Chúa Nhật IV Phục Sinh (Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)

–Lm Inhaxiô Hồ Thông–

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Phục Sinh năm B này có chung một chủ đề: Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

Cv 4: 8-12      

Khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phê-rô giải thích cho những người đã kết án tử Đức Giê-su trước đây, rằng họ đã loại bỏ Đấng mà chỉ ở nơi Ngài con người mới gặp được ơn cứu độ.

1Ga 3: 1-2           

Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở rằng được liên kết với Đức Giê-su, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và được bảo đãm dự phần vào số phận vinh quang của Ngài.

Ga 10: 11-18

Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su là vị Mục Tử nhân lành, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta vào ràn chiên của Thiên Chúa, vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

BÀI ĐỌC I (Cv 4: 8-12)

Việc thánh Phê-rô bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng là kết quả của một sự kiện mà chúng ta đã đọc vào Chúa Nhật vừa qua: sau khi chữa lành một người què trước cửa Đền Thờ, vị thủ lãnh của các Tông Đồ đã ngỏ lời với đám đông kinh ngạc. Những lời phát biểu của thánh nhân đã làm bối rối các vị lãnh đạo Giê-ru-sa-lem và chắc chắn gây bực tức cho nhóm Sa-đu-xê-ô.

Chúng ta biết rằng nhóm Sa-đu-xê-ô không tin vào sự phục sinh của thân xác, vì cho rằng quan niệm nầy xuất hiện rất muộn thời trong niềm tin Ít-ra-en. Theo họ, sự tinh tuyền đạo lý đòi buộc người ta phải gắn bó với niềm tin thời kỳ trước lưu đày, ở đó không có dấu vết nào của niềm tin vào sự sống lại mai sau. Vì thế, họ không thể nào chấp nhận khi nghe nói về việc Đức Giê-su sống lại.

Thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt cùng nhau ở Cửa Đền Thờ khi hai ngài lên Đền Thờ cầu nguyện và chữa lành người què. Cả hai ngài bị giam trong tù suốt đêm. Sáng hôm sau, họ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, tức Tòa Thượng Thẩm Do thái, để bị chất vấn và tra hỏi.

1.Nơi diễn ra phiên tòa.

Hai vị Tông Đồ bị điệu ra trước những quan tòa mà, trước đây vài tuần, chính họ đã kết án tử Đức Giê-su: Thượng Tế đương nhiệm Cai-pha chủ trì Thượng Hội Đồng, Thượng Tế mãn nhiệm Kha-nan là bố vợ của Thượng Tế Cai-pha, cùng với các kỳ mục và các kinh sư.

 Phiên tòa diễn ra cũng một nơi trước đây đã xử Đức Giê-su. Vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trời đã tối nên các thành viên Thượng Hội Đồng tụ họp vội vàng trong dinh Thượng Tế Cai-pha. Dinh Thượng Tế Cai-pha có lẽ đã gợi cho thánh Phê-rô nhớ lại kỷ niệm đau buồn của mình. Nhưng thật là khác biệt biết bao giữa thái độ hèn nhát của người môn đệ sợ hãi vào đêm bi thảm đến nỗi đã chối thầy mình đến ba lần và cái dũng khí của vị Tông Đồ được biến cố Phục Sinh soi sáng và được đầy tràn Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần.

2.Chứng từ của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng.

Giờ của sự thật đã điểm. Thánh Phê-rô phục hồi quyền của Đức Giê-su mà họ đã kết án trước đây, buộc tội những kẻ giết Ngài và công bố sự phục sinh của Đấng chịu đóng đinh. Thánh nhân dạn dĩ phát biểu: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng” (4: 10a).

 Thật ra, người ta tra hỏi các ngài là nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà hai ông đã chữa lành người què nầy. Thánh Phê-rô quả quyết: “Chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người đứng trước mặt quý vị đây được lành mạnh” (4: 10b) Và vị Tông Đồ còn cất cao giọng hơn nữa: “Đấng ấy là viên đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (4: 11).

Thật thú vị biết bao khi thánh Phê-rô công bố sứ điệp Phục Sinh trước Thượng Hội Đồng nầy đã lăng nhục và bêu xấu Đức Giê-su. Thật tốt đẹp biết mấy khi những người đại diện chính thức của dân Chúa chọn nghe trực tiếp lời loan báo ơn cứu độ từ nay đạt được nhờ Đấng mà họ đã giết chết. Khi trích dẫn Kinh Thánh: “Viên đá mà thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118), vị Tông Đồ minh chứng rằng chân lý thuộc về phía của mình, bởi vì các ngôn sứ đã báo trước rằng chính họ là những thợ xây nhà Ít-ra-en đã loại bỏ đá tảng góc tường nầy.

Hơn nữa, sự hiện diện của người què được chữa lành trước tòa án nầy không là lời chứng hùng hồn rằng Đức Giê-su là nguồn ơn cứu độ sao? Phải nói rằng chính nhờ sự hiện diện của người được chữa lành nầy mà hai vị Tông Đồ được cứu: “Họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào” (Cv 4: 14). Cuối cùng, hai ông được thả ra, vì Thượng Hội Đồng sợ đám đông dân chúng: “Ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra” (Cv 4: 21). Nhưng chẳng bao lâu sau, thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt một lần nữa, lần nầy hai ông bị đánh đòn và cấm không được nói đến danh Đức Giê-su; nhưng các ngài không thể nín lặng được và sẽ không bao giờ còn nín lặng.

BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 1-2)

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan tập trung vào một chủ đề duy nhất: “ơn làm con Thiên Chúa”. Người Ki-tô hữu là con Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha. Nhưng ơn nghĩa tử nầy sẽ thăng hoa viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống hoàn toàn với Con của Ngài vào ngày Ngài trở lại trong vinh quang.

1.Ơn làm con Thiên Chúa (3: 1):

Thiên Chúa là tình yêu, đó là chủ đề hàng đầu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (3: 1a). Đây không chỉ là tước hiệu mà Ngài ban tặng cho chúng ta, nhưng là một thực tại thâm sâu: “Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (4: 1b). Theo văn hóa Do thái, một danh xưng diễn tả một thực tại tận căn của con người: như vậy, Chúa Cha yêu thương chúng ta đến mức Ngài liên kết chúng ta vào Con của Ngài khi gọi chúng ta là con của Ngài. Phẩm vị nầy làm cho chúng ta khác với thế gian: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (3: 1c). Lời phát biểu nầy vang dội những lời của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài trong Tin Mừng Gioan: “Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15: 18).

Toàn bộ bức thư nầy được cấu trúc theo lối phản đề: cuộc sống người Ki tô hữu đối lập với cuộc sống của những kẻ cứng lòng tin hay những người lạc giáo. Ở đây, lối phản đề bao phủ một vùng rộng lớn: thế gian, được hiểu theo nghĩa tiêu cực, là thế giới của tội lỗi, bởi vì “thế gian đã không biết Thiên Chúa”.

 2.Sự biến đổi trong tương lai (3: 2):

Đoạn trích nầy có thể được đặt nhan đề: “Từ phép Thánh Tẩy đến sự biến đổi làm con Thiên Chúa của chúng ta”. Chúng ta đã được biến đổi rồi bởi cuộc sống làm con Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên. Ơn làm con Thiên Chúa được thành toàn chỉ khi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài. Điều nầy sẽ chỉ xuất hiện vào thời chung cuộc “khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Thánh Phao-lô cũng gợi lên sự biến đổi tương lai nầy trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 20-21). Thật ra, theo thánh Gioan, ngay từ bây giờ sự biến đổi này đã được ươm mầm rồi ở nơi chức năng làm con Thiên Chúa của chúng ta: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa”.

TIN MỪNG (Ga 10: 11-18)

Hình ảnh người mục tử với đàn chiên rất quen thuộc với dân Do thái vốn đã là dân du mục sống nghề chăn nuôi. Cựu Ước đã phác họa Đức Chúa là vị Mục Tử lý tưởng. Tước hiệu này diễn tả hai khía cạnh của mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Ngài: uy quyền nhưng từ bi nhân hậu. Nhưng tước hiệu mục tử nầy được dành riêng đặc biệt hơn cho Đấng Thiên Sai trong tương lai, nhất là vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, vào thời điểm của những tai họa lớn lao: Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon đánh chiếm, Đền Thờ bị phá hủy và dân chúng bị dẫn đi lưu đày. Trong hoàn cảnh bi thảm đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tiên báo rằng rồi đến một ngày Thiên Chúa sẽ đòi lại đoàn chiên của Ngài khỏi những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm gì đến đoàn chiên để giao lại cho Tân Đa-vít, không là vua, nhưng là mục tử đích thật, tận tâm tận lực chăn dắt chúng (Ed ch. 34). Chính dụ ngôn của vị ngôn sứ nầy là nguồn cảm hứng cho diễn từ về “Người Mục Tử nhân lành” của Đức Giê-su.

Đức Giê-su công bố diễn từ về “Người Mục Tử nhân lành” tại Giê-ru-sa-lem sau khi Ngài cho một anh mù được sáng mắt. Trong bài diễn từ nầy, Đức Giê-su tự nhận mình là người mục tử đích thật, còn giai cấp lãnh đạo Do thái, họ là “những kẻ chăn chiên thuê”,“quân trộm cướp”“những kẻ tiếm quyền mục tử”. Những người lãnh đạo Do thái đã trục xuất con chiên lẽ loi cô độc khỏi ràn chiên, tức là anh mù được sáng mắt, trong khi Đức Giê-su đã thu nhận anh, dẫn đưa anh vào ánh sáng đức tin… Như vậy chân dung của người mục tử nhân lành nêu bật sự đối lập nầy.

Trong ba năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”. Vào mỗi năm Phụng Vụ, chúng ta đọc một đoạn trích từ diễn từ của Đức Giê-su về “Người Mục Tử nhân lành” thuộc chương 10 Tin Mừng Gioan: Vào năm A, phần đầu (10: 1-10); vào năm B, phần thứ hai (10: 11-18); và vào năm C, phần cuối cùng (10: 27-30).

Trong phần thứ hai (10: 11-18) mà chúng ta đọc hôm nay,  Đức Giê-su vạch rõ cho thấy Ngài là “Mục Tử nhân lành” như thế nào qua những phẩm chất như sau:

– “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

– “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi”.

– “Chỉ một đoàn chiên và một mục tử”.

-Ý nghĩa về cái chết sắp đến của Ngài.

  1. “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10: 11-13):

Ngay từ đầu đoạn văn này, Đức Giê-su xác định phẩm chất quan trọng nhất của người mục tử nhân lành là “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (10: 11). Tiếp đó, Đức Giê-su vạch rõ sự khác biệt giữa người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên với kẻ chăn chiên thuê chỉ lo cho sự an toàn của mình mà “không thiết gì đến chiên” (10: 13). Đức Giê-su xác định ngay từ đầu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (10: 11), đồng thời Ngài cũng ám chỉ đến giai cấp lãnh đạo Do thái là kẻ chăn chiên thuê, họ chỉ lo làm sao giữ cho được địa vị, chức tước, quyền hành của mình mà không quan tâm đến hoàn cảnh sống của đoàn chiên.

2.“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10: 14-15):

Theo Kinh Thánh, động từ “biết” có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng, không chi diễn tả sự hiểu biết của khối óc, nhưng còn sự chuyển động dạt dào của con tim. Sự kiện người mục tử “biết” từng con chiên cấu thành niềm tin tưởng phó thác của đoàn chiên vào người mục tử của mình. Đức Giê-su cho chúng ta nguyên mẫu mối quan hệ tuyệt vời này: “Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”. Đó cũng là khuôn mẫu mà Ngài muốn thiết lập với những người thuộc về Ngài: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Để thực hiện mối tương giao tận mức như thế, Đức Giê-su phải trả bằng giá máu của Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của dụ ngôn.

3.“Chỉ một đoàn chiên và một mục tử” (10: 16):

Niềm hy vọng lớn lao chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: thời kỳ của Đấng Thiên Sai sẽ là thời kỳ hiệp nhất dân Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã ôm ấp giấc mơ nầy sau khi dân Do Thái bị phân chia thành hai vương quốc (thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên). Những người lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên) đặt trọn niềm hy vọng của mình vào sự can thiệp của Đấng Thiên Sai, Ngài đến thực hiện công việc khó khăn này, đó là quy tụ mọi con cái Ít-ra-en tản mác khắp nơi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hứa: “Đức Chúa sẽ quy tụ đoàn chiên của Ngài còn sót lại từ khắp mọi miền” (23: 3). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng hứa: “Sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy” (37: 24). Sự hiệp nhất sẽ là dấu chỉ của kỷ nguyên Thiên Sai như bước khởi đầu của sự quy tụ cánh chung vĩ đại vào thời sau hết, khi muôn dân nước đều nghe tiếng gọi của Đức Chúa, vì Ít-ra-en là ánh sáng muôn dân.

Khi công bố Ngài kiến tạo sự hiệp nhất của đoàn chiên, Đức Giê-su khẳng định Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Nhưng Đức Giê-su không chỉ nghĩ đến những con chiên của nhà Ít-ra-en chưa nhận biết Ngài, Ngài còn nghĩ đến cuộc hoán cải của thế giới lương dân. Khía cạnh Giáo Hội được diễn tả qua hình ảnh về một ràn chiên không còn được rào chắn vây bọc chung quanh, nhưng mở rộng ra với toàn thể thế giới. Chính Giáo Hội có sứ mạng hiệp nhất đoàn chiên trong cùng một ràn chiên và dưới cùng một vị mục tử, Đấng đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ và đã hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên.

4.Ý nghĩa về cái chết sắp đến của Đức Giê-su (10: 17-18):

Cuối cùng, Đức Giê-su kết thúc đoạn văn này và cũng toàn bộ bài diễn từ này khi khẳng định rằng việc Ngài hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên là do ý muốn của Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (10: 17).

Đó là lý do tại sao Đức Giê-su nghiêm túc đối mặt với cuộc Khổ Nạn sắp tới của mình, nhưng hoàn toàn độc lập đối với những kẻ gây ra cái chết của Ngài, tức là các vị lãnh đạo Do thái hay viên Tổng Trấn Rô-ma: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”. Đồng thời, Đức Giê-su cũng báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Sở dĩ Ngài phải chịu như thế chỉ vì: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10: 18). Vì thế, không có chuyện Đức Giê-su hóa giải sự bất hòa giữa Thiên Chúa với nhân loại bằng giá máu của Ngài vì tội lỗi của con người.

Đức Giê-su công bố những lời này khi Ngài tham dự lễ Lều vào mùa thu tại Giê-ru-sa-lem. Những lời công bố này sẽ vang dội xuyên suốt thời gian sắp tới và sẽ được hiện thực khi Ngài tham dự lễ Vượt Qua vào mùa xuân sang năm tại Giê-ru-sa-lem. Đó là cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su từ Tử Nạn đến Phục Sinh và Vinh Thăng.

 https://kinhthanhvn.net/goi-y-bai-giang/hoc-hoi-loi-chua-chua-nhat-iv-phuc-sinh.html