Trang

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Thức tỉnh lương tâm





Thức tỉnh lương tâm
Kính gửi bài “Thức tỉnh lương tâm” của tác giả Trung Dũng, để quý độc giả cùng nghiền ngẫm trong Mùa Chay này
Những năm qua, xu hướng toàn cầu hóa đã đem lại cho Thế giới nhiều biến đổi tích cực. Trong bối cảnh đó Việt Nam cũng được hưởng nhiều lợi ích từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên mặt trái của nó là lợi nhuận được chọn làm tiêu chuẩn hàng đầu. Lựa chọn này dẫn đến sự dấn thân tìm kiếm vật chất, vốn được coi là đam mê trong xã hội tiêu thụ, hưởng thụ hiện nay. Lợi nhuận, tiêu thụ, hưởng thụ, kéo theo sự đam mê quyền lực, địa vị,… Tại Việt Nam, những tác động tiêu cực của xã hội tiêu thụ còn bộc lộ rõ nét qua “bệnh thành tích”. Bệnh này là sự khác nhau giữa thật và giả, là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và thực dụng.

Tất cả những yếu tố trên đã ít nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ, chọn lựa của con người. Do vậy, có nhiều người sẵn sàng chạy theo những giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần, đạp bằng giá trị thần thiêng, giá trị luân lý, lương tâm… Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội.

Sỡ dĩ, tình trạng này diễn ra phổ biến vì người ta không còn để ý đến “tiếng nói” chân thật của lương tâm, của luân lý. Vậy để giúp con người ý thức và nghe theo tiếng nói đó, trong bài này, chúng ta lần lượt tìm hiểu một sốt vấn đề và giải pháp:
Lương tâm là gì? Giải pháp thức tỉnh lương tâm: Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, mục đích đời con người, nếu chọn hạnh phúc trần gian, con người có tính xã hội và sau hết là huấn Luyện Lương Tâm.
Lương tâm là gì?

Lương tâm là khả năng mang tính tự giác của con người, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình một nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội và bản thân [1]

Theo Khổng Tử: Lương tâm là đạo đức “lập đạo của trời nói âm dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa”. Giáo Hội Công giáo đã đưa ra nhiều định nghĩa về lương tâm với các khía cạnh khác nhau như sau:“Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.”(HCMV số 16).Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.”(GLCG số 1778). Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng…” (GLCG số 1778).

Tóm lại, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn, thúc giục con người biết làm điều thiện, tránh điều ác.

Sách sáng thế cho ta biết: Cain sau khi giết em mình là Abel ngoài đồng vắng, dù đi tới chân trời góc biển xa lạ nào chăng nữa cũng không thoát khỏi cái nhìn của Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta nhận ra đây là tiếng nói của Thiên Chúa. Trong thư Do Thái: “Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Dt 8,10). Nếu do con người đặt ra thì họ cũng có quyền xóa bỏ. Hơn nữa, lẽ tự nhiên, ai cũng muốn đặt lợi lộc của mình lên trên và khi gặp những thiệt hại thì không muốn tuân giữ.

Trong phạm vi luân lý, dù tôi có thể ăn cắp một cách tài tình, kín đáo nhưng cũng không được phép làm. Vì đó là một hành động xấu. Luật tự nhiên này cũng không do xã hội. Vì nếu xã hội làm thì mỗi khi xã hội thay đổi, chúng sẽ bị thây đổi theo. Trong đó, chúng ta thấy chính xã hội cũng phải tuân giữ, bởi xã hội cũng phải thể hiện sự công bằng và bình đẳng. Vì thế, luật tự nhiên chế ngự cá nhân đến xã hội, có giá trị ở mọi nơi, mọi lúc.

Lương tâm cũng chính là tiếng nói xuất phát từ cõi lòng, giúp chúng ta nhìn rõ và đánh giá đúng mức những sự việc chung quanh và thôi thúc ta có quyết định dứt khoát: Làm lành, lánh dữ. Trước mỗi hành vi, lương tâm sẽ lên tiếng báo động cho ta biết: đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, đâu là việc nên hay không nên làm… Sau mỗi hành vi, lương tâm đóng vai trò thẩm phán để xét xử. Nếu đã làm điều tốt, chúng ta sẽ vui mừng, còn nếu làm điều xấu, sẽ bị dày vò, cắn rứt. Tiếng nói này ảnh hưởng, chi phối và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người, xã hội, vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo.... Không ai có thể dập tắt tiếng lương tâm. Dù khi ta lẫn tránh, chìm ngập trong men rượu, trong vui thú để quê đi những gì mình đã làm nhưng vô ích, rồi những giây phút đó sẽ trôi qua và có lúc chúng ta cũng phải đối diện với bản thân trong thinh lặng, lúc đó lương tâm sẽ lên tiếng như lời Kinh Thánh đã ghi: “ác nhân trốn chạy dù không ai đuổi bắt, còn chính nhân đứng vững tựa sư tử con” (Cn 28,1).

Tuy nhiên thực tế cho thấy, con người thời nay như không còn quan tâm tới luân thường, đạo lý. Nên tình trạng mua gian, bán lậu và các tệ nạn xã hội khác xẩy ra tràn lan. Vậy giải pháp nào để giúp họ biến đổi suy nghĩ, lối sống và nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các điều luật luân lý.
Giải pháp thức tỉnh lương tâm

Trước tiên, nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay

Thực vậy, qua các phương tiện truyền thông, ta không còn xa lạ với những thông tin về buôn gian, bán lậu, cướp giật, giết người và dùng mọi chiêu bài để che mắt thiên hạ. Thật giả như bị đảo lộn, để rồi “chân lý” cũng như “chân giò”. Thực trạng này làm cho “con người là lang sói của nhau” như triết học định nghĩa. Khi lương tâm, luân lý không được tôn trọng, nhân phẩm, giá trị con người bị xem nhẹ… thì người này trở thành “miếng mồi béo bở” của người khác. Người ta sẵn sàng đạp bằng mọi sự, miễn sao đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn như trong thời gian vừa qua, mọi người kinh hoàng bởi vụ án Lê Văn Luyện. Hắn xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại tỉnh Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc tẩu thoát, phi tang hiện vật, phủi tay coi như không có gì xảy ra. Khi bị bắt, hắn lại không tỏ ra ăn năn hối lỗi. Rồi vụ án Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Việt Lâm và ông Chủ tịch Tỉnh Hà Giang, Nguyễn Trường Tô mua dâm học sinh nữ, đã làm hoen ố cho cả một thế hệ. Chưa hết, tệ nạn xã hội xẩy ra khắp nơi, trong nhiều lãnh vực như: mại dâm, nạo phá thai, buôn bán người, tự tử, mẹ bán con (http://congly.com.vn/ số ra ngày 27/11/2012 đưa tin hai bà mẹ tàn nhẫn rủ nhau bán con lấy 10 triệu đồng), con giết mẹ… Tất cả những điều này cho thấy, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chủ nghĩa tương đối như “lên ngôi”, trong khi lương tâm lại là điều gì xa lạ với họ. Tình trạng suy đôi luân lý đã để lại hậu quả khủng khiếp thế nào.
Mục đích đời con người.

Theo “lý trí đánh cuộc” của Passcal, ông cược rằng: ‘Nếu tôi tin có Thiên Đàng, mà có thực thì tôi được tất cả, nếu không có thì cũng không sao mà cuộc đời lại tốt đẹp. Nếu không tin có Thiên Đàng mà quả thực là có, thì tôi thiệt hại vô cùng’. Đúng vậy, nếu so sánh thời gian hiện hữu của một đời người với thời gian của trái đất, thì đời người chỉ tính bằng giây mà thôi. Cuộc sống con người mong manh, chóng tàn. Chưa hết, dù được sống trong một thời gian ngắn ngủi ấy nhưng ta phải đối diện với muôn vào khó khăn, khổ cực.

Chẳng lễ cuộc đời lại mong manh, vô nghĩa như vậy? Câu hỏi này sẽ giúp ta suy nghĩ về mục đích ý nghĩa cuộc đời của mình. Ta sẽ nhận ra rằng: cuộc sống con người không chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc ngắn ngủi ở trần gian, nhưng còn hơn thế như ông bà ta thường nói: “Sống ký, tử quy”. Theo Nguyễn Du: “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Thân xác (thể phách), sau khi chết, linh hồn vẫn còn (còn là tinh anh). Linh hồn là phần tinh anh của thế xác. Với người công giáo, chết không phải là hết mà bước vào cuộc sống mới. Nếu đời này sống tốt, ta sẽ được hưởng sự sống viên mãn trên Thiên Đàng, nếu ăn ở gian ác thì chịu luận phạt. Vì thế những giá trị cuộc sống như: ăn ngay, ở lành, sống theo các giá trị luân lý là cái giá giúp ta đạt hạnh phúc viên mãn sau này.
Con người có tính xã hội

Con người sống là sống cùng, sống với. Không ai là một hòn đảo như triết học định nghĩa: "con người có tính xã hội”. Vì thế nếu sống giả dối, lừa lọc, chỉ biết nghĩ cho mình, chắc chắn chúng ta sẽ bị cô đơn, sẽ phải lãnh hậu quả. Khi đó, ta sẽ nhìn mọi người với ánh mắt thù địch, lúc nào cũng bị căng thẳng, phải cảnh giác và không được bình an… Ngược lại, nếu sống thật, biết quan tâm giúp đỡ tha nhân, ta sẽ thấy đời rất đẹp, mọi người thật đáng yêu và đời người có ý nghĩa.

Nếu chọn hạnh phúc trần gian

Như đã nói ở trên, cuộc sống trần gian như một làn gió thoảng qua. Điều này giải thích tại sao, người ta lại tranh thủ mọi phương thế để được vui thú, thỏa mãn mọi ước vọng. Có người tận hưởng niềm vui trong rượu chè, trai gái, hút chích. Có người tìm niềm vui trong công việc … Nhưng liệu những niềm vui đó có thể thỏa mãn hạnh phúc? Chắc chắn là không. Vì sau nhưng giây phút đó, có lúc họ sẽ rơi vào cảnh cô đơn, sầu lặng, buồn chán và có người đã giải thoát cuộc đời bằng cách tìm đến cái chết. Như thế ở trần gian con người không thể thỏa mãn hạnh phúc. Hơn nữa chúng ta sẽ không tìm được lời giải đáp cho những vấn nạn: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống để làm gì? Tại sao phải đau khổ? Tại sao phải chết? Sau khi chết, tôi đi đâu?... Rồi ta sẽ thấy cuộc đời thật vô nghĩa, chán ngán, bởi công thức cuộc sống cứ lặp đi lặp lại: ăn, uống, ngủ nghỉ, làm việc, cơm gạo áo tiền …
Cái chết của con người

Nếu ta đã từng một lần đưa tiễn người thân, bạn bè hay một ai đó thân thiết, chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi xúc động, nhớ thương. Lúc đó chúng ta dễ dàng suy gẫm về kiếp nhân sinh. Một ngày kia chúng ta cũng phải rời cõi thế. Người giàu sang, kẻ nghèo khó cũng đồng số phận. Tuy nhiên ta chết như thế nào? Một câu danh ngôn đã khuyên ta: "khi sinh ra, bạn khóc người khác cười, nhưng phải sống làm sao để khi ra đi, người khác khóc thương bạn". Thực tế cho thấy, có người chết đã để lại bao nỗi tiếc thương, nhưng cũng không thiếu những người khi chết lại là niềm vui cho người khác. Vì cuộc sống của họ đầy giả dối, lừa đảo, bởi những việc làm quái ác…

Vậy ta phải sống thế nào cho xứng với nhân phẩm con người để "khi mình chết, người khác khóc". Đó chính là sống theo các giá trị luân lý tự nhiên là làm lành, lãnh dữ. Với người công giáo đó là nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa và Giáo Hội.
Huấn Luyện Lương Tâm.

Như chúng ta đã trình bày về tầm quan trọng của lương tâm, sự mong manh của kiếp người, sự chết, mục đích, ý nghĩa của cuộc sống, sẽ phần nào giúp con người thay đổi suy nghĩ, lối sống và nghe theo tiếng lương tâm, tuân giữ các điều luật luân lý. Tuy nhiên, lương tâm có thể sai lầm và có khi trở thành mù quáng, không biết phải trái, lành dữ nếu không được huấn luyện. Vì thế việc huấn luyện lương tâm là rất cần thiết và phải theo đuổi suốt đời: Hội Thánh khẳng định rằng: “Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức.” (GLCG số 1783).

Việc giáo dục lương tâm thực hiện theo hai cách: Tự nhiên và siêu nhiên[2]:

1/ Tự nhiên: Một người cần được hấp thụ một nền giáo dục tốt ngay từ bé từ môi trường gia đình, học đường, giáo xứ…

2/ Siêu Nhiên: Vì lương tâm có liên hệ chặt chẽ với các nhân đức: Tin – Cậy – Mến. Nên việc đào tạo lương tâm phải lấy tinh thần Kitô giáo làm chuẩn mục:

- Cầu nguyện: Cầu nguyện là giờ phút linh thiêng, cá nhân con người gặp gỡ Chúa. Vì thế, hằng ngày, khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tác động và “sửa lại mọi sự trong ngoài,” thì lương tâm chúng ta sẽ trở nên ngay chính. Vì thế cầu nguyệnlà phương thế tốt nhất để đào tạo lương tâm. Đặc biệt nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hương dẫn của Hội Thánhphải trở thành kim chỉ nam soi dẫn cuộc đời ta.“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)

- Trung thành chiến đấu với các đam mê.

- Năng lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Giải Tội.

- Khiêm nhường lắng nghe lời chỉ dẫn của cha linh hướng và những người đạo đức, khôn ngoan.
Kết luận

Tóm lại, để có thể đi ngược lại chủ nghĩa tương đối, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, biết lắng nghe tiếng lương tâm, sống theo các giá trị luân lý, đạo đức xứng với nhân phẩm, thì chúng ta cần phải được giáo dục từ bé trong môi trường tốt của gia đình, học đường, xã hội và là một việc làm thường xuyên.

Với người công giáo, cách riêng là anh em chủng sinh, thì nghe theo tiếng lương tâm, sống đúng luân lý lại phải được áp dụng cách nhiệm nhặt hơn trong bối cảnh hiện nay. Và nhất là trong Năm Đức Tin này, Giáo Hội mời gọi mọi người đào sâu Đức Tin, học hỏi giáo lý và sống các giá trị Tin Mừng, hầu trở thành men, thành muối cho đời. Vì chúng ta được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong việc thánh hóa Thế giới. Hầu giúp mọi người có thể đạt tới hạnh phúc thật trên Thiêng Đàng. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của những người theo Chúa.
Trung Dũng
ĐCV Vinh Thanh
Tài liệu tham khảo:
1. Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Luân Lý Căn Bản, Tr 109-138
2. Hương Việt: Tôi tin có một Thiên Chúa, Quyển II,( Hà nội: Nxb Tôn Giáo, 2006)
3. Điển ngữ thần học
4. Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo, (Huế: Nxb Thuận Hóa)
5. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012)
6. Lm Giuse Hoàng Kim Đại. “Lương Tâm Con Người”,http://xuanbichvietnam.wordpress.com/. Truy cập ngày 17/12/2012


http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=6843

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét