Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Thánh Lu-ca đã ngụ ý gì khi viết “Không có chỗ trong nhà trọ”?


Thánh Lu-ca đã ngụ ý gì khi viết “Không có chỗ trong nhà trọ”?

Đây là phần quan trọng trong câu chuyện về Chúa giáng thế mà rất nhiều người hiểu chưa đúng

Brian C. Stiller, International 
Thánh Lu-ca đã ngụ ý gì khi viết “Không có chỗ trong nhà trọ”? thumbnail
Rất khó có thể tin tưởng chắc chắn rằng những hình ảnh lãng mạn về ngày Chúa Giê-su giáng sinh gắn liền trong tâm trí mỗi người chúng ta là những điều đã được lịch sử ghi chép lại rành mạch. Việc dàn dựng hoạt cảnh giáng sinh, những bài thánh ca và tranh ảnh chỉ nhằm làm rõ hơn những điều mà ngày nay cho rằng đã được xảy ra ngày Chúa giáng thế. Dường như chẳng cần đến các bài giảng, tranh, phim ảnh hay thánh ca mới có thể nhắc nhở chúng ta về Đức Ma-ri-a đang mang thai cưỡi trên lưng lừa về một ngôi làng với các phòng trọ đã chật kín khách, một chủ quán tốt bụng đã chỉ lối cho ông bà đến một hang bò lừa có thể nghỉ tạm, đến việc bà sinh con và các mục đồng đến bái lạy Hài nhi Giê-su mới sinh…
Xét về tổng thể, câu chuyện giáng sinh là không sai, nhưng khi đi vào chi tiết, có một số giả định đã bỏ qua những phần quan trọng khiến câu chuyện đã không còn chính xác.
Vậy giả định nào trong câu chuyện là chưa đúng? Đầu tiên, chúng tôi muốn nói đến “quán trọ”. Quán trọ ngày ấy không giống như những gì chúng ta tưởng tượng - là một nơi dùng cho khách thuê phòng nghỉ qua đêm. Quán trọ như thế hầu như không tồn tại vào thời ấy. Thậm chí còn sai lầm hơn nữa khi đưa ra giả định rằng thánh Giuse khi trở về nguyên quán đã bị chính những người thân của mình xua đuổi. Điều này thực sự không phù hợp trong bối cảnh một nền văn hóa vẫn tự hào là hiếu khách thời bấy giờ. Vì thế, chúng ta nên hiểu thế nào khi thánh Luca kể lại trong sách Tân Ước “Bởi vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ?”
Các dịch giả, nghệ sĩ và nhà thơ đã cho rằng từ “inn” theo tiếng Hy Lạp (katalyma) có nghĩa là “quán trọ” hoặc một nơi kinh doanh dưới hình thức cho khách du lịch nghỉ qua đêm. Vấn đề nằm ở đây và đơn giản là vì họ hiểu sai về nó. Từ “inn” ý chỉ  một phòng ngủ được dành riêng cho bạn bè và những khách đến thăm nhà. Theo Ken Bailey, một học giả nghiên cứu về vùng Trung Đông cho biết rằng từ “inn” thường chỉ căn phòng được bố trí cao hơn các phòng khác trong ngôi nhà và được dành riêng cho khách quen đến thăm nhà. Để làm rõ hơn điều này, khi muốn nói đến “quán trọ” dành cho du khách, thánh Lu-ca đã sử dụng một từ khác theo tiếng Hy Lạp- pandocheion như trong chương 10 của sách Tin mừng theo thánh Lu-ca  kể về câu chuyện người Samari nhân hậu. Còn khi nói về phòng dành riêng cho khách quen đến thăm- thánh Lu-ca đã sử dụng từ “inn” như trong chương 22- và từ này cũng được dùng để chỉ nơi Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se ở vào đêm Chúa giáng sinh như đã viết ở chương 2.
Vậy “chuồng bò lừa” được nhắc đến ở trong câu chuyện là gì? Những ngôi nhà trong làng ở Pa-lét-tin thời xưa thường gồm hai phòng: một phòng dành cho du khách hoặc “khách quen đến thăm nhà” và một phòng khác là nơi gia đình thường dùng để sinh hoạt bao gồm làm việc, nấu nướng, ăn uống và nghỉ ngơi. Phần sau cuối của mỗi ngôi nhà, thường là nơi được bố trí thấp nhất để dành cho súc vật có thể là một con bò, một con lừa và một vài con cừu. Ban đêm chúng được đưa vào nhà để bảo vệ gia đình khỏi các loại thú hoang hay những tên trộm, sau đó ban ngày lại được dắt ra sân, khi đó căn phòng hay chuồng bò lừa lại được dọn sạch sẽ. Ngày Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đến, các phòng dành cho khách quen đến thăm đã không còn- bởi lẽ đó là một cuộc điều tra dân số và có rất nhiều người cùng trở về địa phương để đăng ký- thì chỉ còn có một nơi họ có thể ở lại đó là căn phòng cuối nhà, dành cho súc vật và tất nhiên ngôi nhà đó là nhà của một người họ hàng của họ.
Liệu chuyện như thế có thể xảy ra không? Thưa có, bởi xã hội khi Chúa Giê-su ra đời là một xã hội còn khó khăn, nguyên thủy và nhiều thù địch cùng với đội quân La Mã đang chiếm đóng, nên đó là một xã hội của gia đình. Chúa Giê-su sinh ra thuộc dòng dõi vua Đa-vít, dòng dõi đã được Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước. Ngài đã không đến với những quán trọ đông đúc nơi không trông đợi Chúa đến, thậm chí còn xua đuổi Ngài và Ngài cũng không chọn sinh ra làm con một gia đình giàu có, đi đến đâu cũng được trọng vọng và cha mẹ chào đón bằng những thứ tốt nhất. Thay vào đó, Chúa đã chẳng màng ô nhục khi nép mình trong máng cỏ nơi hang bò lừa. Máng cỏ sạch sẽ, một ngôi nhà tràn ngập yêu thương, được gia đình và họ hàng bao bọc càng là những dấu chứng rất riêng, rất cao trọng và đi vào lòng mọi người về hình ảnh một Hài Nhi Giê-su.
Việc Hài Nhi Giê-su được trông đợi đã trở thành mối đe dọa đối với vua Hê-rô-đê khi ông này hay tin các nhà học giả đang trên đường đi tìm “Vua dân Do thái”.  Và vì thế ông đã sai binh lính đến Bê-lem giết hại ước tính khoảng 20 trẻ dưới 2 tuổi, kỳ lạ thay, sự việc này được kiểm chứng qua các chứng cứ còn sót lại và cũng được chúng ta tưởng nhớ vào mỗi dịp Giáng sinh.
Những câu chuyện trái ngược nhau về việc toàn dân trông đợi Chúa và một vụ giết người đầy ác ý đã cung cấp thêm những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giê-su. Hai sự việc trái ngược nhau, một đấng Mê-si-a đã xuất hiện cùng nhân loại như đã được tiên báo hàng thế kỷ trước, sống vâng lời và yêu thương cha mẹ nơi làng Na-za-rét, và cuối cùng đã bị những thế lực quân đội, chính trị và tôn giáo gạt sang một bên.
Sau cùng, chúng ta rút ra được điều gì qua câu chuyện này? Việc kể lại những câu chuyện mang tính chất lịch sử, dù đúng dù sai, vẫn không ngoài mục đích mang lại cho mỗi người chúng ta hình ảnh cũng như cơ hội để hân hoan chờ đón Chúa đến với mỗi người cũng như cộng đoàn chúng ta đang sống.

Các tin bài khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét