Trang

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Văn hóa Công Giáo hậu hiện đại

Văn hóa Công Giáo hậu hiện đại
Điều tình cờ là trong tuần này, hai tác giả trùng tên cùng nói về nền văn hóa hậu hiện đại. Đó là Đức Cha James D Conley, giám mục giáo phận Nebraska, và linh mục John J Conley, Dòng Tên, giáo sư triết học và thần học tại Loyola University Maryland, Baltimore.
mesaubi.jpg   
AP Photo/Riccardo De Luca
Tưởng hai vị có liên hệ xa gần với nhau nên có thần giao cách cảm, nhưng đọc tiểu sử thì Đức Cha Conley chỉ có một người em gái. Thành thử liên hệ, nếu có, giữa hai vị, có lẽ cũng giống như liên hệ giữa Vũ Văn An và Vũ Văn Mẫu!

Bắt cóc ngôi vị giáo hoàng

Cơ hội khiến Đức Cha Conley đề cập tới nền văn hóa hậu hiện đại là bài báo của tờ Rolling Stone ca tụng (hết mình) Đức Phanxicô và mạt sát (cũng hết mình) Đức Bênêđíctô. Ngài cho hay, ngài vốn “mê” nền văn hóa dân gian của Hoa Kỳ, yêu cái nét duyên dáng, những cái nhìn thông sáng “kỳ quái nhưng đôi khi sâu sắc” của nó. Chính vì thế một vị giám mục bạn đã gửi tặng ngài cuốn sách gồm những bức tranh lớn của các ban nhạc rock cổ điển, từ ban The Who, tới Led Zeppelin, Nirvana, Metallica và Grateful Dead.

Ngài hiểu tầm quan trọng của nền văn hóa này. Vì phần lớn công luận chính trị và xã hội của Mỹ phát xuất từ thế giới của những người như Lorne Michaels và Jon Stewart hơn là từ những trang phẳng lặng của cả những tờ như New York Times hay Wall Street Journal. Người trẻ, khi nói về hôn nhân đồng tính, thường trích dẫn Macklemore hơn là Maureen Dowd. Chính vì thế, ngài càng thấy bài báo của Binelli trên Rolling Stone đáng ngại.

Dĩ nhiên đó là hành động của chủ thuyết xét lại, dùng đủ mọi cách để chứng minh rằng Đức Phanxicô tách mình ra khỏi một Giáo Hội bị coi là bảo thủ cũ kỹ. Nhẹ về sự kiện, nặng về hậu ý, sự thật nửa vời và lời đồn đại, họ cố tình biến ngài thành người anh hùng trầm lặng của phe tả tự do. Họ dùng các tai tiếng về tài chánh và lạm dụng tình dục cộng với một số câu đệm về Opus Dei và Lễ bằng tiếng La Tinh để biến Đức Bênêđíctô thành kẻ âm mưu bảo thủ đáng thương. Đức Phanxicô được họ sử dụng để làm nổi hình ảnh nhà lãnh đạo bất đắc dĩ, rất được lòng dân của một động thái nhằm giải thoát và tục hóa Giáo Hội Công Giáo.

Mục đích chính của họ, theo Đức Cha Conley, là “bắt cóc ngôi vị giáo hoàng của một người con trung thành, tuy đôi lúc bất qui ước, của Giáo Hội”. Lý do rất dễ hiểu: “những người phóng đãng về tính dục và xã hội không mấy lưu ý tới việc làm mất thể diện Kitô Giáo. Họ lưu ý nhiều hơn tới việc tái lên khuôn nó, bằng cách cho rằng Chúa Kitô, và vị đại diện của Người, là những người hỗ trợ họ. Nghị trình xã hội của phe duy tục sẽ dễ chịu hơn đối với tuổi trẻ dễ bị xúc cảm nếu nó bổ xung chứ không cạnh tranh thứ Kitô Giáo còn rơi rớt trong gia đình của những người này. Kẻ thù ta không mấy hứng thú với việc nhổ tận gốc Kitô Giáo nếu nó thăng hoa được tôn giáo này để phục vụ chính các mục tiêu của nó”.

Đức Cha cho rằng: “trò ma giáo lớn nhất của ma qủy không nhằm thuyết phục thế giới rằng nó không hề hiện hữu, mà làm thế giới xác tín rằng Chúa Giêsu Kitô là chiến sĩ tranh đấu cho chính nghĩa của nó”.

Và cái trò ấy qua tay Binelli hiện tỏ ra hết sức hữu hiệu. Nhất là nó đã thành công phân rẽ được Đức Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài bằng cách ít chú trọng tới thực chất cho bằng phương pháp. Trong niên lịch của nền văn hóa bình dân, Đức Phanxicô đã trở thành một siêu sao nhạc rock!

Tuy nhiên, Đức Cha Conley tin rằng hiểu rõ hiệu quả này và sẵn sàng đối phó, thì ta có cơ may sử dụng được giờ phút văn hóa bình dân này, thay vì trở thành nạn nhân của nó. Trước nhất, biến cố này nên thúc đẩy các Kitô hữu chịu dấn thân vào ngành truyền thông thế tục và xã hội, truyền thanh, phim ảnh và truyền hình.

Trước đây, có thời các nhật báo và tạp chí đôi chút có tầm cỡ còn có một hai ký giả, tuy bản thân chẳng tôn giáo bao nhiêu, nhưng có hiểu biết đủ để đối xử với tôn giáo một cách vô tư, theo đúng giá trị của nó. Bây giờ, thời ấy không còn nữa. Nên nếu muốn ngăn cản truyền thông thế tục khỏi “bắt cóc” các thực tại tôn giáo, ta cần có những người tôn giáo ở đó, sử dụng các ngả truyền thông bình thường để trình bày một chứng tá đầy thuyết phục cho sự thật.

Truyền thông Công Giáo đã đành là quan trọng, nhưng việc ta sẵn sàng làm việc tại và với truyền thông thế tục sẽ xác định được tầm cỡ ta kiểm soát được việc người ta kể truyện về ta.

Đức Cha Conley cho rằng có lẽ đó chính là tâm thức của Đức Phanxicô. Đôi lúc, Đức Cha tự hỏi không biết Đức Giáo Hoàng có ý thức được rằng ngài đang bị truyền thông giải thích sai lạc hay không. Dù không đích thân hiểu biết Đức Phanxicô, nhưng Đức Cha cho rằng Đức GH ý thức rất rõ các quyết định của ngài và các nguy cơ do các quyết định này đặt ra. Chính vì thế, ngày Thế Giới Truyền Thông của Giáo Hội vừa qua, ngài nhận định rằng “nếu phải chọn giữa một Giáo Hội bị bầm tím vì ra ngoài đường phố và một Giáo Hội mắc chứng bệnh chỉ biết lo lắng cho chính mình, chắc chắn tôi thích Giáo Hội trước hơn. Các “đường phố” này chính là thế giới nơi người ta sinh sống và được giao tiếp một cách vừa có hiệu quả vừa đầy cảm tính”.

Ý thích của Đức Thánh Cha, giống ý thích của Chúa Giêsu, là giao tiếp với thế giới, là chấp nhận nguy cơ có thể có những nhà báo như Binelli sẵn sàng viết những phác thảo vô căn cứ, do nghị trình của họ thúc đẩy. Ta sẵn sàng làm như thế, vì ta tin Chúa Giêsu Kitô sau cùng sẽ chiến thắng.

Chỉ có thế, ta mới mong kết hợp được biểu hiệu với thực chất, dựa vào sự hứng khởi của thế gian dành cho Đức Phanxicô và những buổi chuyện trò trầm lặng, có tính bản vị dẫn đưa truyền thông thế tục vào cuộc hồi hướng đích thực.

Một cái nhìn pha trộn về hậu hiện đại

Linh mục John Conley, Dòng Tên, thì dựa vào hai câu nói của hai người khác nhau để suy nghĩ về nền văn hóa hậu hiện đại. Ngài tham dự thánh lễ an táng của một linh mục cùng Dòng. Nhà giảng thuyết hôm đó ca tụng người vừa qua đời là đã có công “xây một cây cầu giữa nền văn hóa hậu hiện đại và Giáo Hội”. Rồi, trong một chuyến du lịch Miami, người hướng dẫn vừa chỉ vào dẫy dinh thự mới xây vừa nói: đây là các dinh thự hậu hiện đại. Nhưng khi hỏi điều gì làm chúng ra hậu hiện đại thì cô ta im lặng, không trả lời được.
Chính các tác phẩm kịch của Cha Conley, có lần, cũng được các nhà điểm sách nhận định rằng “Conley cố gắng trở thành hậu hiện đại, nhưng khó có thể là tiền hiện đại”. Chính cha không hiểu họ muốn nói gì?

Cha cho rằng khi người của Giáo Hội khuyên ta dấn thân vào việc tân phúc hóa, các vị ấy thường thúc giục ta phúc âm hóa nền văn hóa hậu hiện đại, nhưng ta thường không hiểu mình phải phúc âm hóa ai.

Về phương diện này, trong số các lý thuyết gia về hậu hiện đại, nhà triết học người Pháp là Jean-Francois Lyotard (1924-1998) có lẽ giúp ích cho ta hơn cả. Không những ông cho ta thấy nền văn hóa ta đang sống khác nền văn hóa ở đầu thế kỷ 20 ra sao; ông còn giúp ta nhận diện được các nét hậu hiện đại của chính Đạo Công Giáo đương thời khi ta cố gắng công bố Phúc Âm cho một xã hội xem ra hoàn toàn đối kháng nó.

Theo Lyotard, một trong các nét nổi bật của hậu hiện đại là việc sụp đổ của các trình thuật vĩ đại từng trổi vượt trong những ngày đầu thời hiện đại. Bắt nguồn từ phong trào Ánh Sáng, các trình thuật này nhấn mạnh rằng nhân loại cuối cùng đã tới tuổi khôn và hiện đang hướng về một chân lý và một niềm hạnh phúc phổ quát mới, nhờ các cuộc chinh phục độc đạo của khoa học và của lý trí được huấn luyện theo triết học. Chủ nghĩa Mácxít và biểu thức chính trị của nó là chủ nghĩa Cộng Sản chính là các đại biểu đầy quyền uy của hiện đại có tính thập tự chinh, hoàn toàn xác tín rằng chân lý có thể được chứa đựng bên trong một hệ thống bao gồm tất cả. Tuy nhiên, kinh nghiệm của hai cuộc thế chiến và của các chế độ toàn trị đã hủy diệt hoàn toàn sức lôi cuốn của các hệ thống hiện đại này. Và sự thật được bật mí trong thời hậu hiện đại sẽ có tính địa phương và có tính dò tìm nhiều hơn. Lòng khiêm nhu đã trở lại như một nhân đức thuộc tri năng (noetic virtue).

Đạo Công Giáo cũng trải qua một thứ tháo gỡ hậu hiện đại nào đó. Cận kề Công Đồng Vatican II, chủ nghĩa tân Tômít, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, vẫn còn đứng nguyên tại chỗ. Trong hệ thống triết học đầy tham vọng này, mỗi ngành triết học và mỗi luận đề triết học đều tìm được sự dung hợp hoàn hảo và sự thống nhất nhịp nhàng trong cấu trúc tổng thể của hệ thống. Nhưng một trong các thách thức vĩ đại nhất đối với hệ thống thịnh hành này là Phong Trào Tân Thần Học (La Nouvelle Théologie), phát động tại Pháp trong thập niên 1940. Thoạt nhìn, “việc trở về nguồn” này chẳng mưu toan lật đổ điều chi.

Nhưng càng nghiên cứu các nguồn, người ta càng khám phá ra rằng lời giải thích của Thánh Irênê về cuộc sa ngã khá khác với lời giải thích của Thánh Augustinô. Còn lý thuyết của Thánh Anselmô về việc xá tội (atonement) thật khác với học lý của Công Đồng Trent. Do đó, chủ thuyết Tômit được Decartes hóa trong các sách giáo khoa ở các chủng viện không còn là điểm tham chiếu chính nữa.

Cha Conley cho rằng dị biệt, gián đoạn và mâu thuẫn đã thay thế cho tính thống nhất và sự hoà hợp trong hệ thống tự cao trước đó, một hệ thống đã cẩn thận che dấu nhiều vá víu và lỗ hổng của mình.

Cha Conley cũng cho rằng ngay Đức Gioan Phaolô II cũng có những thời điểm hậu hiện đại của mình. Trong thông điệp “Fides et Ratio” (1998) của ngài, Thánh Giá đứng phán xét mọi cố gắng xây dựng hệ thống triết học. “Con Thiên Chúa chịu đóng đinh là biến cố lịch sử trên đó mọi cố gắng của trí khôn nhằm xây dựng một lối giải thích thoả đáng về ý nghĩa hiện sinh chỉ dựa trên luận chứng nhân bản đều sẽ thất bại. Điểm then chốt thực sự, một điểm thách thức mọi thứ triết học, là cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Chính tại đó, mọi cố gắng nhằm rút gọn kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha vào một luận lý học hoàn toàn có tính nhân bản chắc chắn sẽ không thành công”.

Theo Cha Conley, công trình suy tư triết học vẫn tiếp diễn một cách mạnh mẽ trong Giáo Hội, nhưng nay nó đứng một cách rõ ràng dưới sự phán xét của dấu mâu thuẫn nơi Thánh Giá, là dấu, trong nỗi thống khổ đầy chiến thắng của nó, đã vạch trần các tự phụ trong các hệ thống siêu hình học đầy sáo mòn của ta.

Tuy nhiên, Cha Conley cho rằng: xét cho cùng, hậu hiện đại chỉ là việc trở lại thời hiện đại ở cái chỗ sáo rỗng nhất của nó: tức chủ nghĩa duy chủ quan (“đây là truyện của tôi; đây là sự thật của tôi; hãy chấp nhận nó”) và chủ nghĩa duy tương đối (“đây là truyện của chúng tôi; đây là sự thật của chúng tôi; chỉ có thế). Các thứ lập trường lười biếng này đơn thuần chỉ là những lập trường nhằm loại bỏ phê phán, loại bỏ thống hối và hồi tâm. Học lý trở thành câu truyện của nếm thử hơn là câu truyện về sự thật. Nhưng, cũng có những lúc thuận lợi, trong đó hậu hiện đại đem ta tới sự thật tôn giáo, không hẳn trong cảnh êm đềm hòa điệu mà là trong cái chói tai gai mắt, trong điều chưa được giải đáp hơn là trong điều chắc chắn, trong điều gồ ghề lởm chởm hơn là trong điều hoàn hảo trọn vẹn.



Vũ Văn An
http://conggiao.info/news/2626/21127/van-hoa-cong-giao-hau-hien-dai.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét