Cách nay, 13 tháng 3, đúng tám năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuất hiện trên ban công của Quảng trường Thánh Phêrô lần đầu tiên, không mặc chiếc áo choàng màu đỏ và đôi giày mới màu đỏ vốn được chuẩn bị cho vị giáo hoàng tiếp theo, nhưng trong một chiếc áo choàng trắng đơn giản và đôi giày chỉnh hình màu đen cũ của ngài.

Trang phục đơn giản của ngài đã tạo nên giai điệu cho những gì sẽ trở thành một triều đại giáo hoàng tạo gió lốc bao gồm 52 chuyến tông du, 6 văn kiện chính, 3 Thượng hội đồng và hàng nghìn bài phát biểu và bài giảng nhằm mục đích chuyển dịch Giáo Hội qua sự đơn giản, tính hợp đoàn và quan tâm đến người nghèo và người bị ruồng bỏ.

Trong khi những người theo dõi Vatican đã đổ nhiều giấy mực để giải thích cách các trước tác và các thay đổi cơ cấu của Đức Giáo Hoàng sẽ định hình Giáo Hội trong nhiều năm tới, thì những cử chỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể còn làm được nhiều điều hơn thế để xác định di sản của ngài.

Rất lâu sau khi tông huấn “Amoris Laetitia” và thông điệp “Laudato Si” đã đi vào lịch sử, người ta vẫn còn nhớ đến hình ảnh vị giáo hoàng Nam Mỹ này nồng nhiệt ôm một người đàn ông phủ đầy khối u, quì xuống đất để hôn chân các nhà lãnh đạo châu Phi trước đây từng chống lại nhau hoặc cầu nguyện một mình dưới làn mưa tầm tã ở Quảng trường Thánh Phêrô lúc cao điểm của đại dịch coronavirus.
Đây là một vị giáo hoàng sống câu thường được gán cho vị được ngài lấy danh hiệu theo, Thánh Phanxicô Assisi: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng. Khi cần, hãy sử dụng lời nói”.

Để tôn vinh tám năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tạp chí America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ nhắc lại tám hình ảnh hàng đầu sau đây trong triều đại giáo hoàng của ngài. Nguyên văn xem tại https://www.americamagazine.org/faith/2021/03/13/pope-francis-eight-year-anniversary-papacy-images-240226:



1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên chào kính thế giới trong tư cách giáo hoàng, ngày 13 tháng 3 năm 2013

Đi vào mật nghị năm 2013, ít người coi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio là người dẫn đầu — ít nhất là chính Hồng Y-tổng giám mục của Buenos Aires. Như thông tín viên của America tại Vatican, Gerard O'Connell, đã kể chi tiết trong cuốn The Election of Pope Francis: An Inside Account of the Conclave that Changed History (Cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Lời tường thuật bên trong cuộc mật nghị đã thay đổi lịch sử) (Orbis, 2019), khi Đức Phanxicô xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng, ngài “chỉ đứng đó trong im lặng, bất động. Dường như Ngài bị choáng váng trước biển người trải dài trong bóng tối trước mặt ngài, suốt quảng trường, xuống tận Via della Conciliazione xuôi về phía Castel Sant’Angelo”.

Ngài chào đám đông như là “anh chị em” của ngài và nói: “Anh chị em biết rằng nhiệm vụ của mật nghị là ban cho Rôma một Giám mục. Có vẻ như các Hồng Y anh em của tôi đã đi đến tận cùng trái đất để kiếm được một người, và thế là chúng ta có đây!” Trước khi ban phép lành, ngài yêu cầu đám đông dừng lại và cầu nguyện cho ngài trong giây lát. Một sự im lặng trùm phủ.

Ông O'Connell viết rằng có một cái gì đó mới trong bầu không khí Rôma đêm hôm đó: một dự ước rằng vị giáo hoàng không phải người châu Âu đầu tiên trong 1,200 năm, vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và người đầu tiên lấy tên của Thánh Phanxicô có thể, như chính ngài nói với các Hồng Y trong cuộc họp trước mật nghị, sẽ mở cửa sổ của một Giáo Hội đầy bụi bặm để Chúa Thánh Thần thổi hơi vào.



2. Rửa chân cho các tù nhân, phụ nữ và người Hồi giáo vào Thứ Năm Tuần Thánh, 28 tháng 3 năm 2013

Ngay sau khi đắc cử, tân giáo hoàng đã thu hút sự chú ý của thế giới khi ngài tổ chức một buổi lễ nhỏ vào Thứ Năm Tuần Thánh tại một trung tâm giam giữ thanh thiếu niên. Phá vỡ truyền thống, Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, lần đầu tiên, bao gồm hai cô gái: một Kitô hữu và một người Hồi giáo. Ba năm sau, ngài sẽ thay đổi bản văn Sách Lễ Rôma để chính thức đưa phụ nữ vào nghi thức rửa chân, một động thái gặp phải sự phản đối bên trong Vatican.

Kể từ đó, hàng năm, Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho phụ nữ, người thiểu số và những người sống bên lề xã hội, như người già, trong các buổi phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh của ngài.



3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm một người đàn ông bị bệnh da nặng, ngày 6 tháng 11 năm 2013

Vinicio Riva đã quen với việc mọi người sợ anh ta. Dì của anh nói với CNN rằng anh đã học cách kiềm chế cơn tức giận của mình khi bị mọi người xách nhiễu vì tình trạng da của anh: Mặt và cơ thể nổi đầy những khối u trầm trọng thường xuyên chảy máu qua áo sơ mi. Vì vậy, anh rất ngỡ ngàng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp cận anh mà không do dự trước một cử tọa đông đúc vào tháng 11 năm 2013, ôm lấy anh và để anh vùi đầu vào ngực của ngài.

Dì của Riva, Caterina Lotto, nói với CNN "Khi ngài đến gần chúng tôi, tôi nghĩ ngài sẽ đưa tay ngài cho tôi [để hôn]. Nhưng thay vì thế, ngài đã đến thẳng Vinicio và ôm chặt lấy nó. Tôi nghĩ ngài dám không chịu trả lại nó cho tôi, ngài cứ giữ chặt lấy nó như vậy. Chúng tôi không nói được lời nào. Chúng tôi không nói được gì, nhưng ngài nhìn tôi như thể ngài muốn đào sâu bên trong, một cái nhìn đẹp đẽ mà tôi không bao giờ có thể ngờ tới”.

Hình ảnh trên đã lan truyền mạnh mẽ, một phần của “hiệu ứng Phanxicô” đã chạm đến trái tim của thế giới vào thời kỳ đầu của triều giáo hoàng Phanxicô.



4. Thượng phụ Đại kết Bartholomew hôn đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 29 tháng 11 năm 2014

Trong chuyến đi tới Istanbul, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Thượng phụ Đại kết Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống Đông phương, chúc lành cho ngài và “Giáo Hội Rôma”. Khi ngài cúi đầu lãnh phúc lành, thượng phụ đã hôn nhẹ lên đầu ngài.

Hai vị hiện nay có một mối quan hệ ấm áp, thường hôn lên má nhau và ôm nhau khi họ gặp nhau. Đạt được sự hợp nhất giữa các giáo hội phương Đông và phương Tây, vốn đã ly giáo từ thời Trung cổ, là một trong những mục tiêu chính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.



5. Một tia sáng chạm cây thánh giá của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Dublin, ngày 26 tháng 8 năm 2018

Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Ái Nhĩ Lan được cho là có tính thách thức nhất của ngài. Các hào hứng của những năm đầu làm giáo hoàng của ngài đã vơi đi, và Giáo Hội Mỹ bị cuốn vào cái mà từ đó được gọi là “mùa hè nhục nhã”: làn sóng thứ hai của những tiết lộ về lạm dụng tình dục được đưa ra bởi báo cáo của Đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania, kể lại một cách chi tiết các cáo buộc lạm dụng trong 70 năm, và các tiết lộ cho biết vị Hồng Y có ảnh hưởng Theodore McCarrick đã lạm dụng trẻ vị thành niên và chủng sinh.

Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, một thời từng thống trị về văn hóa, đã mất hàng nghìn tín đồ sau khi các vụ lạm dụng tình dục bắt đầu xảy ra ở đó vào những năm 1990.

Trong đêm của chuyến tông du kéo dài hai ngày của Đức Giáo Hoàng, cựu đại sứ của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã công bố một bức thư cáo buộc rằng các thành viên của phẩm trật Rôma đã làm ngơ sự lạm dụng của cựu Hồng Y McCarrick. Bức thư kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức, trong một động thái mà phóng viên Christopher Lamb tại Vatican gọi là "một cuộc đảo chính nửa vời chống lại triều giáo hoàng của ngài". Các tuyên bố của Viganò chống lại Đức Giáo Hoàng đã bị báo chí và, sau hơn hai năm, Vatican vạch trần.

Tuy nhiên, đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn từ chối bình luận về bức thư trên. Khi phóng viên Anna Matranga của CBS News hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về vấn đề này trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Dublin trở về Rôma, ngài nói: “Tôi đã đọc bản tuyên bố sáng nay và tôi phải thành thật mà nói điều này với cô và bất cứ ai quan tâm: Hãy đọc bản tuyên bố đó một cách chăm chú và tự đưa ra nhận định của riêng cô.... Tôi nghĩ rằng bản tuyên bố tự nó đã nói cho chính nó, và cô có đủ khả năng báo chí để kết luận". Khi ngài đưa ra câu trả lời, một tia sáng chiếu vào cây thánh giá của Đức Giáo Hoàng và chiếc nhẫn ngư phủ của ngài.



6. Hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan từng gây chiến với nhau, ngày 11 tháng 4 năm 2019

Trong một cuộc tĩnh tâm bất thường do Anh giáo và Công Giáo tài trợ dành cho các nhà lãnh đạo Nam Sudan trước đây từng chống chọi nhau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây sốc cho tổng thống và bốn trong số năm phó tổng thống của nước này bằng cách tự phát cúi đầu hôn chân họ khi ngài yêu cầu họ làm việc với nhau cho hòa bình. Các phó tổng thống đại diện cho các phe phái khác nhau trước đây từng gây chiến với nhau nhưng đã đồng ý chia sẻ quyền lực trong nỗ lực tạo hòa bình cho đất nước.

Như Giám mục Nam Sudan Eduardo Hiiboro Kussala đã nói với America, cử chỉ của Đức Giáo Hoàng được các thành viên của một nền văn hóa coi trọng những người lớn tuổi của mình “xem hệt như một phép lạ, không kém gì sự can thiệp của Thiên Chúa”.



7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để chấm dứt đại dịch coronavirus, ngày 27 tháng 3 năm 2020

Vào cao điểm của làn sóng đại dịch coronavirus đầu tiên ở Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành “urbi et orbi” (“cho thành phố và thế giới”) đặc biệt thường dành cho Lễ Phục sinh, Giáng sinh và việc bầu cử tân giáo hoàng.

Buổi lễ ảm đạm, được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng, đẫm mưa, đã được phát sóng tới hàng triệu người trên thế giới, những người đang bị cô lập vì lo sợ đại dịch. Khi suy gẫm câu chuyện Tin Mừng về việc các môn đồ đang khốn đốn vì cơn sóng bão thì Chúa Giêsu lại cứ ngủ say trên thuyền của họ, ngài nói: “Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo thuyền, mỗi người trong chúng ta cần khuyến khích người kia".

Sau khi suy gẫm, Đức Giáo Hoàng đã mang một mặt nhật từ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào quảng trường, nâng nó lên khỏi đầu với nỗ lực rất lớn, bị gió và mưa đánh bật, khi chuông nhà thờ và còi xe cứu thương vang vọng khắp các phố phường vắng vẻ của Rôma.



8. Gặp gỡ Đại Giáo Trưởng Ali Al-Sistani, ngày 6 tháng 3 năm 2021




Trong tháng đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rằng ngài hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, một cam kết mà ngài đã thực hiện bằng cách đến thăm một số quốc gia đa số theo đạo Hồi và ký một văn kiện quan trọng với Đại Giáo Trưởng của phái Sunni là Ahmad al-Tayyeb, một văn kiện sẽ là nguồn cảm hứng cho thông điệp gần đây của ngài, "Fratelli Tutti".

Năm nay, ngài tập trung vào việc tiếp xúc với những người Hồi giáo phái Shia, gặp gỡ với giáo sĩ đáng kính, Giáo Trưởng Ali al-Sistani. Giáo Trưởng đã không tiếp khách công khai hoặc được chụp ảnh trong một thập niên nay, nhưng ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà riêng vào tuần trước, nghinh đón ngài nồng nhiệt và nói chuyện với ngài trong gần một giờ. Các chuyên gia cho rằng cuộc họp đã gửi đi một thông điệp hòa bình tới toàn thế giới Hồi giáo.

Trước cuộc gặp gỡ, các hình vẽ giáo hoàng và giáo trưởng đã xuất hiện trên các bức tường xung quanh Najaf, thánh địa Hồi giáo nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Một hình ảnh gọi cuộc gặp gỡ giữa chuông nhà thờ và các tháp Hồi Giáo, những ngọn tháp mà từ đó người Hồi giáo được kêu gọi cầu nguyện. Một nhà thơ Shia đã viết rằng baba của Kitô giáo và baba của Hồi giáo sẽ ôm nhau, chơi chữ đối với các tương đồng giữa các hạn từ dành cho “papa” và “pope” (giáo hoàng) trong nhiều ngôn ngữ.