Trang

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Phụng Vụ Mùa Thường Niên: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa, Các Bài Đọc

 

Phụng Vụ Mùa Thường Niên: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa, Các Bài Đọc


 
Mùa Thường Niên thật có ý nghĩa vì: nhịp điệu của các mùa Phụng vụ phản ảnh nhịp điệu lên bổng xuống trầm của cuộc sống.
Phụng Vụ Mùa Thường Niên: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa, Các Bài Đọc

Dẫn Nhập


Chúng ta biết mỗi “đạo” đều có hình thức; nghi lễ thờ phượng cách riêng của mình theo từng giai đoạn; từng mùa … đạo Công giáo chúng ta cũng thế, ta phân ra Phụng vụ các mùa trong năm cách riêng: mùa Vọng; mùa Giáng sinh; mùa Chay; mùa Phục sinh, đều có những nét riêng biệt, và thời gian còn lại là mùa Thường niên, mùa này được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một bắt đầu từ lễ Hiển linh hay lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa đến trước thứ tư Lễ tro. Giai đoạn hai bắt đầu từ sau lễ Ngũ tuần cho đến hết năm phụng vụ đó (tức trước Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng của năm phụng vụ tiếp theo). Như vậy mùa thường niên là mùa kết nối giữa hai mùa Giáng sinh và mùa Chay, với mùa Phục sinh và mùa Vọng.


Vậy đâu là nguồn gốc, ý nghĩa và nội dung của sự kết nối này ?. Để trả lời và đi vào chi tiết, chúng ta sẽ tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa, các bài đọc trong thánh lễ mùa thường niên và cuối cùng là các ngày lễ kính Chúa. Dĩ nhiên trong mùa thường niên còn một số lễ kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nhưng điều này không thuộc lãnh vực của nhóm.


I. Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Mùa Thường Niên


1. Nguồn Gốc


Ngoài những mùa có đặc tính riêng biệt, còn lại 33 hoặc 34 tuần trong chu kỳ năm phụng vụ không có cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô, nhất là trong các ngày Chúa nhật, thời gian này gọi là mùa Thường niên.[1]


Mùa Thường niên bắt đầu từ thứ hai kế tiếp Chúa nhật sau ngày 06 tháng giêng, và kéo dài đến hết thứ ba trước mùa Chay; rồi lại bắt đầu từ thứ hai sau Chúa nhật lễ Hiện xuống và kết thúc trước giờ Kinh Chiều I Chúa nhật mùa Vọng. Nghĩa là trong khoảng thời gian 33 hay 34 tuần lễ của Mùa Thường niên, bao gồm 2 thời kỳ: Từ sau mùa Giáng sinh đến đầu Mùa Chay và Từ sau lễ Hiện xuống đến hết tuần lễ Chúa Kitô Vua. Hội Thánh dùng thời gian này giúp tín hữu sống mầu nhiệm cứu độ cách đầy đủ hơn. Vì thế, có một loạt công thức trong sách Các Giờ Kinh Phụng vụ cũng như trong Sách Lễ dành cho các Chúa nhật và các ngày trong tuần mùa này.[2] Ngoài ra, rải rác suốt năm Phụng vụ, Hội Thánh còn dành nhiều ngày lễ để tôn kính các thánh là những đấng đã tới đỉnh cao trọn lành, đáng nêu gương cho ta và rất thần thế cầu bầu cho ta trước tòa Chúa, cách riêng tôn kính cách đặc biệt Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Hội Thánh: “tôn vinh Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly” (xc. PV 103-104).


Các bài đọc trong các Chúa Nhật Thường niên tường thuật về cuộc đời, sứ vụ của Chúa Kitô trong việc rao giảng nước Thiên Chúa, và muốn cho người tín hữu nhìn vào cuộc sống thường ngày đó để sống rất kiên cường niềm tin của mình. Quả vậy Đức Kitô Cứu thế đã từng có mặt trong các Cộng đoàn tín hữu xa xưa và hôm nay đang tiếp tục có mặt trong cuộc đời mỗi người chúng ta, đang quây quần tham dự cử hành Thánh Lễ và trong cuộc sống đời thường.


2. Ý Nghĩa


Tại sao Giáo Hội lại chia Mùa Thường Niên thành hai phần: Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh và Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh.

Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh


Mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một Thánh Lễ được Giáo Hội xếp liền ngay sau Lễ Hiển Linh.


Bởi thế, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một cách nào đó, cũng có tính cách hiển linh ở chỗ từ sau khi Chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu đã bắt đầu tỏ mình ra, trước hết cho Gioan, vị Tiền Hô của Người, sau đó, qua môi giới Gioan, cũng như qua trung gian Mẹ Maria, cho các môn đệ của Người, rồi cho dân Do Thái. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra như thế nào, nếu không phải Người tỏ “vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý. Vì tiếp liền với Mùa Giáng Sinh, những tuần lễ của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh có một liên quan đặc biệt với mầu nhiệm và biến cố “Lời đã hóa thành nhục thể ở giữa chúng ta, và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người”. Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa bắt đầu mở màn cho Mùa Thường Niên.


Sau Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Giáo Hội không đề cập đến sự việc liên tục theo trình thuật của Phúc Âm Nhất Lãm, đó là biến cố Chúa Giêsu được Thánh Thần đem vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ. Trái lại, Giáo hội chọn ngay những bài Phúc Âm nói đến việc Chúa Giêsu được giới thiệu (Chúa Nhật 2 Thường Niên) và được sai đi rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Nếu so sánh với Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh thì Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là thời gian Giáo hội tiếp tục tưởng nhớ việc tỏ mình ra “của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý”.


Mùa Thường niên Hậu Phục Sinh


Nếu ý nghĩa, nội dung và chiều hướng của Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, được bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tỏ Mình, thì Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được bắt đầu từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh. Vì chủ đề cho cả Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh, mà Giáo Hội của Người đã nhập cuộc, qua việc rao giảng về Người và làm chứng cho Người, cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, một biến cố được Giáo Hội để kết thúc Phụng Niên của Giáo Hội với Lễ Chúa Kitô Vua.


Nếu chủ đề của các bài Tin Mừng Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là “Chứng của Chúa Giêsu”, thì ý nghĩa và chủ đề của cả Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là việc Chúa Kitô được Thánh Thần làm chứng về Người qua Giáo Hội, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang, thời điểm kết Mùa Thường Niên nói riêng và Phụng Niên nói chung ở Lễ Chúa Kitô Vua. Bởi thế, cốt lõi của các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Thường Niên (Hậu Phục Sinh) phải được hiểu theo chiều hướng Giáo Hội, chiều hướng Chứng Từ Giáo Hội, hơn là chiều hướng Chúa Kitô Tự Chứng.[3]


Như thế, Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, chủ đề của Phụng Vụ (Lời Chúa) hướng về Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh, qua chứng từ của Giáo Hội được thực hiện bởi tác động của Thánh Linh.


Tóm lại, Mùa Thường Niên thật có ý nghĩa vì: nhịp điệu của các mùa Phụng vụ phản ảnh nhịp điệu lên bổng xuống trầm của cuộc sống. Đời một con người luôn gắn liền với những biến cố, những sự kiện vui buồn, những thành công và thất bại như trong Kinh Thánh đã nói: con người có thời để sinh ra, có thời để chết đi; có thời thinh lặng, có thời lên tiếng… Cũng thế, trong đời sống Đức Tin, người tín hữu sau khi tận hưởng bầu khí sốt sắng trên những đỉnh núi Phục Sinh và Giáng Sinh, phải xuống núi để đi vào thực tế của đồng cỏ Thường Niên. Ở đó, người tín hữu được mời gọi sống hoàn thiện ơn gọi của mình cách cụ thể và sống động, trong chính hoàn cảnh và thân phận của mình.


Năm Phụng Vụ có ba phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử, giúp cho chúng ta chiêm ngắm các khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô: từ việc sinh ra, chịu phép rửa, đời sống công khai đến cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh. Mỗi giai đoạn cuộc đời Chúa Cứu Thế được cử hành cách khác nhau theo từng thời gian: 1. Mùa Vọng tượng trưng cho giai đoạn sống theo lề luật Cựu Ước; 2. Các mùa Giáng Sinh, Thường Niên sau lễ Giáng Sinh, Mùa Chay, Phục Sinh tóm gọn thời kỳ Chúa Giêsu sống trên trần gian; 3. Mùa Thường Niên II sau lễ Hiện Xuống tương ứng với thời đại của Chúa Thánh Thần, qua đó Giáo Hội được khai sinh rồi tiếp tục tăng trưởng và hoạt động. Như vậy, chiều kích sư phạm của năm Phụng Vụ sẽ giúp người tín hữu không cảm thấy xa lạ với các cử hành, bởi vì cấu trúc và các cử hành không đi ngoài kinh nghiệm đời thường của mỗi chúng ta.[4]


III. Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ


1. Các Bài Đọc Chúa Nhật


Trong các bài đọc, bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Kinh Thánh được mở ra cho họ.[5] Các bài đọc Chúa nhật cũng theo chu kỳ 3 năm như các Chúa nhật và lễ trọng khác. Mỗi Chúa nhật thường có một bài Cựu Ước, một bài Thánh Thư và một bài Tin Mừng. Nhờ đó, dân Kitô hữu được giáo dục về tính cách liên tục của chương trình cứu độ, theo sự xếp đặt lạ lùng của Thiên Chúa. Vậy, đọc cả ba bài đó là điều đáng ước mong; tuy nhiên, vì lý do mục vụ hoặc do quyết định của Hội đồng Giám mục cũng có thể, ở một vài nơi, được phép chỉ đọc hai bài. Nhưng khi phải chọn một trong hai bài trước, thì hãy để ý đến những quy luật ghi trong sách các bài đọc và đến mục đích hướng dẫn giáo dân cho họ hiểu biết sâu rộng hơn về Kinh Thánh, chứ đừng có chủ trương duy nhất là chỉ chọn bài ngắn hay bài dễ mà thôi.[6]  Bởi thế, chúng ta đi vào và tìm hiểu các bài đọc Mùa Thường Niên như sau:


Các Bài Tin Mừng


Như chúng ta đã thấy ở trên, Tin Mừng theo thánh Gioan được đọc trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Vì thế, Mùa Thường niên được dành để đọc ba Tin Mừng Nhất Lãm, bắt đầu từ Chúa nhật III. (Chuá Nhật I dành đọc các đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa chịu Phép Rửa. Chúa nhật II, cả 3 năm, đọc Tin Mừng theo thánh Gioan). Trong Hiến chế về Phụng vụ, Công đồng Vaticano II viết: “Để bàn tiệc Lời Chúa được phong phú cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn để trong một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng nghe phần quan trọng của Thánh Kinh.”[7]Chính vì thế, ngày 25/05/1965 Thánh Bộ Phụng tự đã ban hành sách bài đọc theo lệnh của Công đồng. Sách bài đọc qui định chu kỳ Chúa Nhật là ba năm. Uy Ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam giải thích như sau: chu kỳ nhưng bài đọc trong các ngày Chúa Nhật là ba năm. Người ta dùng chữ A, B và C để chỉ cho ba năm. Năm C chia hết cho 3 (cộng các số năm đó, chia hết cho 3). Như thế, các năm 1968, 1971, 1974 là những năm C. Các năm kế tiếp năm C là năm A: 1969, 1972, 1975. Các năm trước năm C là năm B: 1967, 1970, 1973.[8]


Năm A đọc Tin Mừng theo thánh Mátthêu, vì thế cũng gọi là năm của Máthêu; năm B đọc Tin Mừng theo thánh Mátcô, và gọi là năm Mátcô; năm C, đọc Tin Mừng theo thánh Luca, và gọi là năm Luca. Vì Tin Mừng theo thánh Mátcô quá vắn, nên vào các Chúa nhật XVII và XXI của năm B, người ta đọc Tin Mừng theo thánh Gioan, những đoạn không thể đọc trước hoặc sau lễ Phục Sinh.


Vì cả ba Tin Mừng được viết theo một sơ đồ chung, nên mỗi năm, sau lễ Chúa chịu phép Rửa, thường đọc những đoạn kể lại lúc khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê, rồi tiếp đến những bài giảng, những dụ ngôn, những phép lạ của Chúa. Cuối cùng, vào khoảng tháng 11, chu kỳ phụng vụ được kết thúc bằng những dụ ngôn về thời sau hết.


Theo truyền thống, việc đọc các bài đọc không phải là nhiệm vụ của chủ tọa, mà là của người giúp việc; nên, theo thói quen, thì thầy Phó Tế, hay nếu không có thầy Phó Tế, thì một linh mục khác đọc Tin Mừng. Nhưng nếu không có thầy phó tế hay linh mục nào khác, thì linh mục chủ tọa đọc Tin Mừng.[9]


Các bài Thánh Thư


Song song với các bài đọc Tin Mừng, trong chu kỳ 3 năm của Mùa Thường niên, Giáo Hội cho chúng ta đọc hầu hết những đoạn thư quan trọng của thánh Phaolô và thánh Giacôbê.[10] Các thư được đọc theo thứ tự các chương, vì thế, trong các Chúa nhật Thường niên, thường không có liên hệ giữa bài Tin Mừng và Thánh Thư. Trong các thư của thánh Phaolô, quan trọng nhất là thư gởi giáo dân Roma, được đọc trong 16 Chúa nhật liên tiếp của năm A. Có điều ngoại lệ này, là 19 đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo dân Côrintô được phân phối đọc vào những Chúa nhật đầu Mùa Thường niên của mỗi năm.


Các bài Cựu ước


Không giống như những bài Tin Mừng và Thánh thư, các bài Cựu ước không được đọc theo thứ tự các sách, các chương. Vì số sách Cựu ước quá nhiều, không thể đọc hết trong chu kỳ 3 năm. Ngoài ra, cũng không nên phân tán sự chú ý của thính giả ra nhiều vấn đề, nên các bài Cựu ước thường được chọn để soi sáng bài Tin Mừng hoặc bài Thánh thư. Phần lớn là sửa soạn cho bài đọc Tin mừng. Những bài Cựu ước này làm cho ta thấy những lời giảng dạy của Chúa Giêsu ăn sâu vào truyền thống Do Thái, rập theo những thành ngữ, cách diễn tả của Do Thái. Nhờ  đó, ta cũng thấy sự liên tục của lịch sử cứu độ.

Như vậy phụng vụ Lời Chúa mùa Thường Niên có hai điểm qui chiếu: một là những bài Cựu Ước gồm cả thánh vịnh đáp ca và bài Tin mừng; hai là bài Thánh Thư. Rất ít khi ba bài hợp với nhau thành một chủ đề, nếu có, thì chỉ là sự tình cờ. Bởi vậy, khi cần tìm hiểu bài Thánh Thư, thì đừng tìm nơi hai bài Sách Thánh khác của ngày đó, nhưng phải tìm ở những bài Thánh thư của Chúa nhật trước hoặc sau.


2. Các Bài Đọc Trong Tuần


Phụng vụ Lời Chúa các lễ trong tuần Mùa Thường niên được chia thành chu kỳ hai năm (Năm I hay năm Lẻ và năm II hay năm Chẵn). Nhưng kiểu chia này chỉ dành cho các bài đọc I, vì bài đọc Tin Mưng năm nào cũng giống nhau. Mỗi năm chúng ta đọc hầu như trọn ba cuốn Tin Mừng Nhất Lãm: Các tuần I-IX : Tin Mừng Thánh Mát-cô; các tuần X-XXI : Tin Mừng Thánh Mát- thêu ; các tuần  XXII-XXXIV : Tin Mừng Thánh Luca.


Các bài Cựu ước đọc theo thứ tự thời gian của lịch sử thánh chứ không theo kiểu soi sáng thường dùng trong chu kỳ 3 năm của các ngày Chúa nhật.


[1] Xc. Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức tự sắc: phê chuẩn những quy tắc chung về Năm Phụng vụ và Lịch chung mới của Hội Thánh Rôma, số 43.

[2] Ibid., số 44.

[3] Xc. Cao Tấn Tĩnh, Giai Đoạn Mùa Thường Niên: Liên Kết Phụng Niênhttp://www.dongcong.net/LoiChua-SuyNiem/SuyNiemNamA/TamPhuong/tn10a.htm, truy cập ngày 06/03/2013.

[4] M.t . N.Đ.T., Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinhhttp://www.baicamoi.com/?p=23057, truy cập ngày 05/03/2013.

[5] QCSLRM, số 34, xem thêm Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh Lễ, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 264.

[6] QCSLRM, số 318.

[7] PV, số 51.

[8] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh Lễ, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 273.

[9] QCSLRM, số 34.

[10] Các thư của thánh Phêrô và thánh Gioan đọc trong Mùa Phục Sinh cùng với Sách Khải huyền, vì những thư này nói đến mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô và của chúng ta.


Nguồn: Năm Phụng Vụ, Mùa Thường Niên (tr. 73-81) do Lớp thần IV, Trung tâm Học vấn Đa Minh, Niên Khoá 2012-13 thực hiện 


https://giaophanlangson.org/news/huong-dan-phung-vu/phung-vu-mua-thuong-nien-nguon-goc-y-nghia-cac-bai-doc-7721.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét