Trang

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Lễ Kính Thánh Gioan Tông Ðồ



Lễ Kính Thánh Gioan Tông Ðồ

Thông thường người ta đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh thúc đẩy. Có nhiền nguyên nhân gây nên xúc động: Có thể xúc động vì sợ hãi, kẻ thù đang đuổi bắt sau lưng thì chẳng ai mà lại không chạy, hay tai họa sắp giáng xuống thì không cần bảo người ta cũng tìm đường thoát thân. Xúc động còn do một sự lôi cuốn thôi thúc như đang rảo bước nhưng bất chợt có điều lạ xảy ra trước mặt thì các bước chân đều rầm rập chạy tới cho kịp để xem điều lạ ấy. Và xúc động hơn là khi nghe tin người thân yêu đang gặp tai nạn hay nguy hiểm, nếu ở xa thì bằng mọi giá phải quay về cho kịp thời, nếu ở gần thì tức tốc chạy đến nơi.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng nói về hai cuộc chạy đua của hai Tông Ðồ Gioan và Phêrô. Tại sao họ lại chạy mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Các Tông Ðồ khi đến mồ thấy mất xác Chúa Giêsu, bà Maria Madalena đã chạy đi báo tin cho các môn đệ. Nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, không đơn thuần như thế nhưng còn có một động lực khác buộc ông phải chạy nhanh, đó là vì lòng yêu mến. Ðể được nhìn thấy Thầy đã sống lại, tất cả các môn đệ đều nao nức bàng hoàng, nhưng sự bàng hoàng mang nhiều cường độ sắc thái khác nhau, và dù sao đi nữa người được gọi là môn đệ yêu dấu thì sự bàng hoàng phải lên đến tột độ. Sự bàng hoàng đã làm ông quên mất người bên cạnh, chỉ khi đến mồ ông mới sực nhớ ra và ông đã nhường bước cho Phêrô.
Anh chị em thân mến!
Chỉ một thoáng diễn tả của đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cũng thấy được lòng mến của Thánh Gioan Tông Ðồ đối với Chúa Giêsu như thế nào. Tin Mừng không nói lý do tại sao có sự mến yêu đặc biệt này mà chỉ thuật lại diễn tiến.
Từ bước đầu, Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.
Nhờ lòng kiên trung này mà Gioan đã được thay mặt cho cả nhân loại và cho Chúa Giêsu. Thay mặt nhân loại khi ông được gọi là "con của Mẹ", và thay mặt cho Chúa Giêsu khi ông lãnh nhận trách nhiệm săn sóc cho Mẹ "Gioan đón nhận Bà về nhà mình". Và cứ thế mà tình yêu chuyển lướt vào nơi ông, làm cho ông chỉ có một lòng khăng khít sống mật thiết với Chúa, sẵn sàng bước theo Thầy mình đến cùng trong cuộc sống của mình.
Sau khi xác Chúa được táng trong mồ, lòng thánh nhân còn luôn hướng về đó. Vừa nghe tin xác Thầy bị mất, ông liền vội vã chạy đến mồ, ông đã thấy và ông đã tin. Trong lúc các môn đệ khác còn nghi ngờ vì tình yêu đã tạo một mối liên kết vô hình, không đòi hỏi nhiều diễn tả. Thoạt nghe tiếng Ngài gọi ở trên bờ hồ Tibéria, ông đã nhận ra Ngài. Tuy nhiên, Phêrô nhanh nhẹn nhận ra Thầy mình, và ông liền nhảy xuống biển nhưng Phêrô lại không nhạy cảm bằng Gioan.
Trong ngày mừng kính thánh Gioan Tông Ðồ hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết hun đúc tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, để rồi chúng ta cũng sẽ nhạy cảm trước những tiếng gọi của Ngài. Ðặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, lúc Vua tình yêu đang giáng hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Ước gì chúng ta sẽ nghe tiếng gọi của Ngài, và đến quì chầu bên máng cỏ để chiêm ngắm Vua Tình Yêu. Vì càng chiêm ngắm chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài, càng học biết được sự hiền lành và khiêm nhượng của Ngài.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 27 tháng 12, Lễ Thánh Gioan Tông Đồ
Bài đọc: I Jn 1:1-4; Jn 20:2-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thánh Gioan làm chứng cho Thiên Chúa.

Con người hành động là hành động cho một mục đích. Thánh Gioan tuyên bố rất rõ ràng mục đích tại sao ngài viết Sách Tin Mừng là để cho mọi người tin vào Đức Kitô; và vì tin, họ đạt được cuộc sống đời đời” (Jn 20:31). Mục đích này cũng là mục đích tại sao ngài làm chứng cho Đức Kitô trong Bài đọc I, để hiệp thông với con người và để con người được hiệp thông với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi nhìn thấy Ngôi Mộ Trống, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến đã thú nhận: “Ông đã thấy và đã tin.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa.
1.1/ Đức Kitô hiện hữu “từ lúc khởi đầu:” Nếu chúng ta so sánh Sách Tin Mừng (Jn 1:1) với câu đầu tiên của Thư Gioan I, chúng ta sẽ nhận ra ngay ý của ngài khi nói về “lúc khởi đầu.”
Không phải chỉ bắt đầu với sự hiện diện của Đức Kitô trong thế gian, nhưng sự hiện hữu từ nguyên thủy của Ngài.

1.2/ Gioan làm chứng cho Đức Kitô: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” Thánh-sử Gioan dùng các động từ: nghe, thấy, chiêm ngưỡng, chạm tới, ở thời quá khứ kép để làm chứng cho Đức Kitô. Để lời chứng được hiệu nghiệm, người rao giảng cần có tất cả những kinh nghiệm này:
(1) Điều chúng tôi đã nghe: Các tín hữu mong muốn nơi người rao giảng không phải là sự khôn ngoan hay ý kiến cá nhân của người rao giảng, nhưng là Lời Chúa. Giống như các tiên-tri, người rao giảng phải là người đã lắng nghe Thiên Chúa nói trước, rồi sau đó chuyển thông lại cho dân chúng.
(2) Điều chúng tôi đã nhìn thấy: Có một tín hữu sau khi nghe giảng, đã nói với vị linh mục: “Cha giảng hôm nay như cha vừa nhìn thấy Chúa.” Dĩ nhiên, người rao giảng không được nhìn Đức Kitô tận mắt như Thánh Gioan, nhưng ông có thể nhìn thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin.
(3) Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng: Cái gì khác biệt giữa 2 động từ: nhìn thấy và chiêm ngưỡng Đức Kitô? Động từ “nhìn thấy” trong tiếng Hy-Lạp (horan) chỉ cái nhìn thể lý, nhìn thấy đối vật. Nhưng động từ “chiêm ngưỡng” trong tiếng Hy-Lạp (theasthai) đòi thời gian lâu hơn để nhận ra những gì chính yếu nơi đối vật. Khi nói về vinh quang của Thiên Chúa, Gioan cũng dùng động từ này: “Chúng tôi chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài” (Jn 1:14).
(4) Điều chúng tôi đã chạm tới: Nhiều người cho lý do tại sao Thánh-sử Gioan viết những lời này là để chống lại bè rối Docetism, những người cho Đức Kitô không thực sự mang thân xác của con người. Một lý do nữa, để lời rao giảng có hiệu quả, người rao giảng cần có kinh nghiệm sống thiết thực thì mới hiểu vấn đề, và dễ cảm thông với khán giả hơn.

1.3/ Mục đích của việc làm chứng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.”
(1) Để hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa: Khi Thánh Gioan rao giảng Tin Mừng, bằng bài giảng hay bằng viết sách, ngài luôn có mục đích để hiệp thông với khán giả và đưa khán giả tới Thiên Chúa.
(2) Để niềm vui được trọn vẹn: Niềm vui là điều cốt tủy của Tin Mừng rao giảng. Nếu người rao giảng chỉ mang tin buồn và gây thất vọng trong khán giả, đó không phải là Tin Mừng của Đức Kitô. Dĩ nhiên, nhiều khi người rao giảng phải đánh thức lương tâm khán giả để thúc đẩy họ tới việc ăn năn hối cải; nhưng một khi họ đã thú nhận tội lỗi, họ phải cảm thấy niềm vui vì tội được tha và họ được giao hòa với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Ông đã thấy và đã tin.
Trình thuật hôm nay bắt đầu Tin Mừng Phục Sinh theo Thánh Gioan: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Magdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” Có 2 câu hỏi quan trọng liên quan đến trình thuật này:

2.1/ Ai là người môn đệ Chúa Giêsu thương mến? Đọc Tin Mừng Gioan, độc giả sẽ thấy 6 lần tác giả dùng thành ngữ “người môn đệ yêu quí của Đức Giêsu” (Jn 13:23-26, 19:25-27, 20:2-10, 21:7, 21:2-23, 21:24). Ai là người môn đệ này? Có hai giả thuyết nêu ra:
(1) Chính là Gioan: Vì không muốn nêu tên mình hay vì khiêm nhường, tác giả dùng thành ngữ này để ám chỉ mình. Gioan là một trong ba người môn đệ gần gũi nhất với Chúa Giêsu, hai người kia là Phêrô và Giacôbê, anh ruột của ông. Đây là giả thuyết có nền tảng hơn cả.
(2) Có thể là bất cứ môn đệ nào được Chúa yêu: Có người cho đây là hình ảnh của một Kitô hữu hòan tòan: gần gũi với Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và giờ chết của Ngài, và là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài sống lại.

2.2/ Tại sao người môn đệ này lại để cho Phêrô vào trước?
(1) Vì Phêrô là người lãnh đạo các Tông-đồ: Hành động của người môn đệ, tuy tới trước nhưng không vào, nói lên sự tôn trọng quyền bính của ông. Giả thuyết này không có cơ sở vững chắc lắm, vì trong Tin Mừng Gioan, không thấy nói tới quyền bính của Phêrô. Ngược lại, Phêrô đã nhiều lần không nhận ra Chúa Giêsu ngay, và cần được nhắc khéo bởi “người môn đệ yêu quí của Chúa Giêsu.”
(2) Vì tuyệt đỉnh của trình thuật là người môn đệ tin Đức Kitô đã sống lại:“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” Có người cho đây là kiểu viết văn của Gioan: vì muốn chấm dứt trình thuật bằng lời tự thú của người môn đệ, nên để cho Simon Phêrô vào trước. Hơn nữa, tác giả cũng muốn gởi tới độc giả một lời khuyên nhủ: người nào yêu mến Đức Kitô nhiều bao nhiêu dễ chạy nhanh hơn và nhận ra Ngài dễ hơn (Jn 21:7).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có bổn phận làm chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng và bằng cuộc sống chứng nhân.
- Mục đích của việc làm chứng là để cảm thông với con người và dẫn họ tới niềm tin vào Đức Kitô.
- Để lời rao giảng có hiệu quả, chúng ta cần có một niềm tin mạnh mẽ và vững vàng nơi Đức Kitô, qua việc lắng nghe, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, và cảm nghiệm Ngài trong cuộc sống.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét