Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 Chiều kích vũ trụ của sự phục sinh

 

Ronald Rolheiser, 2021-03-29



Một nhà phê bình từng hỏi linh mục thần học gia Pierre Teilhard de Chardin như thế này: “Cha đang cố làm gì thế? Sao cha lại nói về nguyên tử và phân tử lúc nói về Chúa Giêsu Kitô?” Câu trả lời của ngài: Tôi đang cố diễn đạt một cách có hệ thống một Kitô học đủ rộng để có thể nói đến Đức Kitô, bởi Đức Kitô không chỉ là một sự kiện của nhân loại mà là một hiện tượng toàn vũ trụ.

Về căn bản, ý của cha là Đức Kitô không chỉ đến để cứu rỗi nhân loại, Ngài đến để cứu rỗi cả địa cầu nữa.

Thấu suốt này thật sự cần thiết để hiểu trọn những hàm ý trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Thân xác là một hữu thể vật chất, nên khi thân xác (chứ không chỉ linh hồn) sống lại, thì có gì đó cao hơn thuần tâm linh và tâm lý. Có một điều gì đó cực kỳ vật chất trong chuyện này. Khi xác chết sống lại, các phân tử và nguyên tử được sắp đặt lại. Sự phục sinh không chỉ là sự thay đổi gì đó bên trong ý thức của con người.

Sự phục sinh là căn cứ cho niềm hy vọng của con người, không có nó, chúng ta không thể hy vọng vào một tương lai có gì đó vượt ngoài những giới hạn ngột ngạt của đời này. Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được trao ban một tương lai mới, vượt quá cuộc đời này của chúng ta. Tuy nhiên, sự phục sinh cũng đem lại một tương lai mới cho trái đất, cho hành tinh vật chất của chúng ta. Đức Kitô đến để cứu rỗi địa cầu, chứ không chỉ những người sống trên địa cầu. Sự phục sinh của Ngài bảo đảm một tương lai mới cho địa cầu cũng như những loài cư ngụ trên đó.

Cũng như chúng ta, địa cầu này cần được cứu rỗi. Cứu rỗi khỏi cái gì? Để hướng đến điều gì?

Theo nhận thức Kitô giáo đúng đắn, địa cầu không chỉ là sân khấu cho nhân loại, không chỉ là một thứ nếu không có chúng ta, nếu chỉ có nó, thì vô giá trị. Như nhân loại, nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, là con của Thiên Chúa. Thật vậy, trái đất vật chất là mẹ của chúng ta, là ma trận nảy sinh chúng ta. Xét tận cùng, chúng ta không tách biệt với thế giới tự nhiên, nói đúng hơn, chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên tự ý thức. Chúng ta không tách biệt với địa cầu và nó không chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta, không chỉ là sân khấu cho diễn viên con người rồi bị bỏ không khi vở kịch đã hết. Thụ tạo vật chất có giá trị của nó, không phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta cần phải công nhận điều này, và không phải chỉ để sống có đạo đức với thiên nhiên hơn hầu cho địa cầu có thể tiếp tục cung cấp không khí, nước và thức ăn cho các thế hệ con người mai sau. Chúng ta cần công nhận giá trị cố hữu của địa cầu. Nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, nó là mẹ của chúng ta, và số mệnh của nó là chia sẻ sự vĩnh hằng cùng chúng ta.

Hơn nữa, như chúng ta, nó cũng là thứ sẽ bị mục rữa. Nó cũng có giới hạn thời gian, cũng khả tử. Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, nó cũng không có tương lai. Khoa học từ lâu đã dạy chúng ta về định luật biến thiên. Nói đơn giản, định luật đó nói rằng năng lượng trong vũ trụ đang giảm dần, mặt trời đang ngày càng cạn lửa. Tuổi đời còn lại của trái đất, cũng như tuổi đời của chúng ta là đếm được, là hữu hạn. Có thể là cả tỷ tỷ năm, nhưng đếm được là hữu hạn. Chúng ta biết rằng, cũng như cuộc đời chúng ta rồi sẽ đến lúc kết thúc, thì địa cầu cũng có hồi kết. Nếu không có sự tái tạo từ bên ngoài, thì cả trái đất lẫn con người sống trên nó đều không có tương lai.

Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gửi tín hữu Rôma, rằng thụ tạo, vũ trụ vật chất, là thứ phù du, và nó đang rên rỉ khát khao được giải phóng để tận hưởng sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô cam đoan với chúng ta rằng địa cầu sẽ hưởng cùng một tương lai như nhân loại, là sự phục sinh, sự biến đổi vượt quá hình dung hiện thời của chúng ta, một tương lai vô tận.

Địa cầu sẽ được biến đổi cách nào? Nó sẽ biến đổi theo cùng một cách như chúng ta, qua sự phục sinh. Sự phục sinh đem lại cho thế giới tâm linh và vật chất của chúng ta một sức mạnh mới, một sắp đặt mới cho vạn vật, một hy vọng mới, một thứ quá căn nguyên (và vật chất) đến nỗi chỉ có thể so sánh với sự tạo dựng ban đầu, khi các nguyên tử và phân tử của vũ trụ này được Thiên Chúa tạo ra từ hư không. Trong sự tạo dựng khởi nguyên đó, tự nhiên được hình thành, và hiện thực cũng như những quy luật của nó hình thành mọi sự cho đến khi Chúa Giêsu phục sinh.

Tuy nhiên, trong sự phục sinh, có một chuyện mới xảy ra chạm đến mọi khía cạnh của vũ trụ, từ linh hồn và tâm thần trong mọi con người cho đến mọi lõi của mọi nguyên tử và phân tử. Không phải tình cờ khi thế giới xác định thời gian theo mốc đó. Chúng ta đang ở năm 2021 sau sự tái tạo tận căn đó.

Sự phục sinh không chỉ mang tính tâm linh. Trong sự phục sinh, các nguyên tử vật chất của vũ trụ được sắp đặt lại. Cha Teilhard đã đúng. Chúng ta cần một tầm nhìn đủ rộng để thấy được chiều kích vũ trụ của Đức Kitô. Sự phục sinh là cho con người và cho cả địa cầu.

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2021/03/31/chieu-kich-vu-tru-cua-su-phuc-sinh/

Phục Sinh mặc khải Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc, chứ không phải Người Giải Cứu

 Phục Sinh mặc khải Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc, chứ không phải Người Giải Cứu

Ronald Rolheiser, 2013-03-24

Trước khi nghiêm túc suy nghĩ về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình kỳ vọng đến đâu!

Câu nói trên của Daniel Berrigan đã đúng đắn cảnh báo chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giêsu và sự phục sinh sẽ chẳng cứu chúng ta khỏi những nhục nhã, đau đớn và cái chết trong đời này. Đức tin không phải là phương tiện để làm vậy. Chúa Giêsu không cho bằng hữu mình có ngoại lệ, cũng như Chúa Cha cũng không cho Chúa Giêsu có ngoại lệ. Dù điều này thể hiện rõ ràng nhất trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nó cũng xuyên suốt cả Tin Mừng. Để hiểu được, chúng ta nên so sánh sự phục sinh của Chúa Giêsu với điều mà chính Ngài đã làm khi đưa Ladarô từ cõi chết sống lại.

Câu chuyện về Ladarô đặt ra rất nhiều chất vấn.  Thánh Gioan Tông đồ thuật lại như sau: Câu chuyện giới thiệu gia đình Ladarô, hai chị em Mácta và Maria rất thân thiết với Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta dễ thấy sốc khi Chúa Giêsu gần như lơ là trước bệnh tật của Ladarô và lời mời Ngài đến chữa bệnh cho ông. Câu chuyện như thế này:

Chị em của Ladarô, Mácta và Maria nhắn Chúa Giêsu rằng “người Ngài thương đang lâm bệnh”, ngụ ý xin Chúa đến  chữa lành cho ông. Nhưng Chúa Giêsu hành động thật kỳ lạ. Ngài không vội lên đường, thay vào đó, Chúa vẫn ở lại chỗ cũ thêm hai ngày nữa, trong khi Ladarô đang chết dần. Sau khi ông đã chết, Ngài mới dự định đến thăm ông. Khi đến làng nơi Ladarô ở, Ngài gặp Mácta rồi Maria. Cả hai chị em đều lần lượt hỏi Ngài: “Tại sao lại vậy?”  Nếu Ngài yêu thương người này, sao Ngài không đến để cứu anh ấy khỏi chết? Thật sự, câu hỏi của Maria còn ngụ ý nhiều hơn nữa: “Tại sao lại vậy” Tại sao Thiên Chúa dường như luôn luôn vắng mặt khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn? Tại sao Thiên Chúa không giải cứu những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn và cái chết?

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không biện giải một lý thuyết nào. Thay vào đó Ngài hỏi xác Ladarô ở đâu, họ đưa Ngài đến, và ở đó, bên phần mộ, Chúa khóc thương và rồi cho người bạn đã chết của mình được sống lại.  Vậy tại sao lúc đầu Ngài lại để cho ông chết đi? Câu chuyện này đưa ra một chất vấn: Tại sao lại vậy? Tại sao Chúa Giêsu không vội vàng đến cứu Ladarô dù Ngài rất thương ông?

Lời đáp cho câu hỏi này dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, và đức tin, cụ thể rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa giải cứu chúng ta, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta. Thiên Chúa không thường can thiệp để cứu chúng ta khỏi những sỉ nhục, đau đớn, cái chết, nhưng đúng hơn, Ngài chuộc lại những sỉ nhục, đau đớn và cái chết đó về sau.

Nói đơn giản, Chúa Giêsu đã hành động với Ladarô chính xác theo cách mà Thiên Chúa, Cha Ngài hành động với Ngài. Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu sâu đậm và mật thiết, nhưng Chúa Cha không giải cứu Ngài khỏi sỉ nhục, đau đớn và cái chết. Trong giờ cùng cực nhất, khi chịu sỉ nhục, thống khổ, và chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu bị đám đông chế nhạo: “Nếu Thiên Chúa là cha ngươi, hãy để Ngài cứu ngươi đi!” Nhưng chẳng ai đến giải cứu Ngài cả. Thay vào đó, Chúa Giêsu đã chết trong sỉ nhục và đau đớn. Thiên Chúa Cha chỉ cho Ngài sống dậy sau khi đã nhận lấy cái chết.

Đây là một trong những mặc khải mấu chốt của biến cố phục sinh: Chúng ta được Thiên Chúa cứu chuộc, chứ không phải giải cứu.

Thật vậy, câu chuyện cho ông Ladarô sống lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, ngụ ý trả lời cho câu hỏi nhức nhối của thế hệ Kitô hữu đầu tiên: Họ biết Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, họ đã thân thiết gần gũi với Ngài, đã tận mắt thấy Ngài chữa lành cho dân chúng và còn cho cả kẻ chết sống lại, vậy tại sao Ngài để cho họ phải chết? Tại sao Chúa Giêsu không giải cứu họ?

Phải mất một thời gian, các Kitô hữu tiên khởi mới hiểu được rằng Chúa Giêsu không dành ngoại lệ cho bằng hữu của mình, cũng như Chúa Cha đã không cho Ngài ngoại lệ nào. Vậy, cũng như chúng ta, họ đấu tranh với sự thật rằng có thể một người có đức tin sâu sắc chân thật, và được Thiên Chúa yêu thương, vẫn phải chịu đựng sỉ nhục, đau đớn và cái chết như mọi người khác. Thiên Chúa không cất đau khổ và cái chết khỏi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng không cất những đau khổ này cho chúng ta.

Đó chính là một trong những mặc khải chính yếu của phục sinh và là một trong những điều mà chúng ta thường hiểu lầm nhiều nhất. Chúng ta luôn mãi xác định trong đức tin, và cứ rao giảng về một Thiên Chúa giải cứu, một Thiên Chúa hứa sẽ ban ngoại lệ đặc biệt cho những ai có đức tin chân thật: Tin thật vào Chúa Giêsu, rồi bạn sẽ không còn phải chịu những sỉ nhục và đau khổ đời này nữa. Tin thật vào Chúa Giêsu, mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn! Tin vào sự phục sinh, và cuộc đời của bạn sẽ đầy ánh rực rỡ cầu vồng!

Là thế ư! Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ hứa giải cứu chúng ta, cho chúng ta ta được ngoại lệ, được miễn nhiễm với ung thư, hay không phải chết. Đúng ra, Ngài hứa rằng, đến cuối cùng, từ đau khổ sẽ xuất hiện sự cứu chuộc, bào chữa, miễn xá, và rồi sẽ là sự sống bất diệt. Nhưng đó là đến cuối cùng, còn bây giờ, trong những chương đầu và giữa của đời mình, chúng ta vẫn phải có những sỉ nhục, đau đớn, và cái chết hệt như những gì mà mọi người khác chịu.

Cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mặc khải một Thiên Chúa cứu chuộc chứ không phải một Thiên Chúa giải cứu.

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2018/01/26/phuc-sinh-mac-khai-thien-chua-la-dang-cuu-chuoc-chu-khong-phai-nguoi-giai-cuu/

Sự Thương Khó của Chúa Kitô là thụ động

 Sự Thương Khó của Chúa Kitô là thụ động

Ronald Rolheiser,  2024-03-24



Chúng ta gọi các đoạn Phúc âm kể lại cuộc đời Chúa Giêsu tính từ bữa Tiệc ly cho đến khi Ngài chết và được mai táng là “Sự thương Khó”. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người đọc sách mở đầu bài Phúc âm: “Cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan”.

Tại sao chúng ta gọi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trước khi chết là thương khó?

Thường thì chúng ta không hiểu đúng chuyện này. Chúng ta thường nghĩ “thương khó” là đau khổ dữ dội. Nghĩ như thế cũng không sai, nhưng lại bỏ sót một điểm chính. “Thương Khó”,  hay “Passion” trong tiếng Anh, có gốc La Tinh là PASSIO, nghĩa là thụ động, không hoạt động, hấp thụ hơn là làm gì đó. Vì vậy, “Thương khó” của Chúa Giêsu là nói đến thời gian trong cuộc đời mà ý nghĩa của Ngài đối với chúng ta không được xác định bằng những gì Ngài làm nhưng qua những gì đến với Ngài. Như thế có nghĩa là gì?

Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu có thể chia thành hai phần riêng biệt, các học giả ước tính Chúa Giêsu có khoảng ba năm rao giảng và dạy dỗ trước khi bị giết. Phần lớn thời gian đó, thật ra chỉ trừ ngày cuối cùng, Ngài rất năng động, chỉ đạo, dạy dỗ, chữa bệnh, làm phép lạ, khuyên nhủ, ăn uống cùng tội nhân, tranh luận với các giới chức trong hội đường, và Ngài thường làm bằng đủ  hoạt động, Ngài mời gọi những người cùng thời với Ngài đến với sự sống của Thiên Chúa. Và Ngài quá bận rộn, quá áp lực đến nỗi không có thời gian để ăn. Hầu hết quãng đời công khai của mình, Chúa Giêsu tích cực làm việc.

Tuy nhiên, từ lúc Ngài bước ra khỏi phòng tiệc ly, sự hoạt động đó dừng lại. Ngài không còn là người làm việc này việc kia cho người khác, mà là người bị người khác làm gì đó với mình. Trong vườn, họ bắt Ngài, trói tay Ngài, dẫn Ngài đến chỗ thượng tế, rồi đến dinh Philatô. Ngài bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị lột áo quần, và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá rồi chết. Điều này cấu thành nên “sự thương khó” của Chúa Giêsu, thời gian trong cuộc đời và sứ vụ mà Ngài không còn là người hành động mà là người nhận lấy hành động.

Điều đặc biệt qua chuyện này, chính đức tin dạy chúng ta, chúng ta  được cứu rỗi nhờ sự thương khó của Chúa Giêsu (nhờ cái chết và đau khổ của Ngài) hơn là nhờ mọi hoạt động rao giảng và phép lạ của Ngài. Sao lại như thế?

Tôi xin phép được minh họa một chút: vài năm trước, em gái Helen của tôi, một nữ tu dòng Ursuline qua đời vì ung thư. Làm nữ tu hơn 30 năm, Helen yêu ơn gọi của mình, và cũng được yêu thương trong ơn gọi đó. Trong hầu hết 30 năm đó, Helen như người mẹ bảo bọc cho hàng trăm cô gái trẻ vào học viện mà Dòng của em mở. Em yêu quý những cô gái này và là người mẹ, người chị, người thầy cho các cô. Trong 20 năm cuối đời, sau khi mẹ chúng tôi mất, em còn đảm nhận vai trò này trong gia đình tôi, sắp xếp mọi thứ và giữ chúng tôi gắn kết với nhau. Suốt bao năm đó, em là người năng động, người làm việc tuyệt vời, người mà ai cũng muốn giao cho em nhiệm vụ đảm trách. Và em có thiên bẩm trong vai trò này, em thích làm việc gì đó cho người khác.

Rồi chín tháng trước khi mất, căn bệnh ung thư đã tàn phá quá đỗi,  em phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Bây giờ em cần có người làm gì đó cho mình. Các bác sĩ, điều dưỡng, các chị em trong Dòng và những người khác luân phiên chăm sóc em. Và như Chúa Giêsu từ khi bị bắt cho đến lúc chết, cơ thể em xuống sức, em phải để người khác dìu dắt, thay áo quần, di chuyển và bị người đi ngang qua tò mò nhìn. Như Chúa Giêsu, em chết khát, phải có người dùng miếng bọt biển thấm vào môi để nhấp chút nước.

Đó là sự thương khó của em. Em đã dành nhiều năm cuộc đời để làm việc cho người khác, giờ em phải chấp nhận để người khác làm việc cho em. Nhưng mấu chốt là ở đây, như Chúa Giêsu, trong giai đoạn cuộc đời, khi bất lực và không còn là người đảm trách, em lại đem lại sự sống và ý nghĩa cho người khác một cách thâm sâu hơn những gì em đã làm trong những năm hoạt động tích cực và làm quá nhiều việc cho người khác.

Đó là mầu nhiệm sinh hoa trái của thụ động, của bất lực. Và ở đây có một bài học quan trọng, đó là hoa trái tiềm tàng của căn bệnh nan y, của sự khuyết tật nghiêm trọng và của bệnh tật. Còn có một bài học nữa về cách chúng ta hiểu được mình có gì để cho người khác trong lúc bản thân đau đớn bệnh tật, bất lực, cần người khác chăm sóc.

Sự thương khó của Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, như Chúa Giêsu, chúng ta trao cho người khác lúc bị động cũng nhiều như lúc chúng ta năng động. Khi chúng ta không còn là người đảm trách, khi chúng ta bị đánh gục, bị hạ nhục, bị đau khổ và có khi người thân yêu cũng không hiểu chúng ta, thì đó là lúc chúng ta đang trải qua sự thương khó, và như Chúa Giêsu, chúng ta có cơ hội để trao đi tình yêu của mình một cách rất đỗi thâm sâu.

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2024/03/30/su-thuong-kho-cua-chua-kito-la-thu-dong/

Bác sĩ pháp y giải thích các nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Kitô: “Ngài cực kỳ đau đớn”

 Bác sĩ pháp y giải thích các nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Kitô: “Ngài cực kỳ đau đớn”




Sau 32 năm trong nghề và đã thực hiện hơn 4.000 trường hợp khám nghiệm tử thi, nhà nghiên cứu pháp y người Bỉ Philippe Boxho vẫn còn say mê nghiên cứu bí ẩn xung quanh cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Dựa trên Tấm khăn liệm Turin, ông giải thích những sai, đúng trong những giờ cuối của cuộc khổ nạn và đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô. Theo bác sĩ, Chúa Kitô có thể sống cho đến đồi Gôngôta nơi Ngài bị đóng đinh vì thể trạng bắp thịt của Ngài vững mạnh.

famillechretienne.fr, Cyriac Zeller và Louis Jaboulay, 2024-03-07

 Trước khi nói về chính Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, bác sĩ có thể giải thích cho chúng tôi điều gì đã thúc đẩy bác sĩ làm cuộc khám nghiệm tử thi không giống ai này: khám nghiệm tử thi Chúa Giêsu Kitô.  

Bác sĩ Philippe Boxho. Đó là Tấm khăn liệm Turin. Tấm khăn dài gần bốn mét rưỡi, rộng một mét, hai bên có hình một xác chết. Tôi luôn thấy đây là hiện trường của một vụ án ly kỳ. Trước hết vì chúng ta không có câu trả lời, nó luôn làm chúng ta hiếu kỳ đi tìm kiếm. Sau đó là nhờ chúng ta có thể áp dụng hầu hết các kỹ thuật khoa học mà khoa pháp y hiện đại có thể đưa ra, nhưng nó không đưa ra giải pháp hoàn toàn chắc chắn.

Trong Tin Mừng, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu ở Đồi Canvê. Về mặt thể chất, có thể đổ mồ hôi máu không và nếu có thì xảy ra trong những trường hợp nào?

Có, ngày nay chúng ta biết được điều này. Vào thời điểm đó, đúng là chúng ta không thực sự tin chuyện này, nhưng ngày nay chúng ta có những cơ chế sinh lý có thể giải thích được. Chúng ta có thể thấy trong những tình huống cực kỳ căng thẳng. Vì vậy là có thể. Điều đáng ngạc nhiên nếu Tấm khăn liệm Turin thực sự là tấm khăn liệm thi thể của Ngài, nhưng lại không thấy một dấu vết nào của thi thể… Và chúng ta biết giữa Đồi Canvê và nơi ngài bị đóng đinh, không có nơi nào để giặt tấm khăn. Vì vậy, chi tiết nhỏ này làm thắc mắc.

Nhưng trong thời gian chịu khổ nạn, từ lúc Ngài bị đánh đòn đến lúc Ngài ở trên thập giá, những vết máu này có thể nào bị xóa đi không?

Thật khó để tưởng tượng làm cách nào, vì vết máu sẽ dính lại, để loại bỏ máu phải chà thật kỹ. Vì thế lẽ ra chúng ta phải thấy vết máu trên khăn liệm… Nhưng chúng ta không thể chắc chắn!

Sau khi bị đưa đến đền thờ nơi Ngài bị xét xử và bị giam qua đêm, ngày hôm sau Chúa Giêsu bị đánh đòn. Kiểu đánh đòn của người la-mã như thế nào ở thời buổi đó?

Tôi nhắc lại Tấm khăn liệm và những gì tôi thấy ở đó. Có gần 120 cú đánh. Roi có nút thắt là các kim loại nhỏ giống hình quả tạ. Theo những gì chúng ta thấy trên Tấm khăn liệm, đó là dụng cụ để đánh Chúa Kitô. Chúng ta thấy có hai nhân vật khác nhau đánh Ngài.

Hậu quả như thế nào nếu một thân thể con người bị đánh 120 cú như vậy?

Chi tiết này cực kỳ quan trọng. Có người sẽ bị bất tỉnh hoặc không còn sức. Ở đây, một lần nữa, nếu chúng ta dựa trên Tấm khăn liệm thì nhân vật bị đánh có khối lượng bắp thịt rất lớn, cao từ 1,78 đến 1,80 mét. 120 cú đánh không giết được họ nhưng chắc chắn sẽ làm họ xuống sức rất nhiều.

Một yếu tố quan trọng khác trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là chiếc mũ gai. Nó như thế nào và tạo thương tích gì?

Ngày nay, người ta nghĩ nó không có hình thức của vòng gai, nhưng là mũ miện. Họ dùng các cây mọc trong sa mạc. Chúng có những chiếc kim rất dài, khoảng ba hoặc bốn xăng-ti-mét và rất sắc ở mũi nhọn.

Như vậy vết thương sẽ ra sao khi bị đâm? Khi bị kim đâm, da sẽ tạo một vết thương hình lỗ, được gọi là tổn thương thủng. Và nếu bị thương ở hộp sọ thì phần cơ thể này bị chảy máu rất nhiều, nên những vết thương do gai đâm vào bên trong hộp sọ tự động gây ra tình trạng chảy máu tương đối nặng. Kết quả là tóc sẽ dính đầy máu và đó là những gì chúng ta thấy trên Tấm khăn liệm.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đi đàng Thánh giá để tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Chúa Giêsu vác thánh giá, hình ảnh này có đúng không?

Chắc chắn Ngài vác một phần của thập giá. Đó là một phần trong sự tra tấn của người la-mã vào thời đó. Thập giá có hai phần. Một phần được gọi là cây thánh giá là phần thẳng đứng trồng xuống đất. Và một phần ngang là patibulum. Như thế thập giá của Chúa Kitô giống chữ T hơn. Người bị tra tấn không bao giờ vác cả cây thập giá, cả cây thập giá nặng không dưới 150 kílô. Họ chỉ vác patibulum là phần ngang, nặng từ 40 đến 50 kílô tùy loại gỗ.

 

Chúng ta biết Chúa Kitô đã phải vác thập giá này bao xa không?

Ngày nay, chúng ta biết vào khoảng một trăm mét, có thể hơn một chút. Đây không phải là Via Dolorosa được trình bày ở Giêrusalem. Tất cả các nhà sử học đều đồng ý đó là một phát minh của thời Trung cổ. Vì vậy, đây không phải là con đường thực sự mà Chúa Kitô đã đi đến Gôngôta.

Khi đến Gôngôta, Chúa Kitô đã trải qua những giờ phút vô cùng khó khăn… Liệu con người có đủ khả năng chịu đựng những giây phút này không?

Chịu đựng được… Ngài bị đánh đòn, trải qua một đêm khủng khiếp, Ngài bị đội mũ gai, mất nước, rất nhiều nước vì thời tiết ở đây rất nóng, ngài cũng bị mất máu… Vì thế ngài dần dần rơi vào tình trạng giảm trọng lượng (thiếu máu trong hệ tuần hoàn). Ngài có thể sống sót sau những chuyện này, nhưng cơ thể ngài yếu. Nhờ thể chất mạnh, ngài có thể đi đến Gôngôta. Thông thường, người la-mã không bao giờ có hai khổ hình. Một tội, một khổ hình, không phải hai. Nhưng Ngài bị hai khổ hình. Ngài bị đánh đòn, đó là một khổ hình, và bị đóng đinh, một khổ hình thứ hai. Bình thường, họ không làm như vậy, Ngài bị làm như vậy.

Một yếu tố khác chúng ta thường thấy trong các bức tranh, đinh đóng vào lòng bàn tay Chúa, hình ảnh này có đúng không?

Hoàn toàn không đúng. Năm 1951, bác sĩ giải phẫu Pierre Barbet viết quyển sách có tựa đề Cái chết của Chúa Giêsu Kitô theo một bác sĩ giải phẫu (La mort de notre Seigneur Jésus-Christ selon le chirurgien). Không phải mọi thứ đều đúng trong quyển sách này, nhưng ông kể một kinh nghiệm thú vị… Ông dùng xác chết trong bệnh viện nơi ông làm việc, ông treo xác lên xà bằng cách đóng đinh vào lòng bàn tay, và ông chứng minh toàn cơ thể bị tách rời… Không có gì trong bàn tay để có thể giữ một chiếc đinh. Lòng bàn tay bị rách! Nhưng người la-mã là người thực tế. Họ đónh đinh một cách hiệu quả. Thế là họ đâm vào cổ tay Ngài! Và vì thế xác không bị rơi. 

Cuối cùng, người bị đóng đinh cảm thấy thế nào? Lý do y khoa cho cái chết của Chúa Kitô là lý do nào?

Chúa Giêsu đã bị đau đớn tột cùng… Những cái đinh không là gì! Khi đóng đinh thì đau, khi kéo thì đau như kéo bàn tay bàn chân, nhưng những cơn đau này cơ thể đã quen. Cơ thể có khả năng làm quen với cơn đau, nhưng không phải tất cả. Cái chết của Chúa Kitô trên thập giá là cái chết do cái mà chúng ta gọi là ngạt thở do tư thế. Đó là tình trạng ngạt thở, thiếu oxy do tư thế khi bị treo trên thập giá. Cánh tay bị gập ra sau và thân mình hướng về phía trước. Ở tư thế này rất khó thở. Vì thế mức oxy của Ngài giảm, Ngài không còn thở bình thường được. Sự trao đổi oxy là ở phổi, lấy oxy và thải CO2 không còn được chính xác. Dần dần vì CO2, nên máu có tính axit, gọi là nhiễm axít. Và vì tình trạng nhiễm axít do thở kém nên trong y học chúng tôi gọi là nhiễm toan hô hấp. Đó là lý do Chúa Kitô chết. Ngài chết vì máu của Ngài có pH axit không tương thích với sự sống. Sự gia tăng nồng độ CO2 còn gây ra tình trạng chuột rút rất đau đớn ở tất cả các cơ. Cơ thể trở nên cứng đơ, đau đớn khắp người và hơn hết là tê cứng. Đúng là một cái chết khủng khiếp…

Trong Tin Mừng, chúng ta biết nhiều người kinh ngạc trước cái chết nhanh chóng của Chúa Kitô trên thập giá. Thông thường một người bị đóng đinh sẽ chết trong bao lâu?

Điều này tùy thuộc vào tình trạng của người bị đóng đinh, nhưng thường thường phải mất vài ngày. Những người bị kết án thường bị đập nát chi dưới để họ không thể đứng vững trên chân được. Vì thế họ chết nhanh vì ngạt thở do ở tư thế bị đóng đinh.

Trong trường hợp Chúa Kitô, một người lính la-mã lấy lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Ngài. Nước và máu chảy ra. Mục đích của việc này là gì? Có bất ngờ khi thấy nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô không?

Quan Philatô được thông báo Chúa Kitô đã chết. Ông không ngờ Ngài chết nhanh như vậy. Chúa Kitô đã bị đánh đòn trước đó nên có mọi lý do để Ngài bị suy yếu trầm trọng, dù ngài có thể trạng tốt. Quan Philatô lo lắng, ông cử một người lính đến để xác minh thông tin, ông này dùng lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn thay vì đập ống chân. Ở đây người lính muốn biết chắc Ngài đã chết. Vì vậy, ông lấy lưỡi đòng cắm vào cạnh sườn Chúa Kitô. Sau đó Thánh Gioan cho chúng ta một nhận xét khoa học đích thực duy nhất có trong Tin Mừng. Ngài nói những gì ngài thấy từ bên ngoài: nước và máu. Bác sĩ Pierre Barbet đã lầm. Bác sĩ nói máu từ bên trong cơ thể đọng lại, có nghĩa là khi khám nghiệm tử thi, các nguyên tố nặng hơn trong máu sẽ ở dưới cùng và các nguyên tố nhẹ hơn sẽ ở trên cùng. Trên thực tế, khi chúng ta để máu trong ống nghiệm, chúng ta sẽ thấy tất cả các tế bào hồng cầu ở trên và bạch cầu ở dưới. Điều này có nghĩa là máu đang lắng đọng. Nhưng tôi đã khám nghiệm gần 4000 tử thi, và tôi có thể nói, máu không bao giờ đọng lại trong cơ thể. Đó là một sai lầm. Vì vậy, đây không phải là một giải thích tốt, nhưng vẫn là một giải thích.  Khi Chúa Kitô bị roi đòn trên ngực và trên cơ thể, phổi bị đau và bị bầm tím. Bất kỳ sự đụng dập nào cũng gây ra tình trạng huyết tương chậm đông trong vùng nằm giữa ngực và phổi. Đây là điều tôi thường thấy khi khám nghiệm tử thi. Và như vậy, người lính đâm lưỡi đòng xuyên qua vùng ngực và đụng vào tim. Lưỡi đòng đi qua vùng phổi chứa đầy huyết tương. Vì thế huyết tương chảy. Sau đó ngọn giáo chạm vào trái tim. Máu chảy. Đây là một quan sát chính xác về mặt khoa học. Chính Thánh Gioan là người báo cáo, và để báo cáo ngài phải ở đó, hoặc có một nhân chứng kể cho ngài nghe những gì họ thấy. Chúng tôi cũng tìm thấy dấu vết này trên Tấm khăn liệm Turin.

Cha lấy Tấm khăn liệm làm yếu tố căn bản để nghiên cứu cái chết của Chúa Kitô, liệu thánh tích này có thực sự là khăn liệm của Chúa Giêsu Kitô không?

Đây là câu hỏi hay và là câu hỏi nhiều người đang cố gắng trả lời. Trên thực tế, mọi người đều đồng ý, cơ thể hiện diện trên tấm khăn liệm này có mọi dấu vết của sự thương khó. Không thiếu một chi tiết nào. Ngoài ra, nó còn cực kỳ chính xác. Tất cả những sai lầm mà lịch sử đã mắc phải liên quan đến cái chết của Chúa Kitô, Khăn Liệm Thánh đều tránh được… Có vô số chi tiết lạ lùng chúng ta sẽ khám phá lại… Tấm khăn liệm là tấm khăn ngoại hạng.

Marta An Nguyễn dịch

https://phanxico.vn/2024/03/30/bac-si-phap-y-giai-thich-cac-nguyen-nhan-dua-den-cai-chet-cua-chua-kito-ngai-cuc-ky-dau-don/

Chùm Thơ Phục Sinh

 

Chùm Thơ Phục Sinh


Chùm Thơ Phục Sinh

Phục Sinh
CN PS Ga 20,1-9


Alleluia!
Chúa đã sống lại
Chiến thắng tội lỗi
Mang lại niềm vui.

Với Chúa, cùng chết
Cùng Ngài vinh quang
Nước Trời hiển trị
Niềm vui Thiên đàng.

Nguyễn Thái Hùng

 

Bình An
CN 2 PS Ga 20,19-31


Trong căn phòng đóng kín
Chúa đến với các ông
Lời bình an vĩnh cửu
Thánh Thần được trao ban.

Cuộc sống đầy đau thương
Thánh Thần Chúa hiển trị
Con một lòng tiến bước
Xin theo Thầy đến cùng.

Nguyễn Thái Hùng


Emmau  
CN 3 PS Lc 24,35-48


Đường Emmau xa thẳm
Trái tim buồn cô đơn
Thầy đã chết. Vô vọng
Quê nhà bao vấn vương.

Đồng hành cùng khách lạ
Sao lòng vẫn buâng khuâng!
Thánh Thể bao nhiệm lạ
Trao ban. Vững niềm tin.

Nguyễn Thái Hùng


Mục Tử  
CN 4 PS Ga 10,11-18


Như mục tử nhân lành
Yêu thương và chăm sóc
Đã thí mạng sống mình
Cho đàn chiên yêu dấu.

 Con như con chiên nhỏ
Yếu đuối và vụng về
Giữa ba đào, sói dữ
Chúa ơi, xin chở che.

Nguyễn Thái Hùng


Kết Hiệp  
CN 5 PS Ga 15,1-8


Thầy là Cây Nho Thật
Anh em là những cành
Để sinh nhiều hoa trái
Cần có những hồng ân.

Xa Thầy sẽ khô héo
Quăng vào chốn lửa thiêu.
Có hoa trái. Kết hiệp
Vào thân thể nhiệm mầu.

Nguyễn Thái Hùng


Tình Yêu  
CN 6 PS Ga 15,9-17


Hãy yêu thương nhau đi
Như Thầy yêu chúng con.
Hãy yêu thương nhau hơn
Chính Thầy yêu chúng con.

Điểu Răn Mới của Thầy
Là hãy yêu thương nhau.
Thập hình đồi cao đó
Gói trọn tình yêu Thầy.

Nguyễn Thái Hùng


Chứng Nhân  
CN 7 PS Ga 17,11b-19


Lời Cha là chân lý
Là ánh sáng soi đường.
Con xin được kết hiệp
Với Chúa trong tình thương.

Giữa trần gian mê muội
Con được Chúa sai vào
Làm chứng nhân cho Chúa
Chứng nhân của Tình Yêu.

Nguyễn Thái Hùng

Sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha

 


 
  •  
  •  

Thứ Sáu Tuần Thánh (29.03.2024) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha

 

Thứ Sáu Tuần Thánh (29.03.2024) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha

 
  •  
  •  


THỨ SÁU TUẦN THÁNH
SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ VỚI ĐỨC THÁNH CHA

THỨ SÁU, NGÀY 29.03.2024

Vatican News (30.03.2024) – Bài suy niệm Đàng Thánh Giá truyền thống vào tối thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colosseo năm nay do chính Đức Thánh Cha Phanxicô soạn.



Chặng I: Phi-la-tô Kết Án Chúa Giêsu

Chặng II: Chúa Giêsu Vác Thập Giá

Chặng III: Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Nhất

Chặng IV: Chúa Giêsu Gặp Đức Mẹ

Chặng V: Ông Simon Vác Đỡ Thập Giá

Chặng VI: Bà Vêrônica Lau Mặt Chúa Giêsu

Chặng VII: Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Hai

Chặng VIII: Chúa Giêsu An Ủi Con Cái Thành Giêrusalem

Chặng IX: Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Ba

Chặng X: Quân Dữ Lột Áo Chúa Giêsu

Chặng XI: Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Vào Thập Giá

Chặng XII: Chúa Giêsu Chết Trên Thập Giá

Chặng XIII: Tháo Xác Chúa Giêsu Khỏi Thập Giá

Chặng XIV: Táng Xác Chúa Giêsu Trong Huyệt Đá


Chặng I: Phi-la-tô Kết Án Chúa Giêsu

Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng […]. Ông Phi-la-tô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội!” Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên (Mc 14,60-61;15,4-5).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống và Chúa bị kết án tử hình; Chúa là sự thật và Chúa phải chịu một phiên toà dối trá. Nhưng tại sao Chúa không kháng án? Tại sao Chúa không lên tiếng và biện hộ cho mình? Tại sao Chúa không phản bác những thầy dạy và có quyền như Ngài vẫn luôn làm rất thành công? Lạy Chúa Giêsu, phản ứng của Chúa gây kinh ngạc: trong giây phút quyết định, Chúa không nói, Chúa im lặng. Bởi vì cái ác càng mạnh thì sự đáp lại của Chúa càng tận căn. Và sự đáp lại của Chúa là im lặng. Nhưng sự im lặng của Chúa sinh hoa trái: đó là cầu nguyện, là sự hiền lành, là sự tha thứ, là con đường để cứu chuộc sự dữ, để biến những gì Ngài đau khổ thành một món quà trao tặng. Lạy Chúa Giêsu, con nhận ra rằng con biết Chúa ít vì con chưa biết đủ về sự im lặng của Chúa; bởi vì trong cơn điên cuồng của việc chạy và làm, bị mọi thứ cuốn đi, bị nổi sợ chiếm lấy vì không được như ý hoặc không như ước muốn đặt mình vào trung tâm, con không còn giờ để dừng lại và ở lại với Chúa: để cho Chúa hành động, Lời của Chúa Cha hoạt động trong thinh lặng. Lạy Chúa Giêsu, sự im lặng của Chúa làm con rung động: nó dạy con rằng việc cầu nguyện không hệ ở đôi môi mấp máy, nhưng từ một trái tim biết lắng nghe: bởi vì cầu nguyện là trở nên ngoan ngoãn với Lời Chúa, đó là tôn thờ sự hiện diện của Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Xin nói với trái tim con, lạy Chúa Giêsu.

Chặng II: Chúa Giêsu Vác Thập Giá

Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. (1 Pr 2,24).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng vác những thánh giá, đôi khi rất nặng nề: bệnh tật, tai nạn, cái chết của người thân, nỗi thất vọng về cảm xúc, một đứa con hư hỏng, một công việc bị mất, một vết thương nội tâm không lành, một dự án thất bại, không biết bao nhiêu chờ đợi vô ích... Lạy Chúa Giêsu, làm sao Chúa có thể cầu nguyện ở đó? Con phải làm gì khi cảm thấy bị cuộc sống giày xéo, khi có gánh nặng đè lên trái tim, khi con bị áp lực và không còn đủ sức để phản ứng? Câu trả lời của Chúa nằm ở lời đề nghị: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đến với Chúa; ngược lại, con lại đóng mình: nhai lại, gợi lại, con lấy làm tiếc cho chính mình, con chìm trong chủ nghĩa nạn nhân, thành kẻ đấu tranh cho sự tiêu cực. Chúa nói với chúng con “Hãy đến với Ta” thôi chưa đủ, xin Chúa đến đây gặp chúng con và vác thập giá của chúng con lên vai, để lấy đi gánh nặng cho chúng con. Chúa mong muốn điều này: rằng chúng con ném những vất vả và lo âu của chúng con cho Chúa, bởi vì Chúa muốn chúng con cảm thấy được tự do và được yêu thương trong Chúa. Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa, con kết hợp thập giá của con với thánh giá của Chúa, con mang đến cho Chúa những mệt mỏi và đau khổ của con, con trút mọi gánh nặng của lòng con vào Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, con đến với Ngài.

Chặng III: Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Nhất

Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12,24)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã: Chúa đang suy nghĩ về điều gì, làm thế nào để cầu nguyện với khuôn mặt lấm đất? Nhưng trên hết, điều gì cho Chúa sức mạnh để đứng dậy? Khi Chúa ngã mặt xuống đất, Ngài không thấy trời nữa, con hình dung Ngài lặp đi lặp lại trong lòng: Lạy Cha là Đấng ngự trên trời. Cái nhìn yêu thương của Cha dành cho Chúa là sức mạnh của Chúa. Nhưng con cũng hình dung rằng, khi Chúa hôn đất khô và lạnh, Chúa nghĩ đến con người, được dựng nên từ đất, đến chúng tôi, những người ở trung tâm trái tim của Chúa; và Chúa lặp lại những lời giao ước: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì các con” (Lc 22,19). Tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài và của Ngài dành cho chúng con: tình yêu, đây là động lực nâng Chúa đứng dậy và tiến về phía trước. Bởi vì ai yêu thì không nằm lại tại chỗ trên đất, họ bắt đầu lại; ai yêu thì không mệt mỏi, nhưng chạy; ai yêu thì bay lên. Lạy Chúa Giêsu, con luôn xin Chúa nhiều điều, nhưng con chỉ cần một điều: là biết yêu. Con sẽ vấp ngã trong cuộc sống, nhưng với tình yêu, con sẽ có thể đứng dậy và tiến về phía trước, giống như Chúa, một chuyên gia về té ngã. Thực vậy, cuộc đời của Chúa té ngã liên tục hướng về chúng con: từ Thiên Chúa đến con người, từ con người đến tôi tớ, từ tôi tớ đến thánh giá, cho đến ngôi mộ; Chúa ngã xuống đất như một hạt giống chết đi, Chúa ngã xuống để nâng chúng con lên khỏi mặt đất và đưa chúng con lên thiên đàng. Chúa là Đấng trỗi dậy từ cát bụi và làm tái sinh hy vọng, xin ban cho con sức mạnh để yêu và bắt đầu lại.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh để yêu và bắt đầu lại.

Chặng IV: Chúa Giêsu Gặp Đức Mẹ

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

Lạy Chúa Giêsu, dân Chúa đã bỏ rơi Chúa, Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối bỏ Chúa: Chúa bị bỏ lại một mình với thập giá. Nhưng có Mẹ của Chúa. Không cần lời nói, đôi mắt của Mẹ là đủ, đôi mắt biết nhìn vào nỗi đau và mang lấy sức nặng. Lạy Chúa Giêsu, trong cái nhìn đầy nước mắt và ánh sáng của Mẹ Maria, Chúa tìm thấy ký ức về sự dịu dàng, âu yếm, những vòng tay yêu thương luôn chào đón và nâng đỡ Chúa. Cái nhìn của Mẹ là cái nhìn của ký ức, đặt chúng ta vào sự tốt lành. Chúng ta không thể làm gì nếu không có người mẹ đưa chúng ta vào thế giới, nhưng chúng ta cũng không thể làm gì nếu không có người mẹ đưa chúng ta trở lại thế giới. Chúa biết điều đó và từ thập giá Chúa đã ban cho chúng ta người Mẹ của chính Chúa. Đây là mẹ của con, Chúa nói với người môn đệ, với mỗi người chúng con: sau Bí tích Thánh Thể, Chúa ban cho chúng ta Đức Maria, món quà cuối cùng trước khi chịu chết. Lạy Chúa Giêsu, bước chân của Chúa đã được nhẹ bớt nhờ ký ức về tình yêu của Mẹ; hành trình của con cũng cần được xây dựng trên ký ức về những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, con nhận ra rằng việc cầu nguyện của con rất nghèo về ký ức: nhanh chóng, vội vàng, một danh sách những nhu cầu cho hôm nay và ngày mai. Lạy Mẹ Maria, xin dừng cuộc đua của con lại, xin giúp con nhớ: để gìn giữ những hồng ân, nhớ đến sự tha thứ và những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, làm sống lại tình yêu thuở ban đầu, thưởng thức những điều kỳ diệu của Chúa quan phòng, để khóc lóc với lòng biết ơn.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, xin làm sống lại trong con ký ức và tình yêu của Chúa.

Chặng V: Ông Simon Vác Đỡ Thập Giá

Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. (Lc 23,26)

Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần, khi đối diện với những thử thách của cuộc sống, chúng con cho rằng mình có thể giải quyết một mình! Việc nhờ sự trợ giúp thật khó khăn biết bao, vì sợ tạo ấn tượng mình không đủ tầm nên chúng con luôn chú ý tỏ ra bề ngoài ổn và đẹp! Thật không dễ để tin tưởng, và còn khó hơn để tín thác. Nhưng những ai cầu nguyện đều biết rằng họ đang cần và Ngài, Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã quen tín thác trong cầu nguyện. Vì vậy Ngài không coi thường sự giúp đỡ của người Ci-rê-nê. Chúa đã bộc lộ sự mong manh của Chúa với ông, một người giản dị, một người nông dân trở về từ đồng ruộng. Cảm ơn Chúa, vì khi để cho mình được giúp đỡ, Chúa đã xóa đi hình ảnh một thiên chúa xa cách và bất khả xâm phạm. Chúa không phải là không thể đụng đến trong quyền lực, mà là bất khả chiến bại trong tình yêu, và Chúa dạy chúng con rằng yêu thương người khác có nghĩa là giúp đỡ họ ngay tại đó, tại điểm yếu làm họ xấu hổ. Do đó, sự mong manh được chuyển thành cơ hội. Điều đó đã xảy ra với người Ci-rê-nê: sự yếu đuối của Chúa đã làm thay đổi cuộc đời ông và một ngày nào đó ông sẽ nhận ra rằng ông đã giúp đỡ Đấng Cứu Rỗi của mình, rằng ông đã được cứu chuộc nhờ cây thập tự mà ông đã vác. Để cuộc sống của con cũng được thay đổi, lạy Chúa Giêsu, con nài xin Chúa giúp con hạ thấp sự phòng thủ và để cho mình được Chúa yêu thương: ở đó, nơi con xấu hổ nhất về mình.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành con.

Chặng VI: Bà Vêrônica Lau Mặt Chúa Giêsu

Chúc tụng Thiên Chúa […]. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. (2Cr 1,3-5)

Lạy Chúa Giêsu, nhiều người đã chứng kiến cảnh tượng man rợ của cuộc hành quyết Chúa và không biết Chúa cũng như không biết sự thật, họ đưa ra phán xét và lên án, bôi nhọ và khinh miệt Chúa. Ngày nay điều đó cũng xảy ra, Lạy Chúa, và thậm chí không cần một cuộc diễu hành chết chóc: một bàn phím cũng đủ để xúc phạm và công bố bản án. Tuy nhiên, trong khi nhiều người la hét và phán xét, một người phụ nữ len qua đám đông. Bà không nói nhưng bà hành động. Bà không huênh hoang, nhưng bà động lòng thương. Bà đi ngược lại xu hương: một mình, với sự dũng cảm của lòng trắc ẩn, bà mạo hiểm vì tình yêu, bà tìm cách băng qua giữa những người lính chỉ để mang đến cho khuôn mặt Chúa một sự dễ chịu an ủi. Cử chỉ của bà sẽ đi vào lịch sử và là một cử chỉ an ủi. Bao nhiêu lần con cầu xin sự an ủi từ Chúa, lạy Chúa Giêsu! Nhưng bà Veronica nhắc nhở con rằng Chúa cũng cần điều đó: Lạy Chúa, Thiên Chúa gần gũi, xin Chúa yêu cầu sự gần gũi của con; Lạy Chúa, Đấng an ủi con, muốn được con an ủi. Lạy Tình yêu không được yêu, ngay cả hôm nay Chúa vẫn đang tìm kiếm giữa đám đông những trái tim nhạy bén với nỗi đau khổ của Chúa, nỗi đau đớn của Chúa. Lạy Tình Yêu bị bỏ rơi, Chúa đang tìm kiếm những người thờ phượng đích thực, thờ phượng trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23), những người ở lại với Chúa (x. Ga 15). Lạy Chúa Giêsu, xin thắp sáng trong con ước muốn được ở bên Chúa, tôn thờ và an ủi Chúa. Và xin làm cho con, nhân danh Chúa, trở thành sự an ủi cho người khác.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Xin làm cho con trở thành chứng nhân của sự an ủi của Chúa.

Chặng VII: Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Hai

Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội…, Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội [...].’ Nhưng người cha liền bảo: […] con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc 15,17-18.20-22.24).

Lạy Chúa Giêsu, thập giá nặng trĩu: nó mang gánh nặng của thất bại, thua cuộc, tủi nhục. Con hiểu điều đó khi con cảm thấy choáng ngợp trước mọi thứ, bị cuộc sống vùi dập và bị người khác hiểu lầm; khi con cảm thấy sức nặng quá mức và khó chịu của trách nhiệm và công việc, khi con bị dồn nén trong sự lo lắng, bị nỗi u sầu tấn công, trong khi một ý nghĩ ngột ngạt cứ lặp đi lặp lại trong con: mày sẽ không thoát ra được, lần này mày sẽ không đứng dậy được. Nhưng nó còn tệ hơn nữa. Con nhận ra rằng con đã chạm đáy khi con sa vào đó: khi con sa vào những lỗi lầm, tội lỗi của mình, khi con bị người khác làm thất vọng và rồi con nhận ra rằng con cũng chẳng khác gì. Không có gì tệ hơn là thất vọng về bản thân, bị cảm giác tội lỗi đè bẹp. Nhưng lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mấy lần ngã xuống dưới sức nặng của thập giá để ở gần con khi con ngã. Với Chúa, hy vọng không bao giờ kết thúc và sau mỗi lần ngã thì đứng lên lại, bởi vì khi con mắc sai lầm, Chúa không cảm thấy mệt mỏi với con mà lại gần với con hơn. Cảm ơn Chúa đã chờ đợi con; cảm ơn Chúa vì dù con đã tái phạm rất nhiều lần và Chúa đã tha thứ cho con vô số lần: luôn luôn. Xin nhắc con rằng những cú ngã có thể trở thành những khoảnh khắc quan trọng trên con đường, bởi vì chúng khiến con hiểu được điều duy nhất quan trọng là: con cần Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin khắc ghi vào lòng con điều chắc chắn quan trọng nhất: rằng con chỉ thực sự trỗi dậy khi Chúa nâng con lên, khi Chúa giải thoát con khỏi tội lỗi. Bởi vì cuộc sống không bắt đầu lại từ những lời nói của con mà từ sự tha thứ của Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin nâng con dậy.

Chặng VIII: Chúa Giêsu An Ủi Con Cái Thành Giêrusalem

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. (Lc 23,27)

Lạy Chúa Giêsu, ai theo Chúa đến cùng trên con đường thập giá? Không phải những người quyền thế đang chờ đợi Chúa trên đồi Can-vê, không phải những khán giả ở xa, mà là những con người đơn sơ, lớn lao trong mắt Chúa và nhỏ bé trong mắt thế gian. Họ là những người phụ nữ mà Chúa đã mang lại cho họ niềm hy vọng: họ không có tiếng nói nhưng họ đã khiến được lắng nghe. Xin giúp chúng con nhận ra sự cao cả của phụ nữ, những người trung thành và gần gũi với Chúa trong ngày Phục sinh, nhưng ngày nay họ vẫn bị loại bỏ, phải chịu sự xúc phạm và bạo lực. Lạy Chúa Giêsu, những người phụ nữ Ngài gặp đã đấm ngực và than khóc cho Chúa. Họ không khóc cho chính mình, nhưng họ khóc cho Chúa, khóc vì sự dữ và tội lỗi của thế gian. Sự cầu nguyện bằng nước mắt của họ chạm đến trái tim Chúa. Và tôi có biết khóc trong việc cầu nguyện của tôi không? Tôi có cảm thương trước Chúa, Đấng bị đóng đinh vì tôi, trước tình yêu hiền lành và bị thương tích của Chúa không? Tôi có than khóc về sự giả dối và tính bất nhất của mình không? Đối diện với những bi kịch của thế giới, trái tim tôi đóng băng hay tan chảy? Tôi phải phản ứng thế nào trước sự điên cuồng của chiến tranh, trước những khuôn mặt của những đứa trẻ không còn biết cười, trước những bà mẹ chứng kiến chúng suy dinh dưỡng, đói khát và không còn nước mắt để rơi? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khóc vì Giêrusalem, Chúa đã khóc vì sự cứng lòng của chúng con. Xin lay động con từ bên trong, ban cho con ơn biết khóc khi cầu nguyện và cầu nguyện khi khóc.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin làm mềm trái tim chai đá của con.

Chặng IX: Chúa Giêsu Ngã Lần Thứ Ba

‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ (Mt 25,37-40)

Lạy Chúa Giêsu, đây là những lời Chúa đã nói trước cuộc Khổ nạn. Bây giờ con hiểu sự khẳng khái của Chúa trong việc đồng nhất với những người túng thiếu: Chúa bị cầm tù; Chúa là khách người, bị dẫn ra khỏi thành để đóng đinh; Chúa trần truồng, bị lột quần áo; Chúa bị bệnh và bị thương; Chúa khát trên thập giá và đói khát tình yêu. Xin cho con nhìn thấy Chúa nơi những người đau khổ và nhìn thấy những người đau khổ nơi Chúa, bởi vì Chúa ở đó, trong những người bị tước đi phẩm giá, trong các Chúa Kitô bị sỉ nhục bởi sự kiêu ngạo và bất công, bởi những lợi ích bất công có được từ sự thờ ơ của người khác. Lạy Chúa Giêsu, con nhìn Chúa bị lột trần quần áo, và con hiểu rằng Chúa mời gọi con lột bỏ nhiều thứ bề ngoài. Bởi vì Chúa không nhìn vào vẻ bề ngoài mà nhìn vào trái tim. Và Chúa không muốn một lời cầu nguyện khô khan, mà là một lời cầu nguyện phong nhiêu bác ái. Chúa bị lột trần, và con cũng trở nên trần trụi. Tại sao nói thì dễ, nhưng rồi con có yêu Chúa thật sự nơi những người nghèo, nơi xác thịt bị thương tích của Chúa không? Con có cầu nguyện cho những người bị tước đoạt phẩm giá không? Hay con cầu nguyện chỉ cho những nhu cầu của mình và bảo vệ bản thân bằng sự an toàn? Lạy Chúa Giêsu, sự thật của Chúa làm cho con nên trần trụi và dẫn con chú ý đến điều quan trọng: đó là Chúa bị đóng đinh và những người anh chị em của Chúa bị đóng đinh. Xin cho phép con hiểu điều đó ngay bây giờ, để không bị coi là thiếu tình yêu khi con xuất hiện trước mặt Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin lột bỏ cho con.

Chặng X: Quân Dữ Lột Áo Chúa Giêsu

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Lạy Chúa Giêsu, những chiếc đinh xuyên qua tay chân Chúa, xé nát da thịt Chúa và ngay lúc này, trong khi nỗi đau thể xác đang khủng khiếp nhất, thì từ môi miệng thốt ra lời cầu nguyện không tin nổi: tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Chúa. Không chỉ một lần mà rất nhiều lần, như Tin Mừng nhắc lại, với động từ nói đến một hành động lặp đi lặp lại: Chúa đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Vì vậy, cùng với Chúa, lạy Chúa Giêsu, con cũng có thể tìm được sự can đảm để chọn tha thứ, điều giải thoát tâm hồn và khởi động lại cuộc sống. Lạy Chúa, Chúa tha thứ cho chúng con thôi chưa đủ, Chúa còn bào chữa cho chúng con trước mặt Chúa Cha: họ không biết việc họ làm. Chúa bào chữa cho chúng con, trở thành người bênh vực chúng con, cầu thay cho chúng con. Giờ đây, đôi tay của Chúa, để chúc lành và chữa lành, đã bị đóng đinh, và đôi chân của Chúa, để mang tin vui, không thể bước đi được nữa, giờ đây, trong tình trạng bất lực, Chúa đã mạc khải cho chúng con thấy sự toàn năng của lời cầu nguyện. Trên đỉnh đồi Golgotha, Chúa đã mạc khải cho chúng con giá trị của lời cầu nguyện chuyển cầu, có sức cứu thế giới. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cầu nguyện không chỉ cho con và những người thân yêu của con, mà còn cho những người không yêu con và làm tổn thương con; xin cho con cầu nguyện, theo ước muốn của trái tim Chúa, cho những người xa Chúa; để sửa chữa và cầu thay cho những người phớt lờ Chúa, không biết đến niềm vui yêu Chúa và được Chúa tha thứ.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Cha, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

Chặng XI: Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Vào Thập Giá

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,45-46)

Lạy Chúa Giêsu, đây là lời cầu nguyện chưa được nghe thấy: Chúa kêu lên với Cha về sự bị bỏ rơi của Ngài. Chúa, là Thiên Chúa trời đất, nhưng lại hỏi tại sao? Ở đỉnh cao của Cuộc Khổ Nạn, Chúa cảm thấy xa cách Chúa Cha và không còn gọi Người là Cha như thường nữa, mà là Thiên Chúa, như thể Chúa không còn có thể nhận ra khuôn mặt của Cha nữa. Tại sao như thế? Để Chúa dìm mình đến tận đáy vực thẳm nỗi đau của chúng con. Chúa đã làm điều đó cho con, để khi con chỉ nhìn thấy bóng tối, khi con trải qua sự sụp đổ của những điều chắc chắn và sự nhấn chìm của cuộc sống, thì con không còn cảm thấy cô đơn nữa, nhưng tin rằng Chúa ở đó với con: Chúa, Thiên Chúa của sự hiệp thông, trải nghiệm sự bị bỏ rơi để con không để cho mình bị làm con tin cho nỗi cô đơn nữa. Khi Chúa kêu lên “tại sao”, Chúa đã làm điều đó với một Thánh vịnh: như thế, Chúa đặt vào lời cầu nguyện ngay cả nỗi đau cùng cực nhất. Đây là điều cần làm giữa giông bão của cuộc sống: thay vì im lặng và khép kín, thì kêu lên với Chúa. Lạy Chúa Giêsu, vinh danh Chúa vì trước sự bất lực của con, Chúa không chạy trốn, nhưng Chúa đã sống trọn vẹn; ngợi khen và tôn vinh Chúa, Đấng đã vượt qua mọi khoảng cách, đã đến gần những người ở xa Chúa nhất. Và, trong bóng tối của những “tại sao” của con, con tìm thấy Chúa, lạy Chúa Giêsu, ánh sáng trong đêm. Và trong tiếng kêu của rất nhiều người cô đơn, bị loại trừ, bị áp bức và bị bỏ rơi, con được gặp lại Chúa, lạy Thiên Chúa của con: xin cho con nhận ra Chúa và yêu mến Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra Chúa và yêu mến Chúa.

Chặng XII: Chúa Giêsu Chết Trên Thập Giá

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở. (Lc 23,42-43.46).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho một người gian phi được lên thiên đàng! Kẻ gian phi phó thác cho Chúa và Chúa cũng phó thác anh cho Chúa Cha. Lạy Thiên Chúa của những điều không thể, xin làm một kẻ trộm thành một vị thánh. Và không chỉ vậy: trên Đồi Can-vê, Chúa thay đổi tiến trình lịch sử. Chúa làm thập giá, biểu tượng của tra tấn, trở thành biểu tượng của tình yêu; làm cho bức tường cái chết trở thành cây cầu dẫn đến sự sống. Chúa biến bóng tối thành ánh sáng, sự chia rẽ thành hiệp thông, nỗi đau thành vũ điệu, và thậm chí ngôi mộ, trạm dừng cuối của cuộc đời, thành điểm khởi đầu của hy vọng. Nhưng Chúa thực hiện những điều đảo ngược này với chúng ta, không bao giờ thiếu chúng ta. “Lạy ông Giêsu, xin nhớ đến tôi”: lời cầu nguyện chân thành này đã cho phép Chúa làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời của người gian phi đó. Đó là sức mạnh chưa từng có của lời cầu nguyện. Đôi khi tôi nghĩ rằng lời cầu nguyện của tôi không được lắng nghe, nhưng ngược lại, điều cốt yếu là phải bền chí, kiên trì, nhớ nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con”. Xin nhớ đến con và nỗi đau của con sẽ không còn là điểm cuối mà là sự khởi đầu lại. Xin hãy nhớ: đặt con trở lại trong trái tim Chúa, ngay cả khi con rời xa, khi con lạc mất vào bánh xe cuộc đời quay cuồng. Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con, vì được Chúa nhớ đến là được vào thiên đàng, như người trộm lành chứng tỏ điều đó. Trên hết, lạy Chúa Giêsu, xin nhắc con rằng lời cầu nguyện của con có thể làm thay đổi lịch sử.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con.

Chặng XIII: Tháo Xác Chúa Giêsu Khỏi Thập Giá

Ông Si-mê-ôn […] nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên […] .Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,33-35).

Lạy Mẹ Maria, sau tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm trong cung lòng Mẹ; bây giờ nằm trong lòng Mẹ là xác thịt bị tả tơi của Người: trẻ thơ mà Mẹ từng ôm trong tay nay là một xác chết bị xé nát. Tuy nhiên, bây giờ, trong lúc đau đớn nhất, lễ vật của Mẹ tỏa sáng: một lưỡi gươm xuyên thâu tâm hồn Mẹ và lời cầu nguyện của Mẹ tiếp tục là tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Lạy Mẹ Maria, chúng con nghèo trong tiếng “xin vâng”, nhưng lại giàu câu “giá như”: giá như tôi có cha mẹ tốt hơn, giá như tôi được hiểu và yêu thương hơn, giá như sự nghiệp của tôi tiến triển hơn, giá như vấn đề đó không xảy ra, giá như tôi không còn đau khổ nữa, giá như Chúa lắng nghe tôi... Khi không ngừng hỏi tại sao mọi chuyện lại như vậy, chúng con vất vả sống hiện tại của mình với tình yêu. Có lẽ Mẹ có nhiều câu hỏi “giá như” để nói với Chúa, nhưng Mẹ vẫn nói “xin vâng”. Mạnh mẽ trong đức tin, Mẹ tin rằng đau khổ, khi được trải qua bằng tình yêu, sẽ mang lại hoa trái ơn cứu độ; rằng với Thiên Chúa, đau khổ không phải là lời chung kết. Và khi Mẹ ôm trong vòng tay Chúa Giêsu đã chết, những lời cuối cùng của Người với Mẹ vang vọng: Đây là con Mẹ. Lạy Mẹ, con chính là người con đó! Xin đón nhận con vào vòng tay của Mẹ và nhìn xuống những vết thương của con. Xin giúp con nói “xin vâng” với Thiên Chúa, “xin vâng” với tình yêu. Lạy Mẹ của lòng thương xót, chúng con đang sống trong một thời đại tàn nhẫn và chúng con cần đến lòng thương xót: Mẹ, dịu dàng và mạnh mẽ, xin xức dầu cho chúng con bằng sự hiền lành: làm tan biến sự phản kháng của con tim và những nút thắt của tâm hồn.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Xin nắm lấy tay con, lạy Mẹ Maria.

Chặng XIV: Táng Xác Chúa Giêsu Trong Huyệt Đá

Chiều đến, có một người giàu có tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. (Mt 27,57-60).

Giuse: cái tên cùng với Maria ở vào buổi bình minh của Giáng Sinh, cũng đánh dấu buổi bình minh của Phục Sinh. Thánh Giuse người Nazareth đã mơ thấy và can đảm nhận lấy Chúa Giêsu để cứu Người khỏi tay vua Hêrôđê; và Giuse thành Arimathe đã nhận xác của Người mà không biết rằng một giấc mơ không thể và kỳ diệu sẽ thành hiện thực ngay tại đó, nơi ngôi mộ mà ông đã tặng cho Chúa Kitô lúc ông nghĩ rằng Người không còn có thể làm gì cho ông nữa. Ngược lại, thật đúng rằng mọi món quà dâng cho Chúa đều nhận được phần thưởng lớn hơn. Giuse thành Arimathê, ông là vị tiên tri của lòng can đảm táo bạo. Để tặng quà cho một người đã chết, ông đến gặp Philatô đáng sợ và xin Philatô, để ông có thể trao cho Chúa Giêsu ngôi mộ mà ông đã làm cho chính mình. Lời cầu nguyện của ông thật kiên trì và lời nói của ông đi với việc làm. Ông Giuse, xin nhắc chúng tôi rằng lời cầu nguyện kiên trì sẽ sinh hoa trái và thậm chí vượt qua bóng tối của sự chết; tình yêu đó không phải không được đáp lại, nhưng mang lại những khởi đầu mới. Ngôi mộ của ông - độc nhất vô nhị trong lịch sử - sẽ là nguồn sống, còn mới, vừa được đào vào đá. Còn tôi sẽ dâng gì cho Chúa Giêsu trong lễ Phục Sinh này? Một chút thời gian dành cho Người? Một chút tình yêu dành cho người khác? Những nỗi sợ hãi và những đau khổ bị chôn vùi của tôi, mà Chúa Kitô đang chờ đợi, dâng lên cho Người như ông đã làm với ngôi mộ? Sẽ thực sự là Phục Sinh nếu tôi dâng một điều gì đó của tôi cho Đấng đã ban sự sống cho tôi: bởi vì khi cho đi thì chúng ta nhận được; bởi vì sự sống được tìm thấy khi nó mất đi và nó sở hữu khi nó trao ban.

Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, xin thương xót con.

Nguồn: vaticannews.va/vi

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-sau-tuan-thanh-29-03-2024-suy-niem-dang-thanh-gia-voi-duc-thanh-cha-5579