Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

“Những lời của Đức Phanxicô có thể là điểm chuẩn sau thời gian cách ly”

“Những lời của Đức Phanxicô có thể là điểm chuẩn sau thời gian cách ly”

cath.ch, Claire Guigou, I. Media, 2020-06-18
Ngày 18 tháng 6 nhà báo Caroline Pigozzi xuất bản quyển sách “Phanxicô, sách bỏ túi” (François en poche, nxb. Cherche Midi). Bà là ký giả chuyên gia kỳ cựu về Vatican của báo Paris Match, đã tường thuật các sinh hoạt của ba đời giáo hoàng. Quyển sách liệt kê các suy nghĩ quan trọng nhất của Đức Phanxicô không những chỉ ngắm đến người công giáo mà còn mong muốn truyền đạt đến mọi người “tinh thần lạc quan và hy vọng” của Đức Phanxicô.
Vì sao có quyển sách này bây giờ? Bà nảy sinh ý tưởng này như thế nào?
Tôi vừa hoàn thành một tác phẩm về Đại tướng Charles de Gaulle, tôi đã bỏ ra một thời gian dài để viết quyển sách này, tôi muốn làm một cái gì khác nhẹ hơn. Từ lâu tôi đã có dự án này trong đầu, vì tôi luôn được đánh động bởi từ vựng Đức Phanxicô dùng và tôi chưa bao giờ tìm ra thì giờ để làm. Tôi nghĩ nó sẽ nhanh nhưng khi tập trung vào việc dịch các văn bản, tôi phải mất nhiều tháng. Tôi không bao giờ tưởng tượng công việc này sẽ như vậy! Tôi muốn viết một cái gì đó xuất phát từ trái tim, tôi nghĩ: nếu mình chận một ai đó trên đường, rồi đọc câu này cho họ nghe, họ có nghe mình không? Và thế là mục tiêu đã được ấn định.
Quyển sách này nhắm đến ai?
Đến mọi người. Ví dụ với người đi xe điện ngầm, họ mở sách ra đọc và khi xuống bến xe, họ bỏ sách vào túi. Là nhà báo của tuần báo nổi tiếng Paris Match, tôi không muốn ở trong lãnh vực chỉ ở giữa chúng tôi. Quyển sách này không dành riêng cho người công giáo, họ không cần đến tôi, nhưng là cho tất cả mọi người.
Làm thế nào mà linh đạo của Đức Giáo hoàng lại có thể giúp đỡ những người không công giáo?
Tôi nghĩ sau thời gian cách ly, các lời của giáo hoàng có thể là điểm chuẩn. Qua lời của ngài, ngài truyền đạt một tinh thần lạc quan và hy vọng, và đó là điều tôi mong muốn đưa ra. Tôi muốn đưa ra các câu có thể giúp những người đang buồn bã ra khỏi đau khổ của họ. Quyển sách này không nhằm hoán cải nhưng đúng hơn là đưa ra cho bất cứ ai để họ cảm nghiệm lời của giáo hoàng mà không cần phải đi lễ mỗi ngày.
“Trường đại học của các bà mẹ là quả tim của họ, đó là nơi họ học cách nuôi dạy con cái mình” – Đức Phanxicô
Trong số các tư tưởng được ghi lại, bà thích nhất câu nào?
Có rất nhiều. Chẳng hạn: “Tôi hoàn toàn là người vô kỷ luật từ khi sinh ra, nhưng kỷ luật Dòng Tên, cách họ sắp xếp thời gian thực sự gây ấn tượng cho tôi”. Hay: “Trường đại học của các bà mẹ là quả tim của họ, đó là nơi họ học cách nuôi dạy con cái mình”. Và câu: “Quý vị muốn cãi nhau bao nhiêu tùy ý, kể cả làm cho đĩa bay, chén bay. Nhưng đừng bao giờ để ngày kết thúc mà chưa làm hòa với nhau.” Tôi thích những câu này vì nó đi ra khỏi bối cảnh tôn giáo. Tôi luôn ấn tượng về từ vựng ngài dùng, ngài không nói như một tu sĩ, ngài không cường điệu. Những lời ngài nói về người di dân là cơ bản.
Bà có mối quan hệ đặc biệt với giáo hoàng, bà là nhà báo Pháp đầu tiên phỏng vấn Đức Phanxicô năm 2015. Bà giải thích mối quan hệ đặc biệt này như thế nào?
Tôi nghĩ nó phát xuất từ nhiều thứ. Chắc chắn cũng một phần tôi là người vùng Piémont! (bên ngoại Đức Phanxicô cũng là người vùng Piémont, nước Ý). Tôi nghĩ một phần cũng là vấn đề tôn trọng. Tôi biết giữ lời của giáo hoàng cho tờ báo của tôi và một số tâm sự riêng cho tôi, và tôi nghĩ đó là điều quan trọng. Thêm nữa tôi cũng không thể hiện mình trên các trang mạng xã hội và cũng không tìm cách làm các “scoops” khi nói về giáo hoàng. Về phần tôi, tôi luôn bị mê hoặc bởi tinh thần Dòng Tên, tinh thần phân định đặc biệt của Dòng. Nếu ngài là tu sĩ Dòng Đa Minh thì chắc chắn sẽ là một chuyện khác.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét