Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Tại sao cử hành Thánh Lễ với những hàng ghế trống?

Tại sao cử hành Thánh Lễ với những hàng ghế trống?
Vũ Văn An
 
Hiện nay, tại hầu hết các quốc gia, về mặt chính thức, các nhà thờ đã được mở cửa lại và, các Thánh Lễ có giáo dân tham dự đã được tái tục. Nhưng về mặt thực tế, phần đông tín hữu Công Giáo vẫn chưa được tự do trở lại các nhà thờ của họ để tham dự các Thánh Lễ theo lòng họ mong ước. Phần đông, ít nhất tại Hoa Kỳ và Úc đại lợi, vẫn phải tham dự Thánh Lễ gián tiếp qua trực tuyến.

Nhiều người tìm được an ủi lớn lao nhờ các phát hình trực tuyến này vì cho rằng họ được hiệp thông với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với “các thành cùng thông công” không thua gì khi tham dự Thánh Lễ Bí Tích. Nhưng nhiều người tự hỏi cử hành Thánh Lễ làm chi khi các hàng ghế trống rỗng?

Để thoát khỏi cảm thức thiếu hiệp thông thể lý ấy, nhiều linh mục đã vận dụng óc sáng tạo, bằng cách nghĩ ra cách đặt hình ảnh giáo dân của mình tại các hàng ghế, như thể họ cùng hiện diện với mình khi dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các linh mục, kể cả Đức Giáo Hoàng, đã không làm như thế, và đã hân hoan cử hành Thánh Lễ trước những hàng ghế trống rỗng trước đây, và nay, chỉ thưa thớt không quá 50 giáo dân như qui định tại New South Wales, Úc đại lợi.


Tiến sĩ Denis R. McNamara, Giáo sư và là Giám đốc Điều hành của Trung Tâm Thẩm Mỹ và Văn Hóa tại Cao Đẳng Benedictine ở Atchison, KS, ngày 14 tháng 5, 2020, trên tạp chí Adoremus, một tạp chí chuyên về canh tân phụng vụ, đã đặt câu hỏi “Tại sao lại cử hành Thánh Lễ trước hàng ghế trống rỗng? ” (https://adoremus.org/2020/05/14/why-celebrate-the-mass-with-empty-pews/). Ta hãy xem, ông trả lời ra sao?

McNamara cho rằng việc thánh hóa người ta, lẽ dĩ nhiên, là một trong các mục tiêu hàng đầu của phụng vụ thánh, nên thoạt nhìn, ai cũng tưởng việc cử hành Thánh Thể trong một ngôi thánh đường trống rỗng là điều vô nghĩa. Nhưng với một tầm nhìn bao quát hơn về phụng vụ thánh, người ta thấy việc thờ phượng Công Giáo không phải chỉ là một buổi tụ tập cầu nguyện trong đó, người ta “lãnh nhận” Thánh Thể như lãnh nhận tro trên trán vào Thứ Tư Lễ Tro. Thay vào đó, phụng vụ luôn là việc tiến dâng hoàn hảo của Chúa Kitô lên Chúa Cha cùng với Nhiệm Thể Người, một việc nhằm tiếp diễn công trình cứu rỗi của Thiên Chúa và vinh danh công trình sáng tạo.

Như Hiến chế Sacrosanctum Concilium từng phát biểu rõ, phụng vụ là “việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô” (số 7) một chức vụ bao gồm mọi chi thể của Nhiệm Thể, ở cả trên trời lẫn dưới đất.

Như thế, Thánh Lễ, không phải chỉ là các thể thức nghi lễ cần thiết phải có trước khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà là việc tham dự vào lễ dâng mình và toàn bộ sáng thế của Chúa Kitô lên Chúa Cha mà đỉnh cao là việc Rước Lễ. Là các chi thể của Nhiệm Thể Người, hàng ngũ giáo dân có bổn phận dâng mình lên Chúa Cha cùng với Chúa Kitô, Lễ Vật Tinh Tuyền, bằng cách để mình tham dự thực sự vào phụng vụ cho dù chỉ là nhìn trực tuyến và thay thế việc rước lễ thực sự bằng việc rước lễ thiêng liêng.

Quảng diễn chủ đề trên, McNamara cho rằng nếu chỉ căn cứ vào trình thuật của sách Sáng Thế, người ta dám nghĩ rằng công trình sáng thế chấm dứt vào ngày thứ sáu và những chuyện tiếp theo trong Cựu và Tân Ước chỉ là bài thuốc chống chữa cuộc sa ngã của nguyên tổ. Nhưng thực ra, hành vi sáng tạo của Thiên Chúa phải được nhìn như một sinh hoạt liên tục của Thiên Chúa trong thời gian. Các trẻ em tiếp tục sinh ra ở trên đời!

Ngay thời gian cũng do Thiên Chúa sáng tạo như dụng cụ cứu rỗi. Ông trích dẫn David Fagerberg để nói rằng “Lịch sử là sáng tạo phát xuất từ Thiên Chúa để rồi trở lại với Thiên Chúa... Thiên Chúa tạo ra thế giới với thời gian để chúng ta lớn lên trong hiệp thông với Người (1). Việc vinh danh này tiếp tục diễn ra qua thòi gian, một việc cũng biến nó hành “dụng cụ hiển dung” của Thiên Chúa (2). Trong phụng vụ thánh, người ta thấy rõ điều đó, khi tín hữu dành giờ “để sống” phụng vụ, để vinh quang Thiên Chúa hiển dung họ qua việc họ dâng mình lên Chúa Cha cùng với Chúa Kitô.

Ngày Sabát là ngày phụng vụ đặc biệt khi Kitô hữu tụ họp để tham dự vào việc thế giới vinh danh Thiên Chúa. Các trình thuật của sách Sáng thế nói đến việc con người được tạo dựng vào ngày thứ sáu và việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy, nhưng hành động sáng tạo của Thiên Chúa đâu có ngừng ở đấy. Chính Chúa Giêsu quả quyết “Cha tôi không bao giờ ngưng làm việc và tôi cũng thế, tôi phải làm việc” (Ga 5:17). Câu này Chúa Giêsu nói khi chữa lành một ngưòi bệnh vào ngày Sabát, và làm chứng cho việc Thiên Chúa tiếp tục “việc làm” của Người trên thế giới.

Đối với học giả người Pháp, Jean Hani (1917-2012), câu trên giải thích sáng thế như “một sinh hoạt liên tục của Thiên Chúa”, một loại công việc Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại (3). Thuộc về Thiên Chúa là năng lực nguyên mẫu của việc không ngừng sáng tạo, một việc, qua việc Phục sinh của Chúa Kitô, đang đem mọi sự tới vinh quang.

Điều quan trọng là các hữu thể nhân bản tham dự vào việc sáng tạo liên tục này, nhờ thế đem lại cho việc làm phẩm giá nền tảng của nó. Các công nhân, bất kể là nghệ sĩ, nghệ nhân, thầy giáo, hay y sĩ, “đều hành động trên thế giới nhằm biến đổi nó” và cải thiện nó, nhờ thế kéo dài việc làm của Thiên Chúa trong thời gian (4). Tuy nhiên, sau cuộc phục sinh của Chúa Kitô, con người “làm việc” trong và với Chúa Kitô, đem lại “cuộc phuc hưng mọi sự” (Cv 3:21) và kết hợp trái đất với vinh quang trên trời (Eph 1:10). Nói cách khác, Chúa Kitô và các chi thể của Nhiệm Thể Người cùng nhau tiếp tục công việc sáng tạo của Thiên Chúa bằng chính cách đem nó tới vinh quang cho tới khi Thiên Chúa là “mọi sự cho mọi loài” (1Cr 5:28).

McNamara cho rằng công trình cứu chuộc của Chúa Kitô tiếp diễn trong Giáo Hội. Dù người ta dễ thấy Giáo Hội và phụng vụ của Giáo Hội chỉ như một cuộc tụ họp đạo đức của con người, nhưng thực ra Giáo Hội sẽ được hiểu đúng hơn như một nơi ưu tuyển để tham dự vào hành động cứu chuộc liên tục hay “việc làm” trong thế giới của Chúa Kitô qua việc dâng lễ hy sinh của Người lên Chúa Cha. Hiến chế Sacrosanctum Concilium công bố ý tưởng này trong các đoạn mở đầu của nó, ghi nhận một cách đặc biệt trong “hy lễ Thánh Thể thần linh... ‘công việc cứu chuộc của chúng ta được thể hiện’” (số 2). Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nhắc lại và mở rộng ý tưởng này, gọi phụng vụ là “việc tham gia của dân Thiên Chúa vào ‘việc làm của Thiên Chúa’” và dạy tiếp: “Qua phụng vụ, Chúa Kitô... tiếp tục công cuộc cứu chuộc trong, với và qua Giáo Hội của Người” (số 1069). Điều đáng lưu ý là việc giải thích của Sách Giáo Lý về phụng vụ đòi hỏi 3 tiền từ để có được một giải thích thích đáng: trong, với và qua. Như thế, về phương diện thiêng liêng, ta không thể phân biệt phụng vụ của Giáo Hội với hành động của chính Chúa Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha.

Theo nghĩa đó, McNamara cho rằng hoạt động của Giáo Hội bí tích hóa hoạt động của Chúa Kitô và các chi thể của Giáo Hội tạo thành một thân thể với Người là đầu duy nhất. Đức Piô XII quả quyết rõ điều này năm 1943 trong thông điệp Mystici Corporis Christi của ngài: “Vì Chúa Kitô được tôn vinh như thế, một mình Người có quyền thống trị và cai trị Giáo Hội” và “qua Giáo Hội, chính Người rửa tội, giáo huấn, cai trị, tháo gỡ, cầm buộc, dâng hiến, [và] hy sinh” (5). Như thế, Giáo Hội “là” Chúa Kitô hành động trong thới gian và không gian, và phụng vụ của Giáo Hội không phải chỉ là những con người tụ họp nhau vì vâng theo như một bổn phận. Phụng vụ là việc dâng hiến thần linh của Chúa Kitô lên Chúa Cha trong hình thức một nghi lễ: một nài van hoàn hảo và một lời cầu hoàn hảo được làm cho hữu hình trong thời gian, đem thế giới được cứu chuộc ngày càng tới vinh quan hiển dung của nó. Đức Piô XII tóm tắt ý niệm này trong thông điệp năm 1947 của ngài, Mediator Dei:

“Phụng vụ thánh là...việc thờ phượng công khai mà Đấng Cứu Chuộc của chúng ta như Đầu của Giáo hội dâng lên Chúa Cha, cũng như sự thờ phượng mà cộng đồng tín hữu dâng lên Đấng sáng lập ra mình và qua Người dâng lên cho Cha trên trời. Nói tóm lại, đó là sự thờ phượng được Nhiệm thể Chúa Kitô trong tính toàn diện gồm cả Đầu và các chi thể dâng lên” (6).

Bất chấp được cử hành trong một nhà thờ trống rỗng hay với 10, 000 tín hữu tham dự, mỗi Thánh lễ đều là một bùng phát trong thời gian lễ dâng hiến vĩnh cửu của Chúa Kitô lên Chúa Cha, bao gồm mọi thành viên của Nhiệm Thể, cả ở trên trời lẫn ở dưới đất. Và bất kể có Kitô hữu đặc thù nào tham dự một cách hoàn toàn nhất thông qua việc rước lễ hay không, lễ hy sinh trọn vẹn của Chúa Kitô vẫn được dâng lên, cùng với Nhiệm Thể của Người. Mặc dù là người rất ủng hộ việc giáo dân tham dự phụng vụ, Đức Piô XII vẫn cẩn trọng lưu ý rằng, dù sự tham gia trọn vẹn hơn của giáo dân trong phụng vụ đã làm tăng sự huy hoàng của nó và tiết lộ bản chất của nó, sự hiện diện của giáo dân không cần “để thiết lập nó thành hành động công cộng hoặc có đặc tính xã hội” (7). Dù điều này thoạt đầu có vẻ như mâu thuẫn với lời thúc giục của Công đồng Vatican II, nhưng nhìn kỹ sẽ cho thấy sự liên tục lớn lao trong tư tưởng. Hiến chế Sacrosanctum Concilium nhắc lại quan niệm cho rằng phụng vụ thánh là “việc thực thi chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô”, do đó dành cho Chúa Kitô tư cách làm đầu và mô tả bản chất của các hành vi phụng vụ: “mọi hành động phụng vụ vì là một hành động của Chúa Kitô linh mục và của Nhiệm thể Người, là Giáo hội, đều là một hành động thánh thiêng vượt quá mọi hành động khác” (số 7).

Thánh lễ trong thời đại dịch

Như thế, tất cả những điều ấy có nghĩa gì đối với những người xem Thánh Lễ qua máy truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông xã hội? Có phải đơn giản chỉ là xem qua các chuyển động mà không có hiệu quả thực sự, nhất là khi không được lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích? Theo một nghĩa nào đó, Thánh lễ được truyền hình trực tiếp, trên thực tế, thiếu tính viên mãn phụng vụ khiến làm ta đau lòng. Nhưng mặt khác, ta vẫn có thể tìm được sự an ủi khi nhớ rằng mọi Thánh lễ đều liên quan đến mọi chi thể của Nhiệm thể, và do đó, có một tính hữu hiệu khách quan trong việc Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo ra thế giới. Sự thánh hóa khách quan này tiếp tục trong điều Sách Giáo lý gọi là “công việc của Chúa Ba Ngôi”: được kết hợp bởi tình yêu của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô liên tục dâng mình và thế giới cho Chúa Cha ngay cả khi các linh mục dâng thánh lễ một mình trong các nhà thờ còn giáo dân của các ngài thì tham dự qua máy truyền hình hoặc màn ảnh máy tính.

Các tuyên bố của Giáo Hội về tính khách quan của phụng vụ không hề có nghĩa là việc tham gia bí tích đầy đủ của tín hữu là điều không quan trọng. Thật vậy, công việc cứu chuộc trong thời gian của Chúa Kitô không chỉ đơn giản là một việc tuyên bố hợp pháp về sự vô tội, mà là một diễn trình thánh hóa biến đổi đòi sự tự hiến tự do trong kết hợp với hành động của Chúa Kitô, được hoàn tất và hoàn thiện qua việc rước lễ. Nhưng toàn bộ khái niệm tham gia được Vatican II cổ vũ luôn được nối kết một cách chủ yếu với việc tự hiến nội tâm cho Thiên Chúa để diễn trình sáng tạo và tôn vinh liên tục được hoàn thành. Sacrosanctum Concilium thúc giục mọi người “tham gia một cách có ý thức, sùng kính và tích cực”, nhưng vẫn định nghĩa việc tham gia như là việc tham gia nội tâm vào hành động của linh mục, và do đó với Chúa Kitô. Giáo dân được thúc giục “cảm tạ Thiên Chúa bằng cách dâng lên Lễ Vật Tinh Tuyền, không những qua bàn tay linh mục, mà còn cùng với ngài, họ nên học cách tự dâng mình nữa. Nhờ làm như vậy, họ sẽ “ngày càng được kéo lại gần Thiên Chúa và gần nhau hơn, để cuối cùng, Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (số 48).

Việc lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích mới thực sự là sự hiệp thông tối cao với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô và các Đức Giáo Hoàng từ Đức Piô X đến Đức Phanxicô đều đã thúc giục việc rước lễ thường xuyên như một phương thuốc dành cho linh hồn và tham dự vào vinh quang thần hóa của Thiên Chúa. Sách Giáo lý dành gần một trăm đoạn bàn về sự quan trọng của nó, vì vậy, không ai có thể lập luận ủng hộ một cách đúng đắn cho sự hồi sinh các sai lạc độc hại của chủ thuyết Jansen vốn không khuyến khích việc lãnh nhận thực sự các hình bánh và rượu thánh. Nhưng trong thời gian bị cô lập xã hội, điều đáng nhớ là Bí tích Thánh Thể không phải chỉ là “viên vitamin thiêng liêng”, nhưng là một hành động của Chúa Kitô, một hành động đòi phải trao phó thân mình cho tình yêu biến đổi của Thiên Chúa bằng cách kết hợp trí, lòng và ý chí vào trí, lòng và ý chí của Chúa Kitô. Việc tự hiến thần linh này là việc có thật bất kể nó diễn ra trong một nhà thờ có giáo dân hay diễn ra trong một phòng khách, và người tín hữu Công Giáo có thể hy vọng vào Tình yêu Thân Phụ của Thiên Chúa và do đó tin tưởng rằng Người sẽ chia sẻ sự hiện diện của Người ngay cả trong lời cầu nguyện rước lễ thiêng liêng.

Sự xa cách xã hội đã gây ra một loại “ăn chay” không tự nguyện đối với việc lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích, và giống như mọi việc ăn chay, nên gia tăng lòng muốn được nó trở lại. Mặt khác, lần ăn chay này cung cấp cho chúng ta một cơ hội để hiểu Bí tích Thánh Thể một cách đầy đủ hơn như một hành vi tự hiến mình được nối kết với việc dâng mình hoàn hảo của Chúa Kitô, Lễ Vật Tinh Tuyền. Rồi, khi Bí tích Thánh Thể được lãnh nhận trở lại trong cử hành thánh lễ công khai, Chúa Kitô sẽ tìm thấy linh hồn của chúng ta được cày bừa như mảnh đất màu mỡ chuẩn bị cho sức mạnh hiển dung của sự sống thần linh của chính Người.
____________________________________________________________________________________________
[1] David Fagerberg, The Christian Meaning of Time (London: Catholic Truth Society, 2006), 10.
[2] Ibid.
[3] Jean Hani, Divine Craftsmanship: Preliminaries to a Spirituality of Work (Kettering, OH: Angelico Press, 2016), 3.
[4] Ibid., 3-4.
[5] Pius XII, Encyclical Letter Mystici Corporis, 1943, pars. 37, 54.
[6] Pius XII, Encyclical letter Mediator Dei, 1947, par. 20.
[7] Ibid., 100.

Vietcatholic News

13 Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 13

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 13
Vũ Văn An
 
c) Các vấn đề hiện thời

118. Không thiếu những người tự coi mình là người Công Giáo nhưng tin rằng việc thường xuyên tham dự Thánh Thể Chúa nhật là điều quá đáng. Nhiều người khác giữ thói quen rước lễ thường xuyên hoặc bất cứ khi nào tham dự Thánh lễ, mà không bao giờ lãnh nhận bí tích hòa giải. Không ít người coi Bí tích Thánh Thể như một việc sùng kính bản thân, có sẵn cho họ theo nhu cầu hoặc cảm xúc của riêng họ. Trong các ngày lễ phụng vụ lớn, đặc biệt là Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc một số lễ lớn tại địa phương, cũng như trong một số lễ kỷ niệm độc đáo (như đám cưới và đám tang), có một số thành viên bất thường trong hàng tín hữu đến tham dự Thánh Thể, kể cả rước lễ, mà không có bất cứ day dứt lương tâm nào; và sau đó họ biến mất cho đến năm sau hoặc dịp đặc biệt sau đó. Những thực hành này, dù không nhất quán về mặt thần học, vẫn phản chiếu ảnh hưởng không ngừng của đức tin Kitô giáo nơi cuộc sống của những người không thực hành hoặc xa cách với đạo. Phần rơi rớt này của ảnh hưởng Kitô giáo, dù có những sai lệch, vẫn có thể là khởi điểm cho một cuộc tái hòa nhập vào giáo hội một cách có ý thức hơn và đem lại khả thể hồi sinh một đức tin đang hấp hối. Tuy nhiên, trong tính lưỡng nghĩa của chúng và xét về nhiều phương diện, chúng cũng cho thấy có một hố phân cách giữa điều Giáo hội tin được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, các đòi hỏi phải có để tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể, các hậu quả mà nó giả thiết phải có trong cuộc sống bình thường, và điều nhiều tín hữu tìm kiếm trong các buổi cử hành thỉnh thoảng hoặc lẻ tẻ bí tích Thánh Thể.

d) Ánh sáng từ Thánh truyền

119. Các điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập từ thời kỳ rất xa xưa. Như chúng ta đã nói rõ, Thánh Phaolô vốn cảnh báo những người tiếp cận Bí tích Thánh Thể: “Thật vậy, ai ăn và uống mà không biện phân được Thánh Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:29); câu nói này làm nổi bật một số yêu cầu không thể thiếu. Từ Tin Mừng Gioan, ta có thể suy ra rằng việc lãnh nhận các hình bí tích mà không có đức tin, nghĩa là không có Chúa Thánh Thần, sẽ không sinh lợi ích nào cả, vì việc này vốn đòi phải có đức tin (x. Ga 6: 63-69). Thánh Giustinô Tử đạo nhắc đến những điều sau đây như những đòi hỏi cần thiết: tin rằng các của lễ là những gì chúng biểu thị; người lãnh nhận phải đã chịu phép rửa và không được bác bỏ tín lý của Chúa Kitô qua suốt cuộc sống của mình [130]. Lời huấn giáo vừa trích dẫn của Thánh Phaolô một lần nữa được vang vọng trong Didache: “Ai thánh thiện, hãy để họ tới; ai không thánh thiện, hãy để họ hoán cải!” [131], và tương tự như thế cả trong Hiến chế Tông đồ [132]. Nó cũng được phản ảnh trong lời mời phụng vụ “của thánh dành cho các vị thánh” [133], từng được Theodore thành Mopsuestia bình luận. Như Thánh Phaolô nói, ở đây, “Các thánh”, trước hết, chỉ những người đã được rửa tội, những người đã sống với Giáo hội. Lối suy nghĩ này được biểu lộ cả trong các bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu [134] và nơi Thánh Cyprianô: Việc hiệp thông với Chúa Kitô không thể tách rời việc hiệp thông với Giáo hội [135]. Vị tiến sĩ của Bí tích Thánh Thể yêu cầu các linh mục của mình, nếu cần, từ chối một số người [136]. Cũng vậy, một cách cũng rõ ràng như vậy, Thánh Augustinô đã cảnh cáo rằng thức ăn bí tích chỉ tạo ra kết quả và sự sống cứu rỗi khi nó được ăn “một cách thiêng liêng” bằng cách tin vào nội dung vô hình của nó và bằng một lương tâm ngay thẳng [137]. Điều này có nghĩa: bằng một cuộc sống tương hợp với tình yêu Chúa Kitô và các chi thể của Người.

120. Thần học Kinh viện gọi định hướng này là “đức tin được đào luyện” (fides formata), một đức tin được tình yêu lên khuôn [138] (x. § § 62-64). Theo nghĩa này, Thánh Tôma Aquinô phân biệt như sau: nội dung của bí tích này chỉ có thể được lãnh nhận trong đức tin, vì đó là “bí tích của đức tin” (mysterium fidei) [139]. “Tính bất tín” (Infidelitas) làm cho người ta không có khả năng lãnh nhận bí tích một cách rất cao độ, vì việc không tin “đã tách người ta ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” [140]; sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể vốn biểu thị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi người ta “muốn lãnh nhận điều Giáo hội ban cho”, thì trong trường hợp này, người ta đã nhận được bí tích, mặc dù đức tin của họ có thiếu sót trong nội dung của nó [141]. Một ai đó tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, nhưng không ở trong tình trạng ơn thánh, vẫn đã lãnh nhận bí tích, nhưng phạm tội nặng [142]. Thánh Tôma lập luận rằng họ đã phạm tội nói dối (falsitas): điều bí tích phát biểu, tức tình yêu kết hợp Chúa Kitô với tín hữu của Người, đã không xảy ra nơi người lãnh nhận [143]. Thánh Tôma nhận ra rằng một việc tham dự hữu hiệu vào bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể, trong mỗi trường hợp, đều đòi một mức độ chuẩn bị (disposition) khác nhau do đức tin tạo ra. Đối với bí tích rửa tội, ý định lãnh nhận điều Giáo hội ban cho đã đủ. Tuy nhiên, trong việc rước lễ, điều cần là phải hiểu bí tích như nó là và tin [144].

121. Trong các truyền thống phụng vụ, đặc biệt là ở Đông phương, mối liên kết qua lại này giữa đức tin, đức ái và việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể được tri nhận một cách rõ ràng. Chẳng hạn, khi mời giáo dân rước lễ, phụng vụ nói: “hãy đến gần bằng đức tin, đức ái và kính sợ Thiên Chúa” [145]. Trong phụng vụ của Thánh Gioan Kim Khẩu và trong phụng vụ Thánh Basilêô, phó tế, linh mục và giáo dân đọc lời tuyên xưng đức tin Kitô học, được bày tỏ trước Chúa Kitô, đang hiện diện trong Mình và Máu Thánh, ngay trước khi rước lễ. Ngài đọc: “Lạy Chúa, con tin, và tuyên xưng rằng Chúa là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến thế gian để cứu các tội nhân. Con cũng tin rằng đây là Mình Thánh không tì vết của Chúa và đây là Máu quý giá của Chúa” [146]. Truyền thống Syriac, được Thánh Ephrem làm chứng, vốn hiểu rằng những lời hứa liên quan đến hai cây trong vườn Địa đàng (St 2:17; 3: 2) phải được ứng nghiệm thực sự. Lỗi nguyên thủy trong việc ăn “cây biết thiện và ác” đã tạo ra việc sa ngã, một điều cần được giải quyết cho bằng phẳng. Ăn trái của “cây sự sống” trở thành một thực tại trong sự hiệp thông Thánh Thể với việc dâng Thánh Thể của Chúa Kitô trên Thập Giá [147]. Trong cử hành Thánh Thể, phụng vụ Lời Chúa trở thành việc ăn hữu hiệu và chỉnh sửa “cây biết thiện và ác”. Sau bữa ăn thích đáng đó, mọi người được mời ăn trái của “cây sự sống” trong Hiệp thông Thánh Thể.

e) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho bí tích Thánh Thể

122. Phép rửa là khởi đầu của một cuộc hành hương, mà đỉnh cao của nó chỉ đạt được ở Eschaton (cõi cánh chung). Vì lý do này, các Kitô hữu cứ lãnh nhận đi lãnh nhận lại Thánh Thể, là thức ăn cho cuộc hành trình. Vì lý do này, Giáo hội chưa bao giờ ngừng tụ tập để cùng nhau cử hành mầu nhiệm Lễ Vượt Qua, để đọc trong bối cảnh này “điều nhắc đến Người trong mọi Sách thánh” (Lc 24:27) và để cử hành bàn tiệc mà tại đó việc tự hiến của Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và phục sinh được truyền đạt trong thời hiện tại của các tín hữu. Tuy nhiên, người ta không thể lãnh nhận cách thỏa đáng hồng ân mà sự hy sinh hiện sinh của Chúa Kitô ngụ hàm nếu họ không sẵn lòng để bản thân đồng hình đồng dạng về hiện sinh với hồng ân đức tin này. Không có đức tin, cả Philatô lẫn binh lính La Mã và dân chúng đều không hiểu làm thế nào trong cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với chính Người (2 Cr 5:19); không có đức tin, người ta không thể tri nhận được rằng người treo trên cây thập giá chính là Con Thiên Chúa (Mc 15:39). Cái nhìn chăm chú của người tin nhìn thấy không những máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm, mà cả Giáo hội, được thành lập bằng bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể (x. Ga 19:34). Máu và nước chảy ra từ đó là nguồn và sức mạnh của Giáo hội [148]. Con Thiên Chúa thực sự trở thành “Emmanuel” trong mỗi Kitô hữu thông qua việc tham dự Mình và Máu Chúa Kitô [149].

123. [Đức tin bí tích và bí tích Thánh Thể]. Không có đức tin bí tích, việc tham dự Thánh Thể, nhất là việc rước lễ, là điều vô nghĩa. Bí tích Thánh Thể không nói đến mối tương quan không dị biệt hóa hoặc chung chung với thiên tính. Đức tin bí tích can dự vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể là một đức tin Ba Ngôi. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng mối tương quan sống động với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cảm tạ Chúa Cha vì hồng ân cứu rỗi chúng ta đã nhận được. Hồng ân cứu rỗi đã được hiện thực hóa qua hồng ân Chúa Con của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thàn, nay được nhắc lại và làm cho hiện diện trong cử hành.

124. Đức tin bí tích giả thiết phải nhìn nhận một hành động như vậy của Thiên Chúa Ba Ngôi, và bữa tiệc Thánh Thể phải được coi như một dự ứng xác thực của bữa tiệc cánh chung trong tương lai. Quyền năng của Thiên Chúa đã thấm nhập, biến đổi và thánh hóa các tín hữu, biến họ thành đồng công dân với các thánh (Eph 2:19) và công dân của Giêrusalem trên trời (x. Dt 12:22; xem Kh 21-22; Dt 11 : 13).
125. Đàng khác, đức tin bí tích còn được bày tỏ trong sự tự gắn bó bất phản hồi của Chúa Giêsu Kitô với bí tích (ex opere operato) với các hình bánh và rượu được truyền phép thông qua lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong kinh khẩn cầu Người trong kinh epiclesis, với kết quả là người nhận không những chỉ có thể hy vọng, mà còn biết rằng trong một thời điểm nhất định, họ sẽ lãnh nhận điều mà các hình đã được truyền phép biểu thị.

126. Đức tin bí tích cũng bao hàm việc bí tích hóa chính người lãnh nhận. Họ không chỉ lãnh nhận một bí tích, mà chính họ cũng trở thành một “bí tích” theo nghĩa, một việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô một cách mãnh liệt đã diễn ra nhờ hành động của Chúa Thánh Thần; và giờ đây, họ sống kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô và Giáo hội, một cuộc kết hợp giúp họ có khả năng dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ hy sinh sống động và thiêng liêng (x. Rm 12: 1) và làm chứng cho đời sống Kitô hữu. Nói một cách tượng hình, họ được biến đổi trở thành một viên đá sống của cộng đồng tuyên tín, mà Vatican II cho rằng là phương thế và là công cụ để đưa mọi người về nhà của Người.

127. [Đức tin bí tích và hiệp thông giáo hội trong bí tích Thánh Thể]. Từ quan điểm trên, việc hiện thực hóa đức tin bản thân của cá nhân không thể tách rời khỏi đức tin của cộng đồng cử hành bí tích. Có sự thống nhất và liên tục giữa điều được cử hành (lex orandi), điều được tin (lex credendi) và điều được sống (lex vivendi), mà trong khuôn khổ của chúng, đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện bản thân và việc cử hành bí tích cùng diễn tiến. Vì sự thật được các Kitô hữu tuyên xưng là một ngôi vị, tức Chúa Giêsu Kitô, nên nó cũng phải được đích thân đại diện bởi các tông đồ và những người kế vị của các ngài. Sự hiệp thông Thánh Thể với Chúa Kitô của mỗi cá nhân phải được xác minh qua sự hiệp thông đức tin với Đức Giáo Hoàng và giám mục địa phương, được nhắc đích danh trong mỗi lần cử hành Thánh Thể. Người lãnh nhận rước lễ không chỉ tuyên xưng một mình Chúa Kitô, mà còn hiệp thông với việc tuyên xưng đức tin của cộng đồng trong đó, họ tham dự Bí tích Thánh Thể.

128. Diễn dịch sang các phạm trù khác, điều này có nghĩa gắn bó rõ ràng và có ý thức với đức tin của Giáo hội, một đức tin minh nhiên bao gồm những điều sau đây: Đức tin Ba Ngôi thể hiện trong Kinh Tin Kính; Đức tin Kitô học tập trung vào ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa Tể, “chết cho nhiều người” và “cho tôi” và sự phục sinh của Người; đức tin thần khí học, đặc biệt hoạt động và hiện diện qua hai lần khẩn cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis), vốn có tính nền tảng trong việc cử hành; và đức tin vào điều Bí Tích Thánh Thể biểu thị như bí tích của thân thể Chúa Kitô và thân thể giáo hội. Tất cả những điều này được đóng khung trong cuộc hành trình đức tin, một hành trình, trong khi tin tưởng vào sức mạnh mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần và sự giúp đỡ thường trực của Người, luôn mong làm cho cuộc sống mình phù hợp với mầu nhiệm Chúa Kitô và làm chứng cho nó một cách hân hoan giữa những thăng trầm của cuộc sống. Trên hành trình này, các Kitô hữu thường chạy đến của ăn Thánh Thể, lãnh nhận hồng ân hiệp thông với Chúa Kitô, để tiếp tục lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến cho đến lúc được hưởng sự sống đời đời.

129. [Sự không nhất quán của việc tham dự Thánh Thể mà không tin điều nó cử hành]. Tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể có nghĩa là hiệp thông với thân thể Chúa Kitô (x. LG 3) và Giáo hội. Dường như không thể tiếp cận bí tích này một cách nhất quán, nếu người ta không nhìn nhận ý nghĩa của sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể; nếu người ta bác bỏ đức tin Ba Ngôi của Giáo hội, được nhắc nhiều lần trong lúc cử hành, được chính thức xác nhận qua việc đọc Kinh Tin Kính; nếu thiếu sót đức ái Kitô giáo một cách nghiêm trọng trong cuộc sống bản thân; nếu phạm bất cứ hành động có ý thức và có chủ ý nào trong một vấn đề làm tổn hại nghiêm trọng đến điều đức tin và luân lý của giáo hội dạy (tội trọng [150]).

130. [Các cách lớn lên]. Bất cứ ai đang hành trình với Chúa Kitô đều tới tham dự Bí tích Thánh Thể Chúa nhật không phải vì đó là một nghĩa vụ do Giáo hội thiết lập, nhưng do lòng mong ước được củng cố bởi lòng thương xót đầy yêu thương của Chúa. Lòng mong ước này bao gồm việc sẵn sàng chịu hòa giải bí tích với Chúa Kitô và Giáo hội, nếu cần. Giờ đây, dù không có lòng mong ước có tính xúc cảm, những người tham gia vào đức tin Công Giáo biết rằng họ đã gia nhập một cộng đồng có cơ cấu bí tích. Vì lý do này, họ cũng ý thức được rằng việc họ tham gia bí tích và, đặc biệt, Bí tích Thánh Thể là một phần của việc làm chứng công khai mà họ đã tự do dấn thân vào. Họ dấn thân làm chứng cho thực tại bí tích đức tin, để làm rõ tính hữu hình của ơn thánh và do đó củng cố tính bí tích của Giáo hội, cộng đồng họ thuộc về.

131. Vì tính nhân quả hỗ tương giữa đức tin và Bí tích Thánh Thể, ở những nơi không có hoặc thường không có việc cử hành Thánh lễ và dạy giáo lý bí tích, do các giới hạn của định chế giáo hội, ngày càng khó khám phá hơn ý nghĩa của việc thực hành Thánh Thể Chúa nhật. Đồng thời, việc thiếu tham dự thường xuyên vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh thể Chúa Kitô, vì các thất bại bản thân hoặc mục vụ, là một thiếu sót làm cản trở sự phát triển hướng đến một đức tin bí tích trọn vẹn hơn. Ngoài việc săn sóc các cuộc cử hành Thánh Thể trong tất cả các mục đích của chúng, phù hợp với ý nghĩa của chúng, điều thích đáng là đề ra các cách để tái hòa nhập vào đức tin giáo hội, khi nó bị đánh mất, một việc hòa nhập đạt tới đỉnh điểm trong Bí tích Thánh Thể, vốn làm trọn việc trở về này; và điều cũng thích đáng là đề ra các loại cử hành không có Thánh Thể khác và các không gian gặp gỡ, cầu nguyện và dạy giáo lý Kitô giáo mở rộng cho những người mà việc truyền giảng Tin Mừng chưa được chín mùi để tham gia vào Bí tích Thánh Thể một cách có ý thức.

Kỳ sau: 4. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN

  Vietcatholic News

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Video: 100 cách Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm thay đổi thế giới

Video: 100 cách Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm thay đổi thế giới
Giáo Hội Năm Châu
 

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật 18/5/2020, 100 năm thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II được sinh ra chào đời. Ngài được sinh ra trong một đất nước có một chiều dài lịch sử bị xâm lăng đô hộ như quê hương đất nước Việt Nam, thân yêu của chúng ta. Đất nước Ba Lan đã nhiều năm bị nhận chìm trong biển đỏ Cộng sản Liên xô… Mồ côi mẹ khi vừa lên chín và mất cha lúc 21 tuổi, ngay cả người anh cả như chốn tựa nương cuối cùng cũng bị mất luôn… Ngài đã chạy đến phó dâng và nép mình trọn vẹn trong bàn tay nhân ái của Đức Mẹ. Ngài nói với Đức Mẹ “tương lai vận mệnh mọi sự của con đều năm trong tay Mẹ”. Thật vậy một chuỗi năm tháng cuộc đời của Ngài luôn có Mẹ chở che, hướng dẫn…

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới quí khán giả bản tóm lược một số điểm mà sẽ được tác giả Patrick Novecosky xuất bản vào tháng 10 năm nay.

Bài do linh mục Thanh Quảng lược dịch.

100 cách Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm thay đổi thế giới

Tác phẩm của Patrick Novecosky sẽ làm sáng tỏ tất cả những cách thức ấy. Làm thế nào tác giả có thể thâu tóm cả một cuộc hình trình dài và vĩ đại của một vị giáo hoàng thật dễ thương dễ mến, thiên tài nỗi lạc, và bây giờ là một vị thánh, trong suốt một chiều dài 26 năm triều đại Giáo hoàng

của Ngài được kết thúc vào ngày 2 tháng 4 năm 2005, vào đúng Chủ nhật lễ Lòng Chúa Thương Xót? Tác phẩm mới của Patrick Novecosky, có tựa đề ‘100 Cách Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm thay Đổi Thế Giới' sẽ được xuất bản vào tháng 10 năm nay… Nhưng vào thứ Hai ngày 18 tháng 5, đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của thánh Giáo Hoàng Ba Lan này nên tác giả trình bầy một vài cách trong 100 cách thế thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thay đổi được thế giới này… Tác giả là một nhà báo Công Giáo Mỹ đã từng chu du đến 26 quốc gia, theo dấu chân của vị Giáo hoàng này và năm lần được gặp gỡ riêng với vị thánh, hầu hết tại điện Vatican ở Rome. Tác giả là một người có gia đình, có năm người con. Ông đã từng đoạt được những giải thưởng dành cho các tạp chí và ấn phẩm Công Giáo hang đầu tại Hoa kỳ, đã được xuất bản bằng năm thứ tiếng. Ông là chủ nhân của hãng Truyền thông NovaMedia, một công ty truyền thông Công Giáo lớn tại Hoa kỳ.

Hạnh Khám Phá mới

Trong tác phẩm của ông, ông viết một cách ngắn gọn xúc tích một hai trang mỗi chương để nói lên những công việc rất đáng yêu và giải quyết những bề bộn khó khăn thường ngày. Nhớ lại những giây phút thân tình cha con, những khoảnh khắc khó quên, đôi khi không được biết đến, nhưng chúng có tác động mạnh mẽ trên thế giới, bao gồm cả một công lực mạnh mẽ quan yếu phá xập bức tường Bá linh, cuốn theo sự xụp đổ hoàn toàn Chủ nghĩa Cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện 104 chuyến tông du, và ngài đã bay khoảng 775.000 dặm, nghĩa là đã bay vòng thế giới 30 lần; gặp gỡ và thăm viếng hai phần ba các quốc gia trên thế giới, và được coi là ‘người được nói tới nhiều nhất trong lịch sử thế giới.’ Tác giả cũng ghi chú, thánh Giáo hoàng Phaolô VI, là vị giáo hoàng đầu tiên đã phá kỷ lục về các chuyến tông du quốc tế, nhưng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn vượt lên trên những kỷ lục ấy. Đức Thánh Cha đã viếng thăm gần như toàn bộ Châu Phi, trong suốt 14 chuyến tông du, và ngoài việc thăm viếng các giáo hội địa phương, ngài còn phong thánh cho nhiều vị thánh châu Phi khác nữa. Tác giả cũng đề cập đến các mối quan hệ của Tòa Thánh với nước Hoa Kỳ, Ngài đã thực hiện năm chuyến tông du, ngay cả đến với tiểu bang cực bắc là Alaska. Ngài luôn bày tỏ tấm lòng cảm kích trước sự hiếu khách nồng ấm của người dân Mỹ. Tác giả cũng nêu ra một cái nhìn dịu dàng về tình bạn của thánh Giáo hoàng, với Mẹ thánh Teresa thành Calcutta, với Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, với cha thánh Padre Pio, Đức Hồng Y Stefan Wyszyński (bề trên của Ngài, ĐHY là Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Ba Lan, trong lúc Đức Hồng Y Wojtyla làm Tổng Giám mục Krakow), Chị thánh Faustina Kowalska và Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen. Năm 1984, chính Đức Giáo Hoàng Ba Lan này và Tổng thống Reagan đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh.

Bạn thân của tôi…

Năm 1989, cựu Tổng thống Ronald Reagan, trong cuốn nhật ký của ông có ghi lại hai vị đại diện của liên đoàn lao động người Mỹ gốc Ba Lan và Solidarność của Nghiệp đoàn Đoàn kết, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hậu thuẫn, cùng với cựu Tổng thống Hoa Kỳ, đã thành lập “liên đoàn lao động độc lập đầu tiên” trong khối Xô Viết và đã đóng góp vào việc giật xập Bức màn sắt, làm bùng nổ lên phong trào lật đổ toàn bộ Liên Bang Xô Viết, khởi đi từ chuyến tông du năm 1979 của vị Giáo hoàng Ba Lan nhân chuyến về thăm quê hương của ngài.

Khi phỏng vấn cựu Tổng thống Reagan về những lời khuyên khôn ngoan về chính trị cho các thành viên của Nghiệp đoàn Solidarność, Đức Thánh Cha đã bảo họ hãy lắng nghe lương tâm của họ, vì đó là nơi mà Chúa Thánh Thần tác động nơi họ... Sau đó, Cựu Tổng thống Reagan chỉ vào một bức ảnh của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và nói: Ngài là người bạn tốt nhất của tôi. Vâng, bạn biết tôi Tin lành, nhưng Đức Thánh Cha vẫn là người bạn thân thiết nhất của tôi.

Phép lạ chữa lành

Cha thánh Padre Pio cũng có một tình bạn thân thiết với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ngài tâm sự về một chi tiết của Đức Wojtyla mà Ngài chưa bao giờ nói ra cho ai khác. Số là trong chuyến viếng thăm Rome năm 1962, nhật ký riêng của Đức Wojtyla có kể lại, Đức Tổng biết một trong những người bạn Ba Lan của ngài sắp chết. Ngài viết thư cho cha Padre Pio, xin cha cầu nguyện cho người bạn đó. Bức thư được trao tận tay cho cha thánh, Cha thánh trả lời: “Con không thể nói không với lời yêu cầu này của Đức Tổng”. Mười một ngày sau, Đức Wojtyła gửi cho cha Pio một lá thư thứ hai, cám

ơn Ngài vì đã cầu nguyện cho người bạn đó, Ngài viết: Người bạn bị ung thư đột nhiên được chữa lành trước khi vào được đưa vào phòng phẫu thuật.

Tượng tưởng niệm ở Ba Lan

Lần đầu tiên Đức Hồng Y Wyszyński gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau khi Ngài đắc cử vào vai trò là Người kế vị thánh Phêrô. Tác giả Novecosky cho hay đó là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của vị Giáo hoàng Ba lan. Đức Hồng Y Ba Lan, khi gặp Đức Tân Giáo hoàng, Ngài đã cúi xuống hôn chiếc nhẫn của Đức Tân Giáo hoàng tại Quảng trường thánh Phêrô trong ngày Đức Tân Giáo Hoàng đăng quang; nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhanh chóng đứng dậy, ôm lấy người thầy của mình và hôn lên má ngài. Cảnh tượng này đã gây xúc động cho nhiều người, nể phục và trân quí đúc thành trăm bức tượng, được dựng ở khắp nơi tại Ba Lan để nhớ tới hành vi khiêm hạ và nể phục này. Tác phẩm cũng đề cập tới mối quan hệ và tình bạn đặc biệt mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II có với Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, kể từ năm 1978, lúc hai người gặp nhau trong công nghị bàu chọn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I (Albino Luciani), điều này dẫn đến việc Đức Wojtyla đã tin tưởng xin Đức Hồng Y Ratzinger hy sinh ở lại Rome, mặc dù Đức Hồng Y Ratzinger có ngỏ ý muốn trở về phục vụ tại quê nhà ở Bavaria, Đức quốc.

Tác giả kể lại hai vị thường gặp nhau mỗi tối thứ Sáu lúc 6 giờ, khi mà Hồng Y Ratzinger giữ chức vụ Chủ tịch thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y không những là cộng sự viên mà còn là người bạn chí thân.

Lò sản xuất các vị thánh và Chân phước

Cuốn sách kể lại một số người đã liệt kê triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một triều đại sản xuất ra các “vị thánh”. Trong suốt triều đại Giáo Hoàng của Ngài, Đức thánh Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 482 vị, nhiều hơn tất cả số các vị thánh đã được các giáo hoàng tuyên phong trong 500 năm trước đó - và Đức Gioan Phaolô II cũng đã phong Chân phước cho 1.341 các đấng Đáng kính nam nữ… bao gồm các thánh: Padre Pio, Maximilian Kolbe, Edith Stein, Faustina Kowalska, và Kinda Drexel. Tác giả ghi chú rằng thánh Giáo hoàng đã mồ côi mẹ lúc chín tuổi, vì bệnh thận và vì suy nhược, rồi ngài lại mất cha khi vừa tròn 21 tuổi, và mất luôn người anh cả nữa… Là một sinh viên đại học, ngài tận hiến và phó thác vận mệnh đời mình cho Đức Mẹ Czestochowa, Đức Mẹ của người Ba lan.

Đưa Chúa đến nơi Ngài bị từ chối

Tác giả cũng nói về thời gian chàng trai Wojtyla là một diễn viên, làm thơ, viết và dàn dựng năm vở kịch… và phát hiện ra tiếng Chúa kêu gọi lúc chàng đang làm việc trong một mỏ đá… Chàng đã phải âm thầm bí mật liên hệ với các cha trong chủng viện... âm thầm học Triết học và Thần học, trau dồi về Chúa Kitô… Với một tâm trạng vô cùng đau khổ vì quân đội Đức Quốc xã xâm lăng Ba Lan và áp đặt chủ nghĩa Cộng sản lên đất nước này. Ngài đã thực hành những gì ngài thâm tín, cho nên sau này khi lên ngôi Giáo hoàng, Ngài đã lấy khẩu hiệu và rao giảng cho mọi người, đặc biệt những người trẻ: Đừng sợ! Khởi đầu sự nghiệp cho giáo hội ở Ba Lan, khi khởi xướng tại Nowa Huta, một vùng ngoại ô Krakow, nơi được gọi là 'Thiên đường của công nhân và lệnh cấm không được xây dựng thánh đường, Wojtyla là một giám mục trẻ, trong suốt 20 năm, Ngài đã dâng lễ ngoài trời, đặc biệt vào các dịp Giáng sinh và lễ trọng; và cuối cùng một nhà thờ đã được xây dựng. Ngài không ngần ngại thách thức chính quyền đòi hỏi quyền tự do tôn giáo.

Không thỏa hiệp đức tin

Trong khi thúc đẩy việc đối thoại đại kết và liên tôn, và quan tâm đến các môi trường: người nghèo, Trung Quốc và người bị đàn áp, Giáo hoàng Ba Lan đã lên tiếng bảo vệ một đức tin bảo thủ, không khoan nhượng, ngay cả với những người bất đồng chính kiến với ngài. Ngài từng đối đầu với các chính trị gia có chính sách không bảo vệ sự sống. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Giáo hội Đông Timor dành lại độc lập khỏi đất nước Indonesia xâm chiếm và sát nhập vào Indonesia năm 1976. Khi thăm viếng Đông Timor, thánh Giáo hoàng không ngần ngại kêu gọi Indonesia hãy tôn trọng tự do độc lập chủ quyền của Timor, kết quả sau chuyến tông du này, nhiều người dân đã không sợ hãi đặt tên John Paul cho những bé sơ sinh để nhớ tới cuộc tông du của ngài tại đảo quốc nhỏ bé này.

Nghệ thuật đối thoại

Hướng tới việc đối thoại, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã là người đi tiên phong trong việc đối thoại với Hồi giáo, nhân chuyến tông du tới Syria năm 2001. Trong tác phẩm, tác giả cũng nhắc lại chuyến viếng thăm của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Liên Hợp Quốc vào năm 1995 và minh nhiên công bố rằng mọi thành viên Liên Hiệp Quốc phải bảo vệ quyền cơ bản tự do tôn giáo và tự do lương tâm, như là nền tảng cơ bản của mọi cấu trúc nhân quyền và nền tảng của mọi xã hội đích thực tự do. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: Không ai được phép đàn áp những quyền hạn đó bằng cách sử dụng sức mạnh cưỡng chế để áp đặt câu trả lời cho những quyền thiêng liêng của con người!

Bàn tay Đức Maria đã chặn viên đạn ám sát Ngài

Nhìn lại bản thân của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tác giả đã ghi lại vụ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, và cách hành xử tha thứ của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lần giáp mặt gặp gỡ kẻ ám sát Ngài mà không đòi buộc kẻ sát nhân phải bị còng tay và phải được theo dõi bảo vệ bằng trực hình! Ngài đã tha thứ cho kẻ sát hại Ngài! Hơn nữa, tác giả còn nhấn mạnh rằng thánh Giáo hoàng Ba Lan này xác tín rằng chính Đức Mẹ Fatima đã cứu Ngài bằng cách làm cho viên đạn bay lạc hướng...Viên đạn bắn vào gần trái tim thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được mổ ra và đem gắn vào vương miện của bức tượng Mẹ tại Fatima. Tác phẩm cũng tập trung vào những nỗ lực của Đức Wojtyla vào việc: bảo vệ tự do tôn giáo, khai triển nền văn hóa sự sống" và chiến đấu chống lại văn hóa sự chết"; . Tác giả cũng cho rằng đây là vị 'Giáo hoàng Mân côi được biểu tỏ qua chính đời sống cầu nguyện riêng tư của Ngài, những cổ súy, động viên của Ngài dành cho các gia đình như hô hào hãy cùng nhau lần chuỗi Mân côi và chính Ngài thêm vào Năm sự Sáng trong 15 mầu nhiệm Mân côi truyền thống.

Nhậy cảm trước các vấn nạn toàn cầu

Nhạy cảm với các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt cuộc tấn công vào tòa Tháp đôi và Lầu năm góc ngày 9/11, thánh Giáo hoàng Ba Lan kêu gọi hãy lần chuỗi Mân côi để chống lại chủ nghĩa “duy - ism” duy khủng bố!

Nhìn vào Ngài, ai ai cũng phải nhìn nhận rằng Ngài là một vị giáo hoàng năng nổ nhất trong lịch sử! Tác giả đã phân tích bằng đảo qua một số sự kiện như chưa nhận chức được một năm mà Ngài đã sửa đổi và bổ túc Bộ Giáo luật (Canon) cho có hiệu quả, rồi phát hành một cuốn Giáo lý Giáo Hội Công Giáo vào năm 1992, và nhiều văn bản khác. Nhìn vào các Ngày Giới trẻ Thế giới và những thành quả tinh thần mà các biến cố ấy mang lại cho giới trẻ trên toàn thế giới… Tác giả Novecosky nhớ lại Đại hội Giới trẻ ở Denver (WYD) năm 1993, được coi như là một vụ bộc phá trước con số giới trẻ sự tham dự đông đảo và những tác động của vị Giáo hoàng Ba Lan 73 tuổi này, gây nhiều âm hưởng cho toàn cầu… và hậu quả là sau đó, biết bao nhiêu công cuộc tông đồ đã được phát sinh ra từ Denver Hoa kỳ.

Dọn đường cho Đức Phanxicô tới Havana

Cũng có những phản ánh về nỗi thất vọng của vị thánh Giáo hoàng Gioan

Phaolô II là Ngài không đến được Nga, cũng như chưa gặp gỡ được các

Giáo phụ của Giáo hội Chính thống Nga, như kỳ vọng vào năm 1997, để

ký một tuyên cáo chung cùng Đức Giáo chủ Alexy II tại Moscow, một công

việc mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện được vào năm 2016, khi

gặp gỡ Giáo phụ Patriarch Kirill, người kế vị của Giáo phụ Alexey ở Cuba,

trên đường viếng thăm Mexico. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện được những bước tiến lớn về mặt ngoại giao, bao gồm thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Israel và Palestine, thúc đẩy chấm dứt những xô xát bạo lực giữa Công Giáo-Tin lành trong chuyến tông du năm 1979 tới Ireland, và lên tiếng

chống lại xung đột, bạo lực phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, xung đột ở

Bosnia, và chống lại Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, và Chiến tranh

Iraq do Hoa Kỳ tiến hành năm 2003, thật đúng như chủ đề Giao Hoàng của Ngài và Ngài khuyến dụ những người trong cuộc ‘đừng sợ’ hành động cho hòa bình. Ngài chống lại sự lạm dụng về những tư duy Thần học Giải phóng, sự thúc dục cải tổ một số vấn đề trong Giáo hội của một số cấp tiến, và chống lại việc lạm dụng trẻ em, dù đây có thể được coi là một điểm nhức nhối nhất trong triều đại của Ngài… Có rất nhiều điều được bàn cãi và tranh luận nhưng chưa được thực hiện. Vị Thư ký riêng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, đã chia sẻ với tác giả nhiều điều đang được thực hiện với đầy nhiệt huyết và hấp dẫn của nó.

Không thể nói không

Tác giả bày tỏ rằng ngoài nghiên cứu và kinh nghiệm cá nhân của mình,

ông đã nói chuyện và lấy cảm hứng từ các chuyên gia khác về vị Giáo

hoàng này, bao gồm cả người viết tiểu sử về Đức Giáo Hoàng là tiến sĩ

George Weigel. Tác giả cũng chia sẻ về những khoảnh khắc ông có với thánh Giáo hoàng, bao gồm cả giai thoại đáng nhớ: cách chàng Wojtyła bắt đầu làm thơ khi còn là sinh viên đại học năm 1939, thường ký bằng bút danh và cách Ngài tiếp tục sáng tác những vần thơ hay trong triều đại giáo hoàng của mình.

Trong những gia sản tinh thần quý giá này của tác giả, Ký giả Patrick

Novecosky ghi lại bài “Cõi lặng” (The Place Inside) thơ của thánh Giáo

hoàng Gioan Phaolô II, được viết vào ngày 31 tháng 7 năm 1998. Tác giả

cho hay ông may mắn có được một ấn bản như một món quà tặng từ một

người bạn thân với gia đình của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sau đó, tác giả nhận được một cú điện thoại từ Vatican năm 1999: thánh

Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không giữ lại phiên bản nào trong thư viện

riêng của Ngài, nên Ngài yêu cầu tôi cho Ngài bản đó...

Đương nhiên là tôi không thể từ chối không được!... Đổi lại, Vatican đã gửi

cho tôi một phiên bản có bìa cứng được phát hành rất đẹp cho thư viện

riêng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Điều này và nhiều giai thoại tương tự khác như vậy sẽ được phát hành trong tác phẩm độc đáo ‘100 Cách Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm thay Đổi Thế Giới sẽ được gửi tới quí đọc giả vào tháng 10 tời đây… Mong quí vị đón đọc! Trước cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhiều vị trong Giáo hội đề nghị Đức Phanxicô tôn vinh Ngài lên vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Cả hay còn gọi là Đại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo phận Krakow Ba lan cũng đang xúc tiến việc tôn phong thánh cho song thân của Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện và hy vọng.

Vietcatholic News

Cầu nguyện trổ sinh hoa trái

Cầu nguyện trổ sinh hoa trái

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện, lời cầu nguyện của người công chính.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu buổi triều yết hôm thứ Tư bằng trình bày kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tốt lành, nhưng chúng ta thấy sự độc ác của ma quỷ luôn ẩn hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô thuật lại hai câu chuyện trong sách Sáng thế nói lên nguồn gốc và sự bành trướng của sự dữ và tội lỗi cho các thế hệ loài người.

Phần đầu trong chương đầu tiên của Sáng thế ký, là câu chuyện Adam và Eva. Đức Thánh Cha nói trong ý nghĩ nghi ngờ về những ý định của Thiên Chúa, thì trái tim của họ đã hướng về cơn cám dỗ của kẻ dữ. Đối nghịch với những mơ ước, mắt hai ông bà mở ra và khám phá ra mình trần truồng!

Phần hai, từ chương 4 của sách sáng thế là câu chuyện về Cain và Abel. Đức Thánh Cha cho hay Cain đã ghen tị với em, nên coi em như một kẻ thù! Tội đã xâm nhập vào trái tim anh và Cain không kiềm tỏa được, đã dẫn đến tội sát hại chính người em của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giải thích rằng mặc dù hậu duệ của Cain, đã phát triển nghệ thuật và gia công, nhưng bạo lực cũng tăng phát một cách mạnh mẽ. Chúng ta vẫn cảm nghiệm sự hiện hữu của sự gian ác trên thế giới, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha sau đó tiếp tục kể lại tường thuật thứ ba trong Kinh thánh. Ngài mô tả tường thuật này nói lên sự khiêm nhường và lòng mong đợi niềm hy vọng ơn cứu độ! Đó là câu chuyện liên quan đến Abel, Seth, Enoch và Nô-ê, những tôi tớ khiêm hạ đã tha thiết khấn xin Chúa một cách chân thành.

Sức mạnh lời cầu nguyện đem lại sự bình an

Đức Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả các tổ phụ trong Thánh kinh như những “sứ giả hòa bình”. ĐTC nói: Khi lời cầu nguyện đơn thành có thể giải thoát ta khỏi bản năng bạo lực. Đức Đức Thánh Cha giảng giải thêm “Lời cầu nguyện đích thực là hướng đôi mắt ta về Thiên Chúa, khấn xin Ngài hoán cải trái tim con người, làm trổ sinh hoa trái sinh nơi hoang địa của lòng thù hận do con người gieo rắc...

Cầu nguyện là hạt giống của sự sống và của sự tâm giao cùng Thiên Chúa

Sau đó Đức Thánh Cha chia sẻ một câu chuyện liên quan đến một người đứng đầu chính phủ, ông ta tự nhận là một người vô thần.

Ông ấy chia sẻ, ông ấy không tin có tôn giáo, nhưng ông ấy nhớ khi còn nhỏ, ông cứ nghe bà ngoại ông cầu nguyện… Và vào một thời điểm khó khăn, ông ta nhớ lại lời cầu nguyện ấy và ông ấy bắt đầu cầu nguyện bằng những lời mà bà ngoại của ông đã hằng cầu xin...

Và Đức Thánh Cha nói, ông ấy đã tìm gặp Chúa Giêsu; thật lời cầu nguyện là một chuỗi hạt sống. Được gợi ý từ câu chuyện này, Đức Thánh Cha minh chứng rằng cầu nguyện là hạt giống của cuộc sống và là lý do tại sao việc dạy trẻ cầu nguyện là rất quan trọng.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài thấy đau lòng khi nhìn thấy nhiều trẻ em không biết đến làm dấu thánh giá! Đức Thánh Cha kêu gọi cha mẹ hãy dạy cho con cái biết cầu nguyện: dẫu biết rằng chúng có thể quên, và đi theo một con đường khác; nhưng chúng ta tin rằng hạt giống đó vẫn ở trong tâm lòng các em, đó là hạt giống của sự sống, hạt giống của đời tâm giao với Thiên Chúa.

Cầu nguyện biến đổi trái tim bằng đá thành một trái tim xác thịt

Đức Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích vì lý do này mà xuyên suốt lịch sử, những người nam nữ khấn xin - thường bị hiểu lầm hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội – lại không ngừng cầu xin cho thế giới, khẩn cầu Thiên Chúa chữa lành và thương giúp thế giới thăng tiến... Đức Thánh Cha xác quyết: Thế giới chúng ta sống và phát triển nhờ vào sức mạnh của những lời cầu nguyện của những con người thành tâm khẩn cầu Thiên Chúa giáng phúc…

Đức Thánh Cha kết thúc bài Giáo lý của mình bằng xác tín rằng chính nhờ những tôi tớ trung kiên này mà đừng lối của Chúa và sứ điệp của Thiên Chúa được lưu truyền cho một nhóm nhỏ ‘còn sót lại của nhân loại’, những người đã cầu xin Thiên Chúa thay đổi trái tim chai đá của họ thành trái tim xác thịt của người thiện tâm…

Vietcatholic News

12 Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 12

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 12
Vũ Văn An
 
3.3. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thánh Thể

a) Nền tảng Kinh Thánh

102. Điều xảy ra trong Bữa Tiệc Ly (Mt 26: 26-29; Mc 14: 22-26; Lk 22: 14-23 Hồi 1 Cô 11: 23-26) luôn được coi là việc thiết lập ra Bí tích Thánh Thể. Thêm vào những câu truyện căn bản này là những câu truyện khác trong đó Giáo hội nhìn thấy một phương hướng chung của Thánh Thể: câu truyện nhân thừa các ổ bánh (Mc 6: 30-44 và tương tự; 8: 1-10 và tương tự; Ga 6: 1-14); lời khuyên răn cộng đồng Côrintô của Thánh Phaolô (1 Cr 10-11); hoặc tình tiết kết thúc cuộc gặp gỡ trên đường Emmau với Đấng Phục sinh (Lc 24: 30-31; 35). Do hiệu lực của lệnh truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24, xem 25; Lc 22:19), ngay từ đầu (thí dụ, Cv 2:42, 46; 20: 7; 27: 35) cho đến tận ngày nay, nơi nào có các Kitô hữu và Giáo hội, Bí tích Thánh Thể đều được cử hành, như lễ tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa cho đến khi Người trở lại, như hồng phúc cứu rỗi của Người cho “nhiều người”, cho mọi người (Rm 5: 18-19; 8:32).

103. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cô đọng ý nghĩa trọn cuộc đời Người, cái chết sắp tới và sự phục sinh trong tương lai của Người để trao cho các môn đệ như một tưởng niệm và một dấu hiệu nổi bật về tình yêu của Người. Vì lý do này, những gì đã xảy ra ở đó và việc tưởng nhớ bí tích Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người cho thấy một tính cô đọng phi thường. Trong Bí tích Thánh Thể, Giáo hội cử hành việc hiện tại hóa và hiện thực hóa hồng ân hy sinh của Chúa Kitô dành cho tất cả chúng ta lên Chúa Cha. Trong Bí tích Thánh Thể, khi tạ ơn Chúa Cha “nhờ Chúa Kitô, với Người và trong Người” [115] được làm cho hiện diện nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội kết hợp với Chúa Kitô, liên kết với Người và trở thành Thân thể của Người. Vì lý do này, có thể khẳng định đúng sự thật rằng Giáo hội được sinh ra từ Bí tích Thánh Thể [116]. Vì Bí tích Thánh Thể tập hợp chính yếu tính đời sống của Chúa Kitô và do đó, chính yếu tính đời sống của Kitô hữu, nên nó vừa là nguồn vừa là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (SC 10; LG 11).

b) Đức tin và bí tích Thánh Thể

104. [Đức tin Ba Ngôi]. Mỗi cử hành Thánh Thể đều bắt đầu “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”: với một lời nhắc nhở công thức rửa tội, và Kinh Tin Kính Ba Ngôi xuyên suốt và thấm nhiễm toàn bộ cuộc cử hành. “Yếu tố đầu tiên của đức tin Thánh Thể là chính mầu nhiệm Thiên Chúa, tình yêu Ba Ngôi” [117]. Vì trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bước vào hiệp thông sự sống với tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như dấu hiệu lớn nhất tình yêu của Người, Chúa Cha đã ban Con của Người để cứu rỗi chúng ta; Chúa Con, ngược lại, đã tự hiến thân trong “quyền năng của Thần Khí vĩnh cửu” (Dt 9:14). Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người dự phần vào dòng suối yêu thương này, vốn cố hữu trong tình thân mật thần linh. Chúng ta dâng lời ngợi khen tốt nhất có thể có lên Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Chúa Kitô trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần, như đã được tuyên bố long trọng bởi bài tụng ca được dùng để kết thúc lời nguyện Thánh Thể. Việc tạ ơn Chúa Cha qua Chúa Con đã được ban cho chúng ta và nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần được đánh dấu bằng lời ngợi khen bao gồm việc đích thân làm chứng trong cuộc sống hàng ngày.

105. [Tính thống nhất của đức tin và đức ái]. Hành vi sám hối, nằm ở đầu cử hành Thánh Thể, nói lên sự cần thiết của mọi tín hữu chân thành trong việc lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình, để có thể bước vào hiệp thông với Thiên Chúa. Hơn nữa, hành vi sám hối nhấn mạnh đến tính không thể tách biệt giữa việc hiệp thông theo chiều dọc với Chúa Kitô, Đấng mà sự hiến mình sẽ được tưởng niệm ngay sau đó (anamnesis), và việc hiệp thông theo chiều ngang với các Kitô hữu khác và, qua nó, với tất cả mọi người. Đức tin Thánh Thể đích thực luôn là một đức tin tích cực thông qua đức ái (x. Gl 5: 6). Trong Bí tích Thánh Thể: “Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận thực sự hợp nhất với nhau: Thiên Chúa nhập thể kéo mọi người chúng ta vào chính Người. Nhờ thế, chúng ta hiểu agape (đức ái bậc nhất) cũng trở thành một hạn từ chỉ Bí tích Thánh Thể: ở đó, agape của Thiên Chúa đến với chúng ta bằng thân xác, để tiếp tục công trình của Người trong chúng ta và thông qua chúng ta” [118].

106. [Đức tin như một đáp ứng Lời Thiên Chúa]. Kể từ thế kỷ thứ mười một, cùng một Kinh tin kính dùng để kết thúc nghi thức rửa tội đã trở thành một phần cố định của cử hành Thánh Thể Chúa nhật và ngày lễ trọng. Lời tuyên xưng đức tin này vừa là một đáp ứng Lời Chúa vừa là một biểu hiện của sự hợp nhất giữa các tín hữu. Qua đức tin lúc công bố Lời Chúa, chúng ta nghe tiếng nói của Chúa Kitô [119]. Chiều kích tiên tri của đức tin cũng xuất hiện. Một Lời mạnh mẽ, có khả năng biến đổi thế giới, hệt như xảy ra tại tâm điểm việc cử hành Thánh Thể với các của lễ hiến dâng và cộng đoàn cử hành. Cuộc biến đổi cánh chung đã bắt đầu như thế, một cuộc biến đổi mà Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô, vốn là một dự ứng.

107. [Chiều kích Thần khí của đức tin]. Bản chất Thần khí (pneumatic) của các bí tích xuất hiện một cách hết sức rõ ràng trong cử hành Thánh Thể. Trong nghi lễ Latinh hiện nay, có hai lời cầu xin Chúa Thánh Thần (epiclesis). Đầu tiên là trên các của lễ, sẽ biến thành thân thể ban cho và máu đổ ra của Chúa Giêsu Kitô. Thứ hai là trên cộng đoàn, một cộng đoàn, ngược lại, cũng trở thành nhiệm thể Chúa Kitô, bước vào hiệp thông sống động với tất cả các thánh. Chúng ta thấy sự hiệp thông này trong khúc ca long trọng Thánh Thánh Thánh (sanctus), trong đó các giọng hát trên trời và dưới đất kết hợp với nhau trong lời ca ngợi chung. Do đó, trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta tham gia vào phụng vụ trên trời (x. SC 8). Thành thử, chiều kích Thần khí của đức tin giáo hội đóng một vài trò rất thực chất trong Bí tích Thánh Thể và làm rõ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi cả tín hữu lẫn thực tại trần gian, để nâng họ lên và dẫn họ đến sự hiệp thông và ngợi khen Thiên Chúa.

108. [Đức tin như sự sùng kính đối với Mầu nhiệm]. Sau những lời truyền phép, chủ tế công bố: “Mysterium fidei" (Mầu nhiệm Đức tin) [120]. Lời tung hô long trọng này đồng thời là một lời khẳng định, một lời loan báo và một lời mời ngỏ với mọi người. Vì Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, nên nếu không có đức tin, ta không thể hiểu và không thể cử hành nó. Lời tung hô này minh chứng rằng chân lý bí tích của những gì đang được cử hành, các hình bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, thực sự là một mầu nhiệm đức tin. Con mắt đức tin tri nhận Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu thành Nadarét thế nào, thì cùng đôi mắt đó giờ đây cũng tri nhận sự hiện diện bí tích của Chúa Giêsu Kitô như vậy [121]. Ta biết được mầu nhiệm Chúa Kitô nhờ mặc khải (x. 1Cr 2: 7-11; Cl 1: 26-27; 2: 2; Eph 1: 9; 3: 3, 9) và đức tin.

109. [Đức tin như sự công nhận nhiệm cục bí tích]. Trong lời đọc Kinh nguyện Thánh Thể cách long trọng, các cột mốc vĩ đại của nhiệm cục bí tích được nhắc nhớ trong lời tạ ơn và khẩn cầu: từ lúc sáng thế cho đến ngày tận cùng cánh chung. Đặc biệt, chúng ta nhớ đến hồng phúc Chúa Giêsu trên Thập giá, sự Phục sinh của Người và ý nghĩa mà chính Chúa đã dành cho cái chết cứu chuộc của Người trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly. Đức tin vào toàn bộ nhiệm cục thần linh được đào tạo và củng cố trong phụng vụ Thánh Thể.

110. [Chiều kích cánh chung của đức tin]. Trong việc cử hành bí tích mầu nhiệm, quá khứ, tưởng nhớ những gì đã xẩy ra, hiện tại, việc hiện tại hóa, hay việc hiện thực hóa những gì đã xảy ra, và tương lai, dự ứng sự viên mãn sau cùng mà chúng ta đang chờ đợi, đã gặp nhau [122]. Sự mới lạ cánh chung được khai mở bởi Ngôi Lời qua việc nhập thể, sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người đã bắt đầu được hiện thực hóa trong việc Kitô hóa cộng đoàn và thế giới diễn ra trong Bí tích Thánh Thể.

111. [Đức tin và việc hiệp thông với Chúa Kitô]. Sự hiệp thông, như chính tên của nó cho thấy, nói lên sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, một điều không thể có nếu không có đức tin. Người ta không thể hiệp thông mật thiết với ai đó bằng cách phớt lờ họ hoặc chống lại ý chí của mình. Đức tin biết đáp ứng các hồng ân Thánh Thể bằng chữ “amen” có liên quan đến việc chuẩn bị không những để lãnh nhận bí tích, mà còn để đại diện cho nó nữa. Cùng diễn ra với sự hiệp thông với Chúa Kitô này là việc thánh hóa bản thân người Kitô hữu, đi kèm với việc hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Sự thánh hóa này nhất thiết ngụ hàm việc sai đi.

112. [Đặc điểm truyền giáo của đức tin]. Việc sai đi cuối cùng mà với nó, Bí tích Thánh Thể kết thúc, “Ite, missa est” (Lễ xong, anh chị em ra đi bằng an) [123] giả thiết phải quay trở về với cuộc sống bình thường trong tinh thần truyền giáo, làm cho sự sống đã lãnh nhận trong bí tích hiện diện trong cộc sống bình thường này, và trở thành một Bí tích Thánh Thể cho thế giới theo hình ảnh Chúa Kitô và theo cung cách riêng của Người. Thật vậy, trong hiến lễ Thánh Thể, không những Chúa Giêsu Kitô tự hiến mình Người, mà mọi tín hữu tham dự Bí tích Thánh Thể cũng hiến mình cùng với Chúa Kitô (x. SC 48; LG 11; Rm 12: 1). Việc dâng hiến bản thân, việc chấp nhận được sai đi và việc thi hành nó không thể diễn ra mà không có đức tin. Mọi sự tín hữu Kitô giáo lãnh nhận trong bí tích: tha thứ các tội nhẹ, lặp lại phép rửa tội, rao giảng Lời Chúa, hiệp thông với Chúa Kitô và biến đổi thành thân thể của Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, hàm ngụ một cuộc củng cố giúp họ, giờ đây, nhờ được Kitô hóa, làm chứng cho đức tin trong thế giới và biến đổi thực tại theo kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, sau biến cố lãnh nhận hồng phúc của Chúa Cha, nhờ hồng ân của Chúa Con nhận được trong Chúa Thánh Thần, một việc diễn ra trong mỗi Bí tích Thánh Thể, Kitô hữu được minh nhiên sai đi truyền giáo vào cuối buổi cử hành.

113. [Củng cố đức tin bản thân]. Đức tin của tín hữu được làm phong phú và củng cố nhờ sự hiệp thông mật thiết với Chúa Kitô. Tư cách Giáo Hội của người tham gia Bí tích Thánh Thể, việc họ được lồng vào thân thể hữu hình của Chúa Kitô, được hiện thực hóa và tăng cường. Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô có tầm cỡ đến nỗi Thánh Augustinô nói với các tín hữu: “Nếu bạn là chi thể của thân thể Chúa Kitô, thì mầu nhiệm của bạn nằm ở bàn tiệc của Chúa... Hãy trở thành điều bạn thấy và lãnh nhận điều bạn là” [124]. Nói tóm lại, trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Bí tích Thánh Thể giả thiết phải có cách hiện diện mãnh liệt nhất của Chúa Kitô giữa chúng ta, vì đó là một sự hiện diện đích thực, có tính xác thịt và bổ dưỡng [125]. Vì lý do này, việc tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể theo quan điểm đức tin hàm nghĩa một hiệp thông tối đa với Chúa Kitô.

114. [Xây dựng cơ thể Giáo hội]. Trong Bí tích Thánh Thể, không những đức tin cá nhân của tín hữu được củng cố, mà trong đó, Giáo hội cũng được hạ sinh [126]: Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho Giáo Hội trong lễ hy sinh như cho Người phối ngẫu yêu dấu của Người, đã tạo nên Giáo Hội trong thân thể Người [127]. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội, sự chia sẻ của cùng một đức tin nhận được, được diễn tả qua sự hiệp thông Thánh Thể theo một truyền thống rất cổ xưa. Giáo hội tự mình là thân thể Chúa Kitô, được cấu thành như vậy bởi thiết kế thần linh, nhờ vào hành động bí tích Ba Ngôi. Thân thể này thể hiện điều nó là khi công bố đức tin đã nhận được, thánh hóa lịch sử, ca hát những lời ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi và dấn thân vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm.

115. [Bí tích Thánh Thể: Biểu thức lớn nhất của đức tin bí tích]. Do đó, chúng ta có thể kết luận bằng cách khẳng định rằng: “Đặc tính bí tích của đức tin tìm được biểu thức cao nhất của nó trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một của nuôi dưỡng quý giá cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu của Người, hồng phúc trao ban sự sống của chính Người [128].

116. [Sự cần thiết của đức tin để tham dự việc cử hành Thánh Thể]. Lời khuyên của Thánh Phaolô với các Kitô hữu tại Côrintô đặc biệt mang tính giáo huấn. Người nào can dự vào tác phong thờ ngẫu tượng thì không thể dự phần vào Mình hay Máu Chúa Kitô (1 Cr 10: 14-22). Sự hiệp thông với “Bàn tiệc Chúa” không những đòi phải được khai tâm vào đức tin Kitô giáo và trở thành chi thể của Thân thể Chúa Kitô, mà còn là việc phải nhất quán cuộc sống mình với điều có ý nghĩa ở đó nữa. Cũng thế, một tác phong không nhất quán với đức tin Kitô giáo cũng như các chia rẽ trong cộng đồng và việc thiếu bác ái đáng kể đối với anh em (1 Cr 11:21) là không tương hợp với “việc ăn Bữa Tối của Chúa” (1 Cr 11:20). Điều này bắt buộc chúng ta phải biện phân xem chúng ta có sống hay không trong đường hướng, về cơ bản, phù hợp với những gì đang được cử hành (1 Cr 11:29). Nói tóm lại, việc tham dự Thánh Thể đòi một đức tin sống động, được phát biểu bằng đức ái và việc từ bỏ các ngẫu thần. Triết lý thực hành Thánh Thể đòi cả việc thực thi đức ái, lẫn việc phù hợp tín lý và được lồng vào giáo hội.

117. Định chế đền tội của Giáo hội cổ xưa loại trong một thời gian khỏi việc hiệp thông Thánh Thể (chứ không phải khỏi Giáo hội) các tín hữu nào công khai từ bỏ đức tin của mình, hoặc đã vi phạm Kinh tin kính và các quy tắc của cuộc sống do Giáo hội quy định. Sau một cuộc xưng tội công khai, tội nhân, vì bị biến thành một tai tiếng công khai, nên đã bị trục xuất khỏi việc hiệp thông Thánh Thể trong một thời gian (tuyệt thông), và sau đó, được nhận lại một cách long trọng sau khi đã hoàn thành việc đền tội (hòa giải). Như thế, điều trở nên rõ ràng là việc đền tội không những được sử dụng cho sự hòa giải của tội nhân với Chúa Kitô, mà còn được sử dụng cho việc thanh tẩy Giáo hội nữa. Hối nhân hiểu mình là viên đá của một Giáo hội vốn là ánh sáng của thế giới. Khi nó không còn như vậy vì một tội lỗi công khai, điều trở nên cần thiết một cách nào đó là loại bỏ nó (tuyệt thông), “sửa chữa nó” qua việc đền tội và đưa nó trở lại vị trí cũ (hòa giải)[129]. Mặc dù có sự thay đổi trong cách thức việc đền tội được cử hành, không còn công khai nữa, nhưng nền thần học căn bản vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, ngày nay mối tương quan qua lại chặt chẽ này giữa việc đền tội và Bí tích Thánh Thể đã trở nên mờ nhạt trong nhiều môi trường thực hành.

Kỳ sau: c) Các vấn đề hiện thời
 
Vietcatholic News

11 Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 11

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 11
Vũ Văn An
 
3.2. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thêm sức

a) Nền tảng Kinh Thánh và Lịch sử

95. [Nền tảng Kinh Thánh].

Giống như bí tích rửa tội, bí tích thêm sức cũng có nền tảng trong Kinh thánh. Thần khí này, như chúng ta đã nói, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu (xem § 83). Thần khí này cũng chiếm một vị trí nổi bật trong đời sống Kitô hữu. Các môn đệ sẽ được mặc “quyền năng từ trên cao” (Lc 24: 46-49; Cv 1: 4-5, 8) trước khi họ trở thành các nhân chứng của Đấng Phục sinh. Theo Công vụ, Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ (Cv 2: 1-11) và nhiều người khác, kể cả người ngoại giáo (Cv 10:45), những người đã loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô và Tin mừng (Cv 2:43; 5 : 12; 6: 8; 14: 3; 15:12; xem Rm 15:13). Đấng Bảo trợ đã được hứa ban (Ga 14:16; 15:26; 16: 7) giúp các môn đệ tiến bộ trong đời sống đức tin của họ và làm chứng cho nó trước thế giới. Trong một số đoạn, đã có sự phân biệt giữa việc lãnh nhận bí tích rửa tội và việc tuôn đổ Thánh Thần sau đó, liên kết với sự can thiệp của các tông đồ qua việc đặt tay lên các Kitô hữu vốn đã sống đức tin của họ (Cv 8: 14-17; 19: 5-6; Dt 6: 2). Chúng ta có thể phân biệt thời khắc Phục Sinh với Lễ Ngũ Tuần thế nào, thì trong đời sống của Kitô hữu, những người vốn được lồng vào nhiệm cục bí tích, cũng có hai khoảnh khắc riêng biệt nhưng được nối kết qua lại với nhau: phép rửa, làm nổi bật cấu hình Phục sinh và phép thêm sức, trực tiếp nhắc đến lễ Ngũ tuần nhiều hơn, do việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần, để đuợc tháp nhập hoàn toàn vào sứ mệnh giáo hội. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, cả hai khía cạnh đều diễn ra trong một cử hành chung đơn nhất.

96. [Nền tảng lịch sử]. Từ thời cổ xưa, một loạt các nghi thức sau khi rửa tội đã được công nhận, không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ ràng với chính phép rửa tội, chẳng hạn như đặt tay, xức dầu bằng dầu thánh và làm dấu thánh giá [109]. Giáo hội luôn chủ trương rằng những nghi thức sau rửa tội này là một phần của khai tâm Kitô giáo trọn vẹn. Với thời gian và sự gia tăng số các Kitô hữu, Đông phương đã duy trì tính thống nhất liên tiếp của phép rửa, phép xức dầu thánh (chrismation) và phép Thánh Thể đầu hết, do linh mục trao ban, mặc dù chỉ có giám mục mới có trách nhiệm làm phép dầu. Tuy nhiên, ở Tây phương, việc xức dầu bằng dầu thánh được dành riêng cho giám mục [110], là vị, trong nhiều thế kỷ, cho đến khi Đức Piô X can thiệp vào năm 1910 [111], đã cử hành trong chuyến viếng thăm của ngài, trước khi rước lễ lần đầu. Ngay từ đầu thế kỷ thứ IV, tại Công đồng Elvira (khoảng năm 302), sự khác biệt và khoảng cách về thời gian giữa phép rửa tội và phép thêm sức được công nhận [112].

b) Đức tin và Bí tích Thêm sức

97. Trong nghi thức Thêm sức, các tuyên hứa từ bỏ và việc tuyên xưng đức tin lúc rửa tội được lặp lại. Điều này đánh dấu tính liên tục của chúng với bí tích rửa tội cũng như sự cần thiết của nó phải diễn ra trước. Tính đặc biệt của phép thêm sức nằm ở yếu tố kép liên quan đến đức tin. Trước hết, một sự gắn bó trọn vẹn hơn và một “sức mạnh đặc biệt” của Chúa Thánh Thần (LG 11), như nghi thức đã cho thấy: “N., hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” [113]. Thứ hai, phép thêm sức ngụ ý “một mối liên kết gần gũi hơn với Giáo Hội” (LG 11). Như vậy, tính giáo hội của đức tin được tái khẳng định. Do đó, đức tin rửa tội được củng cố theo nhiều hướng. Đó là một đức tin được bố trí nhiều hơn để làm nhân chứng công khai cho đức tin giáo hội; đó là một đức tin mạnh mẽ hơn và được xác minh thuộc về giáo hội; đó là một đức tin tích cực hơn, vì phù hợp hơn nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tiếp theo sau lần lãnh nhận Chúa Thánh Thần đầu tiên trong phép rửa tội. Những khía cạnh này biểu thị một sự trưởng thành của đức tin so với đức tin thoạt đầu cần cho bí tích rửa tội. Không có những chuẩn bị đức tin này, bí tích có nguy cơ chỉ là một nghi thức trống rỗng.

98. Sự hiện diện của giám mục, thừa tác viên “nguyên thủy” của phép thêm sức (LG 26), nói lên một cách nhấn mạnh bản chất giáo hội của bí tích này. Việc kết hợp với Giáo hội được thêm vào việc kết hợp với Chúa Thánh Thần. Việc tham dự vào phép Thêm sức là dấu hiệu và phương tiện của việc hiệp thông giáo hội. Phép thêm sức được cử hành bởi giám mục địa phương cổ vũ sự hợp nhất thiêng liêng giữa giám mục và Giáo hội địa phương. Người lãnh nhận phép thêm sức được tháp nhập vào Giáo hội, góp phần xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô (xem Êph 4:12; 1 Cr 12). Ngoài ra, nó củng cố đời sống Kitô hữu của họ, vốn đã bắt đầu với phép rửa tội. Nhờ ơn phúc mới của Chúa Thánh Thần, họ được trang bị tốt hơn để trở thành nhân chứng sống động cho đức tin đã nhận lãnh, giống như điều đã xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần.

c) Các vấn đề hiện nay

99. Vị trí hiện nay của Bí tích Thêm sức ở Tây phương là do hoàn cảnh lịch sử và mục vụ hơn là các lý do thần học đúng nghĩa hay các lý do xuất phát từ tính chuyên biệt của bí tích. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, nhịp điệu nguyên thủy và nhất quán hơn về thần học được duy trì: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Mặc dù bí tích Thêm sức cung cấp khả thể tiếp tục giáo huấn trong đức tin, được lồng vào Giáo hội và bản thân hóa quyết định mà cha mẹ và các người đỡ đầu đã đảm nhận nhân danh đứa trẻ, người ta không thể chờ mong nó giải quyết được các khó khăn của thừa tác vụ giới trẻ cũng như sự bất mãn của người trẻ, từng được rửa tội lúc ấy, đối với giáo hội định chế và đức tin. Bất chấp các nỗ lực đáng khen và sự kiện đôi khi nó ngụ ý việc tái khám phá một đức tin trưởng thành hơn, nhưng với việc chuyển sang một thống thuộc có ý thức và trưởng thành hơn, trong không ít trường hợp, người trẻ trải nghiệm việc cử hành phép thêm sức như là chiếc chìa khóa dẫn họ vào việc tốt nghiệp đại học: một khi đã lấy được bằng cấp, họ thấy không cần phải quay trở lại lớp học nữa. Nhiều người khác chỉ đơn giản hiểu phép thêm sức như một điều kiện cho các bước tiếp theo, chẳng hạn như hôn nhân, mà không hề nắm được những gì của riêng bí tích này, bị làm mờ nhạt trong cảm quan của nhiều tín hữu.

d) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho bí tích thêm sức

100. Tầm quan trọng của phép rửa đã được duy trì vững vàng với nhiều kiên trì, cũng như khía cạnh thần học của nó. Việc hoãn chịu phép thêm sức, nơi nó bị trì hoãn trong một thời gian dài, hoặc thậm chí không được ban phát, đã gây khó khăn cho việc đánh giá vị trí của nó trong việc khai tâm Kitô giáo, như một bí tích của Chúa Thánh Thần và của Giáo hội, những yếu tố căn bản trong việc khai tâm Kitô giáo. Một Giáo hội truyền giáo được tạo thành từ các Kitô hữu đã được thêm sức, những người, với quyền lực của Chúa Thánh Thần, lãnh trách nhiệm hoàn toàn đối với đức tin của mình. Hợp luận lý ra, Kitô hữu nào cũng muốn trở thành bí tích của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao họ được tháp nhập hoàn toàn vào Giáo hội và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần qua dầu thánh và việc đặt tay, nếu nó không được lãnh nhận cùng với phép rửa tội. Chúa Kitô lãnh nhận phép xức dầu của Chúa Thánh Thần khi Người ra khỏi nước thế nào, thì Kitô hữu, người vốn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cũng hoàn tất hành trình đức tin của họ trong Chúa Thánh Thần như vậy, sau khi được củng cố bởi phép thêm sức [114].

101. Trong khai tâm Kitô giáo người lớn, đức tin cần thiết cho phép thêm sức trùng khớp với đức tin cần thiết cho phép rửa tội. Trong trường hợp trì hoãn việc lãnh nhận cả hai bí tích, đức tin rửa tội sẽ chín mùi theo nhiều hướng. Sự tiến bộ sẽ được thực hiện trong việc đích thân biến thành của mình đức tin của giáo hội và trong cảm thức thuộc về. Điều này ngụ ý một kiến thức tốt hơn, một khả năng lớn hơn trong việc giải trình đức tin giáo hội và một cuộc sống phù hợp với nó một cách thỏa đáng. Cũng có nẻo đường liên hệ bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt qua cầu nguyện. Một cách dứt khoát hơn, đức tin sẽ định hình lịch sử đời mình, sau khi đã thực hiện cuộc hành trình theo chân Chúa Kitô trong Giáo hội. Phép thêm sức hàm ngụ mong ước và quyết định tiếp tục đi trên nẻo đường này; nhờ việc biện phân do Chúa Thánh Thần soi sáng, họ tìm được con đường thích đáng để theo Chúa Giêsu và làm chứng cho Người. Chìa khóa đạt điều này là mối liên hệ bản thân sâu sắc với Chúa nhận được nhờ cầu nguyện, một mối liên hệ dẫn họ đến việc làm chứng, thuộc về giáo hội và chuyên chăm thực hành bí tích. Nhiệm cục bí tích không đóng lại với lễ Phục sinh, nhưng bao gồm Lễ Ngũ tuần thế nào, thì việc khai tâm Kitô giáo cũng không đóng lại với phép rửa tội như vậy. Nếu đã có một giai đoạn chờ đợi và chuẩn bị để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, được dẫn đầu bằng việc cầu nguyện (xem Cv 1:14), thì việc dạy giáo lý thỏa đáng để lãnh nhận phép thêm sức, mà không quên các yếu tố khác, - tín lý, luân lý-, mang đến cơ hội để thâm hậu và bản thân hóa mối liên hệ với Chúa qua cầu nguyện.

Kỳ sau: 3.3. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thánh Thể

Vietcatholic News