Trang

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

NHỮNG CHIỀU KÍCH CĂN BẢN CỦA GIÁO LÝ



NHỮNG CHIỀU KÍCH CĂN BẢN CỦA GIÁO LÝ


Khi đặt Giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng, Giáo Hội thống nhất ý kiến trong việc nhận ra căn tính của giáo lý xoay quanh 3 trục chính: Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội. Thật vậy:
-   Giáo lý trước hết là tác vụ của lời, vì giáo lý phục vụ Tin Mừng, thông truyền sứ điệp Kitô và loan báo Đức Kitô;
-   Giáo lý là giáo dục đức tin, hỗ trợ sự tăng trưởng đức tin, giúp cá nhân và cộng đoàn đạt đến sự trưởng thành trong đức tin;
-   Giáo lý là hoạt động và kinh nghiệm của Giáo Hội, vì diễn tả thực trạng của Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội.

I.  GIÁO LÝ, TÁC VỤ LỜI, VIỆC LOAN BÁO ĐỨC KITÔ

Giáo lý được xem là tác vụ và việc loan báo Lời Thiên Chúa. Từ xa xưa, giáo lý là việc “audire verbum» - lắng nghe Lời. Ngày nay, dựa vào Lời Chúa, giáo lý tìm ra căn tính sâu xa của mình: giáo lý không chỉ là “việc giảng dạy giáo thuyết”, nhưng trước hết và trên hết là “việc loan báo một sứ điệp”.

Ngày nay, trong Giáo Hội đã có sự thay đổi về cái nhìn thần học mạc khải và Lời Chúa. Vượt qua khái niệm duy lý, người ta nhìn mạc khải trong chiều kích then chốt là con người hiện sinh, hơn là tính kitô học và lịch sử, như đã thấy trong hiến chế Mạc khải:
“Hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vatican II đã miêu tả Mạc Khải là tác động Thiên Chúa tự tỏ mình cho con người. Thực vậy, Thiên Chúa tỏ mình ra như Đấng muốn tự thông đạt chính mình, bằng cách làm cho con người thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện ý định tình thương của Ngài như vậy” (HDTQ 36).

Toàn bộ các văn kiện Công Đồng làm nổi bật và phong phú mầu nhiệm của Lời Chúa trong lịch sử nhân loại. Từ việc giản lược Lời Chúa trong việc loan truyền chân lý, đã mở ra cho thấy đây là sự can thiệp của Thiên Chúa, đầy quyền năng và nhân hậu, Ngài đã thông truyền chính mình và kế hoạch của Ngài cho toàn thể nhân loại và cho họ đi vào sự hiệp thông với Ngài. Kế hoạch này đặt trọng tâm nơi Đức Kitô trong thời gian của Giáo Hội. Vì thế, những chiều kích căn bản của Lời Chúa cũng hình thành nên những chiều kích căn bản của hoạt động Giáo lý. Chúng ta tóm lược những nét căn bản đó như sau:

1.1. Lời Thiên Chúa, trung tâm và đỉnh cao là Đức Kitô (chiều kích quy Kitô/Kitô tâm và nhân tính của Lời): Giáo lý là việc loan báo Đức Kitô và cống hiến sự hiệp thông cá vị (GS 22; HDTQ 41, 98, 99).

Trong kế hoạch tổng thể của mạc khải, Đức Kitô là biểu trưng không phải là một lời bình thường mà là Lời siêu việt của Thiên Chúa, đỉnh cao của mạc khải, sự biểu lộ tối thượng về Thiên Chúa cho con người và là sự mạc khải tuyệt đỉnh về con người cho con người (GS 22). Đối với người đón nhận lời chứng của Ngài trong đức tin, thì Đức Kitô là tiếng đáp trả quyết định của Thiên Chúa đối với sự mong mỏi của nhân loại… Sự kiện mang tính nhân loại của Chúa Giêsu, đặc biệt là cái chết và sự phục sinh của Ngài là dấu ấn cuối cùng cho sự đòi hỏi ý nghĩa sâu xa mà con người và lịch sử thường chất vấn trong cuộc sống.

Vì thế trước hết giáo lý được coi là việc loan báo Đức Kitô và như lời mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ cá vị, được đặt trọng tâm nơi nhân tính của Ngài:
“Việc chọn lựa Đức Kitô như trung tâm sống động, giáo lý không chỉ hiểu đơn giản là việc đề nghị một điều cốt lõi cơ bản về chân lý để tin, nhưng trước tiên hết phải hiểu đó là việc làm cho người ta đón nhận con người sống động là Đức Giêsu trong sự toàn hảo của nhân tính và thiên tính, Ngài là Đấng cứu độ và Thủ lãnh của Giáo Hội và tất cả mọi thụ tạo (RdC 58).

Chính vì thế Đức Giêsu Kitô chính là trọng tâm của việc thông truyền giáo lý và là điểm quy chiếu của tất cả mọi nội dung của giáo lý. Yêu cầu kinh điển của tính quy kitô, được lặp đi lặp lại trong dòng chảy của phong trào giáo lý và được tái khẳng định một cách rõ ràng trong nhận thức hiện tại của Giáo Hội:
“Sự kiện Chúa Giêsu Kitô, sự viên mãn của Mạc Khải là nền tảng của tính “quy Kitô” trong việc dạy giáo lý: trong sứ điệp mạc khải, mầu nhiệm Đức Kitô không phải là một yếu tố thêm vào với bao yếu tố khác nhưng là tâm điểm từ đó mà mọi yếu tố khác được sắp xếp và soi sáng” (HDTQ 41).

Người ta nói đến tính quy kitô của Tin Mừng Ba Ngôi, như Hướng dẫn Tổng quát nhấn mạnh, trước hết là nói đến các sách Tin Mừng có một “cấu trúc giáo lý”, các Tin Mừng là trọng tâm của sứ điệp giáo lý (HDTQ 98). Tiếp đến, Hướng dẫn Tổng quát hướng việc loan báo Đức Kitô đến việc tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, bởi vì “Đức Kitô không ngừng hướng về Chúa Cha, Đấng mà Người biết mình là Con duy nhất, và quy về Chúa Thánh Thần Đấng mà Người biết là Đấng Xức Dầu cho mình (HDTQ 99).

1.2.   Lời Thiên Chúa, lời ban ơn cứu độ cho con người (đặc tính có ý nghĩa và giải thoát của Lời). Giáo lý, là lời chiếu sáng và giải thích cuộc sống (DV 2; HDTQ 153).

Lời Thiên Chúa luôn luôn là sứ điệp cứu độ cho con người. Trong ý định sâu thẳm, Lời Thiên Chúa luôn là “Tin Mừng”, “tin vui” (x. HDTQ 101), lời mang lại ý nghĩa và biến đổi cuộc sống. Theo quy luật chắc chắn của nhiêm cục mạc khải, có một sự đan kết chặt chẽ giữa lời nói và việc làm, giữa sứ điệp và biến cố: “lời nói được dùng đểcông bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm” (DV 2). Lời Thiên Chúa cũng là sức mạnh có sức biến đổi và giải thoát, hướng đến sự dấn thân để thăng tiến những giá trị Nước Trời.

Vì thế giáo lý phải là lời ngôn sứ chiếu sáng và giải thích cuộc sống, đây chính là chiều kích nhân học của giáo lý:
“Soi sáng và giải thích kinh nghiệm dựa trên dữ kiện đức tin phải trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của khoa sư phạm giáo lý […]. Điều đó có thể thực hiện được bằng cách áp dụng đúng đắn mối tương quan hoặc tương tác giữa những kinh nghiệm sâu xa của loài người và sứ điệp mạc khải” (HDTQ 153).
“Từ cái nhìn này, người ta có thể nói rằng giáo lý có thể được định nghĩa: là hoạt động mà một nhóm người giải thích việc mình sống và diễn tả hoàn cảnh sống của mình dưới ánh sáng Tin Mừng” (Audinet 1969, 35).

Điều này rõ ràng cho thấy giáo lý nói về cuộc sống và biểu lộ những mong đợi, nhu cầu mà Lời Chúa tỏ hiện cho mỗi người.

1.3.  Lời Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử và trong các nền văn hóa (chiều kích tường thuật và văn hóa của Lời). Giáo lý kể lại một lịch sử trọng đại và là phương tiện của việc hội nhập văn hóa (HDTQ 107, 108, 109; CT 53)

Thiên Chúa tự mạc khải cho con người trong lịch sử, trong một lịch sử cụ thể của những sự kiện và chứng cứ mà đỉnh cao là biến cố nhân loại của Đức Giêsu thành Nazaret. Đây là đặc điểm mang tính lịch sử của mầu nhiệm cứu độ. Trong chức năng ngôn sứ, Giáo Hội “không ngừng “tưởng nhớ” và kể lại những biến cố cứu độ của quá khứ” (HDTQ 107).

Vì thế, giáo lý phải là việc công bố một lời nhập thể theo cách kể lại lịch sử, cơ bản là đặc điểm “tưởng nhớ” cũng như việc thuật lại những sự việc có ý nghĩa cho con người. Như là việc tường thuật, giáo lý bao gồm trong sứ điệp của mình lịch sử cứu độ của thời Cựu ước, đời sống của Đức Kitô và mầu nhiệm phục sinh của Ngài cũng như lịch sử Giáo Hội (HDTQ 108).

Lời Thiên Chúa cũng liên kết với văn hóa và các nền văn hóa. Lời Thiên Chúa không đồng nhất với một nền văn hóa nào mà là lời “nhập thể” trong mọi nền văn hóa. Thậm chí, sự nhập thể này có thể hiểu là sự nới rộng biên độ đến bất kỳ nền văn hóa nào.

Trong viễn tượng này, giáo lý được xem như “một trong những phương tiện của việc “tiếp biến văn hóa” (acculturation), nghĩa là phát triển đồng thời soi sáng từ bên trong những hình thức sống của bất kỳ những người nào mà giáo lý ngỏ lời với họ (THĐGM 1977, 5). Qua giáo lý, đức tin cũng phải nhập thể trong các nền văn hóa:
“Về việc dạy giáo lý cũng như về việc loan báo Tin Mừng nói chung, ta có thể nói, dạy giáo lý cốt là để đưa sức mạnh Tin Mừng vào lòng văn hóa và các nền văn hóa. Muốn thế giáo lý phải tìm hiểu các nền văn hóa này cũng như các thành tố cơ bản của nó; giáo lý cũng phải học cách diễn tả các nền văn hóa có ý nghĩa hơn, đồng thời phải tôn trọng những giá trị và những kho tàng đặc thù của chúng. Nhờ vậy, việc dạy giáo lý mới có thể đề nghị với các nền văn hóa ấy sự hiểu biết mầu nhiệm được ẩn giấu và giúp khơi dậy từ chính truyền thống sống động lối diễn tả độc đáo về cuộc sống, về việc cử hành và về tư tưởng Kitô giáo” (CT 53).

Đề tài hội nhập văn hóa rất sinh động trong toàn bộ lãnh vực suy tư về việc dạy giáo lý. Tài liệuHướng dẫn Tổng quát dành cho nó một vị trí đặc biệt (HDTQ 109; 202-226) và nhấn mạnh đến tính nghiêm túc của nhiệm vụ này:
“Nhờ “việc hội nhập văn hoá” của đức tin, “tất cả những sự phong phú của các dân tộc mà Đức Kitô đã nhận làm gia nghiệp” được đón nhận trong một cuộc trao đổi tuyệt vời; sự hội nhập ấy là một tiến trình sâu xa và toàn thể đòi hỏi nhiều thời gian. Bởi vì đây không phải là một cuộc thích nghi hời hợt chỉ muốn phết lên mình một lớp sơn trang trí nhằm làm cho sứ điệp Kitô giáo hấp dẫn. Trái lại, đây là một sự thấm nhập của Tin Mừng vào nơi thẳm sâu trong tâm hồn con người và các dân tộc, nhằm gặp gỡ họ “…một cách sinh động, sâu xa đến tận gốc rễ” các nền văn hoá của họ” (HDTQ 109).

1.4.  Lời Thiên Chúa, hồng ân của Thánh Thần (chiều kích thần linh và đặc sủng của Lời). Giáo lý, hoạt động của Thánh Thần và trong Thánh Thần (CT 72; HDTQ 288).

Trong nhiệm cục mạc khải, Thánh Thần luôn đóng một vai trò tiên quyết của việc liên kết chặt chẽ giữa Lời và sự loan truyền Lời. Việc nhập thể của Lời, của “Ngôi Lời” trong lịch sử là công việc của Thánh Thần: Ngài là Đấng linh hứng của Sách Thánh, là Đấng phát ngôn thông qua các ngôn sứ, là Đấng làm cho Ngôi Lời nhập thể và là Đấng mà Đức Kitô phục sinh trao ban cho chúng ta, Đấng đổ tràn nơi Giáo Hội ơn ngôn sứ và làm cho lời cứu độ cư ngụ và lớn lên nơi tâm hồn các tín hữu.

Giáo lý như là hoạt động của Giáo Hội hầu làm tăng trưởng đức tin, “là công trình của Chúa Thánh Thần, công trình mà chỉ một mình Ngài mới có thể khơi dậy và nuôi dưỡng trong Giáo Hội” (CT 72). Vì thế việc dạy giáo lý đòi hỏi một bầu khí ngoan ngoãn đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Việc dạy giáo lý không chỉ dựa vào những quy luật thuần túy nhân loại của việc thông truyền hữu hiệu hoặc của một tổ chức hoạt động giáo dục đâu ra đó, cũng không thể tiến hành mà không có một bầu khí của tinh thần đón nhận ân sủng, với thái độ hiền lành và khiêm nhường:
“Trong việc thực hành huấn giáo, không phải các kỹ năng sư phạm tân tiến nhất, cũng chẳng phải những giáo lý viên có nhân cách lôi cuốn nhất có thể thay thế cho hành động thầm lặng và kín đáo của Chúa Thánh Thần. “Chính Ngài " là người chủ chốt đích thực của toàn bộ sứ mạng của Hội Thánh"; chính Ngài là giáo lý viên đầu tiên; chính Ngài là “vị Thầy nội tâm”của những ai lớn lên trong Đức Kitô” (HDTQ 22).

Vì thế giáo lý đòi hỏi một khung cảnh của tinh thần tĩnh lặng và cầu nguyện. Để khắc phục sự nặng nề “xác thịt” của lời con người không dựa vào Thánh Thần, giáo lý phải là lời được nói trong Thánh Thần, với lòng khiêm nhường và hiền lành, mà cũng là lời được nói bằng quyền lực, tự do và can đảm. Đây là những đặc điểm của Thánh Thần, Đấng linh hoạt Giáo Hội và tái tạo việc thực thi lời trong Giáo Hội.

1.5.   Lời Thiên Chúa, Lời được “trao ban và hứa hẹn” (chiều kích cánh chung của Lời). Giáo lý là việc loan báo về sự thật và hành trình mở ra hướng đến chân lý hoàn hảo (CT 60).

Lời Thiên Chúa như là toàn bộ ơn ích của ơn cứu độ, tham gia vào tiến độ cánh chung giữa điềuđã hoàn thành điều chưa hoàn tất, giữa lời trao ban và lời hứa, giữa niềm vui của sự chiếm hữu và nỗi đau khổ của sự mong chờ. Điều này sẽ đạt tới trong Đức Kitô, sự viên thành cuối cùng, chính đặc điểm cuối cùng này không cho phép quên đi khía cạnh bổ túc chân lý của lời hứa,mà cho đến nay vẫn chưa chiếm hữu được. Vâng, chính Đức Kitô là Đấng đã đến mặc lấy thân phận con người để mạc khải kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài cũng là Đấng đang đến và Đấngphải đến. Vì thế việc mạc khải để lại nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong tiến trình soi sáng thực tế nhân loại và lịch sử, trong việc không ngừng canh tân sứ điệp mạc khải với thực tại lịch sử. Như thế Lời Thiên Chúa hình thành một hành trình dài của mạc khải và khám phá, của viêc tỏ lộ và tìm kiếm, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Điều này muốn nói rằng tác vụ lời trong Giáo Hội không loại trừ tính tò mò và nghi ngờ, sự đau khổ vì chân lý và sự nỗ lực tìm kiếm.

Tất cả điều này có ảnh hưởng rõ ràng đến cách hiểu việc dạy giáo lý là gì. Như lịch sử xác nhận, quan niệm về Lời Chúa như là chân lý chỉ là lời trao ban từ cái nhìn “hộ giáo”, hiểu như là việc loan truyền một hệ thống dứt khoát những xác định tôn giáo theo kiểu giảng dạy của giáo quyền. Trong khi đó việc phục vụ Lời Thiên Chúa, lời trao ban và lời hứa, trong sự năng động của việc mở ra và đối thoại, giáo lý phải được hiểu như việc thông truyền những điều chắc chắn mà cũng là việc tìm kiếm những điều còn bỏ ngỏ. Sách giáo lý truyền thống hỏi thưa xuất hiện như một hệ thống khép kín bởi những câu trả lời chắc chắn: chỉ nghĩ đến bổn phận loan truyền những điều chắc chắn và xem mọi sự là điều chắc chắn như nhau. Ngày nay, giáo lý cũng phải mang ý nghĩa tạm thời, nghĩa là giáo lý là việc cùng nhau tìm kiếm chân lý, khiêm tốn chấp nhận điều còn nghi ngờ hoặc không biết những yếu tố chắc chắn và cuối cùng của sứ điệp kitô. Có hai điều cơ bản sau: một là sự can đảm của chân lý nhằm củng cố nơi các tín hữu chính căn tính của mình, hai là sự tôn trọng tình trạng chưa hoàn tất của mọi vấn đề về Thiên Chúa, nhờ sự hướng dẫn của Thánh Thần trong bước đường hướng đến chân lý toàn vẹn, và theo cách “không biến đức tin Kitô giáo thành một thái độ của sự yên ổn, mà là sự tiến bước về phía trước như Abraham” (CT 60).

1.6.   Lời Thiên Chúa, lời được công bố và lắng nghe trong kinh nghiệm tôn giáo (chiều kích kinh nghiệm của Lời). Giáo lý, việc thông truyền và đào sâu kinh nghiệm đức tin(HDTQ 153).

Trong nhiệm cục của Lời Thiên Chúa thì kinh nghiệm tôn giáo có một vai trò quan trọng và thiết yếu. Kinh nghiệm tôn giáo như là điểm gặp gỡ mà Lời Thiên Chúa đạt đến sự hiểu biết của con người. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử chỉ được hiểu nhờ việc giải thích với thái độ đón nhận đầy ý thức của người tin. Điều này thực hiện trong bối cảnh kinh nghiệm tôn giáo. Lời Thiên Chúa vang dội ngay trong sự phức tạp của kinh nghiệm tôn giáo, làm cho cộng đoàn những người tin đọc ra ngay trong chính lịch sử - dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần – những dấu chỉ về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. “Lời Thiên Chúa” chỉ được cảm nhận thông qua một “kinh nghiệm về Thiên Chúa”.

Tầm quan trọng của chiều kích “kinh nghiệm” về Lời Thiên Chúa này có thể giản lược trong một quy luật có cấu trúc căn bản sau: không có kinh nghiệm tôn giáo thì không có việc thông truyền cũng như không có sự lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều này có những ảnh hưởng đáng kể đối với sự hiểu biết về nhiệm vụ của giáo lý. Người ta có thể nói rằngngoài bối cảnh của kinh nghiệm tôn giáo thì không thể nghĩ đến một tiến trình truyền thông Lời Thiên Chúa cũng không thể nói đến hành trình đức tin như sự đáp trả Lời.

Giáo lý phải thực hiện một sự gặp gỡ giữa đức tin và cuộc sống nhằm lấy đức tin giải thích cuộc sống và lấy cuộc sống giải thích đức tin. Từ quan điểm này, giáo lý có thể được định nghĩa là “sự thông truyền kinh nghiệm có ý nghĩa” về đức tin Kitô giáo. Giữa hoàn cảnh nhân loại và sứ điệp mạc khải trong hiện thân cụ thể lịch sử của Lời Thiên Chúa về cơ bản là nguyên lý của sự tương quan (HDTQ 153) hoặc sự hòa nhập (RdC 52-53).

II.  GIÁO LÝ LÀ VIỆC KHAI TÂM, GIÁO DỤC VÀ GIẢNG DẠY, LÀM CHO ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH (HDTQ 147, 139, 84, 67)

Bình diện thứ hai của căn tính và bổn phận của giáo lý đó là: đức tin như một lời đáp trả của con người với Lời Chúa. Giáo lý không chỉ phục vụ Lời Chúa như việc không ngừng “làm vang dội” mà cũng là muốn giúp những con người cụ thể đáp trả Lời. Theo nghĩa này giáo lý được hình dung như việc khai tâm, giáo dục giảng dạy đức tin (HDTQ 68).

Thời nay, người ta có thể nói về “giáo dục” đức tin chỉ theo nghĩa thứ yếu và nghĩa công cụ, nghĩa là trong khuôn khổ trung gian nhân loại, theo đó việc giáo dục đức tin được hiểu là việc giúp cho thuận lợi, dễ dàng, cất đi những chướng ngại, vv., trong tiến trình thức tỉnh và trưởng thành đức tin, sự trợ giúp này luôn nằm ngoài mọi khả năng can thiệp trực tiếp trên chính đức tin, là hoạt động nhưng không của Thiên Chúa và sự tự do đáp trả của con người. Vì thế giáo lý phải biết những giới hạn và những khả năng của mình, với tư cách là trung gian giáo dục, thuần túy là phương tiện và dụng cụ để phục vụ cho sự gặp gỡ tốt đẹp giữa con người với lời đề nghị của Thiên Chúa được thực hiện.

Theo nghĩa toàn diện thì bản chất giáo dục của hoạt động giáo lý có sự liên quan giữa việc tăng trưởng đức tin với sự trưởng thành nhân bản. Nguyên lý “Loan báo Tin Mừng nhờ giáo dục và giáo dục nhờ loan báo Tin Mừng” (HDTQ 147) áp dụng cho giáo lý, được trình bày như “một đường lối giáo dục có phẩm chất” (HDTQ 147). Đúng là sư phạm đức tin không thể không biết đến những đòi hỏi độc đáo của Lời Thiên Chúa và sự đáp trả đức tin dẫn đến “sư phạm của Thiên Chúa” (x. HDTQ 139-147), nhưng điều này không tổn hại gì đến bản chất sư phạm của nhiệm vụ giáo lý.

Điều này muốn nói giáo lý không thể giới hạn vào mức độ “tôn giáo” trừu tượng của nhân cách hoặc một vài bình diện đặc biệt của sự phát triển tôn giáo, đó là sự hiểu biết chân lý mạc khải hoặc sự thủ đắc những hạnh kiểm luân lý. Cần nhắc lại bản chất của giáo lý như là việc “huấn luyện Kitô giáo toàn diện” (HDTQ 84), như “việc khai tâm Kitô giáo toàn diện: làm sao để “qua những kinh nghiệm sâu sắc của mình, toàn bộ con người tự cảm nhận mình được phong phú nhờ Lời Thiên Chúa” (HDTQ 67).

Từ bản chất của giáo lý như là việc khai tâm, giáo dục đức tin, dẫn đến những nhiệm vụ và mục đích chính yếu sau:

2.1.  Thức tỉnh và trợ giúp hoán cải (HDTQ 53, 56; CT 19)

“Khi loan báo Tin Mừng Mạc Khải cho thế giới, việc rao giảng Phúc Âm mời gọi mọi người hoán cải và tin theo” (HDTQ 53).
“Đức tin là một hồng ân được phát triển trong tâm hồn người tín hữu. Thực vậy, việc gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, mở ra một tiến trình hoán cải thường xuyên đến suốt đời” (HDTQ 56).

Ngày nay, đặc biệt trong những Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời, họ không nghĩ là có thể gắn bó toàn bộ đức tin vào việc khai tâm giáo lý. Trong phần thực hành tổng quát của việc rửa tội cho các trẻ nhỏ cũng như sự thiếu sót về mục vụ đã cản trở việc tiến triển trật tự trong đức tin được tuyên xưng (x. CT 19) và thường không có thái độ hoán cải nền tảng.

Về điểm này giáo lý có bổn phận củng cố “không những nuôi dưỡng và giáo dục đức tin, nhưng còn luôn khơi dậy đức tin với sự trợ giúp của ơn Chúa, mở rộng tâm hồn, cải hóa, chuẩn bị sự gắn bó hoàn toàn với Đức Giêsu Kitô cho những người vẫn còn ở ngưỡng cửa của đức tin (CT 19). Hoán cải như là sự gắn bó toàn vẹn với Đức Kitô, có thể xảy ra trong những thời điểm và cách thức rất khác nhau, nhưng luôn là một yếu tố rất cần thiết trong sự năng động của một đức tin đang tăng trưởng hướng đến một đức tin trưởng thành.

2.2.   Khơi dậy và đào sâu thái độ sống đức tin

Việc giáo dục thái độ của đời sống đức tin cho kitô hữu hình thành nên dung mạo duy nhất và quyết định của bổn phận giáo lý. Chỉ có sự nội tâm hóa thái độ trưởng thành của đức tin mới có thể tránh làm cho giáo lý giản lược vào việc dạy tôn giáo hoặc vào việc chuẩn bị lãnh các bí tích hay là việc tuân thủ những chuẩn mực luân lý mà không hề được nội tâm hóa.

Nếu như hỏi rằng đâu là những thái độ hình thành mục đích trọng tâm của giáo lý, người ta có thể nại đến quan điểm truyền thống về kinh thánh và đặt ba thái độ sau làm trọng tâm của đời sống kitô hữu, đó là: tin, cậy, mến hoặc người ta có thể nói, đức tin được củng cố bởi đức cậy và được hình thành bởi đức mến: đây là hệ thống vững vàng về những thái độ mà giáo lý phải khuyến khích để dẫn đến sự trưởng thành trong đức tin. Thánh Augustinô tóm lược điều này theo cách diễn tả sau:“Bất kỳ sự gì bạn thu lượm được, hãy làm theo cách như người ta thường nói: nhờ nghe mà tôi tin, nhờ tin mà hy vọng, nhờ hy vọng mà yêu mến” (De catechizandis rudibus, IV, 8 (PL 40, 316).

2.3.   Dẫn người ta đến sự hiểu biết đầy đủ sứ điệp Kitô giáo (HDTQ 85; CT 27, 28)

Giáo lý được hiểu như là việc giáo dục đức tin, vì thế không thể quên yếu tố cơ bản của sựhiểu biết. Cho nên, giáo lý có bổn phận giúp cho người ta hiểu biết mỗi ngày một hoàn hảo và sâu xa hơn, mầu nhiệm Kitô giáo, đối tượng trọng tâm của đức tin:
“Mục đích của việc dạy giáo lý, trong viễn tượng chung của việc loan báo Tin Mừng, là giai đoạn của việc giảng dạy và việc trưởng thành, nghĩa là thời gian mà người kitô hữu, nhờ đức tin mà chấp nhận con người Đức Giêsu Kitô là Chúa duy nhất và sau khi đã hoàn toàn gắn bó với Ngài bằng một sự hoán cải thực tâm, người ấy hiểu rõ hơn Đức Giêsu mà họ phó mình cho Ngài: hiểu biết mầu nhiệm của Ngài, Nước Thiên Chúa mà Ngài loan báo, những đòi hỏi và những lời hứa chất chứa trong sứ điệp Tin Mừng, những nẻo đường mà Ngài đã vạch ra cho ai muốn theo Ngài” (CT 20).

Hiểu biết những mầu nhiệm Kitô giáo là sứ mạng của giáo lý “loan truyền những nội dung đức tin” (THĐGM 1977), dẫn nhập vào việc đọc Kinh Thánh (CT 27) và nội tâm hóa những công thức tóm lược hoặc những “tín biểu” đức tin (CT 28; HDTQ 85).

2.4. Giáo dục và khai tâm các hoạt động Kitô giáo: cảm thức Giáo Hội, lắng nghe và loan báo Lời, khai tâm phụng vụ Kitô giáo, chọn lựa ơn gọi và sứ vụ

Sự năng động của giáo dục đức tin cũng liên quan đến yếu tố thực hành, điều này hướng giáo lý đến những hình thức khác nhau về cuộc sống và về hoạt động của chính đời sống kitô hữu. Hiểu như thế, nhiệm vụ của giáo lý có thể được giải thích theo chiều kích hoạt động (x. HDTQ 85-86):
1. Dạy giáo lý giáo dục việc thực thi đức ái và phục vụ. Trong lãnh vực này người ta nhận ra chứng từ Kitô giáo trong thế giới, chứng từ bác ái và sự phục vụ vô vị lợi, sự dấn thân cho công lý và hòa bình, hoạt động xã hội và chính trị, vv…
2. Dạy giáo lý là giáo dục ý nghĩa hiệp thông Giáo Hội. Hiệp thông ở đây bao gồm mọi vấn đề liên quan đến: đời sống cộng đoàn kitô hữu, tinh thần huynh đệ và chia sẻ, khả năng thông truyền, đối thoại và tham gia, sự vâng phục quyền bính trong sự quân bình và trưởng thành. Giáo lý cũng giáo dục đại kết: giáo lý có bổn phận khai tâm hoạt động đại kết, nhờ cổ võ sự hiểu biết anh em kitô hữu ly khai và những sáng kiến khác nhau về đối thoại cũng như hợp tác.
3. Dạy giáo lý là khai tâm việc lắng nghe và loan báo Lời. Giáo lý chính là thời điểm của tác vụ lời trong Giáo Hội, giáo dục sự tham gia trọn vẹn vào chức năng ngôn sứ của Giáo Hội. Điều này bao gồm việc khai tâm đọc Kinh Thánh, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa trong Giáo Hội và trong thế giới, và theo nghĩa năng động, là sự chuẩn bị cho nhiệm vụ làm tông đồ và truyền giáo.
4. Dạy giáo lý là khai tâm phụng vụ Kitô giáo. Khái niệm cổ xưa của giáo lý là học giáo lý để chuẩn bị lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, và tham dự có ý thức và sinh động vào những cử hành Kitô giáo. Tuy nhiên việc dạy giáo lý còn là giáo dục cầu nguyện và suy niệm, đây là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin.
5. Dạy giáo lý cũng phải giáo dục việc chọn lựa ơn gọi và sứ vụ. Giáo lý là việc giáo dục đức tin, nên giáo lý có bổn phận giúp cá nhân và cộng đoàn khám phá vai trò của mình trong xã hội và trong Giáo Hội. Đây là một bổn phận định hướng ơn gọi thiết thực, nhằm khám phá và làm trưởng thành những đặc sủng và những tác vụ khác nhau trong việc phục vụ cộng đoàn.


III.   GIÁO LÝ LÀ HOẠT ĐỘNG VÀ KINH NGHIỆM MANG TÍNH GIÁO HỘI

Sau Lời và Đức tin, thì Giáo Hội là bình diện cơ bản thứ ba của giáo lý. Thật vậy, giáo lý luôn luôn là công việc của Giáo Hội và luôn luôn thuộc về chức năng của Giáo Hội. Điều này muốn nói: giáo lý được ghi dấu bởi những dung mạo mang tính Giáo Hội của lời và của đức tin. Giáo Hội chính là chủ thể của giáo lý, mà cũng là mục tiêu và chủ đích của giáo lý.

3.1.  Giáo Hội, chủ thể đích thực của giáo lý (HDTQ 78; CT 16)

“Việc dạy giáo lý là một hành vi chủ yếu mang tính Hội Thánh. Hội Thánh là chủ thể thực sự của việc dạy giáo lý, tiếp tục sứ vụ của Thầy là Chúa Giêsu, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã được kêu gọi trở thành người giáo dục đức tin” (HDTQ 78).

Việc xác nhận chiều kích Giáo Hội của giáo lý là chiều kích cơ bản hình thành căn tính của giáo lý. Không thể thực hiện việc dạy giáo lý nếu như không nghĩ đến Giáo Hội là chủ thể lịch sử tất yếu. “Việc dạy giáo lý vẫn là và sẽ luôn còn là một công cuộc mà toàn thể Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm và muốn nhận lấy trách nhiệm đó” (CT 16).

Ở cấp địa phương, tính Giáo Hội của giáo lý diễn tả trước hết nơi vai trò nền tảng của cộng đoàn kitô hữu: cộng đoàn đóng vai trò chủ chốt và là nơi hoạt động đương nhiên của giáo lý.

3.2. Giáo Hội, chủ đích và mục tiêu của Giáo lý

Giáo lý xây dựng Giáo Hội từ nhiều quan điểm khác nhau: trước hết vì giáo lý chính là nơi thực hành “kinh nghiệm” về Giáo Hội; giáo lý là một nhân tố canh tân Giáo Hội; và giáo lý phải phục vụ một kế hoạch mang tính thuyết phục của Giáo Hội.
-   Giáo lý là giáo dục cảm thức về Giáo Hội. Việc nội tâm hóa một cảm thức vững chắc và chính đáng vể Giáo Hội là mục đích cần thiết của việc dạy giáo lý;
-  Giáo lý phải là nơi thực hành kinh nghiệm về Giáo Hội. Giáo lý phải xây dựng nơi mình một kinh nghiệm về Giáo Hội cách mạnh mẽ và xác thực, với đặc điểm gần gũi, toàn thể và có giá trị giáo dục đặc trưng về mọi kinh nghiệm đích thực.
-  Giáo lý phải là một tác nhân canh tân Giáo Hội. Nhờ tham dự vào chức năng ngôn sứ và việc tìm hiểu Lời Chúa, giáo lý được coi là một nhân tố canh tân và kích thích sự thanh luyện cũng như sự cải tạo không ngừng của Giáo Hội.
-  Giáo lý phải là người mang đến một kế hoạch về Giáo Hội có sức thuyết phục. Đây là một đòi hỏi cấp bách trong khi làm việc với giới trẻ và người lớn, nhằm kích thích để có những thái độ trung thành, không chỉ với Giáo Hội của quá khứ và của hiện tại, mà còn là với Giáo Hội tương lai, nói cách khác, là trung thành với kế hoạch của Giáo Hội mà Chúa Thánh Thần mời gọi và cổ võ.


Nếu việc Loan báo Tin Mừng được tái khám phá như là “sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội”, “là ân sủng và ơn gọi đặc thù của Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" (EN 14), thì giáo lý chia sẻ chính phẩm giá và tầm quan trọng thiết yếu trong sự năng động của việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, trong đó, Lời Chúa chính là nguồn mạch của giáo lý và nhờ Lời mà đức tin được hình thành và phát triển.

Maddalena Phạm Thúy
Soạn theo ISTITUTO DI CATECHETICA - UNIVERSITÀ PONTIFICIA SALESIANA, Andate ed insegnate. Manuale di Catechetica, Elledici, TO, 2002, 84-95.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét