Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

GĐPV : Thừa tác viên ngoại thường được phép lấy và cất Bánh Thánh vào Nhà tạm không?

Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên ngoại thường được phép lấy và cất Bánh Thánh vào Nhà tạm không?
Nguyễn Trọng Đa

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau phần truyền phép, thừa tác viên Thánh Thể tiến đến nhà tạm để lấy Bánh Thánh chuẩn bị cho tín hữu rước lễ. Thừa tác viên (nam hay nữ) mở cửa nhà tạm, bái gối thờ lạy, lấy bình thánh ra và vẫn để cửa nhà tạm mở, cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu. Trong khi đó, khi quá trình này đang diễn ra, các tín hữu đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa", sau đó họ quỳ gối thờ lạy. Cách thức luôn là như vậy. Bây giờ, việc này đã được đổi qua tư thế đứng, với tùy chọn quỳ hoặc ngồi trong tạ ơn sau khi Rước lễ. Việc này được thực hiện với cửa nhà tạm mở. Con không hiểu lý do cho các thay đổi ấy. Xin cha giúp làm sáng tỏ việc này. - J. W., Waterloo, thành phố New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Có nhiều điểm trong câu hỏi của bạn, và tôi sẽ cố gắng giải quyết theo thứ tự. Tôi hy vọng bạn sẽ tha thứ cho tôi, vì đã đưa vào một chủ đề không được xây dựng một cách rõ ràng trong câu hỏi của bạn.

Lẽ tất nhiên nhà tạm xứng đáng với mọi sự tôn kính và tôn thờ, vì là nơi lưu giữ Bánh Thánh cho việc tôn thờ ngoài Thánh lễ, và nhất là cho người bệnh rước Chúa.

Đồng thời, huấn quyền Hội Thánh đã nhiều lần bày tỏ một ưu tiên mạnh mẽ cho "việc giáo dân tham dự Thánh Lễ cách hoàn hảo hơn, bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi" (xem Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 13, Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Vì vậy, càng nhiều càng tốt, các tín hữu nên nên rước lễ tử các Bánh Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ tham dự, chứ không chỉ rước lễ từ Bánh Thánh trong nhà tạm.

Sự thực hành này đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn về phía linh mục và những người hỗ trợ ngài trong việc chuẩn bị thánh lễ. Việc này thường đạt được sau một thời gian, khi số lượng người rước lễ tại giáo xứ là khá đều đặn.

Một số lượng vừa đủ của Bánh thánh cần nên lưu giữ trong nhà tạm, để đảm bảo rằng không ai không được rước lễ do sự tính toán sai. Và đôi khi cần sử dụng nhà tạm để duy trì tốt các Bánh thánh được lưu giữ.

Một điểm nữa được đề cập trong câu hỏi của bạn là nhắc đến thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, khi người này đến nhà tạm để lấy ra và cất các Bánh thánh. Đây không phải là sự thực hành bình thường trong Thánh Lễ..

Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 162, nói: "Các linh mục hiện diện có thể giúp chủ tế cho rước lễ. Nếu không có linh mục và số người rước lễ quá đông, chủ tế có thể kêu giúp đỡ các thừa tác viên ngoại thường, nghĩa là thầy có chức giúp lễ và những tín hữu khác được đề cử vào việc này. Trong trường hợp cấp bách, chủ tế có thể cử những tín hữu xứng đáng. Các thừa tác viên này không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ, và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế” (Bản dịch, như trên).

Tương tự như vậy, về việc sau khi Rước lễ xong, số 163 nói rõ: "Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu truyền phép còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm” (Bản dịch, như trên).

Nếu có thầy phó tế hoặc các linh mục khác hiện diện, họ có thể giúp đưa cất Bánh Thánh vào nhà tạm.

Sự việc rằng bạn nói đến việc để cửa nhà tạm mở trong thời gian Rước lễ là thường không ngụ ý một sự trưng bày Chúa ra. Thật vậy, luật phụng vụ tuyệt đối cấm việc trưng bày Thánh Thể trong khi cử hành Thánh Lễ.

Trong Rước Lễ, Chúa Kitô hiện diện đều nhau trong các Bánh thánh, và vì vậy không có sự tôn kính đặc biệt nào dành cho nhà tạm vào lúc ấy, ngoại trừ việc bái gối của thừa tác viên khi mở và đóng cửa, và ngay cả các việc này cũng được bỏ qua, nếu nhà tạm là gần với bàn thờ, mà trên đó Mình và Máu Chúa Kitô vẫn còn hiện diện.

Có lẽ là thận trọng hơn khi đóng cửa nhà tạm trong thời gian Rước lễ, nếu chỉ để ngăn chặn ruồi và côn trùng khác xâm nhập vào. Điều này là được đặc biệt khuyến khích, nếu Bánh thánh được dùng cho việc chầu Thánh Thể được nhìn thấy rõ ràng.

Về tư thế thích hợp trong phụng vụ Rước lễ, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma ở số 43 nêu ra một số quy định, vốn đã được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chấp thuận. Một quy định nói rằng các tín hữu nên "quỳ xuống sau kinh Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) trừ khi Đức Giám Mục giáo phận quyết định thể khác". Một ít Giám mục đã quyết định rằng các tín hữu nên đứng tại thời điểm này, và sự thực hành này là tiêu chuẩn trong các giáo phận ấy.

Một câu văn khác của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, trong số 43, gây ra tranh luận. Câu này khẳng định rằng các tín hữu "có thể tùy nghi ngồi hoặc quỳ khi giữ thinh lặng thánh sau hiệp lễ” (Bản dịch, như trên).

Một số chuyên viên phụng vụ, và thậm chí một số Giám mục, giải thích câu này có nghĩa rằng không ai được quỳ hoặc ngồi cho đến khi mọi người đã Rước Lễ xong. Kết quả cuộc tranh luận đã khiến Đức Hồng Y Francis George, chủ tịch Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (BCL), đã xin một sự giải thích xác thực từ Tòa Thánh vào ngày 26-5-2003.

Đức Hồng Y Francis Arinze, Tổng trưởng Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích, đã trả lời câu hỏi vào ngày 5-6-2003 (Prot. N. 855/03/L):

"Trả lời:"Negative et ad mensum (Không, với lý do sau đây). Lý do là rằng quy định của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 43, được nhắm tới, một mặt, để đảm bảo trong phạm vi rộng một sự đồng nhất nhất định của tư thế trong cộng đoàn cho các phần khác nhau của việc cử hành Thánh Lễ, và mặt khác, không quy định tư thế cứng nhắc theo cách rằng các người muốn quỳ gối hoặc ngồi sẽ không còn tự do nữa".

Sau khi nhận được câu trả lời này, Bản tin của Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (BCL) nhận xét: "Do đó, trong việc thực hiện Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, tư thế không nên được quy định một cách cứng nhắc, như để cấm các cá nhân rước lễ quỳ gối hoặc ngồi, sau khi Rước Lễ trở về" (trang 26).

Sau đây, tôi trả lời thêm hai câu hỏi có liên quan vấn đề trên.

Một bạn đọc từ bang Florida, Hoa Kỷ, hỏi: “Liệu một sự cúi đầu có thể thay thế việc bái gối, như một cử chỉ tôn kính đối với nhà tạm không. Con nhận thấy Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về sự cúi đầu. Thưa cha, liệu Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma thưc sự cấm tất cả sự cúi đẩu của người giúp lễ, thậm chí cả linh mục, chăng?"

Đáp: Nói chung, một sự cúi đầu không thay thế một sự bái gối, vì chúng có ý nghĩa khác nhau. Một sự bái gối là một dấu hiệu của sự tôn thờ, trong khi sự cúi đầu là dấu hiệu của sự tôn kính. Nếu ai biết rõ nhà tạm, thì sự bái gối trước nhà tạm là tư thế thích hợp.

Như đã đề cập ở trên, ý tưởng của Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là nhấn mạnh các nghi thức khác nhau của Thánh Lễ như là hy tế của Chúa Kitô, và vì thế nhà tạm được thừa nhận chỉ khi người ta bắt đầu và kết thúc Thánh Lễ.

Ngay cả khi nhà tạm là ở phía sau bàn thờ, việc bái gối không được thực hiện trong Thánh Lễ. Thay vào đó, một sự cúi đầu được thực hiện cho bàn thờ khi đi qua (trừ khi là một phần của cuộc kiệu).

Vì lý do này, phụng vụ nói rằng mọi cử động của các người giúp lễ được thực hiện ở phía trước bàn thờ, chứ không phải giữa bàn thờ và nhà tạm.

Theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, một sự cúi đầu được thực hiện trước khi xông hương vị chủ tế trong một Thánh Lễ trọng. Nhưng có một tập tục khá phổ biến là các linh mục cúi đẩu trước Giám mục, khi các ngưởi giúp lễ đến gần ngài hoặc rời xa ngài, chẳng hạn, với sách lễ hoặc với vật dụng rửa tay.

Mặc dù các sự cúi đẩu này không được đề cập cụ thể trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, điều này không có nghĩa là chúng bị cấm. Tài liệu này không có mục đích quy định mọi cử động một cách cứng nhắc và tỉ mỉ.

Bởi vì chúng rơi vào các nguyên tắc tổng quát của nghi thức phụng vụ, các sự cúi đẩu có thể được tiếp tục, ở nơi nào thói tục này chiếm ưu thế.

Một bạn đọc khác hỏi về Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 315, trong bối cảnh của nghi lễ Ucraina: “Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói “Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ" (Bản dịch, như trên). Mới đây con đến một nhà thờ Công Giáo Ucraina, và thấy nhà tạm được đặt trên bàn thờ. Và ở các nhà thờ Byzantine, con cũng thấy nhà tạm được đặt trên bàn thờ. Do đó, con không hiểu tài liệu này muốn nói gì, khi tài liệu nói “việc không đặt nhà tạm trên bàn thờ” là “vì lý do dấu chỉ”. Liệu dấu chỉ có ý nghĩa khác nhau trong truyền thống La tinh và truyền thống Byzantine chăng?”.

Đáp: Trước tiên, tôi nhận thấy rằng Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma được viết cho nghi lễ La Tinh, và trong bối cảnh đặc thù của truyền thống linh đạo La Tinh.

Do đó, nó có rất ít truyền thống linh đạo của các nghi lễ Công Giáo khác, và dĩ nhiên, không có quyền pháp lý nào cả, bởi vì quy định phụng vụ trong các Giáo Hội ấy phụ thuộc trước tiên vào giáo quyền của họ, trong sự hiệp thông với Tòa Thánh.

Tôi không là chuyên viên về truyền thống phụng vụ Đông phương, nhưng thật là công bằng khi nói rằng, nói chung vai trò thiêng liêng của nhà tạm là khác nhau trong hầu hết các nghi lễ Đông phương hơn trong nghi lễ La Tinh.

Trong khi tất cả các Giáo Hội Đông phương Công Giáo và Giáo hội Đông phương không Công Giáo chia sẻ cùng một đức tin về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể, và tất cả đều lưu giữ Bánh Thánh - trước tiên, vì mục đích của ăn đàng (viaticum) - hầu hết các Giáo Hội ấy đã không triển khai một truyền thống sùng kính Thánh Thể tương tự như những gì được thực hành trong nghi lễ Rôma.

Vì vậy, nói chung, họ không có các thực hành, chẳng hạn đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể, hoặc viếng nhà tạm.

Điều này có nghĩa rằng trong toàn bộ bối cảnh thiêng liêng, dấu chỉ của nhà tạm liên quan đến bàn thờ là khác nhau, trong các nghi lễ Đông phương và trong nghi lễ Rôma, trong hình thức hiện tại, và như vậy, việc có nhà tạm trên bàn thờ không gửi cùng một dấu chỉ trong mỗi trường hợp.

Vì lý do này, cả hai thực hành này đều được biện minh trong bối cảnh riêng của từng Giáo hội. (Zenit.org 17-2 và 2-3-2004)



TIN MỪNG DỮ DỘI


TIN MỪNG DỮ DỘI

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, đọc giả có lúc cười lúc khóc, có khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú…  Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học thích đáng.

Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Linh mục Nguyễn Hồng Giáo dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”.  Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên thắc mắc.  Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao?  Chẳng phải là Tin Mừng toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất bạo động bao trùm đó sao?  Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vố số những người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin Lành Martin Luther King, và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi.  Dầu vậy, tôi cứ vẫn thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước.

Tin Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: "Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời.  Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20).  Cần hy sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. (x.nguoitinhuu.com)

Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng.

Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn.”

Phải quyết liệt và dứt khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là nguyên nhân phạm tội.  ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn.  Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.

M. Quesnel tự hỏi: Sao chỉ có ba chi thể đó?  Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22).  Chúa Giêsu bảo là hãy dứt khoát "chặt đi" bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta.  Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là "từ bỏ chính mình" (x. Mc 8,34).

Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế.  Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales).  Tay, mắt, và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài.  “Chặt bỏ" một tật xấu một thói quen, "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm.  Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi.

Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt.”  Chúa muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người.  Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của Tin Mừng.

Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ, còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).

Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất "nhẹ nhàng", nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26).  Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5, 48 và Lc 6, 36).  Giáo lý Tin Mừng không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với mình, làm mạnh với mình, dám dùng "bạo lực" với mình, nếu nói được như thế, bởi lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự khôn ngoan thế gian nữa.  (Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy hiểm vô cùng.  Cả hai đều đáng khinh đáng ghét ở đời này và lãnh án phạt nặng nề đời sau.  Phải tránh gương mù gương xấu.  Mỗi người có thể gây dịp tội khiến người khác sa ngã, và đôi khi thân xác mình lại có thể là dịp tội cho chính mình.  Càng tránh dịp tội, càng ít phạm tội.

Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây.  Hễ búa đi đến đâu là là cây cối đều ngã rạp đến đó.

Một hôm, cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa.  Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.
Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả.  Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ.  Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này.  Dù một khúc gỗ cũng không cho!
Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!
Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm.  Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại.  Kết quả là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán.  Nhưng hỡi ôi!  Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.

Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi, là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời!  Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa.  Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư.  Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!

Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một một sự dễ dàng cỏn con.  Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).

Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh.  Tiếp cận với lời “dữ dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu.  Nhờ đó, bạn sẽ làm chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối tương quan.

Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật, thường loan truyền theo chiều rộng và chiều xa.  Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Chiều Cuối Năm


Chiều Cuối Năm




Chiều cuối năm, giữa tiếng pháo rộn rã
Mà sao buồn, lòng mãi ở đâu xa
Chân ngẩn ngơ
giữa phố phương nhộn nhip
Gió chiều buông, xao xác, tết xa nhà.

Dăm đứa bạn bên chai rượu mới mở
Giọt cay nồng không xoá nổi niềm đau
Bánh chưng xanh làm ta nhớ quê cũ
Cành mai vàng tươi nở một mùa hoa.

Còn gì nữa, một khung trời sum họp
Sao mãi xa, sao không hẹn ngày về
Ly hương hỡi, chiều xuân nhớ cô quạnh
Lòng nghẹn ngào
nghe tiếng nấc mù khơi.

 Nguyễn Thái Hùng

Gửi Về Quê Mẹ


Gửi Về Quê Mẹ





Gửi chim én mang về quê mẹ
Chút tâm tư của kẻ ly hương
Ngày xuân đến với bao nhiêu mộng
Trải dài trên cánh xuân non.

Tiếng pháo nổ, kỷ niệm xưa chợt đến
Nắng xuân hồng hong tuổi trẻ rêu phong
Ngàn xa cách gió ru nỗi nhớ
Phút giao mùa sao lòng quá mênh mông.

Chiều xuân muộn, bước chân ai vội vã
Về đâu, về đâu, vội góp chút hương xuân
Gởi vào gió ngàn câu thương nhớ
Chút tâm tư chim én có mang về !!!
Nguyễn Thái Hùng

Ly Hương


Ly Hương


Góp lá vàng đón mùa thu đến
Chiều bàng hoàng, tiếng sáo vi vu
Nghe đâu đây ngọn gió ngàn phiêu bạt
Hiu hắt buồn tiếng sáo ly hương.

Nguyễn Thái Hùng
2009

Lối Mộng


Lối Mộng



Nắng xuân ấm len vào khung cửa sổ
Hong tóc thề trên chiếc võng tuổi thơ
Tôi ngồi đây ngắm nhìn em mơ ngủ
Môi em cười như hoa nở ngày xuân.

Em mơ ngủ hay hồn tôi chợt ngủ
Giấc chiêm bao
một thoáng những mộng lành
Kỷ niệm xưa, dần về, bao dấu ái
Tôi giơ tay ôm lấy cả muôn vàn.
  
Bóng thời gian sao vội vã
Để tôi mãi đi tìm.
Hương kỷ niệm, trong giấc mơ mệt lả
Phút xum vầy, ngày tháng mãi bay xa.

Nghe đâu đây tiếng pháo giao thừa nổ
Giật mình tỉnh giấc mơ hoa
Em cúi xuống bên tôi hôn nhẹ
Bờ môi thơm, hương đọng, tình bao la.

Nguyễn Thái Hùng
2009

Xuân Của Riêng Ai ?


Xuân Của Riêng Ai ?




Sớm tĩnh lặng,
với sương rơi,
gió thổi
Buồn một mình,
trở giấc mộng xuân sang
Chim ca hát,
đón hoa cười lần nữa
Xuân huy hoàng,
nhưng xuân của riêng ai?

Nguyễn Thái Hùng

Vần Thơ Dưới Trăng


Vần Thơ Dưới Trăng



Trăng tròn hay trăng khuyết
Đêm dài dường cô đơn
Bầy ngựa non mệt mỏi
Mắt nhìn về xa xăm.

Em đứng dưới trăng vàng
Giữa trời đất bao la
Hai tay giang vẫy gọi
Cuộc tình ngày tháng qua.

Như Chúa đứng chịu nạn
Một chiều hoàng hôn xưa
Em giờ đây đứng nhìn
Cuộc tình này thoáng qua !

Dưới trăng mờ huyền ảo
Đêm dài vẫn cô đơn
Bầy ngựa non nằm nghỉ
Nhớ một kỷ niệm buồn.

Em vòng tay ôm lấy
Bó hồng trắng mượt mà
Ngựa căng tràn sức sống
Tuổi xuân bừng nắng hoa.

Bước chân em vội vã
Trên đường xuân cuộc đời
Mắt thôi hoài quá khứ
Ngày tháng buồn phôi pha.

Dưới ánh trăng huyền hoặc
Đêm dài thôi cô đơn
Bầy ngựa non thức giấc
Gõ hồn tuổi xuân sang.
Nguyễn Thái Hùng
2009

Hạt Ngọc


Hạt Ngọc







Một đời luôn chắt lọc
Từ bao điều nhỏ nhặt
Kết tinh thành nắng ấm
Sưởi tấm lòng cô đơn.

Giọt nước mắt mặn mà
Ươm vết thương ngày tháng
Thời gian sao nghiệt ngã
Cũng nhiệm mầu vô vàn !

Bên dòng sông ai đợi
Mài ngọc giữa trăng khuya
Ngọc thương, ngọc nhung nhớ
Yêu nhau suốt một đời.

Có bao nhiêu sỏi đá
Lẫn trong ngọc thương yêu
Có bao điều kỳ diệu
Trong cuộc đời bể dâu.

Mài ngọc trong cô đơn
Ngọc mang màu tan vỡ
Lòng người như giá băng
Sắc màu sao rực rỡ ?

Chung đôi tay nhiệm màu
Mài sỏi đá lên ngọc
Chung tấm lòng thương nhau
Ngọc mang màu tuyệt mỹ.

Ôi thời gian vô định
Nối kết thành chuỗi ngọc
Dễ tan vỡ vô ngần
Nhưng cũng đầy hạnh phúc.

Hạt ngọc tràn yêu thương
Hạt ngọc tràn đau khổ
Hạt ngọc tràn nhung nhớ
Một thuở mãi đi tìm.
Nguyễn Thái Hùng
2009


Lớp Têrêxa gặt mặt 2018

Lớp Têrêxa gặt mặt 2018



Hôm qua, anh em lớp Têrêxa họp mặt nhân dịp mừng Bổn Mạng lớp. Đơn vị đăng cai đã chọn đồi Đức Mẹ Giang Sơn để ngày họp lớp thêm nhiều ý nghĩa. Cám ơn anh em Kim Châu  đã chọn địa điểm thánh thiêng này. Mong rằng sự bình an sẽ đến cho mọi anh em trong năm tới.

Để chào mừng ngày họp mặt này, tôi đã nhờ anh Vũ Đình Bình đăng lại một bài cũ đã viết cho Kỷ Yếu 50 năm  LBT. Coi như một tường trình về lớp trong suốt hơn 45 năm tồn tại dưới cái tên Têrêxa. Bài viết mang tên  BỐN NHĂM NĂM ĐIỂM MẶT ANH HÀO đăng trên trang Lê Bao Tinh BMT.com.

                Ngày xưa đã là quá cũ để mà nhớ, để mà bàn. Hơn nữa, những đổi thay hiện tại về cuộc sống, về sức khỏe là những việc sát sườn hơn  trong những chia sẻ hiện tại của anh em trong lớp. Ngay cả khi chọn địa điểm Đồi Đức Mẹ Giang Sơn, anh em cũng không nghĩ đến cái việc làm một cuộc đi bộ hành hương vì những dấu hiệu mỏi mệt đã bắt đầu xuất hiện ở một số anh em trong lớp. Duy chỉ có một mình Trưởng lớp Hùng Mờ Thì là có cái quyết tâm ấy mà thôi.

                Tùy khoảng cách xa gần mà anh em xuất phát để có mặt tại đồi khoảng hơn chín giờ sáng. Đến 10 giờ, người anh em Linh Mục duy nhất của Lớp Jb. Nguyễn Đình Lượng đã khai mạc ngày họp bằng một thánh lễ kèm theo một ơn Đại Xá Hành Hương. Sau thánh lễ, anh em về lại Kim Châu để họp mặt. Một cuộc bàn giao nhẹ đã  được trưởng lớp cũ Nguyễn Thái Hùng chuyển cho trưởng lớp mới Nguyễn Văn Đình. Lưu Minh Thông và Nguyễn văn Hiên vẫn đại diện cho Hai đơn vị lớn là Kim Châu và Dakmil. Xin thông báo tình hình như vậy cho một số anh em vắng mặt. cũng may là chỉ mới xấp xỉ 60 nên sự vắng mặt của anh em là vì bận bịu công việc riêng chứ không vì sức khỏe. Mong là  ý nghĩa Hành Hương của ngày họp mặt năm nay sẽ thêm bình an cho anh em trong lớp vào năm kế tiếp đây.

                  Sau đó, một buổi liên hoan nhẹ đã được anh em Kim Châu chuẩn bị chu đáo. Cám ơn đơn vị đăng cai và chủ nhà Sơn-Thắm.

 Lê Văn La Vâng




Tháng Mười Nhớ Mẹ Thiết Tha



 Tháng mười nhớ mẹ thiết tha
Vần thơ con viết đậm đà hương yêu
Bên đồi, nắng nhạt, mây chiều
Mẹ nghe tiếng nguyện bao điều  yêu thương.
Mẹ  ơi, giữa cõi vô thường
Câu kinh sáng tối vẫn luôn nương nhờ.
Con yêu mẹ
Mối tình thơ
Mẹ ơi, bên Chúa
Cậy nhờ thánh ân.

Ngày giỗ nhớ mẹ 1.10
Nguyễn Thái Hùng


Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Học hỏi Lời Chúa CN 26 TN B


Học hỏi Lời Chúa CN 26 TN B


I. TIN MỪNG
Tin Mừng thánh Máccô  9,38-43.45.47-48

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

38 John said to him, "Teacher, we saw someone driving out demons in your name, and we tried to prevent him because he does not follow us."
39 Jesus replied, "Do not prevent him. There is no one who performs a mighty deed in my name who can at the same time speak ill of me.
40 For whoever is not against us is for us.
41 Anyone who gives you a cup of water to drink because you belong to Christ, amen, I say to you, will surely not lose his reward.
42 "Whoever causes one of these little ones who believe (in me) to sin, it would be better for him if a great millstone were put around his neck and he were thrown into the sea.
43 If your hand causes you to sin, cut it off. It is better for you to enter into life maimed than with two hands to go into Gehenna,  into the unquenchable fire.
45 And if your foot causes you to sin, cut it off. It is better for you to enter into life crippled than with two feet to be thrown into Gehenna.
46 And if your eye causes you to sin, pluck it out. Better for you to enter into the kingdom of God with one eye than with two eyes to be thrown into Gehenna,47 where 'their worm does not die, and the fire is not quenched.'48 "Everyone will be salted with fire.

II. HỎI THƯA

01. Hỏi : “Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giêsu cho thấy việc ngăn cản như thế xuất phát từ điều gì ?
          - Thưa : Từ tâm địa hẹp hòi, thói cục bộ và đòi độc chiếm quyền năng của Người.

02. Hỏi : “Những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy” là ai ?
          - Thưa : Những kẻ còn non yếu trong Giáo lý và đức tin, dễ bị lung lạc bởi kẻ khác.   

03. Hỏi :Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Việc này nói lên điều gì ?
          - Thưa :  Nói lên sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.

04. Hỏi : Tay, chân, mắt chúng tiêu biểu cho những gì ?  
          - Thưa : Những điều con người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu.

05. Hỏi :  “Chặt bỏ", "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm, một tật xấu, … nói lên điều gì ? 
          - Thưa : Thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi. 

06. Hỏi : Thái độ chọn lựa dứt khoát này nói lên điều gì ?
          - Thưa : Sự sống đời đời là một sự vô cùng quý giá mà chúng ta phải trả một giá rất đắt mới có thể chiếm được.  

07. Hỏi : Lửa và giòi bọ là hai loại đau khổ dành cho ai ?
          - Thưa : Cho các tội nhân bỏ qua lời cảnh báo của Thiên Chúa mà cố tình phạm tội trọng.

III. TRẮC NGHIỆM

01. “Đừng ngăn cản người ta” : Đức Giêsu cho thấy việc ngăn cản như thế xuất phát từ điều gì ?  
          a. Từ tâm địa hẹp hòi,
          b. Thói cục bộ,
          c. Đòi độc chiếm quyền năng của Người.
          d. Cả a, b và c đúng.  

02. “Những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy” là ai ?
          a. Những kẻ còn non yếu trong Giáo lý,
          b. Những kẻ còn non yếu trong  đức tin,
          c. Những người dễ bị lung lạc bởi kẻ khác.     
          d. Cả a, b và c đúng.  

03.Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Việc này nói lên điều gì ?  
          a. Nói lên sự xấu xa,
          b. Nói lên sự ghê tởm,
          c. Nói lên sự nặng nề của tội làm gương xấu.
          d. Cả a, b và c đúng.  

04. “Những kẻ bé mọn” là ai ?
          a. Những người nghèo, hèn kém, khờ dại, dốt nát
          b. không được học hỏi Thánh kinh, luật pháp…
          c. thường bị khinh bỉ trong xã hội Do thái.  
          d. Cả a, b và c đúng.  

05. “Chặt bỏ", "cắt đứt" một mối liên hệ nguy hiểm, một tật xấu, … nói lên điều gì ?   
          a. Thái độ chọn lựa dứt khoát với tội lỗi.   
          b. Thái độ chọn lựa quyết liệt với tội lỗi.   
          c. Thái độ liên kết với tội lỗi.    
          d. Chỉ có a và b đúng.    

06. Thái độ chọn lựa dứt khoát này nói lên điều gì ?
          a. Sự sống đời đời được ban tặng cho mọi người.
          b. Ân sủng thuộc về Đức Kitô.
          c. Ơn cứ độ dành cho tất cả mọi người.  
          d. Sự sống đời đời là một sự vô cùng quý giá mà chúng ta phải trả một giá rất đắt mới có thể chiếm được.  

07. Lửa và giòi bọ là hai loại đau khổ dành cho ai ?  
          a. Cho các thánh tử đạo.
          b. Cho các tội nhân bỏ qua lời cảnh báo của Thiên Chúa mà cố tình phạm tội trọng.
          c. Cho mọi kitô hữu.  
          d. Cả a, b và c đúng.  

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Ai cho anh em uống một chén nước
vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô,
thì Thầy bảo thật anh em,
người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Tin Mừng thánh Máccô 9,41


III. TRẮC NGHIỆM

01. d. Cả a, b và c đúng.  
02. d. Cả a, b và c đúng.  
03. d. Cả a, b và c đúng.  
04. d. Cả a, b và c đúng.  
05. d. Chỉ có a và b đúng.    
06. d. Sự sống đời đời là một sự vô cùng quý giá mà chúng ta phải
 trả một giá rất đắt mới có thể chiếm được.  
07. b. Cho các tội nhân bỏ qua lời cảnh báo của Thiên Chúa mà
cố tình phạm tội trọng.
           

Gb. Nguyễn Thái Hùng