Trang

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Hành Trình Thương Khó (4): Anh em đừng sợ!

Hành Trình Thương Khó (4): Anh em đừng sợ!

Chua va con 002Các bạn trẻ thân mến,
Hình ảnh Giêsu trong Vườn Dầu luôn gợi trong chúng ta một nỗi bi thương của kiếp người. Cứ mỗi lần ta bị oan ức, cứ mỗi lần ta phải đối diện với những chọn lựa cam go, hay cứ mỗi khi ta rơi vào khủng hoảng, hình ảnh Giêsu luôn hiện ra trước mắt. Bản thân Giêsu cũng lo sợ khi phải đối diện với bản án kinh khủng mà mình phải chịu, và Ngài biết là các môn đệ của Ngài cũng sẽ phải trải qua nỗi sợ ấy. Trong số những lời trối trăn của Ngài trước khi bước vào cuộc thương khó, lời nhắn nhủ “đừng sợ” có lẽ là lời trấn an thiết thực nhất ngay lúc này.
Có ai trong chúng ta dám khẳng định là mình không biết sợ? Ai trong chúng ta cũng đều phải ít nhất một lần đối diện với nỗi sợ. Nếu không phải sợ cho mình thì cũng là sợ cho người khác, những người thân yêu của ta. Nỗi sợ cứ đeo bám ta như hình với bóng trong suốt hành trình dương gian. Nỗi sợ gắn liền với định mệnh của ta từ thuở nằm nôi cho đến khi không còn nữa. Sở dĩ ta sợ là vì ta nhận thức được sự bất toàn, mong manh, bất lực và yếu đuối của ta. Mỗi khi ta sợ, ấy là khi ta thừa nhận thân phân yếu ớt của mình, ta co mình lại trước một sức mạnh nào đó lớn hơn có thể đe dọa sự an toàn của ta. Nỗi sợ phản ánh thân phận thụ tạo của ta.
Cuộc sống nơi dương gian này, đâu có nơi làm có thể khiến ta luôn an toàn tuyệt đối. Bởi ta không còn tư cách làm chủ nữa nên ta cứ phải lo sợ nhiều điều. Miếng cơm, manh áo, sức khỏe, tương quan, công danh, sự nghiệp, bạn bè, đam mê, sở thích… ta luôn cố gắng thỏa mãn, và càng cố gắng bồi đắp, ta càng sợ chúng sẽ mất đi. Giữa dòng đời bon chen xô đẩy, ta sợ mình lạc lõng, trôi dạt như chiếc lá chiều thu. Bỗng từ đâu, như một an bài không báo trước, ta xuất hiện trên đời. Rồi thoáng chốc, ta lại phải trở về làm bạn với bụi đất, với hư vô. Ta sợ khi nghĩ đến điều đó. Ta sợ mình bị quên lãng, sợ mình trở nên cái “không là gì nữa”. Nhìn những nấm mồ xanh cỏ, ta bùi ngùi trước số phận chênh vênh của con người. Ta biết rằng mình sẽ nằm đó vào một ngày không xa, nhưng sao ta vẫn lo, vẫn sợ.
Làm sao ta có thể không sợ được, khi nỗi sợ đã trở thành bản chất của thân phận thụ tạo trong ta? Khi bảo chúng ta “đừng sợ”, Chúa có ý muốn nói điều gì?
Sở dĩ Chúa muốn ta đừng sợ là vì dù nỗi sợ có bám riết lấy ta làm ta lo lắng và gục ngã, vẫn có Chúa kề bên cầm tay ta dẫn lối. Nỗi sợ có thể là kẻ thù lớn nhất của con người, nhưng ta có một trợ lực mạnh mẽ hơn là chính Thiên Chúa. Cần gì ta phải sợ bão tố đi qua, khi ta đang cư ngụ trong một ngôi nhà kiên cố? Cần gì ta phải sợ thú dữ khi đi bên ta là một mục tử luôn canh giữ ta từng giờ? Cần gì ta phải sợ bóng đêm khi trên đầu ta luôn có những ánh đèn chiếu soi rạng rỡ? Khi xuân sang, ta có những đàn chim ca hát, có những cánh hoa vươn mình đón nắng mai. Hạ về, ta có những vầng mây cao trong vắt, ngọn sóng biển dập dìu với gió đưa. Giữa trời thu, ta nghe từng chiếc lá giã biệt cành, trôi lửng lơ bên dòng sông vắng. Đến mùa đông, ta háo hức chờ cây thông đội tuyết, chờ ánh đèn giáng sinh. Bốn mùa trôi qua, ta đều thấy có dấu chân Chúa bước đi bên mình. Cớ chi ta còn phải sợ?
Các bạn trẻ thân mến,
Mỗi khi lòng ta còn bừng dậy nỗi sợ, ấy là dấu chỉ cho biết niềm tin của ta vào Chúa vẫn còn yếu ớt mỏng manh. Người có niềm tin mạnh là người làm chủ được nỗi sợ. Nỗi sợ có ùa đến với họ, họ biết cách xua chúng đi. Chúa bước đi bên ta không nhãn tiền và rõ ràng như ta mong ước, nhưng sự thực là Ngài vẫn có đó, bên cạnh chúng ta. Niềm tin của chúng ta càng mạnh, ta càng dễ nhận thấy dấu ấn của Người. Chúng ta hạnh phúc vì giữa dòng đời tối đen, ta có được một nơi để bám víu. Giêsu khẳng định với ta là Người đã chiến thắng sự chết, rằng Người đủ sức để cứu giúp ta, rằng Người luôn ở cùng ta  cho đến khi thời gian không còn nữa. Các bạn có tin vào điều đó không? Chỉ có niềm tin vào Đấng đã khải hoàn từ trong cõi chết là vũ khí duy nhất giúp ta chiến đấu và chiến thắng những chông gai thử thách trên dòng đời này.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 http://dongten.net/noidung/30950

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét