Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 15 Thường niên năm A

 

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 15 Thường niên năm A

 
  •  
  •  


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM A

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

Phúc Âm: Mt 13, 1-9 {hoặc 1-23}

"Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".

[Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

"Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".]

Ðó là lời Chúa.


CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Trong Tin Mừng Mát-thêu, chương 13 có gì đặc biệt? Chương này gồm mấy dụ ngôn? Những dụ ngôn này có gì giống nhau?

2. Đọc Mt 13,1-2. Đức Giêsu đang ở đâu? “Hôm ấy” là ngày nào? “Nhà” ở đây là nhà của ai? Đọc Mt 8,14-15; 12,46-50. Đức Giêsu nói với ai? Tại sao Ngài lại ngồi trong thuyền mà giảng dạy?

3. Dựa trên Mát-thêu chương 13, bạn thử đưa ra một định nghĩa của từ “dụ ngôn”. Có bao nhiêu từ “dụ ngôn” trong chương này?

4. Đọc Mt 13,3b. Bạn biết gì về cách gieo hạt giống của người làm nông vùng Galilê?

5. Theo ý bạn, dụ ngôn “người gieo giống” nhấn mạnh đến người gieo, hạt giống hay đất gieo? Người gieo là ai? Hạt giống tượng trưng cho điều gì? Các loại đất tượng trưng cho ai?

6. Đọc Mt 13,4. Tâm hồn “vệ đường” có nét đặc biệt nào? Đọc Mt 13,19. Ai có thể bị coi là có tâm hồn “vệ đường”?

7. Đọc Mt 13,5-6. Đâu là những nguyên nhân khiến cây lúa bị héo? Tâm hồn “sỏi đá” có nét đặc biệt nào? Đọc Mt 13,20-21.

8. Đọc Mt 13,7.22. Tâm hồn “bụi gai” có nét đặc biệt nào? Bụi gai tượng trưng cho điều gì?

9. Đọc Mt 13,8.23. Tâm hồn “đất tốt” có nét đặc biệt nào khác với các tâm hồn kia?


GỢI Ý SUY NIỆM

Tôi nghĩ gì về mảnh đất của lòng tôi? Nó thuộc loại đất nào? Làm sao cải tạo mảnh đất của tâm hồn tôi để nó sinh nhiều hoa trái hơn?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Chương 13 của Tin Mừng Mát-thêu là Bài Giảng thứ ba của Đức Giêsu, sau Bài Giảng trên Núi (chương 5-7) và Bài giảng về Truyền giáo (chương 10). Bài Giảng thứ ba gồm 7 dụ ngôn (người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men, kho báu, ngọc quý và chiếc lưới). Tất cả 7 dụ ngôn này đều là những dụ ngôn về Nước Trời. Ngài mô tả Nước Trời bằng những chuyện gần gũi, dễ hiểu. Câu “Nước Trời ví như…” được nhắc lại nhiều lần (Mt 13,24.31.33.44.45.47). Dĩ nhiên, những hình ảnh này chỉ lột tả được phần nào mầu nhiệm Nước Trời thôi, chứ không sao nói hết được.

2. Theo Mt 13,1-2 vào hôm ấy Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi bên Biển Hồ Galilê. Lối nói hôm ấy muốn nối kết chương 13 với hai chương 11 và 12 của Tin Mừng Mát-thêu. Trong hai chương này, ta thấy có những thành ở bên hồ Galilê đã không hối cải trước phép lạ Đức Giêsu làm (Mt 11,20-24). Có những xung đột gay gắt giữa nhóm Pharisêu với Ngài, thậm chí họ đã muốn giết Ngài (Mt 12,14). Chương 13 tiếp tục cho thấy những phản ứng trái chiều trước lời giảng của Đức Giêsu.

Nhà ở đây rất có thể là nhà của ông Simon Phêrô (xem Mt 8,14-15; 12,46-50; 13,1.36). Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng tụ họp bên Ngài. Để tránh bị đám đông chen lấn, Ngài phải xuống ngồi trong một chiếc thuyền, chứ không ngồi trên bờ nữa, còn đám đông thì đứng trên bờ (Mt 13,2; x. Lc 5,1-3).

3. Trong chương 13 của Tin Mừng Mát-thêu, từ dụ ngôn (parabolê) được nhắc tới 12 lần. Có thể nói dụ ngôn là những câu chuyện ngắn, gần gũi với đời thường của người Do-thái thời đó. Qua từng câu chuyện, từng dụ ngôn, Đức Giêsu mặc khải những chân lý về Nước Trời. Vì Nước Trời là một mầu nhiệm (Mt 13,11), nên Đức Giêsu phải dùng nhiều hình ảnh khác nhau để trình bày cho đám đông dân chúng (Mt 13,34-35). Đối với ai biết mở lòng đón nhận, dụ ngôn sẽ giúp họ phần nào hiểu được mầu nhiệm Nước trời (Mt 13,51). Còn đối với những ai cứng lòng từ khước, dụ ngôn có thể trở thành một vật cản khiến họ không hiểu được mầu nhiệm ấy (Mt 13,13-15).

4. Người nông dân ở Galilê có thể là chủ nhân của một mảnh đất nhỏ, hay làm tá điền cho một địa chủ giàu có. Khi gieo hạt giống, họ bốc hạt từ bao và dùng tay gieo hạt giống trên đất. Đất có thể đã được bừa trước và/hay sau khi gieo hạt. Nhìn chung đất ở Galilê khá tốt cho việc trồng trọt.

5. Dụ ngôn Người gieo giống như ta thấy trong Tin Mừng Mát-thêu hiện nay thì nhấn mạnh đến những thái độ khác nhau của người nghe trước lời giảng của Đức Giêsu về Nước Trời. Dụ ngôn này không nhấn mạnh đến người gieo là Đức Giêsu, cũng không nhấn mạnh đến hạt giống là sứ điệp do Ngài rao giảng, nhưng nhấn mạnh đến những loại đất khác nhau, đó là những cách đón nhận của tâm hồn người nghe.

Như vậy vấn đề ở đây không phải là về khả năng của người gieo hay chất lượng của hạt giống, mà là về chất lượng của đất, nghĩa là về tâm hồn của người đón nhận. Có kết quả hay không, kết quả nhiều hay ít, đều tùy vào thái độ của người nghe. Tâm hồn càng mềm mại, thanh thoát thì càng dễ đón nhận và sinh hoa trái phong phú.

6. “Có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4). Như Đức Giêsu giải thích ở Mt 13,19, hạng người có tâm hồn “vệ đường” là những ai “nghe mà không hiểu,” không phải vì họ kém hiểu biết, nhưng vì họ cố ý khép lòng, nên hạt giống là lời rao giảng của Đức Giêsu bị ác thần đến lấy mất. Chúng ta có thể coi những người nhóm Pharisêu thuộc hạng người này. Họ đã tố cáo Đức Giêsu là liên minh với quỷ (Mt 9,34; 12,24). Một số người ở các thành phố thuộc vùng Galilê cũng thuộc hạng người này vì họ đã không chịu hoán cải khi nghe Đức Giêsu (Mt 11,20-24). “Chim chóc” tượng trưng cho ác thần đến cướp mất hạt giống đã gieo (x. 2 Cr 4,4).

7. “Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất…” (Mt 13,5-6). Chỉ một chút đất ẩm trên lớp sỏi đá cũng đủ làm nó mọc lên “lập tức”. Tuy nhiên, khi nắng lên, nó bị khô cháy héo tàn, vì rễ không đủ sâu để hút nước. Đức Giêsu coi hạng người “sỏi đá” là những ai khi nghe lời thì “lập tức vui vẻ đón nhận”, nhưng vì người đó không bám rễ sâu, chỉ theo hứng khởi nhất thời, nên lúc gặp khó khăn thử thách thì họ “lập tức” vấp ngã (Mt 13,20-21). Đây là hình ảnh của những đám đông nồng nhiệt chạy theo Đức Giêsu khi Ngài thành công, nhưng họ mất hút vào những ngày cuối của đời Ngài (Mt 7,28; 9,33; 12,23). Họ không đủ sức để bền đỗ đi với Chúa trong cơn bách hại.

8. “Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13,7). Hạng người “bụi gai” cũng nghe lời và đón nhận lời như hạng người “sỏi đá”, nhưng những lo âu thế tục và bả phú quý vinh hoa đã bóp nghẹt lời, khiến lời không sinh hoa trái (Mt 13,22). Đức Giêsu đã từng nhắc nhở các môn đệ về chuyện lo âu những sự đời này (Mt 6,25-34). Anh thanh niên giàu có cũng bỏ đi sau khi nghe Đức Giêsu đòi anh phải dứt bỏ toàn bộ của cải (Mt 19,16-22). Có thể xem anh này là hạng người “bụi gai”. Gai là lòng dính bén vật chất đã khiến anh không thể buông bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu, dù anh có lòng muốn theo Ngài.

9. “Có những hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được gấp sáu mươi, hạt được gấp ba mươi” (Mt 13,8). Người có tâm hồn “đất tốt” khác với ba hạng người trên ở điểm này: chỉ duy anh ta là người “nghe Lời và hiểu” (Mt 13,23). Còn những người khác “nghe Lời mà không hiểu” (Mt 13,19) hay nghe Lời mà lại không để cho Lời lớn lên (Mt 13,20.22). Nhưng ngay nơi những tâm hồn “đất tốt”, năng suất cũng khác nhau: gấp trăm, gấp sáu mươi, hay gấp ba mươi. Chúng ta luôn cần cải tạo đất, để được năng suất cao hơn, nghĩa là cần làm nó bớt sỏi đá và gai góc, làm nó mềm mại để dễ đón nhận lời.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-15-thuong-nien-nam-a-51203

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét