Trang

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Bí tích Thánh Thể và sinh thái

 

Bí tích Thánh Thể và sinh thái

 
  •  
  •  


BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ SINH THÁI

Đức ông Paul McPartlan[1]

WHĐ (26.4.2022) - Trong thông điệp Laudato Si’, 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra lời nhận định về sinh thái “Mọi thứ đều kết nối với nhau” (x. số 91).

Trước đó, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng xác định rằng việc quan tâm đến trái đất và quan tâm đến nhau đi đôi với nhau. Ngài gọi đây là “sinh thái tự nhiên” và “sinh thái nhân bản”, đồng thời ngài đề cập đến một mối liên hệ xa hơn: “Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa sự hài hoà với tạo vật và hòa bình giữa con người. Cả hai điều này đều giả định hòa bình với Thiên Chúa” (Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới 2007, số 8).

Chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn rằng có điều gì đó không ổn trong mối tương quan của chúng ta với sự thụ tạo – có nghĩa là cuộc khủng hoảng môi trường hoặc sinh thái. Và chúng ta đã biết từ lâu rằng có điều gì đó không ổn trong mối tương quan giữa con người với nhau - đó là lý do tại sao có rất nhiều cuộc xung đột trong xã hội và trên thế giới nói chung. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng có điều gì đó không ổn trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu - đó là điều chúng ta gọi là tội nguyên tổ. Tất cả những vấn đề này đều liên hệ với nhau.

Kinh thánh cho chúng ta thấy có một mối liên kết rất rõ ràng. Sau khi tội lỗi xuất hiện trong Vườn Địa Đàng - được linh động hoá qua việc Ađam và Eva tự ý ăn trái cây mà họ không được phép ăn - cả hai đã lẩn tránh để khỏi giáp mặt Thiên Chúa, và họ còn tìm cách che thân để khỏa lấp sự trần trụi đáng xấu hổ của mình. Sau đó, Thiên Chúa phán với Ađam, "đất đai bị nguyền rủa vì ngươi!" (St 3,17). Dường như mối tương quan của Ađam và Eva với Thiên Chúa, với nhau và với trái đất đã cùng một lúc bị phá vỡ. Tại sao vậy? Bởi vì tình yêu của Thiên Chúa gắn kết mọi thứ lại với nhau, nên khi Ađam và Eva bất tuân Thiên Chúa, và từ chối tình yêu của Ngài, thì mọi thứ xung quanh họ đều sụp đổ.

Những câu trả lời thuộc về tâm linh

Điều đó có nghĩa là vấn đề sinh thái cần một câu trả lời sâu sắc về mặt tâm linh, chứ không chỉ là một chút bảo tồn và tái chế để giải quyết nó. Chúng ta phải đổi mới tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một khi những mối tương quan đã rạn nứt của chúng ta với nhau và với thụ tạo phải được hồi phục.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng chúng ta cần nhìn mọi thứ như thế nào: “nhân loại chúng ta được liên kết với nhau như anh chị em trong một cuộc hành hương tuyệt diệu, được đan kết với nhau nhờ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo của Ngài, và tình yêu này cũng nối kết chúng ta trong tình mến chân thành đối với anh mặt trời, chị mặt trăng, anh sông ngòi, và bà mẹ trái đất” (Laudato Si', số 92). Những lời này khiến chúng ta nhớ đến tác phẩm nổi tiếng “Bài Ca tạo vật” của Thánh Phanxicô Assisi. Thánh nhân tạ ơn Chúa vì tất cả những điều kỳ diệu của thụ tạo, và lời mở đầu của bài ca này là Laudato Si’: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”.

Người ta thường nói rằng Kitô hữu phải chịu một số trách nhiệm về sự thiệt hại của thụ tạo, bởi vì, như được tường thuật trong Sách Sáng thế, Thiên Chúa phán với Ađam và Eva, “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Trong quá khứ, nhiều người đã coi những lời này như là một giấy phép để bóc lột thụ tạo, nhưng khi nhìn trong ngữ cảnh, thì ý nghĩa thực sự của những lời này không phải như vậy. Câu liền ngay trước đó nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra Ađam và Eva theo hình ảnh của chính Ngài. Quyền thống trị được trao cho Ađam và Eva phải được xem như là hình ảnh về quyền thống trị của Thiên Chúa. Ađam và Eva được dự phần trở thành đại diện của chính Thiên Chúa ở giữa thụ tạo mà Ngài đã tạo dựng và hết mực yêu thương, cảm kích. Nếu Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là “rất tốt đẹp”, thì không thể nào Ngài cho phép con người phá huỷ nó! Trái lại, nhiệm vụ đích thực của chúng ta là thay mặt Thiên Chúa trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng thụ tạo.

Khi chối bỏ Thiên Chúa, con người chúng ta thường có khuynh hướng sai lầm khi nghĩ rằng mọi thứ hiện hữu là vì lợi ích của riêng chúng ta, vì vậy chúng ta sử dụng thụ tạo một cách tham lam và ích kỷ, dẫn đến kết quả là, theo cách nói của Thánh Phaolô, thụ tạo phải rên xiết. Thật thế, muôn loài thụ tạo những “ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8, 19). Con cái chân thực của Thiên Chúa sẽ đối xử đúng mực với thụ tạo, nhưng những đứa con tội lỗi thì làm hại nó.

Giờ đây, chẳng có người con nào của Thiên Chúa chân thực hơn Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và giải thoát toàn thế giới khỏi hậu quả của tội lỗi. Thánh Phaolô nhìn nhận Chúa Giêsu là Ađam thứ hai, người được sai đến để sửa chữa những sai phạm của Ađam thứ nhất (x. 1Cr 15, 21-22, 45-49), và Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II khẳng định rằng Chúa Giêsu không chỉ mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta, mà còn cho chúng ta biết rõ về chính mình (x. Gaudium et Spes, số 22). Là người thật nhưng cũng là Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy đời sống của con người có ý nghĩa như thế nào. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15). Về mọi phương diện, chúng ta cần học từ Chúa Giêsu và cầu xin sự trợ giúp của Người.

Chúa Giêsu có một mối tương quan đặc biệt với thụ tạo: Người dẹp yên biển động (x. Mt 8, 23-27), hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người (Mt 14, 13-21), mở mắt người mù (Ga 9, 1-7), cho người bại liệt đi lại (Mt 9, 2-8) và thực hiện vô số phép lạ khác. Dường như thụ tạo đã đáp ứng nhiệt tình với Chúa Giêsu, hoà hợp với Người, sự đổ vỡ của thụ tạo đã được hàn gắn, và thậm chí còn trở nên dồi dào trong tay Chúa Giêsu, bàn tay của Ađam thứ hai, người con chân thực và hình ảnh đích thực của Thiên Chúa.

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và chén rượu trong tay, như các tường thuật Phúc âm đều cho thấy, Người đã tạ ơn Thiên Chúa trên bánh và rượu. Không giống như loài người, vốn là những kẻ nhận lấy mọi thứ mà không hề biết ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu hết lòng cảm tạ, ngợi khen, và rồi bánh và rượu được biến đổi nhờ hành động tạ ơn của Người. Bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu của chính Chúa Giêsu. Thay vì rên xiết, bánh và rượu hân hoan vui mừng. Chúng trở nên viên mãn trong tay Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong Bí tích Thánh Thể “mọi thụ tạo đều tìm thấy sự cao cả nhất của mình…. Được kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Quả thật, bí tích Thánh Thể tự nó là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ” (Laudato Si’, số 236).

Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng, "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy". Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng một trong số rất nhiều bài học mà Chúa Giêsu dạy chúng ta vào giây phút đó là phải đối xử ra sao với thụ tạo không? Hãy đối đãi với thụ tạo bằng tình yêu thương và lòng biết ơn, chứ không phải bằng bạo lực và tham lam!

Trong mỗi Thánh lễ, Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Vị linh mục đại diện Chúa Giêsu tiến dâng của lễ duy nhất là chính Người, như là vị linh mục đích thực của chúng ta. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình cùng toàn thể thụ tạo cho Thiên Chúa với niềm vui trong tâm tình tạ ơn, và chúng ta cùng được thông dự vào lễ vật của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng tiến dâng bản thân, mọi công trình trên thế giới cho Thiên Chúa “nhờ Người, với Người và trong Người”.

Đó là ý nghĩa của việc rước bánh và rượu lên bàn thờ. Chúng ta xác định bánh và rượu "là hoa màu ruộng đất (là sản phẩm từ cây nho) và công lao của con người”. Chúng ta mang đến những mẫu vật và biểu tượng về tất cả công việc của chúng ta trên trái đất của Thiên Chúa, và vị linh mục cầu nguyện nhân danh chúng ta: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh (rượu) này, chúng con xin dâng lên Chúa…”. Những lời này cho thấy toàn bộ chiều kích của những gì đang xảy ra, mà chúng ta rất dễ quên. Thánh lễ không chỉ nói về Chúa Giêsu và tôi như là một cá nhân, cũng không chỉ nói về Chúa Giêsu và chúng ta như là một cộng đoàn; nhưng là về nhân loại và toàn bộ thụ tạo được dâng lên Thiên Chúa trong và qua tình yêu hiến tế của Đức Kitô. Đó là "một hành động của tình yêu mang tính vũ trụ"!

Chúa Giêsu một lần nữa liên kết chúng ta với Thiên Chúa, với nhau và với mọi tạo thành. Tất cả những gì đã bị phá vỡ và phân tán đều được quy tụ và liên kết lại trong Người. Vì thế, chính Chúa Giêsu là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng sinh thái. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là quy tụ “muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô” (Ep 1,10), và mọi sự được hòa giải với Thiên Chúa nhờ hy tế mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên thập giá (x. Cl 1, 20). Hy lễ duy nhất được biểu thị trong mỗi Thánh lễ, một hy lễ tạ ơn - đó là lý do tại sao chúng ta cũng dùng từ “Thánh Thể”, có nghĩa là “Tạ ơn” - và những làn sóng tạ ơn mạnh mẽ sẽ trào ra bên ngoài Thánh lễ và tràn vào cuộc sống của chúng ta và qua chúng ta vào chính thế giới.

Lòng biết ơn

Những lời cầu nguyện trong Thánh Lễ dạy chúng ta về lòng biết ơn: “Lạy Cha chí thánh, nhờ Con yêu quí của Cha là Chúa Giêsu Kitô, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con” Cảm tạ Thiên Chúa “mọi nơi mọi lúc” qua Chúa Giêsu Kitô là con đường dẫn đến ơn cứu độ! Và để giúp chúng ta làm điều đó mà Chúa Giêsu tự hiến cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Chúng ta thực sự đón nhận Chúa Giêsu và sự tạ ơn của chính Người vào trong tâm hồn và linh hồn của chúng ta khi Rước lễ, và sau đó chúng ta cần phải thực hành việc tạ ơn mỗi ngày. Ân sủng trước và sau những bữa ăn là một dư âm đặc biệt của Thánh lễ, liệu có gì thích hợp hơn là việc dâng lời tạ ơn vào buổi sáng và cầu xin Chúa giúp chúng ta sống một ngày mới cách tốt đẹp, và những lời cầu nguyện đặc biệt khi chúng ta bắt tay vào một công việc mới, liên quan đến việc sử dụng các tài nguyên mà Thiên Chúa đã quảng đại ban cho chúng ta chăng?

Thánh Phaolô nhắc chúng ta “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5, 18), bởi vì không gì có thể “tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Trong mọi lúc, dù may lành hay rủi ro, lòng biết ơn đến từ việc ý thức rằng chúng ta không bao giờ đơn độc, vì Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta. Việc dâng mọi sự lên cho Thiên Chúa, đặc biệt là những thử thách và đau khổ, là một cách thế tuyệt vời khác để sống trọn vẹn từng giây phút theo tinh thần của Thánh lễ. Ý thức đem cuộc sống, những kế hoạch, công việc và lo toan của chúng ta vào Thánh lễ, đặt chúng lên bàn thờ cùng với lễ vật là bánh và rượu là cách để hiệp nhất cuộc đời chúng ta với phụng vụ; để liên kết thế giới với hy tế của Chúa Kitô.

Đôi khi những điều rất đỗi rõ ràng như thế mà chúng ta lại không thấy. Nếu vậy, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về hành động thánh liêng nhất của chúng ta đó là Thánh lễ, được tiến dâng với bánh và rượu. Bằng việc mang những lễ vật lên bàn thờ để dâng cho Thiên Chúa, chúng ta ý thức rằng tất cả thụ tạo đã được Thiên Chúa ban tặng và chúng ta đang nói lời cảm ơn; chúng ta nhìn nhận rằng trái đất là của Thiên Chúa, chúng ta không phải là chủ nhân mà chúng ta là tôi tớ của Ngài; chúng ta cầu xin Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta, dạy chúng ta cách sống như những người con đích thực và trung thành của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được sự phong phú của Thánh lễ nên chúng ta cần không ngừng học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Cuộc khủng hoảng sinh thái thúc đẩy chúng ta nhìn ra những mối liên hệ giữa Thánh Lễ và mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Sâu xa hơn, cuộc khủng hoảng sinh thái là một cuộc khủng hoảng tâm linh, và Thánh lễ là chìa khóa để tín hữu Công giáo tìm ra câu trả lời. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, Bí tích Thánh Thể là “nguồn ánh sáng và động lực cho những mối quan tâm của chúng ta về môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành những người quản lý của mọi thụ tạo” (Laudato Si’, số 236).

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com



[1] Đức ông Paul McPartlan thuộc Tổng giáo phận Westminster, Vương quốc Anh. Ngài là Giáo sư về Thần học Hệ thống và Đại kết tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C, Hoa Kỳ.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bi-tich-thanh-the-va-sinh-thai-45903

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét