Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN (tt):

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN (tt):




VẤN ĐỀ LY DỊ

“Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hoá, Ngài đã muốn rằng hôn nhân là bất khả phân ly[1]. Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong Luật cũ[2].” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2382).
1. Khi hôn nhân giữa hai người Công Giáo đã thành sự và hoàn hợp thì có một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất, được củng cố và như được thánh hiến do một bí tích đặc biệt (Giáo Luật 1134). Hôn nhân này không thể tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong (GL 1141). Vì hôn phối đã trở nên "Điều Thiên Chúa đã liên kết…" thì "loài người không được phân ly (Mt 19,4-9; Mc 10,6-9). 
2. Giáo hội, luôn mạnh mẽ chống lại sự phân ly trong hôn nhân, chống lại việc ly dị của vợ chồng:
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2384 trình bày:
Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho đến chết. Ly dị làm tổn thương Giao ước cứu độ mà bí tích Hôn Phối là dấu chỉ. Sự tái hôn, mặc dầu được luật dân sự công nhận, càng làm cho tình trạng đổ vỡ thêm nghiêm trọng: người tái hôn, sau khi ly dị, sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên:
“Người nam, sau khi bỏ vợ, không được lấy người khác. Người nữ bị chồng bỏ, cũng không được làm vợ người khác”[3].
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2385 còn thêm:
Ly dị cũng mang tính vô luân do sự xáo trộn nó đưa vào tế bào gia đình và vào xã hội. Sự xáo trộn này kéo theo những tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu bị ruồng bỏ; cho con cái, bị tổn thương sâu xa bởi sự phân ly của cha mẹ, và thường bị dằng co giữa cha và mẹ; vì hậu quả lây lan của nó, ly dị thật sự là một tai ương cho xã hội.
3. Tuy nhiên Giáo Hội cũng đã dự liệu việc ly thân trong những trường hợp ngoại tình, gây nguy hiểm về tinh thần thể xác cho những người trong gia đình, làm cho đời sống chung trở nên nặng nề (GL 1151, 1152).
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2383:
Việc ly thân (separatio) của đôi phối ngẫu, nhưng vẫn duy trì dây liên kết hôn nhân, có thể là hợp pháp trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu[4].
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1649.
Tuy nhiên, có những hoàn cảnh thực tế đôi phối ngẫu không thể tiếp tục sống chung được, vì rất nhiều lý do khác nhau. Trong những trường hợp này, Hội Thánh chấp nhận sự ly thân và chấm dứt việc sống chung của đôi phối ngẫu. Họ vẫn là chồng, là vợ của nhau trước mặt Thiên Chúa; họ không được tự do để ký kết một hôn ước mới. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi trợ giúp những người đó sống đời Kitô hữu trong hoàn cảnh của họ, luôn chung thuỷ với dây hôn phối vẫn bất khả phân ly của họ[5].
4. Giáo hội thông cảm, chấp nhận cho ly dị tòa đời khi có những lý do chính đáng:
Nếu việc ly dị dân sự vẫn còn là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp, như việc chăm sóc con cái hoặc bảo vệ gia sản, thì có thể chịu đựng mà không lỗi phạm về luân lý. (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2383)
Có những hoàn cảnh mà Giáo Hội đứng về phía người bị coi là nạn nhân của việc ly dị và bênh vực cho họ khi bị đối xử bất công:
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2386: Có thể xảy ra là một người trong đôi phối ngẫu là nạn nhân vô tội của việc ly dị do tòa án dân sự công bố; lúc đó người này không vi phạm mệnh lệnh luân lý. Có sự khác biệt đáng lưu ý giữa người phối ngẫu thành thật cố gắng trung thành với bí tích Hôn Phối và bị ruồng bỏ cách bất công, với người phối ngẫu, do trọng tội về phía mình, phá hủy hôn nhân đã thành sự theo Giáo Luật[6]

KẾT LUẬN
·       Như vậy, nếu không có lỗi, người phối ngẫu vô tội ly dị về mặt dân sự vẫn được xưng tội, rước lễ nếu ở trong tình trạng sạch tội trọng.
·       Còn trường hợp người có trách nhiệm vì đã phá vỡ cuộc hôn nhân và gây ra ly dị là người vi phạm nghiêm trọng và có lỗi nặng thì phải thật lòng ăn năn sám hối và xưng tội để được tha thứ. Việc rước lễ thì tùy thuộc vào cha giải tội cũng như quy định mục vụ của địa phương.
·       Giáo Luật không còn nói đến vạ tuyệt thông cho những người ly dị như trong Giáo Luật cũ (1917) điều 2356 nữa. Vì thế, người ly dị về mặt dân sự không còn bị chế tài theo Giáo Luật nữa. Nếu có kỷ luật thì thuộc phạm vi luân lý.


[1] X. Mt 5,31-32; 19,3-9; Mc 10,9; Lc 16,18; 1 Cr 7,10-11.
[2] X. Mt 19,7-9.
[3] Thánh Basiliô Cả, Moralia, regula 73: PG 31, 852.
[4] X. Bộ Giáo Luật, các điều 1151-1155.
[5] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 83: AAS 74 (1982) 184; Bộ Giáo Luật, các điều 1151-1155.
[6] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 84: AAS 74 (1982) 185. 
Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích, CSsR.
Nguồn: giaolyductin.net

http://giaolyductin.org/mot-so-van-de-lien-quan-den-doi-song-hon-nhan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét