Trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

CÓ THỂ “BỎ” VIỆC LẦN CHUỖI KHÔNG?

CÓ THỂ “BỎ” VIỆC LẦN CHUỖI KHÔNG?


 
VẤN: Trong một quyển sách do nhà Công giáo tiến hành (A.C) xuất bản, tôi đã đọc thấy lời khẳng định sau đây của một giám mục: “việc lần chuỗi không phải là một tín điều cũng chẳng phải là một lề luật của Giáo Hội. Trái lại, phải dạy cho dân chúng những hình thức cầu nguyện linh động hơn, múc nguồn trong Thánh Kinh nhiều hơn”.
 
Thế thì, người ta đã hủy bỏ hết những thông điệp của Đức Lê-ô XIII cùng những huấn dụ của các Đức Giáo hoàng khác cho đến cả Đức Phao-lô VI rồi ư? Hay người ta muốn xét lại tất cả những gì không phải là tín điều trong Giáo Huấn của Giáo Hội?
 
ĐÁP: Để giải đáp nghi vấn trên, phải xác định rõ phạm vi của những lòng sùng mộ riêng biệt và những việc đạo đức được thiết lập ra trong Giáo Hội trải qua các thế kỷ.
 
1)Các lòng sùng mộ này có nhiều cấp độ khác nhau có thể tốt hoặc tuyệt hảo. Nhưng chúng vẫn không phải là những gì cần thiết cho ơn cứu độ như Tin Mừng và các bí tích nền tảng.

2)Khi Giáo Hội tán đồng hay khuyến khích thực hành những lòng sùng mộ ấy, thì dù đó là một lời khuyên hết sức nồng nhiệt nhưng nó cũng chỉ là một lời mời gọi lòng quảng đại của Kitô hữu mà thôi. Giáo Hội không nhân danh Thiên Chúa để bó buộc phải thực thi điều đó như khi loan báo Tin Mừng: “kẻ nào tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận phạt”( Mc 16,15).    

3)Các lòng sùng mộ thích hợp với từng thời đại và tùy từng tâm tính. Vì thế, có thể có canh tân đổi mới, và đó là chuyện thường tình: một sự đổi mới tùy theo nhu cầu do sự thẩm xét của một cái nhìn Kitô giáo thực tế và lành mạnh. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng thì: có nhiều “chỗ” trong lĩnh vực này. Vậy, ta phải tỏ ra hiểu biết và không vội trách cũng chẳng vội khinh những ai không đồng hội đồng thuyền với lối sùng mộ của ta. Lời khuyên này áp dụng cho cả hai. Những ai cảm thấy xa lạ với việc lần chuỗi không được khinh khi những kẻ thực hiện việc đó cùng gặp thấy nơi đó những kho tàng ân sủng; và ngược lại, những kẻ sùng mộ chuỗi môi khôi cũng không được kết tội những người không làm như mình, vì họ có thể có những lý do chính đáng để chuộng những hình thức sùng mộ khác với việc lần chuỗi.

Nếu hiểu được điều đó, ta sẽ có thể nhìn chuỗi môi khôi với một tâm trạng yên ổn và an bình.   
                                                                                                                          
Chuỗi môi khôi có lẽ là hình thức cầu nguyện đã được các Đức thánh cha tán dương nồng nhiệt nhất và nhiều nhất trong vài thế kỷ vừa qua. Phải thêm chi tiết “trong vài thế kỷ vừa qua” là vì lòng sùng mộ này tương đối mới. Chỉ từ giữa thế kỷ XV, với Alain de la Roche, việc lần chuỗi mới được quảng bá dưới hình thức như ngày nay và được gọi là “chuỗi môi khôi”. Nhưng những bước sơ phác của nó thì đã có từ xa xưa và rất khác nhau. Và dưới hình thức còn tồn tại đến nay, việc đạo đức này đã tự tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc bởi chính những giá trị đặc thù của nó, những giá trị đã từng thu hút sự tán dương của các Đức thánh cha. Thực vậy, đây là một hình thức cầu nguyện đơn giản, dễ thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nó được thừa hưởng một quá trình kinh nghiệm Kitô giáo dài lâu. Và nhất là, nó lại có một giá trị rất hiện đại, đồng thời cũng là một giá trị siêu thời gian, vì là một hình thức sùng mộ có căn bản Thánh Kinh: 13 trong số 15 mầu nhiệm rõ ràng được rút từ Tin Mừng: Truyền Tin, Thăm Viếng, Giáng Sinh… Đó là Tin Mừng thu gọn, được gẫm suy trong tâm tình kết hiệp cùng Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã từng sống những mầu nhiệm ấy với Chúa Kitô. Ai có thể sử dụng cách cầu nguyện này sẽ thu lượm được nhiều ơn ích lớn lao. Cha tôi, là một kiến trúc sư ở miền Tây nước Pháp, đã thường lần hột đang khi lái xe từ công trường này sang công trường kia. Và tôi cũng thường lần chung với ông mỗi khi đi theo ông. Tôi cũng có biết một bác nông phu lần hột đang khi cuốc đất. Khi tôi khám phá sự bí mật ấy của bác, bác không cần dài dòng văn tự nhu tôi từ nãy đến giờ, mà chỉ cần nói vài tiếng đã đủ cho tôi hiểu: Vâng, hẳn thế, ta có thể lần hột đang khi cuốc đất.

Điều đánh động tôi hơn cả câu nói kia chính là vẻ trong suốt nơi cái nhìn của bác khi bác thốt lên những lời đó cách tự nhiên, bình dị, không kiểu cọ. Đúng thế, đây là một bí mật mà những tâm hồn đơn sơ dễ bắt gặp hơn những bộ óc trí thức.

Nhưng có nhiều Kitô hữu kể cả những người quảng đại nhất, và ngay cả những tu sĩ chiêm niệm nữa(và trong thời đại của chúng ta ngày nay, con số này càng ngày càng nhiều) đã gặp khó khăn trong việc lần chuỗi: lối đọc thuộc lòng như thế không giúp họ suy gẫm các mầu nhiệm. Họ bị cuốn hút trong việc đọc kinh hay trong việc suy gẫm hoặc trong cả hai. Đôi khi họ phải nỗ lực tối đa để chỉ thu lượm những kết quả rất khiêm tốn. Trong trường hợp đó, ta có nên cấm họ tự an ủi bằng cách nhớ lại lời Tin Mừng sau đây: “Đừng cầu nguyện bằng cách kể lể dài dòng như dân ngoại.” không? Hơn nữa, nếu họ đã thực tâm cố thử lần chuỗi mà không kết quả, và có những hình thức cầu nguyện khác thích hợp với họ hơn, thì ta có nên cấm họ sử dụng sự tự do của Kitô hữu trong lãnh vực này, miễn là họ không xét đoán phê bình người khác cũng như không khinh chê những lời khuyên dạy của Tòa Thánh không?

Định luật làm phát sinh và triển nở các lòng sùng mộ chính là sự lôi cuốn, lòng ham thích. Một khi được quảng bá cách đứng đắn, chính các tín hữu sẽ nhận ngay ra lợi ích, giá trị cùng hoa quả của chúng. Tôi sợ rằng đôi khi người ta đã làm hại cho việc lần chuỗi bằng cách áp đặt nó như một thứ bó buộc.

Trở lại với câu hỏi của anh bạn đã nêu lên trong nghi vấn mở đề, phải nói rằng tôi không biết giám mục anh ta trưng dẫn là ai, và chẳng rõ trong trường hợp đặc biệt  nào ngài đã tuyên bố những lời đó. Chắc hẳn những lời đó đúng đối với lúc và ở nơi mà chúng được công bố. Bây giờ chỉ cần đặt chúng trong tương quan với tất cả những nét tích cực của chuỗi môi khôi thôi: tức những lời khuyến dụ của các Đức thánh cha và giá trị nội khởi của kinh nguyện Thánh Kinh ấy mà các ngài đã từng khen ngợi. Chuỗi môi khôi, vốn thiết yếu hệ tại việc gẫm suy các mầu nhiệm, làm sống lại vương đạo mà lời nguyện trong kinh Truyền Tin nói đến: “ Lạy Thiên Chúa, Ngài muốn cho chúng con, nhờ lời thiên thần truyền, mà biết được Chúa Kitô là Con Chúa thì xin cho chúng con cũng nhờ cuộc khổ nạn và thập giá của Người mà được chung hưởng vinh quang Phục Sinh của Người”.

 
Nguyên tác: số mục(27) quyển II
R. Laurentin.  
                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét