Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

Người ngoài hành tinh và đức tin kitô giáo: một tôn giáo thực sự phổ quát không?

 Người ngoài hành tinh và đức tin kitô giáo: một tôn giáo thực sự phổ quát không?

Ngày càng có nhiều nhà khoa học xem sự tồn tại của các nền văn minh ngoài trái đất là điều rất có thể xảy ra. Nếu vậy, đâu là những can hệ của vấn đề này với đức tin kitô giáo? Một bài phân tích nhỏ trong thần học-giả tưởng.

cath.ch, Ban biên tập, 2023-02-06


Bà Nathalie Cabrol là giám đốc khoa học của viện Seti, California (Nghiên cứu Trí thông minh Ngoài Trái đất), hướng các kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ về không gian, nhằm tìm kiếm các tín hiệu công nghệ của trí thông minh ngoài trái đất. Trong quyển sách “Vào lúc bình minh của những chân trời mới” (À l’aube de nouveaux horizons) phát hành ngày 6 tháng 1, nhà sinh vật học vũ trụ khẳng định: “Với tối thiểu 300 triệu hành tinh có khả năng sinh sống được nằm trong thiên hà, việc nghĩ rằng chúng ta đơn độc trong đại dương vũ trụ này là một điều phi lý. Dựa trên các số liệu thống kê, không chỉ có khả năng tồn tại các nền văn minh ngoài trái đất mà các hành tinh này có rất nhiều và chắc chắn rất đa dạng.”

“Về mặt thống kê, nghĩ rằng chúng ta đơn độc trong vũ trụ là phi ly ” – Nathalie Cabrol

Trả lời phỏng vấn của tờ báo Bỉ La Libre, bà Nathalie Cabrol không tin vào thuyết “Đất hiếm”, theo đó “phải cần vô số tai nạn và ngẫu nhiên để mang lại sự sống như chúng ta biết”. Một khái niệm từ lâu đã phổ biến trong vật lý thiên văn. Theo bà, “những ngẫu nhiên đã định hình quá trình tiến hóa để dẫn đến con người chúng ta, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tồn tại sự sống trên một hành tinh”. Vì “các nguyên tố tạo nên sự sống chúng ta (hóa sinh dựa trên nước, carbon, v.v.) là những nguyên tố cực kỳ phổ biến.

Những nguyên tố này đã được tạo ra bởi các ngôi sao kiểu mặt trời từ mười tỷ năm, mặt trời của chúng ta đã xuất hiện cách đây năm tỷ năm. Bà giám đốc Seti nhấn mạnh: “Điều này có nghĩa,  trong thiên hà đã có khả năng tồn tại một hoặc hai thế hệ văn minh ngoài trái đất, thậm chí có trước chúng ta. Ngay cả khi ngẫu nhiên, các mô hình bảo thủ nhất cho rằng có khả năng tồn tại hàng chục nền văn minh tiên tiến trong thiên hà của chúng ta. Và các thiên hà thì có 125 tỷ thiên hà!”.

Gặp gỡ liên tôn thể loại thứ ba

Và đây là một vài lập luận, được đề cập nhanh chóng, từ ngành khoa học liên ngành gần đây là ngoại sinh học hoặc sinh vật học vũ trụ. Dù nó đang phát triển rất nhanh, trong tương lai gần, công nghệ trên mặt đất chúng ta có thể sẽ không cho phép chúng ta xác nhận sự tồn tại có thể có của các nền văn minh ngoài trái đất. Tuy nhiên, chúng ta nên thử xem xét một tiếp cận nhỏ về thần học-giả tưởng: có thể nào con người sẽ phải gặp những sinh vật thông minh, có ý thức, tâm linh sống ở những nơi khác trong vũ trụ, thì điều đó có nghĩa gì đối với đức tin kitô giáo.

Chúng ta tưởng tượng cuộc họp này diễn ra tốt đẹp và cả hai bên cử các sứ quán đến để phát triển quan hệ. Trong phái đoàn dưới đất chắc chắn sẽ có các chính trị gia cũng như các nhà khoa học, nhân chủng học, triết gia, nghệ sĩ đại diện và các nhà lãnh đạo tôn giáo và dĩ nhiên có cả các tín hữu kitô. Sau khi vượt qua trở ngại trong việc tiếp xúc và hiểu nhau (với cái giá của một công việc dịch thuật khổng lồ), các đại diện kitô giáo – các giám mục, các bậc thầy tâm linh, các thần học gia – sẽ đặt ra cho những người họ đối thoại đến từ hành tinh khác là những câu hỏi nào? Một cuộc đối thoại liên tôn tuyệt đẹp trong viễn cảnh!

Những câu hỏi ngông cuồng

Một loạt câu hỏi đầu tiên có thể liên quan đến sự hiểu biết của họ về cuộc sống: ý nghĩa của sự tồn tại là gì? Có thể họ sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi này không? Có lẽ ưu thế khoa học và công nghệ của họ, sự hiểu biết tiên tiến hơn nhiều của họ về vũ trụ và cuộc sống, sẽ nuôi dưỡng nơi họ một trí tuệ thực tại khôn ngoan nào? Có lẽ họ sẽ sống trong hòa bình, và hài hòa với vũ trụ? Còn câu hỏi về Chúa thì sao? Liệu họ có một dạng kiến thức, có lẽ phát triển hơn nhiều so với của chúng ta, về một Bí ẩn tối thượng, và một dạng niềm tin vào thần thánh không? Có lẽ họ sống tốt hơn chúng ta trong sự hiệp thông với Siêu việt này không?

Họ có thể là những nhà thần bí không?

“Liệu sự cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô có bao gồm những sinh vật ngoài trái đất không?”

Những câu hỏi cụ thể khác chắc chắn sẽ nảy sinh với các tín hữu kitô liên quan đến trọng tâm đức tin của họ: những sinh vật tâm linh phi nhân loại này sẽ quan tâm đến “Chúa Giêsu Kitô” đến mức độ nào? Họ cũng được cứu nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Kitô không? Phải chăng với họ, trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Kitô không” (x. 1Tm 2, 5)? Phải chăng nhờ Người, với Người và trong Người mà họ cũng được gọi là người được thần thánh hóa? Thoạt nhìn, những câu hỏi này có vẻ ngông cuồng

Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng một cách nghiêm túc rằng một nền văn minh có lẽ đã có hàng tỷ năm tuổi lại cần phải “đi qua” Chúa Giêsu để bước vào mối quan hệ với “Thiên Chúa”, trong khi nền văn minh đó chắc chắn sẽ tiến bộ hơn nhiều so với nhân loại về mặt tâm linh? Điều đó có phải là bằng chứng cho sự kiêu ngạo lấy con người làm trọng tâm không đáng kinh ngạc sao?

Một chương trình hoạch định phổ quát

Thật ra những câu hỏi này không mới, vì chúng đã được đặt ra từ những năm đầu tiên của kitô giáo, chắc chắn dưới một hình thức khác. Khi đức tin kitô giáo bắt đầu lan rộng ra bên ngoài Giêrusalem và Giuđêa, các tín hữu kitô có nguồn gốc do thái giáo phải đối diện với sự có mặt của các tín hữu của thế giới lương dân. Họ có phải trở lại đạo do thái để được rửa tội không?

Thánh Phaolô đã trả lời “không” một cách rõ ràng cho câu hỏi này, ngài giải thích: Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng,  “các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6). Nói cách khác, không cần phải cắt bì, đó sẽ là sự đi lui, mặc khải cuối cùng về Thiên Chúa và ơn cứu độ được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, không chỉ cho người do thái, mà cho tất cả các quốc gia. Do đó, bao gồm cả những người thuộc về các nền văn minh phát triển hơn nhiều so với xã hội do thái, ở một số khía cạnh nào đó cũng như nền văn minh hy-la vào đầu kỷ nguyên kitô giáo.

Nhiều thế kỷ sau, một câu hỏi tương tự đã được đặt ra: Liệu các dân tộc được người châu Âu phát hiện ở châu Mỹ và những nơi khác có ở trong sự mặc khải kitô giáo không? Câu trả lời là khẳng định, và các nhà truyền giáo được sai đi loan báoTin Mừng trong bối cảnh thuộc địa và nô lệ mà chúng ta biết… Tóm lại, theo chương trình của Thiên Chúa, tất cả các dân tộc trong nhân loại đều được Chúa Giêsu Kitô tiền định để lãnh nhận ơn cứu độ, bất kể văn hóa, kiến thức, tâm linh và thậm chí cả tôn giáo của họ. Hơn thế nữa, toàn bộ tạo vật, toàn thể vũ trụ, khi dần mở ra cho chúng ta hiểu biết, được kêu gọi biến đổi trong sự phục sinh của Chúa Kitô.

“Theo đức tin Kitô giáo, sự phục sinh của Chúa Giêsu bao gồm toàn thể vũ trụ”

Vì thế không có sự phản đối cơ bản nào khi xem các sinh vật có ý thức khác ngoài chúng ta cũng được gọi để tham dự vào kế hoạch phổ quát này của Chúa, nhưng ngược lại. So với tình hình hiện tại, khi Phúc âm được truyền bá trên toàn cầu, thì chỉ có khác biệt về quy mô.

Tầm vũ trụ trong Nhập thể

Một phản đối khác nhắm vào kitô giáo có thể được nhận như một câu trả lời tương tự: không phải là vô lý khi nghĩ rằng, như đức tin kitô giáo khẳng định, vận mệnh thiêng liêng của nhân loại hoàn toàn phụ thuộc vào một sự kiện chỉ xảy ra một lần, một thông điệp duy nhất, ở vào thời điểm xác định trong không gian và thời gian, có gì phát sinh hơn nữa trong một dân tộc tầm thường? Ở quy mô vũ trụ bao gồm 125 tỷ thiên hà, mỗi thiên hà có 400 tỷ ngôi sao, nghịch lý dường như còn chóng mặt hơn.

Vậy thì điều đang bị đe dọa trong sự kiện độc đáo này là mặc khải về Bí ẩn tối thượng của vũ trụ, vũ trụ đã trở xác phàm, một thực thể tâm linh giống hệt bất kỳ thực thể tâm linh nào khác, nhất thiết phải sống ở một địa điểm và một thời gian xác định. Trên phạm vi vũ trụ, sự khiêm nhường của Thiên Chúa được thể hiện trong sự Nhập thể của Con Ngài, “Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1,3), chỉ nổi bật với sức mạnh lớn hơn.

Còn với cái chết của Ngài trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, vốn chỉ xảy ra một lần trong lịch sử vũ trụ, bao trùm toàn bộ vũ trụ này và tất cả những người sống trong đó.

Và nếu…

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong số các dân tộc của các vì sao, có một số nhà hiền triết, trong hàng triệu năm, đã dò tìm trong không gian để tìm kiếm ngôi sao độc nhất thông báo sự ra đời của Chúa? Một ngày nọ, một trong số họ nhìn thấy ngôi sao xuất hiện, ở một góc ngoại vi của thiên hà. Ngôi sao này là mặt trời của chúng ta. Cùng với các nhà hiền triết khác và phi hành đoàn, ông lên con tàu vũ trụ. Đến Trái đất, các nhà hiền triết sẽ tìm vị nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất hành tinh và hỏi: “Vị thần vừa mới sinh ra ở đâu?” 

Có phải chúng ta một mình trong vũ trụ?

Câu hỏi này đã làm đau đầu nhân loại kể từ khi loài người phát hiện ra rằng vũ trụ không chỉ giới hạn ở Trái đất phẳng của chúng ta và có những mặt trời khác ngoài mặt trời của chúng ta… Trong một quyển sách phát hành tháng 1 vừa qua, bà Nathalie Cabrol đã đặt ra câu hỏi này.

Bà Cabrol sinh tại Bagneux năm 1963, nhà sinh vật học vũ trụ dẫn đầu các dự án nghiên cứu của cơ quan NASA từ năm 1998. Năm 2015, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học cho Trung tâm Nghiên cứu Carl Sagan tại Viện Seti (Nghiên cứu Trí thông minh Ngoài Trái đất).

Câu hỏi về sự tồn tại của các nền văn minh ngoài trái đất vẫn còn bỏ ngỏ

Trong quyển sách Vào buổi bình minh của những chân trời mới, bà lần lượt đề cập đến việc khám phá hệ mặt trời của chúng ta, việc tìm kiếm các ngoại hành tinh, các tín hiệu ngoài trái đất và các loại văn minh hoặc sự sống mà chúng ta hy vọng tìm thấy ở đó. Nhà sinh vật học vũ trụ mời chúng ta tham gia vào cuộc phiêu lưu phi thường mà chúng ta đang trải qua, và trong đó hình ảnh của kính viễn vọng James-Webb chỉ là một phản chiếu vô cùng nhỏ.

Bằng ngôn ngữ rõ ràng và mô phạm, bà chia sẻ nhiệt tình của bà về tầm quan trọng của một số khám phá, theo cách thức Bụi của các ngôi sao của nhà vật lý thiên văn Canada Hubert Reeves. Từ Titan đến hành tinh 55-Cancer-e của phương trình Drake đến nghịch lý Fermi, từ phân loại các cấp độ của các nền văn minh ngoài trái đất đến thuyết Gạa, một vũ trụ kỳ thú đang mở ra trước mắt chúng ta.

Một lời mời du hành kiểu mới, để tìm một cuộc sống ở nơi khác trong Vũ trụ mà “sự vắng mặt của bằng chứng không phải là bằng chứng của sự vắng mặt”, theo như lời của nhà vật lý thiên văn Mỹ Carl Sagan.

Nathalie Cabrol: “Vào buổi bình minh của những chân trời mới” (A l’aube de nouveaux horizons», Editions du Seuil, nxb. Du Seuil)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2023/02/12/nguoi-ngoai-hanh-tinh-va-duc-tin-kito-giao-mot-ton-giao-thuc-su-pho-quat-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét