Trang

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

Chúa dựng nên con cách lạ lùng

 

Chúa dựng nên con cách lạ lùng

 
  •  
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 46: CHÚA DỰNG NÊN CON CÁCH LẠ LÙNG

Phương An, CND – CSA

Hỏi: Con yêu thai nhi, con muốn các em có được hạnh phúc mà các em đáng được nhận, nhưng nạn phá thai vẫn cứ tồn tại, con phải làm sao?

Trả lời:

Cám ơn bạn về những thao thức cho quyền sống của con người. Đó là bổn phận cốt yếu, bởi chúng ta biết, ai cũng phải có trách nhiệm đối với sự sống của mình cũng như của người khác. Nhất là với các sinh linh bé bỏng không có khả năng tự vệ, thì mỗi người càng cần có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng để sự sống của các em trở nên viên mãn, dồi dào.

1. Sự sống linh thánh cần được bảo vệ

Đối với Người Công giáo, sự sống của mỗi người có giá trị linh thánh, vì chính Thiên Chúa đã tạo dựng họ theo hình ảnh Ngài, đã thổi vào con người sự sống (sách Sáng Thế chương 1). Sự sống này do chính Thiên Chúa và mãi mãi có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa. Đó là món quà mà chúng ta cần trân quý và ra sức bảo vệ.

Cách đây 25 năm thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ thai nhi. Điều ấy cũng được khẳng định trong Thánh Kinh, tái khẳng định trong Truyền Thống của Giáo hội, lưu truyền và được Huấn quyền phổ quát giảng dạy. Bảo vệ sự sống luôn là con đường Giáo hội theo đuổi.

Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng. Đồng cảm với thử thách mà nhiều cặp vợ chồng phải đối phó, Giáo Hội thừa nhận đôi khi phải cần nhân đức “anh hùng” để tuân giữ các chân lý luân lý vốn gắn liền với đức tin về phẩm giá nội tại con người.[1]

2. Chứng nhân bảo vệ sự sống

Bạn có thể chia sẻ chứng từ về những trường hợp can đảm trong công tác bảo vệ sự sống. Trên mạng có kể về nhiều mẫu gương mà chúng ta có thể đọc được.

Chẳng hạn như Cô Trần Thị Hương, giáo xứ Tân Long, Long Xuyên, bị gọi là “Bao đồng” hay “Hương khùng”, đã can ngăn được hơn 9 người mẹ muốn trút bỏ đứa con từ 1 tháng đến 6 tháng.

Hoặc như Chân phước Maria Beltrame gặp khó khăn khi mang thai người con út. Các bác sĩ yêu cầu phá. Hai vợ chồng ngài cương quyết từ chối. Cuối cùng, Maria Beltrame đã sinh được một bé gái khỏe mạnh là Enrichetta. Sau này, Enrichetta sống thánh thiện cũng được phong chân phước. Hai anh trai và chị gái của Enrichetta đều là những người sống đời thánh hiến linh mục và tu sĩ.[2]

Hay như trường hợp bác sĩ Agnieszka Pisuła – người mẹ hy sinh để con được chào đời. Bà bị ung thư khi mang thai và đã chọn chế độ trị liệu hạn chế để con được chào đời khỏe mạnh. Bà qua đời vào thứ ba Tuần Thánh 2018.

Ngày 25.1.2018, tại thủ đô Washington, trước 18.000 bạn trẻ tại cuộc biểu tình và Thánh lễ vì Sự Sống, cha Martino Choi đã trình bày chứng tá của mẹ mình trong quyết định bảo vệ sự sống. Cha ấy nhắn với mỗi người tham dự rằng: “Tôi biết có một phụ nữ mang thai, khi bà đi siêu âm, bác sĩ nói rằng cơ phận của thai nhi không bình thường, họ khuyên bà nên phá thai. Người phụ nữ đó chính là mẹ của tôi và tôi là đứa trẻ đó.”

Thực tế cho thấy, nhiều người “khuyết tật thể lý” lại dạy cho những người “hoàn mỹ thể lý” các bài học tinh thần, thiêng liêng về mầu nhiệm sự sống mà chúng ta không thể tìm thấy trong thế giới của những con người “hoàn mỹ thể lý”.

Theo Khánh Hà, VnExpress.net ngày 10.02.2015, dịch từ Newstral, một người không Công giáo, đó là ông bố Samuel quyết không từ bỏ con trai bệnh Down mặc cho vợ đòi ly hôn vì bà muốn bỏ con. Con trai ông sau này trở thành niềm vui lớn cho ông. Một chứng nhân khác đó là Nick Vujicic – người đàn ông không tay, không chân nhưng nổi tiếng với nghị lực phi thường đã truyền niềm tin, cảm hứng, sức mạnh sự sống cho hàng triệu người trên thế giới. Anh hiện là chủ tịch và CEO tổ chức quốc tế Life Without Limbs, Giám đốc công ty Thái Độ Sống và là một diễn giả đầy lòng quả cảm, mà khi nhắc đến anh hàng triệu người phải ngả mũ kính phục.

3. Những việc chúng ta có thể đóng góp để bảo vệ thai nhi

Hầu hết người Công giáo quan ngại về hiện trạng phá thai hiện nay. Như vậy, vì yêu mến các thai nhi và tôn trọng sự sống, có những việc bạn có thể thực hiện tùy theo khả năng: hy sinh và cầu nguyện, tham gia nhóm bảo vệ sự sống, phát tờ bướm khuyến khích tôn trọng sự sống,...

Hơn nữa, bạn có thể tham gia tư vấn và đồng hành với bạn bè của bạn trong môi trường học hành và làm việc hiện tại hay, nơi bạn đang sống, ngay cả với các bạn nam chứ không phải chỉ riêng với bạn nữ. Để làm được việc này thì bạn rất cần cập nhật và nắm rõ thông tin cũng như giáo huấn Giáo hội về phá thai, việc bảo vệ sự sống.

Bên cạnh đó, bạn nên giúp người trẻ quanh mình đừng dấn thân vào các cuộc tình phiêu lưu. Bạn không nên, không cổ võ cho việc tôn thờ thân xác hay dùng tất cả mọi sự chỉ để lo sắc đẹp và thành công về danh vọng.

Đồng thời, bạn hãy tìm cách động viên bạn bè mình tránh mọi thứ thái quá về ăn nhậu, hút chích, dùng thuốc kích thích, không đặt giá trị vật chất được lên trên giá trị tinh thần, thiêng liêng,… nhưng vẫn cần chăm lo sức khỏe của mình, giữ nhân đức tiết độ, tôn trọng nhu cầu của người khác và chọn lựa sự sống.

À, bạn cũng có thể tham gia công việc của nhóm Bảo Vệ Sự Sống, hoặc ít là cầu nguyện cho những ai đang bảo vệ sự sống. Họ đã đến bệnh viện xin bào thai bị phá về chôn cất đàng hoàng. Nhiều nơi đã thành lập Nghĩa trang thai nhi. Thật dễ để bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến những nhóm bảo vệ sự sống này trên mạng Internet.

Bạn nghĩ sao khi trưởng khoa tâm lý – ĐH sư phạm tp HCM, Huỳnh Văn Sơn nói rằng: “Để tháo bỏ nút thắt này, điều cơ bản, gia đình có người trong cuộc không may có thai ngoài ý muốn cần có cái nhìn đúng đắn nhằm động viên, đón nhận các em lấy lại thăng bằng tâm lý, trở lại cuộc sống!”

Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi các nghiên cứu cho rằng thai nhi hoàn toàn có thể cảm nhận được trạng thái tâm lý của người mẹ. Em bé dù chưa được chào đời nhưng sẽ nhận được tín hiệu từ người mẹ thông qua cơ thể và tâm hồn. Nếu người mẹ ấy có ý định bỏ con thì đứa bé đã cảm nhận được và sau này dù không bị phá bỏ, bé vẫn có khuôn mặt rất buồn, tự ti, nhút nhát... Do đó, đồng hành với các thai phụ và kể cả các người ở giai đoạn hậu phá thai bằng cách giúp họ được chữa lành những chấn thương tâm lý, lãnh bí tích giao hòa… cũng là điều cần thiết.

Tôi biết một trường hợp từng phá thai, được chữa lành và trở thành người chia sẻ kinh nghiệm để cho các bạn khác không đi vào vết xe đỗ của mình. Tuy thế, việc chữa lành không xảy ra ngay lập tức mà phải mất một thời gian khá dài thì người ấy mới trở nên quân bình và tha thứ cho chính mình. Bà White (Mỹ) chia sẻ, bà phải chiến đấu để đón nhận sự tha thứ. Bà nói: “Phá thai không chỉ giết đứa bé mà còn gây thương tổn tinh thần nơi lòng của người phụ nữ. White xin cha giải tội hướng dẫn, bà bắt đầu cảm nhận con bà đang ở trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa”. Bà tham dự chương trình “Vườn nho của Rachel”– tĩnh tâm giúp các người nam nữ có cơ hội chấp nhận và than khóc về mất mát của họ từ việc phá thai và cuối cùng hướng họ đến hòa giải và bình an.

Ngày 20.9.2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trong buổi nói chuyện với các nhà phụ khoa Công giáo: “Một đứa trẻ không được sinh ra, nhưng bị kết án phá thai cách bất công, đều mang khuôn mặt của Chúa, Đấng đã cảm nghiệm bị thế gian từ khước ngay cả trước khi sinh ra cũng như khi mới sinh ra”. Chúng ta cùng cầu xin ơn can đảm đón nhận mầm sống mới trong chính mình cho những người đang có ý định phá thai và xin lòng Chúa thương xót tưới mát tâm hồn đau khổ của những người đã phá thai.

Như vậy, việc cầu nguyện, hy sinh của chúng ta, cùng với việc xin Lễ cho các linh hồn thai nhi là điều rất nên. Bạn cứ làm hết lòng những gì có thể để giúp các linh hồn ấy, Thiên Chúa nhân lành, sẽ luôn bao bọc các em vì “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10).

Những công việc bảo vệ sự sống không dễ chút nào. Nhưng tôi tin bạn sẽ làm được vì “khi yêu thì chúng ta luôn sáng tạo”. Nếu bạn thao thức thì Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cách cho bạn phải làm gì.

Mến chúc bạn mạnh khỏe và tìm được niềm vui trong những nghĩa cử cao đẹp này.  

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (04.4.2021)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét