Trang

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Lời nói đầu quyển sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng

 Lời nói đầu quyển sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng

 

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Lời nói đầu quyển sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng, (41 exercices d’hygiène spirituelle, nxb. Salvator)

Trích sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng, tác giả Damien Le Guay.

 


 Các đức tính tuyệt vời của sự tin tưởng

“Thế giới này đã có một độ dày thô tục mang đến sự khinh miệt con người thiêng liêng thành bạo lực của một đam mê”. Chades Baudelaire

“Cẩn thận, tâm linh ngày nay là thùng rác vĩ đại, người ta để vào đó tất cả mọi thứ và bất cứ cái gì. Theo tôi, thiêng liêng có một ý nghĩa sâu sắc. […] Nhưng ngày nay vấn đề này thật ngu ngốc, vì sự rút lui của tôn giáo, dưới trướng của cái gọi là phát triển cá nhân”. François Jullien

Sau các năm tháng bị lãng quên và đày đọa, cuối cùng một bầu khí mới áp đặt trong không gian công cộng: chúng ta đã tìm được con đường đến với “đời sống nội tâm” của mình. “Nó được tìm thấy lại sao?” Cái gì? Vĩnh cửu. Không. Không chỉ vậy. Nó đã được tìm thấy lại, đời sống từ bên trong, đời sống của ý thức, của sự mật thiết này vốn chỉ thuộc về chúng ta. Bằng cách nào? Nhờ sức mạnh của tiền định. Bác sĩ Christophe André, bác sĩ tâm thần, thành công lớn trong lãnh vực sách vở và băng nghe, ông đốc thúc thiền định cá nhân, bỏ thì giờ ra trở về với chính mình, thoát ra các thứ ngăn chặn chúng ta sống. Bằng cách dùng lại các nguyên tắc do ông Kabat-Zinn đưa ra năm 1975 với tên gọi là MBSR (chánh niệm để giảm căng thẳng), các nguyên tắc tự nó phỏng theo thiền phật giáo, từ năm 2004, bác sĩ Christophe André đã đưa “kỹ thuật chánh niệm” vào bệnh viện Sainte-Anne, mời chúng ta “hiện diện với chuyện đang xảy ra.” Một cách làm trống rỗng, để thở, để không khí tràn ngập buồng phổi, lấp đầy chúng ta, để hiện diện với giây phút này hơn và trong vẻ đẹp của thời gian trôi qua.

1

Phải nói điều này: chúng ta đi trở lại từ rất lâu. Thậm chí rất rất lâu. Sau “cái chết của Chúa”, cái chết của sự quan tâm đến tôn giáo, đến giữ đạo, đến thờ phượng, cái chết của đời sống nội tâm mà theo đó người ta nói, các tôn giáo nám quyền lực của mình thì phải sống không có tôn giáo nhiều nhất có thể. Không có tôn giáo, không có đời sống tâm linh, không thiền định, không hướng nội, không tìm kiếm bản thân. Nhưng nó có cho phép chúng ta sống tốt không? Không. Rõ ràng, chúng ta sống trong, với và qua “đời sống nội tâm”. Để hít thở thế giới, hơi thở của nó là cần thiết cho chúng ta. Vì vậy, khi bị cánh cửa nhà thờ đuổi, thì đời sống nội tâm quay trở lại bệnh viện qua cửa sổ của các bác sĩ tâm thần. Tình trạng thật lạ kỳ. Các bác sĩ phải giải thích cho chúng ta cái gì là cần thiết cho “sức khỏe” để nó có thể có quyền đô thị. Phải tích lũy các “bằng chứng”, các “nghiên cứu” của khoa thần kinh, phải nhìn vào nội soi để biết những chuyện nhân loại đã biết từ thuở tạo thiên lập địa. Những gì các linh mục nói là một hình thức tha hóa, những gì các bác sĩ thần kinh giải thích là một hình thức giải phóng. Bởi vì, trong một thời gian dài, đặc biệt là ở Pháp, “sự khinh miệt con người thiêng liêng” là rất mạnh. Thi sĩ Baudelaire đã rất ngạc nhiên. Ông nói, ông đã phải chịu “bạo lực của một đam mê” từ phía những người nghĩ rằng, không cần phải giải thoát con người khỏi chính nó, mà giải thoát nó khỏi tôn giáo – như thể, giải thoát khỏi các cha xứ, khỏi các tu sĩ, khỏi đời sống nội tâm thì sẽ giải thoát mình khỏi “các chế độ nô dịch”.

Như thế là trở lại với đời sống thiêng liêng. Nhưng trở lại theo một cách khác, cách tách khỏi khối tôn giáo của mình. Kể từ bây giờ, nó được gọi là “thế tục” – một cách nói tao nhã để xem xét vấn đề trên phương diện kỹ thuật, kiểu lâm sàng, tẩy trùng mọi tín ngưỡng tôn giáo. “Thế tục” có nghĩa là không mở ra gì ngoài chính nó, không đưa ra một trải nghiệm nào ngoài trải nghiệm do chính mình làm ra, cho tiện nghi cá nhân, cho an ủi cá nhân. Từ nay đời sống nội tâm này, trái ngược với cuộc sống “bên ngoài” là một lối hạnh phúc cá nhân, một con đường vòng thiết yếu để trở nên tốt hơn và để thanh tẩy các suy nghĩ xấu của bản thân.

Nhưng sau đó một câu hỏi được đặt ra. Nó áp đặt lên chúng ta nhiều hơn vì nó không bao giờ được đặt ra: chúng ta đã mất gì khi chuyển từ khái niệm tôn giáo sang khái niệm trung lập (để không muốn nói là bị trung lập hóa) về đời sống nội tâm? Đầu tiên là rộng hơn, hào phóng hơn (chắc chắn là quá!) đến mức nó nằm ở ngã tư của nhiều mối quan tâm: quan tâm tâm linh, quan tâm tôn giáo và quan tâm tập thể. Thứ hai là lạnh lùng hơn, kỹ thuật hơn. Chính xác là gì? Một loại vệ sinh tinh thần, chùi rửa lương tâm để gạt đi “các suy nghĩ xấu”. Phải dọn dẹp nó. Với điều đầu tiên thì đã có văn học “kitô”, hàng ngàn tác phẩm khuyên nhủ và nhập môn, hàng trăm năm thực hành để tiến thêm một chút theo ý kiến của các “nhà hướng dẫn lương tâm”, các chỉ dẫn và các thầy. Với điều thứ nhì, thì phải bỏ sạch mọi kiến thức tích lũy, bác sĩ Christophe André và hai hoặc ba tác giả khác. Thực ra cũng ít người! Thử nghiệm dường như không có hay nói đúng hơn là không còn phù hợp. Tất cả dường như bắt đầu từ con số không.

Bên này bên kia, chúng ta cứ cho như “đời sống nội tâm” này không phải là không có rủi ro. Phải mạo hiểm ở đó, như chúng ta mạo hiểm leo núi với các hướng dẫn viên cao tay để tránh trở ngại, cạm bẫy và vực thẳm. Bây giờ cũng như ngày hôm qua, đời sống nội tâm đã cứu chúng ta khỏi sự thờ ơ và khỏi một đời sống không ý nghĩa, không một hình thức đáng tin cậy nào, nhưng cũng cứu chúng ta khỏi đi đến bờ vực của cái chết hoặc thậm chí lao vào nó. Các yếu tố của loại “dược phẩm” tinh thần này về mặt hóa học là không ổn.

Để đề phòng các hiểm nguy “đời sống thiêng liêng” này (và các hiểm nguy này thì không  thiếu!), chúng ta còn phải xem hai cách tiếp cận cùng nhau: cái cũ nặng về tôn giáo hơn và cái mới lạnh lùng và nặng về kỹ thuật hơn. Sự đánh giá này chưa bao giờ được thực hiện. Thoạt nhìn, tôi thấy có hai điểm khác biệt.

Khác biệt đầu tiên liên quan đến các mục đích của việc trở về với nội tâm để dọn dẹp. Ngày xưa chúng ta phải dọn tâm hồn, thanh tẩy, loại bỏ “các tư tưởng xấu” không phải chỉ đơn thuần làm vệ sinh nhưng theo một cách thiết yếu hơn, để linh động hơn – và do đó nhạy cảm hơn với tình yêu thúc đẩy chúng ta đến với người khác, với chính mình và với Chúa. Tiếng Hy Lạp chữ “cứu” không chỉ có nghĩa là “thoát khỏi nguy hiểm” nhưng còn là ”chữa lành” và từ “cứu rỗi” trong tiếng Hy Lạp còn biểu thị cả “giải cứu” và “chữa lành”. Rất nhanh chóng, một chuyện hiển nhiên đặt lên tôn giáo: Giêsu (tên có nghĩa là “Chúa cứu”) là “bác sĩ” của trái tim và linh hồn, “bác sĩ của những người không khỏe mạnh”. Con người bị bệnh, nhân loại bị bệnh. Công việc vĩ đại của các Giáo phụ, các nhà xây dựng trí tuệ của Giáo hội trong các thế kỷ đầu tiên đã chính xác đưa ra các phương thuốc chữa bệnh thiêng liêng, các tác dụng của nó, nhưng trên hết, là đặt tên cho các “bệnh thiêng liêng”. Phải thiết lập thể loại các bệnh để có phương pháp chữa phù hợp, cũng như phát hiện các bệnh thiêng liêng để tìm các khí cụ chiến đấu phù hợp nhất. Tất cả y học đều có hai mặt: chẩn đoán và phát minh các phương tiện để chữa trị. Trong nghệ thuật y học thiêng liêng, tất cả đều xuất phát từ trái tim – cả điều tốt khi nó nảy mầm và điều xấu khi nó gây ung hoại cho toàn cơ thể. Nếu trái tim bị thoái hóa, con người bị thoái hóa và chính tình yêu cũng bị thoái hóa. Làm thế nào để tìm lại sự tinh tuyền này của trái tim – thứ duy nhất giúp chúng ta biết yêu thương? Qua việc phục hồi trái tim, chỉnh sửa nội tâm, làm sạch các động mạch bị nghẽn để mang lại sự trong sáng bên trong cho tình yêu, một linh động duy nhất mà chỉ có đức ái mới làm được. Bác ái – được hiểu theo nghĩa đen của chữ, vừa là “tình yêu của Chúa” vừa là “tình yêu cho người anh em”. Và đời sống thiêng liêng tìm thấy sự hoàn tựu của nó trong đức ái.

Ngày nay, quan tâm chúng ta mang nghĩa lâm sàng, làm sạch lương tâm như công việc khử trùng, như rửa một vết thương. Nhưng trước hết, đây là công việc tạo khoảng trống, làm trống bản thân. Giữa hiện diện và trống rỗng, chúng ta nói cùng một chuyện và cùng một tác động sao? Triết gia Francois Jullien, nhà Hán học nổi tiếng, gần đây ông trở lại nghiên cứu kitô giáo, đặc biệt với Tin Mừng Thánh Gioan. Không đi qua bằng đức tin, ông trở về “các nguồn” của đức tin kitô. Ông thấy gì? Ông thấy một sự xuống cấp của tất cả những gì ẩn sau “thiêng liêng”. Ông còn đi xa hơn khi xem chữ thiêng liêng này là “thùng rác lớn, nơi người ta bỏ tất cả mọi thứ và bất cứ cái gì vào”. Ông lấy làm tiếc “ý nghĩa sâu xa” của đời sống thiêng liêng không còn phù hợp, không còn nhận thấy vấn đề này là thiết yếu, là quan trọng, nó bị “rơi một cách ngu ngốc […] dưới cái được gọi là phát triển cá nhân”. Lời cảnh báo của một người yêu thích các nền văn hóa xa xưa, đặc biệt là của Trung Quốc chỉ có thể thách thức chúng ta. Có “đời sống thiêng liêng” và “đời sống thiêng liêng”. Và đời sống thiêng liêng phơi bày ngoài đường ngày nay là phiên bản xuống cấp của “linh đạo”. Nếu sự mập mờ vẫn còn thì chúng ta phải xem lại và phải tìm cách xóa tan nó.

Làm gì với các kẻ thù bên trong của mình?

Điều thứ nhì liên quan đến các kẻ thù bên trong. Các Giáo phụ đã đưa ra các tội bên trong (từ đó là trọng tâm đời sống thiêng liêng): lòng tham đủ loại, mối quan hệ bệnh hoạn với tình dục, mối quan hệ bệnh hoạn với tiền bạc, buồn bã, hung hăng, phù phiếm và kiêu ngạo. Thêm vào đó là căn bệnh biếng nhác – căn bệnh nghiêm trọng nhất trong tất cả, dẫn đến sự lười biếng vô hạn về mặt thiêng liêng, chán ghét mọi thứ và hoàn toàn mất khát vọng sống. Tám căn bệnh tâm hồn này phát triển thành một bệnh bắt nguồn cho các căn bệnh khác: yêu bản thân mình quá mức, một loại tự cao tự đại tự mê thái quá. Để chống lại các “kẻ thù” của trái tim, chúng ta phải tôi luyện, cần mẫn nhất có thể, canh chừng nội tâm để giữ trái tim của mình tốt hơn và giải phóng các tư tưởng xấu một cách tốt hơn. Cảnh giác của người canh cổng tránh không để thực phẩm hư thối, tạp nhiễm xâm lấn, cũng như canh vựa thóc để không làm hư cả vựa. Từ thế kỷ thứ 4, Giáo phụ Ai Cập Evagre le Pontique đã chú ý đến sức khỏe thiêng liêng của anh em mình và đã cảnh báo chúng ta: “Hãy chú ý đến bản thân, hãy là người canh cổng cho trái tim và đừng để một tư tưởng nào len lỏi vào mà không tra hỏi nó.”

Đó là ý nghĩa của việc phê phán: xem xét hàng hóa của trái tim trước khi cho nó vào, nhìn sát nó, kiểm soát kỹ lưỡng. Đối với bác sĩ Christophe André, tiến trình này cũng giống nhau. Nên chúng ta có cảm tưởng dùng cùng một phương pháp của người xưa, nhưng được cập nhật hóa. Nhưng người xưa muốn đặt tên cho “kẻ thù” của trái tim (để bớt đau) và đặt một kiến trúc đạo đức hiệu quả hơn, nhất quán hơn, thiêng liêng hơn. Nhưng với người hiện đại thì nó không có tác dụng gì. Kẻ thù nội tâm không được nêu tên. Tất cả dường như được giải quyết bằng trống rỗng bên trong và một ý thức dồn theo thời gian trôi đi nơi mình và những chuyện chung quanh mình.

2

Tôi muốn làm gì ở đây? Đấu tranh chống còi cọc các tâm hồn.

Trước hết hãy xem, việc xóa các câu trả lời tôn giáo không xóa bỏ các chất vấn thiêng liêng. Người ta đã muốn xóa bỏ mọi thứ và không còn muốn một đời sống tôn giáo – bị coi là lạc hậu và lỗi thời, nguồn của mọi áp bức, khi nào người ta cũng nói vậy. Vậy chúng ta cần phân biệt giữa thiêng liêng và tôn giáo để cứu “đời sống thiêng liêng”. Chúng ta cũng nên xem đây là điều hiển nhiên, cũng như hơi thở hay vệ sinh thực phẩm. Ở Ấn Độ và hầu hết mọi nơi trên thế giới, các nơi này xa với hương vị vô thần đang thịnh hành ở châu Âu, rõ ràng “đời sống thiêng liêng” là thức ăn của tâm hồn. Không ai có thể sống mà không có nó.

Để bắt đầu, chúng ta hãy xem một tác giả không mấy sùng đạo, ít nhất là bề ngoài: nhà văn Franz Kafka (1883-1924). Trong Nhật ký của mình, khác xa với Do Thái giáo, tôn giáo của gia đình ông, ông có xu hướng xem trọng cái mà ông gọi là “các phương tiện thiêng liêng của hiện sinh”. Các phương tiện này tồn tại với Chúa hoặc không có Chúa, có hoặc không có diễn văn tôn giáo. Không có sự tồn tại nào mà không mang đến cho bản thân các “phương tiện thiêng liêng” nào đó. Các phương tiện này là lý do chất vấn mênh mông trong chúng ta. Chúng cho phép chúng ta sống tốt hơn, có được sự ổn định cá nhân, tìm ra nền tảng để làm cơ sở cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, để tiếp cận những câu trả lời mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Và dĩ nhiên, nói đến phương tiện là nói đến một lời giải thích rộng lớn về chúng ta, với chính chúng ta và do đó là một cuộc đấu tranh với chính chúng ta để nhận thức rõ hơn về các bí ẩn làm cho chúng ta sống. Và với những người nghĩ rằng chúng ta hiểu nhau ngay từ đầu, như khi chúng ta đọc một quyển sách mở, là sai. Họ vẫn còn lúng túng trong chủ nghĩa hư vô, ở đây và bây giờ, là không khí chúng ta đang thở, bầu khí làm khô héo các mầm mống thiêng liêng. Họ quên vực thẳm là chúng ta, và chúng ta tìm đường đi trong sương mù. Họ muốn chúng ta cúi đầu và làm cho chúng ta tin rằng chúng ta, ở đây và bây giờ, ngẫu nhiên, không cần thiết và do đó rất vô dụng.

Một câu hỏi được đặt ra. Chỉ một. Một  câu hỏi duy nhất: Chúng ta có thể phục vụ được gì? Nếu chúng ta không ích lợi gì, chúng ta không sống hay đúng hơn là chúng ta chỉ sống với cái dạ dày, với các xung năng và ham muốn vô độ, cứ gia tăng chiếm hữu hết của cải này đến của cải khác. Kafka cảnh báo chúng ta, tất cả chúng ta, người tin hay không tin, với lời khẳng định có giá trị cho tất cả mọi người: “Mọi con người phải có khả năng biện minh cho đời sống của mình”. Chúa ơi, Kafka nói đúng! Và ông bổ sung ngay: “Không ai thoát khỏi nhiệm vụ này”. Đó chính là thành phần của cuộc sống. Nếu nó không làm được, nếu nó thiếu “đất, không khí, luật” dù nó không thể sống thiếu chúng, thì cuối cùng nó cũng sẽ đầu hàng. Nếu cuộc đấu tranh thiêng liêng là vô ích, thì nó cũng vậy. Hoặc nó đi qua được, hoặc nó nản. Nó không bám vào gì và không còn gì là quan trọng. Vậy thì làm thế nào để không thất bại trong các dự án này của nó, đánh mất sự kiên định bên trong và thất bại trong đám bùn lầy buồn nôn!

Chúng ta hãy thêm vào đây một lý do chính, vào thời điểm đó, liên quan đến sự mệt mỏi của tâm hồn – sự mệt mỏi không ngừng gia tăng. Nó có nguy cơ trở thành tệ nạn của thế kỷ, thế kỷ chúng ta. Tâm hồn như tấm da u sầu, nó còi cọc. Liệu nó, trong vùng đất hoài nghi toàn bộ của chúng ta, sẽ biến mất, được giữ lại để chẳng làm gì, muôn lần chẳng làm gì hoặc thà ít hơn là chẳng có gì sao? Làm gì khi nguồn lực thiêng liêng yếu? “Đời sống thiêng liêng” (khi trí óc nhìn vào chính mình và khám phá trong nó các nguồn lực chưa từng có), liệu nó có phải là một thứ xa xỉ dư thừa hay đúng hơn là một nhu cầu thiết yếu mang lại cho cuộc sống chúng ta một bề dày không thể thiếu, một sự nhất quán quan trọng không? Trong việc làm từ nhiều năm nay về cuối đời và chăm sóc ở giai đoạn cuối đời của tôi, tôi thấy rõ chủ đề này, dù thiết yếu, nó bị đối xử không tốt hoặc người ta cố tránh mọi cách có thể đề cập đến chúng. Nếu tôi dám, tôi sẽ đi xa đến mức coi như cần thiết, ưu tiên hàng đầu, lập một kế hoạch để chống lại… nạn “biếng nhác”, một trong “tám căn bệnh tâm hồn”, lạ kỳ và âm ỉ đã được Giáo phụ Evagre le Pontique nhận diện và dẫn đến việc, như đã chỉ ra, mất khát khao, mọi khát khao, kể cả khát khao sống. Khát khao trước hết mang tính thiêng liêng. Duy trì khát khao là công việc thiêng liêng. Việc bật lò xo lại là chùi rửa, là làm cỏ lại cho mảnh đất thiêng liêng của mình. Chúng ta thấy rõ “khát khao được sống” này liên kết với cảm giác được yêu thương, giống như xi-măng kết dính chúng ta từ nội tâm. Chúng ta hoặc rời rạc, bung ra từ bên trong, xa lạ với chính chúng ta; hoặc chúng ta kết hợp, hiệp nhất, được nối kết bởi một khát vọng sống mà bản thân được làm linh động do sợi dây kết nối tình yêu đã nhận được, một kết nối tình cảm đã được ban. Ba yếu tố (khát khao, tình yêu, hiệp nhất) có nền tảng ở hệ thống tâm hệ và thiêng liêng được nhà tâm thần học Sandor Ferenczi nhấn mạnh: “Cảm giác không được yêu, hoặc bị ghét (…) làm biến mất khát khao sống, có nghĩa là khát khao muốn được kết hiệp.”

Chúng ta hãy giữ lại giao ước tâm hệ thiết yếu này: tình yêu, khát vọng sống và sự kết hiệp của chính mình với mình. Khi tình yêu bị sụp đổ hoặc biến thành hận thù, khát khao sống bị suy yếu, sự hiệp nhất của chính mình sẽ biến mất. Do đó, như một điều cần thiết nội tâm, phải vun trồng sự hiệp nhất của bản thân để chống lại sự cắt đoạn, phải hòa hợp với cảm nhận được yêu thương. Vì thế phải liên tục chữa lành nội tâm, đó là đặc điểm cho thử thách phải chăm sóc thiêng liêng của chính mình cho chính mình.

Vậy, làm thế nào mà xã hội chúng ta đối phó với sự mệt mỏi tinh thần vô biên này? Làm thế nào để chúng ta ứng phó được với các mệt mỏi liên quan đến tang tóc, đến khó khăn để yêu và được yêu hoặc khó khăn khi đối diện với chính cái cô đơn của mình? Làm thế nào, chúng ta săn sóc được hàng ngàn những chuyện khép mình nho nhỏ này, như thể chúng ta bị đưa trở lại căn phòng nhỏ bé thân mật của mình? Trước hết là thuốc chống trầm cảm. Chúng ta đề xuất giải pháp nào khi cái chết nhè nhẹ tiến đến và trở thành cận kề? Trước hết và quan trọng là phương thuốc xoa dịu, các viên thuốc làm dịu, các giải pháp ru ngủ, mà tất cả đều bóp nghẹt tâm hồn trước khi để nó triển nở một lần cuối. Cần lưu ý rằng việc tiêu thụ thuốc chống trầm cảm, ở các nước Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), đã tăng gấp đôi trong mười năm. Chúng ta sẽ không đạt được gì, nếu không muốn nói là chỉ tăng thêm vấn đề nếu chúng ta chỉ tăng thêm liều chất hóa học ngột ngạt này. Liệu các chăn êm tẩm thuốc này có giúp chống lại các cảm xúc chưa được chăm sóc, các tâm trạng chưa được đào sâu không? Không. Tất nhiên. “Trầm cảm” là một thể loại bao trùm, và cuộc đấu tranh chống lại nó, là vũ khí hủy diệt hàng loạt ý thức, cảnh giác và do đó là tâm linh. Nhưng giải pháp thuốc chỉ làm gia tăng những gì bị cho là sai lầm, như một căn bệnh, một căn bệnh không thể chữa khỏi. Nếu tâm linh, khi nó được thể hiện, kể cả một cách hổn độn, để không muốn nói là không trật tự, là một “căn bệnh” (phải điều trị nhanh bằng vũ khí hóa học), thì chúng ta đã cố tình quên vùng đất tưởng tượng mênh mông này, vùng đất làm chúng ta linh động và làm chúng ta sống. Thuốc tốt nhất cho sự mệt mỏi, chán nản, suy thoái của chúng ta trước hết là thiêng liêng. Lời nói là thuốc. Chia sẻ, quan tâm, lắng nghe là liều thuốc. Sự sự quan tâm thường xuyên đến các nguyên tắc tâm linh của mình, bơm lại tin tưởng cho tâm hồn, quay về với trọng tâm, tất cả những gì kích thích tâm hồn này có hiệu quả hơn nhiều so với các viên thuốc nho nhỏ màu xanh lam.

Xin cho chúng tôi thêm vào đây một lý do cuối cùng. Một cám dỗ của thời đại xuất hiện. Nó rất mạnh, mạnh như một cuộc cách mạng không cưỡng lại, đẩy mọi thứ đi theo con đường của nó và lạnh lùng di chuyển các ranh giới suy nghĩ của chúng ta. Nó có xu hướng làm biến mất “đời sống thiêng liêng”. Hay đúng hơn, chắc chắn là điều xấu nhất, nó giảm thiểu đời sống thiêng liêng đơn thuần vào chức năng hoạt động của các tế bào thần kinh, vào sự kích động của não, một vài vùng trong bộ não của chúng ta.

Trí thông minh sẽ ở đó và linh hồn thì ở nơi khác. Tất cả ở trong bộ não. Chỉ có bộ não. Chúng ta tất cả đều thấy một lý tưởng mới xuất hiện cho thế giới – sau cái chết của các ý thức hệ lịch sử và sự thành tựu của ảo tưởng cộng sản. Nó làm nhân loại hồi sinh, nhân loại không còn khả năng dự trù gì cho tương lai. Thuyết muốn biến con người thành siêu nhân (transhumain) là điều không tưởng mới này. Nó huy động trí tuệ, khoa học và nhất là tiền bạc khổng lồ – với công ty Google (hay đúng hơn là công ty Alphabet), phải xem là người đứng đầu loài bạch tuộc không tưởng mới này. Nó nói về cái gì? Từ một quan điểm chưa từng có, điên rồ và sáng tạo: tăng bản sao bộ não và chuyển nó đến các hỗ trợ khác ngoài khối sền sệt trong bộ não chúng ta. Làm thế nào? Bằng thành công trong việc kết hợp tất cả các kỹ thuật có thể có: kỹ thuật tin học, sinh học và kỹ thuật người máy. Hàng tỷ đô la được chi mỗi năm để vượt qua biên giới cuối cùng chưa được khám phá: bộ não. Cho đến bây giờ, nó vẫn còn là bộ phận không thể xâm phạm của chúng ta, lãnh vực riêng tư tối thượng của chúng ta trước các cặp mắt tò mò, sự độc đáo khiến chúng ta trở nên độc nhất vô nhị. Biên giới này – họ nói – đang bị nhận sâu. Những kẻ xâm nhập không còn che giấu, họ niêm yết chương trình hành động “kinh doanh thần kinh” trong hai mươi năm tới: nó, trong các giai đoạn liên tiếp, đọc não bộ, giúp đỡ, củng cố, thiết lập lại, sửa chữa giống như nó chỉ là một công cụ trong muôn vàn công cụ khác, để chọn ra những cái tốt nhất giữa chúng, để giao diện chúng với các linh kiện điện tử và, điểm cao cuối cùng của các nhà khoa học, chuyển chúng qua các ứng dụng, để rồi nhắm đến việc bất tử hóa chúng. Nhưng giấc mơ này của thời thiên niên kỷ và hoang tưởng của việc làm cho cho xong một chuyện (xong chết, xong bi kịch con người, xong các bất hạnh nhỏ bé của chúng ta) kèm theo chủ nghĩa sinh học đơn phương. Mọi thứ đều có thể giải thích bằng bộ não. Mọi thứ sẽ được bộ não giải thích. Bộ não hiểu tất cả và chỉ có bộ não mới hiểu. Chức năng của nó là đầu và đuôi, là alpha và omega của những gì chúng ta sẽ là. Và chúng ta càng làm chủ nó, đến mức có thể làm bản sao nó, thì các bí ẩn của tồn tại, sự vô hạn đang ở trong chúng ta và các chân trời vô tận làm chúng ta sống, sẽ giảm xuống chỉ còn các kết nối thần kinh đơn giản. Vì thế ông Laurent Alexandre, nhà tiên tri về thuyết biến con người thành siêu nhân là tất yếu và tương lai tế bào thần kinh không thể tránh khỏi cũng đi đến chỗ xem ”tâm hồn” giảm xuống như một hỗ trợ sinh học cho nó. Một trong các cuộc hội thảo của ông, ông đã đưa ra các xác quyết trở thành không chối cãi được, giận dữ chống các nhà “sinh học bảo thủ” chỉ làm chậm phong trào, ông nói, nhà sinh học Gerald Edelman, người được giải Nobel y học, năm 1992 đã chứng minh rằng “linh hồn được tạo ra bởi các tế bào thần kinh”. Và nhà tiên tri của chúng ta nói tiếp: “Các tín hữu đã bị sốc, bị rối loạn. Nhưng có nhiều  người không tin tế bào thần kinh chế tạo ra linh hồn, chứ không do siêu việt”.

Lẫn lộn kiểu này, sinh học và thiêng liêng, hỗ trợ của tế bào và thiên tài của con người (của trái tim, tinh thần hoặc trí thông minh) có thể giảm thiểu con người thành một thực tại sinh học duy nhất. Chỉ những người không tưởng về thần kinh (cũng là những nhà giảm thiểu-thần kinh) mới có thể xác định vị trí” của tâm hồn, và không ngần ngại nói, làm thế nào nó được sản xuất. Ảo tưởng khoa học này dần dần làm gia tăng các phương tiện, công cụ và kiến thức của bộ não. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta sẽ không bao giờ có thể mô hình hóa và trên hết là tái tạo, như thể bộ não “chỉ là” một phần mềm lớn trong số các phần mềm khác, tương tác tuyệt vời của 100.000 tỷ khớp thần kinh trong não của chúng ta. Kết nối với 100 tỷ tế bào thần kinh trong não. Không bao giờ. Sự tương tác này mỗi lần là mỗi đặc biệt, tự do, không dự trù và sáng tạo theo cách làm của chúng ta, của mỗi người trong chúng ta, những người độc nhất, tự do, không thể thay đổi và sáng tạo. Đời sống thiêng liêng không liên hệ gì với đời sống sinh học. Linh hồn không bị giam cầm ở bất cứ đâu trong não bộ chúng ta. Những người tuyên bố điều này là họ nói những chuyện xuẩn ngốc. Và dù họ nhân danh khoa học để nói thì sự xuẩn ngốc lại càng lớn hơn!

3

Từ đó, với tất cả lý do này, chúng ta phải nghiêm túc xem lĩnh vực mờ ám này của đời sống thiêng liêng. Rất nghiêm túc, xa các khinh miệt, xa thuốc hóa học, xa các tội đày. Từ đó làm sao tìm lại sự quen thuộc cần thiết này, các chìa khóa để vào được? Làm thế nào để đừng giảm thiểu bộ não chúng ta xuống thành chỉ còn là các kết nối thần kinh? Làm thế nào để không giới hạn tâm linh thành phương tiện đơn thuần để “phát triển cá nhân?” Làm thế nào để khám phá lại hương vị siêu việt này – để biết những gì đi qua chúng ta và đi đến nơi khác, để tốt hơn, làm cho chúng ta sống? Chúng ta còn biết làm sao để đi đến đó, làm sao để khám phá ra nó không?

Thật không may, sự xuống cấp này của đời sống thiêng liêng đi kèm với sự xuống cấp của các câu chuyện đã tạo thành chúng ta và những gì giúp chúng ta sắp xếp chúng một cách nhất quán với nhau. Trong nhiều thế kỷ, việc tìm đến các câu chuyện làm nền tảng, các truyền thuyết chung, các minh triết tôn giáo là cách dựng một mô hình cho các rối loạn nội tâm của chúng ta. Từ nay, các biện pháp khắc phục này, do thiếu hiểu biết hoặc do lười biếng đã làm cho đa số chúng ta sợ hãi.

Vậy mà bây giờ lĩnh vực tâm linh này vuột ra khỏi tầm tay chúng ta. Nó vuột ra vì nguyên tắc. Nó còn vuột ra nhiều hơn khi chúng ta muốn tìm hiểu nó với các quy tắc tâm lý học chức năng mới. Nhưng, suy cho cùng, chúng ta có nhiệm vụ đến gần với tâm điểm của lò hạt nhân riêng tư này không? Đó là ơn gọi của chúng ta – ơn gọi mà chúng ta được gọi nếu chúng ta muốn sống như một nhà thơ chứ không như người máy.

Chúng ta phải thiết lập bên ngoài bản thân, trên bờ vực nước mắt và trong quỹ đạo của nạn đói, nếu chúng ta muốn một điều gì đó khác thường xảy ra chỉ dành cho chúng ta.

Đó là chỗ phải tìm thấy như nhà thơ René Char nói: ở bên rìa chính mình là nơi nước mắt sinh ra, nơi thiếu thức ăn. Trong “nơi bên ngoài này” chúng ta có thể xem lại mình, dệt câu chuyện đời mình lại với nhau, tạo sự nhất quán thiêng liêng để chiến đấu chống lại lực tan rã đang bùng nổ trong nội tâm chúng ta.

Không phải như chúng ta nghĩ, khi tâm trí làm việc với chính nó, nó lo mọi thứ bị phủ nhận. Nó có hy vọng giải thoát mình khỏi mọi thứ, bay lơ lửng trên mọi thứ, vì thế chẳng giải thoát gì sao? Không. Với tất cả sức mạnh của mình, chệch choạc gắn kết để làm một với chuyện tất nhiên để làm chúng ta sống, ở đây và bây giờ.

Mọi thứ đều ở đó, trong việc tìm kiếm và duy trì các bằng chứng thiêng liêng này làm nên sức sống và mang lại hương vị cho cuộc sống – đặc biệt là vào lúc cuối cuộc sống, mà sự mệt mỏi ở đó và cảm giác mỏi mòn khắp nơi.

*

Làm thế nào để khám phá lại hương vị đời sống thiêng liêng, của sức khỏe trái tim và cứu rỗi linh hồn? Trên hết, bằng cách không xem hương vị đời sống thiêng liêng một bên, sức khỏe một bên và cứu rỗi ở phía thứ ba. Tất cả đều ăn khớp với nhau. Tất cả đều hoạt động cùng nhau. Bởi vì, động từ “cứu” cũng có nghĩa là “được giải thoát”, “được lành”, “được đưa ra khỏi cơn nguy kịch”, “được thoát trói buộc”.

Làm thế nào để tìm thấy trong cuộc sống này sự tin tưởng đầy đủ – đủ để chiến đấu chống lại quyền lực của cái chết và để được bơm sức sống cho mình? Làm thế nào? Bằng cách chống các căn bệnh của trái tim, các căn bệnh tâm hồn, các căn bệnh trí óc, tất cả đến để mở xiềng xích, giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, bóng tối của bóng đêm xâu thẳm – bóng tối đẩy chúng ta qua phía sự dữ, của âm mưu chống bản thân và chống người khác.

Làm thế nào để chúng ta học được sự cảnh giác này và trau dồi sự chú ý này?

Tôi muốn, ở đây, cho tôi và những người đang dò dẫm như tôi, phân chia công việc này. Tôi đã làm trong bốn mươi mốt bài học nhỏ, như hai yếu tố của cùng một cuộc khám phá tâm linh, trong các bài học về vệ sinh thiêng liêng. Vì vậy, mỗi bài học, có một lời giải thích, có một cách đặt ra chủ đề, một chút thời gian im lặng, một nghỉ ngơi thiêng liêng, để cuối cùng mỗi người có thể thấy đề tài mình khám phá vang lên trong mình, một ứng dụng cho cá nhân. Và, để tiến bộ (bản xếp loại cho thấy sự  tiến bộ), theo tôi, khôn ngoan là làm các bài học ngắn, luôn theo cùng một mô hình và xếp chúng vào tám chương, sắp lại thành ba phần.

Phần đầu tiên đề cập đến các kẻ thù của nội tâm, cũng như các con đường và phương tiện chống lại chúng, trước hết bằng cách nhận biết chúng, bằng cách nghi ngờ chúng và sau đó bằng cách rời bỏ chúng. Chúng ta phải bắt đầu ở đó. Kẻ thù đang rình rập. Nếu tôi để mình bị lây nhiễm thì tôi sẽ thành người mang nọc độc của lòng thù hận. Tôi phải cảnh giác đến mức nào để được trang bị vũ khí nhiều hơn, chống lại những kẻ “hút máu” linh hồn đang ở xung quanh tôi?

Phần thứ hai có tên “đi ra khỏi sự nghèo khổ của trái tim” đưa ra các phương tiện để sắp xếp trật tự, và từ đó là quan tâm đến nội tâm. Không có gì là hiển nhiên. Và nhất là không thoát ra khỏi mớ hỗn độn của chính mình. Vì thế, làm thế nào để biết được các tình huống và đặt ra các câu hỏi cụ thể cho riêng mình, và đủ ngăn chặn tốt hơn, làm cho nó sống hay phát triển chúng không? Và khi phải kêu cầu Chúa, làm sao chúng ta có thể đưa Ngài vào chân trời của đức tin? Đối với tôi Chúa là cảnh sát hay bác sĩ giải phẫu tâm hồn? Và nếu Ngài là bác sĩ thì người vô thần sẽ không xem đây là các chăm sóc chưa từng có, vì nó xuất phát từ truyền thống của các Giáo phụ Sa mạc.

Với phần thứ ba là phần cứu rỗi, chúng ta đi vào trọng tâm của điều tôi biện minh ở đây và bây giờ: sự tin tưởng mà tôi có và khả năng không ngừng tăng lên để “có tin tưởng.” Tin tưởng: tất cả là ở đó. Không phải là sự đảm bảo ngu ngốc, không phải là kinh ngạc cũng không phải là khinh thường. Không. Sự tin tưởng thầm lặng và mạnh mẽ mở rộng, giúp tôi có khả năng kết nối với người khác, với các giao ước tin tưởng.

Từ bài học nhỏ này đến bài học nhỏ khác, đó là có được, trong tôi, một cái neo, một bến đỗ của của thinh lặng, một neo cắm để tránh cho tôi không quăng mình trước hàng ngàn hàng vạn yêu cầu trái ngược và kích động mà ngày  này qua ngày khác, đẩy tôi ra khỏi bản thân và trọng tâm trọng lực của tôi.

Lời khuyên để đọc. Các bài học nho nhỏ vệ sinh tâm linh này đáng được nếm từng bài một, đừng ăn nhiều để tránh bội thực. Từng bài một, như các bài chánh niệm, khi người ta tế nhị phát cho bạn, tế nhị như chăm sóc đồ dễ vỡ, như hạt mầm, như quả nho khô. Cũng phải cẩn trọng không kém, như lần đầu tiên khi chúng ta có nó trong tay, nhìn nó, nghe nó, ngửi nó và ăn nó. Các bài học vệ sinh này giống như các hạt nho khô nhỏ nhỏ sẽ được chậm rãi, nhẹ nhàng nhâm nhi.

Tất cả các câu hỏi xứng đáng được đặt ra trong im lặng, để được vang lên trong lòng mỗi người. Chúng phải được xem trọng, lắng nghe, cảm nhận và nhai đi nhai lại. Nó chỉ liên hệ đến tôi, ở đây và bây giờ. Câu trả lời nào nó sẽ cho? Câu trả lời nhanh sẽ không có tác dụng. Một câu trả lời sẽ đào sâu, trong lớp mùn của mỗi người, lương tâm ló ra theo thứ trật chăm sóc thiêng liêng, quan tâm đến việc  phục hồi, đến băng bó giảm nhẹ.

Marta An Nguyễn dịch

 

 http://phanxico.vn/2020/10/15/loi-noi-dau-quyen-sach-41-bai-tap-ve-sinh-thieng-lieng/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét