Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ TRONG CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ TRONG CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ


Giuse Võ Minh Huy
 
“Nguời đã làm việc với bàn tay con người, với suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi sự [xc. Dt 2, 17], ngoại trừ tội lỗi [xc Dt 4, 15]” (CĐ Vat. II, GS, s. 22). Làm sao lại như thế? Mầu nhiệm này gói ghém chi? Và muốn nói lên điều gì? Và để làm gì? Phải chăng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (xc. Ga 3, 16).

Dẫn nhập

 
Mầu nhiệm Nhập Thể là cách thức biểu lộ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho nhân loại; và đây cũng biến cố trọng đại mang lại ơn cứu độ cho con người. Vì thế, biến cố Nhập Thể là một trong những biến cố độc nhất vô nhị trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, do việc hạ sinh Ngôi Lời cách nhiệm mầu; nhưng kỳ thực vẫn là chuyện sinh nở bình thường như bao đứa trẻ khác. Mặt khác, Nhập Thể còn là hành trình đầy khiêm hạ mà Ngôi Hai rời bỏ vinh quang Thiên Chúa, trở nên người phàm, đi vào và cắm lều trong thế giới nhân loại để sống như người trần thế, ngoại trừ tội lỗi. Quả thật, chỉ vào thời viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện trọn ven lời hứa của Người và đồng thời Mặc khải tình thương cách sung mãn nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Nói cách khác, mầu nhiệm Nhập Thể chỉ được thực hiện trong công cuộc cứu độ cách thành toàn nhất trong Tân ước. Vậy mầu nhiệm Nhập thể biểu lộ tình thương của Thiên Chúa cách cụ thể nhất trong thời Tân ước như thế nào? 
 
I. Ngôi Lời là Thiên Chúa 
 
1. Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian 
 
Trước hết, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian, xét trong chiều kích tiền hữu của Ngôi Lời, đã được thánh Gioan Tông đồ xác tín: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời là Thiên Chúa; nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (xc. Ga 1, 1 – 3). Tuy nhiên, trong Cựu ước, Ngôi Lời - Logos (lo,goj) thường được hiểu là sự Khôn Ngoan và là Lời Hằng hữu thông minh thượng trí của Thiên Chúa[1]. Lời Hằng hữu cùng với sự Khôn ngoan ấy luôn tương quan nội tại và hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, Khôn ngoan được nhân cách hoá (xc. Cn 8, 1 – 9, 6), được phát xuất từ Thiên Chúa (xc. Hc 24, 3), từ nguyên thủy đã hiện hữu đời đời, trước khi có mặt đất (xc. Cn 8, 22-26; Hc 24, 9), được linh hoạt ứng xử như Lời Chúa (xc. Kn 9, 1 – 2), và được sai xuống trần gian để nên nghĩa thiết với con người[2] (xc. Cn 8, 31; Br 3, 37-38). 
 
Thứ đến, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian còn được hiểu là những phương cách sáng tạo và hoạt động của Thiên Chúa được thực hiện hay được biểu hiện qua Lời, qua sự Khôn ngoan (Sophia), và qua Thần trí (Pneuma: Spiritus) của Người. Vậy có thể nói bộ ba gồm Lời, Khôn ngoan và Thần trí của Thiên Chúa được hiểu như là những phương cách hoạt động và sự hiện diện của Người, nghĩa là chỉ có một Giavê là Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Quả thật, Lời và Thần trí được Mặc khải như là: “Một Lời Chúa phán làm ra chính tầng trời; một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (xc. Tv 32,6) hay “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật; dùng sự Khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người” (xc. Kn 9, 1-2). Hơn thế nữa, chỉ cần Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng…” (xc. St 1, 3. 6.11. 20. 24. 26. 28 tt). 
 
Sau hết, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian cũng có thể diễn tả là cuộc sinh hạthần linh trong vĩnh cửa. Nói cách khác, từ nơi Thiên Chúa là Cha phát xuất thành Lời, và Lời này cùng một trật phẩm tính ưu việt với Chúa Cha. Lời của Thiên Chúa cũng được biểu hiện bằng sự Khôn Ngoan của Người, vì Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa (xc. Cn 8, 22 – 36). Vì thế, Ngôi Lời hiện hữu đời đời như quyền năng của chính Thiên Chúa, nhưng được nhiệm xuất trước công trình tạo dựng[3], và nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (Ga 1, 3). 
 
2. Ngôi Lời ngang bằng với Chúa Cha 
 
Khi nhìn nhận Ngôi Lời ngang bằng với Chúa Cha nghĩa là Ngôi Lời và Chúa Cha đồng bản thể. Chúa Cha và Ngôi Lời có chung một bản thể thần linh (Esse divinum), cùng một phẩm tính thần linh và quyền năng như nhau, nhất là bất khả chia lìa nhau. Điều đó đã được thánh sử Gioan xác tín trong phần tự ngôn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời; Ngôi Lời là Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (xc. Ga 1, 1 – 3). Đây là đoạn Kinh thánh đặc biệt trong Tân ước khẳng định cách minh nhiên “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. 
 
Lời khẳng định Ngôi Lời là Thiên Chúa được thánh Gioan khởi đi từ nền tảng Cựu ước. Nhờ Lời mà Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và Lời là Thiên Chúa có từ trước muôn đời, nghĩa là Lời tồn tại ngoài thời gian. Lời ở ngoài vũ trụ vật chất và ngài siêu việt do thiên tính. Từ ý niệm Logos trong triết học Hy lạp đến ý niệm Logos trong Cựu ước, thánh nhân đã cho thấy Logos mà ngài đã từng sống với thì thật là cụ thể nhưng lại siêu phàm. Trong phần tự ngôn, thánh nhân dùng thì quá khứ “đã có” (h=n) để diễn tả thực tại thần linh cho Ngôi Lời là sự hiện hữu đời đời, nghĩa là nơi Chúa Cha và Ngôi Lời đồng bản thể, cùng ưu phẩm thần linh, và cùng quyền năng như nhau. 
 
II. Ngôi Lời trở thành phàm nhân 
 
1. Ngôi Lời là Thiên Chúa trở thành xác phàm
 
Ngôi Lời là Thiên Chúa trở thành xác phàm (`lo,goj sa.rx evge,neto) và cắm lều (skh,nwsen evn h`mi/n) giữa chúng ta (xc. Ga 1, 14) là một khẳng định dựa vào Mặc Khải Thánh kinh. Một chân lý được định vị vì Ngôi Lời đã trở thành phàm nhân và đi vào trong lịch sử nhân lọai. Tuy nhiên, chân lý này cần được suy tư trong chiều kích thần học nhằm đào sâu thêm cơ sở lý luận và tạo thêm nền tảng đức tin vững vàng. 
 
Ngôi Lời là Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân, nghĩa là Ngôi Lời Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu lịch sử: người Nazareth, và cũng là Đức Kitô của lòng tin; nói đúng hơn là Đức Giêsu xuất hiện trong thời gian để sống trọn vẹn phận vị là con người. Về điểm này, Giáo hội minh xét theo quan điểm thần học: chính nhân tính tức con người thật của Đức Giêsu gồm hồn và xác được tạo dựng trong chính Ngôi Lời, và được Ngôi Lời nhận lấy nhân tính Đức Giêsu cùng một trật không tách rời trước sau. 
 
Ngôi Lời trở thành xác phàm còn hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhân tính Đức Giêsu được tạo dựng trực tiếp trong Ngôi Lời mà không làm mất đi tính duy nhất của Ngôi vị. Nói chính xác hơn là Ngôi Lời trở thành xác phàm thì không thêm bớt sự hoàn hảo nào cho Ngôi Lời, vì Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Tính bất khả biến nơi Thiên Chúa hay của chính Ngôi Lời tác động làm cho nhân tính Đức Giêsu hiện hữu trong thực tế, nghĩa là Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và hiện hữu trong thời gian. 
 
2. Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa thật và là người thật
 
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật – một khẳng định thuộc chân lý đức tin dựa trên Mặc khải Thánh kinh mà Công đồng Calcedonia (451)[4] đã tuyên tín. Đức Giêsu Kitô xét trong thiên tính thì Ngài là Thiên Chúa thật vì đồng bản thể với Chúa Cha và nơi phát xuất của ngài có nguồn gốc thần linh (xc. Lc 1, 35). Nếu xét trong nhân tính thì Ngài là người thật có hồn xác vì đồng bản thể với con người[5] (Công đồng Calcedonia 451 đã định tín)[6], cùng thân phận với kiếp người lữ hành, biết cảm thụ thật sự những nỗi thống khổ của con người. Vì thế, công đồng Vaticanô tái khẳng định: “Người đã làm việc với bàn tay con người, với suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi sự (xc. Dt 2, 17), ngoại trừ tội lỗi” (xc. Dt 4, 15)[7].
Tuy nhiên, khi khẳng định cùng một trật Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật nghĩa là nơi ngài: duy nhất một ngôi vị Ngôi Lời (In unica Verbi persona ) – nhưng có hai bản tính. Xét cho cùng, duy nhất ngôi vị thần linh đảm nhiệm mọi hoạt động nhân loại của Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm chủ thể. Nghĩa là nhân tính Đức Giêsu không lập hữu tự thân nên không có ngôi vị nhân loại riêng, là vì nhân tính Đức Giêsu không có một tác động hiện hữu tương ứng (actus essendi) làm cho nhân tính của ngài hiện hữu trong thời gian. Nhưng nhân tính của Ngài hiện hữu là nhờ vào tác động hiện hữu thần linh (Actus divinum) của Ngôi Lời. Nói đúng hơn, nhân tính của Đức Giêsu hiện hữu là nhờ sự hữu của Ngôi Lời và hiện hữu trong chính Ngôi Lời, nghĩa là nhân tính Đức Giêsu được ngã vị hoá trong Ngôi vị của Ngôi Lời. Vì Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì hiện hữu do bản tính thần linh – Ngài tự hữu (Ipsum Esse Subsistens).
 
Vậy có thể nói, nhờ mầu nhiệm Ngôi hiệp[8] nên chân lý Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người là không mâu thuẫn. Trong lời xác quyết trên của Công đồng, Đức Giêsu duy nhất trong ngôi vị thần linh là Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm chủ tất cả hành động nhân loại của Đức Giêsu. Ngài vừa là Chúa vừa là người vì trong mối dây Ngôi hiệp; nhưng mặt khác, nơi Ngài cũng cho thấy vừa có sự vĩnh cửu của Thiên Chúa vừa có sự bất toàn xét về con người lữ hành, nghĩa là Đức Giêsu được nhìn trong chiều kích là Đấng Thần – nhân (Theandric). 
 
III. Ngôi Lời Nhập Thể: Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta
 
1. Ngôi Lời Nhập Thể- Thiên tính được biểu lộ cách sung mãn qua nhân tính
 
Ngôi Lời Nhập Thể là một sáng kiến hoàn toàn tự do của Ý muốn Thiên Chúa; thông qua nhân tính của Đức Giêsu – Thiên Chúa bày tỏ tình yêu tuyệt hảo cho nhân loại. Tuy nhiên, mầu nhiệm Nhập Thể là công trình của Ba Ngôi do hoạt động ad extra, nhưng vẫn quy gán về một Ngôi. Nói cách khác, nhân tính của Đức Giêsu được đảm nhận, được kết nạp vào trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi như chính nhân tính của Chúa Con vậy. Vì thế, Ngôi Lời Nhập Thể là thích đáng và cần thiết, chứ không phải là một nguyên nhân tất yếu, vì “tất yếu nơi Thiên Chúa là muốn sự thiện hảo của Ngài”[9] mà thôi. 
 
Khi xét đến thiên tính biểu lộ cách sung mãn qua nhân tính Đức Kitô do mầu nhiệm Ngôi hiệp mang lại, là nhìn nhận chiều kích thần linh hoạt động nơi nhân tính và sản sinh ra công hiệu cứu độ. Nói đúng hơn, nhân tính Đức Kitô mà qua đó thiên tính dùng như một nguyên nhân khí cụ (movems motum). Một đàng, nhân tính Đức Giêsu được lập hữu trong Ngôi Lời, tức được hiện hữu trong thực tại vô cùng cao quý, nên nhân tính của Đức Giêsu trổi vượt hơn tất cả mọi người trong nhân loại, đó cũng là lý do tôn thờ nhân tính Đức Kitô. Đàng khác, nhân tính của Đức Giêsu được ngã vị hoá trong ngôi vị của Ngôi Lời. Cho nên, nhờ một nguyên nhân chính là Ngôi Lời – Đấng Tối Cao tác kích lên nhân tính Đức Giêsu xét như nguyên nhân khí cụ, để nhân tính này sản sinh nên một giá trị cứu độ mà ở bất kỳ một người bình thường sẽ không thực hiện được. Điều này cũng mịnh thị rằng, chính thiên tính của Ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời đã thể hiện hay đúng hơn là chính Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ thông qua hoạt động nhân loại của Đức Giêsu. 
 
Khi nói – Ngôi Lời Nhập Thể – thiên tính biểu lộ cách sung mãn qua nhân tính, nghĩa là thông qua nhân tính hay tất cả mọi hoạt động trần thế nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng của Người cách vẹn toàn. Hai yếu tố thiên tính và nhân tính kết hợp nhờ mầu nhiệm Ngôi Hiệp, để hiện diện duy nhất trong Ngôi vị là Ngôi Lời, nghĩa là Ngôi Lời làm chủ thể mà trong đó thiên tính và nhân tính Đức Giêsu không phân cách, không biến đổi, không tách ly, không trộn lẫn[10]. Cách thức hoạt động của thiên tính trên nhân tính Đức Giêsu được nhìn nhận ngài là Đấng Thần nhân, nghĩa là qua con người Giêsu, Thiên Chúa thực hiện những việc kỳ diệu. Đức Giêsu làm phép lạ, cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh tật, nghĩa là qua những hoạt nhân loại của Đức Giêsu hay nói đúng hơn là qua nhân tính của Ngài, thiên tính biểu lộ cách sung mãn. 
2. Ngôi Lời Nhập Thể – Hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu
 
Thánh Gioan Tông đồ đã phát họa một cách trung thực về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh nhân mô tả Tình yêu ấy như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (xc. 1 Ga 4, 9). Quả vậy, Ngôi Lời Nhập Thể hay nói khác đi biến cố Nhập Thể là một trong những biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử cứu độ. Có thể nói, đây là sáng kiến của Thiên Chúa và cũng là cách thức ban ơn cứu độ đến cho nhân loại. Cho nên, đây cũng là cách xứng hợp mà Thiên Chúa hành động trong chính sự tự do của Ngài. Biến cố Nhập Thể là mức độ biểu lộ tình yêu tuyệt hảo lớn nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, vì lẽ mỗi ân huệ đều là hoa trái của tình yêu, và tình yêu nhưng không được tặng cho nhân loại cũng chính là ân ban lớn lao nhất của Thiên Chúa. Vì thế, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (xc. Ga 3, 16). 
 
Ngoài ra, biến cố Nhập Thể là ân huệ lớn lao nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con người một bản tính nhân loại cá biệt, ấy chính là bản tính nhân loại của Đức Giêsu. Tình yêu lớn lao nhất được diễn tả qua mầu nhiệm Nhập Thể, đó là con người được thông dự vào cùng một bản tính nhân loại với Đức Giêsu. Vì thánh Athanasiô cũng xác tín: “Ngôi Lời hóa nên con người để con người trở thành Thiên Chúa”[11]. Do đó, Ngôi Lời Nhập Thể cũng chính là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, vì Đức Kitô là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại – qua Ngài – ơn cứu độ được ban tặng cách sung mãn đến từng người cũng như cho toàn thể nhân loại. 
 
Mặt khác, tình yêu lớn lao nhất mà Thiên Chúa dành cho con người là nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu qua biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời. Nhờ Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm người mà con người có thể tiếp cận Thiên Chúa ở mức độ cao nhất. Thế nên, nơi Đức Kitô hay nơi Ngôi Lời Nhập Thể là cách thức Thiên Chúa Mặc Khải tình yêu nhưng không của Ngài cách trọn vẹn nhất. Nghĩa là, ý muốn và cách thức cứu độ của Thiên Chúa thì hoàn toàn tự do, nhất là Ngài tuyệt đối tự do trong việc lựa chọn phương thế để thực hiện. Về điểm này, thánh Tôma khẳng định việc Nhập Thể của Ngôi Lời là việc làm nên nghĩa thiết cách thân tình của Thiên Chúa đối với con người, tức Thiên Chúa bộc lộ một tình yêu cao cả cho con người[12].
 
Hơn nữa, xét ở gốc độ khác, cứu chuộc không phải là yếu tố tất yếu, nhưng Ngôi Lời Nhập Thể để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa là cách thức thích hợp nhất trong công việc thực hiện ơn cứu chuộc cho nhân loại. Vì Nhập Thể là ân ban nhưng không chứ không phải là một đòi hỏi mang tính bắt buộc Thiên Chúa phải thực hiện. Thế nhưng, nơi Thiên Chúa – sự tự do trong tình yêu của Người, là để thông ban ân sủng cho nhân loại theo cách thức cứu chuộc hoàn hảo nhất. Quả thật, biến cố Nhập Thể đã diễn tả tình yêu tuyệt mức và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, vì Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chính Ngôi Lời Nhập Thể đã cư ngự giữa loài người để thực hiện vai trò làm Đấng trung gian duy nhất mang lại ơn cứu độ, và thực hiện công việc bồi hoàn cho Thiên Chúa[13]. 
 
3. Ngôi Lời Nhập Thể – Ơn cứu độ gần bên 
 
Ngôi Lời Nhập Thể - Thiên Chúa làm người là một biến cố trung tâm của lịch sử cứu độ cho nhân loại. Một biến cố trọng đại là vì Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người – Đấng mang lại ơn cứu độ cho toàn dân. Xét về phía Thiên Chúa, Đấng luôn đi bước trước để thực thi ơn cứu độ, như Đức Giêsu nói: “Con người để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (xc. Lc 19, 10; Mt 18, 11). Nếu nói về sáng kiến của Thiên Chúa, thì thánh Gioan Tông đồ cho câu trả lời là: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (xc. Ga 3, 17). Vì thế, Đức Giêsu đến thế gian là để cứu những người tội lỗi, phá tan công trình của ác thần, ban ân sủng cứu độ và để phục hồi cho con người quyền làm con Thiên Chúa (xc. 1 Tm 1, 15; Gl 4, 4 -5; 1 Ga 3, 5. 8 -9). 
 
Từ những xác tín trên cho thấy sứ mạng của Đức Giêsu hay nói cách khác là Ngôi Lời Nhập Thể làm người là để “giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ vào những mầu nhiệm của thân xác Ngài”[14]. Vì thế, Đức Giêsu chính là nguồn mạch ơn cứu độ cho muôn người, và không được quy kết Ngài như phương tiện mà qua đó Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ. Cho nên, nhân loại có đạt được cứu độ trong Đức Giêsu và nhất là bản thân từng người có đạt được ơn cứu độ ấy hay không là còn tuỳ thuộc vào mức độ liên kết với Đức Giêsu[15]. Nói khác đi, Ngôi Lời đã Nhập Thể làm người và ở giữa chúng ta (xc. Ga 1, 14), đem lại nguồn ơn cứu độ; và nguồn ơn cứu độ này là chắc chắn trong tầm tay của con người nhưng cũng còn tuỳ thuộc ở thái độ đón nhận hay khước từ mà thôi.
 
Ngôi Lời Nhập Thể – ơn cứu độ gần bên, nghĩa là Thiên Chúa đã tặng ban cho thế gian chính Con Một của Người, để nhờ Người mà thế gian được cứu độ (xc. Ga 3, 16 – 17). Đức Giêsu vừa là Đấng cứu độ và cũng là hiện thân của nguồn ơn cứu độ. Vì thế, mâm cứu độ đã được Thiên Chúa dọn sẵn cho con người, tình yêu của Ngài thì vô biên, lòng thương xót nơi Ngài không bao giờ vơi đi. Tuy nhiên, Thiên Chúa dựng nên con người – Ngài không cần hỏi ý kiến của con; nhưng cứu độ con – Ngài cần con cộng tác, nói như thánh Augustinô. Vậy có thể khẳng định, Thiên Chúa luôn ban ơn cứu độ cho con người, nghĩa là bất cứ lúc nào con người sẵn sàng đón nhận, trừ khi con người khước từ cách minh nhiên hay đang trong tình trạng thiếu vắng ân sủng mà thôi. 
 
IV. Kết luận
 
Mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện cách sung mãn chỉ trong thời Tân ước, thời Thiên Chúa thi ân, giáng phúc, thời Thiên Chúa cứu độ. Do vậy, mầu nhiệm Nhập Thể mang nhiều ý khác nhau.
 
Trước hết, Ngôi Lời Nhập Thể làm người là một biến cố có tầm mức cứu độ phổ quát, vì cốt lõi của hành động cứu chuộc không ngoài ý nghĩa là lòng mến và sự vâng phục đến mức thập toàn của Đức Giêsu. Dựa vào những tước hiệu của Đức Giêsu Kitô trong các trình thuật truyền tin, thì ý nghĩa vĩ đại của biến cố Nhập Thể là Tình Yêu trọn hảo và mang tính nhưng không mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Do vậy, ý nghĩa cứu độ của Mầu nhiệm Nhập Thể là một tặng phẩm có nguồn gốc thần linh dành cho nhân loại. Tặng phẩm ấy chính là Con Một của Chúa Cha ban không cho con người. Vì thế, tặng phẩm thần linh mang lại một giá trị cứu độ vô song, vì Đấng Thánh sắp sinh ra là Con Thiên Chúa (xc. Lc 1, 35). Biến cố Nhập Thể là đánh dấu một ý nghĩa hiện sinh trong việc Ngôi Hai đi vào thực tại trần gian, đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, niềm vui ơn cứu độ đúng nghĩa đã khởi phát, nghĩa là tình thương của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện cách sung mãn, các thiên thần phải ca tụng rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời; bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (xc. Lc 2, 14). 
 
Thứ đến, một ý nghĩa mang chiều kích Cứu thế luận trong tước hiệu dành cho Ngôi Lời Nhập Thể do các thiên thần loan báo: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (xc. Lc 2, 10 – 11). Một danh hiệu có nguồn gốc thần linh sẽ thực hiện công việc của Chúa Cha, Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô – là Đức Chúa. Người sẽ đến trần gian để thi hành sứ mạng là Thiên Chúa Cứu, nghĩa là giải thoát con người khỏi tội lỗi (xc. Mt 1, 21). 
 
Sau hết, ý nghĩa cứu độ của Mầu nhiệm Nhập Thể còn mang chiều kích tương quan thần linh, được diễn tả qua tước hiệu dành cho Đức Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (xc. Mt 1, 23). Một đàng, danh Giêsu vừa mang ý nghĩa là vị Cứu tinh và vừa vẽ lên một bức hoạ hành động cứu chuộc của Thiên Chúa sẽ được thực hiện. Đàng khác, Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, diễn tả một tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho con người. Một tình yêu mang ý nghĩa cứu độ nhờ tương quan hay hiệp thông trong chính bản chất của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa ở cùng nhân loại là nhờ Ngôi Lời Nhập Thể làm người; từ đây, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người được gần nhau hơn trong mối tương giao thân thiện, nghĩa là con người được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, được sống trong ân sủng của Ngài. 
Tuy nhiên, theo thánh Phaolô, biến cố Nhập Thể mang lại một ý nghĩa quan trọng vô cùng, vì biến cố ấy là khởi đầu ơn cứu độ. Khi Nhập Thể, Ngôi Lời đã nhận vào mình tất cả nhân loại, nghĩa là Ngài liên kết với mỗi người trong bản tính nhân loại[16], vì Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người; Ngài còn là Ađam mới. Đức Kitô trở thành Ađam mới để huỷ bỏ những bất tuân của Ađam cũ (xc. Rm 5, 12. 19), và để mang lại ơn cứu độ. Vì thế, Đức Kitô trở nên người đồng hội đồng thuyền với chúng ta vì Ngài đã sinh ra từ dòng giống loài người như chúng ta (xc. Gl 4, 4 – 5), và Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa Nhập Thể đi vào thế giới con người, đã trở thành trung tâm hiệp nhất của toàn thể nhân loại. 
 
Hơn nữa, biến cố Nhập Thể còn mang lại một ý nghĩa cứu độ theo chiều kích tập thể trong sự liên đới với con người. Theo thánh Phaolô, một đàng, Đức Kitô trong tư cách là Ađam mới liên kết với toàn thể nhân loại; đàng khác, Ngài còn là Đấng trung gian duy nhất (xc. 1 Tm 2, 5 -6) trong tư cách là Đầu, là Thủ lãnh, dâng lên Chúa Cha công việc bồi hoàn tương xứng. Đầu và chi thể làm nên một thân thể huyền nhiệm, vì thế, Đầu làm công tác đại diện cho thân thể. Nói cách khác, Đức Kitô đủ tư cách giao hoà với Thiên Chúa xét như một Ađam mới trong toàn thể nhân loại. Vậy có thể nói, mầu nhiệm Nhập Thể mà trong đó Đức Kitô đã mang lại ơn giao hoà với Thiên Chúa, tất cả mọi người được liên kết trong Đức Kitô xét trong thân phận con người – một Ađam có dòng giống loài người – nghĩa là con người có nhân tính toàn hảo, qua biến cố Nhập Thể, con người được thông dự vào bản tính nhân loại thánh thiện của Đức Giêsu nhờ ơn Ngôi Hiệp mang lại. 
 
Như vậy, biến cố Nhập Thể còn mang lại một ý nghĩa then chốt là con người được trở nên con Thiên Chúa nhờ Đức Kitô (xc. Rm 8, 29; Ep 1, 4 – 5). Khi Nhập Thể, Đức Kitô đã tái tạo điều thiện hảo cho con người để học biết quy hướng về Chúa Cha. Vì vậy, Ngôi Lời Nhập Thể làm người đã nâng con người vào trong việc thông dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa (xc. 2 Pr 1, 3 – 5), và cho họ sống trong mối tương quan thân tình với Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 
 
-------------
SÁCH THAM KHẢO
1. Norberto Nguyễn văn Khanh, OFM, Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể, tập 1, 2001.
2. Fernando Ocriz, Lucas F. Mato Seco, Jos Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo, Apollinre Studi, Roma 2000, Lm. Lâm văn Sỹ, OP, chuyển ngữ, Mầu nhiệm Đức Kitô, TTHVDM, 2006, 
3. George Eldon Ladd, A Theology of the New Testament, Christology, William B. Edermans Publishing Company Grand Rapids, Michigan, USA, 1993.
4. The Collegeville Pastoral Dictionary of Biblical Theology, Jesus Christ, The Liturgical Press, 1996.
5. The New Dictionary of Theology, Christology, Printed in the USA, 1987.
6. Jean Galot, S. J, Who Is Christ? A Theology of the Incarnation, Gregorian University Press, Rome, 1980.
7. Cardinal Basil Hume, OSB, The Mystery of the Incarnation, Darton, Longman and Todd, Great Britain, 1999. 
8. John Paul II, Incarnationis Mysterium, Paulines Publishing House, Philippines, 1999. 
9. Lm. Gioakim Nguyễn Việt Châu, S.S.S, và Ban dịch Thuật Dân Chúa chuyển ngữ, Đường vào Thần học: Thần học Tín lý, tập II, 
10. New Catholic Encyclopedia, Volum VII, U.S.A, 1967.
11. Incarnation (www.newadvent.org; download: 25. 10. 2006).
12. God became man: the Incarnation http://www.ewtn.com/faith/teachings/JESUMENU.htm; download: 1. 11. 2006. 
13. Jesus Christ (Christology: the Incarnation): http://www.monergism.com/thethreshold/articles/topic/christ.html#incarnation: download 1. 11. 2006.
15. The mode of union of the Word incarnate,
16. http://www.newadvent.org/summa/400200.htm; download 1. 11. 2006
-------------
[1] James D. G. Dum, Chistiology in The Making, A New Testament In quiry Into the Origins of the Doctrine of the Incarnation: The Wisdom of God, The Westminster Press, Philadephia, 1980, Page 164 – 165. 
[2] The New Dictionary of Theology: The Fouth Gospel, Christology: Logos, Printed in the USA, 1987, Page 275 – 276. 
[3] Karl-Heinz Ohlig, Texte Zur Theologie, Nguyễn văn Ḥa, OP, chuyển ngữ, Kitoâ hoïc qua caùc taùc giaû, Ngoâi Lôøi ñöôïc sinh ra luùc khôûi ñaàu – baøi hoä giaùo cuûa thaùnh Justinoâ, trang 117. 
[5] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mato Seco, José Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo, Apollinre Studi, Roma 2000, Lm. Laâm vaên Syơ, OP, chuyển ngữ, Maàu nhieäm Ñöùc Kitoâ, TTHVDM, 2006, phaàn I, trang 82. 
[6] The Council of ChalcedonThe letter of Pope Leo to Flavian, bishop of Constantinople, about Eutyches: “It was the holy Spirit that made the virgin pregnant, but the reality of the body derived from body. As Wisdom built a house for herself, the Word was made flesh and dwelt amongst us: that is, in that flesh which he derived from human kind and which he animated with the spirit of a rational life. So the proper character of both natures was maintained and came together in a single person”. © 2004 Catholic Software, http://www.clerus.org/bibliaclerusonline/en/index.htm
[7] CĐ Vat. II, GS, s. 22. 
[8] Công đồng Congtantinople năm 553 long trọng chấp nhận thuật ngữ Ngôi hiệp (hypostatic union) (công đồng Chacedonens không dùng) để chống lại bè rối Nestorius), tuyên bố: “Nếu ai không công nhận Ngôi Lời Thiên Chúa đă kết hiệp với xác phàm trong Ngôi hiệp và v́ thế không công nhận chỉ có một Ngôi hiệp, nghĩa là một ngôi vị duy nhất nơi Đức Kitô… th́ bị vạ tuyệt thông; Lm. Nguyễn Hùng Ánh, Phải chăng có một từ điển hiểu sai về Ngôi hiệp; VietCatholic News (Thứ Tư 01/08/2007 08:30); http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=46072
[9] S.Th I, q 19, a 3. 
[10] Enchiridion Symbolorum, Denzinger. In lingua latina. “Unum eumdemque Christum, Filium Dominum unigenitum in duabus naturis inconfuse, immutabiliter, indivise, inseparabiliter agnoscendum, nusquam, sublata naturam differentia propter unitionem, magisque salva proprietate utriusque naturae, et in unam personam atque subsistentiam concurrente, non in duas personas partitum atque divisum, sed unum et eumdem Filium unigenitum Deum, Verbum Dominum, Jesum Christum” (DS 301-302) http://www.clerus.org/bibliaclerusonline/en/index.htm; Thật, một Đức Kitô là Chúa Con duy nhất có hai bản tính không trộn lẫn (toàn vẹn), không thay đổi (bất biến), không phân cắt, không ĺa nhau. Trước, hai bản tính khác biệt nhau, nay khi kết hiệp, hai bản tính vẫn nguyên vẹn khác nhau, và các đặc điểm của mỗi bản tính được tồn tại và kết hiệp với nhau trong một ngôi vị chứ không phải trong hai ngôi vị tách biệt, nghĩa là chỉ có một ngôi vị Con Thiên Chúa duy nhất mà thôi, là Chúa Ngôi Lời, là Đức Giêsu Kitô”. 
[11] “He (Word of God) was made man that we might be made God”(St. Athanasius, On the Incarnation of the Word, 54, http://www.newadvent.org/Fathers/2802.htm; download 20. 12. 2006). 
[12] Summa contra Gentiles, IV, ch. 54. Trích laïi trong Fernando Ocáriz, Lucas F. Mato Seco, José Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo, Apollinre Studi, Roma 2000, Lm. Lâm Văn Sỹ, OP, chuyển ngữ, Mầu nhiệm Đức Kitô, TTHVDM, 2006, phần I, trang 68.. 
[13] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mato Seco, José Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo, Apollinre Studi, Roma 2000, Lm. Lâm Văn Sỹ, OP, chuyển ngữ, Mầu nhiệm Đức Kitô, TTHVDM, 2006, phần I, trang 35-36. 
[14] CĐ Vat. II, LG, s. 55. 
[15] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mato Seco, José Antonio Riestra, Il Mistero di Cristo, Apollinre Studi, Roma 2000, Lm. Lâm Văn Sỹ, OP, chuyển ngữ, Mầu nhiệm Đức Kitô, TTHVDM, 2006, phần I, trang 34-35. 
[16] Xc. CĐ Vat II, GS, 22.

https://tsthdm.blogspot.com/2017/01/mau-nhiem-nhap-trong-cong-trinh-cuu-o.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét