Trang

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Liệu thông điệp Sự sống Con người, Humanae vitae có được “cải cách” không?

 Liệu thông điệp Sự sống Con người, Humanae vitae có được “cải cách” không?

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2022-08-15

Ngay khi được công bố năm 1968, Thông điệp Sự sống Con người, Humanae vitae của Đức Phaolô VI đã gây nhiều tranh luận sôi nổi trong xã hội | © Hình: Pierre Pistoletti

Gần đây có một vài tín hiệu của Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho thấy nội dung thông điệp này của Đức Phaolô VI được đặt vấn đề. Chúng ta có đang tiến tới một cuộc cải cách văn bản này, đặc biệt liên quan đến các biện pháp tránh thai không?

Viên thuốc, bao cao su và thụ tinh trong ống nghiệm một lần nữa lại khuấy động giới thần học công giáo. Những xáo động này xảy ra sau một số bài viết của Học viện Giáo hoàng về Sự sống đề cập đến thông điệp Sự sống Con người. Thông điệp trong đó Đức Phaolô VI lên án việc sử dụng các biện pháp tránh thai nhân tạo, cũng như các phương tiện sinh sản phi tự nhiên, đã là một khúc mắc thường xuyên giữa thế giới được gọi là “thế tục” và Giáo hội công giáo kể từ khi thông điệp được công bố năm 1968.

Sự quan tâm trở lại các vấn đề này bắt đầu vào đầu tháng 7 năm 2022, với việc xuất bản tác phẩm Đạo đức thần học về sự sống. Bài vở, truyền thống và những thách thức thực tế (Éthique théologique de la vie. Écriture, tradition et défis pratiques). Văn bản gồm các bài báo trình bày trong hội nghị do Học viện tài trợ năm 2021 đã nhanh chóng đụng phải sự phản đối gay gắt từ các nhà phê bình. Trang truyền thông Crux Mỹ ghi nhận, lý do vì văn bản chủ yếu chứa đựng những đóng góp của một số nhà thần học bảo vệ sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn đạo đức, như việc Giáo hội lên án việc kiểm soát sinh đẻ nhân tạo và áp dụng mục vụ cụ thể của các tiêu chuẩn này. Các chuyên gia này gợi ý, trong một số trường hợp hạn chế nhất định, biện pháp tránh thai hoặc sinh sản nhân tạo có thể được biện minh.

Một đối thoại gây tranh cãi

Viện hàn lâm đã bảo vệ công trình này, nhắc lại vai trò của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa các tư tưởng gia thần học vĩ đại đương thời về những vấn đề chính hiện nay. Tổng giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, giải thích trên Radio Vatican: “Đúng hơn chúng tôi muốn đối thoại với các ý kiến khác nhau về các chủ đề còn gây tranh cãi, bằng cách đề xuất nhiều điểm thảo luận.” Mặt khác, một số người cho rằng không thích hợp để một thực thể chính thức của Vatican đưa ra các tiếng nói chất vấn một số giáo lý đạo đức cơ bản của Giáo hội.

“Không có giáo hoàng nào tuyên bố các giáo huấn đạo đức của Giáo hội về nói dối hay ăn cắp là “không sai lầm”

Cuộc tranh luận leo thang vào đầu tháng 8, sau một thông báo được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của Học viện Giáo hoàng về Sự sống. Điều này khẳng định thông điệp Sự sống Con người của Đức Phaolô VI không bị học thuyết về sự không sai lầm của giáo hoàng che đậy. Có nghĩa là nó có thể được thay đổi. Câu tweet nêu rõ khía cạnh này, một khía cạnh đã được tổng giám mục thần học gia luân lý Ferdinando Lambruschini xác nhận trong cuộc họp báo ngày 29 tháng 7 năm 1968 khi trình bày thông điệp với báo chí.

Không thể sai lầm hay không?

Trang Crux ghi nhận, một cuộc thảo luận thực ra không có gì mới. Mức độ chính xác của thẩm quyền mà thông điệp này có được, và do đó khả năng chống lại nó, nhưng vẫn là người công giáo tốt, đã là một chủ đề tranh cãi kể từ năm 1968.

Hầu hết các nhà thần học bảo thủ đều trả lời câu hỏi này bằng phủ nhận. Họ nhấn mạnh vào thực tế, một yếu tố của học thuyết không cần phải được tuyên bố một cách chính thức là không thể sai lầm.

Bao cao su là chủ đề tế nhị với Giáo hội công giáo (Ảnh: Paul Keller / Flickr / CC BY 2.0)

Những tuyên bố như vậy thường dành cho các vấn đề đức tin, chứ không phải đạo đức. Trong 150 năm qua, các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Lên Trời là những ví dụ duy nhất về việc khẳng định chính thức sự không thể sai lầm. Các nhà thần học bảo thủ đưa ra rằng, không có giáo hoàng nào tuyên bố các giáo huấn đạo đức của Giáo hội về nói dối hay ăn cắp là “không sai lầm”, điều đó không có nghĩa là chúng đúng luật.

Một học thuyết bất biến?

Mặt khác, các nhà thần học “tự do” nêu lên, nếu có một giáo hoàng kể từ Đức Phaolô VI muốn tuyên bố thông điệp Sự sống Con người là không thể sai lầm, thì họ đã có thể làm, nhưng không ai làm. Họ cũng nêu ra trường hợp tự sắc Để Bảo vệ Đức tin, Ad Tuendam Fidem của Đức Gioan-Phaolô II năm 1998. Tài liệu mở rộng phạm vi không thể sai lầm để bao gồm “huấn quyền thông thường và phổ quát”, nghĩa là, những gì được giảng dạy bởi các giáo hoàng và giám mục, dù không tuyên bố long trọng. Tuy nhiên, lá thư này không đề cập đến biện pháp tránh thai, cũng không có chú thích kèm theo, do hồng y Joseph Ratzinger soạn thảo.

“Đức Phanxicô đã lên tiếng mạnh mẽ và nhất quán ủng hộ giáo huấn của Thánh Phaolô VI” – John Grabowski

Do đó tình trạng thông điệp Sự sống Con người vẫn còn bị tranh cãi rộng rãi. Nhưng, sự việc một tài liệu giáo hoàng không được bảo bọc bởi tính không thể sai lầm có cho phép nó được cải cách hay không? Một khả năng không được John Grabowski, giáo sư thần học luân lý và đạo đức tại Đại học công giáo Hoa Kỳ ủng hộ. Ông nói với trang tin Mỹ The Pillar: “Đối với tôi, có vẻ như Học viện Giáo hoàng về Sự sống muốn xem chủ đề này như một câu hỏi mở, như nhiều người đã thấy năm 1966. Bây giờ, chúng ta không còn ở năm 1966. Chúng ta không chỉ có giáo huấn được phép của Đức Phaolô VI, mà còn có tất cả giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II – chưa kể đến những tái khẳng định sau này của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô.” Theo nhà thần học Mỹ, “khi giáo huấn có thể chưa được đề xuất một cách dứt khoát thông qua một phán xét long trọng (có nghĩa là viện dẫn tính không thể sai lầm của giáo hoàng), thì về bản chất, giáo huấn là một học thuyết liên tục và đã được thiết lập”.

Nhìn vào cuộc sống thực của con người

Nhưng ngoài những quan điểm khác nhau về tính hợp pháp của việc cải cách thông điệp, liệu cách tiếp cận như vậy có thực sự nằm trong chương trình nghị sự không? Dù sao đã có những tín hiệu nhỏ kín đáo thúc đẩy cuộc tranh cãi. Đặc biệt là câu nói lọt ra trong cuộc phỏng vấn của một trong những thành viên của Học viện, giáo sư triết gia Rodrigo Guerra, theo giáo sư “cần phải vượt qua thông điệp Sự sống Con người”. Theo giáo sư Guerra, thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, Đức Phanxicô muốn Giáo hội hiểu “thần học luân lý phải học lại để nhìn kỹ hơn vào đời sống thực của con người”.

Một bình luận về Đạo đức thần học của sự sống, trong ấn bản ngày 2 tháng 7 của tạp chí òng Tên có ảnh hưởng, Văn minh Công giáo gợi ý Đức Phanxicô có thể viết “một thông điệp hoặc tông huấn mới về đạo đức sinh học, mà có thể ngài sẽ đặt tiêu đề là Gaudium vitae (Niềm vui của đời sống). Sự chính xác của tiêu đề đã được một số giới ở Vatican xem như dấu chỉ nghiêm túc của dự án.

Trên máy bay đưa đưa Đức Phanxicô từ Canada về Rôma vào cuối tháng 7, khi được hỏi về các biện pháp tránh thai, ngài trả lời: “Khi giáo điều hoặc đạo đức phát triển, đó là một điều tốt (…) Một Giáo hội không phát triển tư tưởng của mình theo nghĩa giáo hội học là một Giáo hội rút lui”. Tuy nhiên, ngài nói thêm, ngài đang nói về sự phát triển “theo cùng một hướng”. Một phản ứng có phần “khó hiểu” nên vẫn còn nhiều suy đoán.

Không có trong các hồ sơ của Đức Phanxicô?

Giáo sư John Grabowski không tin vào một tiến trình xem lại thông điệp. Ông nghĩ tổng giám mục Vincenzio  Paglia thực sự đã có một văn bản dự thảo về các vấn đề sự sống, một loại “văn bản cập nhật” của thông điệp Tin Mừng Sự sống, Evangelium vitae (1995), mà Đức Thánh Cha có thể ban hành dưới danh nghĩa của mình, hoặc chỉ cần phê duyệt.

Giáo sư thần học gia Grabowski ghi nhận: “Theo sự hiểu biết của tôi, Đức Phanxicô đã từ chối hai lựa chọn này. Thay vào đó, ngài nói họ tổ chức một hội nghị chuyên đề học thuật về những vấn đề này, và ngài có thể đóng góp lời nói đầu.”

Giáo sư nhấn mạnh: “Đức Phanxicô đã mạnh mẽ và kiên định ủng hộ giáo huấn của Đức Phaolô VI tiền nhiệm (chống lại biện pháp tránh thai nhân tạo), ngài ca ngợi lòng dũng cảm của vị tiền nhiệm đã phản ứng lại chủ nghĩa tân Malthus (chủ trương hạn chế sinh đẻ để phát triển kinh tế) vào thời của Đức Phaolô VI.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2022/08/16/lieu-thong-diep-su-song-con-nguoi-humanae-vitae-co-duoc-cai-cach-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét