Tuần này, cả hai tờ National Catholic Register và Catholic World Report đều có bài viết về Thánh Tôma Aquinô.

Thực vậy, trên tờ National Catholic Register, Tiến sĩ Donald DeMarco, thành viên cấp cao của Human Life International, giáo sư hưu trí của Đại học St. Jerome’s ở Waterloo, Ontario, cho rằng:

Triết lý của Thánh Tôma Aquinô có tính hệ thống cao, sâu sắc, huyền học và trau chuốt, và được ghi lại vào thế kỷ 13. Nói một cách dễ hiểu, nó quả “ghê gớm”. Chưa hết, Aquinô là bậc thầy xuất sắc của lương tri. Triết học của ngài có một mối quan hệ đáng chú ý với tâm trí con người và các cơ quan cảm giới. Triết lý của ngài đối với tâm trí con người giống như âm nhạc của Bach đối với lỗ tai hoặc các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo đối với con mắt. Ngài là Tiến sĩ Thiên thần, nhưng ngài không viển vông.



Jacques Maritain là người đề xướng hàng đầu của trường phái Tôma trong thế kỷ 20. Đối với ông, Aquinô không chỉ là một nhà tư tưởng đáng lưu ý khác, mà là “nhà tư tưởng”, cũng như Aquinô coi Aristốt là “Nhà triết học”, Thánh Phaolô là "Tông đồ" và Moses Maimonides là "Giáo sĩ Do thái."

Hãy xem xét phản ứng của Maritain khi làm quen với tư tưởng của Tiến sĩ Thiên thần:

“Từ nay, khi tự khẳng định cho mình giá trị chân chính của thực tại các công cụ nhận thức của con người chúng ta, không có sự ngụy biện hay thu nhỏ nào, tôi đã là một người theo trường phái Tôma mà không hề hay biết.... Vài tháng sau, khi tôi đến với cuốn Summa Theologiae [Tổng luận Thần học], tôi sẽ không gây trở ngại gì cho triều ánh sáng của nó. "

Cũng chính “triều ánh sáng” đó đã đi vào trí khôn và trái tim của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Flannery O’Connor. Bà đọc Summa mỗi tối trước khi đi ngủ. Nếu mẹ bà nói với bà, “Tắt đèn đi. Sắp muộn rồi," Flannery sẽ đáp lại bằng cách nói,..." ánh sáng, vốn vĩnh cửu và vô hạn, không thể tắt được. "

Những lời chứng của Maritain và O’Connor cho thấy triết lý sáng chói của Thánh Tôma Aquinô có một mối quan hệ tuyệt vời đối với tâm trí đến nỗi nó là một triết học dành cho tất cả mọi người, ít nhất trong tiềm năng. Hơn nữa, cả Maritain và O’Connor đều tiếp cận Aquinô một cách khiêm tốn, không hề có thành kiến. Maritain tự gọi mình là “Người nông dân miền Garrone,” trong khi O’Connor tự nhận mình là “người thomist quê mùa” (Hillbilly Thomist).

Tiểu thuyết gia Norman Mailer nói rằng nếu có bao giờ gặp Aquinô ở thế giới tiếp theo, ông sẽ đề nghị dành cho ngài tước hiệu “thẩm quyền các giác quan”. Đôi mắt và đôi tai của chúng ta ảnh hưởng tới một thế giới mà chúng ta không tạo ra. chúng là những người báo cáo đáng tin cậy về những gì đang diễn ra trong thực tại. Chúng không bịa đặt những ước mơ, lý tưởng hay hão huyền. Chúng bám chắc vào một thế giới thường thức (common sense) để những người khác nhau có thể nhìn thấy cùng một sự vật. Đài tưởng niệm 4 vị tổng tống Mỹ ở Núi Rushmore không phải là một ảo ảnh. Sự thật có nền tảng trong thực tại bên ngoài tâm trí.

Do đó, chân lý không phải là “giá trị tiền mặt của một ý tưởng” như William James đề xuất, mà là sự phù hợp của tâm trí với đối tượng của nó. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể chia sẻ. Chỉ một tập hợp các ý kiến tản mác sẽ tạo ra hỗn loạn.

Nhà vật lý vĩ đại, Werner Heisenberg, đã ghi công Aquinô vì đã là nhà tư tưởng cởi mở nhất mà ông từng gặp. Aquinô hầu như đọc tất cả mọi điều có đó cho ngài, và đọc một cách kính trọng. Ngài cảnh cáo chống lại "người chỉ đọc một cuốn sách." Với tinh thần đại lượng, ngài nói rằng chúng ta phải yêu thương “những người có ý kiến mà chúng ta chia sẻ và những người có ý kiến mà chúng ta bác bỏ, vì cả hai đều nỗ lực tìm kiếm sự thật, và cả hai đều đã giúp chúng ta tìm ra nó”.

Đối với Aquinô, mọi hiệu quả đều phải có nguyên nhân. Không có gì xuất hiện từ hư không. Nguyên tắc đơn giản nhưng không thể chối cãi này là cơ sở cho năm bằng chứng của ngài về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Phải có một nguyên nhân chính làm cho tất cả các hiệu quả chuyển động. Và nguyên nhân chính này là Thiên Chúa: "Phải có một vị chuyển động đầu tiên hiện hữu trên tất cả và đây là điều chúng ta gọi là Thiên Chúa."

Ngài cũng nhìn nhận tính thực tại và tính khách quan của bản tính. Bản tính con người mô tả mỗi chúng ta và luân lý chỉ đơn giản là cách hành động vừa phù hợp với bản tính của chúng ta vừa hoàn thiện nó.

Đối với tất cả sự tinh thông trí thức của mình, ngài vẫn là một người của nhân dân. Ngài quả quyết, “Tình bạn là nguồn gốc của niềm vui lớn nhất, và nếu không có bạn bè, ngay cả những theo đuổi hợp ý nhất cũng trở nên tẻ nhạt.” Ngài chủ trương rằng tình bạn tuyệt vời nhất là giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, ngài không hề ngây thơ.

Ngài đặt câu hỏi, “Làm thế nào mà hàng tỷ ngôi sao lại sống trong sự hòa điệu như vậy, khi hầu hết người ta không thể bỏ qua một phút mà không tuyên chiến trong tâm trí của họ?”

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Aquinô trong thời của ngài là thiết lập sự hài hòa giữa đức tin và lý trí. Cả đức tin và lý trí đều liên quan đến cùng một Thiên Chúa. Ngài cho rằng một Kitô hữu sẽ tỏ ra lố bịch, ngài tin như thế, nếu anh ta trình bày một tín điều đức tin mâu thuẫn với khoa học.

Luôn luôn là người của sự cân bằng, Aquinô mô tả lòng thương xót mà không có công lý là "Mẹ của sự tan rã", trong khi công lý không có lòng thương xót là "sự tàn nhẫn."

Triết lý của Thánh Tôma Aquinô có sẵn đó cho bất cứ ai lấy làm tiêu biểu. Những trở ngại trong cách hiểu nó có thể dễ dàng được loại bỏ để “triều ánh sáng” của nó có thể thông tri và làm hài lòng tất cả những người tìm kiếm sự khôn ngoan.

Kỳ tới: Thần hoc xét lại hạ thấp tiêu chuẩn của học thuyết Tôma

Vietcatholic News