Trang

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B




Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B
KHÔNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG NƠI QUÊ HƯƠNG
Chú giải của William Barclay
Khi trở về Nagiarét Chúa Giêsu đã tự đặt mình vào một trường hợp chịu thử thách nghiêm trọng. Ngài đang trở về thành phố quê hương, chưa có ai chỉ trích Ngài nghiêm khắc cho bằng những người từng quen biết Ngài từ thời thơ ấu. Ngài không hề có ý trở về quê quán cách riêng tư, chỉ thăm lại ngôi nhà và những người thân thuộc cũ. Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là Ngài về quê với tư cách một Rabbi. Các Rabbi vẫn đi đây đi đó trong xứ với nhóm môn đệ của họ. Với tư cách Rabbi, Ngài đã trở về cùng với các môn đệ.
Ngài vào hội đường và dạy dỗ. Người ta không hào hứng tiếp nhận lời giáo huấn của Ngài, trái lại còn tỏ vẻ thù địch. “Họ vấp ngã vì Người”. Họ tức giận vì một người xuất thân từ một bối cảnh xã hội như Chúa Giêsu, lại nói năng và hành động như vậy. Sự quá quen thân thường làm phát sinh thù ghét sai lầm. Họ không chịu nghe những gì Ngài nói, vì hai lý do:
1/ Họ bảo nhau “Ông này không phải bác thợ sao?”.
Từ dùng chỉ thợ mộc là tekton. Tekton có nghĩa là một thợ làm đồ gỗ, nhưng không chỉ đơn giản là một thợ làm đồ gỗ mà thôi, nó còn có nghĩa là một nghệ nhân, một người làm nghề thủ công tinh xảo. Homer đề cập đến tekton như người đóng tàu, cất nhà, xây đền đài. Đời xưa và cả ngày nay nữa, tại nhiều nơi, trong một thị trấn nhỏ hay làng mạc, người ta có thể tìm ra một người thợ thủ công có thể làm bất cứ việc gì, từ việc đóng chuồng gà đến việc cất nhà, người ấy có thể xây tường dặm vá mái nhà, sửa khung cửa. Đó là thợ thủ công với ít dụng cụ hoặc chỉ tay không, với một số tối thiểu công cụ thô sơ nhất, có thể làm được bất cứ việc gì. Chúa Giêsu là người như thế, sở dĩ người làng Nagiarét khinh dể Chúa Giêsu vì Ngài là một công nhân, một người thợ. Ngài là một người bình thường, một thường dân, một con người chất phác.
Một trong những lãnh tụ quan trọng của phong trào công nhân là Will Crooks. Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo, ký ức đầu tiên ông ghi nhận là hình ảnh mẹ ông đang khóc vì không biết lấy gì để ăn trong bữa ăn sau. Ông bắt đầu làm việc trong một lò rèn, lương hàng tuần là năm hào. Ông trở thành một tay thợ giỏi, dũng cảm và ngay thẳng nhất thời bấy giờ. Ông tham gia việc chính trị ở ngay thị xã và trở thành chủ tịch đầu tiên của phong trào Lao động thị xã Luân Đôn. Nhiều người rất bất mãn khi Will Crooks thành chủ tịch tại Poplar. Ngày nọ, trong đám đông, một mệnh phụ dè bỉu ông “Người ta bầu Will Crooks làm chủ tịch á, anh ta chỉ là dân thợ tầm thường mà thôi”. Một người trong đám đông, chính là Will Crooks, đã quay lại bỏ nón ra và nói: “Hoàn toàn đúng, thưa bà, tôi chỉ là một dân lao động”.
Dân chúng ở Nagiarét khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân tầm thường, với chúng ta thì đó là vinh quang của Ngài, vì nó có nghĩa khi Con Thiên Chúa xuống thế gian, Ngài không hề đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời tầm thường với tất cả những công việc tầm thường. Những may rủi về gia thế, giàu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng đối với nhan cách cả. Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ đánh gía một người căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại nơi chính người ấy.
2/ Họ nói “Không phải đây là con bà Maria hay sao?
Không phải chúng ta đều biết rõ anh em ông ta sao?” Sự kiện họ gọi Chúa Giêsu là con bà Maria cho chúng ta biết có lẽ Giuse đã qua đời. Từ đó, chúng ta hiểu được một trong nhiều điều bí ẩn của đời sống Chúa Giêsu. Ngài chết lúc chỉ được ba mươi ba tuổi, nhưng Ngài không lìa bỏ Nagiarét trước năm ba mươi tuổi (Lc 3,23). Tại sao Ngài lại trì hoãn lâu đến thế? Tại sao Ngài vẫn nán lại Nagiarét trong khi cả thế gian đang chờ đợi cứu rỗi? Có phải vì Giuse đã chết sớm và Chúa Giêsu phải đảm nhiệm việc nuôi dưỡng mẹ? Ngài vốn trung tín ngay trong những việc nhỏ nhặt, cho nên cuối cùng Thiên Chúa giao cho Ngài làm rất nhiều việc.
Nhưng dân chúng Nagiarét lại khinh dể Ngài vì họ biết rõ gia đình Ngài. Thomas Campell là một nhà thơ lớn. Cha ông lại chẳng biết gì về thi ca. Khi Thomas xuất bản tập thơ đầu tay, với tên tác giả là Thomas, ông gửi một tập tặng cha mình. Ông cụ cầm tập thơ lên xem. Thật ra ông chỉ nhìn vào bìa sách chứ chẳng đọc gì trong nội dung. Ông cụ kinh ngạc tự nhủ “có ai nghĩ được nó có thể làm một cuốn sách như vậy nhỉ”. Nhiều khi sự thân thuộc đáng lẽ phải tạo ra một sự tôn trọng mỗi ngày càng gia tăng, nó lại tạo ra sự coi thường, xem nhẹ hơn. Lắm khi chỉ vì chúng ta sống quá gần gũi với một người nào đó nên không thấy được chỗ cao thượng, vì đại của người ấy
.
Kết quả của mọi việc vừa kể là Chúa Giêsu không thể làm nhiều phép lạ tại Nagiarét. Môi trường không thích hợp, có nhiều điều chỉ thực hiện được trong hoàn cảnh thích hợp.
1/ Ngày nay vẫn thế, nếu một người không chịu để chữa bệnh thì không thể lành bệnh được.
Margot Asquith kể lại cái chết của Neville Chamberlain. Mọi người đều biết chính sách của Neville đã khiến ông ta rất đau lòng. Margot đến gặp và nói với bác sĩ của ông ta là Lord Horder “Ông chẳng có khả năng của một bác sĩ, Chamberlain chỉ lớn hơn Churchill vài tuổi và phải nói là ông ta khỏe mạnh lắm, ông có quý mến ông ấy không?”. Lord Horder đáp “Tôi rất quý mến ông ta, tôi thích tất cả những con người khó thương ấy, tôi đã gặp nhiều người như thế rồi. Ông ta bị chứng rụt rè. Ông ta không muốn sống, khi một người nào đã nói thế, chẳng có bác sĩ nào có thể cứu nổi người ấy”. Chúng ta có thể gọi đó là đức tin, là ý chí muốn tồn tại, nhưng nếu không có nó chẳng một ai có thể sống được.
2/ Trong một bầu không khí không thuận lợi, không còn có thể giảng dạy gì được, các nhà thờ của chúng ta khác hẳn nếu tín hữu nhớ rằng chính họ phải giảng hơn phân nửa bài giảng.
Trong một bầu không khí chờ đợi, khao khát thì chỉ cần một ít cố gắng, ngọn lửa cũng có thể cháy bùng lên. Nhưng trong bầu không khí lạnh lùng chỉ để chê bai, chỉ trích hoặc với thái độ hờ hững, dửng dưng, thì những lời nói dù được đầy tràn Thánh Thần, vẫn cứ từ trời rơi xuống đất và bị chết cứng.
3/ Trong một bầu không khí không thuận lợi, thì không thể có sự hòa giải.
Nếu người ta chỉ họp lại để từ chối thù ghét nhau, thì họ vẫn cứ thù ghét nhau. Nếu người ta chỉ họp nhau lại để cảm thông nhau thì họ vẫn hiểu lầm nhau. Nếu người ta chỉ họp nhau lại để không thấy gì khác hơn là quan điểm riêng của chính mình, họ sẽ chẳng còn thấy ai khác nữa. Nhưng nếu mọi người đến với nhau bằng tình yêu của Chúa Giêsu để tìm cách thương yêu nhau, thì dù những kẻ vốn cách xa nhau hơn hết, vẫn có thể hiệp nhất trong Chúa.
Chúng ta vốn được giao phó trọng trách, hoặc tiếp tay, hoặc ngăn trở công việc của Chúa. Chúng ta có thể mở rộng cửa cho Ngài, hoặc đóng nó lại truớc mặt Ngài.

Nguồn: tinmung.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét