ làm khác đi hoặc khiến Đức Thánh Cha hối tiếc không?

Đức Phanxicô :Tất cả! Tất cả! [Nói bằng tiếng Anh, và cười sảng khoái.] Hoàn toàn cách khác! Tuy nhiên, tôi đã làm những gì Chúa Thánh Thần bảo tôi phải làm. Và khi tôi không làm điều đó, tôi đã phạm sai lầm.
 
Vietcatholic news

Đọc thư tình Kinh Thánh theo phương pháp nhập cảnh

 

Đọc thư tình Kinh Thánh theo phương pháp nhập cảnh

 
  •  
  •  


ĐỌC THƯ TÌNH KINH THÁNH THEO PHƯƠNG PHÁP NHẬP CẢNH

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Hungary, 20-11-2022

WHĐ (29.11.2022) – Có vài bạn hỏi tôi rằng: “Cha ơi, đọc Kinh thánh làm sao để lắng nghe được tiếng Chúa?” Đây là câu hỏi không chỉ thời nay chúng ta quan tâm, nhưng nhiều thế kỷ về trước, Giáo hội cũng muốn trả lời cho câu hỏi này. Một mặt Kinh Thánh là bản văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau; mặt khác Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa đang nói với bạn. Ngài nói đôi khi khó hiểu hoặc chúng ta chưa có phương pháp đọc. Về phần con người, Giáo hội, hay nói cụ thể hơn, thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên chỉ cho chúng ta một phương pháp đọc khá hay. Đó là phương pháp nhập cảnh (the composition of place).

Nhập là bạn đi vào, cảnh là từng cảnh huống hoặc tình cảnh câu truyện trong Kinh Thánh. Như thế, nhập cảnh đơn giản là bạn cũng là một trong các nhân vật trong câu chuyện Tin Mừng. Thú vị là Thiên Chúa không nói một mình, Ngài không nói với không trung. Từng lời Chúa là lời dành cho người nghe, người đọc. Theo Karl Rahner, thần học gia người Đức: “Sự đóng góp quan trọng nhất của I-nhã cho Hội thánh là ngài tin chắc rằng mọi Kitô hữu có thể trực tiếp cảm nhận Thiên Chúa một cách thuần tuý; và Thiên Chúa để dành hồng ân này cho mọi Kitô hữu. Nói một cách khác: Chúa muốn nói với tất cả chúng ta và mong chúng ta có thể hiểu Ngài.”[1] Cũng vậy, Chúa Giêsu giảng dạy cho con người thời nay bằng chính bản văn Kinh thánh. Đi từ điểm này, bạn được mời gọi đi vào trong chính bối cảnh của Tin Mừng. Phương pháp đọc này có những thuận lợi sau:

1. Cầu nguyện là gặp Thiên Chúa. Như thế khi bạn cầu nguyện với Kinh thánh, bạn cũng cần chú ý đến Thiên Chúa. Khi chú ý, nghĩa là bạn biết mình đang ở đâu, đang gặp ai và đang lắng nghe điều gì. Đó là tâm tình của người cầu nguyện. Trong tâm thế này, bạn dễ nâng tâm hồn lên với Chúa, dễ yêu mến, thờ lạy, ca tụng, cảm tạ và cầu xin Ngài bạn cho những ơn cần thiết.

2. Lý do nữa trong phương pháp này là giúp bạn bớt chia trí hoặc ít cảm thấy khô khan. Thực vậy, khi đưa mình vào từng bối cảnh tin mừng, có khi bạn bị thu hút bởi từng lời, từng bài học, hoặc từng nhân vật trong đó. Tạ ơn Chúa vì bản văn Kinh Thánh hầu hết cho bạn bối cảnh. Nghĩa là bạn sẽ biết Kinh thánh đang trong bối cảnh nào, Thiên Chúa đang nói với ai hoặc ít là câu chuyện đang nói về điều gì. Những tình tiết ấy thu hút bạn tựa như đang gặp một người bạn yêu mến.

3. Nhập cảnh giúp bạn đón nhận lời Chúa với tâm tình của người trong cuộc. Nghĩa là bạn trực tiếp gặp được Chúa, lắng nghe được từng lời của nhân vật đang đối thoại. Nhìn ngắm được từng chi tiết của đoạn tin mừng. Khi ấy thánh I-nhã đề nghị chúng ta cảm nhận để rút ra bài học cho mình.

Như thế, phương pháp này cũng đòi hỏi bạn phải đầu tư hệt như bạn đi gặp một người bạn. Với lòng háo hức mong chờ, bạn cũng chuẩn bị tâm thế làm sao để gặp Chúa Giêsu. Bạn cũng để ý đến đoạn Kinh thánh mình sắp cầu nguyện. Ngoài ra nơi chốn để đọc lá thư tình Kinh thánh cũng cần chuẩn bị. Nói chung thánh I-nhã nhận ra rằng, nếu người cầu nguyện càng quảng đại với Thiên Chúa, thì chính Thiên Chúa sẽ nói lớn tiếng và đến gặp người ấy (x. Linh thao số 5). Do đó, chúng ta cứ mạnh dạn tạo cho mình bầu không khí của gặp gỡ trong Kinh Thánh (Creating Space for an Encounter). Nếu bạn thắc mắc rằng có thể cầu nguyện với Kinh Thánh không, thì Giáo hội trả lời rằng: “Kinh Thánh là nguồn mạch cầu nguyện. Cầu nguyện từ Lời Chúa nghĩa là dùng những lời và những biến cố trong Kinh Thánh cho việc cầu nguyện của mình.” (Giáo lý 2652-2653). Những biến cố hoặc câu chuyện này là bối cảnh để bạn nhập, hòa mình vào để gặp Thiên Chúa.

Nếu bạn có dịp tĩnh tâm theo hình thức linh thao, thánh I-nhã cũng thường xuyên đề nghị bạn thử áp dụng phương pháp nhập cảnh này. Chẳng hạn bạn hãy tưởng tượng ra nơi chốn của câu chuyện Tin Mừng. Điều thú vị là theo giáo sư Nicolas Standaert SJ, hiện giảng dạy trong các đại học Công giáo, cho rằng: “Chính tình tiết của câu chuyện Kinh thánh sẽ dẫn con người vào trong bối cảnh.”[2] Bạn cũng thử quan sát, để ý và lắng nghe người nói, cuộc hội thoại. Nếu bạn cầu nguyện với đoạn Chúa Giáng Sinh, thánh I-nhã khuyên rằng: “Ðặt mình vào khung cảnh, xem nơi chốn; ở đây là lấy con mắt tưởng tượng mà nhìn xem con đường từ Nazarét đến Bêlem, coi chiều dài chiều rộng, xem con đường ấy đi trên đồng bằng hay qua thung lũng và đồi núi. Cũng nhìn xem chỗ hang đá Chúa sinh ra, xem chỗ ấy lớn, nhỏ, cao, thấp cỡ nào và được dọn dẹp thế nào.” (x. Linh thao số 112-115). Từ tâm thế của người trong cuộc này, bạn tiếp tục cầu nguyện và kết thúc cầu nguyện với những tâm tình bạn đang có.

Nếu áp dụng phương pháp này, chúng ta cần chú ý đến 3 điều sau đây:

1. Trí nhớ: Trí nhớ không chỉ là một trong ba tài năng của linh hồn[3], mà còn là trợ lực quan trọng giúp bạn cầu nguyện. Thậm chí thánh Augustinô còn cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong trí nhớ của ta[4]. Vì vậy, cầu nguyện đòi hỏi bạn sử dụng trí nhớ. Hãy nhớ lại những điều bạn vừa đọc, nhớ lại những câu chuyện trước đây. Chẳng hạn bạn đang nhập vào cảnh vốn liên quan đến tội lỗi, thánh I-nhã khuyên: “Dùng trí nhớ để nhớ lại tội đầu tiên, tội của các thiên thần, kế đó dùng trí khôn để suy xét tội ấy, rồi dùng đến ý muốn, muốn nhớ và hiểu tất cả điều ấy để được lòng hổ thẹn và ngượng ngùng hơn, khi đem so sánh tội độc nhất của các thiên thần với bấy nhiêu tội của tôi. Bởi đâu các thiên thần đã bị phạt sa hỏa ngục chỉ vì một tội, còn chính tôi, biết bao lần đã đáng bị phạt như thế vì bấy nhiêu tội tôi.” (Linh thao số 50).

2. Xem xét: Điều này đòi hỏi sự tập trung và bình tĩnh. Trong bối cảnh nghĩa là bạn có thể thấy: “Ðặt mình vào khung cảnh, xem nơi chốn: ở đây là xem con đường đi từ Betania lên Giêrusalem, nó rộng rãi hay chật hẹp, bằng phẳng v.v.; cũng xem xét nhà tiệc ly: nó to hay nhỏ, hình dáng thế nào.”  (Linh thao 192). Hoặc, “Ðặt khung cảnh, nhìn xem nơi chốn. Ở đây là xem xét sự xếp đặt của mồ thánh, và nơi nhà Ðức Bà; nhìn riêng từng phần một, phòng ngủ, nhà nguyện v.v.” (Linh thao 220). Khi xem xét như thế, sẽ cho bạn những cảm xúc hoặc tâm tình vốn giúp bạn nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói.

3. Cảm xúc. Cần nói ngay rằng cầu nguyện không phải đi tìm cảm xúc vui buồn sướng khổ. Cầu nguyện là gặp Thiên Chúa; và từ đó, những cảm xúc có thể đến với bạn. Khi chăm chú vào câu chuyện, vào nhân vật của Tin Mừng, có thể bạn đối diện với cảm xúc sầu khổ hoặc an ủi thiêng liêng[5]. Cả hai đều có những thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với bạn. Với những tâm tình cảm nhận đó, bạn kết thúc buổi cầu nguyện với một lời nguyện, hoặc đọc một kinh nguyện mà bạn yêu thích.

Để kết thúc, chúc bạn thử cầu nguyện với phương pháp này thật tốt đẹp. Cũng cần chú ý rằng trong Giáo hội có rất nhiều cách cầu nguyện. Chẳng hạn cầu nguyện với Kinh Thánh theo Lectio Divina, mà bài sau chúng ta sẽ bàn chi tiết. Ở đây bạn cứ mạnh dạn đến gặp Chúa trong Kinh Thánh, thử đọc thư tình của Ngài viết trong đó. Chính Thiên Chúa cũng đang chờ bạn, Ngài đến gõ cửa mà mong bạn mở cửa để gặp gỡ Ngài.

Đọc thêm:


01. 
Kinh Thánh là bức thư tình dành cho bạn



[2] Xem bài luận: Nicolas Standaert, The Composition Of Place, Creating Space for an Encounter (https://www.theway.org.uk/back/461Standaert.pdf)

[3] Theo thánh Augustinô, trí nhớ (memoria), trí hiểu (intelligentia) và ý chí (voluntás) là những khả năng ở trong con người thể hiện rõ nhất thần tính của mình. Lý do là với những điều này, với Chúa Ba Ngôi, Augustinô cho thấy rằng có một cái gì đó từ Chúa Ba Ngôi trong con người, vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. (Aurelius Augustinus: Bàn về Chúa Ba Ngôi). 

[4] Xem. Sách Tự Thuật, cuốn X, chương 6-26. 

[5] Xem. Linh thao 316-317.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-thu-tinh-kinh-thanh-theo-phuong-phap-nhap-canh-48860