Trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Ba Ngôi Thiên Chúa theo thánh Gioan

 

Ba Ngôi Thiên Chúa theo thánh Gioan

 
  •  
  •  


BA NGÔI THIÊN CHÚA THEO THÁNH GIOAN

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (30.05.2023) – Thánh Gioan được mệnh danh là chim đại bàng. Lý do là Tin mừng của ngài bay bổng với những tư tưởng thâm thúy, cao sâu và là nguồn thần học quan trọng cho mọi thời. Thử lấy một ví dụ ngay từ câu đầu tiên trong Tin mừng của ngài: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1,1). Trong câu này Gioan không chỉ muốn giới thiệu về Chúa Giêsu, như là khởi đầu cho cuốn Tin mừng, nhưng trên hết, ngài còn nối cả Cựu ước về chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử đi vào phân tích, “chẻ đôi câu chữ” để thấy tư tưởng cao sâu của một vị thánh “đại bàng” Gioan.

1. Chúa Ba Ngôi trong tạo dựng

Các nhà chú giải đều nhìn nhận câu đầu tiên này liên hệ chặt chẽ đến câu đầu tiên trong Kinh thánh Cựu ước. “Lúc khởi đầu (בְּרֵאשִׁ֖ית), Thiên Chúa (Ĕlōhīm) sáng tạo trời đất.” Cả hai câu này, đều không nói rằng Chúa Cha tạo dựng đất trời như chúng ta vẫn hay tuyên xưng: “Chúa Cha là Đấng sáng tạo”[1]. Ngược lại, cả thánh Gioan và tác giả Sáng Thế đều đề cập đến Thiên Chúa: θεόν (Ga 1,1) và אֱלֹהִים (St 1,1). Nếu hiểu theo niềm tin Do Thái Giáo và Kitô giáo, Thiên Chúa ở đây chỉ có một. “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.” (Đnl 6,4-5). Vấn nạn đặt ra cho thời đại chúng ta là một Thiên Chúa, nhưng Ngài có ba ngôi vị. Hoặc phải nói đúng hơn: “Thiên Chúa là ba ngôi vị chứ không phải Thiên Chúa có ba ngôi.” (Youcat 35). Ngôi vị nghĩa là khuôn mặt, hoặc sau này các giáo phụ hiểu như là “Hữu Thể-Being”. Theo ngôn ngữ Kitô giáo, Ngôi Vị (Persona) ở đây chỉ: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy ba Ngôi Vị, nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Chúng ta gọi là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. 

Phải nói rằng Cựu ước không chú trọng nhiều đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Có lẽ một lần hiếm hoi chúng ta thấy dấu ấn của Chúa Ba Ngôi là ở chương thứ nhất của sách Sáng Thế. Sau khi tạo dựng mọi thứ, Thiên Chúa bắt đầu sáng tạo con người. Đây là nguyên văn cuộc nói chuyện giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” (St 1,26). Thiên Chúa (אֱלֹהִים) chia động từ số nhiều (Let us make-נַֽעֲשֶׂ֥ה) để nói về việc tạo dựng con người. Số nhiều chúng ta hiểu ở đây là bao gồm Cha, Con và Thánh Thần.

Có những người cho rằng Thiên Chúa bàn bạc với triều đình thiên quốc. Lý do này không thuyết phục lắm, bởi họ không thể làm ra con người được. Ngược lại, chỉ có Ba Ngôi bàn bạc và suy nghĩ kỹ lưỡng để tạo dựng nên một loài thụ tạo lớn lao nhất trong công trình sáng tạo. Ba Ngôi được diễn tả chi tiết hơn trong cụ từ “Thần Khí” (St 1,1) và nhất là trong Tin mừng Gioan: Logos-Ngôi Lời (Chúa Con), và Thiên Chúa được hiểu như là Chúa Cha. Ngôi Hai đã tồn tại ngay từ đầu ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nói theo ngôn ngữ của Gioan, Thiên Chúa dùng Ngôi Lời để tạo dựng muôn loài. Ngôi Lời còn là sự sống, giống như Thần Khí. Hôm nay, Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta. Chính nhờ Ngôi Lời mà chúng ta hiểu hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha

Trong Cựu ước, dân chỉ cầu nguyện với Thiên Chúa Giavê (YHWH- יהוה). Dĩ nhiên là họ không được phép gọi Danh Xưng cực thánh này. Tuy nhiên, người Do Thái lại thấy Đức Giêsu cầu nguyện, và gọi Thiên Chúa là Cha: Abba. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tự nhận mình đến từ Chúa Cha, nghĩa là đến từ Thiên Chúa. Chỉ có Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu mới đến từ Thiên Chúa với sứ mạng giải thoát dân. Hiểu theo nghĩa này, thánh Gioan có lý khi dùng giới từ chỉ thời gian: “ἀρχῇ-lúc khởi đầu”. Không chỉ Đức Giêsu xuống thế làm người mới tồn tại, nhưng Ngài đã có ngay từ đầu và ở bên Chúa Cha. Thiên Chúa (cả Đức Giêsu) là đầu và là cuối (Ego sum Alpha et Omega, Principium et Finis, Primus et Ultimus). Trong thân phận con người, Đức Giêsu vẫn hướng về Nguồn Gốc của mình để cầu nguyện với Chúa Cha.

Ở đây có một thách đố rất lớn: Tại sao là một Thiên Chúa nhưng có ba Ngôi vị độc lập? Cha dĩ nhiên không phải là Con, và càng không phải là Thánh Thần. Ba Ngôi Vị ngang bằng và hòa quyện vào nhau. Chỉ có sự tách biệt này chúng ta mới hiểu được Đức Giêsu luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài hướng về trời cao để lắng nghe Cha, để chu toàn sứ mạng Cha trao.

Tiếng Việt dịch giới từ “the Word was with God”, “hướng về”. Thánh Gioan dùng giới từ “πρὸς-ở với, ở bên, hướng về, hiện diện cùng”. Giới từ này nói lên tương quan giữa hai Ngôi vị và do đó mang tính cách riêng biệt. Hoặc nói như nhà thần học John Chrysostom: “Ngôi Lời không phải ở trong Chúa mà ở với Chúa, với tư cách là ngôi vị với ngôi vị, một cách vĩnh viễn”[2]. Hiểu theo nghĩa này, Đức Giêsu “nhớ về Chúa Cha” và hướng về Cha để nguyện cầu.

Một ghi chú ở đây về vai trò của Chúa Thánh Thần: nối kết giữa Cha và Con. Theo ngôn ngữ của Tín Điều, Chúa Thánh Thần là tình yêu, vốn nối kết, thu hút Cha và Con. Nhờ Ngôi vị thứ Ba này và nhờ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể mà chúng ta “có thể đạt tới Chúa Cha và được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.” (Công đồng Vatican II, Dei Verbum). Trước đó thánh Augustinô đã đề cập đến điều này: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa ba ngôi, một ngôi yêu (Chúa Thánh Thần), một ngôi được yêu (Chúa Con) và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu (Chúa Cha)”. 

Chúng ta chuyển đến vế cuối: “Và Ngôi Lời là Thiên Chúa-καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος”. Khi chú giải câu này, nhà thần học người Anh, Henry Alford chỉ ra điều thú vị, khi cho rằng thánh Gioan dùng trật tự cú pháp rất chính xác: “Ngôi Lời là Thiên Chúa-the Word was God”, chứ không phải Thiên Chúa là Ngôi Lời! Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, gồm cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Còn Ngôi Lời là Chúa Con, và Chúa Con cũng là Thiên Chúa ngay từ đầu. Khi phân tích ngữ pháp này, chúng ta thấy được sự sắc sảo và tinh ý của thánh Gioan, nhằm giúp độc giả nhận biết sự thật về Thiên Chúa, về Ba Ngôi Vị.

Thực ra khi chú giải câu Ga 1,1, đã có những lạc giáo khi diễn tả căn tính của Ngôi Hai. Chẳng hạn Thuyết độc nhất thần vị (monarchianism) tin rằng chỉ có Một Chúa; vì vậy, Đức Giêsu không thể là Thiên Chúa được: “Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa mà chỉ là con Thiên Chúa”[3]. Hoặc theo lạc giáo cực đoan hơn, Arius (256 – 336): “Chỉ có một Thiên Chúa, Đấng không được sinh ra, nghĩa là Thiên Chúa là đầu và là cuối, là vĩnh hằng”. Arius vẫn công nhận “Đấng sinh Con Một từ trước muôn đời. Nhưng Người Con Một này không được gán cho những phẩm tính của Thiên Chúa mà bị hạ thấp xuống cấp độ thụ tạo”[4]. Sau này, chính Luther Matin cũng phủ nhận lạc giáo này của Arius, khi cho rằng: “Ngôi Lời là Thiên Chúa, chứ không chỉ đơn thuần là Ngôi Lời ở với Thiên Chúa.”

Như thế, Gioan đã dùng hai cụm từ: “ở với” và “là Thiên Chúa”, để bổ túc cho nhau, khi nói về Ngôi Lời. Từ đây, Ngôi Lời bắt đầu thực hiện sứ mạng của Chúa Cha. Ngài đã rao giảng, làm nhiều dấu lạ, và sau cùng là chịu chết và đã phục sinh.

3. Hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa

Lễ Chúa Ba Ngôi năm nay (A), Giáo hội chọn Tin mừng Gioan, đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô để nói về Thiên Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18). Trong đoạn này chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hoặc tư tưởng mà thánh Gioan đề cập ngay từ đầu.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thánh Gioan dùng động từ ở thì quá khứ, ἔδωκεν - trao ban, gửi đến. Thiên Chúa đã gửi chính Con Một của Ngài đến với con người. Chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa ở đây chính là Chúa Cha. Chúa Cha chúng ta không biết và cũng không thể vươn tới. Tuy nhiên, nhờ Chúa Con, chúng ta làm được điều này. Nói theo ngôn ngữ của thần học gia Tin Lành, James Montgomery Boice: “Mọi điều có thể nói về Chúa Cha đều có thể nói về Chúa Con. Trong Chúa Giêsu ngự trị tất cả sự khôn ngoan, vinh quang, quyền năng, tình yêu, thánh thiện, công bằng, tốt lành và chân lý của Chúa Cha. Nơi Ngài, chúng ta có thể biết Chúa Cha”.

Trong lần gặp Nicôđêmô, Đức Giêsu mời gọi ông và mỗi người chúng ta cần được tái sinh, nghĩa là cần Thần Khí, cần Chúa Thánh Thần. Chính Ngôi Thứ Ba này giúp chúng ta đến được với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Theo ngôn ngữ quen dùng, Chúa Thánh Thần thánh hóa mỗi người chúng ta. Hoặc theo ngôn từ Tin mừng thánh Gioan: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26). Ngài cũng là Thần Khí đã có ngay từ đầu, và cũng là Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến sự thật toàn vẹn. “Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).

Hẳn nhiên trong thời đại Thánh Thần, chúng ta ít để ý đến khía cạnh sáng tạo vốn liên hệ đến Chúa Cha. Tuy nhiên, nếu hiểu chúng ta là một dân mới, dân được gội rửa bởi Thần Khí, thì đó chẳng phải là công trình tạo dựng của Chúa Cha sao? Chính xác hơn, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Tuy công trình sáng tạo được coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia được của công trình sáng tạo” ( GLHTCG số 316).

Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn ta. Tạ ơn Chúa vì những thánh sử đã viết lại những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ đó, chúng ta hiểu hơn về Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn thánh sử Gioan cho thấy Nhờ Chúa Giêsu soi sáng, ta có thể thấy những dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong Cựu ước (chẳng hạn St 1,2; 18,2; 2Sm 23,2) và ngay cả trong vạn vật.

Tắt một lời. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoạt động cách liên lỉ. Mỗi khi ta để cho Thiên Chúa Ba Ngôi hành động trong ta, tình yêu ta lớn lên, ta cũng được thánh hóa và chữa lành.

Tạm kết

Chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi ngày, ít là khi làm dấu thánh giá. Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có nhiều thời gian hơn để chiêm ngắm các Ngài. Tuy còn nhiều tranh cãi và khó hiểu về mầu nhiệm này, nhưng với lòng khiêm tốn, ước gì mỗi người để Thiên Chúa Ba Ngôi ngự vào tâm hồn mình. Đừng quên: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống người Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, là cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin, và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin”[5].

Có Chúa Cha, chúng ta được tạo dựng và chăm sóc; có Chúa Con, chúng ta được cứu độ và sống lại; có Chúa Thánh Thần, chúng ta được thánh hóa và sống bình an. Hoặc nói như thánh Gioan: “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,13-15).

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.



[1] "Tất cả mọi người tuyên xưng đức tin của Hội Thánh đều là khai triển đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu luôn luôn là tuyên xưng Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất và duy trì cho nó sống. Rồi tiếp theo là Chúa Con, Đấng đã đem sự giải thoát cho thế giới và cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng là Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới.” (Youcat 27).

[3] X. Phan Tấn Thành, Về nguồn – tập 3, Chân lý, 1999, tr. 234.

[4] Jean Galot, Who is Christ ?, Gregorian University Press, 1980, tr. 227.

[5] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 234


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ba-ngoi-thien-chua-theo-thanh-gioan-50950

Người ngoại đạo chết, linh hồn sẽ đi đâu?

 

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 86 - Người ngoại đạo chết, linh hồn sẽ đi đâu?

 
  •  
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 86: NGƯỜI NGOẠI ĐẠO CHẾT, LINH HỒN SẼ ĐI ĐÂU?

Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết SJ

Hỏi: Là con cái Thiên Chúa, sau khi chết chúng ta hy vọng được trở về bên lòng Chúa xót thương. Thiên Đàng là nơi chúng ta hướng về. Tuy nhiên, con không biết những người chưa được rửa tội, những người không theo đạo Công giáo, vậy sau khi chết, linh hồn họ sẽ ra sao? Con cảm ơn!

Trả lời: Bạn thân mến,

Cám ơn bạn vì đã hỏi câu hỏi này. Đó cũng là điều mà rất nhiều người thường đặt ra. Ngay cả đặt ra cho thầy trong thời gian mục vụ và gặp gỡ. Xin chia sẻ với bạn về hai hướng chính. Thứ nhất là những điều mà Hội Thánh từng trải và suy tư. Thứ hai là những câu chuyện thực tế cụ thể. Vì là việc trả lời một cách ngắn gọn, nên thầy sẽ không nói quá chi tiết và chuyên môn. Nếu muốn, bạn có thể đọc tham khảo chuyên sâu về các tài liệu sách vở.

Những điều mà Hội Thánh đã suy tư

Thời Hội Thánh sơ khai, tức là thời các môn đệ các tông đồ của Chúa, lúc ấy mọi người quy tụ nhau trong những cộng đoàn nhỏ. Lúc đầu, tất cả đều là người Do Thái. Và đương nhiên, khi ấy “người ngoại đạo”, tức là người ở ngoài đạo của mình, ngoài tôn giáo của mình (ở đây là Do Thái giáo), có nghĩa là những người không theo Đạo Do Thái. Hồi đó, người Do Thái nhìn người Hy Lạp, nhìn người Roma là dân ngoại. Rồi các cộng đoàn môn đệ theo Chúa Giêsu dần dần độc lập hơn, và tách khỏi cộng đồng Do Thái giáo. Và lần đầu tại một cộng đoàn có tên là Antiokhia, gần Đất Thánh, các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Trong bối cảnh này, nếu gọi là “người ngoại đạo”, thì có nghĩa là chúng ta (là các các Kitô hữu) đang nói về những người chưa phải là Kitô hữu.

Cũng thời đó, nếu đọc các sách Tin Mừng, thì bạn cũng biết về cuộc đời Chúa Giêsu, và Chúa “rất không muốn phân biệt” chuyện người “trong đạo” hay “ngoài đạo”. Vì Chúa đã chữa lành cho nhiều người không phải là người Do Thái. Ngay cả việc, Chúa không ngần ngại lấy người ngoại đạo (là minh chứng cho tình thương của Thiên Chúa) làm gương mẫu cho các tông đồ và mọi người noi theo. Đó là câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu. Hơn nữa, có lần các môn đệ thấy người ta nhân danh Thầy mình để chữa bệnh, để trừ quỷ, thì các môn đệ “tức tối” và “mách lẻo” với Chúa và còn kể là các ông ra sức ngăn cản. Nhưng Chúa đã nói, đừng ngăn cản người ta.

Cũng thời ấy, trong dân Do Thái, có nhiều nhóm khác nhau, có nhóm gọi là Pharisêu, tin vào sự sống đời sau, tin vào sự sống lại. Nhưng nhóm Xađốc tại không tin như thế. Còn với người Hy Lạp, thì họ có đặt câu hỏi về sự bất tử của linh hồn một cách rất nghiêm túc trong triết học, hoặc diễn tả niềm tin ấy rất mạnh mẽ trong các câu chuyện.

Thời đó, cũng là thời của Đế quốc La Mã, và các hoàng đế tự xưng mình là thần linh. Điều này cũng tựa như các hoàng đế Trung Hoa tự xưng mình là thiên tử (tức là con của Trời, thay Trời thực thi việc cai trị, thực thi công lý). Và có những hoàng đế đã tàn ác đến độ bắt dân phải thờ mình như thờ một vị thần. Trong bối cảnh ấy, các Kitô hữu không chịu khuất phục quyền bính ác độc của hoàng đế, nên bị bách hại. Không chỉ các Kitô hữu bị bách hại mà thôi, mà cả những nhóm khác cũng bị bách hại nữa.

Hơn 300 năm như thế, đến thời Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc La Mã. Có nhiều chuyện vui mà cũng không thiếu chuyện buồn. Nếu bạn muốn tìm hiểu lịch sử, thì cứ bỏ giờ để tìm hiểu thêm. Trong bối cảnh ấy, “người ngoại” lại được nhìn theo những hướng khác. Vì có câu “ngoài Hội Thánh, không có ơn cứu độ”. Hiểu theo “nghĩa đen và thiển cận”, thì có nghĩa là: tất cả những ai ngoại đạo, đều chết sa hỏa ngục.

Cũng vì lý do này, vào thế kỷ 17, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên, đến truyền giáo tại Đất Việt, thấy người dân mộ đạo, tốt lành, lại rất thích hỏi về câu hỏi: “Ông bà tổ tiên của con ngày xưa, rất tốt lành, mà chưa biết Đạo Chúa; vậy thì bây giờ linh hồn các ngài đang ở đâu?”. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đã “né”, “tránh” trả lời trực tiếp, vì thực tình không biết phải giải thích làm sao nữa. Vì nếu theo lý mà nói, thì không thật tâm. Vì nếu theo tâm mà nói, thì cái lý không có rõ, không biết phải nói sao cho phải. Nên các ngài “phó mặc cho Chúa” trong thinh lặng và chần chừ. Thế mà lại hay! Vì thực sự, thì chỉ có Chúa mới biết được.

Phải đợi cho đến Công Đồng Vatican II (năm 1962), với những tài liệu chính thức của Hội Thánh, mới quan tâm đặc biệt về điều này. Hội Thánh lúc đó xác nhận rằng, hạt giống Lời Chúa được gieo vãi ngay cả một cách âm thầm và ẩn giấu, trong lòng người và giữa các nền văn hóa (ngoài Kitô giáo). Rằng, những người ăn ngay ở lành với lương tâm ngay thẳng, ngay cả không có cơ hội biết Chúa, và chưa biết Chúa, thì vẫn được ở trong tình thương yêu quan phòng của Ngài. Về bí tích Rửa Tội, cũng có cách hiểu mở rộng hơn, sâu xa hơn. Đó là bí tích được đón nhận một cách cụ thể qua việc cử hành trong Hội Thánh. Đó là bí tích được đón nhận bằng phúc tử đạo. Đó là bí tích được đón nhận bằng lòng khao khát. Và cũng có một lời khác, còn mạnh mẽ hơn nữa, khi nói về tình thương yêu quan phòng của Chúa: Thiên Chúa hoạt động ban ơn qua các bí tích, nhưng không bị giới hạn trong các bí tích.

Những câu chuyện thực tế cụ thể

Lần kia, khi các thầy đi thăm bệnh nhân trong bệnh viện. Dù không phải thân thích gì, nhưng tự nhiên có người đến thăm, mọi người đều rất vui. Các thầy đều làm như thế các cuối tuần. Nếu gặp người có đạo và đang trong tình trạng sẵn sàng, thì có thể được rước Mình Thánh Chúa. Nếu ai muốn xưng tội, sẽ được các thầy mời Cha tới trong ngày gần nhất có thể. Nếu ai không có đạo, thì các thầy thăm hỏi động viên. Giúp được gì thì giúp, không giúp được thì thôi. Thế rồi, có một cụ bà, xúc động quá, cụ thốt lên: “Con cám ơn các thầy nhiều lắm, các thầy tốt quá. Các thầy ơi, sau này các thầy làm cha thì cứ tiếp tục như thế nhá, chúng con được phúc lắm!” Chưa hết, khi nhìn các thầy nói chuyện thăm hỏi hết mọi người, không phân biệt lương giáo, cụ còn nói một điều làm chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên và vui mừng. Cụ nói: “Hóa ra Chúa thương hết tất cả mọi người à, chứ đâu riêng gì người có đạo như con”. Lần ấy, trên đường về lại nhà Dòng, tôi cứ xúc động mãi về lời nói và ánh mắt của cụ.

Tại một làng quê kia, trong một gia đình ngoại đạo, người bố khi tuổi cao bệnh nặng, đã tỏ ý muốn chịu Phép Rửa. Thực ra, ông đã có những ấn tượng rất tốt về Đạo Chúa, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người theo Đạo. Thế rồi, không hiểu sao, trong những ngày tháng nằm bệnh, ông suy nghĩ nhiều và quyết định chịu Phép Rửa. Gia đình ông cũng không có chi ngăn cản. Thế là có Cha đến để giúp ông dọn mình chịu bí tích. Và một thời gian ngắn sau, ông ra đi trong bình an và hạnh phúc. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Một thời gian nữa, ngắn thôi, sau khi ông qua đời, bà bắt đầu có những bối rối lương tâm.

Bà và các con hỏi rằng: “Cả gia đình dòng tộc tôi, chẳng có ai theo Đạo cả. Chúng tôi tin rằng, một người tốt lành, khi chết, sẽ đi vào thế giới bên kia trong hạnh phúc cùng tổ tiên ông bà”. Chúng tôi cũng biết rằng: “Ông nhà tôi, bố của chúng tôi bây giờ cũng hạnh phúc trong Nước Chúa”. Nếu như thế: “Thực sự bây giờ, ông ấy ở bên nào, bên Chúa hay bên ông bà tổ tiên, hay là các bên lại “giành giật” ông ấy, như thế có tội nghiệp cho ông ấy hay không…”

Câu chuyện ấy đến tai tôi, và tôi đã nhờ người nói lại với gia đình rằng: Mọi người đừng lo, đừng suy nghĩ chi nhiều. Ông đã sống rất tuyệt vời, và ra đi rất bình an hạnh phúc. Ông cũng đang hưởng hạnh phúc trong Chúa, cùng với tổ tiên. Một cách cụ thể như nào, thì Chúa là Đấng thông suốt vô cùng, đầy tình thương vô cùng, Ngài biết là cần làm gì tốt nhất cho ông. Phần chúng ta, không có chi phải lo cả. Cứ cầu nguyện cho ông, rồi khi ông được hưởng phúc lành, ông lại cầu nguyện cho mọi người. Thực sự, đó là mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (22.5.2023)

- Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

 

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 87 - Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

 
  •  
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 87: SỰ SỐNG THAI NHI – HỒNG ÂN BỊ LOẠI BỎ

Phêrô Dương Văn Hải, S.D.B

Hỏi: Nhiều nước đã cho phép phá thai, vì đó là quyền của con người. Vậy tại sao con thấy Giáo hội Công giáo luôn ngăn cấm việc phá thai?

Trả lời:

Trong thời đại chúng ta hôm nay, nhiều người vẫn luôn đòi hỏi cho mình có được những quyền chọn lựa căn bản cho cuộc sống. Đó là một đòi hỏi chính đáng của đời sống nhân loại. Thế nhưng, không phải điều nào mình thấy có lợi cho bản thân, thì quyền đòi hỏi đó phải được đáp ứng. Những quyền chọn lựa căn bản của đời sống con người phải đặt nền tảng trên chân lý và sự thiện, cũng như phải gắn kết vào mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và với cả tha nhân.

Một trong những đòi hỏi của nhiều người, đặc biệt là nhiều bạn trẻ ngày nay, đó là có quyền được phá thai. Một số nước đã cho phép phá thai, vì thế, nhiều bạn trẻ cũng đòi hỏi Giáo Hội chấp nhận điều này. Thế nhưng, chúng ta cần phải xét xem sự cho phép đó có phải đang đặt nền trên một chọn lựa sự thiện, cũng như nó có chiếm lấy quyền của Thiên Chúa hay không. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu điều này để có thể thấu hiểu một cách rõ ràng hơn về giá trị của sự sống con người.

Hồng ân sự sống

Sự sống là một hồng ân, bởi do chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên. Vì thế, con người được đón nhận sự sống từ tình yêu thương của Thiên Chúa, để rồi đi vào mối tương quan trong tình yêu và hạnh phúc với Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta thấy: “Con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27; 2,7), nghĩa là con người được Thiên Chúa tạo dựng để được chia sẻ sự sống với Ngài. Sự sống con người thuộc về Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng quyết định trên sự sống (x. Đnl 32, 39).

Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người, “thổi sinh khí” (St 2,7) cho con người có được sự sống. Từ đây, sự sống con người mặc lấy thần tính của Thiên Chúa, một sự thông ban để con người được hiệp thông vào sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sự sống chính là một quà tặng vô giá, là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban cho con người, nên: “Sự sống con người phải được coi là điều linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình” (GLHTCG, 2258).

Con người không thể muốn có sự sống là có, và sự sống không phải là sản phẩm do con người tạo ra, như một kiểu chế tạo theo ý riêng của mình. Sự sống là thánh thiêng, là quyền tuyệt đối không bị lệ thuộc vào bất kỳ một quyền nào khác. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên sự sống, và cũng là nguồn sống cho con người. Mỗi sự sống đều có giá trị cao quý trong ý định của Thiên Chúa. Quyền sống của con người được xây dựng trên chính sự sống Thiên Chúa: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139,13-15).

Sự sống của con người được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương và bảo vệ, dù đó là những con người nhỏ bé và yếu đuối nhất, như chính lời Chúa Giêsu đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10, 14). Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi người, tôn trọng và yêu thương họ. Đặc biệt, Ngài đề cao sự hiện diện của trẻ nhỏ trong thế giới nhân loại, và ví các em như các thiên thần trên trời đang được chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha (x. Mt 18,10). 

Quyền được sống của các thai nhi

Như chúng ta thấy, sự sống là một hồng ân cao quý mà con người được đón nhận từ Thiên Chúa. Con người không có quyền quyết định trên sự sống của mình hay của người khác: “Quyền được sống là quyết bất khả nhượng của mỗi người vô tội… Quyền này không tùy thuộc vào các cá nhân, không tùy thuộc vào các cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng do xã hội và nhà nước làm ra, nhưng những quyền này thuộc về bản tính con người và gắn liền với nhân vị do chính hành động tạo dựng, là nguồn gốc của con người” (GLHTCG, 2273). Do đó, dù là một sinh linh bé nhỏ, thì các thai nhi vẫn có quyền được sống, vì quyền sống đó phát xuất từ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống này mà thôi: “Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (GLHTCG, 2258).

Hơn nữa, vì các thai nhi là những sinh linh nhỏ bé và yếu đuối, nên rất cần đến sự yêu thương và bảo vệ từ những người thân yêu: “Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó” (GLHTCG, 2274). Không ai, dù là những người thân yêu nhất của thai nhi, có quyền phán quyết trên sự sống của chính thai nhi: “Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã giao phó cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn nhiệm vụ đó cách xứng đáng với con người. Vì vậy, sự sống ngay từ lúc tượng thai, phải được bảo vệ hết sức cẩn thận: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51). Khi thực hiện hành vi phá thai, con người đang tước đoạt quyền làm chủ sự sống của Thiên Chúa, cũng như quyền sống bất khả xâm phạm của mỗi người.

Việc phá thai luôn là một tội ác luân lý. Trên con đường bảo vệ sự sống, hẳn nhiên Giáo hội mời gọi mỗi người bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG, 2271). Chính vì lẽ đó, Giáo Hội luôn bảo vệ sự sống của tất cả mọi người, đặc biệt là với các thai nhi, những sinh linh nhỏ bé nhất, cần được yêu thương và che chở hơn hết.

Do đó, Giáo Hội luôn ngăn cấm việc phá thai dưới bất kỳ hình thức nào, và những ai “Cộng tác chính thức vào việc phá thai là một trọng tội” (GLHTCG, 2272). Cũng như Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống của con người: “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Giáo luật, 1398).

Mong rằng trong đời sống nhân loại, con người luôn ý thức về hồng ân sự sống của chính mình và của người khác. Từ đó, luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cũng như biết yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ sự sống cho nhau, đặc biệt là đối với các thai nhi. Qua đó, sự sống của các thai nhi sẽ mãi là quà tặng tình thương mà Thiên Chúa dành cho con người.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (29.5.2023)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-bai-87-su-song-thai-nhi-hong-an-bi-loai-bo-50942