Trang

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Suy niệm của Lm Đan Vinh Chúa Nhật 3 PS B

 Suy niệm của Lm Đan Vinh

HÃY TIN VÀ LÀM CHỨNG VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1) Ý chính: Hãy Tin và làm chứng về mầu nhiệm Phục Sinh.

Bài Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra có lẽ là lần thứ ba với các tông đồ tại nhà Tiệc Ly. Trước hết, Người củng cố đức tin của các ông đang nhát sợ vì tưởng gặp phải ma, bằng cách cho họ xem tay chân của Người bằng xương thịt, và còn ăn uống trước mặt các ông. Sau đó, Người giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đấng Kitô đã được ứng nghiệm nơi Người. Cuối cùng Người trao sứ mạng cho các ông là phải đi rao giảng sự ăn năn để được tha tội, và làm chứng nhân về các điều ấy.

2) CHÚ THÍCH:

– Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,35-36):

+ Còn hai ông: Đây là hai số bảy mươi hai môn đệ của Đức Giêsu (x.Lc 10,1). Một trong hai ông tên là Cơ-lê-ô-pát (x. Lc 24,18). Sau khi Đức Giêsu bị người Do Thái giết hại trên thập giá, hai ông đã vỡ mộng và quyết định trở về quê cũ là làng Emmau. Trên đường về làng, hai ông đã gặp được Đức Giêsu Phục Sinh như một khách bộ hành. Trong cuộc trao đổi nói chuyện dọc đường, Người đã giải thích những lời Kinh Thánh về cuộc tử nạn và phục sinh của Đấng Kitô đã được ứng nghiệm nơi Người. Kết quả là các ông đang từ tâm trạng buồn chán thất vọng (x. Lc 24,17.20), đã lấy lại được niềm tin và đã nhận biết Người (x. Lc 24,25-27.31).

+ Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: bẻ bánh là cử chỉ của Đức Giêsu đã làm khi nhân bánh ra nhiều 2 lần 9x. Mt 14,19; 15,36), và trong bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Thánh Thể 9x. Lc 22,19). Nhờ cử chỉ bẻ bánh này mà hai môn đệ kia nhận ra người khách bộ hành chính là Đức Giêsu đã chết và giờ đây sống lại.

+ “Bình an cho anh em”: Đây là lời chào thông thường của người Do Thái (Sha-lom). Nhưng lời này còn bao hàm sự chúc lành của Thiên Chúa. Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã thực hiện lời Người hứa là ban sự bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14,27).

– Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,37-39):

+ Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng la thấy ma: Đây là thái độ thường tình của con người khi gặp một cuộc thần hiện. Trước đây, có lần vào lúc canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã đi trên mặt biển mà đến gần thuyền các môn đệ. Bấy giờ các ông cũng sợ hãi kêu la lớn tiếng: “Ma kìa!”. Và Đức Giêsu đã phải trấn an các ông: “Cứ yên tân, chính Thầy đây, đừng sợ!” (x. Mt 14,25-27).

+ Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!: Chân tay Đức Giêsu có những vết thương do đã bị quân lính đóng đinh tên cây thập tự (x. Lc 23,33).

+ Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?: Chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Khi một người xắp chết, họ sẽ thở hắt ra và sẽ chết hẳn khi thân xác ngừng thở (x. St 35,18). Khi thân xác thở lại là dấu họ sống lại (1 V 17,21). Linh hồn người chết hiện về được gọi là hồn ma. Ở đây, Đức Giêsu Phục Sinh chứng tỏ Người không phải là hồn ma, khi chứng minh cho các môn đệ thấy Người có xương thịt như một người bình thường.

– Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24,40-43):

+ Người đưa tay chân ra cho các ông xem: Cũng như trong Tin mừng Gioan (x Ga 20,22), Đức Giêsu Phục Sinh đã đưa ra những dấu hiệu chứng tỏ người là Đấng bị đóng đinh, đã chết trên cây thập giá, mà nay sống lại và hiện đang ở trước mặt các ông.

+ Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin, và còn đang ngỡ ngàng: Luca hay thêm vào các câu bào chữa khuyết điểm của các môn đệ. Chẳng hạn: Khi Đức Giêsu bị bắt, Luca viết: ” Người thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền” (Lc 22,45). Ở đây, Luca viết ” Vì mừng quá” và “còn đang ngỡ ngàng” để bào chữa cho sự cứng lòng chưa tin của các ông.

+ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông: Xem ra các vết thương ở tay chân vẫn chưa thuyết phục được các tông đồ tin Đức Giêsu đã sống lại, nên Người đã cho họ thêm một bằng chứng là Người thật chứ không phải hồn ma, bằng cách Người đã cầm lấy khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông.

– Rồi Người bảo: ” Khi còn ở với các anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (Lc 24,44-45):

+ Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em: Đức Giêsu cho các môn đệ thêm bằng chứng về việc Người đã từ cõi chết sống lại, bằng cách nhắc lại lời tiên báo mà giờ đây đã ứng nghiệm.

+ Sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh: Trước đó, khi thuật lại việc Đức Giêsu Phục Sinh giảng cho hai môn đệ làng Emmau, Luca viết: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả các Sách Thánh” (Lc 24,27). Ở đây, Luca lại kể ra Sách Thánh gồm các sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh.

* Sách Luật Môsê: Năm cuốn đầu của Cựu Ước, được xếp thành bộ Ngũ Thư gồm 5 cuốn là: sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lêvi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật. Người Do Thái gọi Ngũ Thư là Luật Môsê (Tôra), vì đây là nền tảng đời sống đức tin của Dân Chúa. Truyền thống Do Thái vẫn coi tác giả của Ngũ Thư là ông Môsê. Nhưng thực ra, việc biên soạn bốn cuốn đầu chủ yếu do các tư tế thuộc triều đại vua Đavít và Salomon. Riêng sách Đệ nhị luật: Gọi là “Luật thứ hai” vì Luật của Giao Ước Môsê đã được ghi trong ba cuốn Xuất hành, Lêvi, Dân số trước đó. Còn Đệ nhị luật là do các môn đệ của các Ngôn sứ và các Tư Tế biên soạn vào thời dân Do Thái đi lưu đầy ở Babylon và còn tiếp tục hoàn chỉnh sau thời lưu đầy. Nội dung sách này nhằm nhắn nhủ dân Chúa hồi tâm sám hối tội lỗi, trở về tôn thờ Một Thiên Chúa độc nhất và trung thành tuân giữ Giao Ước Xinai.

* Sách Ngôn Sứ: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến để thay Chúa mà nói với dân Người. Sứ mạng của các ngôn sứ là giúp dân Do Thái nhận ra lỗi lầm của họ, kêu gọi họ trở về với Giao Ước, khuyên bảo, loan báo hình phạt. Nhưng sứ mạng quan trọng nhất là tuyên sấm về Đấng Mêsia (hay Thiên Sai) sẽ đến để ban ơn cứu độ. Bộ Sách Ngôn Sứ gồm 16 cuốn, trong đó có 4 Ngôn Sứ lớn như Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và Đanien, và 12 Ngôn Sứ nhỏ như Hôsê, Giôen, Amốt, Ovađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi. Phân biệt Ngôn sứ lớn hay nhỏ là do độ dày của cuốn sách của các ngài.

* Thánh Vịnh: Là bộ sưu tập các bài ca vịnh được sáng tác ở nhiều thời đại khác nhau, từ thời Đavít đến thế kỷ thứ III trước Công Nguyên. Đây là kho tàng kinh nguyện của dân Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Có 150 Thánh vịnh. Hội Thánh Công Giáo sử dụng các Thánh vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ và trong Phụng Vụ Lời Chúa.

– Và Người bảo: “Có Lời Kinh Thánh chép rằng:Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này (Lc 24,46-48):

+ Các câu 46-48: Trình bày tất cả các chủ đề về Đức Giêsu đã được tông đồ Phêrô và các tông đồ rao giảng trong Công Vụ Tông Đồ: Trưng dẫn Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, rao giảng sự sám hối và ơn tha tội, Nhóm Mười Hai được trao sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Giêsu (x. Cv 2,14-41; 3,12-26; 13,16-43).

+ Có lời Kinh Thánh chép rằng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”: Khi Đức Giêsu giảng cho hai môn đệ trên đường Emmau, Luca cũng viết: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25-27).

+ Rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem: Hoạt động truyền giáo của các tông đồ vừa theo một tiến trình ưu tiên nhất định là bắt đầu từ dân Do Thái, vừa có tính phổ quát. Từ đây, Giêrusalem trở thành điểm xuất phát để loan truyền Tin Mừng đi khắp nơi cho mọi dân tộc.

+ Kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội: Sám hối (tiếng Hy lạp là Me-ta-noe-ô), nói chung nghĩa là đổi ý, thay đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Theo ngôn sứ Giêrêmia, sám hối là thay đổi hướng đi, quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, dấn thân bước vào đời sống mới. Sám hối là điều kiện để được ơn tha tội hay được hưởng ơn cứu độ.

+ Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Là chứng nhân, nghĩa là rao giảng Tin Mừng, là chứng thực về tất cả những điều đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu, từ khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, đến cuộc tử nạn, sống lại và lên trời của Người. Đặc biệt các ông phải sẳn sàng chịu chết để làm chứng những điều mình rao giảng là trung thực.

HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1) Chính anh em là chứng nhân của những điều này:

– Câu chuyện: Một chứng nhân sống động:

Trong quyển sách “Tôi tin” của tác giả Găng Típ (Grant Teaff), có thuật lại một câu chuyện về một cựu lực sĩ nhảy sào vô địch thế giới tên là Biăng Tonbéc (Brian Sternberg) đã trở nên chứng nhân sống động của Đức Giêsu như thế nào.

Vào năm 1963, Biăng (Brian) lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai trường đại học Washington. Anh vừa là lực sĩ nhảy sào vô địch thế giới, lại vừa đoạt chức quán quân về nhào lộn của Mỹ châu. Tác giả đã kể chuyện về nhà vô địch Biăng như sau: “Khắp trường đua, ai cũng biết Biăng là một lực sĩ trẻ đầy tài năng, nhưng phong cách của anh ta vừa có tính tự mãn lại vừa ích kỷ. Trong ngày đạt thành tích phá kỷ lục thế giới, khi tiến ra lãnh huy chương vàng, anh ta tỏ thái độ ngạo mạn khi cố ra vẻ nghiêm nghị và không thèm mỉm cười đáp lễ nhiều người đang hoan hô anh. Nhưng ngày hôm sau, báo chí đã đăng hàng tít lớn: “Nhà vô địch nhảy sào Biăng đã bị chấn thương!”. Số là hôm ấy, đang lúc một mình tập nhào lộn ba nhịp trên sàn tập, Biăng đã bị mất phương hướng để cho mình rơi ngay vào khung căng. Cổ anh bị va vào bờ khung căng làm cây gỗ khung căng bị gãy và Biăng té văng ra ngoài đệm mút, bị tê liệt hoàn toàn do chấn thương sọ não. Thân thể anh bây giờ chỉ có đôi mắt và cái miệng là còn cử động được thôi. Từ ngày đó, Biăng trở nên một phế nhân. Anh không thể tự mình làm điều gì, ngay cả những việc riêng cá nhân như ăn uống vệ sinh cũng phải nhờ người giúp đỡ. Anh cảm thấy chán nản và đau khổ. Từ đó, người ta không còn nhắc đến Biăng nữa. Năm năm sau, tác giả có cơ hội gặp Biăng trong một hội nghị gồm các huấn luyện viên và lực sĩ đã đạt huy chương vàng, tại hội trường lớn của nhà thi đấu trong tiểu bang Côlôrađô.Hôm ấy, trước khi khai mạc hội nghị, đột nhiên hội trường bị tắt điện tối thui, rồi máy đèn chiếu lên màn ảnh một đoạn phim trong đó người ta thấy lực sĩ Biăng đang chạy trên đường băng và thực hiện cú nhảy sào phá kỷ lục thế giới. Rồi trên sân khấu ánh đèn tròn lại chiếu sáng tập trung vào một người cao lớn đang từ hậu trường bước ra sân khấu. Đó là cầu thủ bóng đá nổi tiếng Uet Uynmơ (Wes Wilmer). Anh ta đang cõng theo một hình nhân gầy đét với đôi tay rũ rượi và đôi chân dài, đu đưa hai bên sườn của Uynmơ. Hình nhân này không ai khác hơn là anh chàng cựu vô địch nhảy sào Biăng, cao 1,9 mét, nhưng chỉ nặng không tới 38 kilô. Sau đó, Uynmơ đặt anh chàng hình nhân ngồi trên ghế. Rồi hình nhân Biăng bắt đầu phát biểu với cử tọa như sau:

“Thưa các bạn, hôm nay tôi vui mừng được mời đến đây tham dự hội nghị các huấn luyện viên và các nhà vô địch. Ôi! Tôi cầu xin Chúa để những gì xảy đến cho tôi sẽ không bao giờ xảy đến cho bất cứ người nào trong các bạn. Tôi cầu xin để các bạn không bao giờ phải nếm mùi nhục nhã hổ thẹn vì không thể tự làm lấy các việc của một người bình thường như ăn uống, vệ sinh, đi lại…Ôi! Tôi cầu xin Chúa để các bạn sẽ không bao giờ phải nếm mùi thương đau mà tôi đang phải chịu đựng từng ngày. Trừ phi, đó là điều cần thiết để giúp các bạn chấp nhận Thiên Chúa là trọng tâm cuộc đời của các bạn giống như hoàn cảnh của tôi hôm nay”.

Những lời của Biăng đã gây chấn động mạnh nơi cử tọa đang hiện diện trong hội trường. Ai nấy đều xúc động và cảm thông với một tài năng đã sớm lụi tàn. Nhưng đồng thời cũng khâm phục về một con người tuy tàn nhưng không phế. Anh đã dành những hơi sức còn lại để làm chứng cho tình yêu của mình vào Đức Kitô.

– Suy nghĩ: Phải làm gì để làm chứng cho Đức Giê-su?

+ Làm chứng cho Đức Kitô trước hết là thuật lại cho người khác biết về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giêsu. Điều này ai cũng có thể làm được!

+ Làm chứng cho Đức Giêsu là khẳng định rằng Đức Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết như Maria Mácđala và một số phụ nữ viếng mồ Người đã làm. Nhưng thực tế cho thấy lời chứng ấy đã không đem lại kết quả bao nhiêu (x. Lc 24,8-11).

+ Làm chứng cho Đức Giêsu là dùng chính cuộc sống đã được đổi mới của mình để chứng tỏ quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh đã tác động và biến đổi chúng ta nên mới cách lạ lùng. Đó là điều mà Biăng đã làm trong câu chuyện trên.

+ Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người ngỏ lời với tha nhân qua con người đã được đổi mới của chúng ta. Là làm chứng rằng Đức Giêsu vẫn đang sống và hiện diện cụ thể nơi bản thân mình, và ta phải chia sẻ sự xác tín, niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được tông đồ Phêrô và nhóm mười một tông đồ áp dụng. Nhờ được Thánh Thần biến đổi nên Phêrô đã rao giảng Tin Mừng. Bài giảng của Phêrô đã có kết quả là 3 ngàn người xin theo đạo (x. Cv 2,1-41).

+ Cuối cùng, làm chứng cho Đức Giêsu là sẵn sàng chịu chết vì đức tin, chứ không chịu bỏ đạo bước qua thập giá để được thả. Do đó, các vị tử đạo được gọi là các chứng nhân Đức Giêsu. Téc-tuy-li-a-nô nói: “Máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh ra các Kitô hữu”.

Vậy mỗi tín hữu chúng ta sẽ phải làm gì để làm chứng cho Đức Giêsu?

2) Hãy đi rao giảng Tin Mừng:

– Câu chuyện: Bác tài xế Tắc xi làm tông đồ:

Một vị linh mục sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách thức truyền giáo của một tài xế tắc xi như sau:

“Ngày nọ, tôi đón tắc xi từ khách sạn đi trung tâm thành phố Đài Bắc mua sắm quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy hàng chữ như sau: “Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy độ một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giêsu in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện về các thánh và các danh nhân công giáo, một ít cuốn là những câu chuyện về việc sống đức tin giữa đời thường như thế nào…

Ngoài ra, phía trên tấm kính chiếu hậu trước mặt tài xế, cũng có một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi anh tài xế:

– Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết: Hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?

– Ồ có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn cầm mang về nhà nữa.

Tôi hỏi tiếp:

– Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc các sách do bác giới thiệu?

– Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng có thể làm hai việc một lúc: Vừa lái xe lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không mất thêm thì giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc thật tuyệt vời!

Một số hội đoàn Công Giáo Tiến Hành cũng đã phân phát cho các tài xế xe tắc xi ở Đài Bắc một tấm thẻ bọc nhựa treo trước mặt tài xế. Trên tấm thẻ ở mặt trước có in hình cây Thánh Giá màu đỏ với dòng chữ: “Chúa đang cùng lái xe với bạn”. Mặt sau là lời cầu của các tài xế như sau: “Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con yêu mến tha nhân như chính bản thân con, để con không làm gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Xin cho con giữ đức công bình để không thu tiền cước xe quá giá, sẵn sàng trao trả đồ đạc khách bỏ quên trên xe. Xin cho đôi mắt con được tinh tường, cho tay chân con được khéo léo để lái xe an toàn và tránh gây tai nạn. Xin cho tâm trí con luôn bình an và thần kinh con luôn thoải mái. Xin đừng để con lái xe khi uống rượu say không đủ tỉnh táo. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh bất chính với các bạn đồng nghiệp. Và cuối cùng xin Chúa giúp con luôn Thượng Lộ Bình An”.

– Suy nghĩ và quyết tâm: Bạn nhận xét thế nào về phương cách tặng sách truyện tranh ảnh Kinh Thánh, truyện của các thánh và những truyện sống đức tin trong đời thường của bác tài xế tắc xi trong câu chuyện trên? Bạn sẽ chọn cách truyền giảng Tin Mừng nào đối với bạn học cùng trường hay cùng làm trong một cơ quan xí nghiệp hay nhà máy?

HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) Lạy Chúa Giêsu, Hầu như trong mọi lần hiện ra, Chúa cũng đều dùng Kinh Thánh để giúp các môn đệ hiểu biết Thánh Ý Chúa Cha, giải thích cho các ông về mầu nhiệm “vào vinh quang ngang qua đau khổ”. Đồng thời cũng chứng minh Chúa đã thực sự sống lại đúng như các ngôn sứ đã tiên báo. Xin Chúa giúp chúng con hiểu biết giá trị của Kinh Thánh, hầu trong mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, chúng con biết tìm ra Thánh Ý Chúa. Xin cho chúng con siêng năng hiệp sống Lời Chúa, cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mỗi khi dự lễ, để nhờ Lời Chúa hướng dẫn, chúng con sẽ ngày một sống tử tế tốt lành hơn và làm đẹp lòng Chúa hơn.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2) Lạy Mẹ Maria. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Phục Sinh đã củng cố đức tin của các tông đồ bằng việc cho xem tay chân đã từng bị đóng đinh, ăn uống trước mặt các ông. Rồi khi các ông đã tin, Chúa lại đòi họ phải làm chứng nhân cho Người. Xin Mẹ giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa, bằng việc sám hối và xa lánh dịp tội, làm nhiều việc lành như chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo, thăm viếng những người đau liệt…để chúng con nên nhân chứng tình thương của Chúa Giêsu.

X) Hiệp cùng mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét