SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI NĂM – A

Sai thì phải sửa

(Matthew 23:1-12)

Khi thấy sự cần thiết phải có một đại diện của dân lo cho các việc tế tự, Thiên Chúa đã chọn thầy Lêvi. Còn trước đó, người con trưởng của mỗi gia đình trong dân Israel được thánh hiến cho việc phụng tự của Thiên Chúa (x.Ds 3,11-41). Vì toàn dân không thể liên tục làm việc phụng tự được nên phải có một vài người được lựa chọn theo các chỉ dẫn của Thiên Chúa để đảm trách các công việc ấy. Như thế, các thầy Lêvi hay các tư tế là những người được tuyển chọn để phụng sự Thiên Chúa thay cho dân. Tuy nhiên, đã có một số tư tế bội ước, không giữ lời thề, sống vị nể và đi sai đường lối Chúa, làm cho nhiều người vấp phạm, Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo họ.

Chúa khiến trách các tư tế

Ngôn sứ Malakhi cho thấy các tư tế bị khiển trách vì đã không hết lòng phụng thờ Thiên Chúa theo trách vụ được trao phó. Là những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Chúa, một khi tư tế không chu toàn bổn phận phụng thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, thì họ vừa bị Thiên Chúa trách phạt vừa bị toàn dân coi thường.

Cụ thể như, khi dâng lễ tế lên cho Thiên Chúa, các tư tế đã không dâng những con vật lành lặn, không tỳ vết theo như lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Đnl 17,1), mà lại dâng những con vật mù, què hay bệnh tật, và như thế là điều ô uế trước mặt Thiên Chúa (x. Ml 1,7-8). Giữa muôn dân, Danh Chúa thật cao cả, vậy mà những người được đặt riêng để phụng thờ Thiên Chúa lại không hết lòng tôn vinh và phụng thờ Ngài.

Điều tệ hại hơn nữa là các tư tế đã “đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy” (Ml 2,8). Vì là những người được đặt lên cách riêng để lo việc phụng thờ Thiên Chúa và là gương mẫu cho dân trong việc giữ Lề Luật, sự “trệch đường” của họ không chỉ là tội của cá nhân họ mà còn ảnh hưởng trên nhiều người khác. Việc không tuân theo đường lối của Thiên Chúa và vị nể khi áp dụng Luật vừa làm cho các tư tế đáng trách phạt trước mặt Thiên Chúa, lại vừa làm cho họ “đáng khinh và hèn mạt trước mặt toàn dân” (Ml 2,9).

Chúa phê bình các kinh sư và Pharisiêu

Chúa Giêsu thấy các kinh sư và Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Họ là những người “ngồi trên tòa ông Môisê mà giảng dạy” Luật pháp Chúa Trời. Chúa Giê-su bảo người nghe: “Mọi điều họ dạy, anh em hãy làm theo, nhưng đừng hành động giống như họ vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2).

Rồi Chúa Giêsu đưa ra những ví dụ cho thấy sự đạo đức giả của họ, chẳng hạn “họ đeo những hộp kinh thật lớn” (Mt 23,5) và đeo nó như bùa hộ mạng. Một số người Do Thái đeo trên trán hoặc trên cánh tay những hộp nhỏ chứa các đoạn ngắn của Luật pháp. Người Pha-ri-si làm hộp kinh lớn hơn để tạo ấn tượng là họ rất sốt sắng theo Luật pháp. Họ cũng “mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5). Dân Israel phải làm những tua áo, nhưng người Pharisiêu lại làm những tua áo dài hơn (x.Ds 15,38-40). Chúa Giêsu nói họ làm mọi điều này “để cho người ta thấy” (Mt 23,5).

Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người biệt phái và luật sĩ giả hình, vì họ đã sống khác xa với lời họ giảng dậy. Họ nói một đàng làm một nẻo. Chúa dạy các môn đệ "giữ và làm những điều họ dạy, nhưng đừng noi theo hành vì của họ" (x.Mt 23,3). Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo sống giả hình, vì việc làm của họ không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ tôn vinh chính mình. Chúa không chối bỏ giáo lý mà họ giảng dạy theo thẩm quyền dành cho họ, nhưng lên án lối sống giả hình của họ vì họ nói mà không làm. Tất cả những gì họ làm không nhằm để tôn vinh Thiên Chúa mà để thiên hạ thấy mà tôn vinh họ. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời các môn đệ.

Bài học cho chúng ta

Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ và cả chúng ta, đừng tôn vinh ai, mà cũng không để ai tôn vinh mình như là “thầy”, là “cha”, là “người lãnh đạo”. Lý do đơn giản là vì tất cả đều là con của Cha trên trời, đều được hướng dẫn bởi Thầy Giêsu, và được lãnh đạo bởi Đức Kitô. Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống tinh thần phục vụ cách khiêm tốn, theo gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Mục đích của người môn đệ là sống theo gương mẫu Đức Kitô: Như Đức Kitô làm mọi việc để Thiên Chúa được tôn vinh (x. Mt 9,1-8; 15,29-31), các việc làm của người môn đệ cũng là để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Chúa Cha.

Chúa nhắc nhở chúng ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Trong phạm vi gia đình, thật không gì tai hại cho bằng nói mà không làm. Chúng ta bảo con cái phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta dạy con cái sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Nếu sống như vậy, chúng ta hãy coi chừng, Chúa sẽ cảnh cáo chúng ta, người khác sẽ vào thiên đàng, còn chúng ta thì sao? Nếu sai thì phải sửa mau cho kíp.

Người môn đệ Chúa Giêsu không như thế, trái lại: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi” (Mt 23,11).

Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống và thực hành Lời Chúa như Mẹ. Amen.