Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

8 Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 8

 Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 8

Vũ Văn An
 

2.6 Tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội

Việc Giáo Hội Công Giáo bác bỏ tập tục của Giáo hội Chính Thống không hẳn do các ý niệm khác nhau về lỏng lẻo hay nghiêm ngặt, nhưng đúng hơn do một ý niệm phát triển hơn về bí tích, một ý niệm trùng hợp với chính suy tư trung cổ, mà dựa vào đó, việc bàn về các bí tích đã được khai triển sâu sắc hơn. Đó là điều đã được đề nghị một cách không dè dặt với người Đông Phương ở hai công đồng nhằm hợp nhất, tức, công đồng Lyons lần thứ hai (1274) và Công Đồng Florence (1442) (57). Tham chiếu minh nhiên nhất cho thấy xu hướng muốn ngăn cấm bất cứ loại kết hợp nào sau khi ly thân tìm thấy trong lời tuyên xưng đức tin do Michael Paleologus đề nghị tại công đồng thứ nhất trong số Công Đồng này (58).

Bản chất các bí tích là điều hướng dẫn suy tư mục vụ của Giáo Hội, theo nghĩa: Giáo Hội không có toàn quyền đối với chúng. Giáo Hội tiếp nhận các bí tích từ Phu Quân của mình và là người quản lý chúng, chứ không phải người sở hữu; thành thử, “không ai tra vấn tính bất khả tiêu của cuộc hôn nhân bí tích đã được kết ước và hoàn hợp (ratum et consumatum)” (59), một câu phát biểu mà Đức Gioan Phaolô II gọi là tín lý đã định tín: “như thế, điều xem ra khá rõ ràng là việc không trải dài quyền lực của Giám Mục Rôma tới các cuộc hôn nhân bí tích đã kết ước và hoàn hợp đã được huấn quyền Giáo Hội giảng dạy như một tín lý phải tin một cách dứt khoát” (60). Không thể gọi chủ đề này chỉ như một miễn chước đơn thuần về phía hàng giáo phẩm, vì đó là quan điểm quá ư có tính pháp lý và phi bí tích về bản chất Giáo Hội.

Bất cứ thay đổi nào được đưa vào để giải quyết tư thế của người ly dị và tái hôn phải đầu tiên cho biết rõ ý nghĩa sâu xa của bí tích hôn phối, một bí tích đặc biệt và quả tình là một phần của gia bảo tín lý của Giáo Hội. Do đó, đề nghị thay đổi trong vấn đề này đòi hỏi một việc biện phân tín lý hết sức sâu sắc; bất cứ mưu toan nào che dấu việc này hay gán cho nó tầm quan trọng bậc nhì đều trái với truyền thống của Giáo Hội trong một khía cạnh chủ yếu của đức tin (61).

Chắc chắn, có nhiều vấn đề mới cần nghiên cứu, vì trong nhiều năm nay, hôn phối chỉ được xem xét qua loa so với các bí tích khác. Một việc đánh giá đổi mới đối với chiều kích mầu nhiệm của các bí tích, vượt quá việc hộ giáo, liên quan tới lúc thiết lập chúng, đã giúp các nhà thần học khả năng thăm dò các phương thức mới và rất hứa hẹn, mà Thượng Hội Đồng có thể xem xét khi xem lại chủ đề chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Hôn phối là bí tích độc đáo do việc nó đâm rễ vào trật tự tạo thế và giá trị của nó như một nhân chứng đối với việc chuộc tội cõi lòng từng làm cho nó khả hữu (62).

2.7 Ơn thánh của dây ràng buộc bất khả tiêu như nguồn sự sống

Nẻo đường chúng ta vạch ra trên đây khác với nẻo đường Đức Hồng Y Kasper chỉ ra trong cuốn sách nhỏ của ngài, nhất là trong các phụ lục, vì, trong số nhiều lý do, cách ngài trình bầy lịch sử bí tích hôn phối khá đặc biệt hay vì ngài thảo luận quan điểm Chính Thống về nhiệm cục bí tích theo cách giống như cách của Häring. Đây có thể là lý do tại sao cách ngài thảo luận sợi dây hôn phối khá yếu và thực sự có xu hướng muốn bị đặt thành nghi vấn. Đó chính là một trong các phương diện bị nhà thần học Chính Thống như Pavel (Paul) Evdokimov thẳng thừng khinh bỉ, khi rõ ràng đề cập đến tính bất khả tiêu: “Tính bất khả tiêu của dây hôn phối không hề có ý thích nào để yêu mến. Vấn đề xuất hiện khi không còn gì để cứu vớt: sợi dây, khởi đầu vốn được tuyên bố là bất khả tiêu, nay tan biến hoàn toàn và luật lệ không thể làm được gì để thay thế ơn thánh: nó không thể hàn gắn hay hồi sinh” (63). Lời lẽ của Đức Hồng Y Kasper cũng nêu lên một hoài nghi tương tự “Người ta không nên hiểu giáo huấn này như một thứ bản vị hữu thể học bên cạnh hay bên trên tình yêu liên ngã của vợ chồng; mặt khác, nó cũng không hoàn toàn tan hòa vào tình yêu cảm tính, hỗ tương của họ, mà nó cũng không chết với nó (GS 48; EG 66)” (64).

Đúng là trong cuốn sách của ngài về hôn nhân, Đức Hồng Y Kasper có tìm cách cung cấp lối giải thích nhân vị cho sợi dây hôn phối khi ngài viết “Người đàn ông và người đàn bà [nghĩa là chồng và vợ] có thể tìm được vị thế dứt khoát của họ trong sự trung thành này. Họ trở nên ‘một thân xác’ hay ‘một’ (St 2:24; Mc 10:8; Eph 5:31); nói cách khác, họ trở nên một ngôi vị ‘chúng ta’. Dây hôn phối trung thành tạo ra một điều vượt quá ngôi vị đơn nhất và buộc lại với nhau lịch sử hai ngôi vị một cách dứt khoát và ở một bình diện sâu thẳm nhất” (65). Tuy thế, khi ngài mô tả giá trị của nó trong bối cảnh một cuộc bút chiến chuyên biệt về người li dị, thì mọi sự xem ra vẫn bị phủ mờ trong hàm hồ, vì ngài kết luận: “Không phát biểu nào thuộc loại này có thể, thật vậy, được làm cho hoàn toàn khách quan. Hiện tượng mà chúng chỉ ra có thể được giải thích nhiều cách và nhiên hậu, tùy thuộc vào lối giải thích dứt khoát” (66).

Việc không dứt khoát vừa nói mở đường cho lối giải thích của Häring, mà dường như đã được Đức Hồng Y Kasper tiếp nhận. Trong bàn luận mục vụ của ngài, Häring theo sát điều đã được nhà thần học Evdokimov nói một cách khá triệt để về ly dị, theo quan điểm Chính Thống. Tác giả người Nga này, dựa vào việc so sánh với sự chết, vốn kết liễu một cuộc hôn nhân, đề nghị danh sách sau đây về các cách trong đó dây hôn phối có thể bị “đứt”: “cái chết của chính chất thể của bí tích yêu thương bởi việc ngoại tình; cái chết tôn giáo bởi sự bội giáo; cái chết dân sự với bản án tù; cái chết thể lý bởi việc vắng mặt” (67).

Trái với điều Đức Hồng Y Kasper tuyên bố lúc đầu, tức là, dây hôn phối không chết với tình âu yếm hỗ tương, trong trước tác của hai tác giả mà chúng ta vừa trưng dẫn, dường như có một điều gì đó như là cái chết của tình yêu; điều này đi trệch ra ngoài ý niệm dấu ấn thần thiêng mà, giống như lửa, ta không thể dập tắt bằng nước sâu và vốn là tiêu điểm của mạc khải trong Diễm Ca (xem Dc 8:6) (68).

Cuối cùng, Đức Hồng Y dường như chủ trương rằng một điều gì đó của bí tích vẫn còn đó, vì ngài (không như các Giáo Hội Chính Thống) nhìn nhận rằng một cuộc hôn nhân khác không thể được cử hành. Nói cho chính xác hơn, ngài chủ trương rất rõ ràng rằng “tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích và việc không thể kết ước cuộc hôn nhân bí tích thứ hai khi người phối ngẫu kia vẫn còn sống là phần trói buộc của truyền thống đức tin của Giáo Hội” (69). Từ đó, giải pháp “không nghiêm ngặt” có thể là cho phép và khoan dung cho cuộc kết hợp thứ hai, một kết hợp, tuy nhiên, không phải là bí tích. Nhờ thế, theo ngài, tính bất khả tiêu vẫn được duy trì (70); cho nên nay chỉ còn vấn đề phải hiểu cuộc hôn nhân mới trong sự tốt lành tự nhiên, bất toàn của nó, dù theo quan điểm của ngài, nó có thể được chấp nhận đầy đủ. Điều này quan trọng để hiểu Đức Hồng Y Kasper sẽ dự kiến giải pháp mục vụ như thế nào để, theo ý ngài, tính bát khả tiêu của tín lý không bị thoả hiệp. Vấn đề là ngài làm như thế một cách đi ngược hẳn lại đặc tính định tín của nhiệm cục Chúa Kitô đã được phát biểu trong các bí tích. Quả là kỳ khôi khi khẳng định hai bậc hôn phối trong cộng đồng Giáo Hội: một cho người hoàn thiện có tính bí tích, và bậc kia cho người bất toàn, hoàn toàn chỉ có tính tự nhiên. Điều này chắc chắn là cách hiểu hoạt động của ơn thánh trong tâm hồn ta!

Cái phao cuối cùng của Đức Hồng Y là nói đến việc tham gia không hoàn hảo của mọi cuộc hôn nhân vào việc kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (71). Thực vậy, luận điểm cuối cùng này cực kỳ yếu ớt. Có nhiều mức độ bất toàn khác nhau và một trong số này là tội bất công. Nếu dây hôn phối là mối tương quan yêu thương đòi có công lý, thì bất cứ hành vi nào đi ngược với nó đều là một bất toàn không thể chấp nhận được, một điều không thể là đối tượng của lòng thương xót cho đến khi có lòng ăn năn vì nó và có sự thay đổi hoàn cảnh ngược với dây hôn phối.

Dĩ nhiên, trước khi thảo luận đề tài này, điều cần là phải nhìn nhận một cách rõ ràng đâu là thực hành thực sự của các Giáo Hội Chính Thống trong lãnh vực này. Không ai dấu diếm sự kiện này: trong hầu hết các trường hợp, chỉ còn là vấn đề chuẩn miễn đơn thuần bằng cách nộp một lệ phí cho Tòa Giám Mục, sau đó, vị Giám Mục Chính Thống sẽ tự động ký cho phép cuộc hôn nhân thứ hai hay thậm chí thứ ba. Đó là điều các Giám Mục và linh mục Công Giáo sống trong những vùng ấy được trải nghiệm hàng ngày; thực tế, điều hết sức rõ ràng là nó đòi trước đó phải có việc ly dị, một điều hoàn toàn xa lạ với viễn kiến cực kỳ tốt đẹp do Đức Hồng Y trình bầy: “Nẻo đường đang bàn sẽ không phải là một giải pháp chung. Nó sẽ không phải là con đường thênh thang cho quảng đại quần chúng, mà là một lối hẹp cho một nhóm nhỏ những cá nhân ly dị và tái hôn trung thực quan tâm tới các bí tích” (72). Chúng tôi sẽ bàn đến khía cạnh này một cách đầy đủ hơn ở chương trong sách này nói về việc chăm sóc mục vụ.

2.8. Cách hiểu của Giáo Hội

Cuộc thảo luận vắn vỏi trên đây rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của các sự thật chủ yếu của mạc khải đang gặp nguy cơ trong vấn đề này. Chắc chắn, ở đây, chúng ta thấy mình đang can dự sâu xa vào một trong các yếu tố thần học chủ yếu của sơ truyền (kerygma) Kitô giáo, và cái hiểu quân bình về điều này có tính nền tảng đối với đời sống thực sự của Giáo Hội.

Do đó, dựa trên trình bày của của chúng tôi, xem ra không có chỗ nào dành cho một “giải pháp mục vụ” đơn thuần theo hướng khoan dung. Vì việc này liên quan đến chính cách hiểu của chúng tôi về dây hôn phối, đây không phải là vấn đề được phép trong một số trường hợp, mà đúng hơn là một khía cạnh ảnh hưởng tới đời sống mọi cuộc hôn nhân vốn cảm nghiệm dây bất khả tiêu như một nguồn ơn thánh, một nguồn sức mạnh mới mẻ để đương đầu với những khoảnh khắc khó khăn, chứng cớ cho thấy sự hiện diện bí tích thực sự của Chúa Kitô trong đời họ. Biến đổi nó thành một điều gì khác, hạ giá nó xuống hàng một trách nhiệm chung tầm thường giữa các người phối ngẫu sẽ là cú đánh khủng khiếp đối với mọi cuộc hôn nhân Kitô Giáo. Đây là một vấn đề quan trọng đến nỗi nó cần được làm cho sáng tỏ tuyệt đối, trên và vượt quá các công bố đơn giản mà không có gì có thể thay đổi.

Cho nên, điều cần là tìm một sự vững chắc chân thực trong các phát biểu của chúng ta vì đây là điều duy nhất đúng đối với mọi khía cạnh liên quan tới cốt lõi của sơ truyền. Trong chiều hướng này, chúng tôi hiểu rằng khó có thể bắt một vấn đề quan trọng như thế lệ thuộc duy nhất một luận điểm thần học như luận điểm chúng tôi vừa trình bày, mặc dù chúng tôi đã tìm cách làm cho nó hết sức chính xác và, dĩ nhiên, dựa vào Huấn Quyền hết sức rõ ràng gần đây. Truyền thống Giáo Hội là điểm tham chiếu cần thiết để xác định vấn đề đã được hiểu ra sao và liệu có căn bản hay không cho một lòng khoan dung “nhiệm cục” Chính Thống hơn điều chúng tôi gán cho nó trong sách này. Chúng ta cần xét xem liệu có chỗ nào để thừa nhận kỷ luật Chính Thống hay không và liệu làm thế có dẫn chúng ta tới một sự thay đổi trong tín lý của Giáo Hội Latinh hay không về dây hôn phối.

Cho nên, điều tuyệt đối cần thiết là tham chiếu Giáo Hội của các Giáo Phụ. Chúng tôi sẽ thảo luận chủ đề này trong chương kế tiếp.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

(1) Xem Tin Mừng Gia Đình (từ đây, tắt là TMGĐ) tr.26: “Thương xót và trung thực thuộc về nhau”.

(2) Như Đức Hồng Y Kasper đã viết trong Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life (từ đây, tắt là Lòng Thương Xót), bản tiếng Anh của William Madges (New York/Mahwah, N.J.: Paulist Press, 2014): “Thiên Chúa hiện xuống với Môsê trong đám mây, như dấu chỉ sự hiện diện mầu nhiệm của Người, và nói lớn với ông: ‘Chúa tể, Chúa tể, Đấng Thiên Chúa hay thương xót (rachum) và nhân từ (henum), chậm nổi giận, và giầu tình yêu bền vững (hesed) và trung thành (emet) (Xh 34:6). Trong cuộc mặc khải tên Người lần thứ ba này, lòng thương xót không những nói lên tính tối thượng và tự do của Thiên Chúa; nó còn nói lên lòng trung thành của Người nữa… Có thể nói, nó đã trở thành Kinh Tin Kính của Cựu Ước”. Đây là một mô tả rất hay về tầm quan trọng của nó, dù vẫn còn thiếu việc xác định mối liên kết của nó với giao ước, một điểm rất nền tảng, như chính Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Dives in misericordia, ngày 30 tháng 11 năm 1980, số 4, chú thích 52: “Trước nhất có hạn từ hesed, chỉ thái độ ‘tốt lành’ sâu xa. Khi điều này đã có giữa hai cá nhân, họ không những muốn điều tốt cho nhau mà thôi; họ còn trung thành với nhau nhờ việc cam kết nội tâm, và do đó cả việc trung thành với chính mình nữa. Vì hesed cũng có nghĩa là ‘ơn sủng’ hay ‘yêu thương’, nên điều này xẩy ra dựa trên chính sự trung thành này… Dù trong Cựu Ước hạn từ hesed được dùng chỉ về Thiên Chúa, nhưng điều này luôn diễn ra trong tương quan với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với Israel”.

(3) Đức Hồng Y Kasper định nghĩa nó như sau trong Lòng Thương Xót, tr.43: “Kiểu nói quan trọng nhất để hiểu lòng thương xót là hesed. Chữ này có nghĩa: lòng tốt, tình bạn, ân huệ đầy yêu thương không đòi công trạng, và cả ân sủng cùng lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi thế, hesed vượt quá cảm xúc và đau đớn đơn thuần trước cảnh khốn cùng của con người; nó chỉ hành động Thiên Chúa tự ý và nhân hậu ngoảnh nhìn con người một cách đầy quan tâm”.

(4) Xem Kasper, Lòng Thương Xót, các tr. 54-55: “Sự tự do tối thượng này không phải là thứ tự do chuyên chế. Nó cũng không nói lên sự lưu ý tự phát, có thể nói như thế, theo bản năng và đầy lo lắng đối với nỗi thống khổ của dân Người. Đúng hơn, nó nói lên lòng trung thành của Người (emet)… Trong Tân Ước, aman được dịch là πιστεύειν nghĩa là tin”.

(5) Xem D. Munos León, Proclamación del Evagelio de S. Juan (Madrid: Edice, 1988) tr.195: “Kiểu nói ‘ơn sủng và sự thật’ trong trường hợp này tương ứng với chữ Hipri hesed we’emet của các Thánh Vịnh ca ngợi sự tốt lành và lòng trung thành, lòng thương xót và dạ trung thành của Thiên Chúa”.

(6) Xem Ignace De la Potterie, La Vérité dans Saint Jean, I, Le Christ et là vérité: L’Esprit et la Vérité (Rome: Biblical Institute Press, 1977).

(7) Xem TMGĐ, tr. 44 “Lòng thương xót liên kết với sự thật, và ngược lại, sự thật liên kết với lòng thương xót”. Đây là lối đặt tựa đề cho một bài báo của Đức Hồng Y Kasper đăng trên L’Osservatore Romano ngày 11 tháng3 năm 2014; bài báo này sau đó đã được lồng vào cuốn sách nhỏ dưới tiêu đề “Nhận Định Kết Thúc về Cuộc Thảo Luận” (các tr. 43-47).

(8) Được trích dẫn trong TMGĐ. Ý nghĩa có thể như sau: “Về phương diện thần học, trọng điểm là thực hiện sự thật trong tình yêu (Ep 4:15), nghĩa là, làm điều đúng, do tình yêu điều hướng” (Lòng Thương Xót, tr. 180).

(9) Xem Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, 29 tháng 6 năm 2009, số 2: “Tôi biết tình yêu đã và đang bị tước đoạt ý nghĩa… Vì thế, cần phải liên kết tình yêu với chân lý không những theo định hướng do thánh Phaolô chỉ dạy: veritas in caritate – chân lý (sự thật) trong bác ái (Ep 4,15), nhưng ngược lại cần phải bổ túc thêm: caritas in veritate – bác ái trong chân lý. Chân lý phải được tìm kiếm, khám phá và diễn đạt trong ‘nhiệm cục’ bác ái, nhưng ngược lại bác ái cũng phải được hiểu, được xác nhận và thực hiện trong ánh sáng của chân lý. Bằng cách này, không những chúng ta phục vụ tình yêu được chân lý soi sáng, mà còn mang lại tính khả tín cho chân lý, chứng minh sức thuyết phục và minh xác của chân lý trong bối cảnh thực tiễn của đời sống xã hội. Đây không phải là vấn đề nhỏ ngày nay, trong bối cảnh văn hóa và xã hội đang tương đối hóa chân lý, ít quan tâm tới chân lý, lại còn không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của chân lý”.

Chiều kích trên được nghiên cứu trong Juan José Pérez-Soba và M. Magdic chủ biên, L’amore principio di vita sociale: “Caritas aedificat” (1Cr 8:1) (Siena: Cantagalli, 2011).

(10) Chủ đề này được thảo luận trong Kasper, Lòng Thương Xót (từ đây, tắt là LTS), các tr. 181-205

(11) Xem Louis Alonso Skokel, Símbolos matrimoniales en la Biblia (Estella: Verbo Divino, 1997).

(12) Sự thật chủ chốt của mạc khải trong Diễm Ca đã được tóm lược như sau bởi G. Ravasi trong Il Cantico dei cantici (Bologna: Edizioni Dehoniane, 1992), tr. 670: “Theo gót nền thần học tiên tri, Israel, một khi đã hồi tâm và được rửa sạch tội lỗi, đã nhận lãnh từ Thiên Chúa lời hứa hẹn về một giao ước bền bỉ, trường cửu. Tình yêu Thiên Chúa siêu việt và chiến thắng sự chết, sự ác, sự hỗn loạn, sự hư vô; nó là ngọn lửa không ai dập tắt nổi”.

(13) DEC 11. Đây là câu kết luận cho cuộc thăm dò Thánh Kinh tại các số 9-10.

(14) Xem Lumen Fidei số 51: “Đức tin sinh ra từ cuộc gặp gỡ với tình yêu nguyên sơ của Thiên Chúa, trong đó sự thiện hảo và ý nghĩa của đời sống chúng ta được bộc lộ rõ ràng; cuộc sống ấy được chiếu sáng tùy theo mức độ tiếp nhận sức mạnh đầy năng động được khai mở bởi chính tình yêu ấy, trở thành lối đi và cách thức hành động trong tình yêu sung mãn”.

(15) Xem Evangelii Gaudium số 36.

(16) Xem Carlos Granados García, La nueva alinaza como recreación: studio exegético de Ez 36, 16-38 (Rome: Analecta Biblica, 2010).

(17) Xem Antonio Sicari, Matrimonio e vergenità nella rivelazione: L’uomo di fronte alla “Gelosia di Dio” (Milan: Jaca Book, 1978).

(18) Điều này đã được công bố trong Đệ Nhị Luật 10:16: “Vậy anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em và đừng cứng lòng nữa”, nhưng đặc biệt trong Đệ Nhị Luật 30:4,6: “Dù anh (em) có bị đuổi xa đến tận chân trời, thì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cũng sẽ tập trung anh (em) từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh (em)… ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cắt bì tâm hồn anh (em) và tâm hồn dòng dõi anh (em), để anh (em) yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, ngõ hầu anh (em) được sống”. Nhưng gốc rễ hành động này là ở Đệ Nhị Luật 30:3: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ đổi vận mạng anh (em), sẽ chạnh lòng thương anh (em)”.

(19) Từ đó có loại suy Thiên Chúa buồn rầu vì tội lỗi con người: xem Đức Gioan Phaolô II, thông điệp Dominum et Vivificantem, 18 tháng 5, 1986, số 39: “Khi mạc khải sự đau đớn vì tội lỗi, không thể tưởng tượng và phát biểu thành lời được, Sách Sáng Thế, trong viễn kiến nhân hình hóa (anthropomorphic) của nó, dường như đã thoáng nhìn thấy ‘chiều sâu thẳm của Thiên Chúa’ và theo một nghĩa nào đó, còn nhìn thấy chính cõi lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội, vốn được Thánh Kinh linh hứng, nên tin và tuyên xưng rằng tội lỗi là một xúc phạm tới Thiên Chúa”. Ý tưởng này đã được khai triển rất hay trong Kasper, Lòng Thương Xót, các tr.117-21.

(20) Xem Alonso Schokel, Simbolos matrimoniales en la Biblia, các tr. 153-78. Trong phần đặt tựa là “Infidelidad y reconciliación” (bất trung và hoà giải), ông dành tầm quan trọng lớn hơn cho việc đạt được sự hoà giải này.

(21) Livio Melina, José Noriega, và Juan José Pérez-Soba, Camminare nella luce dell’amore: I fondamenti della morale Cristiana (Siena: Cantagalli, 2010) tr. 445.

(22) Xem Jan Alberto Soggin, “šūb. Volver” trong Ernst Jenni và Claus Westermann, Diccionario teológico del Antiguo Testamento (Madrid: Ediciones Cristiandad, 1983) 2: 1115: “Không thể hiểu điều này như thể muốn nói mọi sự phải quay về với trạng thái cũ; đúng hơn, nó có nghĩa thế này: việc ‘quay về’ này chỉ là khởi điểm cho một khởi đầu hoàn toàn mới mẻ”.

(23) Xem Friedrich Baumgartel và Johannes Behm, “Kardia” trong Gerhard Kittel và Gehard W. Friedrich, chủ biên, Theological Dictionary of the New Testament, Geoffrey W. Bromiley, 10 cuốn (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1965) III: 605-14.

(24) Theo kiểu nói của Thánh Augustinô, trong De moribus Ecclesiae catholicae 27.53 (PL 32: 1333): “miserum cor faciat condolentis alieno malo” ([lòng thương xót] làm khổ sở cõi lòng người nào biết cảm thương nỗi đau của người khác); Thánh Tôma Aquinô, trong ST II-II, q.30 a. 1 cũng viết rằng “dicitur enim Misericordia ex eo quod aliquis habet miserum cor super miseria alterius” (Lòng thương xót lấy tên misericordia từ việc chỉ cõi lòng cảm thương của một con người đối với nỗi bất hạnh của một người khác).

(25) Xem Mt 9:13; 12:7. Điều này có một ý nghĩa Kitô học; xem Joachim Gnilka, Il Vangelo di Matteo, “Commentario Teologico del Nuovo Testamento, I/I” (Bari: Paideia, 1990) tr. 488. “Tuy nhiên tác phong của Người [Chúa Kitô] đã trở thành gương mẫu. Các môn đệ của Người phải theo gương thôi”.

(26) Xem Luis Sánchez Navarro, Retorno al principio: La revelación del amore en la Sagrada Escritura (Burgos: Monte Carmelo, 2010) tr. 80: “Trong Mátthêu, sự cứng lòng chỉ xuất hiện trong tương quan với ly dị; như thế, nó được trình bầy như một biểu hiện đặc biệt của tinh thần nổi loạn chống lại Giao Ước”.

(27) Xem Kasper, Lòng Thương Xót, tr.111: “Lòng thương xót tranh thủ mọi hữu thể nhân bản cho tới cùng”.

(28) Như đã được Thánh Tôma Aquinô định nghĩa trong ST I-II q.106 a.1: “est gratia Spiritus Sancti, quae datur per fidem Christi” ([đây] là ơn thánh của Chúa Thánh Thần, được ban cho nhờ lòng tin vào Chúa Kitô). Trích dẫn bằng tiếng Latin bởi Kasper trong TMGĐ tr. 4, trong đó, ngài cũng có nhắc đến Evangelii Gaudium 37, mà đoạn văn này cũng trích dẫn ST I-II, q.108, a.1: “principalitas legis novae est gratia Spiritus Sancti, que manifestatur in fide per dilectionem operante” (Luật Mới chủ yếu hệ ở ơn Chúa Thánh Thần, được chứng tỏ bởi đức tin hành động qua tình yêu); câu cuối cùng là một câu trích mặc nhiên Thư gửi tín hữu Galát 5:6.

(29) Xem Kasper, Lòng Thương Sót (LTS) tr.147: “Một hiểu lầm nghiêm trọng khác về lòng thương xót diễn ra nếu, nhân danh nó, ta nghĩ ta có thể làm ngơ giới răn công lý của Thiên Chúa… Người ta không thể khuyên hay cung cấp sự trợ giúp cho một vụ phá thai vì cảm thức thương sót sai lạc… hệt như họ ít có thể, vì thương hại một người bệnh hết thuốc chữa, mà sẵn lòng giúp đỡ để họ tự tử vậy”.

(30) ST I, q.21, a.2 sed contra, trong Bản Phổ Thông, nó là Tv 84).

(31) Cấu trúc của q.21 của Phần Thứ Nhất là thế này: a. 1, công lý; a.2, Sự thật; a.3, Thương xót; a. 4, Mối liên hệ giữa thương xót và công lý.

(32) ST I, q.21 a.3: “repellere miseriam alterius”; xem đã dẫn: “Omnem defectum expellunt” (xua đuổi mọi thiếu xót); ST II-II q.30, a.4: “defectus aliorum sublevet” (cung cấp thiếu sót của người lân cận).

(33) Xem Kaspet, LTS tr.100: “Vì lý do này, Thánh Tôma xác quyết chủ đề nguyên thủy của Thánh Kinh về tín ưu việt của lòng thương xót so với các lối suy nghĩ một chiều thiên về thứ công lý trừng phạt”.

(34) ST I, q.21 a.4: “opus autem divinae justitiae semper presupponit opus misericordiae, et in eo fundatur” (Công trình công lý của Thiên Chúa luôn giả thiết công rình thương xót, và đặt nền tảng trên đó).

(35) ST I-II, q.28 a. 6: “Unde manifestum est quod omne agens,quodcumque sit, agit quamcumque actionem ex aliquot amore” (điều hiển nhiên là mọi tác nhân, bất cứ như thế nào, cũng hành động vì yêu thương).

(36) Thực vậy, trên thực tế, tham chiếu duy nhất mà Đức Hồng Y Kasper đưa ra cho nền thần học tình yêu này là Cha Yves Congar, “Lòng thương xót, phẩm tính tối cao của Thiên Chúa’, La Vie Spirituelle 482 (Tháng Tư năm 162): 380-5. Trên thực tế, bài báo rất ngắn và đơn giản này nói rất ít về bình diện siêu hình này, và lúc nó nói thế (tr. 390), thì chỉ là các trích dẫn Thánh Tôma, vốn là căn bản cho nền siêu hình học tình yêu (xem ST I, q.21 a.3 và 4; Thánh Tôma Aquinô, In Eph., c.2, lec.2; Thánh Tôma Aquinô, Summa contra gentiles, lib.3, c.150; ST I, q.20, a.2; về các trích dẫn này, 2 trích dẫn sau cùng không hề nhắc tới lòng thương xót; câu trích từ Chú Giải Thư Êphêsô có thể được coi như câu kết hợp hai câu đầu với các câu khác. Về các tham chiếu đối với nhiều nghiên cứu của trường phái Tôma, chúng tôi giới thiệu Juan José Pérez-Soba, Amore: introduzione a un mistero (Siena: Cantagalli, 2012), 46-52.

(37) ST II-II. q.30, a.2 ad.1: “Deus non miseretur nisi propter amorem, inquantum amat nos tanquam aliquid sui” (Thiên Chúa không thương xót chỉ vì yêu thương, Người yêu thương ta như yêu thương chính Người).

(38) Xem Thánh Tôma, In Eph., c.2, l.2, no.86: “amor autem quo Deus amat nos, causat in nobis bonitatem, et ideo misericordia ponitur hic quasi radix amoris divini” (tình yêu Thiên Chúa yêu ta tạo ra nơi ta lòng tốt, và do đó lòng thương xót ở đây hiểu như gốc rễ của tình yêu Thiên Chúa).

(39) Xem ST I-II, q.28, a.6, ad.2: “Unde omnis actioquae procedit ex quacumque passione, procedit etiam ex amore, sicut ex prima causa” (Cho nên mọi hành động phát xuất từ bất cứ đam mê nào cũng phát xuất từ tình yêu như thể từ nguyên nhân thứ nhất). Ngài hiểu tác động này như sau trong ST I-II, q.28, a. 2: “amans vero dicitur esse in amato secundum apprehensionem inquantum amans non est contentus superficiali apprehension amati sed ninitur singular quae ad amatum pertinent intrinsecus disquirere, et sic ad interiora ejus ingreditur” (Người ta nói rằng người yêu ở trong người được yêu, theo dự cảm, bao lâu người yêu không hài lòng với một dự cảm hời hợt về người được yêu, nhưng cố gắng đạt cho được một nhận thức thân mật về mọi điều thuộc về người được yêu, để có thể vào tận sâu trong chính linh hồn họ).

(40) Xem ST II-II q.30, a.4: “Et ideo quantum ad hominem, qui habet Deum superiorem, caritas, per quam Deo unitur, est potior quam Misericordia” (Do đó, liên quan đến con người có Thiên Chúa ở trên mình, thì đức ái, vốn kết hợp họ với Thiên Chúa, lớn hơn lòng thương xót). Việc kết hợp với Thiên Chúa là sự thiện lớn nhất có thể được chiếm hữu và thông truyền cho con người.

(41) Xem Aquinas, Summa contra Gentiles, lib. I, c.91, no.763: “các hành động khác của linh hồn chỉ xử lý một đối tượng; tình yêu xem ra được điều hướng về hai đối tượng… Tuy nhiên, tình yêu muốn một điều gì đó cho một người nào đó, vì người ta bảo chúng ta yêu sự vật mà ta mong sự vật này được điều tốt”. Muốn biết thêm về năng động tính của tình yêu, xin xem Juan José Pérez-Soba, Amor es nombre de persona I, q. 37 a.I: Estudio sobre la interpersonalidad en el amore en San Tommaso d’Aquino (Rome:Mursia, 2001).

(42) Cũng nên xem suy nghĩ của F.X. Durwell trong “Indissoluble et destructible Marriage”, Revue de Droit Canonique 36 (1986): 214-42.

(43) Xem TMGĐ, tr.44

(44) Đã dẫn, tr. 29. Sau đó, ngài nói tới “sự chính trực cao hơn” (tr.50), mặc nhiên trích dẫn Thánh Aquinô (ST I, q.21, a.3, ad. 2),vị đã nhắc tới lòng thương xót như là “justitiae plenitude” (sự viên mãn của công lý). Trước nhất ngài trưng dẫn Kasper, LTS, tr.70 “sự chính trực lớn hơn và cao hơn của Cha trên trời của Người”.

(45) Xem ST I, q.21 a.1: “Trật tự vũ trụ, được nhìn dưới cả các hiệu quả của thiên nhiên lẫn hiệu quả của ý chí, cho thấy rõ công lý của Thiên Chúa”.

(46) Karol Wojtyla, Mi Visión del hombre [một tuyển tập bằng tiếng Tây Ban Nha các tiểu luận về đạo đức học] (Madrid: Palabra, 1997) tr.67, từ 1 tiểu luận tựa là “Về Vấn Đề về Sự Thật và Lòng Thương Xót” (dịch từ tiếng Tây Ban Nha).

(47) Gioan Phaolô II, Thông Điệp Veritatis splendor, số 103 (từ đây,iết tắt là VS).

(48) Bernard Haring, No Way Out? Pastoral Care of the Divorced and Remarried (Middlegreen: St Paul Publications, 1990) tr. 40. Hãy so sánh với Kasper, TMGĐ, các tr.50-51 “Oikonomia chủ yếu không phải là một vấn đề nguyên tắc giáo luật, nhưng đúng hơn, là thái độ căn bản thiêng liêng và mục vụ áp dụng tin mừng giống một người cha gia đình tốt lành, hiểu như một chủ hộ (oikonomos), theo mẫu mực nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa”.

(49) Xem Lumen Fidei 27: “tình yêu tự nó là một loại nhận thức sở hữu được nhờ chính luận lý học của nó”.

(50) “Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II với các Giáo Phẩm Dự Thính Viên, Viên Chức và Luật Sư của Tòa Tối Cao Rôma” 28 tháng 1 năm 2002, số 4.

(51) Xem Công Đồng Trent, Session 24 (ngày 11 tháng 11 năm 1563) can.5 (DH 1805): “Nếu bất cứ ai nói rằng dây hôn phối có thể bị hủy tiêu vì tội dị giáo hay các khó khăn khi chung sống hoặc vì sự vắng mặt cố ý của một trong các người phối ngẫu, thì người ấy hãy bị tuyệt thông”; và can.7 (DH 1807): “Nếu bất cứ ai nói rằng Giáo Hội sai lầm khi đã dạy và còn dạy rằng theo tín lý tin mừng và tông truyền [xem Mt 5:32; 19:9; Mc 10:11tt; Lc 16:18; 1Cr 7:11) dây hôn phối không thể bị hủy tiêu vì ngoại tình về phiá một trong các người phối ngẫu và không ai trong hai người, ngay cả bên vô tội không hề có nguyên cớ nào cho tội bất trung, có thể kết ước một cuộc hôn nhân khác trong khi người kia còn sống; và người chồng bỏ người vợ ngoại tình và tái hôn và người vợ bỏ chồng và tái hôn đều đã phạm tội ngoại tình, người hảy ấy bị tuyệt thông”.

(52) Gaudium et Spes 48
(53) Xem Gaudium et Spes 50, nơi nói rằng “tự bản chất của nó” hôn nhân là “một kết ước bất khả tiêu giữa hai con người”.

(54) Familiaris consortio 13.
(55) Xem Livio Melin “Quando la veritàsi incontra con la misericordi: communità e famiglie separate” trong Paolo Gentili, Tommaso và Giulia Cioncolini chủ biên, Văn Phòng Toàn Quốc của Hội Đồng Giám Mục Ý về Chăm Sóc Mục Vụ Các Gia Đình, Luci di speranza per la famiglia ferit: Persone separate e divorziat risposati nella communità Cristiana (Siena: Cantagalli, 2012) tr. 85: “Các thừa tác viên mục vụ nên suy nghĩ nhiều hơn về hoàn cảnh những người ly thân, nhìn nhận rằng nó là bậc sống hợp pháp và cung cấp cho họ các con đường thiêng liêng chuyên biệt để hòa giải, nhằm tái lập, khi có thể, cuộc sống lứa đôi với nhau, và dù thế nào, cũng cổ vũ lòng trung thành với sợi dây bí tích”.

(56) Cùng một giaó huấn này được tìm thấy nơi các Giáo Phụ: xem Henri Crouzel “Divorce et remarriage dans l’Église primitive: Quleques réflexions de méthodologie historique”, Nouvelle Revue Théologique 98 (1976), 903: “cuộc hôn nhân mới luôn được mô tả là ngoại tình”.

(57) Xem Công Đồng Lyon thứ Hai, Session 4 (6 tháng 7, 1274); Porfession of Faith of Michael Paleologus (DH 860); Công Đồng Florence, Exultate Deo for Armenians (22 tháng 11, 1439) DH 1310-27.

(58) Xem Công Đồng Lyon thứ Hai, Session 4 (DH 860): “liên quan đến hôn nhân, Giáo Hội chủ trương rằng người đàn ông không được phép có nhiều vợ cùng một lúc mà người đàn bà cũng không được phép có nhiều chồng”.

(59) TMGĐ, tr. 43

(60) “Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II với Tòa Tối Cao Rôma” 21 tháng Giêng, 2000, số 8.

(61) Một trong những bất cập quan trọng nhất về thần học trong cuốn sách của Bernard Haring về việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị là ngài không hề nhắc đến luận điểm này, chỉ trình bày vấn đề như một vấn đề phù hợp về mục vụ.

(62) Xem José Granados, Una sola carne en un solo spíritu: Telelogía del matrimonio (Madrid: Palabra, 2014).

(63) Pavel Evdokimov, Sacramento dell’amore: il mistero conjugale alla luce della tradizione ortodossa (Sotto il Monte Bg: Servitium, 1999) tr. 244.

(64) TMGĐ, tr.16, trích dẫn từ Evangelii Gaudium chỉ gián tiếp nhắc đến chủ đề đang bàn.

(65) Walter Kasper, Theology of Christian Marriage, bản tiếng Anh của David Smith (New York: SEabury Press, 1980) tr. 22.

(66) Đã dẫn tr. 23.

(67) Pavel Evdokimov, Le Sacrement de l’amour: Le mystère conjugal à la lumière de la tradition orthodoxe (Paris: Édition de l’Épi, 1962) tr.256. Về phần ngài, Bernard Haring nói về cái chết thể lý, cái chết tinh thần, cái chết tâm lý, và cái chết dân sự (xem Haring, No Way Out? Tr.41-49). Ngài không trưng dẫn nguồn nào cả.

(68) Xem P. Ricoeur, “La metafora nuziale” trong André LaCoque and Paul Ricoeur, Come pensa la Bibbia: Studi esegetici ed ermeneutici, ed. Franco Bassari (Brescia: Paideia, 2002) tr. 269: “kết luận đích thực [của Diễm Ca] nằm ở câu 8:6... Điều quan trọng ở đây không phải là việc hoàn hợp thể xác, một việc không bao giờ được mô tả hay thuật lại, nhưng đúng hơn là lời hứa của giao ước, được xác định bằng “ấn tín”, vốn là linh hồn của mọi điều phu thê”.

(69) TMGĐ tr.26, thêm nhấn mạnh.

(70) xem Kasper, Theology of Christian Marriage, 69-70: “Nhiều thần học gia và mục tử Kitô giáo, trong đó có tôi, tin rằng các phương tiện trợ giúp mục vụ không đủ trong tình thế hiện nay và không đủ dự liệu về chúng trong giáo luật như hiện nay. Nói một cách tổng quát, họ không cổ vũ để cuộc hôn nhân thứ hai nhận được sự chúc phúc theo phụng vụ hay được cử hành long trọng về phương diện bí tích, do đó, đặt nó vào cùng một bình diện như cuộc hôn nhân đầu. Trước đó, ngài giải thích điều này dựa vào thực hành của Đông Phương: “trong Giáo Hội Đông phương, vì một số lý do khách quan dựa vào một loại suy lỏng lẻo giữa ngoại tình và sự chết, nó trở thành thực hành thông thường cho phép tái hôn, phù hợp với nguyên tắc nhiệm cục, mặc dù cuộc hôn nhân thứ hai không được đặt trên cùng một bình diện như cuộc hôn nhân đầu. Thực hành này không vi phạm nguyên tắc bất khả tiêu đúng nghĩa. Thực thế, điều nó thực sự làm là cung cấp cho người Kitô hữu nào biết sẵn sàng ăn năn thống hối, dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, khả thể có đời sống nhân bản và Kitô hữu mới trong lòng Giáo Hội trong một số tình huống khó khăn nào đó” (các tr. 56-57).

(71) Xem đã dẫn tr. 80: “mọi ý chí nhân bản muốn kết hôn, do đó, đều là một thể hiện bất toàn mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, một thể hiện cố gắng thể hiện mình ngày càng hoàn thiện hơn. Việc này do đó có thể rất quan trọng nếu, vì lý do này hay lý do nọ, cuộc hôn nhân bí trong Giáo Hội là điều bất khả, nhưng ý chí kết hôn, vừa có tính nhân bản vừa có tính Kitô giáo, thực sự có đó, như vẫn thường là trường hợp của những người ly dị và tái hôn. Những người kết hợp này nên tín thác vào Thiên Chúa để Người ban cho đủ ơn thánh chu toàn các nghĩa vụ của mình như một cặp kết hôn, vì sự kết hợp của họ có tham dự vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội nhờ đức tin, vốn được phát biểu qua việc hối hận vì tội lỗi gây ra do việc phá vỡ cuộc hôn nhân đầu”.

(72) TMGĐ các tr.32-33; thêm nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét