Những tủi nhục của Chúa Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn
(Suy niệm Chúa nhật Lễ Lá)
Khi suy niệm về những đau buồn tủi nhục của Chúa Giê-su, chúng ta thường hướng về những cực hình Ngài phải chịu trong cuộc thương khó, mà ít khi nghĩ tới những đau thương, tủi nhục mà Ngài gánh chịu trong suốt ba năm thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng.
Giờ đây, chúng ta hãy điểm qua một vài nỗi buồn đau, tủi nhục thấm thía nhất mà Chúa Giê-su phải chịu trong thời gian này.
1. Bị coi là người mất trí
Nỗi đau, nỗi nhục thứ nhất mà Chúa Giê-su phải chịu là bị ngay cả những người ruột thịt và cũng là những người thân yêu gần gũi nhất… xem Ngài là người mất trí, mất trí nặng đến nỗi phải “đi bắt Ngài về nhà” (Mc 3,20-21).
Chúng ta chỉ là người phàm, tầm thường kém cỏi mà còn thấy đó là một niềm đau, một nỗi nhục không chịu đựng nỗi, còn Chúa Giê-su, Ngài là Thiên Chúa thông minh thượng trí, đầy quyền năng phép tắc mà lại bị người thân thuộc của mình hiểu lầm như thế thì nỗi đau của Chúa lớn đến độ nào!
2. Bị đồng hương phẫn nộ và hành hung
Nỗi nhục thứ hai mà Chúa Giê-su phải chịu cũng xảy ra ngay tại quê nhà. Vào ngày Sa-bát, khi rao giảng trong hội đường Na-da-rét, dân chúng không hài lòng vì Chúa Giê-su đề cập đến một số sự kiện mà họ không thích nói tới… Thế là sóng gió nổi lên, “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.” Họ đứng dậy, người thì nắm áo, kẻ nắm tay, người lôi, kẻ đẩy, kẻ khác buông lời phỉ báng nặng nề… Họ xô đẩy Ngài khỏi hội đường… Chưa hả giận, họ còn lôi kéo Ngài ra khỏi thành… Cũng chưa hả giận, “họ tiếp tục lôi kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, (cho Ngài phải nát thịt tan xương…) nhưng rồi Ngài băng qua giữa họ mà thoát thân.” (Lc 4, 28-29).
3. Bị coi là người bị quỷ ám, là kẻ điên khùng
Nỗi nhục thứ ba, dù Chúa Giê-su là Thiên Chúa quyền năng, đến trần gian để đẩy lui quyền lực của Sa-tan, thế mà “các kinh sư ở Giê-ru-sa-lem cho rằng Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám”… Họ cho rằng Ngài chẳng tài cán, đạo đức gì, chỉ “dựa thế tướng quỷ mà trừ quỷ” (Mác-cô 3, 22. Lc 11,15).
Những người Do-thái khác cũng nói thẳng với Chúa Giê-su: “Chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám” (Ga 8, 48. 52).
Và khi Chúa Giê-su bày tỏ cho dân chúng biết Ngài là mục tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng vì đoàn chiên thì nhiều người Do-thái lại nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ta làm chi! (Ga 10,19).
Xúc phạm như thế là quá đáng! Đau buồn thay, nhục nhã thay!
4. Suýt bị ném đá
Nỗi nhục thứ tư là Chúa Giê-su suýt bị người Do-thái ném đá. Qua Tin mừng thứ tư, thánh Gioan thuật lại sự kiện này hai lần: Một lần, khi giảng trong sân Đền Thờ rằng Ngài hiện hữu trước khi có Áp-ra-ham, “họ liền lượm đá để ném Ngài. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (Ga 8,59).
Lần khác, khi Ngài tỏ cho dân chúng biết Ngài và Thiên Chúa Cha là một, người Do-thái lại lấy đá để ném Chúa Giê-su” (Ga 10,30-31. 11,8)
5. Bị người Do-thái mưu toan giết hại
Nỗi đau thứ năm là Chúa Giê-su bị người Do-thái mưu toan ám hại. Người Do-thái “tìm cách giết Đức Giê-su, vì cho rằng Ngài phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình… tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).
Vì thế, “Đức Giê-su không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Ngài” (Ga 7,1. 8,40). Và khi Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại, các thủ lĩnh Do-Thái quyết định giết Chúa Giê-su (Ga 11,53).
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn bị người Do-thái phê phán, chê trách, khinh dể… liệt Ngài vào “phường mê ăn tham uống, bạn bè của quân thu thuế và người tội lỗi (Lc 7,31-34), bị các luật sĩ, biệt phái dò xét, bắt bẻ đủ chuyện, bị lên án là vi phạm luật ngày Sa-bát, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay…
Lạy Chúa Giê-su,
Chưa có ai trong chúng con phải chịu nhiều đau buồn, tủi nhục trong đời như Chúa. Con người phàm hèn như chúng con dù có bị đồng loại sỉ nhục vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với Chúa là Đấng cao cả, là Chúa tể càn khôn… lại bị con người hèn mọn, chỉ đáng là tro bụi trước mặt Ngài khinh chê, phỉ báng, loại trừ…
Vì yêu thương chúng con, Chúa chấp nhận tất cả mọi buồn đau, tủi hổ… để đền tội cho chúng con và để cứu chuộc chúng con. Chúng con hết lòng thờ lạy, cảm tạ tình yêu bao la vô bờ của Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét